ĐẠI CƯƠNG TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN
Tác Giả: Jaidev Singh - Dịch Giả: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới Xuất Bản
12. TUYỆT ĐỐI VÀ HIỆN TƯỢNG
Triết Học Trung Quán (Madhyamaka) đã sử dụng rất nhiều chữ để mô tả về Tuyệt Đối hoặc Thực Tại: Tathàta (chân như, như thị), sùnyatà (không tánh), nirvàna (niết bàn), adraya (bất nhị), anutpanna (bất sanh), nirvikalpa (cõi vô phân biệt), dharmadhàtu hoặc dharmatà (bản chất của vật tồn hữu, bản thể của pháp), anabhilàpya (bất khả diễn đạt), tattva (đích thật như nó đang là), nisprapànca (không diễn tả bằng lời và không có sự đa nguyên hoặc vô hý luận), yathàbhùta (cái thực sự đang là, như thật), satya (chân lý), bhùtatathatà hoặc bhùtatà (thực tại đích thật, chân lý thật đế), tathàgata-garbha (Như Lai Tạng), aparapratyaya (thực tại mà ta phải tự thể nghiệm trong nội tâm), v.v... Mỗi một chữ được sử dụng từ một lập trường đặc định riêng biệt.
Xuyên qua toàn bộ Trung Quán Luận, Long Thọ đã gia công chứng minh rằng Tuyệt Đối là siêu việt đối với tư tưởng và ngôn từ. Cả khái niệm về “hữu tánh” (bhàva) lẫn “vô tánh” (abhàva) đều không thể áp dụng đối với nó. Long Thọ đã đưa ra lý do dưới đây để giải thích tại sao không thể áp dụng những khái niệm này:
Bhàvastàved na nirvànam jaràmaranalaksanam/
Prasajyetàsti bhàvo hi na jàramaranam vinà//
(Trung Quán Tụng, XXV 4)
“Niết Bàn hoặc thực tại tuyệt đối không thể là “hữu”
(bhàva) (hay vật tồn tại), bởi vì trong trường hợp này
nó sẽ bị kiềm chế ở nơi sanh, hoại, diệt, không có
tồn tại của kinh nghiệm nào có thể tránh khỏi bị hoại
diệt. Nếu nó không thể là hữu (bhàva), thì nó càng
không thể là vô (abhàva) (hay vật phi tồn tại) bởi vì
vô chỉ là một khái niệm tương đối, tùy thuộc vào
khái niệm hữu mà thôi.”
Như Long Thọ đã bảo:
Bhàvasya cedaprasiddhirabhàvo naiva siddhyati/
Bhàvasya hyanyathàbhàvam abhàvam bruvate janàh//
(Trung Quán Tụng, XV, 5)
“Nếu chính hữu (bhàva) được chứng minh là không thể áp dụng cho Thực Tại, thì vô (abhàva) lại càng không thể chịu nổi sự soi xét chi li, bởi vì vô (abhàva) chỉ là sự tan biến của hữu (bhàva) mà thôi.”
Khi khái niệm hữu (bhàva: empirical exitence: tồn tại thể nghiệm) và khái niệm vô (abhàva) ̣(sự phủ định của bhàva) không thể áp dụng đối với Tuyệt Đối, thì không thể nghĩ tới chuyện áp dụng những khái niệm nào khác, bởi vì mọi khái niệm này tùy thuộc vào hai khái niệm này. Tóm lại, Tuyệt Đối là siêu việt đối với tư tưởng, và, vì siêu việt đối với tư tưởng nên nó không thể biểu đạt.
Nirvrttamabhidhàtavyam nivrtte cittagocare/
Anutpannànirudddhà hi nirvànamiva dharmatà//
(Trung Quán Tụng, XVIII, 7)
“Những gì không phải là đối tượng của tư tưởng,
thì chắc chắn không thể là đối tượng của ngôn từ.
Khi Tuyệt Đối là bản chất của tất cả vật tồn hữu thì
nó không sanh và cũng không diệt.”
Nguyệt Xứng (Candrakìrti) bảo rằng:
“Daramàrtho hi ayànàm tùsnìmbhàvah”
(Minh Cú Luận, p. 19)
“Đối với các bậc thánh giả thì tuyệt đối chỉ là sự im
lặng, vì nó là cái gì bất khả diễn đạt, bất khả thuyết”.
Những hiện tượng không có thực tại độc lập, thật thể của chính chúng. Tương đối tánh hoặc sự tùy thuộc là những đặc tánh chủ yếu của hiện tượng, và, một vật là tương đối thì không phải là “thật” (real), hiểu theo ý nghĩa cao nhất của chữ này. Tuyệt Đối là Thực Tại của những hiện tượng.
Tuyệt Đối và thế giới không là hai nhóm thực tại khác nhau đặt ở vị trí đối kháng nhau. Khi hiện tượng được coi là tương đối, chịu sự chi phối của những nhân duyên và những điều kiện cấu thành thế giới này thì chúng là hiện tượng; và khi hiện tượng được coi là phi hạn định bởi tất cả nhân duyên thì hiện tượng là Tuyệt Đối. Tuyệt Đối luôn luôn có bản chất đồng nhất. Niết Bàn hoặc Thực Tại Tuyệt Đối không phải là thứ gì được tạo sanh hoặc thành tựu. Niết Bàn chỉ có nghĩa là sự biến mất hoặc đình chỉ của tư tưởng điên đảo, vọng động.
Nếu Tuyệt Đối là siêu việt đối với tất cả tư tưởng và ngôn thuyết, thì làm sao có thể mô tả nó, và làm sao có thể có những giáo thuyết về nó? Câu trả lời là: hiện tượng không toàn hoàn ngăn cách chúng ta với Thực Tại. Hiện tượng là biểu tượng, và biểu tượng chỉ đường dẫn đến đến Thực Tại của chúng. Cái màn che phủ tiết lộ một ngụ ý về vật mà nó che phủ.
Nguyệt Xứng đã trích dẫn một câu nói của Đức Phật:
Anaksarasya dharmasya srutih kà desanà ca kà/
Srùyate desyate càpi samàropàdanaksarah//
“Làm sao có thể hiểu hoặc giáo huấn về thứ gì vô
ngôn từ (không thể diễn đạt)? Nó chỉ có thể hiểu và
giáo huấn bằng samàropa (biểu tượng) mà thôi”.