Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 - 1973)

23/10/201007:38(Xem: 4664)
Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 - 1973)
Chanh Tri Mai Tho Truyen
CƯ SĨ
CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN

(1905 - 1973)

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ông được theo học tại trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, rồi Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Hành nhiệm ở đâu cũng tỏ ra liêm khiết, chính trực và đức độ, không xu nịnh cấp trên, hà hiếp dân chúng, nên được quý mến.

Năm 1945, sau đảo chính Nhật, ông đang làm Quận trưởng Cầu Ngang, được mời về giữ chức Phó Tỉnh trưởng Trà Vinh. Tháng 6 năm ấy, chính quyền Trần Trọng Kim cử ông làm Quận trưởng Thốt Nốt (Long Xuyên). Sau Cách Mạng Tháng Tám, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành, Long Xuyên, rồi Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long Xuyên.

Sau khi quân đội Pháp chiếm Long Xuyên, ông cùng Ủy ban dời về núi Sập rồi giải tán, nhường quyền chỉ huy kháng chiến cho quân sự. Ông lánh về vùng thôn quê ẩn náu. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh mời ông làm Quận trưởng, rồi Phó tỉnh trưởng Sa Đéc. Trước cảnh quân đội Pháp bố ráp tàn sát dân chúng, ông can thiệp không được, nên xin từ chức. Chính phủ không cho, ông bèn cáo bệnh xin đi điều dưỡng.

Giữa năm 1947, ông xin đổi về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ sau đây: Chánh văn phòng Phủ Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), Chánh văn phòng Bộ Kinh Tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại Giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Nguyễn Phan Long, Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam và Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955 ông đổi qua ngạch Thanh tra Hành chánh và Tài chánh, đến năm 1960 thì về hưu.

Sau ngày 01-11-1963, ông tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ cách mạng. Năm 1967 ông ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968 ông giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến năm quy tịch. Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã làm được những việc có ích cho đương thời và hậu thế: xây dựng Thư viện Quốc gia (ngay trên khuôn đất mà thực dân Pháp đã dùng xây khám lớn Saigon gieo biết bao tội ác) nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

Sự nghiệp lịch sử của ông đối với Phật giáo từ khi ông bắt đầu trở thành cư sĩ Phật tử. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa Thượng Thích Hành Trụ thế danh Lê Phước Bình, là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự qui ngưỡng cảm phục trước đức độ và trí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của Ngài. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp.

Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, ông là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đã đóng góp công sức rất lớn. Là một Phật tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Saigon, ông vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, một ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất, tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Năm 1958 hội chuyển về chùa Xá Lợi. Ông làm Tổng thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư.

Bên cạnh đó, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951- 1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí đã được chư Tăng bên Giáo Hội Tăng Già Nam Việt sốt sắng góp phần về phương diện biên tập. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang. Với lối hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài ông viết đã được độc giả hoan nghênh, đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Ông cùng Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam.

Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật Học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá Lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá Lợi đã được đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam.

Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963 được coi là pháp nạn, ông giữ nhiệm vụ Tổng thư ký Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa, bắt bớ cầm tù Tăng Ni Phật tử, ông cũng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức, chỉ một tháng sau ông từ nhiệm, quay về hoạt động cho Hội Phật Học Nam Việt trong cương vị Hội trưởng.

Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng thư ký niên khóa 1967- 1968.

Ngoài những Phật sự nói trên, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Với học lực uyên thâm và sự thông hiểu sâu sắc giáo lý ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩm có giá trị về Phật học như sau:

- Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ - Hà Nội ấn hành năm 1950).
- Ý nghĩa Niết Bàn (1962).
- Một đời sống vị tha (1962).
- Tâm kinh Việt giải (1962).
- Le Bouddhisme au Viet Nam (1962)
- Pháp Hoa huyền nghĩa (1964)
- Địa Tạng mật nghĩa (1965)
(Do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành).

Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm.

Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật Học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.

Ông đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.

Thích Đồng Bổn
(Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/06/2011(Xem: 13044)
Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử. Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.
05/06/2011(Xem: 11608)
Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn.
01/06/2011(Xem: 5641)
Cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội, ta hiểu biết qua hai bản tiểu sử xưa nhất, một của Tăng Hựu (446 - 511) trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29-97a 17 và một của Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13-326b13. Bản của Huệ Hạo thực ra là một sao bản của bản Tăng Hựu với hai thêm thắt. Đó là việc nhét tiểu sử của Chi Khiêm ở đoạn đầu và việc ghi ảnh hưởng của Khương Tăng Hội đối với Tô Tuấn và Tôn Xước ở đoạn sau, cùng lời bình về sai sót của một số tư liệu. Việc nhét thêm tiểu sử của Chi Khiêm xuất phát từ yêu cầu phải ghi lại cuộc đời đóng góp to lớn của Khiên đối với lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc, nhưng vì Khiêm là một cư sĩ và Cao Tăng truyện vốn chỉ ghi chép về các Cao Tăng, nên không thể dành riêng ra một mục, như Tăng Hựu đã làm trong Xuất tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97b13-c18, cho Khiêm.
31/05/2011(Xem: 14371)
Quy ẩn, thế thôi ! (Viết để thương một vị Thầy, mỗi lần gặp nhau thường nói “mình có bạn rồi” dù chỉtrong một thời gian rất ngắn. Khi Thầy và tôi cách biệt, thỉnh thoảng còn gọi điệnthoại thăm nhau) Hôm nay Thầy đã đi rồi Sắc không hai nẻo xa xôi muôn ngàn Ai đem lay ánh trăng vàng Để cho bóng nguyệt nhẹ nhàng lung linh Vô thường khép mở tử sinh Rong chơi phù thế bóng hình bụi bay Bảo rằng, bản thể xưa nay Chơn như hằng viễn tỏ bày mà chi
27/05/2011(Xem: 7750)
Vào năm 247, một vài năm sau khi Chi Khiêm rời khỏi kinh đô Kiến Nghiệp, Khương Tăng Hội, một vị cao tăng gốc miền Trung Á, đã đến đây. Ngài đến từ Giao Chỉ, thủ phủ của Giao Châu ở miền cực Nam của đế quốc Trung Hoa (gần Hà nội ngày nay). Gia đình của Ngài đã sinh sống ở Ấn độ trải qua nhiều thế hệ; thân phụ của Ngài, một thương gia, đến định cư ở thành phố thương mại quan trọng này.
25/05/2011(Xem: 4241)
Đại lão Hòa Thượng Thích Đồng Huy HT. Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh.
05/05/2011(Xem: 4931)
Từ hôm hay tin Thầy lâm bịnh và tiếng nói yếu ớt của Thầy qua điện thoại làm con rất lo. Nhiều năm qua con cố gắng về thăm Thầy một lần nhưng ước vọng đơn sơ ấy đã không toại nguyện. Hơn hai mươi năm con xa Thầy, xa Tu viện, xa đồi núi thương yêu thưở nào. Mai này nếu được về thăm thì thầy đã ra đi biền biệt.
23/04/2011(Xem: 4125)
Thầy đã đọc toàn bộ bài “Tham luận” Nhân trong ngày “Hội thảo” nhớ “Tổ Sư”, Sự nghiệp tu chứng đắc lý chơn như “Ngài Liễu Quán”, sáng gương ngàn thế hệ.
21/04/2011(Xem: 7216)
Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, húy thượng THỊ hạ HUỆ tự HẠNH GIẢI, thế danh LÊ BẢO AN, thuộc đời Lâm Tế Chánh Tông thứ Bốn mươi hai.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567