Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương IV: Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa)

13/05/201317:42(Xem: 3163)
Chương IV: Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa)

Lược Sử Văn Học Sanskrit

& Hán Tạng Phật Giáo

Thích Kiên Định

Chương IV:

Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa) 

  1. Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:

Kinh văn thuộc hệ Saṅskrit quan trọng nhất và được xem như tác phẩm văn chương có giá trị nhất của Phật giáo là Saddharmapuṇḍarīka sūtra. Niên đại xuất hiện của nó chừng khoảng thế kỷ thứ I sau CN, tức thời kỳ Phật giáo Đại thừa đã phát triển mạnh tại các nước ở Châu Á. Tuy nhiên, trong thời gian này Kinh văn Pháp Hoa vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, mà chừng khoảng bốn hoặc năm thế kỷ sau đó nó phải được bổ sung thêm vào. Phổ biến nhất là bản kinh của ngài Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập); vì nó đã được bổ sung thêm một chương và những kệ tụng trong những phẩm khác liên quan đến Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) và Avalokiteśvara (Quán-thế-âm) cũng như một nửa Phẩm Auṣadhasyarāja Bodhisattva (Dược Vương Bồ-tát) khi so với sự khiếm khuyết từ bản dịch ban đầu của ngài. 

Saddharmapuṇḍarīka-sūtra, theo Maurice Winternitz, được phiên dịch đầu tiên sang tiếng Trung Hoa vào năm 223; vì nó cũng đã được ngài Nāgārjuna trích dẫn, tiếc rằng bản dịch này cũng đã bị thất lạc.[38]Bản hiện còn do Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ) dịch sang tiếng Trung Hoa vào năm 286, với nhan đề là Chánh Pháp Hoa Kinh, 27 chương, 10 quyển, đời Tây Tấn, ĐC 9_263. Có một bản dịch khác gọi là Tát Đàm Phân Đà Lợi Kinh,[39]1 quyển, ĐC 9_265, nhưng không rõ dịch giả, đã đề cập đến những Phẩm “Devadatta” (Đề-bà-đạt-đa) và “Hiện Bảo Tháp”, mà nó được hoàn tất trong khoảng thời gian của ngài Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ). Vẫn biết, bản dịch của ngài Dharmarakṣa gồm 27 chương là tương đối hoàn chỉnh, song ở vào một niên đại sớm hơn, nhiều mảng của những chương này dường như đã được lưu hành có tính độc lập. Chẳng hạn, Phẩm Upāyakauśalya (Phương Tiện) đã xuất hiện trước thế kỷ thứ 2 sau CN; vì những sự mô tả sinh động về hình tượng của đức Phật được đề cập trong chương này, niên đại của nó có lẽ không sớm hơn hạ bán thế kỷ thứ I sau CN.[40]

Lại nữa, bản tương đối hoàn chỉnh do ngài Kumārajīva dịch vào năm 405 hoặc 406, được gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, 7 quyển, đời Diêu Tần, ĐC 9_262. Tuy nhiên, bản dịch này không có những Phẩm đề cập đến “Devadatta” và những bài kệ của Phẩm Avalokiteśvara cũng như một nửa của Phẩm Auṣadhasyarāja Bodhisattva (Dược Vương Bồ-tát). May thay, ngài Pháp Hiền đã phát hiện được một mảng Saṅskrit liên quan đến Phẩm Devadatta ở Turfan vào năm 490,[41]sau đó nó được dịch ra Hoa ngữ. Thế nhưng trên thực tế, bản này ngài Pháp Vân không sử dụng trong lời bình của Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký, 8 quyển, đời Lương, Pháp Vân soạn, ĐC 33_1715, và Pháp Hoa Nghĩa Sớ,[42]Shōtoku Taishi (574-622), 4 quyển, ĐC 56_2187. Điều này cho thấy Phẩm Devadatta chỉ được thêm vào trong Kinh Pháp Hoa sau thời của họ. Ngài Trí Khải (538_597) bình luận về Phẩm Devadatta trong Pháp Hoa Văn Cú[43](hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú), 20 quyển, đời Tuỳ, ĐC 34_1718, 114c) của mình, mà trước đây nó không có trong bản dịch của ngài Kumārajīva.

Năm 601, những phần khiếm khuyết trong bản dịch của Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) đã được Jñānagupta (Xà-na-quật-đa_523-600) cùng với những dịch giả khác bổ sung và thêm vào sau này thành một bản hoàn hảo với nhan đề là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Jñānagupta và Kumāragupta dịch, 7 quyển, đời Tuỳ, ĐC 9_264. Do đó, có sự khác nhau giữa bản dịch của Kumārajīva với Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ) và Kumāragupta (Khố-mã-lạp-cấp-đa); còn mảng Kinh được tìm thấy ở Đông Thổ Nhĩ Kỳ (Earstern Turketan) cũng có phần hơi khác với bản dịch của Nepalese (người Nepál).[44]

Ngoài ra, còn nhiều bản dịch thuật, trước tác, biên soạn và chú giải khác, như: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, 20 quyển, đời Tuỳ, Trí Đầu thuyết, ĐC 33_1716 và Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú, 20 quyển, đời Tuỳ, Trí Đầu thuyết, ĐC 34_1718. Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Sám, 20 quyển, đời Đường, Trạm Nhiên thuật, ĐC 33_1717. Pháp Hoa Huyền Luận, 10 quyển, đời Tuỳ, Cát Tạng soạn, ĐC 34_1720; Pháp Hoa Nghĩa Sớ, 12 quyển, đời Tuỳ, Cát Tạng soạn, ĐC 34_1721; và Pháp Hoa Du Ý, 1 quyển, đời Tuỳ, Cát Tạng tạo, ĐC 34_1722. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Tán, 20 quyển, đời Đường, Khuy Cơ soạn, ĐC 34_1723. Pháp Hoa Huyền Tán Nghĩa Quyết, 1 quyển, đời Đường, Tuệ Chiếu soạn, ĐC 34_1724. Và Pháp Hoa Tông Yếu, 1 quyển, Tân La, Nguyên Hiểu soạn, ĐC 34_1725.

Một bản dịch của Tây Tạng hoàn toàn về Saddharma-puṇḍarīka sūtra hiện còn, và bản thảo Saṅskrit của nó đã được tìm thấy trong những vùng khác nhau của Châu Á. Đặc biệt quan trọng là bản thảo Saṅskrit ở Nepal, Gilgit ở Bắc Ấn, cũng như ở Kashgar và Khādalik ở Trung Á. Từ khi bản thảo Saṅskrit của Nepal được H. Kern và B. Nanjio cho xuất bản, kế tiếp đó, những bản khác về kinh này cũng lần lượt được xuất bản. Những bản dịch Anh Ngữ và Nhật Bản cũng đã xuất hiện.[45]

  1. Khái lược về Nội dung:

Toàn bộ Saddharmapuṇḍarīka-sūtra này được viết bằng văn hệ Saṅskrit và Prākrit theo thể văn xuôi và kệ tụng, song nó vẫn tiêu biểu cho một sự phát triển cao về lãnh vực văn chương của Phật giáo Đại thừa. Nó vốn hàm súc những tư tưởng độc đáo, nghĩa lý thâm áo lại mầu nhiệm mà đã được kết tinh bằng những chất liệu từ bi và trí tuệ của đức Như Lai suốt 45 năm thuyết pháp; đó là từ lúc Giáo đoàn Phật giáo được hình thành cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn. Dĩ nhiên, trong suốt thời sinh tiền của Như Lai, nếu cứ vào sự dòng tư tưởng chuyển biến và phát triển, hệ thống và lôgic, thì có vẻ đường đột; vì suốt quãng thời gian chừng năm thế kỷ sau khi đức Thế Tôn diệt độ, rất nhiều kinh điển Đại thừa khác xuất hiện với những giai tầng tư tưởng khác nhau.[46]

Đối với Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), bất luận tầng lớp nào trong xã hội, một khi đã tiếp cận và kiên nhẫn trì tụng, nó cũng đều ban cho họ những món quà vô giá, những thức ăn đầy nhựa sống cho tinh thần, có lẽ vì thế mà nó được phổ biến khắp nơi trên thế giới, không luận là những nước có truyền thống Phật giáo Hīnayāna (Tiểu thừa) hay Mahāyāna (Đại thừa). Nó làm sống lại những tâm hồn đau khổ và sầu muộn, tưới mát lại những dòng chảy tâm linh khô héo đã ngủ vùi từ bấy lâu nay trong thế giới huyễn ảo và giả tạm, và đánh thức lại nguồn tâm hay Phật tánh mà con người hững hờ quên lãng, đó là “khai, thị, ngộ, nhập Phật chi tri kiến”. Những phương tiện vô cùng thiện xão, như: “khai tích, hiển bổn”, “khai quyền, hiển thật”, “khai cận, hiển viễn” và “khai tam, hiển nhất” đã nhấn mạnh một cách triệt để rằng chỉ có một Phật thừa duy nhất mà hoàn toàn không có thừa thứ hai hay thứ ba nào khác, cốt để nêu bật lên tư tưởng thù thắng: “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, với mục đích giúp cho chúng sanh thể nhập Phật tánh thanh tịnh nhằm xiển dương tinh thần “tuỳ duyên bất biến”, “bất biến tuỳ duyên” trong thế giới hiện sinh này.

Đặc biệt, giáo lý Ekayāna (Nhất thừa) của Kinh Pháp Hoa này đã hình thành một hệ thống giáo lý uyên bác và bình đằng, thâm áo và uyển chuyển, với một mục đích duy nhất là phá tan mọi quan niệm cố chấp cứng nhắc về quả vị chứng ngộ của hàng Nhị thừa (Śrāvakayāna_Thanh-văn, Pratyekabuddhayāna_Bích-chi-phật) còn hạn cuộc trong Tứ Thánh quả cũng như hàng Bodhisattvayāna (Bồ-tát thừa).

Những đoạn văn xuôi ngắn bằng Saṅskrit và những kệ tụng bằng Saṅskrit pha trộn của bản kinh này, theo Nariman, không thể xuất hiện cùng thời; vì những đoạn văn xuôi cũng như những kệ tụng của văn kinh này thường được nói về một sự biên soạn kỹ xão có vận luật. Hơn nữa, nguồn gốc của văn kinh chỉ là những đoạn văn ngắn gọn được giải thích bằng phương thức giới thiệu và nối liền giữa những vần kệ. Thế nhưng, những đoạn văn xuôi ngắn gọn này lại được mở rộng như là phương ngữ của những vần kệ và dần dần trở nên thuần tuý hoàn toàn.[47]

Ngoài những thể loại văn xuôi ở đầu của mỗi phẩm và phần lớn được kết thúc bằng thể loại kể tụng ở cuối phẩm, nó còn chỉ cho thấy một kỷ nguyên thịnh hành cao độ về nghệ thuật thiết kế và kiến lập những bảo tháp uy nghiêm và vĩ đại của Phật giáo thời bấy giờ. Những Thánh tích của đức Phật được tôn trí bên trong của vô số tu viện Phật giáo với những quy mô lớn và đặc thù, với những tôn tượng đức Phật bằng đá quý, những hình tượng của đức Phật được chạm khắc lên những loại gỗ quý và kim loại đặc biệt cũng như những tranh tượng được chạm khắc trên tường vô cùng sống động.[48]

Saddharmapuṇḍarīka sūtra với 28 Phẩm của nó có lẽ được chia ra thành hai phần chính. Cả 14 Phẩm đầu của Kinh đề cập đến những phương tiện thiện xão, còn được gọi là “Tích Môn”; còn 14 Phẩm sau xiển dương triệt để giáo lý nền tảng, cũng được gọi là “Bản Môn”. Vậy Tích Môn và Bản Môn[49]là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ 28 Phẩm của Kinh Pháp Hoa.

Phẩm Tựa giới thiệu tổng quan toàn bộ kinh này. Nó mô tả cảnh đức Phật trú tại thành Vương-xá, trong núi Kỳ-xà-quật cùng với 2.000 Tỳ-kheo,[50]2.000 vị Hữu học và Vô học, 6.000 Tỳ-kheo-ni cùng với quyến thuộc, 80.000 Bồ-tát,[51]Thích-đề-hoàn-nhơn cùng với 20.000 Thiên tử quyến thuộc, Thiên Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà...và có cả vua A-xà-thế cùng với vô số quần thần đều đến tập hội. Mỗi vị trong số chúng ấy đến lễ nơi chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Lúc giữa tứ chúng vây quanh cung kính cúng dường tán thán, đức Thế Tôn vì chư Bồ-tát thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, thuyết xong, Ngài ngồi kiết già an nhiên, nhập vào vô lượng nghĩa xứ tam-muội, thân tâm bất động. Bấy giờ chư Thiên, rải hoa trời cúng dường, tán thán, lục chủng chấn động.[52]Hết thảy hội chúng đều rất hoan hỷ, thấy điềm lành chưa từng có, bèn chắp tay nhất tâm chiêm ngưỡng đức Phật. Lúc ấy đức Thế Tôn phóng ánh sáng từ tướng chân mày trắng, chiếu soi tới 8.000 cõi về phương đông, trên thấu tận trời Hữu Đảnh, dưới tới tận ngục A-tỳ. Trong ánh sáng đó hiện đủ cảnh giới khác nhau. Đại diện chúng đương cơ, ngài Di-lặc, tiêu biểu cho lòng từ, hỏi ngài Văn-thù_tiêu biểu cho trí tuệ_vì nhân duyên gì điềm lành ấy xuất hiện; người sau đáp rằng đó là vì đức Thế Tôn muốn thuyết kinh Đại thừa vô lượng nghĩa và muốn khiến cho đại chúng được nghe pháp cao sâu và rất khó tin của thế gian. Ngài tuỳ cơ thuyết pháp, như: nói pháp Tứ đế cho người cầu Thanh-văn; pháp Thập nhị nhân duyên, Duyên-giác; Lục độ Ba-la-mật, Bồ-tát. Với một mục đích duy nhất là mong muốn cho tất cả họ phát tâm cầu đạo và chứng đắc được quả Vô thượng Bồ-đề, thành nhất thiết chủng trí.

Kế đó ngài Văn-thù kể lại chuyện xảy ra trong quá khứ: cũng có đức Phật phóng quang, thuyết kinh đại thừa vô lượng nghĩa cho vô số Bồ-tát, mà trong số ấy có Bồ-tát Diệu Quang cùng 800 vị đệ tử nghe Phật thuyết pháp trải qua 60 tiểu kiếp mà vẫn an toạ một chỗ, thân tâm an lạc, không biết mệt mỏi; đặc biệt có Bồ-tát Đức Tạng được Phật thọ ký sau này sẽ thành Phật hiệu là Dīpaṇkara (Nhiên Đăng). Trái lại, cũng có Bồ-tát tên là Cầu Danh, tham trước lợi dưỡng, tuy có đọc tụng kinh điển nhưng không nhớ nghĩa lý; sau nhờ hành thiện nghiệp, tu tập đầy đủ lục độ Ba-la-mật, thấy được chư Phật, hết lòng cung kính cúng dường chư Phật; nhờ tích tập vô lượng công đức, cho nên sẽ được thành Phật hiệu Maitreya (Di-lặc), rộng độ và cứu giúp vô số chúng sanh.

Phẩm Phương Tiện thứ 2là phần Chánh Tông. Nó nhấn mạnh đến sự vận dụng phương tiện thiện xão để khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Nó mô tả lại đức Phật từ tam-muội khởi, rồi bảo tôn giả Xá-lợi-phất rằng ‘trí tuệ của chư Phật sâu xa vô lượng, rất khó giải khó nhập đến nổi tất cả hàng Thanh-văn và Bích-chi-Phật không thể hiểu thấu. Vì từ khi thành Phật cho đến nay, Ngài đã dùng vô số nhân duyên, vô số thí dụ, rộng diễn giáo hoá, dùng vô số phương tiện để dắt dẫn chúng sanh, khiến họ lìa khổ được an lạc. Hơn nữa, Như Lai khi vận dụng phương tiện, đều đã thấy biết rõ các pháp như thật và đầy đủ Ba-la-mật rồi; tri kiến sâu xa rộng lớn của Như Lai đầy đủ Thập lực, Tứ vô sở uý, thiền-định giải thoát tam-muội vô lượng vô ngại, thâm nhập không bờ mé, thành tựu tất cả pháp xưa nay chưa từng có. Như Lai có khả năng phân biệt các pháp khéo léo, thuyết các pháp bằng những ngôn từ nhu nhuyến khiến tâm của chúng sanh vui thích’.

Khi Xá-lợi-phất thay mặt hội chúng thỉnh Phật giải nghi, Ngài dạy:

Này Xá-lợi-phất, vô số ngôn từ bí yếu, vô lượng vô biên pháp xưa nay chưa từng có, chư Phật thảy đều thành tựu. Thôi! Xá-lợi-phất, không nên nói nữa. Vì sao? Vì Phật đã thành tựu pháp đệ nhất rất khó giải, xưa nay chưa từng có. Duy chỉ có Phật cùng với Phật mới có đủ khả năng thẩm thấu cùng tột thật tướng của các pháp. Đó là: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh bình đẳng”.[53]

Điều này cho thấy “chư pháp thật tướng” chính là nội dung cốt lõi của phần Tích môn trong kinh Pháp hoa.

Pháp mà Phật chứng đắc rất sâu xa khó giải, ý hướng ngôn thuyết rất khó biết, đến nổi tất cả Thanh-văn và Bích-chi-Phật không thể hiểu thấu... Xá-lợi-phất thay mặt hội chúng ba lần cầu thỉnh đức Phật giải bày. Đức Phật cũng ba lần dạy rằng “Thôi thôi Xá-lợi-phất, chớ nên nói nữa! Dẫu có nói chăng nữa thì tất cả thế gian chư Thiên và loài người càng thêm nghi ngờ kinh sợ”. Khi nghe nói lời như thế, trong hội chúng có 5.000 Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di, v.v... rời chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi lui ra. Khi quán xét thấy hội chúng thanh tịnh, Ngài bảo: “Xá-lợi-phất, những kẻ tăng thượng mạn như thế, lui ra cũng tốt!”. Rồi căn dặn Xá-lợi-phất khéo lắng lòng nghe kỹ rằng vì giáo pháp cao sâu vi diệu, cho nên chư Phật Như Lai lúc đúng thời mới nói; cũng như hoa Udumbara (Ưu-đàm-bát) đúng thời mới xuất hiện mà thôi.

Ngài lại cân nhắc và khuyên tứ chúng muốn phát tâm cầu đạo vô thượng Bồ-đề phải hết lòng giữ tín tâm cho kiên cố mới có thể hiểu nổi giáo nghĩa thâm áo vi diệu của chư Phật. Ngài dạy:

Ta dùng vô số phương tiện, vố số nhân duyên thí dụ ngôn từ để diễn thuyết các pháp. Pháp ấy chẳng phải tư lường phân biệt mà có thể hiểu được, mà chỉ có chư Phật cùng với Phật mới có khả năng thẩm thấu. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một nhân duyên lớn, cho nên xuất hiện ở đời... Đó là vì muốn chỉ bày tri kiến Phật cho chúng sanh, cho nên xuất hiện ở đời; muốn khiến cho chúng sanh ngộ được tri kiến Phật, cho nên xuất hiện ở đời; muốn khiến cho chúng sanh thể nhập vào tri kiến Phật, cho nên xuất hiện ở đời. Xá-lợi-phất, đó là chư Phật chỉ vì một nhân duyên lớn, cho nên xuất hiện ở đời”.[54]

Xa hơn nữa, đức Phật bảo Sāriputra (Xá-lợi-phất) rằng chư Như Lai luôn giáo hoá Bồ-tát: chỉ dùng tri kiến Phật để chỉ bày cho chúng sanh chứng ngộ. Như Lai chỉ dùng Eka-buddha-yāna (nhất Phật thừa) mà vì chúng sanh thuyết pháp, chứ không có thừa thứ hai hoặc thừa thứ ba nào khác cả; vì hết thảy pháp của chư Phật trong mười phương cũng như vậy. Ngài lại dạy Xá-lợi-phất rằng mười phương chư Phật trong quá khứ hiện tại và vị lai đã đang và sẽ dùng vô lượng vô số phương tiện, vô số nhân duyên, thí dụ, ngôn từ mà vì chúng sanh diễn thuyết các pháp; pháp ấy chính là nhất Phật thừa. Các chúng sanh theo chư Phật nghe pháp, rốt ráo đều đắc được Nhất thế chủng trí. Ngài bảo:

Ta nay cũng như vậy, biết các chúng sanh có tâm tham đắm dục vọng sâu xa, nuông chìu theo bản tánh của mình, cho nên phải dùng vô số nhân duyên thí dụ ngôn từ, phương tiện lực mà vì họ thuyết pháp. Xá-lợi-phất, như hội chúng này đều đắc được nhất Phật thừa, nhất thiết chủng trí. Xá-lợi-phất, mười phương trong thế giới hai thừa mà còn không có huống gì là có ba! Xá-lợi-phất, chư Phật xuất hiện ở đời ác năm trược, đó là: kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược và mạng trược. Như vậy, Xá-lợi-phất, thời kiếp trược loạn lạc, chúng sanh cấu nhiễm nặng nề; vì xan tham tật đố tạo nên những căn bất thiện. Chư Phật nơi nhất Phật thừa dùng phương tiện lực nói có ba. Xá-lợi-phất, nếu đệ tử của Ta, tự xưng là A-la-hán hay Bích-chi-phật mà không nghe không biết việc chư Phật Như Lai chỉ giáo hoá Bồ-tát, thì những người ấy chẳng phải là đệ tử của Phật, chẳng phải là A-la-hán, chẳng phải là Bích-chi-phật. Lại nữa, này Xá-lợi-phất, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, tự xưng đã đắc A-la-hán rồi, là thân cuối cùng, rốt rào vào Niết-bàn, mà không cần cầu quả vô thượng Bồ-đề, nên biết những hạng này đều là những kẻ tăng thượng mạn”.[55]

Đây nhấn mạnh đến “nhất Phật thừa” là cái đích duy nhất của phương tiện, chứ không có thừa thứ hai hoặc thừa thứ ba nào khác. 

Phẩm Thí Dụ 3kể lại việc đức Phật thuyết kinh Đại thừa vô lượng nghĩa và nhắc lại bổn nguyện hành đạo mà Xá-lợi-phất và hội chúng đã được nghe trước đó nhưng vì họ quên mất, nay nhớ lại và tự biết rõ họ là đệ tử của Phật. Đây là đức Phật giáo hoá cho hàng Trung căn. Kế đó Phật thọ ký cho Xá-lợi-phất sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai. Đối với hạng căn cơ thấp, Ngài lại đưa ra ví dụ “ngôi nhà lửa” để chỉ bày cho họ.

Chuyện kể về một Đại Trưởng giả vô cùng giàu có ở một nước nọ, tuổi đã già, tiền tài của cải nhiều vô lượng, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ, lại đông con. Nhà tuy rộng lớn nhưng chỉ có một cửa ra vào rất hẹp, trong đó có nhiều người cùng sống chung. Song nó đã quá cũ, tường vách lung lay, cột kèo ruỗng mục, mái và những đòn tay nghiêng vẹo. Ngày nọ, đột nhiên nó bốc lửa, cháy lan tứ bề; thấy vậy Trưởng giả vội nghĩ, ta có thể ra khỏi nhà này an toàn, nhưng còn những đứa trẻ thì đang hăng say đùa giỡn chẳng hay biết gì lửa đang cháy. Thế rồi, ông gọi chúng hãy nhanh chóng ra khỏi nhà lửa, nhưng vì quá ham chơi, cho nên chúng không nghe. Thoáng suy nghĩ tìm phương kế, ông liền bảo chúng rằng ngoài ngã tư đường có ba loại xe trang hoàng những đồ quí giá rất đẹp và hiếm thấy, như là: xe dê, xe nai và xe trâu. Nghe thế chúng chạy ùa ra khỏi ngôi nhà ấy và hỏi cha của chúng xe để đâu; sau một lát phân bua với chúng, ông ta cho chúng một chiếc xe trâu trắng. Đây gọi là dụ “tam xa, hoả trạch”. Tam xa chỉ cho Tam thừa: Śrāvaka (Thanh-văn), Pratyekabuddha (Duyên-giác hoặcBích-chi-phật) và Bodhisattva (Bồ-tát); còn hoả trạch chỉ cho ba cõi bất an; và trâu trắng chỉ cho Đại thừa thuần tuý. Dụ về ngôi nhà lửa nhằm gợi lên đức tin cho hàng trung căn.

Phẩm Tín Giải thứ 4dụ về “trưởng giả và người cùng tử” để nhân cách hoá đức tin. Nó nói về sự thất lạc giữa cha và con, ngụ ý trỏ sự lãng quên tâm Đại thừa trong khoảng thời gian từ đức Phật Đại Thông Trí Thắng trở về trước.[56]

Phẩm Dược Thảo Dụ thứ 5 nhấn mạnh đến pháp bình đẳng vô phân biệt, tức là pháp nhất tướng nhất vị bình đẳng mà đức Thế Tôn vận dụng để giáo hoá, có công năng đem lại lợi ích và an lạc cho tất cả chúng sanh; ví như trận mưa lớn không phân biệt, mọi thảo mộc đều được thấm nhuần.

Trong Phẩm Thọ Ký thứ 6, đức Phật thọ ký cho bốn vị Thanh-văn, đó là: ngài Đại Ca-diếp thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai; Tu-bồ-đề, Danh Tướng Như Lai; Ca-chiên-diên, Kim Quang Như Lai; và Mục-kiền-liên, Chiên-đàn Hương Như Lai. Điều đáng lưu ý rằng thông thường đức Phật chỉ thọ ký cho hàng Bồ-tát, nhưng ở Kinh này bốn vị Thanh-văn cũng đã được thọ ký; đây là điểm đặc thù của kinh Pháp Hoa.

Phẩm Hoá Thành Dụ thứ 7kể lại sự xuất hiện của đức Phật Đại Thông Trí Thắng trong quá khứ mà Ngài đã diệt độ cách đây vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp nhưng tri kiến của Ngài hoàn toàn không khác với tri kiến của chư Phật đương thời; rồi mô tả lại thời hiện tại sự thành đạo của đức Đại Thông Trí Thắng, Ngài dạy rằng “Ta dùng năng lực tri kiến của Như Lai để quán xem năng lực tri kiến lâu xa của đức Phật kia thì cũng (giống) như ngày nay”.[57]Đức Phật ấy lúc chưa xuất gia có 16 vương tử. 16 vị này khi nghe vua cha xuất gia và thành đạo Vô thượng Bồ-đề, tất cả họ cũng như Thích-đề-hoàn-nhơn cùng với trăm ngàn đại thần và trăm ngàn vạn ức Phạm thiên đều đến chỗ Phật Đại Thông Trí Thắng đảnh lễ cúng dường và thỉnh Phật thuyết pháp. Sau khi quán căn cơ của họ, Ngài đã giảng rộng nghĩa về pháp Tứ đế Thập nhị Nhân duyêntheo Tam chuyển thập nhị hành pháp luân. Nhưng khi 16 vị này xin xuất gia làm Sa-di, đức Phật ấy sau khi xét thấy căn tánh của họ thông lợi, lại tinh tấn tu hành, nghiêm trì tịnh giới, bèn thuyết Kinh Pháp hoa và giáo Bồ-tát pháp Phật sở hộ niệm, xong Ngài vào thất nhập định.

Còn 16 vị này, sau khi được nghe giảng, đã thọ trì và lãnh hội được nghĩa lý cao sâu và nhận biết rõ được bản hoài của chư Phật. Khi biết đức Phật đã nhập định, họ thăng toà giảng kinh này trải qua 84.000 kiếp, độ vô số chúng sanh và giúp họ phát tâm cầu đạo Vô thượng. Xuất định sau 84.000 kiếp, đức Phật ấy đã tán thán 16 vị Sa-di Bồ-tát trước hội chúng và khuyến họ cúng dường cũng như nói rõ về sự chứng quả Vô thượng Bồ-đề của 16 vị ấy tính đến nay đã lâu xa. Mỗi một của 16 vị này đều thành Phật, vị đầu tiên thành Phật hiệu là A-sơ cho đến vị thứ 16, Thích-ca Mâu-ni hiện trị vì cõi Ta-bà này. Đức Phật lại dạy:

Khi chư Phật còn là Sa-di, mỗi người đều giáo hoá vô lượng trăm ngàn vạn ức hằng hà sa chúng sanh. (Họ) theo Ta nghe pháp, sẽ được quả Vô thượng Bồ-đề, nhưng chúng sanh này đến nay vẫn còn ở trong hàng Thanh-văn. Ta thường giáo hoá họ chứng Vô thượng Bồ-đề. Những người này phải hành đúng theo chánh pháp, dần dần mới có thể nhập vào đạo. Vì sao? Vì trí tuệ của Như Lai khó tin khó hiểu, mà bấy giờ vô lượng hằng hà sa chúng sanh được giáo hoá. Các ông, những Tỳ-kheo, sau khi Ta diệt độ, trong đời vị lai là những đệ tử Thanh-văn...; lại có đệ tử không được nghe kinh này, không biết không hiểu Bồ-tát hạnh, tự mãn với công đức đã đạt được, sinh ý tưởng diệt độ, sẽ nhập Niết-bàn. Ta hành Phật sự ở nước khác, có tên khác, có người tuy sanh ý tưởng diệt độ, nhập vào Niết-bàn mà ở cõi kia, cầu trí tuệ Phật, được nghe kinh này, thời chỉ dụng Phật thừa mà được diệt độ, chứ không có thừa nào khác; trừ các đức Như Lai phương tiện thuyết pháp. Này các Tỳ-kheo, nếu Như Lai tự biết đến thời nhập Niết-bàn, liền triệu tập chúng Bồ-tát và Thanh-văn vì họ thuyết Kinh này. Thế gian không hề có hai thừa mà được diệt độ, chỉ có nhất Phật thừa mới được diệt độ mà thôi”.[58]

Sau cùng, Ngài minh hoạ bằng “Hoá Thành Dụ”. Có bậc Đạo sư thông tuệ, biết chỗ có kho báu; chúng sanh muốn đến chỗ lấy châu báu phải đi qua con đường hiểm. Giữa đường gặp nhiều chướng ngại và nguy hiểm họ bèn thối tâm trở lui; thấy họ đáng thương, vị Đạo sư ấy biến hoá ra một cái thành để cho họ tạm an nghỉ và khích lệ họ đừng thối tâm. Sau khi thấy họ được an ổn, liền diệt hoá thành ấy. Đạo sư dụ cho đức Phật; châu báu, quả Phật; hoá thành, phương tiện dắt dẫn Tam thừa; mục đích là để dắt họ vào trí tuệ Phật. Nói chung, Tam thừa là phương tiện, chỉ có nhất Phật thừa là chơn thật mà thôi.

Cũng như Phẩm Hoá Thành Dụ thứ 7, cả Phẩm thứ 8 và 9 đều nói về việc đức Phật thọ ký cho hàng hạ căn.

Phẩm Ngũ Bách Đệ Tử Thọ Kýthứ 8nói về Phú-lâu-na là bậc thuyết pháp đệ nhất. Ông theo Phật được nghe về trí tuệ, phương tiện, tuỳ nghi thuyết pháp, việc thọ ký, những nhân duyên đời trước và lực thần thông đại tự tại của chư Phật, thảy đều là những điều chưa từng có trước đây. Vị ấy đã tán thán đức Phật là bậc tôn quý lạ thường, hiếm có; vì chúng sanh mà Ngài đã dùng vô số phương tiện để chỉ bày tri kiến và tuỳ cơ thuyết pháp giúp họ được an lạc và phát tâm cần cầu Vô thượng Bồ-đề, cho nên công đức ấy không gì sánh nổi. Kế tiếp là việc đức Phật tán thán Phú-lâu-na là vị thuyết pháp đệ nhất trong hàng đệ tử của Ngài. Ông thông suốt các pháp ‘không’ như chư Phật đã thuyết và đắc tứ vô ngại trí, đủ pháp thần thông, thường tu phạm hạnh, và được Phật thọ ký sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai.

Tiếp theo là việc thọ ký cho 1.200 vị A-la-hán; và cuối cùng là 500 A-la-hán được Phật thọ ký và họ đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Phật bằng cách kể lại chuyện bạn bè thân quen đã tặng viên ngọc quý trong chéo áo, nhưng vị ấy không biết. Sau thời gian cách biệt, gặp lại anh ta ở một nước khác mà vẫn thấy còn trong tình cảnh nghèo khổ, bèn nhắc lại viên ngọc quý mà mình đã tặng cho anh ta. Lấy ngọc đem bán và anh ta trở thành người giàu có.[59]Dụ này ngụ ý họ đã tự trách chính họ vì tự mãn với quả vị A-la-hán và ý tưởng diệt độ, nay mới biết chính họ thực sự là những Bồ-tát được thọ ký và chứng đắc Vô thượng Bồ-đề. Rồi họ sanh tâm hoan hỷ mà trước đây chưa từng có.

Phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký thứ 9mô tả chuyện Phật thọ ký cho A-nan và La-hầu-la được thành Phật hiệu là Sơn Hải Huệ Tự Tại Thông Vương Như Lai và Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai cũng như 2.000 vị Hữu học và Vô học được thọ ký cùng danh hiệu Bảo Tướng Như Lai.

Phẩm Pháp Sư thứ 10nhấn mạnh đến công năng mầu nhiệm của Kinh và khuyến hoá phổ truyền trong nhân gian để chúng sanh có được lợi ích, an lạc và phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề. Nó kể lại chuyện Bồ-tát Dược Vương nói về 80.000 đại sĩ, trong đó có người cầu Thanh-văn, có người cầu Bích-chi-phật, cũng có người cầu Bồ-tát đạo hoặc Phật đạo. Nhân việc này, đức Phật bảo những người như thế hễ khi được nghe một câu kinh hay một bài kệ, hoặc chỉ một niệm tuỳ hỷ, thì Ngài đều thọ ký Vô thượng Bồ-đề. Đức Phật bảo Dược Vương:

Nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải thích, viết chép Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho đến một kệ; đối với quyển kinh này cung kính như thấy Phật, cúng dường những thứ hương, hoa, anh lạc..., cho đến chắp tay cung kính, Dược Vương nên biết, những người đó đã từng cúng dường 10 vạn ức Phật, nơi các cảnh giới Phật, thành tựu đại nguyện; vì thương xót chúng sanh, cho nên sanh ở cõi này”.[60]

Ở một đoạn khác, Ngài dạy:

Này Dược Vương, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì tứ chúng thuyết kinh Pháp Hoa, phải nên nói thế nào? Người thiện nam, thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toà Như Lai, như thế mới nên vì tứ chúng rộng thuyết kinh ấy. Thất Như Lai ấy là tâm đại từ bi trong hết thảy chúng sanh. Áo Như Lai là tâm nhu hoà nhẫn nhục. Toà Như Lai, tất cả pháp không. Trong sự an trú như thế, về sau dụng tâm không biếng nhác mà vì các Bồ-tát và tứ chúng rộng thuyết Kinh Pháp Hoa này”.[61]

Phẩm Hiện Bảo Tháp thứ 11mô tả về tháp Đa Bảo từ đất vọt lên để tán thán đức Thích-ca và chứng minh cho lời đức Phật Thích-ca thuyết pháp từ trước đến nay là chơn thật cũng như lời tán dương của Phật Đa Bảo đối với đức Thích-ca. Trong tháp ấy cả đức Đa Bảo và đức Phật Thích-ca cùng ngồi chung một toà; còn đại chúng nương vào sức thần của Như Lai đều được dự hội trên hư không. Những ai thấy bảo tháp ấy đều sanh lòng hoan hỷ, phát tâm cầu đạo vô thượng và cho đó là điều hy hữu. Đức Thích-ca tập hợp những vị đại sĩ lại và khuyến khích họ rộng lưu truyền kinh này cũng như sau khi Phật diệt độ và nói rõ về việc phó chúc. Đặc biệt là sự tán thán việc hoằng truyền kinh Pháp Hoa và nhấn mạnh rằng nơi đâu có người trì tụng kinh này, đức Đa Bảo đều hiện bảo tháp nơi đó. Nó ngụ ý chỉ cho Phật tánh (tức ngụ ý chỉ Bảo Tháp) khi gặp kinh này thì hiển lộ.

Phẩm Đề-bà-đạt-đa thứ 12nói đến việc đức Phật Thích-ca thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa_dù ông là một người phá hoại Phật pháp, tạo nhiều trọng tội: xuất Phật thân huyết, phá hoà hiệp Tăng_sẽ được thành Phật hiệu Thiên Vương Như Lai và “Long Nữ của Diêm hải Long vương mới 8 tuổi, trí tuệ lợi căn, khéo biết các hành nghiệp của chúng sanh, đắc đại Đà-la-ni. Chư Phật thuyết bí tạng rất sâu xa thảy đều có khả năng thọ trì, thâm nhập thiền-định, liễu đạt các pháp, nơi khoảnh khắc sát-na, phát tâm Bồ-đề, đắc bất thối chuyển, biện tài vô ngại...[62]Điều này cho thấy rằng ngay cả những hạng Nhất-xiển-đề và kẻ độc ác nhất như Devadatta cũng được đức Phật thọ ký; vì Phật tánh đã có sẵn trong loài hữu tình, mà chuyện Long Nữ thành Phật đã là một trong những minh hoạ vô cùng độc đáo.

Phẩm Khuyến Trì thứ 13nhấn mạnh đến lời giáo huấn khẩn thiết của đức Thế Tôn, cho nên lúc ban đầu trong hội chúng có vô số Bồ-tát và A-la-hán cũng như những Tỳ-kheo-ni, như: Kiều-đàm-di, Da-du-đà-la đều phát tâm hoằng truyền kinh Pháp Hoa này ở những cõi khác. Sau đó cũng có “tám vạn ức na-do-tha Bồ-tát, chứng bất thối chuyển, đắc Đà-la-ni, đối trước đức Phật, phát nguyện hành trì và hoằng truyền kinh này trong đời mạt pháp, không tiếc thân mạng, khiến cho chúng sanh viết chép, thọ trì, đọc tụng, giảng giải, diễn thuyết ý nghĩa của kinh này, nhằm nhớ nghĩ chơn chánh, như pháp tu hành...”[63]

Phẩm An Lạc Hạnh thứ 14kể lại do sự thỉnh cầu của Bồ-tát Văn-thù đức Phật đã thuyết về 4 pháp an lạc hạnh. Bốn pháp này là: thân an lạc hạnh, khẩu an lạc hạnh, ý an lạc hạnh và nguyện an lạc hạnh. Đối với thân an lạc hạnh gồm có hành xứ và thân cận xứ. Hành xứ là nhấn mạnh đến sự nhiếp tâm chánh niệm, nghiêm trì tịnh giới, đối ngoại cảnh tâm không phan duyên, nơi nội tâm luôn tự soi xét. Thân cận xứ ở đây ngụ ý chỉ thật tướng của các pháp. Như đức Phật dạy:

Bồ-tát quán chiểu tất cả các pháp đều là không, như thật tướng, không có điên đảo, không động, không thối, không chuyển, như hư không vốn không có tánh, hết thảy đường ngôn ngữ đoạn tận, không sanh, không xuất, không khởi, không tên, không tướng, vốn không thật có, vô lượng vô biên, vô ngại, vô chướng, chỉ do nhân duyên mà có, từ nơi điên đảo mà sanh, nói thường vui thích quán chiếu pháp tướng như vậy”.[64]

Phẩm Tùng Địa Dõng Xuất thứ 15 là sự phụng mệnh, nhận lãnh yếu chỉ, bảo trì và phát đại nguyện diễn giảng và phổ biến rộng kinh Pháp Hoa trong đời ác ngũ trược để những người khác khi được nghe hoặc hành trì biên tụng sao chép hay giảng giải kinh này tránh khỏi những tai ách và đạt được sự an lạc cũng như có thể đạt được những công năng thù thắng và đặc biệt là được thần lực vi diệu mầu nhiệm của chư Bồ-tát từ đại địa xuất hiện thường hỗ trợ và gia trì cho người lưu hành kinh này.

Kế tiếp là Phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16tán thán sự thọ mạng vô lượng của đức Như Lai; vì để củng cố đức tin cho tứ chúng, đức Phật Thích-ca dạy: “Ta thật sự đã thành Phật, vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp lâu xa về trước[65]mà điều này Bồ-tát Di-lặc đã bảo rằng không thể nào dùng toán số thí dụ để so sánh mà có thể biết được. Cũng ý tương tợ này, ở một đoạn khác như vầy:

Ta khi còn nhỏ xuất gia đã chứng đắc quả vô thượng Bồ-tát, song Ta thật sự thành Phật đã lâu xa ngần ấy, chỉ là vì dùng phương tiện để giáo hoá chúng sanh, khiến họ nhập vào Phật đạo, nói lời như vậy, các thiện nam tử, Như Lai diễn giảng kinh điển đều vì độ thoát chúng sanh, hoặc nói về thân mình, hoặc nói về thân khác, hoặc thị hiện thân mình, hoặc thị hiện thân khác, hoặc chỉ bày việc mình, hoặc chỉ bày việc người. Những lời nói như vậy đều thật sự không hề hư dối. Vì sao? Vì Như Lai thật sự thấy tướng của tam giới, không có sanh tử hoặc thoái hoặc tiến, cũng không phải tại thế cũng không phải diệt độ, chẳng phải thật, chẳng phải hư, chẳng phải như, chẳng phải khác, cũng không như tam giới thấy tam giới, những việc như thế, Như Lai thấy rõ không có sai lầm; vì các chúng sanh có nhiều thứ tánh, nhiều thứ dục, nhiều thứ hành, nhiều thứ nhớ tưởng phân biệt, muốn khiến cho họ sanh các thiện căn”.[66]

Giống như thầy thuốc giỏi, tuỳ bịnh cho thuốc; bịnh không thuyên giảm là do không uống thuốc, hoặc dùng thuốc không đúng như lời dạy của lương y. Vậy lỗi không do nơi thuốc mà do nơi người bịnh. Cũng như người cha đương là một thấy thuốc giỏi, biết những đứa con của mình đang mắc bịnh, dỗ dành và khuyên răn chúng uống thuốc để trừ bịnh, nhưng có lẽ vì thuốc quá đắng hoặc vì biếng nhác không nghe lời cha dạy; do đó, người cha bèn tìm cách đi nơi xa, rồi để thuốc lại và căn dặn chúng nhớ uống cho khỏi bệnh. Lúc người cha vắng nhà, chúng quên lời cha dặn uống nhầm thuốc độc, ngã lăn trên đất rên xiết quằn quại; người cha về thấy vậy liền lấy thuốc cho chúng uống, uống xong bịnh lành. Người cha đang là vị lương y dụ cho đức Phật; còn những người con ấy chính là chúng sanh; và thuốc hay chính là giáo pháp của Ngài vậy. Phẩm này cho thấy việc thành Phật của đức Như Lai đã từ vô lượng kiếp về trước nhờ thành tựu vô lượng công đức nhằm khuyến hoá chư Bồ-tát tinh tấn tu tập không sanh tâm mệt mỏi đối với việc phụng sự chúng sanh một cách tuỳ hỷ mới có thể đạt được những công đức thù thắng như thế.

Phẩm phân biệt công đức thứ 17, tức là phần chánh tông, đã kể lại chuyện đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

Nếu có người nào nghe được sự thọ mạng lâu dài của chư Phật như thế, cho đến có khả năng sanh một niệm tin hiểu, thì sẽ đạt được công đức vô hạn lượng. Nếu có người thiện nam thiện nữ nào vì cầu Vô thượng Bồ-đề, nơi 80.000 ức na-do-tha kiếp, hành năm Ba-la-mật, trừ bát-nhã Ba-la-mật, thì công đức trước kia so với công đức này không bằng một của trăm phần cả trăm ngàn vạn phần, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không thể biết được".[67]

Ở một đoạn khác, Ngài dạy:

Nếu như có người được nghe nói về sự thọ mạng lâu dài mà hiểu được ý hướng của việc nói về sự thọ mạng lâu dài ấy, thì người này đạt được công đức vô hạn, có khả năng phát sinh được trí tuệ vô thượng của Như Lai, huống gì được rộng nghe kinh này; hoặc giáo hoá người nghe, hoặc tự mình thọ trì, hoặc giáo hoá người thọ trì, hoặc tự mình viết, hoặc giáo hoá người viết; hoặc dùng hoa hương, anh lạc, tràng phan bảo cái... mà hiến cúng quyển kinh ấy, thì công đức người này vô lượng vô biên, có khả năng phát sinh nhất thiết chủng trí.”.[68]

Phẩm này nhấn mạnh đến công đức thù thắng có thể đạt được, tuỳ theo cấp độ tu tập để cho những vị Bồ-tát mở rộng trí giác nhằm phân biệt công đức vô lượng ấy.

Phẩm Tuỳ Hỷ Công Đức thứ 18 kể lại chuyện đức Phật dạy Bồ-tát Di-lặc rằng sau khi Như Lai diệt độ, nếu có ai trong tứ chúng và những người có trí dù lớn hay nhỏ, khi được nghe Kinh này xong tuỳ hỷ, rồi đến nơi khác nói lại pháp ấy cho cha mẹ, họ hàng, thiện hữu tri thức, những người này nghe xong tuỳ hỷ, rồi họ nói lại pháp ấy cho người khác nữa, người khác nghe xong cũng tuỳ hỷ, tương tự như thế, cho đến người thứ 50 được nghe kinh này rồi tuỳ hỷ, thì công đức tuỳ hỷ của người thứ 50 còn hơn cả công đức của người cầu phước mà vị này đã đem những thứ vui thú để cúng dường cho vô số vô lượng chúng sanh trong tứ sinh lục đạo cho đến những người này chứng được quả A-la-hán.[69]

Phẩm Pháp Sư Công Đức thứ 19ca ngợi công đức của người hoằng truyền kinh này. Như đức Phật dạy:

Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc tụng, hoặc giải thích, hoặc viết chép, thì người ấy sẽ được 800 công đức của mắt, 1200 công đức của tai, 800 công đức của mũi, 1200 công đức của lưỡi, 800 công đức của thân và 1200 công đức của ý. Chính nhờ công đức trang nghiêm, mà sáu căn đều được thanh tịnh”.[70]

Kế tiếp là Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tátthứ 20. Nó đề cao đức tánh khiêm cung luôn tôn trọng và quí kính người khác, một trong những hạnh Bồ-tát mà rất hiếm người làm nổi. Được mệnh danh là Thường Bất Khinh là vì “có một Tỳ-kheo, hễ khi nào thấy Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di thảy đều lễ bái tán thán, thưa rằng “Tôi kính trọng quí ngài, chứ không dám khinh mạn. Vì sao? Vì quí ngài đều hành Bồ-tát đạo, sẽ được thành Phật”.[71]

Phẩm Như Lai Thần Lực thứ 21tán thán công hạnh và tinh thần vô ngã của Bồ-tát xuyên qua sự hỗ trợ và năng lực thần diệu của Như Lai.

Phẩm Chúc Luỵ thứ 22nói về sự giao phó việc hoằng truyền kinh này cho các vị Bồ-tát. Khi đức Phật Thích-ca dùng tay phải xoa đảnh những vị Bồ-tát rồi dạy:

Ta trải qua vô lượng trăm ngàn A-tăng-kỳ kiếp, tu tập khó khăn lắm mới có thể chứng được pháp vô thượng Bồ-đề này. Nay Ta đem giao phó cho các ông, các ông phải nên hết lòng lưu truyền rộng rãi khiến cho hết thảy chúng sanh đều được lợi ích”. 

Sau ba lần xoa đảnh những vị Bồ-tát như vậy, rồi Ngài lại dạy:

Ta trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, tu tập khó khăn lắm mới có thể chứng được pháp vô thượng Bồ-đề này. Nay Ta đem giao phó cho các ông, các ông phải nên thọ trì đọc tụng diễn giải rộng rãi pháp này, khiến cho hết thảy chúng sanh đều được nghe biết. Vì sao? Vì Như Lai có lòng từ bi lớn, không tiếc lẫn cũng không sợ hãi, hay ban cho chúng sanh trí tuệ của Phật, trí tuệ của Như Lai, trí tuệ tự nhiên. Như Lai là bậc Đại thí chủ của hết thảy chúng sanh, các ông cũng nên tuỳ thuận học theo pháp của Như Lai, chớ nên sanh lòng tiếc lẫn. Trong đời vị lai, nếu có người thiện nam kẻ thiện nữ nào tin tưởng trí tuệ của Như Lai, thì các ông phải nên vì người ấy mà diễn thuyết pháp kinh Pháp Hoa này khiến được nghe biết, khiến cho người tin trí tuệ của Như Lai có thể chứng đắc trí tuệ của Như Lai. Nếu có chúng sanh nào không tin tưởng thọ trì, các ông phải vận dụng trong giáo pháp sâu xa khác của Như Lai để chỉ bày giáo hoá, khiến họ được lợi ích hoan hỷ. Các ông nếu làm được như thế, tức là đã báo đáp được ân đức của chư Phật”.[72]

Sau cùng, những vị Bồ-tát được đức Phật xoa đảnh thọ ký đã phát nguyện làm đúng theo hoài bảo và lời huấn thị của Như Lai. 

Phẩm Dược Vương Bồ-tát thứ 23kể lại chuyện của Tú Vương Hoa Bồ-tát hỏi đức Phật Thích-ca vì nhân duyên gì mà Bồ-tát Dược Vương du hành trong cõi ta-bà; do đó, đức Phật mới bảo rằng Bồ-tát ấy có được cả trăm ngàn vạn ức na-do-tha khổ hạnh khó hành. Rồi ngài kể lại sự tích xưa kia của Bồ-tát ấy có tên là Hỷ Kiến Bồ-tát ở trong thời Phật Tịnh Minh Đức, đức Phật này đã thuyết kinh Pháp Hoa cho vị ấy và những vị Bồ-tát khác. Hỷ Kiến Bồ-tát tinh tấn tu hành, xả thân bố thí, nguyện cầu quả Phật... Khi đức Phật diệt độ, vị Bồ-tát ấy không những đã tạo 84.000 bảo bình và dựng 84.000 bảo tháp, mà còn đốt cả hai cánh tay cúng dường cho đức Phật Tịnh Minh Đức ấy. Do tâm thành của Bồ-tát Hỷ Kiến đốt cả hai tay cúng dường, đã khiến mười phương thế giới chấn động, chư Thiên cũng đã mưa hoa cúng dường Bồ-tát Hỷ Kiến ấy.

Đoạn cuối của Phẩm này tán thán việc cúng dường kinh Pháp Hoa và nêu lên 10 giá trị cao thượng của kinh này, như sau:

1) Trong các dòng sông, biển lớn nhất; cũng vậy, trong các kinh, Kinh Pháp Hoa này là sâu và lớn nhất.

2) Trong các ngọn núi, núi Tu-di cao nhất; cũng vậy, trong các kinh, Kinh này cao hơn hết.

3) Trong các vì sao, mặt trăng là sáng nhất; cũng vậy, trong các kinh, Kinh này chói sáng nhất.

4) Như mặt trời có công năng trừ mọi tối tăm; Kinh này cũng vậy có công năng phá trừ hết thảy tối tăm, bất thiện.

5) Trong các vị Tiểu Vương, Chuyển luân Thánh vương là lớn nhất; cũng vậy trong các kinh, Kinh này được tôn kính nhất.

6) Như Đế-thích là vua ở cõi trời thứ 33; kinh này cũng vậy, vua trong các kinh.

7) Như Đại phạm Thiên vương là cha của tất cả chúng sanh; kinh này cũng vậy, cha của tất cả những bậc Thánh hiền, Hữu học, Vô học và người phát tâm Bồ-tát.

8) Trong tất cả người phàm phu, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán, Bích-chi-phật là trên hết; cũng vậy trong các kinh, Kinh này là trên hết.

9) Trong hạng Thanh-văn và Bích-chi-phật, Bồ-tát là thứ nhất; cũng vậy, trong các kinh, Kinh này là thứ nhất.

10) Như Phật là vua các pháp; cũng vậy Kinh này là vua các kinh.[73]

Cuối cùng, đức Phật đã khẳng định, sự chói sáng và vi diệu, sự cao sâu và mầu nhiệm, sự tối thắng và linh nghiệm của kinh này đã giúp vô số chúng sanh diệt trừ mọi thống khổ và đạt được sự an lạc cũng như tầm giá trị vô cùng quan trọng của kinh này; đặc biệt Ngài đã khuyến hoá những vị Bồ-tát phải tinh tấn thọ trì và hoằng truyền rộng rãi kinh này. 

Phẩm Diệu Âm Bồ-tát thứ 24trình bày về Diệu Âm Bồ-tát cùng với 84.000 Bồ-tát khác từ cõi Tịnh Quang Trang Nghiêm nơi ấy có đức Phật hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai nương vào thần thông du hý, trí tuệ trang nghiêm và công đức vô tận của đức Như Lai đến cõi ta-bà để nghe đức Phật Thích-ca thuyết kinh Pháp

Hoa và cứu giúp chúng sanh. Tại núi Linh-thứu, trong khi tất cả chúng hội đang nghe giảng kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Văn-thù thấy điểm lạ xuất hiện bèn hỏi đức Phật Thích-ca vì nhân duyên gì có điềm lạ như thế và nhờ gieo trồng công đức gì mà Bồ-tát Diệu Âm có được thân sắc vàng cùng với 84.000 Bồ-tát khác có được thần thông tam-muội du hý như vậy. Đức Thích-ca đáp rằng họ đến cõi này để cúng dường, lễ bái và nghe Ngài thuyết kinh này. Rồi Bồ-tát Diệu Âm đem trăm ngàn chuỗi anh lạc vô giá đến dâng cúng đức Thế Tôn và kính chuyển lời vấn an của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai đến đức Phật Thích-ca. Ngay lúc ấy, đức Phật Đa Bảo đang ở trong tháp bảy báu, khi nghe đức Thích-ca vặn hỏi rằng Ngài có nghe pháp và thấy điềm lành gì hay không; do đó, bấy giờ đức Đa Bảo hết lời tán thán Bồ-tát Diệu Âm. Vì nhân duyên này, Bồ-tát Hoa Đức cũng thỉnh vấn đức Phật rằng Bồ-tát Diệu Âm do nhân duyên gì và gieo trồng những công đức gì mà có được thần lực vi diệu như thế.

Rồi đức Phật Thích-ca mới kể lại sự tích của Bồ-tát Diệu Âm trong quá khứ ở cõi nước Hiện Nhất Thiết Thế Gian có Phật hiệu là Vân Lôi Âm Vương cách đây hai vạn ngàn năm đã từng đem mười vạn thứ kỹ nhạc và 84.000 bát thất bảo cúng dường đức Phật ấy. Nhờ công đức như thế, cho nên Bồ-tát Diệu Âm có được thần lực như vậy. Rồi Bồ-tát Hoa Đức hỏi đức Phật Thích-ca rằng Bồ-tát ấy trụ vào tam-muội gì mà lại có được công năng biến hoá tự tại vô ngại như vậy. Đức Phật dạy rằng tam-muội đó gọi là “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân”, nhờ tam-muội này mà Bồ-tát Diệu Âm đã độ vô lượng vô số chúng sanh từ kiếp lâu xa đến nay. Khi Bồ-tát Diệu Âm cúng dường và vấn an xong, trở về bổn quốc và trình bày lại những gì đã xãy ra tại cõi ta-bà này. Đây là nhấn mạnh đến phép mầu vi diệu và công năng tuỳ duyên hiện thân để nhiếp hoá cứu giúp loài hữu tình trong đời ác ngũ trược này.

Kế tiếp là Phẩm Quán-thế-âm Bồ-tát thứ 25. Sự hoá thân cứu độ vô số chúng sanh ở cõi ta-bà càng rõ hơn là Bồ-tát Quán Thế Âm. Phẩm này rất phổ biến và chắc hẳn có sự linh nghiệm thiết thực và rất gần gũi với tất cả chúng sanh. Thậm chí danh hiệu ngài đã trở thành tên của nhiều đạo tràng và chùa tháp cũng như hình tượng của ngài được tôn thờ khắp nơi trong nhân gian. Đặc biệt phẩm này thường được tụng vào 3 ngày lễ vía của ngài trong một năm. Phẩm này kể lại rằng do Vô Tận Ý Bồ-tát thỉnh vấn đức Thế Tôn giải đáp vì nhân duyên gì mà Bồ-tát ấy lấy danh hiệu là Quán-thế-âm như thế. Ngài dạy:

Này thiện nam tử, nếu có vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sanh chịu những khổ não, nghe đến danh hiệu của Quán-thế-âm Bồ-tát, hết lòng xưng tụng danh hiệu Quán-thế-âm Bồ-tát. Tức thời ngài quán xét âm thanh đó, liền đến cứu độ cho họ được giải thoát”.[74]

Ngoài ra, những khổ não của chúng sanh được tóm thâu trong 7 nạn khác nhau, như sau: 1. Nạn hoả hoạn lớn; 2. Nạn La-sát; 3. Nạn dao gậy; 4. Nạn quỉ lớn; 5. Nạn gông cùm; 6. Nạn oán tặc; và 7. Nạn oán tặc. Nếu hết lòng xưng tán danh hiệu và nhất tâm cầu nguyện Quán-thế-âm Bồ-tát đến giúp, thì Ngài sẽ tuỳ phương hướng và tuỳ vào tiếng kêu cứu nơi đầu liền hiện thân đến nơi đó để cứu giúp. Nếu người có nhiều dâm dục, nhiều sân hận và nhiều ngu si, thường niệm cung kính Quán-thế-âm Bồ-tát, liền lìa được dâm dục, sân hận và ngu si. Thậm chí nếu có người muốn cầu con trai hay con gái, thường niệm cung kính danh hiệu của Ngài, liền được như sở cầu. Do sức oai thần của Quán-thế-âm Bồ-tát linh nghiệm và nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sanh cần phải thường niệm danh hiệu và cung kính Ngài. Để thể hiện lòng cung kính, Vô Tận Ý Bồ-tát đã đem chuỗi anh lạc bằng báu có giá trị trăm ngàn lạng vàng dâng cúng cho Bồ-tát Quán-thế-âm. Lúc đầu Ngài từ chối nhưng vì tấm lòng tha thiết cúng dường, cuối cùng Ngài đã nhận chuối anh lạc ấy, rồi chia ra hai phần, một phần dâng cúng cho đức Thích-ca, phần còn lại dâng cúng cho Tháp Phật Đa Bảo.

Phẩm Đà-la-ni thứ 26trình bày về những thần chú linh nghiệm và năng lực của chư Phật hộ trì cho Pháp sư thuyết kinh, người trì kinh và bảo vệ kinh này; năng lực ngăn chặn kẻ xấu làm hại Pháp sư, làm hại người trì kinh và phá hoại kinh này. Ngoài ra, còn có những vị như là: Dược Vương Bồ-tát, Dõng Thí Bồ-tát, Tỳ-sa-môn Thiên Vương Hộ Thế, Trì Quốc Thiên Vương, v.v... cũng đều phát tâm tuyên thuyết thần chú để hộ trì cho những vị Pháp sư giảng kinh Pháp Hoa này và những người đọc tụng kinh này.

Phẩm kế tiếp là Diệu Trang Nghiêm Vương thứ 27kể lại chuyện trong thời quá khứ của vua Diệu Trang Nghiêm lúc đầu vốn không tin Phật, sau được Tịnh Đức phu nhân của vua, cùng với hai người con: Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn khuyến hoá hành thiện và cải tà quy chánh, xuất gia đầu Phật, thường tinh tấn tu hành kinh Pháp Hoa, nhờ vậy mà chứng được Nhất Thiết Tịnh Công Đức Trang Nghiêm Tam-muội. Diệu Trang Nghiêm Vương chính là Hoa Đức Bồ-tát; Tịnh Đức phu nhân của vua chính là Trang Nghiêm Tướng Bồ-tát; Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn con của vua Diệu Trang Nghiêm chính là Dược Vương Bồ-tát và Dược Thượng Bồ-tát. Sau cùng có vô số người xa lìa trần cấu, chứng đắc được pháp nhãn thanh tịnh.

Cuối cùng là Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát Khuyến Phát. Phẩm này nhấn mạnh đến tín tâm kiên cố, tinh tấn thực hành và trì tụng kinh Pháp Hoa sẽ được Phổ Hiền Bồ-tát hộ trì; và đây cũng là phẩm tổng kết toàn bộ Kinh này. Từ cõi nước của đức Phật Bảo Oai Đức Vương đến cõi Ta-bà tại núi Linh-thứu lễ Phật và xin được nghe giảng kinh Pháp Hoa, Phổ Hiền Bồ-tát cùng với vô số chúng Bồ-tát, sau khi nghe xong, liền phát tâm hộ trì và thỉnh vấn đức Phật Thích-ca rằng, sau khi đức Thế Tôn diệt độ, làm thế nào để duy trì và lưu hành phổ biến kinh này. Vì lý do này, đức Phật khuyến hoá các vị Bồ-tát cần phải thành tựu 4 pháp như sau: 1) Được chư Phật trợ giúp bảo trì; 2) Gieo trồng các cội gốc công đức; 3) Nhập chánh định tụ; và 4) Phát tâm cứu giúp tất cả chúng sanh.[75]

Rồi Bồ-tát Phổ Hiền đã phát nguyện rằng 500 năm sau khi đức Thế Tôn diệt độ, trong đời ác năm trược, nếu có người thọ trì kinh này, ngài sẽ hộ trì và khiến cho người đó được an ổn, không để cho ác ma quấy nhiễu và làm hại; hoặc ngài sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà, cùng với chúng đại Bồ-tát đều đến chỗ người trì tụng và diễn giảng kinh này bằng cách hiện thân, cúng dường và bảo vệ khiến cho người ấy được an ổn. Ngoài ra, người trì tụng kinh này sẽ được tôn kính. Khi đức Phật thuyết phẩm này xong vô số Bồ-tát Thánh chúng, Thiên nhơn và các chúng khác đều phát tâm hộ trì chánh pháp, hộ trì chân lý và khuyến thỉnh tất cả chúng hội tu tập đúng theo hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

Trên đây chỉ là sự tóm lược những ý chính và những vấn đề quan trọng của từng phẩm. Tuy không nói hết những chi tiết nhưng có lẽ cũng toát lên những điều cốt yếu của toàn bộ nội dung của mỗi phẩm trong kinh này.

Nói về Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), nó được tông Thiên Thai ở Trung Hoa, nổi bậc nhất là ngài Thiên Thai Trí Khải Đại Sư, xiển dương nghĩa lý thâm áo của nó đến tột đỉnh xuyên qua tư tưởng thù thắng về “nhất tâm tam quán[76], “nhất niệm tam thiên”. Những giáo pháp mà suốt những thập niên thuyết pháp trong thời sinh tiền của đức Thế Tôn cũng đã được tỉ giảo bằng chủ trương “ngũ thời bát giáo”. Xuyên qua ngũ thời bát giáo của Tông Thiên Thai, ngài Trí Khải đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về toàn bộ hệ thống của giáo pháp mà đức Thế Tôn đã dạy bằng bốn cấp độ: Đốn, Tiệm, MậtBất định, cũng như phương pháp giáo hoá của Ngài là: Tạng, Thông, Biệt Viên. Ngoài ra, khuynh hướng “ngũ trùng huyền nghĩa” tức là: Danh, Thể, Tông, Dụng Giáocủa Kinh Pháp Hoa cũng đã được xiển dương. Danhđề cập đến đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Tôngnói rõ nghĩa lý thiết thực của kinh; Thểbiện minh đến triết lý của kinh; Dụngbàn về hiệu quả thực tế của kinh; và Giáothẩm định giá trị của kinh này với những kinh điển khác.[77]

Tóm lại, Vốn dĩ được tôn phong là “chúng kinh chi vương”, cho nên kinh này có giá trị rất cao về văn chương và nghệ thuật điêu khắc cũng như về tư tưởng thâm áo mà khó có thể thấy trong những kinh điển Đại thừa trước đó. Giáo nghĩa của Pháp Hoa đã khơi dậy nguồn tâm thanh tịnh và Phật tánh thường minh trong tất cả loài hữu tình. Điều đáng lưu ý là đạo Phật lấy con người làm trung tâm, nhưng đến kinh Pháp Hoa này, nó đã nhấn mạnh đến Phật tánh vốn sẵn có trong vạn loại chúng sanh_có thể tìm thấy tinh thần này trong kinh Phạm Võng_mà khác với khuynh hướng của những kinh trước đây. Chẳng hạn nó đã đập nát mọi khái niệm cứng nhắc của hàng Nhị thừa, Tân học và Sơ học Bồ-tát, nó dựa trên nền tảng Phật tánh và nhấn mạnh đến quả vị tu chứng đều bình đẳng, không những hạng cực ác như Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) và hạng Icchantika (Nhất-xiển-để-ca) mà còn cả đến Long Nữ cũng đều có khả năng thành Phật. Quả thật đây là một khuynh hướng rất đặc thù, một tư tưởng rất táo bạo. Và càng táo bạo hơn nữa đó là đối với những hạng người bị tâm tán loạn, khi vào chùa hay tháp có thờ tôn tượng Phật, chỉ cần nhất tâm xưng tụng danh hiệu Ngài cùng đều được thành Phật,[78]mà nó đã gợi nhắc cho chúng ta đến kinh Di-đà liên quan đến sự nhất tâm bất loạn từ một cho đến bảy niệm cũng đều được vãng sanh về thế giới Tịnh độ.

Trên tất cả, nó giúp cho chúng ta có được tư tưởng thâm áo xuyên qua khái niệm về thật tướng của các pháp, dù sự hiện hữu của các pháp là do duyên sinh, nhưng thật tướng của các pháp chính là các pháp thường trú, là thật tại tánh bình đẳng của chúng.[79]Ở cấp độ cao hơn, có lẽ nói rằng siêu việt nhất là tư tưởng thâm áo về thật tướng của các pháp, hay thật tại tánh chỉ đều là danh ngôn tạm bịa đặt ra mà đấng Đạo Sư đã vận dụng phương tiện vô cùng thiện xão để dắt dẫn tất cả chúng sanh thoát khỏi vòng luân hồi sanh diệt và tái sanh trong tam giới. Vì sao? Vì các pháp là do duyên sanh, không sanh cũng chắng diệt, cũng giống như đức Như Lai, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”; cũng vậy, đức Như Lai đã thấy và biết rõ như thật rằng tất cả các pháp thảy đều là vô tánh.[80]

--------------------

[38]Xem Winternitz, M., Sđd.,... tr. 304.

[39]Tát Đàm Phân Đà Lợi Kinh chứ không phải là Tát Vân Phân Đà Lợi Kinh; đây có lẽ do sơ suất hoặc đánh máy nhầm. Xem Thích Thanh Kiểm, Sđd., tr. 9.

[40]Xem Hirakawa, A., Sđd.,... tr. 282-3.

[41]Sđd., tr. 283.

[42]Pháp Hoa Nghĩa Sớ, 12 quyển; Pháp Hoa Huyền Luận, 10 quyển; Pháp Hoa Lược Sớ, 6 quyển; Pháp Hoa Dụ Ý, 2 quyển; Pháp Hoa Luận Sớ, 3 quyển, đời Tuỳ, Cát Tạng dịch. Ngoài ra, còn có Pháp Hoa Huyền Tán, Khuy Cơ dịch, đời Đường, 10 quyển; Pháp Hoa Kinh Yếu Giải, Giới Hoàn dịch, đời Tống, 7 quyển; Giảng Diễn Pháp Hoa Nghĩa, Trí Chứng Đại Sư soạn, thời vua Kummu (Hoàn Võ) Nhật Bản. Xem Thích Thanh Kiểm, Sđd., tr. 13-4.

[43]Pháp Hoa Văn Cú là một trong ba quyển của “Pháp Hoa Tam Đại Bộ”, hai quyển kia là: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa và Ma Ha Chỉ Quán, Trí Giả Đại Sư dịch và soạn. Xem Thích Thanh Kiểm, Đại Ý Kinh Pháp Hoa, tr. 13.

[44]Winternitz, M., Sđd.,... tr.304.

[45]Xem Hirakawa, A., Sđd.,... tr. 283.

[46]Thay vì trình bày kinh Hoa Nghiêm trước, Bát-nhã sau, và càng đúng hơn là kinh Pháp hoa phải được trình bày vào thời điểm cuối trước khi đức Phật thuyết Kinh Đại Bát Niết-bàn vậy. Do đó, việc trình bày ở đây không chú trọng nhiều đến dòng tư tưởng phát triển theo từng thời kỳ nhưng tạm cứ vào niên đại xuất hiện của những kinh văn mà thôi.

[47]Xem Nariman, J.K., Literary History of Sanskrit Buddhism, ....tr. 72-3.

[48]Sđd., tr. 73-4.

[49]Tham khảo thêm về nghĩa lý và chi tiết: Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa giữa các Kinh điển Đại thừa, tr. 37-47.

[50]Những Tỳ-kheo này đều là những bậc đại A-la-hán, các lậu đã tận, sạch hết phiền não, tự mình lợi ích, sạch hết kiết sử, tâm được tự tại.

[51]Những Bồ-tát này đối với quả vị Vô thượng Bồ-đề không còn thối chuyển, đều đắc Đà-la-ni, diễn thuyết biện tài vô ngại, thường chuyển pháp luân, cúng dường vô lượng chư Phật, nơi cảnh giới Phật gieo trồng cội đức, thường được chư Phật tán thán, dùng từ tu thân, khéo nhập tuệ Phật, thông đạt đại trí, đến bờ giải thoát; danh xưng nghe khắp vô lượng thế giới, cứu giúp vô số chúng sanh.

[52]Tín thành tựu là “Như thị”; Văn thành tựu, “Ngã văn”; Thời thành tựu, “Nhất thời”; Chủ thành tựu, “Phật trú”; Xứ thành tựu, “Vương-xá thành, Kỳ-xà-quật sơn trung; và Chúng thành tựu, “dữ đại Tỳ-kheo chúng”.

[53]ĐC 262, tr. 5c.

[54]Sđd., tr. 7a.

[55]ĐC 262, tr. 7bc.

[56]Sự hội ngộ vui mừng của tình phụ tử lâu nay xa cách, ngụ ý trỏ sự an lạc và lợi ích khi diện kiến được Phật xuất thế ở thời Hoa-nghiêm. Cha luôn để tâm theo dõi con mình và tìm cách giả trang để gần gũi dắt dẫn; đây có lẽ chỉ cho sự thuyết giảng của đức Phật muốn chúng sanh dễ nắm bắt được tôn chỉ của những kinh như: A-hàm và Phương Đẳng. Trước khi chết, người cha đã muốn giao tất cả gia bảo lại cho con; vốn tính kỹ lưỡng, ông bèn mời tất cả những bằng hữu thân quen đến chứng kiến và cuối cùng tuyên bố với họ rằng toàn bộ gia sản sở hữu của ông nay thuộc về con ông, người cùng tử. Đây có lẽ chỉ cho thời Bát-nhã. Khi biết mình là con ruột và chính thức được nhận lãnh toàn gia bảo vĩ đại ấy thì nó ngụ ý trỏ cho thời Pháp Hoa.

[57]Sđd., tr. 22b.

[58]Sđd., tr. 25c.

[59]Sđd., tr. 29a.

[60]Sđd., tr. 30c.

[61]Sđd., tr. 31c.

[62]Sđd., tr. 35b.

[63]Sđd., tr. 36b.

[64]Sđd., tr. 37b.

[65]Sđd., tr. 42b.

[66]Sđd., tr. 42c.

[67]Sđd., tr. 44c.

[68]Sđd., tr. 45b.

[69]Sđd., tr. 46bc.

[70]Sđd., tr. 47c.

[71]Sđd., tr. 50c.

[72]Sđd., tr. 52c.

[73]Xem Sđd., tr. 54ab.

[74]Sđd., tr. 56c.

[75]Sđd., tr. 61a. Trong 4 Pháp này, pháp thứ 3 hơi khó hiểu. “Nhập chánh định tụ”, theo Hoà Thượng Trí Quang giải thích rằng “tụ” (nhóm người) có 3: Tà định tụ (nhóm người cố định theo tà giáo), Chánh định tụ (nhóm người cố định theo chánh pháp) và Bất định tụ (nhóm người chưa cố định theo tà giáo hay chánh pháp). Chánh định tụ, ở Tiểu thừa là Kiến đạo vị của thừa ấy (tức Tu-đà-hoàn quả), ở Đại thừa là Kiến đạo vị của thừa này (tức Cực hỷ địa). Ngoài ra, nhóm Chánh định tụ lại có những thứ chủng tánh, như: chủng tánh Thanh-văn (đang cố định là Thanh-văn); chủng tánh Bồ-tát (tức đã cố định là Bồ-tát); và chủng tánh bất định (tức chưa phải Thanh-văn cũng chưa phải là Bồ-tát). Vậy, “nhập chánh định tụ” tức là đã nhập vào trong nhóm người cố định theo chánh pháp mà nhóm người này đã thật sự có chủng tánh Bồ-tát. Xem HT. Thích Trí Quang, Pháp Hoa Lược Giải, tr. 906. Trong 4 pháp này, theo HT. Thanh Kiểm, pháp thứ 2 và 4 thuộc về phần tự lực tinh tấn tu hành; còn hai pháp còn lại thuộc về phần tha lực bảo vệ che chở giữ gìn.

[76]Đây có nghĩa là đề cập đến việc quán tâm môn hay hành môn với những cấp độ khác nhau: Tam vô lậu học: tức giới, định và tuệ; hoặc ba pháp: Hoặc, trí và lý; hoặc ba pháp: Quán, cảnh và lý. Nghĩa lý của ba cấp độ này như sau: Giới thuộc đạo đức; tuệ, chính trí; và định, tín niệm. Hoặc là mê vọng; trí, chánh kiến; và lý, cảnh quán chiếu. Ở đây ngụ ý, vận trí để đoạn hoặc, dụng lý để quán chiếu chứng ngộ. Và ba pháp còn lại là: quán, cảnh và lý là điều kiện tất yếu không thể thiếu cho việc quán tâm của Tông Thiên Thai. Xem thêm chi tiết Thích Thanh Kiểm, Sđd., tr. 22-3.

[77]Sđd., tr. 23.

[78]Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng nam mô Phật , giai dĩ thành Phật đạo”. ĐC 262, tr. 9a.

[79]Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ, ư đạo tràng tri dĩ, Đạo Sư phương tiện thuyết”. ĐC 262, tr. 9a.

[80]Vì lý do này cho nên Như Lai đã tuyên bố: “Chư Phật lưỡng túc tôn, tri pháp thường vô tánh, Phật chủng tùng duyên khởi, thị cố thuyết Nhất Thừa”. ĐC 262, tr. 9b.

----o0o---

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 10377)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
27/08/2010(Xem: 24249)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
22/07/2010(Xem: 13320)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 17012)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]