Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15- Tiến trình chết

07/05/201316:59(Xem: 3852)
15- Tiến trình chết

Tạng Thư Sống Chết - The Tibetan Book Of Living And Dying

15- Tiến Trình Chết

Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch

Nguồn:Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch


Padmasambhava nói :

Con người đối mặt với hai thứ chết : chết phi thời và chết do chấm sứt thọ mạng. Chết phi thời có thể tránh nhờ những phương pháp để kéo dài thọ mạng. Tuy nhiên, khi nguyên nhân cái chết là thọ mạng tận, thì bạn như một cây đèn đã hết dầu. Không thể nào tránh cái chết bằng cách lừa bịp nó, bạn phải sẵn sàng ra đi.

Bây giờ ta hãy nhìn vào hai nguyên nhân sự chết : thọ mạng hết và một chướng ngại hay tai nạn đưa đời ta đến một kết thúc phi thời.


Thọ mạng tận



Do nghiệp lực, chúng ta mỗi người đều có một thọ mạng, và khi nó chấm dứt, thì thực vô cùng khó mà kéo dài đời sống. Tuy vậy, một người đã kiện toàn thực tập yoga có thể vượt cả giới hạn ấy, và thực sự kéo dài dược thọ mạng. Có truyền thống là, đôi khi những bậc thầy được bổn sư họ báo cho biết họ sẽ sống bao lâu. Nhưng họ cũng biết rằng nhờ năng lực tu luyện, nhờ sự thuần tịnh của mối liên hệ giữa họ với đệ tử họ nhờ công đức, họ có thể kéo dài thọ mạng. Thầy tôi tiên đoán Dilgo Rinpoche sẽ sống đến tuổi 80, nhưng nếu xa hơn là nhờ tu tập. Dilgo Rinpoche đã sống tới 82 tuổi. Dudjom Rinpoche được thầy bảo cho biết sẽ thọ 73 tuổi, nhưng ngài đã sống đến tuổi 82.


Chết phi thời



Người ta bảo, nếu do trở ngại nào đó mà ta có thể chết bất đắc kỳ, thì cái chết ấy có thể dễ dàng tránh được, miễn là ta biết trước. Trong giáo lý về Trung Ấm và y học Tây Tạng, chúng ta có thể tìm thấy những mô tả về những dấu hiệu báo trước cái chết, có dấu hiệu báo trước hàng năm, hoặc tháng, có khi tuần hay ngày. Những điềm báo này gồm những dấu hiệu vật lý, vài loại chiêm bao đặc biệt, và những điều tra đặc biệt xử dụng hình ảnh cái bóng. (CT. – Quan sát cái bóng của mình trên nền trời vào lúc bình minh hay trăng sơ tuần). Rủi thay chỉ một ít người có khả năng chuyên môn mới có thể đoán giải những dấu hiệu này. Mục đích là để báo cho một người biết mạng sống của họ lâm nguy, và báo động cho họ nên dùng các pháp môn để kéo dài thọ mạng, trước khi những chướng ngại ấy xảy đến.

Bất cứ pháp tu nào ta làm, cũng có thể giúp kéo dài thọ mạng và đem lại sức khỏe. Một hành giả thiện xảo nhờ năng lực công phu của mình, thường cảm thấy lành mạnh về tâm lý, cảm xúc và tâm linh, và đấy là nguồn suối lớn nhất để chữa trị và sự che chở lớn nhất chống lại bệnh tật.

Cũng có những pháp tu đặc biệt kéo dài thọ mạng, dùng năng lực thiền định và quán tưởng để hô triệu sinh lực từ tứ đại và vũ trụ. Khi nghị lực chúng ta suy yếu và thiếu quân bình, pháp môn này cũng làm tăng cường và điều hòa lại cơ thể, và cũng kéo dài thọ mạng ta. Cũng có nhiều pháp để tăng cường mạng sống.

Một pháp môn là phóng sanh những con vật sắp bị giết. Pháp này rất phổ thông ở Tây Tạng và vùng Hy Mã Lạp Sơn, ở đấy người ta thường mua cá để thả. Việc này căn cứ trên luật nhân quả nghiệp báo tự nhiên là : giết hại mạng sống của kẻ khác thì rút ngắn mạng sống của chính mình, và phóng sinh thì sẽ kéo dài thọ mạng.


Trung gian đau đớn của sự chết



Trung Ấm này kéo dài từ khi ta mắc một bệnh nan y thời cuối cùng, hoặc một tình huống sẽ chấm dứt bằng cái chết, đến lúc hơi thở bên trong chấm dứt. Nó được gọi là “đau đớn” vì nếu ta không chuẩn bị, thì nó có thể thành một kinh nghiệm vô cùng đau khổ.

Ngay cả đối với một hành giả, toàn thể tiến trình chết cũng vẫn đau khổ, vì mất cái thân xác ở đời có thể là một kinh nghiệm rất gay go. Nhưng nếu chúng ta đã được chỉ dẫn về ý nghĩa sự chết, ta sẽ biết có một niềm hy vọng lớn lao như thế nào khi Ánh sáng Căn bản ló dạng vào lúc chết. Tuy nhiên, vẫn còn một điều bất trắc là không biết ta có nhận ra được ánh sáng ấy hay không. Vì vậy, thực quan trọng để ổn định nhận thức về tự tánh tâm nhờ thực tập thiền trong lúc ta còn sống.

Nhưng nhiều người trong chúng ta không có cái may mắn gặp được nền giáo lý này, và ta không có một khái niệm nào về ý nghĩa thực thụ của sự chết. Khi chúng ta thình lình nhận ra rằng toàn thể cuộc đời ta, toàn thể thực tại của ta, đang biến mất, thì điều ấy thực kinh khủng : Chúng ta không biết ta sẽ ra sao, sẽ đi về đâu. Không có một thứ gì trong kinh nghiệm trước đấy của ta đã chuẩn bị cho ta đón nhận cái chết. Như bất cứ ai đã từng săn sóc người hấp hối đều biết, sự lo sợ của ta chỉ tổ tăng thêm nỗi đau thể xác. Nếu chúng ta đã không lo cho đời sống của ta, hay ta đã có hành động xấu xa tác hại, tiêu cực, thì lúc đó ta sẽ cảm thấy hối hận, phạm tội, sợ hãi. Bởi thế, nhờ có chút quen thuộc với giáo lý này về các cõi Trung Ấm mà ta sẽ được an tâm phần nào, được cảm hứng và hy vọng, cho dù ta chưa từng tu tập hay thực chứng giáo lý ấy.

Ðối với những hành giả thuần tục, biết rõ cái gì sẽ xảy đến, thì không những chết không có gì đau đớn đáng sợ mà còn chính là thời điểm mà họ đang chờ chực sẵn ; họ đối mặt với cái chết một cách thản nhiên, còn có hỷ lạc nữa. Tôi nhớ câu chuyện Dudjom Rinpoche kể về cái chể của một hành giả đã ngộ đạo. Ông đã đau ốm vài hôm, bác sĩ đến xem mạch và khám phá rằng ông sắp chết, nhưng không biết có nên nói cho ông biết hay không. Mặt ông bác sĩ xệ xuống, đừng bên giường trông có vẻ nghiêm trọng, buồn bã. Nhưng với một vẻ nồng nhiệt của trẻ thơ, hành giả năn nỉ bác sĩ cho biết sự thực tệ nhất. Bác sĩ đành nhượng bộ, nhưng cố nói như để an ủi ông : “Hãy cẩn thận, thời gian đã đến”. Bác sĩ lấy làm ngạc nhiên khi thấy mặt ông tươi hẳn lên, vui như đứa trẻ nhận được quà. “Thật sao ? Ôi, thật là một tin mừng !” . Ông nhìn lên trời và chết ngay trong một trạng thái thiền sâu xa.

Ở Tây Tạng ai cũng biết rằng chết một cái chết đặc biệt là cách thực sự để lưu danh, nếu ta chưa thể làm gì có tiếng tăm trong lúc sống. Tôi nghe nói về một người quyết định chết một cách phi phàm, bằng một kiểu vĩ đại. Ông biết thông thường các bậc thầy sẽ chỉ rõ lúc nào thì họ chết, và triệu tập môn đệ. Bởi thế, người này cũng tụ hội tất cả bạn bè đến ăn một bữa tiệc lớn xung quanh tử sàng của ông. Ông ngồi đấy trong tư thế thiền để chờ chết, nhưng không có gì xảy đến. Sau nhiều giờ, các thực khách đâm ra mệt mỏi vì chờ đợi, và bảo nhau : “Ta hãy kởi sự ăn thôi”. Họ bỏ thức ăn đầy đĩa, rồi nhìn người sắp chết mà bảo : “Ông ta sắp chết, không cần phải ăn đâu” . Thì giờ trôi qua mà vẫn không có dấu hiệu gì về cái chết, người “sắp chết” cũng thấy đói bụng và lo sợ sẽ không còn gì để ăn. Ông ta tụt xuống khỏi giường và tham gia bữa tiệc. Cái màn “dự tri thời chí” lớn lối của ông trở thành một trò hề.

Những hành giả thiện xảo có thể tự lo liệu lấy khi họ chết, nhưng những người thường thì cần có thầy họ ở bên giường chết, nếu không thì một bạn đạo có thể nhắc nhở họ tinh yếu của việc tu hành và giúp họ thấy được tự tánh tâm.

Dù chúng ta là ai, cũng vẫn rất lợi lạc nếu làm quen với tiến trình chết. Nếu chúng ta hiểu biết các giai đoạn của sự chết, ta sẽ biết rằng tất cả những kinh nghiệm lạ lùng mà ta đang kinh quá trong lúc chết, chỉ là một phần của một tiến trình tự nhiên. Khi tiến trình ấy bắt đầu, nó báo hiệu cái chết sắp đến, và nhắc ta tỉnh giác. Và đối với một hành giả thì mỗi giai đoạn của sự chết sẽ là một cột đánh dấu hiệu, nhắc cho ta nhớ cái gì đang xảy đến với ta, và nhớ thực hành pháp vào mỗi thời điểm như vậy.


Tiến trình chết



Tiến trình chết được giải thích cặn kẽ trong nhiều kinh sách Tây Tạng. Cốt yếu nó gồm hai giai đoạn tan rã : một sự tan rã bên ngoài, khi các căn và tứ đại phân tán ; và một sự tan rã bên trong, thuộc về các ý tưởng và cảm xúc thô và tế. Nhưng trước hết ta cần hiểu rõ những thành phần của thể xác và tâm thức ta, những thứ sẽ phân tán vào lúc chết.

Toàn thể sinh tồn của ta được quyết định bởi các đại chủng : đất, nước, lửa, gió và khoảng không. Nhờ các đại chủng này mà thân thể thành hình và tồn tại, và khi chúng tan rã thì chúng ta chết. Chúng ta quen thuộc với những đại chủng bên ngoài, những thứ định đoạt cách thế chúng ta sống, nhưng điều đáng chú ý là những đại chủng bên ngoài này tác động ảnh hưởng lên các đại chủng bên trong cơ thể ta như thế nào. Và tiềm năng cùng tính chất của năm đại chủng này cũng hiện hữu trong tâm chúng ta. Khả năng của tâm thức để làm nền tảng cho mọi kinh nghiệm là cái khả năng của đất ; tính tương tục và dễ thích nghi của nó là nước ; tính sáng suốt và khả năng nhận thức của nó là lửa ; tính chuyển động liên tục của nó là gió ; và tính trống rỗng vô giới hạn của nó là hư không.

Sau đây, giải thích cơ thể vật lý của chúng ta hình thành như thế nào. Một văn bản y khoa cổ của Tây Tạng nói :

“Các thức thuộc về giác quan khởi lên từ trong tâm. Thịt, xương, khứu giác và mùi được tạo thành do địa đại. Máu, vị giác, vị và chất lỏng khởi lên từ thủy đại. Hơi ấm, màu, thị giác và hình sắc được hình thành từ hỏa đại. Hơi thở, xúc giác và đối tượng vật lý được tạo thành từ phong đại. Những lỗ hổng trong thân, thính giác và âm thanh được tạo thành từ không đại”.

(Ambrosia Heart Tantra, p.33)

Kalu Rinpoche viết : “Tóm lại, chính từ nơi tâm, biểu trưng tính chất năm đại chủng, mà cơ thể vật lý phát triển. Chính cơ thể vật lý cũng thấm nhuần năm tính chất này, và chính vì cái phức thể tâm/vật này mà chúng ta nhận thức được ngoại giới - cái thế giới cũng gồm năm đại chủng đất, nước, lửa, gió và hư không như vậy”.

Truyền thống Mật tông Tây Tạng nêu lên một giải thích về thân xác hoàn toàn khác với lối giải thích mà chúng ta vẫn quen thuộc. Ðây là một hệ thống tâm vật lý, gồm một mạng lưới năng động với những huyệt đạo vi tế, “khí” hay nội khí, và tinh thần. Những thứ này Phạn ngữ gọi là nadi, prana và bindu (tinh khí thần) ; Tạng ngữ gọi là tsa, lung và tikleù. Chúng ta quen thuộc với một thứ tương tự trong y học và châm cứu Trung quốc là các kinh mạch và khí.

Thân người được các bậc thầy ví như một đô thị, các kinh mạch giống như đường sá, gió như ngựa, tâm như người cỡi. Có 72.000 kinh mạch vi tế trong thân thể, nhưng có 3 kinh mạch chính : trung ương, chạy dọc cột sống, và kinh mạch bên trái và phải chạy hai bên kinh mạch trung ương. Hai kinh mạch phải, trái cuộn quanh kinh mạch giữa tại một số điểm để làm thành một dãy “gút” . Dọc theo kinh mạch chính có một số “luân xa” chakras, trung tâm năng lượng, từ đấy những kinh mạch phân ra như những cọng dù. Qua những kinh mạch ấy, “khí” tuôn chảy, còn gọi là nội khí. Có 5 khí gốc và 5 khí ngành ngọn. Mỗi khí gốc nâng đỡ một đại chủng và chịu trách nhiệm về một vận hành của cơ thể con người. Những khí ngành ngọn giúp cho các giác quan hoạt động. Những khí nào chảy qua tất cả các kinh mạch, ngoại trừ kinh mạch giữa, thì được gọi là bất tịnh, vì gợi lên những mẫu tư duy nghị nguyên, tiêu cực. Những khí ở huyệt đạo trung ương gọi là “khí của trí tuệ”.

“Tinh chất” chứa đựng trong các huyệt đạo. Có tinh đỏ và trắng. Chỗ chứa chính thức của tinh trắng là cái đỉnh đầu, và tinh đỏ ở nơi lỗ rốn.

Trong thực hành yoga cao cấp, hệ thống này được hành giả quán rất rõ. Bằng cách làm cho khí vào trong huyệt đạo trung ương nhờ năng lực thiền định, một hành giả có thể trực nhận ánh sáng hay “Ðiểm Linh Quang” của tự tánh tâm. Ðiều này làm được vì tâm thức cỡi trên khí. Bằng cách hướng tâm về một chỗ đặc biệt nào trên cơ thể mình, hành giả có thể đưa khí đến đấy. Với cách ấy, hành giả đang mô phỏng cái điều xảy ra lúc chết : khi những gút trong các huyệt đạo được bung ra, khí chảy vào huyệt đạo trung ương, và hành giả đốn ngộ tức thì.

Digo Khientse Rinpoche kể câu chuyện về một bậc thầy nhập thất ở một tu viện thuộc tỉnh Kham, vị này ở gần các anh của ngài. Bậc thầy này đã hoàn tất pháp yoga về các huyệt đạo, khí và tinh thần. Một hôm ông hỏi thị giả : “Bây giờ ta sắp chết, con hãy giở lịch xem ngày nào tốt” . Vị thị giả kinh ngạc, nhưng không dám trái lời thầy. Ông xem lịch và trả lời rằng ngày thứ hai, sau đó là ngày các sao đều tốt lành. Bậc thầy bảo : “Còn ba hôm nữa. Ðược rồi, ta có thể chết”. Khi người hầu ở lại trong phòng ngài vài phút sau, ông đã thấy ngài ngồi thiền bất động trông như đã chết. Không có hơi thở nhưng còn một nhịp mạch rất yếu. Người hầu quyết định không làm gì, chỉ chờ đợi. Vào giữa trưa, thình lình ông nghe một tiếng thở ra rất sâu, và thầy ông trở lại tình trạng bình thường, nói chuyện với ông một cách vui vẻ, và đòi bữa ăn trưa, mà ông thưởng thức rất thú vị. Ông đã nín thở suốt một buổi sáng thiền định.

Lý do ông làm việc ấy là vì thọ mạng chúng ta được tính ra một số lượng có hạn những hơi thở, và bậc thầy khi biết ông gần chết đã nín thở để có thể kéo đến ngày tốt ông sẽ thở hơi cuối cùng. Sau bữa trưa, ông thở vào một hơi thật sâu, rồi giữ nó cho tới chiều. Ông làm như vậy ngày hôm sau, và sau nữa. Khi ngày thứ hai đến, ông hỏi : “Hôm nay có tốt ngày không ?” . “Tốt ạ” . Ðệ tử đáp. Ông bảo : “Tốt, vậy ta sẽ đi” . Và hôm ấy, không một dấu hiệu đau ốm nào, ông từ trần trong thiền định.

Khi có một cái thân vật lý thì ta cũng có năm uẩn - những nhóm làm nên toàn thể hiện hữu vật lý và tâm lý của ta. Chúng là những thành phần của kinh nghiệm ta, chỗ nương cho sự chấp thủ bản ngã, và cũng là nền tảng cho nỗi khổ sinh tử. Ðó là hình dáng, cảm giác, nhận thức, tri thức, và tâm ý (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) . “Năm uẩn biểu hiện cơ cấu miên viễn của tâm lý con người cũng như mẫu mực tiến hóa của nó, và mẫu mực tiến hóa của nhân loại. Năm uẩn còn liên hệ đến những chướng ngại thuộc nhiều loại khác nhau : chướng ngại về tâm linh, về vật chất và về cảm xúc” . Chúng được khảo sát sâu rộng trong nền Tâm lý học Phật giáo.

Tất cả những kết hợp ấy sẽ tan rã khi chúng ta chết. Tiến trình chết là một tiến trình duyên sinh phức tạp, trong đó những nhóm thuộc các khía cạnh tương quan trong thân và tâm ta phân tán đồng thời. Khi phong đại biến mất thì những thân hành và các giác quan suy sụp. Những trung tâm năng lượng sụp đổ, và vì không có những luồng gió nâng đỡ chúng, nên các đại chủng liên tiếp tan rã từ thô nhất đến tế nhất. Kết quả là mỗi giai đoạn của quá trình tan rã đều có hiệu quả vật lý và tâm lý trên người sắp chết, và được phản chiếu bằng những triệu chứng vật lý bên ngoài cũng như kinh nghiệm tâm lý bên trong.

Ðôi lúc các bạn hỏi tôi : “Những người như chúng tôi có thể trông thấy những triệu chứng bên ngoài này nơi một người bạn hay bà con sắp chết không ?” . Các học trò tôi săn sóc người hấp hối đã cho biết rằng một vài dấu hiệu vật lý mô tả dưới đây đã được thấy tại các Tiếp dẫn đường và bệnh viện. Tuy nhiên, những giai đoạn của sự tan rã bên ngoài có thể xảy ra cực kỳ nhanh chóng và không rõ rệt lắm, và phần đông người săn sóc người chết trong thế giới ngày nay không cần để ý tìm kiếm những dấu hiệu ấy. Những y tá trong những bệnh viện rộn ràng thường dựa vào trực giác của họ và nhiều yếu tố khác, như thái độ của bác sĩ, của các thành viên gia đình bệnh nhân, hay tâm trạng người bệnh, để đoán biết người nào sắp chết. Họ cũng quan sát một vài dấu hiệu vật lý - song không theo một hệ thống nào - như là màu da đổi khác, một mùi gì đó, một sự đổi khác trong hơi thở. Tuy nhiên, những dược liệu tân thời rất có thể che lấp những dấu hiệu mà giáo lý Tây Tạng mô tả. Và lạ thay, lại có rất ít nghiên cứu ở Tây phương về đề tài rất quan trọng này. Ðiều ấy phải chăng chứng tỏ tiến trình chết rất ít được hiểu biết và tôn trọng ?


Tư thế chết



Theo truyền thống thì tư thế để chết là nằm nghiêng bên mặt, như dáng nằm sư tử. Ðó là thế nằm của Phật lúc nhập Niết-bàn. Bàn tay trái nghỉ trên vế trái ; tay mặt để dưới cằm, bít lỗ mũi phải lại. Hai ống chân duỗi ra và hơi cong lại. Bên hông phải có vài huyệt đạo vi tế làm tăng thêm “gió nghiệp” vọng tưởng. Nằm lên trên chúng trong dáng nằm sư tử và bít lỗ mũi phải là làm bế tắc những huyệt đạo ấy, khiến cho một người dễ dàng nhận ra ánh sáng khi nó xuất hiện vào lúc chết. Ðiều ấy cũng giúp cho thần thức từ giã thân xác qua ngõ mở trên đỉnh đầu, khi tất cả các chỗ mở khác - qua đó thần thức có thể thoát ra - đều bít lại.


Sự tan rã bên ngoài : các giác quan và tứ đại



Sự tan rã bên ngoài xảy ra khi các giác quan và tứ đại phân tán. Chúng ta thực sự kinh quá điều này như thế nào khi chết ?

Ðiều trước tiên chúng ta có thể ý thức là các giác quan ta ngưng hoạt động như thế nào. Nếu người đứng xung quanh giường ta đang nói chuyện, sẽ đến một lúc ta có thể nghe âm thanh tiếng nói họ, mà không thể nghe ra một lời nào. Ðây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Ta nhìn một vật trước mặt, mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết. Ðấy là dấu hiệu nhãn thức đã suy. Và việc cũng xảy ra tương tự đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn được cảm nhận một cách trọn vẹn, đó là giai đoạn đầu tiên của tiến trình tan rã.

Bốn giai đoạn tan rã kế tiếp đi kèm với sự tan rã của bốn đại :

Ðịa đại :



Thân xác chúng ta khởi sự mất hết sức mạnh. Chúng ta kiệt quệ, không còn chút năng lực nào ; không thể đứng lên, ngồi thẳng, hay cầm bất cứ vật gì. Ta không còn giữ được cái đầu của ta. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang nhận chìm xuống đất, hay đang bị một sức nặng ghê gớm nghiền nát. Kinh điển mô tả như là trái núi khổng lồ đang ép xuống người ta, và ta đang bị nó nghiền nát. Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào. Ta có thể yêu cầu đỡ ta lên, chồng gối cao lên, lấy hết mền trên người ra. Màu da của ta phai nhạt và một màu tái xanh xuất hiện. Má ta hóp lại, và những vết đen xuất hiện trên răng. Càng lúc ta càng thấy khó mở mắt nhắm mắt. Khi sắc uẩn phân tán, ta trở nên yếu đuối mong manh. Tâm ta giao động, nói nhảm, nhưng rồi lại chìm vào hôn trầm.

Ðấy là những dấu hiệu địa đại đang rút vào thủy đại. Ðiều này có nghĩa rằng gió liên hệ đến địa đại đang trở thành ít có khả năng cung cấp một nền tảng cho ý thức và khả năng của thủy đại bây giờ rõ rệt hơn. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” xuất hiện trong tâm lúc đó là thấy một hình ảnh chập chờn.

Thủy đại :



Chúng ta khởi sự mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi ta bắt đầu chảy nước, và miệng rỏ nước miếng. Có thể có nước mắt chảy ra, và ta cũng có thể mất hết sự tự chế. Ta không thể nào di động cái lưỡi. Mắt ta khởi sự cảm thấy khô cạn trong lỗ mắt. Môi ta thụt vào, không còn chút sắc máu ; miệng và cổ họng bế tắc. Những lỗ mủi ta lún vào, và ta cảm thấy rất khát nước. Ta run rẩy, co giật. Mùi tử khí bắt đầu phảng phất xung quanh. Khi thọ uẩn phân tán, thì những cảm giác của thân yếu dần ; khi khổ khi vui ; lúc nóng lúc lạnh. Tâm ta đâm ra mờ mịt, bất mãn, cáu tức, và nóng nảy. Một vài kinh điển nói chúng ta cảm thấy như mình bị dìm trong đại dương hay cuốn trôi trong dòng nước lớn.

Thủy đại đang tan rã vào hỏa đại, bây giờ hỏa đại thắng lướt và có khả năng nâng đỡ tâm thức. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người sắp chết thấy một đám mờ như khói cuộn.

Hỏa đại :



Miệng và mũi chúng ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ chân tay cho đến tim. Có thể có một luồng khói xuất từ đỉnh đầu. Hơi thở lạnh giá khi qua miệng và mũi. Ta không còn có thể uống hay tiêu hóa bất cứ thứ gì. Tưởng uẩn đang phân tán, và tâm ta lơ lửng giữa sáng suốt và mê mờ. Ta không thể nhớ được tên bà con, bè bạn, hay nhận ra họ là ai. Càng lúc ta càng khó nhận ra cái gì bên ngoài, vì âm thanh và cái thấy lẫn lộn.

Kalu Rinpoche viết : “Ðối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực, hay toàn thế giới đang bị thiêu đốt”.

Hỏa đại đang tan vào phong đại, nên bây giờ nó không có thể làm nền tảng cho tâm thức được nữa, mà khả năng của phong đại thì rõ rệt hơn. Bởi thế dấu hiệu bí mật là những đóm sáng chập chờn trên một ngọn lửa mở ra, như những con đom đóm.

Phong đại :



Càng lúc càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chúng ta. Chúng ta khởi sự thở hào hển. Nhưng hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài. Mắt chúng ta trợn trừng lên, và chúng ta hoàn toàn bất động. Khi hành uẩn phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với hoàn cảnh vật lý đang tan mất. Chúng ta khởi sự có những ảo giác và thấy các cảnh tượng : Nếu trong đời ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Những ám ảnh và những giây phút kinh hãi của đời ta bây giờ quay lại, và có khi chúng ta cố la lên vì kinh hoàng. Nếu chúng ta đã sống đời có lòng tử tế xót thương, thì chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, và “gặp” những bạn bè thân yêu, hoặc những bậc giác ngộ. Với những người đã sống đời lương thiện, thì khi chết có sự an bình thay vì hãi sợ. Kallu Rinpoche viết : “Kinh nghiệm nội tâm đối với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả chính mình, một trận gió xoáy cuốn hút toàn vũ trụ”.

Ðiều đang xảy đến là phong đại đang tan vào tâm thức. Những ngọn gió đều tập hợp lại trong “gió nâng đỡ đời sống” nằm ở tim. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là (người chết) thấy một ngọn đuốc hay đèn đỏ rực. Hơi thở vào càng nông cạn, hơi thở ra càng sâu. Ở thời điểm này, máu tụ lại đi vào trong “kinh mạch của sự sống” nằm chính giữa tim ta. Ba giọt máu lần lượt tụ lại, gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lình, hơi thở chúng ta chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn ở lại nơi tim ta. Mọi dấu hiệu của sự sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là “chết”. Nhưng những bậc thầy Tây Tạng nói đến một tiến trình bên trong vẫn còn tiếp diễn. Thời gian giữa sự ngưng thở và thời gian chấm dứt “hơi thở bên trong” được cho là “khoảng chừng bữa ăn”, tức khoảng 20 phút. Nhưng không có gì chắc chắn, và toàn thể tiến trình này có thể xảy ra rất nhanh.


Sự tan rã bên trong



Trong quá trình tan rã nội tâm, ở đấy những tâm trạng và cảm xúc từ thô đến tế tan rã, có bốn tầng lớp tâm thức vi tế được gặp gỡ. Ở dây tiến trình chết phản ảnh ngược lại với tiến trình đầu thai. Khi tinh huyết cha mẹ gặp gỡ, tâm thức ta do nghiệp thúc đẩy, bị kéo vào. Trong thời kỳ phát triển bào thai, tinh chất của cha, một hạt nhân “trắng và phúc lạc” an trú trong luân xa ở đỉnh đầu, trên cùng của huyệt đạo trung ương. Tinh chất của người mẹ, một hạt nhân “đỏ và nóng”, an trú trong luân xa được nói là năm dưới rốn chừng bốn ngón tay. Chính từ nơi hai tinh chất này mà những giai đoạn kế tiếp của sự tan rã xảy ra. Với sự biến mất của ngọn gió giữ nó lại đấy, tinh chất màu trắng đi xuống huyệt đạo về phía trái tim. Bên ngoài có tướng màu “trắng” hiện ra như “một bầu trời trong sáng dưới ánh trăng” . Bên trong, ý thức chúng ta trở nên vô cùng sáng suốt, và tất cả những tâm trạng do sân giận, gồm 33 thứ, đi đến chấm dứt. Giai đoạn này gọi là “Xuất hiện”. Rồi tinh chất của mẹ bắt đầu đi lên qua huyệt đạo trung ương, khi ngọn gió giữ nó nguyên chỗ đã biến mất. Tướng bên ngoài là một màu “đỏ” như mặt trời chiếu trên nền trời trong. Bên trong, có một cảm giác phúc lạc phát sinh, và những tâm trạng do tham dục, gồm 40 thứ tất cả, ngưng hoạt động. Giai đoạn này gọi là “Tăng trưởng” .

Khi hai tinh chất đỏ trắng gặp gỡ ở tim, tâm thức được kèm theo trong ấy. Tulku Urgyen Rinpoche, một bậc thầy lỗi lạc ở Nepal, nói : “Kinh nghiệm ấy giống như bầu trời và trái đất gặp nhau” . Bên ngoài, chúng ta thấy xuất hiện một màu “đen” giống như một bầu trời trống rỗng chìm trong màn đêm dày đặc. Tướng bên trong là một trạng thái tâm thức không có tư tưởng. Bảy trạng thái tâm do ngu si và vọng tưởng đi đến chấm dứt. Ðiều này được gọi là “Thành tựu”. Khi chúng ta hơi tỉnh giác trở lại, Ánh sáng Căn bản lóe lên như một bầu trời vô nhiễm không mây mù. Ðôi khi đấy gọi là “tâm với ánh sáng trong của sự chết”. Ðức Dalai Lama nói : “Tâm thức này là tâm thức sâu xa nhất. Chúng ta gọi nó là Phật tính, suối nguồn thực sự của mọi thức. Dòng tương tục của tâm thức này kéo dài ngay cả đến khi thành Phật quả.


Cái chết của “các độc tố”



Thế thì cái gì xảy ra khi ta chết ? Nó giống như ta trở về trạng thái nguyên ủy của ta, mọi sự đều tan rã, khi thân và tâm đã được gỡ rối. Ba độc tham, sân, si cùng chết, có nghĩa là tất cả những cảm xúc tiêu cực, gốc rễ của sinh tử, thực sự chấm dứt, và khi ấy có một khoảng hở.

Và tiến trình ấy đưa chúng ta đi đâu ? Ði trở về nền tảng nguyên ủy của tự tánh tâm, trong tất cả vẻ đơn giản tự nhiên và thuần khiết của nó. Bấy giờ mọi thứ che mờ nó đã bị dời bỏ, và bản lai diện mục của chúng ta hiển lộ.

Một trạng thái tương tự có thể xảy ra như đã giải thích ở chương 5 “Ðưa tâm về nhà”, khi chúng ta thực hành thiền quán và có những kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng, vô tưởng : điều này chứng tỏ tham, sân, si đã tạm thời tan rã.

Khi tham, sân, si chết, thì chúng ta càng trở nên thanh tịnh. Một vài bậc thầy giải thích rằng, đối với một hành giả Dzogchen thì những giai đoạn xuất hiện, tăng trưởng và thành tựu là những dấu hiệu của của sự biểu hiện dần dần của Rigpa hay Tính giác (Tâm bản nhiên). Khi những gì che mờ bản tánh của tâm chết đi thì ánh sáng của Rigpa dần khởi sự xuất hiện và tăng trưởng. Toàn thể tiến trình trở nên một tiến trình phát triển của trạng thái ánh sáng gắn liền với sự nhận chân của hành giả đối với ánh sáng ấy, sự sáng suốt của Tính giác hay tâm bản nhiên.

Trong Mật tông có một lối thực tập khác trong tiến trình tan rã. Trong pháp thực hành yoga về tinh khí thần, hành giả Mật tông chuẩn bị cho tiến trình chết bằng cách kích thích những thay đổi tâm thức trong quá trình tan rã, mà cao điểm là kinh nghiệm về ánh sáng hay “Ðiểm Linh Quang”. Hành giả cũng tìm cách duy trì sự tỉnh giác đối với những đổi thay ấy khi ngủ. Vì điều quan trọng cần nhớ là chuỗi trạng thái tâm thức tuần tự sâu dần này không những chỉ diễn ra khi chúng ta chết. Nó còn xảy đến mà ta thường không để ý, trong khi ta ngủ, hoặc khi ta du hành từ những tầng tâm thức thô đến tế, trong thiền định. Một vài bậc thầy lại chứng minh rằng nó còn xảy ra ngay trong tiến trình tâm lý của trạng thái tỉnh thức hàng ngày.

Sự kể chi tiết tiến trình tan rã có vẻ phức tạp, nhưng sẽ có lợi ích lớn nếu ta thực sự quen thuộc với nó. Ðối với những hành giả Mật tông, có một loạt những thực tập đặc biệt để làm vào mỗi giai đoạn của quá trình tan rã. Chẳng hạn, bạn có thể chuyển tiến trình chết thành một pháp tu Ðạo sư Du-già. Với mỗi giai đoạn của sự tan rã bên ngoài, bạn phát khởi tâm sùng kính và cầu nguyện với bậc thầy, quán hình ảnh thầy trong các trung tâm năng lượng (luân xa) khác nhau. Khi địa đại tan rã, hiện tượng ảo ảnh xuất hiện, bạn quán thấy trong tim bạn. Khi thủy đại phân tán và dấu hiệu khói xuất hiện, bạn quán thấy nơi luân xa ở rốn. Khi hỏa đại phân tán và tướng đom đóm xuất hiện, bạn quán thấy nơi luân xa ở trán. Và khi phong đại phân tán, tướng ngọn đuốc xuất hiện, bạn tập trung hoàn toàn vào sự chuyển di tâm thức bạn vào tâm giác ngộ của thầy.

Về các giai đoạn chết, có nhiều mô tả hơi khác về chi tiết và thứ tự. Những gì tôi giải thích ở đây là theo mô tả thông thường, nhưng nó cũng có thể đổi khác tùy từng cá nhân. Tôi nhớ khi Samten, thị giả thầy tôi chết, chuỗi tiến trình rất rõ rệt. Nhưng những thay đổi có thể xảy ra do hậu quả chứng bệnh đặc biệt của người chết, và tình trạng các huyệt đạo, khí lực và tinh thần. Các bậc thầy nói rằng, tất cả chúng sanh, cho đến loài côn trùng nhỏ nhất cũng trải qua tiến trình này. Trong trường hợp chết bất ngờ hay chết vì tai nạn, tiến trình này cũng vẫn xảy ra, nhưng cực kỳ nhanh chóng.

Tôi đã thấy rằng cách dễ nhất để hiểu cái gì xảy ra trong tiến trình chết, với sự tan rã bên trong và bên ngoài của nó, là xem nó như một phát triển tuần tự và sự sinh khởi của những tầng lớp tâm thức càng lúc càng vi tế dần. Mỗi tầng lớp nổi lên trên sự tan rã liên tục của hợp thể thân tâm, khi tiến trình tuần tự di chuyển về hướng ở đấy có sự hiển lộ cái tâm vi tế hơn tất cả : Ánh sáng căn bản hay Ðiểm Linh Quang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/03/2011(Xem: 8151)
Đã sanh ra đời thì ai chẳng có một lần chết, thế nhưng mấy ai chịu khó chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho mình hoặc cho thân nhân mình, hầu khi lâm sự có đủ bình tĩnh lo hậu sự viên mãn cho thân nhân hay có thể tự mình đón nhận cái chết nhẹ nhàng an lạc. Tác giả, thời trung niên tuy thường gia tâm học hỏi Phật Pháp, nhưng đối với vấn đề sống chết có phần lơ là, mãi đến khi tuổi đã gần bảy mươi mới tìm hiểu cẩn thận và khám phá những sơ sót thời trẻ, nên tạm ghi sơ lược vài nét chánh cho thân hữu bận rộn tạm có chút khái niệm để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
17/03/2011(Xem: 5437)
1. Quan niệm về tái sanh 2. Đâu là nguồn gốc tường tận của sự sống? 3. Do đâu chúng ta tin có sự tái sanh? 4. Nghiệp báo và tái sanh biện minh những chi? 5. Triều lưu diễn tiến của sự tái sanh. 6. Hình thức của sanh tử . 7. Sự tái sanh xuất hiện cách nào? 8. Cái gì đi tái sanh?
17/03/2011(Xem: 3779)
Vào một buổi chiều lười biếng ở Sydney, tôi mở Tivi và thấy chương trình Oprah Winfrey đang tranh luận về kiếp trước kiếp sau, cuộc tranh luận rất sôi nổi. Đây là một "talk show" của Mỹ. Khách mời là Dr. Hazel Denning, bác sĩ phân tâm học, là một phụ nữ có tuổi, thông minh, ăn nói rất lưu loát và là sáng lập viên của hội Association for Past life and Therapies (Hội Nghiên cứu kiếp trước kiếp sau để ứng dụng vào việc chữa trị). Là một người tiền phong trong lãnh vực này, bà đã đi nhiều nơi trên thế giới thuyết giảng về luân hồi.
02/03/2011(Xem: 11574)
Đối với người chết, không có gì quý báu hơn là tình cảm chân thật thành kính dành cho họ, và những lời nhắn nhủ khi họ đã trở nên bơ vơ một mình.
21/02/2011(Xem: 10586)
Người viết cũng tin tưởng là tất cả chúng ta đều có thể thực hiện việc phóng sinh mỗi ngày trong cuộc sống. Và điều đó có thể mang lại những kết quả rất kỳ diệu...
20/02/2011(Xem: 8399)
Phật giáo luôn xem vấn đề sống chết là điều quan trọng nhất cần phải được nhận hiểu một cách thấu đáo. Đây là điểm tương đồng giữa tất cả các tông phái khác nhau trong Phật giáo.
12/02/2011(Xem: 14586)
Hàng năm mỗi khi Đông tàn xuân đến, Phật tử khắp nơi lại nhớ ngày thành đạo của đức Thích Tôn. Đối với Phật tử Việt Nam chúng ta nhất là những người theo truyền thống đại thừa, danh từ Phật hay “Bụt” đã trở thành một khái niệm vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Danh từ Bụt xuất hiện rất sớm trên đất nước ta (tức Giao Châu, khi còn Bắc thuộc). Vào đầu thế kỷ Tây lịch, những nhà sư Ấn Độ theo tàu buôn sang Trung Quốc truyền đạo, đã ghé lại đất Giao Châu. Trong thời gian chờ gió yên biển lặng để tiếp tục hành trình, các nhà sư và các thương gia Ấn Độ đã truyền cho dân chúng Việt nam nhiều khái niệm căn bản của đạo Phật như nhân quả tội phúc, quy y, cúng dường, bố thí.
28/01/2011(Xem: 4545)
Tất cả mọi hiện tượng đều tương liên với nhau và biến đổi, không có một sự gián đoạnhay ngưng nghỉ nào, không có gì bớt đi cũng không có gì thêm vào, chỉ có nguyênnhân này sinh ra hậu quả kia, rồi hậu quả kia lại tạo ra nguyên nhân khác. Đó là cáinhìn của Phật giáo đối với tất cả các hiện tượng trong vũ trụ cũng như đối vớisự sống và cái chết của từng cá thể.
18/01/2011(Xem: 20521)
Sở dĩ được gọi là Mật giáo vì đa số những pháp môn đều được truyền khẩu (transmission orale) và đệ tử là người đã được lựa chọn, chấp nhận cũng như đã được vị Thầy đích thân truyền trao giáo pháp (initiation).
09/01/2011(Xem: 5030)
agpo Rimpochélà một gương mặt lớn của Phật giáo Tây tạng tại Âu châu. Khi vừa mới một tuổiDagpo Rimpoché đã được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIII xác nhận là vị hóa thân (tulku)của Ngài Mã-nhĩ-ba (Marpa, 1012-1097) một vị Đại sư của Tây tạng và là thầy củaĐại sư Mật-lặc Nhật-ba (Milarepa, 1052-1135). Dagpo Rimpoché sinh năm 1932, vàochùa từ lúc sáu tuổi, tu học tại các tu viện đại học danh tiếng nhất ở Tây tạng.Ngài rời Tây Tạng vượt sang Ấn vào năm 1959 và sau đó lưu trú tại Pháp từ năm1960.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]