Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngữ lục

20/05/201317:43(Xem: 12682)
Ngữ lục


TRẦN NHÂN TÔNG
CON NGƯỜI & TÁC PHẨM

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Nhà Xuất Bản TP.HC1999

--o0o--

PHẦN II

TÁC PHẨM TRẦN NHÂN TÔNG

--o0o--

VĂN TRẦN NHÂN TÔNG

HÀNH TRẠNG CỦA THƯỢNG SĨ TUỆ TRUNG

Thượng sĩ là con trai đầu (lòng) của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương và anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Khi thái vương mất, Hoàng đế (Trần) Thái Tông cảm nghĩa, phong cho tước Hưng Ninh Vương.

Thuở nhỏ, Thượng sĩ bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu, được giao trấn giữ quân dân ở lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lược, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình.

Con người Thượng sĩ, khí lượng thâm trầm, phong thái nhàn nhã, từ tuổi để chỏm, rất mến cửa không. Đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường, lĩnh hội yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy, ngày ngày chỉ lấy niềm vui thiền làm thích, không hề vì công danh mà trở ngại. Rồi lui về sống ở phong ấp Tịnh Bang, đổi làm hương Vạn Niên.

Thượng sĩ cùng đời hòa quang, chưa từng đụng chạm người vật, nên hay mạnh nối giống pháp, dìu dắt sơ cơ. Ai tìm đến hỏi, người cũng chỉ bảo cho biết điều cương yếu, khiến họ trụ tâm, mặc tính hành tàng, không mắc danh thực.
Đức Dụ Lăng mộ tiếng từ lâu, sai sứ vời vào cửa khuyết. Phàm những lời hầu chuyện nhà vua đều là siêu tục. Nhân thế, vua suy tôn làm sư huynh và ban cho tên hiệu hiện nay.

Một lần vào chầu, Thái hậu làm tiệc lớn đãi, Người gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi rằng: “Anh tu thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát’ đó sao?”

Khi Thái hậu qua đời, đức Dụ Lăng trai tăng ở cung cấm. Nhân khi khai đường thuyết pháp bèn mời danh tăng bốn phương mỗi người làm một bài kệ ngắn để bày tỏ kiến giải của mình. Nhưng thảy đều “ngầu bùn sũng nước” chưa có chỗ ngộ. Đức Dụ Lăng bèn đem giấy đến cho Thượng sĩ. Thượng sĩ viết một hơi xong bài tụng tự thuật như sau:

Kiến giải bày kiến giải,
Tựa dụi mắt làm quái.
Dụi mắt làm quái rồi.
Sáng sủa thường tự tại.
Đức Dụ Lăng xem xong, viết tiếp:
Sáng sủa thường tự tại,
Cũng dụi mắt làm quái.
Thấy quái không thấy quái,
Quái kia liền tự hoại.

Thượng sĩ rất tâm phục bài kệ ấy.

Tới khi Đức Dụ Lăng ốm, Thượng sĩ viết thư hỏi bệnh. Mở ra xem, Đức Dụ Lăng viết kệ trả lời, có câu:

Mực nồng khí nóng mồ hôi đẫm,
Quần mẹ sinh ta ướt chửa từng.

Thượng sĩ đọc bài kệ, than thở giây lâu. Đến khi Đức Dụ Lăng trở bệnh nặng, Thượng sĩ tất tả tới cửa khuyết thì nhà vua đã quy tiên rồi.

Nay ta cũng nguyện đội ơn dạy dỗ của Thượng sĩ. Trước đây, khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó có đi thỉnh Thượng sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên.1 Ta cho người sống quá tục, sinh ngờ vực, bèn làm ra vẻ ngây thơ hỏi: “Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?” Thượng sĩ liền giảng giải rằng: “Giả thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia không biết, hoặc có ném vật gì vào người vua. Người ấy có sợ chăng? Vua có giận chăng? Như thế thì biết rằng hai việc không liên quan gì đến nhau vậy.” Nói rồi Thượng sĩ đọc hai bài kệ:

Vô thường các pháp hành,
Tâm ngờ tội liền sanh.
Xưa nay không một vật,
Chẳng mống cũng chẳng mầm.

Ngày ngày khi đối cảnh.
Cảnh cảnh từ tâm ra.
Xưa nay không tâm cảnh.
Chốn chốn thảy bờ kia.

Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: “Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?”.

Thượng sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:

Ăn cỏ và ăn thịt,
Chúng sinh mỗi có thức.
Xuân về muôn cỏ sinh,
Chỗ nào thấy tội phúc.

Ta nói: “Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?” Thượng sĩ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp hai bài kệ để ấn chứng cho ta:

Trì giới và nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Nhu người không trèo nữa,
Trăng gió làm được gì.

Đoạn người dặn kín ta: “Chớ có bảo cho người không đáng bảo.” Vì vậy ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt.

Một hôm, ta hỏi người về tôn chỉ công việc mình. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay nhìn lại công việc của chính bản thân mình chứ không tìm đâu khác được.” Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo, thờ làm thầy.
Ôi! Thượng sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Bàn huyền thuyết diệu như gió mát trăng thanh.
Đương thời thạc đức các phương, có người cho Thượng sĩ tin sâu biết rõ, làm ngược làm xuôi, thật khó mà lường được.

Sau, người nhuốm bệnh ở trang Dưỡng Chân, không ở phòng riêng, mà cho kê một chiếc giường gỗ giữa ngôi nhà trống, nằm theo thế cát tường, nhắm mắt mà tịch. Người hầu hạ và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy, gọi người lấy nước rửa tay, súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường, làm gì phải xót thương quyến luyến làm rối chân tính của ta?” Dứt lời người êm thấm mà tịch. Bấy giờ là ngày mồng một tháng tư năm Tân Mão, niên hiệu Trùng Hưng năm thứ bảy, hưởng thọ 62 tuổi.

Ta thân đến nhà làm lễ viếng và làm bài Thiêu hương báo ân tụng, nhưng không chép ra đây.

Sau khi nối đạo, những lúc lên đàn thuyết pháp, ta tự nghĩ có bốn điều ân nặng, sửa pháp khó đền, nên sai thợ vẽ chân dung của người để dâng cúng, và tự làm bài tụng, ghi rằng:

Đây bậc cổ chùy,
Người đâu dễ vẽ
Thước góc Lương hoàng,
Mõ chuông Thái đế.
Hay tròn hay vuông
Mỏng dầy đủ vẻ.
Biển pháp một ngươi,
Rừng thiền ba phía.


VĂN THƯ NGOẠI GIAO
TRẦN NHÂN TÔNG

1

Lá thư tháng 11 nhuận năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Nay nghe quốc công nhọc đến tệ quốc, biên dân không ai là không kinh hãi, không biết là sứ giả người nước nào mà đến ở đây. Xin rút quân về đường cũ để mà tiến.

2a

Tờ biểu tháng 12 năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Cô thần bẩm khí yếu đuối, mà đường sá thì khó khăn, chỉ luống phơi bộ xương trắng, đến nỗi bệ hạ phải xót thương mà không ích gì cho thiên triều trong muôn một. Nép mong bệ hạ thương xót tiểu quốc xa xôi, khiến thần được cùng bọn đơn côi quan quả, giữ được tính mệnh để suốt đời thờ phụng bệ hạ. Đó là nỗi may mắn lớn nhất của cô thần mà cũng là phúc to của sinh linh tiểu quốc.

2b

Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 15 (1278)
Năm Chí Nguyên thứ 15, thế tử An Nam là cô thần, Trần, dâng biểu nói:
Hoàng đế bệ hạ được trời trên yêu mến. Cha thần thuận về thánh hóa, thấm nhuần ơn đức nhân từ như đất trời, hưởng lượng bao dung dơ uế như núi biển. Cha thần một đời đội ơn cảm đức rất hậu. Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), bất hạnh cha thần thất lộc. Ngày sắp mất, gọi cô thần đến bảo: “Bệ hạ khoan nhân đại độ, không bỏ sót nước nhỏ, thì chắc con tất được ân như đời trước. Ta nay chỉ vì trời không cho thêm tuổi, khiến không được thờ phụng thiên triều mà lấy làm hận thôi”. Thần e sợ mới gặp tang cha mà kỳ cống hiến hằng năm lại vừa tới. Thần chẳng dám vì nỗi buồn tang cha mà lụy tới công việc. Lại thêm bọn sứ trước là Lê Khắc Phục lâu ngày chưa về để tiếp tục việc cống nạp hằng năm, nên tiếp tục sai bọn Trung thị đại phu Châu Trọng Ngạn, Trung lượng đại phu Ngô Đức Thiệu làm hành nhân sứ vâng đem biểu văn, phương vật, đến cửa khuyết dâng hiến, tuân theo chức nghiệp của cha thần, chẳng dám để rơi mất lời giáo huấn dùng lòng trung để dạy con. Sinh linh tiểu quốc đều bảo: “Sau khi cha thần mất đi, thì thần sẽ kế tục chí hướng, làm tiếp sự nghiệp của cha thần, chính ở tại một việc làm đó. Bệ hạ thương yêu người trung trực, càng thêm khen thưởng, thì thế tử của ta ở trong sự không may mắn mà thật có sự may mắn”. Rồi mỗi mỗi tự ngóng cổ trông lên trời trăng miền bắc để ngóng mong.

Kịp tới năm Chí Nguyên thứ 15 (1278), bọn Châu Trọng Ngạn chưa về. Chỉ thiên sứ Sài thượng thư mang chiếu thư cùng với bọn Lê Khắc Phục lần trước, cùng đến tiểu quốc. Thần đem bá quan nghênh tiếp đủ lễ, đốt hương vái đọc, nép thấy chiếu thư bảo phải vào chầu. Thần khôn xiết kinh sợ, và sinh linh cả nước truyền nghe lời ấy nhao nhao mất hết bình tĩnh. Ấy bởi vì thần sinh trưởng ở nước Việt Thường, bẩm khí yếu đuối, thủy thổ không quen, nóng lạnh chẳng chịu. Dù xem được quang cảnh thượng quốc, sung làm khách của vương đình, thì vẫn sợ có chuyện trên đường, luống phơi xương trắng, đến nỗi lòng nhân của bệ hạ cũng tự cảm thấy xót thương, mà chẳng ích gì cho thiên triều trong muôn một.

Bệ hạ một thể với trời. Thần thờ phụng bệ hạ giống như thờ trời. Dù trông lên trời xanh chín tầng xa thẳm, mà oai trời chưa thường dám trái trong gang tấc, ơn vua chưa thường không ghi lòng tạc dạ. Khi làm bề tôi thời Châu Thành Vương thì trùng dịch đến cống. Đến thời Võ đế thì bỏ ngoài không tính vì thương nước nhỏ, đường sá xa xôi, núi sông sâu hiểm. Huống nay, bệ hạ nơi nào xe thuyền đến tới, sương móc xa rơi, trời trăng chiếu tới, thì chẳng ai là chẳng thần phục, so với nhà Châu, nhà Hán thật cách nhau vạn vạn, không thể cùng một ngày mà nói hết. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay chưa có lúc nào thiên hạ được thống nhất to lớn như ngày nay.

Bệ hạ thi hành nhân đức trước hết là nhằm cho người hoang quả cô độc. Đến các loại nhỏ mọn như côn trùng thảo mộc cũng mỗi mỗi thỏa được tính mình. Thần mắc tội với trời, chỉ sợ không được thấm nhuần ơn phước. Chính trị của bệ hạ tốt hơn nhà Châu, lòng nhân của bệ hạ sâu hơn nhà Hán. Nép mong bệ hạ thương nỗi đơn chiếc yếu đuối của cô thần, xót nơi xa xôi của tiểu quốc, mà khiến cho thần được cùng với quan quả cô độc giữ được tính mạng của mình để suốt đời phụng thờ bệ hạ. Đó là điều rất may của cô thần, mà cũng là phúc lớn của sinh linh tiểu quốc.
Thư tháng 11 năm Chí Nguyên 20 (1284)

Lá thư tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 20, gửi cho Bình chương chính sự của Kinh hồ Chiêm Thành hành tỉnh là A Lý Hải Nha:

Về một việc thêm quân, thì Chiêm Thành thờ phụng tiểu quốc lâu ngày. Cha tôi chỉ vụ lấy đức mà giữ họ. Đến thân của kẻ côi này cũng kế thừa chí hướng của cha mình. Từ khi cha tôi thuận về với thiên triều 30 năm đến nay, vũ khí can qua tỏ ra không cần dùng tới, quân lính bỏ về làm dân. Ấy một phần giúp vào việc cống hiến cho thiên triều, và một phần tỏ tấm lòng không mưu đồ gì khác. Rất mong các hạ thương xót xét cho.

Còn về việc giúp lương, thì địa thế tiểu quốc tiếp giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ khi đại quân đi rồi, trăm họ vẫn còn trôi dạt. Thêm vào đó, bị lụt hạn, sáng no chiều đói, ăn uống vẫn không đủ. Tuy nhiên, các hạ ra lệnh thì vẫn không dám trái. Xin ở đất châu Vĩnh An trên cõi Khâm Châu, xin đợi đem đến nạp.

Còn việc tiếp tục bảo cô tử tự thân đến cửa khuyết, gặp mặt đức vua để nhận lời dạy bảo, thì lúc cha già của thần còn sống, thiên triều đã thương xót mà bỏ ra ngoài tính toán. Nay cha già của thần đã mất, còn cô thì đang chịu tang, cảm bịnh đến nay, còn chưa khỏe lại như thường. Huống nữa, kẻ côi này sinh trưởng ở nơi xó xa, chẳng chịu nóng lạnh, chẳng quen thủy thổ, đường sá khó khăn, chỉ phơi xương trắng. Nếu lấy bồi thần của tiểu quốc đi lại, còn bị khí độc nhiễm xâm, có lúc mười người thì đến năm sáu, hoặc có khi chết đến hơn nửa. Các hạ cũng đã biết rõ điều đó rồi. Chỉ mong riêng vì lòng thương giúp, mà tâu bày với thiên triều hầu giúp thiên triều biết ý của kẻ côi này cùng tôn tôợc quan lại mỗi mỗi sợ chết tham sống. Há chỉ một mình kẻ côi này nhận được ơn ban mà còn sinh linh của một nước nhờ thế được an toàn. Cùng chúc cho các hạ hưởng được phước lớn từ trời ấy mãi mãi.

4

Lá thư tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 21, gửi cho Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh
Chiêm Thành đã nội thuộc tiểu quốc. Đại quân đến đánh, lẽ đương nhiên tiểu quốc phải thương xót, nhưng chưa từng dám nói ra một lời. Ấy bởi thời trời việc người, tiểu quốc cũng đã biết rồi. Nay Chiêm Thành lại làm chuyện phản nghịch chấp mê, không chịu trở lại. Đó gọi là kẻ chẳng thể biết trời biết người. Kẻ biết trời biết người mà trở lại cùng mưu với kẻ không biết trời biết người, thì tuy trẻ mới lên ba cũng biết là không thể cùng được.
Huống là tiểu quốc ư ? Mong quí hành tỉnh xét kỹ.

5

Lá thư tháng 10 năm Chí Nguyên thứ 21, gửi cho Thoát Hoan

Tuy không thể chính mình thấy được ánh thừa, nhưng trong lòng đã rất hân hạnh. Ngày trước, kính được chiếu vua nói rằng: “Có lệnh riêng quân ta không được đi vào nước ngươi”. Nay thấy Ung châu doanh trại cầu đò, thường thường liên tiếp. Thật rất sợ hãi, rất mong hiểu rõ lòng trung thành mà thêm chút thương xót.

6

Thư tháng 10 năm Chí Nguyên thứ 21 (1284), gửi cho Thoát Hoan
Chiếu trước đã riêng ra lệnh “quân ta không được vào nước ngươi”. Nay vì Chiêm thành đã xưng bề tôi mà làm phản trở lại, nhân thế phát đại quân đi qua do bản quốc mà tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai trái của thái tử, chớ không phải sai trái của bản quốc. Kính mong chớ đi ra ngoài chiếu trước. Rút đại quân về. Bản quốc sẽ sắm đủ cống vật, đem dâng lại có khác với trước.

7

Lá thư tháng 3 năm Chí Nguyên 23 (1286)
Ngày tháng 3 năm Chí Nguyên 23 (1286), thế tử nước An Nam là thần Trần Nhật Huyên kính gửi:
1.Hòm đựng biểu bằng gỗ son có quách bằng bạc phủ vàng cùng với chìa khóa, một bộ.
2.Voi thuần, một con.
3.Yên ngựa vàng góc liền với bàn ngồi, một chiếc (vàng góc nặng 10 lạng)
4.Đài bạc phủ vàng cùng trái bóng liền lông trâu, 5 bộ (cộng lại nặng 6 lượng 14 tiền).
5.Lục lạc bằng đồng có mạ vàng, 7 chiếc.
6.Sừng linh dương, một bộ.
7.Chiếu gấm màu lục đậm, một chiếc.
8.Dây bông hồng, bốn tao.
9.Tấm choàng mưa bằng vải lăng màu đỏ có dụ kim, một tấm.
10.Mâm ngự đá hoa góc vàng phủ bạc, một chiếc.
11.Bình lưu ly cùng với nắp vàng, 2 chiếc. Cộng lại nặng 1 lạng 6 tiền.
12.Đế đèn vàng, một đôi (cộng lại nặng 14 lạng).
13.Mâm sừng tê bốn góc phủ bạc, một chiếc.
14.Chén trầm hương vàng góc có nắp đậy, một chiếc.
15.Đĩa lá sen phủ vàng, một cái.
16.Dù vàng 3 lạng 7 tiền.
17.Đĩa lá sen vàng 5 lạng.
18.Đĩa dạng móng vàng 6 lạng 8 tiền, một cái.
19.Bầu vàng một cái 10 lạng.
20.Đĩa kim tê vàng góc liền đáy, một chiếc 4 lạng.
21.Chén tê giác vàng góc một cái (vàng góc 5 lạng)
22.Đĩa vàng dùng đủ một cái 2 lạng 8 tiền.
23.Lò vàng liền với đũa vàng một bộ.
24.Lò vàng một cái bốn lạng.
25.Đũa vàng một lạng ba tiền.
26.Que xóc thịt bằng vàng, một que 7 tiền.
27.Đai vàng ròng, một bộ 4 cái.
28.Bàn cờ bằng xương voi cái, có màu gỗ vằn sáng, góc vàng phủ bạc, một chiếc ba lạng.
29.Hộp phủ vàng có phủ xen vàng đỏ liền với múi, một chiếc 25 lạng.
30.Bộ quân cờ bằng ngà voi, một bộ 32 con.
31.Hoa tê ba cành phía dưới phủ vàng xen bạc, ba món nặng 18 lạng.
32.Sừng tê giác Đại ô năm chiếc liền với ván đáy có vẽ năm miếng.
33.Chậu rửa bằng vàng 5 chiếc, cộng 10 lạng.
34.Chậu rửa vàng đỏ 10 chiếc, cộng lại nặng 300 lạng.
35.Bình bạc đựng đầy dầu tô hợp hương, ba chiếc (dầu cộng nặng 163 lạng, bình cộng nặng 79 lạng).
36.Đoạn lông vàng nước Tây Dương hai xấp.
37.Quyến mịn vải ngũ sắc 50 tấm.
38.Gấm mọi 100 tấm.
39.Vải trắng nước Chà Và 20 cân.
40.Vải chen màu nước Chà Và 10 cân.
41.Lông chim trả 100 chiếc.
42.Bạch đàn hương 2 tể, cộng lại nặng 10 cân.
43.Mai hương đàn 2 tể, nặng 70 cân.
44.Ca ma nhiên hương 100 cân.
45.Thảo quả 10 cân.
46.Ngà voi 20 chiếc.
47.Sừng tê giác 20 chiếc.
48.Chim ó 20 con.
49.Chim trĩ hai con.
50.Rái cá một con.
51.Cá sấu 8 con.
52.Chim bát ca một con.

8

Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 25 (1288)

Chí Nguyên năm thứ 25 (1288) nước An Nam dâng biểu nói:
Vi thần, thế tử nước An Nam Trần Nhật Huyên lo sợ, trăm lạy quên chết phục tội, dâng lời lên Hoàng đế bệ hạ được trời cao yêu mến. Được Thánh chỉ lúc này, như gió ấm cởi lòng, kính mong thánh thể sinh hoạt vạn phúc. Cha con của vi thần, qui thuận thiên triều đã 30 năm hơn. Dẫu vi thần đau mang bệnh tật,ử đường sá xa xôi,ử bệ hạ vẫn để cho ở bên ngoài tính toán, chỉ nhận lấy phương vật cống hiến, mà sứ thần dâng lên, năm tháng chưa từng thiếu sót

Đến năm 23 (1286) bình chương A Lý Hải Nha vì tham lập công biên giới, làm trái với thánh chỉ. Do thế, tiểu quốc sinh linh một phương phải chịu lầm than. Sau khi đại quân về rồi, vi thần mới biết lòng hạ thần bị ngăn chận, do lời dữ mà bị vu oan là làm phản, gọi thành tội lỗi của thần. Thần đặc biệt sai bọn thông thị đại phu Nguyễn Nghĩa Toàn, hiệp trung đại phu Nguyễn Đức Vinh, hữu vũ đại phu Đoàn Hải Cung, Trung đại phu Nguyễn Văn Ngạn phụng đem phương vật đến trước cửa khuyết, ý muốn thêm chút lòng thương của bệ hạ, há mong gì hơn. Thế mà họ đều không trở về.

Chí Nguyên năm thứ 24, mùa đông, lại thấy đại quân thủy bộ đều tiến sang, thiêu đốt chùa chiền khắp nước, đào bới mồ mả tổ tiên, bắt giết người dân già trẻ, đập phá sản nghiệp trăm họ. Các hành động tàn nhẫn phá phách, không gì là không làm. Lúc bấy giờ, thần sợ chết, liền trước trốn đi. Tham chính Ô Mã Nhi nói với người trong nước truyền báo cho thần rằng: “Mày chạy lên trời, tao theo lên trời. Mày chui xuống đất, tao theo xuống đất. Mày trốn trong núi, tao chạy vào núi. Mày chạy xuống biển, tao sẽ xuống biển”. Trăm thứ tủi nhục, lời nói chẳng hết.

Thần nghe những lời ấy, biết mình không khỏi tội, càng đi trốn xa hơn, những mong thái tử xót thương, riêng theo nguyện vọng của tiểu quốc, mà đưa đại quân đi về.

Tham chính Ô Mã Nhi lâu nắm binh thuyền, riêng ra ngoài biển, bắt hết biên dân vùng biển, lớn thì giết chết, nhỏ thì bắt đi, cho đến treo trói, xẻ mổ, mình đầu khắp chốn. Trăm họ bị bức tới chỗ chết, bèn dấy lên cái họa của con thú chân tường. Vi thần sợ sẽ dây dưa đến mình, nên tự thân tới ngăn cản, nhưng đường xa lại không kịp. Khi nghe thấy trăm họ đưa đến đại vương Tích Lệ Cơ, một người, bảo là thuộc quí thích của đại quốc, thần ngay ngày đó đã sắm lễ đối đãi, hết mực tôn trọng. Thần kính hay là không kính, đại vương tất biết. Còn việc làm của Ô Mã Nhi tàn khốc bạo ngược, thì chính đại vương mắt thấy. Vi thần chẳng dám nói dối.

Thủy thổ của tiểu quốc rất độc, viêm chướng thật nhiều, thần sợ ở lâu tất sinh tật bệnh. Tuy vi thần đã hết lòng phụng dưỡng thì cũng không khỏi được tội các tướng tham lợi quân công ở biên giới mà có lời tâu không căn cứ. Vi thần đã kính cẩn, có đủ lễ vật đi đường, sai người đến trước biên giới đưa tiễn đại vương về nước.

Kính mong bệ hạ đức sánh càn khôn, ơn hơn cha mẹ, trí như đem đuốc rọi chỗ tối, sáng đủ để biết tình ngay gian, nguyện xin xét kỹ mà thêm lượng khoan hồng, hầu khiến vi thần miễn khỏi tội lỗi, được hết lòng thờ trời suốt đời, há chỉ vì vi thần cùng với sinh linh một phương, tử sinh cốt nhục, muôn đời nhận được ơn sinh thành đại tảo, mà cũng để cho hết thảy các nước được may mắn thật hưởng sự nhân từ của lòng nhân bệ hạ.

Ngoài ra, những kẻ sót mất của đại quân còn hơn những ngàn người, thần đã phát lệnh đưa về. Nếu sau này có gặp nữa, thì thần cũng tìm ra và bảo trở về.

Tiểu quốc gần đây gặp phải binh hỏa. Vả lại lúc này khí trời còn nóng, cống vật và sứ giả khó có kiếm ra. Đợi đến mùa đông mới có thể sai đi được.

Lòng hạ thần không có gì khác, không dám van trời nài thánh, hoảng sợ quên chết, phục tội khôn xiết, kính cẩn tâu bày.

9

Tờ biểu tháng tư năm Chí Nguyên thứ 25 (1288)

Thế tử nước An Nam là vi thần Trần Nhật Huyên, sợ hãi quên chết phục tội, dâng lời lên hoàng đế bệ hạ được trời cao yêu mến. Lúc này ba xuân sáng đẹp, muôn vật sinh sôi, kính mong thánh thể sinh hoạt vạn phúc.

Vi thần vào ngày 1 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 26, thấy Lưu thiên sứ, Lý thị lang, lang trung Đồng Đường Ngột Đãi, Cáp Tán, Ống Cát Lạp Đãi đã phụng đem thiên chiếu cùng các tiểu sứ của thần là mấy bọn bề tôi Nguyễn Nghĩa Toàn trở về. Thần khôn xiết vui mừng kính cẩn đốt hương vái đọc ở chính điện. Đến khi quân đội một lần cùng đến, hồn vi thần phách tán, lòng dạ như bị dội đập. Thật đúng như người ta thường nói, sướng chưa trọn mà buồn đã tới, vui chưa thỏa mà sợ lại đến. Vi thần liền trốn ở góc biển, lâu ngày bị bệnh tật, đường sá xa xôi, thủy thổ khó khăn. Mạng sống tuy liên hệ với số trời, nhưng tình người thì lại rất sợ chết mất.

Thêm vào đó, đại quân đã lắm lần chinh phạt, giết cướp lại nhiều. Anh em không kẻ hiền lương, dựng chuyện tâu sàm không ít. Trước đây, quốc thúc Di Ái rõ ràng trốn mất ở ngoài biên cảnh, bèn trở ngược vu cáo thần là đã làm việc chuyên giết. Lại người em giữa Ích Tắc tự đem mình đến trước đại quân xin vái đầu hàng. Ấy là muốn đến trước để lập công cho mình. Huống nữa là những người đến thay mà tâu bày, thì lại càng thêm ngoa dối. Vi thần thập tử chứ không có một chút sống nào.

Bệ hạ đức quá Đường Ngu, sáng sánh trời trăng, thì lòng chân thành hay dối ngụy, không điều gì là không tỏ rõ, việc tối tăm nhỏ nhiệm không gì là không soi tới. Do thế, đại quân sau trước giết tróc, vi thần vẫn thường ghi lòng hai chữ trung thuần. Năm qua tháng lại chưa từng bỏ thiếu. Ấy là bởi vì cậy có thánh nhân ở trên trời, như mặt trời rọi tới những nơi chưa tỏ rõ. Khi đại quân vừa rời khỏi, mà thiên sứ chưa tới, thì vi thần đã sai bọn trung đại phu Trần Khắc Dụng, phiếm nghĩa lang Nguyễn Mạnh Thông kính đem vật mọn đến cửa khuyết hiến dâng tạ tội, những mong khoan hồng, riêng ban lòng xem xét. Thế cũng đủ thấy lòng sợ chết tham sống của vi thần. Ngoài ra tuyệt nhiên không dám làm việc bội nghịch nào khác.

Năm ngoái, bách tánh của tiểu quốc đem quan quân tới. Vi thần chính mình hỏi han thì chỉ được ba tên là đại vương Tích Lệ Cơ, tham chính Ô Mã Nhi và tham chính Phàn (Tiếp). Bá tính đều cho ba người này đã giết vợ con họ, đốt phá nhà cửa họ, nên phần lớn muốn làm chuyện phi nghĩa. Vi thần chính mình ra sức bảo vệ, cấp dưỡng hậu hĩ, thê thiếp họ thì cơm ăn áo mặc phủ phê, hành trang đi đường thì được chuẩn bị đầy đủ đưa đến trước. Đặc biệt sai sứ thần là Tùng nghĩa lang Nguyễn Thịnh đi theo đại vương Tích Lệ Cơ, Đồng Đường Ngột Đãi đến cửa khuyết.

Trong khi đó, hai tham chính bị rớt lại sau. Nguyên do vì đại quân mới rút, lòng sợ hai tham chính chưa hết cơn giận, tất gây họa hại. Vì thế mạn phép lưu lại sau mới ra đi, há có hẹn rày mai. Vi thần chẳng may việc trái với lòng.
Phàn tham chính bỗng gặp bệnh sốt. Vi thần đem hết thuốc men của mình nhờ những thầy thuốc bộ hạ của Phàn tham chính để chữa, nhưng đã không khá, dần dần đến chỗ mất thân. Vi thần đã hỏa táng, làm đủ mọi lễ công đức, xong rồi nhân thế, cấp ngựa, lụa giao cho thê thiếp của Phàn tham chính đưa hương cốt trở về. Bọn thiên hộ Mai Thế Anh, Tiết Văn Chính đi theo hộ tống về nhà cùng một lần. Ngày Lưu thiên sứ đến đều bảo đã qua tới Ung Châu rồi. Phàm việc quản đãi hằng ngày ấy có kính trọng hay không thì hỏi đám thê thiếp cũng có thể biết vậy.

Tham chính Ô Mã Nhi thì đúng kỳ tiếp tục đi sau để trở về. Ông ấy cho đường trở về, do đi qua Vạn Kiếp nhân thế xin trước đến Hưng Đạo Vương giúp cho phương tiện đi về. Trong hành trình trên bộ dưới nước, đêm gặp phải hỏa hoạn, thuyền chở vì thế nước tràn vào. Tham chính thân hình cao lớn, khôn hay vớt kịp, đến nỗi chết chìm. Nhân phu tiểu quốc lặn tìm cũng đều chết theo. Thê thiếp và tiểu đồng của tham chính suýt hãm chết, song nhờ thân hình nhẹ nhỏ mới cứu được khỏi. Vi thần hỏa táng, làm đủ công đức. Thiên sứ là lang trung (Lý Tư Diễn) chính mắt trông thấy. Hoặc nếu bất kính, thì có thê thiếp của ông ấy ở đó khó có thể che giấu. Vi thần kính cẩn chuẩn bị đầy đủ cho việc trở về, cũng giao cho thê thiếp cùng với một xá nhân lang trung tiếp tục trở về nước sau.

Ngoài ra, các quân nhân còn bị hãm tại chỗ vi thần trước đây, kể hết có hơn tám ngàn người. Trong số đó hoặc có những vị đầu mục, vi thần đều không biết. Nay nhờ chiếu dụ, vi thần lại đi tìm kiếm, được đầu mục quân nhân bao nhiêu tên, thì cùng theo thiên sứ mà trở về. Sau này còn có sót mất hoặc chưa tìm hết thì vi thần cũng sẽ cho ra về, không dám lưu lại một người nào.

Cúi mong bệ hạ như núi biển bao hàm, dơ bẩn chứa hết, nuôi mắt sáng, rộng tai rõ, mỗi mỗi khoan hồng, bỏ ngoài tính toán, khiến cho vi thần khá được một đời bảo toàn đầu cổ để trọn lòng thờ trời, mà còn mong đời đời kiếp kiếp tan thịt nát xương báo đáp ơn vua trong muôn một. Xét mong ơn vua ngay thẳng, rất đỗi sợ hãi kính tâu.

10
Tờ trạng tháng 3 năm Chí Nguyên 26 (1289)

Chí Nguyên ngày tháng 3 năm 26 (1289) thế tử nước An Nam là vi thần Trần Nhật Huyên dâng trạng tâu xin tiến phương vật, nói rằng:

Thế tử nước An Nam là vi thần Trần Nhật Huyên nép nghĩ, tháng 2 năm nay gặp thiên sứ Lưu án sát vâng đem chiếu trời. Vi thần, lâu mắc bệnh tật, sợ tội, kính cẩn chuẩn bị vật mọn, sai bọn bồi thần Đàm Minh Thông, Thị đại phu Chu Anh Chủng và một hành nhân, khiến tùy thiên sứ đi đến thượng quốc dâng hiến. Nay kê đầy đủ tên số vật kiện ở dưới, tại chỗ cuối quyển, phía trên mỗi hạng vật mọn, theo trạng dâng lên. Cúi mong thánh từ phủ tứ giám nạp. Kính trạng.

11

Thư tháng 3 năm Chí Nguyên 26 (1289)

Ngày tháng 3 năm Chí Nguyên 26 (1289), thế tử nước An Nam là vi thần Trần Nhật Huyên dâng trạng thơ lên Hoàng hậu, nói rằng:
Thế tử nước An Nam Trần Nhật Huyên kính cẩn cúi đầu dâng thơ, nói:

Lúc này đường huệ phong quang, tiêu phòng trời ấm. Kính nghĩ Hoàng hậu điện hạ sinh hoạt vạn phúc, chủ trương nội trị hưng thịnh, công lao dồn lại cho bá vương, biểu thị mẫu nghi hóa dục, lòng nhân coi mọi người cùng đồng như một, gây nên cơ sở thể hiện đức hiếu sinh. Cho nên được lòng vui của muôn nước, không nỡ để một kẻ hèn mất nơi, xin lòng thương cho đến hoang vu cùng được dự tắm lòng từ rộng lớn, còn lo âm nhạc cho hòa, càng giúp ao ngọc thêm thọ. Kính cẩn ghi đủ vật mọn ở tại giấy riêng để xin dâng hiến, cúi mong giám nạp.

Thần rất sợ rất hãi, cúi đầu kính nói.

12

Thư tháng 3 năm Chí Nguyên (1289)
Ngày tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 26 (1289), thế tử nước An Nam thần Trần Nhật Huyên dâng thơ tiến phương vật, kể rằng:
1.Bông tai đeo toàn bằng vàng có kết trân châu, một đôi.
2.Giỏ đồi mồi, một cái.
3.Áo lĩnh chầu bằng vàng có ngọc châu màu đỏ, một cái.
4.Hộp bạc, một cái.
5.Ngọc châu màu, 16 hạt (gồm ngọc châu hoàng long 4, ngọc châu tử ni 4, ngọc châu bích ni 4, ngọc châu thạch lựu 4).
6.Trân châu 276 hạt (lớn 2, vừa 10, cỡ như hạt mè 200)
7.Xuyến trân châu có tráng vàng một cặp (châu 1000 hạt, vàng nặng một lạng).
8.Chén kim khuyên một bộ. Cộng lại là 4 lạng 5 tiền.
9.Chén hoa tê, đĩa vàng toàn dùng một chiếc, nặng 3 lạng.
10.Chén vàng liền nắp một cái, nặng 9 lạng 6 tiền.
11.Gấm một xấp.
12.Đoạn thiên ty hai xấp.
13.Vải quyến ngũ sắc sợi nhỏ 20 xấp.
14.Vải trắng nước Chà Và 1 xấp.
15.Lông chim trả 50 chiếc.
Trên đây là những hạng mục vật mọn kèm theo thơ dâng lên. Cúi mong hồng từ phủ tứ giám nạp. Kính giãi bày.

12

Tờ biểu năm Chí Nguyên thứ 29

Năm Chí Nguyên thứ 29 (1292), thế tử An Nam Trần dâng biểu nói, vi thần sáu thước, xưa nhờ cha dạy về việc thần sự thiên triều, không được bỏ phế một việc hằng năm cống hiến. Kíp kíp mãi ghi ở lòng. Sở dĩ là sợ tội tiếm thiết, nên đặc biệt sai bọn trung lượng đại phu Nghiêm Trọng Duy, hữu vũ đại phu Trần Tử Trường vào tháng 9 năm Chí Nguyên thứ 27 (1290) phụng đem vật cống đến cửa khuyết dâng hiến, trên để tỏ hết lòng thành thờ trời, dưới để nối chí tổ tiên. Kịp đến tháng 2 năm nay, thiên sứ chính nghị đại phu Trương Hiển Khanh, phụng thuận đại phu Bất Nhã Tiết Mục Nhi vâng đem chiếu trời và vật ban cùng Nghiêm Trọng Duy trở về tới tiểu quốc. Tông tộc, quan lại, bá tính kỳ lão cả nước hớn hở bảo nhau rằng: “Thánh thiên tử đem lòng nhân mà thương vi thần, dùng trung thứ mà đãi người, thì chắc chắn đám sinh linh chúng ta thoát khỏi cảnh đồ thán.”

(...)
Thần và bá tính tiểu quốc khôn xiết kinh sợ. Việc đó, cha thần ngày còn sống, đã thường khiến sứ tâu lên, đúng vào lúc thần chưa dự vào chính sự, nên đó vốn là chỗ thần không biết, chớ không phải riêng dám qui lỗi cho cha thần, lại để tìm cách tự mình lại được khỏi tội. Vạn nhất mà thiên triều riêng rủ lòng khoan tha, thì đó là một điều may mắn cho thần. Nếu không thì đó là tội của thần đáng bị giết đi không xiết.

Đến việc bảo thần phải tự mình tới cửa khuyết, thánh thiên tử không tiếc vương tước phù ấn, lại phong đất đai như cũ, thì thần với tôn tộc quan lại của tiểu quốc, hồn kinh sống lại, vía chết lại yên, vì cho rằng thiên triều, nếu không nghĩ tới, há có thể giải đáp giống như thế ư? Cha ông của thần thời còn sống, thiên triều khen có lòng trung thành, thương chỗ xa xôi, bỏ ra ngoài mà không tính tới. Cho nên, năm Trung Thống thứ 12 (1269) đã có chiếu phong làm tước vương, ban cho phù ấn, riêng ra lệnh: “Quân ta không vào nước ngươi, áo mũ lễ nhạc, không đổi tục cũ”. Tổ phụ của thần nhờ thế mà giữ được đầu cổ cho đến chết. Sinh linh đến nay nhận ơn không ít.

Đến đời cha thần, không may biên cương gây họa, nhưng việc thờ trên vẫn một lòng chung thủy không đổi. Kịp đến đời thần, mạo thay giữ đất, thẹn được thiên triều nghĩ tới tấm lòng của cô thần, lại biết thần sinh trưởng nơi góc xa, không thuộc thủy thổ, không quen nắng mưa. Các sứ thần của tiểu quốc đi lại thường vì lam chướng mà chết đến sáu, bảy. Nếu thần không thể tự lượng thì chỉ chết ở dọc đường, rốt không ích gì cho công việc. Vả lại, tiểu quốc là một nước mọi rợ, phong tục bạc ác, một ngày sống mà rời nhau thì anh em chắc không thể dung thứ cho nhau.
Thánh thiên tử có lòng nuôi vật, có dạ thương côi, thì một bề tôi của tiểu quốc còn không nỡ bỏ sót. Huống nữa, cha ông của thần đời đời thờ vua, mà vội vàng trong một ngày nỡ khiến cho xương cốt chóng phơi, xã tắc trở thành gò đống ư ?

Than ôi! Người đời nếu có kẻ được gặp mặt thánh, thì ở trong sách Phật gọi đó là phước lớn, còn sách Nho thì gọi đó là chuyện ngàn năm một thuở. Thần há không muốn xem quang cảnh thượng quốc, thân mình được tắm gội ơn vua, mà đã vội trái mệnh để chuốc lấy họa ư? Trời trên soi tỏ. Thật tình, vì thường tham sống sợ chết, thần xa cách thiên triều mà mắc tội ở góc trời thì sự che chở khoan dung chỉ cậy có bệ hạ sáng như trời trăng, lượng như thiên địa. Nếu không, dồn hết nước cả bốn biển cũng không đủ để rửa sạch tội của thần.

Thần nói hết lời, như gan phổi bày ra. Kính mong bệ hạ thương xót kẻ cô độc này, nghĩ tới sự khốn cùng của nó mà xét cho lòng cô trung của vi thần, tha tội nặng của vi thần, giúp vi thần được tạm kéo dài hơi tàn để hết lòng thành thờ kẻ lớn, bá tính mỗi giữ được tính mạng để hưởng lấy đức hiếu sinh. Há chỉ vi thần thịt nát xương tan, khôn có thể mong báo ơn vua trong muôn một, mà cùng khắp hết gầm trời, muôn miệng một lời cùng chúc tuổi vua muôn ức.

14

Thư ngày 13 tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 30 (1293)

Cô tử gửi thư cho thiên sứ đại tướng quân trướng hạ. Nay xét xe sứ mới đến, đầy thành xuân khí lung linh, liền biết có ý mới sinh, bút báo dạy răn để đón tiếp chiếu trời. Việc đủ để ghi nhận, hết lòng nhớ nghĩ. Cảm động lắm, cảm động lắm.

Lễ đón chiếu trời, từ xưa đã có. Từ ngày cha ông qui thuận đến nay đã định thành lệ thường, huống chi thân này dám mà không làm theo hết. Bèn kính cẩn đặc sai bề tôi chấp chính của bản quốc là Lê Khắc Phục ra tới biên cương xa đón. Đến ở trong nước, lễ tiếp được khiến dàn bày, tới ngày những mong rủ xuống những lời giáo huấn. Sơn lam chướng khí, e chẳng phải đất để có thể ở lâu dài. Nghĩ mong sớm được có lời bảo ít nhiều để an ủi lòng ngóng trông đau đáu. Kính đưa thư đáp này, rất mong xét nghĩ, khôn nói xiết hết.

Viết vào ngày 13 tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).
15

Thư ngày 21 tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293)

Cô tử viết thư lại cho thiên sứ đại tướng công các hạ. Cô thẹn được bút hoa của ngài đáp lại, rủ xuống tấm lòng hết sức dạy dỗ yêu thương. Thật cảm kích, thật cảm kích. Cô là bề tôi thờ tiên triều từ ông nội đến nay đã hơn 30 năm, tuế cống không dứt, tuy hai lần gặp binh hỏa, vẫn thủy chung một lòng. Việc phải đắc tội chỉ là không thể đền chầu mà thôi. Cô há không biết lễ là nếu có lệnh vua đòi thì không được lần lữa. Nhưng như tình thường tham sống sợ chết, sao như chim bay cao cá lặn sâu, chỉ có lòng muốn sống mà thôi, huống nữa là con người ư. Nếu thiên hạ không nơi bất tử và xưa nay không có người bất tử, kẻ hiểu lẽ đó, chỉ có Phật mà thôi. Còn con người ai có thể làm được. Tệ ấp của cô cách xa thiên triều quan san vạn dặm. Tướng công thực đã biết đủ rồi. Giá như cô đem cái thân yếu đuối bé nhỏ này, gắng gượng mà ra đi đợt này thì việc không tử vong trên đường sá là hiếm lắm. Mà việc tử vong của cô đây cố nhiên là không đáng xót. Song nó không làm thương tổn được lòng nhân yêu người, yêu vật của thánh triều ư ? Sách nói, vua là trời. Việc thờ vua của cô đây còn hơn cả việc thờ trời. Trời không có bực mà lên, nhưng còn có thể nhờ sớm tối để mà đối so. Vua không có bực để mà gần, nhưng có thể nhờ sớm tối mà hướng mộ. Cô nếu không tự lượng lực mà ra đi, thì còn muốn cầu đối so hướng mộ được ư ? Cô mượn lẽ của người xưa, nói năng không kiêng kỡ, lòng dạ như đã giãi bày, mong nhờ tướng công tạm vì cô mà nghĩ kỹ cho muôn một, chớ tiếp lời dại. Thư không hết lời.

Viết vào ngày 21 tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).

16

Thư ngày 25 tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).

Cô tử viết thư đáp lại thiên sứ đại tướng quân các hạ. Cô bất tiếu, cúi mong không bị chê quê, nhiều lần được ban thơ từ, tình nhiều, thương lắm. Nhiều lần nhọc nhằn ban thơ, lời lẽ phong phú, tình nghĩa dạt dào, thương yêu quá hơn cốt nhục, thân thiết như cố nhân. Ý khăng khăng, dám không phơi hết lòng dạ để tỏ tình trong muôn một.

Còn một việc đến chầu, thì cô chịu tội vậy. Bởi vì cậy vào lòng nhân của thánh triều như trời đất , mỗi mỗi trình xin lòng thương xót. Tướng công đã thật biết rồi, không cần nói thêm nữa. Về sự vinh dự của người thần tử được vào chầu, thì cô há không muốn. Chỉ nếu đem con đi thì khốn nỗi miệng nó còn hôi sữa, gân cốt chưa cứng cáp, không tập cưỡi ngựa, không quen gió sương, trên đường sá sẽ thấy như thế nào. Cô đây tuổi đã quá 30 mà còn lo không giữ được thân này, huống chi là đứa con mọn ấy. Nếu đem việc cũ của Anh Tề mà xét xem thì lại làm cho tội cô đây thêm nặng

Về tướng tá của quan quân, hoặc có kẻ còn rơi sót lại nơi tệ ấp, thì cha của cô ngày còn sống, đã tìm kiếm hết thảy như bộ thuộc của đại vương Tích Lệ Cơ, già trẻ của Ô Mã Nhi và Phàn tham chính, Tôn Lộ Man, Hà phụng ngự, Đường Ngột Công, Cát La Thị, Đường Vạn Hộ, Hồ Anh, Quách Toàn và bọn vạn hộ, thiên hộ đầu mục quan quân... đều đã theo nhau thứ lớp đưa về xong. Kỳ dư, hoặc có kẻ gặp lam chướng mà chết, hoặc đã trốn về, thì cô không biết được. Trương thượng thư ngày đến cũng đã nói tới điều này. Cô đã tìm hỏi các nơi thôn xóm, tới nay chưa có được tin tức gì. Cô há có tiếc mấy người này để nỡ bỏ sinh linh một phương. Vả lại, sở dĩ việc cô đưa trở về, ấy quả có lệnh của triều đình, chứ đâu phải cô tự làm sao? Còn họ ở đây thì chỉ chuốc lấy tốn kém, phí dụng, chứ có ích gì đâu.

Cô từ sau khi cha mất đi, đã ăn chay, tụng kinh, phóng sanh vật mạng, còn lo không đủ để báo ơn cha trong muôn một. Huống nữa là có việc bỏ tù hay giết hại tướng tá của thiên triều, để lụy tới cha mình ở dưới đất sao. Tướng công tuy đem điều đó ra dặn dò, cô vẫn không đợi nói hết.

Còn việc xâm lược biên giới, lời đó càng không đáng tin. Kinh Thi nói: “Khắp dưới gầm trời đâu chẳng đất vua.
Đem hết bờ cõi đâu chẳng tôi vua”. Tiểu quốc tuy nằm ở một xó, cũng là đất bề tôi của đại quốc. Mấy năm gần đây mới gặp binh họa, trăm họ tử vong, ruộng đất bỏ phế. Tướng công đã tận mắt thấy rồi. Nay đất của tệ ấp mười nhà thì chín nhà đã trống. Thế chưa đủ sao? Sao rảnh mà đi lấy thêm chỗ khác ư. Nay đem việc tiểu quốc thành sự đại quốc, chỉ biết lo sợ, còn e không giữ được, sao dám sanh lòng kiêu căng ấy ư. Gần đây, thiên sứ qua lại nhiều lần, tới đến tiểu quốc. Việc đón đưa ở Lục châu, tiểu quốc sợ tội xâm vượt biên giới, nên luôn tránh đi, chỉ dừng ở Khâu Ôn mà thôi. Lời cô không tin, thì còn có các thiên sứ. Hiện nay, lời tướng công có bảo phải trả lại biên giới. Lời nói ra làm thần rất sợ hãi. Cô vốn không có ý xâm lược biên giới, mà lại dám có lời trả lại biên giới ư? Như tướng công đã bảo, thì cô cũng sẽ răn ước đám dân biên giới chớ sinh sự bậy, để thể hiện lòng thành thờ trời của cô.

Vật là để tỏ lòng thành. Tả truyện có việc dâng rau cần. Kinh Thi có rau khe suối bãi bờ, rau tần, rau tảo, đồ nơm, đồ sọt, nước huỳnh, nước lạo, có thể dâng quỷ thần, có thể đãi vương công,1 Ấy là bởi tại lòng thành, chứ không phải tại vật. Cô ở xó bên ngoài đất viêm hoang, xa cách mặt trời. Thế mà sở dĩ tỏ rõ lòng thành của mình, ấy là tại ở thổ sản mà thôi. Nay tướng công cho đó là hư dối, không đủ để thể hiện lòng thành thờ vua thì cô sắp lấy gì để gửi tấm lòng mình ư? Có chỗ để gửi tấm lòng thành của mình mà còn không thể khỏi tội lệ. Nữa là không có chỗ mà gửi lòng thành thì tội lệ đó sẽ như thế nào.

Trộm nghĩ, thân cô đã không thể đến triều, mà con của cô lại không thể vào chầu. Cả nước kinh hoàng, chẳng biết làm gì, chỉ có đem hết tâm lực của mình, gửi lấy tánh mạng mình, gượng khiến một lão thần tâm phúc thay thế đến cửa trời mà giãi bày tội lỗi. Thế mà nay tướng công lại có lời là phải có một cận thần cốt nhục. Cô chưa biết xét người ấy là thế nào, hoặc là anh em chăng? hoặc là bà con chăng? hoặc là một lão thần tâm phúc chăng? Cô hư đốn, hoàng thiên không thương xót, nên anh em bà con đều là những kẻ chẳng biết gì, không thông xưa nay, không rõ thời sự. Giả sử lấy một người đưa đi lần này, thì không chỉ mắc tội với thiên triều, mà còn e di họa cho tiểu quốc.

Đó là đám trước đây, tướng công há không biết sao. Cô cho là anh em bà con, tiếng tuy là rất thân nhưng thực là kẻ thù; còn lão thần tâm phúc, tiếng tuy là bề tôi nhưng thật ra đó là cha con. Cô chưa biết ý tướng công, dùng danh ư, dùng thực ư ? Nếu muốn dùng hư danh mà không dùng điều thực, thì không chỉ cô đây mắc lấy tội không thể hết tình, mà tướng công cũng có cái lụy là bỏ thật mà lấy dối. Lời nói này của cô chưa khỏi bị chê là xảo quyệt, trang sức, văn hoa, dối trá. Chỉ may mắn mong tướng công uyển chuyển rõ hết tấm lòng mà thương xót tha cho.

Cơ an nguy sống chết của cô đây lệ thuộc vào trong ba tấc lưỡi của tướng công. Những mong lấy ý thương xót cô và lòng che chở dân, đặc biệt uyển chuyển một lời, dâng tới tai trời, giãi bày nỗi niềm không nơi nương tựa của thân cô sáu thước, ý không đâu nói tỏ của dân một phương. Há không chỉ sinh linh một nước cô đây được vái lạy của ban của trời đất cha mẹ. Dầu tiên tổ phụ của thần nghe được ở dưới đất cũng bất giác tay múa chân nhảy lăm lăm mong báo lại, thì chỉ có một nén tâm hương dâng lên ở cõi u minh.

Thơ không nói hết. Viết vào ngày 15 tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).

17

Thư ngày 1 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).
Cô viết thư đáp lại thiên sứ đại tướng công các hạ. Nay nép thấy nhọc nhằn xe hoa sứ tới, nhà thẹn tệ ấp tiêu điều, chẳng biết lấy gì để đãi người trưởng giả khi trở về. Mạo đem tí vật mọn để làm lễ tiễn. Thư đến khiêm nhượng từ chối, tình các hạ thật cao, còn lễ thế nào thì cô kính cẩn, giao phó cho sứ thần bản quốc đem tới, mong được nhận lãnh. Nếu mong đáp được chút tình, ấy là tại lòng chứ không phải tại vật. Kính đưa thư đáp này. Tha thiết mong được xem xét, suy nghĩ. Thư không nói hết lời.
Viết vào ngày mùng 1 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).

18

Nguyên nước An Nam dâng bài ca Vạn thọ cùng biểu và tấu.
Trời ban cho vua.
Vua ban xuống dân.
Thần chúc thánh thọ
Ức vạn năm xuân.

19

Tờ biểu ngày 4 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293).
Ngày lành tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30, bề tôi nước An Nam là Trần Nhật Tôn trăm vái, dâng lời của bề tôi Nhật Tôn:
Kính nghĩ, tuổi vua ức vạn, sánh tám ngàn năm xuân thu mới tới, đất Hạ đôi ba, ngang với năm trăm dặm đất miền hoang ngoài cõi. Khắp trời mừng vui, từ xưa chưa nghe tới. Bề tôi Nhật Tôn thật mừng, thật vui, cúi đầu, cúi đầu kính nghĩ Hiến Thiên Thuật Đạo Nhân Văn Nghĩa Vũ Đại Quang Hiếu hoàng đế bệ hạ thông minh sánh trời, trí dũng thiên phú, vì một giận mà yên thiên hạ, đem năm phước ban tới thứ dân, lấy trọn bốn phương, là việc từ Hán Đường chưa từng có. Thế mà không bỏ sót tiểu quốc, đem tấm lòng Nghiêu Thuấn ra dùng, có bắt thì có tha, được danh tất được thọ.
Bề tôi Nhật Tôn, đất nam ngồi giếng, mặt bắc ngóng sao, ba mươi năm chăm chăm khuyển mã, một tấc lòng rực rỡ trời cao, cúi bày gương vàng, luống mong cửa khuyết xem soi, xa dâng chén ngọc, sâu trông cửa ngọc đóng cất.

Bề tôi Nhật Tôn kính cẩn trai giới tắm gội, tự chính mình soạn viết bài tụng vạn thọ một chương, viết vào sách vàng, để vào hòm vàng, sai bồi thần Đào Tử Kỳ,... đem biểu mừng ca để tâu. Bề tôi Trần Nhật Tôn đâu dám nhìn trời trông thánh, cảm kích thiết tha, khôn xiết hãi hùng, thật vui thật mừng, cúi đầu cúi đầu kính nói.
Ngày mùng 4 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30, bề tôi nước An Nam Trần Nhật Tôn dâng biểu.

20

Tờ tâu ngày 4 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 (l293).
Bề tôi nước An Nam là Trần Nhật Tôn kính cẩn quên chết cúi đầu trăm vái dâng lời:
Thần ngày 14 tháng giêng năm nay nép thấy thiên sứ thượng thư bộ lại Lương Tăng, lang trung bộ lễ Trần Phu vâng đem chiếu trời xuống tới hạ quốc. Thần, Nhật Tôn, kính cẩn đem tôn tộc quan lại nhanh chóng ra đường đốt hương nghênh đón, rồi khi tới lối trải thảm, ba lần đốt hương cung nghênh, trăm vái quì đọc chiếu trời, nói rằng:
“Tội lỗi nước ngươi nay đã tự giãi bày. Trẫm lại có lời gì. Bậc thánh thiên tử rộng rãi khoan hồng.”
Như thế, bọn thần Nhật Tôn khôn xiết vui mừng, rất là hớn hở, tự bảo tội lỗi đầy trời của cha con thần mấy chục năm, đến ngày hôm nay đều được xóa sạch. Kẻ còn người mất thảy đều vái trời cha đất mẹ đã ban cho cái ơn sống lại.

Song, trong đó còn nói đến các loài có sự sống thì có loài nào an toàn mãi mãi cả đâu, thiên hạ có đất bất tử đâu.Thần, Nhật Tôn vẫn biết rằng xưa nay không có người bất tử, thiên hạ không có đất bất tử. Nhưng chỗ cậy là có trời hiếu sanh. Thánh thiên tử lấy trời làm lòng mình, thì tất phải thương kẻ côi mòn, lấy lòng nhân mà xem mọi người cùng như nhau. Thì tiểu quốc có thể trường cửu, có thể an toàn, có thể bất tử. Nếu không thế thì đi đâu chẳng phải là đất chết ư.

Chiếu trời lại nói: “Chỉ đem văn dối đồ cống hàng năm, khéo giả để lừa, thì đạo nghĩa ở đâu.” Thần, Nhật Tôn, nép đọc đến đây hồn xiêu phách tán, gan ruột rã rời, tuy sống mà như đã chết, tuy còn mà như đã mất. Thần, Nhật Tôn, thân này bất hạnh chẳng gì lớn hơn, đã không sinh ra nơi triều đình của thiên tử, lại không thể đến sân thiên tử. Cái để tỏ được lòng thành của mình thì ở thổ sản mà thôi. Thần, Nhật Tôn, há không biết là thánh triều bao phủ cả gầm trời, trèo núi vượt biển đi tới muôn phương. Đồ cống trân quí, chẳng món gì là không có, thì sao phải chỉ chăm chăm một mình tiểu quốc dâng hiến ư ? Song, thần, Nhật Tôn, còn không xét đến tội mình mà lại làm việc mạo muội đó, thì thật là vì đạo nghĩa thờ vua có chỗ không thể bỏ được. Trong chiếu trời tuy có hỏi đạo nghĩa ở đâu, thì ở tại thần hạ. Thần hạ dám bỏ được chức cống hay sao.

Nép mong hoàng đế bệ hạ với lòng cha mẹ, với lượng càn khôn, bao chứa đồ dơ, riêng ban lòng thương, nghĩ đến ông nội của thần là bề tôi Quang Bính, lòng son qui thuận, hèn nhận sắc phong, để giúp cho thần Nhật Tôn nối được ơn xưa, lo làm chức cũng như cũ, trên để tỏ hết lòng thành thờ vua, dưới để hoàn thành chí nguyện tiên tổ. Há chỉ vi thần một thân được bảo toàn, tạm kéo dài được hơi tàn, mà cũng để cho sinh linh một phương cùng hưởng đức lớn hiếu sinh của trời đất, chăm chăm tốc thành khuyển mã. Thần, Nhật Tôn, tự bảo dù ngàn sống muôn chết, thân nát xương tan cũng không đủ báo đền ơn vua trong muôn một. Thần, Nhật Tôn, đâu dám cầu trời khấn thánh, khôn xiết quên chết, kính cẩn tâu bày.
Ngày mùng 4 tháng 3 năm Chí Nguyên thứ 30 (1293). Bề tôi nước An Nam Trần Nhật Tôn tâu.

21

Tờ biểu năm Nguyên Trinh thứ nhất (1295)
Năm Nguyên Trinh thứ nhất, thế tử An Nam, Trần, dâng biểu mừng hoàng đế Thành Tông lên ngôi.
Rồng bay chín lớp, trên ngôi rồng trở lại trời xuân. Ngựa ruổi ngàn non, trước cửa ngọc kính dâng biểu tạ. Một người có phúc, muôn nước đều yên. Kính nghĩ, hoàng đế bệ hạ văn trị ngời sáng bên trong, lòng nhân bay khắp hải ngoại, xa thương gần mến, thường giữ đạo để làm lòng, dẹp võ dụng văn, cất khí giới mà không đánh, quyết mở rộng lòng lành thăm thẳm của vua ta, muốn sáng tỏ công lao rực rỡ của tiên tổ. Dẹp sấm sét để ra ơn mưa móc, cắt đất phong để tỏ lượng càn khôn, cùng dân đổi mới, theo vật gầy xuân.

Bọn thần may mắn gặp thời sáng sủa, mừng vui nghe lịnh sâu xa. Trông trời bắc khuyết, lòng xiêu theo sao Bắc cực ngôi cao, giữ đất Nam hoang, nguyện chúc vua Nam Sơn thượng thọ.

22

Tờ biểu xin Đại Tạng kinh
Họ Trần nước An Nam dâng biểu xin Đại Tạng kinh:
Thần ở Viêm hoang, lâu theo đấng Giác, mãi nhớ bối diệp, truyền tự Trung Hoa. Vào thời Đường Tống, từng có ngựa trắng chở sang. Ngày đại binh kéo đến thì đã hóa nên tro tàn. Thở than chẳng thấy văn kinh, ý sâu rốt cuộc khó tìm, như vào nhà tối mà không đuốc tuệ, như vượt bể khổ mà thiếu thuyền từ. Nghĩ đến tiểu quốc thiếu kinh Đại Tạng, nếu không cầu thỉnh ở thượng quốc, thì lấy đâu mở lối cho quần sinh.

Kính nghĩ, hoàng đế bệ hạ là vua Nghiêu Thuấn đương thời, là Phật Thích Ca tái thế, lấy sự độ người giúp vật làm tâm, cho việc rộng ban cứu chúng là lòng. Tiếng ngọc may không giữ kín, tạng báu mong được mở toang. Từ trời mà xuống, ban cho một vạn năm trăm ngàn hơn cuốn kinh, vượt biển về nam, cứu ức triệu người dân khốn khổ. Công đức ấy hơn công đức trước, quảng đại vô biên. Thánh nhân nay là thánh nhân xưa, lưu truyền có thế.

NGUYÊN BẢN

Thơ
Phú
Bài giảng
Ngữ lục
Văn xuôi
Văn thư ngoại giao

-Yamamoto Tatsuro, Annamshi kenkyu, I, Tokyo: Yamakawa shuppansha, 1950, tr. 1 - 43.
-Lê Mạnh Thát, Thánh đăng ngữ lục, Tu thư Vạn Hạnh, 1980.
-Lê Mạnh Thát, Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, I, Viện Phật học Vạn Hạnh, Tp. Hồ Chí Minh,
1980.
-E. Gaspardone, Ngan-nan Tche Yuan, Hanoi: Imprimarie d’Extrême-Orient, 1932, p. 47.1 Câu này có thể dịch: “ Tri Kiến là huyện Kiến xưa”. Kiến do thế có thể là một lên gọi địa phương của Tri Kiến.
-Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, I, Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr. 574 - 578.
-Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, I, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999,
tr. 428.
-Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sai gòn: Lá bối, 1974, tr. 377.
[1] Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Tu thư Đại học Vạn Hạnh 1972, tr.254-321; Khương Tăng Hội toàn tập, I, Tu thư Đại học Vạn Hạnh 1975, tr.172-188.
-Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, NXB Thuận Hóa 1999, tr. 474 - 490.
-Lê Mạnh Thát, Kiến tính thành Phật lục, trong Chân Nguyên thiền sư toàn tập, Tu thư Đại học
Vạn Hạnh,
1982, tr. 72.
-Lê Mạnh Thát , Lục độ tập kinh và Lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Tu thư Đại học Vạn Hạnh,
1972,
tr.264-271
-Lê Mạnh Thát, Tuệ Trung thượng sĩ toàn tập, cảo bản, 1979
-Trần Lê Sáng, Tìm hiểu văn phú thời kỳ Trần - Hồ trong Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học,
1960 - 1999,
tập 2, Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 231-232
-Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 239 và 481-482.
-Ông Nguyễn làng Cổ Đô, tức chỉ Nguyễn Bá Lân (1701-1785), nguyên người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây cũ, đậu tiến sĩ năm 1731, làm quan đến chức Thượng thư tước Lễ Trạch Hầu, có biệt tài về phú Nôm, tác phẩm có Ngã ba hạc phú, Giai cảnh hứng tình phú và Vịnh sử thi quyển. Bản hạnh viết về Huyền Quang hiện chưa tìm thấy.
-Đặng Thai Mai, Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học, trong Thơ văn Lý - Trần, I, Hà nội:
Nxb.
KHXH, 1977, tr. 42.
-Xem Lê Mạnh Thát, Viên Thái thiền sư toàn tập, Sai gòn: Tu thư Vạn Hạnh, 1977.
-Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sài gòn: Lá bối, 1974, tr. 397-398.
-Viện Triết học, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội: Nxb. KHXH, 1991, tr. 224.
-E. Gaspardone, Bibliographie Annamite, Bulletin de l’École Franổaise d’Éxtrême- Orient XXXII
(1932) 144
-Thượng sĩ Huệ Trung, Ngữ lục, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1969,tr. 175.
-Dấu: yêu dấu
1 Mựa chớ
2 Giấy, sồi: các loại vải xấu
3 Chỉn:chỉ, chính
4 Cốc: biết
5 Thửa: biết
6 Xá: hãy, nên
-Đồ: uổng
-Nguyên chú:
Hỏi: “Chân như là cái gì?”
Đáp: “Trong lắng sáng tròn rực thái hư”
Lại hỏi: “Bát nhã là gì?”
Đáp: “Nguồn gốc trí tuệ tự mình”.
Lại hỏi: “Chân Phật là gì?”
Đáp: “Đương cơ đối đáp là ai?”
Lại hỏi: “Chân kinh là gì?”
Đáp: “Đương cơ nêu lên quá rõ ràng”.
Lại hỏi: “Thế nào là truyền giao?”
Đáp: “Thầy trò bốn mắt nhìn nhau.”
Lại hỏi: “Hiểu ý là thế nào?”
Đáp: “Trở về nguồn gốc không bàn nghĩ.
Nếu có bàn nghĩ thì sa ngã thôi.”
Kệ rằng:
Nó nay chính là ta
Ta nay không là nó
Nếu hay hiểu như vậy
Chân như mới được rõ
Hiểu lòng mình là Phật
Nên gọi rõ đạt chân như
Hiểu lòng mình là Pháp
Nên gọi pháp môn một chữ
Muôn pháp về một
Nên gọi nhất thể Như Lai
Kệ rằng:
Tất cả muôn pháp
Đều tự tâm sinh
Tâm không chỗ sinh
Pháp không chỗ trụ
Nếu hiểu đất lòng
Ứng dụng không ngại
Chẳng gặp thượng căn
Thận trọng chớ hứa
Lại kệ:
Chân như bát nhã tông
Người không, ta cũng không
Phật quá hiện vị lai
Tính pháp vốn vẫn chung
Lại nói:
Đường đường mặt mũi thực
Lồ lộ chủ nhân ông
Bao hàm ngoài trời đất
Xuyên suốt giữa biển sông
Lúc dùng thành diệu hữu
Chỗ lặng thật hư không
Người người đều đầy đủ
Vật vật thảy tròn không
Từ nay lĩnh ngộ được
Thôi việc chạy tây đông.
1 Cong: Trong
2 Khuấy bổn: quên gốc
3 Biến: lần
4 Miễn: lẫn, với
5 Chằm: khâu; xể: để lòa xòa
6 Bạc; trắng; thoa: hẩm
1 Cất: nêu lên; ma: mà
2 Cầm: đàn cầm; huyền: dây
3 Xoang: tấu nhạc
4 Han: hỏi
5 The: vải thưa; Duộc: cái muỗng, vá; Thưng: ngăn, che
1 Lòi: dây cột; Tơ: dây kéo.
2 Tua: nên
1 Xá: đường xá
1 Mảng: nghe
2 Rạt thảy: dẹp hết (sát rạt)
3 con giàng: cái gường
4 mà cả: mặc cả
5 ang: cha
1 Lưỡi: bản năm 1754 không có, lấy từ bản 1932 điền vào.
2 Hượm: chớ.
3 Lệ: sợ.
4 dang: tránh (ra)
1 Tượng: phàm, hễ
2 đòi: theo
3 ghẻ: chia rẽ
4 Chiền: chùa
1 Nhẫn: đến, tới
1 óc: gọi, kêu
1 Bả: trả
1 Phô: nhiều
1 Tuyết Đậu: thiền sư Trùng Hiển (980 - 1052) phái Vân Môn, tác giả của Tuyết Đậu minh giác ngữ lục.
Dã Hiên: gọi đủ là Dã Hiên Tuân của phái Lâm Tế, sống sau năm 865, mất trước năm 999, hiện còn một bài thơ chép trong Thiền tông tụng cổ liên châu thông tập, 21.
1 Những chữ Hán dùng trong câu này lấy từ hai bài thơ Thái tần và Thái phiền trong thiên Quốc phong của Kinh Thi để nói về vật mọn có thể dùng đãi công hầu và cúng quỉ thần.

Bài Thái tần:

Vu dĩ thái tần
Nam giản chi tân
Vu dĩ thái tảo
Vu bỉ hành lạo
Vu dĩ thinh chi
Duy khuông cập cữ
Vu bỉ Tương chi
Duy kỷ cập phủ.
Bài Thái phiền:
Vu dĩ thái phiền
Vu dĩ vu chỉ
Vu dĩ dụng chi
Công hậu chi thị
Vu dĩ thái phiền
Vu giản chi trung
Vu dĩ dụng chi
Công hậu chi công


---o0o---
Chân thành Đạo hữu Tâm Diệu đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này
(Trang nhà Quảng Đức, 02/2002)
Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 30521)
Hòa thượng pháp danh Thiền Tâm, pháp hiệu Liên Du, tự Vô Nhất thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại xã Bình Xuân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Nguyễn Văn Hương và cụ Trần Thị Dung pháp danh Giác Ân. Ngài là người thứ 10 trong số 13 anh em, 4 trai, 9 gái.
09/04/2013(Xem: 8327)
Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23/12/1921 (Tân Dậu), tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Cụ Ông Vũ Đức Khanh, thân mẫu là Cụ Bà Đỗ Thị Thinh. Hoà thượng có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.
09/04/2013(Xem: 6294)
Lý Càn Đức (Bính Ngọ 1066 - Mậu Thân 1128) là vua thứ 4 nhà Lý, con trai duy nhất của vua Lý Thánh Tông và Ỷ Lan phu nhân tức Linh Nhân hoàng hậu. Càn Đức sinh ra ở Cung Động Tiên, gác Du Thiềm (gác thưởng Trăng) vào tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Chương Thánh năm thứ 8 (23-2-1066), hồi vua Thánh Tông đã ngoài 40 tuổi. Một ngày sau ngày sinh thì được lập làm Thái tử, 6 tuổi vua cha mất, được tôn làm vua, tức vua Lý Nhân Tông. Vua có tướng hảo, tâm hiền, bản chất thông minh dũng lược.
09/04/2013(Xem: 7316)
Mỗi khi tâm niệm đến hành trạng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng ta không thể không đề cập đến con người và sự nghiệp Lý Công Uẩn. Giá trị lịch sử của một con người không chỉ ảnh hưởng đến tự thân mà dư âm giá trị lịch sử của con người đó còn ảnh hưởng trực tiếp đến muôn người khác từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và quả thật, Vạn Hạnh Thiền sư là người có công rất lớn trong việc khai sáng ra triều đại nhà Lý thì Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên thực thi tinh thần Vạn Hạnh bằng tất cả sự thể nhập "Đạo Pháp - Dân tộc" trong một thực thể duy nhất.
09/04/2013(Xem: 13930)
Có lần trong tù, đói quá, Thầy Quảng Độ nằm mơ thấy được nhà bếp cho một cái bánh bao. Ăn xong thấy bụng căng thẳng, no nê, rất hạnh phúc. Sự thật là đêm ấy, trước khi đi ngủ, vì đói quá nên thấy uống nước cho đầy bụng dễ ngủ. Và Thầy đã đái dầm ra quần. Sáng hôm đó Thầy có làm một bài thơ.
09/04/2013(Xem: 7322)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
09/04/2013(Xem: 8668)
Từ ngày 18-23/5/1996 HT.Thích Minh Châu, Phó CT kiêm Tổng thư ký GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Hiệu trưởng trường CCPHVN... đã lên đường đến Thái Lan để nhận bằng Tiến Sĩ Phật Học Danh Dự (Honarary Doctorate Degree in Buddhist studies) tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajvidyalaya, Thủ đô Bangkok, Thái lan.
09/04/2013(Xem: 10932)
Thiền sư THÍCH ĐỨC NHUẬN, pháp hiệu Trí Tạng, thế danh Đồng Văn Kha, sinh ngày 14 tháng Chạp năm Quí hợi (thứ bảy, ngày 19 tháng giêng, 1924). Chính quán : làng Lạc Chính, xã Duyên Bình, huyện Trực Ninh, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Thân phụ là Đồng Văn Trung và thân mẫu là bà chính thất Hà Thị Thìn hiệu Trinh Thục (cả hai vị đều đã mãn phần). Là con thứ tư trong một gia đình thanh bần - dòng quí tộc. Ngài có 2 anh, 1 chị và 3 người em dì bào (2 trai, 1 gái).
09/04/2013(Xem: 5750)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thân sinh là cụ Lâm Hũu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương.
09/04/2013(Xem: 7927)
Hòa Thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Thông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Thuở thiếu thời Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật Giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này. Sẵn có túc duyên Phật pháp nên vào năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông. Sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà (Dhatanga) suốt mười hai năm. Năm 1951 Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]