Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Sống như thế nào và Chết sẽ đi về đâu?

24/10/201407:02(Xem: 11501)
06. Sống như thế nào và Chết sẽ đi về đâu?

HIỆN TƯỢNG của TỬ SINH

Tác giả:  Thích Như Điển

Ấn Hành  PL. 2558 – DL. 2014
***




Chương Sáu

 

Sống như thế nào

Chết sẽ đi về đâu?

 

 

Thế giới có từ khi nào và thế giới, vũ trụ nầy sẽ tồn tại bao lâu và sau đó sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi rất lớn, mà ai trong chúng ta cũng không thể trả lời được. Chỉ có những bậc Đại Giác mới có thễ kham năng; nhưng các Ngài cũng đã chẳng nói ra hết. Vì có nói ra con người cũng chẳng hiểu. Vì sao vậy? Vì sự hiểu biết của chúng ta cũng như nắm lá cây trong bàn tay của Đức Phật, mà sự hiểu biết của Ngài thì giống như lá trong rừng kia, nhiều vô số kể. Từ đó việc sống như thế nào và chết sẽ đi về đâu cũng là một đề tài to lớn; nói bao nhiêu cũng không hết lời, diễn tả bao nhiêu cũng không hết ý. Chúng ta chỉ biết đơn thuần qua lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển rằng: Thế giới nầy, vũ trụ nầy có từ vô thỉ và sẽ kết thúc bằng chỗ vô chung.Vì sao vậy? Vì cái nầy sanh thì cái kia mất; cái nầy tồn tại thì cái kia phải di chuyển đi nơi khác. Nó chỉ thay đổi vị trí, chứ hoàn toàn không mất hẳn.

Như đã có lời đề cập ở chương trước rằng: Đức Phật cho chúng ta biết, tất cả các chúng sanh đang hiện hữu nơi cõi Ta Bà nầy đều từ cõi trời Quang Âm Thiên đầu thai đến đây. Vậy cõi nầy là cõi như thế nào?

“Đây là một trong các tầng trời ở cõi Sắc, tức là tầng thứ 3 của đệ nhị thiền; tầng trời nầy ở trên Vô lượng quang thiên và ở dưới Thiểu Tịnh Thiên. Chúng sanh ở cõi nầy không có âm thanh, chỉ do ánh sáng phát ra từ định tâm để thay cho ngôn ngữ mà truyền đạt ý nghĩa, vì thế nên gọi là Quang Âm Thiên. Chúng sanh có nghiệp tương ứng bậc thượng phẩm cõi Nhị Thiền được sanh về cõi trời nầy, được sắc tối thắng,  thân cao 8 do tuần, sống lâu 8 đại kiếp, lấy sự vui mừng làm thức ăn, trụ trong an lạc, ánh sáng tự nhiên, đầy đủ thần thông, có thể bay đi trong hư không.

Luận câu xá quyển 12 (Đại Chánh quyển 29, 63 thượng) nói: “Ban đầu có một hữu tình ở cõi trời Cực quang tịnh, chết đi, sinh xuống cõi trời Đại Phạm làm Đại Phạm Vương. Sau, các hữu tình khác cũng từ cõi trời kia chết đi, sinh xuống cõi trời Phạm Phụ (…) dần dần sinh xuống nữa, cho mãi đến cõi người (…). Sau, sinh xuống ngạ quỷ, bàng sanh, địa ngục”. Đây có ý nói chúng sanh hữu tình của thế giới Ta Bà nầy chính đã từ cõi trời Cực Quang Tịnh (Quang Âm Thiên) và lần lần sinh xuống.

Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 34 thì nói rằng: “Lúc kiếp sơ, các Thiên Tử từ cõi trời Quang Âm đến thế gian nầy nếm thử mùi ngon của đất, người ăn ít thì thân thể không nặng nề, không mất thần túc; nên vẫn bay về lại được chốn xưa; còn người ăn nhiều thì thân thể nặng nề, mất hết thần túc; nên không thể bay trở về lại cõi trời được nữa.

Ngoài ra, một bộ chúng của của Ngoại Kim Cương Viện thuộc Mạn Đà La Thai Tạng giới của Mật Giáo cũng đã xuất thân từ cõi trời Quang Âm Thiên nầy (Xem kinh Trường A Hàm quyển 20; kinh Khởi Thế quyển 7; kinh Đại Lâu Thán quyển 4; Bí Tạng Ký) (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 4445 và 4446).

Như vậy chúng ta đã rõ biết là loài người từ đâu đến theo lời Phật dạy trong các kinh điển khác nhau; nhằm chỉ bày cho chúng ta nguồn gốc có từ cái nầy sinh và cái kia diệt; cái nầy mất, cái kia sẽ tồn tại. Như vậy thủy tổ của loài người là từ cõi Sắc giới; những chúng sanh tại đó có hình tướng, có ánh sáng, có thần thông và vẫn còn bị nghiệp lực chi phối; nên vẫn còn bị sinh tử luân hồi và tuổi thọ càng ngày càng giảm thiểu lại. Giảm đến mức không còn giảm được nữa, thì vũ trụ nầy sẽ đổi thay. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng: các chúng sanh ấy không mất hẳn, mà chỉ thay đổi từ cõi nầy sang cõi khác; từ nơi nầy đến nơi kia và lúc làm thân nầy, thân nọ. Chỉ có những người hoàn toàn giải thoát sanh tử rồi; mới có thể chứng vào Võ Dư Y Niết Bàn, nếu không còn lời nguyện trở lại cõi nhân gian nầy nữa, thì người ấy vĩnh viễn không còn tái sanh lại làm người nữa.

Trong quyển “Tịnh Độ Tông Nhật Bản”, Ngài Thân Loan cho rằng có 2 cách để vãng sanh. Cách thứ nhất gọi là vãng tướng. Nghĩa là sau khi đầy đủ những điều kiện để vãng sanh rồi, chúng sanh ấy về tại Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc và không có ý muốn trở lại cõi nầy hay những cõi khác nữa. Những người được gọi là Hoàn tướng vãng sanh. Có nghĩa là sau khi được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, người ấy vẫn còn tâm nguyện muốn cứu độ chúng sanh ở cõi Ta Bà nầy; nên đã phát nguyện trở lại cõi nầy để tiếp tục thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát của mình.

Nếu dem Phật học ra để luận chứng thì khoa học chỉ thể hiện được những gì mắt thấy, tai nghe; còn những việc xa xôi như vậy khoa học chưa thể làm được. Có thể vào một ngày nào đó con người sẽ hiểu xa và sâu hơn như thế; chứ không phải chỉ biết được qua khoa học là con người mới có mặt trên quả địa cầu nầy chừng mấy triệu năm, cũng là những chứng minh chưa rốt ráo. Nhưng con người có mặt ở cõi nầy để làm gì?

Câu trả lời có muôn hình vạn trạng và ta được biết rằng vì sự ham muốn mà con người bị mất thần thông và phải ở lại cõi nầy trong một quá trình sanh tử dài lâu như vậy. Cái dục nó làm chủ con người; nên con người mới mãi xoay dần trong sáu nẻo, ba đường là vậy. Đó chính là sự ham muốn về tiền tài, của cải, sự cao ngạo; sự ham muốn về sắc đẹp của cõi nầy hay cõi khác; sự tham danh, hiếu chiến, muốn mình hơn và kẻ khác phải thua. Ăn uống thì chẳng chừa một loại gì; miễn là vật ấy có thể đưa vào miệng được. Còn ngủ nghỉ thì cũng muốn có nhiều thời gian hơn để ngủ. Nguyên nhân chính, đó là sự biếng nhác của con người.

Có nhiều người “giàu nứt trứng, đổ vách”; nghĩa là không có chỗ chứa cho hết; nhưng nhân quả vẫn luôn công bình; nên “chẳng ai giàu được ba họ, mà cũng chẳng có ai phải khó ba đời” cả. Nghĩa là “hết cơn bỉ cực đến ngày thái lai” là vậy. Cái giàu và cái nghèo qua sự đánh giá có được của vật chất như: vàng, bạc, đá quý v.v… thì chúng cũng chỉ là những vật vô tri mà thôi. Con người làm chủ đồ vật; chứ đồ vật không làm chủ con người được. Nếu con người để cho đồ vật làm chủ, thì đồ vật là chủ nhân ông của con người rồi. Từ đó chúng ta có thể suy ra rằng: “vật chất chỉ là phương tiện của cuộc sống, chứ không phải là mục đích của cuộc sống”. Ai biết được điều nầy; có nghĩa là người ấy sẽ tự làm chủ bản thân của mình được.

 

Trong truyện Kiều cũng có mấy câu thơ cuối cũng đã diễn tả được hết những việc liên quan đến vận mệnh của nàng Kiều suốt cả một cuộc đời lưu lạc qua các chữ tài, sắc, tai họa v.v… như thế nầy:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…”

 

Rõ ràng là như vậy. Lúc thì chìm, lúc thì nổi, lúc long đong; nhưng cũng nhiều khi danh vọng lên đến tột đỉnh, nhất là khi đã được ở bên Từ Hải để ơn đền oán trả. Thế mà trớ trêu thay, dầu tài giỏi đến đâu, dầu đẹp cho sắc nước lưng trời như nàng Kiều đi nữa, thì cái tâm mới là quan trọng; còn cái tài lại kém thua đến ba lần. Như vậy đủ thấy rằng: cuộc đời nầy có tiền, có sắc, có danh cho đến tột đỉnh cao sang trên trần thế nầy, thì một ngày nào đó cũng phải vĩnh viễn ra đi, để cuối cùng cái tâm kia, mới là cái để quyết định tất cả, chứ không phải là cái tài. Trong truyện Kiều cũng có câu:

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần”

 

Quả thật cụ Nguyễn Du đã quá tài tình để gieo vần tiếng Việt đúng với âm thanh và vần điệu của nó, mà chắc rằng nguyên ngữ bằng chữ Hán qua truyện Thanh Tâm Tài Tử không thế nào tạo nên được một nguyên bản tuyệt vời như dịch bản của cụ Nguyễn Du. Từ đó ta cảm nhận được tất cả những gì đã được diễn tả trong truyện Kiều qua ngòi bút thần kỳ của cụ Nguyễn Du về thân phận của nàng Kiều và các nhận xét trong truyện.

Tài và tai đều đem đến phận bạc cho con người. Chỉ có tu tâm dưỡng tánh, thể hiện đường ngay thẳng, thì chính trong cái  họa bị rớt xuống sông Tiền Đường; nếu không có cái tâm của Sư Giác Duyên thì làm sao Kiều có thể sống sót được và nhờ đó mà Kim-Kiều mới được tái hợp. Tác phẩm nầy đã nói lên được hầu hết những việc tiêu biểu của con người, thiết tưởng cũng không cần phải đi xa hơn nữa; nhưng ở đây muốn trùng tuyên lại để vinh danh cái thiện trong cuộc đời và cái giả hợp ở trong cuộc sống.

Giàu có của cải, vàng bạc chất như núi cao đi nữa thì khi chết cũng không ai có thể mang theo được một vật gì cả; ngoại trừ cái tâm nầy phải đối diện với thiện ác mà thôi. Cái tâm là chủ thể của mọi vấn đề. Tâm sinh ra vạn pháp; chứ vạn pháp không sinh ra tâm. Vì vậy làm chủ tâm là chính, chứ không phải làm chủ thân và những vật tùy thân. Vì những thứ nầy cũng chỉ là những thứ giả, không thật; dẫu cho đó là vàng hay kim cương đi nữa.

 

Nói về sắc dục thì lịch sử trải qua mấy ngàn năm đã có không biết bao nhiêu câu chuyện đã xảy ra. Trên từ vua quan, dưới cho đến thứ dân. Ai ai cũng bị một chữ “tình” chi phối. Có người mất nước như Đắc Kỷ, Trụ Vương hay nụ cười của người đẹp Bao Tự của Trung Hoa. Riêng chỉ mỗi truyện Kiều, chúng ta cũng có thể lấy đó làm nhiều dẫn chứng cụ thể, để từ đó tự mỗi cá nhân cũng có thể lấy làm bài học kinh nghiệm cho đời mình.

Nếu Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến không vì cái sắc đẹp của nàng Kiều là:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước, nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai…”

 

Qua mấy câu thơ trên chúng ta phải nhận chân ra việc tả chân dung của cụ Nguyễn Du thật là quá tuyệt vời. Ở trên đời nầy làm sao có được những con người đẹp như tiên và hơn tiên như thế. Đẹp đến nỗi mà hoa còn phải ghen, liễu còn phải hờn. Đúng là nét đẹp mỹ miều; cho nên nụ cười thứt nhất của nàng Kiều cũng như của Đắc Kỷ đã làm cho thành trì nghiêng ngã và nụ cười thứ hai của các nàng đã làm cho đất nước rơi vào tay kẻ khác.

Thế nhưng tục ngữ Việt Nam cũng có câu:

Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Người Đức cũng có những câu tục ngữ không kém gì của chúng ta mấy. Đó là:

Die Schönheit vergeht, die Tugend besteht

Nghĩa đen: “Sắc đẹp mau tàn, đạo đức mới còn tồn tại”.

Dầu là Đông hay Tây; Nam hay Bắc, chúng ta vẫn luôn gặp nhau ở một chỗ. Đó là chữ tâm; hay nói đúng hơn là đạo đức. Chính cái tư cách, cái đạo đức ấy mới làm nên con người; chứ con người mà không có đạo đức chẳng khác nào cái cây không có cái lõi. Chính cái lõi bên trong ấy mới là điều căn bản để cây kia còn tồn tại; còn cái thân cây bên ngoài có bị hư, bị cháy, bị bầm dập thế nào đi chăng nữa, điều ấy chẳng có gì để đáng nói cả. Vì lẽ bịnh ngoài da, trước sau rồi cũng sẽ lành. Chỉ có bịnh trong tâm mới là điều cần cấp thời chữa trị.

Cũng chỉ vì nước mắt của nàng Kiều mà Từ Hải phải chết đứng, khi phải chịu đầu hàng Hồ Tôn Hiến. Nếu không có Kiều thì Từ Hải đâu phải chịu quy hàng. Điều khuyên của Kiều không sai đối với triều đình; nhưng lâu nay Từ Hải vốn là kẻ anh hùng riêng một cõi. Bây giờ lại phải phủ phục dưới triều đình thì còn cái nhục nhã nào bằng. Tuy nhiên đã có Kiều bên cạnh; nên Từ Hải an lòng. Cuối cùng rồi, chính cái sắc đẹp ấy của nàng đã làm cho anh hùng phải đến thời mạt lộ.

Ở đời thường, có không biết bao nhiêu cảnh trái ngang về chữ tình và sắc đẹp. Thiết nghĩ có viết lại đây cũng bằng thừa. Vì lâu nay vốn dĩ đã là vậy. Người xưa cũng đã nói rằng:

Nhơn tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong

Nghĩa là con người, nếu tham lam tiền tài, danh vọng thì cái chết nó không chừa; còn chim chóc háu ăn, không biết lượng sức mình khi đồ ăn quá ngon, quá nhiều; lại ăn nhiều quá, cũng sẽ dẫn đến cái chết.

Còn danh ư? Xã hội ngày xưa cũng như ngày nay mấy ai tránh khỏi. Cũng chỉ vì hai chữ công danh mà người ta phải bỏ mạng nơi sa trường. Vì danh ấy tạo nên thế đứng cho con người; nên ngôi vị đế vương, Thủ tướng, Tổng thống v.v… là những chốn, những nơi mà con người muốn luôn đạt đến; nhưng khi đến đó rồi, có thấy gì đâu; ngoại trừ một chiếc ngai vàng vô hồn và bốn bức tường vô cảm. Nếu ngai vàng và điện ngọc cùng con ngoan là tuyệt đối thì không ai hơn Thái tử Tất Đạt Đa cách đây hơn 2.500 năm về trước cả. Vì vương triều, quốc thổ… Vua Tịnh Phạn đã sẵn sàng giao lại cho con mình; nhưng Thái tử Tất Đạt Đa đã từ chối và quyết chí đi xuất gia tìm đạo, hầu tìm đường giải cứu chúng sanh. Nếu ngày xưa, Thái tử Tất Đạt Đa vì danh lợi, ở lại với cung son, thì vị vua ấy cũng chỉ trị vì có một vương quốc nhỏ ở miền Bắc xứ Ấn Độ. Thế nhưng Ngài đã hy sinh tự kỷ cá nhân của mình. Hy sinh danh lợi riêng tư có sẵn để đi tìm cho nhân sinh một cánh cửa giải thoát mới và sau khi thành Phật được người đời xưng tụng khắp trần gian nầy. Ngày nay biên giới giác ngộ ấy không còn nằm trong xứ Ấn Độ nữa, mà chính giáo lý vị tha, vô ngã của Đức Phật đã mang sự lợi lạc đến cho cả hằng tỷ người, thì sự hy sinh danh vọng và địa vị một thời ấy của Thái tử Tất Đạt Đa, nó có một giá trị vô song, luôn luôn miên viễn với thời gian và năm tháng.

Cái ăn, cái mặc vốn là những vấn đề cần thiết lâu nay trong cuộc đời nầy; nhưng ăn làm sao cho đừng hại lòng từ bi, mặc làm sao cho khỏi tốn của Đàn Na Tín Thí là một điều quan trọng mà Đức Phật đã căn dặn hàng đệ tử xuất gia rất nhiều lần và nhiều kiểu cách khác nhau để xứng đáng với công lao của tín thí đã dâng cúng vào. Một hạt cơm của tín đồ mang đến cúng dường vào chùa nó có một giá trị vô song; nên trong cuối mỗi bữa ngọ trai, chư Tăng Ni thường hay phục nguyện để hồi hướng cho họ như:

 

“Thân phi nhứt lũ

Thường tư chức nữ chi lao

Nhựt thực tam xang

Mỗi niệm nông phu chi khổ

 

Phổ nguyện:

 

Ân sư huấn dục

Phụ mẫu sinh thành

Đàn Na thí chủ

Tăng ích phước điền

Pháp giới nhơn thiên

Tề thành Phật đạo”

 

Nghĩa:

 

“Thân mặc từng sợi chỉ

Phải nhớ người dệt vải

Ngày ăn cơm ba bữa

Phải nhớ công người cày

 

Lại nguyện

Ân Thầy dạy dỗ

Cha mẹ sinh ra

Người cúng kẻ thí

Phước điền tăng nhanh

Pháp giới trời người

Đều thành Phật đạo”.

 

Rõ ràng là cái ân, cái nghĩa qua bao việc khó nhọc của cuộc đời cho chén cơm, manh áo… người xuất gia phải luôn nhớ nghĩ đến và thầm cảm ơn họ. Nếu không có những người nầy sản xuất thì làm sao cung ứng nhu cầu căn bản cho con người được. Cho nên kẻ thọ ơn lúc nào cũng phải biết ơn người đã mang ta đến gần với con đường giác ngộ, hiểu biết.

Người Pháp cũng nói rằng:

“Manger pour vivre et non vivre pour manger”

Nghĩa: Ăn để mà sống; chứ không phải sống để mà ăn“.

Ăn là một phương tiện trong đời sống hằng ngày; chứ không phải là mục đích. Mục đích chính là nhờ vào cái ăn nầy để nuôi thân và từ đó chúng ta mới ra khỏi chỗ hiểm nguy của sanh tử được.

Còn ngủ nghỉ vẫn là một đề tài mà xưa nay luôn được bàn đến. Vậy ngủ bao nhiêu thì đủ ? Có người nói rằng: mỗi ngày ngủ 8 tiếng đồng hồ mới đủ. Có người bảo phải nhiều hơn. Có người nói ít hơn cũng không sao. Nhưng đúng hơn hết „biết đủ là đủ“. Nếu người không biết đủ thì bao nhiêu cũng không đủ cả. Từ tiền tài, vất chất, danh vọng, sắc đẹp, địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ v.v… đều như vậy. Khi ta chủ động làm chủ mọi vấn đề trên, thì dầu cho ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa, ta vẫn thấy tự tại an nhiên. Nếu chúng ta không nhận định và thực hành điều nầy một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thì ta sẽ bị chúng làm chủ. Lúc ấy ta không còn là ta nữa.

Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, mỗi ngày đêm Ngài thường chỉ nghỉ có 2 tiếng đồng hồ và sau mỗi lần nghỉ dậy như vậy trong các kinh sách hay nói rằng: Đức Phật từ trong chánh định mà dậy; nghĩa là dầu trong cái ngủ nghỉ của Ngài; tất cả Ngài đều làm chủ và Ngài muốn thức lúc nào; chính cái định và trí tuệ sai khiến; chứ không phải cái vô minh nó có thể làm chủ được. Người nào ngủ nghỉ nhiều thì trí tuệ dần kém, mà trong ba đời chư Phật, thành được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, tất cả đều nhờ vào trí tuệ. Chính trí tuệ quyết định và soi sáng mọi hành hoạt của chúng ta.

Có nhiều người bảo rằng: Nếu phải làm hay thực hiện các việc trên một cách rốt ráo như vậy thì có gì có thể gọi là Ngũ Dục nữa. Vì cõi nầy là cõi ham muốn, mà diệt dục tức là từ bỏ những ham muốn đi. Như vậy cuộc đời nầy còn có ý nghĩa gì nữa ? Vậy phải sống để làm gì ? Dĩ nhiên khi còn là người Cư sĩ, phải lăn lộn với cuộc đời và bị cuộc đời chi phối; nhưng nếu chúng ta vươn lên, ta cũng có thể dự vào hàng Thánh; còn nếu ta buông bỏ, lêu lỏng thì cuộc đời nầy nó sẽ cuốn ta theo, không một chút nhân nhượng nào. Khi sinh ra ở cõi Dục nầy; chúng ta đã mang theo được 50% là việc thiện còn 50% là việc ác. Vì cõi nầy là cõi tương đối mà. Thế nhưng từ 50% thiện ấy, nếu chúng ta cố gắng tu tập và hành trì miên mật 37 phẩm trợ đạo, thì đây là hướng để đi lên. Chúng ta vẫn thấy những con người bình thường và đồng thời chúng ta cũng thấy những con người bình thường như những bậc Thánh Tăng. Đồng thời chúng ta cũng sẽ gặp những con người tầm thường nữa. Đó là những con người đi từ 50% tốt trở xuống những phần xấu xa, sâu thẳm của cuộc đời. Vậy thì việc tốt, việc xấu v.v… tất cả đều do ta tự tạo ra; chứ không có ai chi phối chúng ta cả. Đây là một phép lạ mà mọi người cần phải biết. Phép lạ ấy không phải là bay lên hư không hay đi trên mặt nước, mà là đi hai chân thật vững chãi trên mặt đất vậy.

Cũng là con người mà có người bình thường, có người không bình thường, có người cao cả, có kẻ Thánh nhân, có người phi thường, mà cũng chẳng thiếu những con người tầm thường, thiếu tư cách của một con người thực sự. Chính những hành vi tạo tác; chính những hành động, cử chỉ và tư cách của mỗi con người, làm nên giá trị đích thực của con người đó; chứ không phải là vàng bạc, kim cương, son phấn trang sức ở bên ngoài thân thể của mình.

 

Sống như thế nào, đã được trả lời như bên trên. Nếu chúng ta biết  „biết đủ muốn ít“ thì cuộc sống sẽ mang lại cho chúng ta nhiều sự an lạc hơn. Ngược lại, nếu chúng ta đua đòi, không sợ đến nhân quả và nghiệp báo, thì dầu cho anh hay chị trong kiếp lai sinh có thể làm đến Đế Thiên Đế Thích ở trên cõi trời thứ 33 thì anh hay chị vẫn thấy thiếu thốn như thường. Vì ông Trời nầy có đến 3.000 bà vợ và bà nào cũng đẹp; nhưng thật sự ra chỉ có một chánh cung Hoàng Hậu mà thôi. Còn những Hoàng Hậu bên cạnh đó, là Hoàng Hậu hóa thân của chánh cung Hoàng Hậu nầy. Sở dĩ có nhiều Hoàng Hậu như vậy là để cung ứng cho cái dục ở cõi Sắc nầy chăng? Và như thế vẫn chưa đủ; nên các ông vua vẫn cứ truyền tử lưu tôn đến các đời sau. Cho nên Thiên Tử của Trung Quốc phải có đến 999 bà Phi cùng một bà Hoàng Hậu mới vừa lòng; nghĩa là chỉ thua vua Trời ở cõi gần nhất một bà Hoàng Hậu mà thôi.

 

Ai trong chúng ta sanh ra rồi cũng phải sống. Có người chỉ sống trong bụng mẹ mới được mấy tháng là đã phải thay đổi kiếp khác để tái sinh; có người ra chào đời liền gặp hạnh phúc, may mắn, sanh vào nhà quyền quý, có kẻ hầu người hạ; nhưng cũng có lắm người khi sinh ra đã bị mù, đui, câm, điếc, ngọng nghịu, tật nguyền. Có người sống được vài chục tuổi lại phải chết, khi tuổi thanh xuân vẫn còn tràn đầy nhựa sống. Có người sống khổ sở, tha hóa, côi cút một mình. Có kẻ bất hiếu với cha, với mẹ. Có người sống lâu đến 80 hay nhẫn đến 100 tuổi. Có người khỏe mạnh, chẳng bệnh hoạn đau yếu gì; trong khi đó có không biết bao nhiêu người phải vào ra bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Có người hạnh phúc, có kẻ khổ đau. Vì sao vậy? Trong kinh đã dạy:

 

“Dục tri tiền thế nhân

Kim sanh thọ giả thị

Dục tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị”

 

Nghĩa:

 

Muốn biết nhân đời trước

Hãy xem nhân đời nầy

Muốn rõ quả đời trước

Hãy xem việc hiện tại.

 

Nếu hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Ta chỉ có thể sửa đổi trong hiện tại; chứ nghiệp trong quá khứ chúng ta sẽ không thể chuyển đổi được nữa. Còn tương lai nằm ngoài tầm tay mình, làm sao chúng ta có thể sửa đổi được.

Chúng ta được cái may mắn là sinh ra ở cõi Nam Diêm Phù Đề nầy, có Phật và Thánh chúng thị hiện. Nếu chẳng may chúng ta sanh vào các cõi Đông Thắng Thần Châu, Bắc Cu Lô Châu hay Tây Ngưu Hóa Châu, thì những nơi đó chỉ sống sung sướng hưởng lạc; nhưng lại không có Phật ra đời. Vậy ai sẽ hướng dẫn cho chúng ta tu học? Trong đời nầy cũng có cái khổ của tam đồ và bát nạn; nhưng nếu chúng ta cầu nguyện chí thành, thì mọi việc sẽ được viên mãn hơn. Đó là những người sanh ra trước Phật quá lâu, khi ấy Phật chưa xuất hiện ra đời nầy. Vì đây ở vào khoảng cuối của thời mạt pháp trước. Hoặc cũng có người thiếu duyên; nên sanh ra sau thời kỳ mạt pháp của Phật trong nhiều kiếp; nên cũng đã chẳng gặp Phật và nghe được giáo pháp của Ngài. Giáo Pháp của Đức Phật chia ra làm 3 thời kỳ. Đó là:

Thời chánh pháp, chúng sanh có tu, có hành và có chứng.

Thời kỳ tượng pháp, chúng sanh có tu, có hành và không chứng.

Thời kỳ mạt pháp, chúng sanh có tu, không hành và không chứng.

Ba thời gian ra đời và tồn tại giáo lý như thế của một Đức Thế Tôn trong mỗi kiếp khác nhau và giữa những thời gian mạt pháp và chánh pháp có nghĩa là trước hay ra đời sau Phật.

 

Những người bị những bệnh như: đui, mù, câm, ngọng, điếc cũng là một nỗi khổ lớn của một kiếp nhân sinh. Vì chẳng ai muốn như vậy; nhưng vì nghiệp dĩ đã tạo ra ở đời trước rồi; nên trong hiện tại phải chịu quả báo như thế. Đây cũng là nỗi khổ của chững chúng sanh trong cõi Dục nầy; khiến cho chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi bị hệ lụy như vậy.

 

Cái khổ cuối cùng của 8 nạn khổ bên trên là thế trí biện thông. Có nghĩa là những người hiểu biết quá nhiều. Dùng tài cán của mình để biện minh cho những sự hiểu biết đó; nhưng sự hiểu biết ấy chắc gì đã đúng. Vì vậy cho nên tâm chấp trước, cống cao ngã mạn lại nổi lên, làm cản trở niềm tin với Tam Bảo, với Phật Pháp. Cái chấp thủ vào một hay nhiều vấn đề; chính là sự cản trở trên tiến trình giải thoát sanh tử; những người sống với loại thế trí biện thông nầy thường hay coi trọng danh dự, địa vị, sự hiểu biết và hay xem thường nhân quả, nghiệp báo hay luân hồi v.v… từ đó dẫn họ đến một trong 8 nạn khổ ở thế gian nầy là vậy. Cho nên những câu kệ trên đã giúp cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ đi về đâu, sau khi chúng ta gây ra cái nhân trong hiện tại của kiếp nầy.

Người xưa thường nói:

 

“Thiên đường hữu lộ vô nhân vấn

Địa ngục vô môn hữu khách tầm”.

 

Nghĩa :

 

“Thiên đường có lối không người hỏi

Địa ngục không cửa, lắm người tìm”.

 

Nơi giải thoát sanh tử, thanh tịnh trang nghiêm đã có lối đi, có lời Phật dạy, có Thánh nhơn chờ đợi ở đó; nhưng mọi người thấy khó, ít dùng năng lực tự có và tha lực cầu nguyện để được thăng tiến cho cuộc sống của tâm linh. Chỉ vì ngại khó.

Còn địa ngục; nơi chốn tội lỗi, tối tăm… thế nhưng có nhiều người muốn vào. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi. Vì lẽ đi lên cao thì ngược chiều và cần dùng đến nhiều sức lực. Còn đi xuống, không cần gì cả; chỉ cần hướng đến bên dưới thì cái lực chiêu cảm của nghiệp cũng đủ mạnh để lôi kéo ta đi vào con đường hiểm nạn. Thế mà nhiều người vẫn tự nguyện vào.

Để chứng minh điều dễ hiểu nầy bằng ví dụ sau đây: Ngày rằm, mồng một cửa chùa nào chẳng rộng mở và mỗi tháng 4 ngày chủ nhật, nhà thờ nào cũng mở cửa để đón các tín hữu đi lễ; nhưng so ra với những chỗ du ngoạn; những nơi cờ bạc; những chỗ ăn chơi, không ai gọi mời mà nhiều người còn tự nguyện bỏ tiền ra đì mua vé để được vào. Vì họ nghĩ rằng ở đó có nhiều niềm vui. Tuy biết rằng có sa đọa, có tội lỗi. Tuyệt nhiên không sợ nhân mà chỉ sợ quả mà thôi. Còn Bồ Tát thì ngược lại, ngay từ đầu thấy cái nhân không tốt và biết chắc là cái quả cũng sẽ khó lường; cho nên họ sẽ dừng ngay lại những gì không phải đạo.

 

Chư Tổ cũng hay dạy rằng:

“Ái bất nhiễm, bất sanh Ta Bà

Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ”

 

Nghĩa:

 

Ái chẳng nhiễm, chẳng sanh Ta Bà

Niệm chẳng nhất (tâm), chẳng sanh Tịnh Độ

 

Ta Bà nầy là chỗ phải kham nhẫn mới có thể độ mình và độ người được. Nếu Bồ Tát vào đời mà thiếu sự kiên nhẫn và phải mặc chiếc áo giáp nhẫn nhục nầy vào thì mới có thể đi vào đời một cách an nhiên được. Cũng có nơi nói rằng:

 

Sát sanh, thăng thiên đường

Phóng sanh, đọa địa ngục

 

Nghĩa:

 

Sát sanh, lên thiên đường

Phóng sanh, xuống địa ngục.

 

Nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì câu nầy dường như đối chọi hoặc tương phản ý nghĩa của giáo lý nhà Phật xưa nay; nhưng không phải vậy. Chữ sát sanh ở đây có nghĩa là giết những sự sống, những mầm mống sinh ra bởi tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, kiến thủ, tà thủ và giới cấm thủ. Những loại nầy nên giết sạch đi. Vì chúng là nguyên nhân sinh ra những bệnh tật của ngu si, ngã mạn, tà kiến. Nếu làm được như vậy thì sẽ lên được cảnh giới giải thoát.

Còn phóng sanh ở đây có nghĩa là buông lung, giúp cho sự sống của phiền não càng ngày càng tăng, ái dục càng ngày càng nhiễm nặng, tự ái, ngã mạn, buông lung vô độ… thì tất nhiên khi chết đi, cửa địa ngục đang chờ đợi những người có hành vi phóng sanh   như vậy.

Vì thế cho nên trong kinh Bát Đại Nhân Giác đoạn mở đầu có nói rằng: Các vị Bồ Tát muốn thay thế cho các chúng sanh để thọ nhận những khổ báo trên đời nầy. Thế mà chúng sanh chưa ý thức được những tâm nguyện của các vị Bồ Tát. Dĩ nhiên khi các Ngài đã phát nguyện, các Ngài chẳng nệ hà gì những khó nhọc, hay ngay cả nhiều lúc nguy hiểm đến tánh mạng nữa; nhưng các Ngài vẫn không màn tới. Miễn sao những chúng sanh bị chìm đắm trong sanh tử được an vui, hiểu được giá trị của sự tu học, làm việc thiện lương là các Ngài đã hoan hỷ nhiều rồi.

Bồ Tát thấy chúng sanh khổ; nên vào ra trong cảnh khổ và lần dẫn dắt chúng sanh ra khỏi nhà lửa của tam giới ấy; nhưng chúng sanh mãi ham nơi dục lạc; nên đã quên bẵng đường về. Ở đó để cho lửa nóng đốt cháy. Bồ Tát thấy vậy, bèn dùng phương tiện để dụ cho chúng sanh ra khỏi nhà cháy nầy, nhằm thoát hiểm. Có như thế sanh mạng của chúng sanh mới được an toàn.

 

Cũng có nhiều người không tin là có kiếp sau, mà họ nghĩ là việc chết sẽ kết thúc những chặng đường đã đi qua, sau đó là một khoảng không to tướng; không Phật, không Chúa, không giải thoát, không đọa lạc, không địa ngục, không thiên đường… Nếu chấp nhận một chủ nghĩa hư vô như vậy, thì bây giờ họ tha hồ làm ác, đâu có đời sau đâu mà sợ quả báo. Dĩ nhiên là họ không tin là có địa ngục; nên họ mới quan niệm như vậy; nhưng ở đây chúng ta thử tìm hiểu một trong nhiều địa ngục, để từ đó hiểu biết thêm về các cảnh giới khác nhau bên ngoài cảnh giới mà chúng ta đang sinh sống đây.

“A Tỳ Địa Ngục là một trong 8 địa ngục nóng. A Tỳ hay A Tỵ, tiếng Phạn là Avici. Còn gọi là A Tỳ Địa Ngục, A Tỵ chỉ địa ngục. Dịch ý là Vô Gián Địa Ngục. Kinh Quán Phật Tam Muội Hải quyển 5 phẩm Quán Phật Tâm (Đại Chánh 15, 668 trung): “Vì sao gọi là địa ngục A Tỵ ?  - A là không, Tỵ là ngăn che; A là không, Tỵ là cứu; A là không gián cách, Tỵ là không động đậy; A rất là nóng bức, Tỵ là rất buồn bã; A là không thoải mái, Tỵ là không dừng trụ. Không thoải mái, không dừng trụ, gọi là địa ngục. A Tỵ. A là lửa bốc, Tỵ là nóng cháy. Lửa mạnh đốt tâm, gọi là địa ngục A Tỵ.

Phẩm Quán Phật Tâm còn nói, địa ngục nầy nằm ở tầng dưới cùng của các địa ngục, có 7 lớp thành sắt, 7 tầng lưới sắt, 7 lớp nội thành có rừng gươm. Ở dưới có 18 ngăn, chung quanh 7 lớp đều là rừng dao. Có 18 ngục tốt. A Tỵ có 4 cửa ra vào, trên các ngưỡng cửa có 80 cái chõ, đồng sôi phun lên, từ cửa chảy tràn vào. Những chúng sanh giết cha hại mẹ, sỉ nhục sáu thân, sau khi chết phải rơi vào địa ngục nầy.

Các chúng sanh chịu khổ ở địa ngục A Tỵ đều không thể kham nổi những cực hình như bị rang, rán (chiên), vì đau đớn quá mà kêu gào; cho nên nơi đây còn được gọi là A Tỵ hoán địa ngục (địa ngục kêu gào). Lại vì lửa mạnh đốt người; nên gọi là A Tỵ tiêu nhựt địa ngục (địa ngục nóng cháy). Lại vì địa ngục A Tỵ rộng mênh mông, không một sức phàm nào có thể thoát ra được, nó kiên cố như một thành trì lớn; cho nên gọi là A Tỵ đại thành (xem kinh Trường A Hàm quyển 19 phẩm địa ngục; kinh Đại Lâu thán quyển 2 phẩm Nê Lê; kinh Khởi Thế quyển 4 phẩm địa ngục; luận Câu Xá quyển 11; Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 2); (xem thêm phần Vô Gián địa ngục) (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 85-86).

 

Nếu ai tin nơi Đức Phật là một bậc đại trí tuệ, đại giác ngộ, thì cũng có thể tin rằng Ngài cũng có thể dùng thần thông diệu dụng và trí tuệ tuyệt vời để thấy khắp các cõi nước trong 3.000 thế giới lớn nhỏ; ngay cả cõi Tây Phương Cực Lạc, cách thế giới Ta Bà nầy 10 vạn ức cõi Phật như thế, mà Đức Phật vẫn còn thấy được, thì một cảnh giới của Địa Ngục Vô Gián mà Đức Phật đã mô tả trong kinh Trường A Hàm vốn là những kinh căn bản, có xuất xứ từ tiếng Pali, thì chúng ta không thể nghi ngờ gì khác được. Đó chỉ là những lời Phật dạy. Phật đã vì chúng sanh bị trôi lăn trong cõi địa ngục; nên mới giới thiệu rõ nét như vậy. Còn tin hay không, khi nắp quan tài đậy lại thì nghiệp cảnh đài tiền sẽ hiện ra trước mắt rồi. Lúc ấy có bỏ chạy đi đâu cho khỏi những tội lỗi mà mình đã gây ra trong kiếp nầy và quá khứ; chỉ có địa ngục mới có thể chứa hết được mà thôi.

 

Người xưa đã chả thường nói rằng: “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” là vậy. Vì nhiều người nghĩ rằng: sự chết nó sẽ đến với ai xa lạ kia; chứ nó sẽ không đến với mình. Vì mình còn trẻ mà. Cho nên câu nói trên ngụ ý nhắc khéo cho mọi người biết rằng: khi sắp vào quan tài thì đã quá muộn màng rồi. Ngày xưa Phật hỏi các vị Đệ tử rằng:

- Đời người sống được bao lâu ?

- Bạch Thế Tôn! 50 tuổi

- Ông mới ở ngoài da

- Bạch Thế Tôn! 80 tuổi

- Ông đã được vào xương

- Bạch Thế Tôn! Chỉ trong một hơi thở

- Chính ông mới là người đã vào được trong tâm.

 

Rõ ràng là như vậy. Con người khi hít vào mà không thở ra; tức là đã xong một đời rồi, làm sao định nghĩa được là bao nhiêu tuổi mới phải chết, hay được chết hoặc bị chết? Ai hiểu được sự vô thường thì người ấy sẽ thực hành pháp tu một cách nhanh chóng, không phải suy nghĩ gì nữa cả. Còn  ai chỉ muốn “bới tông tìm vách” mà không có ý thức về việc nầy thì sự chứng thực vẫn còn xa.

Trong sám Trần Thế cũng có nói rằng:

Dép dưới giường, lên giường vội biệt

Sống ngày nay, chẳng biết ngày mai

Mạng người hô hấp kinh thay

Nghĩ cơn vĩnh biệt tuyền đài mà đau

 

Có người tối đi ngủ, để dép bên dưới giường; sáng mai đến không còn có cơ hội để xỏ chân vào dép nữa. Như vậy là đời người cuối cùng rồi cũng chỉ trong hơi thở mà thôi. Khi cơn vĩnh biệt chia ly đến, thì mọi người mới ngỡ ngàng. Lúc ấy đã quá trễ rồi, không còn thời gian để chuẩn bị nữa. Chi bằng ngay từ bây giờ. Bắt đầu từ ngày hôm nay phải hạ thủ công phu để tu tập; ý niệm rõ ràng việc sống chết là có thật; nó đến với ta bất cứ lúc nào. Địa ngục và thiên đàng cũng có thật. Nó không phải là những nơi chốn để hù dọa hay thưởng phạt, mà nó chính là một định nghĩa chính xác nhất để trả lời cho câu hỏi như ở đầu chương nầy đã nêu ra là: sống như thế nào và chết sẽ đi về đâu, vậy.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 14475)
Sách "Chết và Tái Sanh" hội đủ nhân duyên dược tái bản do nhu cầu độc giả gia tăng tại Úc, dựa hai điểm chính sau: Thứ nhất, ấn bản lần đầu tiên, 1000 cuốn vào tháng 10 năm 2000, đã phân phối rộng rãi nhiều nơi tại Úc và Việt Nam. Sau hơn 2 tháng, vào cuối tháng 12, sách đã hết sạch, có nhiều người muốn đọc mà không tìm thấy sách nữa. Thứ hai, sách đã được đài phát thanh SBS (Syndey) trang trọng giới thiệu trong chương trình toàn quốc vào sáng ngày 31 tháng 12 năm 2000, sau đó có rất nhiều thính giả hoặc trực tiếp hoặc bằng điện thoại hỏi thỉnh sách.
08/04/2013(Xem: 17098)
Khi còn là một đứa bé ở Tây Tạng, thỉnh thoảng tôi tìm thấy mẹ tôi, Delog Dawa Drolma, được vây quanh bởi những thính giả đang lắng nghe hết sức chăm chú khi bà nói về những cuộc du hành của mình tới các cõi giới khác. Khuôn mặt bà sáng ngời khi đề cập tới các bổn tôn trong các cõi thanh tịnh; những giọt nước mắt tuôn rơi khi bà tả lại những khốn khổ của chúng sinh trong địa ngục và các ngạ quỷ (preta), hay các sinh linh đau khổ. Bà nói về sự gặp gỡ những thân quyến đã chết của những người nào đó, và bà tiếp âm từ người chết tới người sống những mối bận tâm về những công việc không ngừng dứt (có thể là những đồng tiền hay châu báu được chôn dấu mà không thể xác định vị trí) hoặc những van nài khẩn thiết xin được cầu nguyện hoặc cử hành các buổi lễ. Bà cũng đem về lời dạy tâm linh của những đạo sư (lama) cao cấp đã ra đi từ thế giới này và các đạo sư ở bờ bên đây của cái chết đã đáp lại nó bằng sự cung kính sâu xa.
08/04/2013(Xem: 14481)
Cuốn Khi Chết Không mang theo được gì do tác giả Đoàn văn Thông biên soạn đã được đông đảo người đọc hoan nghênh. Đây là tập sách tuy mỏng nhưng cô đọng rất nhiều vấn đề liên quan tới cuộc đời của mỗi người và mọi người.
08/04/2013(Xem: 13789)
Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở cuộc đời. Đó là khai bày hiển thị tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh để chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật ấy. Nhưng khai bày hiển thị tri kiến Phật để chúng sanh ngộ nhập tức phải có phương tiện.
08/04/2013(Xem: 7325)
Cuốn sách này được biên soạn chủ yếu dựa vào một cuốn sách bằng tiếng Tây Tạng có nhan đề là Bardo Thődol, trước đây được một vị Lạt-ma Tây Tạng là Kazi Dawa Samdup dịch sang tiếng Anh, nhan đề là The Tibetian Book of the Dead, với lời bình giải của Hòa thượng Chőgyam Trungpa.
08/04/2013(Xem: 15298)
Nói đến luân hồi, nhiều người quan niệm đó như là chuyện xưa tích có, nhưng thật ra vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Cũng như không khí hít thở hằng ngày rất thiết yếu cho đời sống, nhưng phần đông không mấy người để ý đến.
08/04/2013(Xem: 14110)
Khi Sống, Con Người lo đủ việc và nhất là hết lòng chuẩn bị mọi thứ: - Nào chuẩn bị thi cử, chuẩn bị ra trường, chuẩn bị cưới hỏi, chuẩn bị sinh con, chuẩn bị nhận việc làm, chuẩn bị mua nhà, chuẩn bị đi du lịch, chuẩn bị đi nằm bệnh viện vân.. vân...
08/04/2013(Xem: 8184)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 5573)
Tối nay tôi sẽ trình bày vắn tắt quan điểm của Phật giáo về đời sống thực của con người, về sự chết và trong khi chết. Phật giáo dậy rằng con người có một giá trị rất cao, đáng tôn qúi, đặc biệt ở sự thông minh tuyệt vời và trí tuệ siêu đẳng.
08/04/2013(Xem: 6509)
Trong tác phẩm này, thầy Soyal tập trung vào các vấn đề làm sao để hiểu ý nghĩa thực thụ của sự sống, làm sao để chấp nhận cái chết, và làm sao để giúp đỡ người sắp chết, và người đã chết. Chết là một phần tự nhiên của sự sống, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]