Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các câu trích dẫn giáo lý của Đức Phật

22/08/202121:31(Xem: 4192)
Các câu trích dẫn giáo lý của Đức Phật

 

Các câu trích dẫn giáo lý của Đức Phật
Hoang Phong chuyển ngữ

 
Loi Trich dan cua Duc Phat
Bài 4

 Câu  78  đến  157

 

Lời giới thiệu của người chuyển ngữ

 

Đây là bài thứ 4 và cũng là bài sau cùng trích dẫn một số câu liên quan đến giáo lý của Đức Phật. Bài 4 này gồm tất cả 80 câu được chọn lọc từ một bài gồm 265 câu trên một trang mạng tiếng Pháp : https://www.evolution-101.com/citations-de-bouddha/. Các câu này chủ yếu được rút tỉa từ kinh Dhammapada (Kinh Pháp Cú) và các kinh trong phẩm thứ tư của Tam Tạng Kinh là Anguttara Nikaya (Tăng chi hay Tăng nhất bộ kinh). Người chuyển ngữ cố gắng truy tìm nguồn gốc chính xác của các câu trích dẫn từ kinh Dhammapada, thế nhưng đối với các câu trích dẫn từ các kinh khác trong Anguttara Nikaya thì việc truy tìm rất khó, bởi vì trong Anguttara Nikaya có đến hơn chín ngàn bài kinh. Dầu sao các câu trích dẫn thường không bắt buộc phải ghi chú chính xác nguồn gốc. Ngoài ra độc giả cũng có thể xem thêm các câu trích dẫn bằng tiếng Anh, chẳng hạn như trên trang mạng Wikiquote : https://en.wikiquote.org/wiki/Gautama_Buddha.

 

Câu 78
 
Không nên tìm kiến sự hoàn hảo trong thế giới đầy biến động này 
mà chỉ nên phát động tình thương thật tròn đầy.
 
Câu 79
 
Hãy tỏa rộng tình thương vô tận của mình ra khắp hướng, trên đầu và cả dưới chân
(Kinh Metta Sutta - Sutta Nipata)
 
Câu 80
 
Có những hôm chúng ta cảm thấy mình chẳng khác gì một kẻ xa lạ trong thế giới này. Thế nhưng nếu biết mở rộng con tim mình thì mình sẽ hiểu được chỗ đứng của mình không phải ở một nơi nào khác, mà là tại nơi này, trong thế giới này.
 
Câu 81
 
Nếu muốn mang lại hạnh phúc cho mình thì phải tự nhổ bỏ ra khỏi con người của mình 
những mũi tên của sự ta thán, phiền trách và lo buồn.
 
Câu 82
 
Dưới bầu trời này không có bất cứ một thứ gì bền vững, cũng chẳng có bất cứ một thứ gì 
trường tồn mãi mãi.
 
Câu 83
 
Giáo huấn chẳng khác gì một chiếc bè giúp mình sang sông, không nên bám víu vào nó.
 
Câu 84
 
Trong số toàn thể nhân loại chỉ có một ít người vượt được sang bờ bên kia, phần còn lại 
hết chạy ngược lại chạy xuôi ở bờ bên này.
 
Câu 85
 
Những gì chúng ta vun trồng trong những lúc sáng suốt là sức mạnh dự trữ
phòng khi biến động.
 
Câu 86
 
Không sao tránh khỏi sự đổi thay và mất mát trong cuộc sống. 

Tạo cho mình một nếp sống tự do và hạnh phúc là biện pháp vừa uyển chuyển lại vừa nhẹ nhàng, giúp mình sẵn sàng tiếp nhận sự đổi thay.
 
(sự tự do ở đây có nghĩa là sự dừng lại: dừng lại trước tham vọng, hận thù, thèm khát và bám víu. Sự dừng lại đó là cách tách mình ra khỏi sự lôi cuốn của thế giới, mang lại cho mình một sự giải thoát. Sự tự do đó, sự giải thoát đó hay sự dừng lại đó cũng chính là hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật sâu xa mà những người đang quay cuồng trong cơn lốc triền miên của cuộc sống không sao hiểu được).  
 
Câu 87
 
Hãy hình dung tất cả chúng sinh trong vũ trụ đều đạt được giác ngộ, riêng mình thì không.
và hãy cứ tưởng tượng tất cả các chúng sinh đó đều là thầy mình, tận lực giúp đỡ mình 
phát huy sự kiên nhẫn, trí tuệ và lòng từ bi vô biên
 
(hình dung và tưởng tượng tất cả chúng sinh trong vũ trụ đều hướng vào mình và giúp đỡ mình, là cách tạo ra cho mình một sức mạnh vô biên, giúp mình thực hiện các ước vọng của mình. Câu này được trích từ "Quyển sách nhỏ về những Lời giảng dạy của Đức Phật" / Le petit Manuel du Bouddha - tr.90 / Buddha's Little Instruction Book, tác giả Jack Kornfield).
 
Câu 88
 
Tất cả chúng ta đều là những kẻ mù lòa, chỉ ít hay nhiều mà thôi, kẻ mù này dắt kẻ mù kia.
Thế nhưng tại sao kẻ mù này lại không thể dẫn dắt được kẻ mù lòa khác ? 
Thế rồi vào một ngày nào đó, với vị thế của một kẻ mù lòa đích thật, 
chúng ta bỗng khám phá ra một điều vô cùng kinh ngạc: 
mình vẫn có thể tự bước đi một mình, 
hướng dẫn bởi ánh sáng của ngọn đuốc nội tâm bên trong chính mình, 
đồng thời cũng nhận thấy các vị thầy và cả những lời giáo huấn của họ,
chỉ vỏn vẹn là các điểm chuẩn và những tiếng động khe khẽ
vang lên từ thế giới bên ngoài.
 
Câu 89
 
Trí tuệ bị vẩn đục bởi vô mình sẽ không bao giờ phát triển được.
 
Câu 90
 
Không nên bước theo giáo kuấn của ta một cách mù quáng,
 mà phải tự mình chứng nghiệm những lời giáo huấn ấy.
 
Câu 91
 
Có hai yếu tố trực tiếp dự phần vào sự hiểu biết (dưới hình thức trí tuệ)
đó là thế giới nội tâm và sự tĩnh lặng thật im lìm.
 
Câu 92
 
Người vô minh (u mê) già đi như một con bò : thân thể ngày càng nặng, 
ngược lại trí tuệ thì không
(Kinh Dhammapada - câu 152).
 
Câu 93
 
Một ngày sống với sự sáng suốt và chú tâm,
vẫn hơn là sống suốt một thế kỷ trong tình trạng u mê (vô minh) và xao lãng.
(Kinh Dhammapada - câu 110)
 
Câu 94
 
Nếu bạn đốt một ngọn đuốc để soi đường cho kẻ khác, thì ngọn đuốc cũng sẽ tỏa sáng trên con đường mà chính bạn đang bước đi.
 
Câu 95
 
Hành động tốt là hành động không tạo ra một sự hối tiếc nào, 
hơn nữa kết quả do nó mang lại sẽ là niềm hân hoan và sự trong sáng.
 
Câu 96
.
Một người tạo được những điều tốt lành
 sẽ xóa được những điều xấu mà mình vi phạm. 
Người ấy sẽ tỏa sáng cả địa cầu,  
tương tự như mặt trăng ló ra khỏi những đám mây mù. 
(Kinh Dhammapada - câu 173).
 
Câu 97
 
Bàn tay không xây xát sẽ chẳng hề hấn gì khi cầm phải chất độc. 
Độc tố không gây tác hại cho một bàn tay lành lặn. 
Cũng vậy, sự xấu xa không thể bám vào một người không gây ra những điều tai ác.
 
Câu 98
 
Không nên nghĩ rằng làm một điều thiện nhỏ bé sẽ chẳng lợi ích gì. 
Nước dù chỉ là từng giọt một thế nhưng vẫn có thể làm đầy được chiếc hũ. 
Điều thiện dù là từng tí một thế nhưng sẽ ngập tràn tâm hồn của kẻ hiền nhân.
 
Câu 99
 
Tinh khiết hay ô nhiễm là chuyện cá nhân, 
không có bất cứ ai có thể tinh khiết hóa kẻ khác được.
 
Câu 100
 
Quả hết sức khó khắc phục sự kiêu hãnh khi nó vẫn không ngừng thốt lên "cái tôi".
 
Câu 101
 
Sự thèm muốn mang lại lo buồn và sợ hãi.
(Kinh Dhammapada - câu 216)
 
Câu 102 
 
Một nắm bụi ném ngược chiều gió sẽ hắt vào người ném. 
Những điều tai ác sẽ quay ngược lại với kẻ gây ra tổn thương cho người vô tội
(Kinh Dhammapada - câu 125).
 
Câu 103
 
Kẻ độc ác vẫn có thể thụ hưởng hạnh phúc, 
cho đến khi nào những điều độc ác do mình gây ra chưa chín mùi. 
Khi chúng chín mùi thì kẻ độc ác không sao tránh khỏi những điều bất hạnh.
(Kinh Dhammapada - câu 119)
 
Câu 104
 
Hãy làm việc thiện với tất cả sự hăng say! 
Đấy là cách gạt bỏ những ý nghĩ xấu xa. 
Ngược lại nếu làm việc thiện một cách hờ hững,
 thì có nghĩa là tâm thức đồng lõa với sự xấu xa
(Kinh Dhammapada - câu 116)
 
Câu 105
 
Một người đi buôn chuyên chở những vật quý gíá nhưng thiếu người hộ tống,
thì nên tránh các con đường nguy hiểm.
Cũng vậy, những ai muốn bảo vệ sự sống của mình, 
thì phải tránh các thứ độc tố và cả những hảnh động xấu xa
(Kinh Dhammapada - câu 123)
 
Câu 106
 
Thế giới phát sinh từ dục vọng (desire / thèm khát, ham muốn).
Khống trị dục vọng là cách giải thoát mình ra khỏi thế giới 
 
(thế giới được hình thành từ các sức mạnh bản năng: thèm khát được sinh tồn, thèm khát được truyền giống, thèm khát được khỏe mạnh và sống lâu. Các sức mạnh đó là động cơ tạo ra sự chuyển động của thế giới. Nói một cách khác thì đấy là cách mà chúng ta làm phát sinh ra thế giới xuyên qua các thứ dục vọng của chính mình. Chính chúng ta là tác giả của đời mình, là người tham gia vào sự sáng tạo ra thế giới. Do vậy không có ai có thể giải thoát chúng ta ra khỏi thế giới, ngoài chính mình).
 
Câu 107
 
Hai núi vàng cao ngất cũng không lấp đầy được cái hố thèm khát của một con người.
 
Câu 108
 
Những gì mình thích không tạo ra vấn đề gì cả, chỉ có sự bám víu vào các thứ ấy mới là nguyên nhân gây ra mọi thứ khó khăn.
 
Câu 109
 
Hầu hết mọi người đều quên mất là mình sẽ chết vào một ngày nào đó. 
Những ai biết nhắc nhở mình về sự thật ấy thì sự đương đầu với cái chết sẽ nhẹ nhàng hơn.
 
(hiểu được sự phù du của sự hiện hữu, thì cái chết của mình cũng chỉ là một sự tự nhiên. Sự ý thức đó sẽ giúp mình không sống trong lo sợ và sẽ không hoảng hốt khi cái chết gần kề)
 
Câu 110
 
Một người có một tâm thức không xao động và vẩn đục vì dục vọng, 
một người vượt lên trên cái tốt lẫn cái xấu, 
là một người thức tỉnh, không hề biết sợ hãi là gì 
(Kinh Dhammapada - câu 39).
 
 
Câu 111
 
Với sức cố gắng, lòng hăng say, sự kỷ cương và chủ động, 
kẻ hiền nhân sẽ tạo được cho mình một hòn đảo 
mà không có bất cứ một ngọn sóng nào có thể làm cho nó bị tràn ngập.
(Kinh Dhammapada - câu 25).
 
Câu 112
 
Kẻ u mê (vô minh) và đần độn buông mình trong sự lơ là và xao lãng, 
kẻ hiền nhân bảo vệ sự chú tâm và ý thức 
như là một kho tàng vô giá.
 (Kinh Dhammapada - câu 26).
 
Câu 113
 
Quả hết sức khó bước theo con đường khi đang trong cảnh giàu có.
 
(thông thường chúng ta cảm thấy niềm đau của chính mình trước khi ý thức được nỗi khổ đau của tất cả chúng sinh. Khi chưa cảm thấy niềm đau trong thâm tâm mình và cảnh trầm luân của thế giới thì quả hết sức khó bước theo con đường)
 
Câu 114
 
Thật hết sức khó cưỡng lại dục vọng và đương đầu với nó.
 
(đó cũng là sự thách đố sơ đẳng nhất đối với những người chập chững bước vào con đường, nhưng chưa loại bỏ được các sự thèm khát trong thế giới).
 
Câu 115
 
Quả khó tạo ra của cải và quyền lực một khi chưa bị các thứ ấy thống trị mình. 
 
Câu 116
 
Có bốn trường hợp gây ra nghiệp xấu bằng ngôn từ :
đó là nói dối, ba hoa vô tích sự, nói lên những lời thô bạo và nói xấu kẻ khác
 
Câu 117
 
Một người say mê thụ hưởng lạc thú và xem đấy là những đóa hoa thơm,
sẽ bị cái chết mang đi, tương tự như một cơn lũ cuốn trôi một ngôi làng ngủ say.
 
Câu 118
 
Nếu muốn mang lại hòa bình cho thế giới,
thì trước hết phải biết sống an lạc với chính mình.
 
Câu 119
 
Hạnh phúc thay cho những ai biết sống trong sự an bình, 
tránh các hành động tai ác, sự kiêu hãnh và giả dối, 
đồng thời phát huy được lòng từ bi, sự nhún nhường và tình thương yêu.
 
Câu 120
 
Tuyệt vời thay những khu rừng êm ả, 
đám người nhộn nhịp nào có bao giờ biết đến! 
Chỉ có những ai thoát khỏi đam mê, 
mới tìm thấy được niềm vui trong những nơi đó.
Họ sẽ chẳng bao giờ còn bị thu hút 
bởi các lạc thú của chốn phồn hoa.
(Kinh Dhammapada - câu 99).
 
Câu 121
 
Một người có tâm thức bình lặng, ngôn từ bình lặng, hành động bình lặng, 
là một người đã đạt được một sự hiểu biết hoàn hảo,
 tạo được một sự tự do hoàn hảo, một tâm thức cân bằng và phẳng lặng
(Kinh Dhammapada - câu 96).
 
Câu 122
 
Những ai mong muốn mang lại sự an bình cho cuộc đời mình,
thì phải biết sống trong sự giản dị và niềm hân hoan trong lòng. 
Họ là những người thanh thản, bình lặng, ít tham vọng, 
không để mình bị lối cuốn bởi cảnh huyên náo 
của những đám đông người
(Kinh Metta Sutta, Sutta Nipata SN 1.8)
 
Câu 123
 
Chịu đựng sự lăng nhục nhưng không nổi giận là một điều rất khó.
 
Câu 124
 
Không có bất cứ ai trong thế giới có thể thoát khỏi sự chỉ trích. 
(Kinh Dhammapada - câu 227)
 
Câu 125
 
Quả hết sức khó giữ được sự yên lặng trước những gì nên làm và không nên làm.
 
Câu 126
 
Một nghìn bài thuyết giảng tầm phào, 
không bằng một lời hữu ích 
mang lại sự lắng dịu trong lòng người nghe.
(Kinh Dhammapada - câu 100)
 
Câu 127
 
Gềnh đá không hề lung lay trước gió, 
kẻ hiền nhân không hề xao động, 
trước những lời chê trách và cả ngợi khen
(Kinh Dhammapada - câu 81)
 
Câu 128
 
Dù đọc được và thốt lên cho người khác nghe bao nhiêu lời thánh thiện đi nữa, 
thế nhưng tự mình không mang ra thực hành,
thì nào có ích lợi gì đâu?
 
Câu 129
 
Mỗi buổi sáng thức dậy, lại thêm một lần tái sinh, 
vì thế những gì mình làm trong ngày hôm nay thật hết sức quan trọng.
 
(bởi vì mình sẽ thừa hưởng kết quả tạo ra bởi các hành động đó trong ngày hôm sau)
 
Câu 130
 
Tương tự như tiếng vọng âm vang từ tiếng nói,
bóng theo sát với hình,  
hậu quả không bao giờ tách ra khỏi hành động.
 Vì thế không nên phạm vào những điều tai ác và tội lỗi.
 
Câu 131
 
Những gì đang là mình vào ngày hôm nay
là kết quả do tư duy của mình tạo ra cho mình vào ngày hôm qua.
Cuộc sống của mình vào ngày mai
sẽ tùy thuộc vào tư duy của mình trong ngày hôm nay.
Đấy là cách mà tư duy của mình tác tạo ra sự sống của chính mình.
 
Câu 132
 
Những gì tai hại nhất mà một kẻ thù tạo ra cho kẻ thù của mình,
những gì hung dữ nhất do một kẻ hung dữ tạo ra cho một kẻ hung dữ,
cũng không sánh kịp với những gì gây ra bởi một tâm thức sai lầm.
 
(Chiến tranh phát sinh từ tâm thức : kẻ thù này gây chiến với kẻ thù kia, kẻ hung dữ này gây ra tác hại cho kẻ hung dữ khác. Khí giới, từ gậy gộc, dáo mác đến bom hạt nhân, nhất loạt đều phát sinh từ tâm thức, là các phương tiện cụ thể của tâm thức).
 
Câu 133
 
Không có bất cứ một thứ gì hoàn toàn biệt lập với nhau.
Tất cả đều liên hệ với tất cả.
 
Câu 134
 
Nếu tất cả mọi người trong gia đình biết thương yêu và dịu ngọt với nhau,
thì gian nhà sẽ trở thành một khu vườn đầy hoa.
 
Câu 135
 
Bất cứ ai nhận biết được tính độc nhất (unity) của sự sống
cũng sẽ nhận ra cái tôi của mình nơi tất cả chúng sinh,
và cũng sẽ nhận ra cả cái tôi của tất cả chúng sinh bên trong cái tôi của chính mình.
Điều đó sẽ giúp mình nhìn vào tất cả chúng sinh
không một chút phân biệt nào.
 
Câu 136
  
Con ong không hề gây ra thiệt hại cho một cánh hoa,
cho màu sắc và cả hương thơm của hoa,
mà chỉ mang theo với nó mật ngọt,
tương tự như một kẻ hiền nhân đi ngang qua một ngôi làng.
(Kinh Dhammapada - câu 49)
 
(đóng được tàu thuyền to lớn để khám phá cái đẹp của địa cầu và để đến gần với các dân tộc xa lạ, nhưng không xem đó là phương tiện lùa bắt nô lệ, cướp bóc, diệt chủng, chiếm hữu đất đai, cũng không áp đặt văn hóa, tín ngưỡng của mình cho các dân tộc khác. Đấy là thái độ của những kẻ hiền nhân).  
 
Câu 137
 
"Ước mong sao thực hiện được sự kiên nhẫn" là lời nguyện cầu to lớn nhất.
 
Câu 138
 
Không có một thứ ánh sáng nào rạng ngời bằng ánh sáng của trí tuệ.
 
Câu 139
 
Một người bình lặng, không hề biết hận thù và sợ hãi,
quả xứng đáng được gọi là một kẻ hiền nhân.
 
Câu 140
 
Chính mình phải tự phát huy sự cố gắng, 
các vị hiền nhân trong quá khứ chỉ đơn giản 
trỏ cho mình trông thấy con đường mà thôi.
(Kinh Dhammapada - câu 276)
 
Câu 141
 
Không có một nơi nào thiêng liêng, 
cũng không có một con người thiêng liêng nào cả, 
mà chỉ có những khoảnh khắc thiêng liêng, 
những khoảnh khắc của trí tuệ.
 
Câu 142
 
Một người sống với trí tuệ 
sẽ không biết sợ hãi là gì, 
kể cả cái chết 
 
(sống với tri tuệ có nghĩa là sống với sự hiểu biết về bản chất của thế giới, ý thức được sự vận hành của thế giới và hòa nhập với thế giới).
 
Câu 143
 
Kẻ đần độn (vô minh) không có một chút ý thức nào về các hành động của mình,
thế nhưng các hành động đó vẫn cứ tiếp tục đốt cháy kẻ ấy,
tương tự như một đốm than hồng âm ỉ dưới lớp tro đen. 
(Kinh Dammapada - câu 136).
 
Câu 144
 
Một kẻ vô ý thức nhận thấy được sự dại dột của mình sẻ là một kẻ hiền nhân,
Một kẻ vô ý thức nghĩ rằng mình là một kẻ hiền nhân thì quả đúng là một tên điên rồ.
(Kinh Dhammapada - câu 63)
 
Câu 145
 
Không có ai từ bên ngoài có thể kiểm soát (chỉ huy, sai khiến) được nội tâm mình.
Hiểu được điều đó chính là sự giải thoát.
 
(mũi súng chỉ cướp được của cải, nhưng không cướp được sự tự do bên trong nội tâm của kẻ khác).
 
Câu 146
 
Trong thế giới này không có nhiều sự thật khác biệt nhau.
Sự thật là duy nhất, luôn là một, 
xuyên qua không gian và cả thời gian.
 
(sự thật đúng nghĩa của nó không tùy thuộc vào lịch sử, văn hóa hay xã hội, cũng không phải là gia tài của một quốc gia hay một dân tộc nào cả. Sự thật chỉ có thể tìm thấy bên trong tâm thức, vì vậy mỗi người phải tự mình tìm thấy sự thật đó bên trong chính mình).
 
Câu 147
 
Hãy nhìn vào giáo huấn của người thầy, không nên nhìn vào cá tính của vị ấy.
Hãy nhìn vào ý nghĩa, không nên nhìn vào chữ.
Hãy tìm hiểu chủ đích tối thượng, không nên tìm hiểu ý nghĩa tương đối.
Hãy tin vào tâm thức trí tuệ của mình, không nên tin vào sự xét đoán của tâm thức bình dị
(Kinh Kamala Sutta, AN 3.65).
 
Câu 148
 
Những người xem sai lầm là sự thật, xem sự thật là sai lầm,
những người được nuôi dưỡng và lớn lên 
trong cánh đồng cỏ của những thứ tư duy sai lầm,
là những người chẳng bao giờ trông thấy được hiện thực.
Những người xem sự thật là sự thật, xem sự sai lầm là sai lầm,
là những người được nuôi dưỡng và lớn lên,
trong một cánh đồng cỏ của các tư duy đúng đắn,
Họ là những người sẽ đạt được hiện thực.
(Kinh Dhammapada - câu 11) 
 
Câu 149
 
Hãy sống thật trọn vẹn qua từng hành động một, 
và hãy xem đó như là hành động cuối cùng trong cuộc đời mình.
 
Câu 150
 
Hãy sống với giây phút mà mình đang sống,
và hãy xem đó là giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời mình.
 
(Xem giây phút mà mình đang sống là giây phút mà mình thực hiện được những điều đẹp nhất trong cuộc đời mình).
 
Câu 151
 
Sống một trăm năm phóng đãng, thiếu đạo đức (buông thả, vô trách nhiệm),
không bằng sống một ngày trong một kiếp sống biết hành thiền 
và thực thi những điều đạo hạnh.
 
Sống một trăm năm trong sự u mê (vô minh) và phóng đãng,
không bằng sống một ngày trong một kiếp sống biết chăm lo học hỏi và hành thiền.
 
Sống một trăm năm trong sự lơ là (chểnh mảng, hoang mang, lười biếng), thiếu nghị lực,
không bằng sống một ngày trong một kiếp sống cương quyết và nghi lực
(Kinh Dhammapada  - các câu 110, 111, 112).
 
Câu 152
 
Sức mạnh là khí giới của những kẻ sai lầm.
 
Câu 153
 
Chỉ nên làm những gì không khiến mình hối hận.
 
Câu 154
 
Thân xác vô cùng quý báu, bởi vì đấy là phương tiện chuyển tải sự giác ngộ của mình.
 
(thân xác là phương tiện thật cần thiết giúp mình tu tập, vì vậy phải luôn giữ gìn nó thật tinh khiết, từ miếng ăn cho đến nếp sống. Thế nhưng thân xác không phải là một thứ sở hữu trường tồn và quý giá để bảo vệ nó bằng mọi cách, hay tô điểm nó để thu hút kẻ khác),  
 
Câu 155
 
Người chăn bò dùng chiếc gậy để điều khiển đàn bò, già nua và cái chết là chiếc gậy
điều khiển những đoàn người đang sống.
(Kinh Dhammapada - câu 135).
 
Câu 156
 
Nhà cửa mình, con cái mình, kể cả thân xác mình, không phải là của mình.
Tất cả chỉ là của mình trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi.
Tuy thế chúng ta cũng nên chăm lo cho các thứ ấy thật thận trọng. 
 
(đối với của cải không phung phí, cũng không ôm chặt, mà phải biết sử dụng nó để mang lại lợi ích cho mình và kẻ khác; đối với con cái thì phải răn dạy và bảo vệ chúng, thế nhưng phải biết tôn trọng nhân phẩm và sự tự do của chúng; đối với thân xác phải chăm lo sức khỏe và giữ gìn sự tinh khiết cho nó, thế nhưng không phải vì thế mà bám víu vào nó tmột cách bệnh hoạn, và cũng nên hiểu rằng thân xác chỉ là tạm bợ mà thôi).
 
Câu 157
 
Hành động của tôi là của cải của riêng tôi;
Hành động của tôi là gia tài mà tôi thừa hưởng; 
Hành động của tôi là chiếc tử cung cưu mang tôi; 
Hành động của tôi nhào nặn ra bản tính của tôi. 
Hành động của tôi cũng là nơi an trú cho chính tôi.
 
(vì thế cũng nên tạo cho mình một nơi an trú an vui và tinh khiết).
 

 

Bures-Sur-Yvette, 08.08.21
Hoang Phong chuyển ngữ
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/09/2010(Xem: 6675)
Sinh trưởng tại miền Đông Tây-Tạng vào năm 1936, Trưởng Lão Đại Sư Garchen Rinpoche thuộc giòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 -- đệ tử tâm truyền của ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng phái Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời đại Cổ Ấn, Đại Sư Garchen Rinpoche chính là hoá thân của đại thành tựu giả Thánh Thiên (Aryadeva), vị đệ tử đản sanh từ bông sen của ngài Long Thọ Bồ Tát. Vào thế kỷ thứ 7, Đại Sư Garchen Rinopche là Lonpo Gar tức vị khâm sai đại thần của Pháp vương Songsten Gampo, vị vua lừng danh trong lịch sử Tây-Tạng
28/09/2010(Xem: 5932)
Vũ trụ bao la rộng lớn với vô vàn những hình thù khác nhau, nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng đều được hình thành nên từ đơn vị vật chất cơ bản là nguyên tử.
27/09/2010(Xem: 4959)
“Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học học đầu tiên mà tôi học được từ thầy của mình cách đây 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành một chú tiểu.
23/09/2010(Xem: 5452)
Duyên khởi có nghĩa là hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thời “tất cả pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều không”. “Không” có nghĩa là “vô tự tính”, không có yếu tính quyết định. Với lời tuyên thuyết của Bồ tát Long Thọ: “Các pháp do duyên khởi nên ta nói là Không” (Trung luận, XXIV.18), đa số học giả sử dụng Không và Duyên khởi như đồng nghĩa.
22/09/2010(Xem: 7043)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
18/09/2010(Xem: 4601)
Khi mỗi cá nhân có cái nhìn chánh tri kiến trong vấn đề giới tính, ắt hẳn họ sẽ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Mỗi gia đình đều có một đời sống như vậy sẽ góp phần thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn xã hội, cho mỗi quốc gia dân tộc.
11/09/2010(Xem: 3983)
Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông… Sở dĩ chúng ta dùng chữ “học thuyết”, như một lý thuyết triết học, vì khi chỉ nghiên cứu trên bình diện tư tưởng và khái niệm - và đó là việc chúng ta đang làm - thì nó là một học thuyết (chân lý tương đối, tục đế). Còn ngày nào chúng ta thật sự thể nghiệm được Chân Như thì đó không còn là một học thuyết, một ngón tay chỉ mặt trăng, mà đó chính là chân lý tuyệt đối, chân đế, là chính mặt trăng.
10/09/2010(Xem: 59443)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
08/09/2010(Xem: 5035)
Thế giới có thể vượt qua cực điểm của nó rất nhanh trong tương lai gần đây và đi ngang qua điều không thể tránh những sự tác động to lớn trong tương lai lên loài người và những sự sống khác trên hành tinh. Ai sẽ chịu trách nhiệm thực sự hay trách nhiệm đạo đức? Những nhà khoa học? Phương tiện truyền thông? Những sự quan tâm đặc biệt? Những nhà chính trị? Công luận ngày nay? Con cái hay cháu chắt chúng ta? Ai sẽ phải trả giá này?
06/09/2010(Xem: 6872)
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hoá Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quan một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]