Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Chỉ là một khoảnh khắc

06/10/201319:18(Xem: 4292)
12. Chỉ là một khoảnh khắc

hoa_sen (9)


Khoa Học Phương Tây và Triết Học Phương Đông

Bài 12: Chỉ là một khoảnh khắc

Kiều Tiến Dũng

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ.
Hồn ở đâu bây giờ?”

(Vũ Đình Liên)

Hoa anh đào hồng-trắng, đơn-kép đã bắt đầu chớm nở ở Melbourne. Dù đây là những cánh hoa trên đất Úc nơi tôi đang sống, hay dọc theo bờ sông Potomac ngay giữa Washington DC, nơi tôi đã say ngất ngưởng trong những quán nhạc jazz, hay viền theo lối mòn mang cái tên thơ mộng là Philosopher’s Path (lối mòn của triết gia) ở Kyoto, nơi tôi đã có bao kỷ niệm; dù đây là cuối tháng 8 ở Melbourne hay cuối tháng 3 ở bắc bán cầu, thì đấy cũng là những cánh hoa biểu hiện cho sự tuần hoàn của thời gian qua cái đi-lại của bốn mùa.

Xuân đến, xuân đi, và rồi xuân sẽ lại trở về. Nhưng người thân của ta hay chính chúng ta có còn ở đây để được nhìn thấy một mùa hoa anh đào kế tiếp nữa hay không?

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”

(Thôi Hộ) 

Qua lời dịch của Tản Đà:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây 

(Tản Đà)

Thời gian dường như cứ mãi miệt mài, không chờ, chẳng đợi một ai -- dù cho Hàn Mặc Tử có khẩn khoản, van nài:

“Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân”

(Hàn Mặc tử)

**

Cái tuần hoàn của ngày đêm, của bốn mùa cũng đã được Phật giáo nới rộng ra trong thuyết luân hồi, sinh-tử, tử-sinh. Thật ra, khái niệm luân hồi đã có trong Ấn Độ Giáo từ trước Thích Ca; song cái khác biệt là Phật giáo không tin vào cá thể linh hồn riêng biệt tồn tại từ kiếp này sang kiếp khác. Cái vận hành của sự luân hồi, theo Phật giáo, chỉ là dựa trên nguyên tắc nghiệp lực và duyên khởi. Cái nghiệp chính là cái nhân; rồi cái nhân chỉ có thể sinh ra cái quả khi có đầy đủ những duyên tố hội tụ. Cũng qua lý luận này, Phật giáo cũng không tin là có một đấng tối cao, sáng tạo nên muôn loài. Đây là một điều khác biệt với tất cả các tôn giáo khác, dù đa thần hay độc thần. 

Nhưng đấy lại thuộc về bộ môn thần học, ở xa ngoài tầm hiểu biết hữu hạn của người phàm làm khoa học như tôi.

Qua việc nguyên nhân sẽ dẫn đến hậu quả nói chung, không hẳn là chỉ giới hạn trong cái nhân-quả của phật giáo, ta có cái khái niệm dòng chảy một chiều của thời gian. Thời gian dường như chỉ bị ràng buộc bởi cái thứ tự đi trước của cái nhân và đi sau của cái quả. Ngoài điều ấy ra, cái trước, sau, hay là cùng lúc trong thời gian cũng chỉ là tương đối.

**

Theo cả hai Thuyết Tương Đối Hẹp và Rộng của Einstein thời gian chỉ là tương đối và không thể tách biệt ra khỏi không gian. 

Một quan sát viên càng đi nhanh gần tới vận tốc ánh sáng thì thời gian càng chậm lại. Cuối cùng thì thời gian sẽ ngừng trôi ở vận tốc ánh sáng: người ấy sẽ trẻ mãi không già. Nhưng về mặt kích thước không gian thì người ấy cũng không còn là người ấy nữa, vì khi đó thân thể sẽ bị dẹp lại với kích thước zero, đằng trước cũng chính là đằng sau! Đó là chưa kể người ấy bổng trở nên vô cùng nặng ký, và cái khái niệm béo phì obesity lúc đấy sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới!

Thời gian cũng sẽ trôi chậm hơn lại ở những nơi có trọng trường lớn hơn. Thí dụ, đồng hồ ở mặt đất sẽ chạy chậm hơn so với cái đồng hồ ở trên không gian, vì trọng lực ở mặt đất lớn hơn ở trên cao. Hay khi một phi hành gia từ từ tiến đến một “hố đen” (black hole) thì thời gian từ từ trôi chậm lại; rồi sẽ ngừng trôi hẳn khi người ấy bước vào “vòng chân trời sự kiện” (event horizon) của hố đen đó. Nhưng cùng lúc ấy thì phi hành gia đó không còn gì là hình hài nữa, vì sẽ bị trọng lực mạnh mẽ của hố đen xé tan xác!

Hố đen (black hole) là một loại thiên thể có sức hút trọng lực vô cùng lớn, một khi ánh sáng bị hút vào thì cũng không có đường ra. Do ánh sáng không tỏa ra được nên ta không thấy được chúng, vì vậy chúng mới có tên là hố đen. Cấu trúc vật lý của các hố đen vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng lại có thể sinh ra những hiện tượng vô cùng lý thú trong các trường trọng lực vô cùng lớn mạnh như thế.

**

Cũng xin mở ngoặc ở đây là cái trôi chậm lại của thời gian theo thuyết tương đối cũng có thể là nền tảng khoa học cho câu truyện ông Từ Thức đời nhà Trần lạc lên thiên thai với nàng Giáng Hương chỉ trong vài ngày, nhưng đến khi ông về lại làng cũ thì ở đấy đã trải qua cuộc bể dâu trên trăm năm! Lúc ấy Từ Thức có muốn quay trở lại thiên thai thì cũng không được nữa, chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài câu từ biệt của Giáng Hương: "Kết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn - Phỏng trên sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân"-- kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết; tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu!

Theo Phùng Ngọc Quang thì biết đâu đó là Từ Thức đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc lên phi thuyền UFO. Vì phi thuyền UFO bay rất nhanh nên thời gian trên phi thuyền sẽ trôi chậm hơn nhiều so với trái đất -- vài ngày so với trăm năm. Và trong lúc bị bắc cóc Từ Thức cũng lại có thể bị cho say thuốc, nên cứ tưởng là gặp “nàng tiên Giáng Hương” trong ngoặc kép.

Hơn thế nữa, giả thuyết UFO này lại cũng có vẻ phù hợp với sự kiện là có nhiều dân tộc khác trên thế giới cũng có những câu chuyện cổ tích tương tự với chuyện của Việt Nam ta! Phải chăng các nhân vật cổ tích đó cũng đã bị bắt cóc như Từ Thức nhà mình?

**

Một điều có vẻ nghịch lý khác trong Thuyết Tương Đối là cả cái khái niệm trước-sau trong thời gian cũng lại là tương đối! 

Với một người quan sát thì một tai nạn xe cộ ở London đã xảy ra trước một tai nạn khác ở New York. Nhưng với một người quan sát khác di chuyển với một vận tốc khác thì New York lại đã xảy ra trước London! Việc đảo lộn trước-sau này chỉ có thể được cho phép với hai biến cố độc lập, không có liên hệ nhân quả với nhau.

Nhưng một khi đã có liên hệ nhân quả với nhau thì cái nhân dường như luôn phải đi trước cái quả. Không có lối quan sát nào mà có thể chuyển hóa để đưa cái quả đi trước cái nhân. Đây là cái hay của toán học trong thuyết tương đối. Nếu không thì, trước khi cuộc sổ xố lotto được bắt đầu, ta đã tìm cách để biết được là các con số nào “sẽ” được xổ!

Nhưng có phải cái nhân phải luôn luôn đi trước cái quả chăng? Thuyết cơ lượng tử, không như thuyết tương đối, đã đặt vấn đề và nêu lên cái nghi vấn về sự kiện nhân-trước-quả-sau này. Một thí nghiệm cơ lượng tử dường như cho phép cái quả hiện ra trong thời gian trước cái nhân!

**

Quasar được viết tắt từ chữ quasi-stellar radio source, nghĩa là nguồn thiên thể giống như một ngôi sao phát sóng radio. Nó gần giống như một ngôi sao vì quasar có kích thước tương đối nhỏ hơn nhiều so với một thiên hà, nhưng lại có thể tỏa ra một năng lượng, dưới dạng ánh sáng hay sóng radio và ngay cả dạng X-ray, tương đương với năng lượng của cả một thiên hà có tới hàng trăm tỷ ngôi sao.

Đặc biệt có một quasar có tên khoa học là QSO 0957+561, ở cách chúng ta đến hơn 10 tỷ năm ánh sáng. Nghĩa là những tia sáng hay tín hiệu phát đi từ đấy mà ta nhận được ngày hôm nay là đã được phát đi trên 10 tỷ năm về trước. Và có thể ngay trong lúc này thì quasar đó đã không còn tồn tại nữa. Nói chung, những tia sáng từ các thiên thể càng xa xôi trong không gian lại mang theo những hình ảnh càng xa xưa trong dĩ vãng! Do đấy khi ta nhìn qua viễn vọng kính càng sâu vào cái không gian của vũ trụ thì ta lại càng đi ngược vào cái quá khứ của vũ trụ!

Các tia sáng từ quasar này khi đi qua không gian của những thiên hà trên đường tới ta đã bị trọng trường của những thiên hà này uốn cong tia sáng. Kết quả là ta nhận được hai tia sáng, một tia bên trái và tia kia bên phải đến từ cái quasar nằm khuất đàng sau thiên hà cản lối kia. (Hiện tượng này được gọi là sự hội tụ ánh sáng do sức hút trọng lực – gravitational lensing.) Đấy chẳng khác gì một cấu trúc thí nghiệm khi ánh sáng đi qua hai khe hở bên trái và bên mặt; và người ta đã thành công lập lại thí nghiệm hạt-sóng với ánh sáng phát ra từ quasar này.

Kết quả đạt được cũng như các thí nghiệm lượng tử đã bàn tới trước đây. Nghĩa là khi ta đặt một màn hình nơi hai tia sáng từ quasar hội tụ thì ta cũng sẽ có hiện tượng giao thoa do tính sóng của ánh sáng. Nhưng nếu ta quyết định đặt máy dò tính hạt thì sẽ có kết quả là ánh sáng đó đến từ bên trái hay từ bên phải. 

Khi không đặt máy thì có giao thoa, tức là ánh sáng “cùng lúc” đi qua bên phải và bên trái, như là sóng. Khi đặt máy thì ánh sáng chỉ có thể đi qua hoặc là bên trái, hoặc là bên phải như là hạt mà thôi. Thế thì cái quyết định ngẫu hứng của ta ngay lúc này để đặt hay không đặt máy đo lại ảnh hưởng đến quỹ đạo của ánh sáng đã phát ra từ 10 tỷ năm về trước! (Hay ít nhất là hàng triệu năm ánh sáng vì đây là khoảng cách giữa hai quỹ đạo bên phải và bên trái.) Cái hành động của ta nằm trong hiện tại tại sao lại có thể là cái nguyên nhân cho một hậu quả đã nằm trong quá khứ?

Hay là cái gọi là quyết định ngẫu hứng của ta trong hiện tại thực ra không phải là ngẫu hứng chút nào? Hay là những quyết định của ta trong hiện tại và cả trong tương lai lại được định đoạt từ hơn 10 tỷ năm về trước, lúc ánh sáng bắt đầu cuộc hành trình xuyên vũ trụ? 

Nếu ta không chấp nhận điều vừa nêu trên cho một định mệnh đã được an bày trước đây trên 10 tỷ năm -- nên nhắc lại rằng trái đất chỉ có vào khoảng năm tỷ năm trở lại mà thôi, còn con người thì trên dưới hai trăm ngàn năm là cùng. Thế thì cái quyết định của ta ngay lúc này để đặt hay không đặt máy đo lại ảnh hưởng đến quỹ đạo của ánh sáng đã phát ra từ 10 tỷ năm về trước! Đó là: cái hành động của ta trong hiện tại lại là cái nguyên nhân cho cái hậu quả nằm trong quá khứ!

**

Ta vẫn thường có thể chấp nhận và sống được với cái nhân trong quá khứ và cái quả trong hiện tại hay trong tương lai. Nhưng làm sao thứ tự nhân-quả lại có thể đảo lộn thời gian như trên? Vô cùng nghịch lý! Vì đây chẳng khác gì chuyện cô nàng quyết định nhận lời cầu hôn ngày hôm nay với chàng lại có thể định đoạt việc chàng đã hay không đã bước lên thuyền vượt biên năm nao!

Toàn là nghịch lý nhưng đấy lại là kết quả của những thí nghiệm vật lý!

Khi Albert Einstein cho rằng: “The distinction between the past, present and future is only a stubbornly persistent illusion”-- sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố -- ông chỉ có ý định nói về thuyết tương đối của mình. Nhưng có lẽ ông cũng không ngờ rằng cái ảo tưởng này dường như cũng áp dụng, trong cơ lượng tử, cho cái thứ tự trước-sau của nhân và quả!

**

Ta cảm nhận và định nghĩa được thời gian qua những sự việc trong đó cái nhân đi trước dẫn đến cái quả theo sau. Thời gian, ta đã luôn cứ tưởng, là đồng nghĩa với thứ tự trước sau của nhân và quả. Nhưng nay ánh sáng phát đi từ một quasar xa xôi lại cũng có thể cho ta cái quả đi trước cái nhân! Nhất là cái nhân đó dường như là ở ngay chính quyết định ngẫu hứngcủa chúng ta, ở việc đặt hay không đặt máy dò!

Xin nói rõ là ta không thể dùng hiện tượng này để truyền tín hiệu mang ý nghĩa (information) ngược về trong quá khứ, tương tự như việc ta không thể dùng hiện tượng quấn quít bất khả phân để truyền tín hiệu mang ý nghĩa (information) ngay tức khắc tới hai đầu của vũ trụ. Cái ngẫu nhiên trong sự đo lường của cơ lượng tử không cho phép những việc truyền tín hiệu như thế, và sẽ xóa đi những ý nghĩa được chứa đựng trong các tín hiệu này.

Nói một cách khác, vì cái kết quả ngẫu nhiên trong việc đo lường nào đó vào lúc này, ta không thể khẳng định được kết quả đó thật sự là ngẫu nhiên, hay lại là hậu quả của một nguyên nhân nào đó trong tương lai.

Tuy vậy, thời gian như thế có còn mang một ý nghĩa gì nữa không? Hay quá khứ, tương lai chỉ là ảo ảnh? Và hiện tại chỉ là những gì chúng ta thật sự có mà thôi? Đây cũng lại là cái nhìn của phật giáo nguyên thủy.

**

Thích Ca hỏi một vị sư: "Mạng người được bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng vài ngày."

Thích Ca im lặng mỉm cười, quay qua hỏi vị sư khác: "Mạng người được bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng một bữa ăn."

Thích Ca cũng lại im lặng mỉm cười, rồi lại hỏi một vị Sa-môn khác: "Mạng người được bao lâu?"

Đáp rằng: "Thưa, trong khoảng một hơi thở."

Thích Ca cười: "Lành thay! Ông đã hiểu được Đạo rồi vậy!"

**

Làn ranh sinh tử là chỉ ở trong khoảng khắc của một hơi thở. Phải ôm người thân trong tay mình khi người ấy thở hắt ra hơi cuối cùng thì có lẽ ta mới thật sự nghiệm được sự sống mong manh đến chừng nào. Thì mới hiểu được ta cũng đã phần nào chết theo, khi người chết đã mang đi một phần sự sống của ta.

Thiền tông của phật giáo không bàn nhiều về cái quá khứ đã chết, hay cái tương lai có thể hay không có thể xảy ra, mà chỉ nhấn mạnh về cái giây phút hiện tại, và những suy niệm và cảm nhận trong giây phút này. Đó là cái phi thời gian của Phật giáo.

Hay nói như lời của Swami Vivekananda: “Thời gian, không gian và mối liên hệ nhân quả giống như một tấm kính ta nhìn xuyên qua nó để thấy cái tuyệt đối ... Trong tuyệt đối thì không có thời gian, lẫn không gian, lẫn quan hệ nhân quả.”

Cái vòng thời gian phải chăng chỉ là ảo ảnh? Tồn tại tuyệt đối phải chăng chỉ là tâm điểm của cái vòng lẩn quẩn ấy?

**

Nhà sư Đức Sơn người Nhật Bản, trên đường đi tới Đài Sơn dừng chân bên quán nhỏ gọi điểm tâm ăn sáng. Bà lão bán quán thử thách nhà sư bằng một câu hỏi, nếu nhà sư trả lời được thì bà mới dọn điểm tâm:

“Thưa thầy, Kinh Kim Cương có viết:

“Quá khứ tâm bất khả đắc

Hiện tại tâm bất khả đắc

Vị lai tâm bất khả đắc”

Cái tâm trong quá khứ là không thể có được, cái tâm trong hiện tại là không thể có được, và cái tâm trong tương lai cũng lại không thể có được. Vậy thầy muốn điểm cái tâm nào đây?”

Ở đây bà đã chơi chữ điểm tâm với cái nghĩa là điểm chỉ vào cái tâm. Không trả lời được câu hỏi hóc búa đó, nhà sư đành nhịn đói ra đi.

Trong kinh Kim Cương không có thời nào cả. Quá khứ-tương lai, hữu hạn-vô hạn là đồng nhất trong từng khoảnh khắc của đời sống hiện tại. Cái lưu chuyển vô thường và cái bất tử vĩnh hằng cũng chỉ là một trong tâm người đã giải thoát.

“Bất sinh diệc bất diệt

Bất thường diệc bất đoạn

Bất nhất diệc bất nhị

Bất lai diệc bất xuất”

(Long Thọ -- Trung Quán Luận)

Không sinh cũng là không diệt

Không lâu dài cũng là không ngắn ngủi

Không một cũng là không hai

Không đến cũng là không đi

Khi hướng vào tâm để tìm giải thoát, gạt bỏ đi những phân biệt sinh-tử, thường-đoạn, một-hai, đến-đi, thì không còn cách biệt giữa ta và tha nhân, quá khứ và tương lai. Chỉ còn đấy một sự đồng nhất tuyệt đối của cái “Không” tĩnh lặng đến vô cùng trong tâm người giải thoát.

**

Họa sĩ Escher cũng đã vẽ một bức tranh với hai đoàn tu sĩ dòng kín, đầu phủ mũ kín xếp hàng đi lên một cầu thang, và một đoàn tu sĩ khác đi ngược chiều xuống cũng trên cùng cái cầu thang đó. Cái ảo ảnh là ở chỗ cái cầu thang đó, và hai đoàn tu sĩ lên-xuống ấy, lại có thể khép kín lại thành một vòng tròn. Vâng, một vòng tròn chứ không phải là một vòng xoắn ốc đi lên! 

Làm sao ta có thể có một cái cầu thang với các bậc thang cứ mãi đi lên, nhưng sau đó lại đi vòng ngược trở lại chính mình? Nếu ta đánh dấu một bực thang là A, thì làm sao ta có thể có một cái cầu thang với bực A này thấp hơn bực sau, bực sau thấp hơn bực sau nữa v.v. Nhưng rồi đi một lúc thì vì cái cầu thang lại khép kín nên rồi một bực thang sau đó lại thấp hơn bực A khởi đầu này?

Cái ảo ảnh đó trong tranh vẽ này của Escher cũng chẳng khác gì cái nghịch lý nhân-quả. Nghịch lý ở chỗ là, từ cái quyết định đặt máy dò thì ta có được cái kết quả là ánh sáng đã đi qua con đường nào; nhưng cái quả này cũng lại là cái nguyên nhân cho ánh sáng đã được phát ra như thế nào từ quasar trước đó vào 10 tỷ năm trước đây. Và cuối cùng là cái quả ánh sáng đã phát ra như thế nào vào 10 tỷ năm trước này lại góp phần vào cái nguyên nhân cho sự hiện hữu của chúng ta lúc này, để rồi từ đó ta có thể quyết định làm thí nghiệm ra sao!

Cái vòng thời gian đúng là lẩn quẩn và cũng lại vô cùng ác nghiệt!

**

Một nhà thơ đã ví von rằng:

“Mời em vào quán thời gian
Khuấy ly ký ức uống làn hương xưa
Mời em vào quán không mùa
Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm
Mời em vào quán không năm
Để nghe nhớ khóc ướt đầm ngón tay
Mời em vào quán không ngày
Để xem trời thả heo may, để buồn
Đắng lòng môi chạm yêu thương
Thời gian quên bỏ muỗng đường đó em!”

**

Cái tổng thể không phải đơn thuần là một tập hợp rời rạc của những cá thể. Đành rằng các cá thể là phần tử của tổng thể, nhưng chính cái tổng thể đã định nghĩa nên các cá thể đó. Vũ trụ này tuy rộng lớn nhưng dường như không thể phân chia ra được. Tất cả các sự vật trong vũ trụ này đều liên hệ và phụ thuộc chặt chẻ vào lẫn nhau, trong không gian lẫn thời gian. Khoảng cách gần-xa, quá khứ-tương lai, luôn cả nhân-quả không những là tương đối mà dường như chỉ là ảo ảnh.

Những gì chúng ta thật sự có chỉ là khoảnh khắc của một hơi thở. Sau hơi thở này, chưa chắc sẽ có cái kế tiếp. Nên điều quan trọng là hãy sống làm sao cho trọn vẹn, vì chưa hẳn một người chết là một người đã từng sống trọn vẹn. Và trọn vẹn là chỉ khi nó có ý nghĩa. Và có ý nghĩa không phải là chỉ sống cho riêng ta, mà còn là cho cái tổng thể từ đó ta đã được sinh ra. 

Đời người được đo không phải bằng thời gian mà chính bằng tư tưởng và hành động. Hãy sống, và chết, ra sao để dân tộc vẫn mãi mãi bất diệt – như hoa đào vẫn mãi trở về trong gió xuân.

Kiều Tiến Dũng

Melbourne, Úc Châu

Tháng 9, 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2010(Xem: 10017)
Tác-phẩm của Trần-Thái-Tông còn lưu truyền đến nay chỉ gồm có Bộ-Khóa-Hư-Lục và hai bài thơ sót lại của quyển Trần-Thái-Tông ngự-tập đã thất-lạc.
28/09/2010(Xem: 6679)
Sinh trưởng tại miền Đông Tây-Tạng vào năm 1936, Trưởng Lão Đại Sư Garchen Rinpoche thuộc giòng Drikung Kagyu là hoá thân của một vị đại thành tựu giả tên Siddha Gar vào thế kỷ 13 -- đệ tử tâm truyền của ngài Kyobpa Jigten Sumgon, vị Tổ lừng danh của giòng phái Drikung Kagyu của Phật Giáo Tây Tạng. Trong thời đại Cổ Ấn, Đại Sư Garchen Rinpoche chính là hoá thân của đại thành tựu giả Thánh Thiên (Aryadeva), vị đệ tử đản sanh từ bông sen của ngài Long Thọ Bồ Tát. Vào thế kỷ thứ 7, Đại Sư Garchen Rinopche là Lonpo Gar tức vị khâm sai đại thần của Pháp vương Songsten Gampo, vị vua lừng danh trong lịch sử Tây-Tạng
28/09/2010(Xem: 5935)
Vũ trụ bao la rộng lớn với vô vàn những hình thù khác nhau, nhưng kỳ diệu thay, tất cả chúng đều được hình thành nên từ đơn vị vật chất cơ bản là nguyên tử.
27/09/2010(Xem: 4962)
“Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”. Đấy là bài học học đầu tiên mà tôi học được từ thầy của mình cách đây 39 năm, vào cái ngày đầu tiên sau khi tôi trở thành một chú tiểu.
23/09/2010(Xem: 5457)
Duyên khởi có nghĩa là hết thảy hiện tượng đều do nhân duyên mà phát sinh, liên quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà tồn tại. Nói theo thuật ngữ Phật giáo thời “tất cả pháp là vô thường, vạn vật vô ngã, hết thảy đều không”. “Không” có nghĩa là “vô tự tính”, không có yếu tính quyết định. Với lời tuyên thuyết của Bồ tát Long Thọ: “Các pháp do duyên khởi nên ta nói là Không” (Trung luận, XXIV.18), đa số học giả sử dụng Không và Duyên khởi như đồng nghĩa.
22/09/2010(Xem: 7044)
Giáo Pháp Tứ Y trong đạo Phật là giáo lý nói về 4 phương phápthực tập sự nương tựa (y cứ) dẫn đến giác ngộ, giải thoát. Bốn phươngpháp thực tập sự nương tựa này không phải là một hành vi gì cao siêu,hoặc phải “tu luyện” lâu xa, mà chỉ là những hành vi rất thường nhật như đói ăn, khát uống… nhưng nó cũng là một trong những thiện pháp nuôi lớn phúc đức và trí tuệ cho mỗi con người, đem đến sự an lạc thântâm, cũng từ đó cảm hoá được quần chúng ở mọi lúc, mọi nơi... Phải biết gạn đục, khơi trong. Đừng lẫn lộn giữa Pháp và người giảng Pháp, bởi “Pháp” chính là Đạo: giảng Pháp là giảng Đạo. Ta nghe Pháp để “thấy” đạo...
18/09/2010(Xem: 4605)
Khi mỗi cá nhân có cái nhìn chánh tri kiến trong vấn đề giới tính, ắt hẳn họ sẽ xây dựng một gia đình tốt đẹp. Mỗi gia đình đều có một đời sống như vậy sẽ góp phần thiết lập đời sống hạnh phúc cho toàn xã hội, cho mỗi quốc gia dân tộc.
11/09/2010(Xem: 3985)
Phác họa “Chân Như duyên khởi” Chân Như duyên khởi là một “học thuyết” có mặt trong hầu hết các tông phái Đại thừa như Không tông (Trung Quán, Trung Đạo), Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Mật tông… Sở dĩ chúng ta dùng chữ “học thuyết”, như một lý thuyết triết học, vì khi chỉ nghiên cứu trên bình diện tư tưởng và khái niệm - và đó là việc chúng ta đang làm - thì nó là một học thuyết (chân lý tương đối, tục đế). Còn ngày nào chúng ta thật sự thể nghiệm được Chân Như thì đó không còn là một học thuyết, một ngón tay chỉ mặt trăng, mà đó chính là chân lý tuyệt đối, chân đế, là chính mặt trăng.
10/09/2010(Xem: 59510)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
08/09/2010(Xem: 5035)
Thế giới có thể vượt qua cực điểm của nó rất nhanh trong tương lai gần đây và đi ngang qua điều không thể tránh những sự tác động to lớn trong tương lai lên loài người và những sự sống khác trên hành tinh. Ai sẽ chịu trách nhiệm thực sự hay trách nhiệm đạo đức? Những nhà khoa học? Phương tiện truyền thông? Những sự quan tâm đặc biệt? Những nhà chính trị? Công luận ngày nay? Con cái hay cháu chắt chúng ta? Ai sẽ phải trả giá này?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]