Bhante Kovida trưởng thành trên một hòn đào nhiệt đới ở Jamaica, Trung bộ châu Mỹ, và vốn là dòng dõi người Hoa. Ông đã di cư đến Canada rồi tốt nghiệp đại học về khoa học ở đó. Trong suốt hai năm 1974 và 1975, ông dùng đường bộ để đi từ châu Âu đến Ấn Độ và Népal (ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, và Pakistan). Tại đây, ông nghiên cứu về lịch sử và Văn hóa Ấn Độ, tập luyện Hatha Yoga và thiền định, tìm hiểu âm nhạc cổ điển Ấn Độ và sau cùng ông đã đến với Phật giáo. Chuyến đi này đã là biến cố có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông vì nó đã thành tựu niềm khao khát mãnh liệt thuở ấu thời về du lịch và phiêu lưu mạo hiểm, và về sự hiểu biết về tâm linh.
Ông đã trở lại Ấn Độ hai lần nữa, kết hợp với những hoạt động xã hội phục vụ phát triển ở Sri Lanka. Tháng giêng năm 1991, ông thụ giới với Đại lão Hòa thượng Balangoda Anandamaitreya, một học giả, giáo sư và một nhà thực hành thiền định nổi tiếng, đã nhập diệt vào ngày 18 tháng 7 năm 1998 ở tuổi 102 sau khi cống hiến nhiều cho Tam bảo. Sau hai năm nhận được sự giáo huấn của thầy, Bhante Kovida trở về Toronto và bắt đầu chia sẻ giáo pháp với các bạn đạo. Ông thường lui tới Hamilton, Ottawa, Halifax, và Vancouver cũng nhằm bày tỏ những hiểu biết của mình về đạo Phật. Cứ khoảng hai năm một lần, ông lại quay lại vùng Đông Nam Á để thăm viếng bạn bè, hướng dẫn Hatha Yoga và Khí công, đồng thời giảng dạy về Phật pháp ở nhiều trung tâm Phật giáo tại Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông.
Bài dưới đây trích từ nhiều đoạn trong Hành trình vào Trí tuệ, Từ bi, Tự tại và Tịnh tịch của một tâm thức luôn truy tầm (An Inquiring Mind’s Journey into Wisdom, Compassion, Freedom anh Silence) của ông. Niềm tin về sự tái hiện thân và về một bản ngã riêng biệt, không biến đổi, trường tồn là một niềm tin nổi bật trong nền văn hóa cổ Ấn Độ xuất hiện trước và trong thời kỳ của Đức Phật, vẫn tồn tại đến tận ngày nay trong tư tưởng Ấn giáo.
Đức Phật là bậc đạo sư đầu tiên nhận thức được bản chất thực của bản ngã, rằng bản ngã không phải là một thực thể cụ thể và trường tồn, rằng nó chỉ là một ý niệm trong tâm thức dựa trên quá khứ quy định,bao gồm ký ức và kiến thức cùng kinh nghiệm quá khứ. Thông thường, con người tin vào một bản ngã trường tồn hay linh hồn vì chúng ta có những ký ức, hình ảnh, ý niệm và quan điểm của chính mình cũng như của những người khác mà chúng ta không nhận thức được rằng tự thân những hiện tượng tâm thức ấy liên tục biến đổi và không hề trường tồn.
Tư tưởng có thể đem lại tính liên tục cho điều gì mà nó nghĩ đến: những ký ức khả ái hay đau đớn. Nó có thể mang lại ý niệm về sự trường tồn cho một từ ngữ hay một hình ảnh, cho một ý tưởng hay một khái niệm, hoặc cho một truyền thống. Tư tưởng tự nghĩ rằng nó trường tồn bởi chuyển động tự động, có tính cách máy móc và lặp đi lặp lại của nó; nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Cả trên mặt đất lẫn trong tâm thức của chúng ta,thực sự chẳng có gì trường tồn. Cho nên Đức Phật cũng là bậc đạo sư đầu tiên đã không hề nói về sự tái hiện thân và quả tình đó là điều hết sức cấp tiến.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều Phật tử đã ôm ấp niềm tin rõ rệt vào sự tái hiện thân chỉ vì mơ tưởng và do việc họ thiếu khả năng mở rộng sự hiểu biết sâu sắc của mình về vô ngã (sự không tồn tại của một bản ngã riêng biệt, cụ thể và trường tồn). Bao lâu mà con người còn bị vướng mắc trong tiến trình tư duy, con người sẽ còn tiếp tục bám víu vào ý niệm về một bản ngã trường tồn và vào niềm tin về sự tái hiện thân, trong ý niệm về những cuộc đời thuộc quá khứ và tương lai.
Đức Phật có nói đến “sự tái sinh”, nhưng tôi có cảm tưởng rằng hầu hết mọi người, kể cả một số bậc cao tăng học giả, đã hiểu lầm và giải thích sai lạc ý nghĩa của sự “tái sinh” theo quan điểm của Đức Phật. Họ noi về sự tái sinh theo cái cách mà những người khác nói về sự tái hiện thân, và họ nói rằng, thay vì một bản ngã hay một cái-tôi-cá-nhân chuyển vào một thân xác khác sau khi chết, thì đó chính là nghiệp lực của cá nhân ấy tiếp tục tồn tại (nghĩa là ý thức của con người cùng những hậu quả của hành động của con người). Ngay cả quan điểm này cũng chỉ là suy đoán và mơ tưởng, Họ sử dụng ý niệm ấy của sự tái sinh để giải thích những hiện tượng phi thường nơi những trẻ con có khả năng nhớ lại kiếp trước. Vế vấn đề này có thể tôi nhầm lẫn, nhưng tôi có cảm tưởng rằng Đức Phật có ý nói đến một điều hoàn toàn khác.
Người ta cho rằng vào lúc giác ngộ, Đức Phật đã có khả năng nhớ lại vô số những tiền kiếp. Hình như Ngài đã thốt lên: “Trải qua vô số những cuộc sinh thành mà ta đã lầm lạc,tìm kiếm mà không tìm thấy kẻ đã kiến tạo ngôi nhà này. Quả là phiền muộn đối với việc cứ ra đời rồi lại ra đời. Ôi cái Kẻ Xây Nhà kia, ngươi đã bị phát giác; ngươi sẽ không còn xây lại ngôi nhà này nữa. Những cái rui của ngươi đã bị bẻ gãy; thanh thượng lương của ngươi cũng đã bị phá hủy. Tâm thức của ta nay đã giành được trạng thai Hưu dư y Niết-bàn và đã đến được chỗ tận cùng của mọi loại khao khát”.
Trong kinh Dhammacakka (chuyển pháp luân), bài giảng đầu tiên của Ngài, khi nhận định về Thánh đế thứ hai (Tập đế), Đức Phật đã dạy: “Chính sự khao khát là điều dẫn đến sự tái sinh. Đây chính là lần sinh thành cuối cùng của ta. Nay sẽ không bao giờ có sự tái sinh đối với ta”. Từ sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm của chính mình, tôi có cảm tưởng rằng, khi Đức Phật nói về sự tái sinh, Ngài thực sự nói đến một hiện tượng tâm lý chứ không phải là một hiện tượng vật lý, có nghĩa là Ngài đã nói đến sự tái sinh về mặt tâm thức, nói rõ hơn, đó là sự khởi lên lặp đi lặp lại của thái độ quy ngã xuất hiện bởi vô minh và ảo tưởng, bởi sự khao khát và bám víu, bởi sự giận dữ và ác ý.
Cho nên, khi Đức Phật nói về việc nhớ lại vô số tiền kiếp, đơn giản là Ngài chỉ muốn nói đến những lần mà bản ngã đã biểu lộ bởi vô minh và ảo tưởng trước sự kiện Đại Giác ngộ của Ngài. Nếu quán chiếu, bạn có thể thấy rằng, chỉ trong một ngày mà thôi, bản ngã của mình có thể khởi lên vô số lần bởi vô minh và ảo tưởng, bởi những thói quen của tình trạng quy ngã, bởi những thôi thúc và những điều quan tâm, có phải thế không?
Khi Đức Phật đã có khả năng nhìn thấu cái ảo tưởng về một bản ngã cố định và trường tồn (Kẻ Xây Nhà). Ngài đã được giải thoát khỏi mọi khao khát và bám víu, mọi đau khổ về tinh thần và những nỗi khó chịu. Tâm thức của Ngài tĩnh lặng, thênh thang , trong trẻo, thoát khỏi mọi cảm giác và tư tưởng quy ngã. Và vì thế khi Ngài nói, “Đây chính là lần sinh thành cuối cùng của ta. Nay sẽ không bao giờ có sự tái sinh đối với ta”, Đức Phật không hề nói về việc không trở lại một lần nữa trong hình thái vật chất mà đúng hơn, Ngài đã được giải thoát khỏi mọi khao khát quy ngã và tâm thức của Ngài đã được thanh lọc khỏi tam độc.
Con người nói về nghiệp kiếp trước vì họ muốn tin vào sự tái hiện thân và vào một bản ngã trường tồn chỉ vì ảo tưởng và vô minh, và họ cũng muốn có một câu trả lời thuận tiện,dễ dàng để giải thích những điều mà họ không thể hiểu rõ hoặc chẳng thể làm được gì về chúng. Chẳng hạn, họ thường hỏi, “Ông có thể giải thích thế nào về việc vì sao một người rộng lượng, tử tế lại phải đau khổ vì căn bệnh ung thư hay bị thương tật khủng khiếp đến vậy trong một tai nạn?” hoặc “Ông có thể giải thích thế nào về việc tại sao phụ nữ và trẻ em vô tội lại bị giết trong các cuộc nội chiến và tranh chấp?”.
Họ trả lời, “Hẳn phải là nghiệp kiếp trước, hẳn là ở kiếp trước những người ấy đã làm những việc gì rất xấu xa nên ngày nay họ phải trả. Nghiệp quá khứ đã chín. Nay họ phải gặt những gì mà họ đã gieo”. Nghiệp được coi là một cách thức trừng phạt. Tín đồ Thiên Chúa giáo sẽ nói, “Đó là ý Chúa và là sự trừng phạt của Chúa”. Trong khi tín đồ Hồi giáo bảo rằng, “Đó chính là ý định của Thánh Allah”. Con người tìm kiếm sự an ủi và an toàn trong những câu trả lời dễ dãi và thuận tiện vì họ không hiểu được luật duyên khởi hay duyên sinh, rằng mọi sụ xảy ra và trôi qua vì những nguyên nhân và những điều kiện nào đó.
Nhiều Phật tử sử dụng ý niệm của túc nghiệp để giải thích những sự bất bình đẳng về thể chất và xã hội: tại sao một số người mới sinh ra đã bị tàn tật và quặt quẹo trong khi những người khác sinh ra lành lặn và khỏe mạnh, tại sao một số người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hèn trong lúc những người khác sinh ra trong những gia đình giàu có và quyền thế, tại sao có người sinh ra với thiên bẩm và sự thông minh trong khi những người khác sinh ra với sự trì độn và ngu ngốc, tại sao có người được sống thọ trong khi có những kẻ chết trẻ,tại sao có những người xinh đẹp trong khi có những kẻ xấu xí, vân vân và vân vân.
Một lần nữa, lại có một sự giải thích dễ dãi và thuận tiện vì không biết đến luật duyên sinh – những nguyên nhân và những điều kiện hiển nhiên bao gồm những yếu tố về môi trường và sinh học cùng sự tuyển trạch ngẫu nhiên. Cách cư xử độc ác và sự đau khổ về tâm thần hiển nhiên xuất hiện từ những cấu uế của chúng ta – tình trạng vô minh và ảo tưởng, sự khao khát và bám víu, sự ghét bỏ và ác ý. Nghiệp là luật nhân quả, là hành động và phản ứng, và bạn có thể thấy điều đó một cách rõ ràng ngay trong đời sống hàng ngày nếu bạn có chú tâm: chúng ta tạo ra những nghiệp xấu ác như thế nào bằng những hành động và lời nói cố ý không khéo léo, chúng ta tạo ra những đau khổ và mâu thuẫn như thế nào chỉ vì vô minh và ảo tưởng, vì những tham luyến và những ước muốn, những ghét bỏvà ác ý, những thèm muốn ghen tỵ và oán giận.
Theo Đức Phât, chúng ta có thể thủ tiêu nghiệp xấu bằng cách thực hiện những cố gắng để thanh lọc tâm thức khỏi những cấu uế để nhờ đó trau dồi những đức tính nhân bản, chấm dứt mọi đau khổ và mọi nỗi khó chịu. Nghiệp là hành động có chủ ý và hành động là kết quả của quá khứ quy định của chúng ta. Nghiệp là phản ứng xảy ra từ những nguyên nhân nào đó và tạo nên những kết quả nào đó. Nghiệp chính là chuỗi nhân quả ấy. Về cơ bản, tiến trình thời gian là nghiệp. Bao lâu còn có quá khứ,thì phải có hiện tại và tương lai. Hôm nay và ngày mai là hậu quả của ngày hôm qua. Nghiệp thường được hiểu là một cách thức đền bù. Nhưng nghiệp chính là tiến trình thời gian, còn tâm thức là kết quả của thời gian.
Điều mà chúng ta đã làm trong quá khứ – tốt đẹp hay xấu ác – quyết định điều chúng ta có trong hiện tại. Nhưng cái bối cảnh quá khứ ấy không phải là một trạng thái tĩnh tại. Nó vẫn đang trải qua một sự biến đổi không dứt. Chúng ta ngày hôm nay không phải là chúng ta của ngày hôm qua cả về thể chất lẫn tâm lý: có một sự biến đổi liên tục vẫn tiếp diễn. Cho nên tâm thức cũng không ở một trạng thái tĩnh tại. Tư tưởng của chúng ta chỉ thoáng qua, thay đổi liên tục, chúng là câu trả lời cho cái bối cảnh ấy, cái quá khứ quy định ấy , gồm ký ức, kiến thức và kinh nghiệm quá khứ. Cái “tôi”, cái “là tôi” hay kẻ suy nghĩ được tạo nên bởi những tư tưởng, nó không phải là cái gì riêng biệt. Kẻ suy nghĩ chỉ là kết quả của những tư tưởng. Tư tưởng tạo ra kẻ suy nghĩ, đem lại cho kẻ áy một vị trí cố định trường tồn trong tâm thức ngay giữa những dòng tư tưởng thoáng qua. Đó chính là cái ảo tưởng mà tư tưởng tạo nên, những trò bịp bợm mà tư tưởng đùa giỡn với chính nó.
Đáp lại với cái quá khứ quy định ấy chính là nghiệp, như trong hành động cố ý. Đáp lại với ký ức được gọi là hành động, nhưng thực ra nó chỉ là phản ứng, cái “hành động” ấy sản sinh những phản ứng khác nữa và vì thế có cả một chuỗi những điều được gọi là nguyên nhân và phản ứng. Thế nhưng phải chăng nguyên nhân không phải là hậu quả hay sao? Cả nguyên nhân lẫn hậu quả đều không tĩnh tại. Hôm nay là hậu quả của ngày hôm qua nhưng lại là nguyên nhân của ngày mai; điều đã là nguyên nhân nay trở thành hậu quả và hậu quả lại là nguyên nhân. Cái này lưu chuyển vào trong cái kia. Chẳng hề có một khoảnh khắc nào mà nguyên nhân không cùng lúc cũng là hậu quả. Chỉ có những gì đã được thiết kế chuyên dụng rồi mới được cố định trong nguyên nhân của nó và vì thế cũng cố định trong hậu quả của nó: quả sồi chẳng thể trở thành bất kỳ một điều gì khác ngoài một cây sồi.
Nghiệp là tiến trình thời gian, quá khứ chuyển dịch đến hiện tại rồi tương lai, chuỗi chuyển dịch này chính là chuyển động của tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của thời gian, và chỉ có thể có được sự vô hạn, sự vĩnh cửu, tình trạng phi thời gian khi tiến trình của tư tưởng dừng lại. Sự tĩnh tịch của tâm thức có mặt theo sau sự huấn luyện tâm thức, sự hiểu biết về tiến trình tư duy và sự hiểu biết về kẻ suy nghĩ cùng với những thôi thúc, những phản ứng theo thói quen đã bị điều kiện hóa của y – đó chính là sự kết thúc vô minh và ảo tưởng, sự khao khát và bám víu, sự ghét bỏ và ác ý.
Việc cắt đứt chuỗi dây xích nghiệp lực không phải là vấn đề của thời gian. Nghiệp phải được hiểu như một tiến trình toàn thể, không chỉ như một điều gì đó của quá khứ. Quá khứ là thời gian, cũng vậy với hiện tại và tương lai. Thời gian là ký ức, từ ngữ, ý niệm, truyền thông , niềm tin. Khi từ ngữ, danh tự, sự liên tưởng, kinh nghiệm và bản ngã cùng với vô số những khao khát của nó vắng mặt trong sự minh bạch và tĩnh lặng của sự tỉnh thức thênh thang, khi ấy nghiệp cũng chấm dứt. Đó chính là niềm hạnh phúc tuyệt đối và tự do tuyệt đối của Tâm thức Phật.■