Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sinh Phật bất nhị

30/03/202013:07(Xem: 10941)
Sinh Phật bất nhị

ht nhat hanh-ht thanh tu

Sinh Phật bất nhị

Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)

Vào hạ bán thế kỷ thứ 20, những nhà thần học cho rằng: Tuy Thượng đế không phải là một con người nhưng Ngài cũng không ít hơn một con người. God is not a person but is not less than a person. Người ta đi tới quan niệm: Thượng đế không phải chỉ là một con người. Đó là một bước tiến rất lớn!

Trong đạo Bụt chúng ta có quan niệm chúng sinh và Bụt. Chúng sinh là những người mê mờ đang đau khổ và Bụt là một người giác ngộ không còn đau khổ. Chúng ta thường phân biệt chúng sinh khác với Bụt. Ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng khi đã thành Bụt thì không còn là chúng sinh nữa. Nhưng quan niệm đó không đúng với cái thấy của Phật giáo đại thừa.

Theo cái thấy của Phật giáo đại thừa, nếu không có chúng sinh thì không có Bụt. Đó là lý thuyết: Sinh Phật bất nhị 生 佛 不 二, tức Bụt và chúng sinh không phải là hai cái riêng biệt. Cái này không thể có ngoài cái kia. Chúng sinh và Bụt không phải là hai thực thể riêng biệt. Sở dĩ có Bụt là nhờ có chúng sinh, không có chúng sinh thì không bao giờ có Bụt. Bụt và chúng sinh là một cặp, tuy bề ngoài có vẻ như đối lập nhau nhưng phải nương nhau mà thành. Cũng như bùn và sen, không có bùn thì ta không thể có sen.

Theo giáo lý duyên khởi thì tất cả đều là duyên sinh. Nhìn vào con người ta thấy những yếu tố không phải con người như đất đá, cây cỏ, cầm thú. Những yếu tố như đất, nước, lửa, gió lâu ngày có đủ điều kiện thì sinh ra cây cỏ và những loài chúng sinh, rồi từ những loài chúng sinh phát sinh ra con người. Nếu lấy những loài khoáng chất, cây cỏ và cầm thú ra khỏi con người thì con người không còn nữa. Vì vậy con người cũng là đất đá, cây cỏ và cầm thú. Ta không thể cho rằng khi trở thành con người rồi thì ta không còn là đất đá, cây cỏ và cầm thú nữa. Ta vẫn tiếp tục làm đất đá, cây cỏ và cầm thú tại vì những yếu tố không phải con người vẫn còn trong ta.

Tuy đã là Bụt rồi nhưng những yếu tố không phải Bụt vẫn còn trong Bụt. Trong Bụt có những yếu tố như: chúng sinh và những khổ đau, những phiền não, những si mê đã được chuyển hóa. Nhìn vào sen ta thấy những yếu tố không phải sen như là bùn. Nếu muốn tiếp tục làm bông sen thì sen phải sử dụng chất bùn để làm ra sen. Ta đã là con người, nhưng nếu không có đất đá, cây cỏ và cầm thú thì ta không thể tiếp tục làm con người. Vì vậy con người và cái gọi là sinh môi không phải là hai cái khác nhau, hai cái phải dựa trên nhau mà có. Chừng nào không còn chúng sinh thì cũng không còn Bụt. Chừng nào không còn đất đá, thảo mộc, cầm thú thì không còn con người. Vì vậy ta đừng nên hy vọng hão huyền là khi thành Bụt rồi thì ta vĩnh biệt chúng sinh. 

Sinh Phật bất nhị là cái thấy bất nhị (non dualistic) và cái thấy này phải được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp như tay trái và tay phải, chừng nào có tay phải thì có tay trái. Tay phải không thể có mặt một mình mà không cần tay trái. Phật và chúng sinh hay con người và đất đá, cỏ cây, cầm thú cũng như vậy: không có cái này thì không có cái kia. Đó gọi là duyên sinh, là tương đãi.

Thành Bụt rồi có còn thực tập nữa không?
Trong Bụt có hạnh phúc, có tuệ giác, có bồ đề. Bồ đề ngược lại với phiền não, tuệ giác ngược lại với si mê và hạnh phúc ngược lại với khổ đau. Nhưng theo tuệ giác mà ta có được do sự quán chiếu thì tất cả đều vô thường. Không phải chỉ có khổ đau là vô thường mà hạnh phúc cũng vô thường. Không phải chỉ có phiền não là vô thường mà bồ đề cũng vô thường. Tuy có bồ đề nhưng nếu ta không tiếp tục tu thì bồ đề của ta cũng hao mòn. Ta đừng tưởng một khi có bồ đề rồi thì ta sẽ có nó mãi mãi, tại vì bồ đề cũng vô thường. Có khi ta có giác ngộ nhưng vì ta không biết nuôi nấng nên giác ngộ đó lu mờ và ta không sử dụng được. Điều này ta thấy rất rõ: Có nhiều cái ta đã biết rồi nhưng ta không đem ra sử dụng, ta hành xử giống như ta không có tuệ giác.

Bụt cũng vô thường, vô ngã. Nếu muốn tiếp tục làm Bụt thì ta phải tiếp tục sử dụng chất liệu khổ đau, phiền não và si mê để chế tác hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác. Chúng ta thường đặt câu hỏi: “Thành Bụt rồi có còn thực tập nữa không?” Câu hỏi này rất đơn sơ nhưng cũng rất quan trọng. Phần lớn trong chúng ta, có thể nói là 99% thường nghĩ rằng: Khi đã thành Bụt rồi thì ta khỏi tu nữa, tại vì thành Bụt là có bồ đề, có tuệ giác, có hỷ lạc. Sự thật là Đức Thế Tôn vẫn đi thiền hành, vẫn ngồi thiền, vẫn thực tập An ban thủ ý. Hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác đều vô thường. Nếu muốn nuôi dưỡng nó thì Đức Thế Tôn phải tiếp tục thực tập và Ngài cũng sử dụng khổ đau, phiền não, si mê để tạo ra hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác. Bông sen, tuy đã thành bông sen nhưng vẫn không thể nhảy ra khỏi bùn. Muốn tiếp tục làm bông sen nó phải ở với bùn và tiếp tục sử dụng bùn.

Có thể nhận diện được Bụt qua những hình thái khác hay không?
Bụt Thích Ca có hình dáng của một con người. Ta biết rằng con người là một sinh vật sinh sau đẻ muộn, xuất hiện rất trễ trên địa cầu này, trễ hơn tất cả những chủng loại khác trên trái đất. Như vậy trước khi có Bụt thì không có tuệ giác, không có bồ đề, không có hạnh phúc hay sao? Trước khi có Bụt vẫn có tuệ giác, vẫn có bồ đề, vẫn có hạnh phúc, nhưng dưới hình thức khác. Bây giờ ta đặt một câu hỏi rất đơn sơ: "Có thể nhận diện được Bụt qua một hình thức khác, nghĩa là qua một hình thức không phải con người hay không?" Kinh Kim Cương nói rất rõ: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng." Nếu bị mắc kẹt vào tướng con người thì ta không thể thấy được Bụt. Bụt không phải chỉ là con người. Nếu đi tìm Bụt qua hình tướng, âm thanh thì sẽ không tìm ra được.

Nhược dĩ sắc kiến ngã 
Dĩ âm thanh cầu ngã 
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai

Ai đi tìm Bụt qua hình sắc, âm thanh thì người đó đang đi trên con đường tà và ít có cơ hội thấy được Như Lai. Vì vậy chúng ta đừng kẹt vào tướng Bụt là một con người. Bụt có thể là một hành tinh như trái đất. Trái đất của chúng ta là một vị Bụt. Trong trái đất có tuệ giác, có bồ đề, có hạnh phúc và nhiều đức tính khác. Vị Bụt này là một bà mẹ, Bụt không phải chỉ là đàn ông. Trong Cơ đốc giáo người ta thường nghĩ Thượng đế là đàn ông, Thượng đế không thể nào là đàn bà. Nhưng trong đạo Bụt thì có Phật bà. Trái đất là Phật bà, là một bà mẹ. Mẹ của ai? Mẹ của những vị Bụt dưới hình thái con người và mẹ của những vị Bụt dưới hình thái khác. Một cây thông hay một bông hoa hồng cũng là Bụt.

Không những con người thành Bụt thuyết pháp mà cây thông cũng đang thuyết pháp, bông hoa cũng đang thuyết pháp. Nó thuyết pháp về cái gì? Nó thuyết về vô thường, vô ngã, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần. Nhìn với con mắt của Phật giáo đại thừa ta thấy Bụt khắp nơi. Ta thấy Bụt nơi một đóa hồng, nơi một cây thông. Thấy được như vậy ta sẽ không có khó khăn để nhận diện trái đất là một vị Đại Bồ tát gọi là Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, hay nhận diện mặt trời là một vị Bụt gọi là Bụt Đại Nhật Như Lai. Không bị kẹt vào cái tướng thì ta nhận diện được Bụt dễ dàng hơn.

Chúng ta hay có tính kỳ thị. Nói tới bùn và sen thì ta thích sen, không thích bùn, ta kỳ thị bùn. Nhưng nếu không có bùn thì sẽ không có sen. Vì vậy không những trong sen có Phật tánh mà trong bùn cũng có Phật tánh. Trong kinh Bát Nhã có nói Phật tánh đó không dơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt. Ta phải có con mắt vô tướng, (animitta) thì mới có thể nhận diện được sự có mặt của Bụt. Bụt không chỉ có hình thức của một con người. Bụt có thể là một hành tinh, một bông hoa hay một viên sỏi. Vì vậy trong kinh nói: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Ta phải lấy đi cái ranh giới giữa Bụt và chúng sinh.

Bụt có trong ta, ta có trong Bụt
Trước khi lạy Bụt, ta được dạy phải quán chiếu tính duyên sinh của Bụt. Ta đọc bài "Năng lễ sở lễ tính không tịch." Đứng trước tượng Bụt ta nói: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài cũng duyên sinh như con vậy. Tự tánh của Ngài cũng là Không. Ngài được làm bằng những yếu tố không phải Ngài. Nhờ có phiền não, khổ đau mà Ngài có thể thành Bụt cũng như bông sen nhờ có bùn mới thành ra sen. Con thấy Ngài như vậy nên con thấy con trong Ngài.

Nhìn vào Bụt ta thấy tính Không (the nature of Emptiness) của Bụt. Ta thấy Bụt chứa đựng tất cả chứ không phải chỉ có trí tuệ, từ bi, bồ đề, hạnh phúc mà thôi. Nhìn lại mình, ta thấy mình không chỉ là chúng sinh, ta cũng có Phật tánh. Trong Bụt có ta và trong ta có Bụt. Thấy được như vậy rồi thì ta mới nên lạy xuống, lạy xuống như vậy mới có sự truyền thông. Nếu Bụt chỉ là Bụt và ta chỉ là ta thì không có sự truyền thông đích thực. Lấy đi ranh giới giữa ta và Bụt thì lạy Bụt mới có hiệu quả. Bụt không phải ở ngoài ta, Bụt ở trong ta, vì vậy khi lạy Bụt ta tiếp xúc được với Phật tánh trong mình. Nếu cho rằng Bụt khác với ta thì vĩnh viễn ta chỉ có thể là ta và Bụt chỉ là Bụt. Bụt không bao giờ trở thành ta và ta không bao giờ trở thành Bụt và không có sự thông cảm giữa Bụt và ta. Cảm ứng đạo giao nan tư nghì có nghĩa là sự cảm thông giữa Bụt và chúng sinh khó có thể diễn tả được, tại vì ta thoát khỏi cái thấy lưỡng nguyên phân biệt.

Trong kinh Kim Cương nói rất rõ: Ta có một ý niệm về ngã 我 , về nhân 人, về chúng sinh 眾 生, đó là ba ý niệm mà ta cần phải vượt thắng. Nhìn vào ngã ta phải thấy vô ngã, nhìn vào con người ta phải thấy những yếu tố không con người, nhìn vào chúng sinh ta phải thấy Bụt. Kinh Kim Cương dạy ta phải lấy đi bốn ý niệm là: ngã, nhân, chúng sinh và thọ mạng. Thọ mạng là đời sống của con người, lấy đi ý niệm về thọ mạng thì ta trở thành bất tử. Ta không chỉ có mặt ở đây trong 100 năm.

Không có ranh giới đích thực giữa hữu tình và vô tình
Ta cần phải thoát khỏi một ranh giới khác nữa, đó là ranh giới giữa hữu tình và vô tình. Hữu tình là chúng sinh, vô tình là những cái không phải chúng sinh như đất, nước, lửa, gió, khoáng vật. Vô tình, tiếng Anh là inanimate things). Một thi sĩ người Pháp đã hỏi: Objets inanimés, avez vous donc une âme? Hỡi các vật vô tri kia, chúng bây có một linh hồn hay không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một câu tương tự: Làm sao em biết bia đá không đau? Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Những vật vô tri đều có tình trong nó nên không thể gọi chúng là vô tình.

Học về lịch sử của trái đất, ta thấy lúc bắt đầu chỉ có các loại vô tình. Trong nước cháo thời nguyên thỉ (primordial soup) từ từ sinh ra các loại hữu tình đơn tế bào. Những sinh vật đơn tế bào sinh ra những sinh vật đa tế bào. Những sinh vật này từ dưới nước bò lên trên đất và trở thành rong rêu, cây cỏ, các loại cầm thú và thành con người. Vì vậy không có ranh giới giữa các vật vô tình và hữu tình. Hiện nay khoa học khám phá ra những vật mà ta cho là vô tình như những quang tử, những điện tử rất là thông minh. Nó có cái biết ở trong, ví dụ như nhìn vào một hột bắp ta không thể nói hột bắp là vô tình. Trong hột bắp có thức, có tài năng, có cái biết trong đó. Ta chỉ cần gieo hột bắp xuống đất thì nội trong bảy ngày nó biết nẩy mầm thành cây bắp con rồi tiếp tục làm lá, làm hoa và làm trái bắp. Hột bắp không vô tình, nó cũng là hữu tình.

Chúng ta được làm bằng những chất liệu vô tình. Giữa vô tình và hữu tình không có ranh giới đích thực. Vì vậy cho nên đất đá cũng có Phật tánh. Trong Thiền người ta thường hỏi: “Con chó có Phật tánh hay không?”. Không những con chó có Phật tánh mà cục đá kia cũng có Phật tánh. Chúng ta phải tìm cách vượt thoát ý niệm: Bụt chỉ là một con người. Chúng ta có một bài thiền hướng dẫn: Mời Bụt thở, mời Bụt ngồi. Bài tập rất hay và tôi đã thực tập rất nhiều. Khi ngồi xuống ta nói:

Mời Bụt thở nhẹ, 
mời Bụt ngồi yên


Bụt ở đây không phải là một thực tại ở ngoài mình. Ta nói: “Lạy Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy dùng lưng của con để ngồi, xin Ngài hãy dùng phổi của con để thở”. Bụt không phải là một cái ngã. Mỗi khi thở có an lạc, hạnh phúc, bình an là có Bụt. Mỗi khi ngồi có vững chãi, thảnh thơi là có Bụt. Bụt không phải chỉ là người, đồng nhất Bụt với con người là sai. Hễ có vững chãi, an lạc, thảnh thơi là có Bụt. Ta biết rằng Bụt không ngồi thì thôi, nếu ngồi thì Ngài ngồi rất thẳng và thoải mái; Bụt không thở thì thôi, nếu thở thì Ngài thở nhẹ và có ý thức. “Mời Bụt thở, mời Bụt ngồi”, ta đưa hai lá phổi cho Bụt thở, ta đưa lưng cho Bụt ngồi. Khi đó ta bắt đầu vượt thoát ý niệm: Bụt là một thực thể ở ngoài mình. Nếu Bụt thở bằng phổi của mình và ngồi bằng lưng của mình thì Bụt và mình rất là gần.

Bụt đang thở nhẹ, Bụt đang ngồi yên
Mình được thở nhẹ, mình được ngồi yên


Bụt đang dùng phổi của mình để thở, đang dùng sống lưng của mình để ngồi. Nếu Ngài đang thở nhẹ và đang ngồi yên thì mình cũng được thở nhẹ và cũng được ngồi yên. Ta không còn thấy Bụt là một cái gì ngoài mình nữa. Nếu ta thấy nhẹ và yên thì cứ như vậy mà thở. Bài tập này đưa tới thoải mái, hạnh phúc rất nhiều. Ta tiến thêm một bước nữa với bài tập thứ ba:

Bụt là thở nhẹ, Bụt là ngồi yên
Mình là thở nhẹ, mình là ngồi yên

Ta không thể tìm một vị Bụt ở ngoài “thở nhẹ và ngồi yên”. Là Bụt thì phải biết thở nhẹ và ngồi yên. Không biết thở nhẹ và ngồi yên thì không phải là Bụt. Bụt không phải là một hình hài, Bụt là sự có mặt của hơi thở nhẹ nhàng và dáng ngồi bình yên. Ta đi tìm Bụt ở đâu nữa? Ta thấy hơi thở đang nhẹ và dáng ngồi bình yên tức là đã có Bụt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cái nhìn vô tướng về Bụt. Mình cũng vậy, mình không có cái ngã riêng biệt. Mình là thở nhẹ, mình là ngồi yên. Vì vậy cái ranh giới giữa mình và Bụt được xóa liền lập tức.

Bụt là hơi thở nhẹ, Bụt là thế ngồi yên. Mình là hơi thở nhẹ, mình là thế ngồi yên. Như vậy ta và Bụt là một, ta vượt thoát cái nhị nguyên. Đi tới một bước nữa ta đốn ngã cái cây ngã chấp với bài tập thứ tư:

Chỉ có thở nhẹ, chỉ có ngồi yên
Không ai thở nhẹ, không ai ngồi yên


Đó là vô ngã. Có Bụt và có ta, nhưng ta và Bụt đều là hơi thở nhẹ, đều là dáng ngồi yên. Không cần phải có một chủ thể, một cái ngã. Với bài tập thứ tư ta vượt thoát ý niệm về một cái ta đang thở nhẹ và đang ngồi yên. Chỉ có sự thở nhẹ và sự ngồi yên đang xảy ra, mà không cần có một cái ta đang thở nhẹ hay đang ngồi yên.

Chúng ta thường nói: "Gió thổi" hay "Mây bay" hay “Mưa rơi”. Gió đã là thổi rồi, là gió thì không cần phải thổi nữa, nếu không thổi thì không phải là gió. Mưa mà không rơi thì không phải là mưa. Nhìn kỹ ta không thấy có một cái ngã chủ trương thổi hay chủ trương rơi. There is no blower, no rainer, there is only the wind and the rain. Không có Bụt và không có ta như những cái ngã, chỉ có thở nhẹ, chỉ có ngồi yên. Nhìn về địa cầu của chúng ta, ta thấy địa cầu cũng đang thở nhẹ, cũng đang ngồi yên. Ta không cần phải tưởng tượng Bụt dưới hình dáng một con người. Khi có sự yên tĩnh và an lạc thì có Bụt. Bụt không phải là một chủ thể. Đi tới bài tập thứ năm ta thấy rất rõ:

An khi thở nhẹ, lạc khi ngồi yên
An là thở nhẹ, lạc là ngồi yên


Có an và lạc là tại vì có thở nhẹ và ngồi yên. Không cần phải có người an và người lạc mà vẫn có thể có an lạc. Không cần phải có cái ngã rồi mới có an lạc. Nói tóm lại chỉ có thở nhẹ, ngồi yên và nhờ vậy có an và có lạc. Không cần có Bụt, không cần có ta mà an lạc vẫn có. Muốn tìm Bụt ta không cần phải trở về Ấn Độ của 2600 năm trước. Ta cũng không cần phải đi vô chùa, tại vì vô chùa ta chỉ thấy tượng Bụt bằng cẩm thạch hay bằng đồng. Nếu thấy Bụt bắt buộc phải là một con người có 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt là ta bị kẹt vì ta đi tìm Bụt qua hình tướng và âm thanh. Nếu ta ngồi yên, thở nhẹ, chế tác hỷ lạc và giải thoát thì ta thấy được Bụt thật mà không phải là Bụt bằng đồng hay bằng đá.

Xử lý phiền não là chế tác hạnh phúc
Chính nhờ những phiền não, bất an, lăng xăng, rối loạn nên ta mới có khuynh hướng đi tìm Bụt. Từ những bức xúc, khổ đau, buồn tủi đó ta chế tác ra chất thảnh thơi, an lạc cũng như nhờ bùn mà ta làm ra được bông sen. Vì vậy ta đừng nên chạy trốn phiền não, khổ đau. Nếu biết cách thì ta có thể sử dụng những phiền não, khổ đau để chế tác ra hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác.

Câu hỏi “Thành Bụt rồi có cần tu nữa hay không?” rất là hay. Thành Bụt là có hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác. Nhưng dù có rồi mà nếu ta không thực tập thì hạnh phúc, bồ đề, tuệ giác cũng đi mất từ từ. Vì vậy ta phải nuôi dưỡng nó bằng sự thực tập. Ta phải sử dụng khổ đau, phiền não và si mê để chế tác hạnh phúc, bồ đề và tuệ giác. Trong Phật giáo đại thừa nói rất rõ: Phiền não tức bồ đề, Niết bàn là sinh tử. Niết bàn và sinh tử là một cặp bài trùng, không có cái này thì không có cái kia, cũng như mặt trái và mặt phải là một cặp bài trùng, không có trái thì không có phải. Nghĩ rằng khi có Niết bàn rồi thì không còn sinh tử nữa là ta bị kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên. Một người đệ tử hỏi một vị thiền sư: Con phải đi tìm Niết bàn ở đâu? Thiền sư trả lời: Con đi tìm nó ngay trong sinh tử!

Nó là sinh tử, nhưng nhìn cho sâu thì nó cũng chính là Niết bàn. Sự thực tập hàng ngày của chúng ta phải thực tế. Với những bước chân, những hơi thở, những lời nói, ta phải tạo ra bình an, hỷ và lạc từ những chất liệu không bình an, không hỷ và không lạc. Ta phải luôn luôn sử dụng bùn để làm thành sen, sử dụng phiền não để chế tác bồ đề. Đó là công việc của chúng ta. Công việc chế tác hạnh phúc có liên hệ tới công việc xử lý phiền não. Xử lý được phiền não là chế tác được hạnh phúc. Hai công việc đó tuy hai nhưng thật ra là một. Ta đừng nên chạy trốn khổ đau, ta phải nắm lấy khổ đau và tìm cách chuyển nó thành ra hạnh phúc. Ta ngã ở đâu thì chống ở chỗ đó mà đứng dậy.

Pháp thoại ngày 01.12.2013 tại Xóm Thượng trong khóa An Cư Kiết Đông 2013-2014
(Làng Mai)

Ý kiến bạn đọc
31/03/202013:20
Khách
Con nhớ lời Sư Ông dạy trong bài tụng kinh Hạnh Phúc
Chính phiền não si mê
Ghanh ghét và hận thù , làm cho thế giới này trở thành nơi hỏa ngục
Nếu tu tập chuyển hoá
Chế tác năng lượng
Hiểu biết và thương yêu
Con sẽ có được tịnh độ ngay nơi này
Dù cuộc đời vô thường, dù sinh, lão, bệnh tử đã có đường đi rồi
Con không cần lo sợ
Hạnh phúc thay được sống trong tăng đoàn Thê' Tôn
Được hành trì giới định,
Vững chãi và thảnh thơi
Giờ phút này quý báu
Lòng biết ơn tràn dâng
Cui' lạy Đưc' Thê' Tôn chứng minh và Nhiêp' thọ
Thành kính tri ơn thầy Trụ trì Tu Viện Quảng Đưc'
Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni🙏🙏🙏
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/09/2010(Xem: 6675)
Sinh trưởng tại miền Đông Tây-Tạng vào năm 1936, Trưởng Lão Đại Sư Garchen Rinpoche thuộc giòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 -- đệ tử tâm truyền của ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng phái Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời đại Cổ Ấn, Đại Sư Garchen Rinpoche chính là hoá thân của đại thành tựu giả Thánh Thiên (Aryadeva), vị đệ tử đản sanh từ bông sen của ngài Long Thọ Bồ Tát. Vào thế kỷ thứ 7, Đại Sư Garchen Rinopche là Lonpo Gar tức vị khâm sai đại thần của Pháp vương Songsten Gampo, vị vua lừng danh trong lịch sử Tây-Tạng
28/09/2010(Xem: 5932)
Vũ trụ bao la rộng lớn với vô vàn những hình thù khác nhau, nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng đều được hình thành nên từ đơn vị vật chất cơ bản là nguyên tử.
27/09/2010(Xem: 4959)
“Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học học đầu tiên mà tôi học được từ thầy của mình cách đây 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành một chú tiểu.
23/09/2010(Xem: 5452)
Duyên khởi có nghĩa là hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thời “tất cả pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều không”. “Không” có nghĩa là “vô tự tính”, không có yếu tính quyết định. Với lời tuyên thuyết của Bồ tát Long Thọ: “Các pháp do duyên khởi nên ta nói là Không” (Trung luận, XXIV.18), đa số học giả sử dụng Không và Duyên khởi như đồng nghĩa.
22/09/2010(Xem: 7043)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
18/09/2010(Xem: 4601)
Khi mỗi cá nhân có cái nhìn chánh tri kiến trong vấn đề giới tính, ắt hẳn họ sẽ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Mỗi gia đình đều có một đời sống như vậy sẽ góp phần thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn xã hội, cho mỗi quốc gia dân tộc.
11/09/2010(Xem: 3983)
Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông… Sở dĩ chúng ta dùng chữ “học thuyết”, như một lý thuyết triết học, vì khi chỉ nghiên cứu trên bình diện tư tưởng và khái niệm - và đó là việc chúng ta đang làm - thì nó là một học thuyết (chân lý tương đối, tục đế). Còn ngày nào chúng ta thật sự thể nghiệm được Chân Như thì đó không còn là một học thuyết, một ngón tay chỉ mặt trăng, mà đó chính là chân lý tuyệt đối, chân đế, là chính mặt trăng.
10/09/2010(Xem: 59443)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
08/09/2010(Xem: 5035)
Thế giới có thể vượt qua cực điểm của nó rất nhanh trong tương lai gần đây và đi ngang qua điều không thể tránh những sự tác động to lớn trong tương lai lên loài người và những sự sống khác trên hành tinh. Ai sẽ chịu trách nhiệm thực sự hay trách nhiệm đạo đức? Những nhà khoa học? Phương tiện truyền thông? Những sự quan tâm đặc biệt? Những nhà chính trị? Công luận ngày nay? Con cái hay cháu chắt chúng ta? Ai sẽ phải trả giá này?
06/09/2010(Xem: 6872)
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hoá Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quan một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]