Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhà chùa trước vấn đề thời đại "Khổng giáo & phát triển"

09/04/201317:31(Xem: 3739)
Nhà chùa trước vấn đề thời đại "Khổng giáo & phát triển"

 

buddha-lotus-1NHÀ CHÙA TRƯỚC MỘT VẤN ĐỀ THỜI ĐẠI
“KHỔNG GIÁO VÀ PHÁT TRIỂN”

Cao Huy Thuần
Giáo sư đại học Amiens (Pháp)

---o0o---

đây chúng tôi không có ý định viết một bài thuần túy nghiên cứu. Tôi muốn đặt vấn đề và xác nhận lập trường về một bàn cãi có tính cách thời đại: xét lại mối tương quan giữa Khổng giáo và phát triển. Vấn đề này đã và đang gây sôi nổi trên thế giới cũng như trong giới nghiên cứu Hoa kiều và Việt kiều.

“Khổng giáo và phát triển”: đối với một Phật tử, cũng như đối với mọi người Việt Nam, vấn đề đặt ra như vậy đương nhiên sẽ... đặt ra vấn đề. Ít nhất là trong trường hợp Việt Nam, tại sao chỉ nói Khổng Giáo ? Văn hóa Việt Nam có phải là văn hóa Khổng giáo hay không ? Và như vậy, thay vì nói “Khổng giáo và phát triển”, tại sao không nói đúng hơn là “văn hóa và phát triển” ?

Tất nhiên, nhiều người đã thấy vấn đề như vậy và đặt ra vấn đề như vậy. Nhưng dù đặt vấn đề dưới hình thức đó đi nữa, nội dung vẫn là Khổng giáo. Tại Trung Quốc và tại bốn con rồng con, tình trạng là như vậy. Tại sao ? Đó là mục đích của bài này. Và do đó, bài này sẽ gồm hai phần:

-Phần thứ nhất sẽ giải thích tại sao tầm nhìn về vấn đề phát triển trên lĩnh vực văn hóa lại cứ quy vào Khổng giáo;

-Phần hai là thái độ của nhà chùa.

I.KHỔNG GIÁO VÀ PHÁT TRIỂN.

Tôi không cần phải dài dòng về ảnh hưởng của Weber trên phong trào nhìn lại Khổng giáo. Trong tác phẩm danh tiếng “Đạo đức Tin lành và bản chất của chủ nghĩa tư bản” xuất bản từ 1920, Max Weber đã cố gắng làm sáng tỏ tương quan giữa niềm tin của đạo Tin Lành và sự nảy nở của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Theo Weber, ân sủng của thượng đế mà kinh thánh rao giảng mang lại một “nỗi lo âu cứu rỗi” cho tín đồ, và biện pháp cụ thể duy nhất để tự trấn an rằng mình không bị gián đọa là chăm lo nuôi dưỡng suốt đời một hoạt động trên trần thế mà nếu thành công thì điều đó chứng tỏ rằng mình đã được thượng đế ân sủng. Niềm tin đó đã đem lại nền tảng đạo đức cho hoạt động kinh tế, và chính đó, chính niềm tin đó, chứ không phải sự săn đuổi lợi nhuận, là đặc điểm của chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, đạoTin lành, phái Calvin, khuyến khích một đời sống kỷ luật, chuyên cần, tinh tấn, cho nên làm dễ dàng tính tiết kiệm và việc dựng vốn để đầu tư, bí quyết của sự phát triển tư bản. Luận thuyết của Weber là dùng một yếu tố, yếu tố văn hóa, để giải thích một hiện tượng lịch sử. Cái độc đáo của Weber là ở đó, mà cái chỗ yếu của Weber cũng là ở đó: ở chỗ dồn tất cả giải thích vào một yếu tố ! Dồn tất cả quả vào một nhân, nói theo giọng nhà chùa.

Tôi tưởng cũng không cần phải nói nhiều về lập luận của ông Lý Quang Diệu vì ai cũng biết. Họ Lý cho rằng Á châu đã vỗ cánh bay lên là nhờ những giá trị truyền thống của mình: tình cảm gia đình, tính trọng kỷ luật, trật tự, dám hy sinh cho lý tưởng, không ngại gian khổ, quên mình vì người...Về luận thuyết của Lý Quang Diệu, tôi chỉ muốn nói một điều mà hình như ai cũng biết: họ Lý muốn dùng Khổng giáo để biện minh cho chế độ chính trị cứng rắng của nước ông, nghĩa là, nói chung, các nước Á châu đang phát triển vượt mức. Á châu và Âu châu đang xung khắc với nhau trên lãnh vực ý thức hệ:Âu châu thì muốn dùng hai chữ “dân chủ” và “nhân quyền” như ngọn đuốc soi sáng nhân loại; Á thì nhấn mạnh khả năng thành công, tính chất hiệu quả của một thể chế đưa dân tộc tiến cho kịp thế giới. Một bên nêu cao sứ mạng hoàn vũ; một bên bảo vệ tính cách đặc thù. Một bên tôn vinh con người như một cá nhân chủ thể, một bên đặt con người như một phần tử trong cộng đồng hài hòa. Trong mặt trận ý thức hệ đó, văn minh Khổng giáo không những cung cấp đầy đủ yếu tố lý thuyết mà có khả năng trả thù lịch sử. Á châu đã thua châu Âu ở thế kỷ trước, nhưng Á châu đang ở trên đà đi lên và Âu châu có triệu chứng đi xuống. Kẻ thua về súng đạn và kỹ thuật của ngày hôm qua không còn nằm dưới gót dày của kẻ thắng mà nhìn lên văn hóa của họ lồng lộng trên cao. Tôi bằng anh, cho nên tôi chẳng có gì ngại ngần nói rằng tôi khác anh. Cái khác đó, tôi đã có từ mấy ngàn năm, và đó là văn minh Khổng giáo. Trong cái trào lưu tìm về bản thể trên khắp thế giới ở cuối thế kỷ 20 này, các nhà chính trị Á châu vớ được ông Khổng như túng tiền trúng được vé số. Một chưởng ném ra, vừa tấn thủ, vừa chọi bên ngoài vừa trị bên trong.

Những điều vừa nói ai cũng biết, cho nên tôi để dành thì giờ nói qua chuyện khác, về một bối cảnh khác: bối cảnh Trung Quốc- con rồng lớn, không phải bốn chú rồng con.

Trước khi sự cố Thiên An Môn xảy ra, nhà nước có chính sách nghiên cứu lại Khổng giáo, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn với sự tham gia của nhiều học giả Hoa kiều trên thế giới, phục hồi chắt chiu hậu duệ của Khổng Tử, dấy lên một phong trào khai quật đồ cổ đáng chú ý. Học giả, trí thức,nhà nghiên cứu, giới đại học...tích cực tham gia phong trào, làm bùng lên một hiện tượng mà người phương tây gọi là “cơn sốt văn hóa”. Với tất cả nhiệt tình, trí thức Bắc kinh thọc mũi dao vào một vết thương vẫn còn rướm máu từ năm 1919. Giống như thời Ngũ tứ họ tự hỏi: Trung Quốc là gì ? Tây phương là gì ? Tại sao Trung Quốc cứ mãi là anh chàng Ả Q. ngớ ngẩn ? Phải chăng chỉ có tiến bộ về tư tưởng mới giúp Trung Quốc nắm được bí quyết thành công ? Nói một cách khác, trí thức Bắc Kinh thời 1989 tự xem mình như người nối dõi phong trào Ngũ tứ, với tham vọng đưa phong trào 1919 đến cái chỗ mà nó muốn đến nhưng chưa đến được. Tôi xin nói ngay rằng tôi đồng ý với trí thức Bắc Kinh về rất nhiều chỗ, nhưng chỗ đó thì tôi không đồng ý. Và tôi xin mượn lời một trí thức Bắc Kinh, một sử gia, để nhắc lại rằng văn hóa vốn có hai chiều sâu mà ai cũng phải thấy và nhận: chiều sâu dân tộc và chiều sâu lịch sử. Do đó “canh tân” không thể nào trùng nghĩa một cách đơn giản với “Tây phương hóa”. Ngũ tứ và Bắc Kinh giống nhau ở một chỗ: cả hai đều đặt vấn đề “Trung Quốc và Tây phương” bằng trái tim và giải quyết cũng bằng trái tim. Bằng sự thôi thúc của nhục nhã. Của uất ức. Trung Quốc chưa chắc đã dở lút cổ. Tây phương chưa chắc đã hay tràn hông. Văn hóa Trung Quốc, cũng giống như bất cứ văn hóa nào khác, đồng thời vừa là kho tàng vừa là gánh nặng. Kho tàng phải khai thác . Gánh nặng phải vứt đi. Đưa cái hay của Tây phương vào xã hội Trung Quốc, ai dám bảo dở ? Nhưng đưa tự do vào xã hội Á châu với hình tượng của một nữ thần quen thuộc Âu châu thì quyết chắc là nghèo nàn về tưởng tượng.

Nói cho đúng, đòi hỏi tây phương hóa chỉ là một khuynh hướng trong cơn sốt văn hóa Bắc Kinh, tuy rằng đó là khuynh hướng chủ động. Có hai khuynh hướng khác nữa. Một là khuynh hướng tuyên dương cái hiện có: hiện trạng Trung Quốc từ 1949 là một thành công lớn trong việc dung hòa ước vọng của Ngũ tứ với những đòi hỏi riêng biệt của xã hội Trung Quốc. Hai là khuynh hướng phục hồi vốn cổ mà các nhà nghiên cứu đã tạm gọi là “hậu Khổng giáo”. Trong cuộckhủng hoảng ý thức hệ mà Trung Quốc đã trải qua lúc đó, đây là khuynh hướng tìm lại những giá trị đặc thù của Trung Quốc được xem như có nguồn gốc Khổng giáo. Khuynh hướng này đã có từ thời Ngũ tứ và trong những năm 1930, nhưng phong trào “tân Khổng giáo” thời đó khác với khuynh hướng” hậu Khổng giáo” bây giờ ở một điểm chính: trước đây, đó là công trình của các triết gia, gắn bó với nếp sống hiền triết ngàn xưa; bây giờ, đó là khám phá của các “ý thức hệ gia” thực tiễn với mục đích lục lọi trong truyền thống Trung Quốc tìm những giá trị, những lý tưởng nào để có thể phát huy để đẩy mạnh kinh tế. Trong “cơn sốt văn hóa” nói chung của thời 1989, chính khuynh hướng này bị lây thêm “cơn sốt Weber”, nghĩa là cơn sốt làm đau đầu sổ mũi giới trí thức tại bốn con rồng con. Điều đáng nói thêm là khuynh hướng này nhảy từ lĩnh vực xã hội qua lĩnh vực chính trị một cách nhẹ nhàng với chủ trương “tân chuyên chế chủ nghĩa”, không phải trong mục đích bảo thủ như các nhóm thủ cựu từng đề xuất, mà trái lại, trong mục đích cải tổ kinh tế. Rút kinh nghiệm Đài Loan và Nam Triều Tiên, các trí thức trẻ chủ trương khuynh hướng này lập luận rằng trong những điều kiện nào đó, sự phát triển của một nền kinh tế tân tiến đòi hỏi phải tạm dời lại những cải tổ dân chủ. Để giải phóng kinh tế, một chính quyền mạnh là điều kiện cần thiết trong giai đoạn đầu. Cho nên phải phân biệt lĩnh vực kinh tế với lĩnh vực chính trị: phận sự của chính quyền là đập tan mọi hành vi chống lại canh tân nhưng đồng thời cũng bảo vệ sự tự do của thị trường và những quyền căn bản của công dân. Với mức sống và mức giáo dục dần dần tăng lên, những điều kiện để cải tổ chính trị sẽ dần dần ửng chín, tính cách chuyên chế sẽ dần dần nhường chỗ cho một chế độ dân chủ. Với cái nhìn như vậy, họ phân biệt bốn hệ thống chính trị: chính quyền cứng, kinh tế cứng (mô hình Staline); chính quyền mềm, kinh tế cứng (Aán độ); chính quyền cứng, kinh tế mềm (bốn con rồng); chính quyền mềm, kinh tế mềm (Tây phương).

Biết thế nào là cứng, biết thế nào là mềm! Cho khuynh hướng “hậu Khổng giáo” này gặp sự chống đối mãnh liệt của khuynh hướng theo Tây phương. Đối với khuyng hướng này, chuyên chế là chuyên chế, chẳng có tân hay cựu, và không phải ngày hôm nay mà đã mấy ngàn năm rồi, Trung Quốc đã thuộc lòng chủ thuyết “độc tài sáng suốt”. Nhưng khuynh hướng “hậu Khổng giáo” lại được sự yểm trợ của một số trí thức Hoa kiều ở khắp thế giới, nhất là ở Mỹ. Quen thuộc và hiểu biết tình trạng xã hội, triết lý, chính trị của Tây phương, những người này thổi vào “cơn sốt văn hóa” thời 1989 một khao khát mà nhiều trí thức ở các nước khác đều biết: khao khát đi đường tắt. Sự tân tiến của Tây phương (la modernité occidentale) đang gặp khủng hoảng và chủ nghĩa “hậu tân tiến” (post-modernisme) là biểu trưng cho sự hốt hoảng của người Tây phương. Vậy thì tại sao phải đi theo vết chân người Tây phương, tại sao không biết những giá trị nhân bản mà Khổng giáo có thừa và Tây phương đang thiếu? Tại sao không lấy con đường tắt dẫn thẳng từ tình trạng tiền tân tiến đến tình trạng hậu tân tiến, khỏi phải qua kinh nghiệm Tây phương ? Đối với trí thức Hoa kiều vừa nói, phong trài phục hồi những giá trị cũ là làn sóng thứ ba trong lịch sử canh tân văn hóa Trung Quốc. Làn sóng thứ nhất là phong trào ngũ tứ chống Khổng giáo; làn sóng thứ hai là cơn sốt văn hóa chống những gì kế thừa Khổng giáo nghĩa là chống mác xít; làn sóng thứ ba là chủ trương hậu Khổng giáo, Hoa kiều trên thế giới có nhiệm vụ thúc đẩy làn sóng này; họ không phải là ngoại vi nữa, họ là trung tâm trên mặt trận văn hóa. “Ngoại vi biến thành trung tâm” (the periphery as the center) là khẩu hiệu của họ. Và, trong định nghĩa “Trung Quốc là gì ? đặt ra từ thời Ngũ tứ, họ trở về với quan niệm, với lý tưởng đã có từ thời Xuân thu: Trung Quốc không phải là một khái niệm chính trị hoặc địa lý mà là một khái niệm văn hóa. “Người Trung Hoa mà không biết lễ nghĩa là giống man di; người man di mà biết lễ nghĩa là người Trung Hoa.

Tình trạng vấn đề là như vậy, thái độ của nhà chùa là thế nào ? Dưới đây là đề nghị.

II.THÁI ĐỘ CỦA NHÀ CHÙA.

1. Khởi từ luận thuyết của Weber, một thứ Weber rất giản lược, toát yếu, cuộc bàn cãi về Khổng giáo và phát triển thiếu tính cách khoa học và nghiêng hẳn về ý thức hệ. Cùng chống mác xít cả, ma øcó phe thì đả Khổng, có phe thì hưng Khổng: đả Khổng vì Khổng là gốc, là rễ của một chế độ tân trang, hao hao giống Tần Thủy Hoàng; hưng Khổng vì nơi Khổng có những giá trị nhân bản mà họ thấy thiếu trong chế độ hiện tại. Dù chống hay bênh, ai cũng phải nhận rằng xã hội Khổng giáo ở Trung Quốc có những đặc điểm khiến người có ý thức canh tân nhất cũng phải dẹp bớt lửa lòng. Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng đông không phải là toàn Trung Quốc. Cả một tỉ người hầu như không mấy quan tâm đến những biến chuyển bên ngoài, nói gì những triết thuyết xa xôi từ phương tây. Tôn Dật Tiên đã từng nếm vị đắng trong hoài bão canh tân của ông: dân số, địa lý, lịch sử, xã hội Trung Quốc đặt ra những vấn đề khó nuốt dù thực đơn của Lư Thoa với Mạnh Đức Tư Cưu hấp dẫn đến thế nào. Ngày xưa Quốc Dân Đảng, ngày nay Cộng Sản, đảng nào cũng phải đối phó với đe dọa nổ bung, nổ từ trong lòng xã hội và nổ từ xu hướng ly tâm giữa các hảo hán địa phương. Nói như vậy, tôi không có ý bênh vực chính sách hiện tại ở Trung Quốc. Ngược lại tôi nghĩ rằng chính những hiểm nguy đó đòi hỏi một ý muốn canh tân thực sự nếu Trung Quốc muốn phát triển theo đúng nghĩa chữ phát triển. Dù sao đi nữa, xã hội Khổng giáo- dù ở rồng lớn hay rồng con-có ba đặc điểm như thế này:

Một, trong mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, tính cách xã hội còn đặt nặng. Ai cũng biết, trong cách viết chữ “nhân” đã hiện hữu hai người: có ta và có người khác. Chúng ta sống bằng cách nhìn người khác chung quanh, từ gia đình đến đoàn thể, “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”. Dở hay hay ? Xã hội đè nặng quá trên cá nhân là dở. Nhưng cá nhân bất chấp xã hội có phải là hay ?

Hai, Cấu trúc xã hội còn dựa trên cấp bậc trên dưới với lễ nghĩa ràng buộc, chứ không phải trên những cá nhân bình đẳng và cùng đặt nhau như dưới một luật pháp vô tư.Người AÂu châu đến kinh doanh ở Trung Quốc hoặc Hồng Kông thường nói với nhau: người đối thoại với quý vị không phải là cá nhân mà là đoàn thể, dù cho sự kiện đó rất tinh tế, khó thấy. Xã hội rồng chưa phải là xã hội đồng nhất trong đó mọi cá nhân đều có quyền và bổn phận ngang nhau, dù cho điều đó nằm sờ sờ trong hiến pháp.

Ba, trong mối tương quan giữa chính quyền và công dân, bộ máy quan liêu, trong nghĩa tốt và nghĩa xấu, là điểm nổi bật trước mắt các nhà nghiên cứu từ thế kỷ trước, và bộ máy đó nằm chình ình trên xã hội từ mấy ngàn năm. Từ mấy ngàn năm người dân chỉ mong muốn một điều thôi, là bộ máy đó ít can thiệp vào đời sống chừng nào tốt chừng đó; xã hội chẳng quan tâm mấy đến việc chiếm chính quyền hay kiểm soát chính quyền. Một chính quyền tốt, theo quan niệm truyền thống, là một chính quyền nhẹ phơn phớt, để xã hội thoải mái tắm gội trong sinh hoạt kinh tế và gia đình: đó là mô hình Hồng Kông. Chính quyền mà can thiệp nhiều thì chỉ tổ gây nên phản ứng chống bộ máy quan liêu tiềm tàng trong xã hội: đó là kinh nghiệm xương máu trong lịch sử. Chỉ cần mất mùa, thuế nặng và một tay anh chị giơ nắm tay lên là xã hội ùa theo. Ngược lại, trước mắt xã hội, chính trị là việc của các ông quan có học, có hạnh, có thi cử, có đỗ đạt, nghĩa là có đào tạo về tri thức và đạo đức để trở thành quan và dân đen chẳng dại gì dính dáng đến việc quan mà làm mất trật tự. Dở hay hay, đáng bàn lắm. Nhưng du nhập mô hình Tây phương là làm thay đổi cả xã hội và cả văn hóa. Nói vậy, chứ từ năm 1898, và từ Tôn Dật Tiên, luôn luôn có một luồng tư tưởng đi theo hướng đó không hẳn là giở. Cái khó của Trung Quốc là hiện tượng 1 tỷ người với 20 trên 30 tỉnh lớn như một nước lớn. Chúng ta có cái khó đó không ?

“Khổng giáo và phát triển” : nếu cuộc bàn cãi thiên nặng về tranh chấp về ý thức hệ, tưởng chẳng nên bắt nhà chùa dính vào làm gì cho mệt tôi có đọc nhiều bài của các trí thức Phật tử ở Mỹ viết về “Phật giáo và phát triển”. Các trí thức quá yêu đạo nên cứ loay hoay biện minh rằng Phật giáo là không yếm thế, Phật giáo là thuận lợi cho phát triển. Biện minh làm gì cho mệt, hãy để cho ông Weber yên giấc ngàn năm. Việt Nam may mắn có một tôn giáo không giống một số tôn giáo lớ đã hoặc gây vấn đề cho xã hội. Nếu nói về bản chất thì Phật giáo không chống ai, nói gì chống phát triển. Người ta chống nó chứ nó không chống ai, nhất thiết là như vậy. Nhưng nó không phải là tiêu cực như có vị lãnh đạo tôn giáo đã phán. Bàn tới bàn lui về mấy chuyện yếm thế thì với tiêu cực này là rờ cái gót chân của Phật giáo: Phật giáo cao hơn thế nhiều lắm, cao vòi vọi.

2-Khó mà không dính tới hậu ý chính trị khi bàn về vấn đề Không giáo và phát triển. Nhưng ví thử- tôi nói: ví thử- cuộc bàn cãi chỉ có tính cách thuần túy văn hóa và khoa học, thì ta nghĩ sao ? Ta phải phân biệt hai lĩnh vực trong vấn đề bàn cãi, và nói chung là trong vấn đề văn hóa: lĩnh vực xã hội và lĩnh vực chính trị. Nói: “xã hội khổng giáo” là nói cho gọn, cho tiện, chứ ai mà chẳng biết rằng văn minh Trung Quốc và nhất là Việt Nam là có Khổng và có Phật ! Quý vị con trời ở thiên triều vốn rất tự tôn, nên khi có người viết về sự “chinh phục Trung Quốc của Phật giáo” thì họ đốp chát ngay bằng cách nhấn mạnh hiện tượng “Trung Hoa hóa Phật giáo”. Nhưng dù nói Phật giáo chinh phục Trung Quốc hay nói Trung Quốc trung Hoa Hóa Phật giáo thì hiện trạng vẫn là Phật giáo đã thấm nhuần mưa móc trên đất của họ Khổng. Còn Việt Nam thì khỏi nói: Khổng với Phật dung hòa trong nếp sống của dân gian như ai cũng biết, và mới đây, như ông Nguyễn Huệ Chi đã cắt nghĩa rõ ràng. Phật giáo đã thấm nhuần xã hội thì đương nhiên Phật giáo có trách nhiệm làm cho xã hội đó ngày mỗi tốt đẹp hơn. Ngày xưa, ngay trong những giai đoạn mà Phật giáo bị bức hại tàn nhẫn nhất tại Trung Quốc, các chính quyền Khổng giáo cực đoan cũng phải công nhận vai trò làm đẹp phong hóa, làm tốt xã hội của chùa. Ngày nay, ai chẳng biết: phát triển, không phải chỉ là phát triển kinh tế, mà còn xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo dức. Ai chẳng biết và chẳng thấy phát triển kinh tế có thể đưa đến những hậu quả khốc hại về mặt văn hóa, đạo đức, xã hội. Đó là chỗ Phật giáo đương nhiên có trách nhiệm tiêu cực-mô Phật- tích cực. Phật giáo làm tốt xã hội bằng cách nào ? Bằng cách tu. Tu như Phật dạy. Trong sạch, thanh thoát như sen. Giải thoát. Tây phương đi tìm ân huệ ở tận đâu đâu mà không biết rằng nó nằm nơi sự giải thoát. Ta biết vậy thì:

Như thế mà tu hành

Việc gì cũng thành tựu

Ở đâu cũng an lành

Ấy là chân hạnh phúc

(Kinh Mahâmangalassutta)

Hạnh phúc cho mình, và hạnh phúc cho cả xã hội. Để cho giới trí thức toát mồ hôi luận bàn hai chữ phát triển. Nhà chùa chỉ tu. Tu được, là có tất cả. Tu lếu, thì Phật giáo cũng chẳng còn, nói gì phát triển.

Vậy thì, câu hỏi: nhà chùa nghĩ gì về ảnh hưởng của phương tây trong lĩnh vực xã hội, nghĩ gì về chỗ hay chỗ giở, cũng trên lĩnh vực xã hội, trong xã hội tạm gọi là “hậu Khổng giáo”, nghĩ gì về cá nhân, nghĩ gì về gia đình, đoàn thể- nghĩa là, nói tóm lại, nghĩ gì về những chuyện của thế nhân xảy ra ngoài cổng tam quan ? Phải nhận rằng đạo Phật không phải là triết lý xã hội, và bởi vậy, từ lâu rồi, nhà chùa nghiêng mình, ngả mũ ni, nhường việc bàn luận thế sự cho giới nho sĩ. Cũng nên tiếp tục như vậy. Nhưng cái lẽ không mà có, có mà không, buộc nhà chùa phải biết vấn đề , thấy vấn đề, hiểu vấn đề. Do đó, một việc nghiên cứu là vô cùng cần thiết. Nghiên cứu để làm gì ? Tôi rất khó chịu, và khổ sở khi thấy một nhà Sư đưa tay “bông rua” một khác ngoại quốc. Nghiên cứu là vậy: là để biết rằng cung cách của người khác là bắt tay, ôm hôn, và cung cách của nhà chùa là chắp tay vái. Là để biết nét đẹp của ta, biết ta. Biết chung quanh ta sống thế nào để ta sống đẹp và làm đẹp chung quanh. Nghiên cứu chỉ có mục đích như vậy, xin đừng ai gán cho mưu đồ gì khác.

Đó là lĩnh vực xã hội. Còn về lĩnh vực chính trị, tôi chỉ xin nói một câu là đủ: tuyệt đối nhà chùa không đính vào chính trị. Đặc điểm của Phật giáo là ở đó. Hãy mãi mãi là như thế. Hãy mãi mãi là khác với các tôn giáo khác. Trong lĩnh vực này, hãy để cho ông Khổng chịu đòn.

Tôi đi tôi kết luận.

Một: về vấn đề phát triển, nhiều yếu tố khác nhau đã thúc đẩy phát triển nhanh trong một số nước Á châu, trong đó có yếu tố văn hóa, và trong yếu tố văn hóa đó, nhiều động cơ khác nhau đã góp gió thành bão, trong đó có động cơ quan trọng là tự hòa dân tộc. Không thể hiểu Trung Quốc nếu không hiểu nỗi nhục nhã bị Tây phương đè đầu hồi thế kỷ 19. Tất cả đã bắt đầu từ đó. Dù đúng hay sai, Á châu vẫn luôn luôn nghĩ rằng mình đã thua châu âu vì súng đạn và kỹ thuật, không hề thua về văn hóa

Không thể hiểu được Việt Nam nếu không hiểu được thách thức vượt “tụt hậu”. Chính điều này sẽ quyết định tất cả. Lòng tự hào về dân tộc, đó là động cơ phát triển. Tự hào đó do đâu mà có ? Gọi là những “giá trị hậu Khổng giáo” là túng chữ mà nói. Đúng hơn, phải nói rằng đó là tự hào về cái khác của ta. Dù đúng hay sai, trong đầu Á châu luôn luôn có ý nghĩ rằng Đông là Đông Tây là Tây. Chính cái đó làm Á châu là Á châu. Làm Á châu không phải Âu châu. Không phải Phi châu, không phải Mỹ châu. Bao giờ lòng tự hào về cái khác đó không còn nữa, thì Trung Quốc sẽ hết là Trung Quốc, Việt Nam sẽ hết Việt Nam, rồng rắn cõng nhu bay về chân mây cuối trời.

Hai ; thế nhưng, nghịch lý thay, văn hóa Tây phương đang tràn ngập Á châu, không phải thứ văn hóa tinh hoa của Âu châu, mà là văn hóa dỗm, văn hoa dổm, lắm khi biểu hiện cơn khủng hoảng mà Âu châu đang trải qua. Báo chí, phim ảnh, quảng cáo, cách ăn, cách mặc, cách nói năng , cách ứng xử: ào ào không sợ bằng nước ngấm, và nước châu Âu đang ngấm khắp Á châu. Phát triển kinh tế để đi đến đâu ? Đến chỗ khủng hoảng xã hội mà Tây phương đang nếm mùi chăng ? Đến chỗ đổ vỡ những giá trị tinh thần chăng ? Đến chỗ mất luôn cả linh hồn.

Cho nên phát triển kinh tế luôn đi đôi với những suy nghĩ, tìm tòi, thực hiện, phát huy những gì đã làm ta là ta, đã tiếp nối ta với ngàn xưa, và sẽ làm ta vững chắc, tự tin, đi mãi trên con đường bất tận. Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay là vì đã dám nói “ta” với thực dân. Hãy tìm tòi suy nghĩ để nói “ta” trước tất cả những khuynh hướng đang làm tha hóa xã hội Việt Nam trên con đường phát triển. Một cái “ta” biết dung hóa, nhưng đích thực. Suy nghĩ, tìm tòi đó đòi hỏi sự góp sức của mọi trí óc.

Ba: Dương Không Lộ thời Lý một mình leo núi, đứng chót vót trên đỉnh mây xanh mà “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”. Gióng lên một tiếng làm lạnh xương sống trời đất. Đó cũng là tiếng “ta” mà Phật giáo đã gióng lên suốt lịch sử. Hãy tiếp tục như vậy.

Bốn: cho nên, đối với người Phật tử, vấn đề được đặt ngược lại. Nói làm gì “Phật giáo và phát triển !” Hãy nói “Phát triển và Phật giáo”. Muốn phát triển cần Phật giáo. Phật giáo mang đất mang màu mỡ, mang dưỡng khí, mang ánh sáng, mang nắng mưa, mang quá khứ mang hiện tại, mang tương lai, mang tất cả gia tài trân trọng trao cho người nào biết gieo giống và biết nghĩ đến mùa màng của ngày mai trong chớp mắt, mà ngày mai dài hơn bốn ngàn năm của ngày hôm qua.


---o0o---

Vi tính: Nguyệt Cung Diệu Thanh
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/11/2020(Xem: 9127)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 24349)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
05/04/2020(Xem: 13435)
Luận Đại Thừa Trăm Pháp do Bồ tát Thế Thân (TK IV TL) tạo nêu rõ tám thức tâm vương hàm Tâm Ý Thức thuộc ngành tâm lý – Duy Thức Học và là một tông phái: Duy Thức Tông - thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Tâm Ý Thức như trở thành một đề tài lớn, quan trọng, bàn cải bất tận lâu nay trong giới Phật học thuộc tâm lý học. Bồ Tát Thế Thântạo luận, lập Du Già Hành Tông ở Ấn Độ, và sau 3 thế kỷ pháp sư Huyền Trang du học sang Ấn Độ học tông này với Ngài Giới Hiền tại đại học Na Lan Đà (Ấn Độ) năm 626 Tây Lịch. Sau khi trở về nước (TH) Huyền Trang lập Duy Thức Tông và truyền thừa cho Khuy Cơ (632-682) xiển dương giáo nghĩa lưu truyền hậu thế.
30/03/2020(Xem: 10864)
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)
23/03/2020(Xem: 12150)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
01/03/2020(Xem: 13682)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
29/02/2020(Xem: 4918)
Trong xã hội văn minh, hiện đại ngày nay, con người đã đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật cao, điều đó cho phép con người lý giải được nhiều hiện tượng tự nhiên mà trước đây chưa thể giải thích được. Điều đó cũng khiến cho con người cho rằng mình đã chế ngự được tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục tùng và vì thế con người cũng làm nhiều việc trái với tự nhiên, khai thác, bóc lột tự nhiên một cách thái quá làm ảnh hưởng, tác động đến chính cuộc sống của mình.
06/01/2020(Xem: 12970)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
04/01/2020(Xem: 8429)
Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình trên mạng Thư Viện Hoa Sen hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
04/01/2020(Xem: 9448)
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền: " Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?' Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo). _’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’ _ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’. _ ‘Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?’ _ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’. Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...." Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]