Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Mùa An Cư thứ hai

26/10/201316:41(Xem: 27144)
05. Mùa An Cư thứ hai

Mot cuoc doi bia 02



MÙA AN CƯ THỨ HAI

(Năm 586 trước TL)

Bài Đồng Dao Biếm Nhẽ




Công việc truyền bá giáo pháp, như chiếc thuyền ra khơi, không phải lúc nào cũng trời yên biển lặng. Sự phát triển quá nhanh số lượng tăng chúng, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Ba trăm ngàn thị dân thành phố Rājagaha bắt đầu gánh chịu áp lực nặng nề trong việc đặt bát mỗi ngày cho hằng ngàn sa-môn, đệ tử của đức Phật và cũng hằng ngàn du sĩ, đạo sĩ của tôn giáo khác nữa! Mà trong số ấy, không phải ai cũng chính đính, trang nghiêm, có tăng tướng, có oai nghi mô phạm! Trong số một ngàn đệ tử của các tôn giả Kassapa cùng một số đệ tử của tôn giả Sāriputta và Moggallāna đều đã là bậc thánh, họ biết, họ tự điều chỉnh nên họ đã tự động tản mác vào những thôn làng xa ở các ngoại ô. Riêng mấy trăm tân tỳ-khưu từ bốn phương về, trong số họ gồm nhiều thành phần phức tạp, chưa được học giáo pháp đúng mức lại thích đi bát trong thành phố vì có nhiều thực phẩm thượng vị; họ lại thường có ngôn hành thô tháo nên tạo ấn tượng không được tốt đẹp trong mắt quần chúng. Thứ nữa, sự ganh tỵ từ phía các tôn giáo bạn khi đức Phật và hội chúng của ngài được đức vua Seniya Bimbisāra, hoàng tộc và triều đình trọng vọng, không những quy y, hộ độ hằng ngày mà còn xây dựng, hiến cúng cả Trúc Lâm tịnh xá quy mô nữa! Ngoài ra, đâu đó còn ẩn chứa mầm giống tiêu cực về mặt xã hội. Nhiều người đang có công ăn việc làm, đang sống đời bình thường với gia đình, hốt nhiên thích làm sa-môn, gia nhập giáo đoàn của đức Phật mặc cho vợ con túng thiếu. Dư luận sau đây được bàn tán qua cửa miệng của nhiều người thị dân:“Giáo hội của sa-môn Gotama đã làm cho các giống dòng tuyệt tự, gia đình ly tán, vợ góa con côi! Không những sa-môn này kéo theo bên mình một ngàn đạo sĩ tóc búi, hai trăm năm mươi môn đệ của Sañjaya, hằng trăm người thuộc thành phần phức tạp mà còn có những thiện gia nam tử cao sang đệ nhất nước Māgadha cũng thoát ly gia đình để về sống dưới sự hướng dẫn của ông ta!”

Thế rồi, không chỉ họ phỉ báng “bọn sa-môn đầu trọc”; không biết người trí thức nào còn đặt ra câu đồng dao rồi dạy cho trẻ con hát, chọc ghẹo các vị tỳ-khưu từ góc phố này sang góc phố khác:

“- Người đến từ cổ thành

Bậc đạo sư trên đường

Dẫn theo đoàn khất sĩ

Dẫn theo đoàn đạo nhơn

Biết còn ai thọ giới

Quy phục lực sa-môn?”

Nghe được sự việc trên, đức Phật dạy rằng, bận lòng làm gì những lời châm chọc ấy, chúng thường không kéo dài được lâu, hãy kham nhẫn! Còn câu đồng dao, thấy lời lẽ châm biếm cũng rất nhẹ nhàng, đức Phật chợt mỉm cười rồi đọc ngay một vần thi kệ:

“- Các bậc vô thượng nhân

Hiển lộ lẽ thực chân

Chỉ đường theo chánh pháp

Trí đức sáng vô ngần

Ai nỡ nào ganh tỵ

Các khất sĩ hiền nhân

Dẫn đưa người tiến bước

Bằng giáo pháp như chân!”(1)

Các vị sa-môn trẻ thú vị vì câu thi kệ nên đã nhanh chóng truyền sang bên ngoài, rồi cũng nhanh chóng, trẻ con các nơi thích thú hát theo, thế là câu đồng dao cũ tức khắc bị vô hiệu hóa! Và cả lời chỉ trích, thời gian sau cũng không còn nữa. Có lẽ một phần do sự ngăn chặn của đức vua Seniya Bimbisāra và triều đình; phần khác là nhờ các vị trưởng lão A-la-hán Koṇḍañña, Assaji, Yasa... ba tôn giả Kassapa, Mahā Kassapa; và nhất là Sāriputta, Moggallāna được phép đức Phật, liên tục mở các lớp giáo huấn, giảng dạy về ngôn hành, tứ oai nghi, đưa chư vị tân tỳ-khưu vào nền nếp. Nhân tiện, đức Phật cũng bảo Sāriputta để ý đến thành phần ít học hoặc chẳng học, thiếu căn bản trí thức và trình độ giáo dục; họ thường khiếm nhã, thiếu tư cách, mất tác phong trong khi đi trì bình khất thực. Theo yêu cầu của vị đại đệ tử, đức Phật đã ban hành một số học giới liên hệ. Ví như phép cư xử nhã nhặn, lịch sự, khiêm tốn đối với mọi người! Cách thức đi trì bình hoặc thọ thực phải giữ sự im lặng của bậc thánh! Các tân tỳ-khưu phải biết vâng lời, tôn kính các bậc giáo thọ, phải có những bổn phận nhất định với các thầy như chăm sóc y phục, rửa sạch bình bát, lau chùi sàng tọa... Bên cạnh đó, hiệu quả nhất là tôn giả Sāriputta đã làm thêm được ba việc. Thứ nhất là, trong khi an cư mùa mưa, đức vua, triều đình, thương gia, các vị thí chủ ngoài việc cúng dường vật thực hằng ngày, mời đến tư gia đặt bát... còn có thể cúng dường gạo, đậu, mè, dầu, bột, đường, quả củ, rau trái... đến chư tăng; rồi một số cư sĩ áo trắng phụ việc sẽ nấu chín, đặt bát cho những trưởng lão già yếu, người ốm bệnh hoặc các vị tỳ-khưu bận rộn nhiều công việc ở tịnh xá! Thứ hai là, chia phiên từng nhóm để đi khất thực trong thành phố hoặc các thôn làng, ngăn chặn sự tùy tiện hoặc giải tỏa áp lực ở một vùng, một thôn xóm! Thứ ba là, mỗi ngày chia phiên trực ban: Ban vườn cảnh, đường kinh hành, nhà vệ sinh, nhà tắm, cốc liêu; ban dọn dẹp, thu xếp, sắp đặt giảng đường, tọa cụ, dầu đèn, đón tiếp khách thập phương hoặc thí chủ các nơi; ban bảo quản nhà kho lương thực, chăm lo, đốc thúc bếp núc, sửa soạn vật thực phục vụ nhân số cơ hữu! Ngoài ra, tôn giả Sāriputta còn chu đáo, thay đổi thị giả hầu cận đức Phật, tỳ-khưu Nāgita thay thế tỳ-khưu Nāgasamāla, tìm kiếm các thị giả cho các trưởng lão Koṇḍañña, Assaji, Kassapa...

Quả thật, có tâm và có trí của vị đại đệ tử được đức Phật tin cậy, sự trật tự, nền nếp của Trúc Lâm tịnh xá đã bước lên một tầm cao mới. Nhân dân các nơi khi đi chiêm quan Rừng Trúc, không ai là không khen ngợi, tán thán sự tổ chức, nền nếp sinh hoạt của giáo đoàn. Sự châm biếm, phỉ báng không còn nữa, mà ngược lại, thanh danh đức Phật và hội chúng của ngài lại càng lan xa, lan rộng thêm nữa!

Đức vua Seniya Bimbisāra thường hay lui tới, ông không dẫn theo nhiều người, chỉ có năm bảy thị vệ tháp tùng cùng đi với hoàng hậu Videhi và thái tử Ajātasattu! Nhà vua bảo là ông rất nhớ đức Phật và thánh chúng; và lúc nào cũng muốn nghe pháp. Đời sống của một vị vua chẳng an lạc và hạnh phúc gì, luôn luôn bận rộn và luôn luôn cảnh giác, đề phòng việc này, việc kia, người này, người nọ! Hôm kia, đức vua như cố ý gởi gắm thái tử Ajātasattu, nhờ tôn giả Sāriputta dạy dỗ vì tương lai đất nước tùy thuộc tư cách, phẩm hạnh của bậc nhân chủ! Nhưng khi đức vua dẫn thái tử dạo chơi thì hoàng hậu Videhi lại tâm sự với đức Phật rằng:

- Đệ tử rất lấy làm lo ngại vì lời tiên tri thuở trước của các thầy bà-la-môn khi đứa trẻ còn ở trong thai bào, có tên là Ajātasattu, có nghĩa là “kẻ thù chưa sanh”! Số là từ khi mang thai trẻ, đệ tử chợt nhiên thèm muốn lạ lùng vài giọt máu nơi bàn tay phải của đức vua! Thèm muốn đến xanh xao, vàng võ mà không dám nói! Sau, bị cật vấn hoài, đệ tử đành phải thú thật! Thế là nhà vua vui vẻ, lấy dao rạch tay cho đệ tử hút máu! Đệ tử định giết đứa trẻ này, kể khi còn trong thai hay khi đã sanh ra nhưng đức vua cương quyết không cho! Nhà vua thương nó lắm. Đến nỗi khi trẻ bị cái mụt nhọt trên đầu ngón tay, mưng mủ, nhức nhối suốt ngày đêm, la khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ dành được. Đang bận việc giữa triều đình, thế mà đức vua đã nhè nhẹ bế trẻ lên, ngậm ngón tay đau của con, nhè nhẹ mút chỗ mưng mủ cho con đỡ đau. Đứa trẻ đỡ đau thật, không còn khóc la nữa, thế là nhà vua không dám rút tay trẻ ra, cứ ngậm mãi rồi bao nhiêu máu mủ ông nuốt vào bụng hết! Thế đó là tình phụ tử đậm đà, sâu nặng, thế gian khó có người thứ hai, nhưng đệ tử vẫn lo ngại vô cùng về sự oan trái nào đó giữa hai cha con từ quá khứ!

Đức Phật biết chuyện nghiệp báo nhân quả, thậm chí còn biết việc gì xẩy ra trong tương lai giữa hai cha con đức vua; nhưng ngài đã kín đáo và tinh tế khuyên dạy:

- Định luật nghiệp báo nhân quả rất khó thấy, khó biết, cho chí một bậc thánh A-la-hán cũng chưa thấy rõ một cách toàn diện! Khi nhân đã gieo rồi thì quả nó sẽ trổ, không ai có thể ngăn chặn được. Có thể do đời sống tu tập, tạo nhiều nghiệp lành thì quả báo xưa có thể nhẹ đi chứ không thể chấm dứt hẳn! Hoàng hậu hãy để tâm an lành, tĩnh niệm trong đời sống hiện tại; chuyện đã qua rồi, đừng để cho bất kỳ hình ảnh nào, sự việc gì từ quá khứ ám ảnh, tạo ra bất an, phiền não không đáng có!

Dù chưa dứt tuyệt ám ảnh, nhưng hoàng hậu Videhi cũng nguôi ngoai. Hơn nữa, ngắm nhìn khung cảnh thanh bình và đời sống giản dị, an tịnh của đức Phật và Tăng chúng, tâm bà như cũng êm đềm và mát mẻ theo!

Riêng quý phi Khemā, vị phu nhân khả ái, xinh đẹp của đức vua Seniya Bimbisāra thì không dám đến nghe pháp, vì nghe nói đức Phật thường chê bai phụ nữ, đôi khi còn xem phụ nữ là bất tịnh; ngài không những không tán dương sắc đẹp bên ngoài của người phụ nữ mà còn coi nó là một trở ngại cho sự tu tập của hàng sa-môn!

An cư năm nay, dù mưa gió nhiều, nhưng không ảnh hưởng gì lắm đến sự tu tập cũng như việc khất thực của chư tăng. Cốc liêu có mái lợp, tường che kín đáo. Kho lương thực dự trữ có thể hỗ trợ cho việc đặt bát tại tịnh xá. Có vấn đề gì phát sanh thì hai vị đại đệ tử đã tự động giải quyết, khỏi phiền đến đức Phật hoặc các vị trưởng lão. Như việc đau ốm thì cần phải có thuốc thang, bệnh xá và lương y phụ trách. Như việc có quá nhiều người ăn xin đến chầu chực khoảng thời gian chư tăng độ thực thì phải làm sao? Đuổi đi thì thương tổn lòng từ mà lấy phần của chư tăng để bố thí thì đụng chạm đến đức tin của thí chủ! Cả hai việc lớn, khó xử này, tôn giả Sāriputta, tôn giả Moggallāna phải cầu viện đến đức vua, các vị trọng thần và các thánh cư sĩ hào phú. Sau đó, nhanh chóng một bệnh xá đã được thiết lập, một trại chẩn bần ngoài bìa rừng đã được dựng lên! Tôn giả còn để ý tìm hiểu nguyên nhân của một số căn bệnh do ngồi thiền nhiều, do ít cử động về tay chân nên khuyên chư tăng hãy đi kinh hành nhiều sau khi độ thực, siêng năng trong việc lao tác như xách nước, quét tước, dọn dẹp nơi này và nơi khác. Đối với các vị già lão thì tôn giả hướng dẫn các thế Hatha-yoga để điều thân, điều khí cho máu huyết lưu thông!

Nói tóm lại là bất cứ chỗ nào cũng phải để mắt đến. Các ngày đầu và cuối tháng, các ngày bát quan trai, hai hàng cư sĩ áo trắng ngồi đầy giảng đường, đèn, hoa cũng tràn ngập giảng đường! Vậy, có đủ chỗ vệ sinh sạch sẽ cho họ chăng? Hoa tàn, hoa héo, lá gói, dây cột và rác rưởi thì ai dọn dẹp, chất đổ ở đâu? Những tấm tọa cụ phải được thay thế bằng nhiều tấm thảm vải thô lớn rộng và bền chắc! Hễ có nắng lên là phải phơi phóng để tránh ẩm mốc! Cả từng núi công việc, từng đống vấn đề phải cần có đầu óc phi phàm, biết tính toán, biết lo liệu, biết sắp xếp, biết tổ chức; nếu không sẽ trở thành một bãi chiến trường, một bãi rác!

Thì giờ sinh hoạt trong ngày của chư tăng đã thông báo rộng rãi và từng bước một cũng được thực thi nghiêm túc. Sau giờ hành thiền buổi sớm, ai cũng phải lao động chân tay, cất đặt dọn dẹp, quét tước xung quanh cốc liêu của mình. Các vị tỳ-khưu chúng trưởng có trách nhiệm phân nhóm, phân đường đi khất thực các nơi. Trưa về, phải độ thực tại nhà ăn, ngoại trừ những vị theo hạnh đầu-đà noi gương tôn giả Mahā Kassapa, thường chọn rừng, nghĩa địa để tiện việc tu tập, quán tưởng! Buổi sáng, chương trình của đức Phật thường tùy nghi: đi bát tự do, có người mời hoặc ngài thuyết giáo cho cư sĩ tại gia! Buổi chiều, khi thì đức Phật giáo giới cho nhiều thành phần giai cấp đến hỏi đạo, khi thì ngài giảng dạy chư tăng. Tôn giả Sāriputta và Moggallāna, thỉnh thoảng được đức Phật chỉ định thuyết thay ngài! Buổi tối cũng thế, đôi khi lại để dành cho các tỳ-khưu phương xa. Khuya là chư thiên, khuya nữa là phạm thiên! Đức Phật chỉ nghiêng lưng nghỉ ngơi vào nửa canh ba; nửa canh về sáng, ngài đã trở dậy để quán nhân duyên với chúng sanh! Hai vị đại đệ tử biết thì giờ của đức Phật nên phân định công việc đâu ra đó. Đến lúc này thì uy tín của hai vị đại đệ tử chỉ còn sau đức Phật mà thôi vậy!

Hôm kia có một đoàn người từ Kapilavatthu đến. Đấy là một quan đại thần và mấy chục chiến sĩ Sākya. Đức vua Suddhodana, sau bảy năm xa cách con trai, nhớ nhung vô cùng nhưng không nghe tung tích ở đâu. Thời gian gần đây, các phái đoàn thương buôn, xuống lên, qua lại theo con đường thương mãi (sau này là con đường tơ lụa), ghé Kapilavatthu nghỉ ngơi và đổi hàng, thanh danh của đức Phật được họ bàn tán xôn xao rằng: “Dòng dõi Sākya anh hùng của quốc độ này đã phát sanh một bậc Chánh Đẳng Giác. Ngài đã chiến thắng nhân giới, ma giới và thiên giới! Ngài đã được chư thiên và nhân loại xưng tán, tôn vinh với nhiều hồng danh như Đại A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn! Thế rồi, sau khi độ cho năm đạo sĩ khổ hạnh ở Lộc Uyển, Isipatana, ngài theo dãy núi Gayā đi lần về Māgadha, cảm hóa hằng ngàn đạo sĩ tóc búi. Hiện tại, đức vua Seniya Bimbisāra oai danh lừng lẫy cùng với bá quan, triều đình đều đến quy giáo đức Tôn Sư ấy, dâng cúng toàn bộ Trúc Lâm và hàng ngàn công trình xây dựng. Đức Quang Vinh Điều Ngự luôn đoanh vây quanh mình hằng ngàn sa-môn áo vàng, hằng chục ngàn người thuộc hoàng gia, quý tộc, triệu phú cùng đệ tử hai chúng thuộc mọi thành phần giai cấp xã hội khác nhau!”

Trái tim già nua của đức vua Suddhodana chợt đập liên hồi khi hay được tin trên. Hoàng hậu Gotamī bổi hổi bồi hồi nhìn ngắm phương trời xa, tưởng tượng đứa con ưu tú thuở xưa bây giờ đã trở thành bậc đạo sư của thiên hạ. Công nương Yasodharā tủi thân, lệ đổ hai hàng mặc dầu bà đã nhiều lần làm chủ cảm xúc, hy sinh hạnh phúc nhỏ bé để cho thái tử thỏa mộng ước tầm cầu chân lý! Nghe tin vui, ai cũng mừng rỡ, nôn nóng trong lòng! Tăm bóng của cánh chim giang hồ kia bây giờ mọi người thân yêu đã tìm ra dấu vết! Thế là đức vua Suddhodana tức tốc cho một phái đoàn, gồm một quan đại thần cùng mấy chục chiến sĩ lên đường đến kinh đô Rājagaha, Trúc Lâm tịnh xá, bày tỏ ước mong đức Phật trở về thăm quê hương xa cách lâu ngày!

Đến Trúc Lâm, phái đoàn sứ giả thấy khó tiếp xúc với đức Phật, vì lúc nào ngài cũng bận giáo giới chư tăng, hai hàng cư sĩ hoặc quan khách các phái đoàn! Tò mò, không hiểu đức Phật giảng nói cái gì mà mọi người cung kỉnh, chăm chú lắng nghe từ lớp nầy đến lớp khác! Chư tăng cả hàng ngàn vị trật tự, nền nếp, trang nghiêm lắng nghe giáo pháp không một tiếng ho, không một tiếng tằng hắng, tất cả như chìm ngập trong miền tịnh định an lạc rất lạ lùng! Vị quan đại thần và tốp chiến sĩ lẳng lặng ngồi nghe. Hóa ra, rồi họ cũng say mê, nghe buổi sáng, nghe buổi chiều và nghe cả về đêm nữa! Đức Phật biết chuyện gì xẩy ra, nhưng ngài không nói gì cả. Khi cả phái đoàn đồng xin xuất gia tỳ-khưu, đức Phật biết họ đã đắc quả A-la-hán, và chính các vị trưởng lão đã làm lễ thọ giới cho họ có ngài chứng minh.

Rồi chuyện gì xẩy ra? Rồi suốt mấy tháng trường như thế, chín phái đoàn như thế, đều đắc quả A-la-hán, họ không còn muốn trở về Kapilavatthu nữa! Thật ra, không phải là họ đã quên trọng trách! Sau khi đắc quả A-la-hán, quán nhân duyên, thấy chưa phải thời, họ biết lúc nào là đầy đủ nhân duyên, chính đức Phật sẽ trở lại quê nhà mà chẳng cần ai thưa thỉnh gì cả!

Nhưng riêng đức vua Suddhodana thì rất nóng lòng, cả chín phái đoàn ra đi đều mất tích như những cây kim chìm mất giữa đại dương! Chưa nản chí và cũng như là quyết định cuối cùng, đức vua bèn cử một vị trọng thần, bạn cũ thời thơ ấu và cả tuổi thanh xuân của thái tử là Kāḷudāyi dẫn đầu phái đoàn, lên đường thực hiện sứ mạng! Được sự tin cậy, Kāḷudāyi rất sung sướng; nhưng sung sướng hơn là hy vọng gặp lại người bạn thuở xưa đến nỗi nao nức không ngủ được! Ông bây giờ đã từng trải quan trường và cũng đã khá nhiều mệt mỏi vì gánh nặng nước nhà cũng như gánh nặng gia đình! Mái tóc ông đã có vài sợi bạc, không biết thái tử, là vị Phật ấy, bây giờ ra sao mà thanh danh vang dội còn hơn cả đấng thần linh? Và, Kāḷudāyi cũng tin chắc như thế; trí tuệ, nhân cách và nghị lực của vị ấy, chắc hẳn sẽ có được những thành tựu vĩ đại! Trước khi đi, ông ghé thăm lệnh bà Gotamī, công nương Yasodharā. Ai cũng hy vọng và gởi gắm những tình cảm trân trọng!

Đến Trúc Lâm đã qua mùa an cư từ lâu nhưng đại giảng đường vẫn tiếp tục những thời pháp, không khí vẫn rộn ràng những Phật sự và tăng sự! Kāḷudāyi là người tinh tế, ông chưa gặp đức Phật vội! Ông nhìn ngắm, ông quan sát! Ông bỏ ngoài tai những lời đồn đãi, ông chỉ xác định cái gì đó bằng mắt thấy, tai nghe! Và quả thật, ông đã bước vào một vương quốc của hòa bình, một vương quốc không thể có ở trần gian! Đời sống tăng chúng đâu đó đều như có tính tự giác và tỏa ra một sự ổn định, thanh bình từ nội tâm. Người quét rác cũng bình yên, thanh thản; kẻ bước đi cũng thung dung tự tại. Và tuyệt đối không có một tiếng động ồn ào – nơi hàng ngàn con người đang sinh sống! Pháp luật ở đâu, pháp chế ở đâu, kỷ luật ở đâu - không thấy! Từ giảng đường, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà khách, công viên, sân vườn, không thấy người chỉ huy, điều hành mà đâu đó đều tươm tất, lịch sự! Làm quan triều đình, ông biết, tâm địa thế gian đâu dễ gì giáo dục! Mà ở đây như hội tụ những tinh hoa trí thức như xã hội của những triết nhân, những con người thượng lưu thật sự!

Khi nghe pháp, Kāḷudāyi và phái đoàn đều đắc quả A-la-hán, được chư vị trưởng lão cho thọ giới tỳ-khưu có sự chứng minh của đức Thế Tôn thâu nhận vào giáo đoàn. Tìm gặp đức Phật, trong tăng tướng sa-môn, Kāḷudāyi quỳ lạy đảnh lễ với nụ cười viên mãn! Ông không biết nói gì! Mà chuyện gì, đức Thế Tôn lại không biết! Tuy nhiên, đóng vai trò của một sứ giả bình thường, ông kể chuyện quê nhà từ lúc thái tử ra đi! Rằng là phụ vương của ngài tuy già yếu nhưng vẫn còn khang kiện! Lệnh bà Gotamī thì sức khỏe rất tốt! Công nương Yasodharā tuy thương nhớ nhưng vẫn giữ cốt cách, vẫn tự chủ mọi cảm xúc! Nanda đã lớn, là một thanh niên hào hoa phong nhã, thích chưng diện, ham chơi, đang đính ước hôn sự với một tiểu thư kiều diễm! Sundarī-Nanda đã là một thiếu nữ hoa nhường nguyệt thẹn, đứng đắn, chưa chịu để mắt xanh đến vị vương tôn, công tử nào! Rāhula đã bảy tuổi, không ngoan lắm, ít chịu học hành là hòn ngọc, là con cưng của tất thảy mọi người! Ānanda và Anuruddha lúc này đã chín chắn, mẫu mực, nhưng không chịu nhận bất kỳ một chức vụ gì, giả dụ như làm vua hai vị cũng không quan tâm; luôn luôn nói rằng, sẽ đợi chờ hành tung của người anh siêu việt! Trong số các bạn cũ, Mahānāma rõ ràng là chững chạc nhất, là phụ tá quan trọng nhất cho đức vua; tham mưu, quyết định những vấn đề trọng đại của triều đình! Nếu kế vị ngôi vương thì chẳng có ai xứng đáng hơn Mahānāma! Còn Kimbila, Bhaddiya, Bhagu, Udāyi... kẻ làm quan tổng trấn, người tướng lãnh quân đội, đại thần đảm đang triều chính đều là những nhân vật khả thủ cả!

Nghe xong tất cả mọi chuyện, đức Phật nói:

- Như Lai cũng đã có dự định về thăm quê nhà, thăm tất cả mọi người thân thuộc khi đầy đủ nhân duyên! Có lẽ là đầu mùa xuân, Kāḷudāyi ạ! Ông hãy ở lại đây một thời gian, khi giáo pháp đã thấy rồi, còn cần phải thu xếp đời sống phạm hạnh cho tương hợp!

Kāḷudāyi cúi đầu tuân phục. Ôi, con người này bây giờ vĩ đại quá! Thế gian này đâu có vấn đề gì nữa mà bàn? Một đời sống thanh bình an lạc; một nụ cười vô ưu, siêu thoát; một con đường phạm hạnh thiêng liêng đang hấp dẫn vô lượng chúng sanh tìm về trong đạo lộ thênh thang! Một hơi thở, một cái nhìn cũng đã trở thành tự do và tuyệt đối!

Bất giác, Kāḷudāyi mỉm nụ hoa sen và thấy rõ rằng, tất thảy thế gian đều thanh tịnh!



(1)Phỏng theo “Đức Phật lịch sử” của H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch, Nxb T/P HCM, năm 2000).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/09/2010(Xem: 6807)
“Trước sự Nô Lệ của Con Người” là nhan đề chúng tôi dùng để gọi tập sách này, gồm những bài viết và những bài thảo luận quan trọng mà chúng tôi đã trình bày trong những hội nghị quốc tế và quốc nội. Những vấn đề đặt ra trong tập sách đều nhắm vào một trọng tâm độc nhất: tìm lại con đường của văn hoá Việt Nam trước sự nô lệ của con người để khai quan một chân trời cho ý thức tự do của nhân tính
04/09/2010(Xem: 8873)
Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học đã viết: « Chúng tôi là kẻ hậu học, tuy kiến thức chữ nghĩa và thực lực hành trì chẳng bao nhiêu, cũng đem hết sức mình dịch cuốn Vô Môn Quan này ra Việt ngữ, gọi là để đóng góp vào công cuộc chấn hưng Thiền học hiện nay. »
28/08/2010(Xem: 61169)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 57912)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
27/08/2010(Xem: 23507)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
19/08/2010(Xem: 7035)
Có thể vay mượn những lời như vậy để khởi đầu cho sự chờđợi tiếng vọng đáp ứng của những gì đó đang ẩn mình trong bóng tối. Những lờiđược vay mượn ấy không nhất thiết phải là đồng thanh với những cái sắp đáp ứng.Sự tựu thành của những cái đáp ứng này sẽ không xuất hiện trong những tiếngđộng náo nhiệt. Đây là sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ, khi con bướmmùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng hơi thở củacỏ nội.
18/07/2010(Xem: 13921)
Bất cứ người nào có nghiên cứu Phật học, có kiến thức về giáo lý đạo Phật như được ghi trong ba tạng kinh điển, đều thừa nhận đang có một khoảng cách lớn, phân biệt đạo Phật trong kinh điển (mà tôi tạm gọi là đạo Phật lý thuyết) với đạo Phật ở ngoài đời, trong cuộc sống thực tế. Đạo Phật lý thuyết là đạo Phật lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế là chuyện tất nhiên và tất yếu. Bởi lẽ nếu không có khoảng cách đó giữa đạo Phật lý tưởng và đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đều thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi.
18/07/2010(Xem: 14362)
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
11/07/2010(Xem: 10717)
Có nhiều bài báo, nhiều công trình khảo cứu công phu viết về con số 0 cả từ thế kỷ trước sang đến thế kỷ này. Quả tình, đó là con số kì diệu. Có những câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn, chẳng hạn, “số không có phải là con số?”, nhưng đó lại là câu hỏi gây nên những trả lời dị biệt, và ở mỗi khuynh hướng tiếp cận khác nhau, những câu trả lời khẳng hoặc phủ định đều có những hợp lý riêng của chúng. Thế nhưng, hầu như ngoài những nhà toán học thì chẳng mấy ai quan tâm đến con số không; có thể nói người ta đã không cần đến nó từ các nhu cầu bình nhật như cân đo đong đếm.
16/06/2010(Xem: 7500)
"Vô Ngã" là vấn đề tương đối hơi khó và khiến cho nhiều người nghiên cứu về Đạo Phật phải tốn nhiều công sức để truy cứu, tìm hiểu. Nhưng Vô Ngã lại là vấn đề quan trọng trong giáo lý của Đạo Phật. Tại sao Đạo Phật lại chủ trương "Vô Ngã"?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]