Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 6: Sự giải thoát sâu xa nhất

27/01/201109:51(Xem: 4180)
Chương 6: Sự giải thoát sâu xa nhất

DIPA MA

Cuộc Đời Và Di Huấn

DIPA MA -- The Life and Legacy of A Buddhist Master

AMY SCHMIDT

Thiện Nhựt dịch

Phần II:
Con đường chuyển hoá

Chương 6: Sự Giải thoát sâu xa nhứt

"Lần hồi, tôi làm quen với sự đau khổ,
nguyên nhân của đau khổ,
sự khởi sanh của đau khổ,
và sự chấm dứt của đau khổ.

Dipa Ma tin tưởng, một cách vô điều kiện, rằng sự giác ngộ -- sự giải thoát hoàn toàn của tâm và trí -- là mục đích của đời sống con người và là lý do căn bản của việc tu tập thiền định. Bà nhắc đi nhắc lại, chẳng hề mệt mỏi, với các học viên của bà: "Các bạn phải thực tập cho đến ít nhứt là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ. Bằng không, các bạn đã phí mất cuộc sống làm người."

Trong truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), ít thấy viết về các kinh nghiệm thật sự về giác ngộ. Sự kín tiếng của nhiều vị thiền sư ít chịu bàn huận về đề tài nầy, phần lớn là để tránh sự khởi lên một thái độ nỗ lực (vì mong cầu). Chương nầy đem ra ánh sáng những kinh nghiệm về giác ngộ, với mục đích là chỉ cho thấy rõ chẳng có gì bí mật hay siêu nhiên về các kinh nghiệm đó cả. Và trong khi chẳng hề có "một đường lối chơn chánh" (duy nhứt) trên con đường đạo pháp, và do lẽ ấy, chẳng có chi để phán đoán, so sánh hay dự đoán, thì Joseph Goldstein đã cống hiến một cái "thắng hãm bớt lại" quan trọng nầy: "Kinh nghiệm về giác ngộ là sự xả bỏ cái "tự ngã". Qua bao năm, tôi đã từng thấy nhiều người đã thể nghiệm sự chứng ngộ và dùng nó để tạo thêm tự ngã. Họ bám vào kinh nghiệm đó và tự đồng hoá với nó. Đó là đã lạc mất mục tiêu rồi, và gây thêm ra rất nhiều đau khổ."

Thiền giả cảm tử (Kamikaze yogi).- Hai lần đầu tôi dự khoá an cư, ba tháng mỗi lần, (...) tôi tự miêu tả tôi như là một "thiền giả cảm tử" (Kamikaze yogi). Nhưng đến khoá an cư thứ ba thì chảy nước mắt ngay từ ngày đầu cho đến ngày chót. Nhiều lúc, tôi cảm thấy đau thắt bên trong và rã rời ra từng mảnh, cho đến nổi tôi tưởng chẳng thể nào ngồi lâu hơn năm phút được. Lúc đầu, tôi đến trình với Dipa Ma, và bà đề nghị tôi chỉ cần "ghi nhận điều đó".

Nhưng sau cùng, đã đến một lúc nào đó tôi cảm như tôi sẽ vở tung lên, nếu tôi nán ngồi lâu thêm nữa. Dipa Ma ngồi bên cạnh, cầm lấy tay tôi, và vuốt ve rất dịu dàng và âu yếm, như người mẹ đang vuốt ve đứa hài nhi. Vừa làm thế, bà vừa trấn an tôi: "Nếu chị vượt qua được chuyến nầy, chị sẽ được công đức rất lớn."

Bằng hành động và lời nói ấy, bà đã trao truyền sang tôi lòng tín nhiệm và từ ái của bà đối với tôi. Tất cả mọi sự ngờ vực đều tan biến khỏi nơi tôi. Tôi hoàn toàn đặt niềm tin nơi lời bà nói. Tôi liền trở lại thiền phòng, ngồi lên toạ cụ của tôi và... một cái gì vừa mới mở ra... Tôi chẳng biết phải mô tả như thế nào mới đủ. Tôi bắt đầu thể nghiệm các điều như bạn đã đọc thấy trong các bản văn cổ điển về giác ngộ. Bà hướng dẫn tôi với các quyết định đặc biệt trong thời gian nầy.

Tôi hết sức thâm cảm bà đã kéo giữ tôi lại để tiếp tục thực tập. Mặc dầu trong hai tháng rưỡi còn lại tôi bị sự đau nhức và xao động bất an đến hành hạ và nhiều lần tôi muốn "cuốn chiếu lại" để về nhà, bà giữ tôi lại để tiếp tục mãi. -- Ẩn danh.

Bạn có được chứng ngộ không?- Dipa Ma đến dạy một khoá học ở trường tôi, trong ba tuần lễ. Đến cuối khoá,chúng tôi phải thực tập một cuộc an cư cuối tuần. Một ngày trước cuộc an cư, bà nói với tôi rằng: "Chị sẽ có được một "kinh nghiệm về thấu hiểu rõ". Tôi phân vân tự hỏi, "Chẳng biết kinh nghiệm đó nghĩa ra làm sao?"

Đêm đó, tôi ngồi thiền được một lúc rồi đứng dậy vì tôi buồn ngủ quá. Tôi trở lại phòng tôi, và có cái gì thay đổi xảy ra. Tôi nhận ra là tôi cần trở lại thiền phòng và thực tập thêm. Tôi liền quay lại ngồi tập, và tôi trở nên hết sức chú tâm. Chỉ giản dị là sự theo dõi hơi thở của tôi. Tôi để ý đến cả từng tiểu vũ trụ của sự phồng lên và dẹp xuống của bụng, từng chi tiết nhỏ nhiệm, và tôi lại có cả khả năng nhìn ra sự khởi lên của ý định tư tưởng. Nó cũng tựa như cái bong bóng sắp vỡ, rồi tư tưởng có mặt ở đấy, rồi lại qua đi, và kế đến là một sự dừng nghỉ, rồi lại một ý định tư tưởng khác khởi lên tiếp để rồi lại vỡ tan như bọt bong bóng trên mặt nước. Và cứ như thế.

Đó, chẳng phải là do tôi đang làm được như vậy, vì tôi đâu có đủ khả năng về trình độ định lực đó. Tôi nghĩ đó chỉ giản dị là ân sủng của Dipa Ma đã ban cho tôi. Có một sự lắng đọng khó tin, và một khoảng không gian khổng lồ gìữa các tư tưởng với nhau nơi mà chẳng có gì xảy ra.

Kế đó là một sự chuyển biến lớn lao về sự tỉnh thức, tựa hồ như tôi đã "đi vắng" ở nơi nào đó mà sự chú ý trở ngược lại. Chẳng còn có ai ở đó cả, chỉ có sự khởi lênvà sự qua đi của sự việc. Điều đó đã thổi tung tôi đi mất.

Ngày hôm sau, Dipa Ma hỏi tôi: "Sao, bạn có được chứng ngộ chưa?" Sau nầy, vì hiện tôi còn mới thực tập thiền -- tôi chưa có căn bản và kinh nghiệm về thiền quán -- nên có nhiều sợ hãi nổi lên. Trước nhứt là sự tỉnh giác rất khó tin nầy, kế đến là sự sợ hãi khởi sanh khi tôi thấy mọi sự vật đang được hủy diệt từng giây phút. Tâm trí tôi trở nên hết sức mù mờ; tôi chưa có khả năng nhìn thấu qua sự mù mờ đó, và phải đợi một thời gian thật lâu trước khi kinh nghiệm chín muồi nơi tôi. Mãi ba năm sau tôi mới có ý muốn ngồi thiền lại. -- Ẩn danh

Sự chứng ngộ đúng ra là việc thường tình đối với các thiền sinh Ấn độ của bà Dipa Ma. Jack Engler kể lại rằng, họ thực tập trong khung cảnh gia đình, và ngay trong đời sống hằng ngày. "Khi Dipa Ma nhận ra được một sự chín muồi trong việc thực tập của họ, bà liền bảo họ: "Hãy thu xếp công việc, xem coi bạn có thể vắng nhà trong hai tuần lễ không, rồi đến đây và ngồi trong căn phòng nầy, bên cạnh tôi, để dành trọn nỗ lực trong mười hay mười lăm ngày cho việc tu tập". Đấy chính là lúc sự chứng ngộ đã xảy đến cho họ. Đó là tất cả sự thực tập ráo riết nỗ lực của chính họ, và kể cả khi một vài người trong bọn họ phải trở về nhà trong thời gian đó để giải quyết công việc trong gia đình."

Chỉ cần hai hay ba ngày thôi.- Tôi chở mẹ tôi mỗi buổi chiều đến tu viện (lời của con gái bà Hema, gọi Dipa Ma bằng dì). Tôi gặp được một phụ nữ người Miến điện kể cho tôi nghe việc bà thực tập thiềntại nhà, giữa bầy con còn nhỏ. Bàphải làm việc cả ngày, và ngồi thiền vào buổi tối khi các con bà đã ngủ. Chỉ trong hai tháng, bà bảo bà đã đạt được giai đoạn đầu của sự chứng ngộ.

Tôi liền noi theo tấm gương đó trong khi tôi đang theo học chương trình cao học ở nhà trường. Tôi thức giấc vào bốn giờ sáng và ngồi thiền đến năm giờ rưỡi. Tôi đi học cho đến ba giờ rưỡi chiều, kế đó đưa mẹ tôi tới chùa. Sau đó, tôi làm bài, học bài cho đến chín giờ đêm. Bấy giờ, tôi đi thiền hành trong một giờ, tay dắt con chó của tôi. Rồi tôi toạ thiền thêm một giờ nữa, đến mười một giờ khuya mới đi ngủ.

Trong mọi thời, trên xe buýt đến trường, trong lớp học, bất cứ nơi nào, tôi cũng tập "niệm" (ghi nhận mỗi kinh nghiệm cảm giác). Hai hay ba tuần lễ sau, thiền sư Munindra bảo tôi, hãy lấy ngày nghỉ phép, rồi đến tập thiền. Tôi đáp, chẳng thể nào nghỉ học được; ông lại bảo: "Thôi được, hai hay ba ngày cũng đủ rồi!" Thế là tôi đến từ ngày thứ Năm cho tới hết ngày Chúa nhựt. Vì thời gian eo hẹp, tôi quyết định thức trọn cả đêm Thứ Năm và liên tục ngồi thiền cho đến sáng Thứ Sáu.

Đến gần một giờ khuya đêm Thứ Sáu, tôi cảm thấy dường như có cái gì bất ổn đây. Sáng ngày, tôi thuật lại cho mẹ tôi và dì tôi là Dipa Ma hay rằng có điều gì lạ lùng đã xảy ra cho tôi đêm qua. Cả hai phá lên cười, và cười. Hai bà bảo tôi, đó là giai đoạn đầu của sự chứng ngộ, và hai bà rất mừng cho tôi. -- Daw Than Myint

OK, có một con cọp đi đến.- Chính vào ngày tôi gặp gỡ Nani (Dipa Ma) lần đầu tiên, bà đã dạy tôi những điều căn bản về thiền tập rồi bảo tôi rằng, "Chị có thể thực tập ngay tại nhà." Xế trưa hôm đó, về tới nhà, tôi thực tập ngay, và ròng rã trong hai mươi ngày.

Trong khoảng thời gian hai mươi ngày thực tập thiền định, tôi cảm thấy lên cơn sốt nặng, tựa như có một thanh sắt nóng đang xuyên qua thân tôi. Rồi tôi thấy rắn bò lổm ngổm khắp nơi, với bầy cọp nhảy tới chụp tôi. Tôi trình lại với Nani, và bà nói với tôi, "Đừng có lo ngại. Khỏi uống thuốc men gì cả. Bạn đang sốt, nhưng đó chẳng phải là một cơn bịnh: cứ để nó tự nhiên lui đi mất. Chị chỉ cần tỉnh giác về việc ấy. Cứ cảm thấy nó và ghi nhận nó. Khi rắn hay cọp đến, đừng sợ hãi, cứ niệm: "OK, một con cọp đi đến". Chỉ có thế mà thôi!"

Rồi tôi lại thấy nhiều hình ảnh quái dị: thây người chết. Tôi thấy nhiều thây chết, rất nhiều, ở những nơi khô cằn, và tôi phải ngang qua các xác chết. Tôi sợ đến hãi hùng. Nani bảo, "Đừng sợ hãi gì. Cứ niệm trong đầu "Thấy! Thấy!". Những hình ảnh đó đến do từ nhiều kiếp trước của mình. Những gì chúng ta đã làm trong các kiếp trước, thường hiện lên trong tâm chúng ta khi ngồi thiền." Theo lời bà chỉ dạy, tôi niệm: "Thấy một xác chết!" hoặc "Bước qua một xác chết!" Và tôi tiếp tục ghi nhận, "Tôi đang thấy trong tâm..."

Chẳng bao lâu, chỉ còn có sự tỉnh giác mà thôi, các hình ảnh đã tan biến, ngừng hẳn, và tâm tôi trở nên trong suốt và an lạc, và tôi đã đi đến sự giác tỉnh. Tất cả những đau nhức đã được quét sạch. Tôi đạt đến sự thông hiểu rõ về thân tôi là gì, tâm tôi ra sao, và chính đó là đường lối của sự tu tập Thiền. Chẳng hề có sự thoái chuyển. Sau hai mươi ngày, tôi rời chỗ ngồi và dấn thân đi vào thế giới. -- Jyotishmoyee Barua

Vật quí báu nhứt. - Khi tôi đang bận lo công cuộc khảo cứu ở Calcutta, Dipa Ma giới thiệu người láng diềng của bà cho tôi. Bà ấy sáu mươi lăm tuổi, tên là Madhuri Lata. Bà nầy đã nuôi nấng con cái, nay chúng đã lập gia đình riêng nơi khác. Chẳng giống với những đại gia đình Ấn độ đông con cháu, bà Madhuri sống quạnh hiu với người chồng già. Chồng bà bảo, "Ngày nay bà chẳng có việc chi làm. Có người "dì"của bà là Dipa Ma đang dạy tu tập Thiền kia. Sao chẳng đến thưa chuyện với bà ấy? Rồi sẽ có việc cho bà để làm đấy." Bà Madhuri, trí óc hơi chậm chạp, nghe lời chồng, đi đến gặp Dipa Ma, và được Dipa Ma chỉ dạy cho những điều căn bản (chú ý vào sự phồng, xẹp của cái bụng theo mỗi hơi thở vào và ra, rồi) ghi nhận trong tâm "phồng, xẹp, phồng, xẹp". Madhuri bảo, "Được rồi", và quay ra về. Vừa bước xuống lầu chưa được nửa cầu thang, bà đã quên khuấy mất lời chỉ dạy. Bà trở lên lại.

-- Tôi phải làm những gì? Bà ta hỏi Dipa Ma.

-- "Phồng, xẹp, phồng, xẹp", Dipa Ma đáp.

-- A! Đúng rồi!

Bốn bận, Madhuri quên mất lời dạy và phải quay trở lại hỏi nữa. Dipa Ma rất kiên nhẫn với bà Madhuri. Phải mất cả năm, bà ta mới thông hiểu rõ lời chỉ dạy căn bản; nhưng một khi bà đã nắm vững được rồi, dõng mãnh tựa như con cọp, bà bắt đầu thực tập. Madhuri trước đây lưng còng xuống thấp vì bị bịnh phong thấp và đau ruột. Khi tôi gặp bà, sau khi bà đã thể nghiệm sự chứng ngộ, bà đi đứng thẳng lưng. Chẳng còn đau ruột nữa. Bà ta thật là một người đàn bà bình dị, dịu ngọt và dễ mến nhứt.

Bà kể việc bà chứng ngộ cho tôi nghe, "Hồi nào tới giờ, tôi vẫn muốn kể lại cho một ai nghe cái giây phút thần diệu ấy đã đến với tôi, mà chưa có dịp, như hôm nay, để chia xẻ vật quí báu nhứt trong đời tôi." -- Jack Engler

Mặc dầu gặp các khó khăn thật nghiêm trọng về cảm xúc, một tu sĩ Việt Nam, Hoà thượng Khippapanno, đã đạt được sự chứng ngộ, dưới sự khuyến khích của Dipa Ma. Năm 1969, người tham dự một khoá an cư, và trong năm ngày, người chẳng thể nào ngừng dứt được vừa cười vừa khóc. Vị thiền sư hướng dẫn cho rằng Khippapanno đã phát cuồng rồi và khuyên ông nên chấm dứt an cư để trở về nhà. Hay tin đó, Dipa Ma mới mời Khippapanno đến thực tập cùng với bà.

Mọi cảm xúc đều từ trong suy nghĩ mà ra. - Trọn một tháng trời, tôi đến thực tập tại nhà bà. Bà khuyên dạy tôi, "Ông sẽ khắc phục được sự khó khăn nầy. Nếu mọi sự việc đều được ghi nhận, tất cả những khó khăn về cảm xúc của ông sẽ biến mất. Khi ông cảm thấy vui, chớ có bám dính vào sự vui. Và khi ông cảm thấy buồn, cũng đừng bám dính vào nỗi buồn. Bất cứ điều gì đến, cũng đừng lo âu. Chỉ cần biết nó đến, vậy thôi!"

Trong kỳ an cư sau, khi tôi cảm thấy sự điên rồ trở lại, tôi liền nhớ đến lời bà dạy. Tôi gặp phải khó khăn quá nhiều về các cảm xúc, đến nổi tôi muốn bỏ ra về, nhưng tôi nhớ sự tín nhiệm bà đã đặt nơi tôi và lời bà nói: "Sự thực tập của ông tốt. Chỉ cần niệm tất cả mọi sự việc, rồi thì ông sẽ khắc phục nỗi khó khăn." Với ý thức biết bà tín nhiệm nơi mình, nên định lực của tôi càng lắng sâu dần.

Chẳng bao lâu, tôi nhận thấy được mọi xúc cảm đều từ nơi suy nghĩ mà phát xuất, chẳng có gì thêm. Tôi đã tìm thấy ra rằng, một khi tôi biết cách quán sát các tư tưởng dẫn đến các cảm xúc, tôi có thể khắc phục được chúng. Và rồi tôi thấy rằng tất cả mọi tư tưởng đều do từ dĩ vãng hay từ tương lai mà đến, vậy nên tôi bắt đầu chỉ sống với hiện tại, và rồi tôi phát triển được sự thức tỉnh càng ngày càng hơn lên... Tôi dứt bặt mọi tư tưởng được trong một thời gian, chỉ có chánh niệm thôi, và bấy giờ thì tất cả mọi khó khăn về cảm xúc đều biến mất. Giống như vầy! Thế rồi tôi lại được một sự thể nghiệm. Tôi cũng chẳng biết đó là gì, vào độ ấy. Đó chỉ là một giây phút, và chẳng có ai lúc ấy để xác nhận. Các vấn đề xúc cảm của tôi, tự bấy giờ, chẳng hề trở lại.

Sau nầy, vào năm 1984, khi tôi gặp Dipa Ma ở Mỹ, bà kéo tôi đứng riêng ra và hỏi về sự thực tập thiền của tôi. Khi nghe tôi kể lại, bà bảo rằng tôi đã chứng xong được giai đoạn thứ nhứt của sự giác ngộ. Bà nói với tôi, như người mẹ nói với con vậy. -- Sayadaw Khippapanno



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]