Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5- Cầu thang đưa tới giải thoát - Tóm lược những hậu quả của đức hạnh và ác hạnh

06/05/201316:21(Xem: 9256)
5- Cầu thang đưa tới giải thoát - Tóm lược những hậu quả của đức hạnh và ác hạnh

Hành trình tới các cõi bên kia cái chết

5- Cầu thang đưa tới giải thoát - Tóm lược những hậu quả của đức hạnh và ác hạnh

Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch

Nguồn: Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch


Hri Tự nhiên và thoát khỏi sự tạo tác là đạo sư Pháp Thân;

niềm hạnh phúc lạc siêu việt của sự tráng lệ của hiện thể - Báo Thân – là đạo sư, chúa tể của Pháp;

sanh trong một cọng sen dài là đạo sư Hóa Thân[1]:

con đảnh lễ bậc Kim Cương Trì của ba thân.

Bổn tôn không lầm lỗi, thân Ngài sắc trắng,

đầu Ngài tô điểm một vị Phật Toàn Giác,

chăm chú nhìn chúng sinh với đôi mắt bi mẫn bẩm sinh:

con đảnh lễ Đức Avalokiteshvara[2].

Là nơi nương tựa, đấng sanh ra tất cả các Đấng Chiến Thắng và là lãnh vực trong đó các ngài biểu lộ sự phô diễn của mình[3],

hỡi Mẹ, Đức Tara tôn kính, dưới gót sen Ngài,

cho tới khi con đạt giác ngộ

con sẽ quy y với lòng sùng mộ, hoàn toàn trông cậy nơi Ngài.

Sau khi được bà mẹ tốt lành sanh, tôi, Dawa Drolma, con gái của gia đình Tromge, đã đối xử thương yêu với mọi chúng sinh khốn khổ bằng lòng bi mẫn. Năm mười lăm tuổi, tôi buồn khổ vì bệnh tật; mẹ tôi, Đức Tara Trắng, phấn khích tôi và làm thuyên giảm hoàn toàn những đau đớn của tôi bằng một loại thuốc đã cứu tôi thoát khỏi cái chết. Trong thời gian mười ngày đêm[4], tôi bỏ ăn và kinh nghiệm các linh kiến tiên tri chúng thúc đẩy tôi tìm kiếm xem đức hạnh là gì. Đằng sau những sắc tướng của đời này và sự tỉnh giác của tôi về chúng bị ngăn che, bốn dakini đã trở thành bạn đồng hành của tôi và khiêng tôi trên một cái kiệu lụa. Trong một thời gian ngắn, tôi đã du hành qua lối đi hẹp của bardo. Tôi có những thị kiến kinh khiếp, thoáng qua và lờ mờ; tôi cũng thấy vài đạo sư linh thánh dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi trạng thái đó và tôi trò chuyện với các ngài trong một tâm trạng vừa tin tưởng vào lòng bi mẫn của các ngài vừa không ảo tưởng đối với sự hiện hữu luân hồi.

Om mani padme hung hri.

Cõi giới núi Huy Hoàng có hình dáng như một trái tim. Trên những sườn núi hùng vĩ của nó, giữa thành phố của các dakini, giữa một lâu đài nhiều tầng, vô cùng trong suốt, tôi gặp Đức Orgyan vinh quang và quyến thuộc của Ngài gồm các bậc Hóa thân, vua xứ Tây Tạng và các thần dân của nhà vua[5]. Với niềm tin và nỗi khao khát, tôi phục lạy và khẩn nài Ngài ban cho nơi nương tựa. Ngài ban cho tôi những quán đảnh và ban phước đặc biệt, tâm tôi tràn đầy cảm xúc bi mẫn. Ngài nói: “Đừng quên những cách thức trong đó những thị kiến về sáu loài chúng sinh biểu lộ với con; hãy trở về cõi người để nài xin con người đeo đuổi đức hạnh”. Tập hội của daka, yogini và bà mẹ Tsogyal, vị dakini của giác tánh nguyên thủy, đã tỏ lòng tôn kính tôi bằng cách đi theo tôi một trăm bước. Tôi làm mủi lòng các ngài bằng những lời khẩn cầu ước nguyện cao nhã của tôi.

Cùng với Đức Tara Trắng, vị bảo trợ giám hộ của tôi, để gây cảm hứng cho chính mình, tôi băng qua lối đi dài và hẹp của bardo. Ở đó, tôi thấy những ấn tượng thoáng qua và lờ mờ về mọi loài chúng sinh đã khuất (những người tôi biết và cả những người tôi không quen biết) đang cùng nhau quay cuồng trôi dạt. Kêu khóc thảm thiết, những kẻ bất hạnh này trao cho tôi nhiều thông điệp nản lòng để đem về thế giới của những người còn sống mà họ đã để lại sau lưng. Họ van nài: “Bởi lòng yêu thương và bi mẫn đối với chúng tôi, xin hãy chuyển dùm những thông điệp”. Nắm chặt tay tôi, nước mắt họ tuôn như suối. Không thể chịu đựng nổi cảnh tượng này, tôi lặp đi lặp lại thần chú mani.

Om mani padme hung.

Khi du hành qua thế giới bên kia của người chết, tôi nhận ra rằng những người không có sự an ủi của Phật Pháp thì đau khổ biết bao. Từ trên trời đổ xuống một trận mưa đỏ như máu các vũ khí và cả một vùng chung quanh rùng mình bởi âm thanh ầm ầm như tiếng gầm rống của một ngàn con rồng, trong khi trên mặt đất những cư dân dữ tợn khua những vũ khí ác liệt và la hét: “Giết, giết! Đánh, đánh!”. Bóng tối dày đặc của nỗi khốn khổ bao trùm vùng đất đó.

Om mani padme hung.

Những người đã từng thực hành Phật Pháp được hạnh phúc và hài lòng trong bardo. Đối với họ, bầu trời ngập đầy hàng trăm cầu vồng và một trận mưa cam lồ ngọt ngào đổ xuống, trong khi từ muôn phương các daka và dakini hát ca, nhảy múa và chơi những nhạc cụ, trao tặng những đám mây gồm những vật cúng dường và đưa dẫn những chúng sinh này trên con đường tới sự cực lạc giải thoát. Đối với họ, một ngày của niềm hạnh phúc đã ló rạng.

Om mani padme hung.

Bạn đang ở trong thế giới của người sống, cho dù bạn từng tích lũy y phục suốt một trăm năm, bạn sẽ ra đi trần trụi buổi sáng ngày bạn chết; nên tốt hơn, hãy mặc y phục xuềnh xoàng trong khi thực hành đức hạnh. Mặc dù bạn tích trữ lương thực trong một thời gian dài, bạn sẽ đói khát vào buổi sáng ngày bạn chết; nên tốt hơn, hãy cho đi ngay cả thức ăn thừa của bạn. Mặc dù bạn cóp nhặt tài sản suốt cả cuộc đời, bạn sẽ ra đi với hai bàn tay trắng vào buổi sáng ngày bạn chết; nên tốt hơn, hãy chuẩn bị tư lương cho hành trình của bạn trong những đời sau. Vào buổi sáng ấy, khi sợi thòng lọng tối ám của Thần Chết xiết quanh bạn, và đó là lúc bạn phải ra đi, thì bất lực biết bao, cha mẹ bạn sẽ chẳng có ở đó để bảo vệ bạn, những quyến thuộc và bằng hữu yêu mến của bạn sẽ không có ở đó để che chở bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng họ chỉ là những đối tượng của hồi ức của bạn về niềm hạnh phúc và vui thú, rằng họ không có thực chất. Hãy vất bỏ những gông cùm này của hình tướng và tri giác đặt nền trên sự vô minh, bởi chắc chắn rằng đây là lúc để thực hành Phật Pháp tuyệt vời, nó sẽ thực sự làm lợi lạc cho bạn trong đời sau. Chớ để phần đời người còn lại của bạn trôi tuột đi mất.

Om mani padme hung.

Tuy nhiên, trong thị kiến bất tịnh khác, tôi nhìn thấy những cảnh tượng lờ mờ, khủng khiếp của địa ngục. Trong một pháo đài dễ sợ đầy đầu lâu, trên một cái ngai cao chồng chất sọ người là Thần Chết, khủng khiếp và hung ác. Những thuộc hạ ghê gớm của ông đang cùng nhau cai quản vô số chúng sinh đã chết và đang ở trong bardo. Mỗi người trong những chúng sinh này được một đứa trẻ sáng đẹp và một đứa trẻ tối ám đi kèm, chúng rất tài ba trong việc ước định những thiện hạnh và ác hạnh. Awa Langgo, thuộc hạ đầu-bò, khéo léo trong việc đọc những bản báo cáo cuộn tròn; thuộc hạ đầu-sư tử đang đánh trống công lý nghiệp quả; thuộc hạ đầu-rắn đang tiên đoán trong một tấm gương; thuộc hạ đầu-hươu đực đang sắp xếp dụng cụ tra tấn; thuộc hạ có đầu của một con gấu tuyết đỏ đang đánh bóng các vũ khí; thuộc hạ đầu-khỉ đang đo lường sự cân bằng (giữa thiện và ác), thuộc hạ đầu-gấu đang phân biệt thiện hạnh và ác hạnh. Bảy thuộc hạ này đã thẩm tra kỹ lưỡng thiện nghiệp và ác nghiệp của những người đã chết; đang ngợi ca tán thán những người có trí tuệ siêu phàm và đưa họ đi theo con đường sáng ngời dẫn tới giải thoát.

Om mani padme hung.

Những kẻ không có những phẩm tính tâm linh bị nắm tóc lôi xuống một con đường dẫn tới sự tăm tối, trong khi những thuộc hạ kêu gào: “Giết chúng! Đánh chúng!”. Bị đưa tới các địa ngục nóng và lạnh, họ sẽ phải chịu đau đớn không ngừng trong một kiếp.

Om mani padme hung.

Sự thương xót của tôi đối với chúng sinh khốn khổ đó thật không chịu đựng nổi. Tôi hát tụng các thần chú mani và tare bằng một giai điệu ai oán, nó đem lại chút lợi lạc nhỏ bé cho những ai có liên hệ với tôi bằng đức tin và sự khao khát.

Om mani padme hung.

Dharmaraja chăm chú nhìn tôi và hỏi gặng: “Cô gái, cô đã làm những đức hạnh hay ác hạnh nào? Không có lợi ích khi che dấu bất kỳ điều gì, vì thế hãy nói cho ta nghe!” Đức Tara, vị bảo trợ của tôi, đứng lên, cúi đầu cung kính và nói: “Chao ôi! Cô gái này có đức tin và sự kính trọng, vì thế xin đừng giận dữ với cô ta. Cô ấy đối xử từ bi với người dưới và luôn luôn tránh làm điều ác”. Mặc dù sự khẩn cầu của Ngài, Dharmaraja nói với tôi “Hãy phơi bày những đức hạnh và ác hạnh của cô”.

Thuộc hạ đầu-bò xem kỹ cuộn giấy. “Hê, hê! Mặc dù tham gia nhiều hoạt động, cô vẫn kiên định với mục tiêu chính”.

Cô gái này nói với vẻ cung kính: “Tôi đã phạm lỗi khi mạnh tay xô ngã những đứa trẻ ngỗ nghịch”. Khi nói những điều này tôi cảm thấy sờ sợ.

Tuy nhiên, Dharmaraja hơi mỉm cười và nói: “Mặc dù có thể cô cần tự tịnh hóa lỗi lầm, nhưng thái độ thương yêu và che chở trẻ em của cô chiếu sáng bất kỳ ác hạnh nào có thể cô đã phạm. Ta có thể gởi trả cô về cõi giới của cô. Bây giờ hãy chú tâm tới cảnh giới địa ngục, các thông điệp do người đã chết gởi và mệnh lệnh của riêng ta cho thế giới của người sống và hãy tường thuật chúng thật rõ ràng. Cũng thật đúng lúc cho cô để sám hối các ác hạnh và tiếp tục nhiều điều đức hạnh. Từ nay về sau, hãy quả quyết rằng cô không làm điều gì để phải xấu hổ”.

Om mani padme hung.

Mặc dù người chết gởi về nhiều thông điệp, hãy cho phép tôi thỉnh cầu các bạn tụ hội ở đây để nghe những vấn đề trọng yếu. Các bạn là những người được ở lại trong thế giới này của người sống, nghiệp tích cực và tiêu cực chắc chắn phải được tổng kết. Những chúng sinh bất hạnh trong các cõi thấp phải liên tục chịu đựng nỗi khốn khổ mà không có cơ may thoát khỏi, vì thế đừng để mối xúc động và lòng bi mẫn của các bạn đối với họ bị chìm lắng. Bây giờ là lúc để các bạn nhân danh họ mà nhanh chóng hồi hướng một vài công đức.

Om mani padme hung.

Đối với đức hạnh, trong ý định và trong thực tế, đây là lúc để nương cậy vào các điểm trọng yếu của sự tích tập, tịnh hóa và tăng trưởng[6]. Để tịnh hóa các chướng ngại, giống như đứng lên lại bằng cách dựa vào mặt đất nơi các bạn té ngã, hãy quán tưởng, cung kính, thờ phụng một cách trong sáng các đối tượng của đức tin của các bạn và hãy dâng lời sám hối. Ba hành động là sao chép, tụng đọc và truyền bá những mệnh lệnh của Dharmaraja, và đặc biệt là Kinh Giải Thoát, Kinh Tịnh Hóa Ba Nhánh, Tụng Niệm Hồng Danh Phật, Kinh Dược Sư, Sám Hối các Tội Phạm Giới và Tantra Sám Hối, là những phương cách tối hảo để tịnh hóa các che chướng. Đức Phật Vajrasattva, Đức Phật Vairocana Toàn Tri, Đức Phật Akshobhya Bất Động, những nghi lễ của các bổn tôn hòa bình và phẫn nộ, nghi lễ Sự Lưới Vét từ Tận cùng Địa Ngục, Akashagarbha[7], Kinh Giải Thoát và hai văn bản tên là “Bất Nhiễm” – hãy sử dụng chín phương tiện này để tịnh hóa các che chướng trong các sự tiếp cận Kinh điển và Tantra. Một cách kiên trì, với niềm tin và lòng bi mẫn, hãy duy trì ba điểm của sự tỉnh giác tươi mới[8] và hãy trì tụng các thần chú mani, siddhi và tare, cũng như thần chú trăm-âm. Hãy phất lên những lá cờ cầu nguyện, khắc các thần chú lên đá, quay bánh xe cầu nguyện và cử hành nghi lễ chay nyungnay. Hãy giải cứu chúng sinh thoát khỏi sự ác, hãy chuộc lại mạng sống của những chúng sinh chắc chắn bị giết hại và khoanh các vùng cấm đối với thợ săn. Bây giờ là lúc cúng dường để cấp dưỡng cho các hành giả và những bữa tiệc tsog. Hãy nỗ lực để bảo đảm những tình huống có thể hỗ trợ cho sự thực hành Pháp và để giúp đỡ người khác. Nếu mối quan hệ của họ không lỏng lẻo thì những người chết có sự nối kết với người sống qua gia đình, Giáo Pháp, hay các đối tượng vật chất sẽ được thụ hưởng những lợi lạc của bất kỳ đức hạnh nào được hồi hướng cho họ. Hãy kiên trì trong việc hồi hướng đức hạnh nhân danh những các nhân riêng biệt. Nếu các bạn thực hành theo cách này thì lợi ích sẽ rất to lớn; nói chung, người chết và người sống cùng chia sẻ một vận mệnh chung cơ bản. Tôi báo cho các bạn” “Đừng quên những thông điệp của người chết. Đừng tự xa cách hay chối bỏ họ”. Các bạn là những người có sự hiệu biết, hãy ghi nhớ điều này trong tâm.

Om mani padme hung.

Hơn nữa, vị vua định mệnh đưa ra những mệnh lệnh sau đây:

Tất cả các ông ở trong thế giới những người sống, cao hay thấp;

Mọi sự sinh ra đều phải chết đi, và mọi sự hội tụ phải tan tác.

Kết quả sau cùng của sự tập hợp là phân tán và kết quả sau cùng của sự sinh khởi là suy hoại.

Bởi không điều gì trong vòng hiện hữu sinh tử là thường hằng hay kiên cố, chớ níu chặt sự có vẻ thường hằng của các sự vật hoặc bám dính vào chúng như thật có.

Bất kỳ điều gì xuất hiện trước mặt các ông thì giống như những kinh nghiệm trong một giấc mơ;

đừng bám luyến vào những hình tướng huyễn mộng của hạnh phúc.

Nếu các ông ước muốn hạnh phúc, hãy bỏ đi sự sao nhãng và biếng lười.

Hãy phát triển sự từ bỏ, Bồ Đề tâm, và một nhãn quan thanh tịnh.

Hãy hiến dâng ba đại lộ của hiện thể[9] của các ông cho cái gì hoàn toàn tích cực.

Nếu các ông không ước muốn đau khổ, hãy tịnh hóa các hậu quả của những ác hạnh trước kia,

và kiên quyết không tái phạm chúng.

Những nghiệp quả của các hành động tích cực và tiêu cực thì không thể sai chạy;

chớ phủ nhận chúng bằng những lời trống rỗng.

Các ông sẽ tái sinh trong một xứ sở tối tăm kéo dài một đại kiếp.

Những kẻ có dục vọng và tham muốn to lớn sẽ phải chịu đựng sự đói khát trong các cõi ngạ quỷ trong một triệu tám trăm ngàn năm.

Những kẻ có động lực xấu ác và luôn ám ảnh sự giết hại

sẽ kinh nghiệm các địa ngục nóng và lạnh trong nhiều kiếp.

Những kẻ mắc phạm các ác hạnh chống trái những bậc tôn quý,

Những kẻ phạm các hành động bị nghiệp báo tức khắc[10],

hay những kẻ từ bỏ Pháp hoặc giữ những tà kiến với nó

sẽ bị tái sanh trong Địa Ngục Kim Cương và ở đó trong một kiếp, kinh nghiệm nỗi khổ khủng khiếp không hề gián đoạn.

Những kẻ ganh tị và đua tranh, hoặc những kẻ vui thú trong sự gây gổ và tranh đấu,

sẽ chịu đau khổ dài lâu trong các cõi bán thần.

Những kẻ tâm thức căng đầy kiêu ngạo và những người có thiện nghiệp thì bị phụ thuộc vào sự cạn kiệt

sẽ bị tái sinh trong các cõi trời và cuối cùng sẽ đọa lạc từ trạng thái này.

Những kẻ dấn mình vào một pha trộn của sự hám lợi và những thiện hạnh

sẽ bị tái sinh trong cõi người, phụ thuộc sự phiền muộn và túng thiếu.

om mani padme hung.

Vì thế, chớ sa đà vào các ác hạnh, tám mối bận tâm thế tục[11],

Hay những tâm thái vụn vặt tầm thường,

hãy nỗ lực gieo trồng cội gốc của đức hạnh hoàn toàn thanh tịnh.

Om mani padme hung.

Ẩn nghiệp tạo nên bởi những hành động được thực hiện bí mật trở thành hiển nhiên khi nó rơi xuống đỉnh đầu các ông.

Sự lựa chọn giữa thiện và ác nằm trong lòng tay các ông.

Nếu các ông không suy tưởng về điều này, sự ân hận sẽ là vô ích khi các ông tới trước mặt ta, Thần Chết, trong tòa án của ta.

Om mani padme hung.

Như các ông đã thấy, ta tập hợp nhiều tinh linh của người chết làm thuộc hạ.

Chúng ta đâm chúng sinh bằng những vũ khí sắc nhọn,

bắt chúng uống vạc kim loại nóng chảy,

khiến chúng chịu nỗi thống khổ của nóng và lạnh trong nhiều kiếp,

chúng ta đoan chắc rằng đau khổ tiếp diễn không hề gián đoạn.

Om mani padme hung.

Đừng lãng quên những thông điệp này; hãy truyền đạt chúng thật rõ ràng.

Việc này sẽ đem tới cho các ông công đức lớn lao.

Các ông, những tu sĩ và cư sĩ tụ hội nơi đây,

ta yêu cầu các ông quán chiếu tới lui những vấn đề này cho tới khi các ông không còn nghi ngờ ý nghĩa của chúng.

Om mani padme hung.

Con khẩn cầu các cội nguồn quy y, các Đấng Chiến Thắng và những vị kế tục của các Ngài chứng minh cho con. Cầu mong mọi đức hạnh mà con và những người khác tích tập suốt trong ba thời, như được minh chứng bởi năng lực đức hạnh của đức tin và lòng sùng mộ được tập hợp nơi đây, đều được hồi hướng và bởi sức mạnh của sự hồi hướng này, cầu mong giáo lý của các Đấng Chiến Thắng, dù thuộc lý thuyết hay sự chứng nghiệm, phát triển tới những phạm vi rộng lớn nhất xa rộng ở muôn phương. Cầu mong những ý hướng giác ngộ của các đạo sư, những bảo trợ vinh quang của chúng con được hoàn thành. Cầu mong các sự cúng dường làm vui lòng tất cả các Đấng Chiến Thắng và những vị kế tục. Cầu mong các hoạt động giác ngộ của những thánh nhân nắm giữ giáo lý được hưng thịnh. Cầu mong mối ràng buộc thiêng liêng với các bậc bảo vệ giáo lý được hoàn thành nhờ những chất thể linh thánh. Cầu mong cái thấy (kiến) và hành vi (hành) của tăng đoàn duy trì giáo lý được thuần tịnh. Cầu mong năng lực và ảnh hưởng của những ai tôn kính Giáo Pháp được tăng tưởng. Cầu mong sự suy đồi của thế giới các sinh loài và vật vô tri giác được yên bình. Con hồi hướng đức hạnh này để đem lại sự chữa lành bây giờ và trong tương lai.

Tôi hồi hướng đức hạnh này cho hai đấng sinh thành, cũng như cho những kẻ thù, quỷ ma, những chướng ngại và cho tất cả những ai có liên hệ với tôi qua thiện nghiệp hay ác nghiệp và đặc biệt hồi hướng cho những người nam và nữ phụ thuộc vào tôi trong việc sinh nhai, cho những con ngựa cày xới ruộng đồng để phục vụ chúng tôi, cho những con bò cung cấp cho chúng tôi tinh chất của chúng, và cho những con vật mà chúng tôi sử dụng máu, thịt và da của chúng – mọi loài hữu tình mà chúng tôi đã trực tiếp hay gián tiếp gây nên cái chết của chúng. Tôi hồi hướng đức hạnh này để mọi ác hạnh và thiếu sót mà tôi và những người khác đã mắc phạm, hoặc khiến cho người khác mắc phạm, hoặc vui thú trước những ác nghiệp, cùng những kiểu thói quen thuộc nằm dưới chúng, được nhanh chóng tịnh hóa. Tôi hồi hướng đức hạnh này để mọi chúng sinh trong sáu loài và trong bardo có thể dễ dàng và nhanh chóng hoàn thiện hai tích tập vĩ đại, và nhờ đó chứng ngộ trực tiếp bản tánh toàn khắp và nền tảng của thực tại, đạt được giác ngộ không gì sánh, nó làm hiển lộ những phẩm tính của sự từ bỏ và trưởng thành.

Bản tóm lược này về những thị kiến trong các cõi địa ngục được biên soạn theo cách chuyển Pháp luân[12] bởi dakini Sherab Chhodron, cũng được gọi là Dawa Drolma, một hóa thân thực sự của Đức Tsogyal.

Sarva Mangalam – May mắn, may mắn, may mắn!

Cầu mong mọi sự tốt lành.




Chú thích



[1] Đây là một sự ám chỉ Đức Padmasambhava mà sự sinh ra kỳ diệu của Ngài từ một hoa sen được tưởng nhớ trong Lời Khẩn nguyện Bảy-giòng (xem chương 1, chú thích 2).

[2] Bài kệ này là một lời cầu nguyện nổi tiếng dùng để tán thán Đức Avalokiteshvara, vị Bồ Tát hiện thân lòng bi mẫn của tất cả chư Phật. Giòng thứ hai ám chỉ Đức Phật Amitabha (A Di Đà), bậc thống lãnh Liên Hoa bộ; Đức Avalokiteshvara thường được miêu tả với Đức Phật Amitabha an trụ trên đỉnh đầu Ngài.

[3] Là một nữ bổn tôn, Đức Tara là mẫu mực của nguyên lý tánh Không là bản tánh nền tảng của mọi hiện tượng. Tánh Không có thể được nghĩ tưởng là “suối nguồn” của tất cả chư Phật (bởi Phật Quả được thành tựu bằng sự hoàn toàn chứng ngộ tánh Không) và phạm vi trong đó những phẩm tính được biểu lộ bởi sự chứng ngộ khai mở đó.

[4] Mười thời kỳ mười-hai giờ của ngày và đêm – nói cách khác là trọn năm ngày.

[5] “Vua và các thần dân” ám chỉ một nhóm hai mươi lăm người Tây Tạng đã trở thành các đệ tử thân thiết của Đức Padmasambhava khi Ngài lưu trú ở Tây Tạng. Nhóm này gồm có vua Tây Tạng, T’hrisrong Detzan mà trong thời gian trị vì của của nhà vua, Đức Padmasambhava đã tới Tây Tạng, và những vị khác (các ngài là thần dân của nhà vua), bao gồm hoàng hậu, Đức Yeshe Tsogyal, các tể tướng trong triều đình, các đạo sư Phật giáo cư sĩ hoặc tu sĩ.

[6] Đó là sự tích tập công đức, sự tịnh hóa các hậu quả của những ác hạnh và sự tăng trưởng các phẩm tính tích cực của ta.

[7] Một trong tám Bồ Tát chính yếu mà sự thiền định của Ngài thì đặc biệt hiệu quả trong việc tịnh hóa những hậu quả của các ác hạnh dẫn tới sự tái sinh trong các cõi thấp.

[8] Sự tỉnh giác mọi sắc tướng đều là thân tướng của bổn tôn, mọi âm thanh là thần chú và mọi tư tưởng và hoạt động tinh thần là sự phô diễn của giác tánh nguyên sơ.

[9] Thân, ngữ và tâm.

[10] Năm hành vi và nghiệp quả của chúng thì trầm trọng tới nỗi nếu không có sự tịnh hóa, chúng dẫn tới việc kẻ phạm vào hành vi đó bị tái sanh lập tức trong một cõi địa ngục vào lúc chết, mà không kinh qua trạng thái bardo thông thường xảy ra giữa sự chết và sự tái sanh. Những hành vi đó là giết cha, giết mẹ, giết một vị A la hán, vì ác tâm mà làm một vị Phật chảy máu, và gây những chia rẽ không thể hàn gắn trong cộng đồng Phật Giáo.

[11] Sự được và mất, danh tiếng và ô danh, khen và chê, và sướng và khổ.

[12] Thành ngữ truyền thống “chuyển Pháp luân” biểu thị hoạt động ban tặng Giáo lý đạo Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/10/2010(Xem: 5441)
Dưới đây là một bài thuyết giảng của Lạt-ma Dagpo Rimpoché tại ngôi chùa Tây tạngKadam Tcheuling tọa lạc tại Aix-En-Provence miền nam nước Pháp, vào ngày 23tháng 3, năm 2003. Thôngdịch viên : Marie-Stelle Boussemart. Ghi chép : Laurence Harlé, MichelLanglois, Cathérine Baguet, Marie-Stella Boussemart
21/10/2010(Xem: 5478)
Khi Đức Phật còn là thái tử, trong lúc đi dạo chơi, Ngài đã trông thấy những cảnh khổ đau của kiếp sống con người là bệnh hoạn, già yếu và chết. Từ đó, cuộc sống khổ đau và tạm bợ của con người đã khiến cho thái tử suy tư rất nhiều và thôi thúc Ngài quyết tâm đi tìm cuộc sống an lạc, vĩnh hằng, bất tử. Trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh chốn rừng già và sau 49 ngày Thiền định ở Bồ đề đạo tràng, Đức Phật đã nhận thấy rõ đặc tính của cuộc sống con người nói riêng và của muôn vật, muôn loài nói chung ở trong thế giới sanh diệt là vô thường (Anicca), khổ (Dukkha) và vô ngã (Anatta).
13/10/2010(Xem: 4140)
Nếu bạn có bạn bè hay người thân đang lâm trọng bệnh hoặc sắp qua đời, tôi biết là không có ai bảo bạn hãy cứ thản nhiên với họ. Mọi người đồng ý rằng bạn nên khởi lòng bi mẫn. Vấn đề là, cách lòng bi mẫn chuyển thành những hành động cụ thể thì lại không mấy giống nhau. Đối với một số người, bi mẫn có nghĩa là kéo dài mạng sống càng lâu càng tốt; nhưng đối với một số người khác, bi mẫn là chấm dứt đời sống - thông qua việc trợ tử - khi mà phẩm chất đời sống của người bệnh không còn là bao. Và không có ai trong hai nhóm này xem nhóm khác là có lòng bi mẫn thực sự. Nhóm trước xem nhóm sau là tội phạm; còn nhóm sau xem nhóm trước là tàn nhẫn và độc ác.
13/10/2010(Xem: 6052)
Chiến tranh đi liền với sát sanh. Chiến tranh đồng nghĩa với tội ác. Sát sanh là nhân, chiến tranh là quả và ngược lại. Hai yếu tố này hỗ trợ cho nhau để tạo nên chia lìa, đau đớn, khủng hoảng, tan tóc, đau thương cho cuộc đời. Khi nào còn chiến tranh, nghĩa là con người còn phải gánh chịu đau khổ, giết hại, thù hằn, đấu tố. Chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt nếu con người còn tâm địa giết hại thú vật không thương tiếc, giẫm lên mạng sống của muôn vật, không biết quý trọng mạng sống của đồng loại! Nhân trả lời một nghi vấn của một Phật tử: “Tổng thống Bush có phạm tội sát sanh hay không khi đem quân đi đánh Afghanistan hay không?” Người viết xin trình bày sơ bộ các cách phán đoán tội của một người phạm tội sát sanh cũng như các cấp độ của sát sanh và vài vấn đề liên hệ đến chiến tranh để bổ sung cho câu trả lời trên.
13/10/2010(Xem: 3956)
Gần đây, trên thế giới nhất là tại Mỹ, dư luận bị kích động vì vài người y sĩ công khai tham gia hành động "trợ tử" (Euthanasia), và chấp nhận trách nhiệm, tự ý đưa tay vào còng của cảnh sát, hầu như thách đố pháp luật. Dư luận quần chúng rất phân tán, kẻ chê vô lương, người thì yểm trợ và đặc biệt là các tôn giáo lớn trong nước đều lên tiếng xác định lập trường. Câu hỏi ta tự đặt ra để tìm hiểu là lập trường của đạo Phật trong một vấn đề nặng về đạo đức, triết lý như vấn đề trợ tử, đã được đức Phật ngày xưa và kinh điển của Ngài để lại minh định như thế nào.
11/10/2010(Xem: 7373)
Hạnh phúc hay đau khổ là số phận chung của mọi chúng sinh, nhất là con người, và theo quan điểm Phật giáo thì đây không phải là phần thưởng hay hình phạt do Thượng Đế ban cho một sinh linh đã làm điều thiện hay điều ác. Tín đồ Phật giáo tin vào một định luật tự nhiên, gọi là “ luật nhân quả”, áp dụng chung cho tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này. Tín đồ Phật giáo không tin vào một Đấng Thượng Đế toàn năng, và do đó một Đấng Thượng Đế như vậy, và ngay cả Đức Phật đại từ bi cũng không thể ngăn cản được định luật này.
07/10/2010(Xem: 5412)
Các lý thuyết tôn giáo cũng như các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra những lý giải khác nhau về nguồn gốc xuất hiện của con người trên trái đất này. Phải chăng con người là sản phẩm do Thượng Đế tạo dựng hay chỉ là một giống vượn người trải qua một chuổi quá trình tiến hoá lâu dài rồi biến thành người theo thuyết tiến hoá của Darwin? Trước vấn đề này, Phật giáo vốn tin tưởng vào thuyết tái sanh, luân hồi, cho rằng tất cả các loài chúng sanh luôn quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử (samsâra), và được tái sinh qua bốn cách thế khác nhau: noãn sinh - andaja, tức là sự sanh ra từ trứng; thai sinh - jatâbuja, tức là sanh ra từ bào thai của người mẹ; thấp sinh - samsedja, tức là sanh ra từ sự ẩm thấp hay từ rịn rỉ của các thành tố, đất, nước v.v... ; và hóa sinh - oppâtika, tức là do hóa hiện mà sanh ra, không phải trải qua các giai đoạn phôi thai; những con người đầu tiên là những chúng sanh thuộc loại hoá sinh này.
06/10/2010(Xem: 10466)
Thưa thớt vài chục nóc nhà xong thôn Tân Mỹ (Thừa Thiên Huế) lại có cả trăm ngôi mộ được xây dựng công phu, hoành tráng như một thành phố ma với chi phí lên tới vài ba tỷ đồng cho một ngôi.
03/10/2010(Xem: 7726)
Lòng bi mẫn thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai.
01/10/2010(Xem: 10822)
Sự chết của con người là một giai đoạn trong chu trình biến thiên bất tận sinh-lão-bệnh-tử. Đầu tiên, tim ngừng đập rồi đến phổi, sau đó đến não; cuối cùng cơ thể phân hủy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]