Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?

05/11/201320:55(Xem: 34666)
10. Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?
mot_cuoc_doi_bia_3


Thế Nào Là Một
Bà-La-Môn Chân Chính?








Sớm hôm ấy, đức Phật đắp y, mang bát rồi nói với Ānanda đang đứng bên cạnh:

- Hãy thông báo với đại chúng, hôm nay, sau khi đi trì bình khất thực, chúng ta hãy đi đến bờ hồ Gaggarā (Già-già-liên-trì) để nghỉ trưa.

Cũng như các lần trước, tôn giả Sāriputta biết là đức Thế Tôn muốn hóa độ một người, một nhân vật quan trọng.

Campā thuộc vương quốc Aṅga, là nước của một bộ tộc nhỏ nhưng có dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu; là một lãnh thổ được sự ân tứ của đức vua Bimbisāra, một tịnh bang tươi đẹp. Tại đây, có một trưởng lão bà-la-môn hữu danh tên là Soṇadaṇḍa(1), rất được các bà-la-môn trong vùng kính trọng, tôn quý. Vì dòng dõi ông có huyết thống thanh tịnh bảy đời, là nhà phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ-đà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về tự nhiên học. Lại nữa, bà-la-môn Soṇadaṇḍa là bậc đại phú, đại quý; đẹp lão, có tướng của bậc đại nhân, màu da thù thắng, sắc vẻ khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Còn nữa, ông thường có lời thiện ngôn, tao nhã đối với mọi người; giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác. Tôn giả hiện là bậc Tôn Sư của nhiều người, đang dạy cho ba trăm thanh niên bà-la-môn từ nhiều phương, nhiều nước đến tham học...(1)

Lúc ấy, bà-la-môn Soṇadaṇḍa bước lên lầu để nghỉ trưa, nhìn xuống đường thì thấy rất nhiều bà-la-môn gia chủ lũ lượt đi về phía bờ hồ Gaggarā; ngạc nhiên, ông cho người xuống hỏi. Được biết là họ cùng nhau đi chiêm bái, yết kiến sa-môn Gotama, nghe nói đấy là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác mà tin đồn về tu tập khổ hạnh, sự chứng ngộ chân lý bất tử , thành lập hai giáo hội Tăng và Ni đã tràn qua cửa tai của muôn dân nhiều quốc độ.

- Bảo họ hãy đợi ta! Bà-la-môn Soṇadaṇḍa hối hả nói - Ta cũng phải đích thân đi thăm viếng vị ấy.

Nghe được vậy, các vị bà-la-môn gia chủ lão thành đồng đến can ngăn:

- Không được đâu! Thật không xứng đáng chút nào nếu tôn giả đi yết kiến vị ấy!

- Tại sao?

- Nếu tôn giả đích thân đi yết kiến sa-môn Gotama thì danh tiếng ngài sẽ bị tổn giảm và danh tiếng sa-môn Gotama sẽ được tăng thịnh. Sa-môn Gotama còn trẻ tuổi, xuất gia chưa được bao lâu; còn tôn giả là bậc trưởng thượng, niên cao, lạp lớn được đức vua Seniya Bimbisāra nước Māgadha và bà-la-môn thượng thủ Pokkharasāti kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, trọng vọng ngài. Bởi lý do ấy nên sa-môn Gotama phải đích thân đến yết kiến tôn giả thì có lý hơn!

- Các vị nói rất đúng! Bà-la-môn Soṇadaṇḍa mỉm cười, gật đầu - Tuy nhiên, nếu quý vị biết rõ về sa-môn Gotama, về xuất sinh, về đại nhân tướng, về tuổi trẻ, về xuất gia, về sở học, về kiến văn, về ngôn ngữ, về đức hạnh, về trí tuệ, về chân lý đã được chứng ngộ, tuyên thuyết, về ảnh hưởng của vị ấy đối với các giáo phái chủ, giáo phái sư, về sự tôn sùng, ngưỡng mộ, quy y không những chỉ đức vua và triều đình Māgadha, mà còn đức vua và triều đình Kosala và các bậc đại phú, đại quý, các tiểu vương, các thủ lãnh tướng quân các nước liên bang cộng hòa nữa... thì chính quý vị phải khuyên ta nên đi yết kiến sa-môn Gotama mới đúng lẽ...

Nghe nói vậy, các bà-la-môn gia chủ nín lặng. Sau đó, có vị hỏi:

- Chẳng lẽ nào sa-môn Gotama lại hơn tôn giả về tất cả mọi lãnh vực?

- Không những hơn tất cả mà có lẽ trên thế gian này, hằng triệu triệu năm mới xuất sinh được một nhân cách kỳ vĩ như thế!

Thấy mọi người còn có vẻ hồ nghi, bà-la-môn Soṇadaṇḍa thong thả nói:

- Khi sinh ra, vị ấy có ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp; chỉ cái tướng cách ấy thôi, thế gian cũng không có hai người; và chính vị đại tiên Asita tiên đoán, một, sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, hai là đắc quả Chánh Đẳng Giác. Lớn lên trong nhung lụa, sau khi thu thập một kiến thức và một sở học phi thường, vị ấy từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, chối từ cả vương vị để xuất gia tầm đạo khi tuổi đang còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh... Và chỉ chừng ấy thôi thì ta đã không dám so sánh rồi.

Thấy mọi người đang chăm chú lắng nghe, tôn giả Soṇadaṇḍa tiếp tục:

- Ta được mọi người tôn sùng, ngưỡng mộ do huyết thống, tư cách, ngôn ngữ, kiến văn, sở học, ba tập Vệ-đà, chú giải cùng nhiều thứ khác nữa, nhưng so với sa-môn Gotama thì có thấm thía gì! Ngoài lãm thông, uyên bác các loại triết học trong và ngoài truyền thống Vệ-đà, vị ấy còn thông hiểu cả hằng trăm ngôn ngữ của các bộ tộc và hằng chục cổ ngữ khác nhau, hiện đang tồn tại hoặc đã mất tích đâu cả ngàn năm trước! Sau sáu năm khổ hạnh đệ nhất tại dãy núi Gayā, vị ấy đã phát lộ con đường cổ xưa rồi giác ngộ dưới cội cây Asattha bên sông Nerañjanā. Từ đấy, vị ấy lên đường hoằng pháp với một loại giáo lý chưa từng được nghe, đấy là một chân lý độc sáng, chưa có trong kinh điển Vệ-đà. Quý vị thấy thế nào, một bậc như vậy có xứng đáng để chúng ta đi yết kiến, lắng nghe và học hỏi không?

- Quả rất xứng đáng!

- Ta được một vị đại vương, một vị bà-la-môn thượng thủ coi trọng thì có nghĩa lý gì! Ta có được ba trăm đồ chúng đến tham học thì có nghĩa lý gì! Chỉ mới mấy năm gióng trống pháp bất tử, sa-môn Gotama đã có bên mình hàng ngàn tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni; đã có hằng trăm ngàn cận sự nam, cận sự nữ... Trong số đệ tử xuất gia phạm hạnh ấy có tiểu vương, tổng trấn, thái tử, vương tử, công tử, tiểu phú hộ, đại phú hộ, thương gia, tướng quân, nhà tư tưởng, thông thái, biện sĩ, du sĩ lỗi lạc, bà-la-môn trưởng giáo hữu danh, chiến sĩ, công chúa, quý phi, công nương, quận chúa, cung nga... và còn có cả giai cấp Vệ-xá, Thủ-đà-la và cả Chiên-đà-la nữa!

Có ai đó thốt lên:

- Thật là kinh khiếp!

- Thật là vĩ đại!

- Chưa đâu – tôn giả Soṇadaṇḍa tiếp tục - đệ tử của sa-môn Gotama, ngoài triều đình, chánh hậu, quý phi, công chúa các vị đại vương Kosala, Māgadha... còn có địa tiên, thọ thần, sơn thần, dạ-xoa, cưu-bàn-trà, khẩn-na-la, kim xí điểu, rồng, càn-thát-bà, chư thiên, Tứ đại thiên vương, Đế thích thiên chủ cùng phạm chúng thiên, phạm phụ thiên và đại phạm thiên nữa!

Mọi người im lặng như tờ.

- Một bậc như vậy mà phải đến yết kiến ta hay sao, quý vị thử nghĩ xem?

Họ cúi đầu xuống, không trả lời, ngầm chấp nhận. Giọng nói của tôn giả Soṇadaṇḍa còn vọng lại bên tai họ, rất nhiều, rất nhiều chuyện nữa...

- Quý vị biết không, tự nghĩ lại mà xem? Một số giáo chủ, giáo phái sư bà-la-môn của chúng ta tự nhận là xuất gia, sống không gia đình, ăn rau trái cây củ hoa lá, có vẻ như tôn trọng sự sống của chúng sinh nhưng thật ra trong các cuộc đại tế, trung tế, tiểu tế biết bao nhiêu là súc vật thật không kể xiết đã bị giết hại, lấy đầu và máu để tế thần. Cũng rất nhiều vị thuyết con đường đến với phạm thể một cách rất thanh cao, cao thượng nhưng bản thân họ thì làm giàu từ tài sản của thí chủ, đêm nằm trên những chiếc giường sang trọng để ôm ấp hầu non, gái tơ, có vị cả hằng chục tỳ thiếp như thế. Họ ăn chay, nhưng một ngày ăn ba bữa, bốn bữa cho thỏa thích, cho khoái khẩu, căng đầy da bụng! Còn sa-môn Gotama và chúng tỳ-khưu thì sao; họ giữ giới hạnh rất nghiêm túc, hoàn toàn bần hàn vô sản, mỗi ngày đi xin ăn và chỉ ăn một bữa. Vị Phật ấy hằng khuyên chúng đệ tử xuất gia phải biết xa lánh chốn phồn hoa, đô hội; nên sống ở cội cây, rừng, hang động, nghĩa địa, chỗ không có mái che, tùy duyên đi nơi này nơi khác để giáo hóa chúng sanh, xa lìa tham lam, sân hận, si mê, chấp thủ, sở hữu... để không còn một dính mắc gì nơi trần thế. Họ thuyết con đường xuất thế nhưng đã không mệt mỏi vì cuộc đời, vì con người, vì những chúng sanh đang tối tăm, đang đau khổ... Thử hỏi, chúng ta cao thượng ở chỗ nào, khi những vướng mắc tục lụy như vợ, như con, như tài sản, như danh vọng, lợi dưỡng, địa vị vẫn đang còn cùm chân tất cả chúng ta; và biết bao nhiêu người do thiếu bản lãnh, thiếu tu tập đã đi vào đọa lạc, hạ liệt, tối tăm, thấp thỏi?

Câu hỏi ấy rơi vào im lặng. Có một vị lão trượng chợt quắc mắt, chất vấn:

- Sao tôn giả lại tự chê mình, khen người đến như thế được?

- Hóa ra tôn giả Soṇadaṇḍa đang ca tụng, tán thán sa-môn Gotama một cách tối thượng?

- Đúng thế! Một vị khác nói tiếp - Dầu cho một ai ở xa đây một trăm do-tuần, nếu nghe được lời ca tụng, tán thán ấy; có cơm đùm, gạo bới, khó khăn, vất vả thế nào cũng phải đi yết kiến sa-môn Gotama cho bằng được!

- Không sai, vì đấy là sự thật - Tôn giả Soṇadaṇḍa gật đầu - Rồi quý vị sẽ biết, sẽ thấy - là còn rất nhiều đức tính ưu việt của sa-môn Gotama nữa, ông ta có vô lượng ưu điểm! Đấy là một bậc Chánh Đẳng Giác thật sự. May mắn và hạnh phúc làm sao, khi tất cả chúng ta được cùng đi hội kiến với Người.

- Thôi được rồi! Một vị gia chủ kết luận - Tôn giả Soṇadaṇḍa đã nói như thế, đã xác quyết như thế thì đúng là sự thực như thế, tảng đá cũng phải gật đầu. Huống nữa, đất nước Campā tươi đẹp của chúng ta vốn rất hào sảng, mến khách. Cho dù sa-môn Gotama không phải là một vị Phật đi nữa, nhưng ngài và hội chúng đã đến Campā thì họ là khách quý của chúng ta!

Thế rồi, cả hội chúng gia chủ bà-la-môn rầm rộ lên đường, mang theo rất nhiều lễ phẩm, hướng đến bờ hồ Gaggarā. Vừa đi, trong tâm trí bà-la-môn khởi lên những lo lắng, bất an, như sau: “Các trưởng lão bạn hữu thâm tình của ta ở Kosala, Māgadha, Vesāli đều cho biết rằng, không ai ở trên đời này, cho dù Tôn Sư, đại Tôn Sư của các bậc giáo chủ có sống lại cũng không dễ gì đối thoại với sa-môn Gotama mà không có ấn tượng như thân lau bị bẻ gãy hoặc có cảm giác như đám cỏ bị gió thổi rạp! Ngoài ra, tâm tư của người đối thoại nghĩ gì, định nói điều gì thì sa-môn Gotama đều thấy rõ, biết rõ cả. Ngại rằng, khi ta đặt một câu hỏi, dù cho câu hỏi ấy ta đã suy nghĩ chín chắn, nhưng sa môn Gotama lại nói: Này bà-la-môn, không nên đặt câu hỏi như thế, chính xác phải đặt câu hỏi như thế này! Nếu quả có chuyện ấy xảy ra thì ta sẽ bị bẻ mặt, bị ê mặt; theo đó, cái danh giá trí thức của ta sẽ như nước đổ sông; và hội chúng gia chủ này sẽ không còn coi ta ra gì nữa! Không chỉ có vậy mà thôi, ta còn ngại rằng, khi ta phải trả lời những câu hỏi của sa-môn Gotama, lại bị ông ta chất vấn, cật vấn ráo riết với lý luận chặt chẽ, đanh thép... khi ấy ta sẽ ú ớ, ngọng nghịu thì còn ra thể thống gì nữa? Thôi, ta chỉ mong rằng, sa-môn Gotama là bậc đại trí, đại lượng, đừng chê cười, khinh miệt ta một cách quá đáng; đại loại như đừng sỉ nhục ta là người ngu si, bất tài, thiểu học, dốt nát, tâm trí tối đen như đêm ba mươi là quý lắm rồi! Vả chăng, bậc Chánh Đẳng Giác kia, chắc cũng hiểu ta là một bà-la-môn chân chính; tuy nhiên, ta còn có gia đình, vợ con, gia sản, đồ chúng cùng uy tín, địa vị đã được gầy dựng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, hao tổn tim óc suốt mấy chục năm qua... mà giữ thể diện cho ta một phần nào!”

Lúc ấy, đức Thế Tôn và tăng chúng tỳ-khưu đã độ ngọ xong, đang ngồi tọa thiền hoặc tĩnh chỉ trong bóng im của những tàn cổ thụ xanh mát. Hội chúng gia chủ bà-la-môn được tôn giả Soṇadaṇḍa dẫn đầu, đến chào hỏi chừng mực, lễ độ, thân tình rồi ngồi xuống một bên. Trong số họ, có người đảnh lễ, có người chắp tay xá, có người nói vài lời xã giao, có người không nói gì cả, tìm chỗ ngồi thích hợp. Và khá đông đưa mắt nhìn quanh, có cảm giác như rởn cả tóc gáy khi thấy mấy trăm tỳ-khưu yên lặng như một rừng đại định, chầu quanh đức Phật sáng rỡ như một vị đại phạm thiên.

Thật ra, bà-la-môn Soṇadaṇḍa khỏi phải lo ngại như thế vì đức Thế Tôn đã biết rồi, đã thấy rõ tất cả rồi, ngài nghĩ: “Đây là một trong số ít trưởng lão bà-la-môn có đời sống mẫu mực, trung thực. Tuy sống giữa cát bụi danh vọng và lợi dưỡng nhưng tự bên trong tâm hồn, một góc nhỏ nào đó vẫn còn một đền thờ tâm linh thiêng liêng luôn rực cháy một ngọn đèn! Quý hóa thay, vậy ta sẽ hỏi những câu hỏi thuộc về kinh điển, về sở trường, liên hệ với một số đức tính mà ông ta hiện có!”

- Trưởng lão Soṇadaṇḍa quý mến! Hôm nay, thật là vinh hạnh thay cho Như Lai và hội chúng của Như Lai, khi hành hóa đến đất nước Campā tươi đẹp, thịnh mậu và phú cường này; đã chưa đi thăm viếng các gia chủ, lại được chư vị gia chủ đáng kính đồng đến thăm viếng đông đúc với lễ lạt trọng hậu!

- Không dám! Tôn giả Soṇadaṇḍa khiêm tốn nói - chúng tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận của một gia chủ và chúng tôi xem sa-môn Gotama và hội chúng tỳ-khưu như những bậc thượng khách!

- Đúng là ngôn ngữ khả ái của một bà-la-môn hữu danh - Đức Phật mỉm cười, đi vào đề ngay - Chẳng hay, xin trưởng lão cho Như Lai được biết, một vị bà-la-môn phải gồm đủ bao nhiêu đức tính, để có thể nói, tôi là một bà-la-môn chơn chính mà không phải là vọng ngữ, vọng ngôn?

Tôn giả Soṇadaṇḍa nghe mát óc, mát ruột, tự nghĩ:“Lời chào hỏi, cách dụng ngữ của sa-môn Gotama đã làm cho lỗ tai của ta rất hoan hỷ. Bây giờ, lại hỏi ta một câu hỏi thuộc sư truyền về ba tập Vệ-đà, thuộc về kiến thức chuyên môn của ta; rõ là vị sa-môn này thấy biết cả tim óc người ta rồi!”

- Thưa sa-môn Gotama! Ông ngồi thẳng lưng, chững chạc; hoàn toàn lấy lại niềm tin và tư cách mô phạm cố hữu của mình - Có năm đức tính để có thể tựu thành một bà-la-môn chơn chính, để khi tự xưng, tôi là một bà-la-môn thì lời nói ấy là chân thực, không phải vọng ngôn, vọng ngữ!

- Như Lai xin được rửa tai để nghe năm đức tính ấy.

- Thưa, thứ nhất là thiện sanh mẫu và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh bảy đời; không bị gièm pha, không bị nghi ngờ, bị một vết nhơ nào về huyết thống thọ sanh ấy. Thứ hai, phải thông hiểu ba tập Vệ-đà, biết phúng tụng, trì chú, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải, ngữ pháp, văn phạm...Thứ ba, vị ấy phải có dung sắc, khôi ngô tuấn tú, khả ái trong dáng điệu, cử chỉ và ngôn ngữ... Thứ tư, phải có đức hạnh, giới hạnh, đức độ cao dày. Thứ năm là phải thông minh, sáng suốt, có trí tuệ khả dĩ là người đệ nhất hay đệ nhị cầm muỗng đổ bơ trong các lễ tế thần. Thưa sa-môn Gotama! Đấy là 5 đức tính để khả dĩ được gọi là một bà-la-môn chơn chính còn lưu truyền trong thánh điển tự ngàn xưa.

- Đúng vậy, thật là rõ ràng, mạch lạc thưa vị trưởng lão khả kính! Nhưng cho Như Lai được hỏi, trong năm đức tính ấy, ta có thể bỏ bớt một đức tính nào, chỉ còn bốn đức tánh thôi cũng có thể tựu thành một bà-la-môn chơn chính mà vẫn thấy không hề khiếm khuyết?

- Được, thưa sa-môn Gotama! Chúng ta có thể bỏ bớt dung sắc, tức là bỏ điều thứ ba. Tại sao vậy? Vì trên đời này có biết bao nhiêu người hảo tướng, dung sắc đẹp đẽ, tuấn tú, khôi ngô; thái độ, cử chỉ, ăn nói đều dịu dàng, nhu nhuyến, khả ái nhưng mà tâm địa không được tốt; đôi khi còn là bụng lang dạ sói nữa. Vậy bỏ điều ba, còn lại bốn điều thôi vẫn là một bà-la-môn chơn chính như thường!

- Hay lắm, chính xác lắm! Như Lai rất là đồng tình lối nghị luận ấy. Nhưng mà này, trong bốn đức tính kia, có thể bỏ bớt thêm một điều nào đó nữa, chỉ còn ba thôi, mà vẫn không là lạm xưng một bậc bà-la-môn chơn chính?

- Có thể được, thưa sa-môn Gotama! Bỏ chú thuật, tức là bỏ tất cả nội dung của điều thứ hai. Tại sao vậy? Tại tôi đã từng thấy rất nhiều vị thiên kinh, vạn quyển, lão thông rất nhiều môn học, lại giỏi về phúng tụng, chú thuật, lễ nghi... nhưng họ có đời sống sa đọa, thọ hưởng quá quắt năm món dục lạc từ đống tài sản cúng dường của những thí chủ thiện tâm. Đấy là bất chính, là thấp thỏi, là hạ liệt. Vậy, bỏ điều thứ hai đi, chỉ còn lại ba đức tính, vẫn thủ đắc là một bà-la-môn chơn chính như thường!

Đến ngang đây thì hội chúng gia chủ đi theo, họ xôn xao, bàn tán, có nhiều người thốt lên, giọng xen kẽ nhau:

- Vị tôn giả đáng kính của chúng ta đã bước vào tròng của sa-môn Gotama rồi!

- Chỉ một vài câu hỏi khôn ngoan, sa-môn Gotama đã như một nhà huyễn sư hoặc một nhà thôi miên đã làm cho tôn giả của chúng ta lú lẫn, mụ mẫm mất rồi!

- Ai đời lại tự bác bỏ kiến thức sư truyền của mình để công phá trực diện, tấn công từng điểm một trong 5 đức tánh tựu thành bà-la-môn từ ngàn xưa!

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, này các gia chủ! Bà-la-môn Soṇadaṇḍa đứng dậy, quắc mắt nhìn quanh một vòng - Nếu quý vị thấy tôi không đủ trí năng, kiến thức để hầu chuyện với sa-môn Gotama thì ai ở đây có đủ tư cách ấy, hãy bước ra, tôi xin sẵn sàng nhường vai trò đại diện cho vị ấy!

Thấy mọi người im lặng, tôn giả tiếp:

- Chư vị biết không, với cách hỏi lạ lùng như thế ấy, rồi chư vị sẽ thấy là sa-môn Gotama đã dùng lưỡi gươm tuệ sắc bén để chặt bỏ tất cả mọi lau lách, lùm bụi bao che bên ngoài, để phát lộ cho chúng ta thấy cái đức tính chân thật nhất, tối thượng nhất của mọi đức tính!

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Cứ tuần tự như thế thì trong ba điều còn lại, cái chúng ta cần lượt bỏ tiếp theo, chính là thọ sanh với cái huyết thống thanh tịnh bảy đời, có phải vậy không, trưởng lão Soṇadaṇḍa?

- Phải rồi, thọ sanh mà làm gì, lý lịch bảy đời thuần chất huyết thống mà làm gì! Chỉ cần một con người có đạo đức, có giới hạnh, hiền thiện, thông minh, sáng suốt, có trí tuệ xứng đáng là đệ nhất hay đệ nhị cầm muỗng đổ bơ trong các lễ tế thần, là xứng đáng được gọi là bà-la-môn chơn chính rồi!

Hội chúng lại la ó, phản đối:

- Hết rồi! Bà-la-môn trưởng lão của chúng ta đã khinh bác dung sắc, hảo tướng, khinh bác phúng tụng, chú thuật, lễ nghi, bây giờ lại khinh bác luôn cả thọ sanh nữa, thật sự, Soṇadaṇḍa đã làm quân cờ xung kích cho sa-môn Gotama rồi!

- Hai đức tính trước, phủ bác, còn nghe được; nhưng cái thọ sanh, cái huyết thống thanh tịnh bảy đời là phẩm chất đáng tự hào của dòng dõi bà-la-môn mà trưởng lão của chúng ta cũng phủ bác luôn thì còn đâu là bà-la-môn nữa mà gọi bà-la-môn, là bà-la-môn chơn chính?

Tôn giả Sāriputta đang đứng hầu một bên, muốn phụ giúp bà-la-môn Soṇadaṇḍa một vài lời, nên nói với hội chúng gia chủ:

- Xin lỗi, nếu chư vị nghĩ rằng bà-la-môn Soṇadaṇḍa không phải là bậc đa văn, không phải là nhà hùng biện, không phải là nhà bác học, không phải là nhà nghị luận có gang có thép để có thể nói chuyện với đức Tôn Sư của chúng tôi thì xin ngài Soṇadaṇḍa hãy đứng qua một bên và để chư vị đại diện làm người đối thoại? Bằng ngược lại thì xin chư vị giữ cho sự im lặng cần thiết, vì cuối buổi pháp thoại, chắc chắn chư vị sẽ thấy rõ sự thật, sẽ thâu hái được nhiều điều lợi ích.

Mọi người im lặng. Bà-la-môn Soṇadaṇḍa đứng dậy, nói:

- Rất cảm ơn bậc chưởng giáo, nhưng không cần thiết ngài phải tổn hơi. Để chính tôi, phải, cứ để tôi nói chuyện với hội chúng này bằng chánh pháp.

Rồi ông nhìn quanh một vòng, cất giọng trầm tĩnh:

- Thật ra, chư vị đã hiểu lầm khi bảo tôi phủ bác, khinh bác những đức tính kia rồi ngả theo quan điểm của sa-môn Gotama. Không, tôi chỉ ngả theo chánh pháp thôi.

Lúc ấy, bên cạnh ông, có người thanh niên bà-la-môn tên là Aṅgaka. Bà-la-môn Soṇadaṇḍa nắm tay chàng đứng dậy giới thiệu, rồi nói chuyện với mọi người:

- Đây là cháu, thanh niên Aṅgaka, con bà chị của tôi! Quý vị có thấy không, thanh niên Aṅgaka rất tuấn tú, đẹp trai, đệ nhất về dung sắc, khả ái về ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ; ở đâu cũng toát ra chất thanh cao, tao nhã. Dường như ai ở đây cũng không thể so sánh với y về dung sắc, có lẽ ngoại trừ sa-môn Gotama. Này các bạn, thanh niên Aṅgaka là nhà trì chú, phương thuật, thông hiểu ba tập Vệ-đà, chú giải cùng những kiến văn liên hệ. Aṅgaka còn là thiện sanh phụ và mẫu hệ, huyết thống thanh tịnh bảy đời. Chính tôi dạy cho nó và tôi biết rõ cha mẹ nó. Này các bạn, Aṅgaka ưu việt đấy chứ? Nhưng mà, nếu Aṅgaka sát sanh, giết hại các loài hữu tình, trộm cắp, lấy của không cho, đi tư thông, tà hạnh, tà vạy với vợ con người, nói dối, nói láo, uống rượu say sưa thì dung sắc kia để mà làm gì? Học thông hiểu rộng, phương thuật, chú thuật để làm gì? Huyết thống thanh tịnh để làm gì? Ba đức tính ấy có làm nên một con người tốt đẹp không, một bà-la-môn chơn chính không khi không có giới hạnh, đạo đức?

Hội chúng lại im lặng, dường như họ bắt đầu hiểu những lý lẽ, dẫn chứng của bà-la-môn Soṇadaṇḍa là chính xác. Có rất nhiều sự đồng tình:

- Quả thật vậy!

- Không có giới hạnh thì quả là con người bỏ đi!

- Ba đức tính kia dẫu là vàng ròng cũng không thể làm sang trọng được, che lấp được những hành động xấu xa!

- Cảm ơn chư vị đã hiểu! Bà-la-môn nói tiếp - Vậy, theo tôi, khi một bà-la-môn có giới hạnh, hiền thiện, đạo đức cao dày, mà vị ấy lại thông minh, sáng suốt, có trí tuệ, xứng đáng đệ nhất hay đệ nhị trong những người cầm muỗng, người như vậy, chỉ cần hội đủ hai đức tính ấy, thì đúng là một bà-la-môn chơn chính!

Đức Phật mỉm cười, hỏi tiếp:

- Thế trong hai đức tính còn lại ấy, có thể bỏ bớt một được không? Có thể bỏ bớt một đức tính mà vẫn được gọi là một bà-la-môn chơn chính?

- Không thể được, thưa sa-môn Gotama! Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh; giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Chúng liên hệ thiết cốt với nhau, cần thiết cho nhau như bàn tay này rửa bàn tay nọ, bàn chân này rửa bàn chân kia. Vậy, giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời, thưa sa-môn Gotama!

Đức Phật tán thán:

- Lành thay, này trưởng lão bà-la-môn! Chúng ta đã cùng dẫn nhau đến sự thấy biết chơn chánh, đến cái lõi, cái tinh yếu của mọi đức tính, ấy là giới hạnh và trí tuệ. Nhưng mà này, thưa trưởng lão, vậy thế nào là giới hạnh, thế nào là trí tuệ, ngài có biết không?

- Thưa, tôi chỉ biết có vậy. Cái biết của tôi về vấn đề ấy, ngang chỗ đó là tột bực. Lành thay, nếu sa-môn Gotama giải thông cho chúng tôi nghe rành rẽ về mọi ý nghĩa liên hệ.

Rồi, đức Thế Tôn với giọng phạm âm, tuần tự giảng nói cho bà-la-môn nghe về đời sống của một sa-môn từ khi cạo bỏ râu tóc, xuất gia, sống đời không gia đình, một bát, ba y xin ăn từ cửa mọi nhà không phân biệt giàu nghèo, sang hèn như thế nào. Ăn, mặc ngủ phải vừa đủ. Vị tỳ khưu ấy phải thọ trì những điều học, luật nghi như thế nào, giới nhỏ, giới lớn như thế nào. Rừng, cội cây, nghĩa địa, ngôi nhà trống, động vắng, miếu hoang... là chỗ ẩn cư lý tưởng để tu tập thiền định, các tầng thiền định từ thấp lên cao, từ thô đến tế. Khi nội tâm đã thuần tĩnh, đã nhất như, đã làm sạch tất cả mọi cáu bợn, vị ấy bước qua tu tập thiền quán, nhìn ngắm, quan sát, theo dõi, để nhìn đúng thực tướng của các pháp, vượt qua tất thảy mọi phạm trù ý niệm và khái niệm. Phải miên mật, tinh cần, công phu ngày đêm mới mong có được tuệ nhãn như thực tánh, có được trí tuệ tối hậu, chấm dứt tất cả khổ, giải thoát vô lượng ách phược đeo mang trên trần thế. Vậy này, trưởng lão bà-la-môn! Đấy là lộ trình giới, ấy là lộ trình định, ấy là lộ trình tuệ trong giáo pháp của bậc thánh; chỉ hiện hữu trong giáo hội của Như Lai, không có mặt ở đâu trên cõi đời này, trong các tôn giáo khác!

- Ôi, nhiêu khê đến vậy, sâu xa đến vậy, thưa sa-môn Gotama! Nhưng lộ trình ấy, trong giáo hội cao thượng này, có được mấy người đi đến nơi đến chốn?

- Đứng nói một, hai người, trăm người, mà phải nói là cả ngàn, cả hằng ngàn đệ tử của Như Lai, xuất gia và tại gia đạt được các quả vị và giải thoát tối hậu. Trong số họ, còn biết bao nhiêu là người chứng được thắng trí một thông, hai thông, ba thông, bốn thông, năm thông, đệ nhất biện tài, đệ nhất phân tích, đệ nhất đầu-đà, đệ nhất độc cư, đệ nhất trí tuệ, đệ nhất được chư thiên ái kính, đệ nhất ngôn ngữ, đệ nhất trì luật, đệ nhất thiền định... thật không kể xiết đâu!

Bà-la-môn nghe đến rợn ngợp nhưng lòng ông hoan hỷ, mát mẻ; ông thú nhận là mắt ông đã được sáng, đã được vén lớp mây mù... nên ông xin được quy y Tam Bảo, được làm một người thiện nam từ nay cho đến trọn đời.

Đức Phật biết được tâm địa nhu thuận, quy hướng của bà-la-môn Soṇadaṇḍa nên làm lễ quy y cho ông. Và sau đó, ngài im lặng nhận lời, cùng với đại chúng, ngày mai đến trang viên của ông để nhận sự đặt bát cúng dường của gia chủ.

Dịp này, sau khi thọ trai, đức Phật còn thuyết cho bà-la-môn một thời pháp nữa, nói về bổn phận của một gia chủ, bổn phận của một bậc trưởng giáo, bổn phận của một cư sĩ trong việc mưu cầu an lạc, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Ngài cũng giảng nói đến, tuần tự, thứ lớp những an lạc hạnh phúc cao hơn, các cảnh trời và sự thanh bình nội tâm của các tầng thiền định...

Trước khi tiễn đức Phật và tăng chúng ra về, ông bắc một chiếc ghế thấp, ngồi xuống một bên, chấp tay thành kính, tâm sự:

- Bạch đức Thế Tôn! Hiện giờ đệ tử là trưởng giáo, là bậc thầy của nhiều người; và miếng cơm, manh áo cũng được phát sanh từ đấy. Đệ tử đang sống trong thế giới cát bụi, phải đeo mang những hư vị, những danh vọng hão huyền, đành phải tuân thủ những quy ước của thế gian. Vậy, sau này, lúc nào, trong hội chúng, gặp đức Tôn Sư, đệ tử chấp tay vái chào, đấy là cái lễ thành kính của đệ tử. Lúc nào, gặp đức Tôn Sư, giữa hội chúng, đệ tử tháo khăn đầu, đấy là đệ tử đã kính lễ với cái đầu của đệ tử. Khi nào, giữa hội chúng, khi đệ tử đi trên xe, gặp đức Tôn Sư, đệ tử sẽ hạ cán roi xuống, đấy là sự kính lễ của đệ tử...

Đức Phật mỉm cười:

- Ừ, Như Lai sẽ giữ thể diện cho ông; danh tiếng ông mà bị tổn giảm thì mọi vinh quang liên hệ trên cuộc đời đều phải bị tổn giảm theo. Tuy nhiên, Như Lai hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, chính ông sẽ thấy rõ như thực rằng, tất thảy chúng đều là phù phiếm, thoáng qua, vô ngã, vô thường, như đốm nắng, như giọt sương, như giấc mộng đêm qua mà thôi vậy!

- Nhất định như thế rồi, bạch đức Tôn Sư!

- Khi nào thấy được các pháp hữu vi đều vô ngã thì ông sẽ rỗng không muôn sự, không có gì phải bảo vệ, không có gì để gìn giữ, này trưởng lão!

- Tri ân Thế Tôn!

Bà-la-môn Soṇadaṇḍa đăm đăm nhìn theo bóng đức Phật như nhìn theo một cái gì linh thiêng. Ông kính trọng, yêu thương những gót chân xuất thế xiết bao, nhưng chính ông lại chưa thể đi theo được. Đôi mắt ông chợt đọng long lanh hai giọt sương, nhìn cho kỹ, trong đó phản ảnh một bầu trời trong vắt!



(1)Xem thêm Soṇadaṇḍa Sutta.

(1)Trường bộ kinh, tập I, tr.204.






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 58394)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
22/07/2010(Xem: 13238)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
20/07/2010(Xem: 16920)
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi. Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày. Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống. Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh. Na
18/07/2010(Xem: 14031)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14463)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]