Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia

09/04/201314:16(Xem: 18374)
Bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia

BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM

CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Thích Hạnh Bình

1. Dẫn luận

Con người sinh ra đều giống nhau ở điểm là hai bàn tay trắng, không một mảnh vải che thân, sự khác đi của con người bắt nguồn từ quá trình trưởng thành, chịu ảnh hưởng cuộc sống từ gia đình và xã hội, xuất phát từ cơ sở đó định hướng cho mình một hướng đi, lựa chọn cho mình một cách sống, hay nói đúng hơn là một công việc để làm tất nhiên phải là một việc làm họp pháp, được luật pháp và cộng đồng xã hội công nhận, có thể là làm vua hay quan, công chức hay nghề nông, thậm chí là nghề quét đường. Theo tôi, về mặt giá trị đạo đức và phục vụ, không có một nghề nào có giá trị đạo đức cao hơn nghề nào, công việc nào cũng tốt, nghề nào cũng phục vụ cho con người và xã hội cả. Nếu có đi chăng nữa chỉ là đồng lương thấp hay cao, việc làm trong nhà hay ngòai đồng ruộng, sự khác nhau này tùy thuộc vào khả năng chuyên môn hay không chuyên môn, thích hay không thích của mình, không phải là giống nòi dòng tộc, cũng không do ai quyết định, do chính mình là người quyết định nghề. Bản thân nghề nghiệp không có sự khác biệt về đạo dức, nhưng qua công việc cụ thể con người có thể hiện cao thấp tốt xấu, sự khác biệt đó được đánh giá ngang qua người đó có biết bổn phận và trách nhiệm hay không. Khi mình đã quyết định lựa chọn cuộc sống này, nghề nghiệp này, chức vụ này…thì chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm của mình đối với việc ấy, nếu chúng ta nhận công việc, chức vụ mà không biết bổn phận mình làm gì, phạm vi làm đến đâu, như vậy tinh thần chịu trách nhiệm trước xã hội trước tổ chức không có, nó là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ. Người không có tinh thần biết bổn phận trách nhiệm, nếu người đó làm lãnh đạo cho một tổ chức nào thì tổ chức ấy suy sụp, nếu chủ trong một gia đình thì gia đình ấy cũng sẽ đỗ nát.

Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, nó không phải là một nghề nghiệp theo ý nghĩa như đã được xã hội qui định, nhưng cho dù như thế nào đi nữa, họat động của nó có liên hệ đến xã hội, thế thì các thành viện của tôn giáo ấp cần phải có bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội đối với tổ chức. Nói đến bổn phận là nói đến phạm vi sinh họat, nói đến trách nhiệm là nói thái độ thừa nhận kết quả của việc mà mình đã làm. Thế thì tinh thần này trong giáo lý nhà Phật như thế nào ? Nội dung lý thuyết nhân quả nghiệp báo là lý thuyết thuyết minh về tinh thần này. Ngòai ra, ‘Kinh Tiễn Mao’ (I) trong “Kinh Trung A hàm”, đức Phật đã định nghĩa: “Như Lai là người nói sao làm vậy, làm sao nói vậy”. Lời nói và việc làm đi đôi với nhau là người có bổn phận trách nhiệm, không tự lừa dối mình, cũng không lừa dối người khác.Nếu như đây là sự thật thì có một vấn đề dđược đặc ra, đức Phật là người đã giác ngộ và giải thóat, lời giảng dạy của Ngài vì mục đích làm cho mọi người được giác ngộ giải thóat như Ngài, thế thì tại sao chúng ta tu cả đời, ăn chay mòn răng, đọc tụng kinh một ngày mấy thời, nhưng sao không giác ngộ và giải thóat, lý do tại sao ? Vấn đề này được đức Phật giải thích trong ‘Kinh Thiện Pháp’ thuộc “Kinh Trung A hàm” như sau.

2. Bổn phận trách nhiệm của người xuất gia

Bất cứ ai sinh ra đời, sống trong xã hội đều phải có bổn phận trách nhiệm của mình, làm vua làm quan phải có bổn phận trách nhiệm của người làm vua làm quan, làm cha làm mẹ phải có bổn phận trách nhiệm người làm cha làm mẹ, thậm chí làm con làm cháu cũng phải có bổn phận trách nhiệm của người làm con làm cháu. Cũng vậy, chúng ta xuất gia làm đệ tử Phật cũng phải có bổn phận trách nhiệm của mình. Thế thì bổn phận và trách nhiệm của chúng ta là gì ? Bất cứ một người xuất gia nào, nhất là những người xuất gia trong Đại thừa cũng đều biết rằng mục đích xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh” (上求佛道,下化群生). Câu này có ý nghĩa, trước hết chúng ta cầu mong thành đạt sự giác ngộ và giải thóat, tức thành Phật, kế đến đem kinh nghiệm tu tập giác ngộ và giải thóat đó cứu giúp chúng sinh. Từ ý nghĩa câu này, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ, nhiệm vụ của người xuất gia có hai công việc phải làm là ‘Tự giác’ và ‘Giác tha’. Tự giác có nghĩa là tự mình giác ngộ; giác tha là đem sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh. Thế thì câu hỏi được đặt ra ở đây là, làm thế nào để được tự giác và giác tha ? Tự giác đó phải chăng từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất trồi lên ? hay cứ ở trong chùa ăn chay, ngày 2 thời kinh, sống như vậy đúng năm đúng tháng giác ngộ tự nhiên xuất hiện ? Theo tôi không phải như thế, sự giác ngộ và giải thóat này phải có nguyên tắc của nó. Nguyên tắc đó được ‘Kinh Thiện Pháp’ trong “Kinh Trung A hàm” trình bày như sau:

“Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: “Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì ? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”1

Theo kinh này, 7 điều kiện mà một vị xuất gia tu học trong Phật pháp phải hòan thiện là: (1) biết pháp, (2) biết nghĩa, (3) biết thời, (4) biết tiết độ, (5) biết mình, (6) biết chúng hội và (7) biết sự hơn kém của người. 7 điều kiện này nhằm đáp ứng hai mục đích: Tự lợi và lợi tha. Có nghĩa là người xuất gia muốn thành tựu mục đích giác ngộ và giải thóat trong Phật pháp thì trước tiên phải hiểu rõ Phật pháp, Phật pháp có ý nghĩa gì, Phật pháp có liên hệ gì đến đời sống của con người không, nó có giải quyết được những vấn đề phiền não của mình không, phương pháp tu tập như thế nào, đây là những vấn đề cơ bản không thể thiếu của người xuất gia, nói lên tinh thần làm người xuất gia cần phải tu học hiểu biết Phật pháp, không phải chỉ đơn giản người xuất gia là người sống ơ chùa, ăn chay, ngày hai thời kinh, khóat chiếc áo ca sa là đủ mà cần phải am tường Phật pháp, có thấu hiểu được Phật pháp mới thấy được mình mình sai cái gì và sửa cái gì, nếu không chỉ rơi vào hình thức. Từ cơ sở hiểu rõ Phật pháp mới có thể đề cập đến góc độ ‘ Lợi tha’, cứu giúp chúng sanh. Trong Phật pháp nói đến vấn đề ‘độ tha’ hay’ lợi tha’ là nói đến vấn đề giúp cho người khác hiểu rõ Phật pháp, hiểu rõ chân lý, là những nguyên tắc sống, đạo lý sống để cho người ấy làm theo sống theo nguyên tắc đó được giác ngộ và giải thóat, không phải chỉ đơn giản chỉ có việc ma chay, các lễ cầu nguyện hay sự viếng thăm an ủi như thế gian. Dẫu rằng các phương tiện này là cần thiết cho việc hoằng pháp, nhưng chúng ta cần hiểu rằng, nó chỉ là phương tiện không phải là cứu cánh, không phải là mục đích ‘độ tha’ trong Phật pháp. Nếu như nó là cứu cánh, là tinh thần ‘lợi tha’, là mục đíc giáo dục của Phật giáo thì đức Phật đã không nói các kinh, như ‘Kinh Phù Di’2 số 173, ‘Kinh Già Di Ni’3 số 17.v.v… trong “Kinh Trung A hàm” mà đức Phật khẳng định rằng: chỉ có trí tuê mới đọan trừ được khổ đau4. Như vậy, ý nghĩa nhiệm vụ ‘lợi tha’ hay công việc hoằng dương chánh pháp phải được xây dựng trên cơ sở là người hiểu rõ nắm rõ Phật pháp chứ không phải không hiểu biết Phật pháp. Do vậy, 7 điều kiện này, có thể nói là điều kiện cơ bản định hướng cho việc tu tập cũng như thực thi nhiệm vụ hoằng pháp. Đọan kinh vừa dẫn ở trên là phần tổng thuyết, hay đại cương của kinh này, nội dung và ý nghĩa của 7 điều kiện này như thế nào, chúng ta sẽ tuần tự tìm hiểu như dưới đây.

2. 1 Biết pháp

Pháp thứ nhất trong 7 pháp là ‘Biết pháp’. Cũng theo ‘Kinh Thiện Pháp’, đức Phật mô tả về khái niệm ‘Biết pháp’ như sau:

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo biết pháp. Nếu Tỳ-kheo không biết pháp, tức không biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Tỳ-kheo như vầy là không biết pháp. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp, đó là biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ pháp.”5

Ở đây, đức Phật dđịnh nghĩa về khái niệm ‘Biết pháp’ là biết 12 phần giáo, tức là:(1) chánh kinh, (2) ca vịnh, (3) ký thuyết, (4) kệ tha, (5) nhân duyên, (6) soạn lục, (7) bản khởi, (8) thử thuyết, (9) sanh xứ, (10) quảng giải, (11) vị tằng hữu và (12) thuyết nghĩa. Thông thường trong kinh điển Nikàya chỉ đề cập dến 9 phần giáo. Ở đây, 9 phần giáo hay 12 phần giáo là những hình thức trình bày khác nhau về ‘pháp (dhamma). Nói một cách dễ hiểu hơn, trong suốt thời gian 45 hay 49 năm đức Phật sử dụng 12 hình thức khác nhau để mô tả về những gì mà Ngài muốn giảng dạy. Tại sao Ngài sử dụng đến 12 lọai quá phức tạp như vậy ? Thật ra, đức Phật cũng không muốn quá phức tạp như vậy, nhưng đó là niềm vui sở thích của từng người từng nhóm người tron xã hội, khi Ngài muốn giáo hóa cho những đối tượng đó cho có hiệu quả, tất nhiên Ngài phải chọn lựa hình thức giảng dạy nào thích họp nhất, phù họp cho căn cơ đối tượng đó nhất, vì vậy cho nên trong giáo pháp của Ngài có đến 9 hay 12 hìnhh thức biểu thị chánh pháp khác nhau.

Là vị xuất gia, nhất là người xuất gia trong xã hội ngày nay, cần phải hiểu rõ về các lọai hình thức mô tả về pháp này, ngang qua những hình thức đó, chúng ta mới có thể hiểu rõ nắm được cái gì là Phật pháp, cái gì là hình thức giáo dục cái gì là nội dung hay tinh thần giáo dục của Ngài, nếu chúng ta không hiểu được 12 phần giáo này thì đồng nghĩa chúng ta không hiểu ‘pháp’; không hiểu được giáo pháp của Phật mà nói chuyện tu, chuyện chứng ngộ chuyện giải thóat là nói chuyện ‘không tưởng’, là việc làm chẳng khác gì việc ‘mò kim đáy biển’. Cũng vậy, tự mình không hiểu Phật pháp mà nói chuyện giáo hóa chúng sinh, chẳng khác nào như ‘người mù dẫn người mù’6, như con voi nằm trong vũng lầy đi cứu con voi con voi sa lầy khác Do vậy, vị tỷ kheo hay tỷ kheo ni nào muốn thực hiện lý tưởng tự độ và độ tha thì người ấy trước tiên phải ‘Biết pháp’ là một trong 7 pháp mà người xuất gia phải hòan thiện, nó là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia tu học trong Phật pháp.

2. 2. Biết nghĩa

Pháp thứ hai mà tỷ kheo hay tỷ kheo ni cần phải biết là ‘Biết nghĩa’. Pháp này được đức Phật giải thích trong ‘Kinh Thiện Pháp’ như sau:

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo biết nghĩa. Nếu Tỳ-kheo không biết nghĩa tức là Tỳ-kheo không biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia; không biết điều này có nghĩa như thế kia, điều kia có nghĩa như thế này. Tỳ-kheo như vậy là không biết nghĩa. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa, đó là biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ-kheo khéo biết rõ nghĩa”7.

Nếu chúng ta đọc kỹ bộ kinh A hàm hay Nikàya thì chúng ta sẽ có một nhận định chung rằng, nội dung chính của hai bộ kinh này là đức Phật giáo giới cho những người xuất gia, tuy nhiên trong ấy cũng có khá nhiều kinh với nội dung đức Phật dạy cho những người cư sĩ tại gia, từ giai cấp Bà la môn cho đến giai cấp Thủ đà la, từ các nhà thông thái triết học cho đến người bình dân trong xã hội. Đối tượng mà đức Phật giáo dục có khác nhau thì chắc chắn nội dung và ý nghĩa mà Ngài giảng dạy cũng khác nhau. Sự khác nhau đó biểu thị căn cơ và trình độ, phong tục tập quán của con người không đồng, nhưng tất cả lời giảng dạy đó đều có chung một mục đích là giác ngộ và giải thóat. Vì tính chất lời giảng dạy của Ngài là như thế, cho nên trong kinh điển ghi lại có những bài kinh mang ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, khi Ngài dạy cho các tỷ kheo thông tuệ Ngài đề cao tán than vai trò trí tuệ, nhưng khi Ngài gặp đối tượng là người ngọai đạo thích chuyện thần thông, cúng tế thì Ngài cũng nói chuyện thần thông và cúng tế, nhưng chuyện thần thông và cúng tế của Ngài nhằm xây dựng trong tâm hồn người đó có xu hướng đạo đức và hướng đến trí tuệ. Sự khác biệt này nếu như chúng ta không chú ý đến đối tượng khác nhau thì dễ phát sinh sự ngộ nhận. Đó là lý do tại sao đức Phật nòi rằng: Nghĩa là Tỳ-kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Ở đây, đức Phật khuyên các vị Tỷ kheo cần phải biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia. Điều này có liên hệ đến, khi đức Phật trình bày quan điểm của mình, nó có liên hệ đến các quan điểm lý thuyết của ngọai đạo hay hay những lý thuyết của Ngài, nhưng không muốn nhắc lại, người đọc cần phải suy tư lien hệ đến. Riêng câu: ‘biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này’ còn mang ý nghĩa, lời Phật dạy có ý nghĩa sâu xa mang tính ẩn dụ, hình thức trình bày như thế này, nhưng mang một ý nghĩa khác. Ví dụ ‘Phẩm Phổ Môn’ trong “Kinh Pháp Hoa” nói chuyện ‘Ứng hiện’ hay hiện tượng ’thiên biến vạn hóa’ của Bồ tát Quán Âm, nhưng ý nghĩa sâu xa của nó muốn nói quan điểm của Phật giáo Đại thừa không đồng tình với quan điểm của Thượng tọa, chấp chặt vào hình thức, giữ đời sống ẩn cư trong rừng núi, mà Phật giáo phải hòa nhập lăng xả vào xã hội, để đem Phật pháp vào cuộc sống và giáo hóa chúng sinh. Thế nhưng nếu chúng ta đọc phẩm kinh này chỉ biết việc ‘Ứng hiện’ của Bồ Tát Quan Âm hiểu theo nghĩa tôn giáo, điều đó chúng ta không hiểu được tư tưởng ‘nhập thế’ của Phật giáo Đại thừa. Đó là lý do tại sao đức Phật nói: ‘Điều này có nghĩa thế kia, điều kia có nghĩa thế này.

Qua đó cho thấy, một người xuất gia tu học trong Phật pháp, nhất là những người xuất gia trong thời đại ngày nay, nếu không ‘biết pháp’ và ‘biết nghĩa’ thì khó thành tựu mục đích giác ngộ và giải thóat. Tự mình đã không hiểu rõ Phật pháp thì làm sao có thể thực hiện quan điểm ‘giáo hóa chúng sinh. Như vậy, ‘Biết nghĩa’ là bổn phận và trách nhiệm của vị Tỷ kheo.

2. 3. Biết thời

Pháp thứ ba trong 7 pháp là ‘Biết thời’, có nghĩa là Tỷ kheo cần phải hiểu biết về thời gian, thời gian nào nên làm việc gì và thời gian nào nên tu tập pháp nào. Liên quan đến vấn đề này trong ‘Kinh Thiện Pháp’ đức Phật giải thích:

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết thời? Đó là Tỳ-kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo biết thời. Nếu có Tỳ-kheo không biết thời tức là không biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Tỳ-kheo như vậy là không biết thời. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ thời, đó là biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ thời.”8

Qua nội dung và ý nghĩa của đọan kinh vừa trích dẫn, nó gợi ý cho chúng ta thấy rằng, việc tu tập trong Phật giáo không phải là một phương pháp cố định, tu như thế nào, nó hòan tòan tùy thuộc vào đời sống thực tế của hành giả, kiến thức Phật học ở đâu và thân thể khỏe mạnh như thế nào. Nếu như khái niệm tu trong Phật giáo được định nghĩa là ‘sửa đổi sự sai lầm’ thì sự sai lầm đó được xuất phát từ hai góc độ: Thân và tâm. Sự sai lầm nào xuất hiện từ ‘thân’ thì cũng phải sửa đổi từ thân, không phải sửa đổi từ ‘tâm’. Ví dụ, bụng đói hay khát nước thì chúng ta phải ăn cơm hay uống nước thì mới hết cái khổ về đói bụng hay khát nước, tụng kinh niệm Phật hay ngồi thiền…không thể đọan trừ cái khổ về đói khát; Một ví dụ khác, thân thể bị bịnh họan cần phải chẩn đóan và điều trị theo sự chỉ dẫn của Bác sĩ thì nổi khổ đau về thân mới có thể hết, không phải là cúng bái hay cầu nguyện. Nếu như sự đau khổ hay sự phiền não nào thuộc về tâm thì cũng phải từ tâm đọan diệt không phải từ thân. Ví dụ, khi chúng ta có nổi buồn khổ hay lo âu về việc thi cử, muốn chấm dứt việc lo âu đó cần phải cố gắng và nghiêm túc trong việc học tập mới có thể mong cầu chấm dứt sự đau khổ đó, không phải giải quyết nó bằng các thú vui chơi; Vợ chồng có ý kiến bất hòa, lục đục với nhau cần phải cùng nhau trao đổi ý kiến xây dựng, nhận nhịn và bao dung không phải lãng quên bằng cuộc nhậu nhẹt hay cờ bạc. Nói chung, những lọai phiền nào nào thuộc về thiếu tri thức, cần phải dùng kiến thức để đọan trừ không phải là vật chất. Đây là cách tu tập trong đạo Phật9.

Từ ý nghĩa này, nó cho chúng ta hiểu rõ rằng, việc tu tập trong Phật giáo không phải giới hạn chỉ có việc tụng kinh, niệm Phật hay ngồi thiền. Vì mục đích của việc tụng kinh là để cho chúng ta hiểu được lời đức Phật, sau khi hiểu chúng ta đem lời dạy đó áp dụng vào cuộc sống, thay đổi những suy nghĩ và hành vi sai trái thành đúng đắn thì mới gọi là tu, chỉ có đọc mà không hành thì chưa gọi là tu; Niệm Phật là trở về sống với tâm Phật, tâm Phật là tâm giác ngộ, là tâm sống đúng với chân lý, như vậy mục đích của việc niệm Phật là làm thế nào để cho hành giả luôn luôn sống trong niệm giác, đi đứng nằm ngồi nói năng hay hành động đều ở trong giác ngộ, không cho một niệm vô minh chen vào, đó được gọi là nhất tâm bất lọan, hay một ngày cho đến 7 ngày tâm không tán lọan, không phải đơn giản chỉ có miệng niệm câu ‘ A Di Đà Phật’ là đủ, miệng niệm Phật mà suy nghĩ và hành động có liên hệ với vô minh thì cách niệm ấy không đúng nghĩa với tôn chỉ và mục đích của việc niệm Phật, do đó tay lần chuỗi miệng niệm Phật chưa thể gọi là tu, khi nào miệng niệm Phật mà tâm liên hệ đến sự giác ngộ, nhờ giác ngộ mà tránh mọi việc làm sai lầm, thì việc niệm Phật ấy mới gọi là tu; Tọa thiền là phương pháp huấn luyện cho thân bớt sự giao động, tâm được chuyên chú. Tâm chuyên chú là điều kiện để cho trí tuệ phát sinh, trí đã phát sinh thì nói năng hay hành động không rơi vào tội ác, thì việc ngồi thiền ấy mới gọi là tu. Như vậy, việc tọa thiền không phải đơn giản chỉ có ngồi kiết già hay bán già. Vì quan điểm giáo dục của Phật giáo không phải lối giáo dục từ bỏ hay trốn chạy sự sống mà khuyên con người nên sống, cần phải sống đối diện và giải quyết vấn đề.

Ngòai ý nghĩa vừa được đề cập, ‘Biết thời’ còn có ý nghĩa, nội dung và ý nghĩa của từng bản kinh, nó luôn luôn gắng liền với một đối tượng và bối ảnh cụ thể nào đó. Như vậy, nếu chúng ta muốn hiểu rõ ý nghĩa của bài kinh đó, cần phải trả nó về với bối cảnh lịch sử của nó, không thể tự suy diễn phán đóan cá nhân giải thích như thế này hay thế kia. Đây là điểm chúng ta cần chú ý. Như vậy, mục đích của việc ‘biết thời’ nó không những giúp cho hành giả hiểu rõ giáo lý đức Phật, trước nhất thực hành lời Phật dạy, để đạt đến sự giác ngộ giải thóat mà còn có giá trị, nếu như thực thi tinh thần hoằng dương Phật pháp thì nó nó cho vị đó hoằng dương Phật pháp đúng với chánh pháp.

2. 4. Biết tiết độ

Pháp thứ 4 trong 7 pháp là ‘Biết tiết độ. Theo ‘Kinh Thiện Pháp’ được đức Phật trình bày như sau:

“Thế nào là Tỳ-kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ-kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo không biết tiết độ tức là Tỳ-kheo không biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Tỳ-kheo như vậy là không biết tiết độ. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ, đó là biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ sự tiết độ.”10

Ở đây khái niệm ‘tiết độ’ trong kinh này không mang ý nghĩa tiêu cực là sống khổ hạnh hay ép xác, khái niệm này cần được hiểu là khéo léo trong sụ điều tiết, không thái quá cũng không bất cập. Tiết độ hay điều tiết không chỉ có việc ăn uống mà ngay cả việc đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng và im lặng. Ăn uống là nhu cần tự nhiên và cần thiết cho sự sinh tồn của con người, con người không ăn uống hoặc thiếu ăn uống thì rất nguy hiểm có thể đưa đến trường hợp tử vong hay bịnh họan. Phật giáo chủ trương với thân thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn là phương tiện tốt nhất cho tiến trình tìm cầu sự giác ngộ và giải thóat, do vậy việc ăn uống rất cần thiết để duy trì mạng sống con người. Tuy nhiên, ăn uống vô độ không kiêng cử là nguyên nhân sinh mọi bịnh họan, trong tục ngữ ca dao Việt nam có câu: ‘Họa tùng khầu xuất, bịnh tùng khẩu nhập’ đã nói lên ý nghĩa này. Sự nguy hiểm của việc ăn uống quá độ không những chỉ làm hại cho sức khỏe mà còn cản trở cho việc tu tập hành thiền tụng kinh hay niệm Phật. Đi, đứng, nằm ngồi nói năng hay im lặng là nói lên tư cách của con người. Nếu như vị Tỷ kheo hay tỷ kheo ni là bậc ‘Đạo sự’ cho xã hội lòai người thì nhất cử nhất động của tỷ kheo cần được nghiêm trang, tư cách đàng hòang nghiêm trang của vị Tỷ kheo rất dễ để lại ấn tượng tốt cho xã hội, đi đứng ngồi nằm cần phải hợp thời và hợp lý, nhất cử nhất động không thể tùy tiện, không thể đi lại quá nhiều và vô cớ, ngồi yên một chỗ cũng không phải là một cử chỉ tốt, ngồi và nằm cũng thế. Nói năng và thái độ im lặng của Tỷ kheo cũng cần phải chú ý, không thể nói quá nhiều hoặc im lặng không nói. Nói năng như chánh pháp à im lặng như chánh pháp có nghĩa là nói năng hay im lặng cần phải họp thời và họp đạo lý. Tất cả những sự điều tiết này vì mục đích phát triển chánh trí. Thế nào gọi là chánh trí ? chánh trí là sự hiểu biết đúng, hay nói cách khác là sự suy nghĩ phù họp với thực tế, không phải là lọai suy tư ảo tưởng. Ví dụ, thấy sợ giây biết đây là sợi giây, không lầm tưởng là con rắn. Thấy sợi giây biết là sợi giây là chánh trí; thấy sợi giây lầm tưởng là con rắn là ảo tưởng, là tà trí. Chánh trí sẽ mang lại hạnh phúc và an lạc, tà trí mang lại sự đau khổ.

Như vậy, ‘biết tiết độ’ là việc cần phải làm của người xuất gia, nó không những giúp cho hành giả thuận duyên trong việc đi tìm giác ngộ mà còn giúp cho hành giả thực thi tinh thần độ tha một cách tốt đẹp, điều đó có nghĩa là ‘biết tiết độ’ là bổn phận trách nhiệm của người xuất gia.

2. 5. Biết mình

Pháp thứ 5 trong 7 pháp là ‘biết mình’. Biết mình là biết sự thành tựu và giới hạn của mình. Theo ‘Kinh Thiện pháp’ mô tả về ‘Biết mình’ như sau:

“Thế nào là Tỳ-kheo biết mình? Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là biết mình. Nếu có Tỳ-kheo không biết mình tức là không tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là không biết mình. Nếu có Tỳ-kheo khéo tự biết rõ mình, đó là biết mình có mức độ ấy tín, giới thí, tuệ, biện a-hàm và sở đắc. Tỳ-kheo như vậy là khéo biết rõ mình.”11

Ở đây đức Phật định nghĩa về sự ‘biết mình’ là biết mức độ của niềm tin Phật pháp, sự gìn giữ giới luật, sự bố thí, khả năng của trí tuệ, sự am tường hiểu biết về A hàm (Àgama) và sự chứng đắc của mình như thế nào. Trong 5 căn, tín căn là cơ sở để phát sinh sự tinh tấn, niệm, định và tuệ; Trong tam vô lậu học, giới học là nền tảng để tiến đến mục đích của việc tu tập là trí tuệ; Bố thí là biểu hiện của lòng từ bi, hay nói một cách khác từ bi là diệu dụng của trí tuệ, nghĩa trái của từ bi còn hàm chứa ý nghĩa xã. Như vậy, tín giới thí và tuệ là những pháp căn bản cho vị xuất gia muốn thành đạt mục đích giác ngộ giải thóat cũng như hoằng dương Phật pháp. Nhưng nội dung và ý nghĩa của tín giới tuệ này từ đâu mà biết ? tất nhiên là trong A hàm. Kinh A hàm hay Nikàya là những bản kinh đầu tiên và cơ bản của Phật giáo, từ bản kinh cơ bản này hình thành mọi quan điểm và học thuyết khác. Như vậy vị Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni dù cho tu tập trong bộ phái nào Đại thừa hay Tiểu thừa, điều trước tiên phải hiểu rõ nội dung và ý nghĩa Kinh A hàm.Như vậy, ‘biết mình’ là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia.

2. 6. Biết chúng hội

Pháp thứ 6 trong 7 pháp mà tỷ kheo cần phải biết là ‘biết chúng hội’. Nội dung và ý nghĩa của pháp này được trình bày như sau:

“Thế nào là Tỳ-kheo biết chúng hội? Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo không biết chúng hội tức là không biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng hội Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Tỳ-kheo như vậy là không biết chúng hội. Nếu có Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội, đó là biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ-kheo khéo biết rõ chúng hội.”12

Ở đây, ‘Biết chúng hội’ là biết mình đang ở đâu, đang nói chuyện với ai, thuộc hạng người nào trong xã hội, nên nói lời nói gì với hội chúng nó. Trong kinh này liệt kê có 4 chúng hội là Sát đế lợi, Bà la môn (Phạm chí), Cư sĩ và Sa-môn, có lẽ đây là 4 đối tượng mà Tăng đòan thời đức Phật thường tiếp xúc lúc bấy giờ, dĩ nhiên không phải chỉ có 4 hội chúng này thôi mà còn nhiều hội chúng khác nữa. Hội chúng Sát đế lợi là những người thuộc giai cấp thứ hai trong 4 giai cấp ở Ấn độ, là giai cấp vua chúa quan lại, giữ quyền cai trị đất nước; Hội chúng Bà la môn còn gọi là Phạm chí là giai cấp thứ nhất trong 4 giai cấp, giữ phần tế tự, làm gạch nối giữa con người với Phạm Thiên. Thật ra, Bà la môn là giai cấp có quyền lực, có quyền chi phối đến xã hội nhiều nhất, hơn cả giai cấp Sát đế lợi; Chúng hội cư sĩ là những người tại gia, không xuất gia có gia đình, làm các việc trong xã hội; Hội chúng Sa môn là những người xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình, sống không gia đình, từ bỏ các họat động xã hội, bao gồm những người xuất gia trong các tôn giáo khác, không phải chỉ có người xuất gia trong Phật giáo.

Qua đó cho thấy, 4 hội chúng này, có đời sống sinh họat khác nhau, kinh tế khác nhau, và hẳn nhiên cách suy tư, quan tâm vấn đề và quan niệm sống cũng khác nhau. Khác nhau về địa vị trong xã hội, hẳn nhiên dẫn đến sự khác nhau về lễ nghi phong cách ứng xử, phong tục tập quán, cho nên trong kinh nói: ‘ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy.’ Ngòai sự khác nhau về lễ nghi còn có sự khác biệt về quan niệm sống hay cách suy tư, muốn giáo hóa cho đối tượng đó, trước tiên cần phải hòa nhập, sau đó mới chuyển hóa. Công việc hòa nhập hết sức quan trọng trong việc giáo hóa chúng sinh, hay hoằng dương chánh pháp, khi chúng ta vừa mới đến một nhóm người nào một quốc gia hay lãnh thổ nào, chúng ta cần phải lắng nghe, tìm hiểu phong tục tập quán và cách suy tư của con người trong xã hội đó, nếu như phong tục tập quán của họ không phù họp với giáo lý đạo phật cũng không nên vội vàng phê phán hay kích bác, cần phải mềm mỏng, hết sức tế nhị, tùy theo căn cơ và trình độ để đưa ra một lời dạy lời khuyên có bổ ích cho đối tượng đó. Đó là lý do tại sao đức Phật khuyên vị Tỷ kheo khi đối diện các hội chúng này, cần phải : ‘nói như vậy, im lặng như vậy’. Có nghĩa là khi cần nói thì nên nói, khi không cần nói thì nên giữ thái độ im lặng. Thế thì khi nào nói và khi nào im lăng ? thật ra câu hỏi này không có một câu trả lời nào mang tính cố định khuôn mẫu, chỉ có nguyên tắc chung là, nói lời nói nào làm giảm bớt lòng tham lam sân hận hay si mê cho người khác thì lời nói ấy là lời nói nên nói. Cũng vậy, sự im lặng nào không làm tăng them lòng tham lam sân hận hay si mê cho người khác thì sự im lặng đó cần thiết và họp lý.

Nội dung và ý nghĩa của pháp ‘Biết chúng hội’ có mục đích trang bị cho vị xuất gia có đầy đủ tư cách và biết cách ứng xử khi tiếp xúc với các thành phần khác nhau trong x4 hội. Nói một cách khác, nếu như các điều kiện từ 1 cho đến thứ 5 là trang bị cho vị tỷ kheo có đầy đủ kiến thức Phật học, thì ‘Biết chúng hội’ là pháp trang bị cho vị Tỷ kheo có tư cách tốt và phương pháp ứng xử khi thực thi tinh thần hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Như vậy, nó là nhiệm vụ của người xuất gia cần phải biết.

2. 7. Biết sự hơn kém của người

Theo ‘Kinh Thiện Pháp’ trình bày nội dung và ý nghĩa của pháp ‘Biết sự hơn kém của người như sau:

“Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người ? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: (1) có tín và bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: (2) Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: (3) có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: (4) có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng (5) nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: (6) nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém. Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: (7) nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: (8) biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: (9) Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác…; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người… Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian…Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quí, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.”13

Qua đọan kinh vừa trích dẫn cho thấy, ý nghĩa của pháp ‘Biết sự hơn kém của người’ là sự so sánh phân biệt giữa pháp cao và pháp thấp, giữa pháp có sự tiến bộ lợi lạc và pháp không tiến bộ, không lợi lạc. Là người tu tập trong Phật pháp cần phải phân biệt biết rõ giữa các pháp ấy, pháp nào là pháp đưa đến sự giác ngộ và giải thóat, pháp ấy cần phải chọn lựa và thực tập, pháp nào làm cản trở cho sự tu tập, phát triển tuệ giác, pháp ấy cần phải xả bỏ. Đây là nội dung và ý nghĩa chính của đọan kinh này. Ngòai ra, đọan kinh này còn cho chúng ta thấy, quá trình tu tập trong Phật giáo, từ một người phàm phu trở thành bậc thánh, từ vị trí là một chúng sanh đầy mê muội trở thành bậc đạo sư, cứu độ chúng sinh. Tiến trình đó được mô tả bằng 9 giai đọan: (1) Người có niềm tin, không phải là người không có niềm tin; (2) Người thường đến gặp Tỳ-kheo, không phải là người biến nhát; (3) Người biết lễ kính, không phải là người vô lễ; (4) Người biết hỏi kinh, không phải là người không biết hỏi; (5) Người nhất tâm nghe kinh, không phải là người không thành khẩn (6) Người thọ trì (đọc tụng) pháp, không phải là người không thọ trì (7) Người biết quán sát nghĩa, không phải là người không biết quan sát nghĩa lý; (8) Người biết pháp, biết nghĩa và hành trì đúng như pháp, không phải là người không biết pháp không biết nghĩa và thực hành không đúng như pháp, (9) Người làm ích lợi cho mình cho người khác, không phải là người không làm lợi ích cho mình và người. Cũng từ tiến trình này cho thấy, mục đích tu tập trong Phật pháp là làm lợi cho mình và cho người. Khái niệm lợi ở đây không phải là sự lợi ích về vật chất mà là sự lợi ích về tinh thần, tức là với tâm không tham lam, sân hận và ngu si, vì Phật giáo cho rằng, nguồn gốc của mọi khổ đau là do vô minh, nếu người nào không còn vô minh, người ấy được giải thóat và an lạc, cũng được gọi là Phật. Như vậy, pháp này cũng là pháp mà vị tỷ kheo cần phải biết và học tập.

1. Kết luận

Tóm lại, mỗi người sinh ra ở đời, bất luận là ai, dù ở góc độ nào, mỗi người đều có một vị trí nhất định trong xã hội, nếu làm cha mẹ có bổn phận trách nhiệm của người làm cha mẹ, làm con cũng có bổn phận trách nhiện của người làm con, làm quan làm vua, thậm chí làm người nông phu hay người quét đường cũng có bổn phận và trách nhiệm của nó. Cũng vậy, làm người tu hành trong Phật giáo cũng phải có bổn phận trách nhiệm của nó, không phải đơn giản chỉ xuất gia, mặc áo ca sa, sống trong nhà chùa... là đủ, nếu như đó là mục đích của người xuất gia thì ai xuất gia cũng được.

Thế thì bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia là gì ? Theo tinh thần của Phật giáo Đại thừa là ‘Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh’ hay nói một cách khác là mong cầu ‘tự lợi và lợi tha’. Có nghĩa là lợi cho mình và lợi cho người. Thế nào là lợi cho mình và thế nào là lợi cho người ? Theo Phật pháp, lợi cho mình là làm thế nào để thành đạt mục đích tối hậu của Phật pháp là giác ngộ và giải thoát. Sau đó đem sự giác ngộ đó chỉ cho mọi người cũng được sự giác ngộ như mình gọi là ‘lợi cho người.

‘Tự lợi’ và ‘Lợi tha’ không phải tự nhiên mà có. Muốn hoàn thành mục đích ‘Lợi tha’ trước tiên phải có ‘Tự lợi’. ‘Tự lợi’ cũng không phải ở chùa lâu, ăn chay một cách tinh khuyết mà được. Trước nhất phải trải qua sự nổ lực học tập Phật pháp. Phật pháp là cái không có khuôn khổ hình thái nhất định nào, nó là cái ‘Tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên’. Tất cả những gì đức Phật còn để lại, đó chỉ là những hình thức giáo dục, nhằm giáo dục cho một đối tượng nào đó, không phải là ‘chân lý’. Nhưng ngang qua những hình thái giáo dục này, nó sẽ cho chúng ta một đạo lý. Cái đạo lý đó là chân lý, lá cái ‘bất biến’ là tinh thần giáo dục của đức Phật. Đó là lý do tại sao trong ‘Kinh Thiện Pháp’ này. Đức Phật yêu cầu một người xuất gia phải hoàn thiện 7 điều kiện cần thiết này, hay nói đúng hơn một người xuất gia muốn thành tựu mục đích ‘Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh thì phải thành tựu (1) biết pháp, (2) biết nghĩa, (3) biết thời, (4) biết tiết độ, (5) biết mình, (6) biết chúng hội và (7) biết sự hơn kém của người. Nó là điều kiện cơ bản cho việc tự lợi và lợi tha, là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia.

___________________________________________

KINH SÁCH THAM KHẢO

* Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh” tập 3, Hội Văn Hóa Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, năm 2000.

* Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” TẬP 5, “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh” tập 3, Hội Văn Hóa Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, năm 2000.

* Thích Hạnh Bình, “Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy” Nhà Xuất bản Phương Đông, 2007.

1 Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh” tập 3, Hội Văn Hóa Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, năm 2000, trang 5.

2 Thích Tuệ sỹ dịch “Kinh Trung A hàm”: Đức Thế Tôn nói: “Này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy, thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối.

“Này Phù-di, ví như có người muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Dù không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, nếu người ấy muốn lấy sữa mà lại vắt nơi sừng con bò thì chắc chắn không lấy được sữa. Vì sao vậy? Vì tìm cầu sữa một cách tà vạy, tức là vắt nơi sừng con bò vậy. Cũng vậy, này Phù-di, nếu có Sa-môn, Phạm chí tà kiến, tà kiến định, người ấy có ước nguyện nhưng tu hành phạm hạnh một cách tà vạy nên chắc chắn không thể chứng quả. Không có ước nguyện, hoặc vừa có ước nguyện, hoặc vừa không có ước nguyện, hoặc chẳng phải có ước nguyện, chẳng phải không có ước nguyện, tu hành phạm hạnh một cách tà vạy thì chắc chắn không thể chứng quả. Vì sao vậy? Vì tìm cầu quả vị một cách tà vạy, là không đúng đường lối. (Trích từ Websites: www.quangduc.com)

3 Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” Thế Tôn bảo rằng: “Này Già-di-ni, nay ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?”

Già-di-ni thưa rằng: “Không thể được, bạch Thế Tôn”.

Phật khen rằng: “Lành thay, Già-di-ni, vì sao thế? Những người nam hay nữ kia, biếng nhác, không siêng năng, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Nếu được số đông người đến chắp tay hướng về chúng, mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy khi thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ sanh lên cõi trời. Việc đó không thể có.

“Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?”

Già-di-ni trả lời rằng: “Không thể được, bạch Thế Tôn!”

“Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không thể có được. (Trích từ Websites: www.quangduc.com)

4 Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A hàm” số 263: Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ta do tri kiến mà diệt tận các lậu, chứ không phải không tri kiến. Thế nào là do tri kiến mà diệt tận các lậu, chứ không phải không tri kiến? Nghĩa là: ‘Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc này, đây là sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức.’ Nếu không cần phương tiện, tùy thuận thành tựu, mà dụng tâm cầu mong rằng: ‘Mong ta diệt sạch được các lậu, tâm được giải thoát,’ nên biết, Tỳ-kheo kia cuối cùng không thể diệt sạch được các lậu để giải thoát. Vì sao? Vì không tu tập. Không tu tập những gì? Không tu tập niệm xứ, chánh cần, như ý túc, căn, lực, giác, đạo. (Trích từ Websites: www.quangduc.com).

5 Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “LSPBĐTK” tập 3, HVHLSĐB xuất bản, năm 2000, trang 5.~6.

6 Viện CĐPHHĐ NT dịch, “Kinh Trung A hàm” tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, trang, 474, ghi: Đức Thế Tôn nói: “Ví như một đám người mù dắt nhau, người trước không thấy người ở sau, cũng không thấy người ở giữa; người giữa không thấy người ở trước, cũng không thấy người ở sau; người ở sau không thấy người ở giữa, cũng không thấy người ở trước. Này Ma-nạp, Ta nói các Phạm chí cũng như vậy. Này Ma-nạp, trước ngươi nói là do tin, sau đó ngươi nói là do nghe.”

7 Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “LSPBĐTK” tập 3, HVHLSĐB xuất bản, năm 2000, trang 6.

8 Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A hàm” trong bộ “LSPBĐTK” tập 3, HVHLSĐB xuất bản, năm 2000, trang 6.

9 Xem Thích Hạnh Bình “Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy” ‘7 Phương pháp đoạn trừ phiền não’, Nhà Xuất bản Phương Đông, năm 2007, trang 47~68.

10 Như chú thích 9, trang 6~7.

11 Như chú thích 9, trang 7.

12 Như chú thích 9, trang 7.

13 Như chú thích 9, trang 7~8.

---o0o---

Nguồn: diendanphatviet.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/05/2010(Xem: 4551)
Theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]