Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà

15/03/201405:28(Xem: 31731)
18. Chuyện Tình Của Chàng Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà

Mot cuoc doi bia 02
Chuyện Tình Của Chàng
Nhạc Sĩ Càn-Thát-Bà



Sớm hôm kia, không thông báo với ai, đức Phật ôm bát đi khất thực một mình. Sau khi thấy vật thực vừa đủ dùng, ngài ra phía ngoại ô, đi mãi về hướng đông thành Vương Xá (Rājagaha). Tại làng Ambasaṇḍā, trên núi Vediyaka đức Phật ngồi dưới gốc cây độ ngọ. Vì trời mưa lất phất và gió lạnh, ngài tìm vào hang động Indasāla để nghỉ trưa, sau đó, trú sâu vào đại định – là nơi tĩnh cư của bậc thánh. Đức Phật thấy có sự hữu duyên để hóa độ một chúng sanh lớn nên ngài tìm đến đây.

Trời Sakka vừa được Tứ đại Thiên vương lên chầu kể lại là vừa xuống Veḷuvana để thăm viếng đức Phật, sau đó tấu nhạc ca, rải hoa hương tán thán ngài như thế nào.

Trời Sakka mấy lúc này cơ thể rịn mồ hôi, mệt mỏi, rã rời dường như không còn hơi sức, màu sắc thiên bào và những tràng hoa mau phai nhạt, cảm giác chán nản ngũ dục - biết đấy là dấu hiệu sắp từ giã cõi trời – nên muốn xuống hầu Phật để nghe ngài giáo giới. Giấu chuyện buồn của mình, trời Sakka cười vui rồi nói:

- Các vị đã phỗng tay trên của ta! Ta cũng đang muốn xuống đảnh lễ, tán thán ngài, sau đó sẽ hỏi ngài vài câu hỏi quan trọng về sự sinh tử, về sự vui khổ của đời người. Một bậc Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian là khó lắm, chư vị biết không?

- Vâng! Hy hữu lắm! Vậy thì thiên chủ cứ đi, thưa thiên chủ!

- Ừ, ta sẽ đi! Vậy thì ta cùng với chúng chư thiên mang theo vị nhạc sĩ trưởng của thiên đình, có được không?

- Được lắm! Quý hóa lắm!

Sau khi Tứ đại Thiên vương đi rồi, trời Sakka cho triệu tập chúng thiên nam, thiên nữ 33 tòa cung điện, nói lý do cuộc thăm viếng này. Ai cũng hoan hỷ chuẩn bị sắc phục, mũ miện, trang điểm châu ngọc sáng ngời, phướn lọng rực rỡ, hoa hương thơm ngát...

Đế Thích cho gọi viên nhạc trưởng phụ trách ban ca vũ nhạc thiên đình là Pañcasikhā đến... Pañcasikhā là ai?

Cả thiên đình, hầu như ai cũng cảm thương chuyện tình của chàng nhạc sĩ tài hoa này. Các bậc có thắng trí kể lại rằng, thời Phật Kassapa, chàng là một trẻ chăn bò lêu lổng, ham chơi, ca hát líu lo suốt ngày như trẻ nít. Lớn lên, cái tính ham chơi, lêu lổng vẫn y như cũ, không chịu làm người lớn. Được cái là chàng kính tin Tam Bảo, luôn luôn tìm cách phục vụ đức Phật và chư tăng. Nghiệp ấy, mệnh chung, chàng hóa sanh làm con của càn-thát-bà nhạc sĩ trưởng của thiên đình. Vì không thích làm người lớn, tính khí, thói quen sao thì nghiệp tạo như vậy - nên hình vóc chàng như chú tiên đồng mũm mĩm, da dẻ hồng hào, với 5 chỏm tóc trên đầu, ai cũng gọi là Pañca-sikhā, lâu trở thành tên(1). Do mầm giống cầm ca, nối nghiệp cha, Pañcasikhā phụ trách ban vũ nhạc kịch của cung đình. Nghệ sĩ là giống đa tình, chàng yêu si mê cô tiên nữ Suriya Vaccasā con của tiên ông Timbaru; nhưng trái ngang thay, cô tiên này không yêu chàng - cậu tiên càn-thát-bà(1)con nít trông như trái đào có năm chỏm tóc ấy – mà lại yêu thương Sikhaddhi, là con trai của Mātali, người đánh xe thân cận của Sakka!

Đế Thích nói với viên nhạc sĩ trưởng:

- Này, Pañcasikhā! Con có chuẩn bị sẵn được một bản nhạc, một ca từ nào tối thượng để dâng tặng bậc Chánh Đẳng Giác không?

- Dạ thưa, có ạ! Một khúc nhạc ca tuyệt vời!

Pañcasikhā nghĩ là tuyệt vời – vì thất tình, chàng nhạc sĩ đã sáng tác một ca khúc, như tiếng nhạc lòng chưa thổ lộ với ai, chưa tấu cho ai nghe! Hôm nay, chàng muốn dâng lên đức Thế Tôn nhạc khúc với ca từ vi diệu ấy, như được chắt ra từ máu của trái tim chàng! Và đấy chính là biểu lộ sự kính trọng tối thượng của chàng với đức Thế Tôn!

- Thế là tốt! Này Pañcasikhā! Ta nhờ ngươi một việc có được không?

- Xin thiên chủ cứ nói!

- Đến viếng thăm đức Thế Tôn có vẻ đường đột như thế này ta rất ngại. Các đức Chánh Đẳng Giác thường thích chỗ an cư tĩnh lặng. Vậy thì làm thế nào, khúc nhạc ca của ngươi, khi lọt vào tai đức Thế Tôn mà không quấy nhiễu ngài, lại còn như bước thăm dò, để rồi sau đó, ta được ngài cho tiếp kiến, được chăng?

- Dễ dàng thôi, thưa thiên chủ! Pañcasikhā tự tin đáp - Lời ca tiếng nhạc của con thì tảng đá cũng phải nghiêng tai, gió bão đi qua cũng phải ngưng lại; và những đám mây lang thang giang hồ kia cũng phải dừng chân giây lát để thảng thốt mà lắng nghe! Thiên chủ cứ yên chí đi! Đức Thế Tôn sẽ tiếp ngài bởi lời ca, tiếng hát và khúc nhạc cầm vi diệu của con!

- Ừ, vậy thì như thế này, Pañcasikhā! Hiện giờ đức Thế Tôn đang ở tại làng Ambasaṇḍā, núi Vediyaka, trong hang động Indasāla – phía Đông thành Rājagaha. Khi xuống dưới đó, ta và hội chúng chư thiên sẽ ngự giữa làng, xung quanh núi; còn ngươi thì tìm đến chỗ phải lẽ, không gần quá, không xa quá, chỉ vừa đủ cho tiếng nhạc du dương của nhà ngươi lọt vào tai ngài mà không làm phiền rộn ngài, được chăng?

Chú tiên đồng năm chỏm tóc tuân mệnh. Thế là từng đám mây... từng đám mây đủ màu, sáng rực, chói ngời giữa không gian, trong đêm, thoáng chốc đã bay đến nơi dự định. Họ ngự lác đác giữa làng và xung quanh núi Vediyaka.

Lúc ấy, đêm chưa khuya. Dân chúng quanh vùng hớt hải, ngạc nhiên vùng thức dậy. Họ ào ào ra sân, ra vườn:

- Núi Vediyaka có lẽ bị cháy?

- Núi Vediyaka có lửa sáng rực?

- Bên trên ngôi làng Ambasaṇḍā cũng thế!

Có bậc thức giả nhiều kiến văn, chăm chú nhìn hiện tượng lạ, nói rằng:

- Không phải đâu, chư vị! Giữa hư không thế kia thì đâu có cỏ, có rác, có cây khô... mà lửa cháy!

- Đúng rồi! Vậy thì cái gì mà sáng rực vậy?

- Có lẽ đấy là ánh sáng của chư tiên ở cõi trời!

- Thế à? Họ hiện xuống đây làm gì?

- À, xem nào? Một người nói - Ở núi Vediyaka chắc hẳn có bậc đại thánh nhân nào ngụ cư ở đấy rồi chăng? Đây là hiện tượng chư tiên xuống chầu!

- Phải rồi! Nghe nói hồi trưa nay, có đại sa-môn Gotama đi sâu vào trong đó!

- Đích thị rồi!

- Vậy thì sớm mai, chúng ta hãy vào đảnh lễ, cúng dường ngài cho có phước! Là vị đại A-la-hán đấy!

Trong lúc ấy, Pañcasikhā cầm cây đàn Beḷuva, cẩn trọng tìm chỗ vừa tầm, đứng không gần, không xa hang núi Indasāla. Lựa tìm một chỗ ngồi, lắng nghe hướng gió, chàng dạo đầu một khúc nhạc như âm thanh tự nhiên giữa đất trời: Đấy là tiếng lá reo qua cành trúc, là tiếng suối chảy giữa khe sâu, là tiếng muôn chim hợp tấu giữa rừng xuân! Chàng nhạc sĩ nghĩ thầm: “Ta không dám đánh lừa lỗ tai của đức Đại Giác – nhưng ta phải lấy âm thanh tự nhiên ấy, chuyển mạch, chuyển tiết tấu để đi vào khúc đàn lòng của ta mới không đột ngột!” Pañcasikhā bèn nghĩ tiếp rằng:“Vậy cũng chưa đủ, chưa xứng với danh tài của ta! Bọn càn-thát-bà nhạc sĩ “tỉnh lẻ”, thuộc hạ của Trì Quốc thiên vương kia, khi tấu nhạc, nhạc còn tỏa mùi hương của lá, của hoa... thì ta cũng cho vào nhạc những hương liệu của cõi trời mà nhân gian này không có được!” Thế rồi, khúc nhạc quyện lẫn với ca từ vi diệu, quyện lẫn với những mùi hương lạ lùng - đã được tấu lên, được hát lên... tha thiết... mê ly... say đắm làm xao xuyến cả trời đất, cỏ cây.

Đức Phật lúc ấy đã xuất định. Ngài biết mọi chuyện. Ngài biết rõ khúc nhạc tình si mê của Pañcasikhā, cả nhân và quả của nó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Đức Phật mỉm nụ cười trong tâm, ngài lắng nghe từ đầu.

“- Ôi! Suriya Vaccasā!

Ta đảnh lễ Timbaru

Bậc thân phụ của nàng

Đã sanh nàng thiên nữ

Nguồn hạnh phúc của ta

Như gió cho kẻ mệt

Như nước cho kẻ khát

Nàng là tình của ta

Như Pháp với đức Phật

Như thuốc cho người bệnh

Thức ăn cho kẻ đói

Thiên nữ với nước mát

Hãy dập tắt lửa tình!

Như voi bị nắng thiêu

Tắm mình hồ nước ngọt

Có cánh sen, nhụy sen

Cũng vậy, ta muốn chìm,

Chìm sâu vào ngực nàng

Như voi bị xiềng xích

Hất móc câu, gậy nhọn

Ta điên vì ngực nàng

Hành động ta rối loạn

Tâm ta bị nàng trói

Tháo gỡ thật vô phương

Rút lui cũng bất lực

Như cá đã mắc câu

Hiền nữ hãy ôm ta

Trong cánh tay của nàng!

Hãy ôm ta, nhìn ta

Trong ánh mắt dịu hiền

Hãy ghì chặt lấy ta!

Thiên nữ, ta van nàng!

Ôi! Hiền nữ suối tóc!

Ái dục ta có bao,

Nhưng nay đã tăng bội!

Như đồ chúng đức Phật,

Mọi công đức ta làm

Xin dâng lên đức Phật!

Ôi! Kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả cho ta

Công đức khác của ta

Đã làm trên đời này

Ôi! Kiều nữ toàn thiện,

Nàng là quả của ta

Vị Thích tử thiền tu

Nhất tâm và giác tỉnh

Tầm cầu đạo bất tử

Cũng vậy, ta cầu nàng!

Như người tu sung sướng

Chứng bồ-đề tối thượng

Kiều nữ, ta sung sướng

Được nhập một với nàng!

Nếu thiên chủ Sakka

Cho ta một ước nguyện

Ta ước nguyện được nàng

Vì ta quá yêu nàng

Như ta-la sanh quả

Tuệ nữ, phụ thân nàng

Ta sẽ đảnh lễ ngài

Vì sanh nàng toàn vẹn!”(1)

Khúc nhạc tình si chấm dứt mà nước mây núi rừng Vediyaka còn bồi hồi, xao xuyến. Cả không gian chợt lắng lại như còn chìm sâu trong âm hưởng mộng mị.

Đức Phật cất giọng phạm âm, nghe rõ mồn một trong tai hội chúng chư thiên, nhất là với chàng nhạc sĩ:

- Này Pañcasikhā! Âm thanh những sợi dây đàn của ngươi hòa điệu tuyệt vời với ca từ, với giọng hát của ngươi, và ngược lại. Cầm đàn không thêm sắc màu gượng ép cho ca từ mà ca từ cũng không phô trương, cường điệu so với cầm đàn. Đúng là nhạc sĩ trưởng tài hoa của thiên đình - Tiếng của đức Phật chợt như đi xuyên vào tâm não của chàng nhạc sĩ hơn - Nhưng mà này Pañcasikhā! Ngươi sáng tác khúc ca ấy lúc nào, duyên cớ bởi sao mà ngươi dám ví nàng ấy và ngươi - giống như pháp với Như Lai? Ngươi tầm cầu nàng lại đem so như hành giả tầm cầu đạo bất tử? Ngươi sung sướng nhập một với nàng lại xem như Thích tử chứng bồ-đề tối thượng?(1)

Pañcasikhā cất giọng sầu não:

- Đúng vậy! Đức Thế Tôn la rầy con là đúng lắm! Con sáng tác khúc ca ấy vào thuở ngài thành đạo dưới cội Bồ-đề, nghĩa là vừa mới đây thôi. Biết sao hơn, đối với con, nàng là tối thượng. Ca từ và nhạc điệu vừa rồi là tiếng lòng vi diệu nhất của con. Vậy sự so sánh, ví von ấy, đối với con, bây giờ đây - là chân thật nhất, là tối thượng nhất, bạch đức Thế Tôn!

Rồi, anh chàng nhạc sĩ cả gan kể lại chuyện tình của mình cho đức Phật nghe!

Đế Thích thiên chủ tự nghĩ: “Đức Phật không đuổi Pañcasikhā mà chăm chú lắng nghe, còn tỏ vẻ thông cảm với anh chàng nhạc sĩ si tình này nữa! Ta có cơ hội rồi!”

Pañcasikhā, sau đó, không quên nhiệm vụ của mình:

- Bạch đức Thế Tôn! Thiên chủ Sakka, đình thần và thuộc hạ thiên chúng mong được diện kiến, đảnh lễ, vấn an sức khỏe của Người; sau đó được học hỏi về giáo pháp.

Đức Phật im lặng nhận lời. Thế rồi, khi thiên chủ Sakka và hội chúng được phép đi vào; họ dùng thần lực làm cho chiếc hang sáng và rộng thêm ra. Ai cũng đến đảnh lễ đức Phật và tìm đứng nơi phải lẽ.

Đức Phật nói:

-Thật là đột ngột khi thiên chủ ghé thăm Như Lai! Thật là kỳ diệu khi thiên chủ có nhiều trách nhiệm để gánh vác – mà còn có thì giờ vân du đến hang núi này.

- Bạch đức Thế Tôn! Quả vậy, cõi trời 33 thật quá nhiều việc phải làm. Nay bị ngăn trở việc này mai bị ngăn trở việc khác nên không thể đến hầu đức Thế Tôn thường xuyên được!

Đức Phật biết tâm tư và nguyện vọng của Sakka nên bắt đầu chuyển hướng câu chuyện:

- Ừ, Như Lai biết thiên chủ có đức tin – nhưng nhiều thuộc hạ của thiên chủ chưa có đức tin.

- Quả thật vậy, bạch đức Thế Tôn! Có nhiều việc lợi ích hiện tiền, thấy rõ trước mắt nhưng con cũng chưa thuyết phục được thuộc hạ của con. Con đã từng nói với họ rằng, lúc nào một đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện thì thiên giới tăng thịnh còn A-tu-la suy giảm. Rồi con kể ví dụ cụ thể cho họ nghe. Thuở đức Thế Tôn về thăm Kapilavatthu, có Thích nữ Gopakā đã già, kính tin Tam Bảo, đầy đủ quy giới, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiên giới, làm một vị thiên tử, là con trai của con, được thọ hưởng phú túc năm món dục lạc. Ngược lại có ba vị tỳ-khưu mà Thích nữ kia thường hộ độ, do tu hành mà còn lơ là, còn quá ham chơi nên được sanh làm càn-thát-bà hạ đẳng, phải hầu hạ vị thiên tử kia. Xét như vậy, Tam Bảo là phước điền vô thượng, ai không có đức tin, không có quy giới, không biết bố thí, cúng dường, không lo tu tập thì thật uổng phí một đời!

Từ tâm và trí của Đế Thích được dọn sạch như vậy; và những câu hỏi của ông ta liên hệ những ác pháp, tương duyên phát sanh như thù nghịch, ác ý, tật đố, xan tham, ưa ghét...vọng tưởng, hý luận... rồi nào là hỷ, ưu, xả trên lộ trình tiến tu như thế nào - đức Phật đã cặn kẽ giảng nói từng điểm một, giải thích chu đáo cho Đế Thích nghe hiểu. Cuối buổi vấn đáp, Đế Thích thâu hái được những điều lợi ích sau đây: Thấy được tái sanh, sáng suốt chọn thai bào, sống với chánh niệm, tỉnh giác, tương lai sẽ gặt quả Bồ-đề, hết thân cõi trời sẽ hóa sanh vào sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha) rồi Niết-bàn ở đấy không trở lại trần gian nữa! Nói cách khác, Đế Thích hân hoan quá khi biết mình đã thấy pháp, đã bất thối với Con Đường! Còn nữa, còn điều kỳ diệu nữa, ngoại trừ đức Phật, không ai thấy, là Đế Thích mạng chung rồi hóa sanh ngay tức khắc trở lại làm Đế Thích với sinh lực cuồn cuộn như được thay da đổi thịt, thay thân hoán cốt.

Hỷ lạc đầy ắp cả người, Đế Thích nói:

- Này Pañcasikhā! Ngươi đã giúp ta quá nhiều việc; và tối thượng nhất là nhờ ngươi mà ta được diện kiến đức Thế Tôn, được nghe những lời pháp bất tử! Để đền ơn ngươi, thứ nhất là từ bây giờ, ta đặc phong cho ngươi làm vua càn-thát-bà với đầy đủ mọi danh vọng và mọi danh xưng, uy nghi, hiển hách! Thứ hai, ta sẽ đóng vai thân phụ ngươi rồi ta sẽ tìm cách cưới nàng Suriya Vaccasā làm vương hậu cho ngươi, được chưa?

Vậy là chuyện tình si của chàng nhạc sĩ Pañcasikhā chấm dứt, từ rày về sau, ta chỉ còn được biết đến, Pañcasikhā - ông vua Càn-thát-bà cao sang mà thôi!



(1)Pañca là số năm, sikhā là chòm, là chỏm.

(1)Tuy vẫn ở cõi tiên nhưng thân phận thấp kém, phải hầu hạ chư thiên, ví dụ biểu diễn ca vũ nhạc kịch... cho các vị vua trời và thiên chúng xem.

(1)Xem Đế Thích sở vấn, Trường bộ kinh 2, trang 150 – 153.

(1) Nhận thấy đây là câu chuyện thú vị, độc nhất, hy hữu trong Tam Tạng – nên tác giả xin cung cấp thêm một dị bản - Trường A-hàm, do Tuệ Sỹ dịch và chú. Kinh văn đoạn này như sau: “Rồi ông (Pañcasikhā – Ban-giá-dực) cầm đàn lưu ly đến trước Phật. Cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly, và hát lên bài kệ rằng: Bạt-đà ơi! Kính lễ phụ thân nàng. Sinh ra nàng cát tường. Mà tâm ta rất thương yêu. Vốn do nhân duyên nhỏ. Dục tâm sinh trong đó. Càng ngày càng lớn thêm. Như cúng dường La-hán. Thích tử chuyên bốn thiền. Thường ưa chốn thanh vắng. Chính ý cầu cam lồ. Tâm niệm ta cũng vậy. Đức Năng Nhân phát đạo tâm. Tất muốn thành Chánh Giác. Như tôi nay cũng vậy. Ước ao hội họp với người con gái ấy. Tâm tôi đã đắm đuối. Yêu thương không dứt được. Muốn bỏ, không thể bỏ. Như voi bị móc câu kềm chế. Như nóng bức mà gặp gió mát. Như khát mà gặp con suối lạnh. Như người nhập Niết-bàn. Như nước rưới tắt lửa. Như bệnh gặp lương y. Đói, gặp thức ăn ngon. No đủ, khoái lạc sinh. Như La-hán an trú pháp. Như voi bị câu móc kềm chặt. Mà vẫn chưa khứng phục. Bươn chạy, khó chế ngự. Buông lung chẳng chịu dừng. Cũng như ao trong mát. Mặt nước phủ đầy hoa. Voi mệt, nóng, vào tắm. Toàn thân cảm mát rượi. Những gì trước, sau, tôi bố thí. Cúng dường các La-hán. Và phước báu tôi có trong đời. Thảy mong được cùng nàng. Nàng chết, tôi cùng chết. Không nàng, sống làm gì? Chẳng thà tôi chết đi. Còn hơn sống không nàng. Chúa tể trời Đao-lỵ. Thích chúa, nay cho tôi ước nguyện. Tôi đã ca ngợi người đủ lễ tiết. Xin người suy xét kỹ.” Khi ấy, Thế Tôn xuất khỏi tam-muội, nói với Ban-giá-dực rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Ban-giá-dực! Ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh hòa với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển làm rung động lòng người. Khúc đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó nói đến sự trói buộc của dục, và cũng nói đến phạm hạnh, cũng nói đến sa-môn, cũng nói đến Niết-bàn!”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/04/2017(Xem: 6053)
Đa số chúng ta, ít ra đã có một lần, từng đọc qua lời tuyên bố nổi danh của nhà bác học Albert Einstein, tôi xin dịch lại cho sát ‘ý của Einstein từ Tây sang.’ “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo của vũ trụ. Nó cao cả hơn một thượng đế nhân tạo và loại bỏ những giáo điều và thần học. Bao gồm cả thực tại và tâm linh, nó nên được đặt trên nền tảng của một tôn giáo trí tuệ, vượt trên tất cả những kinh nghiệm của hiện tại, tự tánh và Tâm Thức, đầy ý nghĩa ‘Đồng Nhất Thể.’ Phật Giáo đáp ứng được công án này. “The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description.” Albert Einsteinle
23/03/2017(Xem: 11163)
Thực tại, nghĩa là nơi chốn, chỗ, vị trí, cũng có tên không gian. Không gian, nói một cách tổng thể, là bề mặt của vũ trụ từ bao la, rộng lớn, cho đến hạn hẹp đối với mỗi con người chúng ta đang có mặt ở một nơi nào đó, như tại : Núi cao, thác ghềnh, quán cà phê, phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ăn, sân chùa,
20/03/2017(Xem: 12609)
Thức A-lại-da không phải là linh hồn. Đạo Phật bác bỏ không có linh hồn tồn tại trong một bản thể muôn loài hữu tình chúng sanh. Thức A-lại-da, là cái biết linh diệu của muôn loài, trong đó có loài người là tối thượng hơn tất cả. Cho nên Thức A-lại-da là con người thật của con người, chứ thể xác không phải là con người thật vì sau khi xác thân con người nói riêng, muôn loài chúng sanh nói chung bị chết đi, xác thịt sẽ bị bỏ lại, rồi từ từ tan rã thành đất, cát, tro, bụi bay tứ tung trong không gian, không thể mang theo qua bên kia cõi chết. Duy chỉ còn lại một mình thức A- lại-da ra đi và tồn tại trong một bản thể nào đó bên kia cõi chết.
20/03/2017(Xem: 8555)
Nhân dịp đức Phật về Thành Ca Tỳ La Vệ giáo hóa hay tin công chúa Da Du Đà La mới bảo con mình đến gặp Phật xin chia gia tài, Phật mới nói rằng ta bây giờ không còn nắm giữ tài sản thế gian, chỉ có tài sản của bậc Thánh, nếu con muốn ta sẽ chia cho con? La Hầu La nghe Phật nói liền chấp nhận và sau đó phát tâm xuất gia tu theo Phật. Các bạn biết gia tài tâm linh đó là gì không? Này các bạn, đức Phật của chúng ta trước khi đi tu vẫn có vợ có con, sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề thấu rõ mọi nguyên lý sai biệt như phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại trong cuộc đời đều do chính mình tạo lấy, sau đó Phật mới trở về tiếp chúng độ sinh. Bảy thứ gia tài Thánh nếu chúng ta biết ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày, thì chúng ta sẽ giàu có và tràn đầy hạnh phúc, không một ai có thể cướp đi được. Đức Phật của chúng ta đã thừa hưởng gia tài đó, nên đã không còn luyến tiếc cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, và thần dân thiên hạ.
20/03/2017(Xem: 10031)
Sau khi nhịp đập của con tim bị ngừng lại và cùng lúc 5 giác quan của toàn thân con người không còn biết cảm giác, gọi là Chết. Nhưng thức A-lại-da bên trong vẫn còn hằng chuyển liên tục và hoạt động một mình. Sự hoạt động đơn phương của nó y như lúc con người còn sống đang ngủ say.Thức A-lại-da hoạt động một mình, không có 5 giác quan của cơ thể bên ngoài cộng tác
16/03/2017(Xem: 8782)
Trong bài “Sức Mạnh Của Tâm” kỳ trước có nói đến Tâm là chủ tể. Đích thực, con người trên đời này làm nên vô số việc tốt, xấu, học hành, nên danh, nên nghiệp, mưu sinh sống đời hạnh phúc, khổ đau, cho đến tu tập phật pháp được giác ngộ thành Phật, thành Thánh, Nhân bản, v.v…đều do tâm chỉ đạo (nhất thiết duy tâm tạo). Qua đây cho ta thấy rằng; tâm là con người thật của con người, (động vật có linh giác, giác hồn thật siêu việt hơn tất cả các loài hữu tình khác trên trái đất này). Phi tâm ra, bản thân con người, chỉ là một khối thịt bất động.
16/03/2017(Xem: 9152)
Trong nghi thức Cầu Siêu của Phật Giáo Việt Nam, ở phần Quy Y Linh, có ba lời pháp ngữ: “Hương linh quy y PHẬT, đấng PHƯỚC TRÍ VẸN TOÀN – Hương linh quy y PHÁP, đạo THOÁT LY THAM DỤC – Hương linh quy y TĂNG, bậc TU HÀNH CAO TỘT” (chơn tâm – vô ngã). Ba lời pháp ngữ trên chính là ba điều kiện, ba phương tiện siêu xuất, có năng lực đưa hương linh (thân trung ấm) được siêu lên các cõi thiện tùy theo mức độ thiện nghiệp nhiều,
13/03/2017(Xem: 6517)
Chữ NHƯ được thông dụng rất phổ biến trong văn chương và lời nói thường nghiệm của các dân tộc trên thế giới và trong Phật Giáo . Trong văn chương, chữ Như được thấy ở một số trường hợp : Xác định, phủ định, tương tợ, không thực…(như ảo, như hóa) đối với các vật thể hiện thực.
11/03/2017(Xem: 9314)
Do vì đặc thù, cho nên bảy hạng đệ tử Phật (Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni, Sa di, Sa di ni, Thích xoa Ma na, Ưu Bà Tắt, Ưu Bà Di) từ trong thời Phật còn tại thế và hôm nay, ai cũng phải có tâm từ bi là một quy luật ắt phải có sau khi quay về Đạo Phật (Quy y tam bảo) trở thành Phật tử xuất gia. Được có tâm từ bi, là phải học và thực tập Phật Pháp. Dù là những oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong tập thể GĐPT, đều phải học đạo lý từ bi và thực tập từ bi, được thấy ở những câu: em thương người và vật, em kính mến cha, mẹ và thuận thảo với anh chi, em.
01/02/2017(Xem: 5437)
Một số tư tưởng Phật học sau đây cùng nói lên nghĩa của Ý Giáo : Ý tưởng mong muốn đem giáo Pháp giải thoát của Phật ra, giảng dạy cho mọi người được biết mà tu tập. Tâm thông đạt mọi khế lý, giáo nghĩa Phật pháp. Tự mình làm thầy lấy mình để sửa tâm. Tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hành giả vào đạo Phật để tìm con đường giải thoát
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]