Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

37. Đàn Bò Sang Sông

15/03/201408:30(Xem: 30955)
37. Đàn Bò Sang Sông
blank
Đàn Bò Sang Sông

Trước khi rời khỏi những khu rừng, từ bỏ con sông, theo hương lộ đến các thôn làng, đức Phật còn định nói thêm một thời pháp ngắn về đàn bò và con sông nữa.

Ngay lúc ấy, nhị vị đại đệ tử là tôn giả Sāriputta và tôn giả Mahā Moggallāna từ đâu đó xuất hiện, đảnh lễ và ôm chân bụi của đức Đạo Sư.

Đức Phật mỉm cười hỏi:

- Hai ông có biết mấy thời pháp vừa rồi của Như Lai không?

Cả hai vị đồng đáp:

- Thưa, chúng đệ tử có nghe.

- Vậy thì Như Lai đã thuyết những gì?

Tôn giả Mahā Moggallāna đáp:

- Thưa, tỳ-khưu Sotthiya nói về mười loại cỏ thì đức Đạo Sư giảng thuyết về mười pháp cần phải thấy biết, liễu tri. Có pháp nên viễn ly, xa lánh, pháp nên thực hành, y chỉ, pháp nên đoạn tận, trừ diệt, pháp nên huân tu, trưởng dưỡng ... vân vân và vân vân.

- Đúng vậy! Còn thời pháp thứ hai?

Cũng tôn giả Mahā Moggallāna đáp:

- Thưa! Về mười một pháp của người chăn bò khéo giỏi chính là mười một pháp làm cho một vị tỳ-khưu tồn tại, lớn mạnh trong pháp và luật của đức Thế Tôn.

- Đúng vậy! Còn bây giờ, khi nhìn con sông này, cái dòng nước đang trôi chảy kia, Như Lai chợt nghĩ đến đấy là dòng khổ đau, phiền não; là dòng vô minh ái dục, là dòng sinh tử vô tận, là dòng ma vương trùng trùng thì giáo pháp của Như Lai là nhằm để lội qua, bơi qua dòng sông ấy. Có lần, tại bộ lạc Vajjī (Bạt-kỳ) tại Ukkacela, trên bờ sông Hằng, Như Lai đã có thuyết rồi đấy, ông có biết không, có nhớ không?

Tôn giả Sāriputta nói:

- Đệ tử có nhớ! Hôm ấy, đức Tôn Sư có nói rằng, Như Lai có cảm giác là đang dẫn một đàn bò sang sông. Và rồi, đức Tôn Sư đã thuyết một thời pháp về đề tài “Đàn bò sang sông” ấy.

- Vậy thì hôm ấy, Như Lai đã thuyết ra sao, ông có thể trùng tuyên cho đại chúng nơi này cùng nghe, được chăng?

Vâng mệnh đức Thế Tôn; và rồi tôn giả Sāriputta đã thiện thuyết như sau:

- Đại chúng huynh đệ! Hôm ấy, đức Thế Tôn đã kể chuyện rằng: Ngày xưa, này các tỳ-khưu! Tại Māgadha có người chăn bò ngu si, vô trí. Vào cuối tháng mùa mưa, y không để tâm quan sát phía bên này sông, quan sát bên kia sông, cũng không thèm quan sát bến nước lội qua; tại Suvideha, y đuổi đàn bò qua sông tại chỗ không thể lội qua được, nước lại đang trôi chảy cuồn cuộn.

Thế là cả đàn bò hớt hãi xô nhau tụ lại giữa dòng, quẫy đạp, kêu rống, tuyệt vọng giữa dòng nước dữ, chúng gặp tai nạn, có con bị cuốn trôi hoặc có con bị chết đuối tại chỗ...

Cũng vậy, này các tỳ-khưu! Có những sa-môn hay bà-la-môn không khéo biết đời này với nhân với duyên với quả như vậy; không khéo biết đời sau với nhân với duyên với quả như vậy; không khéo biết ma chướng, ma giới, ma cảnh là đâu; không khéo biết lìa khỏi ma chướng, ma giới, ma cảnh như thế nào; không khéo biết cõi của thần chết, không khéo biết làm thế nào để bước ra khỏi cõi của thần chết; vậy mà chúng dám tự xưng là đạo sư, chân sư rồi giảng thuyết khắp cõi Diêm-phù-đề!

Những ai nghĩ rằng cần phải nghe, cần phải tin những vị này; tu tập, thực hành theo lời dạy bảo của họ thì sẽ gặp bất hạnh và đau khổ lâu dài, như đàn bò cùng quẩn tuyệt vọng trong dòng nước dữ của người chăn bò ngu si, vô trí kia vậy.

Cũng ngày xưa, này các tỳ-khưu! Tại Māgadha có người chăn bò thông minh, có trí, vào cuối tháng mùa mưa, y đi dọc theo con sông, cẩn thận quan sát chỗ nào có dòng nước không chảy xiết, cẩn thận quan sát bờ bên này có bến nước dễ xuống, cẩn thận quan sát bờ bên kia có dốc thoải và đám cỏ bằng...

Sau khi nhìn ngắm kỹ càng một lần nữa, đầu tiên y cho những con bò đực già, những con đầu đàn khôn ngoan, giàu kinh nghiệm qua sông trước. Những con bò này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn, chúng đứng thảnh thơi ăn cỏ rồi đưa mắt ngước nhìn sang bên này bờ. Người chăn bò thông minh, có trí mỉm cười rồi y lựa những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực đã từng được huấn luyện kỹ càng tuần tự cho qua sông. Rồi nối đuôi theo sau là những con bò đực thanh niên, những con bò cái thanh nữ, những con bò thiếu niên, thiếu nữ, những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những con bò con đang còn bú, mới sanh cứ tuần tự theo lộ trình an toàn sau trước cắt ngang dòng sông, sang bờ một cách tuyệt đối an toàn.

Cũng vậy, này các tỳ-khưu! Có những sa-môn hay bà-la-môn khéo biết đời này với nhân với duyên với quả như vậy; khéo biết đời sau với nhân với duyên với quả như vậy; khéo biết ma chướng, ma giới, ma cảnh là đâu; khéo biết lìa khỏi ma chướng, ma giới, ma cảnh như thế nào; khéo biết cõi của thần chết, khéo biết làm thế nào để bước ra khỏi cõi của thần chết. Những người như vậy, tuy họ chẳng tự xưng là đạo sư, là chân sư; nếu họ thuyết giảng tùy pháp, thuận pháp nơi này và nơi kia, thì các ngươi cần phải nghe, cần phải tin những vị này; tu tập, thực hành theo lời dạy bảo của họ thì sẽ gặp hạnh phúc và an lạc lâu dài như đàn bò an toàn sang sông, thảnh thơi gặm cỏ của người chăn bò thông minh, có trí kia vậy.

Và này chư vị tỳ-khưu! Những con bò đực già, đầu đàn, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm cho qua sông trước, cắt ngang dòng Gaṅgā là những ai vậy? Chính họ là những bậc A-la-hán, đã đoạn trừ các lậu hoặc, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng trên vai xuống, đã đạt được mục đích phạm hạnh, các hữu kiết sử đã hoàn toàn bị đoạn diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí. Những vị này, sau khi lội cắt ngang dòng sông ma vương, dòng sông sinh tử, dòng sông khổ đau phiền não; họ đã qua bờ bên kia một cách an toàn, thong dong nếm thưởng hương vị giải thoát.

Những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực đã từng được huấn luyện kỹ càng tuần tự cho qua sông là những ai vậy?

Đấy là bậc A-na-hàm, những vị tỳ-khưu sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh tại cõi trời Ngũ tịnh cư rồi Niết-bàn tại đấy, không còn phải trở lại thế gian này nữa.

Rồi nối đuôi theo sau là những con bò đực thanh niên, những con bò cái thanh nữ, những con bò thiếu niên, thiếu nữ, những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những con bò con đang còn bú, mới sanh cứ tuần tự theo lộ trình an toàn sau trước cắt ngang dòng sông, sang bờ một cách tuyệt đối an toàn; họ là những ai vậy?

Họ là các bậc Tư-đà-hàm, Tu-đà-hoàn.

Còn những con bò ấu nhi vừa chạy vừa kêu, những con bò con đang còn bú hoặc mới sanh chính là những tỳ-khưu, những tỳ-khưu-ni tùy tín hành, tùy pháp hành trong giáo pháp của Như Lai, trước sau họ đều sẽ sang bờ một cách an toàn và an vui như vậy.

Này các tỳ-khưu! Các ngươi đừng nghĩ người chăn bò thông minh, có trí ấy là ai? Là Như Lai đấy! Còn hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni là đàn bò đang lần lượt cắt ngang dòng sông ma vương, dòng sông sinh tử, dòng sông phiền não khổ đau để sang bờ kia một cách tuyệt đối an toàn.

Này đại chúng huynh đệ! Thế Tôn thuyết giảng như vậy xong, ngài còn nói thêm bài kệ:

“- Đời này và đời sau,

Như Lai khéo trình bày,

Cảnh giới ma, không ma

Thần chết, không thần chết

Bậc chánh giác, trí giả,

Biết rõ mọi thế giới,

Cửa bất tử rộng mở,

Dòng ma bị chặt ngang,

Nát tan và hư hoại,

Hãy sống sung mãn hỷ,

Đạt an ổn Niết-bàn!”

Sau khi tôn giả Sāriputta thuyết xong, đức Phật khen ngợi:

- Quả thật là thiện thuyết, này Sāriputta! Nếu Như Lai có thuyết lại cũng chỉ thuyết được như vậy mà thôi. Ông quả thật là xứng đáng được hội chúng tỳ-khưu xưng tán là thượng thủ, là pháp chủ trong giáo hội của Như Lai!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 696)
Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên. Tiếng binh reo, ngựa hý, gươm khua không bao giờ ngớt trên đất mẹ Việt Nam thân yêu trong suốt 200 năm.
08/04/2013(Xem: 1568)
Nền đạo học phương đông đã dâng tặng cho nhân loại một kho tàng tri thức vô tận về vũ trụ và nhân sinh. Trong mấy ngàn năm qua, nền đạo học này đã và đang cống hiến cho nhân loại nhiều bài học vô giá về đạo đức, về triết lý nhân sinh ...
08/04/2013(Xem: 5604)
Giải thích tổng quát về Kinh Hoa Nghiêm theo hệ Kinh tạng Đại Thừa: Đức Phật ra đời vì “hạnh phúc an lạc của chư Thiên và loài người” như lời Ngài đã từng tuyên bố. Thế nên sự sống mà Đức Phật ra đời thật vô cùng quan trọng, đó là chân lý, là Pháp âm được vang lên khắp vũ trụ sơn hà. “Pháp âm bất tuyệt” tất cả tiếng chim hót, dế ngân, sóng vỗ, thảo mộc, khai hoa, thông reo suối chảy, đến tiếng đá rơi ... đều là pháp, không nơi đâu không phải là pháp.
08/04/2013(Xem: 2984)
Trong quyển Nhập Bồ Tát hạnh có nói: “Muốn diệt trừ vô lượng khổ đau trong ba cỏi, và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ Tâm Bồ Đề. Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà phát Tâm Bồ Đề chốc lác cũng được gọi là con của Phật, đáng được trời người kính lễ.
08/04/2013(Xem: 788)
Việt nam là một đất nước thuộc vùng Đông Nam Á, vừa tiếp cận với lục địa Châu Á, vừa chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn nhất thế giới đó là Ấn Độ và Trung Hoa, đồng thời nước ta còn có nền văn minh bản địa thường được gọi là văn minh Lúa nước hoặc văn minh Sông Hồng. Sự giao thoa của hai nền văn minh trên cộng với nền văn minh bản địa đã tạo nên một sắc thái đặc biệt để cho ra đời một nền văn minh độc đáo và phong phú.
08/04/2013(Xem: 737)
Thế giới con người là một hỗn hộp của các bản chất không giống nhau có kẻ thích thụ hưởng, có kẻ đam mê vật chất tiền tài, danh lợi, nên có những hạnh nghiệp khác nhau tùy sở thích của mỗi chúng sanh, Đạo Phật gọi là Thiện – Ác.
08/04/2013(Xem: 846)
Trong đạo Phật, tu học là làm sao để cho bản thân chúng ta ngày mỗi trở nên an lạc hơn và thánh thiện hơn. Một ngày tu học đúng pháp sẽ giúp ta thấy rõ mình hơn, thấy rõ những người xung quanh hơn và làm cho đời sống của ta có ý nghĩa hơn. Một thi hào người Tây Phương có câu : “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” cái biết ấy nếu chúng ta đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì mọi việc sẽ trở nên thông suốt tốt đẹp “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.
08/04/2013(Xem: 2628)
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên dưới hai ngàn năm. Giáo lý đạo Phật đã ăn sâu, hội nhập vào các mặt sinh hoạt trong đời sống nhân dân từ tư tưởng văn hóa đến chính trị xã hội. Trải qua nhiều thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần Đạo Phật có lúc được xem là quốc giáo của dân tộc.
08/04/2013(Xem: 1086)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại.
08/04/2013(Xem: 786)
Nhận được quyết định của Hội Đồng Điều Hành Học Viện, mỗi Tăng, Ni sinh phải trình bày một đề tài mà mình tâm đắc nhất trong suốt bốn năm chuyên tâm cầu học, từ những chư vị Giáo thọ sư nhiệt tình truyền dạy, sao lòng hân hoan và lo ngại quá. Hân hoan vì đây là điều kiện tốt nhất để đánh giá thành quả trong 4 năm chuyên tâm cầu học từ những
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]