Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp môn Tịnh độ

08/04/201319:27(Xem: 4795)
Pháp môn Tịnh độ

Lâm Chung, Những Điều Nên Biết

Pháp Môn Tịnh Độ

Thích Nguyên Liên

Nguồn:Thích Nguyên Liên soạn dịch


Trong kinh Pháp hoa phẩm phương tiện đức Phật có dạy: “ Chư Phật vị nhất đại sự nhân duyên xuất hiện ư thế dục linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”, có nghĩa là: “ Các đức Phật vì một nhân duyên lớn xuất hiện ở thế gian, đó là khai thị tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh để chúng sanh ngộ nhập vào tri kiến Phật ấy”. Câu nói đó đã xác định bản hoài của chư Phật thị hiện trong cuộc đời là đưa tất cả chúng sanh đạt đến quả vị giải thoát và giác ngộ, thể nhập vào bản thể uyên nguyên, cái mà trong thiền gọi là “Bản lai diện mục” trong Tịnh độ gọi là “Tự tánh Di đà”. Bản tánh ấy vốn không hình không tướng vượt ra ngoài mọi ngôn ngữ và sự nhận thức của phàm phu, nhưng khi vọng tưởng lắng đọng thì bản thể hiện liền.

Cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, tại vương quốc Aán độ nước Ca tỳ la vệ, dưới cội cây Tất bát la bên dòng sông Ni liên thiền, thái tử Sĩ đạt ta sau bốn mươi chín ngày ngồi tư duy thiền định đã ca lên khúc hát khải hoàn, xác nhận Ngài là bậc đã thành tựu quả vị, bậc đã hoàn toàn chứng được thể tánh, bậc tối thắng trong cõi đời. Nương nơi thể tánh thanh tịnh ấy trải qua bốn mươi chín năm hoằng hóa thuyết pháp độ sanh, với hơn ba trăm hội đàm kinh, những lời dạy của Ngài đã được các hàng Thánh đệ tử kết tập thành ba tạng kinh điển, trong đó triển khai tám vạn bốn ngàn môn tu tập, khai mở cho chúng sanh con đường dứt vọng tưởng thể nhập chân như. Một trong vô số pháp môn tu tập, với sự hành trì rất đơn giản nhưng thành tựu nhiệm mầu đó là pháp môn Tịnh độ.

Tông Tịnh độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung hoa, Triều tiên, Nhật bản … là tông phải siêu việt được các bậc cao đức liệt vào tông phái đại thừa viên đốn. Nói đại thừa bởi tông này lấy tâm bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Nói viên bởi tông này lý sự vẹn toàn tóm thâu bốn giáo trước ( tiểu thừa giáo, đại thừa thỉ giáo, đại thừa chung giáo, đại thừa đốn giáo). Nói đốn bởi tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên ròng về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, mà tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thoái chuyển ( A bệ bạt trí ). Đây quả thật là điểm siêu xuất của tông Tịnh độ.

Hệ tư tưởng của Tịnh độ được y cứ và xiển dương trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nồng cốt để phát huy, đó là Phật thuyết A di đà kinh, Vô lượng thọ kinh, Quán vô lượng thọ kinh (còn gọi Thập lục quán kinh ) và bộ luận Tịnh độ vãng sanh của Bồ tát Thế thân.

Nơi tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá vệ, đức Thế tôn tuyên thuyết kinh A di đà, Ngài tóm lược giới thiệu về vị giáo chủ và y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật. Ơû núi Kỳ xà quật thuộc thành Vương xá Ngài tuyên thuyết kinh Vô lượng thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của tỳ kheo Pháp tạng (tiền thân Phật A di đà), trong khi tu nhân đã đối trước đức Thế tự tại vương Như lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả, để trang nghiêm Phật độ nhiếp hóa quần sanh. Kế đó Ngài trình bày về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của Thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh khát ngưỡng phát nguyện sanh về. Tại vương cung của Tần bà sa la thuộc thành Vương xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi đề hi, Ngài tuyên thuyết kinh Quán vô lượng thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm nhân tố để cầu sanh về thế giới Cực lạc. Sau này Thế thân Bồ Tát y cứ vào kinh Vô lượng thọ kinh tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của và xiển dương pháp tu ngũ niệm môn ( lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng, hồi hướng) làm nhân vãng sanh. Ngoài ba kinh một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận đại thừa khác như Pháp hoa, Hoa nghiêm … Đại trí độ, Đại tỳ bà sa … đều tán thán và đề cao tư tưởng Tịnh độ.

Khi Phật giáo mới truyền sang Trung hoa, pháp môn Tịnh độ đã sớm hòa nhập vào dòng tư tưởng của người bản xứ. Trung hoa quả thật là mảnh đất mầu mơ để tông Tịnh độ đâm chồi nảy lá. Sau Ca diếp ma đằng và Trúc pháp lan đem Phật giáo truyền vào Trung hoa ( nhằm đời Hán Minh đế năm Vĩnh bình 67 ), kế tiếp có các đại sư Aán Độ sang, phụng sắc chỉ dịch các bộ kinh từ chữ phạn sang hán, kinh sách Tịnh độ cũng được theo đó mà truyền vào.

Thời Đông tấn ( 317 – 419 T2) pháp sư Đạo an (312 - 385) đã làm sách luận về Tịnh độ, mở trường pháp phái nêu rõ chánh tông, phát huy những điểm đặc sắc của Tịnh độ. Dưới thời Tào ngụy (220 – 280 ) Ngài Khang tăng khải (đến Trung hoa 252 ) dịch kinh Vô lượng thọ. Đời Dao tần (còn gọi Hậu tần 354 – 417 ), bậc dịch kinh nổi tiếng Cưu ma la thập (344 – 413 ) phụng dịch Phật thuyết A di đà kinh. Thời Lưu tống (420 ) Ngài Cương lương da xá (383 - 442) dịch Quán vô lượng thọ kinh, từ đó giáo nghĩa tông Tịnh độ đã hoàn bị. Vào đầu thế kỷ thứ năm, hệ tư tưởng đã hình thành tông phái, tín ngưỡng Di đà giáo chính thức khai nguyên. Bậc cao tăng được đăng quang lên ngôi vị khai tổ là Huệ viễn đại sư (344 – 416) ở chùa Đông lâm Lô sơn, lừng danh với hội “Bạch liên xã” mà âm hưởng còn vang vọng đến ngày nay.

Sau đó vào thời Tuyên đế Bắc ngụy (508) Bồ đề lưu chi (sang Trung hoa 508 ) dịch Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế thân, đây là bộ luận căn bản hoàn chỉnh hệ thống giáo nghĩa của Tịnh độ.

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn niệm Phật, chữ niệm ở đây có nghĩa là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến Phật. Thông thường tất cả chúng phàm phu luôn đem tâm buông lung theo năm món dục lạc, nhận vọng tâm điên đảo duyên theo sáu trần làm tâm, luôn nhớ nghĩ về quá khứ mơ mộng ở tương lai mà đánh mất thực tại, cho nên tâm thường xáo động. Còn chữ niệm ở đây là một tâm sở trong năm biệt cảnh tâm sở, ý nghĩa của nó là nhớ nghĩ vào hiện tại, buộc tâm vào một đối tượng không rong ruỗi theo niệm trần, nhưng niệm này không hệ lụy vào một cảnh giới nào mà thông suốt cả ba đời, thường hiện rõ trước mặt. Về chữ Phật là chỉ cho bản thể bất sanh bất diệt, cái bản thể chân thật bình đẳng ở nơi chư Phật và chúng sanh. Hành giả niệm Phật là niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm tất cả công đức, trí tuệ, từ bi … của các đức Phật. Do đức lập danh, nhờ danh chiêu cảm đức. Lấy danh hiệu Phật làm cảnh sở niệm, tâm thanh tịnh làm đối tượng năng niệm, thường trú vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất đạt đến cảnh giới an vui chân thật. Thường trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của đức Phật, với tâm thanh tịnh sẽ tạo một năng lực tuyệt đối, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong của mỗi chúng sanh. Từ đó vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới lặng mầu sẽ hiển lộ, như trong Quán kinh có dạy: “ Chư Phật Như lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, cho nên tâm của các người tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tương tốt tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của đức Phật kia”

Lập trường của tông Tịnh độ được kiến tạo trên nền tảng của nhân quả, tức có gây nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác định, hành giả nếu muốn mai hậu làm thánh chứng ở cảnh giới Cực lạc thì ngày hôm nay phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy trong cuộc sống hiện tại, hành giả cần phải thường xuyên cải hóa thân, khẩu, ý, hướng đến chiều hướng thanh tịnh. Ví như học trò trong việc học tập phải có sự tiến bộ, từ lớp nhỏ tiến lần đến lớp lớn, có như vậy mới mong có ngày đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu ngày hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nổ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng mai kia Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật là trái lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phật.

Vẫn biết pháp môn niệm Phật là một trong các pháp môn phương tiện siêu thắng, cho dù đến bậc Đẳng giác còn chưa thấu triệt rốt táo, và nguyện lực tối thâm của đức A di đà thật là vô tận, hàm nhiếp tất cả mọi nguyện lực của mười phương ba đời chư Phật, đối với nghiệp lực của phàm phu, ngay cả đến các bậc Sơ địa Bồ tát nếu không nương vào oai lực tiếp độ của Phật, chỉ nương nơi sức tự lực tu hành của mình cũng không thể vãng sanh. Nhưng tha lực ấy chỉ thành tựu trên cơ sở hành giả phải có sức tự lực. Ví như người mẹ luôn luôn nghỉ đến con nhưng người con không nghĩ đến mẹ thì mẹ dầu thương con cũng đành cam chịu. Tha lực của đức Phật cũng thế, mặc dầu là vô song, nhưng điều quan trọng ở điểm là hành giả có hội đủ tư cách tu trì, có chân thành chịu nhận sự tiếp độ ấy hay không. Có rất nhiều người tu Tịnh độ không nhận ra được lý này, rồi quan niệm đức Phật như một đấng thần linh luôn ban ân cứu rỗi và cảnh giới cực lạc chẳng khác nào thiên quốc của thần giáo, để rồi từ đó có lắm kẻ thiển cận cho rằng pháp tu Tịnh độ là pháp ngoại đạo mê tín dị đoan hoặc là hành môn của hạng hạ căn. Đây quả thật là những ngộ nhận sai lầm đáng tiếc đã xảy ra.

Tóm lại, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ ngoài lực hộ trì tiếp dẫn của Phật cần phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán vô lượng thọ, hành gỉa phải hội đủ ba điều kiện sau:

“ Một là hiếu dưỡng phụ mẫu phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyên người khác cùng tu …”

Trên đây là chánh nhân Tịnh độ, là điều kiện cần và đủ của người phát nguyện vãng sanh Tây phương. Ba điều này có thể tóm thâu vào hai việc, một là phát Bồ đề tâm, hai là nghiêm trì giới luật.

Điều kiện cần thiết thứ nhất của người niệm Phật là phải phát Bồ đề tâm. Thế nào là phát Bồ đề tâm? là phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới mong hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ đề tâm dẫu có tinh tấn tu trì thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích mà thôi. Trong kinh Hoa nghiêm có dạy: “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Quên mất tâm bồ đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma). Vì vậy người tu tịnh độ muốn thành tựu ước nguyện giải thoát thì trước hết phải phát Bồ đề mà niệm, đây là điểm vô cùng quan trọng không thể thiếu đối với người tu Tịnh độ.

Điều kiện cần thiết thứ hai của người niệm Phật là phải nghiêm trì giới luật. Tùy theo giới luật mình đã phát nguyện thọ mà hành trì. Bởi vì bất cứ tông phái nào trong đạo Phật cũng đều không thể ly khai tinh thần giới luật, vì giới luật là nền tảng của đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định huệ không thể phát sanh, giới định huệ đã không phát sanh thì Pháp thân biết nương vào đâu mà thành tựu. Lại đối với tông Tịnh độ giới luật càng thiết yếu, chúng ta có thể nói Luật tông và Tịnh độ tông là hai tông phái hổ trương bao trùm nhau và không thể tách rời nhau. Hai tông này bao trùm toàn bộ tám tông phái khác của Đại thừa, như đại sư Thái hư có nói:“Luật là nền tảng của Tam thừa, Tịnh độ là mái che chung của Tam thừa”. Hành giả gìn giữ giới luật, trên nền tảng đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán vô lượng thọ có dạy: “Một câu niệm Phật, có thể tiêu trừ tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội”.

Nhưng muốn cho tâm Bồ đề khỏi bị thối thất và tư cách thánh hạnh được vẹn toàn, tròn đầy chánh nhân vãnh sanh Tịnh độ, người niệm Phật phải hội đủ ba đức tính quyết định, ấy là tín sâu, nguyện thiết và trì chuyên.

Tín là đức tin, là yếu môn để nhập đạo, là cội nguồn của mọi công đức, người tu Phật nếu thiếu mất yếu tố này thì sẽ không thể thoát ly sanh tư, đạt thành kết quả an vui giải thoát. Bởi vì tất cả mọi công đức vô lậu đều nương vào tín mà lập và do tín mà thành, như trong kinh có dạy: “Phật pháp như bể cả, do tín mà vào”. Hành giả ngoài việc có đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam Bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ bát nhã kiên định không ngờ vực, trên nền tảng đo, gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn Tịnh độ. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm. Điểm thứ nhất, hành giả tin rằng đức Phật Thích ca là bậc đã thân chứng Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực lạc và khuyên chúng sanh vãng sanh là hoàn toàn thật có. Điểm thứ hai, hành giả tin rằng đức A di đà với bốn mươi tám đại nguyện độ sanh vĩ đại, nếu ai mong cầu sanh về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được tiếp độ. Điểm thứ ba là hành giả tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng sẵn có của mình, nếu hiện đời quyết tâm niệm Phật thì tương lai quyết định vãng sanh Tịnh độ.

Trên nền tảng của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là khẩn thiết phát nguyện. Trong Phát Bồ đề tâm văn của đại sư Tĩnh am có dạy: “Nhập đạo yếu môn phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên, nguyện lập tắc chúng sanh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành” ( Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành), lời dạy ấy đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện như thế nào.

Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên thai Trí giả đại sư phải hội đủ hai yếu tố là yểm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa, hành giả phải ý niệm rằng sắc thân năm ấm này vốn là hư tưởng, chỉ là sự tổ hợp của năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức luôn nhuốm mầu khổ đau và bất tịnh. Thân phận con người so với chư thiên cũng chẳng khác nào bầy giòi chen chúc trong hầm phẩn. Mọi phiền não của cuộc đời luôn cấu xé tâm can, như những mũi tên độc gâm vào da thịt như những trận tra tấn cực hình. Nhờ thường xuyên quan sát như thế hành giả sẽ nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui của dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm.

Tâm chán bỏ thế giới Ta bà càng lớn thì ý nguyện mong cầu vãng sanh về Cực lạc càng mạnh. Người niệm Phật chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khỏi lao tù Ta bà hiện tại, nguyện thát sanh về thế giới Cực lạc trong ngày mai. Tâm nguyện tha thiết cầu sanh đó ngàn trâu kéo không lại. Chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, kẻ xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di đà sớ có câu “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”. Trên đây chúng tôi lược nêu ý nghĩa phát nguyện, là yếu tố thứ hai trong sự cầu sanh Tây phương.

Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng về vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu ích đã từng dạy: “Được vãng sanh cùng không đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”. Tín và nguyện đã có tức đã đầy đủ tư lương, nhưng muốn đạt mục đích hành giả cần phải thực hành các sự nghiệp phước đức trí tuệ, ấy là phải có hạnh. Đây là món tư lương thứ ba của người tu niệm Phật.

Ngoài việc tu tạo phước đức trí tue, và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh để cầu sanh, Hành giả cần phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ở đây là phát tâm thanh tịnh thường trì Phật hiệu. Theo tông chỉ của Tịnh độ thì pháp niệm Phật bao gồm bốn môn sau.

Một là Thật tướng niệm Phật, đó là nhập vào đệ nhất nghĩa đế niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể ấy xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai ấy, khiến tâm không vọng đọng không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất chân. Hai là Quán tưởng niệm Phật, hành giả quán tưởng chánh báo, y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, cho đến khi nhắm mắt hay mở mắt, cũng đều thấy cảnh giới Cực lạc rõ ràng.

Ba là Quán tượng niệm Phật, là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của đức Phật A di đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tượng, hình tướng nghiêm của Phật A di đà vẫn hiện ra trước mắt. Bốn là Trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn hay sáu chữ “ Nam mô A di đà Phật”. Hành giả niệm với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật lần hồi sẽ đi vào cảnh giới nhất tâm.

So với ba môn trước thì pháp Trì danh có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt trong mọi đường tắt, như trong Di đà sớ có câu: “Ví như chim hạt tung mình đâu bằng đại bàng cất cánh, ngựa ký ruỗi vó đâu bằng rồng chúa tung bay”

Do căn tánh của chúng sanh có sự sai biệt, nên pháp trì danh niệm Phật cũng được các bậc cổ đức chia thành nhiều cách khác nhau, như Phản văn trì danh, Sổ châu trì danh, Tùy tức trì danh, Truy đảnh trì danh, Giác chiếu trì danh, Lễ bái trì danh, Liên hoa trì danh, Quang trung trì danh, Quán Phật trì danh và Ký thập trì danh. Trong ấy có thể nói pháp Ký thập trì danh là pháp tu rất dễ thành tựu và dễ đưa hành giả đi đến cảnh giới nhất tâm.

Sanh tiền đại sư Aán quang thường khuyên các liên hữu áp dụng cách thức này, đó là cách niệm ký số, cứ lấy mười câu Phật hiệu làm một đơn vị, người hơi dài có thể niệm thành hai lượt một lượt năm câu; hoặc chia thành ba lượt, hai lượt đầu ba câu và lượt sau bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu đều lần qua một hạt chuỗi. Niệm theo lối này, tâm đã niệm Phật lại còn ghi nhớ số. Như thế dù không chuyên cũng bắt buộc phải chuyên, nếu không chuyên thì sẽ bị sai lạc số mục. Cho nên pháp này là một phương tiện cưỡng bức làm cho hành giả phải chuyên tâm, rất có công hiệu và đưa đến thành tựu cho người niệm Phật một cách nhiệm mầu.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho sự thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này theo đại sư Aán quang thì : “ Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần, cứ niệm xoay vần và nhiếp tâm liên tục hành giả sẽ tiến sâu vào chánh định”. Theo đại sư Liễu nhất “ Khi tâm chuyên nhất vào câu niệm Phật, quên hết cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc sức lực công thuần ngay nơi niệm trần mà vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”

Trên đây là những điểm chúng tôi trình bày sơ lược về ba yếu tố tín, nguyện, hạnh quan trọng của pháp môn Tịnh độ. Qua đó cho chúng ta thấy được pháp môn Tịnh độ có phần đơn giản dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Môn này quả thật là pháp môn siêu việt, là thuyền từ ra khỏi Ta Ba là cửa mầu để vào Phật đạo “ Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn”. Sự thành tựu nhiệm mầu ấy được các bậc cổ đức đánh giá : “Tu các pháp môn khác, chẳng khác nào con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.

Phải chăng, pháp môn Tịnh độ là pháp môn duy nhất trong thời Mạt pháp để cho chúng sanh y cứ tu tập, ngõ hầu thoát ly sanh tử luân hồi. Như trong kinh Đại tập nguyệt Tang Đức Phật có dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành hãn nhứt đắc đạo, duy y niệm Phật đắc độ sanh tử” (thời Mạt pháp ức ức kẻ tu hành song ít có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi ). Phải chăng đó là mật ý vi diệu, là tình thương bao la của bậc đại trí tuệ đối với chúng sanh căn cơ hèn kém, như trong kinh Vô lượng thọ đức Phật dạy: “Đương lai chi thế kinh đạo diệt tận, ngã dữ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện giai khả đắc độ” ( Trong đời tương lai khi kinh đạo diệt hết, ta dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm. Chúng sanh nào gặp kinh này, tùy theo sở nguyện đều có thể đắc độ)

Vì tính cách khế cơ ấy mà từ trước đến nay, không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó như rồng bay phượng múa ngọc chạm vàng khua mà trong “ Tịnh Độ thánh hiền lục” đã thuật lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát cả ba căn, trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát các bậc đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, nhẫn đến các loài súc sanh, như nhồng, sáo, uyên ương, se sẽ … cũng nhờ niệm danh hiệu Phật A di đà mà được thoát ly thân cầm thú vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ.

Trải qua bao thế hệ thăng trầm dòng thời gian biến đổi, tất cả mọi tông phái khác có nguy cơ bị hoại diệt hoặc trở thành một triết lý hổ tương. Riêng tông Tịnh độ với tính cách thiết thực đã đứng vững và phổ cập, trở thành một trong hai tông phái lớn của Phật giáo đại thừa, là Thiền tông và Tịnh độ tông. Đây có thể nói là hai tông phái bao trùm toàn bộ tinh hoa, đường lối tu tập của Phật giáo đại thừa.

Với sự tán dương và truyền thừa tông Tịnh độ, từ trước đến nay có biết bao vị cao tăng thạc đức, các bậc văn nhân chí sĩ … đã làm các sở giải, các luận văn, làm truyện, làm kệ, làm phú, làm thơ … để khen ngợi và cùng xiển dương tông phái này.

Ngoài ra các bậc cao đức chuyên tu tịnh nghiệp cầu sanh Tây phương cũng không sao xiết kể, như Bách trượng hoài hải với bản “Bách trượng thanh quy” làm quy củ cho Thiền tông cũng không ra ngoài ý nghĩa quy túc Tịnh độ. Các tổ bên Thiền tông như Vĩnh minh diên thọ, Thiên như duy tắc, Thiên thai hoài ngọc … bên Luật tông như các Ngài Nguyên chiếu, Hoài tố … bên Tam luận tông như các Ngài Cát tạng, Đạo lăng … bên Duy thức tông như các Ngài Khuy cơ, Hoài cảm … bên Mật tông như các Ngài Bất không, Hồ đồ khắc đồ … bên Hoa nghiêm tông như các ngài Đỗ thuận, Trừng quán … bên Pháp hoa tông như các ngài Trí giả, Quán đảnh… Các bậc cao tăng xướng lãnh các tông trên đây và vô số danh tăng khác cũng đều phát nguyện cầu sanh Cực lạc.

Tại nước Việt nam, tư tưởng Tịnh độ đã sớm hoà nhập và phát triễn mạnh mẽ. Trong thế kỷ XI có Ngài Tĩnh lực ( thuộc phái Vô ngôn thông ) là vị đã chứng Niệm Phật tam muội. Thảo đường quốc sư vị khai tổ giòng thiền thứ ba của Phật giáo Việt nam ( vào thế kỷ XIII ) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài Pháp ngữ thị chúng tuyệt vời. Tôn giả Pháp loa nhị tổ của thiền phái Trúc lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời đại gần đây có các bậc cao tăng như hoà thượng Tâm tịnh, hoà thượng Phước huệ, hoà thượng Khánh anh, hoà thượng Hải tràng, hoà thượng Trí thủ, hoà thượng Thiền tâm… các Ngài đã tự tu và truyền bá pháp môn này từ bắc chí nam, làm cho Phật pháp được bảo tồn và lan tràn cho đến ngày hôm nay.

Thiết nghĩ, trên bước đường tu tập người xuất gia lẫn tại gia ai cũng mong muốn đạt đến quả vị giải thoát, nhưng thành tựu sở nguyện ấy, là điều không phải dễ dàng, khi trong tự thân luôn tràn đầy những nghiệp lực chi phối, cộng thêm hoàn cảnh xã hội luôn có năng lực tác động con người đi vào trong quỹ đạo của dục vọng đê hèn. Chỉ một tập quán xấu nhỏ nhưng chúng ta diệt trừ nó không phải là đơn giản hoặc một chút điều lành nhưng thực hiện không phải là một sớm một chiều. Để rồi trong âm thầm, cuộc sống của chúng ta cứ trôi lăn trong vòng sanh tử, trong sự chỉ đạo của phiền não, tồn tại với bao ước vọng hão huyền. Rồi một mai khi tấm thân tứ đại này tan ra, biết hướng về đâu mà nương tựa.

Chi bằng, đặt trọn tấm lòng thành hướng về với Tam bảo, mỗi niệm mỗi niệm xả ly Ta bà, mỗi niệm mỗi niệm hướng về nơi Cực lạc. Quyết chí nương nhờ Phật lực phát nguyện cầu sanh Tây phương, đến khi thành tựu quả vị Bồ đề trở lại Ta bà tiếp độ chúng sanh. Có như vậy sự tu tập của chúng ta mới hợp với bản hoài thị hiện của đức Phật Thích ca, đúng với hạnh nguyện tiếp dẫn của đức Phật A di đà và không cô phụ tánh linh của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/03/2020(Xem: 5838)
Con người được sanh ra từ đâu là một nghi vấn vô cùng nan giải cho tất cả mọi giới và mãi cho đến thế kỷ 21 này vấn đề con người vẫn còn phức tạp chưa được ai minh chứng cụ thể. Có nhiều học thuyết đã lý giải vấn đề con người nhưng rất tiếc họ chưa có kinh nghiệm thông suốt chiều sâu cho nên vẫn còn nằm trong hý luận của lý luận mà chưa khả dĩ đem lại được một chút thỏa mãn nào của nghi vấn; còn đối với các Tôn Giáo phần đông quan niệm quá cổ điển thiển cận mê tín mà ở đây chúng ta không cần phải bàn đến.
06/03/2020(Xem: 5860)
Nhà khoa học cao tuổi nhất Úc, Giáo sư David Goodall, đã qua đời bình yên ở Thụy Sĩ theo đúng nguyện vọng của ông. Vị Giáo sư 104 tuổi là người Úc đầu tiên thực hiện việc chết tự nguyện bằng cách chích thuốc. Ông đã có một cuộc sống viên mãn, và cách ông chọn cái chết cho mình đã một lần nữa đưa câu chuyện đầy tranh cãi - chết tự nguyện - trở lại các mặt báo trên toàn thế giới.
04/03/2020(Xem: 38342)
Lễ Dâng Y Kathina & Cúng Dường Phẩm Vật chư Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India, Nhân Lễ tưởng niệm ngày đức Phật (thái tử Siddartha Gautam) xuất gia, được sự trợ duyên của chư Phật tử và quí thiện hữu hảo tâm, chúng tôi đã thực hiện một buổi Dâng Y Kathina và cúng dường phẩm vật đến chư Tăng thuộc 3 truyền thống Mật tông Kim cương thừa (金剛乘, vajrayāna), truyền thống chư Tăng Nguyên Thủy các nước Theravada và chư Tăng Ni truyền thống Đại Thừa (Mahayana) tại Bồ Đề Đạo Tràng.
23/01/2020(Xem: 7992)
Lịch Hoằng Pháp và các khóa tu của Th Tánh Tuệ 2020: Xin thông báo cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp và sinh hoạt tu học với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê trong tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10 11, 12- 2020 Tháng 3 ngày 8 2020 Lễ vía Bồ tát Quan Âm (19/2AL) Chùa Vạn Phước 7909 New Salem St Mira Mesa, San Diego, CA 92126 Liên lạc: (858)-201-8726 Do TT. Thích Huệ Phúc hướng dẫn Tháng 4 : Một tháng tiền An cư Kiết hạ Tháng 5- ngày 10-2020 Đại Lễ Phật Đản chùa Phật Bảo Chicago 1495 Prospect Ave Des Plaines, Illinois 60018 Phone (847) 827-4599 Tháng 5- ngày 15 & 16 -2020 Khóa tu một ngày & Đại Lễ Phật Đản Chùa Liên Hoa Minesota (6333 Hwy 14 E, Rochester, MN 55904) Tháng 5- ngày 23 thứ 7 -2020 Khóa tu một ngày tại Đạo tràng Kiều Đàm Di Fountain Valley 9057 La Crescenta Ave, Fountain Valley CA 92708. Liên lạc (714) 363-8029, (714) 697-9627.
17/12/2019(Xem: 6966)
Đầu tháng 11, Laurent Simons, 9 tuổi, hoàn thành chương trình Kỹ thuật điện tại Đại học Công nghệ Eindhoven và sẽ là người trẻ nhất thế giới tốt nghiệp đại học. Sinh năm 2010 tại thành phố Ostend, Bỉ, Laurent theo bố mẹ đến Hà Lan sinh sống. Cậu bé bắt đầu học trung học từ năm 6 tuổi và, trở thành thành viên một dự án nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Học thuật (thành phố Amsterdam, Hà Lan).
28/11/2019(Xem: 5022)
Đài Truyền Hình số 7 của Melbourne, Úc Châu vừa đưa tin buồn một phụ nữ người Anh sống ở Perth, Tây Úc đã tự kết liễu đời mình sau khi bạn trai qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Cô Alice Robinson, 26 tuổi và bạn trai Jason Francis, 29 tuổi, đến Perth sống và làm việc vào năm 2018 từ Shropshire, UK và 2 bạn đang chuẩn bị kết hôn thì bi kịch xảy ra. Vào ngày 22 tháng 12 năm ngoái, Francis, một cầu thủ bóng đá bán chuyên nghiệp, đang đi bộ về nhà sau một ngày đi chơi với bạn bè từ câu lạc bộ bóng bầu dục của mình thì anh ta bị một tài xế giao hàng Dominos Pizza đụng phải. Trước đó anh đã gởi cho bạn gái một tin nhắn nói rằng mình sẽ về nhà "trong vài phút nữa", trước khi anh ta bị tai nạn. Một cuộc điều tra cho biết người bạn Alice quá đau lòng và quẫn trí khi chạy vào bệnh viện nhận xác bạn trai. Bác sĩ, y tá khuyên cô ra ngoài hít thở không khí một lát rồi vào lại, nhưng cô gái đã lặng lẽ bước đi nhưng người vô hồn, vì quá đau đớn, sau đó cô lái xe đi và nhắn tin vào số phone củ
26/11/2019(Xem: 8054)
Giáo dục, phạm vi rộng, có nghĩa truyền thừa kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng quát… Mỗi chuyên ngành có những đặc tính cần truyền thụ cho lớp kế thừa, đó là giáo dục chuyên môn. Trong nhà Phật, việc giáo dục chú hướng vào nhận thức bản thể, hiểu biết về thân tâm, nắm rõ luật nhân quả, cải tạo nhân cách và làm chủ cảm xúc,làm chủ tâm hành, có nghĩa hành giả cần làm chủ sanh tử trong cõi tử sanh.
29/06/2019(Xem: 6910)
"Nhân sinh": đời người, cuộc sống con người "Quan": cái nhìn, quan niệm "Nhân sinh Quan" nghĩa là "cái nhìn" hay "quan niệm" về đời sống của con người. A) Con người từ đâu mà có? Phật giáo giải đáp câu hỏi ngàn đời nầy bằng giáo thuyếtThập nhị Nhân duyên, tức là chuỗi 12 nhân duyên dây chuyền sau đây: 1) Vô minh: Do một niệm bất giác mà phát sinh mê lầm, chấp ngã chấp pháp, do đó mà khởi ra Phiền não - nên cũng gọi là Hoặc. Chúng ta không thể tìm ra điểm khởi đầu của sự Vô minhđã khởi đầu cho sự hiện hữu của chúng sinh và vạn vật, hữu tình cũng như vô tình.
15/06/2019(Xem: 5737)
Đức Phật dạy rõ có nhân quả luân hồi nghiệp báo, thế nhưng có không ít kẻ vô minh không tin về điều nầy nên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi tưởng chừng như có lý. Ví dụ như họ hỏi rằng: Hỏi: Nếu quả thực ai đó có phước chết rồi sanh lên cõi trời, tại sao họ không hiện về báo tin mừng cho thân nhân biết để thân nhân họ vui mừng?
09/05/2019(Xem: 6190)
Tỷ phú Đan Mạch đau buồn tiễn đưa 3 con thiệt mạng vì vụ đánh bom ở Sri Lanka, Ngày 4/5 (giờ địa phương), ông Povlsen đã cùng gia đình tiễn biệt 3 người con Alfred, Alma và Agnes, những nạn nhân vô tội đã qua đời vì chuỗi đánh bom liên hoàn diễn ra ngày 21/4, vốn khiến 253 người chết tại Sri Lanka.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567