Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20.Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi

15/03/201405:31(Xem: 22576)
20.Chậu Nước Bẩn, Thau Nước Sạch Và Cái Vòi Voi

Mot cuoc doi bia 02
Chậu Nước Bẩn,
Thau Nước Sạch
Và Cái Vòi Voi






Hôm ấy, đức Phật thư thả dẫn Rāhula đi trì bình khất thực, ngài cẩn thận dặn dò chú sa-di cách đi, cách đứng, cách ôm bát đứng bên ngoài cửa nhà người; và nên nói lời phúc chúc như thế nào đối với thí chủ.

Chỉ một đỗi đường, thấy Rāhula có vẻ rất thuần thục; lúc dừng chân nơi một cội cây để nghỉ nắng, đức Phật hỏi:

- Khi đi bát như thế, tâm con đặt ở đâu?

Rāhula nói như trả bài:

- Đặt chánh niệm trước mặt, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy là cứ nhìn trước mặt mà đi?

- Dạ thưa vâng!

Đức Phật dừng lại một chút rồi cùng bước song song với Rāhula:

- Thế lỡ có viên đá dưới chân thì sao, có thấy viên đá ấy không?

- Dạ thấy chứ!

- Vậy khi thấy viên đá dưới chân - thì không còn chánh niệm trước mặt nữa hay sao?

Thấy Rāhula có vẻ lúng túng, đức Phật mỉm cười nói:

- Con hãy chú tâm nghe cho kỹ đây: Khi định thì chánh niệm, an trú tâm một chỗ, một nơi, một đề mục; ví dụ hơi thở, ví dụ các kasiṇa. Khi tuệ thì hằng tỉnh thức, sáng suốt trong ngoài. Khi trong định có tuệ - thì không những tâm được an trú mà còn quan sát được cả mọi duyên khởi. Khi trong tuệ có định - thì luôn tỉnh thức, sáng suốt - và không có một pháp trần nào lay động tâm vị ấy! Con có nắm được bốn trường hợp ấy không, Rāhula?

- Dạ, tuy hơi rắc rối nhưng đệ tử thuộc rồi!

- Ừ, nó rắc rối thật, lại khó hiểu nữa! Chỉ cần thuộc thôi! Nhưng câu hỏi này thì cũng không dễ dàng: Vậy khi đi bát như thế này, chúng ta nên sử dụng trường hợp nào trong bốn trường hợp ấy?

Rāhula suy nghĩ một chút:

- Dạ thưa, dùng cái “trong tuệ có định”!

- Ừ, đúng! Đức Phật cười vui, rồi nói - tuy nhiên, giả dụ Như Lai vẫn chú tâm trong từng bước đi, nhưng Như Lai vẫn quan sát được mọi sự xảy ra xung quanh thì sao?

- Thưa, trong trường hợp này thì có phải dùng cái “trong định có tuệ”?

- Khá lắm, này Rāhula! Tuy nhiên, con phải học hỏi thêm điều này nữa: Khi đi trì bình khất thực như thế này, nếu trong giai đoạn ta đang tu tập thiền quán thì phải nên sử dụng trường hợp tuệ có định để cho tuệ quán chiếu được tiếp diễn liên tục; nếu trong giai đoạn ta đang tu tập thiền định thì nên sử dụng định có tuệ để cho tâm an trú được dính khít liên tục, con có hiểu không?

Nội dung giáo pháp trong cuộc đối thoại này rất cao siêu - chỉ dành cho những sa môn lâu năm trong tu tập; nhưng với cách giảng giải cụ thể và cô đọng như thế, giảng đi giảng lại nhiều lần - đức Phật đã trang bị cho Rāhula một sở học căn bản nhất, những tinh yếu cốt lõi nhất.

Buổi trưa, đức Phật ghé khu vườn Ambalatthika - có khá nhiều tỳ-khưu tá túc ở đây - để độ thực và nghỉ trưa. Chư tăng tìm đến đảnh lễ, thăm hỏi, ngồi xuống một bên... Đức Phật giáo giới sách tấn vài lời rồi ngài bảo là cần có thời gian với Rāhula.

Khi mọi người ra về hết, sa-di Rāhula nhanh nhẹn bưng vào một chậu nước cho ngài rửa chân, rồi đứng hầu một bên.

Xong, nhìn chậu nước bẩn, đức Phật nói:

- Nước bẩn này có còn dùng được không, Rāhula?

- Thưa, chẳng dùng được nữa!

- Cũng vậy, đây là một bài học để chiêm nghiệm, để giác ngộ: Con người mà có tâm bẩn cũng y như thế, chẳng dùng được nữa! Đổ đi thôi!

Nói xong, đức Phật đổ nước trong chậu, còn chừa một ít:

- Còn một chút ít nước bẩn, thế nào, Rāhula - có dùng được không?

- Cũng không được, dù một ít.

- Cũng vậy, này Rāhula - đây cũng là bài học để chiêm nghiệm, để giác ngộ: Cái tâm của con người, dẫu chỉ bẩn một ít cũng không dùng được.

Đức Phật nhìn chú bé, dịu dàng nói tiếp:

- Cái gì làm cho tâm chúng sanh trở nên dơ bẩn, Rāhula có biết không?

- Thưa, kẻ ác hạnh, ác giới, kẻ không có năm giới - bạch đức Thế Tôn.

- Đúng vậy - Đức Phật gật đầu - vậy trong năm giới ấy, con thấy khó nhất là giới nào, giới nào là khó giữ nhất?

- Thưa, giới nào con cũng giữ được, riêng giới nói dối, vọng ngữ thì...

Đức Phật mỉm cười:

- Thỉnh thoảng con bị lủng, bị rách giới ấy phải không, Rāhula?

Chú sa-di đỏ mặt, lúng túng một hồi rồi bẽn lẽn gật đầu.

Đức Phật lấy ngón tay trỏ gõ nhè nhẹ vào đầu chú bé:

- Vậy là tâm con bẩn rồi. Dẫu nói dối một ít cũng bẩn rồi; cái đầu này có thấy ra điều đó không, Rāhula?

- Dạ, cái đầu của đệ tử hiểu rõ rồi ạ!

Đức Phật đổ hết nước trong chậu. Nhìn cái chậu không, đức Phật nói, có vẻ hỏi bâng quơ:

- Nhìn cái chậu không này, chẳng biết nó có dạy cho ta bài học nào nữa không đây?

- Dạ, có chứ! Rāhula mau mắn đáp - Nước bẩn không dùng được - thì cái chậu đựng nước bẩn ấy cũng phải cọ rửa cho sạch...

- Ừ, con lại nói đúng nữa! Vậy, đây là bài học tiếp theo: Không những chỉ nói dối, mà cái tâm đựng cái bẩn ấy như biếng nhác, ngủ ngày, ham chơi, ăn nhiều...cũng phải được cọ rửa kỹ càng cho sạch sẽ mới dùng được, mới trở thành người tốt được.

- Dạ, đệ tử hiểu.

- Còn có bài học nào nữa nơi cái chậu không ấy không, Rāhula?

Thấy Rāhula nhăn trán, đức Phật gợi ý:

- Khi chỉ một người ngu, một người vô tích sự, một người mà trong óc không có gì - chỉ biết ăn cho đầy bụng, ngủ li bì xác thân, thích khoái kiếm tìm ngũ dục - ngôn ngữ bình dân xứ này chế nhạo họ là “kẻ rỗng không, người rỗng không” - này Rāhula!

- Đệ tử hiểu rồi! Một người mà không biết kiếm tìm, tích lũy một thiện pháp nào, không chịu khó học hỏi những điều hay, tốt - thì sẽ bị người đời cười chê là “kẻ rỗng không” như thế.

Đức Phật khen giỏi, giỏi - rồi ngài lật úp cái chậu lại:

- Nếu cái chậu úp lại - thì ta sẽ học được bài học gì?

- Thưa, cái chậu lật úp thì không dùng nữa, bên trong tối tăm - đấy là bài học!

- Chính xác! Đức Phật tiếp lời - khi con người mà quá xấu xa, quá dơ bẩn, quá nhiều ác giới, ác hạnh, cứng đầu, ngu si, tà kiến... thì cái tâm ấy cũng bị lật úp rồi, không dùng được nữa; không có ánh sáng trí tuệ nào có thể lọt vào đấy được; chúng sẽ sống mãi trong cõi tối tăm ấy! Vậy, con đừng làm cái chậu lật úp nhé, Rāhula?

Rāhula lạnh toát cả người, chú lắp bắp:

- Dạ... đệ tử sẽ cố gắng... cố gắng... nhiều hơn nữa...

Sau khi tịnh chỉ, vừa mở mắt, đức Phật thấy bên cạnh đã có một thau nước trong vắt và một chiếc khăn trắng. Chú bé sa-di còn đang ngồi thiền bên cạnh. Hình ảnh ấy đẹp quá, đức Phật hoan hỷ ngắm nhìn mãi. Đúng là một tiểu thiên thần.

Đợi Rāhula xả thiền, đức Phật chỉ vào thau đựng nước:

- Cái thau đồng ở đâu mà trông cao sang và quý trọng quá vậy?

- Của hoàng gia dâng cúng cho chư tăng, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật gật đầu rồi tấm tắc:

- Nước cũng trong quá nhỉ? Chắc có giếng nước tốt?

- Dạ, giếng có mạch đá nên trong, ngọt và mát lạnh. Thánh y Jīvaka dâng cúng và khuyên chư tăng nên lưu tâm đến chuyện nước uống...

Đức Phật chuyển mạch câu chuyện:

- Cái thau sạch, quý - lại đựng nước trong, ngọt, mát lạnh - ai trông cũng thích mắt, cũng muốn uống, phải vậy không Rāhula?

- Dạ phải!

- Cũng vậy, khi tâm ta sạch và quý, rồi đựng bên trong những đức tính, những phẩm hạnh trong, lành, mát - thì ai cũng mến, cũng trọng; ai cũng hoan hỷ, ai cũng muốn thân cận, kể cả chư thiên và loài người.

Rāhula chăm chú lắng nghe bài học quý giá.

Đức Phật chỉ tay vào thau nước:

- Hãy quan sát thau nước, này Rāhula!

- Dạ!

- Thau nước ấy không những “trong” mà còn “lặng” nữa, có phải thế không? Tâm trí ta cũng vậy, trí trong nên ta mới sáng suốt, tâm lặng nên cáu bợn mới lặn chìm tận đáy. Trí trong là tuệ, tâm lặng là định. Từ cái thau nước mà ta cũng rút ra được bài học về định tuệ đấy, Rāhula!

- Dạ, thật hay quá là hay!

- Còn nữa, Rāhula! Cũng nhờ trong và lặng ấy, ta còn soi mặt được đấy! Con hãy soi mặt thử xem!

Khi Rāhula soi mặt, đức Phật nói thoảng bên tai:

- Thấy rõ cả từng sợi tóc, lông mi, có phải thế không?

- Dạ!

- Cũng vậy, khi có định và tuệ rồi, ta có thể thường trực soi chiếu nội tâm; và có thể thấy rõ cả những lăn tăn, li ti, cáu bợn phiền não. Vậy, cái xấu, cái bẩn nào trong tâm cũng thấy rõ được cả, phải vậy không, Rāhula?

- Quả là thế, bạch đức Thế Tôn!

Buổi chiều, lúc mát trời, đức Phật và Rāhula trở về Trúc Lâm. Trên đường đi, họ gặp một đoàn voi. Con nào con nấy to lớn, hùng dũng, với những bước đi đĩnh đạc, oai nghiêm. Chúng đi trật tự, giữ khoảng cách đều đặn, thẳng hàng, thẳng lớp, không nhìn ngược, không nhìn xiên... Trên đầu voi, từng viên nài trang bị quân phục chiến sĩ, tay cầm búa khiển voi lấp lánh sáng. Thoáng nhìn, đức Phật biết đấy là đoàn binh chiến tượng đã được huấn luyện kỹ càng, có nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành, đôi khi còn để làm chiến sĩ tiên phong xung trận.

Bước tránh vào một công viên, đức Phật hỏi Rāhula:

- Khi ra chiến trận, những chú voi chiến sĩ này - sử dụng cái gì mà chiến đấu, con có biết không?

- Thưa, có lẽ là cái vòi - vì đệ tử thấy chúng ăn mía bằng vòi, hút nước, giỡn nước bằng vòi - mà nhổ cây, quật gốc, bẻ cành cũng bằng vòi...

- Đúng vậy! Thế nhỡ cái vòi bị thương tích thì sao?

- Thưa, bị thương là hỏng, là phải vào bệnh viện thú của hoàng gia để chữa trị.

- Vậy nó phải biết bảo vệ cái vòi của mình, chính là bảo vệ mạng sống của mình, phải vậy không?

- Dạ đúng vậy!

- Này Rāhula! Khi lâm trận, những chú voi chiến sĩ của chúng ta sử dụng tất cả mọi vũ khí tự thân có được. Nó dùng vòi, dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng ngà, dùng đầu và dùng cả đuôi. Tất cả vũ khí tự thân ấy, cái nào bị thương, bị tật cũng được - nhưng cái vòi thì đừng để bị thương. Tại sao vậy? Vì ăn, vì uống, vì thở đều ở nơi cái vòi cả. Cái vòi mà “tử thương” - thì coi như con voi bị tước đoạt mạng sống. Vậy, với giá nào, con voi cũng phải bảo vệ cẩn mật cái vòi của mình.

- Vậy, hỏng vòi là hỏng tất cả!

- Đúng vậy! Khi lâm trận, con voi sẵn sàng hứng chịu hằng trăm, hằng ngàn lằn tên, ngọn giáo - cho dẫu cái đầu, cái đuôi, cái tai, cái lưng, cái bụng... có bị thương mà cái vòi chưa bị thương - thì con voi kia vẫn còn là một chiến sĩ còn có khả năng kiên cường và dũng mãnh được. Nhưng nếu cái vòi mà bị thương là coi như bỏ. Cũng vậy, một tỳ-khưu trong giáo pháp của Như Lai, sống giữa cuộc đời khi còn hệ lụy bởi cái ăn, cái mặc, cái ở, cái ngủ nghỉ... thì cũng phải hứng chịu hằng trăm, hằng ngàn lời chê bai, sỉ nhục, vu khống, mạ lỵ, đàm tiếu, cạnh khóe, xoi móc... lẫn ác tâm, ác ý, nhiều cạm bẫy, gai chông không lường được của thế gian. Tuy nhiên, tỳ-khưu ấy, cho dẫu cái bụng có bị thương vì thiếu vật thực; cái da có bị thương vì y áo không đủ ấm; cái lưng có bị thương vì nằm đất, nằm cây; cái tai có bị thương vì ác ngôn, sàm ngôn của kẻ thế; cái chân cái tay có bị thương vì ốm o gầy mòn; cái mặt có bị thương vì nắng mưa sương gió... nhưng mà cái tâm chưa bị thươnglà chưa sao cả. Cái gì cũng bị thương, nhưng cái tâm mà chưa bị thương thì tỳ-khưu ấy vẫn tồn tại - tồn tại dõng mãnh - trong giáo pháp của Như Lai. Còn cái tâm mà bị thương rồi - thì coi chừng, cái mạng sống phạm hạnh của vị ấy sẽ không còn nữa! Vậy, nếu con voi biết bảo trọng cái vòi của nó như thế nào, thì con cũng phải biết bảo trọng cái tâm của mình như thế ấy, này Rāhula!

Bài học này, quả thật là thấm thía tận ruột gan. Sa-di Rāhula nghĩ rằng, ai mà đã nghe rồi, một lần, thì suốt đời cũng không thể quên được câu chuyện về cái chậu nước bẩn, cái thau nước trong và cái vòi voi này!

- Ôi! Cái tâm! Rāhula lẩm bẩm - không thấy mày ở đâu mà cái gì, ở đâu, vui khổ gì cũng bởi mày mà ra cả!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
23/07/2021(Xem: 11788)
Giữa tương quan sinh diệt và biển đổi của muôn trùng đối lưu sự sống, những giá trị tinh anh của chân lý bất diệt từ sự tỉnh thức tuyệt đối vẫn cứ thế, trơ gan cùng tuế nguyệt và vững chãi trước bao nổi trôi của thế sự. Bản thể tồn tại của chân lý tuyệt đối vẫn thế, sừng sững bất động dẫu cho người đời có tiếp nhận một cách nồng nhiệt, trung thành hay bị rũ bỏ, vùi dập một cách ngu muội và thô thiển bởi các luận điểm sai lệch chối bỏ sự tồn tại của tâm thức con người. Sự vĩnh cửu ấy phát xuất từ trí tuệ vô lậu và tồn tại chính bởi mục đích tối hậu là mang lại hạnh phúc chân thật cho nhân loại, giúp con người vượt thoát xiềng xích trói buộc của khổ đau. Tuỳ từng giai đoạn của nhân loại, có những giai đoạn, những tinh hoa ấy được tiếp cận một cách mộc mạc, dung dị và thuần khiết nhất; có thời kỳ những nét đẹp ấy được nâng lên ở những khía cạnh khác nhau; nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm giải quyết những khó khăn hiện hữu trong đời sống con người và xã hội.
07/05/2021(Xem: 16514)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 12490)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
04/11/2020(Xem: 7771)
Những chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn: Các chúng sanh thuộc hàng Thanh Văn được chứng ngộ khi nghe được những học thuyết về các Uẩn, Giới, Xứ, nhưng lại không đặc biệt lưu tâm đến lý nhân quả. Họ giải thoát được sự trói buộc của các phiền não nhưng vẫn chưa đoạn diệt được tập khí của mình. Họ đạt được sự thể chứng Niết-Bàn, và an trú trong trạng thái ấy, họ tuyên bố rằng họ đã chấm dứt sự hiện hữu, đạt được đời sống Phạm hạnh, tất cả những gì cần phải làm đã được làm, họ sẽ không còn tái sinh nữa. Những vị nầy đã đạt được Tuệ kiến về sự Phi hiện hữu của “Ngã thể” trong một con người, nhưng vẫn chưa thấy được sự Phi hiện hữu trong các sự vật. Những nhà lãnh đạo triết học nào tin vào một "Đấng Sáng Tạo" hay tin vào “Linh hồn” cũng có thể được xếp vào đẳng cấp nầy.
03/10/2020(Xem: 19953)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
05/04/2020(Xem: 11612)
Luận Đại Thừa Trăm Pháp do Bồ tát Thế Thân (TK IV TL) tạo nêu rõ tám thức tâm vương hàm Tâm Ý Thức thuộc ngành tâm lý – Duy Thức Học và là một tông phái: Duy Thức Tông - thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Tâm Ý Thức như trở thành một đề tài lớn, quan trọng, bàn cải bất tận lâu nay trong giới Phật học thuộc tâm lý học. Bồ Tát Thế Thântạo luận, lập Du Già Hành Tông ở Ấn Độ, và sau 3 thế kỷ pháp sư Huyền Trang du học sang Ấn Độ học tông này với Ngài Giới Hiền tại đại học Na Lan Đà (Ấn Độ) năm 626 Tây Lịch. Sau khi trở về nước (TH) Huyền Trang lập Duy Thức Tông và truyền thừa cho Khuy Cơ (632-682) xiển dương giáo nghĩa lưu truyền hậu thế.
30/03/2020(Xem: 9090)
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)
23/03/2020(Xem: 10265)
Có một con sư tử mẹ đang đi kiếm ăn. Nó sắp làm mẹ. Buổi sáng đó nó chạy đuổi theo một chú nai. Chú nai con chạy thật nhanh dù sức yếu. Sư tử mẹ dầu mạnh, nhưng đang mang thai, nên khá chậm chạp. Sư tử mẹ chạy sau chú nai con rất lâu, khoảng 15 phút, mà vẫn chưa bắt kịp. Sau đó chúng tới một rãnh sâu. Chú nai lẹ làng nhảy qua rãnh, sang bờ bên kia. Sư tử mẹ rất bực tức vì không bắt kịp con mồi, và vì nó đang cần thức ăn cho cả nó và đứa con trong bụng. Vì thế, nó cố hết sức để nhảy qua cái rãnh sâu. Nhưng tai họa đã xảy ra, sư tử mẹ đã sẩy đứa con khi cố nhảy qua rãnh. Dầu qua được bờ bên kia, nhưng sư tử mẹ biết rằng mình đã đánh mất đứa con mà nó đã chờ đợi từ bao lâu, đã yêu thương hết lòng, chỉ vì một phút vô tâm của mình. Nó đã quên rằng nó đang mang một bào thai trong bụng, và nó cần phải hết sức cẩn trọng. Chỉ một phút lơ đễnh, nó đã không giữ được đứa con của mình.
01/03/2020(Xem: 11810)
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
04/01/2020(Xem: 7177)
Bài viết nhan đề “Góp Ý Với Sư Cô Thích Nữ Thanh Tâm” của Cư sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình trên mạng Thư Viện Hoa Sen hiển nhiên là nhiều thiện ý, đã đưa ra các nhận định mang tính xây dựng. Từ đó, tất nhiên có phản ứng, và những ý kiến trái nghịch được đưa ra. Trong mọi trường hợp, tất cả những dị kiến nên xem như chuyện bình thường.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567