Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Bảy: Thiền Định

02/04/201108:49(Xem: 3188)
Chương Bảy: Thiền Định

CUỘC ĐỜI CỦA MILAREPA

Đại Thiền Giả Một Đời Thành Phật của Tây Tạng
Một Bản Dịch Mới Từ Tiếng Tây Tạng Bởi Lobsang P. Lhalungpa
Nguyên tác: The Life of Milarepa - A New Translation from the Tibetan
by Lobsang P. Lhalungpa, Arkana, 1993 - Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN HAI
CHƯƠNG BẢY
THIỀN ĐỊNH

Retchung thưa hỏi, “Bạch Đạo sư, ngài đã thực hành khổ hạnh và thiền định ở những nơi nào?”

Milarepa tiếp tục:

Sáng hôm sau, người con của thầy giáo nói với thầy, “Hãy lấy những lương thực này, và xin nhớ đến chúng tôi trong thiền định của ngài.”

Anh ta đưa thầy một bao bột mì và một số thịt khô loại tốt. Thầy rút vào một hang trên ngọn đồi sau nhà để thiền định. Thầy dùng tiết kiệm số lương thực đó, thân thể thầy bắt đầu yếu đi. Tuy nhiên, thầy có thể thiền định mãnh liệt trong vài tháng.

Khi thực phẩm hết và thầy không còn lại gì để ăn, thầy cảm thấy không nên kéo dài thêm nữa. Thầy nghĩ, “Ta sẽ đi khất thực thịt từ những người chăn cừu trong vùng đất cao và lúa mì từ những người làm nông trong thung lũng. Nếu cẩn thận dùng thực phẩm, ta sẽ có thể tiếp tục thiền định.” Và thầy đi đến những người chăn cừu để khất thực.

Vào một cửa lều, thầy kêu to, “Xin hãy cho một ẩn sĩ chút ít lương thực.”

Tình cờ, đấy là căn lều của thím thầy. Vừa nhận ra thầy, thím giận điên lên và thả chó ra cắn thầy. Thầy lấy đá và gậy để xua chúng đi. Rồi thím nắm lấy một cây cọc lều xông ra la lớn, “Thằng con trời đánh của một ông cha tốt ! Sự ô nhục của gia đình nhà ngươi ! Con quỷ phá hoại của thôn làng nhà ngươi ! Tại sao mày đến đây ? Một thằng con như mày, lại sanh từ một ông cha tốt như thế !”

Vừa nói, bà vừa quất thầy túi bụi. Thầy chạy lui, nhưng vì đói và yếu, thầy vấp một hòn đá và ngã xuống một cái ao. Dầu thầy gần chết, thím vẫn tiếp tục chửi rủa thầy. Thầy lấy hết sức để chỗi dậy, và tựa người vào cây gậy, thầy hát cho bà nghe bài ca này:

“Con lễ lạy dưới chân ngài Marpa Bi Mẫn.
Trong vùng đất Tsayi Koron(1) buồn thảm,
Chúng tôi, mẹ và hai con, bị bà con ghét bỏ.
Chúng tôi tan tác như những hạt đậu bị cây gậy đánh xuống.
Chú và thím ơi, chính các người đã làm chúng tôi tan tác.
Hãy nhớ cho điều ấy, hỡi các người!

Khi tôi lang thang cùng trời cuối đất để ăn xin,
Mẹ tôi bị giết bởi lưỡi gươm của nghèo đói, đau buồn.
Em tôi lưu lạc ăn xin xa xứ.
Vì tôi không bao giờ ngừng thương tưởng mẹ và em,
Tôi trở về ngục tù nơi chôn nhau cắt rún,
Và thấy người mẹ yêu dấu đã chết
Đứa em bất hạnh lang thang nơi cùng trời cuối đất.
Buồn đau và cay đắng lấp đầy lồng ngực tôi.

Với những khổ đau của mẹ và con,
Hỡi chú thím, chẳng phải các người đã không xếp đặt để dìm chúng tôi vào khổ não ?
Tuy nhiên chính cái khổ không thể chịu đựng này
Đã kêu gọi tôi trở lại cuộc đời cầu đạo.
Khi cắt bỏ tất cả trong ẩn cư trên núi,
Và thiền định về những giáo lý của Marpa Đại Bi,
Thân thể tôi, dù chỉ là một ảo tưởng, đã không còn lương thực.

Lên đường đi khất thực,
Như một côn trùng chết trước tổ hang kiến,
Tôi thấy mình đứng trước của lều của thím tôi.
Bà xua chó dữ để tiếp đón tôi.
Thân thể mỏi mòn tôi rút chạy.
Lời chửi rủa, lời xấu ác của bà
Làm lòng tôi ngập tràn đau đớn.

Võ trang với một cọc lều,
Bà đánh như mưa lên thân tôi, càng thêm đau đớn,
Và suýt lấy đi của tôi mạng đời quý báu.
Dù cho tôi có đủ lý do để nổi giận,
Tôi cũng làm tròn lời dạy của lama.

Hỡi thím, hãy quên sự tức giận của thím đi,
Và cho tôi lương thực cho việc nhập thất của tôi.
Hỡi Marpa cao cả, bậc Từ Bi Thương Xót,
Xin ban phước cho đệ tử ngài, và làm bà dịu giận.”

Thầy hát những lời than du dương ấy khiến thím cũng phải hổ thẹn. Đi với một cô gái nhỏ, cô này bật khóc, thím đi vào lều.

Thím gởi cô gái nhỏ mang ra cho thầy một khoanh bơ và một phần bánh phó mát. Thầy đi khất thực tiếp ở các lều khác, thầy không biết ai cả, nhưng mọi người nhận ra thầy, nhìn thầy tò mò và cho thầy nhiều đồ bố thí. Mang những vật cúng dường này thầy vội vã bỏ đi.

Thầy biết ông chú thầy sẽ đối xử như thím, và thầy nghĩ, “Ta phải tránh đi về hướng ấy.” Nhưng khi xin thức ăn từ những người nông dân trong thung lũng Tsa, thầy đến cửa một ngôi nhà nơi ông chú sống.

Dù thầy trông giống như một xác chết chưa chôn, ông nhận ra thầy và hét lên, “A mày đúng là người mà ta muốn gặp.”

Và ông ném một hòn đá lớn suýt nữa trúng thầy.

Về phần mình, thầy nhận ra ông chú và tẩu thoát. Ông hết sức ném những hòn đá vào thầy, và thầy vẫn chạy. Rồi ông đi lấy cung tên.

“Thằng quái vật ! Một bất hạnh cho gia đình mày ! Mày đã phá hủy làng xóm tổ tiên của mày !” Và chú gọi những người làng, “Bà con ơi, ra mà bắt kẻ thù của chúng ta đây. Nhanh lên !”

Chú bắn tên vào thầy. Vài thanh niên trong làng cũng bắt đầu ném đá. Thầy đành phải dọa họ bằng huyền thuật vì e rằng họ sẽ giết thầy bởi vì những phép phù thủy của thầy hồi xưa. Thầy kêu lớn, “Ôi chư vị Tổ sư dòng Kagyuš ! Hỡi chư thần bảo vệ, những vị uống máu ! Ẩn sĩ thực hành Pháp đang bị những kẻ thù bao vây. Xin hãy tới cứu đệ tử.” Và với những dân làng, thầy nói, “Tôi có thể chết, nhưng những vị thần bảo vệ không chết đâu.”

Kinh hãi, những người làng giữ chú thầy lại và thôi quấy rối thầy. Những người ném đá xin thầy tha thứ. Mỗi người khác đem cho đồ cúng dường. Chỉ có chú thầy không chịu cho gì cả. Nhưng nếu ở lại trong vùng có thể làm cho họ tức giận, thầy quyết định ra đi.

Vào tối đó thầy có một giấc mộng báo trước một biến cố vui vẻ nếu thầy ở lại vài ngày. Bởi thế thầy nán lại và Zessay biết được tin thầy về làng. Cô đến gặp thầy, mang theo thực phẩm và bia. Cô ôm chầm thầy và bật khóc nức nở. Cô nói với thầy mẹ thầy đã chết như thế nào và em thầy đã trở nên một kẻ lang thang. Đau buồn lại tràn đến, thầy cũng rơi nước mắt.

Thầy nói với Zessay, “Tại sao sau thời gian lâu như vậy, cô không lấy chồng?”

Cô trả lời, “Họ sợ vị thần bảo vệ của anh, và không ai dám đi hỏi tôi. Mà nếu có ai đề nghị, tôi cũng từ chối. Việc anh đi tu là đáng ngạc nhiên. Anh sẽ làm gì đối với nhà cửa và ruộng đất ?”

Thầy hiểu ý cô và thầm nghĩ, “Mình không cưới nàng chỉ là do ân sủng của ngài Marpa Dịch Giả. Từ quan điểm đời thường, ta phải nói với Zessay rằng không hy vọng gì có đám cưới giữa ta và nàng, còn từ quan điểm tôn giáo ta sẽ nói những lời cầu nguyện nhiệt thành nhất cho nàng.”

Và thầy nói với cô, “Nếu tôi gặp lại em gái tôi, tôi sẽ cho nó ngôi nhà và ruộng đất của tôi. Trong thời gian đó, cô cứ sử dụng. Nếu có tin chắc chắn em tôi đã chết, thì cô giữ luôn nhà và đất.”

“Nhưng anh không muốn chúng cho chính anh ư?”

“Theo sự thực hành khổ hạnh của tôi, tôi sẽ kiếm thức ăn như loài chim và chuột, thế nên tôi đâu cần gì đất đai. Chỗ ở của tôi sẽ là một hang động trống không, bởi thế tôi đâu cần gì nhà cửa. Dù cho ai đó là Chúa Tể của Vũ Trụ, vào lúc chết người ấy cũng bỏ hết tất cả. Nếu người ta từ bỏ mọi thứ ngay bây giờ, người ta sẽ hạnh phúc bây giờ và sau nữa. Đó là tại sao, hoàn toàn ngược với những người khác, bây giờ tôi buông bỏ mọi thứ và mọi người. Cô chớ hy vọng ở tôi như một người theo nghĩa thế gian.”

Cô trả lời, “Vậy thì sự thực hành của anh ngược với những người khác có tôn giáo ư ?”

“Trước hết, những người chỉ nghĩ đến những mục đích thế gian thì bằng lòng với việc nghiên cứu một số sách tôn giáo. Họ vui thích với thành công của họ và với thất bại của những người khác. Nhân danh tôn giáo, họ thu thập giàu có và danh tiếng càng nhiều càng tốt. Họ mang những tên thánh và khoác những chiếc áo tu. Tôi xa lánh họ và sẽ luôn luôn làm như vậy.

“Nhưng những người sùng đạo khác, nếu tâm thức họ và sự thực hành không bị hư hỏng, thì đồng lòng với tôi, bất kể họ mặc áo gì, và tôi không thể quay lưng với họ. Tôi chỉ tránh những người không theo tinh túy của Pháp.”

“Em chưa bao giờ thấy một người sùng đạo như anh. Trông anh còn tệ hơn một người ăn xin. Đây là loại Đại thừa nào thế ?”

“Đây là cái tốt hơn hết tất cả. Nó ném Tám Phản Ứng Thế Gian vào trong gió để thực hiện Giác Ngộ trong đời này. Bề ngoài của tôi phù hợp với truyền thống ấy.”

Zessay trả lời, “Như anh nói, đường lối của anh và của họ hoàn toàn nghịch nhau ; một trong hai cái phải là sai lầm. Nếu cả hai đều đúng, em sẽ thích chọn lối họ hơn là lối của anh.”

“Tôi không thích cái mà những người thế gian thích. Ngay cả những nhà sư áo vàng họ theo một con đường như tôi, cũng hình như không hoàn toàn thoát khỏi Tám Phản Ứng Thế Gian. Mà dầu họ có thoát khỏi, thì vẫn có một sự khác biệt vô cùng trong thời gian phải dùng để đạt đến Giác Ngộ. Cô không hiểu điều này đâu. Nếu có thể, cô hãy thực hành Pháp. Nếu không thể, bấy giờ hãy về sống như cô đang sống và sở hữu nhà đất của tôi.”

Zessay trả lời, “Em không muốn nhà cửa hay đất đai của anh. Hãy cho cô em gái của anh. Về phần em, em sẽ thực hành Pháp, nhưng em không thể theo một con đường như của anh.” Nói xong cô ra đi.

Thím thầy nghe thầy không dùng gì nữa ruộng đất và nhà cửa của thầy. Vài ngày trôi qua và bà nghĩ, “Bởi vì nó nói rằng nó sẽ theo những chỉ dạy của Đạo sư của nó, ta thử đến xem ta có thể có miếng đất ấy không.”

Bà đến tìm thầy, mang theo bột mì, bia và thịt khô. “Hôm trước thím đã hành động xuẩn ngốc”, thím nói. “Nhưng bởi vì anh là một người thánh thiện, anh sẽ tha thứ cho thím. Bây giờ thím muốn trồng trọt trên đất của anh và sẽ cung cấp lương thực cho anh.”

Thầy trả lời, “Tốt lắm, thưa thím, hãy đem cho tôi một bao bột mì mỗi tháng, và giữ phần còn lại cho thím.”

“Thím sẽ làm như vậy.”

Trong vòng hai tháng, bà đem bột mì cho thầy như đã hứa. Sau đó, bà lại đến và nói, “Người ta nói rằng nếu thím canh tác miếng ruộng, những thần bảo vệ của cháu sẽ ném chú thuật lên đầu bọn thím. Nhưng có phải cháu không để điều đó xảy ra, phải thế không ?”

Thầy trả lời, “Sao họ lại nói thế, bởi vì chính có lợi cho cả hai chúng ta mà thím canh tác miếng ruộng và đem cho tôi thực phẩm chứ.”

“Tốt lắm, cháu à, nếu không gây phiền hà cho cháu, thì thím thấy dễ chịu hơn khi cháu có một lời thề.” Thầy không biết bà sẽ cảm thấy mọi sự này trong tương lai như thế nào, nhưng thầy thề bởi vì làm cho những người khác hạnh phúc chính là Pháp. Rồi bà vui sướng trở về nhà.

Thầy đã cố gắng rất nhiều để thiền định, nhưng thầy hoàn toàn không thể thậm chí đạt được kinh nghiệm phúc lạc của nội nhiệt và khi thầy tự hỏi phải làm sao, thì thầy có một giấc mộng như vầy : Thầy đang cày một luống trên miếng ruộng của thầy. Đất rất cứng và thầy tự hỏi có nên bỏ nó không. Bấy giờ Marpa Tôn Quý xuất hiện trên bầu trời và nói với thầy, “Con ta, hãy mạnh thêm ý chí, có can đảm và làm việc đi ; con sẽ cày được đất cứng và khô.”

Nói vậy rồi chính Marpa hướng dẫn thầy và thầy cày miếng ruộng của thầy. Tức thời một vụ mùa trúng lớn mọc lên. Thầy thức dậy thật vui, và thầy nghĩ, “Những giấc mộng không gì hơn là những phóng chiếu của những tư tưởng ẩn kín, ngay cả những người ngu cũng không tin chúng là thật. Ta mà chấp vào chúng thì ta còn ngu đần hơn họ.” Dầu như vậy, thầy xem giấc mộng này có nghĩa là nếu thầy kiên trì cố gắng thiền định, thầy sẽ đạt một phẩm tính mới trong kinh nghiệm nội tâm, và thầy hát lên bài ca này để soi sáng ý nghĩa của giấc mộng ấy :

“Con xin Thầy, Đạo sư Bi Mẫn,
Ban phước cho kẻ ăn mày này để nó có thể sống trong cô tịch.
Con canh tác miếng đất của tâm không phân biệt nền tảng
Với nước và phân của niềm tin,
Và gieo xuống hạt giống của tâm thanh tịnh.
Sấm sét mãnh liệt của những cầu nguyện của con vang dội,
Và cơn mưa của những ban phước của Thầy rơi xuống không dùng công sức.

Trên con trâu của một tâm thức thoát khỏi nghi ngờ
Con tra vào ách và lưỡi cày của phương tiện thiện xảo và trí huệ.
Con nắm vững chắc dây cương không phóng dật.
Quất đen đét ngọn roi nỗ lực, con phá vỡ đất cứng năm độc vô minh.
Con ném xa những hòn đá của một tâm ô nhiễm,
Và nhổ sạch tất cả sự tự dối lừa.
Rồi với lưỡi liềm của Nhân và Quả
Gặt hái thành quả của sự thực hành
Là Phật Tánh của hằng sa giải thoát.
Con chất vào kho quả của những giáo huấn tuyệt luân,
Những chân lý vượt ngoài tâm, ý, ý thức,
Hạt tuyệt hảo này, rang và xay bởi những dakini,
Là thực phẩm cho người ẩn sĩ trên con đường Chân Tánh.
Đây là ý nghĩa giấc mộng của con.

Chứng ngộ không khởi từ những lời nói.
Thấu hiểu không đến từ gợi ý diễn suy.
Con nài nỉ tất cả những ai làm việc vì Giác Ngộ
Hãy thiền định với tất cả kiên trì và nỗ lực.
Sự chịu đựng và cố gắng sẽ đánh bại những khó khăn lớn nhất.
Nguyện cho những ai tìm cầu Phật tánh được không chướng ngại.”

Hát xong những lời này, thầy quyết định ra đi và thiền định ở Núi Răng Ngựa Trắng.

Cùng ngày hôm đó, thím thầy mang đến cho thầy ba bao bột mì, một áo khoác bằng da đã sờn, một bị quần áo vải tốt, một số thịt khô và một số bơ và mỡ. Và bà nói : “Đây là cái giá cho miếng ruộng của cháu. Hãy lấy nó và đi đến một nơi nào thím không bao giờ thấy hay nghe nói về cháu nữa. Người ta bắt đầu nói, ‘Sau mọi thảm cảnh mà Tin Lành đã gây ra, giờ đây bà lại giao thiệp với nó. Còn hơn là để cho nó giết hết bọn còn lại chúng tôi với huyền thuật của nó, chúng tôi sẽ thanh toán cả hai người cho rồi.’ Thế nên tốt hơn hết là cháu đi đến một ngôi làng khác. Dù sao, nếu cháu ở lại, họ không có lý do thực sự nào để giết thím, nhưng về phần cháu, họ sẽ không ngần ngại đâu.”

Thầy biết rất rõ dân làng không nói như vậy. Thầy thầm nghĩ, “Cái gì xảy ra nếu ta chẳng hành động thuận theo Pháp ? Trên nguyên tắc ta chưa thề không tung ra chú thuật với người nào lấy mất miếng ruộng của ta. Hơn nữa, đặc biệt với một thiền giả, một lời thề chỉ là một giấc mộng không thực tại. Không có gì ngăn ta gởi mưa đá đến ngay sau phút thím quay lưng đi. Nhưng ta không làm những điều như vậy. Vì người ta có thể thực hành nhẫn nhục sao được nếu không có ai để làm mình tức giận ? Nếu đêm nay ta chết, miếng ruộng và mọi thứ khác của ta có để làm gì ?

“Có nói rằng nhẫn nhục là phương tiện tốt nhất để đạt được Bồ đề. Bà thím của ta là chỗ nương dựa cho thiền định của ta. Chính là phải cám ơn chú thím vì nhờ hai người ta mới đi vào con đường giải thoát. Như một chứng cứ cho lòng biết ơn của ta, ta sẽ cầu nguyện không ngừng cho sự Giác Ngộ của họ. Trong đời này, ta không chỉ cho họ miếng đất mà cả nhà của ta nữa.”

Và giải thích ý nghĩ của thầy cho thím, thầy nói với bà, “Vì tôi không có phương tiện gì khác đạt đến Giác Ngộ trong đời này trừ phi tôi theo lời chỉ dạy của lama của tôi, xin hãy lấy không chỉ miếng đất mà cả nhà cửa của tôi nữa.” Và thầy hát lên bài ca này :

“Lama Tôn Quý, trong tay Người là những niềm vui và nỗi buồn
Của kẻ ăn mày này mà Người đã hướng dẫn vào núi non cô tịch.

Đối với người bị hành hạ bởi nghiệp của sanh tử phổ khắp,
Nhiễm ô làm nổ tung động mạch sống còn của giải thoát.

Cái chúng sanh trau dồi là ác hạnh.
Nếu cứ buông lung, họ sẽ chịu những thống khổ của ba cõi thấp.

Tình họ hàng là thành thị của quỷ ma
Tôi xây dựng nó, tôi sẽ bị hút vào lò nấu chảy.

Nếu ai tích tập lương thực và giàu sang,
Đó là làm để cho những người khác sở hữu.

Mọi thứ người ta tích lũy
Đều trở thành tài sản của những kẻ thù của mình.

Trà và bia nếu khao khát thì biến thành thuốc độc.
Nếu uống vào, tôi sẽ nổ tung động mạch sống còn của giải thoát.

Cái giá thím tôi trả cho miếng ruộng của tôi là sự keo kiệt của bà
Lấy phần nào trong đó sẽ gây cho tôi tái sanh vào ngạ quỷ.

Những lời lẽ của thím tôi là những lời tức giận.
Nếu tôi nói cùng thứ ngôn ngữ, chúng ta sẽ hủy diệt lẫn nhau.

Thím ơi, hãy lấy nhà cửa và ruộng vườn của tôi.
Hãy lấy chúng và cầu mong thím hạnh phúc.

Qua sự hiến thân của tôi cho Pháp, thím sẽ thoát khỏi phê phán trách cứ,
Và tôi sẽ đi con đường của tôi đến ngôi chùa của Thật Tánh tối hậu.

Chính qua lòng Bi mà tôi hàng phục quỷ ma.
Thị phi vất tung trong gió, tôi xoay mình hướng về Bản Lai Diện Mục tối cao.

Hỡi Lama Tử Tế, bất động muôn đời trong bản tánh,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này có thể thành tựu đời nó trong cô tịch núi non.”

Nghe bài ca này, thím thầy nói, “Cháu ơi, cháu quả là một người cầu đạo chân thật và thành tâm. Thật là kỳ diệu !” Và bà ra đi, lòng đầy vui vẻ.

Bị khuấy nhiễu bởi biến cố này, thầy khổ tâm dữ dội. Nhưng đồng thời, thầy hạnh phúc và nhẹ nhõm đã thu xếp xong nhà cửa ruộng vườn. Một lần nữa thầy nghĩ đến chuyện đi để thiền định theo những mệnh lệnh của lòng thầy ở hang Núi Răng Ngựa Trắng. Bởi vì thầy đã củng cố sự thực hành tham thiền của thầy ở đây trong hang động này khi thím thầy đến viếng thăm thầy, thầy gọi nó là Hang của Nền Tảng.

Sáng hôm sau, lấy phần trả cho miếng ruộng và vài đồ nhỏ nhặt khác còn lại, thầy đến Núi Răng Ngựa Trắng không để cho ai biết, và ở đó trong một cái hang dễ chịu. Thầy đặt một tấm đệm ngồi cứng để thiền định và dọn dẹp chỗ ở. Rồi thầy phát một lời nguyện không đi xuống chỗ có người ở như sau :

“Bao giờ tôi chưa đạt đến trạng thái Sáng Tỏ tâm linh,
Tôi sẽ không đi xuống để khất thực, dù tôi có chết vì đói trên ngọn núi hoang vu này.
Tôi sẽ không đi xuống tìm quần áo dù tôi có chết vì lạnh.
Tôi sẽ không buông lung vào lạc thú và phóng dật thế gian, dù tôi có chết vì buồn khổ.
Tôi sẽ không đi xuống kiếm thuốc men, dù tôi có chết vì bệnh.
Không cho phép thân, ngữ, tâm hở sót, tôi làm việc để thành Phật.
Ôi lama và yidam, xin ban phước cho con, để con hoàn thành mọi lời nguyện này.
Nguyện chư dakini và những thần hộ pháp nâng đỡ tôi với thần lực hoạt động của họ.
Chẳng thà chết tốt hơn là sống như một người phá vỡ những lời nguyện khi không nỗ lực với Tự Tánh mình.
Ôi biểu những thần hộ pháp, xin hãy hủy diệt cuộc đời tôi tức thời với bất kỳ cái nào vi phạm.
Ôi lama và yidam, xin ban phước cho con để con gặp đạo trong đời tới và tái sanh trong một thân người có khả năng vươn tới Phật tánh.”

Nguyện xong, thầy hát Bài Ca Xin Hứa và Cầu Nguyện này :

“Ôi, Con của đức Naropa, xin ban phước cho kẻ ăn mày này.
Có thể thành tựu trong cô đơn con đường giải thoát.

Xin che chở con khỏi những lực lượng làm phóng dật của Ma
Và làm tăng thêm chiều sâu của thiền định.

Không bám luyến vào mặt hồ an định nội tâm,
Nguyện đóa hoa quán chiếu siêu việt bừng nở trong tôi.

Không khởi những tư tưởng phân biệt thoáng qua,
Nguyện những lá của trạng thái vô niệm lan rộng.

Không để cho nghi ngờ trú chân trong thất,
Nguyện quả của sự Thức Tỉnh chín vàng.

Không để cho quân Ma dám tạo nên những chướng ngại
Nguyện sự xác tín tuyệt đối như mặt trời mọc lên trong tâm thức tôi.

Không ngần ngại trên con đường của phương tiện thiện xảo
Nguyện con trai theo được bước chân Cha.

Ôi lama Bi Mẫn, bất động muôn đời trong bản tánh,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày để nó đạt đến Toàn Thiện trong cô tịch núi non.”

Cầu nguyện như thế xong, thầy tự nuôi sống mình chỉ bằng một muỗng xúp nhỏ bột mì nướng sơ, và bắt đầu thiền định.

Dù cho một tỉnh giác xác thực về Đại Ấn (Mahamudra) khởi lên trong tâm thầy, thầy không thể kiểm soát hơi thở bởi vì thân thể quá yếu ; không có lửa Tummo sưởi ấm thầy và thầy thấy lạnh ghê gớm. Rồi thầy kêu cầu lama với tập trung mạnh mẽ, và một đêm thầy tri giác, trong một trạng thái sáng tỏ bên trong, nhiều phụ nữ làm một buổi lễ cúng, họ bao quanh thầy và nói, “Marpa gởi chúng tôi đến để nói với thầy rằng nếu thầy không cảm thấy Lửa Tummo, thầy nên dùng những phương pháp này về thân, ngữ, tâm cho đến khi sức nóng phúc lạc khởi lên bên trong thầy.”

Họ chỉ bày những tư thế yoga. Thầy tìm kiếm cái lạc của thân qua tư thế ngồi được biết như là sáu lò sưởi nối kết. Thầy tìm kiếm sự kiểm soát năng lực thuộc ngữ qua sức mạnh của nguyên tố sinh khí trong không khí. Thầy tìm kiếm và thiền định về sự hài hòa của tâm thức qua những thần lực sinh khí của con rắn cuộn tròn tự khai phóng, và Lửa Tummo sớm bắt đầu lan tỏa suốt thân thầy.

Một năm trôi qua.

Bấy giờ thầy có một ý muốn ra ngoài và làm mình tươi khỏe trở lại. Thầy chuẩn bị đi. Nhưng thầy chợt nhớ lời nguyện trước kia và tự nhắc nhở mình với bài ca này :

“Ôi Marpa, Biểu Lộ của Kim Cương Trì, bậc Nắm Giữ Chân Lý Tối Hậu,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày để nó hoàn thành cuộc ẩn tu trong cô tịch.

Milarepa, ôi con người tự trọng,
Mong bài ca này là sự nhắc nhở và sự giúp đỡ cho ngươi.
Người đã cắt đứt với những bạn ở chung và những cuộc chuyện trò thú vị.

Trống không là những cái nhìn thấy nơi thung lũng ngươi muốn thấy.
Không có gì ở bên ngoài có thể làm nâng cấp lòng ngươi.

Chớ buông lung trong những tư tưởng lang thang, mà hãy để tâm bình an tự là chính nó.
Nếu buông lung, ngươi sẽ chết vì những tư tưởng xấu.

Chớ bị phóng dật, chớ bị phóng dật, mà chú ý chánh niệm.
Nếu ngươi không chú ý, sự sùng mộ hiến mình của ngươi sẽ theo gió bay xa.
Chớ bỏ đi, chớ bỏ đi, mà trụ lại nơi ngươi đang trụ.
Nếu bỏ đi, chân ngươi sẽ vấp nhầm đá.

Chớ tìm kiếm lạc thú, mà hãy điều ngự chính ngươi.
Tìm lạc thú là điều vô ích.

Chớ có ngủ, chớ có ngủ, mà hãy thiền định.
Nếu ngươi ngủ, năm độc làm hư hoại sẽ tràn ngập ngươi.”

Đã tự cảnh tỉnh mình như thế, thầy thiền định không kể ngày hay đêm. Phẩm tính của sự thực hành của thầy tiến triển và ba năm nữa trôi qua.

Mỗi năm thầy dùng một bao thức ăn. Và nếu thầy không có gì khác để duy trì mạng sống, đấy sẽ là sự chấm dứt đời thầy. Khi người đời họ tìm ra một phần mười lượng vàng, họ vui mừng rồi khi mất nó, họ đau khổ. Nhưng điều đó không thể so sánh với việc chết mà không đạt được Giác Ngộ. Vì một cuộc đời dẫn đến Giác Ngộ thì quý hơn một tỷ thế giới chứa đầy vàng. Thầy nghĩ, “Ta sẽ làm gì ? Chẳng thà chết còn tốt hơn phá vỡ lời nguyện. Ta sẽ không xuống làng. Ta sẽ không phá vỡ lời nguyện của ta. Nhưng chính vì mục tiêu cầu đạo, ta phải tìm cho đủ thực phẩm để duy trì cuộc sống.”

Thầy đi ra phía trước cửa hang Đá Trắng nơi có mặt trời ấm áp và nước trong. Ở đấy có nhiều cây tầm ma – một chỗ khoáng đạt có thể nhìn xa xa. Vui mừng, thầy ở lại đó.

Sống bằng cây tầm ma, thầy tiếp tục thiền định. Bởi vì thầy không có áo quần trên thân thể và không có chất bổ dưỡng nào, thân thể thầy phủ đầy lông màu xam xám, ốm như một bộ xương và da thầy chuyển ra màu cây tầm ma. Lúc cùng cực như vậy, thầy lấy cuộn giấy lama đã đưa cho thầy và đặt nó lên trên đầu. Từ lúc đó, dầu thầy không ăn gì, bụng thầy vẫn cảm thấy đầy và có vị thức ăn trong miệng. Thầy đã định mở dấu niêm cuộn giấy để nhìn vào trong đó. Nhưng một điềm triệu báo cho thầy chưa nên mở. Thế nên thầy cứ để vậy.

Khoảng một năm trôi qua. Một vài người thợ săn từ chợ Kirong trong một buổi săn thất bại thình lình đến trước hang của thầy. Vừa thấy thầy, họ kêu lên “Ma !” và bỏ chạy. Thầy gọi lớn cho họ rằng thầy là một con người và là một ẩn sĩ.

“Khó mà tin được, nhưng chúng ta hãy đến xem”, họ nói.

Trở lại, họ đi vào hang và hỏi, “Thực phẩm của ông ở đâu ? Hãy đưa cho chúng tôi một số, sau này chúng tôi sẽ trả lại tử tế. Nếu ông từ chối, chúng tôi sẽ giết ông.”

“Tôi không có gì cả ngoài cây tầm ma”, thầy nói với họ.

“Hãy nhấc tôi lên và nhìn xem. Tôi không có gì để sợ bị cướp mất.”

“Chúng tôi không cướp của ông.”

“Điều gì xảy ra khi chúng ta nhấc bổng một hành giả ẩn sĩ ?”, một người nói.

“Điều ấy có thể ban phước cho chúng ta !”, người khác nói.

Rồi người này đến người khác nhấc bổng thầy lên và thả xuống lại. Thân thể thầy đã quắt queo vì khổ hạnh đầy đau đớn, nhưng thầy vẫn cảm thấy một sự thương xót kinh khủng và không chịu đựng nổi cho họ. Thầy khóc.

Một người trong đám thợ săn đứng yên không làm thầy bị tổn thương, nói với những người khác, “Dừng lại đi ! Người này có vẻ là một hành giả thật sự. Mà dầu ông ta không phải như thế, các anh cũng không thể chứng tỏ nhân tính của mình bằng cách hành hạ một cái bị xương da như vậy. Chúng ta đói thì có phải lỗi của ông ấy đâu. Hãy dừng cái việc các anh đang làm lại đi.” Và anh ta nói với thầy, “Ngài là một thiền giả tuyệt diệu. Bởi vì tôi không hành hạ ngài, xin hãy đặt tôi dưới sự che chở của thiền định của ngài.”

Những người khác nói, “Và chúng tôi, những người nhấc ngài, xin cũng che chở chúng tôi nữa.”

Một người trong bọn nói, “Vâng, nhưng có nhiều loại che chở khác nhau, hãy tin tôi đi.” Anh ta phá lên cười rồi bỏ đi.

Dù thầy không hề nghĩ đến việc dùng pháp thuật, sau đó họ cũng bị trả quả bởi bàn tay những thần bảo vệ của thầy. Quan của vùng trừng phạt họ. Người đầu đảng bị tử hình, và mọi người khác bị móc mắt, chỉ trừ người đã nói, “Chớ có làm hại người ẩn tu !”

Một năm qua đi. Khi mọi áo quần của thầy đã bị rách hết và cái áo choàng bằng da cũ kỹ của thím cho thầy để trả tiền mướn miếng ruộng cũng tả tơi, thầy định may bốn cái bao bột không và những mảnh áo quần cũ để làm thành một cái đệm ngồi thiền. Nhưng thầy tự nhủ, “Nếu ta có chết đêm nay, thì khôn ngoan là thiền định hơn là làm cái trò may vá vô nghĩa này.” Bỏ ý nghĩ may vá, thầy trải vải rách trên đệm thiền và cột tấm áo choàng da để che phần dưới thân. Phần trên thầy phủ bằng mấy cái bao ở nơi nào cần thiết. Khi bộ quần áo này rơi rụng, thầy nghĩ sự từ bỏ của mình đã đi quá xa và mình phải may chúng lại với nhau. Nhưng không có kim lẫn chỉ, thầy thắt nút ba cái bị để che phần trên, phần giữa và phần dưới và cột lại với dây thừng. Ban ngày thầy mặc nó, ban đêm thầy đặt nó lên trên đệm thiền, kéo dài thời gian chừng nào hay chừng đó. Và theo cách ấy thầy trải qua một năm thiền định nữa.

Một hôm có tiếng nói của nhiều người. Vài người thợ săn vác theo nhiều đồ săn được, đến trước cửa hang. Thấy thầy, họ kêu lên, “Một con ma !” và người gần nhất bỏ chạy. Những người ở xa thì nói, “Làm gì có ma ban ngày mà sợ. Xem kỹ lại coi. Nó có còn đó không ?”

Vài người thợ săn già tiến lên và họ cũng sợ. Thầy giải thích cho họ dài dòng thầy không phải là một hồn ma mà là một ẩn sĩ thiền định trong núi, và việc thiếu thực phẩm làm thầy ra như thế này.

“Chúng tôi sẽ thấy điều đó đúng hay không”, họ nói và đi vào hang.

Ở đó không có gì ngoài cây tầm ma. Xúc động sâu xa, họ cho thầy một lượng lớn thịt cùng với những lương thực khác, và nói, “Điều ngài đang làm thật là kỳ diệu. Xin hãy cứu giúp những sinh linh chúng tôi đã giết, cho chúng sanh vào những cõi cao. Về phần chúng tôi, xin rửa sạch tội lỗi của chúng tôi.”

Nói xong, họ lễ bái và bỏ đi.

“May mắn thay”, thầy tự nói với mình một cách vui vẻ. “Giờ đây ta có thể ăn như một con người.”

Sau khi thầy đã ăn thịt nấu chín, thân thể thầy bắt đầu cảm thấy phúc lạc thanh tĩnh. Sức khỏe thầy tiến triển, cảm nhận thầy sắc sảo, và sự thực hành mạnh mẽ thêm. Thầy kinh nghiệm một trạng thái lạc phúc về tánh Không chưa từng có trước đó. Thầy thấy rằng một ít đồ cúng dường nhận được ở chốn ẩn tu núi non còn lợi lạc cho thầy gấp trăm lần những cúng dường trong thành phố hay thôn làng.

Thầy dùng số thịt ấy một cách tiết kiệm, nhưng phần thầy để dành cuối cùng cũng hư thối bởi những con giòi. Thầy định gắp giòi ra rồi ăn, nhưng thầy nghĩ, “Việc này không phải là số phận của mình mà cũng không phải là quyền của mình. Chẳng tốt tí nào khi cướp của những con giòi thức ăn của chúng. Ta chẳng muốn nó nữa.” Thầy để thịt cho chúng, và trở lại khẩu phần khổ hạnh là tầm ma.

Một đêm một người đến tìm thức ăn. Anh ta lục lọi hết cả hang. Thầy bật cười và nói, “Hãy gắng tìm cho ra vào lúc nửa đêm này một cái gì khi mà giữa ban ngày ban mặt tôi cũng chẳng thể tìm thấy cái gì cả.”

Rồi cũng cười, người ấy ra đi.

Một năm nữa qua đi. Một hôm có vài người thợ săn từ Tsa, không săn được gì cả, đến trước hang của thầy. Thầy mặc ba mảnh bao ở ba chỗ và đang nhập định. Thấy thầy một người thợ săn cầm mũi tên chỉ vào thầy và nói, “Đây là người hay ma ? Là một người bù nhìn chăng ? Xem áo quần, có vẻ là một con ma.”

Thầy mỉm cười và nói, “Tôi đấy, tôi là một người.”

Họ nhận ra thầy do lỗ hở nơi hàm răng thầy.

“Ông là Tin Lành phải không ?”

“Tôi chính là ông ấy.”

“Lúc này hãy cho chúng tôi ăn đã. Chúng tôi sẽ trả lại cho ông sau này. Đã nhiều năm qua từ khi ông về làng. Ông đã ở đây suốt thời gian đó ?”

“Tôi ở đây từ đó đến giờ. Nhưng tôi không có gì tốt để cho các bạn ăn.”

“Hãy cho chúng tôi cái gì ông đang ăn. Như vậy là đủ cho chúng tôi rồi.”

“Được lắm, hãy chụm củi và nấu một ít tầm ma.”

Khi đun lên, họ hỏi thịt để bỏ vào nồi tầm ma.

Thầy trả lời, “Nếu tôi có thịt, thức ăn của tôi sẽ bổ dưỡng rồi. Tôi không có gì nhiều năm nay rồi. Thôi hãy cho thêm tầm ma vào.”

“Thế thì xương vậy.”

“Nếu tôi có xương, thức ăn của tôi đâu có vô vị như vậy. Tôi đã không có chúng từ nhiều năm nay. Thôi cứ dùng thêm tầm ma đi.”

“Nhưng chúng tôi không thể không có muối.”

“Hãy dùng tầm ma thay muối.”

“Chắc vì cách ăn uống và áo quần như vậy làm cho ông không giống bình thường. Ông không phải là một con người. Thậm chí một người đầy tớ cũng ăn đầy đủ mặc ấm áp kia mà. Trên đời này không có ai khốn khổ đáng thương bằng ông.”

“Xin lỗi, chớ nói như vậy. Tôi đã sinh làm người may mắn nhất. Tôi đã gặp Lama Marpa vùng Vách Đá Phía Nam. Từ ngài tôi đã có được những giáo huấn cho phép tôi đạt đến Phật tánh trong đời này và trong thân này. Bằng cách từ bỏ thế gian và thiền định trong núi non cô tịch này, tôi đang cố gắng đạt một mục tiêu vĩnh cửu. Tôi đã hy sinh thức ăn, áo mặc và địa vị, nhờ đó mà hủy diệt những kẻ thù là tham mê và thành kiến, ngay trong đời này. Không có ai trong đời can đảm hơn, nguyện vọng cao hơn tôi. Dù các bạn có sanh ra trong một xứ sở mà Phật pháp đã truyền bá, thế mà thậm chí các bạn không có một thôi thúc nào nghe Pháp, một ý định nào đi vào thiền định. Không có lối sống nào nguy hiểm hơn cứ chất chồng lỗi lầm từng chút một, từng nắm tay một – nó đào thêm chiều sâu và kéo dài thêm thời gian của địa ngục. Bình an từ giờ cho đến mãi mãi, tôi sẽ có an lạc tối thượng, và từ giờ trở đi tôi bảo đảm ở trong hạnh phúc. Bởi thế hãy nghe Bài Ca Năm Hạnh Phúc:

“Con kính lạy dưới chân Marpa Bi Mẫn
Xin ban phước cho sự từ bỏ thế gian của con.
Núi Răng Ngựa Trắng là thành trì của Trung Đạo.
Trên chót đỉnh của Thành Trì Trung Đạo.
Tôi, ẩn sĩ áo vải của Tây Tạng,
Đã từ bỏ thực phẩm và y phục trong cuộc đời này
Để trở thành một vị Phật toàn hảo.

Tôi hạnh phúc với đệm thiền cứng ngắt dưới thân,
Tôi hạnh phúc với áo vải che người,
Tôi hạnh phúc với sợi dây thiền định cột đầu gối(2)
Tôi hạnh phúc với thân thể bóng ma này, không no không đói.
Tôi hạnh phúc với tâm thức này đã nhìn thấy Tánh.
Tôi hạnh phúc với tất cả mọi sự, các bạn ơi.

Nếu các bạn thấy tôi có vẻ hạnh phúc, hãy làm như tôi đã làm.
Nếu các bạn không có may mắn tuyệt vời làm người tu,
Xin hãy chiêm ngưỡng hạnh phúc chân thật miên trường
Của tất cả chúng sanh, của các bạn và của tôi.
Chớ lầm lẫn thương hại cho tôi,
Người hành giả của con đường vô biên An Lạc.

Giờ ánh tà dương đã chìm sau núi,
Hãy trở về nhà cũ của các anh.
Vì cuộc đời ngắn ngủi và cái chết giáng xuống không lời báo trước,
Tôi, kẻ cố gắng tiến về Phật tánh
Không có thì giờ cho những lời vô ích rỗi nhàn.
Xin để tôi với cuộc tham thiền.”

Những người thợ săn trả lời, “Ngài đã nói nhiều điều đẹp đẽ. Chắc chắn ngài có năng khiếu trời cho về ngôn ngữ. Nhưng mặc dù tấm gương của ngài rất thuyết phục, chúng tôi cũng không thể theo.” Và họ ra đi.

Mỗi năm có một lễ hội lớn ở Kya Ngatsa quê thầy để đúc những tượng nhỏ, vào dịp ấy những người thợ săn hát lên Bài Ca Năm Hạnh Phúc. Em Peta của thầy đi xin ăn ở tiệc hội nghe được bài ca này. Cô kêu lên, “Ai nói lên những lời này là một vị Phật!”

Một người thợ săn cười, nói rằng : “Hà hà ! Cô đang tán tụng anh cô đấy.”

Người khác nói thêm, “Dù anh cô có là vị Phật hay là một người bình thường, thì đây là bài ca của ông ấy, và ông ta đang sắp chết đói trên núi.”

Peta trả lời, “Cha mẹ tôi đã mất từ lâu. Bà con tôi lại trở thành kẻ thù. Anh tôi lang thang cùng trời cuối đất. Bản thân tôi là người xin ăn và sẽ không bao giờ gặp anh ấy nữa, thế nên tôi không muốn ca hát tiệc tùng gì.” Nói xong cô khóc.

Zessay đến với cô và nói, “Chớ khóc làm chi. Anh của cô còn sống. Tôi đã gặp anh ấy một thời gian trước đây. Hãy đi đến Núi Răng Ngựa Trắng và xem anh ấy còn ở đó không. Nếu anh còn ở đó, ba chúng ta sẽ lại đoàn tụ.”

Tin như vậy, Peta mang một vại bia đầy, vốn đã xin ở từng nhà một, và với một bình đầy bột và gia vị trộn, cô đến Núi Răng Ngựa Trắng. Cô thấy thầy từ ngưỡng cửa. Thân thầy tiều tụy vì khổ hạnh. Hai mắt thụt vào hố mắt. Tất cả xương thầy lòi trơ ra. Thịt thầy khô teo lại và có màu xanh lá cây. Lông trên ngươi khô và xám, chảy dài xuống trông rất dễ sợ. Tay chân như sắp rụng.

Thấy thế em thầy kinh hãi, nghĩ rằng đấy phải là một con ma, nhưng lời nói cô đã từng nghe, “Anh cô đang chết đói”, làm cô ngần ngại.

“Ông là người hay ma ?” Cô hỏi.

“Tôi là Mila Tin Lành.”

Cô nhận ra giọng nói thầy. Cô tiến đến ôm chầm lấy thầy. “Anh ơi, anh cả ơi !” Cô kêu lên, rồi xúc động quá, cô ngất xỉu.

Thầy nhận ra Peta. Thầy vừa vui vừa buồn. Thầy cố hết sức làm cô tỉnh lại. Sau vài phút cô hồi tỉnh. Cô đặt đầu trên đầu gối thầy và úp mặt trong tay, nức nở nói, “Mẹ chúng ta đã chết vì buồn nhớ con trai bà, và thậm chí không có ai đến để chôn cất bà. Em hết mọi hy vọng và bỏ nhà ra đi. Em đến những tỉnh khác để xin ăn. Em nghĩ rằng anh đã chết, mà nếu còn sống thì chắc cũng đã tìm được ít nhiều hạnh phúc. Nhưng trời ơi, hãy xem anh đây này ! Số phận của anh trai của em như thế này ! Và sự khổ đau của người em gái là thế đó ! Không có ai trên cõi đời này tàn mạt như chúng ta, cả hai anh em mình.”

Cô kêu tên mẹ tên cha và khóc mãi. Mọi cố gắng dỗ dành an ủi cô đều vô hiệu. Rồi thầy, cũng đầy rầu rĩ, hát bài ca này cho em gái thầy :

“Quy mệnh chư vị lama tôn kính.
Xin ban phước cho người ăn mày để nó hoàn thành công việc của nó trong đơn côi.

Ơi em gái, chúng sanh của thế gian,
Mọi niềm vui và nỗi khổ đều phù du hư ảo.
Nhưng bởi vì hiện giờ em sầu khổ theo thói đời,
Anh đoan chắc với em rằng hạnh phúc vĩnh cửu là
hiện hữu.
Thế nên, hãy nghe bài ca của anh cả của em.

Để trả ơn và cảm tạ tất cả chúng sanh,
Họ là cha mẹ của anh vô biên kiếp trước
Anh tu hành trong chốn ẩn cư này.
Nơi đây như một hang thú hoang dã ;
Thấy nó, người khác phải khởi ý bất bình.

Thức ăn của anh như đồ ăn của chó và heo ;
Thấy nó, người khác phải lợm giọng buồn nôn.

Thân thể anh như một bộ xương ;
Thấy nó, một kẻ thù dã man cũng phải khóc.

Thái độ của anh có vẻ là một người điên,
Và em gái của anh đỏ mặt vì hổ thẹn.
Nhưng sự tỉnh giác của anh thực sự là Phật ;
Thấy tâm anh, các bậc Chiến Thắng đều vui.

Dù xương muốn lòi khỏi thịt trên sàn đá cứng lạnh,
Anh kiên trì bất kể ngày đêm.
Thân thể anh, trong ngoài, thành như một cây tầm ma ngoài đó.
Sẽ không bao giờ mất màu xanh lục.

Trong hang động cô liêu, trong núi non hoang vắng,
Người nhập thất biết nhiều về sự cô đơn.
Nhưng lòng thành tín của anh không bao giờ lìa cách
Với Lama Phật của Ba Đời.

Bằng sức mạnh thiền định khởi từ nhiều nỗ lực,
Không nghi ngờ gì anh sẽ hoàn thành tự chứng.
Và khi người ta đạt đến kinh nghiệm sâu xa và Sáng Tỏ,
An lạc tự đến trong cuộc đời này
Và Giác Ngộ trong đời tiếp đó.
Đấy là tại sao anh đòi hỏi Peta,
Thay vì để cho thất vọng và buồn đau phủ ngập,
Em hãy cố gắng kiên trì đắm mình trong Pháp.”

Peta trả lời thầy, “Nếu như thế, những lời của anh thật diệu kỳ và cũng khó tin chúng là sự thật. Nếu chúng là thật, thì những người theo Pháp khác cũng đã thực hành, dầu một phần dầu toàn bộ, em thấy có ai khốn khổ như anh đâu ?”

Nói thế, cô đưa thầy thực phẩm và bia. Thầy ăn và uống, và lúc đó tâm thức thầy trong sáng như pha lê. Tối hôm đó sự thực hành của thầy nâng cấp rất mạnh mẽ.

Ngày hôm sau, sau khi Peta đi, thân thể thầy vì không quen với thức ăn như vậy, vừa cảm thấy thoải mái vừa khó chịu. Và tâm thức thầy bắt đầu lang thang giữa những tư tưởng tốt và xấu, thầy thiền định với tất cả sức mạnh của mình, nhưng không có kết quả gì.

Vài ngày sau, Zessay đến cùng Peta để gặp thầy, mang theo thịt, bơ, bánh bột và một lượng lớn bia. Thầy đang đi tìm nước và gặp họ. Vì thầy đang trần truồng, họ hổ thẹn khi thấy thầy, và họ chảy nước mắt vì sự khốn khổ của thầy. Họ cúng dường thầy thịt, bơ và bột, họ rót bia ra, và khi thầy đang uống thì Peta nói, “Từ bất cứ cái nhìn nào người ta thấy anh cả tôi, người ta cũng không thể gọi đó là một con người. Anh phải đi khất thực và ăn từng chút thực phẩm mà con người ăn. Em sẽ cho anh vải vóc anh cần để may quần áo.”

Zessay nói, “Anh cứ đi khất thực, còn em cũng sẽ đưa cho anh đồ mặc.”

Thầy trả lời họ, “Anh không biết khi nào anh sẽ chết, và anh không có thì giờ cũng như mong muốn đi khất thực để có thực phẩm. Nếu anh có chết vì lạnh, anh cũng không có gì tiếc nuối bởi vì việc đó là để cầu giải thoát. Anh không muốn tìm kiếm thỏa mãn bằng cách thảnh thơi với thực phẩm, thức uống, cười đùa với thân thuộc bạn bè bao quanh, hay mặc quần áo tốt và có thực phẩm dồi dào bằng cái giá sự thiền định của anh. Bởi thế, anh không muốn áo quần hay thực phẩm của hai em. Anh sẽ không nghe theo hai em cũng không đi khất thực.”

Peta trả lời, “Vậy thì, anh ơi, anh nghĩ cái gì sẽ làm thỏa mãn anh ? Chẳng lẽ không có cái gì tốt hơn là sự khốn cùng của anh sao ?”

Thầy trả lời, “Ba cõi thấp thì vô cùng khủng khiếp hơn sự khốn khổ của anh. Vậy mà có rất nhiều chúng sanh đang đi tìm cho mình sự khổ đau đó. Bởi thế, anh quyết tâm đạt đến An Lạc bằng sự hoàn thành mục tiêu của mình.” Và thầy hát lên Bài Ca Hoàn Thành Mục Tiêu Của Tôi này :

“Con kêu cầu lama của con trong biểu lộ Hóa thân của ngài.
Ban phước cho người ăn mày để nó làm trọn việc ẩn tu trong hoang vắng.
Hạnh phúc của tôi người thân không hay biết,
Khốn khổ của tôi kẻ thù đâu có hay,
Nếu tôi chết giữa cô đơn hoang vắng,
Cái chết ấy cũng nằm trong sự hoàn thành mục tiêu của thiền giả tôi thôi.

Tôi già đi bạn bè không ai rõ,
Tôi ốm đau mà em gái nào hay,
Nếu tôi chết giữa cô đơn hoang vắng,
Cái chết ấy cũng nằm trong sự hoàn thành mục tiêu của thiền giả tôi thôi.

Cái chết của tôi không người nào biết,
Thân thối rữa của tôi diều quạ không hay,
Nếu tôi chết giữa cô đơn hoang vắng,
Cái chết ấy cũng nằm trong sự hoàn thành mục tiêu của thiền giả tôi thôi.

Không một người canh thức bên cạnh xác tôi,
Không một tiếng kêu khóc trên cái chết của tôi,
Nếu tôi chết giữa cô đơn hoang vắng,
Cái chết ấy cũng nằm trong sự hoàn thành mục tiêu của thiền giả tôi thôi.

Không ai hỏi từ đâu tôi tới,
Không ai chỉ xứ sở tôi đi,
Nếu tôi chết giữa cô đơn hoang vắng,
Cái chết ấy cũng nằm trong sự hoàn thành mục tiêu của thiền giả tôi thôi.

Trong hang cô tịch này giữa chốn núi non cao,
Nguyện ước muốn này về cái chết của người hành khất,
Được hoàn thành cho lợi lạc của tất cả chúng sanh,
Như thế mục tiêu của tôi đã là trọn vẹn.”

Zessay nói với thầy, “Hành động hiện giờ của anh phù hợp với những lời nói trước kia của anh. Và em thán phục điều đó.”

Peta lại nói, “Dù anh có nói gì đi nữa, em cũng không thể nào chịu nổi sự thiếu thốn hoàn toàn thực phẩm và y phục của anh. Thực phẩm và đồ mặc tốt đâu có làm anh mất thiền định, thế nên em sẽ đem cho anh cái gì để làm một cái áo choàng. Bởi vì anh không muốn đi khất thực, thì theo nguyện vọng của anh, anh có thể chết vì đói không có ai chăm lo trong chốn vắng vẻ. Nhưng nếu anh không chết, em sẽ mang vải đến cho anh.”

Họ bỏ đi, và thầy ăn thức ăn tốt mà họ đã đem đến. Cảm thức lạc và khổ và những cảm giác đói tăng mạnh đến độ thầy không thể thiền định được nữa. Thầy nghĩ rằng không có chướng ngại nào lớn lao cho thầy bằng việc không thể thiền định. Thầy mở dấu niêm cuộn giấy mà lama đã đưa cho thầy. Nó chứa đựng những giáo huấn thiết yếu để vượt qua những chướng ngại và làm tiến triển sự thực hành, những giáo huấn để chuyển hóa cái xấu xa thành đức hạnh và đặc biệt hơn là lời khuyên dùng thực phẩm tốt vào thời gian này.

Thầy hiểu rằng qua sức mạnh kiên trì trong thiền định của thầy trước kia, những kinh mạch đã hấp thụ năng lực sáng tạo. Do thức ăn quá kém nên năng lực nằm yên không hoạt động được. Món bia và thức ăn của Peta đã kích hoạt tiến trình. Theo những chỉ dẫn trong cuộn giấy, thầy làm việc mãnh liệt về những bài tập thiết yếu được đòi hỏi cho thân thể, hơi thở và thiền định. Một kết quả là những che chướng trong kinh mạch nhỏ cũng như những che chướng trong kinh mạch trung ương được tẩy sạch. Thầy đạt được một kinh nghiệm hỷ lạc, sáng tỏ và tánh giác thuần khiết tương tự với điều thầy biết trong lý thuyết. Thật ra đó là một kinh nghiệm phi thường của Sáng Tỏ rất mãnh liệt và rất vững chắc, nền tảng. Vượt thắng những chướng ngại, thầy chứng ngộ rằng những bất toàn chính là toàn thiện; và thầy thấy biết trực tiếp rằng những tư tưởng phân biệt tạo thành đối tượng muôn sắc chính là tính đơn nhất bổn nhiên của Pháp thân.

Thầy thấu hiểu rằng mọi sự của sanh tử và của niết bàn đều là duyên sanh như huyễn, lưu xuất từ tâm thức cội nguồn nền tảng,(3) và nền tảng tâm thức này tự bản chất là trung tính, không nhiễm ô. Sanh tử là kết quả của cái thấy sai lầm. Niết bàn được chứng ngộ qua tỉnh giác toàn hảo. Thầy thấy biết rằng bản tánh của cả sanh tử và niết bàn nằm trong tánh giác trống không và sáng rỡ. Đặc biệt hơn nữa, kinh nghiệm kỳ diệu này của sự triệt ngộ là kết quả của những thiền định trước kia của thầy và là hậu quả trực tiếp của thực phẩm và những giáo huấn sâu xa của lama. Thầy cũng có một thấu hiểu rất đặc biệt rằng những phương tiện của Con Đường Mật Thừa (Vajrayana) là để chuyển hóa mọi kinh nghiệm giác quan thành chứng đắc tâm linh.

Vì thầy có mọi sự này là nhờ Peta và Zessay, thầy biểu hiện sự cảm kích trong thiền định để cho công đức của họ được góp vào sự Giác Ngộ của họ mai sau. Và thầy hát Bài Ca Bản Tánh của Trùng Trùng Duyên Khởi:

“Con lễ lạy dưới chân Marpa của vùng Vách Đá Phía Nam.
Nguyện ngài ban phước cho kẻ ăn xin để nó hoàn thành việc ẩn tu trong đơn độc.

Những phục vụ của những thí chủ kia
Đã gieo hạt cho sự giác ngộ của họ và của con.
Thân thể này khó có được mà dễ hủy diệt,
Đã lấy lại sức khỏe, nhờ ơn sự dưỡng nuôi.

Sự màu mỡ của đất đai khô khan này,
Và mưa của bao la xanh thẳm kia,
Hai cái ấy tương tác cho lợi lạc của tất cả chúng sanh,
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong luật tắc thiêng liêng.

Thân huyễn hóa của con được nuôi từ cha mẹ,
Và giáo pháp của lama linh thánh,
Sự tương tác của hai cái ấy đưa con vào Chân Pháp.
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong luật tắc thiêng liêng.

Hang đá này trong miền hoang sơ cô quạnh,
Và lòng sùng mộ hiến mình của con cho con đường cao cả.
Hai cái ấy tương tác cho sự hoàn thành mục tiêu tối thượng,
Bản tánh của sự tương tác này nằm trong Chân Tánh hiện tiền.

Sự kiên trì của Milarepa trong thiền định,
Và niềm tin của chúng sanh trong ba cõi luân hồi,
Sự tương tác của hai cái ấy báo trước thành công trong việc phụng sự tất cả chúng sanh của con.
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong Đại Bi.

Đại thiền giả tham thiền trong hang đá
Và những thí chủ đem lương thực đến cho người,
Sự tương tác của hai cái ấy đưa họ về Giác Ngộ.
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong sự xẻ chia công đức.

Lòng bi ân đức của lama từ phụ,
Và sự kiên trì trong thiền định của đệ tử,
Sự tương tác của hai cái ấy bảo đảm cho sự nắm vững Pháp.
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong sự kết ước long trọng giữa hai người.

Quán đảnh truyền pháp dẫn đến một chuyển hóa nhanh chóng,
Và sự cầu nguyện với niềm tin và sùng mộ bao la,
Sự tương tác của hai cái ấy sẽ sớm hợp nhất chúng ta.
Và bản tánh của sự tương tác này nằm trong những ban phước.

Ôi Lama Vajradhara, bất động trong bản tánh,
Ngài biết hạnh phúc và những khó khăn của người ăn mày này.”

Thầy hát như thế, và tăng gấp đôi nỗ lực, thầy tiếp tục thiền định.

Ban ngày thầy có cảm giác là có thể biến đổi thân thể mình theo ý muốn và bay qua không trung và thực hiện những phép mầu. Ban đêm trong những giấc mộng thầy có thể tự do và không chướng ngại khám phá toàn bộ vũ trụ từ một chỗ chấm dứt này đến một chỗ khác. Và tự biến thành hàng trăm thân thể thân tâm khác nhau. Thầy viếng thăm tất cả cõi Phật và nghe Pháp ở những nơi đó. Thầy cũng có thể thuyết pháp cho vô số chúng sanh. Thân thể thầy có thể vừa thành một ngọn lửa vừa chảy thành dòng nước.

Đạt đến những thần thông không thể nghĩ bàn như thế, thầy thiền định vui vẻ và hưng phấn cao.

Thầy có thể thực sự bay qua không trung, thế nên thầy đã bay đến Động Bóng Chim Ưng để thiền định. Rồi một Lửa Tummo mãnh liệt chiếu ra sự ấm áp và phúc lạc khởi lên trong thầy, vô cùng cao hơn bất kỳ kinh nghiệm nào thầy đã có trước đó. Khi thầy trở về Núi Răng Ngựa Trắng, thầy bay qua một làng nhỏ tên là Langda, ở đó một người đang cày ruộng với đứa con. Người này là anh của một người đã bị giết chết khi ngôi nhà của chú thầy bị sụp đổ. Người con đang dẫn trâu trong khi người cha cầm cày xới đất. Người con thấy thầy và kêu lên, “Kìa cha, hãy nhìn sự việc kỳ lạ này ! Có một người đang bay qua không khí !”

Người cha dừng cày và nhìn lên, “Có gì lạ lùng đâu. Đó là con của một người đàn bà xấu xa Bạch Ngọc họ Nyang ; chính là cái thằng Mila quỷ quyệt, cứng đầu, ốm đói. Chớ để bóng của nó che lên người. Hãy tiếp tục cày đi.” Người cha đi vòng vòng, sợ bóng thầy chạm phải.

Người con nói với ông, “Nếu một người có thể bay, thì dầu cứng đầu hay không, đó là cảnh tượng vĩ đại không gì bằng ! Thế nên hãy xem, cha ạ!” Và người con tiếp tục nhìn thầy.

Thầy nghĩ rằng bây giờ thầy có thể làm việc cho lợi lạc của chúng sanh. Khi nghĩ như thế, một lời tiên báo của yidam đến với thầy: “Hãy hiến mình trọn vẹn cho thiền định trong đời này, theo những chỉ dạy của lama. Không có gì vĩ đại hơn việc phụng sự Phật pháp bằng thiền định và nhờ đó cứu độ chúng sanh.” Thầy lại nghĩ, “Nếu ta thiền định cho đến chừng nào còn sống, ta sẽ để lại một gương mẫu tốt nhất cho những đệ tử đời vị lai để họ từ bỏ thế gian và thiền định.” Và thầy chắc chắn rằng cả truyền thống Phật pháp và chúng sanh sẽ được nhiều lợi lạc từ việc đó.

Rồi thầy nghĩ, “Mình đã ở chỗ này quá lâu và đã nói chuyện về Phật pháp quá nhiều với những người đến thăm. Người ta đã thấy mình bay sau kinh nghiệm triệt ngộ. Nếu mình ở đây thêm nữa mình sẽ rơi vào ảnh hưởng của thế gian. Có nguy hiểm là sẽ gặp những chướng ngại của Ma và Tám Phản Ứng Thế Gian sẽ quấy rối sự thiền định của mình. Ta phải đi và thiền định ở Chuwar theo lời dặn của lama.”

Thế rồi mang theo cái nồi để nấu rau tầm ma, thầy rời khỏi Núi Răng Ngựa Trắng. Nhưng thầy quá yếu do thiếu thốn suốt những năm thiền định lâu dài, và chân thầy cứng và run, vấp phải nền đá lởm chởm trước hang, thầy ngã xuống. Tay cầm của cái nồi sứt ra, cái nồi lăn xuống dốc. Thầy đến chặn nó lại. Trong cái nồi bể là những lớp cặn đọng lại của tầm ma tạo thành hình một cái nồi màu xanh lá cây.(4) Chuyện không may này cho thầy ý tưởng rằng tất cả mọi sự hợp thành đều vô thường. Hiểu rằng đây cũng là một sự cỗ vũ cho thiền định, thầy thán phục bài học đó và thầy hát :

“Ngay vào lúc tôi có một cái nồi, tôi đã không có nó.
Thí dụ này hiển thị toàn bộ định luật vô thường của vạn pháp.
Nhất là nó tỏ bày thân phận con người.
Mọi sự là thế đó, nên tôi, ẩn sĩ Mila
Quyết tâm thiền định không chút hở sót phóng dật.
Nồi đất quý giá tài sản độc nhất của tôi
Thành vị thầy của tôi ngay lúc nó vỡ tan.

Bài học này về tính vô thường nội tại của vạn pháp là một kỳ diệu lớn lao.”

Khi thầy đang hát, vài người thợ săn đến nghỉ trưa. Họ nói với thầy, “Này người ẩn tu, bài ca của ông du dương lắm. Bây giờ ông đã làm vỡ cái nồi đất, ông sẽ làm gì với cái nồi tầm ma ? Sao mà thân thể ông quá ốm và quá xanh như vậy ?”

Thầy trả lời, “Do không có gì nuôi dưỡng nó.”

“Kỳ lạ thay ! Nào, mời ông đến đây.” Và họ cho thầy tham dự bữa ăn của họ.

Trong bữa ăn một người thợ săn trẻ nói, “Ông là một người có năng lực. Nếu thay vì khốn khổ như thế này, ông sống một đời sống bình thường, ông có thể cỡi một con ngựa tốt chẳng khác gì một con sư tử nhỏ. Cầm vũ khí ông đánh bại những kẻ thù. Giàu có và sang trọng, ông có cơ hội tốt để bảo vệ cho bà con họ hàng tốt bụng của mình. Không như thế thì ông hãy vào chuyện buôn bán, ông cũng có cái thích thú được làm ông chủ của chính mình. Tệ nhất thì làm mướn cho ai đó, với thực phẩm và y phục tốt ông sẽ khỏe mạnh trong thể xác và tâm hồn. Trước thì ông chưa biết điều này, nhưng bây giờ thì hãy làm đi thì vừa.”

Một thợ săn lớn tuổi nói, “Thật ra, ông ta có vẻ là một người ẩn tu tốt đẹp. Nếu nghe theo lời khuyên sặc mùi thế tục của chúng ta thì nguy hiểm đấy. Thế nên hãy giữ mồm giữ miệng.” Quay sang thầy, ông nói, “Ôi, ông có giọng rất hay, xin hãy hát cho chúng tôi một bài để chúng tôi được lợi lạc tâm linh.”

Thầy trả lời, “Trong con mắt của các ông, tôi có vẻ khốn khổ cùng cực. Các ông không biết trên đời này có ai hạnh phúc và thực tế hơn tôi đâu. Bởi vì tôi sống trong hạnh phúc tối thượng, hãy lắng nghe Bài Ca Ngựa Phóng Nước Đại của Thiền Giả này để các ông hình dung :

“Con lễ lạy dưới chân Marpa Bi Mẫn.
Trong chốn ẩn cư núi non là thân thể tôi,
Trong ngôi chùa của lồng ngực tôi,
Trên chót đỉnh tam giác trái tim tôi,
Con ngựa tâm thức tôi phóng bay như gió.

Nếu tôi bắt nó, thì với thòng lọng nào tôi bắt được?
Nếu tôi cột nó, cây trụ nào tôi cột được?
Nếu nó đói, cỏ khô nào tôi cho nó ăn?
Nếu nó khát, thứ gì tôi sẽ trộn với nước ?(5)
Nếu nó lạnh, trong những bức tường nào tôi sẽ cho nó trú?

Nếu bắt nó, tôi sẽ bắt nó với thòng lọng của cái không do duyên.
Nếu cột nó, đấy sẽ là cây trụ của thiền định sâu thẳm.
Nếu nó đói, tôi sẽ nuôi nó bằng lời dạy của lama.
Nếu nó khát, tôi sẽ cho nó uống ở dòng thường hằng chánh niệm.
Nếu nó lạnh, tôi sẽ cho nó trú trong những bức tường của tánh Không.

Thắng hàm, yên, tôi sẽ dùng phương tiện thiện xảo và trí huệ.
Tôi trang bị nó với dây ràng bất động.
Tôi sẽ cầm dây cương năng lực khí trong thân.

Đứa con của tỉnh giác sẽ cưỡi con ngựa đó.
Nó sẽ mang Bồ đề tâm làm nón sắt che đầu.
Áo giáp là nghe, tư duy và thiền định.
Lại mang khiên nhẫn nhục trên lưng.
Cầm cây thương cái thấy rốt ráo.
Và bên hông gươm trí huệ sẵn đeo.

Mũi tên nhẵn của thức của cội nguồn nền tảng,
Được chuốt thẳng bằng không hận không sân.
Lại gắn thêm lông vũ của bốn tâm vô lượng.
Nó bịt đầu mũi tên với đầu nhọn nội quán.
Nó tra vào khấc của phương tiện thiện xảo đại bi
Của cây cung của tánh Không toàn khắp.

Ngắm nhìn sự vô biên của bất nhị,
Nó bắn những mũi tên suốt khắp thế gian.
Những ai bị bắn trúng là những người thành tín.
Cái nó giết chính là sự chấp ngã của họ.

Và như thế, nó sẽ hàng phục tham ái và si mê như những kẻ thù.
Nó sẽ bảo bọc chúng sanh sáu nẻo như những bạn hữu.
Nếu phóng nước đại, nó sẽ phóng trên những đồng bằng của Đại Lạc.
Nếu kiên trì, nó sẽ đi vào hàng ngũ chư Phật Chiến Thắng.
Xoay lui, nó cắt tiệt gốc rễ sanh tử luân hồi.
Xoay tới, nó đạt đến cao nguyên của Phật tánh.
Cỡi một con ngựa như thế, người ta đạt được sự Sáng Tỏ cao nhất.

Các ông có thể so sánh hạnh phúc các ông với cái ấy ?
Trong đây tôi không muốn chút nào hạnh phúc đời thường.”

Thầy nói như thế và những người thợ săn biểu lộ sự tôn kính rồi ra đi.

Khi thầy đến Dingri bằng con đường Chuwar qua Peykhu, thầy ngồi xuống bên vệ đường và trông xem điều đang xảy ra. Vài thiếu nữ đẹp trang sức ngọc ngà đi ngang qua trên đường đến Nokme. Thấy thân thể ốm o của thầy, một người trong bọn họ nói, “Hãy nhìn kìa! Đáng thương chưa! Mong rằng tôi sẽ không bao giờ tái sanh làm một tạo vật khốn khổ như vậy.”

Một cô khác nói, “Tội nghiệp thay ! Một cảnh tượng làm tôi não lòng.”

Thầy thầm nghĩ, “Ta bi mẫn cho những người vô minh này.” Và cảm thấy thương xót, thầy đứng dậy nói với họ, “Này các con gái, chớ nói như vậy. Các cô không có lý do gì để khổ sở như vậy cả. Các cô không thể sinh ra như tôi đâu, dù các cô có muốn. Đáng tán thán khi các cô có lòng bi, nhưng lòng bi của các cô đến từ kiêu ngạo và từ một cái hiểu sai lầm. Hãy nghe bài ca của tôi.” Rồi thầy hát cho họ :

“Con cầu nguyện Marpa Bi Mẫn,
Xin ban cho con sự ban phước của Ngài.

Chúng sanh bị vây bọc trong nghiệp xấu của họ
Không biểu lộ sự kính trọng cho những người khác, mà chỉ cho chính mình.

Này những cô gái kém phước, các cô chỉ có niềm tin vào cuộc đời thường.
Sự tự quý trọng và thấy biết sai lầm nơi các cô như lửa cháy.
Tôi xót thương cho những chúng sanh chưa đủ trưởng thành.
Trong những ngày đen tối này của thời mạt pháp(6)
Người mê lầm được trọng vọng như trời, thần.
Sự giả dối được đánh giá cao hơn vàng
Và niềm tin bị chối bỏ như đá trên đường lộ.
Tôi xót thương cho những chúng sanh lầm lộn.

Những thiếu nữ kiêu ngạo các cô, này các em gái và tôi,
Hành giả Milarepa xứ Gungthang,
Chúng ta đều thương xót cho nhau.
Hãy so sánh mũi lao lòng bi của chúng ta với nhau
Để thấy đâu là lòng bi giải thoát và đâu là lòng bi trói buộc.

Với những người vô minh buông mình trong bàn tán vu vơ
Milarepa trả lời bằng thuyết pháp.
Nó đổi rượu ngon để lấy nước lã,
Nó cho cái tốt để lấy cái xấu.”

Thầy nói như thế. Cô gái trẻ đã xúc động vì thương xót thầy trả lời, “Đây chính là Milarepa. Chúng ta đã đầy tự phụ. Chúng ta đã nói nhiều điều ngu ngốc. Bây giờ chúng ta hãy xin sự tha thứ.”

Thầy cho cô gái ấy lời khuyên đặc biệt. Rồi cô cúng dường thầy bảy đồng tiền và tất cả các thiếu nữ lạy thầy và xin thứ lỗi. Để trả lời cho sự thỉnh cầu chỉ dạy của họ, thầy hát bài ca này :

“Con cầu nguyện Lama Bi Mẫn,
Con xin ban Pháp thiêng liêng bằng một bài ca ngắn.

Ở trên, trong cung trời của chư Thiên
Giáo Pháp quy ước được yêu chuộng ; Giáo Pháp chân thực không được biết đến,

Ở dưới, trong cung điện của loài Rồng
Tính thế gian được ưa chuộng ; giáo lý sâu xa không được biết đến.

Ở giữa, trên mặt đất của con người,
Những vị thầy giả mạo được yêu chuộng ; những vị thầy đích thực không được biết đến.

Trong bốn vùng của xứ UŠ và Tsang
Giáo lý được yêu chuộng ; thiền định không được biết đến.

Trong con mắt của những thiếu nữ đẹp này
Đàn ông bảnh bao được yêu chuộng ; người ẩn tu không được biết đến.

Trong đôi tai của những cô gái trẻ trung này
Bài ca ngắn này nghe thích thú ; Pháp sâu xa nghe ra khó chịu.

Đây là những chỉ dạy của ta trong bài ca.
Đây là sự đền đáp cho sự cúng dường bảy đồng tiền.
Đây là sự hoan hỷ tha thứ cho các người.”

Nghe thầy hát xong, những cô gái phát khởi tín tâm và lên đường. Thầy cũng đi đến Drin. Thầy đã nghe nói đến những động Chuwar và Kyipušhk, và thầy ở lại động Lâu Đài Mặt Trời, ở Kyipušhk để thiền định.

Vài tháng trôi qua và thiền định của thầy sâu mầu hơn. Vài người đến một hai lần đem cho thầy đồ ăn uống. Thầy thấy điều này là một phóng dật và thầy nghĩ, “Bây giờ kinh nghiệm nội tâm của ta tăng trưởng, nếu ta hấp dẫn quá nhiều người, nó sẽ tạo ra chướng ngại cho đời sống thiền định của ta. Ta phải đi đến một nơi hoang vu cô quạnh. Theo lời chỉ dạy của Lama, ta phải đi Lachi.”

Khi thầy suy nghĩ như vậy, thì Peta đến Núi Răng Ngựa Trắng đem theo vải mà cô đã dệt từ len và lông dê mà cô đã gom góp. Không thấy thầy ở đó, cô đi tìm thầy, hỏi bất kỳ ai.

Cô nghe nói ở Gungthang Thượng rằng có một ẩn sĩ giống như một con sâu tầm ma đã bỏ Peykhu đến Nam Latoš. Peta liền định đến vùng này. Ở Dingri cô gặp Lama Bari Lotsawa ăn mặc áo lụa giàu sang, ngồi trên một cái ngai cao, che dưới trướng. Khi những nhà sư của vị này thổi kèn lên, một đám đông khổng lồ bao quanh ông và cúng dường tràn ngập trà và bia.

Peta thầm nghĩ, “Đây là cách người ta cư xử với lama của họ. Đạo của anh mình là đạo khốn khổ mà người khác chỉ có thể coi thường. Ngay cả họ hàng của anh cũng hổ thẹn cho anh. Nếu mình gặp anh, mình phải yêu cầu và thuyết phục anh phục vụ cho lama này.”

Nghĩ thế, cô hỏi vài người về chỗ ở của thầy. Cô biết thầy ở Drin và quyết định đến đó. Đến Kyipušhk, nơi thầy đang ở, cô nói với thầy :

“Đạo của anh không cung cấp cho anh cái gì cả để ăn mặc. Việc ấy đáng xấu hổ và em không ủng hộ nữa. Anh hãy làm một cái áo dài từ tấm vải này em đã dệt. Những nhà sư khác có một lama tên là Bari Lotsawa. Họ dựng cho ngài một cái ngai để ngài ngồi dưới trướng. Họ ăn mặc cho ngài lụa tốt và cúng dường trà và bia. Rồi những nhà sư đệ tử của ngài đưa kèn lên thổi để tập hợp một đám đông họ cúng dường nhiều không thể tưởng. Ngài ích lợi cho cả những người tin theo lẫn bà con họ hàng và làm thỏa mãn những ước muốn của họ. Đạo như lối này là tuyệt hảo. Anh hãy cố gắng xem thử vị lama ấy có nhận anh vào hầu hạ hay không. Dù anh có là nhà sư thấp nhất của ngài thì anh cũng sung sướng từ nay trở đi. Nếu khác, thì cái đạo này và điều kiện nghèo khó của em sẽ không duy trì nổi đời sống của anh được.”

Khi nói, cô khóc nức nở. Thầy trả lời, “Chớ nói như vậy. Sự trần truồng và cách sống không theo quy ước của anh làm em bối rối. Nhưng anh bằng lòng với thân thể này của anh nó cho phép anh gặp đạo. Thế nên anh không có gì để xấu hổ cả. Anh sinh ra vốn trần truồng, anh có gì để phải xấu hổ đâu.

“Những người biết mà vẫn không kềm hãm để phạm vào tội lỗi mới làm đau lòng cha mẹ họ. Những người sống bằng sự giàu có của lama và đồ cúng dường cho chùa, và những người làm thương tổn chúng sanh bằng những phương tiện xảo quyệt để hoàn thành những mục tiêu riêng của họ – tất cả những người ấy chỉ làm thương tổn chính họ và những người khác và làm mất lòng chư thiên và những thánh nhân. Họ là nguyên nhân của xấu hổ trong đời này lẫn đời sau. Nếu em xấu hổ vì sự trần truồng của anh thì em cũng nên xấu hổ hơn nữa vì bộ ngực lớn của em, em đâu có nó khi mẹ mới sanh em ra. Em nghĩ rằng anh thiền định không có thức ăn hay áo quần vì không có đồ bố thí ư ? Không phải thế đâu. Trong thâm tâm, anh sợ những khổ đau của sanh tử và những cõi thấp như một người sợ bị ném vào đống lửa khổng lồ. Khi anh thấy người ta buông lung trong lạc thú và trong Tám Phản Ứng Thế Gian, anh ghê tởm, như một người phải nuốt vào những gì mà nó đã nôn ra. Anh kinh hãi với chúng như khi nhìn những bàn tay vấy máu đã giết cha mình. Đây là lý do sự buông bỏ của anh.

“Theo những giáo huấn sau đây của Lama Marpa xứ Vách Đá Phía Nam, anh được khuyên nên từ bỏ sự dung túng cho Tám Phản Ứng Thế Gian : “Con phải từ bỏ thức ăn, y phục và danh tiếng. Con phải rút vào một nơi cô tịch và rồi ở một nơi cô tịch khác. Và con phải, trên tất cả mọi thứ khác, thiền định với sự hiến mình và quyết tâm nồng nhiệt, buông bỏ mọi mục tiêu của cuộc đời này.” Đó là những giáo huấn mà anh thi hành. Và làm như thế anh không chỉ bảo đảm cho hạnh phúc của những người theo anh mà con đặt tất cả chúng sanh vào hạnh phúc vĩnh cửu. Giờ chết thì không biết chắc, anh đã từ bỏ những công việc của cuộc đời này và con đường theo đuổi Tám Phản Ứng Thế Gian. Nếu anh thử làm, anh không chỉ được vào hàng thấp nhất của Lama Bari Lotsawa mà còn có thể thậm chí trở thành như ông. Nhưng anh chỉ có một ước muốn đạt Giác Ngộ trong đời này, anh nhiệt thành tự hồi hướng mình theo thiền định. Peta, em cũng nên từ bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian và theo anh đến những vùng tuyết của Lachi để thiền định. Mặt trời An Lạc sẽ soi chiếu trên em trong đời này và đời tới nếu em có thể từ bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian để thiền định. Hãy nghe bài kệ của người anh này :

“Lama, bậc Che Chở của chúng sanh và Hiện Thân của Chư Phật Ba Đời,
Không nhiễm ô tỳ vết bởi Tám Phản Ứng Thế Gian,
Ngài ban phước cho hàng đệ tử,
Marpa Dịch Giả, con xin đảnh lễ dưới chân ngài.

Hãy nghe anh, em Peta, thiếu nữ trẻ trung,
Bị thiêu đốt bởi những tham muốn của cuộc đời thế tục.

Một, lọng với đỉnh nhọn óng ánh vàng ;
Hai, diềm tua bằng lụa Trung Hoa ;
Ba, thân thể trang hoàng đẹp đẽ như một con công ;

Bốn, tay dựa bằng gỗ trầm màu đỏ ;
Bốn thứ ấy nếu người anh của em muốn, nó đều có cả.
Nhưng những vật ấy có từ Tám Phản Ứng Thế Gian
Và anh của em đã bỏ chúng bởi vì mặt trời An Lạc đã mọc lên với nó.
Hãy buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian, hỡi em Peta.
Buông bỏ chúng và theo anh đến vùng tuyết Lachi.
Chúng ta hãy cùng nhau đến Lachi tuyết vắng.

Một, những nghi lễ và nghi thức, bói toán và chiêm tinh ;
Hai, vị thầy trưởng, tu sĩ cao cấp khéo léo giả hình ;
Ba, những người tổ chức những tiệc cúng lễ vì dục lạc giác quan ;
Bốn, tán ca ngọt ngào đánh lừa phụ nữ ;
Bốn thứ ấy nếu người anh của em muốn, nó đều có cả.
Nhưng những vật ấy có từ Tám Phản Ứng Thế Gian.
Và anh của em đã bỏ chúng vì mặt trời An Lạc đã mọc lên với nó.
Hãy buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian, hỡi em Peta.
Buông bỏ chúng và theo anh đến vùng tuyết Lachi.
Chúng ta hãy cùng nhau đến Lachi tuyết vắng.

Một, lâu đài tráng lệ với tháp cao vút ;
Hai, sự canh tác thêm nhiều đất đai màu mỡ ;
Ba, lương thực và kho tàng do tham lận tích chứa ;
Bốn, đám đông người hầu hạ làm dấn sâu vào sanh tử ;
Bốn thứ ấy nếu người anh của em muốn, nó đều có cả.
Nhưng những vật ấy có từ Tám Phản Ứng Thế Gian.
Và anh của em đã bỏ chúng vì mặt trời An Lạc đã mọc lên với nó.
Hãy buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian, hỡi em Peta.
Buông bỏ chúng và theo anh đến vùng tuyết Lachi.
Chúng ta hãy cùng nhau đến Lachi tuyết vắng.

Một, cái cổ mạnh mẽ của một con ngựa oai phong ;
Hai, bộ yên cương trang hoàng nạm ngọc ;
Ba, người chiến sĩ sáng chói trong áo giáp ;
Bốn, sự ham mê đánh bại kẻ thù và bảo vệ người thân ;
Bốn thứ ấy nếu người anh của em muốn, nó đều có cả.
Nhưng những vật ấy có từ Tám Ứng Thế Gian,
Và anh của em đã bỏ chúng vì mặt trời An Lạc đã mọc lên với nó.
Hãy buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian, hỡi em Peta.
Buông bỏ chúng và theo anh đến vùng tuyết Lachi.
Chúng ta hãy cùng nhau đến Lachi tuyết vắng.

Không buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian,
Không đi đến vùng Lachi tuyết trắng,
Tình thương mến của em chỉ làm anh xao lãng.
Cuộc nói chuyện thế gian quấy nhiễu thực hành của anh.
Từ lúc sinh ra, người ta không biết khi nào mình chết.
Anh không có thì giờ để trì hỗn sự thực hành.
Anh sẽ nỗ lực thiền định không chút gì xao lãng.
Những giáo huấn của vị Cha Lama làm lợi lạc tâm mình.
Do thiền định theo những giáo huấn này,
Anh sẽ thành tựu cái thanh tĩnh bao la của giải thoát.
Đó là tại sao anh đi đến vùng tuyết Lachi.

Này em, hãy chọn lựa nếu em muốn Tám Phản Ứng Thế Gian,
Hãy tích tập tội lỗi tinh vi và lớn rộng.
Hãy tự cột mình vào toàn bộ vòng sanh tử vĩnh hằng,
Và thậm chí cố gắng để đạt đến ba cõi thấp.
Nhưng nếu em kinh sợ vòng tròn khốc liệt của sanh và tử,
Hãy bỏ đi Tám Phản Ứng Thế Gian.
Chúng ta hãy đến vùng Lachi tuyết vắng.
Anh và em, chúng ta hãy cùng đi đến vùng tuyết trắng Lachi.”

Thầy hát như thế, và Peta trả lời, “Cái mà anh của em gọi là Tám Phản Ứng Thế Gian, thì người ta gọi là hạnh phúc đời thường. Nhưng chúng ta có hạnh phúc nào đâu mà bỏ chứ. Những lời nói có vẻ cao cả của anh là một lý do để che đậy sự nhận ra rằng anh không bao giờ được như Lama Bari Lotsawa. Em sẽ không đi Lachi để mua lấy khốn cùng và tự làm cho mình cạn kiệt về ăn mặc. Thậm chí em cũng không biết Lachi ở đâu. Thay vì chạy lang thang và ẩn mình trong núi như một con nai bị chó săn rượt đuổi, anh hãy ở một nơi chốn cố định, và sự thực hành của anh sẽ tăng cường và cũng dễ cho em tìm gặp anh. Người trong vùng này có vẻ tôn kính anh. Thế nên, hãy ở lại vài ngày, dù anh không sống luôn ở đây. Hãy làm một cái áo dài từ vải này. Em sẽ sớm trở lại.”

Thầy hứa sẽ ở lại vài ngày. Khi em thầy đi Dingri, thầy làm một cái mũ trùm đầu và may miếng che các ngón tay và chân. Rồi thầy may một cái khố để che bộ phận sinh dục.

Sau vài ngày, em thầy trở lại và hỏi, “Anh đã may xong áo chưa?”

“Xong rồi.”

Thầy mặc vào và cho cô xem những miếng che thân của thầy.

Cô kêu lên, “Trời ơi, trông anh kìa! Anh không còn cái gì là con người ở nơi anh cả! Anh không chỉ không biết xấu hổ, mà còn phá hỏng tấm vải mà em đã đan với bao nhiêu công sức. Có phải vì anh không có thời giờ để làm chuyện gì khác ngoài việc thiền định, hay vì anh có quá nhiều thì giờ rỗi rãnh?”

Thầy trả lời, “Anh là một con người thánh thiện tìm kiếm cái Chân, Thiện, Mỹ thiết yếu nền tảng của đời người quý giá này. Biết sự hổ thẹn thật sự là gì cho nên anh vẫn kiên trì tin tưởng vào những lời nguyện và những điều luật của anh. Em ạ, chỉ có em là hổ thẹn vì sự trần truồng của anh. Nhưng cho dù anh có muốn cắt bỏ bộ phận sinh dục của anh, anh cũng không thể làm. Anh đã mặc một cái tấm che đơn sơ đúng như em yêu cầu, dầu cho vì chuyện ấy mà anh có gián đoạn thiền định. Bởi vì anh đã xem mọi phần thân thể đều có giá trị như nhau, anh đã làm những tấm che này. Tấm vải của em có bị phá hư đâu. Nhưng bây giờ anh thấy em hổ thẹn hơn anh. Nếu em hổ thẹn vì bộ phận của anh, thì em cũng hãy hổ thẹn vì bộ phận của em. Nếu đối với em tốt hơn cả là rũ sạch được cái đối tượng mà em cho là đáng hổ thẹn, thì hãy nên rũ sạch cái đối tượng của chính em trước đã.”

Khi thầy nói những lời này, mặt cô tối lại. Thầy nói tiếp, “Hơn nữa người đời không biết hổ thẹn như thế nào. Họ cảm thấy hổ thẹn vì những sự vật vốn tự nhiên trong khi không chịu hổ thẹn vì buông thả trong những hành vi xấu và thói giả đạo đức, những cái ấy mới thật sự đáng hổ thẹn. Hãy nghe anh của em hát về sự hổ thẹn :

“Kính lễ những lama tôn quý,
Xin ban phước cho kẻ ăn mày này để nó hiểu được sự hổ thẹn.

Thiếu nữ Peta, bị trói buộc vào sự khiêm tốn giả dối,
Hãy nghe trong giây lát bài ca của anh cô.

Em cảm thấy xấu hổ là vì vô minh
Hổ thẹn với những vật không có gì để hổ thẹn.
Nhưng anh một hành giả ẩn tu
Anh biết hổ thẹn thật sự là như thế nào.
Sống bình thường trong thân, khẩu, ý,
Làm sao cái hổ thẹn biết phân biệt sanh khởi được ?

Biết rằng chúng ta sanh ra làm giống cái giống đực là do nghiệp,
Thì mỗi người có giống khác nhau là hẳn nhiên.
Quan tâm đích thực về sự khiêm tốn và lịch sự
Không tìm đâu thấy giữa con người thế tục.
Đáng hổ thẹn là cô dâu, được mua bằng vàng bạc,
Cũng đáng hổ thẹn là đứa con nàng ẵm trên tay.

Tham lam, giận ghét và những hành vi xấu,
Cướp bóc, lừa gạt và dối trá, phản bội bạn bè,
Mọi thứ ấy là những kết quả của tri giác méo mó
Thực sự đáng hổ thẹn, nhưng ít ai tránh khỏi.

Mọi ẩn sĩ vĩ đại đã từ bỏ cuộc đời này
Dâng hiến toàn bộ đời mình cho Pháp.
Qua sự thực hành bí mật của Kim Cương thừa thậm thâm,
Nó là tinh túy của mọi thực hành căn cốt,
Thật không có lý do nào để cảm thấy hổ thẹn giả dối.
Bởi thế, Peta, chớ có tạo ra sự khốn khổ cho riêng em.
Hãy đem tâm em trở lại tánh thanh tịnh tự nhiên của nó.”

Thầy hát như thế. Peta với vẻ mặt rầu rĩ, cúng dường thầy bánh bột và thịt mà cô đã ăn xin được. Rồi cô nói, “Bất kể nói gì, anh cũng không nghe. Nhưng em bỏ qua cho anh. Hãy ăn những thức này và em sẽ cố gắng có thêm.”

Cô sửa soạn rời đi. Thầy tự hỏi làm sao thầy có thể đem cô đến với Pháp. Thầy nói với cô, “Cho dù em không làm công việc tu hành thì em cứ sống ở đây mà không mắc tội nào cả cho đến chừng nào còn lương thực.” Trong thời gian cô ở lại với thầy, thầy hết sức giải nghĩa cho cô về luật nhân quả.

Em thầy có được một hiểu biết xác thực về Pháp và sự tham muốn những sự vật thế gian bắt đầu giảm sút.

***

Trong thời gian ấy, chú của thầy chết, và sau đó thím bắt đầu cảm thấy hối hận thực lòng. Tìm kiếm thầy khắp nơi, bà đến Drin, dẫn theo một con trâu chất đầy lương thực. Bà để con trâu ở dưới và mang theo nhiều nhất có thể được, bà tìm đường đến hang thầy ở.

Peta đứng trên một đỉnh đồi, nhận ra bà từ xa, cô kêu lên, “Bà thím của chúng ta đã gây cho mẹ và chúng ta đủ mọi loại khổ đau, tốt hơn là đừng gặp bà ấy.”

Rồi Peta rút khúc cây bắc cầu qua chỗ vào hang động của hai anh em thầy. Vào lúc đó thím đến bên bờ bên kia.

“Cháu ôi, đừng rút cây cầu. Thím của cháu đây.”

Peta trả lời, “Đó chính là lý do tại sao tôi rút cầu.”

“Rất đúng, cháu ơi. Nhưng bây giờ một cảm giác hối hận khủng khiếp đang đè lên thím. Hai anh em này, thím đến đây để gặp hai cháu, thế nên chớ rút cầu. Nếu cháu không đặt cầu lại, thì ít ra cũng hãy nói cho anh cháu biết rằng thím ở đây.”

Thầy lúc ấy trèo lên đỉnh một tảng đá và ngồi ở đấy. Thím lạy thầy và van xin được gặp thầy. Thầy nghĩ, “Nếu rốt cuộc mình không gặp bà, thì mình đã không hành động hợp với Pháp ; nhưng trước hết mình phải khiển trách bà.”

Thầy nói, “Nói chung, tôi đã từ bỏ mọi ràng buộc với bà con họ hàng, và nhất là với chú thím. Trước hết, thím đã đẩy gia đình chúng tôi vào thảm cảnh. Thậm chí sau khi tôi xuất gia và đi khất thực, thím còn hung bạo tấn công tôi. Đó là lý do tại sao tôi không quan tâm đến thím. Bài ca tôi sắp tán tụng đây sẽ nói cho thím nghe tại sao. Hãy lắng nghe !” Và thầy hát Bài Ca của sự Hổ Thẹn này cho thím thầy :

“Bậc Bi Mẫn, xót thương tất cả chúng sanh,
Marpa Dịch Giả, con xin lễ lạy dưới chân Ngài.
Xin làm nơi nương tựa cho kẻ ăn mày này không có sự bảo bọc nào khác.

Hỡi thím, thím nhớ chăng những chuyện thím đã làm ?
Nếu thím quên, tôi sẽ nhắc cho thím với bài ca này.
Trong miền đất bất hạnh Kya Ngatsa,
Chúng tôi, mẹ và hai con, đã mất người cha cao quý.
Rồi tất cả tài sản của chúng tôi bị lấy mất và chúng tôi được đền trả bằng khốn khổ.
Chúng tôi tan tác như đậu dưới một cây gậy
Do thím và cũng do cả chú.
Từ ngày ấy, tôi đã từ bỏ mọi bám luyến với họ hàng.
Nhưng khi tôi lang thang chân trời góc biển
Mong ngóng mẹ già em dại, tôi trở về làng.
Mẹ tôi đã chết và em tôi lưu lạc.
Dưới sức nặng của đau buồn và tuyệt vọng,
Tôi hiến mình trọn vẹn tham thiền.

Vì đói khát, tôi bỏ hang đi khất thực
Và đến đúng trước căn lều của thím.
Nhận ra ngay ẩn sĩ nghèo nàn,
Bà vội vàng nổi giận và hung hăng.
Bà xịt chó chạy ra cắn sủa.
Dùng một cọc lều làm gậy,
Bà đánh tôi như người ta đập lúa.
Tôi ngã mặt vào trong vũng nước.
Khi tôi sắp mất cuộc đời quý báu,
Bà gào lên, “Quái vật xấu xa”,
Và sỉ vả tôi là sự nhục nhã của gia đình.
Lòng tôi co thắt trước những lời khủng khiếp,
Bị xé rách toang bởi đau đớn, tổn thương.
Nghẹn thở và choáng váng, tôi không nói được.
Với vô số lọc lừa, bà lấy nhà cửa ruộng vườn tôi có,
Dù cho tôi không còn muốn chúng nữa bao giờ.
Một tâm thức quỷ ma sống trong thân thể thím tôi.
Từ ngày đó, tôi đã bỏ đi mọi tình cảm với bà.

Rồi tình cờ tôi đến trước nhà ông chú,
Với sự xấu xa trong lòng, ông hét vào tôi những lời khủng khiếp :
“Con quỷ hủy diệt đã tới !”
Và ông gọi lối xóm đến giúp giết tôi,
Ông nguyền rủa tôi với mọi lời đê tiện.
Đá liệng tới tấp vào tôi, tên bắn tơi bời trút lên tôi.
Lòng tôi bị khổ đau không chịu nổi quất đánh.
Vào lúc ấy tôi quá gần cái chết.
Một trái tim đồ tể trong thân thể chú tôi.
Từ ngày đó, tôi đã bỏ đi mọi tình cảm với ông.
Với ẩn sĩ nghèo hèn này, họ hàng còn tàn ác hơn kẻ thù,
Về sau, khi tôi thiền định trong núi sâu,
Zessay thành tín, không thể bỏ mặc tôi,
Đến với tôi từ tình thương xưa cũ.
Với lời nói mến thương, làm dịu tâm hồn,
Nàng an ủi tôi, trái tim thương tật.
Với thức ăn đồ uống bổ dưỡng
Nàng làm dịu cơn đói khát của tôi.
Tôi biết ơn sâu xa đối với nàng.

Cho dù thế, ngoại trừ những người thành tâm với Pháp,
Tôi không có lý do gì để gặp một ai, thậm chí cả Zessay,
Và còn ít lý do hơn để gặp thím.
Thế nên hãy rời khỏi nơi đây khi vẫn còn ngày.”

Thầy nói như thế. Thím thầy khóc lóc và không ngớt lạy, van xin thầy, “Cháu ơi, tất cả điều cháu nói đều đúng. Thím xin cháu tha thứ và thím thành thật sám hối mọi tội lỗi của thím. Sự hối hận của thím là kinh khủng. Thím không bao giờ hoàn toàn mất cảm tình với các cháu, bởi thế thím đến đây tìm các cháu. Xin để cho thím gặp cháu. Nếu cháu không chấp thuận cho ước nguyện của thím, thím sẽ tự tử.”

Thầy không thể từ chối bà. Nhưng khi thầy vừa định đặt cầu qua thì Peta nói nhỏ với thầy nhiều lý do thầy không nên gặp thím. Không nghe theo, thầy trả lời, “Người ta thường nói không nên uống cùng một nguồn nước với kẻ phản bội sự tín nhiệm thuộc nhân gian vì tâm thức sẽ bị nhiễm ô. Nhưng thím không phản bội sự tín nhiệm thiêng liêng nào và bởi vì anh là một người sùng mộ Pháp, nên anh sẽ tiếp thím.”

Nói thế, thầy đặt cây gỗ cầu vào chỗ. Thầy tiếp đón thím thầy theo ý muốn của bà. Thầy nói với thím nhiều về luật nhân quả nghiệp báo. Bà chú tâm hoàn toàn vào sự thực hành Pháp. Sau đó, bà trở thành một nữ thiền giả thành tựu giải thoát qua thiền định.

Vào lúc này, Shiwa OŠ Repa (Repa Ánh Sáng Bình An) hỏi Đạo sư, “Bạch Đạo sư, khi Thầy nhận giáo huấn, có phải Thầy biểu lộ sự sùng mộ vĩ đại đối với Lama ? Sự kiên trì trong thiền định của Thầy không thể tưởng tượng đến nỗi khi so sánh thì sự thực hành của chúng con chỉ như đồ giả mạo. Điều này sẽ không dẫn chúng con đến giải thoát. Chúng con phải làm gì ?” Nói thế xong, ông khóc nức nở.

Đạo sư trả lời : “Nếu xem xét tất cả khổ đau của sanh tử và ba cõi thấp, thì sự tha thiết hiến mình và kiên trì của thầy có vẻ không lớn lắm. Người có suy nghĩ chấp nhận định luật nhân quả có thể có một sự kiên trì như vậy. Nhưng những người không tin vào Pháp thì chỉ có một hiểu biết sơ sài và không thể từ bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian. Thế nên điều quan trọng là tin vào luật nhân quả. Khi người ta liên tục tỏ ra những dấu hiệu không tin, thậm chí vào những phương diện rõ ràng của nhân quả nghiệp báo, thì rất đỗi khó khăn để thấu hiểu và tin vào tánh Không của mọi sự, bất kể những giải thích rộng rãi căn cứ trên lời Phật dạy và những nhận định lý trí. Nếu người ta tin vào tánh Không của sự vật người ta nhận biết tính duyên sanh tương thuộc của nhân và quả như là bao hàm trong chính tánh Không. Hơn nữa, người ta sẽ thành tựu sự sùng mộ hiến mình lớn lao hơn cho sự áp dụng những nguyên lý cao cả. Nền tảng của tất cả thực hành Pháp nằm trong tin tưởng vào luật nhân quả nghiệp báo, và bởi thế rất quan trọng cho các con là hiến mình toàn tâm cho việc loại trừ những hành vi tai hại và thực hành đức hạnh.

“Dù ban đầu thầy không thể hiểu ý nghĩa của tánh Không, nhưng thầy thâm tín nhân quả nghiệp báo. Thế nên sau khi tích tập nhiều tội lỗi, ác nghiệp, thầy nghĩ thầy không thể nào không sa vào những cõi thấp. Sự sợ hãi của thầy lớn lao đến nỗi thầy không thể nào làm khác hơn là tôn kính lama của thầy và hiến mình cho thiền định.

“Các con cũng phải sống một mình trong núi vắng và thực hành giáo pháp bí truyền theo những giáo huấn của thầy. Và thầy, một ông lão đã già, thầy bảo đảm rằng con sẽ hoàn thành giải thoát.”

Bấy giờ Bodhi Raja xứ Ngandzong thưa hỏi :

“Lama Rinpoche, với con có vẻ rằng Thầy là hiện thân của Phật Vajradhara dấn thân vào mọi hoạt động cho lợi lạc của chúng sanh hay Thầy là một Đại Bồ tát đã đạt đến trạng thái “Không thối chuyển” và đã tích tập vô biên công đức trong nhiều kiếp. Trong Thầy, con thấy mọi tính cách của một thiền giả chân thực hy sinh đời mình cho sự thực hành Pháp. Những con người chúng con thậm chí không thể hình dung ra được tầm mức sự khổ hạnh và sự sùng mộ với lama của Thầy, nói gì đến việc chúng con thực hành được. Nếu chúng con dám thực hành theo cách ấy, thân thể chúng con cũng không thể chịu đựng nổi những thử thách như vậy. Đó là tại sao chắc chắn Thầy là một vị Phật hay một Bồ tát từ xa xưa. Và như thế, dầu con bất lực với đạo, con tin rằng những chúng sanh chúng con sẽ được đưa đến giải thoát khỏi sanh tử nhờ thấy tôn nhan và nghe được pháp âm của Thầy. Bạch Đạo sư tôn kính, con xin Thầy nói cho chúng con Thầy có phải là Hóa thân của một vị Phật, một vị Bồ tát hay không.”

Đạo sư trả lời, “Thầy cũng chưa từng nghe thầy là hóa thân của ai. Có thể thầy là hóa thân của một chúng sanh từ ba cõi thấp, nhưng nếu các con thấy thầy như Phật, các con sẽ nhận được sự ban phước của Ngài nhờ lòng tin của các con. Dù niềm tin thầy là một hóa thân phát sanh từ sự sùng mộ của các con đối với thầy, thì thực ra không có chướng ngại nào lớn lao hơn như vậy cho sự thực hành của các con. Đó là một méo mó của Pháp chân thật. Lỗi lầm nằm trong chỗ không nhận biết bản tánh chân thật của sự thành tựu của những thiền giả vĩ đại. Pháp thì hiệu quả đến nỗi ngay một người đại tội lỗi như thầy cũng đã đạt đến một mức độ không xa với Giác Ngộ nhờ vào lòng tin của thầy vào nhân quả nghiệp báo, vào sự buông bỏ có từ đó mọi mục tiêu của đời sống thế gian, và đặc biệt vào sự hiến mình nhất tâm trong thiền định.

“Đặc biệt hơn nữa, nếu các con nhận được sự truyền pháp và giáo huấn bí mật nó đưa vào cái thức tỉnh tự nhiên không bị vọng tưởng ý niệm che mờ, và nếu rồi các con thiền định dưới sự hướng dẫn của một lama giác ngộ, các con chắc chắn sẽ đạt được Giác Ngộ.

“Nếu các con phạm mười điều ác và năm trọng tội ngũ nghịch, thì không nghi ngờ gì các con sẽ tái sanh vào những hành hạ của những cõi thấp nhất. Đấy bởi vì không có niềm tin vào nhân quả nghiệp báo và ít sùng mộ Pháp.

“Bất kỳ ai toàn tâm tin vào nhân quả nghiệp báo và sợ hãi sự khổ đau của những cõi thấp, thì một thiết tha mong mỏi Giác Ngộ sẽ khởi lên trong nó. Điều này sẽ khiến nó sùng mộ hiến mình cho lama, cho thiền định, và cho sự duy trì một quán chiếu sâu xa. Bất kỳ người bình thường nào cũng có thể kiên trì dũng mãnh như thầy đã làm. Nếu mà xem một người kiên trì như vậy như là một tái sanh của một vị Phật hay một Bồ tát nghĩa là không tin vào con đường đốn chứng. Hãy đặt niềm tin của các con vào luật nhân quả. Hãy tham thiền về những cuộc đời của những bậc thầy giác ngộ ; hãy suy nghĩ về nghiệp, sự thống khổ của vòng sanh tử triền miên không dứt, giá trị đích thực của đời người, cái chết không thể tránh khỏi và không biết lúc nào. Hãy hiến mình cho sự thực hành Kim Cương thừa.

“Thầy đã bị tước đoạt của mình thực phẩm, y phục và sự được người biết đến. Thầy đã làm mạnh mẽ tâm thức mình. Và không kể gì đến những gian khổ của thân thể, thầy đi thiền định trong núi non hoang vắng. Rồi công đức của trạng thái Chân Tâm Tự Nhiên tự nó hiển lộ. Hãy theo gương của thầy với toàn bộ lòng mình.”

Đạo sư nói như thế. Đây là chương thứ bảy, trong đó ngài nói ngài đã tuân thủ những giáo huấn của lama ngài như thế nào, ngài đã từ bỏ cuộc đời này, thực hành những khổ hạnh kinh khủng và rút về thiền định trong núi non như thế nào.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567