Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Tổ chức việc trợ niệm

07/05/201317:58(Xem: 2932)
IV. Tổ chức việc trợ niệm

Bộ Phim: Trợ Niệm Và Chuẩn Bị Khi Lâm Chung

IV. Tổ Chức Việc Trợ Niệm

Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi biên soạn

Nguồn:Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi biên soạn


IV. 1. Mục Đích Và Ý Nghĩa Của Việc Trợ Niệm 



Người Phật tử nên biết, trợ niệm là công việc giúp người sắp lâm chung khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sanh đó thành Phật. Ông bà chúng ta thường nói :

“Dù xây chín bậc phù đồ.

Không bằng làm phước cứu cho một người”

Cho nên công việc trợ niệm vô cùng quan trọng. Đây là việc thay chư Phật, chư Tổ cứu độ chúng sanh. Vì thế việc này đòi hỏi người trợ niệm phải có tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có lòng hy sinh để cứu giúp tất cả chúng sanh vãng sanh về cõi Phật, thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Chúng ta nên biết, giúp một chúng sanh sanh về cõi Phật, tức là giúp chúng sanh đó thành một vị Phật tương lai. Công đức này thật vô lượng vô biên. Người Phật tử lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, làm biết bao việc phước thiện, đến khi lâm chung chỉ cần chủng tử Phật trong họ hiện hành, thì không gì hơn câu A-DI-ĐÀ PHẬT. Chỉ có câu Phật hiệu A-DI-ĐÀ PHẬT mới cứu họ khỏi bị đọa lạc mà thôi.

IV. 2. Những yêu cầu đối với ban Trợ niệm



1. Người tham gia ban trợ niệm phải là người Phật tử thuần thành, có tâm hết mình vì đạo, tin sâu Phật pháp. Khi tham gia vào ban Trợ niệm, các thành viên phải bầu ra người trưởng ban. Tốt nhất là người xuất gia, nhưng phải là một vị Tăng đầy đủ đạo hạnh, tinh nghiêm giới luật. nếu không có thì cư sĩ Phật tử đứng ra đảm trách, mà phải là người có tâm chân thành, có năng khiếu khai thị, hiểu Phật pháp, có kinh nghiệm trợ niệm, rành tâm lý. Người này có trách nhiệm nắm danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng thành viên để khi hữu sự, dễ bề liên lạc, cùng nhau tham gia trợ niệm.

2. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm, phải có tinh thần đoàn kết và nghe theo lời chỉ dẫn của trưởng ban, cùng nhau làm việc.

3. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm phải nghiêm chỉnh tuân thủ thời gian, không được đi trễ.

4. Trước khi đi trợ niệm, ban Trợ niệm nên chuẩn bị những điều cần thiết: tượng Phật A-di-đà, máy niệm Phật, tờ thông báo của ban Trợ niệm (tờ lớn, chữ lớn), nước uống.

5. Khi đến nhà gia chủ làm công việc trợ niệm, các thành viên làm thế nào tránh những việc gây phiền hà cho gia chủ, như ăn uống, quà cáp…, tuyệt đối không được nhận bất kỳ tiền bạc, lễ vật gì của gia chủ. Nếu người nào nhận tiền bạc quà cáp, hoặc đòi hỏi việc ăn uống của gia chủ, thì trợ niệm trở thành việc kinh doanh mua bán, tổn giảm công năng tác dụng của việc niệm Phật. Như thế công việc trợ niệm coi như mất hết ý nghĩa cao cả, các thành viên không được công đức về lâu về dài.

6. Người tham gia trợ niệm phải ăn chay, không được ăn thịt uống rượu các thứ ngũ tân, hành, hẹ, tỏi…vì người dùng những thứ này, các vị hộ pháp thiện thần sẽ tránh xa.

7. Việc khai thị cho người bệnh chỉ dành cho trưởng ban, các vị pháp sư, tổ trưởng, nhóm trưởng có kinh nghiệm. Các thành viên khác chưa được giao trách nhiệm này, thì không được khai thị cho bệnh nhân.

8. Khi khai thị cho bệnh nhân, phải nói rõ ràng, ngắn gọn, vui vẻ, khiến bệnh nhân tin tưởng, an tâm. Giúp bệnh nhân phát nguyện vãng sanh, lời lẽ phát nguyện nên ngắn gọn, không được dài dòng hoặc nghi thức quá.


IV.3. Những điều cần chú ý trước khi trợ niệm



1. Khi đến nhà gia chủ, người trưởng ban phải gặp chủ nhà sinh hoạt trước, cho gia đình biết qui tắc trợ niệm. Ngoài ra, trưởng ban cũng tìm hiểu về tâm nguyện của gia đình, xem có khúc mắc gì không. Nếu trong gia đình có người đồng ý, có người không đồng ý, thì trưởng ban phải khéo léo dùng những lời khuyên giải cho họ hiểu, giải tỏa những nghi vấn trong gia đình, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc bất hòa giữa anh em, cha mẹ, người thân, giúp cho mọi người trong gia đình cùng hoan hỷ, vui vẻ với nhau để hiệp tâm trợ niệm cho người bệnh ra đi một cách êm đẹp.

2. Khi đắp mền cho bệnh nhân, cần hai người cầm hai đầu mền nhẹ nhàng kéo lên khỏi ngực, chí thành niệm chú vãng sanh 3 lần, rồi nhất tâm niệm Phật.

3. Người trưởng ban phải khéo léo tiếp xúc với bệnh nhân bằng những cử chỉ thân mật, chân thành, vui vẻ, tự tin, lạc quan; lắng nghe những khó khăn, những nghi ngờ của họ; khéo léo giải thích an ủi giúp cho họ phát sanh lòng tin; nói về cảnh khổ ở thế gian và cảnh vui cõi Phật; khuyên họ buông bỏ tất cả mọi thứ, chỉ nhất tâm niệm Phật. Trưởng ban có thể làm cho bệnh nhân vui vẻ, tự tin hơn bằng cách đem các việc lành và công phu tu tập của bệnh nhân ra tán thán khen ngợi, khiến cho bệnh nhân sanh tâm vui mừng, không còn nghi ngại; làm sao cho họ tin rằng khi lâm chung nhất định được về cõi Phật.

4. Một điều không kém phần quan trọng là người trưởng ban khuyên bệnh nhân có việc gì cần giao lại cho con cháu, người thân, thì nên làm ngay; hoặc khuyên bệnh nhân nên bố thí những vật sở hữu của mình để tăng thêm phước lành, giúp thuận lợi hơn cho việc vãng sanh. Sau khi người bệnh bàn giao rồi, ta khuyên họ cần phải buông bỏ hết mọi thứ, chỉ giữ một ý niệm nhất tâm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

5. Ban Trợ niệm nên đặt tượng Phật A-di-đà trước giường bệnh nhân, sao cho bệnh nhân dễ nhìn thấy được. Nếu nhà chật hẹp, hoặc không sạch sẽ, không thể treo được, thì ta có thể thỉnh tượng Phật đến trước mặt bệnh nhân mỗi ngày hai đến ba lần để hình ảnh Phật đi vào tâm thức họ. Không cần treo hình cố định trên tường hay đặt trên bàn.

6. Không nên đốt nhang quá nhiều sẽ làm khói xông nồng, ảnh hưởng đến việc hô hấp của bệnh nhân.

7. Sau khi an trí tượng Phật xong, trưởng ban sắp xếp cho các thành viên ngồi hoặc đứng cho ổn định. Việc này giúp bệnh nhân an tâm, không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào, lộn xộn của ban Trợ niệm mà mất chánh niệm.

8. Kiểm tra xem tờ thông báo, tờ hồi hướng đã dán xong chưa, không khí trong phòng có thoáng mát không. Nếu trời nóng, có thể mở quạt máy, nhưng không được thổi thẳng vào người bệnh (hoặc người đã vãng sanh).

9. Khi đến trợ niệm, thấy bệnh nhân nguy cấp thì không cần thiết lập bàn thờ, phải lập tức đến trước bệnh nhân niệm câu Phật hiệu.

IV.4. Những yêu cầu đối với gia đình người bệnh



1. Con cháu người thân cần bàn thảo việc gì, thì nên đi tránh ra một nơi khác, không để người bệnh nghe thấy.

2. Gia đình phải quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng phòng ngủ, giường nằm của bệnh nhân. Bốn chân giường phải kê bốn chén nước, hoặc rải bột tro dưới đất, tránh côn trùng giun, kiến.. bò lên làm bệnh nhân khó chịu, gây chướng ngại cho sự vãng sanh.

3. Nếu trong nhà có nuôi súc vật như chó, mèo v.v… thì nên nhốt chúng lại, hoặc canh chừng cẩn thận, không để chúng đến gần người bệnh.

4. Khi vào phòng, mọi người nên tránh đụng chạm, gây ra tiếng động ồn ào, ảnh hưởng đến bệnh nhân.

5. Mọi người cố gắng tránh mọi sự bất tiện cho người hộ niệm, hạn chế đi ra đi vào gây những tiếng động không cần thiết.

6. Trong lúc niệm Phật, yêu cầu mọi người giữ gìn yên lặng; tuyệt đối không cho người nhà bệnh nhân tỏ ra buồn thảm hoặc hỏi han quyến luyến. Ta yêu cầu họ nên chắp tay cùng nhau niệm Phật. Nếu kém hiểu biết, theo tình cảm của người thế tục, ta sẽ vô tình xô bệnh nhân xuống hố sâu vực thẳm, sự tai hại sẽ thật đáng tiếc.

7. Trong khi niệm Phật, gia đình không được đốt giấy tiền vàng bạc, tránh sự ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc niệm Phật.

8. Gia đình đã mời ban Trợ niệm thì không được mời các thầy bùa, phù thủy ngoại đạo khác để tránh gây tạp loạn, ảnh hưởng đến chánh niệm của người hấp hối và làm mất sự tập trung của ban Trợ niệm.

9. Gia đình không được đụng chạm vào thân thể người bệnh vì dễ làm họ bị mất chánh niệm.

10. Thân nhân tuyệt đối không được khóc lóc kể lể, la hét trong thời gian trợ niệm. Nếu cầm lòng không được thì đi tránh nơi khác.

11. Người thân cũng không nên hỏi thăm bệnh nhân bị nóng hay lạnh và những chuyện linh tinh khác, vì như vậy sẽ làm trở ngại đến việc niệm Phật của bệnh nhân.

12. Trong khi mọi người đang trợ niệm, gia đình cố gắng không gây ra các tạp âm, hoặc các tiếng động lớn (ho, hắt hơi…) làm bệnh nhân giật mình, thì khó thành tựu được.

13. Nếu có điều trở ngại trong lúc trợ niệm, gia đình nên trực tiếp gặp trưởng ban Trợ niệm để bàn bạc.

IV.5. Cách thức trợ niệm



1. Khi bước vào trợ niệm, các thành viên nên xem người bệnh mình đang trợ niệm đó là người thân thuộc của mình. Có thể đời này hoặc nhiều đời khác, ta và họ là thân quyến của nhau. Nghĩ được như thế, ta sẽ thực hành niệm Phật tha thiết hơn, chân thành hơn giống như chính mình muốn được vãng sanh để làm lợi ích cho bệnh nhân.

2. Khi trợ niệm không nhất thiết phải mặc áo lễ, nếu mặc được thì tốt, còn không thì cũng không sao. Khi niệm, không phan duyên.

3. Mọi người phải ngồi cách xa người bệnh khoảng 2 thước, chú tâm niệm Phật; không được đi kinh hành.

4.Khi ở trước bệnh nhân, ta không hỏi, không nói những chuyện linh tinh, chỉ nên có câu niệm Phật mà thôi.

5. Khi đang trợ niệm, muốn uống nước, xin hãy ra ngoài để không làm phân tâm người khác và cũng là thái độ cung kính người vãng sanh.

6. Khi người bệnh muốn thay đồ tắm rửa hay đổi thế nằm, ta có thể thuận theo, nhưng phải nhẹ nhàng cẩn thận. Nếu họ không chịu hoặc bị á khẩu không nói được, thì ta không nên tự ý làm, vì người sắp chết thân thể đau nhức, nếu ép họ di chuyển, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay quần áo, thì vô tình ta làm cho họ càng thêm đau đớn. Có nhiều người cả đời tu hành ăn chay niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, nhưng khi lâm chung bị người thân làm những việc nhiễu loạn như trên, phá hoại chánh niệm, khiến họ không được vãng sanh. Việc này rất thường xảy ra. Lẽ ra người đó được vãng sanh về cõi lành, nhưng do gia đình người thân không biết, xúc chạm thân thể, dời đổi, di chuyển, tắm rửa, làm cho họ đau đớn, sanh lòng giận tức. Vừa khi sanh lòng sân hận, lập tức họ bị đọa vào đường ác. Vì thế, khi đang trợ niệm, mọi việc tắm rửa di chuyển người bệnh coi như bị ngăn cấm.

7. Người trợ niệm chỉ niệm câu NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT hoặc A-DI-ĐÀ PHẬT, không tụng bất cứ loại kinh điển nào khác. Trưởng ban nên hỏi qua ý bệnh nhân xem thích niệm sáu chữ hay bốn chữ, mà tùy thuận niệm theo.

8. Khi niệm, ta có thể dùng khánh hoặc mõ nhỏ để hỗ trợ thêm. Khi đánh mõ hoặc khánh, phải đánh nhẹ nhàng, thanh thoát. Không được đánh quá lớn, át tiếng niệm Phật, cũng không được đánh quá nhanh. Nếu người bệnh thần kinh yếu thì ta không được dùng khánh, chỉ dùng mõ nhỏ đánh mà thôi. Tuy nhiên, cũng tùy trường hợp, nếu bệnh nhân không ưa tiếng mõ, tiếng khánh, thì ban Trợ niệm không cần pháp khí.

9. Khi bệnh nhân sắp tắt hơi, ban Trợ niệm chỉ nhất mực phát tâm niệm Phật, cho dù có mùi hôi thối. Người Phật tử nên biết, trợ niệm là đảm nhiệm công việc cao cả của Như Lai để cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Chẳng lẽ, chỉ vì mùi hôi thối mà bỏ đi trách nhiệm quan trọng này sao? Lúc con người chưa bệnh, đã bệnh cho đến khi lâm chung, xác thân nào cũng không tránh khỏi ô uế. Hơn nữa, không thay rửa đồ ô uế của bệnh nhân là việc bất đắc dĩ, không có tội lỗi gì cả. Hiểu được như thế, thì tâm chúng ta không còn nghĩ đến mùi hôi thối nữa, chỉ một lòng giúp cho bệnh nhân giữ chánh niệm khi sắp tắt hơi mà thôi. Mọi người cố gắng sao không vì những việc nhỏ mà làm hỏng đại sự vãng sanh. Giúp cho một chúng sanh về cõi Phật thì công đức vô lượng vô biên. Còn vô tâm làm cho người bệnh mất chánh niệm, phải đoạ vào địa ngục, thì tội đó chẳng phải nhỏ. Vì thế, mọi người trong gia đình và ban Trợ niệm phải nỗ lực hết mình. Để giảm bớt mùi hôi, ta có thể đốt nhang trầm hoặc để nước đá lạnh. Tuy nhiên, đừng để nước đá quá gần thân xác người vãng sanh.

10. Nên tùy theo sức của bệnh nhân mà người trợ niệm có thể niệm giọng cao thấp, nhanh chậm. Nếu niệm lớn quá sẽ tổn khí, người trợ niệm khó có thể trì niệm được lâu. Nếu niệm giọng thấp quá thì bệnh nhân không thể nghe được. Người bệnh lúc lâm chung, không còn khí lực, hơi thở yếu, không thể niệm to, khỏe như lúc bình thường đuợc. Vì thế, người trợ niệm phải theo sức của bệnh nhân. Quan trọng là khi niệm, mỗi câu mỗi chữ phải rõ ràng phân minh, khiến cho câu Phật hiệu đi vào tai, thấm vào tâm thức người bệnh. Được vậy, họ mới có sự lợi ích.

11. Khi niệm, ban Trợ niệm nên chia thành nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Mỗi nhóm thay nhau niệm từ 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu không chia nhóm, người trợ niệm khi niệm lâu, không đủ sức, niệm yếu dần, không toàn tâm toàn lực được. Đến khi ăn uống, các thành viên cũng nên chia nhau thay phiên, không được để ngưng tiếng niệm Phật.

12. Nếu số người trợ niệm ít, thì bất đắc dĩ chúng ta có thể dùng máy niệm Phật hỗ trợ thêm cho bệnh nhân đề khởi chánh niệm. Tuy nhiên, không được dùng máy thay cho việc trợ niệm. Tốt nhất là được đại chúng niệm Phật trợ giúp, vì người niệm Phật có sự cảm ứng thì người hấp hối được lợi ích, khuôn mặt sẽ rất hiền hòa, an nhiên.

13. Phải tùy thuận theo người bệnh lúc lâm chung, thân thể họ có thể ngồi, nằm, nằm nghiêng, nằm thẳng, ta không được cưỡng ép.

IV.6. Những việc có thể xảy ra khi trợ niệm



Bệnh nhân khi hấp hối, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau. Người trợ niệm phải hiểu rõ đạo lý và phương pháp trợ niệm thì người bệnh mới được lợi lạc. Lưu ý, khi trợ niệm sẽ xảy ra một số trường hợp như sau:

1. Nếu thần thức bệnh nhân còn tỉnh táo, người trưởng ban trợ niệm khuyên họ nên buông bỏ vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, có thể niệm trong tâm hoặc lắng tai nghe.

2. Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu như sau: “Chúng tôi đến hướng dẫn ông/bà niệm Phật. Nếu thọ mạng chưa dứt, thì nhờ niệm Phật mà được hết bệnh. Nếu thọ mạng hết, thì ông/bà có thể thong dong đi về cõi Phật”. Ta giải thích vắn tắt như vậy để họ giữ chánh niệm.

3. Có bệnh nhân do nghiệp chướng nặng nề, khi nghe tiếng niệm Phật thì tâm lại khó chịu không muốn nghe. Có người thấy người thân của mình như cha mẹ, ông bà, anh em... trong dòng họ đã chết, giờ hiện đến rủ đi; hoặc thấy oan hồn, quỷ sứ đến đòi mạng… Hoặc bệnh nhân khi còn sống không tin vào Phật Pháp Tăng, khi lâm chung la hét lo sợ vì thấy các hiện tượng kinh hoàng hiện đến. Đây là những oan gia trái chủ của bệnh nhân xuất hiện, làm trở ngại sự vãng sanh. Lúc này vị trưởng ban nghi lễ phải khẩn thiết đối trước hình Phật, khai thị cho oan gia trái chủ của người bệnh.

4. Khi thấy những tình trạng như vậy xảy ra, ngay lập tức gia đình phải đến bàn thờ Phật quỳ lạy sám hối cho người bệnh, giúp cho họ nghiệp chướng được tiêu trừ vãng sanh về cõi Phật. Gia đình có thể phát nguyện trì tụng kinh Địa tạng vào lúc này là tốt nhất.

5. Khi trợ niệm, thấy bệnh nhân dần dần đi vào hôn trầm, giống như đang ngủ, người trợ niệm có thể dùng khánh để kế bên tai của bệnh nhân gõ lên một tiếng hoặc nhiều tiếng, nhắc bệnh nhân tỉnh giác niệm Phật. Người trưởng ban có thể nói như sau: “Ông/bà hãy mau niện Phật. Khi Phật A-di-đà đến, mau mau theo Ngài mà đi!”,rồi cất tiếng niệm Phật cao hơn khiến tâm của bệnh nhân không còn hôn mê. Ngoài ra người thân quyến liên tục sám hối, lạy Phật, quán tưởng Phật A-di-đà đến phóng quang tiếp độ cho người thân mình vãng sanh về cõi Phật.

6. Đang khi trợ niệm, bệnh nhân xuất mồ hôi, hoặc tỏ vẻ lo lắng, đầu tay chân cử động không yên. Đây là hiện tượng của bệnh khổ, sức tập trung của bệnh nhân rất yếu, không tự chủ được nữa. Lúc này người hộ niệm nên đến gần bệnh nhân, lớn tiếng nhắc nhở rằng: “Ông/bà.. Tây phương thế giới đang ở phía trước mặt ông/bà đó. Hãy cố gắng tập trung vào câu phật hiệu A-di-đà Phật, thì nhất định sẽ được về cõi Phật!”. Người hộ niệm nói ba lần như vậy, sau đó tiếp tục niệm Phật.

7. Có khi đang trợ niệm, bệnh nhân trở nên tỉnh táo hơn trước, có thể nói chuyện, hoặc than thở hoặc cử động thân thể. Trước tình huống như thế, người trợ niệm nên biết không phải hiện tượng lành bệnh, mà khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bệnh nhân sẽ tắt thở, giống như ngọn đèn dầu loé lên một tia sáng rồi vụt tắt.

8. Thời gian bệnh nhân sắp tắt thở là giai đoạn tối quan trọng và khẩn cấp nhất. Lúc này tuyệt đối người nhà không nên tập trung trước mặt bênh nhân, la lên “ba, ơi, má ơi” làm hỏng hết mọi việc, toàn bộ gia đình chỉ nên nhất tâm niệm Phật cùng với ban Trợ niệm.

9. Có người lúc sinh tiền không tin Phật pháp, lại còn chê bai hủy báng, làm chướng ngại người khác tu hành, khi họ lâm chung, xuất hiện tướng rất xấu. Vị trưởng ban phải biết và ngay lúc này khai thị cho họ hướng tâm quy y Tam bảo.

10. Có những người lúc khỏe mạnh, có đi chùa, niệm Phật tụng kinh, nhưng cốt yếu là cầu cho mình có sức khoẻ, gia đình được giàu sang, nên khi bệnh, họ rất sợ chết. Khi ấy, họ niệm Phật mục đích là cầu cho hết bệnh chứ không phải là cầu vãng sanh, nên đây cũng là chướng ngại. Vì vậy, người phụ trách trợ niệm phải biết mà khai thị cho họ.

11. Sau khi người bệnh tắt thở, trong vòng 8 tiếng đồng hồ, ban Trợ niệm không được ngưng tiếng niệm Phật, vì khi ấy, linh hồn (còn gọi là thần thức) người chết vẫn chưa đi, vì nghiệp lực khiến họ vẫn còn ở trong thân xác, chưa ra khỏi được, chỉ trừ những người công phu tu tập tốt, hoặc người nghiệp lực nặng thì đi ngay. Đối với người không công phu tu tập, thì tâm thức ra khỏi thân xác không nổi, phải chịu nhiều khó khăn và đau đớn giống như rùa sống bị lột mai. Do đó, ta cần phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới tránh sự nguy hiểm phải đọa lạc cho người chết.

Người trưởng ban dặn người nhà của bệnh nhân trong vòng 12 tiếng đồng hồ phải luân phiên niệm Phật; không được động chạm đến thân xác, không được thay quần áo, hoặc rờ vào người chết và canh giữ xác cho kỹ, kẻo loài mèo chó hoặc những kẻ không am hiểu đổ xô vào xúc chạm, kêu réo, khiến người chết đau đớn, sanh tâm sân hận, vì thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

12. Người nhà phải chờ sau thời gian hộ niệm (8 tiếng hoặc 12 tiếng) mới có thể đụng vào thân xác người chết. Nếu xác bị cứng thì ta có thể dùng nước nóng đắp lên là được.

Công việc trợ niệm đến đây là xong, ban Trợ niệm tụng bài hồi hướng, đảnh lễ lui ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2011(Xem: 3834)
Cổ thi nói: "Ta thấy người khác chết. Trong lòng nóng xót xa! Chẳng phải xót kẻ mất. Vì sẽ đến phiên ta!" Giữa đời, việc buồn thảm lớn lao không chi hơn tử biệt. Nhưng sự chết, người đời lại chẳng ai tránh khỏi. Cho nên những kẻ có lòng muốn lợi mình lợi người, không thể không sớm dự bị lo toan. Thật ra, chữ chết nguyên là giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyền giữa mỗi đời, khi xả thân này, lại thọ thân khác mà thôi. Kẻ không biết Phật pháp vẫn đành để cho tùy nghiệp xoay vần. Người đã nghe pháp môn Tịnh Độ của Như Lai, phải tín nguyện niệm Phật dự bị tư lương, để khi lâm chung được vãng sanh an thuận.
13/07/2011(Xem: 4809)
Người tu Tịnh Độ, khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ tưởng nghĩ rằng: uống thuốc rồi sẽ lành bịnh. Lúc bịnh đã nặng, có thể không cần dùng thuốc. Hoằng Nhứt đại sư khi đau nặng, có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng...
13/07/2011(Xem: 3405)
Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “ sanh ký tử quy, nghĩa là ; Sống gởi trần gian, chết lại về”. Vậy khi chết chúng ta đi về đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, chỉ có bậc Đại giác ngộ mới thấy rõ con đường đi này và chỉ dạy cho chúng ta biết mà thôi. Đó là sáu con đường mà chúng sanh qua lại mãi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi Trời, Người, A-tu-la, còn gọi là sáu nẻo luân hồi. Khi con người còn sống, gây tạo nhân gì thì kết quả sẽ theo họ như thế ấy. Kết quả đó là động cơ thúc đẩy con người sau khi chết, đi vào các cảnh giới tương ưng trong sáu đường .
13/07/2011(Xem: 4075)
“Trợ giúp thành tựu cho một chúng sanh được vãng sanh, tức là thành tựu cho một chúng sanh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”. Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sanh. Người hộ niệm cần phải biết rõ phương pháp cũng như đạo lý về vãng sanh thì mới đem lại lợi ích cho người được hộ niệm. Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sanh, không có hộ niệm, giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo.
09/07/2011(Xem: 6556)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
01/07/2011(Xem: 8756)
Số đông quần chúng cần một thời gian dài mới quen thuộc với ý niệm về tái sinh. Tôi cũng đã trải qua nhiều giai đoạn trong tiến trình đưa đến sự xác tín vào tái sinh.
24/06/2011(Xem: 4524)
Đó là câu hỏi của một hãng Thông tấn ở phương Tây đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến với đông đảo người dân ở nước Anh. Câu hỏi với tình huống giả định là một thiên thạch sắp đâm vào trái đất và bạn chỉ còn 60 phút nữa sống trên cõi đời, bạn sẽ làm gì trong 60 phút ngắn ngủi ấy…
19/06/2011(Xem: 8338)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
11/06/2011(Xem: 4316)
Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn. Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:
06/05/2011(Xem: 9233)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567