Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Đối Phó với Hôn Trầm và Trạo Cử

12/09/201223:08(Xem: 16346)
Chương 4: Đối Phó với Hôn Trầm và Trạo Cử
Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎


Phần I: Định từ Thiền

Chương 4: Đối Phó với Hôn Trầm và Trạo Cử

(c)) Làm gì sau khi quý vị tập trung lên đối tượng thiền

(1)) Làm gì khi hôn trầm và trạo cử xảy ra.

(a’)) Sử dụng phương thuốc trị sự thất bại trong việc nhận biết hôn trầm và trạo cử

(1’)) Xác định các đặc tính của hôn trầm và trạo cử

(2’)) Phương pháp phát triển tỉnh thức nhận biết được hôn trầm và trạo cử

(b’)) Sử dụng phương thuốc trị việc thất bại trong nỗ lực loại trừ chúng ngay cả khi nhận ra chúng.

(1’)) Sự chú tâm và cách ngưng hôn trầm và trạo cử

(2’)) Các nguyên nhân sâu xa của hôn trầm và trạo cử

(2)) Làm gì khi hôn trầm và trạo cử không hiện diện

–––––––\––––––

(c)) Làm gì sau khi quý vị tập trung lên đối tượng thiền

Phần này có hai phân mục:

1. Làm gì khi hôn trầm và trạo cử xảy ra

2. Làm gì khi hôn trầm và trạo cử không hiện diện

(1)) Làm gì khi hôn trầm và trạo cử xảy ra

Mục này có hai bộ phận

1. Sử dụng liều thuốc trị thất bại trong việc nhận biết hôn trầm và trạo cử

2. Sử dụng liều thuốc trị thất bại trong nỗ lực loại trừ chúng ngay cả khi nhận ra chúng

(a’)) Sử dụng liều thuốc trị thất bại trong nhận biết hôn trầm và trạo cử

Ở đây có hai tiểu mục: (1) Xác định các đặc tính của hôn trầm và trạo cử và (2) Phương pháp phát triển tỉnh thức nhận biết được hôn trầm và trạo cử trong khi thiền.

(1’)) Xác định các đặc tính của hôn trầm và trạo cử

Trong Vi Diệu Pháp Tập Luậncủa Vô Trước định nghĩa trạo cử[1]:

Trạo cử là gì? Đó là trạng thái không yên ổn của tâm, được xem là một dẫn xuất của tham chấp, vốn theo đuổi các đối tượng dễ chịu và tác động như là một trở ngại cho định từ thiền.

Có ba khía cạnh trong định nghĩa này: (1) Đối tượng của nó là một thứ hấp dẫn và dễ chịu. (2) Khía cạnh chủ quan của nó là ở chỗ tâm quý vị không yên ổn và phân tán ra ngoài. Vì là một dẫn xuất của tham chấp, nó khởi tác lên đối tượng của mình với một ý tưởng thèm muốn. (3) Chức năng của nó là cản trở sự bình ổn của tâm quý vị lên đối tượng của tâm.

Khi sự chú ý của quý vị hướng nội được giữ nguyên lên đối tượng của nó, thì trạo cử – tức là tính bám chấp vào sắc, thanh, và v.v... – kéo sự chú tâm của quý vị một cách không cưỡng được về hướng các đối tượng này và gây ra sự phân tán. Như được nói đến trong Tuyên Nhập Tụngcủa Nguyệt Quan[2]:

Chỉ như ngươi tập trung vào định từ thiền,

Hãy hướng sự chú tâm của mình đến đó lập đi lập lại.

Mối ràng buộc của phiền não kéo sự chú tâm của ngươi

Một cách không cưỡng nổi bằng dây tham chấp vào các đối tượng. [515]

Vấn: Phải chăng trạo cử là khi có sự phân tán trong đó các phiền não làm phân tâm quý vị ra khỏi đối tượng – hay, điều đó là khi có sự phân tán hướng đến các đối tượng đức hạnh khác?

Đáp: Trạo cử là một dẫn xuất của tham chấp, nên việc bị phân tâm bởi các phiền não khác thì không phải là trạo cử; mà đúng hơn đó là một tiến trình tinh thần của sự phân tâm thuộc về một trong hai mươi phiền não thứ cấp[3]. Việc phân tâm hướng đến các đối tượng thiện đức có thể liên hệ đến một tâm thiện đức nào đó hay đến tiến trình tinh thần, cho nên không phải tất cả sự phân tâm đều là trạo cử.

Nhiều bản dịch nêu rằng hôn trầm (bying ba) như là sự “chểnh mảng” (zhum pa), nhưng sự “chểnh mảng” này không nên được phân tích như là ý nghĩa về sự chán nản (zhum pa). Về định nghĩa đó, hầu hết các thiền giả trên các đỉnh tuyết sơn này dường như xem hôn trầm là một trạng thái thờ ơ của tâm mà nó lưu lại trên đối tượng thiền của tâm không có sự phân tán vào nơi nào khác nhưng chỉ thiếu sự rõ ràng thấu suốt. Điều này không đúng, vì sự thờ ơ được nói là nguyên nhân gây ra hôn trầm, vậy nên hai trạng thái khác nhau, như đề xuất của Liên Hoa Giới trong phần thứ nhì Giai Trình Thiền[4]:

Nếu bị áp lực bởi thờ ơ và buồn ngủ, ngươi thấy tâm mình trở nên lỏng lẻo, hay đang trong nguy cơ của hôn trầm…

Cũng vậy, Kinh Giải Thâm Mậtcó dạy[5]:

Nếu có hôn trầm do sự thờ ơ và buồn ngủ, hay nếu ngươi đang đau khổ bởi những phiền não thứ cấp nào đó trong trạng thái thiền sâu, thì đó là một trường hợp của sự phân tâm bên trong.

Điều này khẳng định rằng khi tâm quý vị trở nên lỏng lẻo do thờ ơ và buồn ngủ, đó chính là phân tán vào bên trong. Trong Vi Diệu Pháp Tập Luận, ngài Vô Trước cũng bàn thảo về hôn trầm trong khuôn khổ của phiền não thứ cấp của sự phân tán, nhưng sự phân tán theo như ngài giải thích cũng có thể là công hạnh, không nhất thiết là phiền não.

Sau đó, Vô Trước nói về sự thờ ơ trong Vi Diệu Pháp Tập Luận[6]:

Thờ ơ là gì? Một trạng thái bất khả dụng {không hữu ích} của tâm được phân lớp như là một dẫn xuất của ảo tưởng, nó tác động hỗ trợ cho tất cả các phiền não nguồn và các phiền não thứ cấp.

Vậy nên loại dẫn xuất này của ảo tưởng là sự nặng nề và bất khả dụng của tâm và thân. Trong Vi Diệu Pháp Báu Luận,Thế Thân dạy[7]: [516]

Thờ ơ là gì? Sự nặng nề của thân và sự nặng nề của tâm mà chúng là sự bất khả dụng của thân và sự bất khả dụng của tâm.

Hôn trầm nghĩa là cách nắm bắt của tâm quý vị lên đối tượng thiền chểnh mảng và nó không nắm bắt được đối tượng một cách mạnh mẽ hay rắn chắc. Nên ngay cả khi có sự thấu suốt, nếu cách tâm quý vị nắm bắt đối tượng không mạnh mẽ thì hôn trầm đã tham dự. Liên Hoa Giới dạy trong phần thứ nhì Giai Trình Thiền[8]:

Khi tâm ngươi không thấy đối tượng một cách rõ ràng – như một người mù bẩm sinh, hay một người bước vào chỗ tối tăm, hay như ai đó nhắm mắt – thì hãy nhận ra rằng tâm ngươi đã trở nên hôn trầm.

Tôi chưa bao giờ thấy một trình bày rõ ràng về định nghĩa của hôn trầm trong các kinh luận cổ khác.

Hôn trầm có thể là đức hạnh hay trung tính về đạo đức, trong khi thờ ơ thì lại hoặc là một trở ngại tinh thần trung tính hay không đức hạnh và nó là một dẫn xuất chắc chắn từ ảo tưởng. Hơn thế nữa, các kinh văn cổ dạy rằng để loại trừ hôn trầm, quý vị phải đem vào tâm mình các đối tượng dễ chịu như là thân Phật, hay thiền lên ánh sáng để quý vị kích khởi tâm mình. Do đó, quý vị phải ngừng đối tượng khi nó trình hiện không rõ ràng, như thể bóng tối đang làm suy giảm tâm quý vị và quý vị phải đặt một sự chấm dứt lên chất lượng của sự chú tâm vốn đã trở nên yếu ớt. Quý vị cần cả một đối tượng thiền rõ ràng lẫn một cách thức chặt chẽ về việc nắm bắt đối tượng. Riêng một mình đối tượng sáng rõ hay riêng một mình sự thấu suốt về chủ thể thôi thì chưa đủ.

Thật dễ để nhận ra trạo cử, nhưng hôn trầm thì khó để lĩnh hội bởi vì nó không được nhận diện một cách rõ ràng trong các kinh luận thẩm quyền cổ. Nó lại cũng rất quan trọng vì trong trường hợp này đó là một điểm chính yếu của việc hiểu lầm khi nói về sự tập trung không sai sót. Do đó, quý vị nên kinh nghiệm hôn trầm với một sự tỉnh thức nghiêm trì và trên cơ sở đó kiểm soát nó thật tốt và nhận diện nó theo như luận giảng của Liên Hoa Giới trong Giai Trình Thiền. [517]

(2’)) Phương pháp phát triển tỉnh thức để nhận biết hôn trầm và trạo cử

Chỉ hiểu biết về hôn trầm và trạo cử thì không đủ; quý vị phải có khả năng phát triển tỉnh thức để phát hiện một cách chính xác mỗi khi hôn trầm hay trạo cử hiện diện trong khi thiền. Hơn thế nữa, bằng cách phát triển từng bước sự tỉnh thức mạnh mẽ, quý vị không chỉ phải phát triển tỉnh thức đủ để nhận ra hôn trầm và trạo cử ngay khi nó xảy ra, mà quý vị còn phải phát triển tỉnh thức nhằm thấy được chúng ngay khi chúng đang ở bên bờ của sự xuất hiện, trước khi chúng thật sự khởi lên. Điều này được trình bày theo các khẳng định của Liên Hoa Giới trong hai phần sau của Giai Trình Thiền[9]

Nếu ngươi thấy tâm mình lỏng lẻo, hay đang bị nguy cơ về hôn trầm …

Và:

Ngươi thấy tâm mình trở nên sôi động hay trong nguy cơ trở nên trạo cử

Khi nào quý vị chưa phát triển được một tỉnh thức như thế, thì quý vị không thể kết luận một cách chắc chắn rằng mình thiền không sai sót – không có hôn trầm và trạo cử – trong suốt một thời gian cho trước. Lý do là vì, không phát triển được một tỉnh thức mạnh mẽ, thì quý vị không thể đoan chắc liệu hôn trầm và trạo cử có xảy ra hay không. Tương tự, trong một đoản văn bắt đầu với “Có một sự nhận biết về hôn trầm và trạo cử …”, Ngài Di-lặc dạy trong Trung Biên Phân Biệt Luận[10]rằng quý vị cần tỉnh thức để nhận ra hôn trầm và trạo cử. Theo đó, nếu quý vị chưa phát triển tỉnh thức như là để ngăn ngừa mọi thất bại trong việc nhận ra sự hiện diện của hôn trầm hay trạo cử, thì ngay cả khi quý vị cố gắng thiền trong thời gian lâu dài, quý vị sẽ đánh mất thời giờ dưới ảnh hưởng của hôn trầm và trạo cử vi tế, tức là thất bại trong việc cảm nhận hôn trầm và trạo cử trong lúc chúng đang xảy ra.

Vấn: Làm thế nào để phát triển sự tỉnh thức này?

Đáp: Nguyên nhân quan trọng nhất của nó là tiến trình bảo lưu toàn tâm mà tôi đã giải thích bên trên[11]. Nếu quý vị có thể phát triển sự toàn tâm liên tục, quý vị sẽ có thể tránh khỏi việc quên lửng đối tượng thiền và trở nên phân tán. Do đó, vì điều này ngăn chặn một thất bại về lâu dài trong việc cảm nhận sự có mặt của hôn trầm và trạo cử, nên quý vị có thể nhận ra hôn trầm và trạo cử một cách dễ dàng. Điều này sẽ hoàn toàn hiển nhiên nếu quý vị kiểm tra lại kinh nghiệm của chính mình về việc mất bao nhiêu lâu để nhận biết hôn trầm và trạo cử khi toàn tâm bị trục trặc và quý vị nhận biết chúng việc nhanh chóng như thế nào khi mà toàn tâm không bị hư hỏng. Về điều này, Tịch Thiên có dạy trong Nhập Bồ-đề Hành Luận[12][518]

Khi toàn tâm trụ lại

Ở cổng của tâm ngươi để bảo vệ nó

Thì tỉnh thức sẽ xuất hiện

Và An Huệ khẳng định trong Biện Trung Biên Luận Thích[13]:

Mệnh đề, “Có sự nhận biết về hôn trầm và trạo cử bởi tỉnh thức nếu toàn tâm không bị sai sót”, cho thấy rằng toàn tâm, khi hoàn toàn hiện diện, thì sẽ kèm theo bằng sự tỉnh thức. Đó là lý do để nói rằng “nếu toàn tâm không bị sai sót …”

Nguyên nhân sau đây của sự tỉnh thức thì khác biệt với phương cách để bảo lưu sự tỉnh thức. Tập trung tâm quý vị vào ảnh được hình dung hóa của một giác thể, v.v… hay tập trung lên một phương diện chủ quan như là phẩm chất đơn thuần sáng tỏ và thấy biết của kinh nghiệm. Sau đó, trong khi quý vị đang ở trong toàn tâm như giảng giải bên trên, hãy giữ sự chú ý của quý vị vào đối tượng trong khi liên tục quán kiểm xem nó có bị phân tán nơi khác không. Hãy biết rằng đây là điều tối yếu cho việc bảo lưu sự tỉnh thức. Như ngài Tịch Thiên dạy trong Nhập Bồ Đề Hành Luận[14]:

Hãy kiểm đi kiểm lại

Trạng thái thân và tâm

Chỉ tóm lược như thế

Là ý nghĩa để bảo dưỡng tỉnh thức

Do đó, bằng cách này quý vị phát triển tỉnh thức nhận thấy được hôn trầm và trạo cử khi chúng ở bên bờ của việc khởi hiện, trong khi với phương pháp để bảo lưu toàn tâm, quý vị ngăn chặn sự quên lãng mà qua đó sự chú tâm bị phân tán và trôi đi. Do vậy, quý vị phải phân biệt hai cách này một cách đúng đắn. Bằng không, nếu quý vị tu tập như hiện đang làm – kết hợp tất cả các nhận biết này mà không hiểu về sự khác nhau của chúng – thì tôi e là sự tập trung hậu quả từ một nguyên nhân lẫn lộn sẽ tự nó trở thành rối tung. Do đó, thật quan trọng để có một phân tích chính xác về điều này trong sự phù hợp với mỗi một trong các kinh luận thẩm quyền chính, và sau đó quyết định nó trong việc tu tập của quý vị. Đừng đặt hy vọng của mình trong sự khẳng định nhẹ dạ, ngài Âryaúûra[15]dạy trong Ba-la-mật-đa Tập Luận[16]:

Chỉ sử dụng tinh tấn, ngươi sẽ kết thúc kiệt quệ. Nếu ngươi tu tập với trợ giúp của trí huệ, ngươi sẽ thành tựu kết quả to tát. [519]

(b’)) Sử dụng phương thuốc trị sự thất bại trong việc nỗ lực loại trừ chúng ngay cả khi chúng được nhận biết.

Như giải thích bên trên, quý vị phát triển toàn tâm và tỉnh thức rất mạnh thông qua việc sử dụng đúng đắn các phương pháp để bảo trì toàn tâm và tỉnh thức. Tỉnh thức sau đó có khả năng thấy biết ngay cả hôn trầm và trạo cử rất vi tế, nên không có vấn đề gì trong việc nhận biết sự xuất hiện của hôn trầm và trạo cử. Tuy nhiên, khi quý vị không nỗ lực để ngưng hai vấn nạn trên lập tức khi chúng khởi hiện, thì sự thỏa mãn hay thất bại trong việc tự dụng công sẽ cấu thành một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng cho sự tập trung của quý vị. Bởi vì nếu quý vị tu tập theo kiểu này, tâm quý vị sẽ tạo ra các thói quen xấu và sau đó sẽ vô cùng khó để phát triển một sự tập trung không vướng vào hôn trầm và trạo cử. Do đó, để chữa trị một thất bại nhằm tự áp dụng cho mình trong việc xóa bỏ hôn trầm và trạo cử, thì hãy nuôi dưỡng sự chú tâm gọi là dụng công, hay nỗ lực.

Mục này có hai phần: (1) sự chú tâm và cách ngưng hôn trầm và trạo cử và (2) các nguyên nhân sâu xa của hôn trầm và trạo cử.

(1’)) Sự chú tâm và cách ngưng hôn trầm và trạo cử

Theo Vô Trước trong Vi Diệu Pháp Tập Luận[17]:

Chú tâm là gì? Đó là hoạt động tinh thần của việc dụng tâm ngươi, có chức năng hướng tâm ngươi đến thiện đức, bất thiện hay trung tính về đạo đức.

Đấy là điều mà quý vị nên hiểu. Chẳng hạn, các mạt sắt bị buộc chuyển động dưới sức hút của một nam châm. Tương tự, tiến trình tinh thần của sự chú tâm dịch chuyển và kích thích tâm quý vị hướng tới thiện đức, bất thiện hay trung tính. Nên ở đây, tiến trình đó là sự chú tâm áp lên tâm thức quý vị để loại trừ hôn trầm hay trạo cử khi một trong chúng xảy ra.

Vấn: Sau khi ngài đánh thức tâm mình nhằm loại trừ hôn trầm và trạo cử, làm sao ngài ngưng được hôn trầm và trạo cử?

Đáp: Hôn trầm tinh thần liên can đến sự thu rút vào nội tâm quá mức, dẫn đến vuột khỏi cách thức quý vị nắm bắt đối tượng thiền; vì vậy quý vị nên hướng tâm mình đến những sự việc vui thích vốn khiến cho nó mở rộng hướng ngoại. [520] Đó nên là một thứ như một hình ảnh rất đẹp của đức Phật, không nên là thứ thật vui thích vì sẽ làm khởi lên phiền não. Hay hướng tâm đến một hình ảnh của ánh sáng, như là ánh mặt trời. Khi việc làm này quét sạch hôn trầm, hãy lập tức căng chặt cách mà quý vị nắm bắt đối tượng và giữ nó trong khi thiền. Như Liên Hoa Giới giải thích trong phần đầu của Giai Trình Thiền[18]:

Làm thế nào? Khi ngươi bị thờ ơ và buồn ngủ đánh bại, khi hiện diện sự thiếu sáng rõ trong việc nắm bắt đối tượng thiền của ngươi và tâm ngươi trở nên lỏng lẻo, thì hãy quán chiếu lên ý tưởng về ánh sáng hay gợi vào tâm mình những sự việc vui thích nhất, như là các phẩm chất của đức Phật. Xua tan hôn trầm bằng cách này và nắm chặt đối tượng thiền.

Trong tình huống này, đừng thiền lên một đối tượng đánh tan tơ tưởng vì sự tỉnh ngộ làm cho tâm quý vị thu rút vào bên trong.

Khi quý vị mở rộng tâm mình bằng cách sử dụng trí huệ thấu suốt để phân tích một đối tượng mà quý vị lựa chọn thì điều này cũng ngưng được hôn trầm. Ba-la-mật-đa Tập Luậncủa Thánh Dũng dạy[19]:

Khi chểnh mảng, hãy làm cho tâm ngươi bị kích thích và được cảm hứng

Bởi công hạnh của năng lực về việc nỗ lực đạt tuệ giác.

Do đó, hôn trầm hay chểnh mảng là như sau. Trạng thái tâm mà hai thuật ngữ này diễn tả: gọi là “hôn trầm” vì hiện diện một sự suy giảm trong cách mà quý vị nắm bắt đối tượng thiền. Gọi là “chểnh mảng” vì hiện diện một sự thu rút nội tâm quá mức. Quý vị chống lại nó bằng việc kích thích cách mà quý vị nắm bắt đối tượng và bằng việc làm cho đối tượng thiền mở rộng ra, vậy nên để mở rộng tâm quý vị, Thanh Biện khẳng định trong Trung Đạo Tâm Luận[20]:

Trong trường hợp chểnh mảng, hãy mở rộng tâm mình

Qua việc thiền lên một đối tượng bao quát

Và:

Xa hơn, trong trường hợp chểnh mảng, hãy tự hứng khởi mình

Bằng việc tuân theo các lợi ích của tinh tấn.

Cũng thế, Tịch Thiên trong Tập Bồ-tát Học Luận(úikâ-samuccaya)[21]: “Nếu tâm ngươi trở nên chểnh mảng, hãy tự hứng khởi cho mình bằng việc nuôi dưỡng hoan hỷ”. Các học giả lớn và những người tinh thông đều đồng ý về vấn đề này.

Vậy nên đây là cách quan trọng nhất để chữa trị dứt hôn trầm: Khi quý vị quán chiếu lên các phẩm chất tốt đẹp của những sự việc như là Tam Bảo, các lợi ích của tâm giác ngộ và tầm quan trọng to tát của việc đạt đến hỷ lạc[22], nó sẽ có một hiệu ứng làm hứng khởi tâm quý vị, giống như gáo nước lạnh tạt vào mặt người buồn ngủ. [521] Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm sẵn có của quý vị về thiền quán phân biệt lên các đề tài lợi ích này.

Nếu quý vị phát triển một phương thuốc trị việc tạo thành thói quen cho các nguyên do của hôn trầm – đặc biệt là chểnh mảng, buồn ngủ và điều nào dẫn tới hai thứ này mà qua đó tâm quý vị rơi vào khía cạnh u tối – thì hôn trầm là kết quả từ các nguyên do đó sẽ không nảy sinh hay, nếu đã nảy sinh, thì sẽ ngừng lại. Theo đây, Vô Trước trong Thanh Văn Địacó nói đến những hành động như là đi tản bộ; giữ một bức ảnh sáng trong tâm và tự làm thân thuộc với bức ảnh lập đi lặp lại nhiều lần; bám giữ sự hồi tưởng đến một trong sáu phạm trù: Phật, Pháp, Tăng, giới luật, bố thí và các giác thể[23]; kích khởi tâm ngươi bằng phương tiện về các đối tượng thiền gây nhiều cảm hứng khác; đọc tụng lại các giáo pháp bàn về các sai sót của thờ ơ và buồn ngủ; nhìn chăm chú vào các hướng khác nhau và nhìn lên trăng hay sao; và rửa mặt bằng nước.

Cũng thế, nếu hôn trầm rất nhẹ và chỉ xảy ra ít, thì hãy căng chặt thêm sự nắm bắt của quý vị vào đối tượng và việc thiền liên tục; nhưng nếu hôn trầm nặng và có vẻ xảy đến nhiều lần, hãy ngưng việc nuôi dưỡng sự tập trung, xóa sạch hôn trầm bằng bất kỳ phương thuốc nào kể trên và sau đó tiếp tục việc thiền của quý vị.

Dẫu cho đối tượng thiền dẫn tới việc hướng tâm quý vị vào bên trong hay bên ngoài, nếu đối tượng đó không rõ ràng và quý vị cảm nhận sự u tối – dù ít hay nhiều – làm suy giảm tâm quý vị, thì nó sẽ khó để cắt bỏ hôn trầm nếu quý vị tiếp tục thiền mà không loại trừ nó. Do đó, như là một phương thuốc cho nó, hãy thiền lập đi lặp lại lên sự trình hiện của ánh sáng. Thanh Văn Địacủa Vô Trước khẳng định[24]:

Nuôi dưỡng định và tuệ một cách đúng đắn, với một tâm thức sáng và chiếu rọi, một tâm thức của ánh sáng thấu suốt, không u tối. Trên đường đến định và tuệ, hãy thiền lên việc cảm thụ sự chiếu sáng theo cách này. [522] Nếu ngươi làm thế, thì ngay cả khi sự chú ý của ngươi lên một đối tượng thiền bắt đầu mờ đục và sự chiếu sáng nhạt dần, thì nhân và duyên từ việc tự quen thuộc của ngươi với việc thiền cách đó sẽ làm rõ sự chú tâm của ngươi vào đối tượng thiền và dẫn đến chiếu sáng mạnh mẽ. Nếu có sự rõ ràng và chiếu sáng mạnh mẽ ngay từ ban đầu, thì sau này sự rõ ràng và chiếu sáng sẽ càng trở nên rực rỡ hơn.

Vì ngài dạy rằng quý vị nên nuôi dưỡng sự chiếu sáng ngay cả khi đối tượng thiền rõ ràng từ đầu, thì toàn bộ điều này càng đúng khi đối tượng đó trở nên không rõ ràng. Vô Trước còn mô tả cách để giữ biểu hiện của sự chiếu sáng trong thiền[25]:

Hãy lưu giữ trong thiền biểu hiện của sự chiếu sáng từ ánh sáng của một ngọn đèn dầu, ánh sáng của một đống lửa, hay từ vầng thái dương.

Hãy thiền lên biểu hiện của sự chiếu sáng không chỉ trong lúc nuôi dưỡng tập trung mà cả trong các dịp khác.

Trong trường hợp trạo cử, đến từ tham chấp, sự chú tâm của quý vị theo đuổi các đối tượng như là sắc tướng và âm thanh; nên để đối trị với nó, hãy đem vào tâm các sự việc làm thức tỉnh khỏi ảo tưởng khiến cho sự chú tâm của quý vị hướng vào bên trong. Ngay khi điều này làm lắng dịu trạo cử, hãy ổn định tâm quý vị lên đối tượng thiền từ trước đó. Trong phần đầu tiên của Giai Trình Thiền, Liên Hoa Giới dạy[26]:

Khi ngươi thấy tâm mình thỉnh thoảng trở nên náo động như là việc nhớ lại các sự kiện nhộn nhịp trước đây, chơi bời, v.v..., hãy làm bình lặng trạo cử này bằng cách đem vào tâm trí những sự việc làm thức tỉnh khỏi ảo tưởng, như là sự vô thường. Sau đó cố gắng xúc tiến lên đối tượng thiền mà không để cho tâm ngươi dính dấp vào vận động.

Và Thanh Biện có dạy trong Trung Đạo Tâm Luận[27]:

Làm bình lặng các háo hức qua việc nghĩ suy

Đến vô thường và v.v...

[28]:

Kéo tâm người ra khỏi phân tán bằng việc lưu ý đến

Các sai sót của những đối tượng gây phân tâm

Cũng thế, Tịch Thiên khẳng định trong Tập Bồ-tát Học Luận[29]“Nếu trạo cử xảy đến, hãy bình lặng nó và ổn định sự chú tâm của ngươi”. [523]

Vậy nên, nếu trạo cử rất mạnh mẽ và kéo dài khởi hiện, thì quan trọng là quý vị thả lỏng thiền trong một thời gian và nuôi dưỡng ý tưởng về sự tỉnh ngộ, hơn là cố gắng kéo tâm quý vị và hướng nó về đối tượng thiền mỗi khi trở nên phân tán. Đối với trạo cử vốn không nổi trội nhiều, nên hãy hướng sự chú tâm bị phân tán lại, và cố định sự chú tâm của quý vị lên đối tượng thiền. Điều này từ khẳng định của Thánh Dũng trong Ba-la-mật-đa Tập Luận[30]:

Khi tâm ngươi trở nên trạo cử hãy dừng sự quấy rối này

Bằng việc bình lặng nó và ổn định sự chú tâm của ngươi

Và những bài luận của Vô Trước về các Địa giảng rằng đoạn kinh văn “ngươi tập trung tâm mình”, là nói đến một phương thuốc trị trạo cử.

Nói chung, nếu tâm bị trạo cử, quý vị nên tập trung lên đối tượng thiền, trong khi nếu tâm bị hôn trầm quý vị nên nghĩ đến một đối tượng đầy hỷ lạc. Thanh Văn Địacủa Vô Trước viết[31]:

Do vậy, một khi tâm ngươi đã trở nên thu vào bên trong và ngươi thấy có sự chểnh mảng hay nguy cơ của chểnh mảng, hãy bảo dưỡng và làm hoan hỷ tâm mình bằng cách nghĩ về những sự việc gây cảm hứng bất kỳ. Đây là việc bảo dưỡng tâm ngươi. Làm thế nào để ổn định tâm ngươi? Trong khi bảo dưỡng, khi ngươi để ý thấy tâm mình bị kích động hay có nguy cơ của trạo cử, hãy thu tâm vào bên trong và ổn định trong một sự bình ổn thản nhiên.

Khi tâm bị trạo cử, đừng nghĩ đến các đối tượng hỷ lạc và hứng thú vì điều này sẽ gây cho tâm quý vị bị phân tán ra ngoài.

(2’)) Các nguyên nhân tiềm tàng của hôn trầm và trạo cử

Trong Du-già Hành Địa Luậncủa Vô Trước dạy[32]:

Các dấu hiệu của hôn trầm là gì? Việc không kiềm chế được các cơ quan cảm xúc; không ăn uống điều độ; không nỗ lực tu tập mà lại ngủ trong các phiên sớm và trễ hơn của buổi tối; hiện đang thiếu tỉnh thức; hành xử lừa dối; ngủ quá; không có kỹ năng; biếng nhác về: các sở nguyện, tinh tấn, chú tâm và quán chiếu; chỉ để một phần chú ý đến định mà không tự tập thuần thục với định cũng như là tinh luyện nó; để tâm ngươi lưu lại trong u tối; và không hoan hỷ trong việc tập trung lên đối tượng thiền. [524]

Ở đây, “các dấu hiệu của hôn trầm” nên được hiểu như là các nguyên nhân của hôn trầm. “Biếng nhác” dụng công lên các việc tinh tấn, chú tâm và quán chiếu cũng như là các sở nguyện. Cùng một bản luận dạy rằng[33]:

Các dấu hiệu của trạo cử là gì? Gồm bốn điểm đầu tiên nêu trong danh mục các dấu hiệu của hôn trầm bên trên – không kiềm chế được các cơ quan cảm xúc v.v...; ứng xử tham chấp; có cung cách ồn ào; thiếu một cảm xúc về sự tỉnh ngộ; không có kỹ năng; có một ý tưởng bám chấp lớn vào sở nguyện của ngươi, v.v...; thất bại trong việc tự làm cho thuần thục sự tinh tấn; thiền trong cách thức không cân bằng thiếu tinh luyện sự lĩnh hội của ngươi về đối tượng thiền; và bị phân tán bởi nhiều loại chủ đề kích động như là các ý tưởng về các thân quyến.

“Các dấu hiệu của trạo cử” là các nguyên do của trạo cử. “Bám chấp lớn” là một tinh thần đặt lên một đối tượng vui sướng quá mức. “Sở nguyện, v.v...” nói đến bốn phạm trù [sở nguyện, tinh tấn, chú tâm và quán chiếu] đã được giải thích trước đây.

Do đó, bốn thực hành để kiềm chế các cơ quan cảm xúc vốn đã được bàn đến trước đây trong phần luyện tập giữa các buổi thiền[34]là điều đầu tiên quan trọng cho việc ngưng cả hôn trầm lẫn trạo cử. Hơn thế nữa, nếu quý vị nhận biết các nguyên nhân ấy và cố gắng ngừng chúng thì điều này dĩ nhiên rất lợi ích cho việc làm gián đoạn hôn trầm và trạo cử. Bởi thế, hãy sử dụng tỉnh thức để cảnh báo ngay cả hôn trầm và trạo cử vi tế. Bằng mọi cách khả dĩ, quý vị nên ngưng hôn trầm và trạo cử, không khoan nhượng chúng trong mọi hình thức. Trung Biên Phân Biệt Luậncủa Di-lặc dạy rằng thất bại trong việc thực hiện điều này là một sai sót của sự tập trung được gọi là “bất dụng công”. [525]

Một số người dần dà lại chịu thua, vì nghĩ rằng: “Trạo cử và phân tán nhẹ còn dai dẳng ngay cả khi tôi cắt bỏ chúng ngay từ đầu, nên tôi sẽ không cắt bỏ chúng nữa”. Hay khi hôn trầm và trạo cử không mạnh mẽ và không dai dẳng trong các chu kỳ lâu dài, họ có thể nghĩ là “Vì chúng yếu và tồn tại trong khoảnh khắc, mình không tích lũy các nghiệp chướng. Nên mình không cần phải cắt bỏ chúng”. Những ai nghĩ theo cách này và thất bại trong việc tự dụng công cho mình để loại trừ các chướng ngại đã không biết cách thức đúng đắn để thành tựu tập trung tinh thần, nhưng lại làm ra vẻ họ đạt được. Họ đánh lừa những ai khát vọng để có sự tập trung, vì tiếp cận của họ đặt họ ra ngoài truyền thống của các phương tiện nhằm đạt đến tập trung được trải ra bởi các bậc thầy như là tôn giả Di-lặc.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của việc chống lại hôn trầm và trạo cử, từ ban đầu quý vị sẽ hầu như thường bị gián đoạn bởi trạo cử và phân tán, vậy nên hãy gắng sức loại trừ chúng. Nếu qua thực hành điều này, quý vị ngưng được trạo cử và phân tán mức thô, thì quý vị sẽ có được một chút bình ổn; vào điểm này, hãy nỗ lực để đề phòng hôn trầm. Nếu quý vị đề phòng hôn trầm với một nhận thức cao, thì trạo cử – vi tế hơn trước có thể lại làm gián đoạn sự bình ổn của quý vị. Cho nên hãy cố gắng để loại trừ điều này; nếu quý vị ngưng được nó, thì sự bình ổn sẽ tăng cường hơn. Sau đó hôn trầm sẽ lại phát khởi, vậy nên hãy cố giải trừ hôn trầm.

Tổng kết, hãy thu rút tâm quý vị khỏi tản mạn và trạo cử, giữ cố định lên đối tượng thiền một cách nội tâm và tìm kiếm bình ổn. Mỗi lần bình ổn xuất hiện, hãy đề phòng cẩn thận chống lại hôn trầm và đem lại một cường độ mạnh mẽ. Quý vị sẽ thành tựu tập trung không sai sót qua việc luân phiên giữa hai tính trạng này. Đừng trông đợi thành tựu bình ổn chỉ qua phương tiện của sự thấu suốt mà thiếu sự mạnh mẽ đi theo với một cách thức mãnh liệt của việc nắm bắt đối tượng.

(2)) Làm gì khi hôn trầm và trạo cử không hiện diện

Qua việc liên tục thiền sau khi đã loại trừ ngay cả hôn trầm và trạo cử vi tế, như đã giảng giải trên, tâm quý vị sẽ bước vào trạng thái cân bằng không còn bị mất thăng bằng bởi cả hôn trầm và trạo cử. [526] Tại thời điểm này, tự mình dụng công hay gắng sức sẽ là một sai sót về tập trung, vậy nên hãy nuôi dưỡng bình lặng {tịnh xả} như là một phương thuốc cho việc này. Liên Hoa Giới dạy trong phần thứ nhì Giai Trình Thiền[35]:

Khi hôn trầm và trạo cử không còn và ngươi thấy sự chú tâm của mình lưu lại trong bình thản trên đối tượng thiền, hãy thả lỏng nỗ lực của ngươi và giữ nguyên {trụ lại} trong bình lặng, sau đó giữ nguyên trong cách này bao lâu tùy ngươi.

Vấn: Làm sao lại có thể như vậy khi việc dụng công cho chính Ngài, hay việc tạo ra một nỗ lực lại trở thành một vấn đề?

Đáp: Qua thiền, tức là qua việc chuyển sự chú ý vào bên trong khi tâm quý vị trạo cử và kích khởi nó khi tâm quý vị bị hôn trầm, quý vị đạt được tin tưởng rằng hôn trầm và trạo cử sẽ không xảy ra trong suốt thời gian của mỗi buổi thiền thuận tiện. Vào lúc này quý vị vẫn rất cảnh giác với hôn trầm và trạo cử, như là lúc đầu. Bảo lưu việc [cảnh giác] này sẽ có vấn đề. Tâm quý vị sẽ trở nên phân tán, nên vào lúc đó quý vị phải biết thả lỏng, như khẳng định của Liên Hoa Giới trong phần thứ nhì và thứ ba Giai Trình Thiền[36]“Nếu ngươi tự nỗ lực khi tâm mình đã nhập vào thế cân bằng thì tâm ngươi sẽ bị phân tán”. Điều này kéo theo việc thả lỏng nỗ lực, nhưng đừng hy sinh sức mạnh của cách mà quý vị nắm bắt đối tượng của mình.

Do vậy, sự nuôi dưỡng bình lặng này không phải được thi hành mỗi khi hôn trầm và trạo cử không hiện diện mà là một khi quý vị đã giảm thiểu được áp lực của hôn trầm và trạo cử; vì nếu quý vị không làm thế, thì sẽ không có bình lặng.

Vấn: Đây là loại bình lặng {tịnh xả}gì?

Đáp: Nói chung có ba loại bình lặng[37]được thuyết giảng: (1) cảm giác vô tư lự, (2) sự dung xả là một trong tứ vô lượng tâm và (3) sự bình lặng tương ưng với sự dụng công. Đây là sự bình lặng tương ưng với dụng công. Bản chất của nó được hiểu theo đoạn văn của Vô Trước trong Thanh Văn Địa[38][527]

Bình lặng là gì? Khi tâm ngươi đi theo đối tượng thiền liên hệ với định và tuệ, nó tập trung với sự bình thản an ổn, một xúc tiến tinh thần tự động, một ý tưởng của tinh thần hoàn thiện, không có nỗ lực tinh thần hoạt động sau khi trở nên khả dụng và một tinh thần cân bằng thoát khỏi các khổ đau.

Khi quý vị thành tựu bình lặng như thế – trong những dịp hôn trầm và trạo cử không có mặt lúc quý vị nuôi dưỡng sự tập trung – thì hãy lưu lại với sự bình lặng này và hãy đặt tâm an nghỉ mà không sử dụng nỗ lực mạnh mẽ. Các biểu hiện của loại chú tâm này được mô tả trong cùng một bản luận[39]:

Các biểu hiện của bình lặng là gi? Đối tượng thiền đặt trước tâm ngươi trong bình lặng; tâm ngươi không tràn ngập tinh tấn quá mức với sự chú trọng lên đối tượng thiền.

Thời điểm để nuôi dưỡng bình lặng cũng được đề ra trong bài luận đó[40]:

Khi nào là lúc cho bình lặng? Trong nội dung của định và tuệ khi tâm quý vị không còn hôn trầm và trạo cử.

Các giải thích bên trên về phương pháp phát triển sự tập trung không sai sót đều tương ưng với giáo pháp của tôn giả Di-lặc trong Trung Biên Phân Biệt Luận[41]:

Lưu lại với tinh tấn,

Tâm ngươi giờ khả dụng và ngươi thành tựu mọi mục tiêu

Đây là quả của việc xóa tan năm sai lạc

Và dựa trên tám liều trị tâm

Năm sai lạc là biếng lười,

Quên cả nhiều giáo huấn,

Hôn trầm và trạo cử

Bất dụng công và dụng công

Tám liều thuốc là cơ sở [ước mong] mà [nỗ lực] dựa vào

Nhân [tin tưởng], quả [nhu hoạt]

Không lãng quên đối tượng thiền

Nhận biết ngay hôn trầm và trạo cử

Dụng công để khử trừ chúng

Và thản nhiên bình ổn tâm khi đã chế ngự được chúng

Trong các câu kệ trên thì “Lưu lại với” là việc giữ gìn hiệu quả của tinh tấn cho lợi ích của việc loại trừ các duyên không thuận lợi. Với điều này, một sự tập trung mà trong đó tâm khả dụng của quý vị phát khởi. Hơn thế nữa, vì đây là nền tảng hay cơ sở của các năng lực siêu việt vốn thành tựu tất cả các mục tiêu – toàn trí và v.v... – nên quý vị đạt đến tất cả các mục tiêu.

Làm gì để phát triển sự tập trung như thế? [528] Nó phát triển như là kết quả của việc áp dụng tám liều thuốc trị nhằm xóa bỏ năm sai lạc. Các sai lạc này là: vào thời điểm chuẩn bị: {1} biếng nháclà một sai sót vì quý vị không tự dụng công vào tập trung. Khi quý vị đang tiến hành tập trung, {2} quên lửngcác giáo huấn là sai sót vì quý vị quên đối tượng mà theo đó quý vị được chỉ dạy để thiền, tâm quý vị không được đặt trong cân bằng lên đối tượng thiền. Khi nó được đặt lên thiền cân bằng, thì {3} hôn trầm và trạo cửlà sai sót vì chúng làm tâm quý vị bất khả dụng. Khi hôn trầm và trạo cử xảy đến, thiếu nỗ lực [{4} bất dụng công] là sai sót vì nó không chế ngự được cả hai. Khi hôn trầm và trạo cử không hiện diện, thì sai sót là sự chủ tâm {5} dụng công. Liên Hoa Giới chỉ ra trong phần thứ ba Giai Trình Thiềnrằng có năm sai sót nếu hôn trầm và trạo cử được xem như một, có sáu nếu chúng được liệt kê riêng lẻ.

Trong số tám phương thuốc chữa cho những sai sót đó, có bốn phương thuốc cho sự biếng nhác – vững tin, mong mỏi, nỗ lực và tỉnh thức. Sau đến các phương thuốc trị quên lửng, hôn trầm và trạo cử, bất dụng công và dụng công một cách tương ứng là toàn tâm, tỉnh thức để nhận biết hôn trầm và trạo cử, chủ tâm để dụng công và thản nhiên xác lập bình lặng. Tôi đã giải thích chi tiết bên trên[42].

Đây là các giáo pháp tinh túy nhất để thành tựu định. Chúng được đề xuất trong cả 3 phần Giai Trình Thiềncủa đại sư Liên Hoa Giới cũng như trong các trình bày của nhiều học giả Ấn-độ lớn về việc thành tựu tập trung tinh thần. Chúng cũng được giải thích trong luận bàn về việc thành tựu định của Atiśa trong bản Bồ-đề Đạo Đăng Luậncủa chính ngài. Các thiện xảo sư trước đó về giai trình của đạo pháp cũng đã truyền đạt các ý kiến sơ lược về các điểm này, nhưng những người mong ước nuôi dưỡng thiền định chưa hiểu cách thức để tiến hành. Do đó, tôi mới trình bày ra chi tiết.

Toàn tâm và tỉnh thức xóa tan hôn trầm và trạo cử từ sự tập trung nhất tâm của quý vị là một chủ đề chung cho tất cả các giáo huấn cá nhân về pháp tu tập này. [529] Vậy nên đừng nghĩ rằng: “Đây là giáo pháp dành riêng cho các luận thừa[43], nhưng nó không cần thiết cho Mật Chú thừa”. Nó cũng dùng chung cho cả Mật Chú thừa, vì việc này cũng đã được khẳng định trong các Mật Điển Du-già Tối Thượng. Chương hai trong phần đầu của tuyệt phẩm Hợp Nghi Mật Điển[44]nói rằng:

Sự tập trung về việc ước nguyện, nền tảng của các khả năng siêu việt liên hệ đến sự dụng công chữa trị, dựa vào nơi trú cô liêu; dựa trên sự thoát khỏi tham chấp; và dựa trên sự diệt độ. Có sự chuyển hóa xuyên suốt bằng ý nghĩa của việc giải trừ đúng đắn. Với ước nguyện này, quý vị thiền không bị chểnh mảng quá nhiều hay phấn khích quá nhiều…

Nó cũng mô tả ba sự tập trung về tinh tấn, về quán chiếu và về tâm theo cùng một cách. Sự tập trung khả dụng, như đã giải thích, là cơ sở để đạt đến các phẩm chất như là các khả năng siêu việt. Do đó, vì nó như là một nền tảng, nên được gọi là nền tảng của các khả năng siêu việt. Các luận văn như là Biện Trung Biên Luận Thíchcủa An Huệ giải thích rằng có bốn lộ trình để đạt đến điều này: (1) thành tựu nó qua nguyện ước mãnh liệt (2) thành tựu nó qua tinh tấn kéo dài, (3) thành tựu tập trung tinh thần qua việc kiểm soát phân biệt {phân tích quán chiếu} về đối tượng thiền – ba lộ trình đầu này lần lượt gọi là tập trung nguyện ước, tập trung tinh tấn và tập trung quán chiếu – và (4) thành tựu nhất tâm dựa trên sự hiện hữu trong tâm quý vị những hạt giống của sự tập trung trước đó; điều này gọi là tập trung tinh thần. “Chểnh mảng quá nhiều” là sự thả lỏng quá mức và “phấn khích quá nhiều” là sự căng chặt quá mức. Điểm chính ở đây là quý vị nên bảo lưu thiền sao cho không có hai sự quá mức này.



[1]BA114 AS, Fradhan 1950: 9.9-10, P5550: 239.5.3-4.

[2]BA115 Desana-stava, D1159: Ka 205b4-5.

[3]BA116 Mô tả về hai mươi phiền não thứ cấp, xem Hopkins 1983: 261-66 và Rabten 1988: 61-67.

{Theo GS Hopkins, tên gọi là phiền não thứ cấp vì chúng gần gũi hay chúng là các bộ phận của phiền não gốc rễ (tức là tham, sân, si, kiêu, nghi và tà kiến). Có hai mươi phiền não thứ cấp lần lược là: (1) hiếu chiến (karodha); (2) oán hận (upanâha); (3) giấu giếm (mrakha); (4) ác tâm (pradâsha); (5) ghen tỵ (irhyâ); (6) keo kit (mâtsarya); (7) lừa đảo (mâyâ); (8) giả tạo (shâhya); (9) kiêu mạn (mada); (10) gây hại (vihisâ); (11) không xấu hổ(âhrîkya); (12) không biết khó chịu (anapatrâpya); (13) thờ ơ (mê mờ) (styâna); (14) trạo cử (phấn khích) (auddhatya); (15) bất tín (không có niềm tin) (âshraddhya); (16) lười biếng (kausîdya); (17) không tận tâm (pramâda); (18) quên (thiếu chánh niệm) (muhitasmtitâ); (19) không tự quán kiểm (thiếu tỉnh giác) (asaprajanya); (20) phân tâm (vikhepa). Meditation ở Emptiness. P260. Jeffrey Hopkins. Wisdom. 1996}.

[4]BA117 Bk2,P5311: 33.2.1.

[5]BA118 Sn, Lamotte 1935:112; P774:17.4.7-8.

[6]BA119 AS, Pradhan 1975:9.8; P5550: 240.1.4.

[7]BA120 Abhidharmakoúa-bhâyaShastri 1972:191; P5591:145.4.6.

[8]BA121 Bk2,P5311: 33.2.3-4.

[9]BA122 Ibid., P5311: 33.2.4-5. Bk3, Tucci 1971: 9; D3917: Ki 59a5-6.

[10]BA123 Madhyanta-vibhaga: 4.5b, D4021: Phi 43a4-5.

[11]BA124 LRCM: 506-08.

[12]BA125 BCA: 5.33a-c; P5272: 249.1.9.

[13]BA126 Madhyanta-vibhaga-tika, Yamaguchi 1934:175.9-11; P5528:128.2.4.

[14]BA127 BCA: 5.108; P5272: 250.3.6.

[15]Tên dịch nghĩa của Âryaúûra là Thánh Dũng.

[16]BA128 PS: 1.15ab; P5340:17.4.8-17.5.1.

[17]BA129 AS, Pradhan 1975:5-6; P5550: 238.3.4-5.

[18]BA130 Bkl, Tucci 1986:206; P5310: 25.3.5-6.

[19]BA131 PS: 5.13ab; P5340:16.2.1-2.

[20]BA132. Madhyamaka-hrdaya-karika, D3855: Dza 4a7.

[21]BA133. śikâsamuccaya, Vaidya 1961b: 112.24; D3940: Khi 114a6.

[22]BA134. Về Tam Bảo, Xem LRCM: 131-158 (Great Treatise 2000:177-207); leisure, LRCM; 77-86 (Great Treatise 2000:117-28); tinh thần của LRCM: 283-340.

[23]BA135. Về một mô tả của 6 phạm trù này xem Conze 1990: 551-53.

[24]BA136. Śbh Wayman 1978: 448 n. 100; cf. Shukla 1973: 421-22; P5537:111.3.3-6.

[25]BA137 Ibid., Wayman 1978: 448 n. 101; P5537:100.1.8 về các bàn luận xa hơn của thuật ngữ “sign” (mtshan ma, nimiHa) mà được xem là đặc tính mấu chốt của một hiện tượng bởi đó nó được bám chấp theo khái niệm, Xem Vajirañâṇa 1975: 31-34 and Conze 1990:11-12.

[26]BA138 Bkl, Tucci 1986: 206-07; P5310: 25.3.6-7.

[27]BA139 Madhyamaka-hdaya-kârikâD3855: Dza 4a6-7.

[28]BA140 Ibid., D3855: Dza 4a7.

[29]BA141 ŚikâsamuccayaVaidya 1961b: 112.24; D3940: Khi 114a6-7.

[30]BA142 PS: 5.13cd; P5340: 16.2.2.

[31]BA143 Śbh P5537: 92.5.3-6.

[32]BA144 yogâ-caryâ-bhûmi(Sa'i dngos gzhi), P5536: 273.2.4-7.

[33]BA145 Ibid., P5536: 273.2.7-273.3.2.

[34]BA146 LRCM: 61-69 (Great Treatise 2000:101-08) Bốn phạm trù này là để kiềm chế các cơ quan thụ cảm tác động bằng tỉnh thức, ăn uống đúng, và sau cùng là cách tu tập cần mẫn và cách hành xử đúng đắn vào lúc ngủ.

[35]BA147 Bk2, P5311: 33.2.6-7.

[36]BA148 Ibid., P5311: 34.3.3. Bk3, Tucci 1971: 11; D3917: Ki 60a2-3.

[37]BA149 Trong khuôn khổ của định thuật ngữ btangsnyomslà “sự bình lặng” nhưng trong bối cảnh của cảm xúc và tứ vô lượng tâm thì nó được dịch là “xả bỏ”. Tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả. Về chi tiết bàn thảo xem Vajirañâṇa và Ñâṇamoli 1991: 288-319.

[38]BA150 Śbh , Wayman 1961:117-118; P5537:105.5.3-6.

[39]BA151 Ibid., Wayman 1961:118; P5537:105.5.6-7.

[40]BA152 Ibid., Wayman 1961:118; P5537:105.5.7.

[41]BA153 Madhyânta-vibhâga, D4021: Phi 43a3-5.

[42]BA154 Bốn sai sót đầu được giải thích trong LRCM: 489-504; toàn tâm và tỉnh thức trong LRCM: 505-512; dụng công, LRCM: 515-525; bất dụng công, LRCM: 525-529

[43]BA155 “Các luận thừa” (mtshan nyid kyi theg pa) là các Ba-la-mật-đa thừa {kinh thừa hay hiển thừa}.

[44]BA156 Sapui–nâma-mahâ-tantraD381: Ga 76b3-77al.

. 547

Chương 8: Ba Loại Người

2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên

a. Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình tu tập

1) Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

2) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người

a) Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

b) Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo những giai đoạn như vậy

i) Nguyên nhân thật sự

ii) Mục đích


––––\––––


2. Làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên

Việc làm thế nào để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên được trình bày trong hai phần:

  1. Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát về lộ trình một cách chắc chắn
  2. Phương pháp thật sự để tận dụng lợi thế của một cuộc sống an lạc và thuận duyên (Chương 9 và tiếp theo)


a.Làm thế nào để phát triển tri thức tổng quát một cách chắc chắn về lộ trình

Phương thức phát triển tri thức tổng quan một cách chắc chắn về lộ trình gồm hai phần:

1. Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

2. Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người


1)Nội dung bao hàm của tất cả kinh điển về các lộ trình của ba loại người như thế nào

Ở lúc bắt đầu, một người muốn trở thành một vị Phật sẽ phát triển tâm Bồ-đề; ở giai đoạn giữa, người này tích lũy các công đức và trí tuệ tối thượng; và cuối cùng, người này chứng được Phật quả toàn hảo. Tất cả những hành động này chỉ nhằm đến mục tiêu hạnh phúc cho chúng sinh. Vì thế, tất cả những giáo pháp một vị Phật đưa ra chỉ giản dị là nhằm đạt đến lợi ích cho chúng sinh. Điều này tức là, lợi ích của chúng sinh chính là điều quý vị nên đạt được. [87] Lơi ích này bao gồm hai phần: mục tiêu tạm thời về việc trạng thái cao làm người hoặc một vị thiên, và mục tiêu rốt ráo về điều tốt đẹp chắc chắn là sự giải thoát hay sự toàn giác. Giữa hai điều này, nhiều lời giáo huấn của đức Phật nói về việc đạt được mục tiêu tạm thời là trạng thái cao. Tất cả những giáo huấn này được bao gồm trong các lời dạy dành cho một hành giả chân chính có khả năng giới hạn {căn cơ nhỏ} hoặc trong những giáo pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi vì những cá nhân có khả năng đặc biệt giới hạn thật sự không làm nhiều cho kiếp sống này, mà họ nỗ lực tinh tấn để có trạng thái cao thù thắng khi tái sinh làm người hoặc trời trong những kiếp vị lai bằng cách xúc tiến nuôi dưỡng các nguyên nhân tạo ra các tái sinh đó. Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luậnnói rằng:[1]


Hãy biết rằng những ai “thấp nhất”

Nỗ lực chăm chỉ nhằm chỉ đạt

Các an vui trong cõi luân hồi

Bằng mọi cách cho hạnh phúc riêng họ.


Có hai điều tốt lành chắc chắn: sự giải thoát mà đơn thuần chỉ là tự do khỏi luân hồi và trạng thái giải thoát tối thượng của toàn giác. Nhiều lời giáo huấn của đức Phật liên quan đến Duyên Giác và Thanh Văn thừa. Tất cả những tuyên thuyết này được đề cập trong các giáo pháp dành cho một hành giả có khả năng thật sự trung bình hoặc trong những giáo pháp dành chia sẻ với một hành giả như vậy, bởi những hành giả có khả năng trung bình sẽ phát khởi sự tỉnh giác với tất cả mọi thứ trong luân hồi và sau đó thiết lập mục tiêu là giải thoát chính họ khỏi luân hồi. Rồi họ bước vào lộ trình của ba sự rèn luyện, phương tiện để đạt giải thoát. Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận:[2]


Những người được gọi là “trung bình”

Ngăn chận những hành vi tội lỗi

Quay lưng với an lạc trong luân hồi,

Và tinh tấn nỗ lực cho thanh tịnh riêng mình.


Tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa Trưởng lão [Atiśa] nói rằng:[3]


Bởi bổn sư, đức Phật, nói rằng,

“Nương tựa Ba-la-mật và Chân ngôn thừa[4]

Và thành đạt được chân giác ngộ”,

Giờ ta sẽ viết về ý nghĩa điều này.


Theo đó, phương thức đạt đến toàn giác bao gồm hai phần: những Đại thừa của các Ba-la-mật-đa và Đại thừa của các chân ngôn {skt. mantra – còn gọi là mật chú}. Hai phần này được bao gồm trong những giáo pháp dành cho một hành giả thượng căn, vì những người này qua tác động của lòng đại bi, lấy Phật quả làm mục tiêu của họ nhằm dẹp tan mọi đau khổ của tất cả chúng sinh. Sau đó họ rèn luyện sáu Ba-la-mật-đa, hai giai đoạn[5], và tương tự. [88] Trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng:[6]


Những người được gọi là “thượng căn”

Thành tâm muốn dẹp tan tất cả

Mọi đau khổ của những người khác

Qua cách hiểu nỗi khổ chính mình.


Dưới đây, tôi sẽ diễn giải phương thức những người này đạt tới sự giác ngộ bao hàm trong cả Ba-la-mật-đa thừa lẫn mật chú thừa. Liên quan đến những điều kiện dành cho ba loại người, các lời giáo huấn này trong tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận có ý nghĩa tương tự với lời giáo huấn trong Quyết Định Yếu Luận của tác phẩm Du-già Hạnh Địa Luận:[7]


Hơn nữa, có ba loại người như sau: có những người trì giữ phát nguyện về giới là từ bỏ mười việc bất thiện, điều này vốn không được xem xét là một giới nguyện, tuy nhiên nó cũng tương tự như giới nguyện. Có những người phát nguyện về Thanh Văn giới. Có những người phát nguyện về Bồ-tát giới. Trong số này, loại người đầu tiên có khả năng thấp nhất; loại người thứ hai là trung bình; và loại người thứ ba là thượng hạng.


Ngoài ra, các kinh điển cũng đề cập nhiều cách để định vị một hành giả có khả năng thấp nhất, trung bình và thượng hạng. Tương tự Bồ-đề Đạo Đăng Luận của ngài Atiśa, tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luậncủa ngài Thế Thân[8]cũng xác định ba loại người. Thật sự có hai loại trong số những hành giả mang khả năng giới hạn – những người nỗ lực cho kiếp sống này và những người nỗ lực cho những kiếp vị lai. Tuy nhiên, ở đây tôi đang nói đến trường hợp sau, những người sẽ được tôi nhận diện là thực hiện phương pháp đúng đắn để đạt địa vị cao.


2)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn theo các giai đoạn áp dụng các rèn luyện dành cho ba loại người

Sự diễn giải này gồm hai phần:

1. Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

2. Vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy


a)Mục đích của việc hướng dẫn các đệ tử qua phương tiện của các lộ trình về ba loại người

Tôi đã đưa ra sự diễn giải về ba loại người. Tuy nhiên, các giai đoạn trong lộ trình dành cho hành giả có khả năng cao cũng bao hàm trọn vẹn những lộ trình dành cho hai loại người còn lại. Vì thế, hai lộ trình này là những phần, hay những chi, của đạo Đại thừa. [89] Như đạo sư Mã Minh đề cập trong tác phẩm Thế Tục Bồ-đề Tâm Tu Tập (Saṃvṛti-bodhicitta-bhâvanâ):[9]

Không hại ai, với tâm chân thật,

Và trong sạch; không hề trộm cắp,

Và bố thí mọi tài sản của ngươi

Là hành vi khiến tái sinh hạnh phúc.


Một khi thấy khổ đau của luân hồi,

Ngươi theo lộ trình đúng để rời khỏi nó,

Và loại trừ hai hành động tội lỗi;

Đó là hành vi khởi tạo sự an nhiên.


Người thượng căn nên tu tập tất cả điều này;

Đó là những ngả đường của sự quyết tâm tối cao cho giải thoát.

Tri nhận rằng chư pháp giai không

Tạo dòng chảy từ bi cho mọi chúng sinh.


Những phương tiện thiện xảo vô hạn

Là hoạt động của quyết tâm tối thượng để giải thoát.


Vì vậy, trong việc này các vị đạo sư không dẫn dắt quý vị theo con đường dành cho những hành giả có khả năng giới hạn, những người lập mục tiêu chỉ đơn thuần vì hạnh phúc trong luân hồi, hay con đường dành cho những hành giả có khả năng trung bình, những người chỉ lập mục tiêu đơn thuần là sự giải thoát khỏi luân hồi cho bản thân họ. Đúng hơn là, các đạo sư chọn ra một số lộ trình có chung cho hai loại người này và dùng chúng làm những điều kiện tiên quyết để dẫn dắt quý vị theo lộ trình dành cho những hành giả thượng căn. Vì thế họ dùng chúng làm những thành phần của lộ trình rèn luyện dành cho những hành giả thượng căn. Do vậy, một khi quý vị đã phát triển ước mong tận dụng lợi thế của kiếp người an lạc và thuận duyên này như giải thích trước đây, quý vị phải biết được làm cách nào để tận dụng lợi thế trọn vẹn của nó. Liên quan đến điều ấy, tác phẩm Trung Đạo Tâm Yếu Luậncủa ngài Thanh Biện nói rằng:[10]


Những tấm thân này thật quá mỏng manh,

Như cây chuối và như bong bóng nước.

Ai sẽ không mang lại cho chúng sự vững vàng như núi Tu-di

Bằng việc lấy chúng làm điều kiện để giúp đỡ cho những người khác?


Những tấm thân này là cơ sở của bệnh tật, tuổi già, và sự chết

Những ai có phẩm cách tốt và lòng từ bi

Khiến cho chúng trong từng khoảnh khắc

Làm nền tảng thăng tiến hạnh phúc của tha nhân.


Đời an lạc tránh khỏi tám duyên không an lạc

Do bởi ngọn đèn của giáo pháp tối thượng sáng soi

Hãy tận dụng thật tốt an lạc này

Qua hành động của một người thượng trí.


Vì vậy, hãy bước vào Đại thừa với suy nghĩ: “ngày đêm, tôi sẽ luôn ứng xử như một hành giả thượng căn, tận dụng tốt thân này, vốn là một nơi trú ngụ của bệnh tật, một cơ sở của các đau khổ, của tuổi già và điều tương tự, cũng như nó vốn thiếu vững chắc tựa như cây chuối hay bong bóng nước”.


Vấn: Từ lúc bắt đầu, vị đạo sư nên hướng dẫn đệ tử qua các tu tập của một hành giả thượng căn. [90] Đâu là công dụng của sự rèn luyện theo những lộ trình được chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình?

Đáp:Rèn luyện theo các lộ trình được chia sẻ với hai loại người này là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lộ trình của một hành giả thượng căn. Tôi sẽ giải thích cách điều này là như thế.


b)Vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy

Việc vì sao các đệ tử được hướng dẫn qua những giai đoạn như vậy được diễn giải về các mặt nguyên nhân thật sự và mục đích.


i)Nguyên nhân thật sự

Đường vào Đại thừa chỉ có tâm Bồ-đề vô thượng. Một khi điều này phát sinh trong dòng tâm thức của quý vị thì như được đề cập trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận của ngài Tịch Thiên:[11]

Khi chúng sinh vô vọng,

Bị trói trong ngục tù

Luân hồi bao đau khổ

Phát khởi tâm Bồ-đề

Họ sẽ được gọi là

“con của đấng Thiện Thệ”[12]

Và thật đáng tôn vinh

Trong chư thiên, nhân giới.[13]


Vì thế, những chúng sinh này bước vào Đại thừa được đặt tên là “những đứa con của bậc Điều Ngự” hay “những vị Bồ-tát”. Nếu họ hủy hoại tâm Bồ-đề của mình, họ sẽ tự trục xuất bản thân ra khỏi đoàn thể những hành giả tu tập Đại thừa.

Do đó, những người ước mong bước vào Đại thừa phải phát triển tâm Bồ-đề này bằng cách thực hiện nhiều dạng nỗ lực. Những bản văn tối cao dạy về những giai đoạn của lộ trình Bồ-tát đạo, các tác phẩm Bồ-tát Học Luận Nhập Bồ-đề Hành Luận của ngài Tịch Thiên, đề cập đến phương pháp phát triển tâm Bồ-đề ấy. Các tác phẩm đó nói rằng trước tiên quý vị cần thiền quán về những ích lợi của nó. Sau đó, quý vị làm mạnh mẽ nỗi hân hoan về những lợi lạc này từ tận đáy lòng của mình. Điều này phải đồng hành với việc thực hành bảy hạnh nguyện {Phổ Hiền} cùng với sự thực hành quy y.

Nếu quý vị viết cô đọng lại những lợi ích được đề cập theo cách này, thì chúng bao gồm hai phần: tạm thời và rốt ráo. Phần đầu tiên lại gồm hai khía cạnh nữa: không rơi vào những cảnh giới khốn khổ và được tái sinh trong những cảnh giới hạnh phúc. Điều đó nghĩa là, một khi phát tâm Bồ-đề, quý vị sẽ loại bỏ được nhiều nguyên nhân tích lũy từ trước cho những sự tái sinh đau khổ, và quý vị chấm dứt sự tích lũy liên tục về chúng trong tương lai. Quý vị cũng tăng trưởng mạnh mẽ những nguyên nhân đã tích lũy từ trước cho những sự tái sinh hạnh phúc bởi chúng được thấm nhuần tâm Bồ-đề này. Hơn nữa, bởi quý vị được tâm Bồ-đề này thúc đẩy, nên những nhân mà quý vị gây tạo lại sẽ là khoog thể nào cạn kiệt. [91] Nương tựa tâm Bồ-đề này, quý vị sẽ dễ dàng đạt đến những mục tiêu cuối cùng, sự giải thoát và toàn giác.

Ngay từ lúc bắt đầu, quý vị phải có ước vọng chân thành mong cầu để đạt đến những lợi ích tối hậu và tạm thời này. Nếu không có điều đó, quý vị có thể nói rằng: “Tôi sẽ nỗ lực phát triển tâm Bồ-đề này” vì những lợi ích vốn sinh khởi từ việc phát triển tâm Bồ-đề, nhưng đó sẽ chỉ là những lời nói suông. Sự rỗng tuếch của lời tuyên bố này rất rõ ràng một khi quý vị kiểm chứng lại tâm thức của mình.

Vì thế, trước tiên quý vị phải rèn luyện trong tư tưởng chung cho những cá nhân có khả năng giới hạn và trung bình nhằm phát triển một niềm ước ao đạt được hai lợi ích, trạng thái cao [là người hoặc trời] và điều tốt lành chắc chắn [sự giải thoát hay sự toàn giác]. Sau khi phát triển được điều ước như vậy, quý vị nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, là thái độ giúp sinh khởi những lợi ích ấy. Khi làm điều này, quý vị phải phát triển lòng đại từ bi vốn là nền tảng cho thái độ này. Nói cách khác, khi quý vị quán chiếu rằng mình đã lang thang trong luân hồi, bị mất đi hạnh phúc và bị nỗi đau khổ hành hạ như thế nào, thì những sợi lông trên người quý vị phải nên dựng đứng lên. Nếu không có sự trải nghiệm này, quý vị sẽ chẳng thể trở nên bất nhẫn với sự đau khổ của những chúng sinh khác khi họ phải chịu đựng và bị tước đi hạnh phúc bởi họ lang thang trong luân hồi. Trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận:[14]


Những ai chưa nghĩ tưởng

Đến một thái độ như vầy

Cho lợi ích riêng họ;

Thì ngay cả trong mơ

Làm sao khởi được nó

Cho hạnh phúc tha nhân?


Do vậy, trong bối cảnh người có khả năng giới hạn, quý vị quán chiếu cách mà mình bị hãm hại trong những cảnh giới khốn cùng đến như thế nào. Trong bối cảnh của hành giả có khả năng trung bình, quý vị quán chiếu theo phương cách rằng thậm chí ở trạng thái cao, thì cũng có đau khổ và không có được hỷ lạc an tịnh. Sau đó, quý vị thúc đẩy sự phát triển tình yêu thương và lòng từ bi bằng cách nuôi dưỡng sự đồng cảm với các chúng sinh, những người quý vị xem là gần gũi với mình. Từ đây quý vị sẽ phát tâm Bồ-đề. Vì thế, sự rèn luyện suy nghĩ chung với những người có khả năng giới hạn và trung bình là phương pháp phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật; đó không phải là một lộ trình riêng biệt nào mà vị đạo sư dẫn dắt quý vị theo.

Tương ứng theo đó, quý vị thực hiện nhiều phương cách khác nhau để thanh tịnh hóa bản thân khỏi sự bất thiện và tích lũy công đức nhờ sử dụng những tu tập để phát triển được cả thái độ chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn lẫn thái độ chia sẻ với những hành giả có khả năng trung bình. Các ví dụ là việc quy y và việc suy nghĩ về nghiệp và nghiệp báo. [192] Hãy hiểu rằng những điều này cũng giúp quý vị phát tâm Bồ-đề, bởi chúng phù hợp với bảy hạnh nguyện Phổ Hiền hoặc với tu tập quy y, vốn là những phương pháp rèn luyện đóng vai trò tiên quyết cho tâm Bồ-đề trong bối cảnh của những tu tập dành cho hành giả thượng căn.

Ở điểm này, vị đạo sự trình bày chi tiết một cách xuyên suốt về những phương cách mà trong đó, các rèn luyện của những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình đóng vai trò như các thành phần cho sự phát tâm Bồ-đề vô thượng. Hơn nữa, quý vị, người đệ tử, sẽ đạt đến tri thức chắc chắn về điều này. Sau đó, bất cứ khi nào quý vị duy trì thiền, điều tối quan trọng là quý vị giữ vững hiểu biết này trong tâm và rèn luyện những giáo pháp này như là các thành phần cho sự phát triển tâm Bồ-đề của quý vị. Nếu không, lộ trình của hành giả thượng căn và những lộ trình của những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình sẽ bị tách biệt và không liên quan. Và bởi quý vị sẽ không đạt tri thức chắc chắn về tâm Bồ-đề nào cả cho đến khi quý vị đạt đến lộ trình thật sự của hành giả thượng căn, nên việc thiếu rèn luyện trong những chủ đề này, như là những phần của sự phát triển tâm Bồ-đề của quý vị, sẽ khiến ngăn trở quý vị không phát triển được tâm Bồ-đề ấy, hoặc, trong khi quý vị thiếu sự rèn luyện này, sẽ khiến cho quý vị lệch khỏi mục tiêu to lớn của bản thân về việc phát tâm Bồ-đề ấy. Do đó, hãy lưu ý kỹ ở điểm này.

Theo phương cách này, hãy rèn luyện theo các lộ trình của nhữnghành giả có khả năng giới hạn và trung bình và rèn luyện tốt những điều được diễn giải trong bối cảnh dành cho hành giả thượng căn. Sau đó, bằng tất cả khả năng tốt nhất, hãy phát khởi một tâm Bồ-đề chân thật trong dòng tâm thức của mình. Tiếp theo, để tinh thần này trở nên ổn định, hãy tiến hành một sự tu tập đặc biệt về quy y và sau đó thực hiện nghi lễ về sự phát tâm Bồ-đề mạnh mẽ. Sau khi quý vị đã tiếp nhận tinh thần nguyện ước {Bồ-đề tâm nguyện} mạnh mẽ này qua nghi lễ, quý vị phải nỗ lực học hỏi các giới luật của nó. Tiếp đến, hãy phát triển sự ước ao mãnh liệt để học hỏi những hạnh Bồ-tát, như sáu Ba-la-mật-đa và bốn cách thu nhận đệ tử. Một khi sự ước ao này sinh khởi từ tận đáy lòng quý vị, hãy kiên định áp dụng lời thệ nguyện thanh tịnh về xúc tiến Bồ-đề tâm {Bồ-đề tâm hành}. Sau đó, với sự dấn thân, hãy tránh bị những vi phạm căn bản làm cấu nhiễm. Hãy nỗ lực để ngay cả những sự ô uế nhỏ nhoi và trung bình hoặc sự gây tạo những lỗi lầm cũng không làm quý vị ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô nhiễm, hãy làm thanh tịnh bản thân một cách triệt để bằng cách sửa đổi những sự vi phạm như được chỉ dạy trong kinh.

Tiếp theo, hãy rèn luyện bao quát về sáu Ba-la-mật-đa. Một cách cụ thể, hãy rèn luyện thật tốt về bình ổn thiền – cốt lõi của định – để làm cho tâm thức của quý vị có khả năng được đặt lên một đối tượng thiền thiện đức, theo sự ước mong của quý vị. [93] Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận của Trưởng lão[15]nói rằng quý vị nên phát triển định từ thiền nhằm sinh khởi những tri kiến siêu việt. Ngài dẫn ra một ví dụ đơn giản. Trong những tình huống khác, Ngài nói rằng quý vị nên phát triển định lực nhằm sinh khởi tuệ giác. Vì vậy, đạt được định chủ yếu nhằm mục tiêu cho tuệ. Sau đó, để cắt bỏ những trói buộc của quan niệm về hai bản ngã {nhân vô ngã (tib. གང་ཟག་གི་བདག་མེད) và pháp vô ngã (tib. ཆོས་ཀྱི་བདག་མེད)}, hãy lập một xác định triết lý về ý nghĩa của tánh Không, tức là sự vô ngã. Sau khi duy trì một phương pháp thiền không sai sót, hãy đạt đến sự thấu suốt, tức là trái tim của trí tuệ.

Theo đó, tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích của ngài Atiśa[16]đề cập rằng, ngoại trừ những tu tập về định và tuệ, tất cả những sự tu tập trong mức độ giới luật và bao gồm việc rèn luyện các giới luật của Bồ-đề tâm hành sẽ cấu thành việc rèn luyện giới luật. Định là việc rèn luyện về sự tập trung hoặc việc rèn tâm. Tuệ là việc rèn luyện về trí tuệ. Hơn nữa, tất cả những tu tập trong mức độ định từ thiền và bao gồm định từ thiền cấu thành nên nhân tố của sự giác ngộ được gọi là phương tiện, tức là sự tích lũy công đức, những đạo pháp phụ thuộc vào các chân lý ước lệ {tục đế}, hay còn được gọi là những giai đoạn của lộ trình bao quát. Sự phát triển của ba loại trí tuệ thấu suốt[17]cấu trúc nên nhân tố của sự giác ngộ được gọi là trí tuệ, sự tích lũy trí tuệ, vốn phụ thuộc vào những chân lý tối hậu {chân đế}, hay còn gọi là những giai đoạn của lộ trình uyên thâm. Vì thế, hãy biết thật chắc chắn về trình tự của chúng, về sự thật rằng chúng là một danh mục toàn diện, và rằng quý vị không thể đạt đến sự giác ngộ chỉ bằng phương tiện hay trí tuệ đơn thuần.

Đây là cách mà những chú ngỗng hoàng gia, những đứa con của bậc Điều ngự, tức những kẻ đang trên con đường ra đại dương mênh mông những phẩm hạnh diệu hảo của một vị Phật, sải đôi cánh của chúng và bay lên. Một cánh là những chân lý quy ước – tất cả những nhân tố về phương tiện, lộ trình bao quát. Một cánh kia, dựa vào những chân lý tuyệt đối, đang hiểu biết rõ cả thực tại lẫn vô ngã. Tuy nhiên, chúng không thể chỉ sử dụng một phần đơn lẻ của lộ trình, hay bay lên như chú chim gãy một cánh.[18]Như tác phẩm Nhập Trung Quán Luận Thíchcủa ngài Nguyệt Xứng đề cập:[19]


Dang đôi cánh trắng và rộng của thực tại và ước lệ,

Những chú ngỗng hoàng gia, hộ tống bởi đàn chúng sinh,

Bay trên những ngọn gió đức hạnh để đạt đến vô thượng

Trên bờ xa, những phẩm hạnh Phật lớn tựa đại dương. [94]


Sau khi quý vị rèn luyện tâm thức bằng lộ trình thông thường, quý vị chắc chắn phải bước vào con đường mật chú bởi vì khi thực hiện, quý vị sẽ nhanh chóng hoàn thành hai sự tích lũy. Nếu quý vị không thể tu tập xa hơn lộ trình thông thường, hoặc không muốn làm điều đó do thiên hướng của quý vị thừa kế từ những kiếp trước quá yếu, vậy thì chỉ cần cải thiện trên từng giai đoạn này của lộ trình.

Quý vị được chỉ dạy rằng tất cả các thừa nói chung và mật chú thừa nói riêng nương tựa vào vị đạo sư đều rất cốt yếu. Bởi thế, một khi bước vào con đường chân ngôn, quý vị nên làm theo những sự giải thích về mật chú, và tu tập một pháp môn dựa vào vị đạo sư thậm chí còn chuyên sâu hơn những gì tôi diễn giải trước đây. Sau đó, hãy làm cho tâm thức quý vị trở nên chín muồi với những quán đảnh đến từ những nguồn Mật thừa thanh tịnh, trì giữ một cách đúng đắn với ngay cả sự rủi ro cho tính mạng của quý vị, về tất cả những lời thệ và nguyện mà quý vị nhận được trong suốt các quán đảnh của quý vị. Quý vị có thể phát nguyện lại nếu mình bị một sự vi phạm căn bản tác động, tuy nhiên tâm thức quý vị sẽ bị hư hoại, và sẽ rất khó khăn để tăng trưởng những phẩm hạnh diệu hảo. Vì thế, hãy nỗ lực một cách cụ thể để không bị những vi phạm căn bản làm hư hỏng và không bị những vi phạm thứ cấp làm ô nhiễm. Ngay cả nếu quý vị bị ô uế bởi những điều này, hãy thanh tịnh hóa bản thân với sự sám hối và kiềm chế, vì những sự thệ nguyện là nền tảng của lộ trình.

Tiếp đó hãy rèn luyện theo những lời hướng dẫn tốt đẹp về Du-già với các biểu tướng (nói về những cấp độ Mật thừa thấp hơn), hoặc Du-già của giai đoạn phát khởi (nói về Mật thừa Du-già ở mức cao nhất). Sau khi sự rèn luyện này đã vững vàng, hãy rèn luyện thật tốt về Du-già không biểu tướng (nói về những cấp độ Mật thừa thấp hơn), hoặc Du-già của giai đoạn hoàn mãn (nói về Mật thừa Du-già ở mức cao nhất).[20]

Tác phẩm Bồ-đề Đạo Đăng Luận trình bày phần chính yếu của lộ trình như vậy; những giai đoạn của lộ trình cũng hướng dẫn quý vị theo cách này. Đại Trưởng lão cũng đã giáo huấn điều này trong những bản văn khác. Tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Tậpcủa Ngài nói rằng:[21]


Nếu ngươi ước mong chứng vô thượng Bồ-đề,

Vốn cao quý bất khả tư lường,

Hãy dốc lòng tu tập và thành tựu tâm Bồ-đề,

Bởi sự giác ngộ phụ thuộc vào tu tập. [95]

Bởi thân thể an lạc và thuận duyên toàn hảo này

Thật khó lòng đạt được, và một khi nhận được

Sẽ rất khó mà sở hữu lại lần sau,

Hãy khiến nó đầy ý nghĩa nhờ nỗ lực tu tập.


Và tác phẩm Đại Thừa Đạo Thành Tựu Pháp Hạng Huống Tậpcủa Ngài nói rằng:[22]


Khi một cơ duyên sinh khởi

Cho những phạm nhân trốn khỏi ngục tù,

Họ bỏ chạy khỏi nơi ấy,

Bởi mục tiêu họ không như những thường nhân.


Cũng thế khi cơ duyên sinh khởi

Để vượt qua biển cả luân hồi,

Ngươi trồi lên ra khỏi chốn luân hồi,

Bởi mục tiêu ngươi không như những kẻ khác.


Tương tự:[23]


Hành Bồ-tát giới bằng cách trì theo

Tu tập quy y, giữ giới cao hơn,

Và nền tảng Bồ-đề tâm nguyện mãnh liệt,

Hãy tu tập đúng đắn, theo các giai đoạn, bằng năng lực của ngươi,

Tất cả những Bồ-tát hành –

Sáu Ba-la-mật-đa và tương tự.


Hơn nữa:[24]


Nuôi dưỡng trí huệ tâm và phương tiện –

Trí huệ định lực, và hợp nhất chúng.


Ngoài ra, tác phẩm Định Tập Phẩm của Bodhihadra {Giác Hiền}đề cập rằng:[25]


Đầu tiên, hãy vững vàng tâm Bồ-đề toàn hảo của ngươi,

Sinh khởi từ sức mạnh từ bi.

Đừng tham chấp tận hưởng những nguồn vui trong luân hồi,

Và quay lưng đừng bám lấy chúng.

Được ban những bảo vật toàn hảo như niềm tin,

Hãy tôn kính đạo sư của ngươi, người ngang hàng đức Phật.


Với những lời nguyện đạo sư đã dạy,

Hãy tinh tấn trong thiền.

Nhận qua lòng từ của thầy

Sự ban tặng những quán đảnh, cả bình cam lồ và mật ngữ.


Làm thanh tịnh thân, khẩu, và ý,

Những hành giả như vậy thích hợp để chứng ngộ.

Bằng việc hoàn thành những sự tích tập

Sinh khởi từ định chi,

Họ sẽ chóng đạt sự chứng ngộ vô thượng.

Đó là con đường của mật chú.


ii)Mục đích

Vấn:Nếu những giáo pháp dành cho những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình là các điều kiện tiên quyết cho hành giả thượng căn, chúng có lẽ cũng được xem là những giai đoạn cho lộ trình của hành giả thượng căn. [96] Vì sao lại sử dụng thành ngữ này: “các giai đoạn của lộ trình được chia sẻ với những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình”?

Đáp: Có hai mục đích to lớn của việc phân biệt ba loại người và theo đó hướng dẫn các đệ tử: (1) điều đó đánh tan suy đoán cho rằng quý vị là một hành giả thượng căn cho dù không phát triển những trạng thái tâm thức tương tự như những hành giả có khả năng giới hạn và trung bình, và (2) điều đó mang lại lợi ích to lớn cho những người có tâm thức ở mức tốt nhất, trung bình và thấp nhất. Nó mang lợi ích cho họ như thế nào? Ngay cả hai loại hành giả có khả năng cao hơn cũng phải tìm cầu địa vị cao và sự giải thoát, vì vậy không có gì sai lầm khi giáo huấn các đệ tử có khả năng trung bình và cao về những sự tu tập phát triển những thái độ của những hành giả có khả năng giới hạn và những hành giả có khả năng trung bình. Họ sẽ phát triển được những phẩm hạnh diệu hảo.

Những hành giả có khả năng giới hạn nhất có thể rèn luyện những sự tu tập cao hơn, nhưng điều này sẽ dẫn đến việc họ từ bỏ nhãn quan thấp hơn của họ mà lại không tăng trưởng lên được một nhãn quan cao hơn, và vì vậy họ sẽ không được gì cả. Hơn nữa, có thể có những hành giả nhiều thiện duyên đã phát khởi những lộ trình cao hơn trong những kiếp trước. Nếu họ được giáo huấn về những lộ trình chia sẻ với những hành giả khả năng thấp hơn và sau đó rèn luyện chúng, thì họ sẽ nhanh chóng tăng trưởng những phẩm hạnh diệu hảo đã phát khởi trước đó hoặc những phẩm hạnh chưa phát khởi từ trước. Vì vậy, bởi họ đã phát khởi những lộ trình thấp hơn, nên họ có thể được dẫn dắt theo những lộ trình lần lượt cao hơn, và do đó lộ trình của chính họ đã tu tập trong những kiếp trước sẽ không bị trì hoãn.

Tác phẩm Chân Ngôn Vương Vấn Kinh[26]dùng ví dụ về một thợ kim hoàn khéo tay dần dần tinh luyện được món trang sức để minh họa sự cần thiết cho việc hướng dẫn tâm thức của đệ tử theo các giai đoạn. Để thận trọng tránh sự dài dòng, tôi không trích dẫn chúng đầy đủ ở đây. Vị hộ pháp Long Thọ cũng đã hướng dẫn các đệ tử theo những giai đoạn trong suốt những lộ trình để đạt đến địa vị cao và sự tốt lành chắc chắn:[27]

Ban đầu có những giáo pháp về trạng thái cao;

Rồi đến với những giáo pháp về sự tốt lành chắc chắn.

Bởi khi đạt đến trạng thái cao,

Ngươi dần vươn tới sự tốt lành chắc chắn.


Tương tự, Tôn giả Vô Trước cũng nói rằng:[28]


Hơn nữa, các vị Bồ-tát hướng những đệ tử của họ thành tựu nhân tố đức hạnh của sự giác ngộ một cách đúng đắn và theo các giai đoạn. Để làm được điều này, ban đầu họ đưa ra những giáo pháp dễ dành cho những chúng sinh có trí tuệ non trẻ, yêu cầu họ tu tập theo những huấn thị và giải nghĩa ở mức dễ dàng. Khi nhận thấy trí tuệ của những chúng sinh này phát triển lên khả năng trung bình, các vị yêu cầu họ tu tập những giáo pháp và huấn thị ở mức trung bình, và những sự giải nghĩa trung bình. [97] Khi nhận thấy trí tuệ của những chúng sinh này trở nên rộng mở, các vị yêu cầu họ tu tập những giáo pháp và huấn thị uyên thâm, và những sự giải nghĩa vi diệu. Đây là luồng hoạt động mang tính quyết định cho hạnh phúc của những chúng sinh này.


Ngoài ra, tác phẩm Hạnh Hiệp Đăng Luậncủa ngài Thánh Thiên mô tả phương pháp trước tiên quý vị rèn luyện tư duy về Ba-la-mật-đa thừa và sau đó bước vào mật chú thừa. Tác phẩm chứng minh rằng quý vị phải thực hiện điều này theo các giai đoạn. Sau đó điểm này được tóm tắt như sau:[29]


Phương pháp những chúng sinh khởi đầu

Tham gia vào mục tiêu tối thượng

Được đức Phật toàn hảo huấn thị

Tương tự từng bậc của cầu thang.


Hơn nữa, tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng[30]cũng đề cập rằng trình tự của con đường là xác định:


Thoạt tiên, ngừng các việc thất đức.

Tiếp theo, ngừng sai lầm về ngã.

Cuối cùng, dứt tất cả tà kiến;

Ai hiểu điều này là bậc tinh thông.

Tương tự, vị đa văn đạo sư Mẫu Hầu đã nói rằng:[31]


Tựa như việc nhuộm vải không còn vết nhơ:

Trước tiên họ phát triển điều thiện trong tâm đệ tử

Thông qua những bàn luận về bố thí và tương tự,

Và rồi họ bảo đệ tử quán tưởng về giáo pháp.


Viện dẫn bản văn này, đại sư Nguyệt Xứng cũng cho rằng đạo pháp có một trình tự xác định. Vì trình tự mà chúng tôi dùng để hướng dẫn những người khác đi theo con đường một cách rõ ràng là rất thiết yếu cho sự tu tập của họ, hãy đạt đến sự chắc chắn vững vàng về phương pháp này.





Chương


[1]BA216 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 20.4.5-6.

[2]BA217 Ibid., P5343: 103, 20.4.5.

[3]BA218 Caryâ-saṃgraha-pradîpa, P5379:186.3.6-7.

[4]Ở đây Chân ngôn thừa là tên gọi khác của Mật thừa và xin phân biệt với Chân ngôn tông của Trung Hoa.

[5]Tức là Giai đoạn Phát khởi và Giai đoạn Hoàn tất hay Hoàn mãn trong tu tập Mật thừa.

[6]BA219 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 20.4.6.

[7]BA220 Tác phẩm Du-già Hạnh Địa Luận- rNal 'byor spyod pa'i sa mam par gtan la dbab pa bsdu ba (Vs), P5539: 9.2.4-5. P5539, tập 110 được trích dẫn khác nhau như gTan la dbab pa bsdu pa (Viniścaya-saṃgrahaṇi)rNam par ngcs pa bsdu pa (Nirṇaya-saṃgraha). Tên đầy đủ trong danh mục Pali là Yogâ-caryâ-bhûmau-nirṇaya-saṃgraha.

[8]BA221 Abhidharma-koúa-bhâṣya (AKbh), P5591:189.1.4-6.

[9]BA222 Saṃvṛti-bodhicitta-bhâvanopadeúa-varṇa-saṃgraha, P5307:18.3.4-7.

[10]BA223 Madhyamaka-hṛdaya-kârikâ, P5255: 3.4.2-4.

[11]Ý trong hai câu thơ cuối của đoạn kệ này không thấy trình bày trong bản Anh ngữ mà chúng được thay bằng dấu …, nhưng lại có thấy trích dẫn trong bản chú giải của Sopa Rinpoche nên chúng tôi thay thế các các dấu chấm này cho rõ. Steps on the Paht to Enlightenment. P248. Vol1. Lhundub Sopa. Wisdom. 2004.

[12]“con của đấng Chiến Thắng”, “con Phật”, “con của đấng Thiện Thệ” v.v... chỉ đến các Bồ-tát đã thọ giới và được xem như trong gia đình con Phật. Chữ Hán-việt ban đầu là “Phật tử” nhưng về sau, chữ này đã bị mở rộng về mặt nội hàm bất kể là cho người có Bồ-tát giới hay không. Cho nên từ “Phật tử” có thể gây hiểu nhầm dù không sai về cách viết.

[13]BA224 BCA: 1.9a-c; P5272: 245.2.3-4.

[14]BA225 Ibid.: 1.24; P5272: 245.3.6-7.

[15]BA226 Bodhi-patha-pradîpa, P5343: 21.2.6-7.

[16]BA227 Bohdi-mârga-pradîpa-pañjikâ-nâma, P5344, vol. 103.

[17]Ba loại trí huệ hay tam minh (chn. 三智) này được giải thích trong Giáo Pháp Về Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa, bao gồm (1) trí huệ thấu hiểu khía cạnh phổ dụng của các pháp. Đây là loại trí huệ của Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa thấy biết được chân lý về bản chất không cố hữu không thật có của các hiện tượng {các pháp}, (2) Trí huệ thấu hiểu về các lộ trình khác nhau đến giác ngộ. Chư Bồ-tát có loại trí huệ này vốn khiến họ thấy biết về khía cạnh đặc thù về sự tồn tại hay chân lý về sự tồn tại tạm bợ, cũng như là nhiều lộ trình khác nhau đến giác ngộ, nên theo đó họ có thể cứu độ các chúng sinh khác, (3) trí huệ hiểu biết cả khía cạnh phổ dụng lẫn khía cạnh đặc thù của các pháp. Đây là trí huệ Phật hay Phật trí. Phật trí vốn nhận thức cả hai khía cạnh này của toàn thể các pháp còn gọi Trung Đạo, cũng như nhận thức về nhiều lộ trình đến giác ngộ khác nhau. Tuy nhiên, theo như giải thích của Sopa Rinpoche thì có vẻ như ngài Sopa ám chỉ đó chính là Tam Vô Lậu Học (giới định và tuệ). Xem thêm chi tiết trong chú thích kế.

three kinds of wisdom. The Soka Gakkai Dictionary of Buddhism. Truy cập 12/02/2012.

<http://www.sgilibrary.org/search_dict.php?id=2343>.

[18]Trong chú giải đến ba đoạn giảng luận cuối này, theo giải thích của Sopa Rinpoche thì tu tập sáu Ba-la-mật-đa tương ứng với Tam vô lậu học (giới-định-tuệ) như sau: bốn Ba-la-mật-đa đầu là giới, Ba-la-mật-đa thiền định là địnhvà Trí huệ Ba-la-mật-đa là tuệ. Việc tu tập để đạt giác ngộ được so sánh như hai cánh chim bay đến thành tựu, không có cả hai thì không thể đạt giác ngộ. Cánh chim thứ nhất là phương tiện bao gồm tất cả các tu tập từ đầu cho đến nhất tâm định, được xem là khía cạnh tích lũy công đức và được chú trọng như là chân lý ước lệ (tục đế). Cánh chim còn lại là tất cả các loại tu tập để đạt đến sự chứng ngộ trực tiếp về bản chất thật sự của con người (bản ngã người) và các pháp cũng như là chính trí tuệ này. Các tu tập này được xem là sự huân tập về trí huệ và được chú trọng như là chân lý tối hậu (chân đế).

Steps on the Path to Enlightenment. Vol1. P292. Lhundub Sopa. 2004.

[19]BA228 Madhyamakâvatâra-nâma: 6.226; P5262:106.2.4-5.

[20]Du-già với biểu tướng là loại thiền mà trong đó hành giả quán tưởng sự trình hiện của một bổn tôn hay một giác thể và mật chú trong mục tiêu thành tựu sắc thân Phật, loại thiền này không liên hệ đến hiểu biết về tính Không. Loại thiền lên tính Không trong đó nhắm đạt đến trực chứng tính Không được gọi là Du-già không có biển tướng. Xem thêm chuyên về chủ đề này: Yoga Tantra: Paths to Magical Feats. Dalai Lama, Tsongkhapa and Jeffrey Hopkins. Snow Lion. 2005.

[21]BA229 Mahâyâna-patha-sâdhana-saṃgraha, P5352:51.5.23.

[22]BA230 Mahâyâna-patha-sâdhana-varṇa-saṃgraha, P5351:50.3.3-5.

[23]BA231 Ibid., P5351: 50.4.8-50.5.2.

[24]BA232 Ibid., P5351: 51.3.5-6.

[25]BA233 Samâdhi-saṃbhâra-parivarta, P3288: 257.5.2-5.

[26]BA234 Đà-ra-ni Vương Vấn Kinh - gZungs kyi dbang phyug rgyal pos zhus pa (Dhâraṅîúvara-râja-paripṛcchâ)là tác phẩm Arya Ârya-tathâgata-mahâ-karuṇâ-nirdeúa-nâma-mahâyânâ-sûtra, P814:300.5.4.

[27]BA235 Raja-parikatha-ratnavall, Ra: 1.3-4; P5658:173.5.7-8.

[28]Bbh, P5538:186.1.3-6.

[29]Carya-melapaka-pradipa, P2668: 295.3.8-295.4.1.

[30]Cś: 8.15; P5246:136.3.2-3.

[31]Trong tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng- Sata-pancasatka-natna-stotra (Một trăm năm mươi kệ xưng tụng): 12.5; P2038. Tác giả là ngài Mã Minh theo bản Pali.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 14474)
Sách "Chết và Tái Sanh" hội đủ nhân duyên dược tái bản do nhu cầu độc giả gia tăng tại Úc, dựa hai điểm chính sau: Thứ nhất, ấn bản lần đầu tiên, 1000 cuốn vào tháng 10 năm 2000, đã phân phối rộng rãi nhiều nơi tại Úc và Việt Nam. Sau hơn 2 tháng, vào cuối tháng 12, sách đã hết sạch, có nhiều người muốn đọc mà không tìm thấy sách nữa. Thứ hai, sách đã được đài phát thanh SBS (Syndey) trang trọng giới thiệu trong chương trình toàn quốc vào sáng ngày 31 tháng 12 năm 2000, sau đó có rất nhiều thính giả hoặc trực tiếp hoặc bằng điện thoại hỏi thỉnh sách.
08/04/2013(Xem: 17096)
Khi còn là một đứa bé ở Tây Tạng, thỉnh thoảng tôi tìm thấy mẹ tôi, Delog Dawa Drolma, được vây quanh bởi những thính giả đang lắng nghe hết sức chăm chú khi bà nói về những cuộc du hành của mình tới các cõi giới khác. Khuôn mặt bà sáng ngời khi đề cập tới các bổn tôn trong các cõi thanh tịnh; những giọt nước mắt tuôn rơi khi bà tả lại những khốn khổ của chúng sinh trong địa ngục và các ngạ quỷ (preta), hay các sinh linh đau khổ. Bà nói về sự gặp gỡ những thân quyến đã chết của những người nào đó, và bà tiếp âm từ người chết tới người sống những mối bận tâm về những công việc không ngừng dứt (có thể là những đồng tiền hay châu báu được chôn dấu mà không thể xác định vị trí) hoặc những van nài khẩn thiết xin được cầu nguyện hoặc cử hành các buổi lễ. Bà cũng đem về lời dạy tâm linh của những đạo sư (lama) cao cấp đã ra đi từ thế giới này và các đạo sư ở bờ bên đây của cái chết đã đáp lại nó bằng sự cung kính sâu xa.
08/04/2013(Xem: 14481)
Cuốn Khi Chết Không mang theo được gì do tác giả Đoàn văn Thông biên soạn đã được đông đảo người đọc hoan nghênh. Đây là tập sách tuy mỏng nhưng cô đọng rất nhiều vấn đề liên quan tới cuộc đời của mỗi người và mọi người.
08/04/2013(Xem: 13788)
Đức Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở cuộc đời. Đó là khai bày hiển thị tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh để chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật ấy. Nhưng khai bày hiển thị tri kiến Phật để chúng sanh ngộ nhập tức phải có phương tiện.
08/04/2013(Xem: 7325)
Cuốn sách này được biên soạn chủ yếu dựa vào một cuốn sách bằng tiếng Tây Tạng có nhan đề là Bardo Thődol, trước đây được một vị Lạt-ma Tây Tạng là Kazi Dawa Samdup dịch sang tiếng Anh, nhan đề là The Tibetian Book of the Dead, với lời bình giải của Hòa thượng Chőgyam Trungpa.
08/04/2013(Xem: 15296)
Nói đến luân hồi, nhiều người quan niệm đó như là chuyện xưa tích có, nhưng thật ra vô cùng mật thiết với đời sống thăng trầm của kiếp người mà chẳng mấy ai lưu tâm. Cũng như không khí hít thở hằng ngày rất thiết yếu cho đời sống, nhưng phần đông không mấy người để ý đến.
08/04/2013(Xem: 14110)
Khi Sống, Con Người lo đủ việc và nhất là hết lòng chuẩn bị mọi thứ: - Nào chuẩn bị thi cử, chuẩn bị ra trường, chuẩn bị cưới hỏi, chuẩn bị sinh con, chuẩn bị nhận việc làm, chuẩn bị mua nhà, chuẩn bị đi du lịch, chuẩn bị đi nằm bệnh viện vân.. vân...
08/04/2013(Xem: 8184)
Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm nhuần năm Mậu Dần, nhằm ngày 24 tháng 6 năm 1998 sau khi làm lễ Bố Tát (Uposatta) tụng giới nơi chánh điện, trở lại thư phòng, tôi bắt đầu viết cho quyển sách của năm nay nhan đề là: Sống và Chết theo quan niệm của Phật Giáo.
08/04/2013(Xem: 5573)
Tối nay tôi sẽ trình bày vắn tắt quan điểm của Phật giáo về đời sống thực của con người, về sự chết và trong khi chết. Phật giáo dậy rằng con người có một giá trị rất cao, đáng tôn qúi, đặc biệt ở sự thông minh tuyệt vời và trí tuệ siêu đẳng.
08/04/2013(Xem: 6508)
Trong tác phẩm này, thầy Soyal tập trung vào các vấn đề làm sao để hiểu ý nghĩa thực thụ của sự sống, làm sao để chấp nhận cái chết, và làm sao để giúp đỡ người sắp chết, và người đã chết. Chết là một phần tự nhiên của sự sống, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]