Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hình Tượng Bồ Tát Quan Âm Và Vấn Đề Bình Đẳng Giới

17/09/201219:56(Xem: 9274)
Hình Tượng Bồ Tát Quan Âm Và Vấn Đề Bình Đẳng Giới

HÌNH TƯỢNG BỒ TÁT QUAN ÂM
VÀ VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
Thích Hạnh Bình

quantheambotatMột thanh niên hỏi tôi: “Có người nói Bồ tát Quan Âm không có thật, là tín ngưỡng của Bà La Môn phải không thưa thầy?”. Tôi cười đáp: “Bồ tát Quan Âm có thật hay không tùy thuộc vào hai điều kiện: 1.Niềm tin. 2.Tự mình nghiên cứu tìm hiểu. Tôi không đủ thời gian dài dòng giải thích, chỉ xin lưu ý một vài điểm: Danh xưng Bồ tát Quan Âm không thấy trong các kinh điển của Phật giáo Nam truyền, chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa, cụ thể là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa’’ - ‘Phẩm Phổ Môn’ thứ 25. Như vậy, Bồ tát Quan Âm có thật hay không, phải tự thân nghiêm túc tìm hiểu, nếu không thì chỉ dựa vào niềm tin (linh tại ngã bất linh tại ngã) mà thôi, do vậy tôi nhường câu trả lời này cho anh”.

Với câu trả lời cho anh thanh niên, tôi muốn nhấn mạnh rằng: nếu không đứng từ góc độ Phật giáo Đại thừa, người ta có thể cho là Bồ tát Quan Âm không có thật. Tuy nhiên hạnh Bồ tát (làm lợi ích cho mọi người, cho tất cả chúng sinh) trong Phật giáo là điều có thật. Ý nghĩa này được rút ra từ các kinh điển của Phật giáo Nam truyền, cụ thể là “Jātaka” (tiền thân) trong “Khuddaka” (Tiểu Bộ), là một trong 5 bộ Nikāya. Tư tưởng Bồ tát là có thật, hạnh nguyện cứu độ chúng sinh giúp đỡ mọi người của Bồ tát là có thật, do vậy nếu Bồ tát không có danh xưng Quan Âm thì cũng có danh xưng khác. Phật giáo Đại thừa không quan trọng danh xưng, mà chú trọng ở tư tưởng và giá trị thực tế - hạnh nguyện tốt đẹp, ích mình lợi người. (Hoa hồng hương ấy sá gì tên chi).

Với tư tưởng đó, Phật giáo Đại thừa triệt để triển khai tinh thần Bồ tát đạo. Tùy theo hạnh nguyện của mình, Bồ tát xuất hiện dưới nhiều thân tướng khác nhau, nhằm hóa độ nhiều đối tượng khác nhau, như Bồ tát Địa Tạng với hạnh nguyện vào địa ngục để cứu độ những chúng sinh ở đây; Bồ tát Văn Thù với đại trí tuệ hàng phục những tà ma ngoại đạo; Bồ tát Quan Âm dưới thân tướng trang nghiêm là người nữ, với lòng đại bi Ngài lại phân thân xuất hiện dưới nhiều thân tướng khác nhau, không chỉ là người xuất gia mà cả hình thức người tại gia, có thể là nam hay nữ, quan hay dân…và ở bất cứ nơi đâu miễn nơi ấy có chúng sanh đau khổ thì Ngài xuất hiện, giống như người mẹ hiền che chở đàn con thơ.

Hình ảnh Bồ tát Quan Âm xuất hiện dưới thân tướng là người nữ, ngoài ý nghĩa tôn giáo, còn có ý nghĩa về mặt xã hội nếu xét đến bối cảnh “trọng nam khinh nữ” của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai lục địa lớn nhất ở Châu Á, cũng là hai cái nôi văn hóa không riêng Châu Á mà của cả thế giới. Hai quốc gia này đều có chung truyền thống “trọng nam khinh nữ”, từ đó lan rộng và ảnh hưởng đến các nước phụ cận thuộc Châu Á, trong đó có Việt Nam. Ở những xã hội có truyền thống văn hóa này, hầu như trong ý thức của mọi người đều cho rằng, người nữ như là điều xui xẻo, tai họa, bất hạnh. Họ bị hành hạ, chà đạp nhân phẩm, đem bán, thậm chí bị tước quyền được sống[1], như những nước ở Trung Đông.

Xã hội ngày nay còn có tiếng nói của nhân quyền và các tổ chức xã hội lên tiếng can thiệp đối với việc hành hạ nhục mạ nhân phẩm người nữ, nhưng với thời xa xưa cách đây 2500 năm, người ta xem như là chuyện bình thường và tự nhiên, không ai lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, Thế Tôn không chấp nhận sự bất bình đẳng giới này, có thể nói Ngài là người đầu tiên lên tiếng phản đối truyền thống xấu xa này. Ngài không những chỉ phản đối chế độ giai cấp của Bà La Môn, mà còn phản đối tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội Ấn Độ. Lời khuyên của Ngài đối với vua Pasenadi nước Kosala trong “Kinh Tương Ưng” là một minh chứng cụ thể. Câu chuyện ghi rằng, trong lúc nhà vua cùng đức Phật trò chuyện thì có tin truyền đến Hoàng hậu đã sinh một người con gái. Nhà vua không giấu được nỗi buồn trên mặt, do đó đức Phật đã nói bài kệ khuyên vua:

Này Nhân chủ, ở đời,
Có một số thiếu nữ,
Có thể tốt đẹp hơn,
So sánh với con trai,
Có trí tuệ, giới đức,
Khiến nhạc mẫu thán phục.
Rồi sinh được con trai,
Là anh hùng, quốc chủ,
Người con trai như vậy,
Của người vợ hiền đức,
Thật xứng là Ðạo sư,
Giáo giới cho toàn quốc.[2]

Nội dung và ý nghĩa của bài kệ này gồm hai ý chính: 1. Xác định Ấn Độ là xã hội có truyền thống tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; 2. Đức Phật không đồng tình quan điểm ấy, Ngài khẳng định có những người nữ có trí tuệ đức hạnh hơn cả người nam, chớ có khinh thường người nữ. Ở bối cảnh xã hội Tây phương ngày nay thì quan điểm bênh vực cho nữ giới là việc được thực hiện rất bình thường và hiển nhiên, nhưng trong bối cảnh nước Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, dưới thời đại quân chủ chuyên chế, và nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ, đức Phật đã ngang nhiên trình bày quan điểm của mình trước nhà vua, đó mới là chuyện bất bình thường hy hữu; có thể nói đó là tiếng nói đầu tiên bênh vực, bảo vệ giới nữ, đưa vị trí người nữ ngang bằng với nam giới. Không những chỉ có nói, Ngài thể hiện quan điểm này bằng hành động cụ thể, tức là cho giới nữ xuất gia; khẳng định người nữ cũng có thể chứng quả vị tối cao là A la hán[3](Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy chỉ có 4 quả, A la hán là quả vị cao nhất), trên thực tế cũng đã có nhiều vị Tỷ kheo ni đã thành tựu quả vị này.

Việc cho người nữ xuất gia là ngược lại quan điểm truyền thống Ấn Độ, nên quá trình hợp thức hóa Ni giới trong Tăng đoàn không dễ dàng, không những bị sức ép từ xã hội, mà ngay trong Tăng già cũng kịch liệt phản đối, điển hình là ngài Ca Diếp[4]. Có nhiều ý kiến khác nhau về lý do vì sao ngài Ca Diếp không đồng tình với đức Phật và tôn giả A Nan, nhưng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ, vấn đề này cũng cần được nghiên cứu. Trước tình hình đó, dĩ nhiên đức Thế Tôn phải cân nhắc, và phải chuẩn bị những điều kiện sống cần thiết (cư trú) trước khi cho người nữ xuất gia. Cuối cùng, người nữ cũng được xuất gia trong Tăng đoàn, hình thành Ni giới. Điều đó chứng tỏ quan điểm và sự quyết tâm của đức Phật và A Nan cho người nữ xuất gia là hợp lý, không những tạo điều kiện cho giới nữ có cơ hội học Phật pháp, tu tập để thành tựu giác ngộ và giải thoát mà còn mang ý nghĩa kêu gọi xã hội bình đẳng về giới tính, xóa bỏ thái độ “trọng nam khinh nữ”, giải phóng biết bao người phụ nữ thoát khỏi nỗi đau khổ tủi nhục do quan niệm sai lầm này gây ra.

Phật giáo Đại thừa đã kế thừa tư tưởng này và có công rất lớn trong sự nghiệp cải cách, xóa bỏ sự bất bình đẳng về giới. Hình tượng Bồ Tát Quán Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, bằng tình thương vô biên, được mô tả như là người có ngàn tay ngàn mắt, thần thông quảng đại, xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, mọi lúc mọi nơi, thực thi tinh thần cứu độ chúng sinh, với lời nguyện: “Nơi đâu có tiếng than khổ thì nơi ấy có Ngài” (Kinh Pháp Hoa- Phẩm Phổ Môn). Đó là tình thương và bản chất của người mẹ, chỉ có người mẹ mới làm được việc ấy. Trong thế gian không có tình thương nào bằng tình thương của mẹ, không có lòng bao dung, chịu đựng nào bằng lòng bao dung chịu đựng của người mẹ, nếu con có ngỗ nghịch, bất hiếu như thế nào đi nữa, khi gặp nạn cần sự giúp đỡ thì mẹ sẵn lòng tha thứ và chìa tay nâng đỡ con. Bồ tát Quan Âm cũng thế, Ngài xuất hiện như người mẹ, thương chúng sanh như con ruột, luôn cận kề vỗ về an ủi xoa dịu nỗi đau của đàn con.

Vì Bồ tát Quan Âm có hạnh nguyện như thế nên bất cứ ai dù là nam hay nữ, dân hay quan, kẻ ác hay người thiện...đều có thể đến với Ngài, cầu Ngài cứu độ. Có lẽ chính vì lòng hiền từ và bao dung ấy, mà người dân Việt Nam gọi Ngài bằng cái tên thân thiết là “Mẹ Hiền Quan Ấm” hay “Phật Bà Quan Âm”, vì Ngài hiền từ và dễ thương như người mẹ. Từ đó hình tượng của Ngài được dựng ở khắp mọi nơi, từ thị thành đến thôn quê, từ non cao đến biển cả, nhất là những nơi thường xuất hiện bất trắc hiểm nguy.

Hình ảnh Bồ tát Quan Âm xuất hiện dưới thân hình người nữ, có tình thương bao la, dễ thương gần gũi như người mẹ và hạnh nguyện của Ngài là biện pháp hữu hiệu nhất để phá vỡ quan niệm phi đạo lý: “trọng nam khinh nữ” của truyền thống dân tộc Ấn Độ nói riêng và loài người nói chung, trong đó có cả Việt Nam.

Hình ảnh Ni giới được tu được học và được thành tựu đạo quả trong đạo Phật cho thấy Phật giáo là một tôn giáo đi đầu trong việc đề xướng bình đẳng giới, đả phá quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Đức Thế Tôn là người đầu tiên đòi quyền lợi cho giới nữ, đưa vị trí giới nữ ngang bằng nam giới.

Hy vọng rằng qua bài viết này chúng ta thấy được quan điểm tiến bộ và thực tế của đạo Phật, lời đức Phật luôn luôn đi cùng với con người, với sự thật và lẽ phải. Chúng ta có thể không tin tưởng Bồ tát Quan Âm là có thật, nhưng hạnh nguyện – tinh thần từ bi cứu độ chúng sinh, và giá trị xóa bỏ truyền thống tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của xã hội thì không thể phủ nhận.

Vạn Hạnh, rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu



[1]Nhiều phụ nữ theo đạo Hindu ở một số vùng tại Ấn Độ sẽ tự thiêu sống mình nếu như chồng họ không may bị chết vì bất cứ lý do gì.

[2]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, 1993, trang 194.

[3]HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ”, tập 3, Viện NCPHVN ấn hành, 1996, trang 653 (Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn: Nữ nhân sau khi xuất gia…có thể chứng quả gì? Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai hay A La Hán quả.)

[4]“Tỳ Ni Mẫu Kinh”(毘尼母經), (CBETA, T24, no. 1463, p. 818, b16-c6). Trong kinh này, Tôn giả Ca Diếp quở trách A Nan: vì A Nan xin Phật cho người nữ xuất gia, nên Phật pháp gặp phải 10 việc không may, như vì người nữ xuất gia cho nên Phật pháp bị hoại diệt trước 500 năm.


Thích Hạnh Bình
(Tuệ Chủng)


(CÙNG TÁC GỈA/DỊCH GIẢ)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 11360)
Trước hết tôi xin phép được nói quan niệm của tôi về vấn đề học Phật. Trong giới Phật tử, ai cũng biết rằng đạo Phật không phải là từ trên trời rơi xuống mà chính lại là được phát hiện trong lòng sự sống của nhân loại.
09/04/2013(Xem: 14315)
Nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời (tứ diệu đế), vì vậy đạo Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Sự vượt lên ở đây là một kết quả tất nhiên của giác ngộ, vì mọi giác ngộ đều đưa tới một sự thức tỉnh và giải phóng.
09/04/2013(Xem: 5419)
Nhìn sâu vào thảm trạng của nhân loại, nếu ai là người còn có chút lương tâm, tất nhiên không khỏi bùi ngùi, cảm động. Đã có sự cảm động, hẳn là phải được phát hiện ra bằng công việc làm " cho vui, cứu khổ ", tùy theo hoàn cảnh và năng lực của mình.
09/04/2013(Xem: 4649)
Loài người đang tiến dần tới ngưỡng cửa của thế kỷ 21. Một câu hỏi đang làm mọi người ưu tư lo lắng: “Kỷ nguyên mới này sẽ là gì đây đối với nhân loại?” . Những năm vừa qua, chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm gì, những bài học gì có thể làm cho chúng ta yên tâm hơn, tin tưởng hơn và lợi ích hơn?
09/04/2013(Xem: 6340)
Mâu thuẫn giữa mình (tự ngã) và con người, mâu thuẫn giữa con người và xã hội, mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên là ba mâu thuẫn cơ bản lớn tồn tại phổ biến của xã hội loài người. Từ xưa đến nay, nhân loại đã sáng tạo nền văn minh quang minh xán lạn, . . .
09/04/2013(Xem: 5126)
Đề án Nhà Tù Giải thoát(Liberation Prison Project) là một tổ chức hoạt động phục vụ xã hội thuộc Phật Giáo Tây Tạng được liên kết với Hội Bảo vệ Truyền thống Phật Giáo Đại thừa (FPMT). Tích cực hoạt động tại Hoa Kỳ, Úc châu, Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ, Đề án Nhà Tù Giải thoát đưa ra những hướng dẫn và giáo lý tâm linh, cung cấp sách báo, tài liệu cho các tù nhân quan tâm tới việc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành Phật Giáo.
09/04/2013(Xem: 8985)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (2005) Phật lịch 2549 tại Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, tôi và tăng chúng độ 30 vị, rất an lạc trong mỗi từng sát na sanh diệt của cuộc đời ở trong 90 ngày ấy.
09/04/2013(Xem: 5681)
Bạn lo ngại khi con cháu không còn đọc hay nói được tiếng Việt sành sõi nữa, và thế là một mảng văn hóa sẽ biến mất trong tâm hồn thơ trẻ của các em. Và bạn băn khoăn không biết làm sao giúp các em gìn giữ niềm tin Phật Giáo và duy trì lối sống chánh pháp trong một xã hội biến động cực kỳ nhanh như Hoa Kỳ.
09/04/2013(Xem: 4476)
Trong thực tế hiện nay, con người càng tiếp cận với làn sóng phát triển tột đỉnh của nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại, sự đòi hỏi về trí thức và nhu cầu sống của họ ngày càng trở nên gia tăng.
09/04/2013(Xem: 5242)
Theo Hòa thượng Thánh Nghiêm, tác giả cuốn Phật giáo chánh tín thì từ cư sĩ xuất hiện lần đầu tiên trong kinh Duy Ma Cật. Trong kinh, ngài Duy Ma Cật được gọi bằng ba danh hiệu: một là Trưởng giả trong phẩm "Phương tiện", hai là Thượng nhân hay Đại sĩ trong phẩm "Văn Thù thăm bệnh", ba là Cư sĩ trong phẩm "Bồ tát".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]