Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đại Việt Thông Sử

06/08/201119:50(Xem: 5347)
Đại Việt Thông Sử

Dai Viet Thong Su-Le Quy Don

Đại Việt Thông Sử

dvts_hanvan

Soạn giả:
LÊ QUÝ ĐÔN

Thế Kỷ 18
(1759)

Dịch giả:
Lê Mạnh Liêu
Ủy Ban dịch thuật – Bộ Văn Hóa Giáo Dục & Thanh Niên
Saigon 1973




QUYỂN I
Đế Kỷ Đệ Nhất

Thần Đôn soạn

o O o

THÁI TỔ (THƯỢNG)

[tờ 7a] Vua Thái Tổ, thụy hiệu Thống Thiên khải vận thánh đức thần công duệ văn anh vũ khoan minh dũng trí hoằng nghĩa chí nhân đại hiếu Cao Hoàng Đế. Vua họ Lê, tên húy là Lợi, người làng Lam Giang, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hoa. Cụ Tằng Tổ của vua tên húy là Hối, sau truy tôn là “Cao thượng tổ Minh Hoàng Đế”. Tính cụ chất phát ngay thẳng, giữ mình như người ngu, nhưng hiểu biết rất sâu xa, có thể biết trước những sự chưa thành hình. [tờ 7b] Nguyên trước ở thôn Như Áng, một hôm, cụ đi chơi, thấy đàn chim liệng vòng quanh trên một khoảng đất nơi dưới núi Lam sơn, trông hình như một đám người tụ hội. Cụ tự nghĩ: “Chỗ này tất là nơi đất lành”, bèn dời nhà đến ở đấy, rồi khai phá ruộng vườn, tự chăm lo cày cấy, được 3 năm, trở thành một sản nghiệp, tự đấy, đời đời đều là hùng trưởng một phương. Sau này vua dựng đô mở nước, thực cũng căn cơ tự đấy vậy. Cụ Hoàng tổ, tôn phong là “Hiến tổ Trạch Hoàng Đế”, tên húy là Đinh, cụ nối được cơ nghiệp tiền nhân, tính khoan nhân, có bụng yêu người, người các nơi gần xa đều qui phục, trong nhà có hàng nghìn người. Lấy cụ bà “Hiền từ Gia thục Hoàng Thái Hậu” họ Nguyễn, tên húy là Quách, sinh hạ 2 con trai, con trưởng tên là Tòng, con thứ tức là cụ Hoàng Khảo, tôn phong “Tuyên tổ Phúc Hoàng Đế”, [tờ 8a] tên húy là Khoáng, cụ nuôi nhiều tân khách đúng lễ nghi, thương yên nhân dân, chu cấp người nghèo cùng, giúp đỡ người bệnh tật, cả vùng đều phục cụ là có nghĩa, lấy cụ bà “Trinh từ Ý văn Hoàng Thái Hậu” họ Trịnh tên húy là Ngọc, sinh hạ 3 con trai, con trưởng tên là Học, sau truy phong “Chiêu hiếu đại vương”, con thứ tên là Trừ, sau truy tặng “Hoằng dụ vương”, con trai út tức là Hoàng đế. Hoàng đế sinh giờ tý ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất sửu (1385), nhằm niên hiệu Xương phù thứ 9 nhà Trần, sanh tại làng Chủ sơn, huyện Lôi dương. Nguyên trước, xứ Du sơn thôn Như áng hậu thuộc làng này (Chủ sơn), có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Tự khi Hoàng đế ra đời, thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ! Ngày Hoàng đế sanh, thì trong nhà có hào quang đỏ chiếu sáng rực, và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. [tờ 8b] Khi lớn tuổi, ngài thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng mồm rộng; sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên; bả vai bên tả có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ; tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường.

Khi Hoàng đế giúp việc ở Khả lam, được hồn sư ông Bạch Y hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát “đế vương” ở động Chiêm nghi.

Thời ấy, người phường chài ở sách Mục sơn là Lê Thận, đêm nào cũng thấy khoảng sông Lam Xuyên có luồng ánh sáng như bó đuốc cháy, rồi hơn một tháng sau, bỗng chài được một thanh sắt dài hơn một thước, hình tựa thanh đao cũ, đem về để trong nhà, ngay hôm ấy Hoàng đế đến nhà y, thấy trong nhà tối có một luồng ánh sáng, liền tới chỗ đó lấy thanh đao đem về, về đến nhà, không phải mài mà sáng như đao mới, nhận thấy có hàng chữ triện khắc trên thân đao, biết là một thanh bảo kiếm. Đêm hôm sau, [tờ 9a]có trận mưa gió, sáng ra, thấy trong vườn rau có lốt chân thần in trên lá rau, Hoàng đế sai người vẽ hình vết chân ấy. Ngày hôm sau, Hoàng hậu ra vườn hái rau, đến chỗ cây rau có hình bàn chân, bỗng được một quả ấn báu, bề dài bề rộng ngay ngắn, mặt quả ấn khắc mấy chữ lối triện. trên quả ấn khắc đích họ tên Hoàng đế, nhận kỹ mới rõ. Hoàng đế biết rõ bảo vật của trời đất ban cho, bèn cuối đầu lạy tạ. Ngày hôm sau, bỗng được cái chuôi thanh kiếm ở cây đa, rửa sách đất cát đi, thấy có khắc hình con rồng và con hổ, và hiện ra hai chữ “Thanh Thúy”, đem lắp vào thanh kiếm đã bắt được hồi trước, vừa vặn không sai tý nào, càng tin là vật thần cho.

Bấy giờ là thời kỳ họ Hồ cướp ngôi vua nhà Trần, Hoàng đế ở quê hương đọc sách và nghiên cứu binh pháp, giữ mình chờ thời vận.

Đến khi nước Tàu dẫn quân sang đánh, bắt họ Hồ đem vầ kinh đô Kim lăng, rồi chia nước Nam ta thành từng Quận từng Huyện. [tờ 9b] Hoàng đế ngầm có chí khôi phục non sông, ngài hạ mình tôn người hiền, tung tiền của nuôi binh sĩ, chiêu nạp những người mắc lỗi trốn lánh, được nhiều người qui phục.

Vua Hưng Khánh và vua Trùng Quang nối tiếp khởi binh chống quân Tàu, lấy danh nghĩa là khôi phục ngôi vua nhà Trần, được rất nhiều người hưởng ứng. Nhưng Hoàng đế biết rõ thời thế, cho là tất không thành công. Bởi thế ngài không dự, và hết sức ẩn kín hình tích, không lộ tiếng tăm.

Trịnh Đồ tự nước Ai Lao lại yết kiến, hiến 1 con voi đực, Hoàng đế sai Trương Phấn đón tiếp, sau Trịnh Đồ và Trịnh Khả đều được ngài tín nhiệm.

Những hào kiệt thời ấy như: Lê Văn An, Lê Văn LInh, Bùi Khai Hưng, Nguyễn Truy, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu, và Lê Xa Lôi, đều nối tiếp qui phục, ngài niềm nở đón tiếp, [tờ 10a] cùng bí mật mưu việc khởi nghĩa.

Có tên Đỗ Phú người xã Hào lương, đến Ty Bố chánh kiện Hoàng đế về việc lấn ruộng đất, nhưng y đuối lý, bị thua kiện, đem lòng oán giận, bèn cáo mét quan nhà Minh dẫn quân bức bách Hoàng đế ở Lạc thủy (nay đổi là Cẩm thủy).

Từ khi người Minh đô hộ nước ta, chánh sự phiền toái; thuế má nặng nề; quan tham lại nhũng; cấm dân nấu muối trồng rau; bắt dân xuống biển tìm ngọc châu; phá núi lấy vàng; những sản phẩm quý giá như: ngà voi, sừng tê, cánh chim chả, cùng các thứ hương, chúng đều vơ vét hết. Sau lại bắt dân đắp 10 thành trong 10 Quận để đóng quân; chúng lại khéo dụ dỗ các người hào kiệt, đưa vào triều đình Trung Hoa làm quan, cốt là an tri ở nước Tàu vậy. Bởi vậy nhân dân nước ta không trừ một ai, thấy đều sầu thảm oán giận! Hoàng đế vẫn giữ chí như trước, dù người Minh đem quân tước cũng không dụ được, [tờ 10b] lấy thế lực cũng không hiếp được, nhưng nhận thấy thế quân địch đang mạnh, nên ngài càng ẩn trong bóng tối, không dám khinh động, thường đem bảo vật năn nỉ hối lộ cho bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ, những mong được khỏi nạn, để nuôi thêm sức lực và chờ đợi thời cơ. Chỉ vì tên Lương nhữ Hốt người huyện Cổ đẳng (nay đổi Hoằng hóa), giữ chức Tham chánh là Thổ quan của người Minh, đem lòng ghen ghét, bèn mất cáo với người Minh rằng:

“Người chủ Lam Sơn chiêu nạp những kẽ vong mạng, và đãi ngộ sĩ tốt rất hậu, chí của người ấy không phải là nhỏ. Nếu không sớm tính đi, để cho con rồng có lúc gặp mây gặp mưa, thì khi ấy nó sẽ không còn là một con vật trong ao nữa đâu. Vậy xin trừ ngay đi, đừng để lưu tai vạ về sau này”.

Người Minh tin lời tên Nhữ Hốt, cho nên càng bức bách ngài rất gấp. Bởi vậy ngài bèn đại hội Tướng sĩ, bàn tính việc khởi binh.

Ngày mồng 2 là ngày Canh Thân, tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), nhằm niên hiệu Vĩnh Lạc triều Minh thứ 16, [tờ 11a] Hoàng đế dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương, phong chức Đại Tướng và chức Thừa Tướng cho: Lê Khang, Lê Luân, Lê Sao, Lê Lễ, Lê Hiêu, Lê Nhữ Tri, Lê Cố, Trịnh Thác, Trịnh Hối, Lê Thỏ, lê Lý, Lê Xa Lôi, Lê Khắc Phục, Lê Định, Lê Lãng, Lê Vấn, Lê Cuống, Lê Chiêm, Lê Đệ, Lê Khiêm, Lê Trinh, Lưu Đàm, Lê Lâm, Lê Nghiệm, Lê Văn Giáo, Trần Đạt, Trần Khai, Lê Cảnh Thọ, Phạm Lung, Phạm Quì, Lê Sát, Trương Lôi, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Lê Nỗ, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Vũ Oai, Trịnh Vô, Lưu Hoạn, Trần Hốt, Đỗ Bí, Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Lê Thận và Lê Văn An, [tờ 11b] chia nhau đốc suất đội quân Thiết đột ra đối địch với quân Minh.

Lúc ấy binh tướng của ta đương thời kỳ ban đầu, còn rất ít ỏi, thế mà quân Minh có tới hơn 45.000, voi ngựa có hàng trăm con, bởi thế Hoàng đế không địch nổi, thua trận phải chạy vào Mang Một, nay là (Mang Chánh), rồi lần đến Trịnh Cao, giáp giới nước Ai Lao, nơi đây, dân thưa lương ít, trên đường không người đi lại. Đóng ở Mang Cốc trong núi Linh sơn hơn 10 ngày, phải dùng mật ong trộn với vũ dư lương (thứ phấn hồng trong đá) làm bữa ăn, rất là khốn đốn! Hoàng đế bèn hỏi các tướng:

“Có ai dám bắt chước việc Kỷ Tín thời xưa không[1]?”.

Người ở thôn Đặng Tú là Lê Lai khẳng khái vâng mệnh, tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê Lam Sơn, dẫn quân ra đánh nhau với quân Minh, quân Minh mừng rỡ, liền dồn cả quân vây chặt Lê Lai, Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lai về thành Đông Quang giết chết, [tờ 12a] chúng bèn lui binh, ta được thoát nạn.

Hoàng đế được biết Trịnh Khả và Lê Lôi đã từng đi đón tiếp con voi tự nước Ai Lao về, tất nhiên am hiểu tiếng nói và văn tự nước Ai Lao, bèn sai hai Tướng này mang tờ thông điệp sang bảo Quốc Vương nước Ai Lao rằng:

“Quốc gia tôi phụng tờ thông điệp của triều Đại Minh ban cho nhà vua. Vậy nhà vua hãy đem số lương thực đủ quân sĩ dùng trong 5 tháng, và khí giới cùng voi trận tới yết kiến, rồi nhận tờ điệp văn về thi hành, để khỏi phải bắt giải. Nếu không tuân mệnh, lập tức sai nước Xa Lý và Lão Qua hợp quân 6 nước tiến đánh”.

Vua nước Ai Lao sợ hãi, xin tuân mệnh trên. Hoàng đế nhờ được lương thực và quân dụng đó, nên thế quân lại trở nên phấn chấn.

Ngày mồng 4 tháng 4 (năm Mậu Tuất), Hoàng đế kéo quân về Lam Sơn, trao rất nhiều vàng bạc cho Tướng Trịnh Đồ, Trịnh Khả và Lê Lôi, đem đút lót cho Tướng nhà Minh là Trần Trí, Sơn thọ và Mã Kỳ, [tờ 12b] để cầu được hoãn binh.

Ngày mồng 9 (tháng 4 năm Mậu Tuất), người Minh cất quân đánh vào Lam Sơn, Hoàng đế bỏ Lam Sơn lui quân và đóng tại Lạc Thủy, rồi đặt phục binh sẵn để đợi địch.

Ngày 13 (tháng 4 năm Mậu Tuất), quả nhiên quân địch kéo đến, phục binh nổi dậy xung đột; 4 Tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân và Lê Lý xông lên trước hãm trận, chém đầu hơn 2.000 tên địch, thu được hàng mấy nghìn chiến lợi phẩm.

Ngày 16 (tháng 4 năm Mậu Tuất), tên bầy tôi phản bội của ta là Thượng Ái, dẫn quân Minh do đường tắt đánh úp vào sau quân ta, và bắt hết vợ con binh sĩ. Quân sĩ đâm chán nản, mất hết tinh thần chiến đấu. Hoàng đế bèn thu quân cùng với Lê Le, Phạm Hướng, Đỗ Bí, Nguyễn Xí và Lê Đạp, tạm náu ở núi Linh Sơn, hơn 3 tháng trời, chỉ dùng võ măng tre và rễ cỏ làm bửa ăn khỏi đói.

Sau khi địch đã lui binh, Hoàng đế lại trở về Lam Sơn, đắp đồn lũy và chiêu tập tàn binh, được chừng trăm tên, dựng trại sách ở xứ Mang Khao. Ngài vỗ về tướng sĩ, chỉnh đốn hàng ngũ và khí giới, quân nhu cũng khá đầy đủ, lúc ấy lòng quân lại phấn khởi, đều xin tình nguyện thù tử chiến đấu. Hoàng đế biết là quân sĩ có thể dùng được, bèn đặt phục binh ở Mang một, rồi sai độị khinh binh ra khiêu chiến, quân địch tiến tới chỗ hiểm, phục binh liền dùng nỏ bắn tên tẩm thuốc độc ra như mưa, quân địch thua chạy tán loạn. Hoàng đế lại tiến quân tới Mang Ninh, ngày đêm tiến đánh, quân địch bị tổn hại, phải lui về giữ một xã Nga Lạc Hạ.

Năm Kỷ Hợi (1419), niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 17, tháng 4, Hoàng đế tiến quân đóng tại trại A Đả, đánh nhau với quân Minh ở xứ Nghĩa Canh, bắt được viên Chỉ huy là Nguyễn Sao và chém đầu 300 tên địch.

Tháng 5, Hoàng đế đóng dồn quân ở trại Đà Sơn, đặt phục binh ở Mang Chánh, đánh đuổi đước quân địch, rồi dời quân đến đóng tại trại Lưu Sơn, [tờ 13b] được nước Ai Lao đem quân lại giúp, lại dời tới Mang Thôi đóng đồn.

Mùa thu, tháng 7, viên Tri phủ Phan Liêu là Thổ quan tỉnh Nghệ An phản nhà Minh, người Minh dẫn quân vây thành Nghệ An, Tổng binh Phong thành hầu là Lý Bân cũng dẫn quân lại cứu, Phan Liêu thua chạy sang nước Ai Lao, Lý Bân đuổi đến châu Ngọc Ma, không đuổi kịp dẫn quân về. Thổ quan Lộ văn tú là Tướng tiền phong của Lý Bân lại phản, bỏ đi.

Tháng 11, các tướng giặc: Trịnh Công Chứng, Phạm Hỉ, Nguyễn Trì và Nguyễn Cấu ở các hạt: Hạ Hồng, Tân Minh, Khoái Châu và Hàng Giang, đều khởi binh kéo đến sông Nhị Hà đánh phá cầu nổi, Lý bân sai tướng sĩ đánh phá, giặc đều thua chạy tán loạn. Lúc ấy, các lộ miền Bắc, nơi nào cũng có giặc nhiễu loạn, duy Tam giang, Qui hóa và Tuyên quang được yên ổn thôi. Bởi thế, người Minh không có thì giờ để ý đến Thanh Hóa.

[tờ 14a] Năm Canh Tý (1420) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18. Mùa xuân, tháng 2, Lý Bân dẫn quân trở về Đông Quang.

Mùa hạ, tháng 4, Lộ Văn Luật khởi binh ở huyện Thạch Thất, Lý Bân đánh tan, Văn Luật chạy sang nước Ai Lao.

Tháng 6, triều Minh sai Vĩnh Xương Bá là Trần Trí đóng giữ Đông Quan.

Người đất Phụng Hóa là Trần Văn Xung và người đất Đồ Sơn là Phạm Ngọc Giai đều khởi binh phản nhà Minh, Lý Bân đánh phá tan cả.

Người ở Tràng Cảng thuộc huyện Thủy Đường là Lê Ngã đổi tên ra Dương Củng, trá xưng là con cháu xa của vua Trần Duệ Tông, tự nước Lão Qua trở về, Bế Thuấn ở Đan Ba thuộc núi Đan làm Phụ đạo, dựng Ngã làm chúa, đóng trại Hồng Doanh ở An Bang. Dư đảng của Trịnh Công Chứng và Phạm Ngọc đều qui phụ, quân số có tới vài vạn. Tự xưng là Thiên Thượng Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên, đặt đủ các chức quan, rồi chia quân đánh đốt thành Xương Giang; cướp trại Bình Than. [tờ 14b]. Lý Bân dẫn đại binh tới đánh, Lê Ngã và Bế Thuấn thua chạy trốn đi lúc ban đêm. Không biết đi đâu.

Người hạt Kiến Xương là Nguyễn Thuật đánh quân Minh ở Hoàng Giang, giết viên Tham chánh là Hầu Bảo.

Tháng 10, Tướng Minh lại kéo đại quân tới. Hoàng đế tính trước: Chúng sẽ đến Bổng Tân vào khoảng giờ Tỵ (15 giờ), bèn đặt sẵn phục binh để chờ. Đúng giờ tỵ, quả nhiên quân địch tràn tới đó, 4 mặt phục binh đều chỗi dậy xông đánh, quân địch tan vỡ, ta giết chết và bắt sông vô kể, thu được hơn trăm con ngựa, và phóng lửa đốt hết khí giới của chúng.

Ngày hôm sau, Hoàng đế bảo các Tướng lãnh rằng: “Quân địch vừa mới thua trận, tất nhiên chúng để tâm đề phòng cẩn mật. Vậy ta không nên giao chiến”.

Nhưng các Tướng đem lòng khinh địch, không tuân theo, cứ tiến đánh. Quả nhiên bị tổn thương rất nhiều! Bèn lưu binh ở Nang Ninh, rồi lại lui binh về giữ Mang Thôi.

Phụ đạo châu Quì là Cầm Lan hướng đạo cho [tờ 15a] Trấn Thủ nhà Minh là Lý Bân và đô đốc là Phương Chánh, dẫn hơn mười vạn quân theo đường châu Quì vào đánh ta. Hoàng đế sai Lê Hướng và Lê Lý đem mấy nghìn khinh binh đi trước tiên, để đón đường chặn đánh, rồi đặt phục binh ở Bồ Mộng để đợi. Khi quân địch tới, ta đánh phá đại thắng! Nhưng quân địch ỷ vào thế mạnh, vẫn cứ tiến quân, địch đánh thẳng tới doanh trại của Hoàng đế. Hoàng đế tiên liệu, đã đặt sẵn phục binh ở các lối hiểm yếu. Ngày hôm sau, quân giặc kéo tới, ta dồn quân đánh úp ở Thi Lang, đại thắng! Chém đầu hơn ba nghìn tên địch, Lý Bân và Phương Chánh chỉ chạy thoát thân lấy mình thôi. Ta thừa thắng đuổi dài suốt ba ngày đêm mới ngừng, rồi tiến đóng trại Ba Lẫm ở Suối Giang, dẫn quân khiêu chiến. Các Tướng nhà Minh tại đồn Tạ Phượng, đồn Hoàng Thành và trại Nga Lạc, đều giữ trại Quan Du để phòng bị cho thành Tây Đô, cố thủ trong trại, không chịu ra đánh, [tờ 15b] Hoàng đế ngày đêm dồn quân vây đánh các đồn, chia tướng Lê Hào và Lê Sát dẫn quân đánh úp trại Quan Du, phá tan quân địch, chém đầu hơn vạn tên, thu được rất nhiều khí giới. Tự đấy, thế địch một ngày một suy. Nhân dân các xứ trong nước, không nơi nào là không hưởng ứng Hoàng đế.

Năm Tân Sửu (1421) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 19, ngày 20 tháng 11. Tham Tướng nhà Minh là Trần Trí, đem hơn mười vạn vệ quân ở Giao Châu, đánh trại Ba Lãm ở ải Kình Lộng Hoàng đế bàn với các Tướng rằng:

“Hiện tình, bên địch nhiều quân, bên ta thì ít, bên địch hành quân vất vả, mà bên ta thì quân sĩ được thảnh thơi. Binh pháp có câu rằng: “Sự thắng địch cốt ở Tướng giỏi, chứ không quan hệ ở số quân nhiều hay ít”. Nay chúng ta tuy nhiều quân, nhưng ta dùng quân được thảnh thơi đánh quân vất vả, nhọc mệt, thì tất phá được”.

[tờ 16a] Tối hôm ấy ta chia quân đánh úp các ngả, quân sĩ hò la vang động, đánh phá được 4 trại, chém đầu hơn nghìn quân địch, thu được rất nhiều chiến lợi phẩm.

Thần Trí lại phá núi mở đường tiến quân đánh ta, Hoàng đế ngầm đặt phục binh các nơi hiểm yếu ở xứ Úng Ải để đợi. Đến giữa trưa, quả nhiên Thần Trí dẫn quân do đường núi tới, bị hai cánh quân ta đánh vào hai bên, Thần Trí thua trận dẫn quân lui.

Thời ấy, nước Ai Lao cường thịnh, Hoàng đế giao thiệp thân thiện, thỉnh thoảng có đưa quân sang giúp ta. Chỉ vì thổ quan Lê Văn Luật trốn chạy sang đấy, đem lời gièm pha, nên vua Ai Lao sinh lòng oán giận. Đến đây, ta đang chống cự với quân Minh, chưa phân thua được, thì bổng Ai Lao đem

50.0 quân và 100 con voi đến đóng tại phía trước trại Hoàng đế, nói là lại giúp ta. Hoàng đế yên chí vẫn thân thiện, không ngờ là khi trá, bèn ước hẹn cùng hợp đánh quân Tàu.[tờ 16b] Đến nửa đêm, ta bị quân Ai Lao đánh úp! Hoàng đế thân tự đốc chiến, đánh rất hăng hái, tự giờ tý (1 giờ sáng) đến giờ mão (5 giờ sáng), đánh tan quân Ai Lao, chém đầu hơn vạn tên, thu 14 con voi và hàng vạn chiến lợi phẩm. Ta thừa thắng đánh đuổi bốn ngày đêm, đến tận sào huyệt chúng. Tù trưởng là Man Sát xin hòa, ta không nghe. Bình chương là Lê Thạch Kinh tiến đánh trước, trúng phải chông nhọn, chết.

Năm Nhâm Dần (1422) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 20, tháng 2, quan tổng binh nhà Minh là lý Bân

chết.

Ngày 21, tháng 12, Ai Lao đem quân đến Kiệt Mang dựng trại kết trận, Thiếu úy là Lê Chích đánh

lui.

Mã Kỳ ước hẹn với Ai Lao cùng đánh ta ở Quan gia, quan quân giao chiến mấy trận, thường bị tổn thất [tờ 17a] bèn lui quân về đóng tại Khối Sách, ủy lạo quân sĩ, tu sữa khí giời, được 7 ngày thì quân Minh kéo đến, Hoàng đế bảo Tướng sĩ rằng:

“Hiện giờ bị quân địch bao vây bốn mặt, ta không còn lối thoát đi đâu được! Đó tức binh pháp gọi là “tử địa” Vậy, phải đánh chớp nhoáng mới sống, nếu chậm trễ sẽ chết”.

Nói xong, ngài sa hai hàng lệ, mọi người đều cảm khích, tranh đua thù tử chiến đấu! Các Tướng Lê Lĩnh, Lê Hướng, Lê Hào và Lê Triện, đích thân xông ra hãm trận, chém đầu tham tướng là Phùng Quí và hơn nghìn quân, thu được hơn trăm con ngựa, Mã Kỳ và Trần Trí chạy về Đông Quan, quân Ai Lao cũng trốn về. Hoàng đế bèn thu quân về núi Chí Linh. Ở đây thiếu lương thực, trong 2 tháng trời, quân sĩ toàn ăn rau cỏ và măng tre, phải giết bốn con voi và một số ngựa để quân sĩ ăn. Thường có quân bỏ trốn, [tờ 17b]Hoàng đế kiểm soát rất nghiêm nhặt, bắt được viên Tướng bỏ trốn là Thượng Khanh, đem chém đầu để làm gương, tự đấy quân sĩ lại nghiêm chỉnh như trước. Lúc này, ta từng trải nhiều phen nguy nạn, Tướng sĩ mỏi mệt, muốn được nghĩ ngơi, đều khuyên Hoàng đế hòa với người Minh, ngài bèn sai thân thần là Lê Vận và Lê Trăn đưa thư đến Mã Kỳ và Sơn Thọ để cầu hòa, bọn Mã Kỳ ưng thuận.

Năm Quí Mão (1423) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 21, ngày mồng 10 tháng 4, Hoàng đế trở về Lam Sơn, Trần Trí và Sơn Thọ thường đem tặng trâu, bò, muối, cá, nông cụ và thóc giống, ngài cũng sai bọn Lê Trăn đem vàng bạc tặng đáp. Nhưng Trần Trí ngờ ta chỉ giả vờ giao hảo bề ngoài, mà bề trong có ý thực đánh úp, nên bắt giữ Lê Trăn không cho về. Hoàng đế bèn tuyệt giao.

[tờ 18a] Năm Giáp Thìn (1424) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 22, mùa thu, tháng 7, vua Thái Tông nhà Minh chết, Thái tử lên nối ngôi Thiên Tử, đổi niên hiệu là Hồng Hưng. Lúc này mới có tờ chiếu đình chỉ việc kiếm vàng bạc và các thứ hương ở Giao Chỉ ta, triệt hồi các viên Giám đốc về công tác trên.

Ngày 20, tháng 9. Hoàng đế hỏi các bầy tôi rằng:

“Nay chúng ta nên tới xứ nào để mưu đồ việc nước”

Thiếu úy Lê Chích đáp:

“Hạ thần thường qua lại tỉnh Nghệ An nhiều lần, nên có biết những nơi hiểm yếu trong tỉnh ấy. Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành tỉnh Nghệ An, hễ ai hàng thì ta phủ dụ, nếu không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể sẽ thành”.

Hoàng đế cho lời bàn của Lê Chích là phải, bèn chia quân đến đánh úp phá thành Đa Căng, số quân địch bị giết và bị chết đuối có tới hơn một ngàn, ngụy Tham chánh là Lương Nhữ Hốt chỉ kịp chạy thoát lấy một mình, ta thu được chiến lợi phẩm vô kể, rồi đốt hết trại thành. Tướng của Cầm Bành là Hoa Anh [tờ 18b] dẫn quân lại cứu, ta lại đánh tan. Hoa Anh thua chạy vào Tây Đô.

Sau khi thắng trận, Hoàng đế sai thả hết các phụ nữ đã bắt được, rồi ở đấy tuyển mộ binh sĩ, seo sửa khí giới, chỉnh đốn hàng ngũ, chứa đủ lương thực, dẫn quân thẳng tới tỉnh Nghệ An, do đường châu Trà Long, vượt qua núi Bồ Lạp thuộc châu Quì.

Đồng Tri là Sư Hựu tướng chỉ huy quân Minh, cùng với tri phủ châu Trà Long là Cầm Bành dẫn

5.0 quân đón đánh vào mắt tiền quân ta; các Tướng Minh là Trần Trí, Lý An, Phương Chánh và Thái Phúc dẫn quân đánh vào mặt hậu quân ta, quân ta bị địch áp bức cả mặt tiền mặt hậu! Hôm ấy, trời sắp tối, Hoàng đế đặt phục binh các ngả rồi ung dung chờ quân địch. Một lát thì Trần Trí dẫn quân đến, quân phục binh ta nổi dậy xông đánh, quân địch tan vỡ, ta chém đầu Đô ty là Trần Quí và hơn hai ngàn sĩ tốt, thu hơn trăm con ngựa, Trần Trí và Phương Chánh bị thua chạy.

Ngày hôm sau [tờ 19a] quân ta đi đến trang Trịnh sơn, gặp cánh quân của Tướng Sư Hựu, ta xông thẳng tới đánh phá, chém đầu Thiên hộ là Trương Bản và hơn nghìn quân sĩ. Sư Hựu chỉ kịp chạy thoát lấy một mình. Hoàng đế bèn đóng quân ở Mộc Sách, còn Trần Trí thì thu vét tàn quân, đuổi ta đến sông Trạm Hoàng, nhưng sợ không dám tiến, trở về giữ thành Nghệ An.

Tháng 11, Hoàng đế sai Sứ Giả chiêu hàng Cầm Bành, Bành không chịu hàng, đem hơn nghìn quân lập doanh trại trên đỉnh núi, để chờ viện binh. Quan quân vây chặt nơi đây.

Tháng 12, Sơn Thọ sai Nguyễn Sĩ đưa Lê Trăn trả về ta để cầu hòa. Số là Trần Thọ và Đức Chính đóng ở Nghệ An, thấy Cầm Bành bị vây, vẫn muốn cứu lắm, nhưng sợ không dám tiến, bèn sai Sứ giả đem thư cầu hòa, xin giải vây. Sau khi tiếp sứ giả, Hoàng đế triệu các Tướng bàn rằng:

“Hiện Cầm Bành bị vây khốn đốn, lẽ ra bọn tên Chánh phải cấp cứu ngay mới phải, thế mà đến nay vẫn còn dùng dằng quanh co. Đó tất là có ý nhát sợ. [tờ 19b] Chi bằng ta hãy cứ vờ bằng lòng hòa, để xem tình thế. Trong khi thư từ qua lại độ một tháng, thì ta đã bắt được Cầm Bành rồi”.

Bàn xong, cho viết bức thư, để lên trên một cái bè, thả cho xuôi dòng, trong thư nói: “Chúng tôi muốn trở về Thanh Hóa, nhưng bị Cầm Bành ngăn chặn. Vậy ông cho người tới giải hòa để thông lối về, rất mong”. Chánh nhận được thư, tin là thật, bèn sai Trần Đức Nhị đưa thư đến Cầm Bành bảo nên hòa giải. Cầm Bành được thư, biết là viện binh không đến, bèn mở cửa thành ra hàng. Sau khi bình định châu Trà Long, Hoàng đế ra lệnh các quân sĩ không ai được xâm phạm một mảy may của dân, còn các quân địch đều được xá tội hết, không giết một người nào. Ngài thưởng lạo các bộ trưởng và tù trưởng, tuyển được 5.000 trai tráng sung vào ngạch binh. Thanh thế trở nên lừng lẫy! (Sau Cầm Bành mưu toan trốn đi, bị giết). Người Minh nghe thanh thế ta phấn chấn, lại tới đánh sơn trại ta, Hoàng đế đánh lui, rồi tiến quân đóng tại cửa ải Khả Lưu, định đánh thành Nghệ An, [tờ 20a] nhưng chưa biết rõ tình thế, nhân gặp hồi vua Nhân Tông nhà Minh mới lên ngôi, sai Sơn Thọ đến phủ dụ Hoàng đế hàng. Ngài rằng:

“Đó chỉ là kế của quân địch lừa dối ta. Nhưng ta hãy nhân đó để thi hành kế sách của mình”.

Ngài bèn cho sứ giả qua lại, để dò hư thực. Sau Sơn Thọ biết là kế của y không ăn thua gì, lại tuyệt hòa nghị. Hoàng đế bèn phát binh đánh Nghệ An. Sắp hành quân thì có tin báo: “Người Minh phái rất nhiều binh mã và thuyền bè, cả thủy binh và bộ binh đều tiến, và sắp tới. Hoàng đế bèn hội các Tướng mà bảo rằng:

“Hiện bên địch rất nhiều quân, mà ta thì ít. Bên ít quân mà muốn địch nổi bên nhiều quân, chỉ có cách giữ lấy cái chỗ hiểm yếu trước, thì mới thành công. Binh pháp có câu: “Thiện chiến giã trí nhân nhi bất tri ư nhân”. Những Tướng tài giỏi, thường bắt buộc đối phương phải đến chỗ mình đã chỉ định, chứ không bao giờ đến chỗ đối phương định.

Nói xong, ngài chia hơn nghìn quân cho Đinh Liệt dẫn đi trước, theo con đường tắt chiếm lấy huyện Đỗ Gia, tranh cướp lấy nơi địa lợi, rồi ngài thân đốc đại quân chiếm đóng ở các cho hiểm yếu, để chờ quân địch. Vừa sắp đặt xong đô 3, 4 ngày, quả nhiên địch dẫn đại quân [tờ 20b] đến cửa ải Lậu Thư và Khả Lưu, chúng đóng trại ở phía dưới dòng nước, Hoàng đế thì đóng ở phía trên dòng nước, ban ngày dựng cờ và thúc trống ầm ầm, ban đêm thì đốt đèn đuốc sáng choang trong trại, rồi ngầm sai binh mã qua sông phục nơi hiểm yếu. Trời sắp sáng, địch dẫn quân đánh vào trại ta, Hoàng đế vờ thua chạy lui, dẫn địch vào ổ phục binh, bốn mặt phục binh đều dhỗi dậy xông phá, có hàng vạn quân địch bị giết và chết đuối! Thua trận này, chúng bèn lập trại tựa vào thế núi để đóng quân, mà không chịu ra giao chiến nữa.

Lúc này, bên địch lương thực dồi dào, mà lương thực bên ta thì chưa đủ để quân sĩ dùng trong 10 ngày. Hoàng đế bảo các tướng sĩ rằng:

“Giặc cậy nhiều lương, nên cứ cố thủ trong trại, không chịu ra đánh. Đó là chúng định lập cái kế lâu dài vậy. Ta ít lương thực, không có thể cầm cự lâu dài với chúng được”.

Ngài bèn sai tự đốt hết các doanh trại, vờ như trốn lánh, rồi đi ngầm ra lối tắt. Quân địch thấy vậy rất mừng, liền tiến quân đóng vào doanh trại cũ của ta, và đắp thêm đồn lũy lên trên núi.

Ngày hôm sau, Hoàng đế [tờ 21a] ngầm đặt phục binh ở Bồ Ải, rồi sai đội khinh kỵ đến khiêu chiến. Địch không hay biết, liền dẫn hết quân ra ứng chiến, đến Bồ Ải trúng ổ phục binh, quân phục binh liền chỗi cả dậy, các viên dũng Tướng: Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh le, Lê Xý, Lê Đạp, Lê Triện, Lê Bôi, Lê Nhân Chú, Lê Chiến, Lê Tông Kiều và Lê Khôi đều tranh đua xông trận trước, đánh phá quân địch chém đầu vô kể, thây địch lấp sông, khí giời đầy đường, thuyền bè trôi ngang. Bắt sống Đô ty là Chu Kiệt, chém Tướng Tiền phong là Hoàng Thành, bắt sống chừng nghìn quân. Trần Trí và Sơn Thọ chạy về tỉnh Nghệ An, cố thủ trong thành.

Năm Ất Tỵ (1425) niên hiệu Hồng Hưng thứ nhất (tự tháng 11 năm này trờ xuống, là niên hiệu Thiên Khánh thứ nhất vua Trần Cao thời Hậu Trần). Mùa xuân, Hoàng đế tiến quân đóng tại làng Mỹ Lôi huyện Thổ Du (nay là huyện Thiên Lộc) tỉnh Nghệ An [tờ 21b] các người già trẻ trong làng, đều mang rượu thịt ra đón mừng tướng sĩ, và cùng bảo nhau rằng:

“Không ngờ ngày nay chúng ta lại được trông thấy uy nghi nước nhà”.

Viên tri phủ châu Ngọc Ma là Cầm Quí, dẫn hơn 8 nghìn quân và 10 con voi về hàng Hoàng đế, được ngài phong cho chức Thái úy. Hoàng đế hạ lệnh rằng:

“Nhân dân ta lâu nay đã khốn khổ về chánh trị bạo tàn của người Minh! Vậy quân sĩ đến châu huyện nào, cũng không được xâm phạm của dân một mảy may. nếu không phải là trâu bò thóc gạo của ngụy quan, thì dù có thiếu thốn cũng không được lấy”.

Lúc ấy, quân sĩ có người ba ngày chưa được một bữa ăn, mà không ai dám phạm lệnh trên! Về phần nhân dân, thì ai nấy cũng đem những trâu bò thóc gạo của người Minh đã chứa tích ra để tiếp tế quân sĩ ta. Hoàng đế chia quân đi thu phục các châu huyện, quân ta đến châu huyện nào, chúng cũng ra hàng tức khắc, ngài bèn vây thành Nghệ An, địch cố thủ trong thành, không dám ra giao chiến.

[tờ 22a] Hoàng đế huấn luyện Tướng sĩ, tu sửa khí giới, trong một tuần chiến cụ đầy đủ, ngài bèn duyệt vũ nghệ, dạy quân sĩ biết các phép: Ngồi, đi, đánh và đâm; chỉ cho biết các thế: Kỳ, chính, chia và hợp; lại cho biết các hiệu lệnh về chiêng, trống, và lá cờ để biết lệnh tiến lệnh lui. Đội ngũ nghiêm chỉnh, thưởng phạt công minh, quân sĩ đều hăng hái, nhân dân cả vùng dắt díu qui phục đông như người về chợ. Hoàng đế ủy lạo vỗ về, ai ai đều hoan hỉ.

ngày 15, tháng 4, tham Tướng nhà Minh là Lý An tước An bình bá, dẫn thủy quân tự Đông Quan lại cứu thành Nghệ An. Hoàng đế tính: Trần Trí bị vây khốn đã nhiều ngày, bây giờ có viện binh tới, y tất nhiên ra đánh. Ngài bèn dời quân đến tại cửa sông Quật Giang thuộc huyện Đỗ Gia, sai Lê Ninh dẫn binh phục nơi bờ sông.

Ngày 17, địch dẫn hết quân trong thành ra [tờ 22b] đánh trại Lê Thiệt của ta, chúng mới qua sông được nửa số quân, bị phục binh chỗi dậy đánh phá, chém hơn mười thủ cấp. quân địch bị chết đuối rất nhiều. Trần Trí chạy vào trong thành.

Tháng 5, Hoàng đế sau Tư Không là Đinh Lễ đến châu Diễn, đặt phục binh đón đánh cướp những thuyền lương của Đô Tư là Trương Hùng, ta vừa đuổi vừa đánh cho đến thành Tây Đô. Hoàng đế lại tuyển 2.000 tinh binh sai các Tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Triện và Bùi Bị dẫn tiếp theo làm hậu viên cho Đinh Lễ, đánh úp thành Tây Đô, chém hơn năm trăm đầu quân địch, thu rất nhiều chiến lợi phẩm. Tướng nhà Minh đóng chặt cửa thành cố thủ, Đinh lễ và Lê Triện chiếu tập nhân dân, hợp binh vây thành. Người tỉnh Thanh Hóa đều đua nhau đến cửa quân xin hàng.

Tháng này, vua Nhân Tông nhà Minh chết, Thái tử lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Tuyên Đức.

Mùa thu, tháng 7, [tờ 23a] Hoàng đế hội các Tướng mà bảo rằng:

“Các vị Tướng giỏi thời xưa, thường bỏ chỗ kiên cố mà đánh vào nơi nứt rạn; lánh chỗ xung đột mà đánh vào nơi trống không. Như vậy thì chỉ dùng nửa phần sức lực, mà thu lượm được thành công gấp đôi. Nay hai xứ Thuận Hóa và Tân Bình, mất liên lạc với Nghệ An và Đông Đô đã lâu rồi. Vậy ta nên thừa thời thế tiến đánh hai xứ đó”.

Ngài bèn sai Tư Đồ và Trần Nguyên Hãn, Thượng Tướng quân là Doãn Nỗ, và Chấp lệnh là Lê Đa Bồ, dẫn hơn nghìn quân đi kinh lược xứ Thuận Hóa và Tân Bình, để chiêu phủ nhân dân, bọn Trần Nguyên Hãn đánh phá tướng nhà Minh là Nhiệm Năng ở sông Bố Chánh. Hoàng đế lại sai Lê Ngân, Phạm Bôi và Lê Văn An dẫn thuyền chiến ra ngoài biển, để làm đội quân kế tiếp, liền phá được thành này, quân dân hai phủ trên thảy đều qui thuận, ta thu lọc được vài vạn quân tinh nhuệ, để sung thêm vào binh số, thanh thế rất lừng lẫy! Các Tướng bèn suy tôn Hoàng đế là [tờ 23b] “Đại thiên hành hóa”. Tự đây, trong những tờ Bảng hoặc những tờ Dụ đều nêu bốn chữ này.

Mùa đông, tháng 11, dựng Trần Cao làm vua, đặt niên hiệu là Thiên Khánh. Trần Cao chính tên là Hồ Ông, lánh nạn đến châu Ngọc Ma, mà thổ quan là Cầm Quí đã giả mạo xưng Ông là dòng dõi vua họ Trần. Vì vua triều Minh cho là quốc dân nước ta vẫn còn nhớ họ Trần, cho nên đón Trần Cao dựng nên làm vua, để mượn việc đó trả lời cho triều Minh và sai viên Tả Bọc Xạ là Bùi Quốc Hưng truyền tin này, còn Hoàng đế thì tự xưng một cách khiêm tốn là: “Kiểm hiệu Thái sư bình chương quân quốc trọng sự, đại thiên hành hóa, tứ kim ngư đại kim hổ phù trang võ vệ quốc công”. Ngày 30 tháng 12, là ngày Mậu Tý, làm lễ tâu cáo với các vị Vua và Hoàng hậu thời trước của nhà Trần về việc dựng vua này.

[tờ 24a] Niên hiệu Tuyên Đức (triều Minh) thứ 1, nhằm niên hiệu Thiên Khánh vua Trần năm thứ 2 (1427), thuộc năm Mậu Ngọ. Mùa hạ, tháng 5, vua triều Minh ban tờ chiếu tha tội bạn nghịch cho các quan lại và quân dân nước Giao Chỉ ta; và bãi bỏ hết thẩy các thứ thuế trưng thầu buôn bán các loại: vàng, bạc, đồng, thiếc, sắt, muối, hương và cá. Những loại này để cho người bản xứ tự do mua bán, các quan không được cấm. Tưởng cũng nên biết, trước đây, pháp luật nhà Minh rất hà khắc nghiêm nhặt! Nhân tình không ưa, cho nên mới ban tờ chiếu mệnh này. Nhưng lòng dân oán ghét đã lâu, phần nhiều điều phụ về với quân ta, đại thế không thể kéo trở lại được nữa.

Mùa thu, tháng 8 (năm Bính Ngọ), Hoàng đế tính: Bao nhiêu quân tinh nhuệ của nhà Minh đều đóng ở thành Nghệ An, còn các xứ thuộc Đông Đô, thẩy đều chỉ có một số quân yếu kém. Ngài bèn sai các Tướng thi hành kế sách: Sai Cơ mật đại sứ là Phạm Văn Sảo, Thiếu úy là Lê Triện, Thái giám [tờ 24b] là Lê Khả, Á hầu là Đỗ Bí, Lê Như Thận, dẫn 3.000 quân và một con voi đi chiêu phủ nhân dân các xứ: Thiên Quang, Quảng Oai, Quốc Oai, Gia Hưng, Qui Hóa, Đà Giang, Tam Đới và Tuyên Quang, để ngăn chặn quân cứu viện tự tỉnh Vân Nam (thuộc Trung Hoa) tới; Thông hầu là Lưu Nhân Chú, Thiếu úy là Bùi Bị, Thái giám là Lê Văn, Lê Ninh, dẫn 2.000 quân và 1 con voi đến các xứ: Thiên Trường, Tân Hưng,và Kiến Xương, để chặn con đường chạy trở về của Đức Chính và Lý An khi thua trận. Hai đạo binh này sau khi đã chiếm được đất, liền chia quân đóng giữ các nơi; Nhân Chú, Bùi Bị cùng với Lê Bồi, Lê Vị Tẩu, dẫn 2.000 quân Thanh Hóa và một con voi, đi chiêu mộ nhân dân các xứ: Khoái Châu, Bắc Giang và Lạng Giang, rồi đóng quân giữ các nơi hiểm yếu, để ngăn chặn quân cứu viện do tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (thuộc Trung Hoa) tới; Tư Không là Đinh Lễ Nguyễn Sí và Lê Bì, [tờ 25a] dồn quân tinh nhuệ tiến đánh Đông Đô, để biểu dương thanh thế. Ra lệnh cho các Tướng: Đến đâu đều không được lấy của dân một mảy may. Bởi thế quân đi qua mà chợ vẫn hợp như thường. Các Trấn ở các Lộ thẩy đều hoan nghênh, thi đua đem thịt trâu thịt dê cơm rượu ra khao lạo quân sĩ.

Ngày 12, Lê Triện dẫn 3.000 quân tiến sát Đông Đô, tham Tướng nhà Minh là Trần Trí, thấy quân ta kéo đến một cách bất thình lình! Sợ quá! Bèn dẫn quân ra ứng chiến ở Ninh Kiều thuộc phủ Ứng Thiên, Lê Triện, Lê Khả và Đỗ Bí hết sức chiến đấu. Quân Minh thua, ta chém đầu 2.000 quân địch, rồi tiến quân đến bờ phía tây sông Ninh. Trần Trí thấy thành Đông Quang cô lập nguy cấp, bèn đào hào đắp lũy thêm, để làm kế “cố thủ”, rồi phi một tờ cáo cấp, để vào trong hộp bằng thiếc gởi tới Nghệ An, bảo Lý An và Phương Chánh dẫn quân về cứu nơi cỗi rễ.

Ngày 17 tháng 9, Lý An và Phương Chánh [tờ 25b] để chỉ huy là Thái Phúc ở lại giữ thành Nghệ An, rồi xuống thuyền lẻn ra biển lúc ban đêm. Quan quân ta đã phục sẵn các nơi yếu hại, để chặn đường về của chúng, bởi thế bọn Phương Chánh chỉ loanh quanh ở trong biển, không lên bờ được. Về phần quân ta, lúc ấy hãy còn ít thuyền, khó bề đuổi đánh, nên bọn Phương Chánh chạy thoát. Hoàng đế bèn để Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi, Lê Thận, Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng ở lại vây thành Nghệ An, ngài thì đích thân đốc suất cả thủy quân và lục quân, tiến theoo sau Lý An và Phương Chánh. Khi quân tới Tây Đô, ngài đóng doanh trại tại Lỗi Giang, uý lạo Tướng sĩ; ban thưởng cho các vị phụ lão trong làng và các người thân thuộc trong họ, tùy theo từng hạng. Nhiều người trong các Quận, các Huyện tỉnh Thanh Hóa nghe thấy Hoàng đế tới, đều đến cửa viên tình nguyện theo ngài xông pha ra trận, ngài đều cho dẫn vào bệ kiến, [tờ 26a] rồi tùy tài cho ghép vào các đội binh.

Ngày 20, viên Đô tư tỉnh Vân nam nhà Minh là Vương An Lão dẫn hơn vạn quân tới cứu viện, đi đến cầu Xa Lộc thuộc Tam Giang, Văn Sảo đón đánh phá tan. Địch bị giết và chết đuối tới hơn một nghìn quân, còn thì chạy vào thành Tam Giang.

Lê Triện đánh nhau với Ty Đô nhà Minh là Vi Lượng ở cầu Nhân Mục, đại thắng bắt được Vi

Lượng.

Mùa đông, tháng 10, vua nhà Minh sai tổng binh là Thành Sơn Dật và Vương Thông, giữ chức Tham tán việc quân, cùng với Thượng thư bộ binh là Trần Hợp, và Tham Tướng là Mã Anh dẫn 50.000 quân và 5.000 kỵ binh tới cứu viện. Khi chúng tới Đông Đô, thì hơn vạn quân đạo binh Vân Nam đã đến Tam Giang rồi, và đang xuôi dòng thẳng tiến. Bọn Lê Khả được tin này, lập tức tự Ninh Kiều vội vã tới gấp, đón đánh ngay ở cầu Xa Lộc. [tờ 26b] phá tan được đạo quân Minh này.

Ngày mồng 6, Vương Thông ỷ vào thế mạnh lúc mới đến, bèn suất tất cả 1.000.000 quân, cùng với bọn Trần Hợp, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Lý An, Trần Trí và Phương Chánh, chia làm 3 đạo quân kéo ra ngoài thành, đánh vào trại của Lê Triện và Lê Bí ở bến đò Cổ…[2], Lê Triện bèn cấp báo cho lê Lễ và Lê Sí biết, bọn Lê Lễ dẫn quân tự Thanh Đàm lại cứu, rồi cùng nhau bàn kế dụ lừa quân địch, và cùng hăng say chiến đấu, phá tan quân Vương Thông ở Ninh Kiều Túy Động (việc này có chép ở truyện tiểu sử Lê Triện). Trần Hợp và Lý Lương nhà Minh cùng 50.000 quân chết đuối rất nhiều, ta bắt sống được hơn vạn quân địch, và thu được khí giới, ngựa trâu, vàng bạc của cải rất nhiều, bọn Vương Thông chỉ chạy thoát lấy thân về Đông Quan đóng thành cố thủ. Lê Lễ và Lê Triện [tờ 27a] thừa thắng thẩng tiến vây thành, quân uy lừng lẫy sấm vang! Lúc này Hoàng đế đang hội các Tướng Hải Tây đóng ở Thanh Hóa, nhận được thư báo thắng trận, ngài bèn thân xuất đại quân và 20 con voi thẳng tiến, ngày 11 tới Lũng Giang, các Tướng đón mừng.

Tri Châu châu Bình Chánh là Hà Hoạn bị quân ta bắt, nhưng y chịu chết không hàng.

Vương Thông tự sau khi thua trận, khí giời gần hết, phải phá quả chuông Qui Điền và cái đỉnh Phổ Minh để đúc đạn súng.

Ngày 22, Hoàng đế tiến quân đến Phù Liệt, ngày hôm sau, ngài sai Trần Hãn, Bùi Bị lĩnh 100 thuyền chiến tự sông Đại Lũng bơi ra cửa sông Hác Giang, rồi xuôi dòng thẳng xuống; Đinh Lễ dẫn hơn vạn quân bản bộ đánh vào cầu Tây Dương, ngài thì đích thân cầm quân đánh vào cửa Nam Thành Đại

La. Đến trống canh ba đêm hôm ấy, quân ta đánh cả bốn mặt, rồi phóng lửa đốt những nhà của dân ở bên ngoài thành, binh Tướng của Phương Chánh ở doanh ngoài, [tờ 27b]vội tranh nhau chạy vào trong thành, bị chết ngổn ngang! Ta giải phóng hết những người Việt ta từng bị chúng ức hiếp phải theo, và thu được hơn trăm chiếc thuyền chiến, cùng rất nhiều khí giới đồ đạc. Quân dân vùng này thảy đều qui phụ quân ta. Bọn Vương Thông và các quan 3 Ty đều cố chết giữ thành, để đợi quân cứu viện. Hoàng đế bèn đóng dinh tại Đông Phù Liệt gần đó để uy hiếp.

Sau khi Hoàng đế tới thành Đông Đô 3 ngày, các vị hào kiệt các Lộ; nhân dân các Phủ Huyện; và Tù Trưởng các Trấn kéo nhau đến cửa dinh đông nghịt, thẩy đều tình nguyện giúp sức đánh phá các thành, Hoàng đế cho dẫn các người vào bệ kiến, ngài phủ dụ an ủi và giảng cho biết lẽ lui tới; các sĩ phu và thứ dân đến yết kiến ngài đều niềm nở tiếp đãi đúng lễ, rồi tùy tài cao thấp của từng người, cho liệt vào các chức; ban hành cả thưởng và phạt, để cho mọi người biết sự khuyên răn. [tờ 28a] Ai nấy đều cảm khích.

Chia các lộ và các Trấn ở Đông Đô làm thành 4 Đạo; đặt các quan văn võ trong Triều và ngoài Đạo; đặt chức tuần kiểm ở các cửa biển, để khám xét ngưởi qua lại, và bắt những kẻ phản đảng đã làm quan với nhà Minh, cùng những kẻ ngoan dân có lòng phản bội định đem thư về Trung Hoa.

Lại ban lời dụ rằng:

“Các bậc văn nhân tài tử nào chưa ra làm quan, mà có thể viết thư đưa vào thành Đông Đô, khuyên được Tướng Tá trong đó mở cửa thành ra hàng, hoặc giảng hòa để về nước. Sẽ đặt cách trọng dụng ngay”.

Ban lệnh tịch thu sản nghiệp, vợ con, tôi tớ của bọn ngụy quan (làm quan với triều Minh), lấy thóc lúa sung vào kho dự trữ, để cung cấp quân nhu.

Tháng 12, ra lệnh cấm quân sĩ không được chặt phá cây cối hoa quả, cướp bóc tài sản của nhân

dân.

Quan quân ta vây thành Đông Đô rất gấp. Vương Thông bị cùng quẩn quá! Bèn gởi thư giảng hòa, xin cho được đem hết quân sĩ về Trung Hoa. Hoàng đế rằng:

[tờ 28b] “Binh pháp có câu: “Không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy”.

Ngài bèn bằng lòng cho hòa, và hẹn Vương Thông phải dồn tất cả người và lính ở các thành khác, về hội cả Đông Đô, càng sớm càng hay. Nhưng mới qua một thời gian, có bọn cận thân qua lại với Vương Thông là bọn ngụy Đô ty Trần Phong, Tham chánh Lương Nhữ Hốt, và Đô chỉ huy Trần An Vinh bảo Vương Thông rằng:

“Thời xưa, Ô Mã Nhi thua trận ở sông Bạch Đằng, phải đem quân lại hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho hàng, rồi sai đem các thuyền lớn chở đưa về nước, nhưng lại dùng các người tài lặn làm thủy thủ. Khi thuyền ra tới ngoài biển, chờ khi ban đêm, các người trong thuyền ngủ say, lúc ấy thủy thủ lặn xuống nước, khoan thủng đáy thuyền, làm cho binh Tướng Tàu đều chết đuối hết trơn, không còn một mống”.

Bởi thế, Vương Thông đâm ngờ, lại đắp thêm lũy, đào thêm hào, và gài chông nhọn để làm kế cố thủ [tờ 29a] rồi ngầm sai mấy chục người đem bức thư bọc ngoài bằng sáp ong, lén đi lối tắt để cầu viện binh. Quan quân ta bắt được bọn này, nên Hoàng đế phát ghét về thói tráo trở, ngài bèn sai đặt phục binh khắp bốn mặt bên ngoài thành, để bắt các người trong thành ra vào, tổng số bắt được đã tới hơn 3.000 lính và 5 con ngựa, thì tự đấy Vương Thông đóng thành không ra, sứ giả qua lại cũng chấm dứt.

Hoàng đế sai các Tướng dẫn quân đi đánh các Phủ Huyện: Bùi Quốc Công đánh Đao Kê Thị Kiều; Lê Khả và Lê Văn đánh Tam Giang; Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý và Lê Lãnh đánh Xương Giang; Lê Lưu và Phạm Bôi đánh Khâu Ôn.

Ngày 20, đặt chức An Phủ Sứ vào các Lộ, dùng Đào Công Soạn và Nguyễn Dực cả thảy 24 người sung chức này; đặt chức Viên ngoại lang vào 6 đạo quân, dùng Nguyễn Tông Vỹ cả thảy 6 người sung chức này. Bọn Công Soạn hết thảy đều là [tờ 29b] sĩ tử mới trúng tuyển.

Năm Đinh Tỵ, niên hiệu Thiên Đức thứ 21[3], Mùa xuân, tháng giêng, Hoàng đế tiến quân đóng tại bờ phía Bắc sông Lô, rồi chia quân vây thành Đông Đô: Lê Hướng giữ vây cửa Đông thành, Đinh Lễ giữ vây cửa Nam thành, Thái giám Lê Chửng giữ vây cửa Tây thành, Lê Triện giữ vây cửa Bắc thành. Sơn Thọ sai Thông Sự là bọn Nguyễn Nhiệm gồm 3 người, lại thông tin tức với ta.

Hoàng đế ban chức Hỏa thủ quân trong các Lộ, tùy theo từng hạng; bổ 515 người vào thuộc lại trong Viện Hàn Lâm, và thuộc lại trong bốn Đạo; sai Dương Thái Nhất tu sửa đền thờ Trần Hưng Đạo, cấm không được chặt phá cây cối nơi đây; ra lệnh cho Lộ An Bang nộp gỗ sung và tên bắn bằng tre; ra mệnh lệnh cho các Lộ các Trấn chuyển vận lương hướng tới Xương Giang và Tam Giang, để cung cấp quân lính; ra lệnh cho các Tướng và quan chức các Lộ, phải dò hỏi [tờ 30a] tìm tòi người có tài ba trí dũng, có thể làm chức Thượng Tướng Tư Mã, mỗi viện phải tiến cử một người; ra lệnh cho nhân dân, người nào dâng thóc để cấp phát cho quân, sẽ được phong tước, tùy theo từng hạng.

Viên chỉ huy tỉnh Nghệ An là Thái Phúc đầu hàng ta. Thành Diễn Châu cũng hàng.

Phạm Cự Luyện ở huyện Đường Hào, và Đoàn Lộ ở huyện Cổ Phí, đều dâng kế sách đánh phá thành trì; và cách thức làm phên chiến đấu, xe phá thành và xe ngựa bay. Hoàng đế khen hay, bèn sai các Tướng y theo kiểu mẫu đó để làm các thứ trên.

Ra lệnh cho các xứ phải tôn thờ miếu thờ các vị Công thần thời trước.

Sai người đã đầu hàng là viên Bách Hộ Hà Vượng, mang thư vào thành Đông Quan dụ Vương Thông ra hàng. Sai Tư Mã Tuyên Quang là Lương Thế Vinh và Đề Đốc Phụ Đạo là Ma Tông Kế coi việc đóng thuyền chiến.

Sai Nhập nội Thiếu bảo là Lê Lưu tổng quản việc quân dân các xứ Lạng Sơn và An Bang,[tờ 30b] xuất quân đánh thành Khâu Ôn, rồi chia quân đóng giữ các chỗ hiểm yếu nơi ấy, và cho Lê Lưu được quyền “tiên trảm hậu văn” (mỗi khi kẻ nào phạm pháp, được quyền chém đầu kẻ ấy ngay, rồi sau mới tâu lên vua).

Mời viên Nhập nội thiếu phủ là Lê Chích ở Nghệ An về Đông Đô.

Phong cho viên Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi chức “Triều liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm Cơ Mật viện”. Hoàng đế sai dựng một cái lầu mấy tầng trong dinh Bồ Đề, hằng ngày ngài ngự tại từng lầu trên cùng, để trông vào thành bên địch, cho Nguyễn Trãi ngồi ở tầng lầu dưới, để bàn luận cơ mưu hầu ngài, và thảo những thư từ gởi đi, xét những thư từ gởi tới.

Ngày 13, Lê Lưu và Phạm Bôi đánh chiếm được thành Khâu Ôn, người Minh bỏ thành chạy trốn vào lúc ban đêm.

Viên Tư mã là Lê…[4] cậy có chiến công [tờ 31a] thường thốt ra những lời khinh nhờn. Hoàng đế sai giết chết, và tịch thu gia sản. Viên Thiên hộ là Lý Vân, và Tòng nhân là Bùi Vĩnh, lấy trộm muối chở vào thành Chí Linh, ngài cũng sai giết cả. và đều bị tịch thu gia sản.

Ra lệnh kiểm điểm khí giới của binh sĩ, kẻ nào thiếu, sẽ trị theo quân luật.

Ra lệnh cho tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lạng Sơn nộp vỏ cây gai, để dùng vào việc quân. Ra lệnh cho huyện Tân Phúc mở lò rèn sắt.

Sai viên Tư mã Tổng đốc Trấn Thiên quan là Cao Ngự dẫn quân vây thành Cổ Lộng, và cho ông được quyền “tiên trị hậu văn” (mỗi khi kẻ nào phạm pháp, được quyền trị tội ngay, rồi sau mới tâu lên vua), rồi sai các Tướng đóng đồn giữ nơi đây: Lê Vấn đóng đồn tại cửa Đông thành Đông Quan; Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Lý và Lê Chích đóng đồn tại cửa Nam; Lê Bị đóng đồn tại cửa Tây; Lê Triện và Lê Văn An đóng đồn tại cửa Bắc.

Ra lệnh cho các xứ : Tam Giang, Tam Đới, Tuyên Quang và Qui Hóa nộp thứ tre [tờ 31b]nứa, dựng bức thành ở dưới nước, vào phía bờ bên Bắc sông Nhĩ Hà.

Lê Chích đánh chiếm được thành Đao Kê, viên Chỉ huy là Trương Lân và viên Tri phủ là Trần Vân ra đầu hàng.

Chế tạo súng Tương dương, để dùng vào việc đánh phá thành trì.

Ra lệnh cho người trong nước: Người nào có cha mẹ vợ con, anh em, tôi tớ hoặc họ hàng, đã trót theo quân địch ở trong thành, cho phép tự nguyện đến ghi tên[5], chờ sau khi phá được thành, sẽ chiếu đó giao cho đưa về gia đình. Nếu không khai, đến khi thành phá, lại tư túi tranh nhận xin về chung sống, sẽ trị tội theo quân luật.

Ban cho các viên Phụ đạo ở các Xứ chức Thủ ngự đoàn luyện, phẩm tước tùy theo từng hạng.

Ngày 7, tháng 2, Thiếu úy là Lê Triện, đánh nhau với Tướng nhà Minh là Phương Chánh ở Khỏa Động, Triện bị tử trận, Đỗ Bí thì bị giặc bắt.

Ngày 19, quân Minh đánh đồn Bài Sa Đôi thuộc huyện Từ Liêm, quan quân đóng vững cửa thành và cố sức chống cự, tới khi hết tên đạn [tờ 32a] phải lấy cả vò lọ và gạch nấu bếp liệng ra, quân địch không tiến nổi, sau phải giỡ nhà của dân chất đống lại, phóng lửa đốt theo chiều gió, rồi kéo nhau bơi lội qua sông, bị chết đuối khá nhiều. Duy đạo quân Thiên quan không biết bơi lội, ở lại thù tử chiến đấu, quân địch phải thua chạy.

Lê Chích dẫn quân vây đánh thành Thị Kiều, Tướng nhà Minh là Vương Đường và Bảo Trinh ra

hàng.

Hoàng đế sai Nguyễn Trãi đi cùng với người đã hàng là viên chỉ huy họ Tăng đến thành Tam Giang chiêu dụ (khuyên hàng).

Sứ thần nước Chiêm Thành lại nước ta dâng cống hiến, Hoàng đế đãi yến, khi trở về ngài lại ban cho lụa vải và con ngựa, và sai Thiêm tri khu mật là Hà Lật đi cùng với sứ giả tới Chiêm Thành để tuyên bố ủy lạo.

Ra lệnh các Tướng Tá lại bắt đầu lập công mới. Tự các vị đại thần tới chức Thái úy, ai có công lớn được thưởng “kim phù”, thì được hưởng thuế một Quận; các viên Chấp lệnh có công được hưởng một Ấp; các viên Đốc Tướng và quân nhân có công [tờ 32b] cũng được hưởng một Quận hoặc một Ấp, tùy theo từng hạng. Những vị nào không có công thưởng, thẩy đều giáng xuống hạng dân thường.

Ban tờ chiếu cho các điạ phương, nơi nào có Lăng Miếu của các vị vua thời trước, mà bị người Minh phá hủy, thì quan chức nơi ấy phải tu sửa lại, và phái người trông coi; mỗi Lăng mấy người, tùy theo từng hạng.

Tháng 3, duyệt binh ở Vĩnh Động, hàng ngũ đội binh của viên Chánh đốc là Nguyễn Liên Khiếm Khuyết, khí giới lại không tề chỉnh, liền chém đầu Nguyễn Liên để làm gương.

Phong chức Thượng thư bộ lễ, và Kiêm Tư đông đạo quân dân bạ tịch cho Bùi Ư Đài.

Ra lệnh cho ba quân: Kẻ nào có chí hi sinh về việc nước, mà tinh thông võ nghệ, có sức mạnh, tính quả cảm, đều được tự đến tiến thân, sẽ tuyển vào đội thị vệ nơi Nội phủ.

Ngày mồng sáu , viên chỉ huy sứ nhà Minh là Lưu Thanh tại thành Tam Giang ra hàng. Lưu Thanh vẫn sẵn có chí qui phụ ta. Nguyên hồi trước, người Tam Giang theo viên tổng binh nhà Minh [tờ 33a] đi đánh Thanh Hóa, bị thua trở về, bọn người bản xứ có những kẻ nói những lời hỗi xược, Lưu Thanh liền mắng rằng:

“Thằng mán vô lễ! Người ấy sẽ là vị Hoàng đế của chúng mày đấy”.

Đến đây Lưu Thanh ra hàng. Cách đây một thời gian ngắn, hơn vạn hàng binh các thành khác hợp nhau làm phản, việc vỡ lỡ, đều bị giết hết, chỉ có binh sĩ thành Tam Giang không dự việc này.

Ngày mồng 8, viên Tư Không là Đinh Lễ và Thượng Tướng quân là Nguyễn Sí, đánh nhau với Tướng nhà Minh là Vương Thông ở Mỵ Động, bị thua, Đinh Lễ tử trận, Nguyễn Sí bị địch bắt.

Phong chức Hành quân quản đốc nhập nội đại tư mã cho Thông hầu là Lưu Nhân Chú, và được quản lĩnh 4 Vệ: Tiền, Hậu, Tả, Hữu, lại được biết tới các việc quân trong Tân Vệ.

Ra lệnh cho Tướng Tá và quân nhân trong hạt Quốc Oai, Tam Đới: Người nào bắt được tờ thư của giặc, nội dung toàn những lời lừa dối dụ dỗ, cốt để mê hoặc lòng người, mà chỉ đem thư ấy trình riêng [tờ 33b] lên viên Tướng trong bộ mình, sẽ bị chém đầu. Viên Đốc Tướng trong các đội ấy, mà không xét tới việc ấy, cũng bị đồng tội. Kẻ nào phao lời mê hoặc tại các Châu Huyện, thì bắt ngay dẫn giải tới cửa quân, chém đầu.

Bố trí những quan nhà Minh đã đầu hàng vào các Xứ: Thanh Hóa, Nghệ An, Lam Ấp, và Tân Bình.

Ra mệnh lệnh cho các Lộ, phải tiến cử những người anh tuấn hiền tài có trí dũng và ngay thẳng, sẽ vời vào triều đình đối đáp xử dụng. Nếu trong hạt có người hiền trên, mà các quan ẩn giấu không tiến cử, sẽ bị giáng chức hoặc cách chức.

Ra lệnh cho chức Thiếu úy giữ lệnh giám sát trong quân ngũ: Lúc ngày thường, có tên lính nào phạm pháp, không được tự ý giết ngay. nhưng khi lâm trận, tên lính nào trái lệnh, được quyền chém đầu ngay, rồi sẽ tâu lên vua.

Ngày 19, thành Thị Kiều đầu hàng. Vua ra lệnh:

“người trong nước, ai có vợ con hoặc anh em đã bị quân giặc ở các thành cướp bắt làm vợ, làm thiếp, hoặc làm tôi tớ, nay đã ra hàng, mà có thể cùng nhau đánh vào thành Đông Quan, [tờ 34a] kẻ nào chém được đầu giặc, hoặc bắt được giặc, sẽ tra hỏi người thân thích giao cho về nhà, và vẫn được thưởng cấp bậc, tùy theo từng hạng”.

Cấm các người đồng cốt không được hành nghề tả đạo, giả xưng tà ma quỷ thần, đem những lời phù phiếm cổ động, mê hoặc lòng người.

Ra lệnh cho những nhân dân lưu tán được về nguyên quán, kẻ nào chăm chỉ cày cấy ruộng nương, đều cho được giao dịch mua bán, kẻ nào hoang phế việc nông, sẽ trị tội nặng.

Sai người Minh đã đầu hàng là Châu Sài đem 340 con ngựa đến Hóa Châu chăn nuôi.

Ra mệnh lệnh cho các đạo quân, luyện tập thủy chiến.

Ra mệnh lệnh cho các viên Thiếu úy, chọn những con nhà giàu, lấy hạng thân thể to lớn; tinh thông nghề võ; có sức mạnh, lại có chí quả quyết, mỗi viên hãy chọn 200 như trên, để sung vào đội Thị vệ.

Vì Đào Lý Khánh tư thông với giặc[6].

Cấm viên chức coi kho muối, [tờ 34b] không được tự ý đem muối thông dụng.

Tháng này (tháng 5 Đinh Tỵ), nhà Minh sai viên Thái Tử Thái Phó, tước An viễn hầu là Liễu Thăng, mang quả ấn Chinh lỗ phó tướng quân, và Thượng thư hộ Binh là Lý Khánh giữ chức Tham tán quân vụ, dẫn 70.000 quân trong các tỉnh Kinh Hồ, Tích Giang và Phúc Kiến, do đường tỉnh Quảng Tây tới đánh ta; viên Thái phó tước Kiềm quốc công là Mộc Thạnh, mang quả ấn Chinh nam tướng quân, đem

50.0 quân Vân Nam, do đường tỉnh Vân Nam tới đánh ta.

Mùa hạ, tháng 4. sai viên Phòng ngự là Trần Ban quản đốc công tác tu sửa cửa ải Lê Hoa, để phòng ngăn quân Vân Nam.

Hoàng đế hạ lệnh rằng:

“Ta không có tài dũng và trí tuệ, thế mà một mình giữ trách nhiện trọng đại này, sợ không đương nổi. Bởi thế, nên ta vẫn thường khoanh tay cầu người hiền, nghiêng lòng tôn kẻ sĩ, để cùng mưu toan việc lớn, cứu vớt dân này. Vậy ai tiến cử những bậc có cơ mưu võ dũng hơn người, [tờ 35a] hoặc đích thân tự tiến, ta sẽ phong cho tước Thượng Khanh”.

Ghi chép công các người đã khó nhọc về việc nước: Phong chức Thái úy cho em trai Lê Lễ là Đinh Liệt ; phong chức Quan sát sứ cho thân phụ Lê Triện là Lê Ba Lao; phong chức Phòng ngự sứ cho con Lê Triện là Lăng[7].

Sai bam lời dụ khuyến khích các Tướng sĩ trong 14 Vệ Thiết đột, phải đồng lòng đánh quân giặc; lại sai ban lời dụ cho các Tướng sĩ trong 3 Lộ; Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa, phải gắng sức dẹp giặc.

Hoàng đế hạ lệnh cho các Tướng các quân rằng:

“Người Minh tàn hại dân ta đã hơn 20 năm nay. Buổi đầu số quân của ta có hơn trăm vạn, sai để 35 vạn chờ đánh phá thành Đông Quan, cho 25 vạn về làm ruộng, lưu vài chục vạn làm quân phòng ngự việc nước. bây giờ_phải lấy thêm quân, cứ nhà nào có 3 người thì lấy 1 người làm lính. Còn các thứ thuế và tạp dịch đều miễn cho 3 năm. [tờ 35b] Lại tuyên bố 10 điều quân luật cho quân sĩ biết.

Cho viên Thiếu bảo là Lê Văn An được quyền tổng tri việc quân trong 4 Lộ: Quốc Oai, Thượng Trung, Tam Đối, và Quảng Oai.

Ban 3 điều răn cho các quan văn và võ:

1. Không được vô tình.

2. Không được dối trá, khinh nhờn.

3. Không được gian tham.

Sai ban lời dụ cho các hào kiệt trong thiên hạ rằng:

“Hiện nay đã phá được nhiều thành quân địch, duy còn thành Đông Quan vẫn chưa hạ được. Bởi thế, ta ngũ không yên giấc, ăn không biết ngon,đêm ngày lo nghĩ, Vã lại ta chưa được người hiền tài phụ tá. Ta tuy là chủ Tướng nhưng tự xét:

1. Già yếu không có tài năng;

2. Học thức nông hẹp;

3. Trách nhiệm nặng nề khó đương nổi.

“Thế mà các vị đại thần giúp đỡ, chưa có người đặt vào chức Tướng Quốc, chức Thái phó và Thái bảo; chức Thái úy, chức Đô nguyên soái cũng còn thiếu; các chức Hành khiển [tờ 36a] và các quan khác, mười phần mới có một hai. Thế cho nên ta thành thực khuyên mong các vị hào kiệt gắng sức giúp ta, để cứu vãn nhân dân, không nên ẩn mình giấu bóng, để cho thiên hạ phải chịu cảnh khổ lầm than này mãi. Hoặc có vị nào muốn giữ tiết tháo cao siêu như tứ hạ[8]; trốn lánh công danh như Tử Phòng[9], cũng nên vì dân, hãy ra cứu nạn, chờ sau khi thành công mà muốn toại chí nguyện, lúc ấy sẽ về ẩn nơi rừng núi, ta không cưỡng ép”.

Ra mệnh lệnh cho các Tướng giữ đồn ải, phải xét hỏi gắt những người qua lại vận sắt phục lạ, và xét những thư từ các biên thùy đưa về, xem thực hay giả.

Tháng 5, ra mệnh cho mọi người tục nạp văn bằng của người Minh đã phong cho, và xét kỷ dấu ấn trong văn bằng đó có đúng không.

người ở hạt Bố chánh là Nguyễn Tử Hoan hiến kế sách, Hoàng đế vừa ý, ngài bèn phong cho ông chức Quân sư.

Ra mệnh cho các viên Thiếu úy và quan các Lộ, phải tìm tòi hết văn bằng của các ngụy quan, (làm quan với giặc) và tịch thu tài sản trâu bò vợ con đầy tớ của các ngụy thổ quan và ngụy thổ quân [tờ 36b] để nộp, cho phép được nộp tiền chuộc tội, để lấy tiền cấp cho quân sĩ.

Sai tuyển nhân đinh, chọn lấy những người khỏe mạnh, để bổ thêm vào hàng ngũ quân đội.

Bọn Vi Báo tại châu Tư Lăng thuộc phủ Tư Minh ra đầu hàng ta.

Các Tướng đánh nhau với quân Minh ở Từ Liêm và Cơ Xá, đều thắng trận, đều được ban thưởng tùy từng hạng.

Ra lệnh cho các quan lại tại 4 Lộ: Thiên Trường, Kiến Xương, Lý Nhân và Tân Hưng, phải cấp dưỡng những người ở các thành đã ra hàng, cả đàn ông và đàn bà gồm hơn 6.000 người, không được để cho chúng phải lưu ly thất sở.

Thổ tù ở Mộc mang thuộc trấn Gia Hưng là Xa Khả Tham qui thuận, Hoàng đế phong cho chức Ty không bình chương sự, Tri thượng Phán thuộc trấn Đà Giang, và cho túi Kim ngư áo mũ tước Hầu, trao cho con ông là Xa Lộc chức Thượng Tướng quân vệ kim ngô; trao chức Đại Tướng quân vệ Ngọc kiềm cho Xa Khát, Xa Bàn, Xa Điểm, đều cho [tờ 37a]được đổi ra họ nhà vua (họ Lê).

Ngày mồng 10, tháng 6, Tước Trấn viễn hầu nhà Minh đóng ở tỉnh Quảng Tây là Cố Hưng Tổ, dẫn 50.000 quân và 5.000 con ngựa sang cứu thành Đông Đô, khi đi đến cửa ải Pha Lũy, bị các Tướng đóng giữ ở đây là Lê Lưu và Lê Bôi đánh phá tan, Hưng Tổ phải chạy về Quì Châu.

Phụ đạo là Cầm Lan qui thuận.

Phong thêm chức Tư đồ Tư mã cho Nguyên tử thị trung là Tư Tể, và chức Tư không cho Nhân Chú. Bổ các viên Thiếu úy là Lê Vấn, Lê Sát vào chức Tư mã Thượng Tướng; Lê Bôi vào chức Thiếu úy.

Ta đắp một đồn nhỏ ở châu Cơ Xá, bị quân nhà Minh đánh phá tan! Hoàng đế ra lệnh không được cứu, để cho chúng yên chí là quân ta nhát.

Tháng 7, ra mệnh lệnh cho quan các Lộ, và quan văn Môn hạ tỉnh hành khiển, cùng với Tướng Tá các đạo quân, hợp đồng lập hộ tịch (sổ đinh).

Sứ thần nước Chiêm Thành tới dâng phẩm vật bản xứ.

Ra lệnh ban tờ dụ cho các vị Tướng quân: [tờ 37b] “Tướng nào giữ việc binh, phải chăm lo về việc chiến trận, Tướng giữ việc vận tải, phải chăm lo về việc tiếp tế lương thực, việc đốn cũi, việc nấu muối, và ngăn chặn các lối đường thủy, đường bộ, để bắt những kẻ gian. Các ngươi nên hi sinh bản thân, chăm lo công vụ, sát cánh cùng nhau giết hết quân thù. Ta là cha mẹ của dân, há ta không biết như thế là vất vã, mà còn buộc các ngươi vào những việc cực khổ đó chăng ? đó chỉ là sự chẳng được đừng vậy. Các ngươi hãy cố gắng lên, để lập công lớn”.

Các Tướng đánh nhau với quân Minh ở thành Đông Quan và hạt Thổ khối, đều thắng trận, được thưởng ngân bài và tiền lụa, tùy theo từng hạng.

Nước Ai Lao sai sứ sứ thần đến hiến phẩm vật bản xứ.

Tháng 8, ra lệnh ban tờ dụ khắp thiên hạ rằng:

“Hiện nay quân giặc ở trong nước ta, dân ta chưa được bình định, thì các ngươi có yên lòng chăng ? Xưa vì họ Hồ vô đạo, cho nên giặc Minh nhân đó mà cướp nước ta, [tờ 38a] những sự chúng tàn ngược nhân dân ta, tưởng các ngươi cũng đã đều thấy cả . Bây giờ hãy dùng sức gian lao trong một năm, để hưởng cơ nghiệp thái bình muông thuở. Các ngươi nên nghĩ cho kỹ, đừng để lưu mối họa về sau”.

Sai bọn Lê Khắc Hài sang sứ nước Chiêm Thành.

Lê Khả Tham hiến 3 con voi. Hoàng đế ban thưởng ngựa và lụa cho Khả Tham.

Ra lệnh nhân dân các Lộ tới cả dinh Bồ Đề, để tuyển lấy hạng khỏe mạnh, ghép thêm vào hàng ngũ quân đội.

Ra lệnh ban lời dụ cho Tướng Tá quân nhân lộ Tân Bình và Lộ Thuận Hóa rằng:

“Thời xưa nước Chiêm Thành phản nghịch, xâm lấn nơi biên thùy nước ta, lúc ấy, chính Tổ Tiên ông cha các ngươi, đã tận trung với nước, góp sức đánh bại quân thù, lấy lại đất đai do chúng đã lấn cướp. Những công trạng hiển hách đó, hiện đã chép vào sử sách, lưu truyền đời sau. Hiện nay, người Minh vô đạo, trái nghịch lòng trời, hiếu chiến dùng binh, để mở thêm đất đai, khiến cho nhân dân ta đã chịu lầm than khốn khổ hơn 20 năm, thế mà trong các Lộ ta, chưa thấy có kẻ nào đem lòng trung nghĩa, chưa gắng sức lập công. Các ngươi là bầy tôi nơi biên thùy, nên nghĩ đến công của Tổ Tiên ông cha các ngươi ngày trước, phải tận trung với nhà vua, cố sức đánh giặc lập công. Những sự trung thành đó, rất đáng khen, và sẽ đặt cách phong tước vào hàng quan cao. Các ngươi nên cố gắng”.

Ngày mồng 8, tháng 9 viên Thái úy Trần Hãn, Tư Mã Lê Sát, và Thiếu úy Lê Lý, dẫn quân đánh phá được thành Xương Giang, quan Tri phủ Lưu Tử Phụ và chỉ huy dân Lý Nhiệm nhà Minh đều bị tử trận, ta thu chiến lợi phẩm, khao cho quân sĩ, Hoàng đế bèn sai các Tướng dẫn quân qua sông, cướp lấy đê Vạn Xuân, đắp bức lũy lên, để uy hiếp thành Đông Đô.

Quan tổng quản nhà Minh tước An viễn hầu là Liễu Thăng, dẫn 10 vạn quân tự tỉnh Quảng Tây [tờ 39a] tới nước ta; tước Kiềm quốc công nhà Minh là Mộc Thạnh, dẫn 5 vạn quân tự tỉnh Vân Nam tới nước ta. tin này tự biên thùy báo về rất gấp! Hoàng đế bèn sai Trần Hãn, Lê Sát và Lê Nhân Chú dẫn binh tượng (voi) tới phục tại ải Chi Lăng, để đợi chống đạo viện binh tự Quảng Tây tới; sai Phạm Văn Sảo và Lê Khả, dẫn binh tượng đóng giữ ải Lê Hoa thuộc Mông Tự, để đợi chống đạo viện binh tự Vân Nam tới.

Lúc này, được tin đại binh nhà Minh sắp ồ ạt kéo đến, các Tướng phần nhiều xin Hoàng thượng đánh gấp ngay các thành nơi Đông Đô, để tuyệt quân nội ứng của chúng. Nhưng Hoàng đế phán rằng:

“Việc đánh thành lúc này là kế sách kém nhất. Là vì nếu ta đánh vào thành kiên cố đó, phải mất mấy tháng hoặc hàng năm, chưa chắc đã hạ nổi, binh sĩ ta tất phải mỏi mệt chán nản. Đang khi ấy, viện binh của địch lại kéo đến sau lưng, thế là ta bị địch đánh cả vào đằng trước và đằng sau, rất là nguy lắm. Chi bằng ta hãy dưỡng sức, để chờ đánh viện binh , một khi viện binh đã bị phá, tất nhiên Tướng trong thành phải ra hàng, thế là ta chỉ khó nhọc một phen, mà thu được hai mối lợi. [tờ 39b] Đó là kế sách vạn toàn vậy”.

Sau đấy, ngài sai canh gác cẩn thận, tuần phòng ngày đêm, và ra lệnh cho các Lộ: Lạng Sơn, Bắc Giang, Tam Đới, Tuyên Quang và Qui Hóa, phải dời vợ con của quân dân đi nới khác, để lánh viện binh của địch tới, rồi hợp các Tướng thảo luận, Hoàng đế bàn rằng:

“Quân giặc (Trung Hoa) sẵn lòng khing rẻ ta, cho là quốc dân ta nhát, vốn sợ oai chúng, nay nghe tin mấy chục vạn quân chúng kéo đến, tất là phải kinh sợ. Và cái sự khỏe lấn yếu, nhiều thắng ít, là sự thông thường. Nhưng chúng không tính đến hình thế được thua của mình và của người, lại không biết tới cơ trời đi lại của thời vận. Còn như sự dẫn quân đi cứu nguy, thường cần mau lẹ. Vậy tất nhiên chúng đang đi một cách vội vàng. Binh pháp có câu: “Dẫn quân đi gấp khoảng đường 500 dặm để tới đích, sẽ quệ viên thượng tướng”. Nay Liễu thăng dẫn viện binh đi gấp, binh sĩ tất mỏi mệt [tờ 40a] ta đem đạo quân được thảnh thơi đánh quân mệt nhọc, còn lẽ già là không thắng”.

Ngài liền ra lệnh cho Trần Hãn và Lê Sát, dẫn quân đi đóng giữ nơi hiểm yếu, hễ viện binh đến, lập tức đón đánh ngay tại nơi biên cảnh, đừng để cho chúng vào được Bình Dương.

Ngày 18, đạo; quân của Liễu Thăng tới cửa Quan Pha Lũy, viên Tướng giữ Quan là Lê Lưu kéo quân lui, về đóng tại Ải Lưu, rồi lui về giữ Chi Lăng.

Ngày 20, Liễu Thăng thân tự đốc đạo quân tiền phong tiến tới, Trần Hãn và Lê Sát liền đem quân phục binh ra đánh, phá tan, chém đầu Liễu Thăng tại núi Mã Yên!

Ngày 25, Hoàng đế sai Lê Lý và Lê Văn An dẫn thêm quân đến, hiệp cùng với bọn Lê Sát đánh phá quân Minh, chém đầu tước Bảo Định Bá là Lương Minh.

Ngày 28, viên Tham tán quân vụ nhà Minh, chức binh bộ Thượng thư Là Lý Khánh chết bệnh tại trong quân, Phó Tướng là Thôi Tụ và Công bộ Thượng thư là Hoàng Phúc, thu thập tàn quân, miễn cưỡng tiến vào, bọn Lê Sát mở đường [tờ 40b] cho tiến, cho đến chỗ phục binh, mới tung quân đón đánh, chúng bị thua. Bọn Lê Sát liền chia quân ngăn chặn các đường hẻm nơi Mã Yên, Chi Lăng và Pha Lũy.

Thôi Tụ xin hòa, Hoàng đế không cho, ngài bèn sai Trần Hãn dẫn quân đánh úp vào quân vận lương thực của địch; Lê Vấn và Lê Khôi đem thêm quân tiến đánh, đánh trong 15 ngày, phá tan quân Minh, chém chết 5 vạn quân, bắt sống Tướng Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng hơn 5 vạn quân, thu chiến lợi phẩm rất nhiều vô kể.

Khi đạo quân của Mộc Thạnh đến cửa quan Lê Hoa, Hoàng đế tính: Mộc Thạnh là viên tướng nhiều tuổi, từng trải, tất không dám tiến bừa. Ngài bèn mật báo cho Phạm Văn Sảo và Trịnh Khả phải cố thủ, chớ có giao chiến.

Sau khi Liễu Thăng thua trận, Hoàng đế sai đêm 4 tên Chỉ huy Thiên hộ đã bắt được, và bằng sắc ấn tính của Liễu Thăng, đưa đến cho Mộc Thạnh, quân sĩ của Thạnh quá kinh hãi, tự tan rã, [tờ 41a] bọn Văn Sảo liền tung quân đánh vào, phá tan đạo quân đó ở nơi Lãnh Thủy Đan Xá, chém đần hơn vạn tên, thu rất nhiều chiến lợi phẩm.

Hoàng đế sai Thông sự là Đặng Hiếu Lộc, dẫn Tướng Thôi Tụ và Hoàng Phúc do ta bắt, cùng với ấn tính cờ trống của chúng, đến thành Đông Đô hiểu thị. Bọn Vương Thông trong thành trông thấy, xiết đỗi kinh hoàng! Ngài bèn sai các Tướng sắm các chiến cụ phá thành, dẫn quân tiến sát thành Đông Đô, Vương Thông mấy lần giao chiến đều thất lợi, lại bị ta vây hết đường hái củi và cỏ ngựa.

Tháng 11, Hoàng đế ra lệnh cho các Tướng Tá dâng kế sách về thời sự, kế nào có thể dùng sẽ được thưởng hậu.

Hoàng đế sai Đại Tướng Nguyễn Lôi, đem thư đến thành Cổ Lộng và thành Tây Đô dụ hàng, binh tướng hai thành này đều nghe theo ra hàng.

Vương Thông và Sơn Thọ sai viên Thiên hộ đem thư giảng hòa tới, xin mở con đường cho chúng về nước. Hoàng đế ưng cho.

Vương Thông lại dẫn quân trong thành ra đánh ta, các quân Tướng đặt phục binh rồi vờ thua chạy, quân Minh đuổi theo, tới ổ phục binh [tờ 41b] quân ta vùng lên đánh cho tơi bời! Vương Thông ngã ngựa, suýt nữa bị bắt, may sao chạy vào thành được thoát, quan quân liền tiến thẳng đến cửa Nam Thành, rồi đắp bờ lũy để chống cự. Hoàng đế thì thân đốc các Tướng, đem quân đắp bờ lũy tự phường An Hoa thẳng tới cửa Bắc thành, chỉ trong một buổi chiều đã đắp xong. Tự đây quân Minh chỉ ở trong thành, không dám ra nữa.

Ghi chiến công của Tướng Tá vây cữa Nam Thành Đông Đô, ban thưởng tùy theo từng hạng.

Vương Thông và Sơn Thọ bị bao vây khốn đốn, lại xin giảng hòa. Quốc dân ta đã bị cực khổ về chính sách tàn bạo của người Minh lâu năm, nên phần nhiều kéo nhau đến xin Hoàng đế đánh gấp và giết cho bằng hết để hả giận. Ngài phán rằng:

“Việc dụng binh, lấy sự toàn quân[10] (không chết một mạng nào) là hơn cả. nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua nhà Minh, trả lại đất nước ta, không còn xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn”.

Ngài bèn ưng cho hòa và ra lệnh cho Lộ Bắc Giang và Lạng Giang, tu sửa lại cầu cống đường xá, sắm đủ ghe thuyền, để chờ đưa quân Minh về nước. [tờ 42a] Lại sai Hành khiển là Nguyễn Trãi soạn tờ biểu, viết lời Trần Cao dòng dõi họ Trần xin được dựng làm vua, đưa tờ biểu này nhờ Tướng ở Vân Nam là Mộc Thạnh và Tướng ở Quảng Tây là Cố Hưng Tổ chuyển tâu với triều Minh.

Trước ta đã bắt được hai Tướng nhà Minh là Thôi Tụ và Hoàng Phúc, nhưng Thôi Tụ đã chết bệnh, bèn sai lính hộ tống Hoàng Phúc về tỉnh Quảng Tây.

Ta đưa thư trả lời Vương Thông dùng Lê Quốc Trinh và Lê Như Trì làm con tin.

Thái Giám nhà Minh là Sơn Thọ và Mã Kỳ đến dinh Bồ Đề làm con tin. Hoàng đế cũng sai con là Tư Tề và cháu họ là Nhân Chú vào thành Đông Đô làm con tin, để định hòa ước.

Hoàng đế ra lệnh ban lời dụ 6 điều cho Tướng Tá vá quân sĩ:

1. Phàm những bề tôi phải hết lòng trung, không được làm những việc khi trá.

2. Những dân chúng nên chuộng sự ngay thẳng, chớ làm những sự gian tà trái phép.

3. Những người ra trận đánh giặc, khi chém giết hay bắt được quân địch, không được nhận hão để tranh công.

4. Trong quân dân có kẻ nào gian ngược trái phép, thì quân dân khác [tờ 42b] nên báo bắt trị tội, và các ngươi cũng nên lấy kẻ ấy làm gương, đừng để chính mình cũng sẽ bị phạt như vậy.

5. Những cẫn thần thị vệ, chớ nên cậy quyền quý mà ngược ngạo mọi người.

6. Những bầy tôi có bổn phận xông pha công việc, nên tự mình làm trước, để cho kẻ dưới bắt chước.

Ngày 22, Hoàng đế cùng với các Tướng nhà Minh: Tổng binh thành sơn hầu là Vương Thông, Tham tướng Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ và Mã Kỳ, Vinh xương hầu Trần Trí, An binh hầu Lý An, Đô tư Phương Chánh, Chưởng đô tư sự Trần Tuyền, và Trần Tá, Giám sát ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Quách Vĩnh Thanh, Hữu bố chánh sứ Dặc Kiêm, Tả hữu tham chánh Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh và Lục Quảng Bình, Án sát sứ Dương Thời Tập, và Thiêm sự Quách Đoan, hội ở cửa Nam thành Đông Đô. [tờ 43a] Ngài ra lệnh cho các Tướng giải vây thành này, kéo quân lui về, lại sai giải vây cho 3 thành: Tây đô, Cổ lộng và Chí linh, truyền cho quân ta hộ tống các Tướng trong 3 thành trên dẫn quân về cả thành Đông Đô, để sẽ cùng trở về Trung Hoa.

Ngày 29, Hoàng đế sai Lê Thiếu Dĩnh và Lê Cảnh Quang, đem tờ biểu cầu phong của Trần Cao, cùng các phẩm vật cống hiến, theo viên chỉ huy do Vương Thông sai, đi sang triều Minh.

Tháng 12, Hoàng đế ra lệnh cho các Tướng coi đường thủy, cấp 500 cái thuyền cho người Minh, giao cho Phương Chánh và Mã Kỳ Lĩnh; các Tướng coi đường bộ thì cấp lương thảo, giao cho Sơn Thọ và Hoàng Phúc nhận lãnh; đưa về hơn 2 vạn quân cả đều đầu hàng và bị bắt, cùng hai vạn con ngựa, giao Mã Kỳ nhận lãnh; Chinh Man Tướng quân là Trần Tuyền thì dẫn quân Trấn thủ đi hộ tống.

Ngày 12, Phương Chánh và Mã Kỳ tới dinh Bồ Đề cáo biệt Hoàng đế, tại đây suốt một buổi chiều, hai Tướng mới ra về. Hoàng đế sai sắm [tờ 43b] trâu dê mùn màng và lể phẫm hậu tặng. Lúc ấy, các Tướng sĩ và nhân dân ta, đều thâm thù sự tàn bạo của người Minh, nên đều mật khuyên Hoàng đế nhân dịp giết chết cả đi. nhưng ngài dụ rằng:

“Việc phục thù trả oán, là tình thường của mọi người, nhưng không ưa giết người, là bản tâm của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết, thì còn gì bất tường hơn nữa. Ví bằng giết đi cho hả giận một lúc, để gánh lấy tiếng xấu giết kẻ hàng mãi tới đời sau, chi bằng hãy cho sống ức vạn mạng người, để dứt mối chiến tranh tới muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử sách, tiếng thơm sẽ truyền tới ngàn thu, há chẳng đẹp lắm ru ?”.

Các bầy tôi đều bái phục độ lượng khoan hồng của Hoàng đế.

Khi Mộc Thạnh dâng tờ biểu cầu phong của Trần Cao lên vua Minh, thì lúc ấy vua Minh vẫn chưa biết việc Vương Thông đã ký hòa ước với ta, ngài bèn ban lời dụ cho quần thần rằng:

[tờ 44a] “Những kẻ bàn tán, không hiểu ý muốn dứt việc can qua, tất cho là nghe theo thỉnh cầu của An Nam là không oai hùng. Nhưng nếu được nhân dân yên lành, thì trẫm không e ngại những lời đó”.

Ngài bèn sai Công bộ Thượng thư là La Nhữ Kinh và Từ Vĩnh Viễn đem tờ sắc sang nước ta, phong Trần Cao làm “An nam quốc vương”, liền bãi đạo binh chinh nam; triệu bọn Vương Thông về nước. Tự đấy dứt nạn binh đao, thiên hạ thái bình.

Chú thích:

[1] Thời Hán, Hán- Cao- Tổ đóng quân ở thành Vinh Dương, bị Hạng Võ dẫn quân Sở vây chặt mấy vòng. Tướng quân Kỷ Tín thấy tình thế nguy cấp, dânng kế lừa Sở: Tín bèn vận mũ áo Đại Vương, dùng cờ quạt xe ngựa Hoàng đế ra cửa Đông hô rằng: “Ta là Hán Vương, vì cạn hết lương thực xin ra đầu hàng nước Sở”. Quân Sở bèn xúm cả vào đấy. Hán Vương thừa cơ hội lẻn ra cửa Tây trốn thoát. Sau Hạng Võ biết là giả, giết chết Kỷ Tín.

[2] Đây là tên một bến đò, có 2 chữ, nhưng bản chính chỉ chép có 1 chữ “cổ”, còn phần dưới bỏ trắng khoảng một chữ. Vậy không thể biết là bến đò cổ gì?.

[3] Năm trước đây là năm Bính Ngọ niên hiện Tuyên Đức thứ nhất, nhằm niên hiệu Thiên Khánh triều Trần thứ 2. Năm này là năm ĐinhTỵ, liền sát ngay với năm trước, sao lại chép niên hiệu thứ 21? Hoặc chép lầm chăng ?.

[4] Đây là tên người, nhưng chính bản chỉ chép một chữ “Lê” (họ Lê) mà bên dưới bỏ trắng khoảng một chữ. Vậy không biết viên này tên là gì ?.

[5] Câu này bản chính chép: “Hứa tự nguyện đăng thành” (cho phép được tự nguyện lên trên thành). Hai chữ “đăng thành” (lên trên thành) đáng ngờ. Vì đang lúc hai bên đánh nhau, mặt thành là nơi canh phòng cẩn mật, người thường đâu có thể lên được. Vả lại trèo lên thành để làm gì ?như vậy đũ rõ hai chữ “đăng thành” là không hợp văn lý. hoặc do chữ “đăng ký” (ghi tên vào quyển sổ) chép lộn ra chăng ? Vậy xin dịch theo nghĩa chử “đăng ký”./p>

[6] Câu này chưa đủ ý nghĩa. Hoặc bên dưới còn hai chữ “sát chi” (giết chết) mà người chép đã bỏ sót chăng ?.

[7] Lê Lễ và Lê Triện là hai vị kiện Tướng, đã từng lập nhiều chiến công, và đêu đã tử trận. Triều đình nghĩ tới công lao, nên phong quan chức cho thân nhân của ông.

[8] Tứ hạo: 4 ông già ngoại 80 tuổi: 1. Đông Viên Công, 2. Hạ Hoàng Công, 3.- ỷ Lý Công, 4.-Giác Lý Tiên Sinh, cùng nhau ở ẩn tại núi Thương Sơn, vua Hán Cao tổ cho sứ vời, đều không chịu tới. Sau vua Cao Tổ định bỏ Thái tử Doanh, dựng em Doanh là Như Ý lên thay, Trương Lương bèn lập mưu mời đón được 4 ông già này đến phụ Tá Thái tử. Vua Cao Tổ thấy vậy, cho là Thái tử được người hiền giúp, bèn bỏ ý thay Thái tử.

[9] Tử Phòng tức Trương Lương, được Hoàng Thạch Công trao cho quyển “Thái công binh pháp”, học tập trở nên đại tài thao lược, chức quân sư giúp vua Hán Cao Tổ bình định thiên hạ. Sau khi thành công, ông không chịu nhận chức làm quan, rồi giong thuyền tiêu dao nơi Ngũ Hồ.

[10] Câu này chỉnh bản chép toàn quốc, có lẽ chép lầm. Xin dịch theo nghĩa chữ toàn quân








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]