Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Hóa Độ Quyến Thuộc

26/10/201318:48(Xem: 27728)
07. Hóa Độ Quyến Thuộc
Mot cuoc doi bia 02






Hóa Độ Quyến Thuộc






Ngày hôm sau, tin truyền thái tử Siddhattha đã trở thành một vị Phật đã lan truyền khắp thành phố, hang cùng ngõ hẻm. Ngài đang dẫn đầu một hội chúng sa-môn năm trăm vị về thăm kinh đô cùng quyến thuộc xa cách lâu ngày. Chính ngài đã khai sáng một con đường mới, một tôn giáo không có thần linh; và mỗi một con người, không kể giai cấp nào, cũng có thể trở thành một vị Phật nếu biết cần cầu, nỗ lực, tu tập theo đạo lộ bát chánh của ngài!

Đức vua Suddhodana, bây giờ đã đắc quả Tư-đà-hàm, muốn làm rạng danh đứa con ưu tú của dòng tộc Sākya, nên đã bố cáo rộng rãi cho muôn dân Kapilavatthu tổ chức một cuộc nghinh đón trọng thể vào ngày mai! Ngoài việc trang hoàng thành phố, con đường từ công viên Nigrodhārāma đến hoàng cung phải được dọn dẹp phong quang, sạch sẽ; rồi phải treo cờ, kết hoa tươi vui, rộn rã! Tân khách của quốc vương được thỉnh mời, chừng mấy ngàn người, đều là các nhân sĩ, trí thức, tai mắt của kinh thành.

Trong lúc đức Phật và đoàn sa-môn thứ tự, trang nghiêm và lặng lẽ từng bước một hướng về hoàng cung thì dân chúng đã ken dày các ngả đường. Họ vừa tò mò, vừa thành kính chấp tay bởi dung nghi sáng rỡ, Tăng tướng nhàn thoát và bước đi thanh tịnh của đức Phật và đoàn sa-môn! Đâu đó có tiếng hò reo mừng vui. Đâu đó có lời bàn tán rì rào, rằng là cái tôn giáo này, các vị sa-môn có râu tóc sạch sẽ, y bát trang nghiêm, tướng mạo đường hoàng có vẻ đều là bậc quý tộc, có văn hóa, có học thức!

Đức vua Suddhodana muốn làm gương cho mọi người nên ngài đã đi chân đất ra nghinh đón đức Phật và chư tăng tận ngoài cổng cung thành! Các hàng trưởng lão, trọng thần, hoàng tộc và quan khách đều phải bắt chước làm như thế! Các chỗ ngồi và lều trại đều đã được chuẩn bị sẵn tại sân chầu của đại điện.

Khi đức Phật và chư tăng đã vào những chỗ ngồi đã được soạn sẵn, đức vua nói vài lời với quan khách, đặc biệt trong đó có một số bà-la-môn tu sĩ, học giả nổi danh, những nhân sĩ uy tín, rằng là hoàng gia hôm nay đặt bát cúng dường đức Phật và tăng chúng, mong rằng phước sự này sẽ mang đến hạnh phúc, an lành cho tất cả chúng ta và cho cả quốc độ!

Đức vua lại tận tay sớt vật thực vào bát cho đức Phật; và hằng trăm người phục vụ ân cần và chu đáo chia nhau làm công việc của mình!

Đức Phật và chư tăng thọ thực trong yên lặng. Đức vua, hoàng gia, tất cả quan khách cũng lặng lẽ thọ thực sau đó.

Thời pháp hôm ấy, đức Phật thuyết về Tứ diệu đế rất cao siêu, nhưng ngài lại đi từ những nguyên nhân, những lý do, tại sao trước đây ngài đã buông bỏ tất cả để xuất gia tầm đạo. Sự giới hạn của đời người bởi sinh, già, bệnh, chết; sự nghiệt ngã của định luật vô thường nó đã hủy diệt, cuốn trôi tất thảy tuổi thanh xuân, ước mơ cũng như những hoạch đắc rỗng không trên trần thế. Sự thật ấy, dukkha, nó không ngoại trừ một ai! Chẳng có gì tồn tại đươc lâu. Chẳng có gì nắm bắt được. Cái được gọi là niềm vui, sự thỏa mãn, khả ý, khả lạc qua địa vị, quyền lực, danh vọng, ngũ dục luôn đi kèm với bất toàn, bất như ý, đổ vỡ, sầu bi khổ ưu não. Con đường của đạo giác ngộ, tỉnh thức do ngài tìm ra, nó không ru ngủ mọi người nơi một thế giới cực lạc nào đó ở mai sau, không núp bóng quyền uy của thánh thần nào đó để mong được các ngài chở che, ban thưởng. Là kẻ trí, là bậc trí trong giáo pháp nầy, phải nhìn xuyên thủng màn sương khói của māyā để thấy rõ nguyên nhân của dukkha ấy! Mọi hình thức lễ nghi, tế tự, cầu nguyện, bùa phép, mật chú... chỉ là những liều thuốc an thần không bao giờ chữa trị tận gốc mọi đau khổ và phiền não! Tất cả mọi giáo phái trong và ngoài truyền thống, cái thì lạc vào duy thần, duy linh, duy lý, duy danh, duy tâm; cái thì lạc vào duy vật, duy sự, duy mỹ, duy thực, duy nghiệm! Không ảo giác thánh thần thì cũng hư vô chủ nghĩa! Không rơi vào mê tín, tà lộ thì cũng rơi vào khổ hạnh hoặc dục lạc cực đoan! Không ai, ở đâu, có đủ can đảm và dũng khí để nhìn ra chính mình, nội quán để thấy rõ toàn bộ sự vận hành của thân tâm mình! Tại sao, nguyên nhân nào mà tham lam, sân hận, si mê, ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm, sầu não, hận thù... khởi sanh? Tại sao, nguyên nhân nào lại sinh ra nước mắt, thống khổ, thất vọng, tuyệt vọng... làm khô héo, tàn tạ mầm xanh của sự sống? Đạo giác ngộ, tỉnh thức, được lập cước từ nhận thức ấy mà ra đi, mà tìm kiếm con đường chấm dứt tất cả khổ, tất cả dukkha, bên trong, bên ngoài, thô hay tế từ cõi này hay cảnh giới khác! Và đạo lộ ấy, Như Lai đã tìm ra! Đạo lộ ấy chính là quán chiếu duyên khởi, vô ngã tính của tất cả pháp! Đạo lộ ấy chính là tỉnh thức trong từng hơi thở, từng bước đi! Đạo lộ ấy chính là nhìn ngắm như thực khi mắt thấy, tai nghe... và đừng bị cuốn trôi hoặc đắm chìm trong các ảo tưởng, ảo giác vốn không thực hữu! Thảnh thơi, an lạc, mát mẻ, vô ưu, vô phiền sẽ đến cho những ai sống đời chánh niệm, tỉnh giác! Chánh niệm, tỉnh giác là lộ trình bước ra khỏi māyā, dukkha! Hiện tại, Như Lai và hội chúng của Như Lai đang đi trên con đường ấy. Và ai cũng nếm thưởng được hương vị của giải thoát, của pháp mầu bất tử! Tuy nhiên, không phải ai cũng đi được theo lộ trình ấy. Giáo pháp của Như Lai được chế định riêng cho giới xuất gia và tại gia. Giới xuất gia thì tu tập giới định tuệ, theo con đường phạm hạnh, có thể giác ngộ giải thoát ngay ở đây và bây giờ; giới tại gia thì bố thí, trì giới và thực tập quán niệm... để có được niềm vui đích thực và nụ cười giải thoát trong đời sống với những sinh hoạt thường nhật! Nhưng phải bước đi bằng chính đôi chân của mình, bằng nỗ lực, tự tri, tự thức của chính mình! Đừng nô lệ một vị thần linh, thượng đế nào; mà cũng đừng nô lệ những truyền thống dù tốt đẹp từ ngàn xưa để lại! Bước chân an lạc và thảnh thơi, tại đây và bây giờ của chúng ta, chính là con đường! Không có con đường nào khác! Như Lai tuyên bố như vậy! Con đường cũng chính là những bước chân an lạc và thảnh thơi của chúng ta, tại đây và bây giờ! Đừng bước đi giữa hư vô, bước đi dưới những cái bóng của thần linh mà cũng đừng bước ra khỏi trái đất, chư vị hãy nhớ như vậy!

Thật là những tư tưởng chưa từng được nghe, đi vào tâm trí giới bà-la-môn và các vị quan khách! Có người bủn rủn. Có người bàng hoàng. Có người dường như thấy được các gì đó. Có người như vừa bước ra khỏi đám sương mù hỗn mang. Có người cảm giác tâm trí mình chợt như được sáng ra! Trong đôi mắt của họ có cái gì đó sáng lấp lánh!

Thế là giáo pháp của đức Thế Tôn đã như một luồng sinh khí mới thổi qua kinh thành Kapilavatthu cổ xưa. Rất nhiều người chứng quả Nhập lưu! Rất nhiều người xin được quy y Tam Bảo!

Thế rồi, bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy, đức Phật bận khách liên tục, tại hoàng cung cũng như tại công viên Nigrodhārāma. Các ông Hoàng tử tình thuở trước như Ānanda, Bhaddiya, Mahānāma, Kimbila, Anuruddha, Bhagu; cả Nanda và Sundrī-Nandā... đều có đến thăm, nhưng ngài cũng không có thì giờ nói chuyện nhiều. Thấy tình trạng ăn ở, các tiện nghi sinh hoạt tại công viên quá thiếu thốn nên họ đã huy động nhân công, vật liệu để làm cốc liêu, giảng đường, nhà ăn, nhà khách và các công trình khác để dâng cúng lên đức Phật và Tăng chúng.

Công việc đang tiến hành thì ngày thứ ba, hoàng cung cử hành một lúc ba đại lễ quan trọng: Thành hôn, phong tước và khánh thành cung điện mới cho hoàng tử Nanda.

Trong lúc mọi người tấp nập mang lễ phẩm đến chúc mừng thì bất ngờ, đức Phật xuất hiện vào lúc đã khá trưa:

- Như Lai cũng đến chúc mừng. Chức mừng hạnh phúc và an lành đến cho tất thảy mọi người!

Đức vua và hoàng hậu Gotamī hối hả bảo soạn chỗ ngồi và dâng cúng vật thực cho ngài. Đức Phật im lặng thọ thực, khi tất cả đã xong xuôi, ngài trao bát cho hoàng tử Nanda rồi bước đi, không nói gì cả!

Vì quá nể trọng ông anh, Nanda ôm bát lủi thủi theo sau, tự nghĩ: Ra đến cổng, chắc đức Phật sẽ thâu bát lại! Nhưng không, đức Phật cứ bước mãi, ra khỏi cổng đã khá xa, ngài cũng không ngoảnh lại!

Tân nương Janapāda Kaḷyāni chợt cảm thấy lo ngại mơ hồ, chạy ra đến cổng, thống thiết kêu lên: “Hoàng tử yêu quý ơi! Hãy trở lại!” Đức Phật dường như không hề nghe, không hề thấy, ngài vẫn từng bước đĩnh đạc, uy nghi tiến xa mãi về phía trước. Hoàng tử Nanda nghe tiếng gọi tha thiết của người yêu, trái tim xốn xang, tê điếng; chân thì bước tới mà mặt thì ngoảnh lui, nhưng đức Phật thì cứ thảnh thơi, tự tại như không có chuyện gì xảy ra!

Đến công viên Nigrodhārāma, đức Phật vừa ngồi yên vị thì tôn giả Mahā Kassapa đến trình, vì ở đây đang xây dựng nên có mấy trăm vị tỳ-khưu muốn đến tạm trú tản mác tại các khu rừng, công viên hay nghĩa địa! Tôn giả Sāriputta lại thưa, là có ba bốn chục vị tỳ-khưu trẻ muốn phụ giúp một ít về công việc chân tay cho tu viện mau hoàn thành.

Đức Phật nói:

- Vậy là phải lẽ! Vậy là các thầy đã biết những công việc mình phải làm! Nhưng này Mahā Kassapa, ông hiện đang thọ trì bao nhiêu pháp đầu-đà?

- Đệ tử cũng không nhớ rõ! Từ khi gặp được đức Thế Tôn, thấy được pháp mầu bất tử, đệ tử chỉ dùng ba y, không thọ nhận bất kỳ chiếc y nào khác, nếu đã hư rách thì đệ tử chỉ đi lượm vải người ta quăng bỏ ở nghĩa địa, giặt sạch rồi nhuộm lại. Về vật thực, đệ tử chỉ đi trì bình xin ăn, chứ không nhận thỉnh mời trai Tăng của bất cứ ai khác. Khi đi trì bình khất thực, chỉ đi thứ tự từng nhà, không bỏ khoảng cách. Thọ thực thì chỉ ngồi một chỗ, không di chuyển chỗ. Chỉ ăn trong bát, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, không nhận thêm vật thực. Chỉ ngụ ở cội cây, rừng, nghĩa địa, nơi chỗ trống hoặc chỗ Tăng chỉ định. Và đệ tử chỉ ngồi và không nằm, dù lúc ngủ nghỉ từ đấy đến nay, bạch đức Thế Tôn!

- Vậy là mười ba pháp, rất tốt, rất hy hữu đấy, này Mahā Kassapa! Đức Phật nói - Đấy được gọi là đầu-đà bậc thượng! Từ rày về sau, ông nên hướng dẫn cho những ai muốn sống đời khổ hạnh độc cư như thế, tùy khả năng, có thể bậc thượng, bậc trung hay bậc hạ! Tất cả pháp môn đầu-đà ấy đều có khả năng thiêu cháy, đốt cháy phiền não, đều có khả năng giúp cho các sa-môn sống đời thiểu dục, tri túc rất hiệu quả! Hãy làm gương cho các hàng sa-môn hậu học, này Mahā Kassapa!

Rồi quay sang tôn giả Sāriputta, đức Phật nói:

- Còn Sāriputta thay mặt Như Lai thuyết pháp cho hai hàng cư sĩ, giáo giới mấy chục tân tỳ-khưu vừa mới xuất gia ngày hôm qua. Thứ nữa, các vị tỳ-khưu trẻ có thể phụ giúp công việc, nhưng có những giới hạn nhất định: Không nên đào hố, đào hầm, đào mương rãnh; không nên chặt cây, chặt cành, xớt cỏ, ngắt lá, bẻ hoa... nghĩa là cái gì đụng chạm đến sự sống động vật hay thực vật thì các vị tỳ-khưu không nên làm, không được phép làm!

Hai vị tôn giả lĩnh ý. Đức Phật bây giờ mới hướng mắt đến hoàng tử Nanda - vẫn kiên nhẫn đứng một bên, không dám trao bát lại cho đức Phật khi ngài chưa bảo - ân cần nói rằng:

- Này Nanda! Ông có muốn sống đời xuất gia như Như Lai và như các vị tôn giả trang nghiêm, phạm hạnh kia không?

Nanda nóng lòng như lửa đốt vì sợ không kịp giờ cử hành hôn lễ; nhưng khi đức Phật hỏi, vì tôn kính ngài quá, chàng không dám từ chối, gật gật đầu rất miễn cưỡng!

Mỉm nụ cười lặng lẽ ở trong tâm, đức Phật tức khắc bảo tôn giả Sāriputta và tôn giả Mahā Kassapa cạo sạch sẽ râu tóc cho hoàng tử Nanda, kiếm đầy đủ y bát rồi làm lễ thọ giới tỳ-khưu cho chàng. Thế là vị tân lang, em cùng cha khác mẹ với đức Phật, con hoàng hậu Gotamī, phải xuất gia đúng ngày cử hành hôn lễ, dầu rất sầu khổ, nhớ thương công nương Janapāda Kaḷyāni vô cùng, nhưng chàng chỉ nín nhịn chịu đựng, không dám thốt một lời! Từ đây, Nanda tập sống đời tỳ-khưu dưới sự hướng dẫn của tôn giả Sāriputta, không được phép trở lại hoàng cung, không được phép thăm viếng, gặp gỡ công nương Janapāda Kaḷyāni nữa!

Việc làm có vẻ “ngang ngược” của đức Phật làm xôn xao dư luận trong hoàng cung, lan ra cả ngoài kinh thành! Lệnh bà Gotamī rất khó chịu. Đức vua Suddhodana, nhờ đã đắc quả Tư-đà-hàm, đã nhẹ nhàng hai sợi dây bất bình và tham ái nên nghĩ rằng, đức Phật có lý do của ngài! Đúng lúc ấy thì tôn giả Kaḷudāyi đến thăm rồi nói chuyện rất lâu với đức vua và hoàng hậu. Tôn giả đã đem ra rất nhiều ví dụ, ẩn dụ để so sánh đời sống buộc ràng, phiền não, đau khổ của người tại gia và đời sống thanh cao, an lạc, giải thoát của người xuất gia! Lấy bản thân mình làm ví dụ, tôn giả nói, với một sa-môn vô sản bần hàn như bây giờ, nếu được đánh đổi một triệu lần đời sống vương giả trước kia, ông cũng không thèm! Tôn giả còn mở phơi các cảnh giới sống chết, nhấp nhô chìm nổi, lang thang bất định trong các kiếp sống, chịu đựng muôn vàn thống khổ như thế nào! Đại vương là người đã bước hai bước vào đạo lộ bất tử, hiện tại, chỉ còn một kiếp làm người nữa thôi, là vĩnh viễn chấm dứt vòng trầm luân sinh tử luân hồi ấy, lẽ ra, bệ hạ nên vui mừng cho hoàng tử Nanda mới phải chứ!

Sau buổi nói chuyện ấy, đức vua cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản; riêng hoàng hậu Gotamī thì vẫn còn buồn khổ, nhưng vì quá tin tưởng việc làm của đức Phật, bà chỉ còn tiếc cho ngai vàng chưa có người thừa kế mà thôi!

Cuối cùng, chỉ còn gia đình quan đại thần, cha mẹ của công nương Janapāda Kaḷyāni, họ rất bực tức và xem đây như là một mối sỉ nhục, là sự đùa bỡn tiết hạnh con gái nhà hiền lương! Thế rồi, tôn giả Kaḷudāyi lại tìm đến để làm sứ giả hòa bình. Nhờ tinh minh, lịch thiệp, nhờ khôn khéo ngôn ngữ, tôn giả đã làm cho gia đình nhà gái nguôi ngoai. Nhưng riêng công nương Janapāda Kaḷyāni thì tơ tình vướng víu đã ken dày nhiều lớp, không ai có thể gỡ rối được!

Đức vua Suddhodana năm nay đã trên chín mươi tuổi nhưng ông vẫn còn quắc thước và rắn rỏi. Từ hôm nếm thưởng được hương vị của giáo pháp, đức vua giao việc trị nước cho Hoàng tử Mahānāma cùng các lão thần trông coi; còn riêng ngài để dành thì giờ để tu tập. Hễ rảnh việc là nhà vua lại muốn nghe pháp nên ông mời thỉnh đức Phật và vài mươi vị đến hoàng cung đặt bát cúng dường!

Thời pháp buổi chiều, nhiều thành phần các giai cấp đến nghe, đức vua cũng ngồi kiết-già thế hoa sen, nhiếp tâm thanh tịnh, không bỏ sót một lời, một chữ! Sau đó, nhà vua rút về cung sâu để thiền định, kinh hành; và ông đã tìm ra nguồn an lạc, hạnh phúc chưa hề có ở trong đời!

Đến ngày thứ bảy, đức Phật mới có thì giờ để đi thăm Rāhula, đứa con trai mà ngài chỉ mới thoáng thấy khi còn là một hài nhi đỏ hỏn! Hôm ấy, đức vua, hoàng hậu muốn cúng dường đặt bát cho đức Phật tại đông cung, có tính cách gia đình nên chỉ mời một số vị lão thần, các quan đại thần thân tín của hoàng tộc Sākya mà thôi. Công nương Yasodharā đã cố ý cho Rāhula ăn mặc thật đẹp, với màu sắc thật dịu dàng; và trông tươm tất, chỉnh tề từ đầu đến chân!

Khi đức Phật, tôn giả Sāriputta và tỳ-khưu thị giả Nāgita bước vào hoa viên thì từ lầu cao, công nương đã nhìn thấy!

Lần đầu tiên, Yasodharā mới có dịp nhìn ngắm đức Phật một cách kỹ lưỡng như thế sau nhiều năm xa cách. Ôi! tướng mạo sa-môn trong chiếc y màu san hô của ngài nổi bật giữa hàng cây xanh trông đẹp làm sao! Từng bước đi của ngài vừa oai nghiêm, trầm hùng vừa an lạc, thảnh thơi mà không ai trên đời này có thể bắt chước được! Dường như mỗi bước đi đã là một sự dừng nghỉ! Dường như mỗi bước đi đã là một sự tựu thành! Vị này không còn là Siddhattha thuở nào nữa rồi!

Thấy công nương Yasodharā mê mải ngắm nhìn người lạ mặt bên dưới đang bước lại gần, Rāhula níu và giật giật tấm Sārī màu vàng chanh của bà:

- Mẹ! Mẹ! Ai vậy mẹ?

Như sực tỉnh, công nương ngồi thấp xuống với con, mỉm cười:

- Con có thấy vị sa-môn đi đầu, trông như một vị phạm thiên oai vệ đó không?

- Thấy, có thấy! Vị ấy là ai mà đẹp thế mẹ?

- Là cha của con đấy!

- Cha của con?

- Ừ! Rồi Yasodharā khẽ nói – Ngài chính là cha của con, và ngài đang có một kho tàng vĩ đại, vô cùng quý giá! Từ ngày ngài ra đi, đã gần tám năm qua, con chưa hề được gặp mặt. Con hãy chạy xuống bên ngài, nắm tay ngài, lắc lắc chéo y của ngài rồi nói rằng: “Thưa cha, con là con của cha, con hiện là một vương tôn, mai sau con sẽ lên ngôi, cai trị một vương quốc tươi đẹp và thanh bình! Hiện giờ con đang cần một gia sản. Mẹ nói rằng, cha đang sở hữu một kho tàng vô giá, vậy cha hãy trao nó cho con, vì tài sản của cha chính là tài sản của con!” Nhớ nói thế nhé, Rāhula!

Ngoan ngoãn, Rāhula gật đầu, cười tít mắt rồi chạy vụt xuống thang lầu. Đến gần bên, cậu bé ngây thơ nắm tay đức Phật, giật giật chéo y của ngài và nói gần đúng với nguyên văn như mẹ đã dặn.

Đức Phật mỉm cười, nhìn đứa trẻ với khuôn mặt tròn trĩnh, tươi sáng, đáp lời, “Ừ, rồi Như Lai sẽ trao gia tài ấy cho con!”; nhưng trong tâm ngài đã khởi lên ý nghĩ:“Nó đã được nuông chiều từ nhỏ nhưng không biểu hiện một cá tính gì rõ rệt, chưa có một đức hạnh gì nổi bật; được cái là sau này nó không cứng đầu cứng cổ lắm đâu!” Rồi ngài ưu ái nắm tay Rāhula cùng bước lên lầu hoa thuở trước, nơi mọi người đang chờ đợi!

Độ ngọ xong, đức Phật nói về những điều kiện cần và đủ để duy trì hạnh phúc gia đình. Đại lược, thứ nhất là vợ chồng phải thật sự thương yêu nhau, chấp nhận cá tính của nhau, dù tốt hay xấu, dù thuận hay nghịch. Thứ hai là phải biết tôn trọng lẫn nhau, đừng áp đặt, chủ quan, độc đoán. Thứ ba là phải biết để ý để tìm cách chia sẻ vật chất đến cha mẹ cả hai gia đình, nếu họ thiếu thốn. Thứ tư, người chồng phải trao tiền cho vợ, giao cho vợ quán xuyến mọi việc nội trợ, ăn ở, sinh hoạt cũng như tự quyết định việc chi tiêu hằng ngày; người chồng phải biết chăm lo nghề nghiệp, thu xếp các công việc ở bên ngoài. Thứ năm là người chồng đừng quên quà biếu, vật trang sức cho vợ, vào những lúc đi xa về hay là những ngày kỷ niệm hỷ sự; ngược lại, người vợ phải biết kỉnh trọng, tôn trọng những ai chồng mình kỉnh trọng, tôn trọng ví dụ như bạn bè, thân hữu của chồng mình! Tuy nhiên, cái được gọi là tốt nhất, cao nhất, căn bản nhất để năm điều kia được thành tựu viên mãn chính là chuyển hóa cách nhìn, chính là trí tuệ: Chồng nhìn vợ mình, vợ nhìn chồng mình luôn với cặp mắt xanh, luôn luôn mới mẻ, luôn luôn không định kiến, không thành kiến, không trước ý; luôn luôn hiện tiền trong sáng, không bị chồng chất, ám ảnh bởi hình ảnh của quá khứ, của tương lai hoặc của hiện tại chỉ vừa mới thoáng qua!

Mọi người thấm thía với thời pháp, nên họ trầm ngâm, suy gẫm và thật không dễ gì nắm bắt ngay được nhất là cái căn bản! Sau rốt, có người hỏi về chính sách trị dân, nó liên hệ thế nào, tương quan thế nào giữa giáo pháp xuất thế của đức Phật với an lạc hạnh phúc dung thường của mọi người trong trần thế! Và, nếu mọi người đàn ông đều xuất gia cả thì quốc độ sẽ ra sao, nhân loại sẽ ra sao? Điều ấy có thể nào lý giải rõ ràng qua phạm trù đạo đức tại thế được chăng?

Đức Phật mỉm cười, hẹn dịp khác, ngài sẽ khai thị về điều ấy; đến lúc hiểu rồi, thấy rồi thì xuất thế mà không ra khỏi cuộc đời, tại thế nhưng vẫn xuất thế vì nó không dính mắc phiền não và bụi bặm của trần gian; nói một thì không phải, nói hai cũng chẳng nhằm!

Mọi người có vẻ nghĩ ngợi!

Đức Phật đứng lên, từ giã.

Cậu bé Rāhula có vẻ lưu luyến đức Phật, nên khi ngài rời hoàng cung, nó tất tả chạy theo, nắm tay ngài ra chiều thân thiết. Lúc ấy là sau ngọ, trời nắng hơi gắt; Rāhula vừa bước đi vừa núp trong cái bóng của ngài, vừa phát biểu rất dễ thương, rất ấn tượng: “Ôi! Chỉ cái bóng của sa-môn thôi, mà sao làm cho con bình yên và mát mẻ đến thế!” (Sukhā vata te chayā, samaṇa!)

Thấy Rāhula đi theo đức Phật, không ai ngăn cản. Đi một đỗi, tôn giả Sāriputta nắm tay Rāhula rồi một ý nghĩ chợt khởi sanh:

- Bạch đức Thế Tôn! Chư Phật quá khứ lúc về thăm quê nhà; các ngài cứu độ quyến thuộc khó khăn hay dễ dàng?

- Cái ấy tùy thuộc nhân duyên, này Sāriputta! Hạt giống giáo pháp chỉ bén rễ sâu ở mảnh đất màu mỡ cùng với các điều kiện môi sinh thuận lợi!

Tôn giả Sāriputta hiểu, ngài chạnh nghĩ đến gia đình của mình với tín ngưỡng truyền thống đã ăn sâu vào huyết mạch rất khó lay chuyển...

Trở về đến công viên, đức Phật dẫn Rāhula vào hương phòng, lúc ấy đã làm xong, ngài nói:

- Này Rāhula! Mẹ dặn con là xin cho được một gia tài quý báu, bây giờ con hãy nghe đây! Gia tài, gia sản vật chất nhiều khổ ít vui; nó lại còn là nơi nuôi dưỡng lòng tham, phát sanh tranh chấp, đau khổ, phiền não cùng nhiều ràng buộc, hệ lụy khác nữa! Hiện tại, Như Lai có một gia tài, gia sản tinh thần rất lớn, rất quý báu; nó chỉ đem đến nụ cười, niềm vui, thanh bình và siêu thoát, Như Lai muốn trao cho con, con có nhận không?

- Có ạ! Rāhula vòng tay lễ phép – Con chỉ muốn nhận gia tài niềm vui mà thôi!

Đức Phật mỉm cười:

- Muốn có được gia tài ấy, con phải cạo đầu, mặc y, mang bát như Như Lai, như ông Sāriputta, như chú Nanda và như mọi người ở đây! Con có đồng ý không?

- Con đồng ý ạ!

Thế rồi, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta làm lễ xuất gia ngay tức khắc cho Rāhula! Như vậy, tôn giả Sāriputta nhận nhiệm vụ giáo thọ vị sa-di tí hon, bắt đầu dạy cách mặc y, mang bát, đi đứng, lúc ngủ nghỉ, cách nói năng, thưa hỏi thế nào cho đúng phép tắc, luật nghi! Và thật khó tưởng tượng một vương tôn cành vàng lá ngọc, quen nếp sống được nuông chiều trong cung điện lại có thể thích nghi được đời sống của một khất sĩ khổ hạnh! Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên làm sao, là sa-di Rāhula chẳng nhớ mẹ, nhớ ai ở cung đình cả; lại rất sung sướng trong đời sống mới, ngoan ngoãn, lễ độ, biết nghe lời dạy bảo của thầy mình!

Ngày hôm sau, đức vua Suddhodana, hoàng hậu Gotamī, công nương Yasodharā mới hay tin, ai cũng bàng hoàng. Quả thật như một tiếng sét đánh ở cung đình. Hoàng tử Nanda vừa xuất gia đúng vào giờ cử hành hôn lễ cách đây bốn ngày, bây giờ lại Rāhula nữa, nó còn quá ngây thơ, bé bỏng mà! Người đau khổ, sầu não nhất là công nương Yasodharā, thứ đến là lệnh bà Gotamī; nhưng khi cả hai muốn đến chất vấn đức Phật thì đức vua Suddhodana ngăn lại, ông nói:

- Đừng có vội vàng, nóng nảy! Một đức Chánh Đẳng Giác làm việc gì cũng có nhân duyên và quả của nó; đừng nhìn hiện tượng bên ngoài, tâm lý thường tình hoặc tình cảm cá nhân để xét định một sự việc. Trẫm tin tưởng tuyệt đối vào giáo pháp, vào trí tuệ của con trẫm, bây giờ là vị Phật đó! Chẳng bao giờ một bậc Toàn Giác lại thấy biết sai lầm, các khanh nên hiểu như vậy!

Đúng là tâm và trí của một vị Thánh đệ tử! Sau khi trấn an hai bà và mọi người khác, đức vua lên xe ngựa một mình cùng với vài quân hầu đến công viên Nigrodhārāma. Gặp đức Phật, nhà vua mở lời trách cứ khá nhẹ nhàng:

- Khi thái tử lìa bỏ cung vàng, điện ngọc ra đi, trẫm vô cùng đau xót, ái hậu Gotamī cũng thế. Còn Yasodharā lại càng sầu muộn, buồn tủi, thống khổ hơn! Lại trải qua tám năm dài đằng đẵng “làm sương phụ sa-môn” vò võ, cô đơn, gối chiếc cũng không dễ dàng gì; ngoại trừ Yasodharā, không có ai bản lãnh, nghị lực đến thế! Bây giờ đến lượt Nanda! Trẫm hỏi đức Thế Tôn! Người cha người mẹ bình thường nào mà không xót xa, đứt ruột? Chuyện Nanda chưa nguôi, cả hoàng cung lại mất thêm Rāhula, là trẻ được cưng chiều, thương yêu; là nguồn an ủi duy nhất của hai vị phu nhân. Tình thương của người mẹ mất con, ông bà mất cháu cũng dường như bị ai đó cắt da, xẻ thịt, cắt gân, róc luôn cả xương cả tủy... Ngừng lại giây lát, đức vua nói tiếp – May nhờ cả hai vị phu nhân đều là bậc trí, hai trái tim mềm yếu kia có năng lực giáo pháp tăng thêm sức mạnh, nếu không họ đã gục ngã rồi! Còn trẫm thì đã thấy rõ ái luyến sinh đau khổ, ái luyến sinh buộc ràng, ái luyến đưa vào dòng chảy trầm luân nên tình cảm kia chỉ như một cơn gió nhẹ xao thổi qua rồi mất! Tuy nhiên, trẫm xin thỉnh nguyện đức Thế Tôn một điều: Từ rày về sau, sẽ không ban hành lễ xuất gia cho bất kỳ một người con nào, nhất là tuổi vị thành niên mà chưa được cha mẹ hoặc gia đình cho phép, ưng thuận!

Lời lẽ trình bày với lý tình minh bạch của đức vua, người đã bước được đôi chân vững chắc trên đạo lộ bất tử, làm cho đức Phật rất hoan hỷ. Ngay tức khắc hôm ấy, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta, tôn giả Mahā Kassapa bố cáo khắp tỳ-khưu tăng, xem lời thỉnh cầu của đức vua đã trở thành điều luật được ban hành rộng rãi!

Công viên Nigrodhārāma sau khi xây dựng xong, tuy không được quy mô và công phu như Trúc Lâm nhưng cũng đã trở thành nơi sinh hoạt của giáo đoàn tại kinh đô Kapilavatthu. Từ đó, dường như ngày nào cũng có người đặt bát cúng dường, ngày nào cũng có đoàn này hay đoàn khác đến tham vấn, học hỏi, quy y! Hoàng tộc Sākya, các chủ ngân hàng, chủ các nghiệp đoàn... bao giờ cũng là những thí chủ bố thí, cúng dường rộng rãi nhất. Họ còn cúng dường vải vóc, bát, tọa cụ, ngọa cụ, các loại thảm lót chân, lót nền nhà, ghè đựng nước, khăn mặt, khăn tắm, chăn nằm, chăn đắp... Thế là đức Phật lại phải chế định một số học giới, cái gì được thọ nhận, cái gì không nên thọ nhận. Ví dụ, các tỳ-khưu chỉ được phép nằm sạp cây, được phép sử dụng tọa cụ, ngọa cụ bằng thảm cỏ, thảm cói không được dùng nhung, lụa, gấm, chăn bông, gối dài! Mỗi vị tỳ-khưu chỉ có ba y, một bát, thừa y bát là phải xả cho vị khác, xả vào kho bảo quản cho vị đến sau! Y cũ rách không được quăng bỏ, phải giặt sạch để làm màn che gió, ngăn tường. Cũ rách quá nữa thì làm tấm lót chân, làm khăn lau nền nhà...Y tăng-già-lê (y ngoại), không được quá dày do lót bông, lót dạ, chỉ nên dùng để đắp, làm sao để đừng ấm quá mà cũng đừng lạnh quá! Cắt may y và màu y phải tuân thủ quy định chung. Kiếm rễ cây, thân cây nhuộm màu, không được nhạt quá như màu cọng rơm mà cũng không được sậm quá như màu cánh gián... Bát sắt, bát gỗ sờn tróc là phải tìm cách xông khói nhuộm lại... Đức Phật cho phép chư tỳ-khưu được nhận lời mời của thí chủ thọ trai tại tư gia. Riêng tôn giả Mahā Kassapa và các vị tỳ-khưu thọ đầu-đà bậc thượng, bậc trung, bậc hạ thì được tùy nghi tìm chỗ độc cư, từ rày không bị ràng buộc bởi sinh hoạt của giáo đoàn, ngoại trừ khi có Saṅghā (Tăng-già) triệu tập!

Mỗi mỗi lời giáo giới của đức Phật, tôn giả Sāriputta ghi nhớ không bỏ sót một điều nào! Các thời pháp, cũng vậy, bất kỳ ở đâu, với ai, giờ nào, tôn giả đều lắng nghe, tư duy, chiêm nghiệm; lúc cần, ngài có thể giảng giải lại, rất rộng rãi, mạch lạc mà vẫn không rời cái căn bản, cái cốt tủy!

Suốt một tuần lễ, các vị Hoàng tử Mahānāma, Ānanda, Bhaddiya, Kimbila, Anuruddha, Bhagu, Channa và cả Devadatta từ Koliya sang đặt bát cúng dường đức Phật và Tăng chúng. Thế rồi, đức Phật thuyết pháp, dành cho họ suốt ba buổi chiều. Và hôm nào cũng thế, họ thay phiên nhau hỏi từ điểm sơ cơ nhất của giáo pháp, cho đến cả những khái niệm ở ngoài ngôn ngữ, tức là những pháp siêu thế! Họ cũng hỏi đến những lãnh vực siêu hình, các khả năng thắng trí mà một sa-môn có thể thành tựu được. Đức Phật không phải lúc nào ngài cũng trả lời một cách mà bằng nhiều cách! Do trí vô ngại giải, khi thì ngài trả lời tức khắc thẳng vào câu hỏi; khi ngài trả lời bằng cách hỏi ngược lại; khi thì ngài trả lời bằng cách giảng giải câu hỏi cho rộng, cho sâu thêm; thỉnh thoảng ngài im lặng hoặc sử dụng một vài năng lực huyền nhiệm. Khá nhiều lần, đức Phật lại giao trọng trách ấy cho tôn giả Sāriputta! Và đến lúc này, các ông hoàng mới thật sự kinh ngạc về trí biện tài thông tuệ, tầm kiến văn uyên bác cũng như ngôn ngữ lưu loát của vị nghe nói là đại đệ tử! Bây giờ thì sự kiêu căng, ngã mạn không còn nữa vì họ chợt hiểu rằng, dù họ học, nghe cả đời cũng không thể so sánh được với vị tôn giả cánh tay phải của đức Phật! Tuy nhiên, cái dòng máu cứng đầu của Sākya đã tiềm mật, lưu liên, âm ỉ nhiều đời kiếp: Họ vẫn chưa chịu quy y!

Hai tháng sau, trước khi từ giã Kapilavatthu để trở về cho kịp an cư mùa mưa ở Trúc Lâm, đức Phật đã thuyết một thời pháp quan trọng đến cho đức vua và cả triều đình. Đây cũng là thời pháp nhằm giải thích các câu hỏi còn tồn đọng trong tâm trí mọi người.

Đức Phật mở giọng trầm hùng, vang vang như tiếng chuông ngân:

- Đầu tiên là nói về chính sách trị dân! Phải nói rằng không có một chính sách trị dân nào trên thế gian này được gọi là toàn hảo, là tốt đẹp cả! Tại sao vậy? Vì khi hoạch định chính sách, các triều đại đã xác lập thế lưỡng phân đối đãi, bị quy định trong phạm trù: người cai trị và kẻ bị trị! Khi có người cai trị và kẻ bị trị thì sự xung đột, bất bình đẳng trong xã hội sẽ nẩy sinh! Đấy là sự thất bại thứ nhất với nghĩa nhị nguyên triết học!

Tiếp nữa, người cai trị, tức là thành phần lập định chính sách, họ ra sao? Họ có đạo đức chân thực? Có nghiêm minh, trung chính? Có một đời sống hiền thiện, mẫu mực? Hay họ chỉ là những con người luôn bị chi phối bởi xan tham, sân hận, si mê, ích kỷ, đầy đặc khát dục, tham vọng danh lợi và quyền lực? Có thể nào một chính sách tốt đẹp, toàn hảo lại có thể được sinh ra từ một tập thể, mà, nhân cách chưa được tốt đẹp, chưa được toàn hảo mọi giá trị nhân văn và nhân bản? Đấy là sự thất bại thứ hai với nghĩa tương quan duyên khởi tục thể - mà khi nói sự thật ra – thì đụng chạm đến nhiều người, đụng chạm đến thành phần cơ cấu của tập cấp lãnh đạo của mọi thể chế chính trị trên trái đất này!

Vậy thì thưa chư vị, con người đẻ ra chính sách; con người là nhân tố quyết định còn chính sách là cái tương sinh, tương thuộc, phụ tùy! Giáo pháp mà Như Lai đã giác ngộ và tuyên thuyết là từ con người, bởi con người và cho con người, tức là trở về với nhân tố quyết định cho sự toàn hảo, tốt đẹp của mọi chính sách! Một con người đã giải thoát mọi ô nhiễm từ nội tâm đến ngoại cảnh, không còn bị đắm chìm, ràng buộc bởi những cám dỗ của cuộc đời thì luôn luôn đem đến an vui, hạnh phúc cho mình và cho người khác! Những con người như vậy, trong hội chúng của Như Lai, không phải chỉ một trăm, hai trăm mà cả một ngàn, hai ngàn... và sẽ còn nhiều hơn thế nữa trong tương lai! Những con người như vậy, họ hiện ở đây, ở bên chư vị, ở trong cuộc đời này, đang mặc y, đang khất thực, đang ăn, đang uống và đang thở! Họ siêu thế, xuất thế mà vẫn tại thế giữa mặt đất này! Vậy, nếu lập ngôn là một, là hai - đều bất khả! Đấy là sự thực, cụ thể, có thể sờ nắm được, chứ không phải lý luận trừu tượng, mơ hồ của những luận thức đa biện, phân lập!

Chư vị là những bậc thức giả, trí giả nên Như Lai cũng nói chuyện như nói với những bậc thức giả, trí giả! Một chính sách được gọi là toàn hảo, tốt đẹp với nghĩa tuyệt đối thì không thể có mặt giữa trần gian tương đối. Nói cách khác, các sứ giả của Như Lai, những con người đã giải thoát ấy, nếu họ lãnh đạo, lập định chính sách, cai trị muôn dân thì sự toàn hảo, tốt đẹp kia cũng trở thành tương đối, giới hạn mà thôi! Lực cản ở đây cũng lại chính là con người với biệt nghiệp, với cộng nghiệp cùng với những tâm địa xấu tốt lẫn lộn từ muôn thuở! Tuy nhiên, điều ấy lại trở nên không tưởng vì kẻ đã giác ngộ, giải thoát rồi thì ngay chính ngôi vị Chuyển luân Thánh Vương, họ cũng không làm! Đây là sự thất bại thứ ba theo nghĩa những giá trị tương đối tại thế!

Thưa chư vị, hiện tượng sinh, trụ, diệt của vạn hữu cũng như nội tâm rút ra định luật vô thường và vô ngã của chư pháp! Vậy nên, bản chất bất toàn, bất ổn định, bất như ý, bất toại nguyện... là sự thật không thể thay đổi được! Trong cái thế gian tương đối ấy, cái được gọi là giá trị, là toàn hảo, là tốt đẹp luôn luôn được hiểu là chỉ một giai đoạn, một thời kỳ, một gợn sóng vừa an trụ lại vừa diệt mất! Cái gọi là an vui và hạnh phúc của chúng sanh trên đời này cũng mong manh như thế đấy! Người lãnh đạo, người lập định chính sách tối thiểu cũng phải có được trí tuệ ấy, sau đó, tối thiểu cũng có đầy đủ mọi phẩm tính cần và đủ của nhân tính, nhân văn và nhân bản! Và chính con người ấy, nhờ trí tuệ và đạo đức tương đối của mình, họ soi sáng cho chính sách; và rồi, chính sách sẽ soi sáng cho con người, cho mọi người khác! Nói gọn lại, người lãnh đạo, lập định chính sách, tối thiểu cũng phải có tam quy, ngũ giới, khá hơn nữa, họ hành thập thiện, thọ trì bát quan trai giới thì quốc độ ấy sẽ thanh bình, hạnh phúc! Và khi mà như vậy thì chẳng cần dùng những sáo ngữ như thương dân, vì dân, vị tha, bác ái hoặc những tuyên ngôn với những mỹ từ cao khiết nhưng chỉ còn là những chiếc vỏ rỗng, hoa hòe, diêm dúa, lấp lánh chữ nghĩa để mị dân, để quảng cáo từ đầu đường đến xó chợ!

Thời pháp lột trần tâm địa con người của Đức Phật có thể tạo phản ứng nghịch, nhưng không, ai cũng chăm chú lắng nghe.

Đức thân vương Amittodana, thân phụ của Ānanda phát biểu:

- Hay lắm! Đây là con đường đức trị! Là chính sách với mười vương pháp của các đức Chuyển luân Thánh vương mà đức Thế Tôn đã minh thuyết thật cao siêu, quảng bác và vô cùng mới lạ! Tri ân đức Thế Tôn, chúng tôi đã được mở rộng kiến văn!

- Chẳng phải chỉ là mở rộng kiến văn mà thôi đâu! Thân vương Sukkodana, thân phụ của Mahānāma tiếp lời - Kiến văn là cái vỏ ngoài! Tâm và trí tôi giờ đã được bừng sáng ra! Chính trị, chính sách là cái cớ, chính đức Phật đã nói cho chúng ta thấy rõ mối tương quan ấy! Chính con người có tu tập, tùy từng cấp độ thành tựu của họ mới quyết định được an vui và hạnh phúc trên đời này!

Một vị quan đại thần ngồi ở phía xa, phát biểu:

- Bạch đức Thế Tôn! Chẳng có lời nói nào của ngài mà chúng tôi không thấm thía lúc suy gẫm! Tại thế và xuất thế, chúng tôi hiểu rồi! Con người tương quan duyên hệ với chính sách: Con người tốt lành đẻ ra chính sách tốt lành, chính sách tốt lành làm cho con người tốt lành, cả hai vốn tương quan, tương hỗ, tương thuộc. Cái này đẹp, cái kia mới đẹp! Đấy là sự thật bất ly, bất dịch hoán! Chúng tôi hiểu rồi!

- Tuy nhiên, còn một câu hỏi ở trong tâm quý vị nữa - Đức Phật nói - Đấy là tất cả thanh niên xuất gia đều sống đời độc thân thì vấn đề duy trì huyết thống, vấn đề tồn tại của quốc độ, của nhân loại sẽ được giải thích như thế nào? Thật ra, chư vị không cần phải lo xa như thế, vì không bao giờ có cái số lượng “tất cả” ấy đâu, không phải ai cũng xuất gia được đâu nếu không có duyên căn từ nhiều đời! Các sa-môn trong giáo hội của Như Lai bao giờ cũng là thiểu số; và chính nhờ cái thiểu số ấy, có một đời sống trong lành và hiền thiện, tạo nhân tố tích cực để duy trì và phát triển các giá trị tinh thần cho thế gian này, mà thiếu nó, tức là khi cái xấu, cái ác lan tràn thì nhân loại sẽ diệt vong!

- Chúng tôi hiểu! Vậy, giáo pháp của đức Thế Tôn còn liên hệ đến việc thịnh suy của một triều đại?

- Đúng vậy! Đức Phật nói - Nó còn là điều kiện quan trọng trong những điều kiện khác về lẽ thịnh suy ấy! Một quốc độ muốn được hùng cường, giàu mạnh, muôn dân sống an lành, hạnh phúc thì phải hội tụ đầy đủ bảy điều kiện sau đây. Thứ nhất, là người dân thích tụ họp đông đảo, vui vẻ với nhau, tức là biết tương thân, tương ái; đến với nhau, nhìn nhau bằng con mắt thiện cảm! Thứ hai là lúc nào cũng sống với nhau trong tinh thần đoàn kết: Đoàn kết lúc hội họp, đoàn kết trong công việc, đoàn kết trong mọi bổn phận và nghĩa vụ, đoàn kết để vươn đến các lý tưởng cao đẹp! Thứ ba là tại vương triều, các nhà lãnh đạo không nên ban hành những đạo luật mới, có tính cách chỉnh sửa, thay đổi hoặc chống nghịch các giá trị đạo đức truyền thống. Thứ tư là phải biết kính trọng, tôn trọng các bậc trưởng thượng, các vị bô lão; và phải nghe những lời dạy bảo kinh nghiệm, khôn ngoan của các vị ấy! Thứ năm là phải biết tôn trọng nữ giới; nghĩa là đàn bà, con gái trong quốc độ không bị sống trong nô lệ, bị cưỡng bức hoặc bị ép buộc trong hôn nhân cũng như trong gia đình! Thứ sáu là phải biết duy trì tông miếu, xã tắc; phải biết làm cho vẻ vang tông miếu, xã tắc; không được xao lãng những nghi thức cổ truyền đã được tiền nhân tôn trọng. Thứ bảy, phải biết tạo cơ duyên, bảo bọc, hộ độ, hỗ trợ nhiệt tình cho giáo pháp, cho các vị A-la-hán hoằng pháp, khiến cho những ai chưa đến sẽ muốn đến; và những ai đã đến, đã sống ở đấy đều được an lành, an toàn. Như vậy, trong bảy điều kiện, điều kiện thứ bảy là quan trọng nhất, vì nó bao hàm sáu điều tiên dẫn! Có điều kiện thứ bảy thì sáu điều kiện kia càng được củng cố, tăng trưởng, thịnh mãn!

Sau thời pháp ấy, hội chúng rất thỏa mãn. Khi đức Phật ra về, họ bàn với nhau, là mỗi gia đình dòng tộc Sākya nên lựa chọn lấy một người xuất gia trong giáo pháp của ngài! Do vậy, suốt một tuần lễ sau đó, con cái hoàng gia, quý tộc đến xin xuất gia tỳ-khưu khá nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/06/2010(Xem: 3962)
Đây là ba phạm trù nghĩa lý đặc trưng để bảo chứng nhận diện ra những lời dạy của đức Đạo sư một cách chính xác mà không nhầm lẫn với những lời dạy bỡi các giáo chủ của các ngoại đạo khác qua: “Các hành là vô thường, các pháp vô ngã và, Niết-bàn tịch tĩnh” cho nên được gọi là ba pháp ấn. Ba phạm trù nội dung nghĩa lý này chúng luôn luôn phù hợp với chân lý cuộc sống qua mọi hiện tượng nhân sinh cùng vũ trụ. Trong ba tạng kinh điển dù là Đại thừa hay Tiểu thừa ba phạm trù tư tưởng nghĩa lý “ Vô thường, vô ngã, Niết-bàn” này đều có hết, với mục đích là dùng để ấn định bảo chứng cho những lời dạy của đức Đạo sư, chứ không phải là những lời nói của Ma. Nếu kinh điển nào mà không mang nghĩa lý của một trong ba phạm trù này thì những kinh điển đó không phải do đức Đạo sư nói ra.
03/03/2010(Xem: 10734)
Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào khoảng 560 năm trước "thời đại hoang mang" (560 BC): từ của LLoyd M. Graham trong cuốn Deceptions and Myths of the Bible), một nhân vật lịch sử với một tiểu sử rõ ràng đã sinh ra đời để mở đường cho chúng sinh thấy, giác ngộ và hội nhập cái biết và thấy của Phật (Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật tri kiến). Nhân vật lịch sử này chính là Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn ở miền Nam Népal ngày nay.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]