Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phần thứ bốn: Cuốn 31-50

23/04/201319:47(Xem: 5605)
4. Phần thứ bốn: Cuốn 31-50

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO – HÀ NỘI

PL.2545-Dl.2001

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN THƯỢNG

(TỪ NĂM 1983-1989)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Phần 4. CUỐN 31-50

Hỏi: Khi gặp cảnh khổ của chúng sanh, con không khỏi xúc động và nổi lòng từ bi, đúng hay sai?

Đáp: Tổ Sư Thiền chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình tự động quét sạch tất cả, nay bất cứ nổi lên niệm gì đều chướng ngại sự giải thoát, nổi lên lòng từ bi là biệt niệm, cũng là chướng ngại.

Bác Sơn Hòa Thượng nói: “Bổn phận của bậc xuất gia là phải tu đến giác ngộ, kiến tánh thành Phật”. Nếu bỏ bổn phận mà đi làm việc từ bi, thấy người bị chết đói, mình chịu chết đói thay; thấy người bị lạnh cóng, mình cởi áo đang mặc để chịu lạnh thay, người đời thì cho đó là từ bi, là Phật sống, nhưng đối với bổn phận là thiện nhân chiêu ác quả. Tại sao? Vì thọ nhận sự cúng dường của mười phương, nay bỏ bổn phận đi giúp cho người khác, dù giúp cho hôm nay khỏi bị chết đói, thế còn ngày mai? Dù nuôi đến già đến chết, người ấy cũng chẳng được kiến tánh, chẳng được giải thoát.

Bây giờ kể cả cha mẹ mình còn bỏ mặc để đi xuất gia, là phải giữ đúng bổn phận, tu đến kiến tánh thành Phật, mới độ được nhiều chúng sanh, mới có tư cách thọ nhận sự cúng dường của mười phương. Vì có bản ngã, để được người đời tán thán, khen là Bồ tát sống, là Phật sống, thật sự đối với đạo tại trái nghịch nhau, nên nói “thiện nhân chiêu ác quả”.

Hỏi: Hành giả tham thiền gặp duyên làm việc bố thí, chẳng nghĩ thiện cũng chẳng nghĩ ác, như thế được không?

Đáp: Nếu công phu miên mật thì tất cả niệm đều chẳng khởi lên được. Hễ có khởi lên biệt niệm tức công phu có kẻ hở, công phu miên mật là không biết có công phu miên mật, đến chỗ “Vô tham tức chơn tham”, tham thiền còn không biết, còn biết đến cái gì nữa? Có biết là chướng ngại.

Hỏi: Trường hợp trong nhà cần sử dụng thuốc ngừa mối mọt, nhưng rủi nó bị chết có mang tội không?

Đáp: Có thể sử dụng những loại như long não, vừa giữ gìn đồ đạc vừa không sát hại đến các sinh vật. Cũng như Hoằng Nhất Luật sư, theo kinh nghiệm của Ngài đối với con chuột, muốn chuột không cắn phá đồ dùng là nuôi nó, đem cơm rãi ở một nơi cho chuột ăn, lúc đầu chuột cứ cắn nát kinh sách, nhưng một tuần lễ về sau, chuột không cắn hư kinh sách nữa.

Hỏi: Con đang tham câu “Niệm Phật là ai”, nay muốn đổi qua câu khác, được không?

Đáp: Trước kia chưa tham câu “Niệm Phật là ai” có niệm Phật không? Đối với câu này có thắc mắc không? Nếu không thắc mắc thì không khởi nghi tình được, phải lựa câu thoại nào cảm thấy rất thắc mắc mới được.

Lại, mặc dù công phu tham đến tinh tấn lắm, đối với việc sanh tử phải thống thiết mới được. Tại sao? Vì sự tinh tấn cỏ thể chỉ kéo dài năm - ba tháng, hễ cảm thấy không mùi vị rồi sẽ lui sụt. Phải nghĩ rằng “Nay tuy còn sống, ngày mai chưa biết thế nào? Nếu chết sẽ ra sao? Tại sao ai cũng sợ chết mà không tránh khỏi? rồi chết đi về đâu?” Bây giờ thừa lúc chưa chết phải giải quyết xong việc lớn sanh tử, muốn giải quyết phải tham Thiền đến kiến tánh.

Có thống thiết với sanh tử, tham thiền mới không lui sụt. Người thế gian thường lo cho sự sinh sống nhiều hơn, lo kiếm thêm nhiều tiền, nhiều chừng nào tốt chừng nấy; được nhiều tiền của rồi lo cho có thế lực mới bảo vệ được tài sản ... Chẳng biết rằng dù tiền của thế lực bằng như vua chúa, ũng chẳng giải quyết được việc lớn sanh tử, cuối cùng cũng phải già, bệnh và chết. Chỉ có tham thiền mới giải quyết được khổ sanh lão bệnh tử mà thôi.

Hỏi: Tham thiền đến lúc mãnh liệt rồi phải làm sao? Đúng hay sai?

Đáp: Đừng có biết đến làm sao hay chẳng làm sao, mãnh liệt cũng hỏi tới, không mãnh liệt cũng hỏi tới; có nghi tình cũng hỏi tới, không có nghi tình cũng hỏi tới, có sợ là chướng ngại. Đức Phật đã nói “Vô thỉ vô sanh”, nên người chứng quả gọi là “chứng vô sanh pháp nhẫn”. Tịnh Độ Tông dù không có chứng ngộ, sau khi được sanh Cõi Cực Lạc, cuối cùng cũng ngộ pháp vô sanh, nên nói “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Đã nói là vô sanh thì làm sao có pháp đúng hay không đúng?

Chỉ cần giữ nghi tình, có thắc mắc là đúng rồi, ngoài ra, bất cứ khởi niệm biết đúng hay sai, đều là biệt niệm.

Hỏi: Con nghĩ rằng câu thoại đầu tức trí huệ, nên phải chăm chú nhìn vào và khiến cho miên mật, để sự tu đạt đến kết quả như ý muốn của mình, phải vậy không?

Đáp: Ông đã khởi nghi tình được, đã thống thiết vì sanh tử, ấy là được rồi, cứ tiếp tục tham tới. Nhưng đừng cho câu thoại đầu là trí huệ, cũng đừng cho các thứ khác là huyễn hóa, vì trí huệ chẳng thật có trí huệ, huyễn hóa cũng chẳng thật có huyễn hóa. Đức Phật đã nói: “Tất cả pháp đều bình đẳng, tất cả pháp đều chẳng tự tánh, tất cả pháp vốn vô sanh”, nay muốn ngộ pháp vô sanh, phải cắt đứt tất cả ý thức phân biệt, hễ có tâm biết cái này trí huệ, cái kia chẳng trí huệ thì không bao giờ kiến tánh được. (Sư phụ đã giảng về từ nghi đến ngộ, lược qua).

Hỏi: Lúc trước con tu theo pháp tri vọng, Thiền sư Tông Mật nói “Biết vọng là tu, khi vọng tưởng sạch hết tức chơn không Phật tánh hiện tiền”. Sau khi tu được một thời gian thì con không vừa lòng với những kiến giải trên, con cho rằng “cho dù tri vọng, tri tịch hay thường tri đều từ vọng tâm sanh khởi mới biết”. Khi gặp Sư phụ dạy pháp tham thoại đầu, con chỉ muốn biết được mình là cái gì, nên lúc công phu con không biết tới có đắc lực hay không, có nghi tình hay không, mục đích của con chỉ là “cầu giải thoát” và “biết được mình là cái gì”, nhiều khi con mất câu thoại đầu nhưng vẫn còn hai thắc mắc trên, vậy có đúng không?

Đáp: Thắc mắc chỉ có một, nếu có hai là không đúng. Giải quyết được một thắc mắc thì tất cả thắc mắc đều giải quyết. Phật pháp bất nhị, ngoài câu thoại đầu ra, nếu mống khởi cái gì khác, ấy là biệt niệm. Ông tham câu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?”, nếu tách câu “ta là cái gì” ra là không được. Vì có ta cũng không đúng, không có ta cũng không đúng, tất cả vạn vật đều như thế, có cũng không được, không có cũng không được, đều nằm trong tứ cú.

Lại, ông vừa nói đến Thiền sư Tông Mật, ngài là Tổ thứ năm Tông Hiền Thủ của Giáo môn, không phải Thiền tông, đối với Tổ Sư Thiền còn cách xa lắm. Trong Kinh Viên Giác, Phật nói: “Tất cả chúng sánh đều chứng viên giác”, ngài lại nói: Chữ CHỨNG không được, ấy là người dịch sai, phải nói là ĐỦ, tức “chúng sánh đều đầy đủ viên giác nhưng chưa chứng”, lý giải như thế là do ý thức phân biệt, nên không thích hợp với Tổ Sư Thiền. Nếu căn cứ vào đó để tu, cũng như Lục Tổ quở Thần Hội: “Dẫu cho ngươi sau này ra hoằng pháp, cũng chỉ là một môn đồ tri giải mà thôi”.

Lục Tổ hỏi chúng: “Ta có một vật, không đầu không đuôi, không tên không gọi, các người có biết là gì không?”

Thần Hội ra đảnh lễ đáp: “Ấy là bản nguyên của chư Phật, Phật tánh của Thần Hội”.

Lời nói chẳng phải không đúng, nhưng vì dùng ý thức để lãnh hội, Tổ Sư Thiền là chấm dứt tất cả ý thức, hễ dùng ý thức để hiểu là vọng, là tương đối, là nhị.

Phật pháp bất nhị, nên ở Phẩm thứ nhất kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói với Pháp sư Ấn Tông rằng: “Thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp”. Theo giáo lý của Phật, phải thiền định rồi mới giải thoát, nay nói thiền định giải thoát chẳng phải Phật pháp, mọi người cảm thấy khó hiểu, nhưng sự thật là vậy, vì hễ có định thì có loạn, có giải thoát thì có trói buộc, ấy là pháp tương đối. Do đó, ông nói có hai thắc mắc là không được.

Hỏi: Đang tham thoại đầu xen vào “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ, được không?

Đáp: Chín chữ VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ là khi nào tự cảm thấy muốn có sở đắc rồi, phải chợt nhớ là vô sở đắc, muốn cầu một điều gì thì chợt nhớ phải vô sở cầu, khi nổi ý lo sợ thì nhớ lại là vô sở sợ ngoài ra cứ câu thoại đầu tham tới mãi, không cần xen vào khiến nghi tình bị kẻ hở.

Hỏi: Con người sống để làm gì?

Đáp: Vấn đề này phải tự hỏi. Nguyệt Khê Pháp sư trong cuốn Phật Giáo Nhân Sinh Quan nói: “Nay mình sanh ra làm người, gọi là vạn vật chi linh có ý nghĩa gì? nếu như vì sự sống thì tất cả loài vật khác đều phải vì sự sống; nếu vì sanh con đẻ cái thì các loài kia cũng như thế. Vậy ngoài những thứ lấy ra, còn có ý nghĩa gì?

Nay muốn biết ý nghĩa sống là gì, trước tiên phải biết mình là gì, làm chủ cho bản thân rồi mới giải quyết được tất cả vấn đề. Bây giờ không biết sanh từ đâu đến, chết đi về đâu? Lại, không muốn già cứ phải già, không muốn bệnh cũng phải bệnh, không muốn chết cũng phải chết, tự làm chủ chẳng được. Nếu thật là “tôi” thì tôi phải tự chủ được, nên phải biết “tôi” là cái gì. Mục đích tham thiền là vậy, đến khi kiến tánh rồi mới biết mình là cái gì, mới được tự do tự tại, ra khỏi sự ràng buộc của chiêm bao.

Hỏi: Thế nào là niệm mà chẳng niệm?

Đáp: Nói “Niệm mà chẳng niệm” , niệm trước là bản niệm, cũng gọi là bản tâm, bản tánh, Tự tánh, Phật tánh, Thật tướng, Bát nhã, Pháp thân v.v... mặc dù đủ thứ tên gọi, nhưng vẫn là bản niệm.

Bản niệm là luôn như thế, ngày đêm không gián đoạn, từ thân này sang thân khác, kiếp này sang kiếp khác. “Niệm mà chẳng niệm” là ngoài bản niệm ra chẳng còn niệm gì khác, bất cứ khởi lên niệm gì, từ niệm tham sân si cho đến niệm từ bi, bác ái ... đều là vọng tưởng. Cho nên Lục Tổ nói “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác”. Nghĩ thiện nghĩ ác đều là niệm, hễ ở trong bản niệm nổi lên niệm rồi, thì chẳng phải là “niệm mà chẳng niệm”.

Bản niệm linh động, làm gì cũng được, Chư Phật Bồ tát làm mà chẳng niệm. Tại sao? Vì không qua sự tác ý. Có tác ý là niệm, tự tánh tự động hiển dụng, không cần qua sự tác ý. Cho nên, dù không nỗi niệm, tất cả việc làm đều tùy cơ hóa độ chúng sinh, không qua tác ý, cũng chẳng phải là không thế biết như gỗ đá.

Hỏi:Thế nào là niệm trước chẳng sanh, niệm sau chẳng diệt?

Đáp: Chư Phật như Tổ đối với đương cơ tùy bệnh cho thuốc, nếu chấp vào những lời nói đó, là nghịch với ý Phật, ý Tổ, gọi là “tùy ngữ sanh giải”, là con chó đuổi theo cục xương.

Bản niệm vốn bất nhị, chẳng có trước sau, trước sau là nhị. Nói Tự tánh, thật tướng, Niết bàn cũng là nó; về con mắt thì gọi là bản kiến, về lỗ tai thì gọi là bản văn ... đử thứ tên gọi cũng là nó, chẳng phải mỗi mỗ khác nhau. Do người hỏi pháp chấp đến đâu thì phá chấp đến đó: Chấp Phật phá Phật, chấp Bồ tát phá Bồ tát, chấp chúng sanh phá chúng sanh, chấp tâm phá tâm, chấp tướng phá tướng ... để khôi phục lại bản niệm. Nhưng hễ chấp vào lời phá chấp của chư Phật chư Tổ cũng là chấp, bệnh chấp vẫn còn, nên phải được ý quên lời chớ có chấp lời nghịch ý.

Hỏi: Sư phụ nói cần phải có sự ngộ nhập để làm chủ cái thân ngũ uẩn này, vậy ngộ nhập cái gì?

Đáp: Nói “ngộ nhập” là từ trong chiêm bao thức tỉnh. Trong chiêm bao, đủ thứ cảnh giới đều cho là thật, đến khi thức tỉnh mới biết tất cả đều chẳng thật, lúc đó tự mình chứng tỏ, không cần thiện tri thức giải thích nữa. Nên khi kiến tánh gọi là chứng ngộ, là ngộ nhập mở mắt chiêm bao chẳng thật.

Hỏi: Nay con biết lất cả đều giả tạo, không theo nó, vậy có đúng không?

Đáp: Nay nói “giả tạo” là chấp vào sự giả tạo, nói không theo đã là theo rồi, đã chấp thật rồi. Bản niệm không có theo và không theo, cũng như căn nhà, vốn chẳng có xoay và không xoay, nói “ngưng xoay” là trước kia đã có xoay, nói “không theo” cũng vậy. Vốn là không có, cần gì theo hay không theo!

Hễ cho là “có lý” là chấp thật, có lý thì chướng ngại sự. Thông thường người thế gian cho là bị sự chướng ngại lý, cho là thế này hợp lý, thế kia không hợp lý, nhưng thật tế là lý chướng ngại sự. “Sự” là gì? Là Bản niệm; “lý” là gì? Là từ Bản niệm sanh ra niệm, mới cho là có lý. Vốn cái bản niệm làm sao có lý? Tại sanh ra niệm khác, ví như cho sự từ bi là có lý; chấp thật chấp giả, cho cái này là vô minh, cái kia là trí huệ v.v... ấy là lý chướng ngại sự. Kỳ thật, Phật nói hai chữ “Vô thỉ” đã là nói hết rồi: Vô thỉ làm sao có vô minh để bắt đầu? Vô thỉ tức vô sanh, nếu tất cả pháp đều vô sanh thì làm sao có cái lý gì để cho là đúng? Ấy là do lập ra cái lý chướng ngại đến sự.

Hỏi: Muốn lìa pháp đối đãi phải làm sao?

Đáp: Phải tự ngộ. Nếu chưa tự ngộ tức còn nằm trong đối đãi, tự ngộ tức từ chiêm bao thức tỉnh, đã thức tỉnh rồi, không cần lìa cũng tự lìa; chưa thức tỉnh mà khởi niệm muốn lìa, cái niệm muốn lìa đó vẫn còn trong chiêm bao, lại càng trói buộc thêm. Cho nên chư Phật chỉ muốn chúng ta giác ngộ, ngộ rồi lấy gì để lìa?

Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng đến văn tự. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật”, pháp môn Tổ Sư Thiền khác với Giáo môn, Giáo môn là hiểu bao nhiêu tu bấy nhiêu, còn Tổ Sư Thiền không cần gì hết, người ngu si dốt nát nhiều khi còn hơn người thông minh lanh lợi, vì chẳng bị lý lẽ, sở tri chướng ngại. Nay nếu không chịu ra ngoài chiêm bao, cứ ở trong chiêm bao học hết tất cả, vẫn còn ở trong chiêm bao mãi.

Cũng có người hỏi tôi: “Nay biết được là giả liền bỏ, bỏ riết cũng phải có ngày hết vậy!”

Tôi nói: Làm thế nào hết được? Ví như căn nhà, biết là giả, không theo nó, liền tháo bỏ, bỏ từ nhà này qua nhà khác, cho dù tháo hết tất cả nhà tại thành phố này, cho đến cả thế giới này, nhưng còn những thế giới khác, làm sao lìa? Không gian chẳng bờ bến, thế giới vô lượng vô biên, làm sao bỏ hết được?

Tổ Sư Thiền không cần buông bỏ, chỉ cần một nắm tay đập bể hư không, hư không tan nát rồi, tất cả nhà cửa cây cối ở đâu? Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một người trở về tự tánh, mười phương hư không đều tiêu diệt, vậy có phải gọn không? Chỉ cần có sức mạnh đập nát hư không, đâu cần lìa bỏ từng cái một! Ấy là thí dụ, chỉ cần từ chiêm bao thức tỉnh, thế giới chiêm bao ở đâu tìm?

Hỏi: Trí Bát nhã của con ở tại nơi con hay ở tại Đa Bảo Tháp?

Đáp: Trong Kinh Pháp Hoa, Đa Bảo Tháp dụ cho tự tánh, vì tự tánh đầy đủ tất cả, gọi là Đa Bảo. Phải biết, Tự tánh bất nhị, khắp không gian và thời gian, nếu có chỗ nào không cùng khắp tức nhị, có một thời gian nào không cùng khắp tức nhị, cho nên, tự tánh chẳng phải chỉ ở nơi Đa bảo tháp, cũng chẳng phải chỉ ở nơi thân. Nếu chỉ ở trong Đa bảo tháp thì chỗ khác chẳng có sao? ở trong thân ngũ uẩn cũng vậy.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thân tâm thế giới, tất cả vạn vật đều là vật trong tự tánh”; Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Thân ngũ uẩn và tất cả hiện tượng thế giới, mỗi sắc tướng âm thanh, trong tự tánh đều bình đẳng nhau, đều như mộng huyễn”. Sự thật từ những gì trước mắt cho đến khắp nơi đều là vậy.

Chứng Đạo Ca nói: “Bản thể tự tánh như hư không chẳng bờ bến, chẳng lìa trước mắt thường rõ ràng (trạm nhiên) hễ muốn tìm thì tìm không ra”. Vì tìm được tức có chỗ, chẳng cùng khắp. Ví như đang ngồi tại chùa Huệ Quang thì đi đâu tìm chùa Huệ Quang nữa! Làm sao trở về? Từ hồi vô thỉ đâu có lìa, lìa đi chỗ nào? Hư không đã là tự tánh rồi, chẳng lẽ còn có cái ở ngoài hư không sao?

Tổ Sư có một bài kệ:

Xưa nay ở chung chẳng biết tên,

Tự do tự tại tự làm nên.

Bậc thánh còn chưa thể nhận thức,

Phàm phu làm sao sáng tỏ được?

Có lìa hồi nào đâu? ở chung nhau mà không biết tên, bây giờ muốn sáng tỏ phải thức tỉnh, phải kiến tánh. Nếu còn trong chiêm bao, tìm hoài làm sao sáng tỏ? Thức tỉnh rồi khỏi tìm nữa.

Hỏi: Để cho nghi tình vỡ, có cần gặp thiện tri thức không?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: Nếu tự mình không biết, phải nhờ thiện tri thức chỉ, nếu đã tự ngộ rồi, cứ chấp trước phải gặp thiện tri thức cũng không được”. Tự tánh đã sẵn thiện tri thức, khi chưa có đường lối để đi, phải nhờ thiện tri thức chỉ, đường lối đã rõ ràng thì phải đi đúng. Nay nhiều hành giả tham thiền đã nghe tôi giảng nhiều, tự cho là mình đi đúng, thật tế thì chưa, chỉ chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” cũng còn làm không đúng, còn làm chưa được, nói chi cái khác! Nếu đi đúng chín chữ trên, thì cứ tự đi, khỏi cần gặp thiện tri thức cũng được. Vì đến chứng ngộ rồi vẫn là vô sở đắc, nếu còn cho là mình đã chứng đã ngộ, tức có sở đắc cũng còn chưa được.

Do đó, cần gặp thiện tri thức hay không là tùy người; người đã tin pháp môn, đã tin tự tâm, đi đúng đường lối rồi, có gặp hay không cũng có thể ngộ được. Trong Truyền Đăng Lục, có nhiều trường hợp phải gặp thiện tri thức, do thủ đoạn của thiện tri thức khiến ngộ, cũng có nhiều vị thấy người ta leo cây liền ngộ, đi đường bị vấp té cũng ngộ, bị người đánh cũng ngộ.

Có trường hợp một vị tăng đi ngang qua chợ, gặp người mua thịt hỏi người bán hàng:

- Hãy cắt cho tôi miếng thịt nạc kia.

Người bán thịt trả lời: “Chỗ nào chẳng phải thịt nạc!”

Vị tăng đó liền ngộ.

Có một vị thì đi trên đường gặp hai người đánh nhau, ông A đánh cho ông B một bạt tai, quát rằng:

- Ông không có mặt mũi hay sao! liền ngộ.

Tất cả đều là thiện tri thức, do công phu của minh đến mức rồi, gặp duyên liền ngộ, nếu không thì thiện tri thức nào khiến cho ngộ được?

Hỏi: Trong Tham Thiền Phổ Thuyếtcó câu “Sanh diệt đã diệt, tịch diệt làm vui” là thế nào?

Đáp: Do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, nay thấy có sanh có diệt là tướng bệnh, tướng bệnh hết rồi tướng mạnh hiện ra, bệnh thì không vui mạnh là vui. Nhưng, lúc bệnh chỉ hiện ra tướng bệnh, muốn tướng mạnh hiện ra phải hết bệnh, chứ đi tìm không được. Sanh diệt diệt rồi là hết bệnh, tịch diệt là tướng mạnh, bản thân tướng mạnh không có vui hay không vui, nhưng đối với tướng bệnh mà nói thì tướng mạnh là vui.

Kinh nói: “Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật”, nghĩa thật thì lời nói chẳng thể đến, suy nghĩ chẳng thể diễn tả, phải tự ngộ mới được. Muốn ngộ thì đừng nên tìm hiểu nữa.

Hỏi: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Một niệm trí huệ thì Bát nhã sanh, một niệm ngu muội Bát nhã diệt”, làm sao biết là một niệm trí huệ hay một niệm nguyện muội?

Đáp: Một niệm trí huệ tức chẳng chấp thật, một niệm ngu muội là chấp thật; chẳng chấp thật là Bát nhã sanh, chấp thật thì Bát nhã diệt. Bất cứ chấp thật cái gì, chấp có chấp không, chấp chơn chấp giả, đều là chấp thật. Hễ chấp tâm thì phá tâm, chấp Phật thì phá Phật.

Tiền niệm bất sanh là tâm, có sanh là vọng tâm sanh, chẳng phải bản tâm. Bản tâm vốn chẳng sanh diệt, Phật tánh cũng vậy, nên nói: “Hậu niệm bất diệt tức Phật", hễ có diệt là chẳng phải.

Nói “Phật tánh” cũng là bản tâm, không sanh không diệt tức tịch diệt, tịch diệt hiện tiền là Niết bàn. Niết bàn cũng do sanh tử mà có, sánh tử đã chẳng thật thì Niết bàn cũng chẳng thật, nếu còn trụ nơi Niết bàn tức còn thọ giả tướng, là ngã chấp vi tế gọi là mê trí.

Hỏi: Bài Vô Tướng Tụng trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Muốn ngộ Đại thừa thấy tự tánh, kính lễ tri thức chí tâm cầu”, Sư phụ giải thích là “cầu nơi chẳng cầu gọi là chí tâm cầu”'. Vậy thế nào là cầu nơi chẳng cầu?

Đáp: Đối với hai chữ “Kiến tánh”, nhiều người cho là có cái năng kiến để thấy Phật tánh, như thế thành có năng sở, còn là tướng bệnh, chẳng phải kiến tánh. Nói KIẾN TÁNH là tự tánh hiện ra, nay tự tánh bị phiền não vọng tưởng che khuất, chẳng hiện ra được, tức tướng mạnh bị tướng bệnh che lấp, khi nào trị hết bệnh thì tướng mạnh tự hiện, chứ chẳng phải là có một người năng thấy, và tướng mạnh là sở thấy, ấy là sai, là nhị. Tự tánh bất nhị, làm sao có cầu và chẳng cầu?

Nếu chấp vào “cầu” là không thấy tánh, chấp vào “chẳng cầu” cũng không thấy tánh. Người thường ham chấp có sở cầu, tham thiền cầu kiến tánh cũng là cầu. Không được nổi niệm muốn cầu, hễ có sở cầu là tham mãi không kiến tánh được. Do đã có sở cầu rồi, nên nói “cầu nơi chẳng cầu”. Nếu thật cầu pháp, là phải “Ưng vô sở cầu”, tức cầu nơi chẳng cầu; cầu giải thoát cũng vậy. Vì tự tánh có trói buộc đâu mà cầu giải thoát!

Hỏi: Đối với pháp tham thiền và việc làm hàng ngày, làm thế nào tâm vô sở đắc?

Đáp: Tổ Sư Thiền rất giản dị và triệt để, chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình hỏi tới hoài, tham liên tục và miên mật, tự nhiên tâm vô sở đắc. Nếu mống lên một niệm “không muốn đắc” cho là vô sở đắc, mặc dù nghĩ như thế, cái “không muốn đắc” đó đã làm không được rồi, ấy là biệt niệm, là tâm trộm cắp. Nay không cần khởi niệm muốn đắc hay không đắc, chỉ đề câu thoại đầu tham tới mãi, tự nhiên tất cả thân tâm thế giới đều quên, luôn cả tên tuổi cũng quên, tham thiền cũng quên, làm gì có đắc hay không đắc?

Hỏi: Trong bài Vô Tướng Tụngnói: “Nếu người thật chân tu, chẳng thấy lỗi thế gian, nếu thấy lỗi của người, trái lại thành tự quấy. Người quấy ta chẳng quấy, thấy quấy thành tự lỗi. Nếu bỏ tâm chấp quấy, phiền não đều tan rã”. Vậy làm sao bỏ được tâm chấp quấy? Ấy là do tự tu mà được hay do học được?

Đáp: Muốn bỏ tâm chấp quấy, chẳng phải do hiểu hay do học mà được. Nói “bỏ tâm chấp quấy” là bỏ ngã chấp của mình, “thấy lỗi của người” là chấp ngã. Ngã và người là tương đối, là bệnh chấp đã thành từ vô thỉ, muốn bỏ cũng bỏ không được, nên Đức Phật mới dạy đủ thứ phương tiện. Bây giờ mình tu Tổ Sư Thiền, chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, không bỏ nó tự bỏ, nếu không tu mà cố ý muốn bỏ là bỏ không được, cho nên Lục Tổ nói là phải tự tu, tụ chứng, tự ngộ.

Hỏi: Tại sao Lục Tổ đã tự ngộ, còn phải gặp Ngũ Tổ giảng đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” rồi ngộ thêm một lần nữa?

Đáp: Ngài Lai Quả thí dụ: Như đã đến trước cửa thiền đường, nhìn vào trong thấy được tất cả, nhưng chỉ rõ phần trước, phần sau thì mờ. Phá được Trùng quan là vào trong nhà, nhìn thấy rõ hơn lúc đứng ở ngoài. Nhưng đối với Tổ Sư Thiền, nói diệt Phật thì dễ, diệt ma thì khó, phải phá được Mạt hậu lao quan rồi, cả Phật lẫn ma đều quét sạch, lúc đó làm gì cũng chẳng chướng ngại. Dù Lục Tổ đã ngộ, có thể chỉ là Sơ quan, sau khi nghe Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ Tâm”, liền ngộ triệt để.

Hỏi: Thế nào là đắc Bồ đề tâm?

Đáp: Bồ đề tâm là vô sở đắc, đắc tâm vô sở đắc, mới tương ưng với pháp. Nếu khởi tâm muốn đắc là có sở cầu, có sở cầu ắt có sở sợ.

Hỏi: Tại sao nói giáo điển là việc hôm nay?

Đáp: Mục đích Phật pháp của Phật Thích Ca là muốn độ hết tất cả chúng sanh, khiến đều giác ngộ thành Phật. Thành Phật chẳng phải là trở thành một vị thần, mà là từ chiêm bao thức tỉnh, dứt hết khổ trong chiêm bao. Phật pháp mặc dù phổ biến khắp tất cả chúng sanh, nhưng thực hành thì mỗi chúng sanh tự đi đến chỗ giác ngộ.

Muốn đạt đến giác ngộ cuối cùng phải nhờ tự lực, Kinh Pháp Bảo Đàn nói “từ nghi đến ngộ”, tự

ngộ mới là kinh nghiệm của chính mình, còn tam tạng giáo điển, tất cả Phật pháp là sự ngộ của Phật Thích Ca.

Tôi thường thí dụ: Ví như ăn đường, từ nhỏ chưa ăn qua, chỉ nghe người nói vị ngọt của đường như thế nào, có bao nhiêu calory ... tự cho là mình đã biết đường là gì rồi, thật tế thì chưa nếm qua. Nay dù đem hết sự hiểu biết của mình, viết thành cuốn sách về vị ngọt của đường, cuối cùng chẳng biết ngọt là thế nào. Đến một ngày nào, cơ duyên chín mùi, có người mang đến cho ăn thử một phen, lúc đó mới thật biết như thế nào.

Đường là vật chất, còn phải qua kinh nghiệm thực tế mới biết, huống là tự tánh vô hình vô tướng! Làm sao có thể ở trong Tam tạng giáo điển tìm thấy được? Chỉ càng tìm càng xa, vì đó chỉ là lời của người khác, chẳng phải do tự chứng. Nếu chấp vào đó, chẳng những che khuất bản lai diện mục của mình, vĩnh viễn không được kiến tánh.

Cho nên, Tổ sư có một bài kệ:

Gió động tâm thổi cây, mây sanh tánh nổi trần.

Nếu rõ việc hôm nay, che khuất mặt bổn lai.

Giải:Thấy gió động là tự tâm thổi cây, chứ chẳng phải gió, thấy mây sanh là tánh nổi bụi trần, nếu thấu rõ hết việc hôm nay thì mặt mũi bản lai của mình bị che khuất. Từ gió thổi mây bay, nhà cửa cây cối, cho đến Phật pháp kinh điển, đều là việc hôm nay, bây giờ tham thiền là muốn ngộ biết mặt bản lai, phải dẹp hết tất cả việc hôm nay.

Hỏi: Đến Thập Địa Bồ tát, phá được một phần vô minh thì chứng được một phần pháp thân, vậy từ cảnh giới này sang cảnh giới khác, có phải còn pháp chấp vi tế?

Đáp: Giáo môn có hai thứ sanh tử: Phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử. Dứt hết phần đoạn sanh tử rồi còn biến dịch sanh tử, tức pháp chấp chưa hết, cho đến Thập Địa Bồ tát, còn những tập khí xuất thế gian vi tế, phải đến Đẳng Giác, bước qua Diệu Giác mới hết.

Hỏi: Người hạ căn làm sao khỏi bị trận mưa lớn, mới tiến dần lên trung căn, thượng căn?

Đáp: Đối với các pháp môn khác mới có phân biệt thượng, trung, hạ căn, còn Tổ Sư Thiền không phân biệt căn khí, sơ tham lão tham, già, trẻ, thông minh hay ngu si dốt nát đều bằng nhau. Sở dĩ có thí dụ “trận mưa lớn” trong Kinh Pháp Bảo Đàn, là vì Lục Tổ từ bi, muốn cho chúng ta biết: Người tiểu căn quá chấp thật, nên bị mưa lớn cuốn trôi. Nếu chẳng chấp liền trở thành thượng căn.

Cho nên Bác Sơn Hòa Thượng nói: “Hạ căn có thể chuyển thành thượng căn, mạt pháp chuyển thành chánh pháp”, vì tất cả đều do tâm tạo. Lại, Lục Tổ nói: Một niệm trí huệ thì Bát nhã sanh, một niệm ngu mê thì Bát nhã diệt”. Bát nhã sanh là thượng căn, Bát nhã diệt là hạ căn. Tại sao gọi là trí? Chẳng chấp thật là trí, chấp thật tức ngu muội.

Ngoài ra, ngài sợ người chấp vào lời nói của ngài, nên nói: “Nay ta gượng nói ra, khiến ngươi bỏ tà kiến. Chớ hiểu theo lời nói, mới cho biết ít phần”.

Hỏi: Tại sao nói kiến tướng phi tướng mới thấy Như Lai?

Đáp: Kinh Kim Cang nói “Phàm tất cả tướng đều là hư vọng, nếu thấy tất cả tướng chẳng phải tướng, mới thấy Như Lai”; tướng có là tướng, tướng không cũng là tướng, tướng chẳng có chẳng không, cũng có cũng không cũng là tướng. Chớ cho là chỉ cần lìa tướng có, còn tướng không thì khỏi cần lìa, nếu chấp vào tướng không, bệnh càng thêm nặng. Tại sao? Vì hễ chấp CÓ thì dùng KHÔNG để trị, còn chấp KHÔNG thì khó dùng tướng CÓ để trị, do mọi người đều coi đó như là bệnh rồi.

Nói “Lìa tướn”", nay nhiều người nghiên cứu kinh điển, hay hiểu lầm chữ “lìa”, nếu thật sự có lìa là nhị, có ta năng lìa, có tướng sở lìa thì chưa được lìa, vì năng sở rõ ràng. Như Kinh Viên Giác nói “Tri huyễn tức lìa, lìa huyễn tức giác”, đều chấp thật có huyễn có vọng để lìa, chẳng biết chỉ có “không chấp thật” đã là lìa, đã là giác. Nếu chẳng chấp huyễn là thật thì tức huyễn tức chơn; nếu chấp huyễn là thật thì chơn cũng là huyễn.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Vọng với chơn là hai thứ vọng”, chẳng chấp vọng, chơn là thật, ấy tức lìa. Nếu chấp cho là thật mà muốn lìa, là đuổi theo lời nói, bị huyễn dính mắc, chẳng hiểu nghĩa chữ lìa.

Hỏi: con người từ đâu đến? Chết đi về đâu? Tu kiếp này chưa giải thoát, sau khi chết quên hết rồi, kiếp sau làm sao tiếp tục?

Đáp: Tham Tổ Sư Thiền chính là phải giải quyết việc này trước khi chết. Người thưởng chấp thân ngũ uẩn này là ta, sau khi chết đem đi thiêu thành tro, chôn thành đất, nếu thật là ta, chẳng lẽ đống tro, cục đất là ta sao? Nếu tro đất chẳng phải ta thì thân này chẳng phải ta, vậy ta chơn thật là gì? Từ đâu đến? Đi về đâu? Phải tự ngộ mới được.

Còn nói đến sự tu tập từ nhiều kiếp hay tu trong một kiếp rồi sau đó sẽ quên, thức thứ tám

còn gọi là hàm tạng thức, tức như một hạt giống giữ trong kho tàng, chẳng kể bao lâu, khi khởi lên hiện hành rồi mới mất. Khi còn bé khởi lên một niệm, tưởng chừng đã quên mất, nhưng sự thật là không quên, đến khi lớn lên, thình lình gặp cảnh duyên rồi nhớ lại, gọi là hàm tạng. Ví như tham Thiền, dù chỉ tham có một ngày rồi chết, cũng tạo được cái nhân vô vi, kiếp sau hay nhiều kiếp sau, cơ duyên chín mùi, sẽ được quả vô vi.

Nay chúng ta chưa ngộ, đâu thể biết được đã tu nhiều kiếp hay không, nhưng nếu nhiều kiếp chẳng tu thì đại chúng làm sao có nhân duyên cùng hội tụ ở đây nghe tôi giảng về pháp môn Tổ Sư Thiền? Lục Tổ có nói: “Các người hôm nay đến đây nghe tôi thuyết pháp, đã gieo trồng thiện căn từ bao nhiêu kiếp rồi”. Nếu không gieo trồng thiện căn, như bà lão ở thành Đông hồi đời Phật, dù sanh cùng giờ, cùng ngày, cùng năm với Phật cũng chẳng thể gặp được. Do đó, Kinh Kim Cang nói là: Để gieo trồng thiện căn từ vô lượng Phật”, mới có thể tin vào pháp môn này, tu theo pháp môn này.

Hỏi: Người tham Thiền chúng con, đa số sai phạm vào đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền, vậy xin Sư phụ từ bị chỉ dạy thêm.

Đáp: Trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiềnnói: Người tham thiền phải chú ý đến 10 điều, điều thứ nhất là PHÁ NGÃ CHẤP, VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU VÔ SỞ SỢ, Phật pháp là chánh pháp, phải phá ngã chấp mới có thể đạt đến tự do tự tại, thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ngoại đạo mặc dù thiền định rất cao, cũng tu có thần thông, do không phá ngã chấp, nên không được giải thoát.

Ngoại đạo cũng có năm thứ thần thông, nhưng không được lậu tận thông, phải tu theo chánh pháp, ngã chấp phá hết rồi mới đạt được. Khi phá hết ngã chấp, vọng tưởng sạch rồi, tự tánh vốn sẵn thần thông, biến hóa vô lượng vô biên, chẳng bị thời gian, không gian, số lượng hạn chế.

Nếu hạ quyết tâm vì giải thoát khổ sanh tử, phải tham đúng tông chỉ của Tổ Sư Thiền, nhất là điều thứ nhất, nếu vi phạm chín chữ này, sẽ lọt vào tà ma ngoại đạo. Nay có một số hành giả, sau khi tham dự thiền thất năm, bảy lần tại Chùa Từ Ân, tự cho là đã hiểu thấu, tự làm tài khôn lãnh đạo người khác tham thiền, thuyết pháp dạy người tìm hiểu thêm, chẳng những không phá được ngã chấp, lại tăng thêm ngã chấp, ấy là nghịch với ý chỉ Tổ Sư Thiền. Những người như thế sau này chắc chắn sẽ đọa địa ngục.

-Trong Kinh Lăng Nghiêm nói có bốn thứ địa ngục:

1. Phỉ báng Đại thừa, 2. Phá Phật luật nghi, 3. Cuồng vọng thuyết pháp, lấy ý mình thay cho ý Phật. 4. Hư tiêu tín thí.

Chẳng có chân thật tu hành, tụ giác giác tha mà lãnh thọ sự cúng dường của mười phương, thọ nhận Phật tử cung kính lễ bái, chẳng biết điều đó rất nguy hiểm, chẳng phải là phước báo đâu. Tín đồ bố thí mà tự mình chẳng có sự chơn tu, không biết tự giác giác tha, đoạ địa ngục chịu hết khổ báo xong, còn phải đầu thai thành trâu ngựa trả nợ thí chủ.

- Trong Tam Bảo, tại sao bậc tu sĩ được gọi là Tăng Bảo? Vì nếu có Phật Bảo, Pháp Bảo, chẳng có Tăng Bảo, không ai thay Phật trực tiếp giáo hóa chúng sanh thì Phật pháp phải tiêu diệt; do có Tăng Bảo truyền thừa, Phật pháp mới thường trụ nơi thế gian. Đã được thế gian tôn xưng là Tăng Bảo rồi, phải có tư cách làm Tăng, nếu không tức là hư tiêu tín thí, tạo tội địa ngục.

Tôi nói như thế chẳng phải là ai ai cũng phải biết thuyết pháp, cũng biết dạy chúng sanh. Không biết thuyết pháp, nhưng thân này giữ đúng luật nghi, làm gương mẫu cho người đời nương theo, khiến cung kính Phật pháp, cũng là giáo hóa chúng sanh. Do đó, trong Giới luật nhà Phật qui định: Tỳ kheo phải học mười năm mới được xa thầy, Tỳ Kheo Ni mười hai năm, sau đó mới được tự lập thu nhận đệ tử. Suốt đời chỉ được nhận ba người đệ tử, cũng chẳng được thu nhận một lúc, phải nhận từng người một, dạy cho thấu hiểu Phật pháp rồi, mới được nhận tiếp người thứ hai, rồi người thứ ba. Nếu nhận đệ tử mà không biết dạy, đệ tử tạo tội địa ngục là do lỗi của người thầy, hai người cùng đoạ địa ngục. Nếu thầy đã dạy mà đệ tử cố sai phạm, lỗi tại người đệ tử, chứ thầy không phải chịu trách nhiệm.

Hỏi: Tại sao tham thiền có một thời gian rất buồn ngủ, không thể cưỡng lại được. Mà trong đường lối tham thiền thì nói là không được đè nén vọng tưởng, vậy phải làm sao?

Đáp: Giai đoạn buồn ngủ đó, hành giả nào cũng phải trải qua. Bước đầu tham thiền, thấy vọng tưởng nổi lên nhiều hơn lúc chưa tham, kế đó, vọng tưởng bớt rồi sẽ cảm thấy rất buồn ngủ, có thể trải qua mấy tháng hoặc một năm mới qua khỏi giai đoạn này. Đến giai đoạn này, nếu hành giả ráng thức được thì thức, không cố được thì ngủ, ngủ dậy rồi tham tiếp. Một thời gian sau sẽ hết.

Hỏi: Trong quá trình tập tham, con thường có những nỗi lo âu và thắc mắc, nhưng không biết đó là gì? Xin Sư phụ từ bi chỉ dạy.

Đáp: Lai Quả Thiền Sư Ngữ LụcThiền Thất Khai Thị Lụcnói: Người hành giả tham thiền đến một mức độ nào, sẽ có những cảm giác như sư vừa trình bày; thấy trong lòng không yên nhưng không biết tại sao. Đối với người đời thì đây là do sự lo âu vì cuộc sống, còn đối với hành giả tham thiền, cảm thấy bức rứt không yên, là vì chưa được kiến tánh, chưa thể giải thoát. Nói tóm lại, sự không yên của thế gian là đuổi theo ngã chấp, còn hành giả tham thiền là chưa phá đựợc ngã chấp, chưa phá hết ngã chấp nên không yên. Nhưng không cần lo âu, cứ giữ mãi câu thoại đầu tham tiếp, hễ có đi là sẽ đến nơi.

Hỏi: Tại sao Minh Bổn Thiền sư trong cuốn Trung Phong Pháp Ngữvề bài Khai Thị cho Thượng nhơn Mụcnói: “Câu thoại đầu mình tham là bệnh, hễ mắc vào tất cả kiến văn giác tri là bệnh”, lại ở đoạn sau Ngài nói: “Muốn trị dứt các bệnh, chẳng có cách nào hơn, chỉ có thiết tha tham câu thoại đầu, vậy ngài nói về câu thoại đầu ở đoạn trước là kiến văn giác tri, đoạn sau thì chẳng phải kiến văn giác tri ư?

Đáp: Trong Kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn ở trước nói về kiến văn giác tri như sau:

Phật nói với A Nan: “Nay ngươi thấy ta, thấy núi sông đất đai, nhà cửa cây cối ... đều là kiến bệnh đã thành từ vô thỉ”. Ở đoạn sau Phật lại nói: “Tất cả kiến văn giác tri là Như Lai Tạng” tức tự tánh. Hai đoạn khác nhau, vậy làm sao phân biệt giữa kiến văn giác tri bệnh và kiến văn giác tri tự tánh?

Cũng chính ở Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kiến văn giác tri của tự tánh chẳng sanh diệt, còn kiến văn giác tri bệnh thì có sanh diệt”. Tại sao nói có sanh diệt? Vì hễ thấy là sanh, không thấy là diệt; có nghe là sanh, không nghe là diệt ... còn kiến văn giác tri của tự tánh, từ vô thỉ đến bây giờ, luôn luôn như thế, chẳng gián đoạn, chẳng sanh diệt, thấy hoặc không thấy cũng luôn luôn như thế. Do đó, chẳng có sự thấy hay không thấy, nghe hay không nghe, tri giác hay không tri giác v.v... phân biệt ở chỗ có sanh diệt và không sanh diệt.

Bây giờ tham thoại đầu, chỉ là tạm mượn câu thoại đầu để khởi lên nghi tình, như hai chân yếu không đi được, phải tạm mượn cây gậy để đi. Câu thoại đầu là cây gậy, nghi tình là đi. Khi nào đến nơi rồi cây gậy phải bỏ, nếu chấp vào cây gậy là bệnh. Cho nên, hễ tìm hiểu câu thoại đầu là bệnh, phải nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, đi đến chỗ chẳng có bệnh.

Hỏi: Lúc trước con bắt đầu công phu từ ba giờ khuya, nhưng gần đây mới chỉ mười hai giờ hoặc một giờ khuya là con đã thức giấc rồi, vậy có sao không?

Đáp: Tham thoại đầu là hai mươi bốn giờ không gián đoạn, chứ không phải là bắt đầu từ ba giờ khuya. Nói “ba giờ mới bắt đầu ấy là sự bất đắc dĩ, bất cứ giờ nào, bất cứ nơi nào đều phải có công phu. Do công phu của mình chưa đến thoại đầu, chưa thành khối, nên có sự gián đoạn. Ví như ngủ quên, ấy là bất đắc dĩ, khi công phu thuần thục rồi, thành khối rồi, ngủ quên cũng có thoại đầu.

Hỏi: Tạo tất cả tội, làm sao được kiến tánh?

Đáp: Tại sao tạo tất cả tội? Tại chấp ngã, chấp thân này là ta, do ngã chấp mới tạo tất cả tội, vì có TA mới phải chịu tội, nếu không có ta, ai chịu tội? Hễ phá được ngã chấp là kiến tánh. Tất cả tội ác là việc trong chiêm bao, bây giờ tướng bệnh hiện hành thì tướng mạnh ẩn, nếu tướng mạnh hiện ra tức tướng bệnh hết, thấy được Pháp Vương của mình, từ chiêm bao thức tỉnh, nhân quả trong chiêm bao đi đâu tìm? Làm sao còn khổ và phiền não? Không giải thoát cũng phải giải thoát.

* Có người hỏi Tổ Đạt Ma: Người thế gian đủ thứ tu tập tại sao chẳng đắc đạo?

Tổ sư Đáp: Tại thấy có TA nên chẳng đắc đạo.

Nếu chẳng thấy có ta thì tự nhiên đạt đạo. Vì “ta” còn quên thì có gì không quên ư?

Hỏi: Nếu pháp đã không thì ai cần tu đạo?

Đáp: Có “ai” mới phải tu đạo, nếu không có “ai”, đâu cần tu đạo! Kỳ thật, sanh tử, Niết bàn, giải thoát, Bồ đề v.v.. đủ thứ tên gọi đều do chấp tâm của mình đặt ra, cũng như do chấp tâm mới có câu hỏi này, cho là có sự nhất định. Không biết tất cả đều chẳng thật, chẳng có tự tánh, chẳng có sự nhất định: Tạo phước cũng chẳng có sự nhất định, tạo tội cũng chẳng có sự nhất định. Nếu có nhất định thì là một thế giới chết, chẳng có biến đổi, chúng sanh vĩnh viễn là chúng sanh, Phật vĩnh viễn là Phật. Thế thì khỏi cần tu tập, tu cũng chẳng thể thay đổi, chẳng thể giải thoát. Vì nếu tự tánh vốn là chúng sanh thì tu cách mấy cũng không thể thành Phật; nếu tự tánh vốn là Phật thì không thể biến thành chúng sanh. Tại ông bệnh chấp quá nặng, chấp có chúng sanh thật để tạo tội, có Phật thật để giải thoát, nên trí huệ bị che khuất.

Hỏi: Tín tâm bất nhị, nếu tự tánh chẳng xứ sở thì dựa vào đâu? Làm sao phát khởi tín tâm?

Đáp: Nói “Bất nhị” là chẳng phải vật chất, chẳng có nơi chốn. Bất nhị thì làm sao có năng sở? làm sao có ai tin hay không tin? Chẳng có năng tin và sở tin. Tại chấp mới có tin tâm. Do đó, tất cả tôn giáo đều bắt nguồn từ hai chữ “Tín ngưỡng”, hễ không có tín ngưỡng thì không có tôn giáo. Còn Phật giáo là xóa bỏ tín ngưỡng. Tại sao? Tự tánh bất nhị, nếu có tín ngưỡng là nhị; có ta tín ngưỡng Phật, tín ngưỡng Thiên Chúa v.v... Tôi nói Phật giáo xóa bỏ tín ngưỡng, mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên, nay chưa kiến tánh thì nói là phải tin tự tâm, đến khi kiến tánh rồi, tự động sự “tin tự tâm” cũng không còn. Tại sao? Vì chẳng còn năng tin sở tin, chẳng phải có mục tiêu để cho mình tin. Nói “xóa bỏ tín ngưỡng” không phải có cái năng xóa và sở xóa, vì tánh vốn như thế, do có câu hỏi nên phải trả lời như thế; vốn là chẳng có tín ngưỡng để xóa bỏ, thì làm gì có cái năng tin sở tin mà khởi lên tín tâm? Chẳng có AI thì lấy gì để tu đạo?

Hỏi: Phạm vi ngã chấp rất rộng, làm sao lấy chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ, để phá?

Đáp: Ngã chấp là ta, có ta thì phải có sở đắc. Nay gặp được chánh pháp, phát tâm tu hành cầu giải thoát, tham thiền cầu đắc đạo, tâm cầu giải thoát ấy là có sở cầu là muốn chứng đắc, để lọt vào năm mươi thứ ngũ ấm ma hoặc tà ma ngoại đạo. Vậy tại sao nói tham thiền được kiến tánh? Sự kiến tánh đó chẳng phải là có sở đắc sao?

Đối với người chưa kiến tánh thì cho là mình sẽ được kiến tánh; người chân thật kiến tánh không cho mình đã được kiến tánh, người thật đã giác ngộ thành Phật, mới biết là chẳng có Phật để thành, làm sao có sở đắc? Nếu có sự chứng đắc, tức chưa giác ngộ, chưa thấy tánh, chưa thành Phật, vì còn có ngã, bất quá là ngã chấp vi tế thôi.

Nếu vô sở đắc thì trong tâm chẳng có cái “đạo” để đắc. Nói như thế không phải là không đắc đạo, không chứng đắc, chỉ là hết ngã chấp thôi. Đã không có cái TA thì ai cầu? ai sợ?

Nói tóm lại, nếu làm được chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sô sợ” tức phá được ngã chấp, không những mê thức tứ tướng của phàm phu, kể cả mê trí tứ tướng của bậc Thánh đều phá sạch.

Hỏi: Thiền sư Minh Bổn trong cuốn Trung Phong Pháp Ngữcó dạy: “Ngoài thoại đầu ra không riêng có sanh tử, ngoài sanh tử ra không riêng có thoại đầu” là thế nào ?

Đáp: Tự tánh bất nhị, Lục Tổ nói: “Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh”. Tham thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình mịt mù không biết gì cả là bất nhị, hễ có sự biết thì không có nghi tình, lọt vào tứ cú là nhị. Nếu không lọt vào tứ cứ thì nghi tình tức tự tánh, tự tánh tức nghi tình, chẳng những như thế, sắc thân tức pháp thân, pháp thân tức sắc thân, ở ngoài sắc thân không có pháp thân, ở ngoài pháp thân không có sắc thân. Tại do tâm chấp thành nhị.

Hỏi: Có một hành giả đang công phu đắc lực, được mọi người khen ngợi, khiến ngã chấp nổi lên, phiền não ập đến, đánh mất công phu, lại đổ lỗi cho mọi người xung quanh chướng ngại công phu của mình. Ghét luôn cả chính mình, muốn trốn đi một nơi hẻo lánh để bỏ thân xác này. Nhân sự việc kể trên, xin Sư phụ khai thị thêm cho chúng con.

Đáp: Phật pháp khác với ngoại đạo là phải phá ngã chấp; muốn giải quyết việc sanh tử, muốn tu giải thoát, phải phá ngã chấp, nếu không sẽ thành ngoại đạo. Cho dù làm bao nhiêu phước thiện, sau khi hưởng hết phước báo cũng phải bị đọa.

Nếu lấy sự phá ngã chấp làm căn bản, dẫu cho người xung quanh có trực tiếp chướng ngại, cũng là thiện tri thức của mình. Nếu không phá ngã chấp thì không có chướng ngại cũng thành chướng ngại.

Hỏi: Làm sao “hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo”?

Đáp: Tất cả duy tâm tạo, đâu có cái nào ở ngoài tâm? Hữu tình do tâm tạo, vô tình cũng do tâm tạo; nếu tâm chẳng tạo thì hữu tình cũng không, vô tình cũng không, tức đã thành Phật, làm gì có sự khác biệt giữa hữu tình và vô tình? Do tâm có tạo mới thành đủ thứ sai biệt: Hữu tình cũng muôn ngàn sai biệt, vô tình cũng muôn ngàn sai biệt.

Hỏi: Hư Vân Thiền sư có nói: “Thiền và Tịnh là một; tham thiền cũng là câu thoại đầu, niệm Phật cũng là câu thoại đầu”, nghĩa là thế nào?

Đáp: Ngài Hư Vân chỉ nói: “Niệm Phật là niệm, tham thiền là tham, nếu không có tham thoại đầu mà chỉ niệm thoại đầu, tức thành thoại vĩ, chi bằng niệm Phật". Đâu có nói Thiền và Tịnh là một ? Nhưng kết quả thành Phật là một, chứ chẳng phải đường lối thực hành là một.

Hỏi: Thế nào là nghi tình tức tự tánh, tự tánh tức nghi tình?

Đáp: Chẳng những nghi tình tức tự tánh, tất cả đều là tự tánh, ấy mới thật sự bất nhị. Nếu có cái gì khác hơn tức là nhị.

Hỏi: Làm thế nào khiến nơi nào cũng thiền đường, ở đâu cũng thiền thất, để công phu được đắc lực?

Đáp: Trong bài kệ Kinh Hoa Nghiêm: “Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán Pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả đều do tâm tạo khắp không gian thời gian, tất cả đều chẳng ở ngoài tâm. Thiền đường cũng là do tâm tạo, do người đời chấp tâm quá nặng, nên Tổ Sư mới lập ra.thiền đường, tạo điều kiện cho mọi người tham thiền.

Người chân thật lu hành muốn giải quyết việc sanh tử thì nơi nào cũng là thiền đường, bất cứ đang lao động, đang làm nghề gì cũng tham được, chẳng phải ở nơi vắng lặng mà tham. Đó là tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, dĩ nhiên có thiền đường sẽ dễ thực hành hơn, tăng trưởng lòng tin. Như Lục Tổ nói: “Tất cả đều chẳng chướng ngại”, nếu quyết tử tham thiền thì không có phân biệt, cứ tùy duyên mà tu tập.

Hỏi: Có thể biết thêm kinh nghiệm của chư Tổ để tăng trưởng lòng tin?

Đáp: Muốn biết về kinh nghiệm của chư Tổ, hãy xem Truyền Đăng Lục: Ban đầu chỉ có một ngàn bảy trăm công án, về sau là bảy ngàn công án. Công án mặc dù nhiều, nhưng kinh nghiệm mỗi người mỗi khác, nếu chấp vào đó thì chướng ngại sự tham của mình.

Chứng Đạo Ca nói: “Chớ nên hướng vào chỗ đường đi của Phật mà đi”. Đường đi của Phật là của Phật, chẳng phải của mình, Tổ Sư Thiền không phải là học, mà là thực hành, tự tánh bất nhị, phải là của chính mình, chứ không được của người khác.

Giáo môn nói: “Ngoài tâm chẳng Phật, ngoài Phật chẳng tâm; ngoài tâm chẳng pháp, ngoài pháp chẳng tâm”, tâm, Phật và chúng sanh không sai biệt. Hành giả tham thiền chỉ để ý đến câu thoại đầu của mình, chứ không biết tới người khác.

Hỏi: Tại sao Kinh nói “Vô tướng mới thấy tánh, vô niệm mới thấy tâm?”

Đáp: Tự tánh vốn chẳng khác, tướng là tánh, tánh là tướng , nếu phân biệt tánh tướng khác nhau, như Giáo môn nói: “Tướng có thay đổi, tánh thì không”, ấy là nhị. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sắc thân tức pháp thân, pháp thân tức sắc thân, ngoài sắc thân không có pháp thân, ngoài pháp thân không có sắc thân”. Giáo môn thì có phân biệt tánh với tướng, tham thiền không cần biết tới, chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình tham tới mãi, luôn cả thân mình và thế giới đều quên.

Một vị tăng trình lên công phu của mình và hỏi:

- Sau một thời gian công phu, khi có người hỏi về điều gì, tự nhiên tuôn trào những thơ kệ, rồi có lúc tham đến không biết giờ ăn giờ ngủ. Mấy lần đem công phu trình hỏi Sư phụ, Sư phụ không trả lời cũng không gật đầu. Lúc đầu con nghi đó là thủ đoạn của Sư phụ, nhưng đến nay thì hết nghi. Đối với những kinh kệ và ngữ lục của chư Tổ, bây giờ phát sáng lên, và biết đó là tự tánh sẵn có, khi vô minh phai mờ thì con được tự tại. Đối với sự chẳng hứa khả của Sư phụ, con lĩnh hội rằng: “Kiến sắc phi chơn sắc, văn thinh phi thị thinh”, vậy có đúng không?

Đáp: Tất cả những gì sư nói, toàn là tu theo ngã chấp, vì có sở đắc nên lọt vào ma ngũ ấm mà chẳng hay, còn tự tung ra thơ kệ, thêm nhiều chướng ngại. Ấy là có sở đắc, có sở cầu, có ngã chấp, nếu nói như thế là công phu miên mật, là có nghi tình thì không đúng. Vì hễ công phu miên mật, đâu còn tâm sở đắc? Hãy về xem kỹ lại cuốn 50 thứ ngũ ấm masẽ tự rõ.

Tăng nói: Nay con đã bỏ hết tất cả những thơ kệ trong khi tiếp chuyện, con trình công phu là để thể hiện do công phu nên đối với những cảnh nghịch duyên, lăng mạ của người khác, con chẳng những không sanh tâm sân hận, trái lại rất tự tại và thấy thương cho họ.

Đáp : Nói tự tại thì chẳng phải tự tại, nếu công phu không mất, thơ kệ làm sao nổi lên được? đã có thơ kệ là vọng, là bị gián đoạn rồi. Lại, biết thương và ghét cũng là vọng, nói tóm lại, nếu còn tu theo ngã chấp, mặc dù có thiền định cao, cuối cùng không lọt vào tà ma cũng lọt vào ngoại đạo, chẳng thể giải thoát. Nay cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, đừng có biết tới nữa, biết là tai họa.

Hỏi: Tại sao phải tham thiền? Mục đích tham thiền là gì?

Đáp: Nếu nói đến mục đích là kiến tánh thành Phật. Nhưng thật sự khi kiến tánh thành Phật thì quả vị Phật là “Viên mãn Bồ đề, qui vô sở đắc”. Thật đến mục đích là không có mục đích: Bồ đề là giác ngộ, viên mãn là đầy đủ, hễ giác ngộ đầy đủ rồi, tất cả đều qui về vô sở đắc tức chẳng có giác ngộ, chẳng có đầy đủ. Nếu có ngộ tức còn mê, có thành Phật tức còn chúng sanh, còn ngã chấp.

Đối với người sơ cơ thì nói là có mục đích, là đến kiến tánh thành Phật, giải thoát tất cả khổ, cũng là từ mở mắt chiêm bao thức tỉnh, ra khỏi sự ràng buộc của sanh tử ... tạm gọi là như thế. Tất cả chánh pháp, lời dạy của Phật Thích Ca đều như thế.

Hỏi: Thế nào là ngũ đình tâm quán?

Đáp: Ngũ đình tâm quán là thiền Thanh Văn, thuộc Tiểu thừa. Tại sao gọi là đình? Đình là đình chỉ, tức ngưng vọng tâm lại. Năm thứ thiền quán để ngừng tâm lại gồm: Quán sổ tức, quán nhân duyên, quán từ bi, quán lục thức, và quán bất tịnh. Nay phần nhiều tu theo quán sổ tức, cũng có một số người tu theo quán bất tịnh, còn ba thứ quán kia ít người tu. Ngoài ra phải tu thêm ba mươi bảy phẩm trợ đạo để phá ngã chấp, ấy mới đúng theo tông chỉ của thiền đó, nếu không cũng sẽ lọt vào tà ma ngoại đạo.

Hỏi: Tu hành là muốn kiến tánh thành Phật, vậy có phải là có sở cầu, có sở đắc không?

Đáp: Ở trên tôi đã nói, khi tu đến thành Phật rồi mới biết là không có Phật để thành, mới qui vô sở đắc. Bây giờ muốn vô sở đắc, mặc dù biết nhưng làm không được, tâm cứ muốn đắc hoài. Vậy thì phải làm sao? Phải nhờ nghi tình mới quét sạch được.

Hỏi: Đức Phật thường nói là “lời nói chân thật”, tức muốn chỉ cho người kiến tánh là phải qua tướng. Còn Sư phụ thì nói là lời Phật không chân thật, vậy có phải Đức Phật lừa gạt người ta?

Đáp: Phật với Tổ vốn chẳng có ý muốn gạt người, tại người thấu qua không được, nên bị chư Phật chư Tổ gạt. Cũng như núi sông vốn chẳng có tâm chướng ngại người, tại con người đi qua không được nên bị chướng ngại. Do đó, người đã kiến tánh nói: “Về sau chẳng bị Phật gạt nữa!”

Chính Đức Phật ở trong Kinh Lăng Già nói: “Lời nói của ta là ngôn ngữ vọng tưởng”, Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Lời nói của Phật cũng là lời nói, đâu thể chấp thật?

Hỏi: “Tâm không” thì Không đó về đâu?

Đáp: Tâm không chẳng có về đâu. Chơn tâm bất nhị, khắp không gian thời gian, chỗ nào không có? Làm sao có về đâu ? Hễ có chỗ về là nhị. Nói KHÔNG mà chẳng phải thật không, nếu là thật không, tức như đoạn diệt, làm sao khởi dụng? Có dụng chẳng phải thật không, nhưng muốn tìm bản thể thì không được, vì khắp không gian thời gian, nên chẳng có chỗ về. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A Nan chỉ ra nhưng chỉ không được vì chẳng phải vật.

Hỏi: Cái gì đã chướng ngại cho sự vào đạo? Làm sao khắc phục?

Đáp: Sự chướng ngại phổ biến nhất là ham tìm hiểu, tập khí này rất chướng ngại cho việc tham Tổ Sư Thiền. Tất cả kinh Đại thừa liễu nghĩa đều muốn chúng sanh thành Phật, nhưng phải chấm dứt sự tìm hiểu, phá hết tất cả chấp thật, tin vào tự tâm. Do tập khí này đã vun trồng từ nhiều kiếp, chẳng thể phá được, nên phải nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình tự động quét sạch tất cả vọng chấp, dần dần công phu thuần thục, thành khối rồi tự nhiên chấm dứt được.

Bây giờ biết là không nên cầu vẫn còn cầu, biết không nên chấp vẫn còn chấp, đa số là chấp thật lời của Phật, của Tổ mà chẳng biết chư Phật chư Tổ chỉ vì sự chấp của chúng sanh, phương tiện đặt ra để phá chấp mà thôi, chứ chẳng phải là chân lý thật. Có người nói “tôi không chấp”, chẳng biết cái “không chấp” đó đã là chấp rồi.Cho nên phải lìa tứ cú, tứ cú đều chẳng trụ. Kinh Kim Cang nói: “Công đức bố thí hằng hà sa số thất bảo, luôn cả thân này, không bằng thấu được tứ cú kệ và giải thích cho người nghe”. Lìa được tứ cú mới là vô sở trụ.

Hỏi: Thế nào là “Lấy vô trụ làm gốc, vô tướng làm thể, vô niệm làm tông?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ giải thích: “Vô niệm chẳng phải không có bản niệm, ngoài bản niệm ra không được mống khởi niệm gì khác, mới gọi là vô niệm, chứ chẳng phải tuyệt luôn bản niệm, nếu bản niệm tuyệt là chết”. Dù người chết, bản niệm cũng y nguyên không mất, vì đó là bản thể của tự tánh, chẳng đồng như gỗ đá.

Nhiều người hiểu lầm cho vô niệm là trăm tư tưởng đều dứt, ấy là sai. Ngài Lục Tổ giải thích: Lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, không nhiễm không chấp thật tức vô niệm”. Hễ thấy cái gì thì chấp cái đó, nghe được cái gì chấp vào cái đó, là có niệm. Thấy như không thấy, nghe như không nghe, chẳng phải là không biết, biết mà không chấp thật, mới là vô niệm.

Kỳ thật, vô niệm tức vô tướng, vô tướng tức vô trụ, mặc dù danh từ có ba, sự thật chỉ là một. Ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm, nên đã hai lần giải thích về vô niệm.

Hỏi: Pháp môn Tổ Sư Thiền nên tu xuất gia hay tại gia?

Đáp: Lục Tổ nói: “Nếu chấp phải xuất gia mới tu được thì chấp đó cũng là chấp”, nếu sự chấp không bỏ thì xuất gia không bằng tại gia. Tu pháp môn Tổ Sư Thiền là quét sạch tất cả đối đãi, xuất gia và tại gia là đối đãi, người chân tu tại gia hay xuất gia đều kiến tánh được, vì tất cả pháp đều bình đẳng, không phải là nhị. Chấp vào bên nào cũng không đúng, chẳng chấp hai bên, chấp vào trung đạo cũng không đúng.

Cho nên, Giáo môn nói “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, hễ có nhân duyên thì xuất gia cũng được, nếu không cố nhân duyên, chớ nên mống niệm phải xuất gia mới tu được, ấy là chướng ngại. Chỉ cần chuyên chú đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra, quá khứ không ghi nhớ, hiện tại không trụ, vị lai không sắp đặt, việc đến thì đối phó, xong việc thì quên đi, không cần ghi nhớ sắp đặt công phu mới được thành khối.

Hỏi: Hòa Thượng Bác Sơn trong Tham Thiền Cảnh Ngữnói đến ba thứ bệnh: “Chấp thành bệnh, trước thành ma, kế thành ngoại đạo” là như thế nào?

Đáp: Ba thứ bệnh này chẳng ngoài chấp ngã. Sự chấp của phàm phu rất nặng, Nhị thừa phá được ngã chấp, nhưng còn chấp pháp sở tu, chấp quả sở chứng của mình. Đại thừa phá luôn pháp chấp, tất cả pháp đều không, tức chẳng trụ vào pháp nào. Còn ngoại đạo thì chấp vào tri kiến, hay so đo, cho cái này là chân lý, cái kia chẳng phải chơn lý, gọi là kế. Như các giáo chủ ngoại đạo, cũng ngồi thiền, cũng có sự ngộ, tự cho đó là chân lý, rồi tự làm giáo chủ để hoàng dương chân lý của mình.

Đạo Phật chẳng kiến lập chân lý, vì tất cả pháp đều chẳng tự tánh, nếu có cái chân lý để làm tự tánh, thì chân lý đó là vật. Trụ nơi chơn lý vẫn là trụ, Phật thì chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết bàn, chẳng trụ phàm, chẳng trụ thánh. Vì đối với phàm mới lập thánh, đối với chúng sanh mới lập chư Phật, tất cả đều là đối đãi. Có mê mới có ngộ, khi người triệt ngộ rồi mới biết chẳng có ngộ, nên chư Phật nói “Phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn”.

Hỏi: Thế nào là hiện tại chẳng trụ?

Đáp: Nói quá khứ, hiện tại, vị lai là chỉ về thời gian. Thời gian không bản thể, làm sao có quá khứ, hiện tại vị lai? Muốn cho cái gì là thời gian? Nay người ta dùng vọng tâm phân biệt một phút 60 giây, rồi cho 60 phút là một tiếng, cho 24 tiếng là một ngày, rồi chia thời gian thành ngày, tháng, năm, đều do vọng tâm tạo nên, bản thể thời gian đâu có những thứ đó?

Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm Vị lai bất khả đắc”, là phá khái niệm thời gian. Tại sao? Vì thời gian do tâm tạo, nên bất khả đắc.

Nhưng bây giờ nói hiện tại vô trụ, làm sao vô trụ được? Hằng ngày bất cứ tiếp xúc việc gì, chẳng khởi niệm chấp thật tức vô trụ; chẳng chấp cái bàn này là thật, cái ghế này là thật, kể cả chẳng chấp câu kinh đang đọc là thật. Vì đều không có bản thể, chỉ do tâm tạo ra, do con người đặt ra. Nếu không có con người, thì bản thể vạn pháp trống rỗng, diệu dụng vô biên.

Muốn đạt đến hiện tại vô trụ, chỉ có đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, tiếp tục tham mãi, thấy cảnh trước mắt cũng như không thấy, nghe lời tán thán hoặc chê trách đều như không nghe, tán thán chẳng mừng, chê trách không giận, vậy là vô trụ rồi.

Hỏi: Thế nào thâm tín tự tâm?

Đáp: Theo Phật pháp, cần nhất tin tự tâm. Như quý vị đã tin pháp môn Tổ Sư Thiền này 100% rồi, thật ra chưa bằng phân nữa. Tại sao? Vì chỉ tin pháp môn, không tin tự tâm, dù khổ công tu tập, cũng chẳng thể kiến tánh. Hễ không tin tự tâm có khả năng đầy đủ như Phật, cứ cho mình là chúng sanh, cho Phật là Phật thì làm sao thành Phật được?

Chưa tin tự tâm ắt sẽ hướng ngoại tìm cầu, ngoài tâm tìm Phật, càng tìm càng xa. Cho nên, Phật pháp rất cần tin tự tâm, người tin tự tâm gọi là thượng căn, không tin tự tâm thuộc về hạ căn. Vậy thế nào là tin tự tâm? Tức tin tự tánh là Phật, với tất cả chư Phật bằng nhau, chẳng kém chút nào, chỉ vì bị vọng tưởng che khuất, chưa được hiện ra thôi.

Hỏi: Thế nào là KHÔNG và CÓ?

Đáp: Tự tánh bất nhị, Không và Có chẳng khác, nên Tâm Kinh nói; “ Sắc tức thị không, không tức thị sắc” Sắc là có Không là không, có và không chẳng khác. Bây giờ tại sao thành khác? Do tâm chấp thật, cho Có là thật có, cho Không là thật không, nên khác.

Kinh nói: “Người trí thấy sự sanh thì biết sự diệt chẳng phải thật, thấy sự diệt thì biết sự sanh chẳng thật”. Vì nếu sự diệt là thật, làm sao có sanh? Nhưng người ngu thấy sanh là sanh, thấy diệt là diệt, sự Có và Không cũng vậy.

Nếu Có là thật có, phải vĩnh viễn có, chứ chẳng phải dùng cái Không để tiêu diệt cái Có, cái Không cũng vậy. Không cũng chẳng phải thật không, mới sanh ra cái Có, Có cũng chẳng phải thật có, mới sanh ra cái Không. Kỳ thật, trong tự tánh chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không, do tánh chấp thật mới thành có không.

Hỏi: Tại sao càng hiểu thiển hiểu đạo thì ngã chấp càng cao? Lại, tham thiền lúc nào cũng cảm thấy sắp kiến tánh đến nơi, làm sao phá được ngã chấp đó?

Đáp: Ngã chấp bắt đầu từ vô thỉ, mà vô thỉ thì chẳng có sự bắt đầu: Nay nói bắt đầu từ vô thỉ, tức chẳng có bắt đầu, nhưng vì có ngã chấp hiện hành, muốn phá phải dùng chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Hễ còn có tâm mong đợi kiến tánh là có sở cầu, có sở đắc, là tu theo ngã chấp, tu cao chừng nào ngã chấp lớn chừng nấy.

Tại sao có ngã chấp? Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phú Lâu Na hỏi Phật:

- Tại sao có vọng?

Phật bảo: “Đã gọi là vọng thì không có tại sao, nếu có nguyên nhân tức chẳng phải vọng”. Vấn đề này phải đợi khi nào kiến tánh tự rõ, chỗ thực tế của tự tánh chẳng thể diễn tả. bây giờ chưa kiến tánh, nói thế nào cũng chẳng phải chỗ thực tế. Phương tiện để phá ngã chấp duy chỉ có đề lên câu thoại đầu tham tới mãi, ngoài ra, có ngã chấp hay không cũng chẳng biết, có sở cầu hay không cũng chẳng biết, có sở đắc hay không cũng chẳng biết.

Hỏi: Con thiết nghĩ, khi hành giả đề câu thoại đầu khởi lên nghỉ tình là phá ngã chấp, sở dĩ ngã chấp còn tồn tại là do công phu tham thiền chưa miên mật. Bởi một khi có ai nói câu gì khiến minh nổi tâm sân, liền tự hỏi ngay câu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Cảm thấy còn không hiểu mình là cái gì thì lấy gì để sân ? Có sân giận là còn chấp cái thân, tâm này là ta. Nên khi đề cầu thoại đầu lên là giúp được hành giả phá ngã chấp, chứ chẳng phải tìm cầu cái gì hơn. Hiểu như vậy là đúng hay sai?

Đáp: Hiểu như vậy là phải, nhưng nếu chấp như vậy là không phải, đó chỉ là phương tiện tạm thời mà thôi.

Hỏi: Tại sao Triệu Châu nói “Lão tăng ba mươi năm chẳng tạp dụng tâm, mặc áo ăn cơm là tạp dụng tâm?”

Đáp: Tất cả lờí nói của chư Phật chư Tổ là lời phương tiện để giúp chúng sanh được vào cửa. Mặc áo ăn cơm là việc thường, nhưng người đời nay suốt ngày lăng xăng bận rộn lo cho việc ăn cơm mặc áo, mắc kẹt vào sinh sống, nên ngài Triệu Châu đem việc này để khai thị chúng sanh.

Hỏi: Mặc dù cảm thấy sự tham thiền là quý, nhưng tâm chúng con vẫn thích đi cúng dường hoặc làm đồ cúng dường, khi cúng dường xong con lại cảm thấy tác ý quá mức, nên cũng dẹp bớt phần nào, vậy có đúng không?

Đáp: Đừng cho là đúng, cũng đừng cho là sai, tức là không biết tới có những việc này, có sự cúng dường mà không biết tới sự cúng dường, cũng chẳng biết là có sự “không cúng dường”. Tôi cũng chẳng bảo là đừng cúng dường, vì nếu không có sự cúng dường thì Tam Bảo chẳng thể tồn tại nơi thế gian. Tứ chúng: Hai chúng xuất gia là nhờ hai chúng tại gia cúng dường, nay đã tu pháp môn giải thoát thì việc gì cũng không chướng ngại, chớ nói là Phật sự cúng dường, kể cả công thương kỹ nghệ, làm việc gì cũng không chướng ngại.

Hỏi: Phước duyên đại chúng hội tụ để được nghe pháp như thế không thể có mãi, nhưng Ngài Lục Tổ nói: “Mọi loài tự có đạo, mỗi mỗi chẳng ngại nhau”, làm sao có thể tiến tu không bị ngoại cảnh chướng ngại, một ngày nào đó không còn được nghe pháp âm của Sư phụ?

Đáp: Có chướng ngại đó là vật chất, là thân, nên bị thân trói buộc; còn tâm chẳng phải vật chất, nên không bị chướng ngại, bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bị chướng ngại. Do đó, người tham thiền đến công phu thành khối, lúc ngủ mê vẫn tham được, đâu có chướng ngại? có chướng ngại. là do vọng chấp của mình, ví như cho là “Tôi không rãnh phải lo việc sinh sống” ... ấy là tự sanh ra chấp trước khiến chướng ngại.

Hỏi: Thế nào là ngũ chu lục tướng trong Kinh Hoa Nghiêm?

Đáp: Ý tôi dịch cuốn Yếu Chỉ Kinh Hoa Nghiêm là để tăng cường lòng tin cho người tham thiền, vì hành giả tham thiền chẳng những phải tin vào pháp môn Tổ Sư Thiền, càng phải tin tự tâm, chứ không phải để hiểu thêm giáo lý. Mọi người đều biết bài kệ của Kinh Hoa Nghiêm: “Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”, Ngũ chu lục tướng cũng là do tâm tạo.

Hỏi: Có một hành giả tham thiền, khi bỏ hết tất cả tìm đến chỗ vắng lặng để tham thì dâm tánh nổi lên, vậy phải làm sao?

Đáp: Người đó sai lầm ngay từ bắt đầu, Tổ Sư Thiền đâu có dạy người bỏ việc đang làm, đi tìm chỗ vắng lặng yên ổn? Có lấy có bỏ là có sở cầu, là nghịch với tông chỉ Tổ Sư Thiền. Mặc dù gắn bảng hiệu của Tổ Sư Thiền, nhưng người đó chẳng phải tham Tổ Sư Thiền, chỉ làm cho người phỉ báng Tổ sư Thiền, phá hoại Tổ Sư Thiền.

Hỏi: Nhiều người lấy lời dạy của ngài Bá Trượng nói “Một ngày không làm, một ngày không ăn” để làm phương châm, nhưng con thiết nghĩ, đạo chẳng ở chỗ làm hay không làm, như Thiền sư Trung Phong nói: “Nếu người tham thiền bỏ công phu của mình, dầu cho làm trăm việc, đều là bên bờ sanh tử”, vậy phải làm sao?

Đáp: Việc làm đâu có chướng ngại sự tham thiền! Ngài Bá Trượng là Tổ sư kiến tánh, làm Trụ trì cho một chùa đông chúng, ngoài sự hoằng pháp suốt ngày, đại chúng đi cuốc đất ngài cũng làm theo. Đại chúng thấy công việc nặng nhọc, nên giấu cây cuốc của ngài không cho làm, thì hôm đó ngài không chịu ăn, nói: “không làm thì không ăn”. Ấy là muốn làm gương mẫu, để cảnh tỉnh sự làm biếng và ỷ lại của người đời sau, không cho “ta là Trụ trì, đã có trách nhiệm hoằng pháp” thì khỏi làm công việc, hoặc cho “ta tham thiền, khỏi làm cái này cái kia”.

Việc làm là bổn phận của mình, trong Tòng lâm bao nhiêu chúng, tất cả đều bình đẳng, đâu phải

người này làm và người kia khỏi làm? Người nào cũng tu, cũng tham thiền, Trụ trì còn phải làm, huống là thánh chúng? đâu thể nói là “Tôi đã tham thiền rồi sao còn phải làm?” Vậy công việc ai làm? Ai nấu cơm cho ăn? Ai dọn dẹp?

Hỏi: Tham Thoại đầu có phải việc của ngày hôm nay?

Đáp: Nói “Việc hôm nay” là muốn chấm dứt sự am hiểu của mình, vì tìm hiểu là do ý thức phân biệt là vọng. Nếu dùng ý thức phân biệt, thì chẳng thể đạt đến kiến tánh, chẳng thể thấy được bản lai diện mục. Bây giờ mình tham câu thoại đầu, hễ tìm hiểu câu thoại là việc hôm nay, che khuất mặt bản lai.

Tăng hỏi: Con mới bắt đầu tập tham, nhưng không khởi được nghi tình, vậy phải làm sao?

Sư phụ: Sư tham câu thoại nào?

Tăng đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?

Sư phụ: Sư biết là cái gì không?

Đáp: Không biết.

Sư Phụ: Như vậy là nghi tình rồi! Cái không hiểu không biết đó, cảm thấy thắc mắc, muốn biết nhưng biết không được, chính là nghi tình. Phải tự hỏi tới mãi, không biết thì trả lời không được, hỏi đến lúc nào thình lình hiểu được, cái hiểu đó chẳng phải dùng tâm đi tìm hiểu mà biết, gọi là chứng ngộ. Lúc đó chẳng phải chỉ biết một việc, tất cả vũ trụ vạn vật đều cùng biết, đều giải quyết một lượt.

Hỏi: Bửu Tạng Luậnnói: “Trong trời đất có một bảo vật” hành giả tham thiền cứ nhìn vào chỗ hầm sâu đen tối ấy, một ngày nào đó có thể đạt được bảo vật đó không? Lấy gì để làm chắc?

Đáp: Mục đích tham Thiền cuối cũng sẽ phát hiện ra bảo vật đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng làm sao biết chắc được? Phải tin tự tâm. Nếu chẳng tin tự tâm thì dù siêng năng thế nào cũng không hy vọng phát hiện bảo vật đó.

Bảo vật đó là tự tánh, hễ tin tự tâm, dụng công tham mãi sẽ phát hiện được bảo vật, tức kiến tánh thành Phật. Nếu không chấm dứt sự tìm hiểu, kể cả hiểu về thiền đạo Phật pháp, dù siêng năng cách mấy cũng chẳng thể nào kiến tánh, ví như đang cởi trâu mà tìm trâu, trên đầu lại mọc thêm đầu, chỉ làm khổ thêm, chẳng ích lợi gì.

Hỏi: Làm sao mới thấy được bản tâm bản tánh của mình?

Đáp: Bản tâm, bản tánh, bản kiến, bản văn, bản giác, bản tri v.v … đều là biệt danh của tự tánh. Tự tánh bất nhị, chẳng phải là có hai, nếu có cái năng thấy, thấy cái sở thấy, ấy là nhị, chẳng phải kiến tánh. Nói kiến tánh, kỳ thật là tự tánh tự hiện. Muốn tự tánh tự hiện, phải cắt đứt sự tìm hiểu, ngưng sự hoạt động của tâm ý thức, nếu không thì che khuất mặt bản lai. Ngài Tăng Triệu nói: “Chơn tánh ẩn núp trong vọng tưởng”, khi nào vọng tưởng lặng hết, chơn tánh tự hiện, gọi là kiến tánh thành Phật.

Hỏi: Thế nào là pháp thân thường trụ mà chẳng trụ?

Đáp: Pháp thân cũng là biệt danh của tự tánh, tự tánh bất nhị, khắp không gian thời gian, hễ trụ là trụ ở nơi nào? Trụ ở nơi đây thì nơi khác chẳng có, là nhị. Chớ nói là tự tánh không chỉ ra được, dù là kiến tánh, có chỉ ra được đâu? Vì vô sở trụ nên khắp không gian thời gian. (Sư phụ đã thí dụ về kiến tánh trong Kinh Lăng Nghiêm, lược qua).

Hỏi: Kinh Kim Cang nói “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, vậy tín tâm là tin cái gì?

Đáp: Bản tâm tự tánh chẳng thể dùng ý thức phân biệt suy nghĩ đến được, cũng chẳng thể dùng lời nói diễn tả, nên Phật nói “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Nhưng nếu không dùng lời nói thì chúng sanh làm sao có hy vọng giải thoát? Do đó phải lập ra phương tiện.

Tất cả lời nói của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời, chẳng phải chơn lý. Nói “tin tự tâm” chẳng phải có cái năng tin và tự tâm là sở tin, hễ có năng sở là vọng, còn không nói thì chẳng biết dựa vào đâu để giải thích, diễn tả, nên tạm mượn hai chữ “tự tâm” để nói.

Tự tâm chẳng bản thể, chỉ thì không ra, không chỉ cũng chẳng phải, thế thì dựa vào đâu? cho nên phải nói là “khắp không gian thời gian, chẳng chỗ nào thiếu sót, tất cả đều sẵn đủ, không kém hơn Phật chút nào”, Phật có bao nhiêu thần thông biến hóa thì tự mình có bấy nhiêu, vốn đã sẵn có, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải do tìm hiểu mà có, cũng chẳng phải do không tìm hiểu mà mất đi.

Lại, do tìm hiểu nên chơn tâm bị che khuất, khiến ẩn trong vọng tưởng, chẳng thể hiện ra được. Cho nên nói: “Nếu biết việc hôm nay, che khuất mặt bản lai”.

Hỏi: Tại sao tham thiền không được tìm hiểu?

Đáp: Sở dĩ muốn tìm hiểu là tại không tin tự tâm đã sẵn đủ nên mới hướng ngoại tìm cầu. Hễ tin được tự tâm là trí, không tin tức ngu muội. Lục Tổ nói: “Một niệm trí huệ Bát nhã sanh, một niệm ngu muội Bát nhã tuyệt”. Một niệm trí huệ là chẳng chấp thật, một niệm ngu muội là chấp thật. Muốn tìm hiểu là chấp thật cho có cái chân lý để mình đi tìm hiểu, ấy là điên đảo, ngu muội.

Hỏi: Đức phật đã nói “thuyết pháp 49 năm chưa từng nói một chữ”, vậy câu thoại đầu thì sao?

Đáp: Đã nói là đến chỗ thoại đầu thì câu thoại tự mất, làm sao còn có thể chấp vào câu thoại? Đã không cho tìm hiểu câu thoại thì làm sao còn chấp vào câu thoại đầu? “Thoại đầu” là chỗ chưa khởi niệm mới là thoại đầu, vì phương tiện nên tạm gượng nói là “tham thoại đầu”, chứ chẳng phải là câu thoại. Nay ông chấp vào câu thoại, vậy là chưa hiểu câu thoại đầu: Câu thoại chẳng phải thoại đầu, hễ còn câu thoại tức chưa đến thoại đầu.

Hỏi: Ngài Vĩnh Gia nói “Đang khi dụng tâm mà không có tâm để dùng” là thế nào?

Đáp: Ấy cũng như câu “Vô tham tức chơn tham” của ngài Lai Quả. Chơn tham là đang tham thiền mà không biết mình tham, hễ có biết tức có dụng tâm rồi, nên nói “Chính ngay đang dụng tâm, ngay đó chẳng tâm dùng”.

Hỏi: Có người thân lâm chung, hành giả tham thiền phải làm gì để hỗ trợ?

Đáp: Nói đúng theo tông chỉ của Tổ Sư Thiền, chỉ có đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra tất cả đều không biết. Như vừa nói ở trên, đang khi dụng tâm mà không có tâm để dùng, hiểu thiền đạo Phật pháp còn không cho, làm sao biết tới những gì chẳng phải thiền?

Bất cứ thân nhân hoặc ai chết đều không dính dáng đến tổ Sư Thiền, theo tập quán của người thế gian là phải làm nghi lễ, có hình thức, nếu khởi tâm đi lo những việc đó, dùng Tổ Sư Thiền để làm những việc đó thì nghịch với Tổ Sư Thiền, phá hoại Tổ Sư Thiền, đều tà tâm trộm cắp, không đúng với tông chỉ, chướng ngại tham thiền, lại chẳng có lợi ích thực tế cho người chết.

Sức mạnh của Tự tánh có thể tan rã Tam thiên đại thiên thế giới trong một sát na, khi chưa khởi lên một niệm gì thì tâm lực mới mạnh, có thể ảnh hưởng đến người khác, giúp ích cho người khác; hễ khởi niệm muốn giúp, dù cho có thể giúp, nhưng sức lực quá yếu chẳng phải sức mạnh của tự tánh.

Cho nên, hành giả tham thiền chỉ là đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra đừng có biết gì là tốt hơn hết. Nếu tránh không được, cũng phải cố giữ câu thoại đầu, mặc cho ai làm gì, mình vẫn tham. Bất cứ gặp cảnh duyên nào cũng vậy, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Bất biến là câu thoại đầu, cảnh duyên thế nào cũng không thay đổi.

Hỏi: Phật pháp không phá hoại pháp thế gian, hành giả tham thiền một niệm cũng chẳng khởi, rất nghịch với pháp thế gian, vậy phải làm sao mới không phá hoại pháp thế gian?

Đáp: Đã nói “tùy duyên” tức không phá hoại pháp thế gian, nếu phá hoại pháp thế gian thì không phải tùy duyên.

Hỏi: Có người cho là “để tâm bình thường trong hiện tại, không chạy theo ngoại cảnh, cho niệm hiện tiền đó là chánh niệm”, đúng hay sai?

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm nói “Dẫu cho diệt hết tất cả kiến văn giác tri, tâm giữ u nhàn, vẫn là bóng phân biệt của pháp trần”. Nói giữ niệm hiện tiền, chẳng phân biệt cái gì khác, làm sao được? Dẫu cho làm được cũng vô ích, cũng là bụi trần, là vọng, là bệnh đã thành từ vô thỉ. Cho nên, hành giả phải tham đến tự ngộ mới được, nếu không, như Kinh Viên Giác nói “Chưa ra khỏi luân hồi mà biện Viên Giác, Viên giác ấy cũng là luân hồi”.

Như nay chưa thức tỉnh, dù ở trong chiêm bao được khai ngộ, vẫn còn là việc trong chiêm bao.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Không gian hiện nay là ở trong biển giác của mình, do mê vọng mới có hư không, có hư không mới lập ra thế giới, nhưng hư không chỉ là một bọt nước trong biển giác”, nếu bọt nước bể thì hư không cũng tiêu, ba cõi thế giới kiến lập ở đâu? Không gian đã chẳng còn thì làm sao có thời gian?

Nên Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, là phá sự chấp về thời gian.

Tất cả không gian, thời gian, số lượng đều do vọng tâm tạo ra, nên nói người kiến tánh đập bể hư không, hư không tan rã, do vọng đã hết, tự nhiên hư không cũng mất, ví như bệnh nhậm hết rồi thì hoa đốm trên không liền tiêu. Nếu còn thấy hoa đốm tức bệnh mắt vẫn còn. Người thế gian hay có những “chủ trương” hoặc “cho là” ... những danh từ này đều là nguồn gốc của sanh tử luân hồi.

Hỏi: Một số hành giả hay nói là công phu rất đắc lực, nghi tình nổi lên ùng ùng ... vậy có phải đã đến thoại đầu?

Đáp: Những người nói công phu đắc lực ra sao, sự thật là không có công phu, vì còn ngã chấp, mặc dù có công phu, cũng là tu theo ngã chấp, cuối cùng không thành tà ma, cũng thành ngoại đạo. Người có công phu đắc lực, đâu có thời gian để nói cho người khác biết!

Hỏi: Thế nào là trên đầu một chữ Như?

Đáp: Chữ NHƯ trong Phật pháp rất sâu rộng, siêu việt số lượng, hễ còn có số lượng thì chẳng phải là rộng. Nói vạn pháp đều như; bất động như như v.v... đều là siêu việt số lượng, lời nói văn tự chẳng thể diễn tả, nên miễn cưỡng dùng chữ NHƯ để tỏ bày.

Chữ NHƯ là đúng như sự thật, nay tất có sựhiểu biết của chúng ta đều không đúng với sự thật, là tướng bệnh. Tham thiền là quét sạch tướng bệnh, rồi tướng mạnh tự hiện, chữ như là diễn tả tướng mạnh.

Hỏi: Kinh Lăng Nghiêm nói “Luân hồi sanh tử cũng do lục căn, giải thoát tự tại cũng do lục căn”, vậy tham thiền khởi nghi tình có thu nhiếp lục căn không? Bằng cách nào?

Đáp: Lục căn đối với lục trần, sanh ra lục thức, đều là tướng bệnh đã thành từ vô thỉ, do chúng sanh chấp thật, bởi lục căn mà bị luân hồi sanh tử. Nay muốn được giải thoát, được chứng Niết bàn, phải đóng cửa lục căn lại, do nghi tình nhiếp cả lục căn, rồi kiến tánh giải thoát, cũng là do lục căn.

Tham thiền rất chú trọng nghi tình, tức nhìn chỗ đen tối không biết gì cả. Nếu không biết gì thì nhiếp cả lục căn, mắt thấy như không thấy, tai nghe như chúng nghe, các căn khác cũng vậy, hễ có biết là chẳng nhiếp được.

Hỏi: Thế nào là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn?”

Đáp: Đó là diễn tả tự tánh bất nhị. Thiền sư Vân Môn nói: “Nếu lúc đó tôi nghe được, đánh chết cho con chó ăn”, cũng là thể hiện nghĩa bất nhị, chứ chẳng phải phỉ báng Phật.

Hỏi: Mục đích của hai thời công phu là gì?

Đáp: Sở dĩ có hai thời công phu là để đối trị người làm biếng không chịu tu giải thoát. Hai thời công phu của Giáo môn phải có thiền quán, người đời nay không có thiền quán, chỉ tụng kinh cho Phật nghe, vậy đâu phải tu? Như con chim bắt chước tiếng người, nói thì cứ nói, đâu có biết nghĩa câu nói! Chỉ lặp đi lặp lại thôi. Có tụng mà không tu thì làm sao giải thoát?

Hỏi: Khi xưa con nghe giảng kinh Pháp Hoa, đến phẩm Đa Bảo Tháp, theo sự hiểu biết của con, Đa Bảo Tháp là danh từ dụ cho tự tánh, do một niệm bất giác, chúng con xa lìa căn nhà tự tánh, nay muốn trở về, nên con hỏi vị thầy giảng: “Làm sao trở về Đa Bảo Tháp? Trên đường trở về, thế nào cũng gặp nhiều chướng ngại, con có phải cầm sẵn trong tay cây gươm trí huệ mới quay về được”. Thầy ấy trả lời: Phải có trí huệ mới quay về được.

Con hỏi tiếp: Thế thì tự tánh của con ở nơi con hay ở nơi Đa Bảo Tháp? Nếu ở nơi con thì đâu cần quay về? Nếu ở nơi Đa Bảo Tháp thì trí huệ ở đâu mà có?

Vị thầy đó bảo con về tụng Pháp Hoa rồi sẽ biết, nhưng con tụng mãi vẫn thắc mắc hoài cho đến khi con gặp Sư phụ.

Đáp: Tại chấp thật tự tánh là vật, thân này là vật, cho nên vị thầy giảng kinh ấy học ra trường, biết giảng kinh thuyết pháp nhưng nghịch với kinh. Đã gọi là Tự tánh thì làm sao xa mình được? Tự tánh chẳng phải vật, khắp không gian thời gian, nên gọi là Như Lai, tức chẳng có khứ lai. Do đó, mình làm sao rời khỏi tự tánh?

Tự tánh ẩn trong vọng niệm của mình, như tướng mạnh ẩn nơi tướng bệnh, tướng bệnh hết đường mạnh tụ hiện, đâu phải là tướng mạnh rời khỏi tướng bệnh?

Ngài Lai Quả nói “Dù có đi xa quê nhà mười ngàn dặm, chỉ cần quay đầu là đến nhà, đâu cần cất bước?” bởi vì đâu phải ở ngoài? Nói ở trong vẫn con không đúng vì trong ngoài là nhị.

Nay có nhiều người học xong các viện Phật học Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng, ra làm giảng sư, có địa vị cao, giảng kinh thuyết pháp rất giỏi, nhưng không hiểu giáo lý, nghịch với giáo lý. Ngài Lục Tổ nói: “Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh, hễ lìa tánh thuyết pháp gọi là tướng thuyết”. Có tướng mới có thể chỉ ra, tự tánh vốn chẳng hình tướng, làm sao chỉ ra xa gần?

Hỏi: Thiền sư Trung Phong nói “Phải lấy việc sanh tử làm mối nghi”, vậy việc nghi sanh tử và nghi thoại đầu là một hay là hai? Có phải chính vì mối nghi sanh tử nên phải tham câu thoại đầu?

Đáp: Nghi câu thoại đầu cũng là nghi về sanh tử, nên nói sanh tử là việc lớn. Tại sao? Việc thế gian nếu không có sanh tử thì tất cả đều chẳng có, vậy thì tại sao chúng ta ở trong sanh tử mà không biết đó là việc gì? Khi chưa có trời đất, ta là cái gì? Từ đâu ra? Trời đất còn chưa có, ta sanh từ đâu mà lại có tử ?Tất cả mọi vấn đề đều liên quan đến sanh tử, là nguồn gốc của vạn pháp, nên nói là “việc lớn”.

Hỏi: Thế nào là chiếu soi tự tánh?

Đáp: Nay tham câu thoại đầu khởi lên nghi tình là chiếu soi tự tánh.

Hỏi: Tu mà không cầu thì tu để làm gì? Phải cầu giải thoát đến chỗ không chấp thật, nhưng Sư phụ lại dạy là “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ”, vậy là thế nào?

Đáp: Chẳng có thật mà chấp cho là thật, nên gọi là bệnh; mà bệnh cũng chẳng phải thật, gọi là bệnh giả. Do cần dùng lời nói thế gian để giải thuyết, cho nên Đức Phật dùng thuốc giả để trị bệnh giả, khi bệnh giả hết, thuốc giả cũng phải bỏ. Hễ chấp thật tức có sở trụ, ắt thành bệnh, đánh mất sự hoạt bát vạn năng của tự tánh. Vậy chín chữ “vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” cũng là thuốc giả, đâu phải thuốc thật!

Do người thế gian ham cầu, nên nói “Vô sở cầu”; người thế gian ham đắc; nên nói “vô sở đắc”; người thế gian hay sợ, nên nói “vô sở sợ”. Nếu đã không cầu không đắc, không sợ thì chín chữ này đã là thừa.

Kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!”, lại, như đi chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè. Chiếc bè chỉ là phương tiện tạm thời để qua sông, đến bờ rồi chiếc bè đâu còn tác dụng? hễ còn vác trên vai có phải chướng ngại không?

Tại có bệnh mới cần thuốc, bệnh đã hết giữ thuốc làm gì? Ấy là chấp thuốc thành bệnh. Nay nhiều người chỉ nghiên cứu kinh Phật, chấp thật lời Kinh và hiểu theo sự chấp của mình, đem những thứ đó dạy chúng sanh tu theo ngã chấp, tưởng là tri kiến của mình cao, rồi tranh giành hơn thua với tông phái khác ... như lời của Tổ Sư thí dụ là: “Con chó đuổi theo cục xương”.

Có một hạng người đã không hiểu Phật pháp, lại cho cục xương là của mình, lấy lời của Phật xen vào ý của mình đem dạy người, hạng người này còn tệ hơn, Tổ sư mắng là “Ăn phẩn của người khác”, còn không bằng con chó. Ấy đều là nghịch với ý Phật.

Hỏi: Câu chuyện Tề Hoằng Công và thợ đẽo bánh xe như thế nào?

Đáp: Tề Hoằng Công là vua nước Tề, thời xưa chưa phát minh cao su, bánh xe phải làm bằng gỗ, muốn cho bánh xe quay, công đẽo phải đúng mức, không chật quá cũng không được lỏng, hễ chật thì bánh xe chẳng quay được, hễ lỏng thì dễ xút ra rất nguy hiểm. Người thợ đẽo bánh xe của vua trong lúc làm đã cảm nhận ra rằng: muốn làm cho đúng mức thì tâm phải chuyên chú vào cánh tay, tay cầm cây búa đẽo vào gỗ, chẳng sơ hở chút nào.

Lúc Tề Hoằng Công ở nhà trên đọc sách, ông thợ ở nhà dưới đẽo bánh xe, thợ hỏi vua:

Chúa công xem sách gì?

- Sách của bậc thánh hiền.

- Thánh hiền ở đâu?

Vua đáp: Thánh hiền đã qua đời.

Thợ nói: “Thánh hiền đã qua đời, vậy những thứ cặn bã đó có tác dụng gì?”

Tề Hoằng Công nổi giận: “Sao ngươi dám phỉ báng thánh hiền? Hãy nói thử xem, có lý thì được tha, vô lý sẽ bị chém đầu”.

Thợ nói: “Thần có một đứa con, cũng là thợ mộc danh tiếng, nay thần còn sống, muốn đem sự cảm nhận và tay nghề của thần truyền lại cho con, đích thân chỉ dạy còn truyền không được, huống là lời của Thánh hiền chỉ có lời nói, làm sao truyền lại? Chẳng phải cặn bã sao!”

Bánh xe, búa đẽo v.v... đều là việc trước mắt nơi thế gian còn truyền không được, huống là việc xuất thế gian vốn chẳng hình tướng, làm sao truyền? Cho nên, Phật Thích Ca muốn chúng sanh mỗi mỗi tự ngộ, chứ chẳng thể truyền. Thiền tông sở dĩ có sự truyền thừa, là khi trò kiến tánh rồi, thầy chỉ ấn chứng cho, gọi là truyền tâm ấn, tức lấy tâm truyền tâm.

Hỏi: Vậy xem kinh học Phật để làm gì?

Đáp: Kinh là dạy người tu để ngộ được tự tánh mình, làm chủ cho chính mình, đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn giải thoát tất cả khổ. Nay có người học Phật học đến Cao đẳng, học đầy bụng rồi dạy cho người khác, tự cho mình đã thông suốt tất cả kinh điển, chẳng biết dù kinh điển đầy bụng, có giúp ích cho sự giải thoát đâu!

Cho nên, nói “Đào tạo Tăng tài”, nếu là Tăng tài thì phải dạy người tu giải thoát. Đa số Tăng tài hiện nay, xử dụng nơi thế gian thì chẳng xài được trong công thương kỹ nghệ, lại chẳng thể dạy người tu giải thoát, kinh điển chỉ là danh từ pháp số chứa đầy bụng, đem dạy cho học trò, rồi học trò cũng chứa đầy bụng để dạy lại cho học trò; rốt cuộc Tăng tài chỉ là để dạy học trò mà thôi, đâu có hiển bày được sự dụng hoạt bát vạn năng của chính mình?

Hỏi: Tham thế nào để khỏi phỉ báng Phật pháp?

Đáp: Thực hành đúng theo tông chỉ Tổ Sư Thiền, giữ chín chữ “vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” là giữ được căn bản, ngoài ra không cho tâm đi tìm hiểu, chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình tham tới mãi.

Hỏi: Đề Bà Đạt Đa có mật hạnh gì?

Đáp: Bồ tát độ chúng sanh có thuận độ và nghịch độ, nghịch độ là thị hiện tạo tội địa ngục, cảnh tỉnh chúng sanh chớ có làm ác. Ví như Đề Bà Đạt Đa, mặc dù ở trong địa ngục, cũng như ở cõi Tam thiên vậy.

Hỏi: Tại sao ngài Lai Quả nói “Một nén hương tiêu được đấu vàng?”

Đáp: Một nén hương chỉ về sự tham thiền, xưa kia chưa có đồng hồ, ngồi thiền và kinh hành cứ đốt lên một nén hương, nén hương này ngồi thì nén hương khác đi. Hễ ngồi tu được một nén hương, thì nhân thành Phật đã gieo trồng. Người chân tu dẫu cho ăn một đấu vàng cũng tiêu, nếu không tu hành, dù uống một giọt nước, ăn một hạt gạo của thí chủ cũng phải trả nợ.

Hỏi: Đề câu thoại đầu khởi nghi tình không cầu không đắc; vậy có ảnh hưởng đến vong linh những người quá cố không?

Đáp: Đã nói “không cầu” thì làm sao mong cầu ảnh hưởng đến cha mẹ? Ấy là có cầu rồi! Nhân quả là người nào làm người ấy chịu, ai ăn nấy no, người khác chẳng thể ăn giùm được.

Chớ nói cha mẹ đã qua đời, dù cha mẹ còn sống, mình có thể khuyên cha mẹ bỏ ác hướng thiện không? Có thể khuyên cha mẹ tu đến giải thoát không? Nhiều người còn phải chiều ý cha mẹ, chứ cha mẹ chẳng chịu sửa đổi theo, còn sống đã như vậy, huống là đã chết?

Do đó, chẳng thể nói ảnh hưởng hay không, phải tin vào nhân quả, bổn phận người tham thiền phải đi đến kiến tánh, chứng quả rồi, đối với đại hiếu thì cha mẹ được ưu tiên. Nay khởi ý muốn dùng tham thiền để trực tiếp ảnh hưởng, ấy là vọng tưởng, là tâm trộm cướp. Tham thiền là đi đến kiến tánh, quét sạch tất cả vọng tưởng, hễ có ý đồ như thế là tự chướng ngại không được kiến tánh.

Dù cho thật sự ảnh hưởng đến cha mẹ để sửa đổi tâm, cũng không nên mống khởi niệm như thế, ấy là sai lầm, cũng như thấy người ta tụng kinh cầu siêu, mình cũng tham thiền cầu siêu, vậy có khác gì? Phải tự mình kiến tánh triệt để thì cha mẹ mới mong ưu tiên được độ.

Hỏi: Thế nào là mua bán Như Lai?

Đáp: Không theo kinh tu hành đã là nghịch với kinh, tụng kinh để được lợi dưỡng là tham cầu, là đem kinh để mua bán, là mua bán Như Lai, chẳng có phước lại có tội, Phật nói là “thật đáng thương xót”. Những người như thế xưng là Tông Tịnh độ cũng chẳng đúng, tụng kinh đâu phải Tịnh độ? Tịnh độ phải hành theo tín, nguyện, hành, cho nên, chính ngài Ấn Quang pháp sư; Tổ thứ mười ba của tông Tịnh độ, dạy người chuyên tu về tín, nguyện, hành, không cho người tụng kinh. xem kinh thì chỉ hạn chế trong ba quyển: Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh Vô Lượng Thọ mà thôi. Nên người đời nay cho tụng kinh là Tịnh độ, ấy là sai.

Hỏi: Vậy thì chúng con phải làm gì khi gia đình có người chết?

Đáp: Do thói quen từ xưa nay, khi có người thân qua đời là phải làm đám hoặc tụng kinh cầu siêu, ấy là sai lầm, nên tôi đã sửa đổi lại thuyết pháp trước linh cữu. Đối với hành gia tham thiền thì lúc nào cũng phải tham, cha mẹ còn cũng tham, cha mẹ mất cuũng phải tham, người đến dự lễ tang cũng phải tham.

Nếu thật muốn sửa đổi mà có thể làm chủ được, không nên mời thầy từng đến nhà hay đến chùa làm đám tụng nữa, hễ lúc sống biết tu hành thì chết cứ đem đi thiêu hoặc chôn. Hễ muốn tổ chức lễ tang thì mời Thầy đến thuyết pháp trước linh cữu, nhờ người quá cố làm nhân cho người sống được nghe pháp, nhưng phải thuyết đúng chánh pháp. Đối với những người không biết Phật pháp thì chẳng cần nói gì, vì họ đã theo thói xưa, chẳng thể phá chấp được.

Đối với tu sĩ ở chùa, nhiều người nhờ đám tụng nuôi chúng, Kinh nói là “mua bán Như Lai”, lại, Phật tử cúng dường Tam bảo là vô điều kiện, mới được gọi là cúng dường, còn đem tiền của đến nhờ tụng kinh, là mua bán Như Lai.

Nếu chân thật tu hành, hễ có người đến thỉnh đi đám là từ chối không đi, và giải thích cho họ biết. Phật pháp là vậy, chứ không có lấy kinh để trao đổi mua bán. Vì đã biết sai, phải sửa lại mê tín thành chánh pháp, nếu không cắt dứt, cứ kéo dài mãi thì làm sao có thể tu giải thoát.

Ở Trung Quốc, có những vị gọi là “Ứng phó Tăng”, do không có tu hành, chỉ đi đám nhận sự lợi dưỡng, nên bị người đời khinh chê. Do đó có câu “Chẳng thà chết đói ở giữa đường, chứ không làm tăng ứng phó ở ngoài đời”.

Hỏi: Nhiều người cho là nhờ có đám tụng làm nhân duyên, khiến mọi người biết đến chùa lạy Phật, đúng hay sao?

Đáp: Muốn nhờ phải nhờ chánh nhân, hễ nhân không chánh chỉ được tội, đâu được phước?

Hỏi: Nếu không cho đọc kinh sách, thì những bộ kinh để làm gì?

Đáp: Đức Phật tà muốn chúng ta thực hành, như Giáo môn là tín, giải, hành, chứng, Thiền môn cũng vậy, nhưng Thiền môn khi bắt đầu thực hành rồi là hành khởi giải tuyệt. Giáo môn gọi là Kinh giáo, Thiền môn gọi là giáo ngoại biệt truyền, hễ tu theo pháp môn nào, phải thực hành đúng theo tông chỉ pháp môn đó. Tôi đâu có bảo bỏ kinh? Tôi chỉ là không cho tìm hiểu, luôn cả thiền. Chính đang tham thiền mà không cho tìm hiểu thiền; đang tham câu thoại đầu mà không cho tìm hiểu câu thoại, chứ chẳng phải chỉ không cho đọc kinh, tụng kinh, tất cả đều không cho tìm hiểu. Tổ Sư Thiền là khi đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, trong đó đầy đủ giới định huệ, đầy đủ lục độ vạn hạnh, chẳng lấy chẳng bỏ, vì có lấy bỏ là tương đối.

Kinh nói: “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, lìa kinh một chữ, đồng như ma thuyết”. Nay tôi thuyết pháp đều là y theo lời Phật dạy, chẳng lìa kinh một chữ, còn lời nói của cô còn chấp thật, là y kinh giải nghĩa, làm oan cho Phật vậy.

Hỏi: Thượng tọa ngồi đây thuyết pháp là có trụ và có cầu không?

Đáp: Do có ngã, chưa tin tự tâm, cho là có ta năng đắc, có pháp sở đắc, có sở cầu cũng thế. Tôi thuyết pháp đâu có cái gọi là “Phật Pháp” mà tôi thuyết? Kinh Kim Cang nói: “Nếu ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật, vì đâu có pháp nhất định để thuyết? Đã nói tự tánh chẳng năng sở, làm sao có ta là năng thuyết, quý vị là sở nghe? Cho nên, cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, làm sao còn năng sở đối đãi? Lại, khi một niệm chưa khởi mới là thoại đầu, nay khởi niệm này niệm kia, thì làm sao có thể đến thoại đầu được?

Hỏi: Các pháp môn khác đều có khẩu quyết tương truyền, còn Tổ Sư Thiền thì sao?

Đáp: Nếu có khẩu quyết tương truyền là tà ma ngoại đạo chớ nói là Tổ Sư Thiền, các pháp môn khác thuộc về chánh pháp đều không có khẩu quyết tương truyền. Tổ Sư Thiền mặc dù nói truyền tâm ấn, nhưng không phải có truyền, chỉ là trò đã ngộ rồi, thầy ấn chứng cho sự ngộ, gọi là truyền. Tâm khắp mọi nơi, đâu phải vật để truyền? Cũng như nói kiến tánh, đâu phải có cái tánh để kiến?

Hỏi: Người đời thường nói “Tâm tịnh thì Phật độ tịnh”, thế mà Lục Tổ lại nói “Trụ tâm quán tịnh là bệnh, chẳng phải thiền”. Vậy làm thế nào cho tâm được tịnh mà không phải bệnh?

Đáp: Tịnh là trong sạch, bản thể Phật tánh của mình vốn trong sạch chẳng ô nhiễm, tịnh đó đã sẵn, làm sao còn muốn thêm cái tịnh nữa? Ấy là cấu bẩn rồi! Tâm vốn vô hình tướng, một niệm cũng chẳng có, luôn cả cái “chẳng có” cũng không, mới là thật trong sạch của Phật tánh. Nay khi không nổi lên một niệm quán tịnh, có năng quán sở quán, cho năng quán là tâm, sở quán là tịnh, thì sở quán là bụi trần, đã dính dơ cái tịnh rồi.

Cho nên, khởi tâm quán tịnh là bệnh, chúng ta chỉ là phát hiện cái tịnh của bản thể, chứ không phải lấy cái tâm làm năng quán, để quán cái tịnh.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/09/2012(Xem: 10801)
Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật kim.
20/09/2012(Xem: 5651)
Sáng nay con về lại Vạn Hạnh, không phải đi học, không phải nộp bài thi, không phải đi đảnh lễ,... mà để đi tiễn Ôn về với Phật. Con hòa mình vào dòng người tấp nập trên giao lộ Nguyễn Kiệm trong buổi sớm bình minh. Một ngày như mọi ngày nhưng cảnh vật hôm nay không còn bình yên nữa. Cây cỏ úa màu, hoa buồn ủ rũ. Mọi người tất bật, nôn nao bước nhanh về cổng chùa Vạn Hạnh, như sợ chậm chân sẽ không còn chỗ cho mình cung tiễn Thầy đi.
08/09/2012(Xem: 8183)
Với Hòa thượng Minh Châu, một đại sư đã ra đi. Một đại sư cỡ ấy, thế hệ chúng ta chỉ có vài vị. Vài vị, nhưng là những ngọn đuốc soi sáng đường đi cho cả một nửa thế kỷ. Hôm nay, ngọn đuốc gần như là cuối cùng ấy đã tắt. Đã tắt, để nói với chúng ta, như Phật đã nói khi nhập diệt: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
08/09/2012(Xem: 6141)
Tin Sư Ông ra-đi-về cõi bất sinh đã dệt nên những cơn bồi hồi, xúc động. Biết nói cái gì, và sẽ nói cái gì về một vầng ánh sáng chói lọi vừa lịm tắt? Càng cố nói về cái “rạng rỡ” thì càng trở nên vụng về! Nhưng vượt lên trên tất cả và vẫn còn hiện hữu nơi đây là tấm lòng tri ân sâu sắc đối với công trình dịch thuật Kinh tạng của Người. Lòng tri ân sâu thẳm đó vẫn âm ỉ trong tâm thức của những người từng có cơ duyên được học hỏi “triết lý giác ngộ”- một thứ triết lý nguyên thủyhàm chứa những kinh nghiệm chứng ngộ rất ngườicủa Đức Thế Tôn.
07/09/2012(Xem: 5897)
Các bạn thân mến, Tôi lớn lên trong cảnh bất công và quê hương nhuộm đầy máu lửa. Trái tim tôi đã dược nuôi dưỡng bằng tình yêu quê hương qua những tấm gương của các vị anh hùng yêu nuớc. Tôi yêu lí‎ tưởng Từ Bi của Đức Phật qua tinh thần bất bạo động, tôi không thích tham gia vào các tổ chức và các cuộc đấu tranh. Tôi đã đi dự những khóa tu của thầy Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai tổ chức trong một số chùa lớn của ba miền đất nuớc, trong thời gian Thầy về Việt Nam.
07/09/2012(Xem: 6447)
Trước tin Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu viên tịch, tôi xin thành kính có bài ghi lại kỷ niệm phước duyên được nghe ngài thuyết pháp. Đó là thời điểm những năm 1978, 1979… Vào lúc ấy, Tổng vụ Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức thuyết pháp hàng tuần vào lúc 15h chiều chủ nhật tại trụ sở của Giáo hội là chùa Ấn Quang.
02/09/2012(Xem: 10295)
Hòa Thượng Thích Minh Châu sinh năm 1918 tại Quảng Nam. Xuất gia năm 1946 với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Huế...
29/08/2012(Xem: 5569)
Tôi muốn nói đến Sư Huynh Phổ Hòa, người anh lớn trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tức Huynh Trưởng HỒNG LIÊN Phan Cảnh Tuân khả kính của chúng ta.
23/08/2012(Xem: 8218)
Kính bạch Sắc tứ Thập Tháp Tổ đình, Tân tịch trụ trì Thích Kế Châu, Đại lão Hòa thượng giác linh, tác đại chứng minh. Hôm nay, chúng tôi là những Pháp huynh, Pháp đệ thuộc dòng pháp Chúc Thánh, Tổ đình thứ hai Quảng Nam, và dòng pháp Thiền Tôn, Tổ đình thứ ba – Huế, tại Bình Định, và cũng là con cháu tám, chín đời dòng pháp Thập Tháp – Tổ đình thứ nhất, thuộc dòng pháp Thiên đồng Trung quốc tại Việt nam. Giờ này, tất cả chúng tôi đã vân tập đông đủ trước linh đài trang nghiêm, đau buồn này để làm lễ tiễn đưa kim quan Cố Đại lão Hòa thượng vào “BẢO THÁP MẬT TÀNG”, nghìn thu an nghỉ. Kính bạch Tân tịch Đại lão Hòa thượng giác linh! Trước hết, tại nơi đây, tất cả chúng tôi: Chí thành đến trước linh tòa, Cung kính dâng lên pháp cúng Kinh diên tán tụng,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]