Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Tế Và Chính Trị Phật Giáo

25/05/201101:37(Xem: 4052)
Kinh Tế Và Chính Trị Phật Giáo
KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ PHẬT GIÁO
Thích Nhật Hiếu

buddhist-economics2Dù rằng, người viết không hề tham vọng và miễn cưỡng đem các lãnh vực học thuật xã hội ra để so sánh, hoặc đem Phật pháp ra minh chứng cho các lãnh vực này. Phật pháp với đời cũng chỉ là:"ngón tay để chỉ mặt trăng"[1], hoặc chiếc bè để sang sông"[2], nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết đem lại bình an cho cuộc sống. Vậy, kinh tế, chính trị,v.v… không hẳn là Phật pháp, nhưng Phật pháp có thể bao gồm tất cả lãnh vực này. Nếu cho rằng Phật giáo là cái này hay cái kia, không khác gì người mù sờ voi! Rơi vào định kiến phiến diện đầy sai lầm! Chỉ có thể cho rằng: "Phật pháp là chân lý thực tại hay con đường thoát khổ"[3]mà thôi.

Vâng! Nhưng với Phật pháp bất li thế gian giác, với tinh thần ban vui cứu khổ, đáp ứng mọi nhu cầu khi cuộc đời cần đến, để giải quyết cấp thiết cho mọi vấn đề khủng hoảng xã hội. Đức Phật bao giờ cũng nhìn cuộc đời một cách toàn diện, không tách rời đời sống xã hội ra khỏi đời sống tâm linh. Ngài là biểu tượng cao quí của tinh thần từ bi, trí tuệ và hoà bình[4]. Do đó, Phật giáo là giáo dục con người toàn diện[5]; trong đó có các vấn đề kinh tế, chính trị,v.v... để xây dựng một xã hội an bình và thịnh vượng.

A. KINH TẾ XÃ HỘI PHẬT GIÁO:

Một xã hội an bình và thịnh vượng phải hội đủ những điều kiện cơ bản, mà kinh tế đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chừng mực nào đó, hiệu năng kinh tế cũng mang lại nhu cầu cần thiết cho sự sống hạnh phúc của con người. Đức Phật dạy Cấp-cô-độc (Anāthapindika), các điều kiện để đưa đến hạnh phúc cho một Cư sĩ:

a. Sở hữu lạc (Attisukkha): Sự hạnh phúc khi có tiền bạc và tài sản dồi dào.

b. Thọ dụng lạc (Bhogasukkha): Sự hạnh phúc khi thọ dụng tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho mình, gia đình, bà con bè bạn, những việc làm công đức.

c. Vô trái lạc (Ananasukkha): Sự hạnh phúc không phải vay mượn, nợ nần.

d. Vô tội lạc (Anmajjasukkha): Sự hạnh phúc khi sống trong sạch không tội lỗi.

Ba yếu tố đầu thuộc về vật chất, yếu tố cuối cùng thuộc về đời sống tinh thần. Đức Phật xác nhận: "Hạnh phúc về kinh tế đáng bằng một phần mười sáu hạnh phúc tâm hồn khi sống đời sống không lỗi lầm và hướng thiện"[6].

Đức Phật cũng đưa ra một phương pháp hoạch toán trong việc thu chi. Ngài khuyên Sigāla: "Nên dùng ¼ lợi tức vào việc tiêu dùng hằng ngày, ½ lợi tức phòng khi cấp nạn"[7].

Tất nhiên kinh tế mưu sinh là nhu cầu thiết yếu tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình và xã hội, nhưng phải sinh sống bằng nghề nghiệp chân chánh.

Phật dạy: "Người Phật tử tại gia phải sống bằng nghề nghiệp chơn chánh[8], xa lánh năm nghề nuôi mạng sống khả dĩ tạo nghiệp xấu như: buôn bán vũ khí, nô lệ, nuôi thú vật cho người giết thịt hoặc làm nghề đồ tể, bán vật thực có chất say và buôn bán độc dược"[9].

Vả lại, Đức Phật còn nhấn mạnh, kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng trong trật tự an toàn xã hội: "Nguồn gốc của vô đạo và tội ác như trộm cướp, bạo động, thù hận một phần là do nghèo đói và túng thiếu (dālliddiya) mà ra"[10].

Đức Phật đã đưa ra phương pháp kinh tế an sinh để kiến thiết một quốc gia cường thịnh: "Trong quốc độ của nhà Vua, với những người dân nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cung cấp cho họ hạt giống và vật thực; với những thương gia, hãy cung cấp cho họ vốn đầu tư; với những quan chức, hãy cung cấp cho họ lương bổng. Những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ của nhà Vua, ngân quỹ của nhà Vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ an cư, lạc nghiệp, sẽ không có những tai ương, ách nạn và dân chúng sẽ được vui vẻ, cho con nhảy lên ngực, sống chẳng khác gì nhà cửa mở rộng"[11].

Bước sang thiên niên kỷ III này, nền công nghiệp hiện đại phát triển là niềm kiêu hãnh chung cho nhân loại, xã hội không thiếu tiền của, nhưng vật chất phần lớn tập trung vào giai cấp quí tộc, tư bản; sự phân hoá nghiêm trọng và khoảng cách rất xa giữa giàu và nghèo. Với 6 tỷ dân trên toàn thế giới hiện nay vẫn không hoàn toàn có một cuộc sống bình yên: Lạc hậu, đói khát, bất công, khủng bố, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai…; những nỗi khổ này của nhân loại không phải vì thiếu vật chất, nhưng thiếu nhân tâm và suy thoái đạo đức. Ngày nào con người chưa thoát khỏi được ngục tù ngã chấp, tham lam, sân hận và si mê, thì nỗi khổ đau vẫn còn và đừng mong gì đến cuộc sống hạnh phúc.

Thực hiện lời dạy của Đức Phật, muốn cho dân yên thì phải áp dụng chính sách kinh tế, tổ chức doanh dụng, tạo công ăn việc làm, xoá bỏ nạn thất nghiệp là trách nhiệm của nhà lãnh đạo quốc gia chân chính, biết xả thân vì nghĩa, vị tha hơn vị kỉ. Đây là yếu tố tiên quyết để xây dựng một xã hội phồn vinh.

Dầu rằng trên cương vị bậc Đạo sư, chú trọng về đời sống tâm linh, nhưng đức Phật cũng ý thức được sự chi phối của kinh tế đối với đời sống xã hội con người. Nhưng phải hiểu, việc sử dụng vật chất (kinh tế) chỉ là phương tiện phục vụ đời sống xã hội, chứ không phải nô lệ hoá con người, biến chúng ta thành những môn đồ chủ nghĩa vật chất. Như vậy, giáo dục về kinh tế xã hội là một đề tài quan trọng đã được Phật giáo quan tâm từ lâu.

B. CHÍNH TRỊ XÃ HỘI PHẬT GIÁO:

kinhtechinhtriphatgiao-01

kinhtechinhtriphatgiao-02

Chính trị là một mảng đề tài được xã hội quan tâm trong đời sống hiện đại, nhưng thật ra không có gì mới lạ đối với Phật giáo cách đây trên 25 thế kỉ. Vậy nền chính trị xã hội này được Phật giáo phản ảnh thế nào? Chúng ta có thể tìm hiểu xuyên qua hai yếu tố chính:

I. CHÍNH TRỊ PHÁP ĐỊNH:

Đức Phật không chống lại việc sử dụng luật pháp. Ngài chỉ cho rằng không phải thay đổi luật pháp và gia tăng hình phạt là có thể làm giảm được sự hỗn loạn trong xã hội. Ngược lại, luật pháp phải được duy trì, vì căn bản của luật pháp là một sự thoả thuận chung.

Phật dạy: "Không ban hành những điều không được ban hành, không huỷ bỏ những luật đã ban hành, sống đúng với truyền thống như đã ban hành thuở xưa"[12].

Theo Phật giáo, một trong những giải pháp tốt nhất cho trật tự, trị an xã hội, lập lại kỉ cương phép nước trong thời loạn ly bằng những phương pháp an sinh, công bằng và giáo dục.

Phật dạy: "Này Đại vương, quốc độ này chịu nhiều tai ương, ách nạn; đầy rẫy bọn cướp ấp, cướp đô thị, cướp đường. Nếu Tôn vương đóng thuế má mới, như vậy là một hành động sai lạc. Nếu Tôn vương có suy nghĩ: Ta hãy diệt trừ bọn giặc cỏ này bằng tử hình, bằng cầm cố, bằng phạt vạ, khiển trách, tẩn xuất,… Nhưng bọn giặc cỏ này sẽ không thể diệt trừ một cách hoàn toàn. Những bọn còn lại không bị hình phạt, sau lại hoành hành vương quốc này. Nhưng nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ sẽ được diệt trừ một cách hoàn toàn. Trong quốc độ của nhà Vua, với những người dân nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cung cấp cho họ hạt giống và vật thực; với những thương gia, hãy cung cấp cho họ vốn đầu tư; với những quan chức, hãy cung cấp cho họ lương bổng. Những nguời này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình, sẽ không nhiễu hại quốc độ của nhà Vua, ngân quỹ của nhà Vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ an cư, lạc nghiệp, sẽ không có những tai ương, ách nạn và dân chúng sẽ được vui vẻ, cho con nhảy lên ngực, sống chẳng khác gì nhà cửa mở rộng"[13].

Vả lại, những bất công chà đạp lên quyền làm người, cũng tạo lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, làm xáo trộn trật tự an toàn xã hội. Trái lại phải thấu hiểu và cảm thông được tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, nhằm khích lệ tinh thần tự lập, sáng tạo của họ trong công cuộc kiến tạo một xã hội an bình và thịnh vượng.

"Đối với những người gia bộc, tạp dịch, các người đưa tin hay làm thuê, không được doạ nạt bằng hình phạt, bởi sự sợ hãi, và không được làm gì để cho họ than khóc với nước mắt tràn đầy mày mặt. Họ muốn làm gì thì làm, họ chỉ làm những việc họ muốn,…"[14].

Hơn nữa, dốt nát và si mê cũng tạo nên sự rối ren và tệ nạn xã hội. Giáo dục mang yếu tố kích khởi ý thức, ngăn chặn con người dấn thân vào sai lầm, góp phần tạo sự an bình cho xã hội. Nhưng phải theo con đường giáo dục chân chính, không phải thứ giáo dục ngụy tạo, đầy thành kiến như giáo dục "Kultur" của Đức Quốc Xã, giáo dục "Samurai" của Nhật Bản ở thế chiến thứ II (1939-1945), làm cho 40 triệu người bị thiệt mạng, thiệt hại nhiều về kinh tế, và nhiều di hại sau chiến tranh.

Giáo dục Phật giáo khơi dậy ý thức trách nhiệm cộng đồng và sự tu tập tâm đức và tuệ đức cho cá nhân. Niềm tin chân chánh phải được xác lập trên bằng trí tuệ, xuyên qua bản Công Hiến 10 điều tự do thẩm định & phán xét mà Đức Phật đã dạy cho bộ tộc Kālama xứ Kesaputta(Kesariya Stupa): "Chớ tin vì nghe truyền thuyết; chớ tin vì truyền thống; chớ tin vì nghe người ta nói; chớ tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ tin vì nhân duyên lý luận siêu hình; chớ tin vì đúng theo một lập trường; chớ tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ tin vì phù hợp với định kiến; chớ tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, các pháp này không có tội; các pháp này không bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc. Thời hãy đạt đến và an trú"[15].

Giáo dục Phật giáo giúp chúng ta cởi bỏ những định kiến của tập quán sai lầm của sự du nhập và truyền thụ qua môi trường sách vở, và nhiều phương tiện thông tin lệch lạc và cực đoan khác trong xã hội; người Phật tử phải như thật tuệ tri, thấy và hiểu mọi vấn đề một cách sáng suốt, không thành kiến, không thiên vị; thấy với nhãn quan trí tuệ và bao dung; đặc biệt, giáo dục Phật giáo còn là phương tiện hướng tâm đến sự thanh lọc ô nhiễm, đi vào thánh đạo. Hơn nữa, giúp cho cá nhân bừng sáng tri kiến, tránh vọng ngữ, vọng hành,… giúp xã hội tránh bớt bạo hành, tạo sự công bằng, văn minh và thịnh vượng.

II. CHÍNH TRỊ HIỆP ĐỊNH:

Đức Phật không cho rằng có thể dùng chiến tranh mà có thể giải quyết mọi vấn đề; và không bao giờ có cái gọi là chiến tranh chân chính. Vì rằng cuộc chiến nào cũng gây ra sự tương tàn, sát hại sinh linh. Thế mà, người ta tôn vinh chiến tranh độc ác ấy là thánh chiến[16].

Chiến tranh thật sự tàn bạo! Và nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh đều phát xuất từ hai nguyên nhân: "tham dục" (kāmma) và "tà kiến" (micchadiṭṭha) mà ra; nói cách khác, nguyên nhân chiến tranh vì: kinh tế, thuộc địa; sắc tộc, chủ nghĩa, tôn giáo. Ngày nào nhân loại chế ngự được lòng dục vọng, sân hận và những triết thuyết lệch lạc, mới hòng chấm dứt được chiến tranh. Phật giáo xưa nay vẫn giữ một lập trường dứt khoát như vậy đối với chiến tranh, cho đó là một sự cuồng nghiệt và si mê nhất của con người. Tại sao nhân loại tự tìm đến con đường diệt vong như vậy?

Đức Phật đã khẳng định: "Hình phạt ai cũng sợ, Mất mạng ai cũng khiếp, Lấy ta suy ra người, Chớ giết chớ bảo giết", hay: "Hận thù diệt hận thù, Đời này không có được, Từ bi diệt hận thù; Là định luật ngàn thu", và: "Chiến thắng sinh thù oán, Thất bại chịu khổ đau; Sống tịch tịnh an lạc, Bỏ sau mọi thắng bại."[17]

Khi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) trị vì vương quốc Kosala (Kiều-tất-la), đóng đô tại thành Sāvathi (Vệ-xá-li) đã chiến thắng và thâu đoạt toàn bộ đội quân vua Ajātasattu (A-xà-thế), trước cảnh thảm sát tan thương như vậy, với lòng bi mẫn[18]và dũng cảm vô biên, đức Phật đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh vua Pasenadi rằng:

"Một người có thể cướp bóc của người khác, nhưng khi bị cướp, người kia sẽ tìm cách chiếm đoạt trở lại; và cướp bóc, chiếm đoạt trở đi trở lại không ngừng. Ngày nào quả xấu chưa đủ cơ duyên để trổ, người cuồng si còn tưởng tượng: 'Cơ hội tốt đã đến, đây là dịp may!' Nhưng khi quả trổ, phải chịu khốn khổ. Người sát nhơn sẽ gặp kẻ sát nhơn. Người xâm lăng sẽ bị chinh phục. Kẻ hỗn hào sẽ bị chửi mắng. Người ưa quấy rầy sẽ bị phiền nhiễu. Vậy theo tiến trình của hành vi, kẻ cướp ắt bị cướp"[19].

Không những chỉ với vai trò Đạo sư về đời sống tâm linh, mà ngài còn là nhà thuyết khách tài tình trong vai trò trung gian hoà giải nhiều cuộc xung đột có thể xảy ra giữa các vương quốc đương thời, tránh được nhiều cuộc chiến tranh như cuộc chiến giữa vương quốc Kosala và Magadha; khi vua Ajātasattu bị vua Pasenadi bắt được, đức Phật đã đóng vai trò nhà quan sát trong cuộc trao trả tự do cho vua xứ Magadha này; làm trung gian hoà giải giữa các bộ tộc Shakya và Kosala trong việc tranh chấp nước sông Robimi; và đặc biệt trong những ngày cuối đời, Ngài cũng ngăn chặng được một cuộc thảm sát có thể xảy ra, khi vua Ajātasattu có ý định xâm chiếm nước cộng hoà Vajji (Bạt-kì)[20]trù phú. Trước khi đức Thế Tôn rời thành Magadha (Vương Xá) đến Kusinārā (Câu-thi-la) nhập diệt, vua Ajātasattu sai vị đại thần Vassakāra (Võ-xá)[21]đến thăm dò ý kiến của đức Phật về mưu định của nhà vua muốn thôn tính nước Vajji. Đức Phật đã phân tích tính chất và thực trạng xã hội của quốc gia nhỏ bé sắp bị xâm lăng này:

"Dân chúng thường hay tụ họp đông đảo để bàn việc nước, việc làng; dân chúng tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết; dân chúng không ban hành những luật lệ không được ban hành, sống đúng với truyền thống như đã ban hành thuở xưa; dân chúng tôn trọng và đảnh lễ những trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này; dân chúng tôn trọng phẩm hạnh của phụ nữ, không bắt cóc và cưỡng hiếp họ sống với mình; dân chúng bảo vệ, tôn trọng, đảnh lễ và làm vẻ vang tôn miếu của họ dù xa hay gần, không xao lãng những việc nghi lễ cổ truyền; dân chúng bảo hộ và cúng dường cho những vị tu hành chân chính"[22].

Đây là những yếu tố hình thành trọng lực quốc gia; nguyên tắc qui tụ lòng người, hợp quần sức mạnh mà dân Vajji đã có được. Cho dù quân xâm lược hùng mạnh có thôn tính được đất nước họ đi chăng nữa, cũng không sao thủ tiêu được bản sắc dân tộc và ý chí yêu nước của họ. Sau khi nghe bảy điều kiện của một quốc gia cường thịnh mà dân chúng nước Vajji đã hội đủ, đại thần Vassakāra xin cáo từ đức Phật; biết vua xứ Magadha không thể nào chiến thắng được quốc gia Vajji, nên cuộc chiến không xảy ra.

Không những Phật giáo đã hoá giải các cuộc xung đột bạo lực chiến tranh trong tình thế nước sôi lửa bỏng, mà còn tham gia dập tắt nguy cơ ấy trong mầm mống, cảm hoá những ông vua hung bạo, hiếu chiến như Asoka (300-232 BCE). Ông ta đã từng thực hiện những cuộc chinh phạt đẩm máu; sau cuộc đại thắng nước Kalinda (gần vịnh Bengala), chỉ bằng gươm và đao mà quân đội của ông đã phơi thây đồng nội mấy trăm ngàn người. Nhà vua vô cùng hối hận chỉ vì chinh phạt một dân tộc bất khuất đã mang lại sự tàn sát và nô lệ cho dân tộc này. Đức Vua hối hận, đau khổ và phát nguyện nương vào Đạo đại từ bi. Ngài đã ban hành một Đạo luật trên toàn cõi Ấn Độ rằng:

"Tất cả chúng sinh đều được an vui, tự kiểm, lạc tâm và hỉ hạnh theo tinh thần Đạo pháp, chiến thắng cao cả nhất là sự chiến thắng của Đạo pháp"[23].

kinhtechinhtriphatgiao-03Không phải với sự chinh phạt bằng gương giáo mà khiến cho triều đại Maurya của Asoka huy hoàng, trái lại cũng vì lý do này khiến cho triều đại của ông ta phải trải qua bao phen nguy khốn. Nhưng từ khi Đức vua Asoka từ bỏ ý đồ chinh phục bằng gươm giáo với những quốc gia nhược tiểu, mà đi đến sự chinh phục bằng Đạo pháp khiến cho các nước qui tụ dưới quyền mà không đổ một giọt máu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ có sự thống nhất. Không những thế mà đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của Ấn Độ, chính thời kỳ này ảnh hưởng tinh thần Ấn Độ và nhất là của Phật giáo lan tràn từ Á sang Âu.

Ngày nay, Phật giáo hầu như đã biến mất khỏi Ấn Độ do cuộc thảm sát của quân xâm lăng Hồi giáo (642 AD). Nhưng tinh thần chánh pháp vẫn bất tuyệt, vẫn in đậm vào lòng dân tộc Ấn Độ; vẫn bằng chinh phục bằng Đạo pháp, tinh thần Bất bạo động[24]mà Thánh Mahātma Gandhi đã đem lại sự độc lập cho Ấn Độ trong tay người Anh mà không phải đổ một giọt máu. Từ đó, những biểu tuợng quốc gia Ấn đều lấy ở Phật giáo như: con Sư tử bằng đá bốn đầu của vua Asoka, tượng trưng cho Giáo lý Tứ đế Phật giáo nay là Quốc Ấn nước Cộng Hoà Ấn Độ; cái vòng Pháp luân được in ngay trên Quốc kỳ, và danh hiệu Dharmacakrapra-varttanāya (Chuyển pháp luân vương) được khắc lên chỗ ngồi của Tổng thống.

Trước những vấn đề nan giải xã hội như kinh tế, chính trị,…cực đoan hiện nay, tạo ra bao biến động toàn cầu như chiến tranh, khủng bố, đói khát, tật bệnh, ô nhiễm,v.v…đều do thiếu hiểu biết và từ tâm, rơi vào tư kỉ, hẹp hòi. Bao cảnh nhồi da nấu thịt, lửa bỏng dầu sôi của chiến tranh và đói nghèo khi âm ỉ lúc dữ dội đang diễn ra đó đây khắp thế giới như Iraq, Kosovo, Bosnia, Gaza, Afganistant, Pakistant,v.v... không có hồi kết thúc, đẩy nhân loại đến bờ vực thẳm diệt vong.

Trong lúc Việt Nam đang hội nhập sâu vào sân chơi chung của toàn cầu, cục diện chung của thế giới hiện tại rất nhạy cảm với các tiềm năng phát triển cũng như nguy cơ biến động. Bài học kinh nghiệm ngót 2 ngàn năm có mặt của Phật giáo trên đất Việt và cũng là bài học xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam: kinh tế và chính trị có bình ổn đất nước mới phát triển; nhất là trong xu thế đất nước thay da đổi thịt hiện nay, cần có một giải pháp khôn ngoan, chính sách trong sáng và chính trị mềm dẻo. Xưa nay, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ vì thiếu khôn ngoan mà đưa dân tộc và đất nước mình vào cảnh lầm than[25].

Trước tình hình ấy, trầm tư chuyện xưa mà ngẫm nghĩ chuyện nay, ôn lại những lời dạy của đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni ngót ba ngàn năm qua. Chúng ta không khỏi kinh ngạc, những lời dạy của ngài rất trí tuệ vì đã thuyết minh về qui luật vận hành của vũ trụ và nhân sinh, đầy từ bi vì đem lại hiệu năng tác dụng ban vui cứu khổ cho con người và muôn loài. Cho dù với phương thức tư duy và lý luận hiện đại về xã hội như kinh tế, chính trị, văn hoá, môi trường,v.v…mới mẻ, nhưng ý tưởng này cũng đã có mặt rất sớm và rất đổi sâu xa trong Giáo pháp của đức Phật xa xưa.

Thật vậy, vì cuộc sống trên cõi đời này mang nguyên lý "duyên sinh-vô ngã"[26], cộng sinh và cộng hưởng, chỉ có hiểu biết và từ tâm, nên mở rộng con đường sống cho kẻ khác như là một cơ hội tốt cho bản thân; được vậy, may ra mới có thể cứu nhân loại ra khỏi cảnh nghiệt ngã lầm than của chiến tranh, bạo lực, đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai,v.v…

Xuyên qua Giáo pháp để tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thiết thực và bền vững cho các vấn đề xã hội hiện nay, điều mà Đức Phật đã đề cập rất nhiều trong Giáo điển của Ngài như trên đã trình bày. Từ đó, chúng ta nhận ra, chính trị và kinh tế luôn là mối quan hệ tương duyên và tương tác, chính trị có thông thoáng thì kinh tế mới phát triển. Nếu chính trị là ý thức thì kinh tế là hành động. Ý thức có trong sáng thì hành động mới có hiệu năng, và xã hội mới có công bằng, dân chủ, văn minh; và ngược lại. Điều đó có nghĩa, mọi chúng ta không thể đi tìm hạnh phúc hoặc thủ lợi cho riêng mình, mà phải ý thức sống quên mình, biết đặt quyền lợi bản thân trong quyền lợi của cộng đồng xã hội. Mọi ý thức và hành động đều hướng về phụng sự và phục vụ nhân quần. Một xã hội tốt đẹp phải là xã hội bao gồm những nhân tố biết phụng sự và hy sinh; đặc biệt, vai trò thủ lĩnh, lãnh tụ quốc gia phải là những người thông thái và thanh liêm; họ chính là hạt nhân, là động cơ vận hành con tàu quốc gia hướng đến đích vinh quang cho xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh, hoà bình và thịnh vượng".



[1]"Giáo pháp như ngón tay để chỉ mặt trăng. Muốn thấy được mặt trăng, nên biết ngón tay để chỉ mặt trăng tuyệt đối không phải mặt trăng" (修多羅教如標月指。若復見月,了知所標, 畢竟非月). (Taishò No.17, K.Viên Giác, PP.917a - 917b)

[2]Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, mục đích của Giáo pháp như chiếc bè để sang sông chứ không phải để chấp giữ; Chánh pháp còn xả bỏ huống hồ phi pháp". (Evameva kho, bhikkhave, kullūpamo mayā dhammo desito nittharaṇatthāya, no gahaṇatthāya. Kullūpamaṃ vo, bhikkhave, dhammaṃ desitaṃ, ājānantehi dhammāpi vo pahātabbā pageva adhammā. {The Dhamma is simlar to a ratf, being for the purpose of crossing overe, not being for the purpose of grasping. When you know the Dhamma to be similar to a raft, you should abandon even good states, how much note so bad states}). (Majjhima Nikāya I, No.22, Alagaddūpamāsutta, Nāṇamoli, 1995, P.229); hay: "Như Lai thuyết pháp du như phiệt dụ, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp". (Taishò No.8, K. Kim Cang Bát-nhã, 748, Sh.235)

[3]Kinh Phạm võng (Bhāhmajada sutta): vượt ra ngoài 62 luận thuyết cố chấp phiến diện của ngoại đạo.

[4]Đức Phật, ông Hoàng của từ bi, trí tuệ và hòa bình (p:maitrī-prajñā-santirāja)

[5]Giáo dục con người toàn diện (Education in whole man): j Con người cá nhân (Man in himself): vô tham, vô sân, vô si; từ, bi, hỉ, xả,v.v…; k Con người xã hội (Social man): kinh tế, chính trị, văn hoá, môi trường,v.v…

[6]Anguttara Nikāya ii, Colombo, 1929, PP.232-233

[7]Digha Nikāya II, Sigālasutta, Colombo 1929, P.115

[8]Chánh mạng (s:sammā ājīva/ right livelihood), một trong Bát chánh đạo (Āriya-aṭṭhaṅgika-magga/ Ārya-aṣṭāṅga-mārga// The Eightfold Noble Path)

[9]The Buddha and His Teaching, Nārāda Thera, Teiwan, 1998, P.328

[10]Dīgha Nikāya II, No.26, Cakkavatti-Sīhanādasutta, Edi. F.Max Müller, 1956

[11]Dīgha Nikāya I, No.5, Kūtadantasutta, Edi. F.Max Müller, 1956, P.176

[12]Dīgha Nikāya II, No.16, Mahāparinibbānasutta, Edi. F.Max Müller, 1956, P.79

[13]Dīgha Nikāya I, No.5, Kūtadantasutta, Edi. F.Max Müller, 1956, PP.175-176

[14]Ibid, P.142

[15]Bản Công hiến 10 điều tự do thẩm định & phán xét của Đức Phật: "chớ vội tin vào truyền thuyết, tập quán, tin đồn, kinh điển, luận lý suy đoán, triết lý siêu hình, quan điểm cộng đồng, định kiến cá nhân, thế lực quyền uy, uy tín đạo sư". (Buddha's charter of ten free inquiry: Nor go upon oral history, traditional, newssources, scripturesor other official texts, logicalreasoning, philosophicalreasoning, common sense, one's own opinions, authoritiesor experts, one's own teacher.) (Anguttara Nikāya, Kesaputta, Nyanaponika Thera &..., 1999, PP.86-87)

[16]Thánh chiến Hồi giáo (Jihad), Thánh chiến Thiên chúa giáo/ Thập tự chinh (crusade).

[17]Dhp.129-201-225

[18]lòng bi(s-p:karuṇā) và lòng từ(s:maitrī, p:mettā) đối với tất cả chúng sinh.

[19]Anguttara Nikāya I, Chapter III, §§.4,5. Two sayings about war, Rhys Davids, 1950, PP.109-110

[20]Vajji (tức Vrijji): một bộ tộc theo thể chế cộng hoà (Solas Mahajanapadas; republics), nơi giao thương giữa 16 Đại Vương quốc (Mahājanapadas: Great kingdoms), rất tiến bộ và thịnh vượng, thuộc miền Bắc lưu vực sống Hằng, một phần của miền Nam và Tây Nam Ấn Độ châu lục. Theo Anguttara NikāyaI, P.213; IV, PP.252, 256, 261: Phật giáo phát triển rất thịnh hành tại đây vào thời Phật tại thế.

[21]Anguttara Nikāya IV, Rhys Davids, 1950, P.11

[22]Dīgha Nikāya II, No.16, Mahāparinibbānasutta, Edi. F.Max Müller, 1956, PP.79-81

[23]Đặc san hoằng pháp số 3, Bi ký Asoka, Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, 1973, tr.118

[24]bất hại (s:āhiṃsa), bất sát (p:pāṇāṭipātā paṭivirati/ ~ veramaṇī) (Dīgha Nikāya I, No.5, Kūtadantasutta, Edi. F.Max Müller, 1956, P.165)

[25]Chính trị hà khắc còn dữ tợn hơn cả cọp beo. (苛政猛于虎: hà chính mãnh vu hổ) (Khổng Tử)

[26]Pratītyasamutpāda-ānatta

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/05/2013(Xem: 3997)
Quan điểm của Phật giáo trước các vấn đềhiện đại” là một tuyển tập các bài viết của các giáo sư Phật học và các nhàkhoa học nổi tiếng thế giới về các vấn đề thời đại, dưới cái nhìn Phật giáo.Tiến sĩ Đỗ Kim Thêm đã dày công sưu tầm và phiên dịch các bài nghiên cứu đặcsắc và có giá trị nghiên cứu này, góp phần làm phong phú nền Phật học Việt Nam.
04/05/2013(Xem: 3925)
Có thể nói rằng một trong những học thuyết nổi bật của Phật giáo Đại thừa là học thuyết Bồ-tát, mặc dù khái niệm Bồ-tát đã xuất hiện trước đó trong Phật giáo Theravāda. Với việc xây dựng hình tượng Bồ-tát lý tưởng đi cùng với những nguyên tắc tu tập và thệ nguyện cứu độ chúng sanh, Phật giáo Đại thừa thể hiện là một tôn giáo đề cao tinh thần nhập thế tích cực.
30/04/2013(Xem: 5133)
Bạo lực, khủng bố đã xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong những trường hợp khác nhau có liên quan đến cuộc đời của đức Phật... Thích Huệ Pháp dịch
10/04/2013(Xem: 10033)
Ngày nay, tuy đời sống vật chất phong phú nhưng lại thiếu kém về mặt tinh thần, tâm linh trống rỗng, không nơi nương tựa. Trong khi thời xưa, đời sống tinh thần lại có phần sung túc hơn. Nguyên nhân do đâu? Và làm thế nào để cải thiện?
09/04/2013(Xem: 12419)
Có hai hình ảnh quen thuộc gợi lên ý tưởng biến dịch: như dòng sông và như ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi. Mỗi hình ảnh lại gợi lên một ý nghĩa tương phản: tác thành và hủy diệt. Trời đất như đã thay loài người nói lên ý nghĩa của sự sống, . . .
09/04/2013(Xem: 5658)
Trong cuộc sống, không chỉ là cuộc sống của loài người, mà tất cả chúng sanh, xuống đến loài côn trùng nhỏ bé nhất, đều muốn có được hạnh phúc, và cuộc sống con người là cuộc tìm kiếm hạnh phúc, mưu cầu hạnh phúc.
09/04/2013(Xem: 7356)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phần xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách, …Đức Lạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội tham của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
09/04/2013(Xem: 5506)
Dưới đây là một bài phỏng vấn trong chương trình Phật giáo hàng tuần của Đài truyển hình chính phủ Pháp (đài France 2), phát hình vào ngày chủ nhật 02.12.2007. Buổi phát hình này mang chủ đề « Ánh Hào Quang của Phật » (Lumières du Bouddha).
09/04/2013(Xem: 5192)
Khoảng vài ba mươi năm trước đây, bất cứ người nào ở các nước Tây Phương có cảm tình với Phật giáo đều được coi là hạng người thiếu suy xét. Vào thời đó, . . .
09/04/2013(Xem: 6075)
Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các nữ tu và cư sĩ Phật giáo góp mặt trong quyển sách nầy về sự hỗ trợ, trí tuệ cũng như lòng ưu ái của họ. Tôi mang ơn sâu xa đối với tất cả quý tăng ni và giới cư sĩ đã tử tế giúp đỡ tôi trong các chuyến đi thu thập các tài liệu, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com