Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Tên Thợ Săn Độc Ác

04/12/201319:49(Xem: 26137)
12. Tên Thợ Săn Độc Ác
blank

Tên Thợ Săn Độc Ác


Sau câu chuyện bị vu oan vô cớ ấy, tôn giả Sāriputta và tôn giả Mahā Moggallāna được đức Phật cho gọi vào hương phòng, nói rằng:

- Các ông cùng với đệ tử nên về Trúc Lâm một chuyến. Ở đấy cần sự có mặt của hai ông một thời gian. Lý do như thế nào rồi hai ông sẽ tự biết.

Vâng mệnh đức Phật, hai vị đại đệ tử cất bước vân hành, mỗi vị với năm trăm đệ tử thân cận. Đoàn người chia nhau đi về hướng đông nam, lâu ngày chầy tháng, vào đầu mùa lúa chín, họ đến Trúc Lâm tịnh xá – đó là nơi, từ khi một số vị trưởng lão Niết-bàn hay hành hóa phương xa, không có mặt thì tôn giả Devadatta trở về đây và điều hành tất cả mọi sinh hoạt Phật sự cũng như tăng sự.

Chúng ta cần biết rằng, sau cái chết ‘địa ngục’ của đức vua Suppabudda, tôn giả Devadatta buồn phiền bỏ đi, tự trong thâm tâm, có cái gì đó ông không giải thích được; nhưng hễ đức Phật ở nơi này thì ông tránh sang phương khác. Đôi khi ông rút vào rừng vắng để tu tập, không giao tiếp với một ai. Trong thời gian đức Phật thường xuyên an cư mùa mưa ở Kỳ Viên và Đông Phương Lộc Mẫu cùng chư vị đại trưởng lão, khoảng từ hạ thứ ba mươi trở đi, thì Devadatta hầu như thường xuyên về ở Trúc Lâm tịnh xá. Cũng do tăng tướng đạo mạo, nghiêm trang, có năng lực thiền định, nói năng lưu loát, thuyết pháp hay giỏi nên rất nhiều tăng ni kính trọng, ngưỡng mộ, hai hàng cận sự nam nữ đặt để nơi ông ta đức tin trong sạch.

Nói là vì đức Phật mà vua Suppabudda chết nên Devadatta hận ngài? Nói là vì đức Phật quá uy tín với tứ chúng, với các hàng vua chúa; còn ông ta thường bị mọi người coi thường nên phát tâm ganh tỵ? Dù là vì lý do gì, Devadatta cũng không xác định được, nhưng rõ ràng là ông ta đang dần dần hình thành nhóm tỳ-khưu đệ tử cùng hai hàng cận sự của riêng mình, đang tạo uy tín cho riêng mình. Chuyện này, thật ra hai vị đại đệ tử biết đã lâu. Mà có lẽ đức Phật biết rõ hơn nên đề cử hai ngài về Trúc Lâm tịnh xá?

Thấy cả hai vị đại đệ tử cùng có mặt với một ngàn vị tỳ-khưu, tôn giả Devadatta tỏ vẻ vui mừng ra mặt, tiếp đón rất chu đáo. Ông còn cho người thông báo đến các gia chủ, hai hàng cận sự nam nữ trong kinh thành để họ thiết lễ đặt bát cúng dường cũng như đến tịnh xá để nghe pháp.

Ngay buổi chiều đầu tiên, khuôn viên Trúc Lâm đã đông nghịt người. Đấy là điều dễ hiểu vì thanh danh của hai vị đại đệ tử thơm ngát từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tôn giả Devadatta cứ tưởng là nhờ uy tín của mình. Và thật ra, Devadatta nghĩ thế cũng không sai, vì bao năm ở đây, tôn giả ấy đã sống và hành đạo rất nghiêm túc nên ông ta cũng có danh thơm tiếng tốt nhất định.

Thời pháp do tôn giả Sāriputta đảm trách. Vì nhìn thoáng vào hội chúng có khá đông người mới tìm đến Trúc Lâm sau này, nên tôn giả thuyết giảng có tính cách sơ cơ. Ngài không triển khai một đề tài riêng biệt, chỉ nhắm đến sự sách tấn, củng cố tín tâm và khuyên mọi người tích lũy thiện pháp cho mai hậu.

Để kết luận, tôn giả nói :

- Thế nên, mỗi người hãy lượm lặt những đóa hoa để xâu kết thành những tràng hoa. Một việc thiện nhỏ, một công đức nhỏ là một đóa hoa; mỗi ngày một ít, thời gian sau, các vị sẽ có rất nhiều việc thiện đã làm, rất nhiều công đức đã làm - sẽ kết dệt nên một tràng hoa thiện pháp vĩ đại - khả dĩ trang điểm phước báu cho các vị trong các cõi trời và người, thật là vô lượng sắc hương vậy.

Nhờ ngôn ngữ lưu loát, nhờ nhiều ví dụ sống động, nhờ đã nhuần nhuyễn, thuần thục trong pháp nên buổi giảng nói của tôn giả tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người. Cái tâm nào, cái tai nào của đại chúng cũng phát sanh cảm giác an hỷ.

Cuối buổi giảng, một cận sự nam đã lớn tuổi, đứng dậy xin hỏi:

- Bạch trưởng lão! Ví dụ như tôi muốn làm một thiện sự, muốn tạo một đóa hoa phước báu, tôi thỉnh hai vị tỳ-khưu để đặt bát cúng dường. Ông bạn hàng xóm của tôi, nhờ sự nhắc nhở, khuyên bảo chân tình của tôi, ông bắt chước làm theo tôi, nhưng ông ta lại đặt bát cúng dường đến ba vị tỳ-khưu. Cả hai trường hợp như thế, hai thiện sự như thế thì phước báu của ai lớn hơn, đóa hoa nào nhiều sắc hương hơn?

Tôn giả Sāriputta mỉm cười:

- Thật là một câu hỏi khó trả lời tức khắc như một cộng một thành hai. Quả của phước báu còn tùy thuộc nhiều yếu tố, nhiều điều kiện. Ví như khi cúng dường, tâm của vị ấy ra sao? Ví như vật cúng dường là chánh mạng hay không chánh mạng? Ví dụ, đối tượng thọ thí là đức Phật, chư thánh tăng hay chỉ là một phàm tăng? Và giả thiết như cả ba điều kiện kia giống nhau – thì phước báu của người tự khởi tâm cúng dường bao giờ cũng trổ quả vi diệu hơn người nhờ khuyến khích, nhờ nhắc bảo mới làm thiện sự, này ông thiện nam!

- Hay thay, bạch trưởng lão! Chúng tôi hiểu rồi!

- Còn nữa! Tôn giả nói tiếp - Người tự khởi tâm làm rồi làm một mình, người tự khởi tâm làm rồi kêu gọi thêm nhiều người khác cùng làm với mình nữa thì quả phước sau này còn có lắm dị biệt đấy!

- Xin cho được nghe?

- Vâng! Vậy hãy lắng nghe! Ta sẽ giảng rất kỹ, rất cặn kẽ tất cả mọi nhân quả cùng những chi tiết liên hệ.

Rồi tôn giả thuyết với đại ý như sau :

- Người suốt đời không hề làm phước, không giúp kẻ cơ hàn một manh áo, một vá cơm, không bao giơ biết cúng dường đến sa-môn, đạo sĩ dù một cây kim, sợi chỉ; nếu có thiện nhân sinh được làm người thường sống trong cảnh tăm tối, đói nghèo. Người ấy dù làm việc với bàn tay chai sạn, làm việc lam lũ thâu đêm mãn ngày thì cái ăn cái mặc vẫn chật vật, túng thiếu như thường. Tại sao vậy? Tại vì họ không có phước để dành từ kiếp trước, mọi kho lẫm đều cạn kiệt, trống trơn, không có phước xung quanh giúp đỡ, không có phước để tạo duyên may mắn, không có phước để có quý nhân phò trợ, không có phước để có hoàn cảnh làm ăn thuận lợi; và vì không có phước nên những hạt mầm nào khổ công gieo ươm cũng bị sâu kiến đục khoét, giả dụ cái cây có lớn lên cũng bị khô hạn, thiêu phân, thiếu nước... sẽ cằn cỗi và chết dần, chết mòn. Đấy là trường hợp thứ nhất, lý do thứ nhất mà mọi người hãy nên tích luỹ phước – này đại chúng!

Tiếp đến, khi ta thấy rõ nhân quả rồi, ta biết làm phước rồi, nhưng ta chỉ làm một mình; lặng lẽ, âm thầm cúng dường vật này, vật khác đến một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu... Có nhân tất có quả. Phước báu trời người sang cả sẽ trổ sanh cho vị ấy, nhưng lại là cái quả riêng lẻ, đơn độc. Người ấy có thể ở một mình trong những toà lâu đài cao sang, lộng lẫy nhưng lại không có bà con, quyến thuộc, không có bạn bè, đồ chúng. Người ấy sẽ sống đời cô đơn, cô độc với phước báu của mình. Đây là trường hợp thứ hai, nhân lẻ loi, cô độc thì quả sẽ lẻ loi, cô độc, chư vị hãy biết rõ như vậy!

Còn nữa, khi ta đã thấy rõ nhân quả trong trường hợp vừa rồi, khi làm phước cúng dường, ta rủ thêm vợ con, quyến thuộc, bạn bè cùng làm thì sau này, khi sinh vào cõi trời, cõi người nào, ngoài sự thọ hưởng sang cả, phú quý, ta cũng sẽ còn có rất đông con cháu, gia nhân, tôi tớ, bạn bè, thân bằng, quyến thuộc cùng cả một hội chúng tùy tùng, đông đảo nữa. Hãy thấy rõ như vậy để kết dệt cho mình, cùng với mọi người những tràng hoa tươi thắm sắc hương nhất, này các hàng học chúng!

Thời pháp với nhân quả quá rõ ràng làm cho ai cũng sáng mắt, sáng lòng. Người cận sự nam lớn tuổi chợt quỳ sụp xuống :

- Bạch trưởng lão! Ôi! Hy hữu làm sao mà cũng tường minh xiết bao! Thời pháp vừa rồi quả thật là huyền diệu, nó làm cho chúng tôi thấy rõ những bóng mát để nương nhờ. Nó đầy đủ cả hai nơi, mình và người, mình cùng quyến thuộc và đồ chúng. Vậy thì ngày mai, chúng tôi xin cung thỉnh nhị vị trưởng lão và một ngàn tỳ-khưu đệ tử; chúng tôi thỉnh luôn trưởng lão Devadatta cùng hai trăm tỳ-khưu trong tịnh xá - để chúng tôi, toàn thể hội chúng được đặt bát cúng dường vật thực cùng vải vóc, đồ dùng liên hệ - tại tư gia, ngay ngày mai!

Tôn giả Sāriputta im lặng nhận lời. 

Rời giảng đường, người thiện nam lớn tuổi tức khắc đi từng nhà, từng nhà kêu gọi hùn phước. Ông đã cùng với gia nhân, với mấy chiếc xe bò kéo, chịu khó đi khắp mọi nơi thu nhận tiền bạc, dầu, mè, gạo, bơ, đường, mật, rau đậu, củ quả, đủ loại thượng vị cứng và mềm. Ông thiện nam mang niềm vui ăm ắp trong lòng khi đi kêu gọi hùn phước như thế. Tín nữ này thì nói: Cho tôi cúng dường hai vị tỳ-khưu. Thiện nam kia thì nói: Cho tôi cúng dường ba vị. Gia chủ kia thì nói: Cho tôi cúng dường mười vị. Vị phú hộ kia thì nói: Cho tôi cúng dường hai mươi vị sa-môn.

Đến gia đình một vị trưởng giả có tiếng trong kinh thành, ông ta mang ra một xấp vải vàng, cất trong rương với hai lớp khóa, rồi nói:

- Đây là xấp vải vàng quý nhất của gia đình tôi, xuất xứ của nó không phải là ở xứ Kāsi nổi danh đâu, mà nó ở tận quốc độ Gandhāra, trong một gia đình quý tộc. Nay tôi hoan hỷ dâng cúng. Nghe nói có đến hơn một ngàn vị tỳ-khưu; vậy nếu vật thực một trăm người hùn góp không đủ thì hãy bán xấp vải này cho hoàng gia, sẽ có dư tiền để sửa soạn vật thực đầy đủ đó!

Ông thiện nam đưa hai tay trân trọng nhận vật quý. Rồi sau đó, đầy những chiếc xe này rồi đầy những chiếc xe khác, ông chở hết về nhà. Chưa thôi, ông thiện nam còn kêu gọi cận sự hai hàng, tối hôm ấy đến sáng hôm sau, cùng với ông và gia nhân, chăm lo kho nấu các món, chuẩn bị ghế ngồi, hoa, tràng hoa, những tấm thảm chùi chân, những ghè nước, khăn lau các loại trong trang viên rộng lớn của ông.

Sáng ngày hôm sau, dẫn đầu chư tăng trên một ngàn hai trăm vị là tôn giả Sāriputta, tôn giả Mahā Moggallāna, tôn giả Devadatta, đoàn sa-môn như một con rồng vàng vĩ đại, uốn lượn trên các con đường làm cho kinh thành chợt như tươi vui và bừng sáng lên.

Cuộc đặt bát tập thể diễn ra chu đáo, tươm tất. Sau khi chư tăng ra về hết rồi, phần vật thực còn thừa, ba trăm thí chủ hùn phước hôm đó độ thực xong cũng không hết. Đúc kết lại, người thiện nam thấy còn xấp vải quý của vị trưởng giả chưa dùng đến, bây giờ giải quyết ra sao, ông muốn xin ý kiến của mọi người.

Một người nói :

- Dâng xấp vải quý này cho một trong hai vị đại đệ tử là xứng đáng nhất.

Một người khác :

- Hai vị đại để tử, đồng ý! Nhưng thời pháp vừa rồi, phước báu đặt bát tập thể ngày hôm nay, là do từ tôn giả Sāriputta; hãy dâng cúng đến ngài là hợp lý nhất!

- Làm vậy là hợp lý, không cãi được! Người khác nữa góp ý – Nhưng còn tình thì sao? Hai vị đại đệ tử công đức cao vời, khó ai có thể so sánh được, nhưng mà hai ngài đến rồi đi, chỉ có tôn giả Devadatta là ở lại. Suốt mấy năm nay, khi không có mặt đức Thế Tôn và chư đại trưởng lão, người mà chúng ta nương nhờ là ai? Vậy, phải dâng xấp vải quý này đến tôn giả Devadatta mới hợp tình!

Thế là bên tình, bên lý, hai hàng cận sự bàn bạc, tính toán, lựa chọn mãi vẫn không thông.

Một thiện nam có lẽ đi tịnh xá nghe pháp đã nhiều năm, mỉm cười, chậm rãi lên tiếng :

- Có điều chư vị chưa biết nên cứ hoài bên tình, bên lý không phân. Còn tôi thì rõ lắm. Hai vị thượng thủ giáo hội, khi được đức Tôn Sư lựa chọn làm hai vị đại đệ tử thì hai ngài đã là bậc thánh lậu tận. Tính đến nay đã trên dưới ba mươi năm rồi làm cánh tay mặt, cánh tay trái của đức Đạo Sư. Đối với hai vị ấy thì họ xem y cũ, y mới giống nhau, y quý, y xấu không hai, không khác. Có lần, nghe nói, tôn giả Ānanda cất dành để dâng cúng tôn giả Sāriputta một tấm y mới, y quý thì ngài đáp: Thôi mà pháp đệ! Ta đã có đủ y, hãy dâng cúng cho vị khác phải lẽ hơn! Vậy thì xấp y quý này, dâng cho tôn giả Sāriputta, chưa chắc ngài đã thọ nhận. Còn nữa, tôi nghe chư vị trưởng lão nói chuyện với nhau, là tôn giả Devadatta thân mến của chúng ta chỉ đắc định, đắc thiền chứ chưa đắc quả; nếu y quý này mà dâng cúng cho ngài chắc ngài thích thú lắm đây!

Cả hội chúng bị thuyết phục bởi lý lẽ này nên họ đồng lòng dâng cúng cho tôn giả Devadatta. Và đúng như phỏng đoán của vị thiện nam lớn tuổi, tôn giả Devadatta thích thú ra mặt, săm soi, mê mải nhìn ngắm từng đường vân, từng mũi chỉ tế vi như chỉ vàng, kết dệt nên tấm vải vàng óng. Cũng chẳng cần giấu giếm sự thỏa thích của mình, tôn giả Devadatta liền tự tay cắt may, phân ra thành y nội, y ngoại, y lót mồ hôi rất thiện xảo. Mấy ngày hôm sau, tôn giả Devadatta mặc ngay tấm y mới, đi tới đi lui trong phòng, ngắm trước, ngắm sau ra chiều thích khoái. Chưa đủ, tôn giả lại đi kinh hành, đi dạo bộ quanh cốc liêu như âm thần khoe với chư tăng Trúc Lâm vậy.

- Coi kìa! Coi kìa! Một vị tỳ-khưu cao hạ từng sống lâu năm tại đây, thốt lên! Đúng ông ta là tâm phàm phu mà!

Một vị khác :

- Trông mới tội nghiệp làm sao! Rõ là ông ta chưa xứng với tấm y vàng quý ấy!

Một vị khác nữa :

- Tiếc là chư vị thánh lậu tận không thèm nhận, chứ mà tôn giả Sāriputta mà mặc vào thì xứng đáng tăng tướng xiết bao?

Có một vị tỳ-khưu còn trẻ, khó chịu vì cái cách khoe y hời hợt, thô tháo của Devadatta, thấy ngứa mắt, chướng mắt không chịu được, ông liền bộ hành không biết mệt mỏi, chẳng quản mưa hay nắng, ngày hay đêm, từ Trúc Lâm vượt mấy trăm do tuần đường xa diệu vợi, bất kể cát bụi và mồ hôi, về Kỳ Viên, đảnh lễ đức Phật, sau thời pháp của ngài, ông thưa trình mọi chuyện, rồi kết luận :

- Trúc Lâm tịnh xá, khi không có mặt đức Thế Tôn và chư đại trưởng lão thì tôn giả Devadatta lại làm mưa, làm gió cả một vùng trời. Tôn giả ấy đóng vai đạo sư, đóng vai trưởng lão thanh tịnh, đóng vai có tâm bi mẫn với hai hàng cận sự, đóng vai giới luật nghiêm minh, đóng vai đắc định, đắc thiền, đắc các thắng trí cùng đạo, cùng quả! Đóng trò thì khéo, thì giỏi, thì hay thế đấy; nhưng bây giờ, khi có bộ y quý giá thì tôn giả ấy đã lộ tẩy thật rồi, lộ mặt thật trá nguỵ ra rồi, bạch đức Tôn Sư!

Đức Phật mỉm cười :

- Devadatta bị lộ tẩy và ông thấy thật rồi à?

- Nhiều người thấy lắm, không chỉ mình đệ tử đâu, bạch đức Thế Tôn!

- Ông Devadatta hiện nay, quả thật không xứng đáng mặc chiếc y vàng quý báu ấy, đó là sự thật. Nhưng trong một kiếp quá khứ, ông ta còn tệ hơn, là trộm tướng y vàng để giở trò lường gạt, gian xảo với kế mưu ác độc nữa kìa...

Thấy giảng đường còn khá đông người, và dường như ai cũng muốn nghe câu chuyện quá khứ của Devadatta, nên đức Phật đã kể lại như sau:

- Trong thời không có đức Chánh Đẳng Giác ra đời, trong một ngôi rừng gần thành Bārāṇasī có rất nhiều vị Độc Giác Phật ngụ cư. Và ở đây cũng có một đàn voi lớn quần tụ, sinh sống hiền hòa, chúng không sợ chư vị Độc Giác, mà quý ngài cũng không sợ đàn voi! Nói rõ là không ai xâm phạm ai! Cả người và vật sống an bình như thế trải qua một thời gian khá dài.

Ở ngoại biên thành phố có một tay thợ săn, hôm kia vào rừng để săn nai, thỏ... như lệ thường, tình cờ trông thấy đàn voi, hắn nghĩ: Bắn nai, bắn thỏ, xưa nay không đủ nuôi mạng sống, vậy ta có thể chuyển nghề săn voi vậy. Xem nào, một con voi, đắt giá nhất là cặp ngà, kế đến là móng, là thịt, ồ, là cả một đống thịt, tha hồ mà kiếm tiền! Thế là tên thợ săn về nhà sắm cung tốt, mũi tên sắt cứng có tẩm độc cùng một ngọn lao dài cực bén. Hắn nghĩ, chỉ cần một ngọn lao của ta, phóng thẳng vào chỗ cực hiểm, con voi sẽ chết ngay. Nhưng để phòng hờ, ta sẽ nhắm con cuối đàn, bắn một mũi tên độc trước cho chắc ăn!

Với cách làm như vậy, quả thật, qua nhiều ngày đêm theo dõi, rình rập rất là vất vả, tên thợ săn dùng lao giết được một chú voi ốm bệnh đi sau cùng mà đàn voi đi phía trước không hề hay biết. Với ngà và thịt bán được, giá trị hơn cả mười con nai, tên thợ săn mừng húm! Lần thứ hai, khó khăn vất vả hơn vì đàn voi đi gần nhau quá, sợ con phía trước phát giác thì tiêu đời, hắn bèn sử dụng mũi tên tẩm độc khi con voi sau cùng khuất phía trước một lùm cây rậm. Đợi đàn voi đi xa, tên thợ săn đến chỗ xác voi, thấy mũi tên độc găm sâu vào vùng ngực, chất độc đang lan thấm thâm đen sang vùng thịt khác. Hắn nghĩ, thịt này có tẩm độc, không bán được cho ai rồi, chỉ còn cái cặp ngà cỏn con mà thôi, cũng được mớ tiền!

Lần đi rình voi khác, tên thợ săn cảm thấy dường như đàn voi có linh tính nên hắn rất khó gần. Hôm kia, cũng do tình cờ, tên thợ săn trông thấy một hình ảnh lạ lùng. Cả đàn voi, khi đi ngang qua một vị đạo sĩ quàng chiếc y vàng màu hoại sắc, chúng đều quỳ gộp bốn chân xuống, cái đầu cúi lạy mấy lần, sau đó chúng mới từ từ, đủng đỉnh bước đi! Chịu khó theo dõi, quan sát thêm mấy lần nữa, tên thợ săn kết luận: Đúng rồi, đàn voi quý trọng vị ẩn sĩ có quàng chiếc y màu vàng! Rồi hắn tự nghĩ, tự cười thầm: Vậy sao ta không ăn cắp tấm y vàng kia, giả bộ ngồi yên lặng ‘một cục’ như thế nọ, khi đàn voi đến quỳ lạy, đợi chúng đi hết, ta sẽ phóng lao làm thịt con cuối đàn?

Kế độc cũng lắm công phu. Hôm nọ, tên thợ săn rình trộm, thấy một vị Độc Giác Phật, xả y trên bờ đá để xuống khe tắm, hắn nhanh tay nhanh chân cuỗm mất tấm y. Rồi tên thợ săn tập mặc, tập bước tới bước lui ngắm nghía, tập ngồi yên lặng ‘một cục’ như chư vị Độc Giác Phật. Sau đó, tên thợ săn quàng y vào người, lựa tìm một chỗ thuận tiện nhất nơi hốc núi, cạnh con đường mòn, vừa lòng, tự nghĩ: Chỗ này, khi con voi áp cuối vừa khuất sau sườn đá, nó sẽ không thấy con cuối đàn, khi ấy ta sẽ ra tay. Rồi y ngồi xuống như cách ngồi của các vị Độc Giác Phật, ngọn giáo nằm kề tay, được thu giấu kín đáo bên sau. Đàn voi đâu có biết gì, như lệ thường, khi đi ngang qua vị quàng tấm y vàng, lần lượt từng con cúi đầu, đảnh lễ rồi bước đi. Khi con voi cuối cùng đang quỳ xuống, cúi lạy, thấy con voi áp cuối khuất rồi, mũi giáo của y nhanh như chớp giật, phóng thẳng vào vùng tim của voi. Voi chết, máu chảy xối xả, lênh láng, không rên lên được một tiếng nào. Và rồi, với kế ấy, hắn giết voi từ con này sang con khác, đời sống của y nhờ bán ngà và thịt, càng ngày cang sung túc, giàu có...

Đức Phật kể ngang đây rồi yên lặng một lát.

Nhiều tiếng thốt lên :

- Quả thật là độc ác !

- Chẳng lẽ tiền thân Devadatta lại tệ mạt đến thế sao ?

Đức Phật kể tiếp :

- Trong thời gian ấy, tiền thân Như Lai là một thanh niên bạch tượng to lớn, có sáu ngà, vừa được cả đàn voi đề cử làm chúa đàn, do voi chúa đã già yếu, đã đi tìm chỗ tĩnh cư. Khi thấy đàn voi càng ngày càng thưa thớt, bạch tượng đâm ra nghi ngờ có gì bất trắc nên quan tâm theo dõi. Voi chúa quan sát từ bước đi đầu tiên, trên đường đi, đến khu rừng nhiều thức ăn cho đến lúc về - thì chẳng đâu có nguy hiểm, chỉ có một chỗ khả nghi là ở nơi góc khuất có vị ẩn sĩ ngồi thiền, ở nơi y có cái gì không ổn định, không được trầm tĩnh cho lắm. Có cái mùi gì đó như máu, dẫu có phi tang tài giỏi vẫn còn hơi hướm trong từng thớ đất, cọng cỏ! Chính voi của ta bị giết thịt tại chỗ này! Như đã quyết định rồi, ngày hôm ấy, voi chúa đi sau cùng để giám sát, để thử lại cái dự đoán của mình.

Và quả đúng như thế, khi tượng chúa vừa cúi đầu xuống thì kẻ kia vén y sau, chụp nhanh cây lao định phóng vào chỗ nhược... Do đã đề phòng từ trước, nên voi chúa thụt lui, dễ dàng tránh cây lao rồi lấy vòi quật mạnh vào tên thợ săn nhưng hắn ta cũng đã nhanh chân núp trốn sau gốc cây. Voi chúa tự nghĩ: Ta có thể quấn luôn cả hắn và gốc cây rồi quật cho tan nát hết. Nhưng mà kìa, hắn ta đang quấn tấm y vàng của chư Chánh Đẳng Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thanh Văn Giác! Vậy lẽ nào, vì giết tên ác độc kia mà ta lại xâm phạm đến chiếc y thiêng liêng, là ngọn cờ chiến thắng của các bậc vô nhiễm?

Nghĩ thế xong, voi chúa nhè nhẹ hạ vòi xuống rồi nói tiếng người :

- Tại sao ngươi lại đang tâm giả mạo tấm y để tàn sát dần dần đàn voi của ta ?

Thấy con bạch tượng sáu ngà kiêu hùng sừng sững như quả núi đang trong tư thế sẵn sàng quật chết mình, không thể chạy trốn đi đâu được nên y cúi đầu, im lặng, không dám nói gì.

Voi chúa nói tiếp :

- Tội ác của người quá nặng, trời không dung, đất không tha. Tấm y vàng ấy chỉ xứng đáng với bậc vô nhiễm, còn với tâm địa dơ uế, ác độc, giả dối như ngươi mà dám quàng chiếc y ấy sao ?

Rống lên một tiếng vang động cả khu rừng, voi chúa lấy vòi quấn gốc cây, quật cho tan nát cành nhánh rồi nói với tên thợ săn :

- Vì tấm y vàng kia ta không dám xâm phạm, nên ta sẽ không giết người. Ta tha cho ngươi mạng sống. Nếu ngươi còn giả dối, ác độc nữa – thì hãy xem gốc cây kia mà làm gương.

Nói xong, voi chúa bỏ đi như ghê tởm, như muốn tránh xa kẻ mang tâm thú vật. Tên thợ săn đứng run cầm cập, da mặt tái xanh vì sợ hãi...

Rồi đức Phật kết luận :

- Tên thợ săn kiếp trước chính là Devadatta, và voi chúa đầu đàn chính là tiền thân của Như Lai vậy. Vì tội ác quá nặng, tên thợ săn đọa địa ngục. Còn Như Lai do tôn quý tấm y vàng của bậc ẩn sĩ nên Như Lai mải miết thực hành ba-la-mật để trọn vẹn với con đường của chư Chánh Đẳng Giác tự ngàn xưa...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/06/2023(Xem: 3404)
Bộ phim Phi Thuyền Serenity (2005) với thể loại khoa học viễn tưởng đã giới thiệu một hình ảnh tên là Miranda, nơi các vấn đề của nhân loại được giải quyết thông quan khoa học công nghệ. Tham lam, giận dữ, si mê (tam độc), phiền não bởi buồn bã, lo lắng và tuyệt vọng - rõ ràng là trùng lặp với một số kiết sử cổ điển của Phật giáo (Skt., Pali: samyojana)
08/06/2023(Xem: 4152)
Đọc một quảng cáo trên mục rao vặt “vị trí tuyển dụng” của tờ báo The Star. Danh sách này là từ Cư sĩ lâm Thiên bách Phật giáo (Chempaka BudChempaka Buddhist Lodge, 千百家佛教居士林) ở Petaling Jaya, thành phố ở bang Selangor, Malaysia. Các cơ hội việc làm cho các tu sĩ Phật giáo ở Đông Nam Á là phổ biến và xuất hiện cùng với các cơ hội việc làm thế tục như nhân viên bán hàng
19/05/2023(Xem: 4955)
Tôi đã rất ấn tượng bởi một số chủ đề trùng lặp mà tôi gặp phải từ một số tác giả rất khác nhau. Cụ thể tôi đã thưởng ngoạn tác phẩm “Sapiens: Lược Sử Loài Người” (קיצור תולדות האנושות‎, Ḳitsur toldot ha-enoshut) của Tác giả, Thiền giả, Giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem, Cư sĩ Yuval Noah Harari, một tác phẩm nói bao quát về lịch sử tiến hóa của loài người từ thời cổ xưa trong thời kỳ đồ đá cho đến thế kỷ XXI, tập trung vào loài "Người tinh khôn" (Homo sapiens). Được ghi chép lại với khuôn khổ được cung cấp bởi các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là sinh học tiến hóa.
19/05/2023(Xem: 6704)
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã kêu gọi đạo Phật ở thế kỷ 21, với sự nhấn mạnh không phải vào nghi lễ, cầu nguyện và lòng sùng mộ, đúng nghĩa hơn là nghiên cứu, tu học đặc biệt là các tác phẩm của 17 vị Luận sư vĩ đại thuộc Nalanda trường Đại học đầu tiên của Phật giáo. Để phù hợp với phương tiện thiện xảo của Đức Phật, nghiên cứu cần phải thích nghi với hoàn cảnh của thế kỷ 21, và phù hợp với các phương pháp truyền thống của Thời đại kỹ thuật số. Nhằm duy trì hiệu quả trong giáo dục Phật giáo, thì phải thích ứng với những nhu cầu thời đại, như nó đã luôn thực hành trong quá khứ. Đặc biệt là để tiếp tục truyền thống vĩ đại của giáo dục Phật giáo Nalanda, cần phải đáp ứng với các phương pháp giáo dục hiện đại, để cung cấp cho các thế hệ trẻ khả năng tiếp cận. Tôi xin dẫn chứng một số bối cảnh lịch sử để chứng minh rằng việc thích nghi với thời đại là phù hợp với truyền thống đạo Phật.
17/05/2023(Xem: 6600)
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
03/05/2023(Xem: 11432)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
24/04/2023(Xem: 3861)
Đạo Phật và Cơ đốc giáo đều được khai sáng bởi những bậc Đạo sư tâm linh vĩ đại, những người đã tìm cách đưa ra con đường dẫn đến sự giải thoát và cứu rỗi. Thuật ngữ các Ngài sử dụng thường khá khác nhau. Ngoài ra, đo hoàn cảnh khác nhau mà các Ngài hóa thân, giáo lý của các Ngài đã dạy những con đường khác nhau và đối với tâm kinh nhấn mạnh những cách tiếp cận khác nhau.
21/04/2023(Xem: 12316)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
21/04/2023(Xem: 4040)
Khi giác hạnh đã viên mãn thì thọ mệnh Đức Phật tuổi đã bát tuần (80). Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng đã thuận theo định luật vô thường mà lão hóa. Năm ấy Ngài ở tại rừng cây Sala tại Kushinagar (Kusinara, Câu-thi-na), nơi Đức Phật nhập diệt. Trước khi rời bỏ xác thân tứ đại giả hợp, Ngài gọi tôn giả A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Đức Ngài đến và phán rằng:
20/04/2023(Xem: 14085)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]