Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang

17/03/201408:35(Xem: 28470)
25. Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang
blank



Ngỗng Trời Cất Cánh Thênh Thang





Biết trưởng lão Mahā Kassapa chuẩn bị để lên đường cùng với đức Phật, chư vị tỳ-khưu, cả đệ tử và không đệ tử đến thăm viếng ngài ngày này sang ngày khác. Cận sự nam nữ hai hàng của kinh thành Rājagaha cũng quyến luyến đến thăm ngài từng nhóm, từng nhóm đông không kể xiết.

Thấy tình hình vậy, có một nhóm tỳ-khưu bàn tán với ý đồ không được tốt:

- Cả đệ tử và không phải đệ tử ai ai cũng kính trọng và mến mộ tôn giả ấy. Xem ra cái tình ấy chẳng khác gì là thân bằng quyến thuộc!

Một giọng nói cất cao lên:

- Thân bằng, quyến thuộc à? Đâu chỉ có từng ấy? Cả kinh thành Rājagaha này, xem chừng đều là thân bằng, quyến thuộc của tôn giả hết đó!

Một giọng chậm rãi:

- Được tôn kính, mến mộ, trọng đãi, cúng dường tứ sự... hỷ mãn... có khi nào trở thành thói quen không từ bỏ được chăng?

Một vị tỳ-khưu có trí đặt lại vấn đề:

- Này, này! Ông bạn hãy giữ gìn cái miệng! Nên nhớ rằng, trưởng lão chỉ thọ nhận vật thực ở những giới thủ-đà-la và chiên-đà-la thôi đó!

Im lặng khá lâu.

- Nhưng nói gì thì nói, dù tôn giả ấy đi đâu cùng không bằng ở đây. Tôn giả ấy đã là đôi mắt, là người cha hiền, là nơi phát sanh tín tâm, là nơi của trăm ngàn kỉnh mộ hướng về, là ruộng phước vô tận cho chư thiên và loài người. Chỉ thua có đức Tôn Sư thôi. Tôn giả ấy còn đi đâu được?

- Ý bạn nói là tôn giả do ái luyến những thứ ấy nên sẽ không đi đâu cả phải không?

- Đi chứ! Trưởng lão đã chuẩn bị đâu đó rồi đấy!

- Tôi không tin là ngài dứt đi được!

Có tiếng cười, rồi nói lơ lửng:

- Biết đâu, ngài chỉ lên “hang đá đừng dể duôi” rồi quay trở về?

- Thôi! Hãy xem như thế nào, nào! Đừng kết luận quá vội vàng!

Theo truyền thuyết, cái mà các vị ấy gọi là “hang đá đừng dể duôi” (Māpamāda) có cái sự tích của nó. Số là có một cái hang đá trên đỉnh Linh Thứu, nơi đức Phật thường lên đấy tĩnh cư; khi nào thấy chư tăng tìm lên thì đức Phật bảo: “Hãy quay trở lại! Các ông phải có phận sự trở về tịnh xá, tu tập và chăm lo mọi việc, đừng dể duôi!” Từ đấy, “hang đá đừng dể duôi” đã trở thành một thuật ngữ, có nghĩa là “Hãy quay trở lại! Đừng có dể duôi!”

Chuyện ấy thì trong chư tăng ai cũng biết.

Đến ngày lên đường, ai cũng thấy là tôn giả Mahā Kassapa cùng với năm trăm đệ tử đều đi theo đức Phật. Các vị tỳ-khưu bàn luận ở trên vẫn chưa tin. Có kẻ bán tín bán nghi. Một số cứ lầm thầm nói vào tai nhau nhau rằng: “Tôn giả ấy và chư đệ tử, đi thì có đi, nhưng họ sẽ đến ‘hang đá đừng dể duôi’ rồi quay trở về tịnh xá mà thôi! Hãy xem!”

Đi được chừng mấy do-tuần, chợt đức Phật dừng chân lại, cất tiếng hỏi tôn giả Moggallāna:

- Đi theo Như Lai đông như vậy thì ở tại Trúc Lâm, đại chúng còn khoảng bao nhiêu vị?

- Thưa, chừng năm trăm vị!

- Quản nhiệm, quản chúng, tri sự có những vị trưởng lão nào?

- Thưa! Chư vị trưởng lão đều ta-bà vân du hết cùng với chúng đệ tử của họ. Hiện tại ở tịnh xá, chỉ có một vài trưởng lão như Anuruddha quen sống tĩnh cư; người biết việc, chỉ còn tỳ-khưu Mahāpaṇthaka tạm thời trông coi trong ngoài, sau trước.

Nghe vậy, đức Phật cho gọi tôn giả Mahā Kassapa rồi nói:

- Ông và môn đệ hãy quay trở lại đi. Kinh thành Rājagaha và Trúc Lâm tịnh xá cần cái bóng của ông, cả cái tên của ông nữa! Hiện tại, dù ở đấy có năm trăm vị tỳ-khưu, nhưng đối với quyến thuộc lâu ngày của ông thì nó chẳng khác gì chùa không, vườn trống! Ông là sự kỉnh mộ và tôn trọng của chư tỳ-khưu cũng như các hàng cận sự. Hãy trở lại đấy cho mọi người có chỗ nương tựa!

Thế rồi, vâng lời đức Phật, tôn giả Mahā Kassapa cùng với môn đệ quay trở lại Trúc Lâm.

Nhóm tỳ-khưu bàn tán ở trên, tưởng là mình đoán trúng, họ rất là khoái, thú vị nói:

- Thấy chưa? Tôi nói như đinh đóng cột! Tôn giả ấy không đi được đâu!

- Ái luyến quyến thuộc! Ái luyến đệ tử của mình, môn đồ, tứ vật dụng, cả sự trọng đãi, tôn kính của mọi người thì bị vướng bận, bị đeo dính, bị kết buộc như ruồi dính mủ mít thôi!

Đức Phật biết tất cả mọi sự bàn tán, dị luận đối với Mahā Kassapa; nhưng đợi đến đêm ấy, dừng chân tại thị trấn Pāṭaligama, nơi một ngôi cổ miếu để đợi mai vượt sông Gaṅgā, đức Phật mới họp đại chúng để nói chuyện.

Duyên khởi là đêm ấy có ánh trăng sơ huyền nhưng rất sáng nên đức Phật cảm hứng ngữ đọc một câu kệ ngôn, có nghĩa là:

“- Ánh trăng nghìn muôn thuở

Soi sáng khắp núi sông

Thị thành cùng làng mạc

Chẳng dính mắc, bận lòng!”

Rồi ngài tiếp:

- Này chư tỳ-khưu! Ánh trăng kia là hạnh nguyện của tỳ-khưu Mahā Kassapa đấy! Kể từ một trăm ngàn đại kiếp về trước, kể từ thời đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara, Mahā Kassapa đã tụ tập họ hàng quyến thuộc đông đảo, làm cho họ phát khởi tín tâm, hỷ tâm để cùng bắt tay nhau thiết lập một lễ đài và một tòa bảo tháp để cúng dường xá-lợi đức Thế Tôn ấy. Lễ đài trông như một tòa lâu đài hoa rực rỡ. Bảo tháp ấy chiếu sáng trông như một tháp bạc giữa đêm đen. Công đức và phước báu ấy đã đưa ông ta và họ hàng quyến thuộc lên hưởng lạc thú những cõi trời. Riêng ông ta có một cỗ xe trời được kéo bởi một ngàn con ngựa trời; một tòa lâu đài bảy tầng cao ngất cùng một ngàn mái nhọn bằng vàng ròng, một ngàn chóp nhọn bằng hồng ngọc... Và cứ thế, suốt sáu mươi ngàn kiếp, ông ta là những sát-đế-lỵ vĩ đại làm chúa bốn phương, làm Chuyển luân Thánh vương, đầy đủ bảy loại báu, quyến thuộc tùy tùng oai danh hiển hách. Và ngoài ra, không nói hết những sự xán lạn và vinh quang trong nhiều kiếp sống nữa. Và rồi, ông ta cũng đã từng buông bỏ, xả ly tất thảy chúng để sống đời ẩn sĩ ở non sâu, tuyết lãnh. Và ngay kiếp cuối cùng, ông ta sanh ra trong một gia tộc bà-la-môn danh giá, cự phú, đã cùng với người vợ chỉ trên danh nghĩa, phủi tay từ bỏ tám mươi Koṭi vàng không quyến niệm, không dính mắc để ra đi...

Này chư tỳ-khưu! Hiện tại, Mahā Kassapa là một đại sa-môn, là một đại A-la-hán, là một đại trưởng lão lậu tận. Cũng như ánh trăng rong ruổi chiếu sáng khắp mọi nơi mà không dính mắc ở đâu cả, thì Mahā Kassapa, hành trạng, công hạnh của ông ta cũng y như vậy. Ai mà bàn bạc, dị luận rằng là Mahā Kassapa dính mắc thân bằng, quyến thuộc, tứ sự; lưu luyến chỗ ở, am cốc, vườn rừng và ngay cả sự được kính trọng, được tôn trọng của cư dân kinh thành Rājagaha... thì có lỗi đấy; hãy tự sám hối ở trong tâm đi, bằng không những cái đầu ngu si, tật đố kia sẽ bị vỡ vụn ra từng mảnh đấy!

Đức Phật im lặng một lát để cho lời thuyết giảng ấy thấm sâu vào tâm trí của mọi người rồi kết luận bằng một bài kệ ngôn như dấu ấn bất tử của lộ trình giải thoát:

“- Sa-môn chánh niệm kiên trì

Lìa mọi trú xứ ra đi nhẹ nhàng

Ngỗng trời cất cánh thênh thang

Ao hồ bỏ lại, mây ngàn thong dong!”(1)



(1)Pháp cú 91:“Uyyuñjanti satīmanto na nikete ramanti te; haṃsā’va pallalaṃ hitvā okaṃ okaṃ jahanti te”.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 10293)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
27/08/2010(Xem: 23558)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
22/07/2010(Xem: 13193)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 16870)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]