Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Thượng Thạch Liêm Chúa Nguyễn Phúc Chu Và Chùa Thiên Mụ

29/10/201002:45(Xem: 6126)
Hòa Thượng Thạch Liêm Chúa Nguyễn Phúc Chu Và Chùa Thiên Mụ
HÒA THƯỢNG THẠCH LIÊM
CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU VÀ CHÙA THIÊN MỤ

Nguyễn Hữu Vinh biên soạn

Kể từ khi vết tích của chùa Thiên Mụ được ghi lại đơn sơ trong sách Ô Châu Cận Lục vào năm 1553 (1), chùa đã tồn tại gần 450 năm cho đến ngày nay. Trải qua bao nhiêu cuộc bể dâu, chùa vẫn giữ được địa vị và vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đạo và đời của dân Huế, nói riêng, và của dân cả nước, nói chung. Qua đầu thế kỷ 17, chùa đã thực sự đi vào lịch sử sau khi Nguyễn Hoàng vào xứ đàng trong để gây dựng cơ nghiệp đế vương với huyền thoại “bà tiên mặc áo đỏ” (9).

Cho đến bây giờ, chùa Thiên Mụ đã nổi tiếng từ lâu, ít ai không biết đến, dù chưa một lần được đến tận nơi để nhìn tận mắt. Tiếng chuông chùa và bóng tháp bảy tầng cao ngút đã đi vào lịch sử, văn học và cũng đã trở nên hai biểu tượng riêng của đất Huế. Nói đến chùa Thiên Mụ, từ phong cảnh, di tích lịch sử, huyền thoại, giai thoại văn học, ca dao, tục ngữ v.v, có thể mọi người có thể đều biết rõ, nhưng khi nói đến Hòa Thượng Thích Đại Sán (釋大汕), hiệu Thạch Liêm (石濂和尚), vị sư mà hiện giờ được phụng thờ như là vị tổ sư của chùa, thì rất ít ai biết tới. Vị sư này là ai, gốc gác ở đâu, có công trạng gì đối với chùa mà được tôn thờ vinh dự như là vị sư tổ?

Về danh hiệu của sư Thích Đại Sán, sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (quyển 6, tờ 24) (2) viết rằng: Thạch Liêm Hán Ông, người nhà Thanh, quê Chiết Giang. Thông minh đỉnh ngộ, tinh thông các môn chiêm tinh, luật tịch, lý số, thư pháp, hoạ vẻ, nhất là về môn thơ phú. Thời Minh mạt, nhà Thanh xâm chiếm Trung Quốc, Liêm giữ nghĩa không chịu làm tôi, bèn từ giã mẹ già, xuất gia đầu Phật, vân du khắp các nơi danh thắng…". Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển 8, trang 17) (2) chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm 1714 có ghi …Thời ấy Hòa Thượng ở Chiết Tây tên Đại Sán hiệu Thạch Liêm đem thiền đạo đến yết kiến, được chúa yêu mến, khi ông về nước được chúa tặng nhiều gỗ quý đem xây cất chùa (Trường Thọ), nay còn di tích…”.

Nhiều người lầm tưởng sư Đại Sán là tổ sư và trụ trì chùa Thiên Mụ. Thật ra, sư chỉ ghé đến tại chùa Thiên Mụ trong một khoảng thời gian rất ngắn để hoằng pháp và dưỡng bệnh trong lúc chờ đợi mùa gió thuận lợi để trở về Quảng Đông. Sư chưa bao giờ trụ trì chùa Thiên Mụ cả. Việc nhầm lẫn này có thể do người đời sau vì không biết rõ lai lịch của sư nên người ta viết nhầm địa vị và công lao của sư lên bài vị để thờ trong chùa. Bài vị của sư được viết như sau: "Tự Động Thượng, chánh tông nhị thập cửu thế, khai sơn Linh Mụ tự, thượng Thạch hạ Liêm húy Đại Sán lão tổ hòa thượng giác linh"嗣洞上正宗二十九世開山靈姥寺上石下濂諱大汕老祖和尚覺靈. Chùa Thiên Mụ trải qua nhiều đời, có gần 150 trăm năm trước khi sư Đại Sán đến chùa hoằng pháp chỉ trong 1 thời gian ngắn. Do vậy, sư không thể là lão tổ sư khai sơn của chùa được. Căn cứ vào tên chùa (Linh Mụ) trong bài vị, chúng ta nghi rằng sự nhầm lẫn này đã xảy ra vào thời hoặc sau đời Tự Đức. Vua Tự Đức không có con, nghĩ rằng mình phạm tội với trời nên xuống chiếu đổi chữ Thiên ra chữ Linh. Bảy năm sau, không thấy hiệu nghiệm gì, vua Tự Đức lại cho đổi lại thành Thiên Mụ (3). Nhưng tấm biển “Linh Mụ Tự” ở trước cổng tam quan chùa thì nay vẫn còn và dân Huế vẫn dùng tên Linh Mụ thay cho Thiên Mụ. Hiện giờ sư Đại Sán được tôn thờ như một vị tăng cang hay là sư tổ của chùa, có thể vì do sự nhầm lẫn đáng tiếc như đã nói ở trên. Theo sách “Eminent Chinese of the Ching Period” (4) thì "sư Đại Sán là người giúp đở đắc lực nhất cho Ngô Ỷ trong việc xuất bán sách. Sư Đại Sán giàu có, một phần là nhờ sự cung dưỡng của bọn Thượng Chi Tín và của bọn quan viên quản lý việc mua bán với nước An Nam. Y dùng của cải đó để giúp đỡ cho các văn nhân đương thời nên rất nổi tiếng". Giáo sư Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho), một sử gia Việt nam, gốc Taiwan, đã từng giảng dạy tại các đại học Sài Gòn, Huế, Hongkong và Soka University ở Tokyo trong sách “Thập Thất Thế Kỷ Quảng Nam Chi Tân Sử Liệu” (5) viết rằng: ”...khoảng giữa triều đại Khang Hy, ở xã hội vùng Lĩnh Nam và trên thi đàn, sư Thạch Liêm tiếng tăm lừng lẫy. Ngoài những kẻ có liên hệ với chùa Trường Thọ, còn có những bọn thương gia Tàu và Nhật chuyên đi lại buôn bán với Quảng Nam (chỉ Thuận Hóa của Đại Việt). Đọc sách của sư còn lưu truyền lại như Hải Ngoại Kỷ Sự (海外紀事)(6) và Ly Lục Đường Thi Tập (離六唐詩集) (7), chúng ta nhận thấy rõ vị sư này tự phụ, đắc ý tỏ ra ngoài mặt, quyết chẳng phải một nhà tu hành khiêm tốn... Đối với bọn trí thức thời bấy giờ, vì sư sinh sống xa xỉ, tính ương gàn tự thị, dua nịnh quan trường, lời lẻ kiêu căng, nên có nhiều người phiền trách và xem y như là yêu tăng…Các quan lại nghi ngờ y buôn lậu với An Nam. Cứ theo Hải Ngoại Kỷ Sự kể thì lúc khởi hành từ Quảng Đông đi Hội An thì :”…Tăng chúng đi theo hơn 50 người, hành lý cũng nhiều, thuyền chủ nhìn nhau chẳng biết sắp đặt cách nào…” Đoạn văn nầy chứng thực được hàng hóa Đại Sán đưa qua Đại Việt khá nhiều…. Kết quả chuyến du hành An Nam, chở về nhiều thuyền châu báu như tê giác, sừng voi, san hô, châu ngọc v.v. không phải là ít, khó lòng tránh khỏi sự kinh ngạc của giới nhân sĩ Lĩnh Nam. Do những lời đồn đại về buôn lậu vớí Quảng Nam (An Nam) nên đã gây ra mầm mống tai hoạ cho y sau này.... Sau cùng Đại Sán bị quan đương thời bắt giam và chết trên đường áp giải về quê”(5). Ở đây, chúng ta không luận bàn về những nhận định về hành động và phẩm cách của sư ở Quảng Đông, Trung Quốc, mà chúng ta chỉ xem xét về sự liên hệ của sư đối với quốc chủ Đại Việt thời ấy là chúa Nguyễn Phúc Chu và Phật duyên với chùa Thiên Mụ.

chua-thien-mu-01
Cổng vào chùa Thiên Mụ mà người Pháp ghi là chùa Khổng Phu Tử

Bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, không những ở nước Đại Việt mà còn ở Trung Quốc, là thời loạn lạc triền miên. Ở Trung Quốc, nhà Thanh chiếm cứ đánh đuổi nhà Minh. Vua Thanh Thái Tổ diệt được nhà Minh và lên ngôi năm 1644. Từ đó, những phong trào phò Minh diệt Thanh xảy ra khắp nơi. Đấy là vào thời dân Tàu thờ nhà Minh tràn qua lánh nạn nhà Thanh ở Đại Việt ta, sinh ra lượt sóng di dân từ miền nam Trung Quốc sang. Cũng vào thời đó, chính là lúc Trịnh Nguyễn phân tranh. Ở đàng trong các chúa Nguyễn tìm cách củng cố đế nghiệp để chống chọi với Trịnh ở phương bắc. Các chúa Nguyễn ngoài việc lo chống cự với phương bắc, nhưng đồng thời cũng lo bành trướng thế lực vào phương nam. Thế nên các chúa Nguyễn đã rất khôn khéo trong việc sử dụng nguồn nhân lực và tài lực từ ngoài vào. Các chúa đã sử dụng các người gốc nhà Minh này để khai khẩn và sử dụng như những đạo tiền quân, vừa khai khẩn vừa chống chọi với Chân Lạp. Do đó sự thông thương giữa Trung Quốc và Đại Việt vào thời bấy giờ đã trở nên cấp bách và cần thiết, dù rằng đường bộ gặp sự cách trở vì thế lực của Trịnh và Lê ở đàng ngoài. Nhưng vì thế mà cảng Hội An đã trở thành một thương cảng quốc tế tấp nập để thông thương bằng đường biển với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương, Ấn Độ v.v. Thế lực của các chúa Trịnh đã làm lu mờ vai trò của vua Lê đối với các chúa Nguyễn ở đàng trong. Nho giáo không còn đủ sức cứu giúp nhà Lê. Nho giáo suy đồi, nên nhu cầu Phật giáo càng ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh luồng sóng di dân và thông thương từ Trung Quốc và Nhật Bản vào Đại Việt, Phật giáo Đại thừa (Mahayana) (8) cũng theo vết chân di dân đó bành trướng đến miền trung nước Đại Việt. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (quyển 8, trang 17) chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm 1714 có ghi: ”…sai người qua Tàu mua Kinh, Luật và Luận hơn 1000 quyển…”. Đây cũng là kết quả rõ ràng nhất về việc Phật giáo Đại thừa bành trướng vào đàng trong, sau khi việc sư Đại Sán được mời đến Thuận Hóa và tạm trú một thời gian ở chùa Thiên Mụ. Sở dĩ sư Đại Sán nổi tiếng trong giới Phật giáo, được tôn sư cho tới bây giờ và được phụng thờ ở chùa Thiên Mụ chẳng phải hoàn toàn do tài đức hoằng pháp của sư đối với Đại Việt ta, nhưng vì sư có một người đệ tử tài ba, lỗi lạc và danh tiếng. Đó là Đại Việt quốc chủ chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có công lớn trong công việc đại trùng tu chùa Thiên Mụ, dựng bia, đúc chuông lớn, còn lưu truyền cho đến ngày nay. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí (9) quyển Kinh Sư, phần Tự Quán chép rằng: "…Chùa Thiên Mụ ở ngoài kinh thành, trên gò núi xã An Ninh, nguyên trước có chùa Phật. Gia Long năm thứ 14 xây lại…Nay xét bản triều Thái Tổ Hoàng Đế (tức chúa Tiên Nguyễn Hoàng) Tân Sửu năm thứ 44 (tức năm 1601) xa giá đến viếng Hà Khê, thấy giữa đồng bằng nổi một gò đất cao như hình đầu rồng quay lại, nhìn thẳng ra sông, phía sau có hồ, cảnh trí đẹp đẽ, nhân hỏi chuyện, người địa phương bảo rằng: …gò này linh thiêng, tương truyền ngày xưa ban đêm có người trông thấy một vị tiên bà mặc áo đỏ quần lục ngồi trên gò nói rằng: “Sau này sẽ có vị chân chúa đến sửa lại chùa này, tụ linh khí để giữ long mạch cho được bền vững”, nói xong biến mất, nhân đó đặt tên là Thiên Mụ Tự…Thái Tông Hoàng Đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần) Ất Tỵ năm thứ 17 (1665) sửa chữa lại, Hiển Tông Hoàng Đế Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714) trùng tu chùa…”. Hiển Tông hoàng đế tức là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, đế hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi năm 1691, trẻ tuổi , tài ba xông xáo ra bắc vào nam, mở mang bờ cõi và rất tôn sùng đạo Phật. Do vậy, chuyện mời sư học đạo cũng là chuyện tất nhiên. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhân lúc sư Đại Sán còn ở Đại Việt đã quy y học đạo, tôn sư làm thầy. Nhân duyên này đã khiến chúa cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ trong tinh thần nhớ ơn vị thầy mà mình đã quy y. Chúa đã cho khắc vào bia (10) những dòng chữ trịnh trọng như sau: "…Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu đại sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tông chỉ như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Chiết Tây Trung Quốc…"(10). Và những hàng chữ nhớ thương vô vàn: “…Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo, vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu…”(10). Mối liên hệ giữa chúa Phúc Chu và sư Đại Sán khá mật thiết. Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (q. 6, trang 24) còn ghi lại thi văn của sư, sau khi sư đã trở về lại Quảng Đông, gửi cho chúa để tỏ lòng thương nhớ. Những bài thi văn này trích trong hai tập sách của sư là Hải Ngoại Kỷ Sự và Ly Lục Đường Thi Tập vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay. Theo Tổng mục đề yếu Tứ Khố Toàn Thư (四庫全書) (tập hợp sách sử của vua Càn Long, hoàn thành năm 1782) (11), loại địa lý, mục 7 chép rằng" Hải Ngoại Kỷ Sự gồm 6 quyển do quốc triều Thích Đại Sán biên soạn. Tuần Phủ Chiết Giang tìm thấy đem dâng: "…Đại Sán là sư chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông. Mùa xuân năm Ất Hợi triều đại Khang Hy, Đại Việt Quốc Vương mời qua thuyết pháp, hơn một năm lại trở về. Sách chép những điều tai nghe mắt thấy, phong tục tập quán nước ấy. Tiên vương của nước Đại Việt là rể của nước An Nam (chỉ Nguyễn Hoàng) (12), chia cứ miền nam, xưng hiệu là Đại Việt. Đầu sách có bài tựa của Nguyễn Phúc Chu, dưới cuối đề tháng 5 năm Bính Tý, tức là Khang Hy năm thứ 35 vậy”…”. Chính nhờ hai cuốn sách này, nhất là cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự, chúng ta biết được một ít về con người và khúc phim lịch sử về cuộc hành trình của sư Đại Sán qua Thuận Hóa, cùng mối liên hệ của sư đối với chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhiều người lầm tưởng sư Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang. Nhưng thật ra, bắt đầu từ thời vua cha của chúa Phúc Chu là Anh Tông hoàng đế (tức chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (Thái) 1687-1691) khi đang còn tại thế đã từng hạ lệnh cho Tạ Nguyên Thiều (謝元韶) qua Quảng Đông mời Đại Sán sang Đại Việt hoằng pháp. Bia của chúa Nguyễn Phúc Chu dựng tại chùa Quốc Ân, Huế, đời Lê Dụ Tông thứ 10 có viết: “Hoán Bích Thiền Sư Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung (Thừa Thiên) vâng lệnh chúa Nghĩa sang Quảng Đông mời Đại Sán Hòa Thượng”. Sách Đại Nam Nhất Thông Chí quyển Thừa Thiên, phần tăng lữ viết: “…Tạ Nguyên Thiều tên chữ là Hoán Bích, người gốc Triều Châu tỉnh Quảng Đông, nhà Thanh, xuất gia lúc 19 tuổi. Qua Đại Việt thời Thái Tông Hoàng Đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), đến Qui Ninh (Nay Quy Nhơn) xây chùa Di Đà, hoằng dương Phật pháp... Sau đó ra Thuận Hóa, xây chùa Quốc Ân. Tạ Nguyên Thiều vâng lệnh Anh Tông Hoàng Đế sang Quảng Đông mời cao tăng Thạch Liêm Hòa Thượng. Khi về lại Thuận Hóa, ra trụ trì chùa Hà Trung. Khi mất Hiển Tông Hoàng Đế tặng tên thuỵ là Hạnh Đoan Thiền Sư”. Trong bối cảnh lịch sử loạn ly của cả Trung Quốc và Đại Việt thời đó, với dòng người di dân gốc Minh sang, văn hóa chính trị của Đại Việt đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng tại sao vua Anh Tông cho Tạ Nguyên Thiều sang Trung Quốc tìm kiếm cao tăng, vì lý do chính trị hay là tôn giáo, chúng ta hiện tại khó tìm ra được nguyên do. Các chúa Nguyễn kế vị vua Anh Tông tiếp tục muốn tìm cách dùng ảnh hưởng của nhà Thanh để kềm chế vua Lê chúa Trịnh chăng? Điều này cũng có thể là một nguyên do, hay là do tôn giáo tính của người thời bấy giờ thúc đẩy. Nhưng Đại Sán, tức Thạch Liêm Hòa Thượng qua Thuận Hóa không phải là kết quả trực tiếp của chuyến đi của họ Tạ, mà là do nhân duyên của chúa Phúc Chu với sư. Trong bài Tự (tựa), do chúa đề tặng trên sách Hải Ngoại Kỷ Sự thì: “…Ta khi còn làm Thái Tử vẫn thường hay ngưỡng mộ thầy ta ở chùa Trường Thọ. Vua cha ta lúc trước đã gửi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp Tuất ta muốn thọ Bồ Tát Giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa Thượng nhận lời mời…”長壽本師老和上余自居儲來積慕有年先王書聘至再弗顧甲戌秋欲受菩薩戒法繼志敦請果適我願. Trong Hải Ngoại Kỷ Sự quyển một, cũng có ghi hàng chữ như sau: “…Ngày mùng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng cung kính, sụp lạy dâng lên cùng với các lễ vật… thưa rằng “Đại Việt Quốc Vương từ lâu ngưỡng mộ Hòa Thượng. …Kể từ tiên vương (tức Nghĩa vương) đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…”. Đối với sự ân cần mời rước, sư Đại Sán dĩ nhiên vui lòng tiếp nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Câu văn trên giúp ta nghĩ rằng chuyện vị sư Tàu này qua Đại Việt, có thể do vấn đề tôn giáo hơn là chính trị. Cuộc hành trình đầy sóng gió và thú vị ghi lại trong tập Hải Ngoại Kỷ Sự thu thập những điều tai nghe mắt thấy trong lúc sư Đại Sán du hành từ Quảng Đông, Trung Quốc sang đất Đại Việt. Sư từ Hoàng Phố tỉnh Quảng Đông, đáp thuyền buôn đi Hội An vào đêm treo đèn rằm tháng giêng năm Ất Hợi (Khang Hy thứ 34, tức ngày 27 tháng 2 năm 1695), khoảng hơn hai tuần lễ lênh đênh trên biển, thuyền đến Cù Lao Chàm ngoài cửa biển Hội An, rồi chuyển sang chiến thuyền của chúa Nguyễn Phúc Chu, đi thẳng vào đất Thuận Hóa vào ngày 29 tháng 1 năm Ất Hợi (ngày 13 tháng 3 năm 1695), ngụ tại chùa Thiền Lâm, Huế và làm quốc khách của chúa Phúc Chu. Đến ngày 28 tháng 6 năm đó (ngày 7 tháng 8 năm 1695) sư vào Hội An chuẩn bị đáp thuyền buôn trở về Quảng Đông, song bị đau nên phải lưu lại. Chúa Nguyễn Phúc Chu nghe tin bèn khẩn hoảng mời sư từ Hội An ra lại Thuận Hóa, tạm trú tại chùa Thiên Mụ từ ngày 16 tháng 10 (ngày 22 tháng 11 năm 1695) để dưỡng bệnh và hoằng pháp cho tới hạ tuần tháng 6 năm sau (1696) mới trở về lại Quảng Đông. Chúa Nguyễn Phúc Chu là vị vua tuổi trẻ, tài ba, có lòng tu Phật, mong đem tâm Phật mà trị nước nên đã quy y đầu Phật với sư. Trong bài Tự sách Hải Ngoại Kỷ Sự, chúa Phúc Chu viết: “…Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ Tát Giới pháp danh Hưng Long đãnh lễ, viết vào ngày tháng năm năm Bính Tý…”丙子蒲月大越國王阮福週受菩薩戒弟子法名興龍頂禮. Trong Ly Lục Đường, bài tựa của Đường Hóa Bằng viết rằng: “…Hòa thượng là đời thứ 29 dòng Tào Động, con của Trượng Nhân…”. Cho nên, đến khi chúa Phúc Chu đại trùng tu chùa Thiên Mụ, chúa xưng là dòng Tào Động thứ 30 và khắc danh vào bia đá như sau: "…Chúa dựng chùa Thiên Mụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu kế truyền chính tông phái Động Thượng đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân ghi văn bia và dựng bia bền vững ở chùa Thiên Mụ xứ Thuận Hóa…”(10).

Trong gần hơn một năm ở lại Thuận Hóa, hoạt động chính của sư Đại Sán là việc triệu tập tăng chúng toàn quốc, mở ba pháp đàn truyền giáo là trọng yếu. Việc ấy nhằm mục đích nhắm vào việc chấn hưng Phật giáo, thanh trừng những phần tử truỵ lạc và cũng để đáp lại lời than phiền của chúa Nguyễn Phúc Chu nêu lên về những tệ đoan trong giới Phật giáo thời ấy. Nhân dịp đó chúa cùng mẹ và em gái quy y, thọ Bồ Tát Giới với sư và nhận pháp danh do sư đặt ra. Ngoài những hoạt động Phật pháp, có lẻ những điều giúp ích nhất cho chúa Nguyễn Phúc Chu là những điều chỉ vẽ, đề nghị liên quan đến việc trị nước trong những lần đôi bên đàm đạo với nhau. Cuối quyển hai của Hải Ngoại Kỷ Sự, sư viết rằng "…Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần "Lập Quốc Chính Ước" (立國政約) gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xong mừng rỡ, bảo Nội quan Chưởng Sự rằng "Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão Hòa Thượng đem phép lễ Trung Quốc chỉ dạy, liệt kể 18 điều, nên khắc yết lên cửa phủ, hiểu dụ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hễ ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều theo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy"…”... Thật đáng tiếc trong Hải Ngoại Kỷ Sự không thấy ghi lại nội dung bản "Lập Quốc Chính Ước" này! Ngoài ra, khi mớí đặt chân đến Thuận Hóa, sư dâng lên cho chúa bản điều trần "Điều trần về việc của nước Đại Việt (大越事宜)"có nội dung rõ ràng như sau:

1. Nên tiến cống nhà Thanh để chính danh
2. Đặt đồn thú để củng cố biên thuỳ
3. Thương yêu quân sĩ để cổ võ lòng trung dũng
4. Mở mang trường học để giáo dục nhân tài

Chúa Nguyễn Phúc Chu, đối với sư Đại Sán rất đổi kính trọng, tôn kính và dốc lòng học hỏi. Ngược lại, trên cương vị quốc khách Đại Sán dù có phần tự kiêu, tự đại, tự phụ, nhưng đối với chúa và các đại quan trong triều, sư Đại Sán vẫn có lòng thành và kính nể. Trong bản điều trần trên, sư viết "…Người xưa bảo rằng "Kẻ ngu nghĩ ngàn điều cũng có một điều được", tôi đã nhận lời mời của nhà vua đến đây, nếu biết mà không nói, ấy là phụ lòng vua, mà cũng tự phụ mình. Sau đây trích ra vài điều bày tỏ, tạm gọi là tỏ chút lòng thành…". Điều đặc biệt nên nhắc tới là trong Hải Ngoại Kỷ Sự, sư gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là Quốc Vương, Đại Vương, Vương v.v, còn xưng nước ta là Đại Việt. Trong bài Khải (啟), sư dâng lên cho chúa lúc mới đến Thuận Hóa có những câu: "…Quý Vương quốc từ xưa khai sáng Thuận Hóa, Thanh Hóa, tám trấn Tam Giang, hùng cứ bốn mươi bảy châu. Quý Đại Vương nối nghiệp đã có, Kiến Bình, Tân Bình bao la, thiên sơn vạn thuỷ…Nay kính, Đại Việt đức chúa điện hạ ngân an…". Việc xưng hô này cũng là một điều rất hiếm xảy ra đối với nhân sĩ Trung Quốc lúc xưa, khi mà họ đang còn gọi các nước vùng ven biên Trung Quốc là Rợ, Di, Man v.v. Đây cũng chính là một trong những "tội trạng" mà nhân sĩ Quảng Đông thời bấy giờ buột tội sư!. Trong bài khảo cứu về "Tiểu Sử của Thích Đại Sán", GS Trần Kinh Hòa dẫn chứng: "…Trong bài của Mậu Thuyên Tôn (về sự lược Thạch Liêm Hòa Thượng) có dẫn bài kể tội Đại Sán của Phan Thứ Canh gửi cho Đại Đương Sự tỉnh Việt (Quảng Đông) có câu như sau "…Xét lúc An nam Mạc thị (chỉ Mạc Đăng Dung) mới quy thuận, chỉ phong Đô Thống Sứ, nay Nguyễn Phúc Chu chưa xin phong, chưa chịu sắc mạng triều đình, sao được xưng là "Vương phủ", nghiễm nhiên ngang hàng với các thân vương Trung Quốc,…hay sao?…". Về ảnh hưởng của sư đối với chúa Nguyễn Phúc Chu thì như thế nào, trong bài Tự (tựa) Hải Ngoại Kỷ Sự, chúa viết “…Từ lúc đến vào mùa xuân năm Ất Hợi cho tới mùa hạ năm Bính Tý, được gần gũi cung dưỡng. Ngoài chuyện ngày đêm giảng dạy đạo lý, còn chỉ bảo cương kỷ luân thường. Từ chuyện to đến chuyện nhỏ đều vạch lối chỉ đường, phân tích rõ ràng mạch lạc, khác nào dẫn dắt người từ nơi tối tăm ra nơi ánh sáng, giúp ích cho ta trong công việc chính cương trị nước biết chừng nào…" 從乙亥春抵國迄丙子夏供養親近靡間晨夕禪論之餘大而綱常倫紀小而事物精粗莫不條分縷析理明詞暢若人從幽暗中挈諸青天皎日之上其為裨益政治實多.

Tổng quát sự việc thì Hải Ngoại Kỷ Sự ngoài việc ghi chép những chuyện đàm đạo với chúa, với các quan đại thần, còn ghi lại đơn sơ phong tục, tập quán, tình hình sinh hoạt của dân chúng, kiến trúc của vương phủ, hoạt động luyện tập quân lính, sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên, khí hậu cay nghiệt, ngay đến cả tình trạng hoạt động của ngoại kiều (Hoa, Nhật), cũng như sự tấp nập của cảng Hội An thời đó. Sách còn thu góp tất cả những bài thơ tức cảnh, thơ đối đáp, đề vịnh, rất phong phú, có khoảng hơn 120 bài. Đặc biệt trong thời gian lưu lại chùa Thiên Mụ, sư có làm hai bài thơ tả cảnh chùa Thiên Mụ rất hay như sau:

Bài số 1
Phạn vương cung khuyết Nguyễn vương khai
Ngọc điện chu môn sinh duyên đài
Nhất đại vinh quang dư thảo mộc
Thiên thu hoa vũ (1) kết hương đài
Đình tiền vân ảnh sơn liên thuỷ
Hạm ngoại phàm phi khứ phục hồi
Vị thức trích tiên Thiên Mụ phú
Mộng du khả thị thử trung lai
梵王宮闕阮王開
玉殿朱門生緣苔
一代榮光餘草木
千秋花雨結香臺
庭前雲影山連水
檻外帆飛去復回
未識謫仙天姥賦
夢遊可是此中來

Bài số 2
Đương niên vương khí xuất trung lưu
Bá nghiệp hoàn qui phạn bối tu
Thạch khuyết bất lưu Tần tuế nguyệt
Sắc thư thượng tải Hán xuân thu
Hải triều (2) sa giới (3) tam thiên lý
Phong vũ (4) chung minh (5) bách bát châu
Phật hoả nhất kham thiêu bá tử
Toạ tiêu hàn nguyệt bất tri sầu
當年王氣出中流
霸業還歸梵貝修
石闕不畱秦歲月
敕書尚載漢春秋
海潮沙界三千里
風雨鐘鳴百八州
佛火一龕燒栢子
坐消寒月不知愁
Bài số 1 Nguyễn Hữu Vinh dịch thơ

Phật Tổ chùa đây chúa Nguyễn xây
Cửa son điện ngọc mọc rêu đầy
Cỏ cây vương dấu dòng vinh hiển
Hương án thờ ghi nghiệp đế dày
Sông núi ngoài sân mây lộn bóng
Đi về ngoài cổng cánh buồm bay
Chưa nghe huyền thoại bà Thiên Mụ
Mộng tưởng thì đây lại chốn này

Bài số 2 Nguyễn Hữu Vinh dịch thơ

Ở đây vương đế dấy từ lâu
Việc lớn làm nên bởi nghiệp tu
Năm tháng Tần xưa bia mất dấu
Xuân thu Hán cũ sách còn lưu
Câu kinh bay rộng ba ngàn dặm
Tiếng kệ vang xa trăm tám châu
Đốt củi bách tùng khêu lửa Phật
Nhìn trăng thanh thản suốt đêm thâu

Chú thích:
1. Hoa vũ: Mưa hoa, nhiều hoa. Lấy ý danh từ Phật giáo: Hoa, chỉ một trong 6 loại dùng để cúng dường. Kinh Đại Nhật (大日經) viết: Hoa, gợi ý từ bi, là hạt nhân của lòng thanh tịnh. Chỉ việc cúng thờ.
2. Hải triều: do chữ Hải Triều Âm (海潮音), chỉ tiếng tụng kinh lớn như sóng biển ỳ ầm
3. Sa giới: chỉ số nhiều, nhiều như cát sông Hằng.
4. Phong vũ: Lấy từ tên kinh "Chỉ phong vũ kinh" (止風雨經), chỉ việc tụng kinh
5. Chung minh: Lấy từ chữ "Chung phạn (鐘梵)". Trong Tính Linh tập (性靈) có câu: "Kinh phạn đoạn nhi diệc tục", chỉ việc kiên trì kinh kệ.

Cuộc hội ngộ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và sư Đại Sán, được ghi lại trong Hải Ngoại Kỷ Sự đã để lại trong lịch sử bang giao Trung Việt một đề tài đặc biệt, kỳ thú và hấp dẫn. GS Trần Kinh Hòa trong sách "Thập Thất Thế Kỷ Quảng Nam Chi Tân Sử Liệu" viết rằng: "…Cuộc đời của Đại Sán ly kỳ biến ảo, về già lại bị tù tội. Tuy thái độ, hành vi của y khá khen nhưng chê cũng nhiều. Song chúng ta nhận thấy, y có một nhân cách phóng đãng, không chịu bị gò bó. Thực như bài đề yếu Hải Ngoại Kỷ Sự trong Bút Ký Tiểu Thuyết Đại Quan Bản đã viết: "…Tuy có những tiếng tăm không ngờ, nhưng ông vẫn là một người mượn cớ để lánh đời, muốn mượn văn chương để tỏ chí mình, điều đó thực rõ như ban ngày vậy…". Chuyện du hành qua Quảng Nam Đại Sán đã làm cho vua tôi chúa Nguyễn cảm mến và long trọng cung dưỡng, cho đến thái độ thành thực của Đại Sán đối với họ, dù rằng những ghi chép trong sách có phần tô vẽ ít nhiều, đôi khi bộc lộ kiêu căng, nhưng cũng có thể được xem như là một trang phụ, thú vị trên lịch sử quan hệ Trung Việt. Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển 6 trang 24 chép rằng: "… Vào triều Minh Mạng, vua sai Trương Hiếu Hợp đi sứ sang Trung Quốc, có ghé lại Quảng Đông đến thăm chùa (Trường Thọ). Các tăng trong chùa vẫn còn nhắc lại chuyện sư Thạch Liêm…”, đó là một chứng cớ rõ ràng".

Hiển nhiên, sư Đại Sán có ảnh hưởng không nhỏ đối với chúa Nguyễn Phúc Chu trong công việc chấn chỉnh triều cương, chấn hưng và truyền bá Phật giáo. Nhưng xét lại những lời lẽ và những việc làm ghi trong sách Hải Ngoại Kỷ Sự, sư Đại Sán chỉ có thể được xem như là một cố vấn được chúa Nguyễn Phúc Chu trọng dụng và kính nể, chứ không đáng được để tôn thờ như là một vị tổ sư của chùa Thiên Mụ. Đây hẳn là một sự nhầm lẫn đáng tiếc! Xem sách Đại Nam Nhất Thống Chí, sách được tu bổ sau các sách Đại Nam Thực Lục, cũng chỉ ghi lại công lao hoằng pháp của sư Tạ Nguyên Thiều (Hạnh Đoan Thiền Sư) mà thôi.
chua-thien-mu-02
Chùa Thiên Mụ ngày nay

Tham khảo
1. "Ô Châu Cận Lục", Dương Văn An, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1997
2. "Material on the Sino-Vietnamese relations in the DAI NAM THUC LUC (Veritable Record of Vietnam", Wen-Tang Shiu, Academia Sinica, Taipei, Taiwan, 2000 (Tóm lược sự liên hệ giữa Việt nam và Trung Quốc trong Đại Nam Thực Lục)
3. "Huế, vài nét cố đô", Mai Ưng, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Công Ty Quản Lý Di Tích Huế, 1991
4. "Eminent Chinese of the Ching Period”, Arthur W. Hummel ,Taipei, 1991, SMC Publishing Inc.
5. "Thập Thất Thế Kỷ Quảng Nam Chi Tân Sử Liệu", Chen Ching Ho, nhà xuất bản Trung Hoa Tùng Thư, 1960 (十七世紀廣南之新史料,陳荊和著)
6. "Hải Ngoại Kỷ Sự", Thích Đại Sán, nhà xuất bản Tân Văn Phong, Taipei, 1997 (海外紀事 六卷 / (清)大汕厂翁撰),臺北市新文豐出版公司, 1997[民86] )
7. "Ly Lục Đường Tập", Thích Đại Sán, Bắc Kinh Xuất Bản Xã, Bắc Kinh, 2000(離六堂集 十二卷 / (清)釋大汕撰,北京市北京出版社, 2000[民89] )
8. "Buddhism in Vietnam", Le Manh That, Budden Gyoshi. http://www.quangduc.com
9. "Đại Nam Nhất Thống Chí", Cao Xuân Dục, Đời Duy Tân thứ 3, 1910, Hội Nghiên Cứu Indochina, Tokyo, 1941
10. "Bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu", Nguyễn Hữu Vinh dịch, Thích Trí Tựu cung cấp, 1994.
11. "Khâm Định Tứ Khố Toàn Thư Đề Yếu", Vua Càn Long, 1782, Academia Sinica, Taipei, Taiwan (欽定四庫全書提要 一百十四卷, 解題一卷, 補遺一卷, 附錄三卷 / (清)乾隆47年(1782),中央研究院 ,台北,台灣).
12. "Việt Nam Khai Quốc Chí Truyện", Nguyễn Bảng Trọng, Chen Ching Hao khảo đính, Ecole Francais d'Extreme Orient, Học Sinh Thư Cục xuất bản xã, Taipei, 1992 (越南開國志傳,法國遠東學院,台灣學生書局出版,1986,台北,台灣).
13. "Phật Học Đại Từ Điển", Phật Quang Văn Hóa Xuất Bản Xã, Taipei, Taiwan (佛學大辭典,佛光文化出版社,台北,台灣).
Phụ Lục: Photocopy bài Tự (Tựa) của chúa Nguyễn Phúc Chu viết ở phần đầu sách Hải Ngoại Kỷ Sự, có đóng dấu ấn triện của chúa.
Nguồn: http://www.trangnhahoaihuong.com/ http://old.thuvienhoasen.org
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/04/2023(Xem: 2560)
Sư đệ ơi! Sinh ra từ vùng cát trắng thuỳ dương, quê hương Hải Nhuận thế phát xuất gia nơi Cố Đô Từ Vân Trú xứ Cầu pháp chuyên tu tại Hội An Vạn Đức Tổ Đình Hơn 30 năm mặc áo tu hành, nương thiền tự vui câu kinh tiếng kệ. Sớm hôm cùng thầy Tổ đệ huynh, hết lòng phụng sự quần sinh. Nay duyên mãn Đệ về nơi Bổn Sở.
24/04/2023(Xem: 2609)
Người đi tắt hạt nắng vàng, Người về cõi Phật, an nhàng tịch thân. Dấu chân đọng giữa phù Vân, Nụ cười trao lại, trọn phần thế gian.
21/04/2023(Xem: 2707)
6- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Giới Nghiêm (1921-1984)
21/04/2023(Xem: 2400)
5- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Hạnh Tuấn (1956-2015)
21/04/2023(Xem: 2285)
3- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Đức Niệm (1953-2017)
21/04/2023(Xem: 2342)
2- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Viên Diệu (1954-2015)
21/04/2023(Xem: 1960)
1- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Thiện Minh (1921-1978)
20/04/2023(Xem: 2255)
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn, thế danh Trương Xuân Bình, sinh ngày 20 tháng 11 năm 1933 (Quý Dậu) tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam, là con thứ sáu trong một gia đình mười hai anh chị em. Thân sinh của Cố Trưởng Lão Hoà Thượng là cụ Trương Xuân Quảng, mất năm 1945, nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm Học (tương đương với Trưởng Ty Nha Học Chánh dưới thời các chính phủ quốc gia sau này) tỉnh Bình Thuận năm 1933 – 1939, và Đốc Học tỉnh Quảng Ngãi năm 1940 – 1945. Nhờ túc duyên với Phật Pháp, nên đến năm 1950, Cố Trưởng Lão Hoà Thượng đến Chùa Linh Mụ, thành phố Huế (Thừa Thiên), xin xuất gia làm đệ tử Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, và được Hòa Thượng Bổn Sư cho pháp danh là Tâm Chánh, pháp hiệu là Trí Chơn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]