phác thảo về cuộc đời và sự nghiệp của một danh Tăng
HT.Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình - ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với Phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng - trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình HT đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang - Tăng cang chùa Linh Mụ.
HT.Thích Trí Quang là nhân vật lịch sử, có vai trò quan trọng trong phong trào tranh đấu Phật giáo 1963. Trang 451 của tập hồi kýTâm sự tướng lưu vong, Hoàng Linh Đỗ Mậu viết: “Trong số những Tăng sĩ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm, Thượng tọa Thích Trí Quang là nhân vật bị anh em nhà Ngô đánh giá là nguy hiểm hơn cả”. Ngài cũng là vị “Tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo” được báo chí trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất thời bấy giờ.
Tuy vậy, việc góp sức “Vận động thống nhất Phật giáo VN” cũng như “lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm” không phải là tâm hướng của HT; “sự biên dịch kinh sách (...) mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là lòng mong ước của mẹ tôi” - HT đã viết như thế trong tập Trí Quang tự truyện(do NXB. Tổng hợp TP.HCM xuất bản quý III, năm 2011).
Trí Quang tự truyện,không như mong đợi của nhiều người, chỉ là những phác thảo sơ lược, với khoảng 20.000 chữ - quá ít so với những biến cố quan trọng mà ngài đã chứng kiến và trải qua. Bởi, theo HT: “Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như tự truyện này, vì không thể không có nên phải viết và phải in, mà thôi. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậy”.
Nhân dịp Trí Quang tự truyệnra đời, chúng tôi xin trích một phần (nguyên văn) giới thiệu đến quý độc giả, nhằm để hiểu hơn về tâm hướng của HT - một bậc danh tăng hữu công với Phật giáo mà sự hiểu biết của chúng ta ngày nay về ngài vẫn còn quá ít...
Tâm Đăng
Dầu chưa phải lúc, ở đây vẫn nên nói rõ về sự biên dịch kinh sách Phật giáo của tôi. Vì điều này mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là lòng mong ước của mẹ tôi. Nên, dầu cơ hội có chùa lớn và đệ tử nhiều, tôi có không ít, nhưng tôi khước từ không đắn đo. Chỉ tạm trú hết Từ đàm thì Ấn Quang, thì Già Lam, ở đâu, đầu óc tôi chỉ nghĩ đến, ngay trong lúc ăn, phải dịch chữ này, câu kia, đoạn nọ, sao cho đúng ý và nghe được. Tôi không dạy học, vì không thích bằng sự biên dịch. Khởi sự hơn 1 năm trước ngày tốt nghiệp, tôi đã chuẩn bị đầy đủ để biên tập “Từ điển Phật học” và biên dịch “Đại tạng kinh”. Nhưng công việc lúc đó, công việc góp sức “Vận động thống nhất Phật giáo VN” khiến tôi xếp cất lại chí nguyện của mình. Chỉ còn làm lai rai, như đã làm và sẽ còn làm. Tôi rũ bỏ hết, rũ bỏ thật hết, cầu sao sống được một năm hay năm bảy tháng nữa để sửa chữa và biên dịch mấy đầu sách rất cần. Bản tự truyện này viết mất vài ba tuần, làm tôi không khoái chút nào. Dưới đây là danh mục đã sửa chữa từ Pháp ảnh lục (mà tôi đã quyết định đình chỉ): 1. Ba ngàn hiệu Phật, 2. Lương hoàng sám, 3. Pháp hoa chính văn, 4. Pháp hoa lược giải, 5. Vạn Phật, 6. Tổng tập giới pháp xuất gia, 7. Dược sư, 8. Địa tạng, 9. Thủy sám, 10. Kim cang. và các tiểu phẩm: 1. Hành pháp kinh Di đà, 2. Vu lan báo ân, 3. Tôn kính đức Quan âm. và dự tính đang làm: 1. In lại Pháp cú Nam tông, 2. Đang dịch Pháp cú Bắc tông, 3. In lại Nhiếp luận, 4. Chữa và in Khởi tín luận, 5. In lại kinh Ánh sáng hoàng kim. Chữa và in các tiểu phẩm: 1. Tập định Lăng nghiêm, 2. Dị tông luận. Nay xin nói kinh nghiệm của tôi vốn tính đem ra áp dụng vào 2 việc: biên dịch Đại tạng kinh trước, rồi làm cùng lúc hay sau đó về việc biên tập Đại từ điển (để giải thích từ ngữ trong Đại tạng kinh ấy). Trước, nói biên dịch Đại tạng kinh. Thì Đại tạng ở đây là nói Hoa văn trước. Đại tạng ấy không nhiều nếu (1) bỏ những bản trùng dịch, (2) bỏ những bản không cần dịch, (3) biên dịch yếu lược. Nên tham khảo “Quốc dịch đại tạng kinh” của Nhật trong việc này. Rồi, nói việc làm Từ điển, thì kinh nghiệm cho thấy đừng làm theo Phật học đại từ điển, Phật quang từ điển. Phật học từ điển của Vọng nguyệt cũng phải thu xếp lại chỗ nào cần làm như vậy. Nói thí dụ, chữ Kiếp có đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp, 4 từ tất cả. Nếu giải thích tất cả vào trong từ Kiếp thì tra mau và dễ hiểu hơn. Vấn đề ở chỗ làm mục lục cho kỹ một chút. Lại nữa, lối giải thích như Nhất thế kinh âm nghĩa thì xác hơn, vì có chữ chỗ này chỗ khác nói khác nhau, đâu phải tất cả đều giống nhau. Nên kinh xưa thường có âm thích cuối kinh, làm như vậy xác hơn. Biên dịch Đại tạng kinh và biên tập Đại từ điển là hoài bão của bất cứ ai đã học Phật. Tôi chỉ trình bày sơ sài về kinh nghiệm, không hy vọng làm gì được hơn. Đó là nỗi ân hận đã thành thống hận cho đời tôi. (Trích, Trí Quang tự truyện, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2011, từ trang 42-49.) |
Bài viết liên quan đến chủ đề:
● TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN - Tác gỉa: Thích Trí Quang (sách dạng Ebook)
● TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN: Không vẫn hoàn không - Trần Kiêm Đoàn
● TIỂU TRUYỆN TỰ GHI Hòa thượng Thích Trí Quang● TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN: phác thảo về cuộc đời và sự nghiệp của một danh Tăng -Tâm Đăng● THÍCH TRÍ QUANG VÀ VIỆT NAM - James Mc Allister - Trần Ngọc Cư dich● Thich Tri Quang and the Vietnam War - JAMES McALLISTER(Nguyên tác tiếng Anh - PDF)● CON NGƯỜI THẬT CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH TRÍ QUANG - Đào Văn Bình● PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1963 - Phóng viên Neil Sheehan - Ảnh của © Bettmann/CORBIS● PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1967 Bài: Trọng Hoàng - Ảnh của nhiếp ảnh gia: Co Rentmeester (Life)● HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG và Một Chặng Đường Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Huỳnh Kim Quang
(NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 186)