Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Ta Thương Yêu Bản Thân Ta Nhất

27/11/201320:15(Xem: 26111)
11. Ta Thương Yêu Bản Thân Ta Nhất
mot_cuoc_doi_tap_5


Ta Thương Yêu

Bản Thân Ta Nhất


Đức vua Pāsenadi tự nghĩ:“Cái đẹp của hoàng hậu Mallikā tuy không phải sắc nước hương trời gì, cũng chẳng phải lộng lẫy, kiêu sa như các hoàng phi; nhưng đức tính mềm mỏng, hiền hòa, đôn hậu ở nơi nàng thì không ai sánh bằng. Ta thương yêu nàng là ở chỗ đó; và ta đã ban cho nàng châu báu, quyền lực, kể cả xen bàn việc nước. Bây giờ, từ khi gặp được giáo pháp của đức Tôn Sư, cái đẹp nữ tính kia dường như lại càng đằm thắm, dịu dàng, kín đáo hơn thế nữa! Ôi! Ta thương yêu nàng xiết bao! Dẫu biết càng thương yêu thì càng đau khổ, sầu não nhưng ta không thể xa nàng được, dầu một ngày!” Không giấu được cảm xúc, hôm kia, đức vua thổ lộ điều ấy với hoàng hậu, đắm đuối nhìn bà rồi nói:

- Ta thương yêu nàng như vậy nhưng không biết nàng thương yêu ta có như thế không?

- Dĩ nhiên là vậy rồi, tâu đại vương!

- Suy đi gẫm lại, trong những kẻ ta thương yêu thì nàng là người ta thương yêu nhất! Còn nàng thì sao? Ta có được nàng thương yêu nhất như thế chăng?

“Câu này đụng đến giáo pháp”, hoàng hậu Mallikā suy nghĩ cực nhanh rồi khôn khéo đáp:

- Thiếp thương yêu đại vương là điều chắc thật; và trên đời này, không có bất kỳ sự thương yêu nào, đối với người thứ hai, kể cả con cái, khả dĩ so sánh được. Tuy nhiên, nếu nói là thương yêu nhất thì điều đó nên xét lại cho chu đáo, cặn kẽ hơn... tâu đại vương!

Đức vua nhíu mày:

- Tại sao?

- Vì đức Thế Tôn có dạy trong một thời pháp rằng: “Trên thế gian, ai ai cũng thương yêu bản thân mình hơn tất thảy người khác, chúng sanh khác!”

Đức vua nhíu mày một lượt nữa:

- Thế là hậu thương yêu nhất là bản thân mình chứ không phải ta là người mà hậu thương yêu nhất?

Hoàng hậu Mallikā mỉm cười:

- Trước khi trả lời câu hỏi này, đại vương cho phép thiếp hỏi vài câu được chăng?

- Nàng cứ hỏi!

- Tại vì sao mà đại vương thương yêu đại tướng quân Bandhula?

- À, việc ấy ta sẽ kể lại chuyện xưa. Thuở ấy, cùng học tại trường đại học ở Takkasilā, ta có hai người bạn thân. Một, đó là Bandhula, thái tử dòng tộc Malla, thành phố Kusinārā; hai, Mahāli, thái tử thuộc dòng tộc Licchavi, kinh thành Vesāli! Cả ba chúng ta đều học hành thông đạt, thay nhau đứng đầu lớp. Về nước, ta lên ngôi vua; thái tử Mahāli do biểu diễn võ nghệ bị mù mắt nên chỉ nhận một chức quan khiêm tốn. Thái tử Bandhula do bất mãn dòng tộc nên mang cả gia đình đến đây ở với ta, ta phong cho y chức đại nguyên soái thống lãnh ba quân(1). Y rất giỏi, giỏi nhiều lãnh vực, riêng văn võ thì song toàn, chỉ có y ta mới tâm sự được chuyện này chuyện kia trong triều, ngoài nội. Có y làm đại tướng quân thì chẳng có ông vua nào dám cả gan vuốt râu hùm, manh tâm dòm ngó biên cương, lãnh thổ; nhờ vậy ta rất yên tâm, gối cao nằm ngủ... Một con người như thế ta không thương yêu làm sao được!

Hoàng hậu mỉm cười:

- Rất là chí lý! Đại vương thương yêu vị tướng quân ấy là vì y đang cầm lưỡi gươm thiêng bảo vệ sơn hà xã tắc cho đại vương?

- Đúng vậy!

- Còn muôn dân Kosala và Kāsi, đại vương thương yêu họ là vì sao?

- Vì nhờ muôn dân Kosala cung cấp lúa gạo, các ngành nghề thủ công, vũ khí, sức mạnh quân đội vô địch mà nước ta trở thành hùng cường và giàu mạnh... Nhờ muôn dân ở nước chư hầu Kāsi mà ta có được gỗ chiên-đàn, tơ lụa, gấm vóc, hương liệu, vòng hoa, tràng hoa, phấn sáp cùng những nghệ nhân, nghệ sỹ tuyệt vời... Ôi! Ta thương yêu họ lắm! Không có họ thì ta không có gì cả, không là cái gì cả...

- Thế thì nhờ họ mà đại vương trở thành một vị vua oai danh bốn biển, làm chúa chư hầu?

- Quả vậy!

- Thế còn bé Vajirī ? Tại sao đại vương lại thương yêu tiểu công chúa?

- Tiếng khóc, nụ cười, sự vòi vĩnh, sự ngây thơ, hồn nhiên của nó làm ấm áp trái tim ta biết bao nhiêu! Ôi! Nó như là niềm vui, là sự sống thứ hai của ta vậy!

- Thế còn thiếp? Tại sao đại vương lại thương yêu thiếp?

- Nàng là người chia ngọt, sẻ bùi, nâng khăn sửa túi, đầu gối tay ấp của ta! Ôi! biết bao nhiêu là mặn nồng hương lửa, phải nói là ta thương yêu nàng là đệ nhất!

Đến đây, hoàng hậu Mallikā bắt đầu tấn công:

- Đại vương thương yêu tướng quân Bandhula vì y đã giữ gìn quốc độ cho đại vương! Đại vương thương yêu muôn dân Kosala và Kāsi vì nhờ họ mà đại vương oai danh bốn biển! Đại vương thương yêu bé Vajirī vì nó làm cho trái tim đại vương ấm áp! Đại vương thương yêu thiếp là vì thiếp nâng khăn sửa túi, đầu gối tay ấp cho đại vương! Tất cả sự tình ấy, tất cả sự thật ấy nói lên điều gì? Nó nói rằng, mọi sự thương yêu kia là vì đại vương, bởi đại vương, đổ dồn về cho đại vương; nói cách khác, điều ấy chứng tỏ đại vương thương yêu bản thân mình nhất! Vậy thì thuyết ngôn của đức Đạo Sư:“Trên thế gian, ai ai cũng thương yêu bản thân mình hơn tất thảy người khác, chúng sanh khác!” là chân lý, là sự thật ngàn đời có phải thế chăng? Do vậy, nên thiếp không dám nói đại vương là người mà thiếp thương yêu nhất! Ai cũng thương yêu bản thân mình nhất, tâu đại vương!

Đức vua Pāsenadi nín lặng. Sự thật mà hoàng hậu Mallikā minh giải với nhiều ví dụ cụ thể làm cho đức vua không thể biện hộ lấy một lời.

Bà còn cất giọng chậm rãi:

- Nếu đại vương chưa tin lời thiếp nói thì đại vương hãy đi yết kiến đức Đạo Sư; ngài có thể giảng nói rộng rãi về điều ấy!

- Ta tin rồi! Đức Thế Tôn cùng tuổi với ta, dẫu ta là vua nhưng ta cảm giác ngài ngại khi gặp vị ấy. Có cái gì nơi vị ấy thanh tịnh quá, uy nghiêm quá, cao cả quá nên ta sợ! Vậy nàng có nghe đức Đạo Sư đã từng giảng giải rộng rãi về điều ấy như thế nào, hãy nói lại cho ta nghe cũng được!

Đọc được sự thành khẩn của đức vua nên hoàng hậu xem đây là cơ hội bằng vàng ròng để đưa đức vua vào giáo pháp nên bà tuyên thuyết:

- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn bảo, những người ác giới, tà hạnh, thực hiện những việc xấu xa, độc ác thì vô tình đã tự ghét bỏ bản thân; vì khi làm vậy, họ đã tự tạo cảnh giới đau khổ, thống khổ cho mình trong bốn đường ác. Nhưng những người có giới hạnh, có bố thí, có đức tin, làm những việc lành tốt là biết thương yêu bản thân; vì khi thực hiện như vậy, họ đã tự tạo cảnh giới an vui, hạnh phúc cho mình trong các cõi người và cõi trời!

Vậy người biết thương yêu bản thân mình một cách chơn chánh thì còn phải biết thương yêu và kính trọng Tam Bảo, là đức Phật, đức Pháp, đức Tăng nữa. Tại sao vậy? Vì trọn vẹn ý nghĩa Tam Bảo, chứa đựng trong Tam Bảo gồm có những năng lực giác tánh, tinh minh, là sự thật, là chân lý muôn đời, là nguồn sáng, là trí tuệ; là ngọn đèn minh triết cao cả và xán lạn soi đường, chỉ lối cho ta từ chỗ tối tăm và mê mờ đến nơi sáng sủa và quang minh, tâu đại vương!

- Ta biết rồi! Ta thấy rồi!

- Còn nữa, tâu đại vương! Khi ta có sự thương yêu bản thân mình một cách chơn chánh như thế rồi, từ cái tâm ấy sẽ phát sanh nhiều điều kỳ diệu nữa. Đức Thế Tôn còn dạy rằng: Khi bản thân mình biết khổ, biết vui thì bản thân chúng sanh khác cũng biết khổ, biết vui như thế. Vậy đừng vì lợi mình mà hại người, đừng vì bản thân mình mà tạo đau khổ cho người khác. Nghĩ thế, vị ấy bắt đầu bỏ đao, bỏ gậy, bỏ trượng, bỏ kiếm; bỏ sát sanh hại vật; bỏ trộm cắp, bỏ lấy cướp của người; bỏ tà dâm, tà hạnh; bỏ nói dối, nói láo, bỏ nói đâm thọc, ác ngữ; bỏ rượu men, rượu nấu... để bản thân mình được an vui mà người khác, chúng sanh khác cũng được an vui như thế. Cuối cùng, hóa ra thương yêu bản thân mình đồng nghĩa với thương yêu chúng sanh muôn loại, cùng dẫn dắt nhau trên con đường tu tập, tâu đại vương!

Đức vua Pāsenadi mỉm cười, vừa như nói thật vừa như đùa bỡn:

- Không cãi được! Không có một kẽ hở nào để cho cái tâm, cái trí “tà đạo” của ta xen vào đấy được! Thật tuyệt vời thay là miệng lưỡi đệ tử tôn giả Gotama! Bái phục! Bái phục!

Hoàng hậu Mallikā cau mày:

- Là một đấng minh quân, bệ hạ có nên ăn nói như thế chăng?

- Thôi! Ta biết lỗi rồi!

- Đại vương phải biết thương yêu bản thân mình một cách chơn chính chứ?

- Nhất định như vậy rồi!

- Cảm ơn đại vương!

Hoàng hậu Mallikā dịu dàng mỉm cười, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản; tuy nhiên, bà có mang một trọng tội với đức vua(1), đã nhiều năm về trước, lâu lâu nó lại trở về ám ảnh! Và bà đã thầm nguyện trong lòng, phải tu tập cho tốt hơn, làm việc lành cho nhiều hơn. Trọng lượng tội lỗi dù chỉ bằng một hạt cát, nó sẽ chìm, rơi xuống bốn đường ác. Nhưng trọng lượng tội lỗi của một viên đá to, nằm trong lòng chiếc ghe thiện pháp lớn, nó không bị chìm, sẽ được nổi. Bà còn nhớ mãi nội dung một thời pháp về thiện, về ác mà đức Phật đã đưa ra hình ảnh ấn tượng ấy.



(1) Mã binh, tượng binh, bộ binh.

(1)Sẽ viết một chương khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/04/2012(Xem: 14705)
Đối với Đức Phật thì tất cả mọi hiện tượng đều không ngừng hình thành, không có một ngoại lệ nào cả, vì thế chúng không hàm chứa bất cứ một thực thể cố định hay bất biến nào.
19/03/2012(Xem: 7718)
Nỗi khổ đau suốt trăm năm trong cõi người ta vẫn hoài đè nặng lên kiếp người như một người mang đôi gánh nặng trĩu trên vai và đi mãi trên con đường dài vô tận, không khi nào đặt xuống được. Nhưng ngàn xưa vẫn chưa có bậc xuất thế nào tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau của sanh, lão, bệnh, tử nên trong tiền kiếp Đức Phật cũng đã từng xông pha lăn lộn trong cuộc đời đầy cát bụi và đã trải qua biết bao khổ đau, thương tâm cũng như nghịch cảnh để tìm ra người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn và dựng lên những tấm bi kịch thường diễn ra trên sân khấu cuộc đời.
04/03/2012(Xem: 52998)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tập 4), mục lục: Sắc đẹp hoa sen Chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng Cảm hóa cô dâu hư Bậc Chiến Thắng Bất Diệt - Bạn của ta, giờ ở đâu? Đặc tính của biển lớn Người đàn tín hộ trì tối thượng Một doanh gia thành đạt Đức hạnh nhẫn nhục của tỳ-khưu Punna (Phú-lâu-na) Một nghệ sĩ kỳ lạ Vị Thánh trong bụng cá Những câu hỏi vớ vẩn Rahula ngủ trong phòng vệ sinh Voi, lừa và đa đa Tấm gương học tập của Rahula Bài học của nai tơ Cô thị nữ lưng gù
18/02/2012(Xem: 18153)
Những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhân loại tàn sát lẫn nhau, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, phải chăng là do sân hận gây nên? Sân hận là một trong ba nguyên nhân căn bản làm con người khổ đau. Trong kinh, Phật mệnh danh là ba độc: Tham, Sân, Si.
14/02/2012(Xem: 3513)
Chúng tôi cho rằng, một người khi quyết định thực hành Đạo Phật thì trước hết là nghĩ đến viễn ly. Có phát tâm viễn ly mới thật sự là một hành giả Phật Giáo. Nếu không phát tâm viễn ly thì chúng ta thực hành Đạo Phật để làm gì? Dĩ nhiên ngày nay, người ta đã áp dụng những phương pháp thực hành của Đạo Phật trong tâm lý trị liệu, thiền quán để nâng cao sức khỏe, nhưng ngay cả việc thực tập Phật Pháp để được tái sinh trong cõi người lẫn cõi trời đều không phải là cứu kính của Phật Giáo, đó chỉ là những phương tiện nhất thời, hay đó không phải là Phật Pháp chân thật, không phải là mục tiêu tối hậu của Đạo Phật
08/02/2012(Xem: 3890)
Đạo Phật là đạo khế lý và khế cơ, cho nên khi du nhập vào quốc độ nào cũng có thể vừa giữ được nội dung cốt lỗi căn nguyên của mình vừa khế hợp với tâm tình và sắc thái đặc dị của quốc độ ấy. Đây có thể nói là đặc tính ưu việt của đạo Phật mà quá trình hiện hữu sinh động trên hai mươi lăm thế kỷ qua là niềm xác tín kiên định.
17/01/2012(Xem: 8686)
Vô tận trong lòng bàn tay, Sự dị biệt giữa tôn giáo và khoa học được đánh dấu khởi đầu từ luận đề của Galilée và từ đó đã khiến nhiều người cho là hai thế giới này không thể nào gặp nhau được. Einstein khi đối chiếu Phật Giáo với các tôn giáo khác đã cho là: nếu có một tôn giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của khoa học, thì chính đó là Phật giáo. Einstein muốn nói tới tính cách thuần lý và thực tiển của Phật Giáo, khi ông so sánh thấy các tôn giáo khác chỉ dựa trên kinh điển và giáo điều. Đúng như điều Einstein cảm nhận, Ph
15/01/2012(Xem: 10073)
Sự thể hiện đích thực về đờisống của người Phật tử không phải là ngôn ngữ, kiến thức mà là hành động. Tọathiền là quan trọng; giữ tâm điềm tĩnh, lắng dịu và nghiêm túc trong quá trìnhhành thiền là cần thiết, nhưng đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn nhất. Nhiệm vụ khó khăn nhất ấy là đem tâm nghiêm túc ấy vào trong đời sống thường nhật... Phật giáo nhận thấy rằng tất cả mọi người và mọi chúng sanh đều phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù thân và tâm của mọi người khác nhau nhưng mọi người vẫn tương quan với nhau.
15/01/2012(Xem: 7490)
Phật đã bỏ loài người…(1) Điệp khúc ấy lâu lâu lại thấy đâu đó trên những đoạn đường đi qua. Nó đếnvà đi như bao chuyện khác trong đời. Chuyện phiếm trong đời quá nhiều, đâu đángbận tâm. Cho đến cái ngày, nó được thổi vào trong thơ của một ai đó như một bài“Thiền ca”… Thiền tông, nói mây, nói cuội, nói chuyện nghịch đời… chẳng qua đối duyên khai ngộ, để phá cho được cái dòng vọng tưởng tương tục của người, hy vọng ngay đó người nhận ra “chân”...
07/01/2012(Xem: 7573)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "Không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình. Chúng ta, toàn thế giới, phải đương đầu với sự sai lầm này, thật là tệ. Chúng ta phải thật sự lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Chúng ta cần phải truy nguyên tận căn để của tất cả các mối nghi ngờ và hiểu lầm của mình, và chúng ta có thể bắt đầu như thế nào để loại trừ nó một cách tốt nhất. Và chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, nếu chúng ta không thực hiện điều này, chúng ta phải đối đầu với các trở ngại đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]