Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Chu du Ðông, Tây, Nam, Bắc Ấn Ðộ

25/03/201103:16(Xem: 4084)
11. Chu du Ðông, Tây, Nam, Bắc Ấn Ðộ

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH

Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

CHU DU ĐÔNG, NAM, TÂY, BẮC ẤN ĐỘ

Rời Na Lan Đà, Ngài Huyền Trang vượt sông Hằng, đi về phía Đông, ra vịnh Băng-gan (Bengale) đến cửa bể Tâm-ra-li-ti (bây giờ là Tamluk). Ngài định đến đây rồi đi thuyền vượt biển ra đảo Xri LanKa, ở tận cùng bán đảo Ấn Độ, về phía Nam. Đối với Ngài Huyền Trang, Xri LanKa là thủ phủ trung tâm của Tiểu thừa. Chính ở đây là nơi, lần đầu tiên công chúa con vua A Dục đã chiết nhành cây Bồ đề sang truyền đạo Phật. cũng chính ở đây là nơi đã có vinh hạnh độc nhất, được giữ di tích quý báu nhất là cái răng của đức Phật.

Ngài Huyền Trang, đêm ở trên bờ biển Ấn Độ, thường mơ tưởng đến cái hòn đảo xa xăm kia mà hào quang của răng đức Phật chiếu sáng từ "Chùa răng Phật" ra xa mấy mươi dặm ở chung quanh, như một ngôi sao sáng lấp lánh giữa bầu trời đêm quang đãng.

Nhưng khi đến cửa biển Tâm-ra-li-ti, Ngài hỏi đường thủy đi sang đảo Xri LanKa, thì người ta khuyên Ngài không nên làm một cuộc hành trình bằng hải đạo xa như thế, sợ gặp nhiều nguy hiểm. Họ bảo tốt hơn là Ngài nên đi lần ven bờ biển vịnh "Băng-gan", xuống đến gần đảo Xri LanKa sẽ vượt sang ngang thì dễ dàng và bớt phần nguy hiểm. Ngài Huyền Trang nghe theo lời khuyên ấy, đi đường bộ ven biển về phía Nam. Ngài trải qua các nước Đông và Nam Ấn Độ như nước Cung-ngự-đàm Yết-lăng-già (Kalinga) Ma-ha Kiền-tất-la (Kosala) Án-đạp-la (Andàra), Đà-na-yết-kiệt-ca (Dravida) v. v ...

Đến nước nào, Ngài nghe có vị cao tăng, đại đức có thể chỉ giáo cho mình về các môn đạo học, triết học, thiên văn, địa lý v.v ... thì Ngài liền xin đến thụ giáo. Ngoài ra, Ngài còn quan sát một cách chính xác địa thế sanh hoạt, tánh tình, đạo đức của dân tộc các nước ấy. Vì thế cho nên bộ Tây Du Ký của Ngài là một tài liệu quý báu mà chính ngày nay các nhà bác học vẫn cần đến để tìm tài liệu lịch sử về các nước Ấn Độ trong thời đại mà Ngài đi qua đấy.

Khi Huyền Trang đến cực nam bán đảo Ấn Độ, đối diện với đảo Xri LanKa, định vượt biển qua đấy, thì một tin buồn đang đợi Ngài.

Đảo Xri LanKa, sau một cuộc đảo chánh trong nội phủ, đang làm mồi cho nạn đói khó và loạn lạc. Xri LanKa không còn là một xứ thanh tịnh êm đềm như trong tưởng tượng của Ngài Huyền Trang, mà là một nơi các vị tu sĩ đang lánh xa để đi tìm yên tĩnh ở một nơi khác. Chính các vị tu sĩ ở đây chạy sang trốn lánh trên đất Ấn Độ đã khuyên Ngài không nên đặt chân lên đảo ấy nữa.

Ngài Huyền Trang đành hủy bỏ dự định sang viếng Xri LanKa và tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ dọc theo bờ biển phía Tây Ấn Độ, để trở về chùa Na Lan Đà.

Ngài đã từ phía Bắc xuống cực Nam Ấn Độ bằng con đường ven biển phía Đông (tức là bờ biển Bengale), giờ đây Ngài lại từ cực nam Ấn Độ lên phía Bắc bằng con đường ven biển phía Tây (tức là bờ biển Ấn Độ Ô Măng). Đi con đường vòng này xa hơn, nguy hiểm, khó nhọc hơn, nhưng mục đích của Ngài không phải đi cho mau đến đích mà là đi để biết và học hỏi. Đi là chính, mà đến chỉ là phụ. Thái độ của những người đi tìm học, tìm chân lý đều như thế cả.

Trên đoạn đường dài trở về chùa Na Lan Đà, Pháp sư đã đi qua những nước Yết Lăng Già (Nam Ấn Độ) Nam Kiền Tất La (Trung Ấn Độ), Lang Yết Là (cực Tây Ấn Độ) v.v ... Trong các nước ở vùng này, có nước giòng vua Ca-lu-ki-a (Calukya) là hùng mạnh hơn cả. Dân nước này thân hình cao lớn, phong tục giản dị và ngay thật. Tánh tình của họ kiêu hãnh và dễ nóng giận. Họ trọng danh dự và khinh thường cái chết. Ai làm ơn cho họ, họ luôn luôn ghi nhớ, trái lại, ai phạm đến danh dự của họ, không bao giờ họ tha thứ. Ai cầu cứu đến họ, họ hy sinh tất cả để cứu giúp. Khi họ muốn rửa hận, bao giờ họ cũng báo tin cho kẻ thù địch của họ biết trước. Sau đó họ mới nắm khí giới để thực hành dự định của mình. Khi ra trận, họ đuổi theo bắt những người thua chạy, nhưng không giết những kẻ chịu đầu hàng. Nếu một tướng sĩ của họ thua trận, họ không trừng trị bằng cách hành hạ thân xác, mà chỉ bắt người ấy ăn mặc y phục đàn bà; nhưng thường thường, kẻ bại trận ấy tự tìm lấy cái chết trước để khỏi phải ô danh như thế. Họ có một đạo quân hùng mạnh vô cùng, nhờ thế mà họ vẫn giữ được nền tự chủ trong lúc chung quanh họ, các nước đều bị sự đô hộ của vua Giới Nhật là vị vua đã thống trị hầu hết cả năm xứ Ấn Độ. Triều đình tuyển lựa một đám võ sĩ vô địch gồm mấy trăm người, rất hùng dũng, gan dạ. Nhóm người này trước khi ra trận, uống rượu vào cho đến say, và mỗi người có thể địch được muôn người. Nếu trong lúc say sưa ấy, họ lỡ tay giết người, thì triều đình cũng không bắt tội họ. Khi lâm trận, bọn người này đi xung phong. Ngoài ra, đạo quân của nước này còn gồm có một đoàn voi chiến, hàng mấy trăm con. Trước khi xáp trận, đàn voi này được cho uống rượu mạnh đến say như điên dại. Thế là người ta thả chúng xông vào tàn phá hàng ngũ quân địch.

Tuy thế, dân chúng nước này phần đông đều hiếu học. Họ thờ thần Xi Va (Civa), nhưng không chống lại Phật giáo. Trong nước, có trên vài trăm tịnh xá Phật giáo nằm sát cạnh những đền thờ Bà-la-môn giáo.

Sau khi đi dần đến nước Lan Yết Ma, cực Tây Ấn Độ, giáp ranh giới nước Ba Tư, Ngài Huyền Trang mới quay trở lại Trung Ấn Độ và sau khi trải qua nhiều nước, Ngài trở về nước Ma Kiệt Đà và vào tu học lần thứ hai tại chùa Na Lan Đà.

Kể từ ngày Ngài Huyền Trang rời chùa Na Lan Đà cho đến khi trở lại, ròng rã đã sáu năm. Trong sáu năm ấy, Ngài đã đi khắp Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung, 5 xứ Ấn Độ, gồm trên 100 nước. Nơi nào xét cần, Ngài ở lại để thụ giáo với những bực minh sư, từ một vài tháng cho đến một vài năm, như có lần Ngài đã tìm đến núi Tượng Lâm, lưu lại hai năm tại đấy, để học với ngài luận sư Thắng Quân. Ngài Thắng Quân là đệ tử của ngài An Huệ (cũng học với Đại sư Giới Hiển) và là một học giả rất thông bác đương thời. Từ luận Đại, Tiểu thừa, Nhân minh, Thanh minh, đến các sách ngoại đạo, 4 kinh Vệ Đà, thiên văn, địa lý, y phương, thuật số, luận sư Thắng Quân đều thông suốt đến gốc ngọn.

Ngài Huyền Trang đã học được với luận sư Thắng Quân về Duy Thức Quyết Trạch luận, Thành Vô uy, Bất trụ Niết bàn luận, Thập nhị Nhân duyên luận, Trang Nghiêm kinh luận v.v ...

Điều đáng quý trọng trong thái độ học hỏi của Ngài Huyền Trang và đáng để cho chúng ta noi theo, là không phải Ngài chỉ sưu tầm nghiên cứu giáo lý Đại thừa hay Tiểu thừa mà thôi; Ngài còn tìm hiểu, học hỏi những đạo giáo, môn phái triết học khác mà có khi Ngài không thích. Nhờ thế, tầm hiểu biết của Ngài thật bao la rộng lớn và mỗi khi bàn đến một vấn đề gì, Ngài cũng tỏ ra thấu triệt, quán xuyến, không ai qua mặt được và bao giờ cũng nắm phần thắng lợi.

Chúng ta sẽ thấy những bằng chứng cụ thể về điểm này trong các cuộc tranh luận giữa Ngài và các đạo giáo khác, thuật ở chương sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]