- Lời Giới Thiệu Của Làng Đậu
- Lời tựa cúa Dịch Giả
- Giới Thiệu
- Chuyển Pháp Luân Lần Thứ Nhất
- Lần Chuyển Pháp Luân Thứ Hai
- Lần Chuyển Pháp Luân Thứ Ba
- Những Giải Thích Khác Nhau Về Vô Ngã
- Bốn Pháp Ấn
- Dẫn Nhập Về Các Mật Điển
- Bốn Lớp Mật Thừa
- Truyền Năng Lực Tu Tập
- Chuẩn Bị cho Sự Gia Trì Năng Lực
- Trì Giữ Thệ Nguyện
- Nữ Giới Và Đạo Phật
- Những Đạo Pháp Của Tu Tập Mật Thừa – Mật thừa Hành Động
- Tầm Quan Trọng Của Việc Thực Chứng Tính Không
- Hiện Thực Hóa Tâm Thức Của Phật Quả
- Diệu Lạc Và Tính Không
- Chết, Trạng Thái Trung Ấm Và Tái Sinh
- Chân Ngôn
VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
Nguyên tác: A Survey Of The Paths Of Tibetan Buddhism
Tác giả: His Holiness Tenzin Gyatso 14th Dalai Lama of Tibet
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 19/06/2010
Làng Đậu hiệu đính
LỜI GIỚI THIỆU
Bài giảng Tổng Quan Về Những Con Đường Của Phật Giáo Tây Tạng, được đức Dalai Lama truyền dạy vào năm 1988 tại Luân-đôn, thủ đô nước Anh, nhằm giúp cho các Phật tử và các thiện tri thức có thêm một tầm nhìn rõ ràng và đầy đủ hơn về giáo pháp Mật thừa và các phương tiện tu học chính yếu của nó mà đạo hữu Tuệ Uyển, đã hoan hỉ vượt qua nhiều khó khăn về ngôn từ, chuyển dịch sang Việt ngữ nhằm cống hiến cho quý độc giả tài liệu vô cùng quan trọng này.
Tuy là một bài tổng quan, nội dung được đưa vào thật sâu sắc và bao quát trong hầu hết các lãnh vực từ các vấn đề chung về giai trình tu tập, về các truyền thừa, các hệ kinh điển mật điển quan trọng, các hình thức thực hành, tu tập, sự phân lớp bên trong các truyền thừa và mật điển cũng như những phần không thể thiếu về đặc điểm của một bậc đạo sư và phẩm chất của người học trò khi tu học cho đến những vấn đề tinh tế nhạy cảm như vai trò của nữ tu và vấn đề dùng tính dục làm phương tiện.
Với nội dung uyên bác phong phú như vậy, người đọc lần lượt tiếp nhận các tri kiến tương đối cụ thể mà qua đó có thể tự biết rằng căn cơ mình thích hợp đến mức độ nào và nếu quyết định tu tập Mật tông thì những đòi hỏi nào mà một hành giả muốn đi trên con đường Mật tông cần có, cần biết, cần tu tập, cũng như điều kiện hầu như tất yếu tìm đến một vị thầy giác ngộ để có thể thực hành tinh tấn vững vàng.
Về cách trình bày, chúng tôi đã cố gắng hết sức dùng ngôn ngữ thông thường và bình dân nhất ngỏ hầu giúp người sơ cơ dể nắm bắt hơn. Ngoài ra, để giúp độc giả có thêm phương tiện tra cứu và đào sâu hơn kiến thức liên quan, chúng tôi đã hết sức nổ lực tìm tòi và đưa vào phần chú dẫn bao gồm các giải thích ngắn gọn và các nguồn tài liệu chính đáng tin cậy về Mật tông có thể tìm kiếm được bằng Anh ngữ hay Việt ngữ.
Về cách dịch các thuật ngữ chuyên môn, để giữ được mức chính xác, chúng tôi đã hết sức kiểm tra lại các thuật ngữ này qua việc tra cứu nghĩa trực tiếp các từ nguyên gốc Phạn hay Tạng của chúng nếu khả dĩ. Tản mạn trong bài dịch, nhiều từ vựng Việt ngữ được dùng trong sách này như là tương đương thì chúng tôi để vào dấu ngoặc [ ], để tiện sau đó dùng lại và xem là các từ cùng nghĩa. Các dấu ngoặc [ ] này đôi khi cũng được dùng cho các giải thích ngắn gọn. Các chữ La-tinh có gốc Phạn thường được đưa vào trong các ngoặc đơn ( ) nhằm tiện lợi cho việc tra cứu xa hơn qua phương tiện của máy vi tính bằng thủ thuật “cut” và “past” vào trong các “search engine” [máy truy tìm dữ liệu] như Google chẳng hạn.
Cuối cùng vì sức hiểu biết có hạn chúng tôi hết sức trân trọng cảm tạ mọi chỉ giáo của các bậc thiện tri thức và xin nhận về các lỗi lầm nếu có của bản dịch này. Xin chân thành cảm tạ sự hỗ trợ của ngài Rajiv Mehrotra thư ký danh dự và quản trị viên của tổ chức Foundation For Universal Responsibility of HH The Dalai Lama đã cho phép chúng tôi chuyển dịch tài liệu này. Mọi công đức xin hồi hướng lên đức Dalai Lama và tất cả chúng sinh hữu tình. Đương nguyện cho toàn thể chúng sinh sớm an lạc giải thoát.
Nam-mô chư Tam Bảo
Ngày 11 tháng 11 năm 2010, Phật tử Làng Đậu kính bút.