THẾ GIỚI HÒA ĐỒNG
HỘI LUẬN GIỮA H.H THE DALAI LAMA& TÁM NHÀ TÂM LÝ HOA KỲ
Bản dịch:Chân Huyền
Nhuận sắc: Chân Văn
CHƯƠNG 2
BẢN CHẤT CỦA KHỔ
Joanna Macy:
Thưa ngài Đạt lai lạt ma, trong phần mở đầu cuộc hội luận, Daniel Goleman đã nhắc cho chúng ta về tình trạng thế giới ngày nay. Ông cho rằng chúng ta, loài người và tất cả các loài sinh vật anh em khác, chúng ta đang tới rất gần những giờ phút cuối cùng của sự sống. Lúc này là thời gian rất nguy hiểm, chúng ta phải có ngay những phản ứng tức thời và rộng rãi mới kịp thời.
Riêng tôi, trong lãnh vực công việc tôi làm, tôi nhận thấy có nhiều loại phản ứng khác nhau đối với những đau khổ của thế giới. Nhiều người nhân từ có ý thức về chuyện này, nhưng lại không tin là vấn đề trầm trọng đến thế. Sự thật phũ phàng và khó chấp nhận, nên họ làm như không có chuyện gì cả, cứ sinh hoạt bình thường, ít khi nào nói chuyện với bạn bè hay bà con về những khổ đau trên thế giới. Có lẽ loài người nương tựa vào hai niềm hy vọng: hoặc mọi sự sẽ có cách giải quyết nhờ kỹ thuật tiến bộ, hoặc khi chúng ta có tâm bình an và hướng thiện, thì mọi sự sẽ êm xuôi. Câu hỏi của tôi, thưa ngài là vì những mối hy vọng này chỉ khiến cho chúng ta không trực diện vấn đề. Niềm hy vọng đó có phải đã cho chúng ta một sự yên tâm giả tạo và khiến chúng ta quên những chuyện cần phải làm chăng?
Đạt lai lạt ma:
Nếu hy vọng không cho chúng ta nhìn thấy sự thật, thì đó là một vấn đề. Nhưng tôi thường cho có Hy Vọng đã là một điều khá quan trọng. Dù chúng ta thực hiện được hay không những điều chúng ta hy vọng, chúng ta vẫn cần phải nuôi hy vọng. Đó là căn bản của tương lai, của thành công. Nếu chúng ta có hy vọng và có những thái độ lạc quan, thì chúng ta đã bớt được nhiều nỗi lo lắng lắm rồi.
Nhìn vào tình trạng chung ngày nay, tôi thấy có nhiều hy vọng: vì sợ nguy cơ nguyên tử, càng ngày người ta càng không thể chấp nhận lối giải quyết các tranh chấp bằng võ lực. Dù theo các ý thức hệ, các hệ thống kinh tế khác nhau, người ta đã cố gắng tránh gây chiến và ráng sống chung. Tôi nghĩ khát vọng hoà bình đã gia tăng rất nhiều. Trong vài năm gần đây, tôi gặp một số các nhà vật lý đã đóng góp vào việc khám phá ra vũ khí nguyên tử, nay họ lại rất quan tâm tới hoà bình. Nhờ kỹ thuật truyền thông được cải thiện, các liên hệ giữa chúng ta cũng vì thế đã khá hơn. Những ý niệm về quốc gia, lục địa…trở nên bớt ý nghĩa. Tại Âu Châu, giới trẻ các xứ Đức – Ý – Pháp hiểu ra được là ngày nay họ có tương quan rất mật thiết với nhau.
Ngày nay chúng ta còn thấy sự giải thể của các chế độ độc tài. Loài người còn nhiều tự do, nhiều không gian hơn để hoạt động. Ngay loài vật cũng vậy. Kết quả của khát vọng tự do của nhân loại là những phong trào đòi dân chủ, không phải chỉ ở Đông Âu, mà còn ở các xứ Phi Luật Tân, Palestine và Châu Mỹ La Tinh nữa. Đối với tôi, điều này chứng tỏ là tinh thần nhân bản đã thắng thế. Đó là một dấu hiệu nhiều hy vọng.
Cho tới đầu thế kỷ này, người ta tiêu dùng các tài nguyên thế giới làm như nó không bao giờ cạn. Không ai thực sự quan tâm đến trái đất. Ngày nay, có cả những đảng phái chính trị dùng ý tưởng bảo vệ môi sinh làm căn bản cho chủ thuyết của họ. Loài người có kiến thức rộng hơn nên tầm hiểu biết cũng sâu hơn. Chúng ta nhìn rõ hơn các hậu quả lâu dài do hành động của mình gây ra, và người ta ngày càng chú ý tới vấn đề môi sinh nhiều hơn. Điều này cũng rất phấn khởi.
Từ nhiều thế kỷ nay, người Tây phương coi vật chất và tinh thần là hai thứ hoàn toàn khác biệt. Thời nay, tôi gặp nhiều người không nghĩ như vậy nữa. Họ hiểu rằng chúng ta không nên coi thường các cảm quan nội tại hay các kinh nghiệm sống của mình. Dù cho khoa học tiến bộ rất nhiều, nhưng chính loài người đã tạo ra nó để có lợi lạc. Đôi khi chúng ta quá ham chuộng kỹ thuật mà bỏ quên tình người, và đến nay sự nhầm lẫn này đã hiện rõ ra. Ta thấy rõ nếu chỉ nương vào khoa học và sự thoả mãn vật chất thôi, chúng ta không thể nào hoàn toàn sung sướng được. Hạnh phúc phải tới tự bên trong. Sự kiện chúng ta quay về với những ý thức cơ bản về tình nhân loài là một phát triển tích cực và lành mạnh. Vậy tôi có nhiều lý do để lạc quan hơn là bi quan.
Nhưng tựu chung chúng ta phải nhớ hy vọng chỉ là hy vọng mà thôi. Trừ khi hy vọng đưa tới hành động, nếu không thì hy vọng chẳng ích lợi gì. Dù tôi hay cầu nguyện, thành thật mà nói, tôi không tin vào chuyện nhiều lắm. Hành động quan trọng hơn là cầu nguyện xuông. Trừ khi sự tự giác của chúng ta đưa đến hành động cụ thể, còn không thì nó cũng vô bổ. Kết quả thực sự là do hành động, không phải chỉ do hy vọng.
THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CÁI KHỔ
Joanna Macy:
Khi người ta bắt đầu hoạt động với các vấn đề họ quan tâm như chuyện xả rác có độc tố, vấn đề thí nghiệm trên súc vật hay các vấn đề khác, họ khám phá ra là sự đau khổ lớn lao hơn họ tưởng tượng nhiều. Thưa ngài, ngài có thể nào chỉ dạy cho chúng tôi phương cách thực tập tinh thần và tình cảm để chúng tôi có thể nhìn thẳng vào khổ đau mà không phải quay đi chăng?
Đạt lai lạt ma:
Thái độ của chúng ta đối với sự đau khổ rất quan trọng. Nếu chúng ta nhìn nó gần quá, chúng ta sẽ bị nó làm choáng ngợp, nên thêm vào cái khổ, chúng ta còn trở nên lo lắng, chán đời. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề với một quan niệm khác, chúng ta có thể thấy dù bi đát thì cũng vẫn chưa tới nỗi nào. Nhìn theo cách này, chúng ta bớt lo phiền, sầu khổ. Có nhiều khía cạnh để nhìn vào một chuyện. Nếu chỉ thấy nó từ phía bi quan, cái khổ sẽ chụp lên ta. Trong đạo Bụt, chúng tôi không chối bỏ, không trốn tránh khổ đau. Nhưng chúng tôi chú tâm và thiền quán về sự việc. Tỷ dụ khi có ai hại mình, nếu mình chỉ nhìn họ là người làm hại mình thôi, thì cơn giận sẽ bốc lên. Nhưng nếu ta nhìn ra là chính người đó cũng đã làm được vài chuyện tốt đẹp khi trước, thì chúng ta sẽ có một nhận thức khác. Chuyện không may đó thực ra có thể làm phát sinh trong ta sức mạnh nội tâm để vượt qua những cảm giác tiêu cực, và ta sẽ thấy mình bớt giận người kia.
Phân tích sự việc cách này gọi là “quán chiếu thâm sâu”, nhìn sâu vào để hiểu. Nếu từ chối, trốn tránh một vấn đề bằng cách đi chơi hay đi nghĩ thì bạn có thể nhẹ người đi được một thời gian ngắn, nhưng vấn đề vẫn còn nguyên. Thay vào đó, nếu bạn quán chiếu sâu sắc vào nỗi khổ hay vào bi kịch đó; nhìn vào bản chất của nó với một quan điểm tích cực, thì tình cảm của bạn sẽ biến chuyển, bạn có cơ hội thực sự giải quyết được vấn đề.
Margaret Brenman-Gibson:
Thánh Gandhi đã nói: “chúng ta không nên nghĩ một con người phá hoại là một con quỷ. Ta phải nghĩ người đó đã hành động tệ hại, nhưng luôn luôn vẫn có những cơ hội khác cho họ”.
VẤN ĐẾ THỬ NGHIỆM TRÊN SÚC VẬT:
Đạt lai lạt ma:
Đúng vậy. Điều này rất quan trọng. Phải phân biệt hành động với người hành động. Đừng bao giờ cho là họ hoàn toàn xấu xa.
Vậy, nếu muốn bớt khổ, chúng ta hoặc quên nó đi, hoặc phải quán chiếu để hiểu nó cho tường tận. Quý vị vừa nói tới những thử nghiệm trên súc vật. Trong quan điểm đạo Bụt, tất cả chúng sanh, những loài có cảm giác và hành nghiệp, đều bình đẳng. Ý tưởng hy sinh loài này cho loài kia được lợi lạc là điều mà chúng tôi không chấp nhận. Nhưng có trường hợp đặc biệt là khi muốn cứu một loài hay một cá nhân nào có khả năng mang hạnh phúc lại cho một nhóm đông chúng sinh, thì mình có thể phải hy sinh mạng sống của một con vật ít có khả năng cứu khổ hơn. Có trường hợp muốn tìm cách trị bệnh cho con người, đôi khi ta phải dùng loài vật làm thí nghiệm. Trong trường hợp này, có hai cách để đối ứng với sự đau khổ mà ta gây ra: hoặc hoàn toàn bỏ qua những cảm xúc của con vật, hoặc phải có ý thức về sự khổ đau của chúng, cùng một lúc với những lợi lạc mà thí nghiệm đem lại. Phản ứng thứ hai có thể giúp bạn bớt phiền não khi phải làm việc liên quan tới những thí nghiệm như vậy. Cách ứng đối này tuy không biện minh được chuyện phải hy sinh con vật, nhưng nó giúp ta làm thử nghiệm cận trọng hơn là khi chúng ta bỏ qua, không đếm xỉa gì tới những đau khổ của các loài vật bị hy sinh.
Margaret Brenman-Gibson:
Khi ngài nói rằng vì ích lợi chung của con người, mình có quyền hy sinh vài giống vật, đối với tôi, vấn đề này cũng tế nhị như khi ta phải đi trên một lớp băng mỏng. Ai có quyền quyết định lợi ích của loài nào lớn hơn loài nào?
Đạt lai lạt ma:
Đúng thế, tôi rất đồng ý. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Để cứu nhiều sinh mạng, hy sinh một mạng thì hợp lý hơn là hy sinh nhiều mạng để cứu một. Nhưng cách hay nhất là nên tránh thử nghiệm trên súc vật. Trong những trường hợp đặc biệt, bạn vẫn phải hy sinh một vài con vật để làm thí nghiệm cứu mạng con người. Như tôi đã lý luận ở trên, đó là vì con người có khả năng phục vụ cho nhiều sinh mạng hơn, nên trong vài trường hợp, ta có thể hiểu được vì sao người ta phải dùng loài vật để thử nghiệm vậy.
NGƯỜI ĐỐI VỚI NGƯỜI
Daniel Brown:
Thưa ngài, tôi quan tâm tới lý luận này, vì nó có thể được dùng để gây nguy hại và khổ đau cho nhiều người. Thí dụ như trong nhiều quốc gia, người ta có thể bị thủ tiêu hay tra tấn. Nếu mình phỏng vấn những người làm công việc tra tấn đó, họ luôn luôn nói rằng họ hành động đúng vì điều này có lợi ích cho đảng của đại chúng mà họ đại diện. Cách nhìn đó sai, vì không phải họ làm tốt cho nhân loại, mà chỉ tốt cho nhóm cầm quyền mà thôi. Nhưng họ lại thành thực tin rằng họ làm lợi ích cho đám đông. Câu hỏi của tôi là: “làm sao ngài cân bằng được ước vọng có vẻ vị tha này với cách nhìn chánh kiến?
Đạt lai lạt ma:
Nhận thức lệch lạc đó là do Vô Minh. Muốn thoát khỏi nó, cách tốt nhất là ta phải phát triển lòng Từ Bi trên căn bản Trí Tuệ. Hy sinh một sinh mạng cho nhiều sinh mạng, theo lý thuyết là đúng. Nhưng muốn áp dụng nó, thật là phức tạp. chúng ta phải phân tích tình trạng cẩn thận, nhiều khi khó mà biết nên làm sao. Có những trường hợp rất khó khăn, phải cần tới con mắt tiên tri mới biết nên hành động cách nào. An toàn nhất là chúng ta ngăn ngừa không cho phát khởi những hoàn cảnh như vậy.
Margaret Brenman-Gibson:
Câu hỏi của Daniel Brown làm tôi nhớ tới thầy giáo tôi, tên là Erik Homburger Erikson. Ông thường nói “Chúng ta đối xử với các quốc gia và dân tộc khác, làm như họ là những chủng tộc loại khác vậy. Vì vậy, khi giết họ để phục vụ cho cái gọi là lợi ích của mình, chúng ta thấy không sao!”
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chúng ta thường được nghe là người Mỹ tới đó để đem lại lợi ích cho xứ đó, dù chúng ta thả hàng vạn tấn bom trên họ. Khi Daniel Ellsberg, nguyên là một lính chiến lạnh lùng, tới Việt Nam, anh ta mới nhận ra rằng người Việt không phải là một chủng loại khác. Anh nói: “Người Việt Nam trở nên thân thiết với tôi như hai bàn tay tôi vậy.” Ít lâu sau, anh không thể tham gia cuộc chiến đó nữa. Anh viết để nêu lên sự sai lầm của chính phủ Mỹ trong cuốn Pentagon Papers. Vì sự cảm thông – chia sẻ cảm xúc cùng người khác, anh không thể sống như trước. Và anh ta đã cưỡng lại vai trò cá nhân anh đồng thời chấm dứt vai trò của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến sai lầm đó. Đó là lý do khiến anh viết sự thật về cuộc chiến đó trong cuốn “Pentagon Papers”. Cảm thông là căn nguyên của sự chuyển hoá tâm thức, để ta không quay lưng trước cảnh khổ đau. Khi ta nhìn và cảm thấy rằng “anh là tôi, tôi là anh”, ta không thể nào quay đi trước cảnh khổ, mà phải chống lại những hành động sai lầm. Thưa ngài, ngài có đồng ý rằng chỉ vì mình nhìn dân tộc khác như những chủng loại khác nên mình mới nảy ra ý tưởng có quyền làm hại họ không?
Đạt lai lạt ma:
Thật đúng như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý. Trong kinh Phật có câu “Hãy quán chiếu cảm thọ của mình, và nhìn sâu vào người khác như nhìn mình vậy” Từ căn bản, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Ai cũng có quyền hưởng hạnh phúc, tránh khổ đau. Chúng ta có rất nhiều tương quan giữa người này với người kia. Sự sống còn của ta tuỳ thuộc hoàn toàn vào người khác. Vậy nên khi quan tâm tới người khác, bao giờ chúng ta cũng được lợi lạc.
Trong thực tế, chúng ta phải chung sống với nhau. Chúng ta không thể huỷ diệt những sinh vật khác. Dù cho ta không thích người láng giềng, chúng ta cĩng phải sống cạnh họ. Trong bình diện kinh tế cũng vậy, chúng ta tuỳ thuộc nhiều nước khác, tuỳ thuộc ngy cả các quốc gia thù nghịch. Đó là sự thật, Vậy chúng ta nên chung sống hoà hợp với nhau thì hơn. Hoàn cầu ngày càng nhỏ lại, càng hỗ tương liên hệ tới nhau hơn. Thông cảm và lòng vị tha là chìa khoá của hạnh phúc.
Margaret Brenman-Gibson:
Và cho sự sống còn của trái đất nữa!
Đạt lai lạt ma:
Đúng thế, lòng thương người không phải chỉ là một thiện cảm. Nó gồm cả tinh thần trách nhiệm, lòng tương trợ. Khi chúng ta coi người khác đáng kính quý, thì tự nhiên chúng ta sẽ giúp đỡ họ và chia sẻ với họ tình thương mến. Theo nhiều nhà khoa học, ta cần tình thương mới phát triển bộ óc cho đúng mức được. Điều này chứng tỏ bản chất của chúng ta liên quan tới tình thương yêu, trìu mến và lòng từ bi.
SỰ ĐAU KHỔ CỦA CÁC
SÚC VẬT BỊ GIẾT THỊT:
Joanna Macy:
Thưa ngài, tôi xin hỏi ngài về một trường hợp khác, trong đó loài vật rất đau khổ. Đó là trong các trại chăn nuôi. Muốn thay đổi tập quán này, muốn giúp cho chúng bớt khổ, chúng ta phải nhìn thấy cái đau của chúng. Nhưng đa số chúng ta không thể chịu được cảnh này, nên chúng ta muốn quay đi phía khác. Ngài mới dạy là không nên trốn tránh khổ đau, phải nhìn sâu vào nó để không còn sợ hãi. Ngài có thể nói thêm về trường hợp các “anh chị” súc vật bị hành hạ hay chăng?
Đạt lai lạt ma:
Hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ súc vật bị làm thịt cho người ăn. Thật là đáng buồn. Loài người chúng ta có thể sống không cần ăn thịt, nhất là thế giới ngày nay, chúng ta có nhiều loại rau trái và các thứ ăn khác. Nên chúng ta có khả năng và bổn phận cứu sống hàng tỷ sinh mạng. Tôi đã thấy nhiều cá nhân, nhiều tập thể vận động bảo vệ quyền sống của loài vật, và họ ăn trường chay. Thật là tốt quá!
Có những chuyện giết hại hoàn toàn phí phạm. Tỷ dụ như săn bắn, câu cá, coi như trò thể thao, thật là vô nghĩa. Nhưng chuyện đáng buồn nhất là các trại chăn nuôi. Bầy súc vật tội nghiệp ở trong trại thật sự đau khổ. Một lần tôi tới thăm một trại nuôi gà tại Nhật Bản. Họ nuôi tới hai trăm ngàn con gà mái chỉ để lấy trứng. Trong hai năm, gà bị nhốt cũi. Sau hai năm, khi gà không đẻ trứng nữa thì họ bán làm thịt. Thật là dễ sợ. Thật là đáng buồn. Chúng ta phải hỗ trợ những ai muốn làm giảm bớt sự bất công này.
Một người bạn Ấn Độ cho tôi biết cô con gái nhỏ của anh lý luận với anh là thà giết một con bò cho 10 người ăn con hơn giết nhiều con gà hay các con vật nhỏ hơn, vì như vậy là giết nhiều sinh mạng. Trong truyền thống Ấn Độ, người ta tránh giết bò. Nhưng tôi nghĩ là cháu bé có lý. Thí dụ tôm là một loài rất nhỏ. Muốn có đĩa tôm phải hy sinh nhiều sinh mạng mới được. Riêng đối với tôi thì tôm không ngon chi cả. Tôi nghĩ là nên tránh ăn nó thì tốt hơn. Nếu cơ thể quý vị cần thịt, thì nên ăn mấy con vật lớn. Thực ra, mình có thể loại bỏ nhu cầu ăn thịt. Tôi nghĩ bản chất nguyên thuỷ của loài người là loài ăn rau cỏ, xin cố gắng đừng giết hại các sinh vật nữa. Dùng trí thông minh, ta có thể tạo ra một cách ăn uống lành và bổ.
Thật là nguy hiểm khi ta cố bỏ quên sự đau khổ của một sinh vật. Ngay trong chiến tranh, ta nên có ý thức về cái khổ của kẻ khác, và lòng bất an của ta khi ta làm họ đau đớn. Chiến tranh là giết chóc. Một trăm phần trăm tiêu cực. Ngày nay, chiến tranh kỹ thuật còn tệ hơn. Khi chiến tranh còn có “nhân tính” – tôi muốn nói còn liên hệ tới con người – thì an toàn hơn một chút. Khi người lính chiến chỉ nghĩ tới những điều lợi, quên mất sự đau khổ của kẻ khác, thì thật sự nguy hiểm. Tôi chợt nghĩ tới những người hàng thịt Tây Tạng. Tuy họ sống phải bằng nghề đồ tể, nhưng họ vẫn cố biểu tỏ lòng thương xót và tử tế với con vật. Trước khi giết, họ cho chúng uống thuốc, sau khi giết họ cầu nguyện cho chúng. Dù vẫn là giết chóc nhưng tôi cho là có tình cảm như vậy vẫn hơn.
NHỮNG ĐAU KHỔ HIỆN THỰC
CỦA CON NGƯỜI:
Daniel Brown:
Thưa ngài, tôi xin hỏi về những người đau khổ bị lạm dụng cùng cực, như bị cưỡng bách tình dục hay bị đánh đập khi còn nhỏ; hoặc những nạn nhân của các vụ bạo hành như vụ giết chóc tập thể tại Đức, tại Trung Mỹ hay Cao Miên.
Chúng ta thử coi trường hợp tra tấn vì lý do chính trị. Có một người điền chủ kia khi còn ở trong xứ, là một người rất hoạt động và thật lòng quan tâm tới việc giúp người nghèo. Ông chống áp bức bằng cách hoạt động mong cải tổ luật lệ tái phân ruộng đất và tài sản trong xứ ông, nhưng rồi ông bị bịt mắt mang đi mất tích. Họ tra tấn ông, dầm ông vào nước phân dơ dáy, có khi tra điện, treo tay chân lên rồi quay vòng vòng như trực thăng…Như vậy suốt 6 tháng. Được thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động giúp đồng bào dù ông rất buồn phiền và khi ngủ thường có ác mộng. vì ông không chịu ngưng hoạt động, hai trong năm đứa con ông bị ám sát chết. Ông qua tỵ nạn tại Hoa Kỳ, vẫn cố giúp dân ông từ nơi xa xôi này. Nhưng ra đi như vậy, ông cảm tưởng như mình đã bỏ rơi, không chiến đấu cùng đồng bào ông. Cuối cùng ông vượt qua được cơn đau buồn và tiếp tục làm việc. Khi được tin ba đứa con kia cũng bị giết chết vì người ta muốn làm cho ông ngã gục, ông đau khổ cùng cực và chỉ nghĩ tới chuyện tự tử, may có các đồng sự giúp ông tiếp tục sống và lại làm việc phục vụ đồng bào ông.
Khi tôi nghe một câu chuyện như vậy, và nhiều chuyện tương tự nữa, tôi có phản ứng rất mạnh khi thấy những người tốt như vậy mà khổ quá sức. Theo nhận thức Phật giáo thì ngài nhìn cái khổ này ra sao? Theo sự hiểu biết của tôi thì Khổ, trong đạo Phật, tuỳ thuộc vào tam độc Tham/Sân/Si, tuỳ theo nó ảnh hưởng vào tâm trí người ta thế nào. Nhưng đối với các tâm lý gia tây phương, trong cảnh này, họ chú trọng nhiều tới thực thể xã hội đã cố tình gây hại và huỷ diệt tư cách của con người khổ đau đó. Và họ ráng làm sao cho con người không bị xã hội đè bẹp. Trong cái nhìn tuyệt đối (danh từ Phật giáo là Chân Đế), loại đau khổ như thế cũng là Huyễn hoặc cả hay sao, thưa ngài? Tôi không hiểu rõ, mong ngài cho biết cái đau khổ hiện thực này nó liên quan ra sao với chữ Không của Phật giáo?
Đạt lai lạt ma:
Chữ “Huyễn Ảo” có hai nghĩa, hai trình độ. Trong nhận thức thông thường, huyễn hay vọng tưởng là nhận thức sai lầm khi tâm trí ta bị rối lên. Khi ta gặp một con người đã trải qua nhiều truân chuyên như vậy, đó là sự đau khổ hiện thực. Không phải là vọng tưởng. Trường hợp ông mô tả là một cái Khổ có thực, ông đã có cái nhìn rất đúng. Nhưng có những đau khổ liên quan tới vọng tưởng một cách vi tế hơn, không phải vì tâm trí bị rối ren, mà vì những tương quan của mọi sự việc.
Nghĩa thực của chữ Không là Không có tự tánh, là sự vắng mặt của một thực thể hoàn toàn độc lập. Không cũng có thể hiểu như tràn đầy, tương quan tương duyên giữa mọi sự mọi vật. Trong đạo Bụt, vọng tưởng hay Huyễn không phải là mọi sự điều không có thật, mà có nghĩa là mọi sự không thể hiện hữu độc lập với các sự kiện khác. Cái bề ngoài độc lập của nó là Huyễn.
BẢN CHẤT CỦA KHỔ
Câu hỏi của thính giả:
Thưa ngài, ngài có nghĩ Khổ là một điều không thể tránh được hay đó là điều chúng ta tự tạo ra khi nhìn thế giới một cách nhị nguyên? Khổ có đem lại chuyện gì tốt đẹp không?
Đạt lai lạt ma:
Theo giáo pháp của Bụt, có ba loại Khổ. Trước hết là sự đau đớn của thể xác và tinh thần. Thứ hai là sự đau khổ khi những thú vui và hạnh phúc của mình bị biến đổi, và thứ ba là sự đau khổ khi nhận thức ra là cuộc sống có những giới hạn của nó. Cả ba loại đều có một hệ quả tích cực: khi có ý thức về cái Khổ, chúng ta có thể thoát khổ được. Tuy nhiên, cả ba loại khổ đều là những gì chẳng ai muốn gặp. Không ai muốn khổ hết.
Margaret Brenman-Gibson:
Khổ luôn luôn là một phần của đời sống, nhưng nay chúng ta đang ở trong thời đại mà loài người có thể tự huỷ diệt hoàn toàn. Các quyết định do những người cầm quyền, mà lúc này đa số là đàn ông, có thể gây ra những đau khổ chưa từng có. Thực vậy, lịch sử không thể tiên đoán được mầm móng của khổ đau (như các võ khí nguyên tử) hiện đang có tiềm năng khủng khiếp ra sao. Có thể nó sẽ chấm dứt cuộc sống của loài người. Trong tình trạng này, phải chăng ta cần chấp nhận rằng Khổ chính là một phần của cuộc sống?
Đạt lai lạt ma:
Chúng ta có thể phân biệt cái Khổ do loài người gây ra, và các loại khổ khác. Chỉ cần có thái độ nào đó, ta giảm thiểu được loại đau khổ do người tạo ra, còn các cái khổ khác thì khó nói. Tôi nghĩ, nó tuỳ thuộc vấn đề tín ngưỡng và đời sống cá nhân.
Câu hỏi của thính giả:
Làm sao chúng ta phân biệt được nỗi đau khổ thực sự của một người với nỗi khổ do chính mình phóng chiếu lên họ?
Margaret Brenman-Gibson:
Khi tôi có cảm tưởng một người đang đau khổ vì chuyện gì, tôi thường tìm cách nói cho họ biết điều tôi nghĩ rồi tuỳ theo phản ứng của họ - tôi sẽ thấy là mình đang đọc được tâm tình họ hoặc là họ sẽ nói: “Đúng vậy, để tôi nói về nỗi khổ của tôi”. Là người thầy thuốc, tôi thấy cách chữa bệnh này có ích lợi.
Daniel Brown:
Hình như đối với tôi thì chuyện này liên quan tới trình độ tỉnh thức của ta. Với con mắt vô minh, chúng ta có thể nghĩ mình đang nhìn thấy cái khổ ở bên ngoài, trong lúc cái khổ đó nằm ngay trong ảo tưởng của mình. Trong truyền thống tâm lý học tây phương, có cách để ta phân biệt. Người ta học hỏi nhiều phương pháp để có thể tự phân tích, tìm hiểu tình cảm và tưởng tượng của chính mình, cũng như biết phân biệt chúng với những cảm thọ đau khổ đến từ người khác. Nhưng hình như trong đạo Bụt, người ta được thực tập một trình độ tỉnh thức khác hơn: đó là sự thực chứng thuyết tương tức tương sinh giữa mọi sự mọi vật. Do kinh nghiệm trực tiếp đó, người ta hiểu được là tư tưởng và hành động của mình ảnh hưởng tới người và vật khác ra sao. Khi ta nhận ra sự đau khổ của một người hay một nhóm người, ta cũng biết là tâm thức họ đang chịu ảnh hưởng của nó. Và niềm đau đó có thể mở rộng, lan ra mọi hướng, gây nên xáo trộn rộng lớn. Nếu đó là một trường hợp quá độ, thì chúng ta thể nào cũng bị ảnh hưởng. Khi chúng ta thực chứng được thuyết tương duyên sinh, thì không còn vấn đề khác biệt giữa các tưởng tượng của mình chiếu lên cái đau của người khác với cái khổ thực sự của họ nữa. Chúng ta phải bị ảnh hưởng vì nỗi đau khổ của người khác, vì mọi sự đều liên quan tới nhau.
Đạt lai lạt ma:
Thực ra vẫn có sự khác biệt giữa tâm thức của người này với người kia. Hai cái nó không hợp nhất lại một cách giản dị đâu.
Joanna Macy:
Một câu hỏi khác là “tôi đang đau khổ hay tôi đang cảm thấy cái đau khổ của thiên hạ?” Tôi cho rằng ta không thể tách riêng hai cái ra được. Khi thấy những đau khổ của các huynh đệ chúng ta hay của các sinh vật khác trên thế giới, ta thấy mối tương quan với họ ra sao, ta thấy mình đã liên quan ra sao với nền văn hoá gây ra những nỗi khổ đó. Khi chúng tôi đi tới đây, Stephen Levine cho tôi biết khi làm việc với những phụ nữ bị cưỡng bức tình dục, ông cảm thấy mệt mỏi một cách khác biệt với khi làm việc giúp những người sắp chết vì bệnh.
Jean Shinoda Bolen:
Vì sao những người giống như chúng ta lại có thể làm khổ một người khác? Vì sao một người giống như tôi lại làm những chuyện tệ hại đối với một người khác cũng giống tôi? Hình như trong văn hoá chúng ta người ta rất ưu phô diễn quyền lực, là cái liên quan rất chặt chẽ với chuyện gây khổ đau cho người khác. Đây phải chăng là cái khổ do người tạo ra, thứ khổ đau mà ngài Đạt lai lạt ma vừa nói là nó vô ích.
Joanna Macy:
Chính Stephen cũng bị đau khổ. Đó là niềm đau của ông hay đó là nỗi khổ của các phụ nữ ông chăm sóc?
Stephen Levine:
Nếu trong tôi có chổ để cho cái khổ bám vào, thì chắc chắn nó sẽ bám ngay. Khi làm việc với những người sắp chết, tôi không bị phản ứng nhiều như vậy. Người chết là một chuyện tự nhiên, cái khổ đó cũng tự nhiên thôi. Nhưng khi làm việc với những người bị bạo hành hay tra tấn, khi trái tim họ đã khép kín, trí óc họ đã chai sạn, họ có thể làm cho người khác cũng khổ đau, thì tôi rất buồn và đau khổ nhiều hơn. Nhất là khi tôi thấy một người cố tình muốn hay sắp làm hại một người khác.
Nhưng dần dần tôi nhận ra sự khác biệt giữa đau và khổ. Đau là do hệ thần kinh của mình. Từ khi ra đời, ta đã có cảm giác đau khi bị đụng chạm mạnh. Khổ là khi tâm trí ta phải chấp nhận những tình trạng đối nghịch nhau. Tôi thấy đau và khổ không đồng nghĩa. Thưa ngài, phải chăng khổ là phản ứng của ta khi bị đau? Ta có thể sống với cái đau (thể chất và tình cảm) mà không khổ được chăng?
Đạt lai lạt ma:
Nếu ông định nghĩa “Đau” là những cảm giác vật chất, và “Khổ” là những phản ứng tinh thần tiếp theo đó, thì ông có thể nói rằng những hạnh phúc hay khổ đau tinh thần gây nên những cảm giác mạnh hơn những cái vui hay đau về thể chất. Vì vậy, hạnh phúc hay khổ đau tâm thần có thể trùng lấp những cảm thọ vật chất. Để trả lời câu hỏi của ông, là khi bị “Đau” người ta có thể không bị khổ chăng, thì câu trả lời là có thể. Có khi chúng ta vui lòng chịu một cái đau thể chất nào đó. Chẳng hạn như muốn được khoẻ mạnh, ta cần tập luyện. Khi tập, ta có thể chấp nhận bị mệt hay đau mấy khớp xương. Nhưng ta có lý do để chịu những cái đó, vì vậy ta không khổ gì cả. Sau đó, khi thấy các bắp thịt nảy nở, ta lại càng sung sướng là khác.
Câu hỏi của một thính giả:
Khi sự đau khổ của một người nào đó đổ lên chúng ta, khi một người vô tình hay hữu ý, mang niềm đau của họ làm chúng ta khổ não, hay đòi hỏi chúng ta những điều vô lý, thì chúng ta phải làm theo ý họ, hay tha thứ hoặc ngăn cản họ?
Đạt lai lạt ma:
Tôi đã nói về cách chúng ta nên thay đổi thái độ với cái khổ, nên nhìn cái khổ ra sao. Nếu quý vị nhìn cái khổ đó với một cái tâm bình an và thoải mái, thì đầu tiên là cái khổ về tinh thần được giảm thiểu ngay. Quý vị sẽ không chỉ phản ứng một cách tiêu cực. Sau đó, tuỳ trường hợp quý vị sẽ để cho người kia tiếp tục gây chuyện hay là không. Ta nên xét từng trường hợp, từng hoàn cảnh riêng. Rộng lượng, kiên nhẫn, không có nghĩa là mặc cho ai muốn làm gì mình thì làm.
Margaret Brenman-Gibson:
Vậy thì mình có cách nào khác?
Đạt lai lạt ma:
Nếu bạn là người độ lượng và nếu có người khác đòi hỏi những chuyện vô lý: ta nên giữ cho tâm ta không sân hận, thù hằn, ta xem xét kỹ lưỡng coi nên có phản ứng hay không, rồi sẽ hành động. Như trường hợp xứ Tây Tạng. Dưới danh nghĩa “giải phóng” bao nhiêu chuyện đau khổ đã xảy ra. Nhưng nếu tôi nhìn các nhà lãnh đạo Trung Hoa là lân bang của chúng tôi, là những con người có lịch sử và văn minh từ lâu đời, thì tôi vẫn kính trọng họ thay vì thù ghét họ. Do đó tôi bớt ác cảm và tăng thêm lòng kiên nhẫn cùng sự bao dung. Như vậy, không có nghĩa là tôi chấp nhận sự đàn áp của người Hoa. Tôi làm tất cả mọi chuyện có thể làm để cương quyết chống lại sự áp bức. Tôi làm những chuyện này mà không mang tâm sân hận. Trường hợp giữa các cá nhân cũng tương tự như thế. Nếu ta bị đòi hỏi một cách vô lý, có thể ta sẽ phải có phản ứng hay chống đối. Nhưng các phản ứng này sẽ không có hiệu quả nếu lòng sân hận là động cơ thúc đẩy. Khi ta bị cái giận chỉ huy, ta gần như điên rồi, và sẽ không thể tấn công thẳng vào mục tiêu được nữa.
Jean Shinoda Bolen:
Thưa ngài, xứ Tây Tạng bị xâm lăng, dân bị giết, bị hiếp, và bao nhiêu chuyện kinh khủng đã xảy ra. Là những con người và những chuyên gia về tâm lý, chúng tôi thường tự hỏi làm sao quý vị lại có thể chịu đựng được những chuyện như vậy, và vẫn sống vui, vẫn hoạt động tích cực khắp nơi để tìm cách thay đổi tình trạng này. Tôi có cảm tưởng là ngài đã làm được như vậy, và ngài không bị ám ảnh bởi lòng sân hận, sự sợ hãi hay thù nghịch chi cả. Ngài tiếp tục đại diện dân tộc ngài, hoạt động khắp thế giới. Tôi xin hỏi, chính bản thân ngài đã làm cách nào để sống với những điều kinh khủng mà ngài đã nhìn thấy hay đã trãi qua?
Đạt lai lạt ma:
Có lẽ đó là tính chung của người Tây Tạng. Tôi nghĩ đó là thái độ tự nhiên của dân tôi đối với những bất hạnh và thảm kịch. Tôi không biết đó là do ảnh hưởng của đạo Bụt hay không. Tây Tạng là một xứ khá rộng, dân cư thưa thớt. Vậy nên, tự nhiên là chúng tôi nhìn hàng xóm như những con người để mình giúp đỡ hay được họ giúp đỡ. Khi chúng ta sống ở nơi đông đúc, tự nhiên ta đã nhìn người hàng xóm một cách nghi ngại, cần phải cạnh tranh, và không muốn làm thân với họ. Tại xứ Tây Tạng, chúng tôi cảm thấy rõ không gian rất rộng lớn. Do đó, và do ảnh hưởng của đạo Bụt, dân Tây Tạng có một khả năng tồn tại rất lớn.
Do sự tu tập theo đạo Bụt, chúng tôi hiểu biết về những trình độ khác nhau của cái khổ. Chúng tôi cũng chấp nhận lý thuyết về nghiệp báo, và điều này cũng làm cho những mối đau khổ tinh thần của chúng tôi được nhẹ bớt. Khi mọi chuyện đã xảy ra rồi, thì phiền trược làm chi nữa? Nếu ta đã cố gắng hết sức, và việc thành tựu, thì thật đáng vui mừng; nhưng nếu việc bất thành, thì cũng không có gì để hối tiếc. Thái độ này giúp chúng tôi rất nhiều.
Jean Shinoda Bolen:
Hình như đối với tôi, càng lớn tuổi, ta càng khôn ngoan hơn, và ta nhận ra rằng “rồi chuyện đó cũng qua đi thôi”. Và khi chúng ta có nhận thức về kiếp trước, ta sẽ dễ tha thứ, dễ buông xả hơn, vì cho rằng chuyện gì cũng chỉ là một trong hàng muôn ngàn chuyện đã xảy ra từ bao đời. Thưa ngài, vậy chúng ta nên cố gắng tới mức nào để thay đổi thế giới?
Đạt lai lạt ma:
Trong đạo Bụt, chúng tôi tin là có đời sống sau khi chết, và tin vào thuyết Nghiệp báo, luật Nhân quả. Những tin tưởng này giúp chúng ta giữ được lòng thanh thản trước mọi sự và chấp nhận những gì đang xảy ra. Nói ra có thể là quá giản dị, nhưng khi đứng về quan điểm của một tăng sĩ Phật giáo, tôi thấy rằng tất cả những vấn đề đều là do chúng ta thiếu lòng từ bi, bác ái, thiếu tinh thần trách nhiệm chung, nghĩa là tinh thần huynh đệ chân thật. Khi chúng ta phân biệt trên dưới, thì lúc nào có thể là ta cũng lợi dụng cái mà ta coi là thấp kém hơn.
Margaret Brenman-Gibson:
Thay đổi thế giới có ích lợi chi thưa ngài?
Đạt lai lạt ma:
Dĩ nhiên là có ích. Bằng các phương tiện truyền thông, bằng giáo dục, bằng cách sống trong gia đình và các phương tiện khác, chúng ta phải giới thiệu và làm cho mọi người tỉnh thức hơn về sự thiết yếu của tấm lòng và lối sống vị tha - nếu không được cho thế hệ này, thì phải làm cho thế hệ sau. Để có thể thức tỉnh được tâm tư của tuổi trẻ về các vấn đề này, điều quan trọng là chúng ta phải trình bày nó như một vấn đề sống còn, không phải là vấn đề đạo đức hay tôn giáo. Đau khổ là một bất hạnh, nhưng đôi khi nó lại cần để giúp cho người ta tỉnh thức, nhận biết được mình đang có vấn đề.
Dù chúng ta có ý thức về sự vô thường, hay thực chất biến thiên của đau khổ, chúng ta cũng không trở nên thờ ơ lạnh đãm, coi mọi sự như không có. Ta nhận biết khổ đau, và để cho ý thức về khổ đau đó phát triển tới ý muốn thoát khổ. Như vậy không phải là thờ ơ lãnh đạm. Nhưng chúng ta cũng hiểu được rằng nếu ta đồng hoá mình với những rối ren đó hay quá phiền não vì đau khổ, thì chẳng có ích lợi gì cả. Ta có thể tập để bỏ thói quen lo buồn vì những đau khổ của mình, và chỉ đơn thuần nhận diện chúng để cho sự nhận diện đó tăng trưởng, phát triển thành ra ý muốn giải thoát khỏi khổ đau.
----o0o---
Vi tính: Tường Chánh
Trình bày: Nhị Tường