Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Q

21/11/201204:55(Xem: 2410)
Q

TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC

Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

Q

Quả địa: tức quả vị, là địa vị đạt được do công phu tu nhân. Nếu tu Bồ-tát thừa thì quả địa là Diệu-giác, hay Phật quả; nếu tu Duyên-giác thừa thì quả địa là Bích-chi Phật; nếu tu Thanh-văn thừa thì quả địa là A-la-hán v.v...

Quả đức: tức là công đức của quả vị chứng đạt được do sự tu tập; như quả vị niết bàn có bốn đức là thường, lạc, ngã và tịnh. Từ này cũng dùng để chỉ cho công đức vô lượng của quả vị Phật.

Quả pháp. Pháp bảo (trong Tam Bảo) được chia làn bốn pháp: giáo pháp, lí pháp, hành pháp, và quả pháp; gọi là “bốn pháp bảo” (tứ pháp bảo). “Giáo pháp” là những lời dạy của chư Phật ba đời; “lí pháp” là nghĩa lí được giảng giải từ giáo pháp; “hành pháp” là y theo lí pháp mà tu hành các pháp môn giới, định, tuệ, v.v... để gây nhân; “quả pháp” là chứng quả niết bàn tịch tịnh khi đã tu nhân viên mãn. Chư Phật ba đời y theo bốn pháp này mà tu hành, đoạn sạch phiền não, chứng quả vô thượng bồ đề. Chư Phật cũng dùng bốn pháp này để dắt dẫn chúng sinh tu hành, thoát li sinh tử, đến bờ giải thoát. Vậy, những quả vị mà hành giả tu chứng như A-la-hán, Bích-chi Phật, Thập-tín, Thập-trụ, v.v... đều là quả pháp.

Quả quyết định và quả không quyết định. Theo định luật Nhân Quả, hễ tạo Nhân thì phải nhận Quả. Nhưng nhân quả là một qui luật tự nhiên rất sinh động và phức tạp, không đơn giản như chúng ta thường nói “trồng dưa được dưa; trồng đậu được đậu”. Mà ngay như trong cái đơn giản “trồng dưa được dưa” ấy, cũng vẫn là một quá trình nhân quả phức tạp, chứ không đơn giản tí nào. Đâu phải chỉ cần gieo nhân là chắc chắn có kết quả? Mà từ lúc gieo nhân còn phải có bao nhiêu trợ duyên, duyên thuận, duyên nghịch, duyên tăng, duyên giảm, bao nhiêu biến đổi..., cho tới lúc thọ quả; thậm chí, có thể có quả mà cũng có thể không có quả, hoặc lúc gieo nhân thì cái nhân rất tốt, nhưng đến lúc có quả thì cái quả lại rất xấu, v.v... vô cùng phức tạp! Bởi vậy, khi gieo nhân mà chắc chắn có quả, thì cái quả ấy được gọi là “quyết định quả” (quả quyết định); và khi gieo nhân mà kết quả không chắc chắn đến, thì cái kết quả ấy được gọi là “bất quyết định quả” (quả không quyết định). Chữ “quyết định” có nghĩa là nhất định, chắc chắn phải như vậy, không thể thay đổi; “bất quyết định” có nghĩa là không nhất định, không chắc chắn phải như vậy, có thể thay đổi. Những nghiệp nhân (thiện hay ác) chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo (lạc hay khổ) nhất định, gọi là “định nghiệp”; những nghiệp nhân không chắc chắn sẽ chiêu cảm quả báo gọi là “bất định nghiệp”.
Theo Du Già Sư Địa Luận giải thích, định nghiệp tức là trọng nghiệp (nghiệp nặng). Nghiệp nặng (thiện hay ác) thì chắc chắn phải nhận quả báo (lạc hay khổ), gọi là “quyết định quả”; nghiệp nhẹ thì không chắc chắn nhận quả báo, gọi là “bất quyết định quả”. Có ba loại nghiệp được gọi là nghiệp nặng:
1) Các loại phiền não độc dữ (tham, sân, si, v.v...) làm động cơ tạo nghiệp ác; hoặc do thiện tâm mạnh mẽ thúc đẩy tạo nghiệp thiện: đó là nghiệp nặng.
2) Một hành động (thiện hay ác) được làm thường xuyên, không dừng lại, quyết tâm thực hiện cho bằng được: đó là nghiệp nặng.
3) Đối tượng tạo nghiệp thuộc loại “công đức điền” (ruộng công đức) như Tam Bảo và cha mẹ, nếu tôn kính cúng dường là nghiệp thiện, nếu xúc phạm là nghiệp ác; cả hai loại nghiệp đều nặng.
Ba loại nghiệp nặng này đều là “định nghiệp”, và chắc chắn sẽ chiêu cảm kết quả, gọi là “quyết định quả”. Trái lại là nghiệp nhẹ, gọi là “bất định nghiệp”, không chắc chắn sẽ chiêu cảm kết quả, gọi là “bất quyết định quả”. Lại nữa, theo đại sư Trạm Nhiên (711-782), trong tác phẩm Pháp Hoa Văn Cú Kí, thì “định nghiệp cũng có thể chuyển đổi”! Theo thuyết này, định nghiệp tất phải thọ quả báo, định nghiệp mà ác thì tất phải chịu quả báo đau khổ; nhưng nếu chúng sinh cảm nhận được công đức sâu dày của chư Phật và Bồ-tát, chuyên tâm niệm Phật, lòng không do dự hồ nghi, phát nguyện tu hành tinh tấn, thì ác báo trong đời này và cả ở đời sau, nhờ thần lực chư Phật và Bồ-tát mà định nghiệp được chuyển đổi, sẽ không bị quả báo khổ đau, mà còn chứng được đạo quả.

Quan huyện cấm sát sinh (truyền thuyết Trung-quốc). Phan huyện lệnh ra luật cấm nhân dân không được bắt cá ở sông hồ. Ai phạm sẽ bị tội. Về sau, khi ông nghỉ việc, dưới nước vang lên tiếng kêu khóc rất lớn. Người nghe đều lấy làm lạ.

Quan trai giới. Chữ “quan” nghĩa là đóng; ở đây có nghĩa là đóng các cánh cửa giác quan lại, bớt tiếp xúc với các trần cảnh, để ngăn chận phiền não, tội lỗi, gây ra bởi trần cảnh. Chữ “giới” tức là giới luật, có công năng phòng hộ thân khẩu ý, không để chạy theo trần cảnh mà gây các nghiệp xấu. Chữ “trai”, nghĩa rộng là làm cho thân tâm thanh tịnh; nghĩa hẹp là ăn đúng giờ ngọ. “Quan trai giới” tức là một loại giới pháp (gồm có tám giới điều) được lập ra để giúp cho người cư sĩ tại gia có cơ hội sống 24 giờ (một ngày đêm) trong chùa, theo nếp sống li dục, thanh tịnh của người xuất gia.
Chữ “TRAI” ở đây cũng cần được nói thêm. “Trai”, chữ Phạn là “uposadha”, dịch âm chữ Hán là “bố-tát”, nguyên là một phép tế lễ của Ấn-độ thời cổ. Cứ mỗi 15 ngày thì các đạo sĩ nhóm họp một lần, mỗi người tự mình sám hối tội lỗi, để cho thân tâm thanh tịnh. Trong ngày ấy họ hoàn toàn nhịn ăn. Đến thời đại của Phật, các phái ngoại đạo, như Ni Kiền Tử, vẫn giữ phép tế lễ đó. Đức Phật thấy tập tục đó cũng giúp ích cho việc tu hành, nên cho phép tăng đoàn áp dụng; đó là nguyên ủy của lễ “bố tát”. Theo đó thì thấy, chữ “trai”, ý nghĩa nguyên thỉ là làm cho thanh tịnh; nhưng dần dần về sau nó biến nghĩa thành ra là ăn đúng giờ ngọ, hay không ăn quá giờ ngọ. Gìn giữ phép tắc ăn đúng ngọ này thì gọi là “trì trai”. Thức ăn dùng trong thời gian “trì trai”, gọi là “trai thực” (tiếng Việt nói là “ăn chay”). Ngoài ra, vật thực cúng dường chúng tăng trong các pháp hội, cũng được gọi là “trai” (đồ chay); và loại pháp hội như vậy, được gọi là “trai hội” (hội chay). Vào các thời kì Phật giáo Nguyên thỉ và Phật giáo Bộ phái, từ “ĂN CHAY” được đặc biệt chỉ cho giờ ăn, tức là bữa ăn vào giữa ngày, hay giờ ngọ; ăn sau giờ ngọ là không đúng pháp, tức không phải ăn chay. Đến thời kì Phật giáo Phát triển (đại thừa), lòng từ bi được đề cao trong tinh thần giữ giới, thì sự ăn chay không chú trọng vào giờ ăn nữa, mà chú trọng vào chất thể của thức ăn; vì vậy, ĂN CHAY có nghĩa là chỉ ăn các loại thực vật (rau đậu), mà không ăn thịt các loài động vật (thịt cá). Truyền thống ăn chay này vẫn được hành trì nghiêm túc ở các nước Phật giáo Phát triển, như Trung-quốc, Việt-nam, Nhật-bản, Đại-hàn, v.v..., và ngày nay thì lan tràn cả các quốc gia Âu, Mĩ, Úc; riêng Phật giáo Tây-tạng (cũng theo truyền thống Phật giáo Phát triển), vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, việc ăn chay này vẫn không được đặt thành vấn đề. Nói chung, cho đến hôm nay, những người theo truyền thống Phật giáo Nguyên thỉ (Phật giáo Nam truyền), thì “ăn chay” chỉ có nghĩa là ăn đúng giờ ngọ (không chú trọng đến thức ăn là rau đậu hay thịt cá), sau giờ ngọ không được phép ăn; cho nên, nếu vì lí do gì đó mà giờ ngọ không ăn được, thì phải chịu nhịn đói cho đến giờ ngọ ngày hôm sau. Trong khi đó, những người theo truyền thống Phật giáo Phát triển (Phật giáo Bắc truyền – ngoại trừ Phật giáo Tây-tạng) thì “ăn chay” có nghĩa là chỉ ăn các loại rau đậu (các loài thực vật), không ăn thịt các loài động vật; còn giờ ăn thì có thể du di, nếu do hoàn cảnh bắt buộc mà không ăn đúng giờ ngọ được, thì cũng có thể ăn sau giờ ngọ. Hành trì phép ăn chay như vậy, gọi là “trì trai”; đáng lẽ nên ăn chay mà lại bỏ ngang, gọi là “phá trai”. Đã ăn chay thì tất giữ giới, cho nên trong Phật giáo có thuật ngữ “trai giới”. Mục đích của sự hành trì “trai giới” là làm cho thân tâm được thanh tịnh, để tiến tu đạo nghiệp. Hành trì trai giới là sự phát nguyện lớn lao của người Phật tử. Đã phát nguyện mà không hành trì, thì bị coi là “phá trai phạm giới”, thiện căn sẽ mất hết.

Quán (tì-bát-xá-na - vipasyana): nghĩa là dùng trí tuệ để quán sát các sự lí. Khi tâm đã đình chỉ (chỉ) mọi suy nghĩ để chỉ chuyên chú vào một sự lí, hành giả hãy dùng trí tuệ để quán sát (quán) sự lí ấy.

Quán đảnh. “Quán đảnh” nghĩa là dùng nước rưới trên đầu; đó là một nghi lễ được tổ chức trang trọng để thăng tiến một người (đã được chọn lựa) lên một địa vị nhất định; hay nói chính xác hơn, quán đảnh là lễ “rưới nước”, một nghi thức quan trọng của Mật giáo, trong đó, một vị a-xà-lê sẽ “truyền thọ” cho một Phật tử để người này trở thành một tín đồ chính thức của Mật giáo. Thật ra, lễ quán đảnh đã từng được dùng ở triều đình các vua chúa Ấn-độ thời cổ, tiếng Phạn gọi là “abhisekha”. Nghi thức này là phần quan trọng nhất trong lễ đăng quang của vua và lễ lập thái tử. Khi cử hành nghi thức này, một vị đạo sĩ Bà-la-môn danh tiếng, đạo cao đức trọng – thường là vị quốc sư của triều đình – sẽ dùng nước lấy từ bốn biển, rưới lên đầu vua hay thái tử để chúc phúc; đối với vua thì có ý nghĩa rằng, kể từ lúc ấy, ông đã được công nhận là vị chúa tể của cả thần dân; đối với vị thái tử thì có ý nghĩa rằng, kể từ lúc ấy, ông đã được công nhận là người thừa kế chính thức để sẽ trở thành vị chúa tể của thần dân. Tương tự như thế, trong Mật giáo, người tín đồ khi thọ nhận lễ quán đảnh, cũng được thừa nhận sẽ trở thành một vị chủ tể của một thế giới tâm linh, tức là một đức Phật. Trong lễ quán đảnh này, vị a-xà-lê dùng nước từ năm bình (tượng trưng cho năm trí của Phật) rưới lên đầu của đệ tử, biểu thị ý nghĩa rằng, đó là người thừa kế địa vị Phật-đà.
Do vì có nhiều nghi thức khác nhau với ý nghĩa khác nhau mà lễ quán đảnh trong Mật giáo cũng có nhiều loại khác nhau; nhưng ba loại sau đây được xem là chủ yếu:
1. Kết duyên quán đảnh: tức lễ quán đảnh được tổ chức rộng rãi cho mọi người, nhằm kết mối duyên lành với Mật giáo, trước khi trở thành tín đồ chính thức. Trong lễ này, mỗi người tham dự (bất luận tăng tục hay căn cơ cao thấp) đều được bịt kín mặt bằng một mảnh lụa, cầm một bông hoa ném trên đồ hình mạn-đà-la. Bông hoa ấy rớt xuống trúng vào hình đức Phật hay Bồ-tát nào, tức là mình có duyên lành với đức Phật hay Bồ-tát ấy, và lấy đức Phật hay Bồ-tát ấy làm vị “Bổn Tôn” của mình. Lúc đó, vị a-xà-lê (tức thọ giới sư) xướng danh hiệu đức Phật hay Bồ-tát ấy, dùng nước trong bình rảy lên đầu ba lần, rồi truyền cho một loại “ấn quyết” và một câu thần chú để thọ trì.
2. Đệ tử quán đảnh: tức lễ quán đảnh chỉ được tổ chức cho người Phật tử đã trải qua lễ “kết duyên quán đảnh”, đã có vị “Bổn Tôn” của mình, và đã được truyền cho ấn, chú. Người Phật tử này (bất luận tăng tục), như vậy là đã có tâm thành muốn tu học theo Mật giáo, cho nên sau lễ quán đảnh này, người đó sẽ được vị a-xà-lê chính thức công nhận là đệ tử của Mật giáo, và được truyền dạy cho giáo pháp bí mật của Mật giáo. Chưa được công nhận là đệ tử chính thức mà học tập Mật giáo là phạm trọng tội – giống như tội nghe trộm chư tăng bố tát.
3. A-xà-lê quán đảnh: cũng gọi là truyền pháp quán đảnh, tức lễ quán đảnh được tổ chức để trao chức a-xà-lê cho một hành giả Mật giáo. Đây là lễ quán đảnh cao cấp nhất trong Mật giáo. Vị hành giả Mật giáo, sau một thời gian dài tu tập tinh cần Mật pháp, công đức cao dầy, trong lễ quán đảnh này, sẽ chính thức tiếp nhận địa vị a-xà-lê, tức được công nhận là người có đầy đủ tư cách của một vị đạo sư truyền pháp.

Quán Đảnh (561-632): là vị cao tăng đời Tùy. Ngài họ Ngô, tự là Pháp Vân, người huyện Chương-an (Lâm-hải), tỉnh Triết-giang, cho nên người đời thường gọi ngài là Chương An đại sư. Năm lên 7 tuổi, ngài xuất gia với đại sư Tuệ Chửng ở chùa Nhiếp-tĩnh, 20 tuổi thọ giới cụ túc. Sau khi đại sư Tuệ Chửng viên tịch, ngài vào núi Thiên-thai yết kiến đại sư Trí Khải ở chùa Tu-thiền, tu tập theo pháp môn giáo quán của tông Thiên Thai. Từ đó ngài luôn theo hầu cận đại sư Trí Khải. Năm 597 (triều đại nhà Tùy) đại sư Trí Khải viên tịch, ngài phụng thừa sự nghiệp của Thầy. Vào những năm cuối đời, ngài trú tại tinh xá Xứng-tâm ở Cối-kê, chuyên giảng thuyết Kinh Pháp Hoa. Năm 72 tuổi ngài viên tịch, thụy hiệu là Tổng Trì tôn giả. Ngài là người có trí hiểu biết và biện tài tuyệt luân, có năng lực lãnh thọ và gìn giữ tất cả di giáo của đại sư Trí Khải, như Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma Ha Chỉ Quán v.v... Ngài đã thu tập, ghi chép lại tất cả các trước thuật của đại sư Trí Khải, làm thành nhiều bộ sách, lớn nhỏ gồm hơn trăm quyển, lưu truyền ở đời. Tất cả các tác phẩm của đại sư Trí Khải còn lưu hành cho đến ngày nay là hoàn toàn nhờ vào công sức của ngài. Ngài được hậu thế tôn xưng là tổ thứ năm của tông Thiên Thai Trung-quốc. Trước tác của ngài hiện còn gồm có: Đại Bát Niết Bàn Kinh Huyền Nghĩa, Đại Bát Niết Bàn Kinh Sớ, Quán Tâm Luận Sớ, Thiên Thai Bát Giáo Đại Ý, Tùy Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Biệt Truyện, Quốc Thanh Bách Lục; ngoài ra còn có hai tác phẩm đã bị thất truyền: Nhân Vương Kinh Tư Kí và Nhân Vương Kinh Sớ.

Quán niệm tướng chung các lãnh vực (tổng tướng niệm xứ - tổng tướng niệm trú). Hành giả tu tập phép quán “bốn lãnh vực quán niệm” (tứ niệm xứ quán), khi đã thành công ở giai đoạn “quán niệm riêng từng lãnh vực” (biệt tướng niệm xứ – xem mục “Quán Niệm Tướng Riêng Từng Lãnh Vực”), thì chuyển sang giai đoạn kế tiếp, cao hơn, là “quán niệm chung các lãnh vực”. Ở giai đoạn này, hành giả mỗi khi quán niệm về một lãnh vực, thì cùng lúc cũng quán niệm cả ba lãnh vực kia. Khi quán niệm “thân thể là không sạch sẽ”, cùng lúc cũng quán niệm thân thể là đau khổ, là vô thường, là vô ngã; hoặc quán niệm cả thân thể, cảm thọ, tâm ý, và vạn pháp đều là không sạch sẽ. Khi quán niệm “cảm thọ là đau khổ”, cùng lúc cũng quán niệm cảm thọ là không sạch sẽ, là vô thường, là vô ngã; hoặc quán niệm cả cảm thọ, thân thể, tâm ý, và vạn pháp đều là đau khổ. Khi quán niệm “tâm ý là vô thường”, cùng lúc cũng quán niệm tâm ý là không sạch sẽ, là khổ đau, là vô ngã; hoặc quán niệm cả tâm ý, thân thể, cảm thọ, và vạn pháp đều là vô thường. Khi quán niệm “vạn pháp là vô ngã”, cùng lúc cũng quán niệm vạn pháp là không sạch sẽ, là khổ đau, là vô thường; hoặc quán niệm cả vạn pháp, thân thể, cảm thọ và tâm ý đều là vô ngã.

Quán niệm tướng riêng từng lãnh vực (biệt tướng niệm xứ - biệt tướng niệm trú). Khi tu tập phép quán “bốn lãnh vực quán niệm” (tứ niệm xứ quán), hành giả mỗi lần chỉ quán niệm về một lãnh vực (như: thân thể là không sạch sẽ, hay: cảm thọ là đau khổ, v.v...); khi đã quán niệm thành công về lãnh vực ấy thì chuyển sang lãnh vực kế tiếp, như thế gọi là quán niệm tướng riêng từng lãnh vực.

Quán trí: tức là chánh trí quán chiếu thấy rõ chân tướng của vạn pháp.

Quán tưởng: là tập trung tâm niệm vào một đối tượng, nhằm diệt trừ vọng niệm. Ở trong pháp môn tu Tịnh Độ, quán tưởng là một trong bốn cách niệm Phật, gọi là “quán tưởng niệm Phật”; tức là nhất tâm quán tưởng thân tướng tốt đẹp viên mãn của đức Phật A Di Đà. Cho đến khi quán tưởng thuần thục thì chánh định hiện tiền.

Quán tượng: tức là chiêm ngưỡng hình tượng chư Phật và Bồ-tát. Ở trong pháp môn tu Tịnh Độ, quán tượng là một trong bốn cách niệm Phật, gọi là “quán tượng niệm Phật”, tức là, mắt chiêm ngưỡng hình tượng của Phật A Di Đà, miệng xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì tâm không tán loạn, bản tính Di Đà từ đó mà hiển hiện. Cứ như thế, niệm niệm không gián đoạn, tâm ý thuần nhất, không có gì xen lộn.

Quảng bản: tức “quảng luật”, là một thuật ngữ trong Luật học. Trong Luật tạng có những sách chỉ ghi các điều cấm giới mà tăng chúng (tì kheo, tì kheo ni v.v...) phải thọ trì, những sách ấy được gọi là “GIỚI BẢN” (pratimoksa, dịch âm là ba-la-đề-mộc-xoa). Tương truyền, ở Trung-quốc, trong khoảng những năm 249-254 đời Tào-Ngụy (thời Tam-quốc), ngài Đàm Kha Ca La đã dịch cuốn Tăng Kì Giới Tâm; và đó là quyển luật đầu tiên thuộc loại giới bản được dịch ở Trung-quốc. Kế tiếp, vào đời Diêu-Tần (thời Đông-Tấn liệt-quốc), hai ngài Đàm Ma Trì và Trúc Phật Niệm đã dịch chung cuốn Thập Tụng Tì Kheo Giới Bản; nhưng cả hai quyển đó đều đã bị thất truyền. Các cuốn giới bản hiện đang lưu hành gồm có: Thập Tụng Tì Kheo Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản (Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu-Tần); Tứ Phần Tăng Giới Bản, Tứ Phần Luật Tì Kheo Giới Bản, Tứ Phần Tì Kheo Ni Giới Bản (Phật Đà Da Xá dịch vào thời Diêu-Tần); Thập Tụng Tì Kheo Ni Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bản (Pháp Dĩnh vựng tập vào thời Lưu-Tống); v.v...
Đối lại với loại “giới bản” là loại “QUẢNG LUẬT”, hay “QUẢNG BẢN”, là những bộ luật mà nội dung minh thị một cách tường tận, đầy đủ về luật nghi, tức các qui củ sinh hoạt của tăng đoàn, về trường hợp và nguyên do Phật chế các giới điều, về các hình thức xử phạt khi có sự vi phạm các điều giới, v.v... Trong tạng Luật Hán dịch, hiện lưu hành 5 bộ quảng bản: Tứ Phần Luật (60 quyển, Phật Đà Da Xá dịch vào thời Diêu-Tần), Thập Tụng Luật (61 quyển, Phất Nhã Đa La dịch vào thời Diêu-Tần), Ma Ha Tăng Kì Luật (40 quyển, Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông-Tấn), Ngũ Phần Luật (30 quyển, Phật Đà Thập dịch vào thời Lưu-Tống), và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật (50 quyển, Nghĩa Tịnh dịch vào thời Đường); và đương nhiên, trong các quảng bản đều có bao hàm phần giới bản.

Quảng Ngạch. Phẩm “Phạm Hạnh” trong Kinh Đại Bát Niết Bàn có ghi: Nước Ba-la-nại có người đồ tể tên Quảng Ngạch, mỗi ngày giết cả trăm, cả ngàn con dê. Một hôm ông gặp tôn giả Xá Lợi Phất, được tôn giả giáo hóa, thọ giới bát quan trai một ngày đêm; sau khi chết được sinh lên cõi trời, làm con trai của thiên vương Tì Sa Môn. Sách Tục Truyền Đăng Lục, q. 28, mục “Đông Sơn Giác Thiền Sư” cũng chép: Quảng Ngạch chính là một tên giết người không gớm tay; nhưng khi đã ném con dao đồ tể xuống thì lập tức thành Phật.

Que cứt khô (càn thỉ quyết 乾屎橛). Đời Đường, thiền sư Tuyên Giám (782-865) ở thiền viện Đức-sơn, Lãng-châu, một hôm lên giảng đường nói: “Ta ở nơi đây, Phật cũng không, pháp cũng không, Đạt Ma là lão mọi hôi hám, Bồ-tát Mười-địa là kẻ gánh phân, Đẳng-giác và Diệu-giác là phàm phu phá giới, bồ đề niết bàn là cây cột buộc lừa, mười hai phần giáo là sổ ghi tên người chết, là giấy lau ghẻ, Phật là lão mọi chùi nhà xí.” Mặt khác, có vị tăng hỏi thiền sư Văn Yển (864-946) ở núi Vân-môn, Thiều-châu rằng: “Phật là thế nào?” Sư đáp: “Que cứt khô.” Sư cũng từng nói: “Thích Ca lúc mới sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, đi quanh bảy bước, mắt ngó bốn phương, nói rằng trên trời dưới trời chỉ riêng ta là tôn quí nhất, lão tăng này lúc đó nếu thấy, một bổng đánh chết đem cho chó ăn, may ra thiên hạ thái bình.” Những lời trên đều nhằm thức tỉnh người đời: phàm hễ có hình tướng thì đều là hư vọng; dù là kinh điển, tượng Phật, hoặc thánh, hoặc hiền, đã rơi vào hình tích thì đều thuộc trong vòng sinh diệt, hoàn toàn không phải là đạo như thật chân thường.

Qui Sơn Linh Hựu (771-853): là vị Sơ-tổ của tông Qui Ngưỡng, một trong “năm nhà bảy tông” của Thiền tông Trung-quốc. Ngài họ Triệu, pháp danh Linh Hựu, quê ở huyện Hà-phố, tỉnh Phúc-kiến; xuất gia từ lúc15 tuổi. Sau khi thọ đại giới, ngài đi các nơi cầu học với nhiều bậc cao đức, đến năm 23 tuổi thì đến Giang-tây tham yết thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, trở thành vị đệ tử thượng thủ và kế thừa pháp hệ của Bách Trượng. Khoảng năm 50 tuổi, ngài lên ở núi Qui-sơn tại Đàm-châu (tỉnh Hồ-nam), dân chúng trong vùng cảm mộ cao đức của ngài, bèn cùng nhau đóng góp xây chùa, được vua ban sắc đặt tên là chùa Đồng-khánh. Từ đó chùa trở thành một đạo tràng nổi tiếng, tứ chúng vân tập tu học đông đảo, cả các quan trong triều đình cũng thường đến hỏi đạo. Trong thời gian xảy ra pháp nạn Hội-xương (841-846), ngài ẩn lánh trong đám dân thương buôn. Khi Phật giáo được phục hoạt (từ năm 847), đồ chúng lại thỉnh ngài trở về chùa cũ. Ngài cư trú ở núi Qui-sơn cả thảy 40 năm, được người đời xưng là Qui Sơn Linh Hựu. Ngài thị tịch vào năm 853 (dưới triều vua Đường Tuyên-tông), thế thọ 83 tuổi, thụy hiệu là Đại Viên thiền sư.

Quốc độ dơ nhớp (uế độ): chỉ cho thế giới Ta-bà của chúng ta. Kinh A Di Đà nói thế giới Ta-bà này có 5 thứ dơ nhớp (ngũ trược) là: kiếp dơ nhớp (kiếp trược), thấy biết dơ nhớp (kiến trược), phiền não dơ nhớp (phiền não trược), chúng sinh dơ nhớp (chúng sinh trược), và đời sống dơ nhớp (mạng trược). Chữ “dơ nhớp” (uế, trược) ở đây không nằm trong ý nghĩa dơ sạch thường dùng như tay chân dơ nhớp, áo quần dơ dáy, bàn ghế đầy bụi dơ, v.v..., mà có nghĩa là xấu xa (trong cả ba nghiệp thân, khẩu, ý), đầy dẫy dục vọng, tà kiến, sai lầm, ác độc, oán thù, phiền muộn, đau khổ, tội lỗi, v.v...

Quyền - thật. “Quyền” và “thật” là hai thuật ngữ Phật học đối nhau. “Quyền” nghĩa là phương tiện chỉ dùng trong nhất thời, tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh, từng đối tượng mà nói năng, hành động, xử sự cho được thích nghi, không cứ phải chấp nê theo một khuôn thức cứng ngắc, nhất định nào cả. “Thật” nghĩa là chân thật, chắc chắn, rốt ráo cùng cực, vĩnh viễn không thay đổi. Từ hai thuật ngữ đối nhau này, trong Phật học đã phát sinh ra nhiều thuật ngữ liên hệ, như: quyền giáo, thật giáo; quyền trí, thật trí; quyền quả, thật quả; v.v...
- Quyền giáo và thật giáo. Tất cả lời dạy của Phật đều là chân thật, do từ kim khẩu của Phật nói ra, nhưng tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, tùy căn cơ của thính chúng mà trong những lời dạy ấy có khi Ngài nói thẳng, chỉ rõ những điều nội chứng của Ngài; như trong các kinh Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Ngài đã nói thẳng cho mọi người biết, tất cả chúng sinh đều vốn sẵn có Phật tánh, tất cả chúng sinh trước sau đều thành Phật. Đó là lời dạy chắc chắn, chân thật, rốt ráo cùng cực, không thay đổi được, cho nên gọi là “thật giáo”. Nhưng, loại giáo lí này đức Phật chỉ nói trước một thính chúng có căn cơ cao siêu, thuần thục, còn những hạng người căn cơ từ bậc trung trở xuống thì không thể tiếp nhận được; vì vậy, đối với những hạng người này, Ngài phải dùng loại giáo lí phương tiện để tùy nghi hướng dẫn, giúp cho họ thăng tiến dần lên từng cấp một, đó gọi là “quyền giáo”. Điển hình của loại giáo lí này là toàn bộ kinh A Hàm.
- Quyền trí và thật trí. Quyền trí cũng gọi là phương tiện trí, tức là trí tuệ hiểu biết được các pháp thuộc ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát); thật trí, hay như thật, chân thật trí, là trí tuệ siêu việt, hiểu biết các pháp chân thật nhất thừa (Phật thừa).
- Quyền quả và thật quả. Các quả vị của các hàng Thanh-văn (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán), Duyên-giác (Bích-chi Phật), cho đến cả Thập-địa và Đẳng-giác Bồ-tát, đều là quyền quả; chỉ có Phật quả mới là thật quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/09/2010(Xem: 3653)
Từ ngữ đối chiếu Anh-Việt hoặc Phạn âm trong Kinh Pháp Hoa - Tác giả: Vũ Hữu Đệ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567