Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm Hiểu Tư Tưởng Phật Giáo Của Đại Thi Hào Nguyễn Du

30/12/201004:01(Xem: 5929)
Tìm Hiểu Tư Tưởng Phật Giáo Của Đại Thi Hào Nguyễn Du
TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO
CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

TS. Nguyễn Phạm Hùng

Nguyễn Du (1765-1820) tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ, sinh trưởng trong gia đình phong kiến quý tộc có nhiều danh vọng, quê gốc ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cha và anh của ông giữ những chức vụ quan trọng trong phủ chúa Trịnh. Thời trẻ ông tập ấm một chức quan võ nhỏ của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm 1787, Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh, ông bắt đầu thời kỳ “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi). Sau ông phục vụ nhà Nguyễn, làm đến Hữu Tham tri Bộ Lễ, từng được cử làm chánh sứ đi sứ Trung Quốc.

Ông là đại thi hào dân tộc, tác giả kiệt tác Truyện Kiều và nhiều tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn khi đấu tranh mãnh liệt cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, phơi bày nỗi thống khổ của kẻ bị trị, cũng như phơi bày những sự tàn ác của chế độ phong kiến. Vì những cống hiến kiệt xuất về mặt văn học, năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, ông được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam.

Chúng ta thường biết đến Nguyễn Du với tư cách là một nhà thơ mang tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cao cả, một nhà thơ hiện thực sâu sắc, một con người của cuộc đời trần thế gian nan, đã viết nên những tác phẩm bất hủ về quyền sống của con người bằng một thứ nghệ thuật trác tuyệt. Tác phẩm của ông bày tỏ nỗi cảm thương sâu sắc đối với nỗi thống khổ của con người “có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, khiến cho các tác phẩm như “có máu sa ở đầu ngọn bút”.

Nhưng chúng ta không biết rằng, ông còn là một nhà Thiền học, một tín đồ Phật giáo từ trong tâm khảm. Tinh thần Thiền học đã thấm nhuần trong nhãn quan của ông đối với cuộc đời, cũng như thấm nhuần trong nhiều sáng tác quan trọng của ông. Nó chính là một động lực để ông sáng tác, một mục tiêu để ông gửi gắm, và một cứu kính để ông nương tựa. Nó là một phần quan trọng trong tư tưởng nghệ thuật của ông.

Người ta gọi thời đại của Nguyễn Du là thời đại bão táp, thời đại của những đổi thay. Những cảnh “thay đổi sơn hà”, những “cuộc bể dâu” diễn ra liên tục. Và con người quay cuồng trong khổ nạn của mọi đổi thay lịch sử. Bằng chính cuộc đời “dâu bể” của mình, Nguyễn Du nhận ra rằng, con người muốn tồn tại thì phải vượt ra ngoài mọi sự đổi thay, vượt lên trên mọi sự điên đảo, vượt lên cái hằng biến để thường trụ vào cái vĩnh viễn, cái bất biến.

Nhưng vượt lên bằng cách nào? Bằng chính con người đầy những “tham, sân, si” của mình, hay trông đợi vào một phép màu của tạo hoá? Tất cả những điều đó, theo ông, đều là khong thể. Ông cho rằng, con người ta chỉ có thể tồn tại được, chỉ có thể vượt qua được thực tại khổ đau bằng một thái độ “vô chấp”, bằng một tinh thần từ bi hỉ xả được quán chiếu trong hành động và suy nghĩ. Trong bể khổ trầm luân, con người cố vùng vẫy thoát ra, nhưng nào thoát được. Bởi người ta không nhận thức được rằng, tất cả những thứ đó chỉ là thứ “bào ảnh” làm mê hoặc con người. Ông muốn mọi người phải nhận thấy rằng, cuộc đời này chỉ là những sát na của ảo ảnh, để cuối cùng “vạn cảnh giai không”. Trong bài thơ “Đề động Nhị Thanh”, ông viết:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền.
Đại sư vô ý diệc vô tận,
Phủ thán thành trung đa biến thiên.

Dịch nghĩa:

Khắp cõi đều là không thì làm gì có sắc tướng?
Lòng này thường yên định, không xa đạo Thiền.
Đức Phật không có tâm ý mà bao la vô tận,
Ngậm ngùi nhìn xuống những đổi thay trong thành.

Hệ luỵ của cuộc đời, những đớn đau của thân kiếp, là gì nếu như không phải vì con người ta còn cố bám víu lấy cái “sắc”, cái “hữu”, còn câu chấp vào chuyện có không. Nên chăng là hãy trở về, trở về với chính mình, với “bản lai diện mục” của chính mình. Nhưng ý thức là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Cả cuộc đời ông vẫn phải gắn bó với bao điều khiến cho ông đau khổ, khiến cho ông phải chứng kiến những xót xa của mọi kiếp người, khiến cho ông “không có bệnh mà người lúc nào cũng cứ cúi khom” (vô bệnh cố câu câu). Ông cảm thương những số phận bất hạnh cũng chính là cảm thương cho thân kiếp của mình, “thương người mà lại thương mình xót xa”. Ông hổ thẹn vì đã phản bội chính cái tư tưởng xuất thế mà ông hằng nguyện ước. Trong bài thơ “Trông, chùa Thiên Thai”, ông viết:

Khả liên bạch phát cung khu dịch,
Bất dữ thanh sơn tương thuỷ chung.

Dịch nghĩa:

Thương mình đầu bạc còn phải lận đận,
Không được cùng núi xanh trọn nghĩa thuỷ chung.

Chúng tôi cho rằng, lời phát biểu sâu sắc nhất về tư tưởng Thiền học của Nguyễn Du là trong bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá phân kinh của Thái tử Chiêu Minh nhà Lương). Trong lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đã đến dưới đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh, con của Lương Vũ Đế (502-549), một người rất sùng đạo Phật. Đài đá đã mòn hết chữ, chỉ còn hai chữ “phân kinh”, ghi lại câu chuyện vị Thái tử nhà Lương nhìn đời bằng con mắt “phân biệt”:

Đây là nơi Thái tử Chiêu Minh đời Lương chia kinh
Đài đá chỉ còn hai chữ “Phân kinh”.

Dưới đài đá này, ông giác ngộ ra yếu chỉ của đạo Phật. Ông nhận thấy cái mờ mịt trong nhận thức và cái vô nghĩa trong công việc “chia kinh” của vị Thái tử xưa:

Đạo Phật vốn là không, không nhờ vào vật: Đâu có kinh mà phải chia?

… Văn thiêng không ở ngôn ngữ
Kinh Kim Cương là gì, kinh Pháp Hoa là gì?
Giữa sắc với không, mờ mịt không hiểu rõ
U mê mà theo Phật, thì Phật thành ma

Theo ông, làm sao có thể “chia kinh” được, làm sao có thể dùng con mắt “phân biệt” để giải minh được Phật lý, mà phải biết mở con mắt “vô phân biệt” để nhận thức nó, thì mới có thể tự mình chứng lấy được chân lý. Bởi vì “Linh Sơn chỉ ở trong lòng người”. Trong bài thơ của mình, ông đã nhắc lại gần như nguyên văn lời kệ tiêu biểu cho phép “đốn” nổi tiếng của sư Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc:

Minh kính diệc phi đài
Bồ đề bản vô thụ

(Minh kính cũng không phải là đài
Bồ đề vốn không phải là cây)

Nguyễn Du từng trăn trở nhiều về Phật pháp, về Thiền lý, nhưng như ông nói, chỉ khi đứng dưới đài phân kinh của Thái tử Chiêu Minh, ông mới giác ngộ được chân lý:

Ta đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt
Những ý nghĩa sâu xa trong đó phần nhiều không rõ ràng
Khi đến dưới đài Phân kinh này
Mới biết “kinh không chữ” mới thật là chân kinh

Chỉ khi chứng qua cảnh huống cụ thể này, ông mới thực sự giác ngộ được lời dạy của kinh Kim Cương: “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (chớ có trụ vào một cái gì mà sinh ra tâm mình).

Tác phẩm trình bày trực tiếp nhất tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Đây là bài văn tế đặc biệt trong kho tàng văn tế của Việt Nam, nó được Nguyễn Du làm ra để khóc các cô hồn nhân ngày lễ “xá tội vong nhân” rằm tháng bảy hàng năm. Trong bài văn này, Nguyễn Du đã thể hiện một sự thương cảm vô bờ bến đối với nỗi thống khổ của mọi kiếp người trong cuộc đời. Có thể khi sinh thời, con người ta mỗi người một cảnh, có số phận, có địa vị khác nhau, có kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, có kẻ gây oán chuốc thù, có người chịu oan khiên, đầy đoạ… từ đứa trẻ “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha” cho đến “những kẻ mũ cao áo rộng”. Nhưng tất cả đều cùng chịu cái chết oan nghiệt:

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa chân
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành
Ngf thì mắc sơn tinh thuỷ quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người có đẻ không nuôi
Có người sa sảy, có người khốn thương…
Họ đều là những oan hồn vất vưởng:
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Nên họ đều cần được yêu thương, cần được thông cảm.

Có người cho rằng tác phẩm này có tính hạn chế, vì nó đã thể hiện một thái độ “mơ hồ giai cấp”, một “tình yêu vô bờ bến”, một tình thương không giới hạn. Điều đó không đúng. Nguyễn Du không nói tới người sống. Nguyễn Du chỉ nói tới người đã chết. Và ông chỉ nói tới những “oan hồn”, cần được “xá tội vong nhân”. Dù khi sinh thời, người đó như thế nào, nhưng nếu bị chết oan khuất, thì đều đáng thương, đều được cảm thông. Đây là một tư tưởng lớn. Tư tưởng nhân văn cao cả đó chỉ có thể có được trên nền tảng của tư tưởng Phật giáo. Chỉ có thể là tư tưởng bác ái của nhà Phật mới đủ sức bao quát và cứu khổ cho mọi loài, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, già trẻ, lớn bé như thế. Tất cả chúng sinh đều trở nên nhỏ bé và đều cần được cứu giúp như nhau. Lời thơ của Nguyễn Du cất lên, như mời gọi, như động viên, như nhắn nhủ mọi kiếp khổ đau:

Nhờ Đức Phật siêu sinh tịnh độ,
Bóng hào quang cứu khổ độ u.
Rắp hoà tứ hải quần chu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.
… Nhờ phép Phật oai linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.
… Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”
… Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

Nhưng có lẽ tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du được trình bày một cách đặc sắc nhất là trong tác phẩm bất hủ “Truyện Kiều”. Tư tưởng Phật giáo được ông trình bày một cách nghệ thuật qua các hình tượng thơ, qua hành động của các nhân vật, các tình huống của câu chuyện, các diễn biến và xung đột của cốt truyện…

Tư tưởng nghệ thuật căn bản của Nguyễn Du trong tác phẩm này là đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Ông ca ngợi những con người “tài tình” của mọi thời đại, và ông cho rằng họ phải có quyền được sống, được hưởng hạnh phúc. Nhưng giấc mơ hạnh phúc của những con người tài tình nhanh chóng tan vào mây khói trước thực tế đổi thay, trước biến động khôn lường của số phận. Giấc mơ đó tan vỡ như mối tình của đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Thuý Kiều.

Ông lên tiếng chống lại bất công và sự chà đạp tàn bạo của chế độ phong kiến đối với con người. Trong xã hội khi mà cái xấu, cái ác ngang nhiên hoành hành, thì số phận con người không lấy gì làm đảm bảo. Vì thế, Nguyễn Du đã từng mơ những giấc mơ công lý. Ông muốn có một người anh hùng như Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời” để đạp bằng mọi bất công, để ân oán phân minh, để con người được báo ân và trả thù, để mong cầu một cuộc sống an ổn và công bằng. Nhưng giấc mơ ấy vẫn chỉ là một giấc mơ. Sau bao sảng khoái hào hùng, là một thực tế ảm đạm. Từ Hải bị giết, và Thuý Kiều lại tiếp tục cuộc đời nhơ khổ.

Dường như tất cả mọi con đường đều đã đóng lại trước mắt nàng Kiều. Dường như nàng khó lòng mà thoát ra khỏi cái “trường dạ tối tăm trời đất” của chế độ phong kiến. Cuối cùng thì Thuý Kiều cũng phải gieo mình xuống sông Tiền Đường để trốn khỏi cuộc đời. Nhưng Nguyễn Du không đành để cho nàng chết. Trong lúc bi phẫn đến tột độ, Nguyễn Du đã tìm đến một giải pháp cuối cùng, là để nàng Kiều nương nhờ nơi cửa Phật. Chỉ có cửa Phật mới có thể cứu rỗi được con người khỏi đau khổ. Chỉ có nhà Phật mới có khả năng “thả một bè lau” đưa người đến Bến Giác, đến với hạnh phúc. Nguyễn Du muốn nhà Phật cứu giúp nàng, tái sinh cho nàng, để nàng được sống mà không phải lo luỵ khổ đau. Và thế là, sau 15 năm lưu lạc, đoạ đầy, nàng Kiều nhận ra rằng, cửa Phật mới là chốn dung thân của nàng.

Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam, không có ai phản ánh một cách sâu sắc và thuyết phục bằng Nguyễn Du về vai trò của Phật giáo đối với việc cứu người trong những hoạn nạn. Có thể Nguyễn Du đến với nhà Phật là do bế tắc trong hiện thực. Từ “tư tưởng Tài Tình” với thái độ “thương người tiếc tài”, Nguyễn Du đi đến “tư tưởng chữ Tâm” nhưng là với thái độ bảo vệ Tài Tình tuyệt đối. Đây là một chuyển biến tư tưởng hết sức quan trọng của Nguyễn Du.

Đọc tác phẩm “Truyện Kiều”, thấy rằng, tư tưởng Phật giáo không phải một sự lựa chọn có tính tình thế, hay ngẫu nhiên, hay vì quẫn bách của Nguyễn Du. Triết lý nhân sinh của nhà Phật đã từng là một sự lựa chọn từ rất sớm của ông. Bởi từ rất sớm, ông đã nhận thấy sự vô vọng của việc giải thoát con người khỏi đau khổ trong cuộc đời hiện thực. Trong quá trình đi tìm chân lý, đi tìm giải pháp cho câu hỏi tồn tại của con người, ông đã dừng lại ở Phật giáo. Không phải chỉ đến khi Thuý Kiều hết đường sống thì ông mới cho nàng đi tu.

Ngay từ khi bắt tay vào viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã hình dung thấy cái đích phải đến của nàng là như vậy. Có thể có người cho rằng đây là một sự khiên cưỡng của ông, hay là một tấn bi kịch bất đắc dĩ. Nhưng tôi cho rằng, đây là một sự lựa chọn từ khi Nguyễn Du để cho nàng Kiều bước chân vào cuộc đời này. Từ cái buổi chiều xuân định mệnh trong khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời “Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa” để Kim Kiều gặp gỡ, và nhất là từ cái đêm “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm hạnh phúc của cô gái 15 tuổi ấy, bàn chân cô bắt đầu bước trên con đường đời đầy chông gai và bất trắc. Bàn chân ấy còn phải đi hết chặng đường 15 năm oan khổ mới đến được cái đích của cuộc đời, là chốn cửa Thiền.

Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện rõ triết lý Phật giáo trong việc giải quyết vấn đề số phận con người. Triết lý Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc giải toả những bế tắc, tuyệt vọng trong tâm trạng nhà thơ khi dẫn dắt nhân vật đi trong cái xã hội vạn ác ấy. Không phải ngẫu nhiên mà ở những khúc quanh, đoạn gấp, trong những biến cố quan trọng nhất của cuộc đời Thuý Kiều, Phật giáo thường xuất hiện như một lực lượng phù trợ có hiệu lực, linh nghiệm và huyền bí nhất. Chỉ những khi Thuý Kiều đau khổ, tuyệt vọng và bất lực nhất, thì lại được sự an ủi và cứu giúp có hiệu quả nhất của nhà Phật. Đó chính là lối thoát cho số phận con người chứ không phải là một triết lý giải thoát cho tư tưởng. Vì thế, trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du thường dành những vần thơ đẹp đẽ và tin tưởng nhất cho nhà Phật:

- Cho hay giọt nước cành dương
Lửa lòng tưới tắt mọi đường tình duyên

- Cửa Thiền vào cữ cuối xuân
Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời.

- Nạn xưa trút sạch làu làu
Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này.

- Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

- Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.

Đây là một tác phẩm xuất sắc về đường đi và cái đích mà con người hữu tình trong “hội đoạn trường” cần phải đến trong cái xã hội vạn ác. Đúng là Nguyễn Du muốn “thả một bè lau” để đưa Thuý Kiều vượt qua bể khổ để đến với bến bờ hạnh phúc.

Có thể bến bờ hạnh phúc đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng “trong trường dạ tối tăm trời đất” ấy, có được một giấc mơ đẹp như thế thì thật đáng quý đến nhường nào.

TS Nguyễn Phạm Hùng
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học)

Người gửi bài: Tâm Minh Nguyễn Ngọc Gia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 10896)
Tuyển tập Nhạc Phật Giáo do Nhạc Sĩ Hằng Vang (1933-2021) sáng tác
09/04/2013(Xem: 8693)
Nhìn tổng quát công trình nghiên tầm, khảo cứu các văn kiện, tài liệu cổ để tập thành các tác phẩm qua các bộ môn: Lịch Sử, Văn Hóa, Văn Học, Âm Nhạc, Triết học, Thiền học... của Tiến sỹ Sử gia Lê Mạnh Thát là một thành quả to lớn được kết tinh bởi một trí tuệ siêu tuyệt, một khả năng hy hữu, một thời gian liên lũy, lâu dài, qua nhiều thập niên. Đó là những yếu tố mà ít người có được, để lưu lại cho hậu thế những thành quả văn học đồ sộ và chuẩn xác trên dòng sử mệnh quê hương.
09/04/2013(Xem: 15720)
Vua Trần Nhân Tông là một vị anh hùng dân tộc, có những đóng góp to lớn, nhiều mặt cho đất nước, cho lịch sử. Vua đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân nước ta, tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động được tiềm lực của toàn dân, đánh thắng đội quân hung hãn, thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng, Tây Kết lẫy lừng, đưa dân tộc ta lên đỉnh cao của thời đại. Không những thế, vua đã mở rộng biên cương của tổ quốc, đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp nam tiến hoành tráng của dân tộc, mà con cháu hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và biết ơn.
09/04/2013(Xem: 13595)
Thiền sư Minh Châu Hương Hải là một tác gia lớn không những của văn học và triết học Phật giáo Việt Nam, mà còn của văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung. Từ nửa cuối thế kỷ 18, cuộc đời và tác phẩm của Minh Châu Hương Hải đã lôi cuốn sự chú ý của những người trí thức đương thời, trong đó nổi bật nhất là nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784).
08/04/2013(Xem: 8328)
Tôi may mắn được diện kiến Người một lần duy nhất, vào năm 1990, tại Chùa Huê Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy, tôi làm trợ lý cho thầy Thích Phước Cẩn trong việc vận động phiên dịch và ấn hành Phật Quang Đại Từ Điển. Tôi được Người ân cần khích lệ và truyền trao những kinh nghiệm quý báu về cuộc đời tu học và làm việc Phật sự của Người, trong hơn năm mươi năm qua. Lúc ấy, Người đã tròn 80 tuổi. Sức khỏe của Người còn khá tốt. Tinh thần của Người sáng suốt khác thường. Giọng nói của Người thật từ tốn, nhẹ nhàng.
08/04/2013(Xem: 6569)
Thế nhưng, cũng như chư vị Thiền Tổ khác, sử cũ Việt Nam ta không có quyển nào ghi chép rõ ràng; thậm chí một dòng bi ký cho thật chính xác khắc trên đá cứng cũng không có. Sách Đại Nam nhất thống chí (1910) chỉ ghi: “Chùa Từ Đàm: Ở trên gò ấp Bình An. Tương truyền chùa do Tử Thông Hòa thượng dựng, lại có tên chùa Ấn Tôn”. Lời ghi chép quá đơn sơ, lại có phần sai nữa. Tử Dung chứ đâu phải là Tử Thông? Những tấm bia đá dựng ở chùa Chúc Thánh - Quảng Nam, lại chỉ nói Ngài là: “Người Đại Thanh, qua An Nam, trác tích Thuận Hóa, lập chùa Ấn Tôn”.
08/04/2013(Xem: 6386)
Giờ đây, kính xin Ban Tổ Chức cho phép chùa Thiên Minh – Huế chúng con có đôi lời tác bạch trước Giác Linh Cố Hòa thượng. Ngưỡng bái bạch Giác Linh Cố Hòa Thượng! Tháng 08 tiết mùa thu xứ Huế, khí trời chưa lạnh nhưng lòng chúng con se thắt, buồn lạnh hơn mỗi khi tưởng kính đến Hòa Thượng. Hôm nào đây, tại Huế, chúng con nghe tin Hòa Thượng sắp xả báo thân, đêm dài chúng con không ngủ, lo lắng từng phút giây. Thế rồi sự hồi hộp lo âu đó đã đến... Khi điện thoại reo, chúng con nhấc máy lên thì được khẩn tin Hòa Thượng đã an nhiên thâu thần thị tịch. Từ Cố Đô Huế xa xôi, lòng chúng con thật bàng hoàng thống thiết. Ôi thật là!
08/04/2013(Xem: 14591)
Thế là gần một phần năm thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày vị ân sư của chúng tôi là Hoà thượng Tâm Như Đạo Giám Trí Thủ viên tịch. Đây là một mất mát to lớn không những đối với bản thân những người đã thọ ân Hoà thượng mà còn đối với đạo pháp và dân tộc.
01/04/2013(Xem: 9236)
Đây là tài liệu do cố thi sĩ Bùi Giáng ghi chép ngay trong cuốn sổ tay của chúng tôi vào một buổi trưa ngày mùng 10 tháng 11 năm 1993 tại chùa Pháp Vân, Gia Định, Sàigòn.
29/03/2013(Xem: 8917)
Đức Đại Lão Hòa thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn Chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên. . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]