Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lập Trường Tôn Giáo Của Bertrand Russell

20/02/201311:29(Xem: 5286)
Lập Trường Tôn Giáo Của Bertrand Russell

Lập Trường Tôn Giáo Của Bertrand
Trần Hoàn Chỉnh S.J

blankBertrand Arthur William Russell (1872-1970) là một triết gia, nhà lôgic học, nhà toán học người Anh của thế kỷ 20. Ông sinh trưởng trong một thời đại vừa có nhiều thành tựu rực rỡ từ những phát kiến khoa học kĩ thuật đi đôi với nhận thức ngày càng phong phú và vượt bậc của con người, vừa nhuốm màu đen tối thê lương từ hai cuộc đại thế chiến, bầu khí tôn giáo nặng nề, thảm trạng bất công và nghèo đói… Có lẽ bối cảnh này đã tác động ít nhiều đến Russell khiến ông sau này trở thành một người phê bình tôn giáo kịch liệt. Mặc dù ông tự nhận mình là người bất khả tri nhưng ông cũng đã bỏ nhiều công sức miệt mài nghiên cứu và phê bình tôn giáo. Để tìm hiểu lập trường tôn giáo của ông, chúng ta sẽ đi vào phân tích một vài khía cạnh sau:1. Nền tảng lý luận của Russell về tôn giáo; 2. Một vài quan điểm của Russell về tôn giáo; 3. Một số phê bình nhận định về lập trường tôn giáo của Russell.

I. Nền tảng lý luận của Russell về tôn giáo

Là một nhà toán học lỗi lạc, Russell không muốn gạt bỏ siêu hình học, nhưng muốn làm cho ngôn ngữ siêu hình học chặt chẽ hơn dựa theo lôgic của toán học. Theo ông, triết học không quan tâm tới việc khám phá chân lý mà tới việc làm sáng ý nghĩa của ngôn ngữ. Do đó, ông đã triển khai một loại học thuyết lôgic được gọi là lý thuyết nguyên tử lôgic. Lý thuyết này cho rằng thế giới do các dữ kiện giác quan liên kết với nhau bằng những liên hệ hoàn toàn lôgic trong sự phức tạp của ngôn ngữ. Vì thế, mục tiêu của sự phân tích là đảm bảo rằng mọi phát biểu đều biểu thị một hình ảnh trung thực về thực tại, về các sự kiện và về thế giới chứ không phải nghiên cứu bản chất thực tại, xây dựng các hệ thống hoàn bị nhằm giải thích vũ trụ, hay hình thành các triết lý đạo đức, chính trị và tôn giáo về hành vi con người như siêu hình học truyền thống vẫn làm. Vì thế, theo ông, chỉ có ngôn ngữ mới miêu tả được chính xác sự việc và loại bỏ được những sai lầm do ngôn ngữ tự nhiên gây ra và tránh được sự hỗn loạn siêu hình học truyền thống. Bên cạnh đó, Russell cũng cho rằng những phương pháp khoa học là nguồn duy nhất cung cấp cho nhận thức chúng ta; vì thế, ông đã dựa vào những thành tựu khoa học, trong đó nổi bật là học thuyết tiến hóa của Darwin, học thuyết lượng tử của Einstein để phản bác các quan điểm của tôn giáo.

II. Một vài quan điểm của Russell về tôn giáo

Theo Russell, định nghĩa một người theo Kitô giáo chủ yếu là phải có niềm tin vào hai điều: sự hiện hữu của Thiên Chúa và Đức Kitô.[1] Vì thế, dựa trên khoa học và lập trường triết học vừa nói ở phần trên, ông lần lượt trình bày lập trường bất khả tri của mình; sự nghi ngờ và phủ nhận của ông về sự hiện hữu của Thiên Chúa; đồng thời, chỉ ra những thiếu sót trong lời giảng và tư cách đạo đức của Đức Kitô,cũng như đánh giá tôn giáo là độc hại hơn là hữu ích.

1. Lập trường bất khả tri

Dựa vào lập trường triết học của Kant, Russell đã chọn cho mình lập trường “bất khả tri đình chỉ phán quyết” khi ông cho rằng không thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không hiện hữu, vì điều này thuộc lĩnh vực tiên nghiệm nằm ngoài kinh nghiệm cảm giác, nên trí khôn không có dữ kiện để xử lý. Ngoài ra, dựa trên triết học về sự phân tích lôgic và bám sát vào những thành tựu của lôgic toán học, ông cũng khẳng định rằng những mệnh đề hay phát biểu siêu hình học về sự hiện hữu của Thiên Chúa là mơ hồ, vô nghĩa, nằm ngoài khả năng kiểm chứng của kinh nghiệm giác quan và chẳng có chút tính chất luận lý thuần khiết[2]; vì thế chẳng nhất thiết phải quan tâm đến chúng làm gì. Tuy nhiên, dù chọn lập trường bất khả tri trong lý thuyết, nhưng Russell vẫn đưa ra những phê bình và phản bác mạnh mẽ đối với tôn giáo không khác gì một người vô thần.

2. Phủ nhận những luận chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa

Bàn về luận chứng Nguyên nhân Đệ nhất, Russell xem luận cứ này chẳng có chút trọng lượng nào vì khái niệm nguyên nhân không còn có cùng một ý nghĩa như trước. Bởi lẽ, dựa vào lý thuyết của cơ học lượng tử của Einstein, lôgic học của khoa học không hoàn toàn theo nguyên tắc nhân quả mà chỉ là sự quy ước về trật tự trước sau của thời gian. Vả lại, nguyên lý nhân quả chỉ có ý nghĩa và tiêu chuẩn để áp dụng trong thế giới khả giác mà thôi. Vì thế, ông bác bỏ luận chứng này khi cho rằng nếu mọi cái ra đời đều phải có nguyên nhân thì sự hiện hữu của Chúa cũng phải có nguyên nhân. Từ quan niệm này, Russell cho rằng quan điểm cho mọi vật phải có điểm khởi đầu về thực chất, là do trí tưởng tượng nghèo nàn của chúng ta mà ra. Không chỉ thế, Russell còn phủ nhận quan điểm của các tôn giáo về nguồn gốc con người khi ông cho rằng nguồn gốc và sự phát triển của con người chỉ là kết quả sắp đặt ngẫu nhiên của những nguyên tử.[3]

Kế đến, dựa vào học thuyết về lượng tử của Einstein, Russell khẳng định rằng không còn có thứ luật thiên nhiên vốn cho rằng thiên nhiên vận hành một cách đồng loạt giống nhau, nhưng là vận hành cách ngẫu nhiên. Hơn nữa, Russell nhận định rằng quy luật thiên nhiên giả thiết một đấng ban bố quy luật là một sự lẫn lộn giữa luật tự nhiên và luật con người. Theo ông, quy luật thiên nhiên tự nó là một tiến trình thực tế, tự do và tự tại và do đó, không thể biện luận rằng phải có ai đó điều khiển. Nếu giả thiết là có thì phải thừa nhận rằng có một điều gì đó đã không quy phục quy luật. Còn nếu biện luận rằng vì muốn tạo ra vũ trụ tối hảo mà Thiên Chúa làm thế, tức là Thiên Chúa có một lý do cho quy luật, thì chính Thiên Chúa cũng phải quy phục những quy luật. Như thế, sẽ có một quy luật ở ngoài và ở trước quy luật của Thiên Chúa. Điều này mâu thuẫn với việc Thiên Chúa là đấng tối hậu ban bố quy luật.

Luận chứng cứu cánh cho rằng trật tự thế giới hoàn toàn có mục đích. Tuy nhiên, dựa vào nguyên lý hoạt động ngẫu nhiên của các nguyên tử trong thuyết lượng tử, Russell đã loại trừ khái niệm mục đích và cho rằng mọi sự là ngẫu nhiên. Theo ông, mọi tri thức khoa học đều cho thấytự nhiên là vương quốc của những nguyên nhân tác động, trong nó không có quan hệ mục đích, mà chỉ có quan hệ nhân quả.Ngoài ra, dựa vào học thuyết Darwin về “Chọn lọc tự nhiên”, Russell cho rằng học thuyết này đã chứng minh được rằng, các loài sinh vật không phải là cố định mà luôn biến đổi; năng lực thích nghi của cơ thể, cấu tạo và lối ứng xử hợp lý của chúng là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên, nghĩa là các hình thức vận động khác nhau có liên hệ với nhau và được giải thích dựa trên các quy luật nội tại của chúng, chứ không phải do một Đấng tối cao nào tạo ra cả.

Cuối cùng, phản ứng lại một luận chứng cho rằng Thiên Chúa hiện hữu là một điều tất yếu để đem lại sự công bình cho thế giới này, Russell đặt vấn đề về một thế giới tràn lan sự bất công. Ông xem sự hiện hữu của Thiên Chúa, Thiên Đàng và Hỏa Ngục là một luận cứ kỳ cục chỉ nhằm mục đích vấn an con người một cách giả tạo về sự công bình. Xét theo quan điểm khoa học, ông cho rằng “thế giới này là một thí dụ khá điển hình, và nếu có bất công ở đây, thì có cũng có bất công ở nơi khác vậy.”[4]Vì thế, ông kết luận rằng vì chúng ta bắt gặp rất nhiều bất công nên không thể cho rằng sự công bình điều khiển vũ trụ.

3. Những thiếu sót trong lời giảng và tư cách đạo đức của Đức Kitô[5]

Russell không quan tâm nhiều đến một Đức Kitô lịch sử, nhưng quan tâm đến một Đức Kitô được diễn tả trong Kinh Thánh: “Kinh Thánh kể thế nào thì nhận thế, và trong đó, người ta tìm thấy vài điều xem ra không khôn ngoan cho lắm.” Trước hết, theo ông, một số lời giảng dạy của Đức Kitô chẳng có gì là mới mẻ, vì 500 hay 600 năm trước, Lão Tử và Phật Thích Ca đã có dạy thế rồi.Thứ đến, ông không phủ nhận Đức Giêsu có dạy “một số châm ngôn đẹp, mặc dù sống theo có hơi khó khăn”và thậm chí, chính các Kitô hữu hay cả Giáo Hội đã chẳng sống được những điều đẹp đẽ ấy. Bên cạnh đó, ông cho rằng thiếu sót trầm trọng nhất trong tư cách đạo đức của Chúa Giêsu là việc Ngài tin vào Hỏa ngục,vì chẳng có người nào thực lòng nhân ái sâu xa lại có thể tin vào sự trừng phạt cho đến vĩnh viễn ấy. Hơn nữa, đối với Russell “thật không thể nghĩ là một người trong bản chất nếu ở một mức độ tử tế vừa phải, lại đem khiếp sợ và hãi hùng thế ấy mà cắm trồng vào thế giới”khi ông trích dẫn câu Kinh Thánh nói về việc một người phạm tội đến Thánh Thần sẽ chẳng bao giờ được tha đời này và cả đời sau. Cuối cùng, ông xem một số việc làm của Chúa Giêsu là phi lý và bất công qua câu chuyện đàn heo bị quỷ nhập lao xuống biển và cây vả bị đòi hỏi phải có quả trong khi lúc đó không phải là mùa có quả. Như vậy, ông xem Chúa Giêsu không thể là người khôn ngoan và phẩm hạnh nhất và chỉ đáng được xếp hạng sau Đức Phật và Socrates.

4. Tôn giáo là độc hại hơn là hữu ích

Dựa trên những thành tựu của khoa học thời bấy giờ, ông đã chống lại niềm tin tôn giáovà lý giải vì sao mà con người có nhu cầu tôn giáo. Trước hết, theo Russell, tôn giáo có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi và bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên, khó khăn trong đời sống xã hội và cả chính mình. Do đó, tôn giáo đã trở thành một trợ lực cho con người bớt đi nỗi sợ hãi ấy. Thứ đến Russell cho rằng mọi đức tin mù quáng đều tai hạivà vô căn cứ. Bởi lẽ, thứ nhất, không thể đánh giá được đức tin nào là tốt hay xấu; thứ hai, chúng ta chỉ có thể định nghĩa “đức tin” là niềm tin vững chắc vào một cái gì đó không thể chứng thực được, và một khi đã có chứng cớ rạch ròi thì không ai nói đến đức tin nữa. Ông cho rằng “chúng ta chỉ nói đến đức tin, khi chúng ta muốn thay thế cảm xúc cho chứng cớ”[6]. Chính cái lối tin không có chứng cứ xác đáng này đã làm tư duy con người bị sai lệch, làm biến dạng hệ giáo dục và tạo nên một học thuyết đạo đức hoàn toàn sai lầm.

Theo ông, chỉ có khoa học mới có thể giúp con người vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Bởi chỉ có khoa học mới có thể cho chúng ta thấy thế giới tốt đẹp mà chúng ta đang sống là thế giới hiện thực. Hơn nữa, ông khẳng định rằng con người phải vượt qua mọi thử thách của cuộc sống bằng kiến thức của mình chứ không nên chỉ biết cầu nguyện,ông nói: bởi sức mạnh của lời cầu nguyện chỉ có giới hạn, còn sức mạnh của khoa học là không có giới hạn. Chúng ta nói niềm tin có thể dời non lấp biển thì không ai tin, nhưng khi nói rằng bom nguyên tử có thể dời non lấp biển thì tất cả mọi người đều tin.[7]

Tuy nhiên, dù là người mang lập trường vô thần, nhưng Russell cũng là người rất công bằng trong việc đánh giá những giá trị tích cực mà tôn giáo đã đem lại cho con người. Trong tác phẩm “Khoa học và tôn giáo”, ông đã cho rằng, bất cứ tôn giáo nào cũng có một hệ thống chuẩn mực và giá trị đạo đức nhằm điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức của các tín đồ như: sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, làm lành lánh dữ… Ngoài ra, mục đích của những công trình nghiên cứu về tôn giáo là để mở mang đầu óc cho những người không có cơ hội hoặc khả năng tìm hiểu giáo lý tôn giáo, giúp họ hiểu biết đúng đắn về các tôn giáo và đón nhận những giá trị đích thực, vô giá mà tôn giáo có thể ban tặng cho họ.[8]

Tóm lại, về mặt lý thuyết, Russell tự nhận mình là người bất khả tri nhưng trong thực hành là người vô thần khi ông thừa nhận rằng “dù có coi sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải là bất khả, vẫn có thể đánh giá điều đó là cực kỳ khó tin, khó tin đến nỗi ta có thể không quan tâm đến trong thực tiễn[9]

III. Vài nhận định phê bình về lập trường tôn giáo của Russell

Theo thiển ý của người viết, triết học tuyệt nhiên không chỉ là lôgic khoa học như Russell nghĩ, nhưng là về quan hệ giữa con người với nhau và với thế giới; do đó, khi chủ trương phương pháp phân tích lôgic có thể tạo điều kiện giải quyết những vấn đề triết học[10], cũng như quá nhấn mạnh vào việc khoa học là hình thức duy nhất của tri thức con người, Russell cách nào đó đã giới hạn mọi sự vào thế giới hữu hình, khả giác vốn chỉ là phần nhỏ và là mặt ngoài của một thế giới cực kỳ phức tạp với chiều sâu và huyền nhiệm dường như vô cùng vô tận; cũng như giới hạn chính nhu cầu và khao khát của con người trong việc muốn năm bắt và lý giải “cái tại sao” và “cái thế nào” của thế giới đó.

Bên cạnh đó, dựa trên lập trường thực chứng lôgic và thuyết lượng tử, Russell cho rằng mọi sự đều ngẫu nhiên xét trên hệ thống căn bản nhất là các nguyên tử. Tuy nhiên, xét trong sự hình thành hữu thể có sức sống và một đời sống có tinh thần, phải chăng ông đã hạ giá con người trong cái sinh động, phong phú, huyền nhiệm và siêu việt xuống bằng sự tồn hữu và hoạt động của một nguyên tử? Liệu có tồn tại thế giới tinh thần con người trong nguyên lý hoạt động của các nguyên tử và phân tử không? Có thể nói lập trường của Russell đã có phần lệch lạc khi giới hạn thế giới con người vào thế giới các nguyên tử, phân tử vốn hoạt động theo cái ngẫu nhiên.

Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào phương pháp phân tích lôgic ngôn ngữ và chỉ mới thấy những hình thức thực hành tôn giáo không mấy tích cực của một giai đoạn nào đó, mà đã đưa ra những phê phán và phản bác gay gắt về bản chất của tôn giáo thì liệu đó có phải là những nhận định võ đoán và thiếu công bằng chăng? Cũng vậy, khi phân tích các lời dạy của Chúa Giêsu, Russell chỉ mới dừng lại ở ý nghĩa bề mặt cách hời hợt và võ đoán kết án tư cách đạo đức và lời dạy của Chúa Giêsu mà quên mất yếu tố biểu tượng và chiều sâu của ngôn ngữ Kinh Thánh.

Ngoài ra, như đã nói ở phần trên, Russell xem sức mạnh của khoa học là vô biên và khẳng định rằng chỉ có kiến thức mới có thể giúp con người vượt qua mọi nỗi khó khăn. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Hầu như tất cả các quy luật do các ngành khoa học tự nhiên xác lập đều bị giới hạn hoặc bởi quy mô của hiện tượng nghiên cứu, hoặc bởi những hình thức tồn tại cụ thể của vật chất. Khoa học tuy đã có những đóng góp nhất định trong sự tiến bộ của nhân loại nhưng cũng đã gây không ít đau thương, mất mát cho loài người khi nó bị lạm dụng. Đồng thời, nhiều khoa học gia đã lên tiếng thừa nhận sự giới hạn của chính khoa học trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến đời sống tinh thần của con người.

Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết, những phê bình tôn giáo của Russell phần nào đã có ảnh hưởng trong việc suy tư và canh tân của các tôn giáo, đặc biệt là trong khía cạnh diễn tả và thực hành tôn giáo. Những phê bình này là tiếng chuông phản tỉnh cho những người thực hành tôn giáo cách tiêu cực qua việc chỉ nép mình trong những lời cầu nguyện, an ủi và tâm tình tôn giáo ủy mị mà thờ ơ, né tránh và khước từ nhiều vấn đề rất hiện sinh của con người và xã hội.

Học Viên Trần Hoàn Chỉnh S.J., Triết 1

TÀI LIỆU THAM KHẢO

HICK, J., Triết học tôn giáo(bản Việt ngữ của Nguyễn Thịnh Phước), tài liệu nội bộ.
LEAHY, L., Con người và vấn đề Thượng đế, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà lạt 1974.
MELVI, J. K., Các con đường của triết học phương tây hiện đại, Đinh Ngọc Thạch dịch, NXB. Giáo Dục, TPHCM 1997.
RUSSELL, B., History of Western Philosophy, Simon & Schuster, INC., New York 1972.
—————–, Human Societty in Ethies and Politic,Routledge, New York 1954.
—————–, Impact of Science Society, Routledge, New York 1953.
—————–, Religion and Science, Oxford University Press, New York 1997.
—————–, Why I am not a Christian, Routledge, New York 2004.
STUMPF, S.E., Lịch sử Triết học và các luận đề, không ghi tên người dịch, NXB. Lao Động, TP.HCM, 2004.
WEGER, K.H., Religionskritik, Verlag Styria, Graz, Wien, Köln 1991. Bản Việt ngữ: Phê bình tôn giáo qua các tác giả, tài liệu nội bộ.
[1] x. Betrand Russell, Why I am not a Christian, Routledge, New York 2004, tr. 3.
[2] Karl-Heinz Weger, Religionskritik, Verlag Styria, Graz, Wien, Köln 1991. Bản Việt ngữ: Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, tài liệu nội bộ, tr. 210.
[3] x., Betrand Russell, Tín ngưỡng của người tự do, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12267&rb=0301, (7.10.2012).
[4] Betrand Russell, Why I am…, tr. 215.
[5] Nội dung và các câu trích của phần này được tham khảo trong Betrand Russell, Why I am not a Christian, Routledge, New York 2004, tr. 11-15.
[6] Bertrand Russell, Human Societty in Ethies and Politic,Routledge, New York 1954, tr. 215.
[7] Bertrand Russell, Impact of Science Society, Routledge, New York 1953, tr.15.
[8] Bertrand Russell, Religion and Science, Oxford University Press, New York 1997, tr.134.
[9] Karl-Heinz Weger, Ibid., tr. 209.
[10] J. K. Melvi, Các Con Đường Của Triết Học Phương Tây Hiện Đại, Đinh Ngọc Thạch dịch, NXB. Giáo Dục, TPHCM 1997, tr. 47.

(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam) http://dongten.net/noidung/19339

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/05/2010(Xem: 4543)
Theo Lý Duyên Sinh của nhà Phật, tình yêu khởi đầu từ Thụ. Vì nhìn thấy, ngửi thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy hoặc tưởng tượng tới một người nào đó - dĩ nhiên tòan hương vị ngọt ngào, tòan những êm ái, tốt lành, mộng mơ, quyến rũ, đáng yêu, quý giá - mà sinh Ái (ham muốn)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]