Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ai Cập ở đâu.

09/04/201312:33(Xem: 7284)
Ai Cập ở đâu.

Ai Cập nằm ở đâu?

Thích Như Điển

Ai trong chúng ta khi nghe nói đến những văn hóa cũ của thế giới cũng đều muốn tìm hiểu để biết. Vì vậy thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều điều mà con người trong giới hạn có thể, muốn có được một bản đồ thu gọn của năm Châu và nếu được nằm hẳn trong đầu óc của con người, sau khi đã thăm viếng những xứ nầy. Dĩ nhiên ngày nay cũng không cần phải đi đến những nơi như thế mới rõ biết hết, mà chỉ cần ngồi nhà, mở máy Computer lên, vào Internet, rồi bấm nút nầy, tắt nút kia ta cũng sẽ có đầy đủ những điều như ý muốn. Thế nhưng điều nầy nó cũng chỉ giống như người xem các món ăn ngon; nhưng trên thực tế thì chưa ăn được những món ăn ấy. Việc đi tham quan các di tích lịch sử trên thế giới cũng giống hệt như thế. Nếu ta chưa đến tận nơi, nó cũng giống như người chưa ăn được món ăn đã được dọn sẳn như trong máy Computer đã được cung cấp từ Internet. Vậy tôi xin mời quý vị hãy cùng tôi đi thăm xứ Ai Cập huyền bí nầy.

Trên thế giới có bốn nền văn minh cổ đại trên 5.000 năm lịch sử gồm bốn nước như: Ấn Độ và Trung Quốc ở Á Châu, Hy Lạp ở Âu Châu và Ai Cập ở Phi Châu. Cả bốn nước nầy tôi đã đi và đã đến. Ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp dưới hình thức nào đó, tôi đã giới thiệu với quý vị độc giả của Báo Viên Giác qua các sách vở hay các bài viết đăng rải rác đó đây trên các tạp chí. Riêng phần Ai Cập chúng tôi mới có cơ hội đi vào mùa hè năm 2006; nên hôm nay chúng tôi muốn viết chi tiết về nước nầy để gởi đến quý vị độc giả xa gần của Báo Viên Giác.

Lúc cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, Viện Chủ chùa Kim Quang tại Sacramento California Hoa Kỳ còn sinh tiền, Ngài có trao đổi với tôi rằng: “Ngài chỉ chủ trương ở một chỗ và mong biết được tất cả”. Còn tôi thì chủ trương: “Nên đi khắp nơi để được biết tất cả”. Dĩ nhiên ngày xưa những bậc giác ngộ như Chư Bồ Tát hay Chư Phật không cần đi đâu xa, chỉ cần ở một chỗ và phân thân theo phương tiện pháp thân thì nơi nào mà chẳng đến được; nhưng tiếc rằng chúng ta chưa phải là Phật hay Bồ Tát; nên chúng ta chưa thể hiện được sự phân thân nầy. Nếu có chăng chỉ là có trong một số điều kiện nào đó. Ví dụ như ta có thể mở Computer ra, rồi vào mạng, là có thể đi đến xứ đó bình thường trong nháy mắt. Nhưng trong trường hợp nầy thần thông sẽ bị đứt ngay; nếu không có điện hoặc pin. Trường hợp nầy tôi thường hay bảo rằng: “Con người ngày nay vẫn có thần thông; nhưng thần thông nầy có điều kiện. Vì lý do như đã nêu trên; nên nếu được, tôi sẽ tìm mọi điều kiện để đi đến những nơi cần đến để chiêm nghiệm, học hỏi. Đây cũng là lý do chính của bao nhiêu chuyến đi từ xưa đến nay.

aicap-2

Ai Cập nằm ở Bắc Phi Châu. Phía Bắc giáp Địa Trung Hải. Phía Đông giáp với Israel, Jordan, Saudi Arabien. Phía Nam giáp với Sudan, Tschad, Eritrea. Phía Tây giáp với Libyen. Nằm giữa nước Ai Cập có con Kênh đào Suez chạy dài từ Hồng Hải xuyên suốt qua Địa Trung Hải gặp Port Said. Dọc theo thủ đô Cairo có sông Nils chạy dài từ phía Bắc Cairo xuyên qua nước mình và tiếp tục chảy mãi qua các nước Sudan cũng như Eritrea, Äthiopien v.v… Đây là một trong những con sông dài nhất thế giới sánh với Missipsipi ở Hoa Kỳ, với Dương Tử Giang và Trường Giang ở Trung Quốc cũng như sông Hằng của Ấn Độ hay sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là một con sông mang phù sa đến các nước, điểm tô thêm màu mở cho những đất nước nầy.

Dân số Ai Cập độ 80 triệu người. Riêng thủ đô Cairo đã có đến 17 triệu người đang cư ngụ. Cách đây hơn 20 ngàn năm về trước đã có bộ tộc Nomaden đã sinh sống bên bờ sông Nils và 5 ngàn năm trước sự sinh sống tại bình nguyên nầy trở nên thịnh hành hơn. Các Kim Tự Tháp cũng đã bắt đầu hình thành với 5 ngàn năm lịch sử ấy. Năm 332 trước Thiên Chúa, xứ Alexandria đã ra đời và chính nơi đây là nơi những nhà truyền giáo do Vua A Dục đã gởi đến từ Ấn Độ. Gần đây có sử gia người Đức đã chứng minh qua khảo cổ học rằng: Xứ Alexandria là xứ rất an bình và thuở ấy đã có một hải cảng quan trọng để tiếp nhận những thương thuyền cũng như những người Ấn Độ đến đây bằng Lạc Đà qua con đường văn minh tơ lụa, nên Alexandria đã nổi tiếng một thời. Uy danh của vua A Dục vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch không nhỏ; do vậy Phật Giáo đã có mặt tại Bắc Phi kể từ đó đến bây giờ. Đến năm thứ 3 trước Thiên Chúa, Đạo Thiên Chúa mới được truyền sang đây. Mặc dầu Israel (Do Thái) về phương diện địa lý không cách xa Ai Cập bao nhiêu so với Ấn Độ; nhưng vì lẽ Đức Phật sinh trước Đức Chúa cả hơn 500 năm. Do đó sự hiện diện của Phật Giáo ở Alexandria lâu hơn Đạo Thiên chúa cũng là việc bình thường. Nhưng đến thế kỷ thứ 12 trở đi, cả Đạo Phật lẫn Đạo Thiên Chúa đều bị Hồi Giáo thôn tính. Không những họ thôn tính tại các nước Trung Đông nơi phát xuất Đạo Hồi mà họ còn tấn công sang cả Ấn Độ để tiêu diệt tất cả những gì mà Phật Giáo đã gầy dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa cho đến thế kỷ thứ 12 sau Thiên Chúa.

aicap-4

Cách đây gần 20 năm chúng tôi có dịp đến viếng Tunesien. Đây là một xứ thuộc thuộc địa của Pháp cũng nằm tận Bắc Phi Châu và cũng đã chứng kiến thấy tất cả nhà thờ Thiên Chúa Giáo đều bị đập phá chỉ còn sót lại những giáo đường của Hồi Giáo mà thôi và ngay cả ở Ai Cập cũng vậy, nơi chúng tôi đã đặt chân đến vào tháng 7 năm 2006 vừa qua, cũng chẳng thấy một giáo đường Thiên Chúa Giáo nào mà hầu như chỉ còn lại những Moschee của Hồi Giáo, mặc dầu Thiên Chúa Giáo đã được truyền vào đây hơn 2.000 năm lịch sử.

Năm 639 Ai Cập lấy Hồi Giáo làm quốc giáo và có lẽ tất cả các xứ Trung Đông kéo dài cho đến Bắc Phi và một phần của Á Châu đều bị Hồi Giáo hóa kể từ giai đoạn thế kỷ thứ 7 cho đến nay. Thế giới Hồi Giáo hầu như chưa dừng chân truyền đạo qua các xứ khác. Dĩ nhiên việc truyền đạo ngày nay không giống như ngày xưa nữa. Vì lẽ con người đã chối từ bạo lực. Không thể dùng sức mạnh về quyền lực hay vũ khí để bắt họ phải tin theo một vị Chúa Tể nào. Vào thế kỷ thứ 12 khi quân Hồi Giáo của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irak tiến chiếm Ấn Độ và khi đến Đại Học Nalanda ở xứ Ma Kiệt Đà họ đã giết hơn 10 ngàn Tăng Sĩ là sinh viên, học giả đang tu học tại đó. Vì những vị Tăng Sĩ nầy không chịu chấp nhận Kinh Koran của họ. Tuy thế nhưng họ không tủi nhục. Vì những vị Tăng Sĩ nầy không đi ngược lại tôn chỉ Từ Bi và Trí Tuệ của Đạo Phật.

aicap-1

Ở đây cũng xin mở một dấu ngoặc để thấy rõ về những sự phát triển của Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo thuở ấy. Quê hương, gốc rễ của Phật Giáo phát xuất từ Ấn Độ; nhưng hầu như cây giác ngộ nầy chỉ sum sê hoa trái độ một ngàn năm và cành lá ấy vươn cao cũng như vươn rộng, đến các xứ Á Châu khác và ngày nay là Âu, Mỹ và Úc Châu. Trong khi đó Đạo Thiên Chúa được phát sinh tại Trung Đông, nhưng ngày nay Đạo Thiên Chúa Giáo ở Trung Đông không còn thuần nhất và phát triển mạnh như ở các nước tại Âu Châu hay Mỹ Châu và Úc Châu nữa. Có lẽ cái gốc của mỗi đạo chỉ đóng một vai trò nhất định là sinh ra các bậc Thánh Nhơn, còn ngọn mới là nơi chốn cũng như mục đích của cành lá phát triển về sau nầy. Tuy vậy Đạo Khổng cũng như Đạo Lão không vươn vai khỏi xứ Trung Quốc bao nhiêu; nếu có chăng cũng chỉ một vài nước tại Á Châu như Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản có ảnh hưởng. Điều nầy cũng giống như Ấn Độ Giáo. Tuy Tôn Giáo nầy đã có mặt hơn 5 ngàn năm lịch sử tại xứ Ấn; nhưng giáo lý đa thần hoặc hữu thần ấy không vượt khỏi biên cương của Á Châu để đi vào quần chúng như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi.

Cuối thế kỷ thứ 17 thời Napoleon của Pháp. Quân đội viễn chinh đã có mặt tại đất nước nầy và ngành khảo cổ học đã khai quật những xác ướp mấy ngàn năm cũng như giới thiệu cho thế giới biết về những Kim Tự Tháp nổi tiếng tại Ai Cập. Vốn thế giới vẫn lưu tâm điều nầy; nhưng chưa rõ nơi quê hương bên giòng sông Nils ấy với phép lạ nào mà những thi thể của Vua Chúa và Hoàng Hậu có thể giữ lâu đến như vậy và mãi cho đến ngày nay, việc nầy vẫn còn là những bí hiểm chưa giải thích được.

Khi người Pháp đến Ai Cập cũng như đến Việt Nam, họ mang theo Giáo Lý cũng như những Giáo Sĩ của Đạo Thiên Chúa đến cùng và dĩ nhiên Thiên Chúa Giáo tại Ai Cập được tái lập lại, đồng thời với bước chân viễn chinh đến Á Châu, họ đã cho xây những nhà thờ cũng như Vương Cung Thánh Đường để chứng tỏ cho sức mạnh của phương tây và nhằm có nơi chốn cho những tín đồ có nơi để lễ bái nguyện cầu.

aicap-3

Cho đến đầu thế kỷ thứ 19 Ai Cập vẫn còn chánh sách bế quan tỏa cảng đối với Âu Châu; nhưng thời của Muhammad Ali (1805-1848) họ đã bắt đầu hội nhập với Âu Châu trên nhiều bình diện. Đến năm 1882 người Anh thay người Pháp chính thức ngự trị xứ nầy cho đến năm 1914 khi mà Đệ Nhứt Thế Chiến đã bắt đầu bùng nổ tại Âu Châu. Sau đó là thời gian ly loạn và từ năm 1952 Ai Cập chính thức trở thành một quốc gia dân chủ cho đến ngày hôm nay.

Lịch sử của một nước đã bắt đầu như vậy và trải qua những tang thương ngẫu lục của suốt một chu kỳ dài mấy ngàn năm lịch sử; nhưng rồi sau đây cả ngàn năm hay 10 ngàn năm nữa không biết rồi thế giới sẽ thay đổi ra sao? Cũng như những chế độ, những sự phát triển của Đạo Hồi sẽ như thế nào? Điều nầy rõ ràng là chưa có câu trả lời gì đích xác cả.

Nếu ai đó có đi Pháp và đến Paris, thăm công trường Concorde ta thấy nhiều trụ đá lớn được dựng lên giữa trời đất và trên trụ đá ấy khắc nhiều hình dáng của các con vật trông thật ngộ nghĩnh. Đó chính là những chiến lợi phẩm của thời Napoleon đến Ai Cập cai trị và đã mang những vật nầy về đây để trưng bày. Thời đó có thể gọi là chiến lợi phẩm; nhưng ở thời điểm thế kỷ thứ 21 bây giờ khi ta nhìn những di tích bị lấy đi của một dân tộc và đem đi về quê hương mình để phô trương lên cho mọi người biết. Rõ ràng là “Lạy ông tôi ở bụi nầy”. Khi người ăn trộm muốn trốn mà còn la lên cho người khác biết rằng mình đang ở đây, thì quả là không xứng đáng với văn minh không bạo lực. Đã là một nền văn minh thì văn minh phải bằng trí tuệ, văn minh ấy mới lâu dài, chứ văn minh của bạo lực không chóng thì chầy cũng sẽ bị những bạo lực khác thôn tính và tìm cách để chiếm thế thượng phong.

Khi học chữ Hán, tôi biết rằng ngôn ngữ nầy hầu như được viết theo lối tượng hình. Nghĩa là chữ ấy biểu hiện đặc tính của vật ấy. Ví dụ như những gì thuộc về nước đều có ba chấm thủy; giống như những giọt nước. Những gì thuộc về lửa đều có biểu hiện bởi sức nóng. Những gì thuộc về cây cối đều có chữ mộc đi kèm. Chữ mộc tượng trưng cho hạt mầm đang tỏa ra hai lá non. Bên trên đang chuẩn bị chờ phát triển và bên dưới đang bám sâu vào lòng đất. Những gì thuộc về đất đều có bộ thổ đi kèm. Hầu như trong tứ đại đất, nước, gió và lửa; đất giữ vai trò tương đối quan trọng. Vì lẽ tất cả mọi vật gì cũng từ đất phát sanh. Đất cho ta hoa màu, chỗ đứng, chỗ nương tựa. Đất nuôi dưỡng con người lớn khôn rồi khi chết đi cũng sẽ nằm yên trong lòng đất. Trong khi đó nước, gió và lửa đi làm nhiệm vụ khác ở những nơi khác.

Tôi thấy chữ Hán hay; nhưng không ngờ chữ Ai Cập cũng dùng theo lối tượng hình nữa. Dĩ nhiên là tôi mù tịt về tiếng Ai Cập; nhưng khi nhìn chữ và hình thì biết mỗi con vật tượng trưng cho một chữ đó. Ví dụ như con chim két tượng trưng cho chữ A. Bàn chân tượng trưng cho B; bàn tay như chữ D. Giòng sông tượng trưng cho chữ N. Mặt trời tượng trưng cho chữ KH; mặt trăng như chữ T. Con rắn tượng trưng chữ DJ. Con sư tử tượng trưng cho chữ L v.v… Họ có 24 chữ cái đều viết theo lối tượng hình. Nếu ai đó học được ngôn ngữ nầy chắc chắn cũng sẽ có những điều thú vị. Vì biết được một ngôn ngữ tức biết thêm được về đời sống, văn hóa, tôn giáo, học thuật cũng như tập quán của xứ kia vậy.

Tiện đây xin mời quý vị đi thăm những Kim Tự Tháp tại Giza cách thủ đô Cairo chừng 40 cây số về hướng Bắc. Thật sự ra Ai Cập có cả hàng trăm Kim Tự Tháp như thế; nhưng ngày nay chỉ còn độ vài chục Kim Tự Tháp và mỗi Kim Tự Tháp đều mang một vẻ huyền bí khác nhau; nhưng tựu chung những nơi nầy dùng để chôn xác của Vua và Hoàng Hậu cũng như những lễ vật bằng vàng bạc được chôn theo sau khi chết. Người xưa suy nghĩ thực tế rằng khi sống dùng cái gì thì khi chết cũng dùng thứ ấy. Nhưng nếu đem những đồ bằng đất, bằng gạch theo sợ bị mau hư; nên họ cho đem theo toàn là những đồ làm bằng vàng để giữ cho được lâu ở dưới những ngôi mộ thần bí ấy.

Tiếng Đức gọi là Pyramide và tiếng Hoa là “Kim Tự Tháp”. “Kim” là vàng; nhưng thực sự ra ở đây làm bằng đá quý. Như đá hoa cương, đá cẩm thạch, khi mặt trời ló dạng chúng chiếu lên những tia nắng như vàng; nên người Hoa gọi là “Kim” để chỉ cho tính chất đẹp và bền bỉ ấy và cũng đâu biết rằng họ có thể phiên âm theo lối chiết tự cũng nên. “Tự” ở đây có nghĩa là kết nối lại và chữ “Tháp” có nghĩa là ngôi nhà có nhiều từng. Đại khái chữ tượng hình chúng ta hiểu như vậy; nhưng cũng có thể nó diễn tả những ý nghĩa khác nữa. Tại Giza có Kim Tự Tháp Khufu và ngày nay được biết dưới tên Cheops. Tháp nầy nguyên thủy cao 146,72 thước và bây giờ người ta đo được còn 137 thước. Có lẽ thời gian năm tháng trải qua những phong ba cùng tuế nguyệt, nào động đất, thời tiết v.v.., nên Tháp nầy bị lún sâu xuống như thế. Tháp vuông vức bốn cạnh. Mỗi cạnh chiều dài là 230 thước. Tất cả Tháp đều cấu tạo bằng 2.300.000 viên đá. Mỗi viên nặng 2.500 kg. Người ta đoán rằng thời gian xây dựng phải kéo dài ít nhất là 30 năm và như thế cứ 7 phút phải sắp xong một hòn đá nặng như thế. Đây thật khó có thể tính bằng cách tính mà chỉ có thể cảm nhận bằng đức tin và sự sùng bái quân vương hoặc những tù nhân phải thực hiện nếu không muốn chết.

Những công trình như Angkor Wat ở Campuchia hay Borobudur ở Indonesien có thể so sánh với những Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Vì vậy những nơi nầy được liệt kê vào 7 kỳ quan trên thế giới và mãi cho đến bây giờ những kỳ quan nầy vẫn được nhân loại tín nhiệm tiếp tục, chứ không bị gạt ra ngoài danh sách hãn hữu ấy. Khi đến đây rồi mới thấy khả năng của con người nhỏ bé quá đối với những công trình to lớn như thế nào và làm sao họ có thể mang những tảng đá nặng như thế lên cao như vậy. Ngoài sức người ra có vị Trời Tứ Thiên Vương nào đến giúp cho chăng? Hay những vật nầy tự nhiên xuất hiện trên những sa mạc hoang vu ở miền Bắc Phi nầy?

Tôi đứng nhìn những con lạc đà đang nhơi lại thức ăn và chờ khách đến để chở đi, thầm nhớ lại lời Đức Phật dạy rằng: “Cái khổ của con lạc đà chở nặng trong bãi sa mạc. Ấy chưa gọi là khổ, mà cái khổ của người ngu si không trí tuệ, ấy mới là khổ”. Mình không là lạc đà nên không biết là khổ hay là vui; nhưng nếu làm người mà không có Trí Tuệ thì chắc chắn khổ lắm.

Ở xứ nóng bao nhiêu thì họ càng mặc đồ dày bấy nhiêu. Điều nầy tôi lấy làm lạ; nhưng thật sự ra mặc như thế vẫn mát và ấm áp hơn. Vì cát, sỏi của sa mạc khó chen vào bên trong, vì được giữ kín và nếu cái nóng có vụt đến thì phải bị biến mất, vì sự nóng kia không đủ khả năng để chui qua lớp vải dày ấy.

Người Hồi Giáo Ai Cập họ có một tháng chay trong bốn tuần lễ. Ban ngày không ăn chỉ sinh hoạt về đêm. Họ gọi lễ nầy là Ramadan. Lễ nầy thường kết thúc vào cuối tháng mười dương lịch và sau lễ, họ nghĩ lễ ba ngày để kỷ niệm. Dĩ nhiên đã chay thì phải tịnh nữa; nên những người bên Hồi Giáo cũng có những giới ngăn như bên Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo vậy. Tuy có khác nhau; nhưng mục đích chính vẫn là thăng hoa cuộc sống nội tâm của mỗi con người theo đạo.

Hôm đó vào một đêm trăng mờ của tháng 7 năm 2006 tôi đã đến chân tháp Cheops trước tượng đầu người mình thú, cũng có một lịch sử thật ly kỳ. Khi nghe hướng dẫn, khách hành hương sẽ tìm về những dấu tích xa xưa của thời kỳ tiền sử. Âm thanh và ánh sáng chập chùng lúc tỏ lúc hiện và vượt lên cả không gian yên tỉnh của Sa Mạc làm cho con người khó diển tả được những gì mình đã và đương nghe được về những sự thuyết minh bằng tiếng Đức. Không gian ấy là hoạt cảnh sống động của không gian 5 ngàn năm về trước và hoàn cảnh ấy vẫn là hoàn cảnh của ngày nay sau 5 ngàn năm của thành phố Giza nầy.

Người ngồi đây nghe và chứng kiến những dữ kiện lịch sử lui về trong quá khứ không phải là một tín đồ Hồi Giáo mà là một Tăng Sĩ Phật Giáo; nên những người Âu Mỹ ngồi chung quanh tôi họ cũng có những ánh mắt tò mò. Nhưng dầu sao đi nữa đây cũng là một đêm nhạc tuyệt vời giữa thiên nhiên với Sa Mạc, với Kim Tự Tháp, với âm thanh rùng rợn và với ánh sáng đèn màu.

Bên cạnh Vua bao giờ Hoàng Hậu cũng nằm đó, trông rất thê lương và cảnh cũ giờ đây đã chứng minh cho sự vang bóng một thời của những vương triều xa xưa. Tôi đứng dậy và nhủ thầm: “Rõ ràng lời Phật dạy rất đúng. Vì lẽ tất cả các pháp đều bị sự vô thường và sanh diệt chi phối. Dẫu là lâu đài, cung điện nguy nga…, tất cả cũng được làm bằng đất đá. Qua thời gian năm tháng đất đá ấy cũng phải trở về nguyên thủy của đất đá mà thôi”. Đúng là “để xem con tạo xoay vần đến đâu”; nhưng xoay đi đâu thì đi, cuối cùng cũng phải chịu sự biến thiên của lịch sử và của nhân quả vậy”.

Những ngày ở Ai Cập tôi đã ra chợ để đi thăm những quầy hàng của những người nông dân buôn bán, sinh sống bên giòng sông Nils. Tuy họ nghèo; nhưng họ rất hạnh phúc. Hầu như họ không biết nói thách là gì, mặc dầu họ biết chúng tôi là người ngoại quốc. Có những cái nhìn hơi tò mò; nhưng đa phần họ hiểu chúng tôi là Phật Giáo; nên đi đâu và ngay cả ở trong đền thờ Hồi Giáo họ đều chào chúng tôi bằng lối chấp tay lại và nói rằng: “Đạt Lai Lạt Ma”.

Đạo Phật ngày hôm nay không dừng ở đó, mà trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống như ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật v.v…, bất cứ nơi đâu cũng đều có sự hiện hữu của Đạo Phật ở nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người nghĩ rằng Hồi Giáo cực đoan. Nhưng tôi thấy những ngày ở Ai Cập thật thoải mái. Có lẽ do con người chủ trương sai và làm sai; chứ thực ra đạo không sai. Vì chẳng có đạo nào dạy cho con người đi làm trái đạo cả.

Tôi cũng mong rằng quý vị cũng nên có dịp để viếng thăm Ai Cập một chuyến để đến tận nơi và xem tận mắt thì điều ấy mới chính mình là những người đang thưởng thức những món ngon vật lạ trực tiếp, chứ không phải chỉ nhìn qua ánh mắt mà thôi. Mong được như vậy.

---o0o---

Vi tính: Hạnh Bổn
Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 3948)
Như suối nguồn vô tận, đề tài nói về công ơn cha mẹ không thể cạn ý khô lời, nhất là ở lãnh vực Văn học-Nghệ thuật. Chỉ riêng khía cạnh thơ ca thôi cũng đủ làm chúng ta choáng ngợp, cảm thấy bé nhỏ dưới bầu trời vô tận của mênh mông tình mẹ.Với đạo lý nhà Phật, điều đó thêm trở nên thiêng liêng và ý nghĩa hơn.
09/04/2013(Xem: 4328)
Người bạn đạo rủ tôi lên chùa trên núi nghe pháp vì có người cho quá giang. Thật là duyên lành vì đấy là ngôi chùa tôi mong một lần được viếng mà chưa có phương tiện.
09/04/2013(Xem: 3978)
Những ngôi chùa Việt Nam xuất hiện từ bao giờ? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Tất nhiên khi đạo Phật truyền báở đâu thì nhiều chùa chiền xuất hiện tại đó. Song sự thật không còn một ngôi chùa nào cổ đến thế kỷ II- III sau Công nguyên. Chùa là kiến trúc Phật Giáo phục vụ cho nghi lễ và tu hành.
09/04/2013(Xem: 3580)
Buổi sáng hôm đó, nắng vàng rất đẹp, mây xanh trong vắt và những bông hoa lựu đỏ thắm, nở rực rỡ trên con đường dẫn ra bờ sông Neranjara. Trong không gian ấm áp đó, một vị sa-môn như đang cố gắng tiến về bến sông. Nhìn thân hình quá gầy ốm, tiều tụy của ông, ai cũng có thể biết rằng ông là một nhà tu khổ hạnh như rất nhiều nhà tu khổ hạnh khác, dùng hình thức ép xác để mong tìm sự giải thoát cho tâm linh.
09/04/2013(Xem: 3477)
Tổng vụ Văn hóa công bố Quyết nghị 8 điểm sau Ðại hội Văn hóa Phật giáo tổ chức tại San Diego, Hoa Kỳ, dự kiến thiết lập một Giải thưởng Văn hóa Phật giáo Việt Nam, một Quỹ Văn hóa giúp đỡ văn thi nghệ sĩ, học giả, và tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam hằng năm, cũng như tiến hành phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh
09/04/2013(Xem: 4344)
Thời Đông Tấn (316-420) năm 340 quan phụ chính Dũ Băng đã từng thay mặt Thành Đế hạ chiếu ra lệnh các Sa môn phải chí kính đối với vương giả, song gặp phải sự phản đối kịch liệt của thượng thư lệnh Hà Sung và các đại thần khác, thế nên sự vụ ấy bị đình chỉ lại, không đi tới đâu. Hơn sáu mươi năm sau, năm 402 trào vua An Đế, Hoàn Huyền tự phong Thái Úy, chuyên đoán triều chính, hạ lệnh sa thải những phần tử "xấu" trong hàng ngũ tăng ni, tức thanh lọc tăng ni.
09/04/2013(Xem: 5567)
Trên Trang nhà Đạo Phật ngày nay, vào tháng 1 năm 2007, Thầy Nhuận Ân có viết một bài giới thiệu về nhục thân Hòa thượng Phổ Sái tại chùa Khánh Vân, thủ đô Bangkok, Thái lan. Từ bài viết đó, tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tại Thái lan, ngoài nhục thân của Hòa thượng Phổ Sái tại chùa Khánh Vân còn có một nhục thân nữa.
09/04/2013(Xem: 3912)
Triển lãm, thuyết trình, đại hội, thường khi giới thiệu cho chúng ta những hình ảnh văn hóa trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Ðây hẳn nhiên là thành tựu mà Ðại hội Văn hóa Phật giáo do Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, trực thuộc Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trì và ra công tổ chức hôm nay tại San Diego.
09/04/2013(Xem: 9069)
Những bài viết trong tập sách này chỉ là một cố gắng nhỏ bé nhằm trình bày những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa nhân loại. Hiện nay ở các nước Âu châu, Úc châu và Mỹ châu người ta đã bước qua giai đoạn tìm hiểu tư tưởng và sinh hoạt Phật giáo. Rất nhiều người đã tham dự vào các chương trình tu tập cùng thưởng thức các nét đẹp của nền văn hoá Phật giáo qua các sinh hoạt thiền quán, hoa đạo, trà đạo, vườn cảnh cùng các sinh hoạt khác mà các dân tộc Á châu mang đến các xã hội Tây Phương.
09/04/2013(Xem: 3315)
Có những bài kinh mà ta thường đem ra để đọc và để tụng trong các buổi lễ ở chùa, ở tu viện, ở tư thất…Tôi nghĩ rằng đọc kinh hay tụng kinh là một phần chủ yếu trong sự tu tập hằng ngày. Ảnh hưởng của đọc và tụng hết sức tích cực và rộng lớn : giúp ta hiểu và thấu triệt giáo lý của Phật hoặc để khơi động lòng từ bi, tập trung tâm thức của ta....
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]