- 01-Chức năng của giáo dục
- 02-Vấn đề của tự do
- 03-Tự do và tình yêu
- 04-Lắng nghe
- 05-Bất mãn có tính sáng tạo
- 06-Tổng thể của cuộc sống
- 07-Tham vọng
- 08-Suy nghĩ có trật tự
- 09-Cái trí khoáng đạt
- 10-Vẻ đẹp bên trong
- 11-Tuân phục và phản kháng
- 12-Sự tự tin của hồn nhiên
- 13-Bình đẳng và tự do
- 14-Kỷ luật tự tạo
- 15-Cộng tác và chia sẻ
- 16-Làm mới mẻ cái trí
- 17-Con sông của cuộc sống
- 18-Cái trí chú ý
- 19-Hiểu biết và truyền thống
- 20-Sống đời sống tôn giáo là nhạy cảm đến thực tại
- 21-Mục đích của học hỏi
- 22-Tánh đơn giản của tình yêu
- 23-Sự cần thiết ở một mình
- 24-Năng lượng của sự sống
- 25-Sống không nỗ lực
- 26-Cái trí không là mọi thứ
- 27-Tìm Chúa
Nguyên tác: Think on These Thingsby Jiddu Krishnamurti
Lời dịch: ÔNG KHÔNG Bản dịch 2006 – Hiệu đính 7- 2008
Tổng thể của cuộc sống
Hầu hết chúng ta đều bám vào cái phần nhỏ nào đó của cuộc sống, và nghĩ rằng qua cái phần nhỏ đó chúng ta sẽ khám phá ra tổng thể. Không rời căn phòng chúng ta hy vọng tìm hiểu chiều dài và chiều sâu của con sông và nhìn thấy vẻ trù phú của những cánh đồng xanh dọc theo hai bờ của nó. Chúng ta sống trong một căn phòng nhỏ xíu, chúng ta vẽ trên một khung vải nhỏ xíu, nghĩ rằng chúng ta đã nắm bắt được cuộc sống trong bàn tay hay là hiểu rõ ý nghĩa của chết; nhưng chúng ta không làm được. Muốn làm được điều đó chúng ta phải đi ra ngoài. Và đi ra ngoài khó khăn cực kỳ, rời căn phòng với cái cửa sổ chật hẹp của nó và nhìn thấy mọi thứ chính xác như nó là mà không đánh giá, mà không chỉ trích, mà không nói rằng, “Điều này tôi thích và điều kia tôi không thích”; bởi vì hầu hết chúng ta nghĩ rằng qua cái phần nhỏ chúng ta sẽ hiểu được tổng thể. Qua một cái tăm xe duy nhất chúng ta hy vọng hiểu được cái bánh xe; nhưng một cái tăm xe không tạo thành cái bánh xe, phải vậy không? Nó phải có nhiều cái tăm xe, cũng như một cái đùm và một cái vành, để làm nên cái vật được gọi là bánh xe, và chúng ta cần thấy tổng thể cái bánh xe với mục đích hiểu rõ nó. Trong cùng cách như vậy chúng ta phải trực nhận tiến hành tổng thể của cuộc sống nếu chúng ta thực sự muốn hiểu rõ cuộc sống.
Tôi hy vọng bạn đang theo dõi tất cả việc này, bởi vì giáo dục nên giúp bạn hiểu rõ tổng thể cuộc sống và không chỉ chuẩn bị cho bạn có được một công việc và tiếp tục sống một cách tầm thường với hôn nhân của bạn, con cái của bạn, bảo hiểm của bạn, những lễ nghi tôn giáo của bạn và những vị thần thánh nhỏ xíu của bạn. Nhưng muốn tạo ra loại giáo dục đúng đắn đòi hỏi nhiều thông minh, thấu triệt, và đó là lý do tại sao rất quan trọng vì sao chính người giáo dục phải được giáo dục để hiểu rõ sự tiến hành tổng thể của cuộc sống và không chỉ dạy bạn theo một công thức nào đó, cũ kỹ hay mới mẻ.
Cuộc sống là một sự việc bí ẩn lạ thường – nhưng không phải sự bí ẩn trong những quyển sách, không phải sự bí ẩn mà người ta đã nói về nó, nhưng một bí ẩn mà người ta phải khám phá cho chính mình; và đó là lý do tại sao nó là một vấn đề nghiêm túc để cho bạn hiểu rõ cái nhỏ xíu, cái chật hẹp, cái tầm thường và vượt khỏi nó.
Nếu bạn không bắt đầu hiểu rõ cuộc sống trong khi bạn còn nhỏ, bạn sẽ lớn lên đầy xấu xa bên trong; bạn sẽ đờ đẫn, trống rỗng bên trong, mặc dầu bên ngoài bạn có lẽ có tiền bạc, ngồi trong những chiếc xe đắt tiền, khoác một bộ dạng kênh kiệu. Đó là lý do tại sao rất quan trọng phải lìa bỏ căn phòng nhỏ xíu của bạn và nhìn thấy sự trải rộng vô hạn của những bầu trời. Nhưng bạn không thể làm được việc đó nếu bạn không có tình yêu – không phải tình yêu xác thịt hay tình yêu thiêng liêng, nhưng chỉ tình yêu; mà là thương yêu những con chim, những cái cây, những bông hoa, những giáo viên của bạn, cha mẹ của bạn và vượt ngoài cha mẹ của bạn, loài người.
Liệu nó sẽ không là một bi kịch lớn lao nếu bạn không khám phá cho chính mình tình yêu có nghĩa là gì hay sao? Nếu bạn không biết tình yêu lúc này, bạn sẽ không bao giờ biết được nó, bởi vì khi bạn già nua, cái gì được gọi là tình yêu sẽ trở thành một điều gì đó rất xấu xa – một sở hữu, một hình thức của hàng hóa được mua và được bán. Nhưng bắt đầu từ bây giờ nếu bạn có tình yêu trong tâm hồn của bạn, nếu bạn yêu cái cây bạn trồng, con thú lang thang mà bạn vỗ về, vậy thì khi lớn lên bạn sẽ không ở lại căn phòng nhỏ xíu của bạn với cái cửa sổ chật hẹp của nó, nhưng sẽ lìa bỏ nó và thương yêu tổng thể của cuộc sống.
Tình yêu là thực sự, nó không là cảm xúc, một cái gì đó để khóc lóc kêu than; nó không là cảm tính. Tình yêu không có cảm tính. Và bạn phải biết tình yêu là gì trong khi bạn còn bé nhỏ là một vấn đề rất quan trọng và rất nghiêm túc. Cha mẹ và những giáo viên của bạn có lẽ không biết tình yêu, và đó là lý do tại sao họ đã tạo ra một thế giới kinh hoàng, một xã hội liên tục có chiến tranh trong chính nó và với những xã hội khác. Những tôn giáo, những triết lý và những học thuyết của họ tất cả đều giả dối bởi vì chúng không có tình yêu. Họ nhìn thấy chỉ một phần nhỏ; họ đang nhìn từ một cái cửa sổ chật hẹp mà từ đó phong cảnh có thể dễ chịu và bao quát, nhưng nó không là toàn cảnh trải rộng của cuộc sống. Nếu không có cảm thấy mạnh mẻ của tình yêu này bạn sẽ không bao giờ có thể có được sự trực nhận của tổng thể; vì vậy bạn sẽ luôn luôn đau khổ, và vào cuối cuộc đời bạn sẽ không có gì cả ngoại trừ tro bụi, nhiều từ ngữ trống rỗng.
Người hỏi: Tại sao chúng ta muốn được nổi tiếng?
Krishnamurti: Tại sao bạn nghĩ rằng bạn muốn được nổi tiếng? Tôi có lẽ giải thích: nhưng, khi giải thích xong, liệu bạn có ngừng muốn được nổi tiếng hay không? Bạn muốn được nổi tiếng bởi vì mọi người chung quanh bạn trong xã hội này muốn được nổi tiếng. Cha mẹ của bạn, những giáo viên của bạn, vị đạo sư, người tập yoga – tất cả họ đều muốn được nổi tiếng, có danh vọng và bạn cũng thế.
Chúng ta hãy suy nghĩ việc này cùng nhau nhé. Tại sao người ta lại muốn được nổi tiếng? Trước hết có lợi lộc khi được nổi tiếng; và nó cho bạn nhiều vui thú, phải vậy không? Nếu bạn được cả thế giới biết đến bạn cảm thấy rất quan trọng, và nó cho bạn một cảm giác của lưu danh muôn thuở. Bạn muốn được nổi tiếng, bạn muốn được biết đến và được kể lể khắp thế giới bởi vì chính bạn ở bên trong không có gì cả. Bên trong không có phong phú, không có gì cả, vì vậy bạn muốn được biết đến ở thế giới bên ngoài; nhưng, nếu bên trong bạn phong phú, vậy thì nó không đặt thành vấn đề liệu bạn có nổi tiếng hay không nổi tiếng.
Muốn được phong phú bên trong cần nhiều đam mê hơn muốn được giàu có và nổi tiếng bên ngoài; nó cần được chăm sóc nhiều hơn, cần được chú ý kỹ lưỡng hơn. Nếu bạn có một chút ít tài năng và biết cách khai thác nó, bạn trở nên người nổi tiếng; nhưng phong phú bên trong không xảy ra theo lối này. Muốn phong phú bên trong cái trí phải hiểu rõ và gạt đi những sự việc không quan trọng, giống như muốn được nổi tiếng. Phong phú bên trong ngụ ý là đứng một mình; nhưng con người muốn nổi tiếng sợ hãi đứng một mình bởi vì anh ấy lệ thuộc vào sự nịnh nọt và những ý kiến tốt của người khác.
Người hỏi: Khi còn trẻ ông đã viết một quyển sách trong đó nói rằng: “Đây không là những lời của tôi, đây là những lời của Thầy tôi.” Làm thế nào bây giờ ông quả quyết sự suy nghĩ của chúng ta là cho chính chúng ta? Và ai là Thầy của ông?
Krishnamurti: Một trong những sự việc khó khăn nhất trong cuộc sống là không bị trói buộc bởi một ý tưởng; bị trói buộc được gọi là kiên định. Nếu bạn có lý tưởng của không bạo lực, bạn cố gắng kiên định với lý tưởng đó. Bây giờ, người hỏi đang nói có mục đích, “Ông bảo chúng tôi suy nghĩ cho chính chúng tôi, mà trái ngược điều gì ông đã nói khi ông còn là một cậu bé. Tại sao ông lại không kiên định như vậy?”
Kiên định có nghĩa là gì? Đây là một mấu chốt quan trọng. Kiên định là có một cái trí đang tuân theo bền bỉ một khuôn mẫu đặc biệt của suy nghĩ – mà có nghĩa rằng bạn không được làm những sự việc mâu thuẫn nhau, một sự việc ngày hôm nay và một sự việc đối nghịch ngày mai. Chúng ta đang cố gắng tìm ra một cái trí kiên định là gì. Một cái trí mà nói rằng, “Tôi đã giữ lời thề là một cái gì đó và tôi sẽ là cái đó trong suốt cuộc đời của tôi” được gọi là kiên định; nhưng nó thực sự là một cái trí rất ngu xuẩn, bởi vì nó đã đạt đến một kết luận và nó đang sống theo cái kết luận đó. Nó giống như một người đang xây một bức tường quanh chính anh ấy và để cuộc sống trôi đi.
Đây là một vấn đề rất phức tạp; tôi có lẽ đã quá đơn giản nó, nhưng tôi không nghĩ như thế. Khi cái trí chỉ ưa thích kiên định nó trở thành máy móc và mất đi sinh lực, sự rực lửa, vẻ đẹp của chuyển động tự do. Nó đang vận hành trong một khuôn mẫu. Đó là một phần của câu hỏi.
Phần khác là: người Thầy là ai? Bạn không biết ngụ ý của tất cả những việc này. Nó dễ hiểu thôi. Bạn thấy không, người ta nói rằng tôi đã viết một quyển sách nào đó khi còn nhỏ, và rằng người đàn ông này đã trích dẫn từ quyển sách một câu nói mà nói rằng một người Thầy đã giúp đỡ tôi viết nó. Bây giờ, có những nhóm người, giống như những nhà thần học, tin rằng có những người Thầy đang sống trong rặng Hi mã lạp sơn xa xôi đang hướng dẫn và giúp đỡ thế giới; và người đàn ông đó muốn biết người Thầy là ai. Hãy lắng nghe cẩn thận, bởi vì việc này cũng có liên quan với bạn nhiều lắm.
Liệu có đặt thành vấn đề rất nhiều ai là một người Thầy hay một vị đạo sư hay không? Điều gì phải lưu tâm là cuộc sống – không phải vị đạo sư của bạn, không phải một người Thầy, một người lãnh đạo hay một người giáo viên mà giải thích cuộc sống giùm bạn. Chính là bạn mà phải hiểu rõ cuộc sống; chính là bạn mà đang chịu đau khổ, mà đang ở trong sầu muộn; chính là bạn mà muốn biết ý nghĩa của sinh tử, của thiền định, của đau khổ, và không một ai có thể chỉ bảo cho bạn được. Những người khác có thể giải thích, nhưng sự giải thích của họ có thể hoàn toàn giả dối, hoàn toàn sai lầm.
Vì vậy nghi ngờ là một điều rất tốt, bởi vì nó cho bạn một cơ hội tìm ra cho chính mình liệu rằng bạn có cần một vị đạo sư hay không? Điều gì quan trọng là hãy là một ngọn đèn cho chính bạn, hãy là người Thầy riêng của bạn và môn đồ riêng của bạn, hãy vừa là người giáo viên vừa là người học sinh. Chừng nào bạn còn đang học hỏi, không có người giáo viên. Chỉ khi nào bạn đã ngừng tìm hiểu, ngừng khám phá, ngừng hiểu rõ tiến hành tổng thể của cuộc sống, thì lúc đó người giáo viên mới tồn tại – và một người giáo viên như thế chẳng có giá trị gì cả. Vậy thì bạn đã chết rồi và vì vậy người giáo viên cũng chết rồi.
Người hỏi: Tại sao con người lại kiêu hãnh?
Krishnamurti: Bạn không kiêu hãnh nếu bạn viết chữ đẹp, khi bạn thắng một trò chơi hay đậu một kỳ thi nào đó hay sao? Bạn có khi nào viết một bài thơ hay vẽ một bức tranh, và sau đó khoe với một người bạn hay không? Nếu người bạn của bạn nói rằng nó là một bài thơ hay hoặc một bức tranh đẹp, bạn không thấy rất hài lòng hay sao? Khi bạn làm một điều gì đó mà một người bạn nói rằng tuyệt vời, bạn cảm thấy một ý thức của hài lòng, và điều đó được thôi, điều đó tốt; nhưng chuyện gì xảy ra lần sau khi bạn vẽ một bức tranh, hay viết một bài thơ, hay dọn sạch căn phòng? Bạn chờ đợi một người nào đó xuất hiện và nói rằng bạn là một cậu trai giỏi giang làm sao đâu; và, nếu không ai đến, bạn không còn lưu tâm đến vẽ, hay viết lách, hay lau chùi nữa. Thế là bạn có trạng thái lệ thuộc vào vui thú mà những người khác gây ra cho bạn bởi sự khuyến khích của họ. Nó cũng đơn giản như thế mà thôi. Và sau đó điều gì xảy ra? Khi lớn lên bạn muốn làm điều gì đó được công nhận bởi nhiều người. Bạn có lẽ nói rằng, “Tôi sẽ làm việc này vì lợi ích của của vị đạo sư của tôi, vì lợi ích của quốc gia tôi, vì lợi ích của con người, vì lợi ích của Chúa,” nhưng bạn thực sự đang làm nó để có được sự công nhận, từ việc đó nảy sinh kiêu hãnh; và khi bạn làm bất kỳ điều gì theo lối này, nó không xứng đáng để làm. Tôi tự hỏi không biết bạn có hiểu rõ tất cả việc này hay không?
Muốn hiểu rõ một điều gì đó giống như kiêu hãnh, bạn phải có khả năng suy nghĩ thấu suốt; bạn phải thấy nó bắt đầu như thế nào và thảm họa nó mang lại, thấy được toàn bộ điều đó, mà có nghĩa rằng bạn phải thực sự thích thú đến độ cái trí của bạn theo dõi nó đến khi kết thúc và không ngừng lại giữa đường. Khi bạn thực sự thích thú một trò chơi bạn chơi cho đến khi kết thúc, bạn không bất thình lình ngắt ngang giữa chừng và đi về nhà. Nhưng cái trí của bạn không quen với loại suy nghĩ này, và chính chức năng của giáo dục là giúp đỡ bạn tìm được sự tiến hành tổng thể của cuộc sống và không chỉ học một vài môn học.
Người hỏi: Khi còn là những đứa bé chúng ta đã được chỉ bảo điều gì là đẹp đẽ và điều gì là xấu xa, với hậu quả rằng suốt cuộc đời chúng ta luôn luôn lặp lại, “Cái này đẹp, cái kia xấu.” Làm thế nào người ta biết thực sự cái gì là đẹp đẽ và cái gì là xấu xí?
Krishnamurti: Giả sử bạn nói rằng một mái vòm nào đó đẹp đẽ, và người nào đó nói nó xấu xí. Bây giờ, điều gì là quan trọng: tranh đấu với những quan điểm xung đột của các bạn về vấn đề liệu cái gì đó là đẹp đẽ hay xấu xí, hay nhạy cảm cùng cả đẹp đẽ lẫn xấu xí? Trong cuộc sống có những bẩn thỉu, khu nhà ổ chuột, thối rữa, đau khổ, những giọt nước mắt và cũng có cả niềm vui, tiếng cười, vẻ đẹp của một bông hoa dưới ánh mặt trời. Chắc chắn, điều gì phải lưu tâm là nhạy cảm cùng mọi thứ, chứ không chỉ quyết định cái gì đẹp đẽ và cái gì xấu xí rồi khư khư ý kiến đó. Nếu tôi nói rằng, “Tôi sẽ vun quén vẻ đẹp và loại bỏ tất cả xấu xa,” điều gì xảy ra? Rồi thì sự vun quén vẻ đẹp dẫn đến vô cảm. Nó giống như một con người đang tập luyện cánh tay phải của anh ấy, làm cho nó rất mạnh mẽ, và lại để cánh tay trái của anh ấy yếu ớt đi. Vì vậy bạn phải thức tỉnh được sự xấu xí cũng như sự đẹp đẽ. Bạn phải thấy được những chiếc lá đang nhảy múa, dòng nước đang chảy dưới cây cầu, vẻ đẹp của một chiều tối, và cũng vậy ý thức được người ăn mày trên đường phố; bạn phải thấy được người phụ nữ cơ cực đang vật lộn với một đống hàng hóa nặng nề và sẵn lòng giúp đỡ bà ấy, chìa tay bạn ra. Tất cả việc này là cần thiết, và chỉ khi nào bạn có nhạy cảm cùng mọi sự việc thì bạn mới có thể bắt đầu làm việc, giúp đỡ và không còn chối từ hay khinh miệt.
Người hỏi: Xin lỗi, nhưng ông đã không nói ai là Thầy của ông?
Krishnamurti: Điều đó có đặt thành vấn đề nhiều lắm không? Đốt quyển sách đi, quăng nó đi. Khi bạn trao sự quan trọng vào một cái gì đó thật tầm thường như ai là người Thầy, bạn đang làm toàn hiện hữu trở thành một công việc rất nhỏ nhoi. Bạn thấy không, chúng ta luôn luôn muốn biết người Thầy là ai, người có học thức kia là ai, họa sĩ vẽ bức tranh đó là ai. Chúng ta không bao giờ muốn khám phá cho chính mình nội dung của bức tranh nếu không biết nhận dạng của người họa sĩ. Chỉ khi nào bạn biết được ai là người thi sĩ thì lúc đó bạn mới nói rằng bài thơ đó tuyệt vời. Điều này thật kênh kiệu, sự lặp lại thuần túy của một quan điểm, và nó hủy hoại trực nhận bên trong riêng của bạn về sự thật của sự vật. Nếu bạn thấy rằng bức tranh đó đẹp và bạn cảm thấy rất hài lòng, liệu nó có đặt thành vấn đề với bạn là ai vẽ bức tranh đó hay không? Nếu quan tâm của bạn là tìm ra nội dung, sự thật của bức tranh, vậy thì bức tranh chuyển tải ý nghĩa của nó.