Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Đối mặt với sự chết

08/02/201707:33(Xem: 4720)
3. Đối mặt với sự chết

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of 
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau

Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017


****

 

 

Phần Ba

Đối Diện với Cái Chết

 

 Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng

“Cái chết không bao giờ bất ngờ đến với con người khôn ngoan, vì người đó luôn luôn sẵn sàng ra đi”.

(Nhà Văn Jean De La Fontaine, người Pháp)

Tiểu mục phần 3:
- Những giờ phút cuối cùng của nhà hiền triết Hy Lạp Socrates
- Duncan Phyfe (1895-1985)
- Leah (1933-1987)
- Ngài Tăng Triệu  (384-414)
- Sri Ramana Maharshi (1879-1950)
- Đức Phật Thích Ca (624-544, Tr TL) 

 

 

Đa số những câu chuyện sau đây kể sơ lược cuộc đời và cái chết của những nhân vật lịch sử, đã đối diện với cái chết một cách bình thản. Những người này là triết gia Hy Lạp Socrates, Thiền sư Tăng Triệu, Hiền sĩ Ấn Độ Ramana Maharshi và Đức Phật Thích Ca. Ngoài ra có hai người đương đại chết vì ung thư, một người thản nhiên, người kia hoảng sợ. Trừ trường hợp cuối cùng này, những cái chết của các vị nói trên phù hợp với đề tài của cuốn sách này: Một cái chết được thanh thản chấp nhận, rất đúng với mong ước mà lại rất hiếm; là kết quả của một cuộc đời được sống một cách nghệ thuật, một đời sống có ý thức giác ngộ với sự chấp nhận cái chết, dù là cái chết tự nhiên hay cái chết có nguyên nhân bên ngoài.

 

Chúng ta biết rằng trong mỗi nền văn hóa và văn minh trong suốt chiều dài lịch sử, có những người bình thường mà anh hùng, đã đối diện cái chết của mình một cách không sợ hãi, dù nhiều người trong số đó không có sự định hướng tâm linh, như tin vào Thượng đế, luân hồi, nhân quả hay đời sống linh hồn. Một số người chết một cách can đảm như những vị thánh tử đạo, bị xử tử vì lý tưởng của mình, vì những hoạt động bảo vệ tự do, vì thuộc một nhóm sắc tộc nào đó. Vô số binh sĩ trong chiến tranh đã đối diện cái chết một cách dũng cảm, và những người dân thường cũng vậy. Và tất nhiên có những người bị bệnh nặng hay bị thương nặng, đã không sợ đối diện với cái chết.

 

Trong lịch sử Hoa Kỳ người ta nghĩ tới Nathan Hale và những lời ông nói khi sắp bị người Anh treo cổ như một gián điệp của quân Mỹ: “Tôi chỉ ân hận là mình chỉ có một kiếp sống để dâng hiến cho tổ quốc”(I only regret that I have but one life to give for my country). Nếu Nathan Hale thực sự đã nói những lời này, chúng ta có thể nói ông đã đối diện cái chết với tâm bình thản được không? Trong thế chiến thứ hai, những phi công Nhật Bản cảm tử trong đoàn Thần Phong đã viết cho những người thân của mình:“Khi đi vào trận cuối cùng, tôi sung sướng vì mình có thể hy sinh tới kiếp thứ bảy cho vinh quang của Nhật Hoàng và danh dự của Nhật Bản” (As I go into my last battle, how happy am I to be able to sacrifice myself until my seventh lifetime for the sentiments inspired by a heroic honor of Japan). Những lời cao cả này phát xuất từ lòng ái quốc anh hùng hay chúng che giấu một sự lo sợ hay loạn trí?

 

Tất cả những người can đảm này cố gắng đè nén nỗi sợ của mình hay họ thực sự không sợ? Nếu không sợ phải chăng đó là vì họ không có khả năng hình dung cái chết của mình? Họ có hoàn toàn chấp nhận cái chết hay không? Chúng ta không thể biết chắc, vì chúng ta biết rất ít về cuộc đời của họ. Nhưng chúng ta biết nhiều về cuộc đời và thái độ đối với sự chết của những người có tiểu sử sơ lược sau đây:

 

Socrates (470-399 trước Tây Lịch)

 

Socrates, triết gia Hy Lạp của thành Athens, là một trong những gương mẫu được biết nhiều nhất ở Tây Phương, như một anh hùng cô độc đi vào cái chết một cách thong dong tự tại như đi qua cuộc đời, với sự thanh thản và vô úy cùng cực. Từ những cuốn sách của Plato, chúng ta được biết rằng “người khôn ngoan nhất trong loài người” này hoàn toàn không sợ sự đe dọa của cái chết, và trong khi người khác tuyệt vọng và lo sợ trước cái chết, ông vẫn thản nhiên và đầy trí tuệ. Ông chỉ nghĩ tới việc an ủi những người đến để an ủi mình, và nêu một tấm gương về cách chết, một cái chết đáng ca tụng. Trí tuệ gây dựng sự thanh thản đó ở đâu ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xét sơ lược những cái mốc quan trọng trong cuộc đời của Socrates: Binh sĩ và triết gia; vụ xử án, kết án và giam vào ngục; cảnh trong ngục trước khi ông uống thuốc độc.

 

Chúng ta biết được rất ít về phần đầu cuộc đời của Socrates, vì Plato, vốn là nguồn thông tin chính yếu, chỉ theo học với ông trong mười năm cuối của cuộc đời ông. Chúng ta biết Socrates vốn là một binh sĩ xuất sắc của thành Athens với lòng can đảm, bền bĩ và tỉnh táo trên chiến trường. Khi được khen thưởng trong quân đội, ông không nhận mà dành vinh dự cho cấp trên của mình, là người mà ông đã cứu mạng trước đó. Có lần trong một cuộc hành quân, Socrates làm cho các đồng đội ngạc nhiên khi ông đứng xuất thần trong một ngày liền. Plato nói rằng những cuộc xuất thần như vậy không phải là sự kiện hiếm có. Về sau Socrates biểu lộ sự can đảm khác thường khi bênh vực quyền hợp hiến của một nhóm người bị buộc tội, chống lại một hội đồng khiến họ nổi giận và bối rối, và một lần khác ông thách thức một người tàn bạo dù việc này gây nguy hiểm cho mạng sống của mình.

 

Socrates tự luyện tập để tất cả những nhu cầu của mình được thỏa mãn với những phương tiện nhỏ nhất, nhưng thời tuổi trẻ, ông không phải là người khổ hạnh. Plato nói rằng Socrates “biết cách sống thiếu thốn và biết cách sống dư thừa” (knew how to want and how to abound). Ông là người vui vẻ, hiền hòa, dịu dàng đối với người đối thoại, có khối óc khôi hài, châm biếm vốn nổi tiếng ngay trong thời của ông. Trong khi đó ông không để cho ai thoát sự nhận xét thẳng thắn và những lời lý luận sắc sảo của mình, và tính chất này cùng với sự xa rời của ông làm cho nhiều người ở Athens bối rối và thù ghét.

 

Socrates cảm thấy mình có sứ mạng thiêng liêng là tìm chân lý và lột trần mọi sự giả dối về trí tuệ, một sứ mạng mà vị tiên nữ ở Delphi đã giao cho ông. Dù là một người thường theo nghĩa ông không bao giờ tìm một chức vụ nào trong chính quyền, ông xem mình là người có liên hệ mật thiết với những người dân Athens khác và hết sức chăm lo cho lợi ích tâm linh của họ. Ông thúc dục mọi người khám phá và sống với những giá trị căn bản, và ông tự ví mình là một con ruồi làm phiền chính quyền, một chính khách đích thực vì ông chỉ làm những gì thực sự tốt nhất cho người dân thay vì những gì chỉ làm cho họ hài lòng.

 

Bản cáo trạng chính thức dành cho Socrates được dựa trên những lời tố cáo về tội dị giáo và làm hư hỏng thanh niên Athens, và ông bị kết án tử hình. Khi bào chữa cho mình, Socrates đảo ngược tình thế đối với những người tố cáo mình và không tấn công họ mà đặt tất cả thành Athens lên sự thử thách. Ông bị buộc tội báng bổ các thần linh và được đề nghị một án phạt khác, thí dụ như lưu đày. Nhưng ông nói rằng ông phải được chính quyền hỗ trợ trong công việc của mình. Các vị ở tòa án vốn quá quen với những lời kêu xin khiêm tốn đã nổi giận tuyên án tử hình với sự cách quá xa so với những cáo buộc trước đó.

 

Trong khoảng thời gian giữa lúc tuyên án và lúc thi hành bản án, một trong những người bạn lâu đời nhất của Socrates là Crito giục ông chạy trốn và cung cấp phương tiện cho ông. Socrates từ chối, nói rằng một trong những lý do là dù bản án sai lầm, nhưng tòa án là một cơ quan hợp hiến và phải được tôn trọng. Trong việc này, cũng như ở phiên xử, ông cho thấy mình là một công dân chân chính, thẳng thắn và tinh tế hơn những người buộc tội mình, tòa án hay những người bạn của mình. Phiên xử, cảnh trong phòng giam với Crito, và thái độ của Socrates lúc chết đã khuấy động, tâm trí của mọi người trong hai mươi bốn thế kỷ với sự uy nghi, thanh thản và sáng suốt của ông.

 

Tại sao Socrates có thể đối diện cái chết một cách can đảm như vậy? câu trả lời đơn giản nhất là ông đã quen chết. Ông đã chết đối với quyền lợi cá nhân của mình ở chiến trường, như ông đã nói trong cuốn “Apology” của Plato, ông đã chết trong lần xuất thần, khi ông quên thể xác của mình trong khi chiêm nghiệm, ông đã chết đối với những lạc thú, và thường là trong khi tìm trí tuệ, một cuộc tìm kiếm với cảnh nghèo và đơn sơ; và ông đã chết về mặt cảm xúc và mặt trí thức đối với bản thân nhiều lần trong tiến trình phát triển tâm linh của mình, trong những cuộc thảo luận hay trong khi im lặng. Vậy, theo một nghĩa rất thật, ông đã quen chết mỗi ngày, và cách chết của ông là bằng chứng của sự thành thực trong tất cả những gì xảy ra trước lúc đó. Trong cuốn “Plato”, Socrates nói: “Những người yêu mến sự minh triết một cách đúng đắn là những người đang thực hành sự chết, và sự chết đối với họ là điều ít khủng khiếp nhất thế gian”.

 

Vậy, rõ ràng Socrates cảm nhận sâu xa sự chết không phải là một sự trừng phạt hay một điều xấu. Ông nói rằng một người tốt có thể không bao giờ bị làm hại bởi một người xấu; đạo đức hoàn toàn vượt lên trên quyền lực thế gian (A good man can never be harmed by a bad, virtue transcened temporal power completely). Socrates tin rằng sau khi chết sự sống vẫn tiếp tục và lúc đó sự phán xét đích thực sẽ diễn ra với những vị phán xét không bị che mặt bởi một tấm màn thế tục nào và như vậy có thể hiểu thấu và biết rõ linh hồn của người mới qua đời. Phần thưởng của người đức hạnh và yêu sự minh triết hay ham học hỏi là đi tới chỗ mà người đó có thể đàm thoại với các vị thần, các vị anh hùng ngày xưa và những người nổi tiếng cũng như tìm hiểu về các vị này. Đó là niềm tin không lay chuyển của Socrates.

 

Cùng lúc đó, lý trí nói với ông rằng sự chết là một điều bí ẩn, và vì bí ẩn nên có lẽ sự chết là một điều tốt. Tự hạ mình trước khi chết mới là một điều xấu, và có thể làm hại sự tiến bộ tâm linh của mình sau khi chết. Ông không thấy có lý do gì để thích một điều xấu rõ rệt như vậy, và đây có thể là một điều xấu lớn chứ không phải một điều tốt hơn. Đối với những người khác thì lối nghĩ như vậy không ăn sâu vào tim óc của họ, nhưng đối với Socrates thì đời sống tri thức, tình cảm và tâm linh là một, không có sự phân cách nào. Ông đã tập luyện để sống với lý tưởng cao nhất mà ông được biết, và như vậy ông thu hẹp khoảng cách giữa sự biết, sự thực hành và sự sống.

 

Socrates đã không thể ngăn cản được sự suy thoái của quốc gia Athens, nhưng lời nói và hành động của ông đã có ảnh hưởng lớn tới những giá trị trong nền văn minh Tây Phương, và do đó có thể nói là Socrates vẫn đang sống trong hiện tại. Ông vẫn đang luôn luôn thử thách chúng ta, trong khi chúng ta chọn giữa điều tốt, theo những gì mình có thể biết, và những điều lợi có tính chất vị kỷ, tức là giữa sự tìm kiếm giá trị đích thực và những điều quy ước thấp kém vốn đang ở xung quanh chúng ta.

 

Những giờ phút cuối cùng của Socrates

 

Theo lời kể của Plato, đệ tử của Socrates, lúc đó Crito ra hiệu cho một người hầu, người này đi ra khỏi phòng giam rồi trở về với người cai ngục. Người cai ngục cầm theo một chén thuốc độc. Socrates nói: “Anh bạn tốt, anh là người có kinh nghiệm trong những việc này, vậy hãy nói cho tôi biết tôi phải làm thế nào?”.

 

Người cai ngục đáp: “Ông chỉ cần đi quanh, cho tới khi nào hai chân nặng thì nằm xuống, lúc đó thuốc độc sẽ phát tác”. Nói xong người đó đưa chén thuốc cho Socrates. Với cử chỉ bình thản và hiền hòa nhất, Socrates nhìn thẳng vào người cai ngục, cầm lấy chén và nói “Anh nghĩ sao về việc làm một nghi thức dâng cúng chén thuốc này cho một vị thần nào đó? Tôi có được làm như vậy không?”

 

Người cai ngục trả lời: “Thưa ông, chúng tôi chỉ sửa soạn những gì mà chúng tôi xem là đủ”.

 

Socrates nói: “Tôi hiểu, nhưng tôi có thể xin và phải xin các vị thần phù hộ chuyến đi của tôi từ thế gian này đến cõi bên kia và mong lời cầu nguyện của tôi được như vậy”.

 

Rồi đưa chén thuốc lên môi, sẵn sàng và vui vẻ, Socrates uống liều thuốc độc. Trước đó mọi người đã có thể kiềm chế sự đau buồn, nhưng bây giờ, khi thấy ông uống cạn chén thuốc độc, họ không thể chịu đựng được nữa, và Plato cũng phải rơi nước mắt, che mặt mà khóc, không phải là khóc cho Socrates mà là khóc cho mình phải xa lìa một vị thầy như vậy. Crito khi thấy không thể cầm được nước mắt cũng đứng dậy rồi đi ra, Plato cũng đi theo, và lúc đó Apollodarus đang khóc bỗng kêu khóc lớn hơn làm cho tất cả như là một bọn yếu hèn.

 

Một mình Socrates vẫn bình tĩnh. Ông hỏi: “Tại sao lại kêu khóc như vậy?”. Tôi đã cho mấy người đàn bà ra ngoài để họ không kêu khóc. Vì tôi nghe nói là người ta nên chết trong sự yên tĩnh. Vậy hãy im đi, và hãy kiên nhẫn.

 

Nghe ông nói như vậy, mọi người mắc cỡ, cố nín khóc. Socrates đi quanh cho đến lúc hai chân của ông bắt đầu yếu, ông nằm xuống, theo lời chỉ dẫn của người cai ngục. Thỉnh thoảng người đó lại nhìn vào chân và bàn chân của ông. Sau đó ngươi cai ngục bóp mạnh một bàn chân và hỏi ông có cảm thấy gì không, Socrates nói: “Không”. Người đó lại bóp dần dần cao hơn lên chân của ông và cho chúng tôi biết là hai chân đã lạnh và cứng. Socrates cũng bóp chân của mình rồi nói: “Khi nào thuốc độc lên đến tim thì đó là lúc chấm dứt”.

 

Lúc đó ông đang trùm kín người và khi bắt đầu cảm thấy lạnh ở bụng ông để hở mặt ra và nói lời cuối cùng: “Crito, tôi thiếu Asclepino một con gà, anh nhớ trả món nợ đó cho tôi được không?”; Crito nói: “Con sẽ trả. Còn gì nữa không ạ?”.

 

Không có tiếng trả lời nhưng trong một hay hai phút, người ta nghe thấy tiếng chuyển động, và mọi người dỡ tấm mền của ông ra. Hai mắt của ông đã đứng tròng, Crito vuốt mắt và miệng của ông.

 

 

 Duncan Phyfe (1895-1985)


Socrates là một nhân vật được mọi người cảm phục, một người hiên ngang thách thức những định kiến chính trị, xã hội và tôn giáo trong thời của ông và đã chịu án tử hình của chính quyền. Khác với Socrates, Duncan Phyfe không phải là một người gây rung chuyển xã hội, mà là một người bình thường. Ông được đưa vào cuốn sách này vì ông đã sống đời sống bình thường một cách tốt đẹp khác thường và do đó đã sửa soạn cho một cái chết đẹp đẽ, không có một điều ân hận nào cả. Vào lúc đó có quá nhiều người sợ một cái chết đau đớn, muốn chết bởi chính tay của mình hơn là bởi tay của số mạng, thì cái chết của Duncan Phyfe là một sự kiện nổi bật. Sự chết cũng như sự sống không thể làm cho ông sợ, vì ông yêu sự sống và chấp nhận sự chết. Cho đến khi chết trên giường vào năm chín mươi tuổi, ông không bao giờ lung lay với niềm tin rằng cái chết không phải là sự chấm dứt của sự sống, mà chỉ là một sự chuyển tiếp đưa tới một đời sống khác. Cuộc đời bên ngoài của Duncan Phyfe không cho thấy gì nhiều về tính chất tâm linh phong phú vốn đã phát triển trong ông vào những năm cuối đời. Sinh năm 1895 ở Cold Spring, New York, và là cháu của nhà làm đồ gỗ gia dụng Phyfe, ông là tài xế xe cứu thương ở Pháp trong thế chiến thứ nhất và đã được chính phủ Pháp tặng thưởng huy chương. Sau đó ông trở thành kỹ sư âm thanh. Sau khi làm việc ở Nam Phi, ông trở về Hoa Kỳ làm cho hãng RCA, nơi ông sáng chế kiểu loa gắn vào xe hơi trong những bãi chiếu phim dành cho những người lái xe hơi.

 

Ông kết hôn hai lần và có 2 con, một gái, một trai. Sau khi về hưu, ông và vợ đi du lịch khắp Hoa Kỳ trong một xe kéo “nhà lưu động”, và sau cùng định cư ở San Diego, California. Là người theo Thiên Chúa Giáo nhưng không đi lễ nhà thờ, ở San Diego ông chú ý tới một giáo phái Thiên Chúa Giáo, tin rằng Vương Quốc của Thượng Đế ở ngay trên trái đất này. Ông đã sinh ra và được làm lễ rửa tội trong Giáo hội Methodist, nhưng khi trưởng thành ông rời khỏi Giáo hội này vì không thấy trong Giáo hội có những chân lý căn bản mà mình đang tìm kiếm.

 

Khi vợ ông qua đời, ông sống trong một nhà lưu động ở Santa Fe, New Mexico. Ý thích phiêu lưu và vui sống nên ông mua một chiếc scooter chạy quanh thành phố Santa Fe ở tuổi tám mươi. Trong khoảng thời gian này, ông được “khám phá” bởi một nhóm nghệ sĩ và văn sĩ “New Age” đầy lý tưởng, vốn đã được thu hút tới miền Tây Nam này bởi sự hứa hẹn về tự do cá nhân lớn hơn và cơ hội trở nên nổi tiếng trong những ngành nghệ thuật. Nhưng thành công về nghệ thuật và cá nhân không tới nhanh, và họ phải chịu khó nhọc để kiếm sống. Họ là đàn cừu cần có người chăn dắt, và họ tìm thấy Duncan Phyfe là người chăn dắt đó. Ông trở thành người làm ơn cho họ, người giáo sĩ nghe họ xưng tội, và vị Thầy tâm linh của họ. Trong khi đó ông được nuôi dưỡng bằng tinh thần phóng khoáng và sự nhiệt thành tuổi trẻ của họ, ông đã luôn luôn được thu hút về phía giới trẻ hơn là về phía những người cùng thế hệ với mình, vì ông có nhãn quan trẻ trung về đời sống. Ông nói: “Tôi không bao giờ cảm thấy mình già. Tôi yêu mọi người và niềm vui lớn nhất của tôi là mang lại cho họ niềm vui”.

 

Với năng lực và tính chu toàn của mình, Duncan hết sức giúp đỡ những người bạn mới của mình làm quen với bầu không khí loãng của Santa Fe. Nhưng ông không lầm lẫn về những khả năng của mình. Khi họ thiếu thực phẩm, ông không cho họ những lời nói về một cõi trời nào đó mà ông cho họ đồ ăn, vì ông biết rằng khi bụng đói, người ta không nghe thấy những lời hùng biện về đạo lý. Khi mái nhà của họ bị dột và đường dây điện trong khu nhà xập xệ của họ bị hỏng, ông không cầu nguyện Chúa Trời phù hộ họ qua cơn khó khăn, mà ông tự tay sửa chữa cho họ với tiền bạc của mình. Là người có tài năng về cơ khí, ông luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ họ với khả năng của mình. Dù tuổi đã cao, ông sẵn sàng lái xe chở một người bạn trẻ đi trong thành phố hay trông trẻ giúp cho những người có con nhỏ.

 

Tôi đã gặp con người đáng chú ý này lần đầu tiên ở nhà con trai và con dâu của ông. Ông nằm ở trên giường với bệnh ung thư túi mật và gan. Trước đó ông đã được giải phẩu và được cho biết là bệnh của ông đã ở thời kỳ cuối. Sự vui vẻ và sự minh mẫn của ông, dù ông đã chín mươi tuổi, không cho thấy tính chất nguy hiểm của căn bệnh của ông.

 

Khi chúng tôi nói chuyện, ông ngồi tựa lưng trên giường trong một căn phòng tiện nghi với một bộ máy nghe nhạc lớn mà ông đã ráp. Cùng ở trong phòng là người bạn văn sĩ của ông, người đã giới thiệu tôi với ông và người phụ tá của tôi làm công việc ghi âm cuộc nói chuyện của chúng tôi. Duncan có vẻ dễ chịu, không cố nói một lời sâu xa hay thánh thiện nào.

 

“Duncan, theo ông thì mục đích của cuộc đời của ông là gì?”


“Sửa soạn cho mình để qua cõi bên kia”.

 

Người bạn của ông ngắt lời: “Nhưng một phần mục đích của ông ở đây là ban ánh sáng và niềm vui cho người khác, phải vậy không?”.



“Đúng như vậy. Một ước vọng lớn của tôi là ban ánh sáng cho những người nào tìm kiếm, với tất cả khả năng và tri thức của tôi, tức là cho họ những chân lý căn bản. Có nhiều chiều tâm thức ngoài thời gian ba chiều mà chúng ta bị nhốt ở trong đó”.


Tôi hỏi: “Tôi biết là cái chết có thể tới với ông bất cứ lúc nào. Ông nghĩ sao về điều này?”. Câu trả lời của ông làm tôi giật mình:

“Tôi nghĩ điều đó tuyệt diệu”.

Tôi dồn ông ta: “Ông thực sự không sợ ?”

“Tôi không sợ gì cả. Tôi hòa hiếu với thế gian và với Đấng Sáng Tạo của tôi. Tôi còn muốn gì hơn nữa?”.

 

Để xác định nguồn gốc của sự thanh thản và sự tự tin của ông, tôi hỏi ông nghĩ điều gì sẽ xảy ra cho ông sau khi chết. Không ngập ngừng ông trả lời: “Tất cả những điều tuyệt diệu nhất mà người ta có thể nghĩ tới. Sự chết không là gì hơn sự mở rộng liên tục đời sống, mà sự sống thì không có giới hạn”.

 

Tôi lại hỏi: “Không có điều nghi ngờ nào trong tâm trí của ông là mình sẽ tái sinh trong một hình thức này hay hình thức khác tùy theo nghiệp của mình?”.

“Không một chút nghi ngờ”.

“Niềm tin hay sự biết này có làm cho tâm trí của ông thanh thản không ?”.

“Có, nó làm cho tôi an lạc”. Không có sự lầm lẫn nào về sự thành thật trong lời nói của ông hay sự an lạc trong tâm hồn của ông tỏa ra.

 

Sau đó tôi hỏi ông có sự đau đớn về thể xác hay tâm trí nào không. “Không, không hẳn. Chỉ có điều tôi ghét phải chia ly với những người bạn thân. Nhưng tôi biết là mình sẽ đi ra khỏi cái người ta có thể gọi là ‘thung lũng nước mắt’ hiện tại này.”

 

Khi được hỏi là đối với ông cuộc đời có thực sự là thung lũng nước mắt hay không, ông đáp rằng ông chỉ dùng từ ngữ đó như một lối nói, nhưng dù sao cũng có quá nhiều đau khổ trong thế giới ngày nay, thí dụ như chiến tranh và những sự bạo động khác. Ông nói thêm: “Nhưng nếu nhìn xung quanh người ta cũng có thể thấy những điểm tốt đẹp trong thế gian này”. Trước đó, ông đã xác quyết rằng mọi thứ rút lại trong một chữ: Tình yêu. “Tình yêu giữ thế gian lại với nhau và là nguồn gốc của tâm thiêng liêng”. Câu này nghe có vẻ nhàm chán nếu không có nét mặt tỏa sáng của ông khi ông nói “tình yêu”. Ông có vẻ mặt hoan hỷ rõ ràng.

 

Một lúc khác tôi hỏi tại sao ông nghĩ là đa số người ta sợ chết?

 

“Tôi nghĩ đây là sự vùng vẫy chống lại cái mà họ cho là hư vô bất tận. Đa số người ta muốn tiếp tục, không nhất thiết là trong đời này, mà cứ tiếp tục và không cảm thấy rằng đây là tất cả, và nếu đây là tất cả thì tại sao nó đã bắt đầu? Phần lớn những người sợ chết cảm thấy cái chết là sự chấm dứt, một sự đóng lại”.

 

“Duncan, ông có thể thành thật nói rằng ông đối diện với cái chết sắp tới không sợ hãi gì cả một cách sẵn lòng?”

 

Ngồi cao thêm trên giường, ông nhìn thẳng vào mắt tôi và trả lời: “Một cách sẵn lòng”. Không ai có thể nghi ngờ niềm tin trong lời nói của ông.

 

Duncan Phyfe qua đời ngày 12 tháng 8 năm 1985, khoảng nửa tháng sau khi chúng tôi nói chuyện với nhau. Con trai và con dâu của ông nói rằng, trong mấy ngày cuối cùng ông đã nửa tỉnh nửa mê, hầu như chỉ đáp lại người khác bằng ánh mắt tươi cười. Bằng chứng mạnh mẽ là tình yêu của ông dành cho mọi người và sự háo hức của ông đối với cái bí ẩn ở phía trước. Con trai của ông nói: “Điều đó gần như là một sự say mê. Ông chỉ muốn ra đi”. Khoảng một tuần trước khi mãn phần, ông đã hỏi với một chút nóng nảy. “Tại sao Thượng đế không tới mang tôi đi ?”.

 

Trong sáu giờ cuối cùng ông đã an tĩnh và bất tỉnh. Ông chết nằm co trong thế nằm của bào thai. Ông đã được nhiều người yêu mến.

 

Leah (1933-1987)

 

Phần sau đây là lời kể của một nhà tâm lý trị liệu về cái chết của người bạn và đồng nghiệp của ông, Leah (không phải tên thật), được bao gồm ở đây để minh họa một cái chết đau đớn với sự hốt hoảng, một thí dụ kinh điển về một người, mà theo lời thú nhận của chính người đó, đã không sửa soạn cho sự chết.

 

Leah được định bệnh là ung thư buồng trứng ở tuổi năm mươi hai. Phản ứng ngắn đầu tiên đối với báo cáo của bác sĩ: “Tôi thấy không yên tâm về điều này”. Bà mau chóng quyết định chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình ở mọi mức độ. Nhưng dù bà được chữa bằng hóa trị và xạ trị, khối ung thư vẫn lan rộng và bà thường đau đớn hơn. Các bác sĩ không còn cách chữa nào khác.

 

Chúng tôi đã nói chuyện về cách hoạt động của tâm trí để chối bỏ những sự việc nào đó. Bà nói: “Khi tôi thấy đau, tất cả những gì tôi muốn làm là chấp nhận rằng mình sắp chết và sửa soạn cho cái chết… nhưng rồi cơn đau chấm dứt và tôi lại giở mấy tờ nhật báo để xem có những món thời trang nào mới hay không”.

 

Một tháng trước khi chết, Leah vô bệnh viện lần cuối cùng. Bà đã suy sụp khá nhanh, và cái chết có thể tới bất cứ ngày nào. Bà mất chức năng cơ thể mỗi lúc mỗi nhiều hơn, và mỗi lúc mỗi có ít hơn những việc mà bà có thể chọn làm với thời gian của mình. Khi làm một việc đơn giản nhất bà cũng cần phải có sự chú tâm trọn vẹn, nếu không cần sự giúp đỡ của người khác.

 

Vào buổi tối cuối cùng, tôi và con gái của bà là Gail ở bên giường của bà cùng với một người bạn của Gail. Tôi chỉ gặp Gail một lần trước đó, vào tối hôm trước, và cô nói với tôi rằng bác sĩ đã nói đêm nay có thể là đêm cuối cùng. Leah đang đeo ống thở. Bà rất yếu và chỉ có thể nói một cách khó khăn.

 

Trước đó Leah đã nói rằng bà thích nghe người khác nói chuyện, dù bà không thể cùng nói trực tiếp. Vì vậy Gail và người bạn nói về thời thơ ấu của họ. Gail nói rằng mẹ mình đã luôn thích tiếng cười của người bạn, và người bạn hỏi Leah: “Bác có muốn nghe một chuyện giễu không?” Trong động tác rõ rệt và mạnh nhất buổi tối đó, Leah gỡ ống thở ra và nói: “Chuyện gì?”.

 

Người bạn của Gail kể câu chuyện và tất cả chúng tôi đều cười, Leah cười với nụ cười của một cô bé. Bà trở nên linh hoạt hơn, than phiền về những y tá thiếu năng lực, khen những người tốt và nói đùa về một “y tá khùng chỉ chú ý tới những chuyển động trong bụng của bà”. Bà biết là mình đang được mọi người giúp vui, và chúng tôi cười rất nhiều.

 

Một lát sau bạn của Gail ra về. Rồi Leah nói bà muốn có một giáo sĩ tới làm lễ lần cuối cho mình. Leah là người Do Thái ở Âu Châu trong thế chiến thứ hai, và mẹ của bà vì không thể nuôi được đã cho bà vào ở trong một nữ tu viện khi bà được năm tuổi. Bà thường nói rằng các nữ tu sĩ là những bà mẹ thật của mình.

 

Tôi đi gọi một giáo sĩ. Khi tôi trở về thì đã có một sự thay đổi đáng chú ý. Leah đã yên tĩnh hơn. Tôi cầm tay bà và cũng yên lặng với bà. Gail ngồi ở bên kia giường cũng nắm bàn tay kia của bà. Vị giáo sĩ tới. Leah nhắm mắt lại và không có vẻ nhận thấy ông ta. Con gái của bà hỏi: “Mẹ có muốn gặp vị giáo sĩ không?”. Bà nói: “Chưa”, và hết sức thu người lại. Bà bắt đầu có vẻ xao động. Vị giáo sĩ hỏi bà có phải là tín hữu Thiên Chúa không? Bà nói một chút về thân thế của mình và muốn có sự ban phước của cả Thiên Chúa lẫn Do Thái Giáo. Bà nói với vị giáo sĩ rằng trong những lúc đau đớn và tuyệt vọng nhất, bà đã trông thấy Chúa Jesus và đã kêu xin Ngài giúp đỡ.


Vị giáo sĩ bắt đầu làm nghi thức cuối cùng. Ông cầu nguyện với giọng quá thấp nên chúng tôi không nghe rõ. Gail và tôi đi ra đại sảnh trong khi vị giáo sĩ nghe Leah xưng tội. Chúng tôi đều bất mãn vì trong lúc này mà khả năng truyền một loại cảm hứng tâm linh nào đó của ông có vẻ không có gì cả. Ông ta gọi chúng tôi trở lại, ông làm xong nghi thức và ra về. Gail hỏi mẹ là bà có cảm thấy tốt hơn sau khi gặp vị giáo sĩ hay không, nhưng bà không trả lời.

 

Bây giờ Leah an tĩnh trong một lúc lâu, nhưng với cảm giác xao động trong tâm trí gia tăng. Tôi có thể cảm thấy điều này rất rõ ràng. Không biết phải nói gì hay làm gì, tôi cầm tay bà và tập trung tâm trí như tôi đã học được khi hành thiền. Tôi có thể cảm thấy tâm trí của bà một cách rõ ràng, cảm thấy nỗi sợ bắt đầu xuất hiện. Càng có thể buông bỏ những gì xuất hiện trong tâm trí của mình, tôi càng có thể “tiếp xúc” với bà nhiều hơn, và sự xao động của bà lắng xuống.

 

Giai đoạn tương đối an tĩnh này bị làm rộn sau ba mươi hay bốn mươi phút bởi một cảm giác hoảng sợ nổi dậy mạnh mẽ. Leah bắt đầu hốt hoảng. Bà nói: “Tôi sợ” và bắt đầu run rẩy. Tôi tập trung tâm trí mạnh hơn và tôi cảm thấy nó có hiệu quả, nhưng sự xao động của bà gia tăng. Rồi bà lớn tiếng kêu Thượng Đế nhiều lần. Trong mấy ngày giọng nói của bà đã yếu ớt, bây giờ bà kêu Trời và van xin chúng tôi: “Giúp tôi! Giúp tôi! Tôi muốn trở lại với cảm giác bình an”. Sự khủng hoảng kéo tới từng đợt với bà và toàn thân bà run rẩy. Bà bắt đầu hỗn loạn, nói một cách rời rạc về những hình ảnh mà chỉ có bà trông thấy. Bà nói một lúc lâu bằng tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ của bà và kêu “Peur! Peur!” (Sợ! Sợ!).


Bà bảo chúng tôi giúp bà ngồi dậy, nhưng chúng tôi mới bắt đầu làm theo lời thì bà đã tự ngồi dậy lần đầu tiên trong một tuần. Tôi đã chưa bao giờ chứng kiến một sự hoảng sợ như vậy.

 

Ở bên kia giường Gail nói với tôi: “Mẹ thực sự muốn chết một mình… bà đã sống một đời khó khăn và bà cũng đang chết khó khăn”.


Chúng ta thường có ảo tưởng là mình có thể tránh được hậu quả của những hành động của mình. Chúng ta tin như vậy cho đến lúc sắp lìa đời, khi không thể thoát được hậu quả của những gì mình đã gieo trồng trong cuộc đời. Tôi nhìn Leah một cách bất lực trong khi bà bị cuốn đi bởi tất cả những gì đã chưa được giải quyết trong cuộc đời của bà. Bà tháo ống thở ra rồi nói với tôi: “Ông đã chịu nhiều ấn tượng với tôi. Ông đã nghĩ là tôi đã sửa soạn cho cái chết của mình, nhưng tôi đã không làm gì cả!”. Bà đeo ống thở trở lại, vẫn rất xao động và thu rút vào chính mình. Bỗng gần như bạo động, bà lại tháo ống thở ra và nói trong sự tuyệt vọng: “Tôi muốn chết nhưng sao tôi không thể thoát ra được”. Bà chỉ vào ngực của mình và làm một động tác với hai tay giống xé ngực ra. Gail và tôi thay phiên nhau quạt để bà không nóng. Bà trở nên yếu hơn và yên lặng hơn, và những gì bà nói thì không còn minh mẫn nữa.

 

Leah đã yên tĩnh và có vẻ xa xôi trong ít nhất nửa tiếng đồng hồ khi tôi quyết định đi về nhà lúc hai giờ sáng. Gail cũng tới nhà khách để nằm nghỉ và cô nhờ một y tá trực đánh thức nếu có điều gì xảy ra. Trước đó, Leah đã nói là bà muốn ở một mình lúc chết, vì bà thấy như vậy sẽ dễ cho mình hơn và bà thấy ít đau khổ hơn để ra đi lúc người khác không có mặt.

 

Leah chết một mình trong vòng một giờ sau đó.

 

 

Thiền Sư Tăng Triệu (384-414)

 

Một người đã rất bình thản đối diện với cái chết là tu sĩ Phật Giáo, Thiền Sư Tăng Triệu. Là một nhà văn và nhà tôn giáo có tài năng, Ngài đã viết nhiều bài luận về giáo lý. Nghe nói về năng lực của Ngài, Hoàng đế nhà Đông Tấn xuống chiếu chỉ cho Ngài phải hoàn tục để làm thư ký trong triều đình. Ngài Tăng Triệu từ chối và do đó bị xử tội chém đầu. Lúc đó Ngài mới ba mươi tuổi. Ngài xin được hoãn lại một tuần để viết xong một luận bản. Sau khi hoàn thành tác phẩm này, Ngài bình thản nộp mình thọ án. Trước khi chết Ngài viết:

 

“Bốn đại không có chủ
Năm uẩn đều là không
Khi gươm trần chém đầu ta
Thì cũng giống như chém gió xuân”.

 

(The four elements essentially have no masters
The five skandhas are fundamentally void
When the naked sword cuts off my head
It will be like cutting a spring breeze)

 

Người ta thán phục sự bình thản của Thiền Sư Tăng Triệu trước cái chết, nhưng cũng không phải không nghĩ rằng trong một kiếp trước Ngài đã giết một người nào đó và do vậy đã nhận quả báo xấu trong kiếp này theo luật nhân quả. Là tu sĩ Phật Giáo, Tăng Triệu phải biết như thế.


Sri Ramana Maharshi (1879-1950)

 

Thái độ lúc chết của Sri Ramana Maharshi, một trong những vị Đại Sư đáng kính nhất của Ấn Độ Giáo, gợi nhớ thái độ của các vị Thiền Sư và giáo lý của Ngài cũng giống như giáo lý của các vị này. Ngài được kính trọng vì sự minh triết cũng như đức hạnh trong đời sống của Ngài. Khi người ta hỏi Ngài đi về đâu sau khi chết, Ngài nói “người ta nói tôi sắp chết, nhưng tôi không đi đâu cả. Tôi có thể đi đâu? Tôi ở đây”.

 

Sau đây là lời kể về cái chết của nhà hiền triết Ấn Giáo này.

 

“Vào ngày thứ Năm, 13 tháng Tư, một bác sĩ mang tới cho Ngài Sri Ramana Maharshi

thuốc chữa căn bệnh ung thư của Ngài, nhưng Ngài từ chối dùng thuốc và nói “Không cần thiết. Mọi sự sẽ tới đúng trong hai ngày nữa”.

 

Khi trời tối, Sri Ramana Maharshi bảo mấy người đệ tử giúp Ngài ngồi dậy. Họ đã biết rằng mỗi cử động, mỗi sự đụng chạm đều gây đau đớn, nhưng Ngài bảo họ đừng lo về điều đó. Ngài ngồi với người đệ tử nâng đầu của Ngài. Một bác sĩ tới để cho Ngài thở oxygen, nhưng với bàn tay phải, Ngài xua ông ta đi.

 

Bỗng một nhóm tín đồ ngồi ở ngoài hiên cất tiếng hát bài “Arunachala - Siva”. Nghe tiếng hát, mắt của Ngài Sri Ramana Maharshi mở ra và sáng lên. Ngài nở một nụ cười thật dịu dàng. Từ khóe mắt của Ngài những giọt nước mắt hoan hỷ rơi xuống. Thêm một hơi thở sâu nữa rồi không có hơi thở nào khác. Không có sự giãy giụa, không có co giật, không có dấu hiệu khác của sự chết, chỉ có hơi thở chấm dứt”.

 

Đức Phật Thích Ca (624-544 trước Tây Lịch)

Trong những thí dụ về thái độ của các vị Thầy trước cái chết, sau cùng chúng ta xét sự kiện Đức Phật Thích Ca vào Niết bàn (parinirvana). Niết Bàn (Nirvana) có nghĩa là tịch diệt hay trạng thái vô ưu, vô sinh bất tử mà người ta đạt được sau khi đã giải trừ mọi phiền não như tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu ngạo và đã không tạo nghiệp, do đó không kẹt trong luân hồi nữa. Từ ngữ “parinirvana” chỉ được dùng để nói về Đức Phật, chỉ trạng thái giải thoát trọn vẹn khi Ngài qua đời.

 

Chúng ta hãy tìm lại những sự kiện quan trọng trong những ngày cuối cùng của Đức Phật và trước hết là chuyến đi hoằng pháp cuối cùng của Ngài. Khi tới thị trấn Pava ở miền Bắc Ấn Độ, Ngài nghỉ đêm ở vườn xoài của Chunda (Thuần Đà), một thợ rèn và là một Phật tử thuần thành. Thuần Đà thỉnh Đức Phật và các đệ tử của Ngài dùng bữa ở nhà ông vào ngày hôm sau. Bữa ăn gồm cơm, bánh ngọt và nấm. Bị đau bụng vì ăn nấm, Đức Phật vẫn bình thản và khi cơn đau dịu đi, Ngài nói với Ngài Anan: “Chúng ta hãy đi tới Kushinagar”. Chưa đi được bao xa thì Ngài ngồi xuống một gốc cây và nói: “Này Anan, gấp y của ta làm bốn rồi trải dưới đất cho ta. Ta mệt và phải nghỉ một lát”.

 

Sau đó Ngài nói với Tôn giả Anan rằng, không nên đổ lỗi cho Thuần Đà về việc Đức Thế Tôn nhập diệt sau khi ăn bữa cuối cùng do người thợ rèn cúng dường. Ngài nói “có hai loại cúng dường thực phẩm quý báu vô thượng, đó là cúng dường trước khi Như Lai chứng đạt Chánh Đẳng Giác, và cúng dường trước khi Ngài tịch diệt. Nghiệp thiện này đã được dành cho Thuần Đà, vậy đừng làm cho ông ấy ân hận. Anan, chúng ta hãy đi tiếp tới rừng cây Sala của bộ tộc người Malla”.

 

Khi đến nơi Ngài nói: “Hãy trải nệm, đầu quay về hướng Bắc, giữa hai cây Sala. Ta mệt và muốn nằm xuống”. Ngài nằm nghiêng bên phải, với một chân đặt lên chân kia. Rồi Ngài nói với Tôn giả Anan rằng Ngài sẽ tịch diệt vào canh ba đêm hôm đó.

 

Đức Phật trải qua tứ thiền rồi đi qua bốn cõi của vô sắc giới, Tôn giả Anan nghĩ rằng Ngài đã qua đời, nhưng Ngài nhập trở lại mỗi cõi theo thứ tự ngược lại cho tới cấp thiền thứ nhì, rồi Ngài nhập cấp thiền thứ ba và thứ tư. Và ra khỏi cấp thiền cuối cùng, Ngài tức khắc tịch diệt.

 

Trước đó, khi nhiều đệ tử khóc vì Đức Phật cho biết Ngài sắp qua đời, Ngài khuyến giáo họ rằng sao lại khóc trong khi phải nên vui mừng:

“Trong lúc vui vẻ này không nên than khóc. Như vậy là không đúng, và hãy bình tĩnh lại, Mục đích khó đạt mà qua nhiều kiếp ta đã mong ước nay không còn xa. Khi đó không còn đất, nước, gió, lửa và hư không, an lạc vô thượng siêu việt mọi sắc tướng. Sự an lạc không ai có thể lấy mất, điều cao quý nhất, và khi nghe nói và biết rằng không gì có thể thay đổi nó và không có gì ở đó có thể chấm dứt, thì có lý do gì để than khóc? Ở Bodgaya, khi đạt giác ngộ, ta đã giải trừ được nguyên nhân của luân hồi vốn chỉ là một bầy rắn độc; bây giờ đã tới lúc ta bỏ xác thân này vốn là chỗ trụ của nghiệp quá khứ. Bây giờ xác thân chứa đựng nhiều điều xấu này sắp tiêu tan, luân hồi sắp chấm dứt, ta sắp thoát khổ, vậy bây giờ đâu có phải là lúc để các người than khóc”.



 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 9645)
Khi tham dự lễ kỵ Tổ Minh Hải, thuộc môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, tại chùa Pháp Hoa, Nam Úc, vào ngày mồng 7 tháng 11 năm Ất Dậu, nhằm ngày 7 tháng 12 năm 2005 vừa qua, Đại Đức Thích Nguyên Tạng đưa tôi bản dịch quyển “Rebirth and Western Buddhist“.
08/04/2013(Xem: 5408)
Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “ sanh ký tử quy, nghĩa là ; Sống gởi trần gian, chết lại về”. Vậy khi chết chúng ta đi về đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, chỉ có bậc Đại giác ngộ mới thấy rõ con đường đi này và chỉ dạy cho chúng ta biết mà thôi.
08/04/2013(Xem: 5276)
Hai pháp có thể hiểu biết phải được thông suốt: danh và sắc; hai pháp có thể hiểu biết phải được tận diệt: vô minh và ái dục; hai pháp có thể hiểu biết phải được chứng ngộ: trí tuệ và giải thoát; hai pháp có thể hiểu biết phải được phát triển: vắng lặng và minh sát.
08/04/2013(Xem: 9214)
Các nhà phân tích cho rằng trình duyệt Firefox do Ross tạo ra có tốc độ nhanh hơn, đa năng hơn và bảo vệ người dùng tốt hơn trước virus và phần mềm gián điệp so với Internet Explorer.
08/04/2013(Xem: 10149)
Hôm Thứ Tư tuần qua, bệnh viện Alfred ở vùng South Melbourne đã rút ống tiếp tế thực phẩm và nước uống cho bà Maria Korp, 50 tuổi, theo lệnh của ông Julian Gardner, người được VCAT (Tòa án Hành chánh và Dân sự Victoria) cấp cho nhân quyền làm giám hộ (Public Advocate) bà Maria Korp từ hồi tháng 4 vừa qua.
08/04/2013(Xem: 11783)
Sau khi Raymond Moody xuất bản quyển Life after life vào năm 1975, công chúng phương Tây ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm cận tử (KNCT). Các tiến bộ không ngừng của kỹ thuật Y-sinh học đã làm hồi sinh nhiều người : trước đây đã được xem là đã chết lâm sàng. Hai phần ba số người này không nhớ gì cả.
08/04/2013(Xem: 4521)
Con người vốn do tâm thức và thể xác hòa hợp thành, tâm thức không biến hoại nhưng thể xác thì biến hoại tuân theo quy luật sanh lão bệnh tử. Mỗi khi tâm thức rời khỏi thể xác hơi thở không còn hơi ấm tiêu tan đời sống chấm dứt gọi là chết, sự thật thể xác có chết nhưng tâm thức thì không mất.
08/04/2013(Xem: 8512)
Các nhà khoa học Nhật và Hàn Quốc đã tạo ra hai con chuột cái từ những quả trứng không thụ tinh. Chúng nhận được hai bộ nhiễm sắc thể từ hai bà mẹ, thay vì từ 1 ông bố và 1 bà mẹ như phôi thông thường.
08/04/2013(Xem: 5671)
Quý vị vì các nhân duyên như truy tiến Tổ tiên để báo đáp thâm ân, hoặc siêu độ quyến thuộc để kỷ niệm người quá cố, hoặc gieo phước thọ mạng để cầu an tránh nạn... mà làm các Phật sự rất trang nghiêm và long trọng. Quý vị đã hao phí rất nhiều tài lực vật lực và nhân lực để thành tựu một nghĩa cử cao đẹp này.
08/04/2013(Xem: 5432)
SACRAMENTO, California- Trong tuần này, một dân biểu ở California sẽ đệ trình một dự luật cấm bán thú cưng được tạo sinh vô tính. Việc trên có thể làm tiêu tan kế hoạch tạo sinh thú cưng bằng phương pháp sinh sản vô tính của một công ty tại tiểu bang này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]