Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dục lạc và phương pháp đoạn trừ

08/04/201318:57(Xem: 737)
Dục lạc và phương pháp đoạn trừ

Luận văn tốt nghiệp

DỤC LẠC VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐOẠN TRỪ

Thích Nữ Quảng Lộc

DẪN NHẬP

Dục lạc và phương pháp thoát ly dục lạc là đề tài được nói đến rất nhiều trong kinh tạng Pàli. Rất nhiều bản kinh, đoạn kinh và câu kinh thuộc kinh tạng Pàli đề cập vấn đề này. Đức Phật từng nếm trải lạc thú thế gian, hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của nó nên dục lạc và phương pháp thoát ly dục lạc là đề tài mà ngài rất quan tâm giảng dạy cho các học trò mình. Một thông tin từ bản kinh Xà dụ cho biết: “Thế Tôn đã dùng nhiều phương tiện thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như khúc xương... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như một miếng thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như bó đuốc cỏ khô... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như hố than hừng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như cơn mộng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như vật dụng cho mượn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như trái cây... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như lò thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như gậy nhọn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn.”

Về phương pháp thoát ly dục lạc, đức Phật cũng cho thấy một kinh nghiệm rất thiết thực. Trong Tiểu kinh Khổ uẩn, Ngài đã nói rõ về kinh nghiệm ấy: “Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Đẳng Chánh Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,’ dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: ‘Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn,’ và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối.”

Như vậy, ngoài việc hiểu rõ vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly, hành thiền hay điều phục tâm là phương pháp thoát ly dục lạc, con đường thực hiện hạnh phúc an lạc ngay giữa cuộc đời đầy biến động bởi động cơ dục vọng. Đức Phật đã chứng thực điều này và nêu rõ:

“Tâm hoảng hốt dao động,

Theo các dục quay cuồng;

Lành thay điều phục tâm,

Tâm điều, an lạc đến.”

Bản luận văn này, “Dục lạc và Phương pháp đoạn trừ,” sẽ tập trung làm rõ các định nghĩa và minh họa của đức Phật xoay quanh vấn đề dục lạc, song song với việc xem xét các định nghĩa và mô tả về con đường thiền định của ngài như là giải pháp thiết thực cho việc thoát ly dục lạc, thực nghiệm an lạc giải thoát.

2. Lý do chọn đề tài:

Nhằm khẳng định lối đi của mình trên hành trình thánh đạo, người viết chọn khảo sát và nghiên cứu đề tài này. Ngoài ra, người viết cũng muốn, qua đề tài này, giới thiệu sự đóng góp của Đạo Phật cho con người và cuộc đời, bằng cách chứng minh rằng dục lạc hay thú vui giác quan là thực tế nhưng không phải hoàn toàn quan trọng đối với con người, bởi, ngoài dục lạc hay thú vui giác quan, con người có thể thừa hưởng nhiều niềm vui khác siêu việt dục lạc, một giải pháp tuyệt đối cần thiết nhằm nâng cao phẩm giá con người và hạn chế tối đa mọi khủng hoảng ô nhiễm hiện tại của thế giới cơ bản do lòng tham không đáy của con người gây ra.

3. Tài liệu nghiên cứu:

Vấn đề dục lạc và thiền được bàn đến rất rộng rãi trong các tạng Kinh, Luật, Luận. Tuy nhiên, để thực hiện tập luận văn này người viết chủ yếu dựa vào các tài liệu kinh tạng Nikàya đã được Hoà thượng Thích Minh Châu chuyên ngữ thành tiếng Việt. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu Nikàya liên quan đến hai vấn đề này cũng được người viết tham cứu khá kỹ.

4. Phạm vi đề tài:

Chẳng phải tất cả dục (ham muốn) đều được coi là bất thiện mà ý nghĩa của nó tùy theo sở dụng và lãnh vực mà được hiểu là thiện hay bất thiện. Chẳng hạn, dục trong “dục như ý túc” thuộc ba mươi bảy phẩm trợ đạo là nhân tố thiện để tiến tới bậc thánh. Trong phạm vi đề tài này, chúng ta chỉ đề cập dục lạc như là sự ham muốn giác quan thuộc mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mà kinh tạng Nikaya đã nói đến và phương pháp đoạn trừ được thảo luận ở đây là pháp thiền Tứ Niệm Xứ hay còn gọi là Như Lai Thiền.

Đi vào vấn đề con người và phương pháp giải thoát là một việc làm đòi hỏi khả năng chuyên sâu về mặt học thuật và công phu sâu dày về thực hành tự nội. Với hành trang kiến thức non kém và sự thực tập sơ cơ, công trình này chắc chắn không tránh khỏi các sai sót lỗi lầm. Kính mong chư tôn đức và quý đồng phạm hạnh từ bi chỉ bảo thêm cho. Người viết xin thành kính niệm ân.

CHƯƠNG 1 :DỤC LẠC

1.1. QUAN NIỆM CỦA ĐỨC PHẬT VỀ DỤC LẠC:

Cách đây 25 thế kỷ, thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ xuất hiện nhiều trường phái triết học, các triết gia thi nhau xiển dương giáo nghĩa học thuyết của mình trong đó họ có bàn về vấn đề DỤC LẠC. Đức đạo sư Gotama, vị đạo sư khai sinh ra Đạo Phật, cũng thừa nhận rằng Dục lạc là một sự thật có mặt ở thế gian, dục lạc ấy cũng đem đến hạnh phúc, đem đến sự khả ái, khả lạc, sự thỏa mãn cho con người. Nghĩa là Ngài cũng thừa nhận niềm vui của dục, công nhận nó có vị ngọt, làm quyến rũ con người. Nói khác đi, Ngài vẫn thấy rằng sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu có vị ngọt làm say đắm lòng người. Nhưng đó chỉ mới là một mặt của dục lạc. Mặt khác, Đức Đạo sư Gotama đã thấy rõ nó không chỉ có vị ngọt hấp dẫn mà bên cạnh đó còn có mặt đối lập: Sự nguy hiểm bởi vô thường, tức nó sẽ dẫn đến khổ đau. Ham thích một cái gì đó và tìm cầu đạt được cũng sẽ dẫn đến khổ đau vì nó còn có sự nguy hiểm, sắc đẹp, tiếng hay … đều bị thời gian, vô thường biến đổi. Như vậy, với vấn đề dục lạc đối với đời sống và sự hưởng thụ những khoái lạc giác quan, Đức Phật đã rất thực tế và khách quan khi nói đến sự hiểu biết hoàn toàn về dục lạc, nó được tóm tắt theo ba điều:

1. Sự lôi cuốn hay vị ngọt (assàda)

2. Hậu quả xấu, nguy hiểm, sự bất mãn (adinava)

3. Sự giải thoát hay xuất ly (nissarana)

Những mục sau đây là sự trình bày rõ ràng về 3 vấn đề trên của Dục Lạc.

1.2. ĐỊNH NGHĨA DỤC LẠC:

1.2.1. Giới thiệu sơ về các lạc:

Trong phần trình bày 4 sự thật của cuộc đời tại Vườn Nai, Đức Thế Tôn đã nêu ra 4 phạm trù về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Điều này không có nghĩa Ngài phủ nhận hạnh phúc trong cuộc sống khi bảo sống là khổ đau. Trái lại Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc cả vật chất và tinh thần, cả cho người thế tục và cho người xuất thế. Kinh tạng Nikàya có đề cập đến các loại lạc (sukha) khác nhau tùy theo cảnh giới hay tâm trạng của con người:

- Dục lạc (kàmasukha/nandi): Niềm vui giác quan thuộc cõi dục.

- Thiên lạc (Devasukha/rati): Niềm vui cõi trời.

- Thiền lạc (samàdi-sukha/pìti): Niềm vui thiền định hay lắng tâm.

- Giải thoát lạc (vimuttasukha/ Nibbàna-sukha): Niềm vui chứng đắc viễn ly, thoát khỏi mọi trói buộc bởi tham ái hay chấp chủ.

Trong phạm vi đề tài này, chúng ta chỉ xem xét về Dục Lạc.

1 .2.2. Định nghĩa Dục Lạc(kàmasukha):

Dục lạc là danh từ được dịch ra từ tiếng Pàli trong Kinh tạng Nikàya là “kàmasukha”. “Kàma” là dục, hay sự ham muốn thuộc giác quan. “Sukha” là lạc, niềm vui. Kàmasukha là những thú vui giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc vừa ý, đáng yêu. Tức niềm vui về sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Dục lạc như vậy thuộc về ái, ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc hay còn gọi là dục ái, là một trong những nguyên nhân làm chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử, luân hồi. Các dục chi phối hầu như toàn bộ đời sống của con người, vì con người sống và làm việc đều để đạt được hạnh phúc thế gian, hạnh phúc ấy chính là dục lạc.

1.2.3. Các từ ngữ liên quan đến dục lạc:

Nói đến dục lạc người ta thường nghĩ đến các từ ngữ liên quan với nó như khát ái, tham vọng, tham lam, dục tình …

a) Khát ái(tanha): Trước hết, khát ái là những khát khao yêu thương nắm giữ, là trạng thái gần như bức bách, đòi hỏi mong muốn để đạt được mục đích ham thích bản thân. Trong rất nhiều bản Kinh nguyên thủy, “khát ái” được định nghĩa như sau: “Chính ái (tanhà) này đưa đến tái sanh đồng khởi với hỷ và tham, tìm cầu lạc thú chỗ này chỗ khác”. Tanhà gồm có 3 thứ như đã nêu ở mục 1.2, (1)khát ái đối với khoái lạc giác quan ( dục ái – kàmatanhà), (2)khát ái hiện hữu và trở thành hiện hữu (hữu ái-Bhavatanha), (3) khát ái đừng hiện hữu (phi hữu ái – diệt ái – vibbàvatanhà)[12-75]

b) Tham vọng: Là sự ham muốn, tìm cầu, mong ước một điều gì chưa có trong hiện tại, thường dùng để chỉ sự tìm cầu về mặt danh vọng, quyền thế, địa vị… sự say mê theo đuổi để đạt được những mục đích trên. tham vọng làm cho con người không muốn dừng lại ở vị trí của mình. Đây cũng là một thứ liên quan đến dục lạc vì nó cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ham thích danh vọng của bản thân. Tham vọng thường chỉ sự mong muốn phi vật chất như đã nêu trên.

c) Tham lam: Đây là một trong 5 triền cái cản lối tu tập bao gồm cả sự ham muốn vật chất lẫn tinh thần, tất cả những gì đưa đến thỏa mãn hạnh phúc cá nhân, những ham muốn hoặc tốt, hoặc xấu, những ham muốn thuộc về dục giới đều gọi là tham. Về pháp này Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, ta không thấy có một pháp nào khác mạnh mẽ như thế làm cho các tâm bất thiện chưa sanh được sanh khởi và các thiện tâm đã sanh bị đoạn tận như lòng tham lam. Với người có lòng tham lam, các tâm bất thiện chưa sanh nhất định sanh khởi và các thiện tâm đã sanh nhất định bị đoạn tận”[18-144] Tham lam như vậy có sức mạnh thôi thúc thỏa mãn dục lạc, nó là cửa nẻo của bất thiện pháp phát sinh, là phạm trù tất yếu liên quan đến dục lạc.

d) Dục tình: Đây là vấn đề quan trọng và chính yếu nhất thuộc về dục lạc. Dục tình là sự lôi cuốn, thu hút của hai con người khác giới tính ngang qua năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Dục tình là yếu tố căn bản làm chúng sanh lăn lộn trong sanh tử luân hồi. Sau đây là đoạn Kinh trích dẫn về dục tính thuộc về dục lạc:

“Này các tỳ kheo, ta không thấy có một sắc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi “sắc” của người đàn bà. Này các tỳ kheo sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông. Này các tỳ kheo, ta không thấy một thinh nào khác . . . ta không thấy một hương nào khác . . . ta không thấy một vị nào khác. . . ta không thấy có một xúc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi xúc của người đàn bà. Này các tỳ kheo, xúc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông”.

“Này các tỳ kheo, ta không thấy có một sắc (thanh, hương, vị, xúc ) nào khác do nó mà tâm người đàn bà trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi sắc (thinh, hương, vị, xúc) của người đàn ông. Này các tỳ kheo, tâm người đàn bà bị ám ảnh bởi thứ đó”.[8-9]

Trong tất cả các lạc thú thuộc về dục lạc, chế ngự và xa lìa dục tình là yếu tố quan trọng quyết định căn bản đến phạm hạnh của người xuất gia và tánh hạnh của người xuất gia. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (chúng tôi sẽ trình bày ở chương sau) cho rằng dục tình là nhân tố chính để hình thành chúng sanh và thế giới ngũ dục này.

1.3. VỊ NGỌT CỦA DỤC LẠC:

Những mong muốn tìm cầu được thỏa mãn là vị ngọt, thích một thứ âm thanh, một loại nhạc nào đó mà nghe được nó là thỏa mãn, sự thỏa mãn đó chính là vị ngọt của dục lạc, là cái đã đáp ứng được cho lòng ham muốn, làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc khi vừa mới đạt được. Có thể chia vị ngọt của dục lạc ra làm hai phần thuộc thân và thuộc tâm.

1.3.1. Vị ngọt dục lạc thuộc thân:

Thân ở đây chỉ cho các giác quan về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Vị ngọt thuộc thân là sự thỏa mãn về các quan năng này. Sau đây là đoạn Kinh trích dẫn về vị ngọt đó.

“Này các Tỳ kheo, thế nào là vị ngọt về các dục? Này các Tỳ kheo, có năm pháp tăng trưởng dục này: Các pháp do nhãn căn nhận thức khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ứng với dục, hấp dẫn. Các tiếng do nhĩ căn nhận thức . . ., các hương do tỷ căn nhận thức . . ., các vị do thiệt căn nhận thức . . ., các xúc do thân căn nhận thức khả ý, khả hỷ tướng ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỳ kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.” [4-196]

1.3.2. Vị ngọt dục lạc thuộc ngoài thân:

Bên cạnh những vị ngọt thuộc về thân, về các quan năng thuộc thân thì còn có vị ngọt ngoài thân, phi vật thể, là một phần không thể thiếu của dục lạc. Theo một số Kinh điển đây là phần thuộc “danh” ngoài nhừng phần thuộc “sắc”.

Con người không chỉ hạnh phúc do có nhà cao cửa rộng, cơm ngon áo tốt, vợ đẹp con xinh . . . có những thứ vật chất tiện nghi đầy đủ mà bên cạnh đó, người ta cũng cần có danh dự, tiếng tăm, quyền uy, địa vị.... Ở thời nào cũng vậy, con người luôn bị cuốn hút bởi những vị ngọt này, những thứ mà con người gọi là văn hoá, văn minh, phát triển, tiến bộ để tách biệt mình với những sinh vật khác trong thế giới . Đặc biệt trong xã hội hiện nay, khi mà cơm áo gạo tiền không còn là gánh nặng chính yếu nữa, người ta lại muốn đi xa hơn khi đã đủ các thứ ấy. Người ta học tập, nghiên cứu, phát minh, cố nắm bắt, theo đuổi những học hàm, học vị, những chức danh, phẩm vị cao dần lên. Vị ngọt của những tiếng tăm này luôn thúc đẩy con người đuổi bắt, chạy đua từ đích này đến đích khác, nó quyến rũ đến độ con người không thể dừng cho đến cuối đời không còn theo kịp nữa thì thôi. Con người luôn vui thích, hạnh phúc, thỏa mãn với những thứ đó. Đó là những hạnh phúc thỏa mãn dục lạc thuộc ngoài thân, phi vật chất.

Có một điều mà chúng ta cần lưu ý, vị ngọt của dục lạc là sự thỏa mãn, thế nhưng có một điều ngược lại: Dục lạc lại chưa bao giờ được thỏa mãn. Từ ham muốn này đến ham muốn khác, con người chưa bao giờ dừng lại ở cái gọi là hạnh phúc. Vì khi sự khao khát mong muốn vừa mới đạt được, vừa mới chớm thấy hạnh phúc, con người lại thấy tham muốn cái khác, cái cao hơn và cao hơn nữa. Chưa bao giờ lòng dục, lòng tham về dục lạc có một điểm dừng. Đó là vấn đề căn bản của dục lạc. Dục lạc vì vậy mà tạo nên một trạng thái bức bách, khát khao không bao giờ được bình yên.

1.4. SỰ NGUY HIỂM CỦA DỤC LẠC:

Trong một số bản Kinh thuộc Kinh tạng Nikàya, Đức phật đã trình bày rõ sự nguy hiểm của dục lạc, có thể tóm tắt qua mấy điểm sau:

1.4.1. Sự nguy hiểm do tìm cầu:

Đại Kinh Khổ uẩn có đề cập đến sự nguy hiểm của Dục do tìm cầu:

Muốn đạt được hạnh phúc, thỏa mãn dục lạc, con người phải ra sức tìm cầu, phải tạo dựng để gặt hái kết quả. Con người cần có nhà đẹp, xe tốt, nhiều tiền . . . nên phải cố gắng làm lụng vất vã, chịu đủ sự khổ nhọc đến với bản thân như ốm đau bệnh tật, chịu đựng nắng gió, mưa lạnh và vô số chướng ngại khác để đạt được mục tiêu, có khi còn phương hại đến cả tính mạng. Vì lý do này hay lý do khác, con người không ngừng cố công tìm cầu nhằm thỏa mãn cái mà người ta gọi là “giá trị của cuộc sống”. Nhưng cuộc sống thì không đứng yên, giá trị cuộc sống mà con người quan niệm thay đổi trong từng phút giây. Cái hôm qua ta cho là giá trị thì hôm nay đã bị thay thế bằng một cái khác, giá trị hơn. Cuộc tìm cầu “giá trị của cuộc sống” xem ra không bến đổ.

1.4.2. Sự nguy hiểm do vô thường:

Ai cũng biết, các pháp thế gian này đều có mẫu số chung là quy luật vô thường của nó. Tuy nhiên không mấy ai bình tĩnh chấp nhận nhìn nó mất đi, khi tài sản, hạnh phúc tan rã, cuộc sống gặp trắc trở rủi ro, người ta thường khóc than buồn rầu, than trời, trách đất, trách tất cả đã quay lưng với mình và thái độ đó chỉ mang lại cho bản thân khổ đau vướng mắc. Sau đây là bản kinh trình bày về sự mất mát vô thường làm người ta đau khổ:

“Này các Tỳ kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy mà tài sản ấy không đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực mê man bất tĩnh: ‘ôi!sự nỗ lực của ta thật sự vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không có kết quả’. Này các tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm của các dục”.[4-197]

1.4.3. Do cố tìm cách bảo vệ:

Như trên đã nói, các pháp vốn vô thường, có rồi mất, đến rồi đi, hợp rồi tan. Thế nhưng con người khi đã có đựơc tài sản rồi, đã đạt được hạnh phúc và thỏa mãn rồi thì cố tìm cách nắm giữ bảo vệ, bằng bất cứ giá nào cũng không cho nó vuột khỏi tầm tay. Trong khi đó, sự vô thường đang rình rập, lòng ham muốn sở hữu thúc dục người ta tranh đoạt của cải của nhau, như vậy là có chiến tranh, có máu lửa, có sự xung đột đi đến mất cả tài sản lẫn thân mạng. Một đoạn kinh trong đại Kinh Khổ Uẩn – Trung Bộ I đã miêu tả rõ điều này:

“Này các Tỳ kheo, vị thiện nam ấy nỗ lực như vậy… và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thấy đau khổ ưu tư: “Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?” Dù hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi, hay các kẽ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tĩnh “cái đã thuộc của ta nay không còn nữa”. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm của các dục”.[4-197]

1.4.4. Do vô ngã và vô ngã sở hữu:

Đoạn kinh vừa rồi có đề cập đến cái ta và cái thuộc của ta. Con người sở hữu được một cái gì rồi thì cố nắm giữ, chưa có thì ráng sức tìm cầu để có cho mình. trong khi đó Đức Phật dạy: Con người hay cái ta là một hợp thể có mặt khi nhiều yếu tố khác nhau có mặt. Hợp thể đó cũng chỉ tồn tại được khi có các hợp thể khác ở chung quanh cùng tồn tại. Đó là đặc tính duyên sinh, tất cả các pháp (dhamma) hay hiện tượng (sankhàrà) đều dựa vào nhau mà tồn tại. Như vậy, cảm giác cái tôi có mặt ngay tại đây hay bây giờ vẫn không thể trường tồn vĩnh cửu được. Cái tôi đã không có thì làm gì có cái của tôi, tài vật của tôi, người yêu thương của tôi…mà phải cố công bảo vệ giữ gìn? Đã không có cái tôi thì có ai đâu để hưởng thụ, tạo tác, giữ gìn sở hữu? Đã không có cái của tôi thì tạo cái gì, hưởng cái gì, tất cả chỉ là một trò huyễn hoá! Thế nhưng con người luôn chạy theo ảo ảnh, nắm bắt ảo ảnh, cho rằng cuộc đời là thật và bị chi phối hoàn toàn bởi ảo ảnh. Không có cái tôi mà vẫn tìm cho tôi, giữ cho tôi; không có cái của tôi mà vẫn nắm giữ, chấp chặt để rồi dẫn đến buồn rầu đau khổ. Đó là một điều nguy hiểm.

1.4.5. Mất tự do, phải làm nô lệ:

Dục lạc có vị ngọt như đã trình bày ở mục 1.3, chính vị ngọt này đã sai sử con người, khống chế và tác động đến con người, bắt con người phải chạy theo để đáp ứng cho được sự ham muốn. Thật ra, cái mà con người cho là tự do thì chẳng phải tự do tí nào mà chính là sự thuận chiều của lòng ham muốn, chiều chuộng những ham thích giác quan.

Tự do bị đánh mất ở đây là đồng nghĩa với sự không rãnh rang tâm hồn, bị lệ thuộc, bị gò bó, bị sai sử bởi “sở hữu”. Con người sở hữu được một thứ thì đã làm cho mình mất tự do: “sở hữu” như vậy đã sinh ra ràng buộc. Bạn thích một cây đàn với tiếng nhạc du dương, muốn tận hưởng nó không những bạn phải có tiền để mua, có nó rồi phải bảo vệ giữ gìn, nó sai sử bạn đủ điều. Bên cạnh đó, khi bạn đã đáp ứng được điều ưa thích, tận hưởng những hạnh phúc từ nó, tâm hồn bạn phải luôn chạy theo nó, dừng lại ở nó, nó là của bạn, bạn là của nó, thiếu nó thì bạn thấy trống vắng, buồn buồn. Bạn đã bị cây đàn chi phối.

Như thế, cái được gọi là “tự do”, tự do theo sở thích của mình thật ra không đem lại tự do, không đem lại sự rảnh rang tự tại cho con người. Trên đây đã nói về sự nô lệ về tài vật, sau đây là đoạn kinh Đức Phật nêu rõ sự nô lệ về sắc, thanh, hương, vị, xúc của người đối với từng đối tượng: “ Này các Tỳ Kheo, Ta không thấy có một sắc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi “sắc” của người đàn bà. Này các Tỳ Kheo, sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông. Này các Tỳ kheo, ta không thấy có một thinh, hương, vị, xúc nào khác do nó mà tâm người đàn ông bị nô lệ như là bị nô lệ bởi xúc của người đàn bà. Này các Tỳ Kheo, xúc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông”.

“Này các Tỳ Kheo, Ta không thấy có một sắc ( thinh, hương, vị, xúc) nào do nó mà tâm người đàn bà trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi sắc ( thinh, hương, vị, xúc) của người đàn ông. Này các Tỳ Kheo, tâm người đàn bà bị ám ảnh bởi các thứ ấy”.[8-9]

Như vậy, cuộc sống con người đang sống ở đây đã là nô lệ, ràng buộc nhau, đánh mất tự do.Vấn đề nêu ra ở đây là để xác định rõ ràng một sự thật về dục lạc. Đây không phải là lăng kính của sự chán đời, yếm thế. Vấn đề được đặt ra là con người phải chọn cách sống như thế nào, sở hữu sự vật như thế nào, cần có phong thái như thế nào để không bị chi phối bởi dục lạc, được tự do, không ảnh hưởng đến tánh hạnh, đó là điều sẽ được bàn đến ở những phần sau.

1.4.6. Tâm đuổi bắt không thể dừng:

Một chi phần, một đặc tính của dục lạc nữa là dục vọng như đã nêu ở phần định nghĩa. Con người luôn luôn ham muốn, đuổi bắt chưa hề dừng lại ở một điểm nào, có cái này rồi người ta lại muốn có thêm cái kia. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng mình đang bị thúc đẩy bởi một động lực không thể cưỡng đó là tham vọng sở hữu, là khát vọng chinh phục, sở hữu và chinh phục những gì? – người ta đi tìm lẽ sống, đó là hạnh phúc về tình yêu, về tài sản, danh vọng và địa vị, cái mà người ta cho là lẽ sống của cuộc đời này để cuối cùng chỉ thấy ảo ảnh, phù du. “Dù nhìn từ gốc độ nào, dù tiến theo hướng nào; chúng ta như những trẻ nít đuổi bắt cánh bướm. Khi đã nắm được xác bướm trong lòng bàn tay, ít ai tự hỏi chinh phục và chiến thắng này có ý nghĩa gì ? và ta vẫn mãi miết đuổi theo những cánh bướm này rồi đến những cánh bướm khác” [15-5]. Ngược dòng lịch sử hơn hai ngàn năm về trước, có một con người khi đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, Ông vẫn không dừng lại. Vó ngựa của Ông chinh phạt nhiều nơi, thống lĩnh nhiều nơi, chinh phục cho mình một vương quốc và thần dân rộng lớn, nhưng sau trận toàn thắng ông chống gươm nhìn lại, đây có phải là trận chiến thắng không? Đây có phải là điểm dừng của sự thỏa mãn và hạnh phúc không? Ông đã thấy mình sai lầm và bỗng dưng câu nói “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” [10-33] trở nên vô cùng ý nghĩa với ông. Ông đã chiến thắng hay đã chiến bại? ông đã bị động lực “khát vọng” chinh phục, trong khi ông chiến thắng được đại quân ở sa trường thì ông đã bị lòng tham hạ gục và sai sử. Đó chính là trường hợp của đại đế Ásoka.

Con người vẫn mãi miết đuổi bắt và đuổi bắt không lúc nào dừng, đuổi bắt những gì người ta cho là tinh hoa của lẽ sống, và đến cuối đời họ vẫn không thấy được ta là ai trong cái thế giới hơn sáu tỷ người này, danh vọng và địa vị đó sẽ là gì trong cái thế giới sai biệt biến chuyển, cái không gian bao la vô cùng và thời gian vô tận này?

1.4.7. Tương lai quả báo đau khổ:

Người xưa có câu nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là, muốn biết đời trước ta đã làm gì thì hãy xem hiện tại ta đang có gì; muốn biết ngày sau ta như thế nào hãy xem hiện tại ta đang làm gì.

Hạnh phúc thế gian là một niềm vui nhưng thọ hưởng niềm vui đó chính ngay trong hiện tại đã bất an, đã không bền lâu, là một cuộc chạy theo, đuổi bắt, tìm cầu không ngừng nghỉ, là một trạng thái bức bách. Chỉ ngay trong hiện tại khi thọ dụng đã không thật sự hạnh phúc thì làm sao duy trì được hạnh phúc cho tương lai. Hiện tại sống trong sự khát khao, thiếu thốn, không tự đầy đủ thì tương lai chắc chắn cũng không thấy thỏa mãn, hạnh phúc. Tiểu Kinh Pháp hành, Trung bộ I giới thiệu có 4 pháp hành mang lại quả báo trong tương lai:

1. Hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ

2. Hiện tại khổ, tương lai quả báo khổ

3. Hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc

4. Hiện tại lạc, tương lai quả báo lạc

Trong 4 pháp hành này, pháp hành thứ ba và thứ tư là pháp hành của các bậc tu hành không có thiện duyên và có nhiều thiện duyên trong hiện tại, tu hành theo thánh đạo sẽ có quả báo an lạc trong tương lai. Pháp hành thứ hai chỉ cho những vị tu theo hạnh ép xác cực đoan, không đúng thánh đạo, tuy chịu khổ nhọc nhưng qủa báo cũng không có gì sáng sủa. Pháp thứ nhất “hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”, hiện tại lạc là do hưởng thụ, đắm mình trong dục lạc, hoan lạc với tà kiến cho rằng “không có lỗi trong các dục”. Dù hiện tại hưởng thọ các dục, cảm thấy hoan lạc, thỏa mãn nhưng cảm giác ấy gắn với vô thường khổ đau. Bởi hiện tại sống đắm chìm trong cảm giác hoan lạc xác thân, khi ra khỏi cảm giác ấy, vẫn còn đeo đuổi, vẫn còn nhớ đến; cảm giác ham muốn này thiêu đốt người ấy trong hiện tại cho đến ngày sau, đời sau.

1.5. CÁC VÍ DỤ VỀ TÍNH CHẤT TRỐNG RỖNG TẠM BỢ VÀ NGUY HIỂM CỦA DỤC LẠC:

Dùng ngôn ngữ ẩn dụ để làm rõ nghĩa của pháp đã giảng là một biệt tài của Đức Thế tôn trong lãnh vực giáo dục. Khi nói về đặc tính vui ít, khổ nhiều, não nhiều của dục lạc, đức Thế Tôn cũng đã dùng ẩn dụ cho vấn đề này.

1.5.1. Thọ dụng các dục ví như chó đói gặm khúc xương:

Con chó đói lã suy nhược, sau khi đến một lò thịt, ở đây người giết bò thiện xảo quăng cho nó một khúc xương đã lóc hết thịt chỉ còn dính máu. Con chó ấy gặm khúc xương phút chốc đầu tiên thấy thỏa mãn, hạnh phúc nhưng nó không thấy no, gặm khúc xương chẳng còn gì như vậy chỉ tăng thêm sự thèm muốn và khao khát, khơi dậy sự thèm ăn của nó. Thèm ăn và đang ăn nhưng không thấy thỏa mãn, không thấy no, đó là một mâu thuẫn, một sự khó chịu bức bách.

Các dục được ví như khúc xương vì nó không đem đến cho con người hạnh phúc thỏa mãn thật sự, con người cố công để đạt được cái mà họ cho là hạnh phúc nhưng thật ra khi chạm đến điều này họ vẫn không thấy hạnh phúc, mấy ai cảm thấy hạnh phúc như thế nào là vừa đủ, họ vẫn luôn thấy thiếu thốn, khát khao và bức bách, điều này dễ dẫn đến sân tâm và như vậy thọ dụng dục lạc sẽ dẫn đến sự có mặt đầy đủ của tham, sân, si.

Dục lạc có thật hay không? Bản chất của nó có phải là hạnh phúc không? Chẳng mấy ai quan tâm điều này để buông bỏ đúng pháp, vì cũng như sự tham lam chấp thủ một miếng xương, không thể giải quyết bụng đói nhưng không thể quăng đi, con người ta không thể buông bỏ dục lạc mặc dù nó không hề đáp ứng một cách thỏa mãn cho con người.

1.5.2. Như miếng thịt:

Một con chim dành được miếng thịt liền bay bổng lên không trung, trong khi những con chim khác cũng đang cố tìm mồi, vì vậy chúng đuổi theo để giành giựt miếng thịt, chúng đánh nhau, cấu xé lẫn nhau, để được miếng mồi. Trong tất cả chúng, khi lòng tham miếng thịt đã lớn mạnh rồi thì chẳng con nào chịu nhường con nào và như vậy dẫn đến đánh nhau và có thể dẫn đến tử vong.

Chiến tranh xãy ra cho loài người cũng bắt nguồn từ lòng tham, sự chinh phục, giành giựt và theo đuổi, quyền lực và sở hữu. Con người cố tìm kiếm cố, tạo dựng hạnh phúc cho mình từ cái gì khác ở bên ngoài, trong khi những người khác cũng có mục tiêu như vậy, họ vô tình hoặc cố ý quên hay không cần hiểu rằng khi cố giành lại cái gì cho mình thì nhất định người khác sẽ bị mất đi. Họ không biết rằng hạnh phúc đích thực chính là cái mà tất cả mọi người đều có, nó không thuộc sở hữu của ai mà là của tất cả, nó đã vốn có trong tất cả mọi người. Vì sự tự kỷ mà con người xung đột với nhau, chiến tranh và chết chóc không ngừng xảy ra trên cuộc đời này. Đây là điều tất yếu khi con người còn khát vọng chiếm hữu sai lầm về hạnh phúc.

Hoà bình chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được sai lầm về hạnh phúc, vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân, cũng như con chim chỉ được yên thân khi nó vứt bỏ được miếng mồi oan trái kia, đó là thông điệp của bậc đạo sư Gotama qua ẩn dụ nầy.

1.5.3. Như bó đuốc cỏ khô:

Một người cầm bó đuốc cỏ đang cháy rực đi ngược gió, lửa cỏ khô cháy mạnh, người cầm đuốc đã không thấy được sự nguy hiểm, lại không có trí tuệ để hiểu rằng đi ngược gió thì lửa sẽ tạt vào phía mình và người ấy đã bị cháy tay, cháy mặt và các phần khác, vị ấy sẽ đau khổ vì bỏng nặng và có thể dẫn đến tử vong.

1.5.4. Như hố than hồng:

Một hố than hồng sâu hơn thân người, có một người bị bệnh cùi thân thể lở lói, các loài trùng đục khoét các vết thương, để khỏi bị ngứa, người này nên dùng thuốc men y khoa để chữa trị, thay vì vậy ông ta hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy, người này cảm thấy dễ chịu, thỏa thích, đả ngứa. Tuy nhiên vì nguyên nhân ấy mà các vết thương càng đau nhức, càng lở lói và không thể nào lành được, bệnh tình người ấy sẽ trở nên trầm trọng suýt chết và cũng có thể dẫn đến cái chết. Sự thỏa thích dễ chịu nhờ hố than hồng như vậy đã đồng nghĩa với sự hiểm nguy.

1.5.5. Như người nằm mộng:

“Này gia chủ, ví như có người nằm mộng, thấy vườn khả ái, rừng núi khả ái, đất đai khả ái, ao hồ khả ái; khi tỉnh dậy người ấy không thấy gì cả, cũng vậy, này gia chủ, vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “ Thế Tôn đã nói dục được ví như cơn mộng, khổ nhiều não nhiều, tai hoạ ở đây càng nhiều hơn”.[10-51]

Cảnh vật thực tại không bao giờ giống như trong giấc mơ, cho dù giấc mơ ấy tái hiện lại những gì đã xảy ra nó vẫn không thể nào giống được, huống nữa là một giấc mơ “chỉ là mơ”. Người ta cho rằng nó đã mất, nhưng có đâu mà mất, cái đẹp trong mộng thực ra chỉ do chủ quan tâm thức của con người mà thôi. Con người ham mê các thú vui trên đời này, theo đuổi những cái được coi là hạnh phúc trong thế giới này. Họ cảm thấy vừa ý, cuộc đời là đáng yêu, đáng hưởng thụ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó chợt sực tỉnh và tự hỏi nó thật sự được hạnh phúc hay không, thật sự thỏa mãn hay không? họ cảm thấy tất cả đều không như họ tưởng chút nào.

Chẳng mấy ai trên đời thật sự tỉnh giác, tỉnh rồi mê, mê rồi tỉnh, mộng rồi thực, thực đến mộng, vì vậy mà con người vẫn cứ say, vẫn cứ yêu, vẫn cứ đam mê, ham thích rất nhiều thứ trên đời mà chưa hề thật sự tỉnh giấc. Như khi sực tỉnh thấy giấc mơ thật sự không phải hạnh phúc, một người thức tỉnh thật sự sẽ nhận thấy được rằng những hạnh phúc mà họ lăn xả để tìm cầu, để chạy theo đó để rồi mất đó chỉ là ảo ảnh, thức tỉnh thấy được ảo ảnh thì nhất định sẽ tìm thấy một con đường vượt lên trên, con đường đưa đến chân hạnh phúc. Hạnh phúc như trong mơ chỉ là bất hạnh vì nó làm con người nuối tiếc bức rứt, “khổ nhiều, não nhiều”, đó là những gì đức Thế Tôn muốn gửi gắm lại nơi ví dụ này.

1.5.6. Như tài vật mượn của người khác:

Một người ưa sang trọng nhưng tự mình nghèo không có đồ trang sức, người ấy đi mượn của người khác để dùng, khi đến đám đông mọi người thấy vị đó sang trọng nên rất nể phục, anh ta lấy đó làm hãnh diện, vui sướng hạnh phúc, nhưng được một lát sau hay một thời gian không lâu nào đó người cho mượn đồ ấy lấy lại mọi thứ, và vị này không còn gì để hãnh diện hạnh phúc, vị ấy xấu hỗ, đau khổ. Thật là một sai lầm, của cải của chính ta đây còn chưa phải là thật, có đó rồi mất đó huống gì là đồ vay mượn!

1.5.7. Như cây nhiều trái:

Trong khu rừng kia có một cây nhiều trái chín, người trong làng thấy vậy bèn đến hái ăn, họ leo lên cây để ăn cho thỏa thích, trong khi những người khác cũng đến hái trái cây này, và hơn người đi trước, họ mang theo rựa, chặt luôn cả cây để hái được nhiều trái. Người đến trước do vì mãi mê ăn trên cây mà không hay biết, anh ta ngã xuống theo cây mà bị tổn thương thậm chí có thể chết. Ham muốn sở hữu nhiều trái cây như vậy thật chẳng an ổn chút nào.

Con người có nhiều khát vọng, ai cũng muốn chinh phục một cái gì đó để sở hữu cho mình, để tạo niềm hạnh phúc cho mình, nhưng những hạnh phúc trong cuộc đời này quá nguy hiểm và tầm thường, quá giới hạn và mọi người đều muốn sở hữu, dẫn đến tiêu diệt nhau, thật chẳng có bình an chút nào. Thế giới còn đầy chiến tranh và giành giựt nguy hiểm khi con người còn đắm mình trong dục lạc cá nhân, đó là thông điệp của đức đạo sư Gotama qua dụ trái cây này.

1.5.8. Như đầu rắn:

Một người nông dân tìm bắt con rắn nước, do không bắt ở đầu mà bắt ở đuôi hay ở thân giữa nên bị con rắn nước cắn lại người đó đến nỗi bị thương, và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì bắt rắn không đúng phương pháp mà dẫn đến điều đáng tiếc trên. Dụ này dùng để chỉ cho việc thọ dụng dục lạc cần phải có một lập trường, một phong thái, một phương pháp đúng đắn mới không bị dục lạc làm phản tác dụng trở lại hại mình.

Trong một phạm vi, một chừng mực nào đó dục lạc đóng vai trò là nhu cầu của cuộc sống như ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… tuy nhiên không nên quá lạm dụng, quá đam mê, quá chiều chuộng biến nhu cầu thành ham muốn. Đức Thế Tôn dạy: “ Tỳ kheo thọ dụng thức ăn này không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh”. “Tỳ kheo thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng”.[4-25]

Thọ dụng như vậy, các nhu cầu không mang tính dục lạc, không phục vụ lòng ham muốn, đam mê. Nói khác đi thọ dụng một pháp gì cũng cần đặt ra một mục đích hợp lý, mục đích hướng thượng để tránh sự trỗi dậy của lòng tham đang rình rập. Trích dẫn trên đây là một điển hình về quan điểm của Đức Phật về thọ dụng. Tuy nhiên, pháp ngài giảng tuỳ theo từng đối tượng hoặc xuất gia, hoặc tại gia, tùy trường hợp mà áp dụng đúng pháp khi thọ dụng để dục lạc khỏi mang lại hiểm nguy, để khỏi bị nó áp đặt, sai khiến, để khỏi đưa đến phản tác dụng. Cũng như bắt rắn phải đúng cách thức, đúng quy trình để rắn khỏi quay đầu lại cắn tay người bắt, đó là nội dung của ví dụ này.

Trên đây là một vài ví dụ được rút ra từ Kinh Xà Dụ, Kinh Potaliya, Kinh magandiya, thuộc Trung Bộkinh. Các ví dụ đã cho ta thấy Đức Phật không hề phủ nhận dục lạc thế gian, nói khác đi, ngài vẫn công nhận nó là một nhu cầu cho con người, chúng có mang lại niềm vui đấy nhưng vui ít khổ nhiều.

Nhận thức được dục lạc, vị ngọt, sự nguy hiểm là bước đi quan trọng, nhưng phải tìm ra một con đường một phương pháp để giải quyết chúng mới là mục đích của việc nghiên cứu này. Nếu chỉ dừng lại ở đó mà không tìm ra phương pháp xả ly thì cũng giống như kẽ thất tình “giác ngộ” tình yêu là tạm bợ, anh ta vừa ra khỏi nỗi khổ dày vò của tình yêu nhưng rồi lại cứ tiếp tục lao vào các cuộc tình khác. Trong những cuộc truy tìm hạnh phúc ấy, đâu là thật, đâu là giả? Anh ta đã chạy theo ảo ảnh của nhận thức sai lầm.

Đức Phật đã giới thiệu một con đường xả ly dục lạc hay nói đúng hơn con đường hướng dẫn người ta thoát khỏi sự chi phối của dục lạc, làm chủ và biết cách sử dụng nó. Phần tiếp theo sẽ nói rõ nội dung này.

1.6. PHƯƠNG PHÁP CHẾ NGỰ VÀ ĐOẠN TRỪ DỤC LẠC:

1.6.1. Chứng minh dục lạc có thể đoạn trừ qua kinh Khởi thế nhân bổn:

Nguồn gốc của dục lạc là không có đầu mối, nó thật sự chỉ do duyên sinh, phát xuất từ vô minh sai lầm và rút cuộc cũng không có điểm dừng, dục lạc chỉ có mặt khi con người còn có mê mờ chấp ngã, nhưng ngã vốn là không nên dục lạc cũng không. Trong kinh Trường Bộ, khi nói về sự khởi nguyên và hình thành thế giới đức Phật đã chỉ rõ ra sự khởi đầu của lãnh vực này. Người viết chỉ xin tóm lược bài kinh với nội dung như sau:

Các chúng sanh ở Quan Âm Thiên nuôi sống bằng tự hỷ, sau khi chết tái sinh vào thế giới này cũng nuôi sống bằng tự hỷ, thân chói ánh sáng, bay đi tự tại…

Mặt đất thời kỳ ấy chỉ có nước, chưa có phân biệt nam nữ. Rồi sau đó xuất hiện lớp mỏng phủ trên nước, với màu sắc của bơ và vị ngọt của mật, những chúng sanh có lòng tham nếm các vị ấy, lòng tham ái bắt đầu dấy lên trong tâm của họ, họ mất ánh sáng và dung sắc trở nên xấu đi.

Mặt đất bắt đầu mọc những thứ nấm, rồi lúa cũng tự mọc, con người từ lòng tham ái lớn mạnh dần dần muốn sở hữu lúa gạo để dành ăn

Con người trở nên thô xấu, nam nữ xuất hiện và tất nhiên đời sống tính dục cũng xuất hiện, con người bắt đầu xây dựng nhà cửa để che dấu các sinh hoạt và cất dấu của cải.

Rồi chuyện trộm cắp tài vật sở hữu, nói dối các thứ xuất hiện….

Như vậy, thời khởi nguyên con người nuôi sống bằng hỷ lạc nơi tâm, sinh ra do hạnh nghiệp và không có vấn đề tham dục. Lòng tham xuất hiện khi họ muốn nếm vị đất, từ sự ham muốn này dẫn đến những ham muốn khác, tham ái nhục dục cũng xuất hiện và sau đó là sự tư hữu tài vật, tội lỗi trộm cắp, nói dối cũng phát sinh từ đó. Khi con người còn thanh tịnh, chưa bị uế nhiễm cũng đồng nghĩa rằng dục lạc chưa có mặt, sự ham muốn khoái lạc chỉ có mặt nơi con người khi những ham muốn này được thỏa mãn. Vì vậy ham muốn dục lạc vốn dĩ không là bản chất, không phải là bản năng của con người như con người đã từng ngộ nhận, lập luận này cũng cho ta thấy được rằng con người có thể tồn tại mà không cần có mặt của dục lạc, như vậy thì con người sẽ hoàn thiện hơn. Có thể hình dung sự có mặt của dục lạc dưới cung cách sự khoái lạc đê mê của người sử dụng ma tuý. Khi anh ta còn là một người bình thường chưa sử dụng ma túy thì không có sự khoái lạc. Khi tập tành chất trắng ấy rồi, dần dà thành thói quen, anh ta sẽ thấy không có thuốc, không có sự khoái lạc ấy là sự sống cũng như không có, ma tuý trở thành một chất liệu không thể thiếu trong cơ thể con người anh ta, thiếu ma túy đối với anh ta là không thành sự sống trên cuộc đời này. Từ một thứ bên ngoài đã đi vào chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống con người anh ta, trở thành cái “bản chất” của cuộc sống anh ta vậy.

Sự ham thích thỏa mãn các giác quan vốn không hề có mặt nơi một con người thuần tịnh, hay nói cách khác bản chất của con người không có những thứ này, sự khoái lạc đó không phải là bản năng bắt buộc phải có nơi con người mà đó chỉ là sự đòi hỏi, sự ham thích mà con người không cưỡng lại được do không đủ bản lĩnh về mặt đạo đức thuần tịnh.

Như vậy, bản chất con người vốn thanh tịnh không có sự đòi hỏi ham muốn, khi không có những ham muốn tức đó là trạng thái vắng lặng bình yên mà Đạo Phật gọi đó là Nibbàna tức Niết bàn, giải thoát. Mục tiêu của đạo phật là giúp con người cởi bỏ dục vọng, cởi bỏ được sự ràng buộc của ưa thích, ham muốn và chấp thủ, khi đã rũ sạch được những điều này tức vị ấy được xem là người thanh tịnh, người giải thoát xa lìa được sự ràng buộc. Với mục đích trên, đạo Phật đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau để con người thực tập. Sau đây là sự giới thiệu sơ lược một vài phương pháp được tìm thấy trong kinh tạng Nikàya

1.6.2. Phương pháp quán duyên sinh:

Theo quan niệm của Phật giáo thì các pháp trong vũ trụ này kể cả sắc pháp và tâm pháp, không có pháp nào có thể tồn tại một cách độc lập, mọi thứ đều dựa vào nhau mà hiện hữu và tồn tại. Thuật ngữ Phật học gọi quy luật ấy là “duyên sinh” hay “trùng trùng duyên khởi”. Được tóm tắt như sau:.

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt

Do cái này sinh nên cái kia sinh

Do cái này diệt nên cái kia diệt.

Lòng ham muốn có mặt, lớn lên và đạt được khoái lạc không phải tự nhiên mà có, chúng nương nhau mà hình thành. Một niệm ham muốn vừa mới khởi lên nếu không có sự đóng góp của nhân tố khác như vọng tưởng, vô minh… sẽ không tồn tại và không dẫn đến việc thụ hưởng dục lạc.

Ví dụ: bạn vừa khởi lên một ý niệm thích một chiếc xe hơi, liền sau đó với sự góp mặt của vọng tưởng, bạn sẽ mơ về một ngày mai ngồi trên chiếc xe đi du ngoạn đây đó với bạn bè…, thích thú đó cuốn theo đà vọng tưởng ấy mà lớn dần, bên cạnh đó bạn quyết tâm có được xe nên đã cần mẫn kiếm tiền và cuối cùng bạn thỏa mãn được ham muốn đó vì bạn đã có một chiếc xe. Giả sử một ý niệm thích ban đầu vừa mới khởi lên bạn đã thấy nó với sự góp mặt của chánh niệm trong hiện tại, bạn thấy rằng nó là một phương tiện chưa thật sự cần thiết và như vậy niệm ban đầu của bạn sẽ không có cơ sở để đưa đến kết quả.

Áp dụng nguyên lý này vào cuộc sống, muốn đoạn trừ sự ham muốn, bạn chỉ cần cắt đứt một yếu tố trong những yếu tố đưa đến sự hình thành của nó. Bởi vì “cái này có mặt khi cái kia có mặt, cái này sẽ không có mặt khi không có cái kia”. Sự thỏa mãn dục lạc sẽ không có mặt khi vắng mặt sự ham muốn. Nguyên lý duyên khởi này có thể được ứng dụng để quán triệt các thứ dục lạc thuộc thân và ngoài thân. Đây là pháp môn hữu hiệu mang tính truyền thống mà Đức Phật đã phát hiện ra, không phải chỉ để giải quyết dục lạc mà còn là sự giải đáp cho mọi thứ khác.

1.6.3. Phương pháp giới định tuệ:

Giới – Định – Tuệ là ba môn vô lậu học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Do tầm quan trọng của nó, giới định tuệ là pháp môn căn bản trong quá trình tu tập giải thoát, và do đó đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự và đoạn trừ dục lạc.

Giới (Paratimokha): Nghĩa là biệt giải thoát giới tức giữ được giới nào thì giải thoát được giới đó, giải thoát từng phần. Giới cũng là sự ngăn che, là ranh giới để ngăn ngừa giữa cái thiện và cái bất thiện, giữa cái đúng và cái sai lầm.

Định (samàdhi): Tức sự tập trung tâm ý vào một đối tượng, tu tập bằng phương pháp suy nghiệm. Định được chia làm hai loại là chánh định và tà định.

Tuệ(panna): Tức sự rõ biết về bốn sự thật của cuộc đời( khổ, tập, diệt, đạo) về khổ, về nguyên nhân của khổ, về sự xa lìa, về con đường dẫn đến lìa khổ. Tuệ như vậy là trái nghĩa với vô minh. Đứng về mặt thực hành, tuệ được chia làm ba loại.

- Văn tuệ: Tuệ do nghe âm thanh ( tức do học, thảo luận, nghe kinh, đọc sách mà phát sinh).

- Tư tuệ: Tuệ phát sinh nhờ suy nghĩ, tìm tòi mà rõ được nghĩa lý, hiểu được sự thật.

- Tu tuệ: Tuệ phát sinh nhờ tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý mà giác ngộ, chứng đạt sự thật.

Tu tập Giới Định Tuệ để đoạn trừ những ham muốn dục lạc cá nhân là phương pháp rất quen thuộc của Phật giáo

Về phương diện đoạn trừ dục lạc, vì giới là sự ngăn che, là ranh giới cho những cái thiện và cái bất thiện nên dĩ nhiên Giới có công năng đoạn trừ dục lạc. Giới luật của Phật chế ra cho hai chúng tại gia và xuất gia là để giữ gìn nếp sống bình an và hạnh phúc cho gia đình và xã hội, để thanh tĩnh đạo tâm và bồi dưỡng nếp sống tâm linh của con người, lấy điển hình là giới dâm, một trong năm giới cấm căn bản đầu tiên của Phật chế định, để giữ gìn nền tảng đạo đức và hạnh phúc bình an cho xã hội, người tại gia không được tà dâm, tức không quan hệ bất chính với người thứ ba ngoài bạn đới của mình.Với người xuất gia sống phạm hạnh, giới này hoàn toàn dứt sạch, nhường chỗ cho sự tăng tiến an lạc tâm linh.

Về định, định cũng là một pháp môn quen thuộc trong lãnh vực này. Vì khi quan sát đạt đến sự nhất tâm, trí tuệ và nguồn tâm phát triển đạt được sự hỷ lạc , và tất nhiên những ham muốn khoái lạc về nhục dục sẽ bị mất chỗ, không còn cơ sở để tồn tại và phát sinh nữa.

Tuệ trong Phật giáo là sự thấy biết rõ về khổ, tập, diệt, đạo, nên chắc chắn dục lạc là thành lũy đầu tiên mà tuệ nhắm vào và phá bỏ, bởi tất yếu là dục lạc vốn nguyên nhân của khổ. Một niệm ham muốn vừa mới khởi lên, tuệ lập tức thấy được mặt mũi nó, thấy được nguyên nhân nó sinh khởi nên chắc chắn rằng nó có thể đoạn trừ và vì vậy cũng tìm ra cách đoạn trừ nó. Bởi vậy nên một số kinh điển cho rằng : Tuệ là kiếm bén để chặt đứt lậu hoặc.

1.6.4. Phương pháp thay thế:

Ở phần 1.3 đã giới thiệu sơ lược về các loại lạc, lạc - sự vui thích không chỉ có một mà có rất nhiều như đã nói đại khái là: dục lạc, thiên lạc, thiền lạc, giải thoát lạc hay niết bàn lạc… phần này xin nói rõ về phương pháp đoạn trừ dục lạc bằng cách thay thế, tức thay dục lạc – niềm vui thỏa mãn giác quan bằng thiên lạc, thiền lạc, giải thoát lạc.

Nói thay thế nghe như nhẹ nhàng hơn đoạn trừ nhưng thực ra cả hai đều chỉ có một mục đích chung là làm vắng mặt dục lạc. Bất cứ ở phương diện nào, ở trạng thái nào của sự sống, hạnh phúc là nhân tố không thể thiếu để duy trì sự tồn tại, cho nên không thể nói một cá nhân từ bỏ dục lạc thì không có thứ lạc gì khác, hay nói khác từ bỏ những ham muốn lạc thú rồi thì không còn chất liệu gì đáng sống nữa, và như vậy con người trở thành loại cây khô mà Đạo Phật gọi đó là kết quả của tà pháp, là sự ngộ nhận về phương pháp tu tập. Đạo Phật đặt mục tiêu xây dựng nếp sống tâm linh cho con người và vì vậy lẽ đương nhiên mãnh đất tâm linh ấy cần có hỷ lạc tưới tẩm nuôi lớn, hỷ lạc tâm linh là sự thay thế cho dục lạc của ham muốn giác quan và đây chính là sự thay thế mà người viết muốn đề cập. Xét về mặt tổng quát, không phải bao giờ dục lạc cũng được thay thế bởi một loại lạc về tâm linh, tuỳ theo phương pháp tu tập và mục đích mà hành giả muốn hướng đến thì có loại lạc tương ứng.

1.6.4.1. Thiên lạc thay thế:

Một số trường phái tu tập hướng mục đích về thiên giới để hưởng lạc thú cảnh trời, không còn bị vướng bận bởi cơm, áo, gạo, tiền, không bị vướng bận vì những thứ lo toan của trần gian. Trường phái này tu tập bằng cách làm các việc thiện như cứu giúp người nghèo, giúp đỡ bệnh nhân … nói chung là những việc thiện. Tuy nhiên, khác với những hoạt động của Phật giáo với mục đích lợi ích tha nhân, trường phái này làm việc để chỉ mong hưởng phước lạc cho bản thân về sau (tín đồ Phật giáo hay vấp phải điểm này). Vì là những thiện hạnh như vậy nên họ gặt hái thiện báo như ý muốn, tức cũng được hưởng những lạc thú, hạnh phúc nhưng không còn niềm vui khoái lạc của sự ham muốn giác quan – dục lạc nữa mà đó là thiên lạc, niềm vui cõi trời tế nhị hơn trần gian.

1.6.4.2. Giải thoát lạc hay Niết bàn lạc thay thế:

Niết Bàn là niềm vui của cảnh giới người không còn tham ái chấp thủ, siêu việt mọi lạc thọ, đó là chất liệu sống của cảnh giới người chứng đắc quả giải thoát, là sự an lạc của Đức Thế Tôn, người đã chứng quả tối thượng. Được niềm vui trong sự giải thoát giác ngộ này, hành giả sẽ không còn tồn tại sự vui thích giác quan, giải thoát lạc là niềm vui vượt hẳn tất cả và cao thượng hơn tất cả, đó là kết quả của sự tu tập lâu dài.

Cả hai loại Thiên và Niết bàn lạc này tuy có khả năng thay thế dục lạc, nhưng không nằm trong đường hướng giáo dục cởi bỏ dục lạc của Đức Thế Tôn. Bởi vì Thiên lạc vẫn còn sự hạn chế, vẫn là niềm vui hữu lậu nhờ kết quả là phước báo, tức vẫn chịu vô thường. Về giải thoát lạc, đó là kết quả tu tập lâu dài và không phải ai cũng có cơ duyên đạt được, mặc dù nằm trong mục tiêu giáo dục nhưng là mục tiêu tối hậu.

1.6.4.3. Thiền lạc thay thế:

Thiền lạc là niềm vui hạnh phúc sinh ra khi hành thiền, thiền lạc có khả năng thay thế dục lạc vì thiền lạc thì thù thắng hơn dục lạc. Trong kinh điển Nikaya nói về thiền thường hay nhắc đến cụm từ “hiện tại lạc trú” tức trạng thái hỷ lạc được được phát sinh ngay trong lúc hành thiền, chỉ cần bạn tịnh chỉ tâm, dừng đuổi bắt, theo dõi đối tượng duy nhất, gạn lọc những điều gây phiền toái, tâm bạn sẽ được an tịnh, bình yên, một sự tự hỷ xảy ra trong tâm bạn, đó là thiền lạc, là kết quả thanh lọc tâm tư và cảm xúc. Đức Phật gọi thiền lạc là “ly dục lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giải thoát lạc”, trong khi dục lạc được biết là “cảm giác lạc, hạ liệt lạc phàm phu lạc, phi thánh lạc”. Như vậy, về mức độ thiền lạc tối thắng hơn dục lạc.

Bởi tính chất hướng thượng ấy của thiền lạc mà nó có khả năng thay thế dục lạc thấp hèn. Tuy có khả năng thay cho dục lạc nhưng thiền lạc thuộc nội tâm, cá nhân, không thể chia sẻ với người khác được. Nói khác đi, chỉ những ai có hành thiền mới được thiền lạc, mới thấy được lợi ích thiết thân của thiền. Con đường đi vào thiền lạc rất gần gũi, phù hợp với mọi căn cơ và đối tượng. Vì vậy giáo dục phương pháp hành thiền để có hỷ lạc thay cho dục lạc là đường hướng chủ trương của Đức Thế Tôn, và đây cũng là lời giải đáp mà đề tài này muốn trả lời cho vấn đề dục lạc.

Tiểu kết:

Với giáo lý căn bản về bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo Đức Phật đã nêu ra đầy đủ sự thật về dục lạc. Trong một số bản kinh, các Tỳ kheo đã ngộ nhận cho rằng dục lạc không có chướng ngại, không nguy hiểm, không có lỗi gì khi thọ hưởng, nhưng Đức Thế Tôn đã nhiều lần khẳng định nó là nhân tố gây nên khổ đau, bất hạnh cho loài người. Về phương diện đời sống vật chất, dục lạc là đầu mối của tranh chấp, xung đột và chiến tranh. Về phương diện tâm linh, dục lạc là kẻ cản đường lớn nhất trên lộ trình hoàn thiện bản thân, chứng quả giải thoát. Vì vậy vấn đề lìa bỏ dục lạc được đặt ra một cách thật sự cấp bách cho con người, với xã hội hiện đại vấn đề này càng trở nên rất cần thiết. Phương pháp hành thiền truyền thống của Đức Phật là giải pháp hữu hiệu đã từng ứng dụng thành công trong mọi giới.

Chương trên đã nêu tổng thể toàn bộ về dục lạc, về vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. Người viết cũng đã giới thiệu sơ về phương pháp đoạn trừ, chương tiếp theo đây chúng ta sẽ nói rõ về phương pháp thiền của Đức Phật nhằm giải quyết vấn đề này.

CHƯƠNG 2

THIỀN – GIẢI PHÁP CHẾ NGỰ VÀ ĐOẠN TRỪ DỤC LẠC

2.1. KINH NGHIỆM HÀNH THIỀN CỦA ĐỨC PHẬT

Thiền học ra đời từ thủơ xa xưa trước thời Đức Phật, đó là một pháp môn rất đáng chú ý đối với Ấn Độ xưa cũng như nay. Thiền học Phật giáo được đức Thế Tôn sáng kiến ra, dĩ nhiên cũng có chịu ảnh hưởng Thiền học Ấn nhưng pháp môn này của Ngài dựa trên kinh nghiệm tu tập và chứng đắc của riêng bản thân ngài nhằm xây dựng một pháp môn giải thoát giác ngộ.

Kinh nghiệm đầu tiên của Đức Phật là lúc còn làm thái tử, rời cung điện Ngài đến xuất gia học đạo với hai vi đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ là Alarakalama và Uddakaramaputta, cùng với hai vị này chẳng mấy lâu, Ngài đã chứng đắc cảnh giới thiền mà hai vị đã chứng. Chính họ đã xác nhận rằng: “Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú. Pháp mà hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố. Pháp mà tôi biết, chính pháp ấy hiền giả biết; pháp mà hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, hiền giả là như vậy; hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, hiền giả! Hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này” [4-369]

Tuy vậy Ngài thấy cảnh giới thiền này không đưa đến rốt ráo, yếm ly, ly tham, thắng trí, giác ngộ, giải thoát, Niết bàn nên Ngài đã từ bỏ.

Một lần khác, khi ngài chưa chứng quả giải thoát, vẫn còn tham sân si, các lậu hoặc và ham muốn vẫn thỉnh thoảng dấy khởi, vướng mắc vấn đề này, ngài ưu tư và cuối cùng nghĩ ra rằng: “Chỉ một mình quán như thật các dục vui ít khổ nhiều chưa đủ mà phải hành thiền để chứng được hỷ lạc do ly dục sanh mới có thể nhiếp phục và đoạn trừ các dục” [11-9] . Và đây là đoạn kinh mô tả điều này:

“Này Mahanama, thuở xưa khi ta còn là Bồ Tát, chưa chứng được Bồ đề, chưa thành Chánh đẳng giác, Ta với chánh kiến khéo thấy như thật : các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn. Dẫu Ta khéo thấy với như thật chánh kiến, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn và như vậy Ta biết rằng Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Này Mahanama, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh quán: các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn. Và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta biết rằng Ta không bị các dục chi phối” [4-211]

Như vậy, hành thiền chứng được hỷ lạc do ly dục sinh là thoát được dục lạc, kinh nghiệm này của Đức Phật đã mở ra một đường hướng để giải quyết vấn đề dục lạc này. Điều quan trọng mà chúng ta thấy ở đây là muốn hành thiền theo phương pháp của Đức Phật thì phải “ly dục ly bất thiện pháp”, dục và bất thiện pháp là chướng ngại của thiền, là kẻ thù cần loại bỏ của thiền.

Một kinh nghiệm khác nữa, khi Sa môn Gotama tu hành 6 năm khổ hạnh, ngài vẫn không thấy con đường này đưa ngài đến sự giác ngộ và giải thoát rốt ráo, Ngài quyết định đi đến Uruvela để thực tập thiền định. “Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực, được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Như vậy, lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là “xả niệm lạc trú” chứng và trú thiền thứ ba. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”. [4-540]

Quyết chí không rời chỗ ngồi trong suốt 49 ngày đêm thiền quán, cuối cùng ngài đã chứng được tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, biết rõ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại kiếp sống này nữa”. Ngài đã thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là kinh nghiệm chứng tỏ việc hành thiền khai thông con đường tiến đến giác ngộ, và chính hành thiền là phương pháp duy nhất để chứng đắc thánh quả mà thôi.

Trên đây là đơn cử một vài kinh nghiệm hành thiền của Đức Phật, chỉ ngần ấy cũng đủ nói lên tầm quan trọng và vị trí của thiền như thế nào trong con đường tu tập tâm linh theo Phật giáo. Nói rõ hơn, thiền không phải là một pháp môn trong nhiều pháp môn tu của Đạo Phật, mà thiền là mạng mạch là cốt lõi của Đạo Phật. Nhờ hành Thiền mà Thế Tôn đã chứng ngộ và khai sáng ra Đạo Phật. Suốt 45 năm hành đạo của ngài, Thiền với nhiều hình trạng khác nhau được Đức Thế Tôn giảng rộng, và suốt thời gian hành đạo này, ngài luôn hành thiền trong cả bốn oai nghi, trong khi sinh hoạt, khất thực, thọ trai, … và tất nhiên vẫn luôn toạ thiền.

Về quan điểm trong việc hành thiền, vì với mục tiêu giải tỏa tham, sân, si, dẹp trừ lậu hoặc để có sự giải thoát, từ bỏ mọi sự ràng buộc của ham muốn, nên tất nhiên xa lìa dục vọng là điều kiện không thể thiếu trong việc tu thiền, chính vì điểm này mà thiền Phật Giáo mang một màu sắc riêng, không giống các trường phái khác. Đức Thế Tôn nhấn mạnh : “Này Aggivessana, những tôn giả Sa môn hay Bà la môn nào sống không xả ly các dục vọng về thân, về nội tâm chưa khéo đoạn trừ, chưa khéo làm cho nhẹ bớt, những tôn giả sa môn hay bà la môn ấy không có thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Sa môn hay Bà la môn nào sống xả ly các dục vọng về thân, về nội tâm khéo đoạn trừ, khéo làm cho nhẹ bớt, những tôn giả Sa Môn hay Bà la môn ấy có thể chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. [4-528]

Bằng những kinh nghiệm đó, Đức Thế Tôn đã khẳng định rằng: Muốn được sự giải thoát giác ngộ, muốn được sự thanh thản tâm hồn, muốn chế ngự và đoạn trừ dục lạc thì không có gì tốt hơn khác ngoài phương pháp hành thiền.

2.2. ĐỊNH NGHĨA THIỀN

2.2.1. Định nghĩa chung:

Thông thường, khi đề cập đến thiền người ta thường nhắc đến hai cụm từ “thiền chỉ” và “thiền quán”, chữ “chỉ” có nghĩa là dừng lại, “quán” nghĩa là quán sát. Theo Tứ Niệm Xứ, mỗi đối tượng thân, thọ, tâm, pháp đều có hai phần thực hiện chỉ và quán. “Phần quan sát theo dõi hơi thở gọi là thiền chỉ, phần quán tánh sanh diệt trên đối tượng gọi là thiền quán” [17-79].

Giả sử bạn dừng suy nghĩ theo dõi hơi thở vào ra, hoặc để tâm dừng trú trên một đối tượng nhất định với chánh niệm tỉnh giác đó là thiền chỉ. Tức luôn giữ tâm ở trạng thái tĩnh để đối trị các tâm lý dao động. Còn thiền quán là phân tích một đối tượng, lấy chánh tư duy làm nền tảng, như theo dõi hơi thở vào và ra, thấy biết về sự sanh diệt của đối tượng ấy cho đến khi bừng tỏ sự thật.

Theo luận sư Buddhaghosa định nghĩa, thiền là lựa chọn một đối tượng rồi thiền tư trên đối tượng ấy khiến cho khả năng đốt cháy, thiêu hủy các pháp đối nghịch (tức kiết sử phiền não) [11-18]. Trong phạm vi đề tài này, người viết muốn bàn về thiền lần lượt theo tứ thiền.

2.2.2. Định nghĩa thiền theo tứ thiền:

Thiền được giới thiệu ở đây là sự chứng đắc bốn thiền với khả năng chế ngự và đoạn trừ các pháp hữu lậu gây khổ đau cho con người, giúp xây dựng một xã hội bình an, hạnh phúc, một nếp sống tâm linh trong sáng, thuần thiện. Bằng cách từ bỏ năm thứ trói buộc tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi. Tiếp xúc được với năm đặc tính của thiền tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Chứng được sơ thiền và sau đó tiếp tục chứng các thiền khác. Tuy nhiên, trước khi vào định nghĩa các thiền, người viết muốn giải thích sơ lược về năm thiền cái và năm thiền chi.

* Năm triền cái( năm thứ trói buộc):

1. Tham: Ham muốn nhiều đến những đối tượng khác, muốn cái này rồi lại muốn cái kia, không tập trung một chổ, không biết dừng lại hay biết đủ là gì.

2. Sân: Trạng thái bực bội, nóng nảy, không có sự hỷ lạc.

3. Hôn trầm thụy miên: Buồn ngủ hay tâm lý lơ mơ, không sáng suốt, không chú tâm.

4. Trạo hối, hay trạo cử: Trạng thái dao động, lăng xăng của tâm.

5. Nghi: Không tin vào những gì mình đang thực tập, nghi ở đây gần nghĩa với si.

“Tham dục ví như một tô nước có trộn các màu xanh, vàng, đỏ, trắng. Sân được ví như một nồi nước đang sôi sùng sục. Hôn trầm ví như hồ nước bị rong rêu che phủ. Trạo hối được ví như hồ nước bị gió chao làm nổi sóng. Nghi được ví như một hồ nước bị khuấy bùn đục ngàu” [7-123]

* Năm Thiền Chi:

1. Tầm: Là hướng tâm đến đối tượng, đập mạnh vào đối tượng.

2. Tứ: Là liên tục nhấn mạnh vào đối tượng, khiến tâm pháp tập trung lên đối tượng. Tầm và Tứ không rời nhau, tuy vậy, tầm có nghĩa là sự xúc chạm đầu tiên của tâm với đối tượng, như đánh lên một tiếng chuông, còn tứ là buộc tâm vào một chỗ, như rung chuông.

3. Hỷ: Trạng thái tươi tỉnh mát mẽ.

4. Lạc: Sự hài lòng hạnh phúc. Hỷ và lạc được liên kết, có hỷ tất có lạc, nhưng có lạc không nhất định có hỷ. Hỷ là hài lòng vì đã đạt được điều mong ước. Lạc là kinh nghiệm thực thụ với điều đạt được. Như người đi sa mạc khát nước thấy dòng suối sẽ có hỷ, đến uống nước ấy sẽ có lạc.

5. Nhất tâm hay Định: Là tâm chuyên chú vào một đối tượng duy nhất.

TỨ THIỀN:

a) Sơ thiền: “Vị ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ” [4-604]

Một người chứng đắc sơ thiền là loại bỏ năm thứ tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi đạt được năm pháp thiền tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Với quả vị này, hành giả sống an trú trong ấy để cảm nhận tất cả sự thọ khác với cảm thọ của dục và bất thiện, đó là cảm thọ do ly dục sanh. Kinh văn mô tả rằng:“Người ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không do hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần” [4-604]. Ly dục ở đây tức thoát khỏi mọi dục vọng, ham muốn khoái lạc, khi chứng được sơ thiền thì nhất định các dục vọng biến mất, dục là kẻ thù của thiền, hành giả thực hành thiền thành công ở bước thứ nhất tức đã loại bỏ được dục lạc. Đây là mấu chốt của vấn đế cần tìm hiểu trong đề tài này. Tuy nhiên, thiền không chỉ có vậy, sau sự đoạn tận các dục thì còn nhiều vấn đề khác cũng cần được giải quyết để có niềm hạnh phúc thật sự, và đó là sự thành công tiếp theo sau khi đạt được sơ thiền, tức nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.

b) Nhị thiền: “Vị ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm” [4-604].

Nói đến định là nói đến sự nhất tâm, với thiền thứ hai này, hành giả xả bỏ được tầm và tứ, niềm vui để duy trì sự tồn tại của thiền này là định, khác với ở sơ thiền có niềm vui để duy trì là nhờ ly dục.

c) Tam thiền: “Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chúng và trú thiền thứ ba”[4-604].

Xả niệm lạc trú tức trú trong an lạc, nhờ có xả và có chánh niệm. Vậy sự buông bỏ xả và chánh niệm là nền tảng của trạng thái này.

d) Tứ thiền: “Vị ấy xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh” [4-604].

Đến đây xả giữ vai trò chủ nhân của thiền này, không còn khổ không còn lạc, không còn mừng, không còn lo, tâm không trụ không dính đến những thứ này và xả được xem là đặc tính độc nhất của tứ thiền.

Ta thấy từ thấp đến cao, trước khi vào sơ thiền, loại trừ năm triền cái, bắt đầu vào sơ thiền, có năm thiền chi, lên nhị thiền còn lại hỷ, lạc, nhất tâm, tam thiền còn lạc, nhất tâm, tứ thiền chỉ còn lại nhất tâm. Đó là sự loại bỏ dần các cảm thọ kể cả những thọ vi tế thuộc tâm để cuối cùng được giải thoát.

Như vậy, trên đây là sự trình bày về tứ thiền theo kinh tạng Nikaya, đây là phương pháp thiền truyền thống mà tất cả các dòng thiền đều lấy làm nền tảng, là phương pháp được giới thiệu và từng được ứng dụng thành công từ thời Đức Phật đến nay.

2.3. THIỀN THANH LỌC TÂM:

Hành thiền để loại bỏ những tâm lý xấu, làm sạch tâm theo nếp sống đạo đức thuần tịnh. Như phần 2.2.2 đã trình bày thiền là đoạn trừ năm triền cái, thay thế nó bằng năm thiền chi, chú tâm chuyên nhất vào đối tượng để làm sạch mình, dưới đây người viết muốn trình bày về lợi ích của thiền trong việc thanh lọc tâm bằng cách loại trừ năm thứ trói buộc tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi.

Trước khi trình bày, người viết xin nhắc lại triền là những tâm lý trói buộc, cột chặt con người trong sự cấu nhiễm. Cái là ngăn cản con người tiến đến sự thánh thiện, vậy triền cái là bè bạn với sự bất thiện, là kẻ thù của thiền. Do vậy, loại bỏ triền cái không chỉ bước vào cảnh giới thiền mà còn để con người tiến đến sự hoàn thiện, tiến đến sự an lành và hạnh phúc.

2.3.1. Loại bỏ triền cái hôn trầm thụy miên:

Hôn trầm thụy miên là kẻ thù số một của thiền vì khi bạn thực tập thiền, tâm bạn tạm yên là dẫn đến sự buồn ngủ, buồn ngủ thì không thể thiền. Vì vậy thực tập thiền phải tỉnh giác loại trừ sự buồn ngủ. Buồn ngủ là yêu cầu sinh lý bình thường đó là sự nghỉ ngơi của thân sau khi làm việc, nhưng mê ngủ là một lãnh vực khác, bạn chỉ cần ngủ đủ cũng như ăn chỉ đủ no, nếu cứ thèm ăn mãi tức bạn có nguy cơ phát phì, bạn cứ buồn ngủ mãi tức có nguy cơ tối trí, nó làm bạn “mê” một trạng thái thiếu tỉnh táo và đó là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Loại bỏ hôn trầm thụy miên tức chính là loại bỏ những trạng lơ mơ không rõ ràng, thiền chú tâm vào để trạng thái ấy biến mất và làm tâm bạn sáng lên. Nếu hành thiền mà thấy buồn ngủ hãy chú tâm để tháo bỏ nó, nó là đối tượng của thiền, nếu ai có những trạng thái này, thực tập thiền sẽ thấy mình sáng suốt hơn, trí tuệ hơn và như vậy là bạn đã thanh lọc được tâm mình.

2.3.2. Loại bỏ triền cái trạo cử:

Một chướng ngại khác của thiền là trạo cử, sự dao động lăng xăng của tâm. Nếu còn trạng thái này hành giả chưa đến được với thiền, trạo cử - nghĩ ngợi lung tung như vậy sẽ làm mệt tâm, mất năng lượng. Thiền có công năng dừng nó lại, khi tâm cứ chạy dài từ đối tượng này đến đối tượng khác, bằng cách theo dõi hơi thở vào và ra một cách chuyên chú và tỉnh giác. Đây chỉ mới là trạo cử phần thô dễ thấy, khi đã vào được định(sơ thiền) rồi, hành giả cũng còn những trạo cử và ở đó cũng có thiền chi vi tế để đoạn trừ.

Nếu những ai có dao động nhiều – tức có nhiều trạo cử, bởi sự tư duy lúng túng của mình, bạn sẽ không có sự quyết đoán, thiếu tập trung, làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu năng tư duy. Với trường hợp này hành thiền sẽ giúp bạn lấy lại tất cả sự hoàn hảo, tháo gở được sự lăng xăng, trượt dài của ý niệm, để giúp bạn lấy lại sự chuyên nhất, tập trung để tư duy được chính chắn hơn, và đây cũng chính là công năng của thiền trong quá trình thanh lọc tâm.

2.3.3. Loại bỏ triền cái dục tham:

Trước tiên xin nhắc lại dục tham là những ham muốn của dục lạc, là những ham muốn về sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Như đã trình bày rõ về dục lạc ở chương1, sự thỏa mãn về năm giác quan của dục tham sẽ dẫn đến sự khổ đau và mất mát, bởi vì cái gì thuộc về các dục này cũng đều có vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly hay còn có sanh, trụ và diệt. Hậu quả của dục tham này là khổ đau, là vô thường. Khi thực tập thiền phải ý thức được điều đó để thanh lọc, loại bỏ nó để nhường chổ cho một sự hỷ lạc trên nó, hơn hẳn nó. Nói đúng hơn, còn dục tham là bạn vẫn chưa đạt được thiền, chưa hưởng được niềm an lạc từ thiền. Dục tham là chướng ngại vật lớn nhất cản lối vào thiền định. Vì như đã nêu ở phần định nghĩa (2.2.2.), chứng sơ thiền là “ly dục, ly ác bất thiện pháp” và thay vào đó hành giả sẽ có “trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh”. Dục lạc là hạnh phúc của thế gian, nhưng ly dục là hạnh phúc của cảnh sơ thiền này, cho nên kinh nói thiền lạc vi tế hơn dục lạc, vì vi tế nên khó đạt được trừ khi phải hành thiền, và dĩ nhiên vi tế hơn nên hoàn hảo hơn.

Thiền có công năng đoạn trừ các dục như kinh mô tả : các dục như đàn nai trong rừng nhờ khôn ngoan nên làm ác ma mù mắt, không tìm được đường đi lối về, do sự khôn ngoan và khéo léo, ái dục cũng không tìm được lối về khi người ta biết hành thiền định. Phần này chỉ nói sơ lược, người viết sẽ trình bày rõ hơn ở mục sau.

2.3.4. Loại bỏ triền cái sân:

Sân là một loại tâm lý xấu, có thể gây đau khổ cho mình và cho người, gây đổ vỡ và thất bại, làm xấu nhan sắc và hại đến sức khoẻ bản thân do tính nóng giận, vội vã và hấp tấp của nó. Nếu bạn là người hay nóng giận, bực tức, hãy quan sát nó, trước tiên giận dữ làm gương mặt bạn xấu đi, bạn có thể bị lên tim hay đau đầu khi nóng giận, mọi người xa lánh vì sợ sự nóng giận của bạn làm tổn thương đến họ. Người xưa nói: một đốm lửa sân có thể thiêu rụi cả một rừng công đức. Bạn xây dựng mối quan hệ hoà ái với mọi người không phải chỉ một chốc lát mà thành, nhưng chỉ một chút sân, có thể biến mối quan hệ đó ra thù hằn gây đau khổ cho nhau.

Thiền là lãnh vực sâu sắc thuộc tâm linh, là chậm rãi và chánh niệm, ngược với sân là nóng nảy và vội vã, thiền có thể loại bỏ tâm sân nhờ chánh niệm, và sự quán sát đầy đủ khía cạnh nguy hiểm của sân, từ đó có thái độ đúng đắn, phát triển nguồn tự hỷ để thay vào chỗ của sân.

2.3.5. Loại bỏ triền cái nghi:

Nghi là một tâm lý ngăn bạn không trở thành người cương nghị, chính sự nghi ngờ làm bạn không quyết định được hành động của mình, không tin vào những gì bạn chọn và đây là cửa nẻo của sự thất bại. Khi hành thiền với sự tỉnh giác tâm bạn sẽ sáng ra, bạn thấy rõ con đường mà Đức Thế Tôn đã chọn và đã chứng này là đúng, thấy quyết định của mình là cần thiết và nên làm, thấy đối tượng mà mình chọn là xứng đáng, và đúng đắn. Thiền với sự quán sát và chánh niệm sẽ giữ bạn sâu sắc hơn, vững vàng hơn về chiều suy nghĩ (tứ) đó chính là khi tâm lý bạn đã tạm vắng bóng sự nghi ngờ.

Theo king tạng Nikàya, quá trình loại bỏ năm triền cái này có thể thấy cụ thể như sau: “Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hân, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, với tâm hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ dao động vị ấy sống không dao động, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết dao động. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát ly khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp”[4-589]

Bằng phương pháp hành thiền - chánh niệm tỉnh giác và sự quán sát thấu đáo với nhiều cách khác nhau, năm triền cái trên sẽ được loại bỏ, và trong tâm bạn sẽ được thay thế năm đặc tính lắng dịu thuần thiện của thiền (thiền chi), cụ thể là:

Tầm thay cho hôn trầm thụy miên

Tứ thay cho nghi

Hỷ thay cho sân

Lạc thay cho dao động

Nhất tâm thay cho dục tham.

Đó chính là sự thay thế hay sự thanh lọc tâm, năm triền cái không còn nữa là tâm được trở nên trong sáng, thanh tịnh. Năm đặc tính của thiền này là hành trang để bạn bước vào cõi thánh, vào các tầng thiền định. Theo Phật Giáo, muốn tu cao hơn nữa để đạt được thánh quả thì năm thiền chi này cũng được loại bỏ dần, nếu không đủ điều kiện tu tiếp thì năm thiền chi này sẽ giữ bạn gần gũi với thiện tánh, thiện hạnh, có được sự thăng hoa về mặt tâm linh, là nhân tố mang lại an lạc và hạnh phúc trong kiếp sống này.

2.4. THIỀN THANH LỌC CẢM THỌ:

Một công việc khác của thiền là thanh lọc cảm thọ, cảm thọ dù tốt, dù xấu, dù thô hay tế thì cũng làm chướng ngại cho sự tịnh chỉ. Khi bước vào thực tập thiền, các cảm thọ bắt đầu được thanh lọc, đầu tiên là loại bỏ những sự rung động, những cảm xúc thuộc thân, tất cả những cảm giác thuộc thân đều phải làm lắng dịu, theo Ànàpànasati, hành giả theo dõi hơi thở cho đến khi cảm xúc về thân lắng xuống, và cảm xúc về tâm như chán chường, yêu ghét… cũng vơi đi, tiếp tục theo dõi hơi thở cho đến khi chúng biến mất, chỉ còn giữ lại những cảm thọ đẹp, vi tế để bắt đầu đi vào sơ thiền.

Đã vào được sơ thiền rồi, không dừng lại ở đó, thiền bắt đầu phát huy tác dụng đặc biệt vốn có của mình, loại bỏ luôn những cảm thọ vi tế thuộc năm thiền chi để nhường chỗ cho sự an tịnh. Dưới đây là phần trình bày việc thanh lọc các cảm thọ qua bốn cấp độ thiền.

2.4.1. Ở sơ thiền:

Như đã giới thiệu, trước khi chứng sơ thiền, thiền giả đã làm sạch các cảm xúc thuộc thân và thuộc tâm ở dạng dễ thấy (thô), để dọn đường vào tầng thiền thứ nhất này, cảm thọ trong giai đoạn này là hỷ lạc do ly dục sanh, thay cho cảm thọ về dục lạc, có đầy đủ năm thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm trong đó tầm và tứ giữ vai trò chủ đạo, là thành phần giữ tâm không rơi lại năm triền cái, nhất là hôn trầm thụy miên.

Ở tầng thiền này, cảm thọ về lạc thú giác quan xem như tạm chấm dứt, đã được thanh lọc, hành giả bấy giờ làm chủ về quán sát cũng như về sự hướng tâm (tầm, tứ), làm chủ năm yếu tố của thiền. Đã thanh lọc phần thô còn lại phần tế, hành giả có thể nhận ra ở phần tế này vẫn bị đe doạ, không hoàn toàn an tịnh vì nó quá gần với các triền cái, gần với thô cảm thọ, cho nên không bằng lòng với sự thanh lọc của sơ thiền mà tiến liên nhị thiền.

2.4.2. Ở nhị thiền:

Trong năm phần còn lại của thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) được biết rằng tầm tứ bấy giờ là ở dạng thô, vì còn dao động (ở sơ thiền), lên nhị thiền tầm tứ sẽ được tịnh chỉ để nhường phần chủ đạo cho hỷ, lạc, định, trạng thái này được gọi là hỷ lạc do định sanh ở nhị thiền. Dĩ nhiên ở sơ thiền cũng có định nhưng phạm vi hoạt đôỉng của nó yếu hơn tầm và tứ, qua đến nhị thiền tầm tứ cần được lắng xuống và định giữ vai trò mạnh trong thiền này. Tuy vậy, hành giả ở nhị thiền vẫn còn thấy nhị thiền có khuyết điểm, mặc dù định vững, những tầm tứ đã được thanh lọc nhưng vẫn quá gần gũi với nó, vả lại, hỷ lạc vẫn còn ở dạng thô. Hành giả đi vào tam thiền để tiếp tục loại bỏ những cảm thọ thô này.

2.4.3. Ở tam thiền:

Xin nhắc lại phần định nghĩa: “Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba”. Ở thiền này, hỷ bắt đầu rơi rụng, vì đó là niềm vui ở dạng thô đốùi với thiền này. Đến đây, năm phần thiền chi đã rụng hẳn ba phần tầm, tứ và hỷ, còn lại lạc và nhất tâm. “Xả niệm lạc trú” tức “người có xả và chánh niệm thì trú trong an lạc”, xả này có nghĩa là nhìn ngắm sự vật khi chúng xảy ra, xảy ra như thế nào thì nhìn nó như thế ấy, nhìn một cách thản nhiên, không thêm bớt, không thành kiến. Ở hai thiền đầu cũng có mặt của xả nhưng do vị trí và thế lực của ba thiền chi trước mạnh hơn, xả lại chưa đứng vững nên không được đặt lên hàng đầu, ở thiền này vi tế hơn, phạm vi hoạt động của xả hiện rõ ràng nên xả được nói đến trong thiền thứ ba.

Ở thiền nầy luôn cần sự chánh niệm tĩnh giác, dĩ nhiên chánh niệm tĩnh giác ở cấp độ nào cũng cần nhưng đặc biệt ở đây cần nó cao độ, ngài Buddhaghosa ví người ở thiền này như đi trên kiếm bén, nếu không chánh niệm thì sẽ hại thân. Thành tựu thiền thứ ba rồi, hành giả hướng lên, vượt khỏi thiền này, vì trong định bất cứ cái gì còn quan hệ với lạc thì vẫn còn thô, hơn nữa thiền này ở gần với hỷ, hỷ và lạc gần nhau dĩ nhiên dễ bị rơi trở lại, để thanh lọc những phần này hành giả hướng lên thiền thứ tư.

2.4.4. Ở tứ thiền

Ở thiền này, tất cả những cảm thọ của lạc, khổ, hỷ, ưu, đã cảm thọ trước được loại bỏ chỉ còn lại duy nhất là xả “xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả”. Như vậy, đến thiền này tất cả các cảm thọ đã cảm thọ trước đó và đã diệt trước đó được khẳng định lại là xả bỏ, kể cả chi lạc tồn tại ở thiền thứ ba đến đây cũng được tịnh chỉ, đoạn văn sau đây đã khẳng định điều này:

“Và ở đâu khổ căn đã khởi được diệt tận không có dư tàn? Này các tỳ kheo, hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, một tỳ kheo chứng và trú sơ thiền … do ly dục sanh, chính ở đây mà khổ căn được diệt tận không có dư tàn. Ở đâu ưu căn được diệt tận không có dư tàn? ở nhị thiền. Ở đâu lậu căn tận diệt không có dư tàn? ở tam thiền , ở đâu hỷ căn tận diệt không có dư tàn ? Ở đây này các tỳ kheo, với sự từ bỏ lạc và khổ, với sự biến mất từ trước của hỷ và ưu, tỳ kheo chứng và trú tứ thiền , có niệm được thanh tịnh nhờ xả. Chính ở đây, hỷ căn khởi được diệt tận không dư tàn” [7-333]. Đó là sự tận trư ụtoàn bộ các căn khổ, ưu, lậu,…các kiết sử.

Trên đây là sự trình bày về những trạng thái thiền thanh lọc các cảm tho,ỉ các thiền chi từ thấp đến cao, từ sơ thiền cho đến tứ thiền, ta có thể tóm tắt như sau:

Thiền thứ nhất có đủ năm thiền chi tầm, tứ, hỷ lạc, nhất tâm.

Thiền thứ hai còn lại hỷ, lạc, nhất tâm.

Thiền thứ ba còn lạc, nhất tâm.

Thiền thứ tư loại bỏ tất cả còn lại xả và nhất tâm.

“Ở đây này Udàyi, Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất …. Có tầm có tứ; Thiền này ta nói ở trạng thái dao động, ở đây chính tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ trong tình trạng dao động. Tỳ kheo diệt tầm diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm; thiền này ta nói ở tình trạng dao động, cái gì dao động? Chính hỷ lạc. Tỳ kheo ly hỷ trú xả chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba; thiền này ta nói ở trong tình trạng dao động, chính hỷ lạc trong tình trạng dao động. Tỳ kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Udàyi, Ta nói thiền này không ở trong trạng thái dao động”. [11-32]

Từ trạng thái thô đến trạng thái tế, các cảm thọ dù tốt dù xấu đều được coi là đối tượng thanh lọc của thiền, khi chưa vào được thiền định các cảm thọ về thân được xem là thô, nhưng khi vào các tầng thiền, lần lượt các cảm thọ dù được xem là vi tế cũng trở thành thô, và vì vậy để đến sự tịnh chỉ không còn dao động, thiền đã loại bỏ hết tất cả khi dừng lại ở thiền thứ tư. Đến đây, quá trình thanh lọc cảm thọ cũng được dừng để nhường chổ cho sự tịnh chỉ hướng đến giải thoát. Như vậy, hành thiền là một quá trình không ngừng nghỉ để hoàn thiện một cá nhân, từ một kẻ phàm phu với đầy đủ tâm yêu, ghét, sợ, si, giận hờn, ham muốn… trải qua quá trình thanh lọc cảm thọ, các tâm lý xấu lắng dần, hướng con người đến chổ thuần tịnh, giải thoát. Đó là quá trình thanh lọc cảm thọ nhờ hành thiền mà người viết muốn được giới thiệu.

2.5. THIỀN CHẾ NGỰ DỤC LẠC:

Trở lại vấn đề cần bàn của đề tài này, vấn đề dục lạc. Trước khi đi vào sự chế ngự của thiền đối với dục lạc, người viết muốn khơi lại những bế tắc của dục lạc khi chưa có phương pháp giải tỏa.

2.51. Dục lạc nuôi lớn dục lạc:

Như đã biết, dục lạc là sự ham muốn giác quan, sự thỏa mãn của giác quan mà ở đó không có điểm dừng nào, chưa có sự giải đáp nào được xem là thỏa mãn, là đủ rồi để dừng lại. Ham muốn của con người là một vòng xoáy mở rộng hình con nước khi ném một hòn đá vào, ban đầu nhỏ nhưng rồi lan rộng dần, với sự tiếp sức từ nguồn nội lực của ham muốn, ham muốn cứ tỏa rộng ra dần làm biến động, xao động mặt hồ vốn tỉnh lặng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Phật dạy: Con người hiện diện ở đời như một người khát nước ở ngoài biển khơi đang uống nước mặn. Càng uống càng khát, nước mặn không phải là thức giải khát nhưng con người vẫn cứ uống. Con người ở đời cũng vậy: ham muốn cảm giác và ham muốn sự vật, đáp ứng nó không phải giải pháp để giải tỏa cho lòng tham, đó không phải là lời giải đáp cho nỗi khổ đau. Dục vọng là nguyên nhân của khổ đau nhưng thỏa mãn nó lại là sự nuôi lớn khổ đau, vì dĩ nhiên, sự thỏa mãn đó chưa bao giờ thật sự thỏa mãn mà ngược lại, vừa được thỏa mãn lại trở nên khao khát.

2.5.1.1. Về dục lạc thuộc cảm giác:

Khi nói về sự thỏa mãn của dục lạc, người viết muốn trình bày phần này riêng về dục lạc thuộc cảm giác để tạm khu biệt những ham muốn khác cũng để phục vụ ham muốn con người nhưng có vẻ gián tiếp hơn, trừu tượng hơn lãnh vực này.

Dục lạc thuộc cảm giác ở đây người viết muốn đề cập sự ham muốn thỏa mãn về sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. năm thứ này là nhân tố chính của sự ham muốn và cảm giác ở đây có phần nghiêng nặng một chút về thân xúc.

Mắt ham sắc đẹp, nhu cầu đó tăng dần lên, thấy cái này đẹp rồi một thời gian thấy cái khác đẹp hơn tức có sự thay thế về cách nhìn cái đẹp, thị hiếu con người là vậy. Với tai thích tiếng, hay mũi, lưỡi…cũng vậy, thích, thỏa mãn rồi thích, ham muốn này là nấc thang để bước lên ham muốn khác cao hơn. Ham muốn trở thành thực nghĩa của sự sống, là sự đòi hỏi - đáp ứng - và đòi hỏi. Ở một chừng mực nào đó, ham muốn và sự thỏa mãn các giác quan là cần thiết, nhưng tới một mức nhất định, ham muốn thỏa mãn cảm giác là sự sa đoạ, là sự suy thoái đạo đức mà con người cần thức tỉnh. Do đâu mà trai gái làng chơi tìm vào sự thỏa mãn nhục dục, nạn mại dâm, mãi dâm làm nhức đầu các nhà chức trách trên thế giới? do đâu mà những kẻ nghiện nhập lạc đường vào quỷ đạo của cảm giác ma tuý? Đó chính là những cảm giác dục lạc được làm thỏa mãn, thỏa mãn dục lạc không bao giờ dừng lại mà luôn dẫn đến nguy cơ trượt dài, làm suy thoái cả một nền đạo đức mà loài người nói chung cố tìm cách khắc phục. Đó là hệ quả đơn cử về sự thỏa mãn dục lạc thuộc cảm giác.

2.5.1.2. Về dục lạc thuộc danh dự:

Phần 1.3.1 nói về dục lạc ngoài thân người viết đã trình bày. Con người trong xã hội hiện nay học tập, nghiên cứu, … cố chạy theo học hàm học vị, vì đầy dẫy lòng tự trọng, sợ tổn thương và dễ tự ái, cộng với lòng tham vượt khả năng của mình, nên khi đời sống phát triển, trí tuệ được xem là nhân tố chủ lực, người ta thi nhau nâng cao trình độ, bằng cấp trở thành một minh chứng cho trình độ của mình, thế là người ta lại cố vươn lên với tấm bằng này nọ, nạn phao trắng trường thi, nạn học giả thi thật, bằng giả bằng thật đánh lộn con đen tạo nên một không khí nhếch nhác trong giáo dục, nền giáo dục trở nên mất uy tín do bằng cấp không phù hợp vơí khả năng. Đó chính là hậu quả của lòng ham muốn danh dự, sự ham muốn vượt quá khả năng của mình.

2.5.1.3. Về dục lạc thuộc sự vật:

Vật chất là thứ cần thiết phục vụ đời sống con người, với mục đích đem lại đời sống hạnh phúc cho con người. Thay vì ăn xong là rửa chén bát, con người đã phát minh ra máy rửa chén, cần giặt đồ có máy giặt đồ, cần lau nhà có máy lau nhà, cần lên lầu có thang máy,… con người đã đạt đến một nền văn minh công nghệ tột bực, nhưng chưa thấy ai nói như vậy là đủ rồi, con người đã lạm dụng quá đỗi đến vật chất, hậu quả của nó là chứng Béo phì, Tăng xông hoặc Nhồi máu cơ tim…. Con người tự cho mình là chủ nhân của vật chất nhưng vô tình đã trở thành nô lệ nó, chạy theo nó. Con người khi đã có được cái này lại khởi tâm muốn có cái kia, đã có xe máy lại muốn xe hơi, đã có chỗ ở tốt lại đòi biệt thự, v.v…nghĩa là đáp ứng lòng tham để được thỏa mãn, để thấy đủ là một phạm trù rất xa lạ đối với con người, vì tất nhiên rằng chưa hề có sự thỏa mãn tuyệt đối.

Con người hiện hữu ở đời với mục đích sống là hạnh phúc, vì mục đích ấy con người hướng đến sự hưởng thụ vật chất nên chẳng ngại ngần gì trên đường chinh phục thiên nhiên. Con người đã phát minh ra những lãnh vực khoa học mà quên nhìn lại mặt trái của nó để chất độc da cam, hạt nhân nguyên tử tàn phá trái đất này. Khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên mà quên rằng thiên nhiên là vị thần chúa ghét lòng tham, tài nguyên thiên nhiên đã đem đến cho con người sự sung túc về vật chất, con người tự hào về mục đích, nhiệm vụ và sứ mạng của mình đối với loài người, nhưng thật trớ trêu, vị thần thiên nhiên đã nỗi giận. Con người vốn dĩ yêu hoà bình, thích hạnh phúc, ai cũng biết vậy nhưng làm gì có hoà bình và hạnh phúc khi bạn lại luôn gây chiến tranh, lòng ưu đãi của thiên nhiên đã bị tổn thương khi con người đã tấn công khai thác cạn kiệt, thiên nhiên đã nỗi giận với con người, những trận động đất, núi lửa, sóng thần ,…xảy ra liên tiếp để trừng trị lòng tham của con người. Vậy con người chinh phục thiên nhiên hay thiên nhiên chinh phục con người? Trận chiến này ai thắng ai thua dĩ nhiên đã có lời giải đáp. Xưa nay loài người tự hào là đã chinh phục được thiên nhiên, vâng, đó là khát vọng của con người, nhưng một minh chứng hùng hồn để lật đổ luận điệu này là những dòng thời sự về sóng thần Ấn Độ Dương, về động đất và núi lửa. Với hình ảnh ông cụ đánh cá, Hemingway đã dàn dựng ra một hoạt cảnh con người đọ sức với thiên nhiên, trải qua mấy ngày liền gây chiến trên mặt biển dậy sóng, cụ già của Hemingway đã chiến thắng trở về với tâm trạng phấn khởi đầụy kiêu hãnh sau mấy ngày hao tâm tổn lực, nhưng thật trớ trêu, chiến lợi phẩm của cụ bấy giờ là một bộ xương thay vì một con cá lớn, biển cả đã lấy lại tất cả!

Khác với Hemingway, ông lão câu cá của Nguyễn Khuyến đi câu cá trong một không gian hiền hoà và yên tĩnh của một làng quê Việt Nam, mặt hồ tĩnh lặng, ngỏ trúc vắng teo, một vài lá trúc thỉnh thoảng đưa vèo, và một vài con cá chốc chốc đớp động dưới chân bèo, tất cả đều như hoà vào nhau để tạo ra một bức tranh bình yên của cuộc sống. Con người đến với thiên nhiên với một tâm trạng hoà hoản và thiên nhiên cũng chẳng hẹp hòi gì với anh bạn nhỏ bé này, cả hai hoà vào nhau như một đôi bạn. Đúng vậy, con người cần là bạn của thiên nhiên, chỉ khi làm bạn với thiên nhiên con người mới được tiếp thêm sức mạnh, thách thức với nó tức bị cô lập ngay, bởi chính thiên nhiên là nguồn lực của con người, là hơi thở, là bầu khí quyển chung quanh con người, thiếu nó là mạng sống chấm dứt. Đã đến lúc con người cần quay lại với thiên nhiên để tiếp thêm sức mạnh. Con người đã quá tham lam, đáp ứng quá nhiều cho lòng tham và đã trượt dài theo vật chất. Đó chính là nhân tố tạo nên cuộc khủng hoảng môi sinh mà đến bây giờ con người mới sực tỉnh, tìm cách làm hoà, tái tạo hành tinh đã bị tổn thương này.

Trên đây người viết không hề phủ nhận những thành công của con người , nhưng vấn đề đặt ra là con người đã tiến quá xa, đã lạm dụng quá nhiều và giá phải trả quá đắt. Chúng ta thấy rằng dục lạc khi được đáp ứng, được thỏa mãn thì chỉ nuôi lớn thêm dục lạc mà thôi, ham muốn - đáp ứng - và ham muốn, đó là một vòng tròn mở rộng. Thỏa mãn ham muốn trở nên thực nghĩa của cuộc sống để tạo thành dòng luân hồi quay mãi trong khát khao, đòi hỏi và thúc bách mà chưa từng dừng lại bao giờ. Đó chính là vấn đề mà người viết muốn nói: “dục lạc nuôi lớn dục lạc”.

2.5.2. Thiền lạc thay thế dục lạc:

Dục lạc đã rơi vào bế tắc, bởi vì thỏa mãn dục lạc chỉ để nuôi lớn một dục lạc khác như trên đã chứng minh. Đến đây người viết muốn trình bày một quan điểm của Phật giáo nhằm giải toả bế tắc này, đó là dùng thiền lạc thay cho dục lạc.

Ai cũng hiểu, để duy trì một cuộc sống, cuộc sống đó phải có niềm vui, nếu dục lạc là niềm vui trần thế để duy trì đời sống trần tục, tôn giáo cũng có niềm vui để duy trì đời sống tôn giáo, hành thiền cũng có niềm vui để duy trì nếp sống tâm linh, nếp sống thiền. Nói đến thiền là nói đến sự tỉnh giác, sự chú tâm và dừng lại, bấy nhiêu đặc tính cũng đã thấy được thiền có thể chế ngự dục lạc, bởi lẽ do tỉnh giác và dừng lại, ham muốn không thể bị trượt dài, sự tỉnh giác và dừng lại khiến người ta thấy “như vậy là vừa đủ” không tìm cầu gì hơn vì đã đủ rồi cầu làm gì.

Niềm vui của thiền là gì? đó là sự thảnh thơi nhẹ nhàng, bằng lòng với những gì đang hiện tại. Khi bạn bước chân đi, với đôi chân tiếp xúc với đất, bạn cảm nhận tất cả những cảm xúc này với một niềm hạnh phúc có sẵn: ta được đất nâng đỡ trên thế giới này, với hơi thở vào và hơi thở ra, bạn ý thức được sự có mặt ngay trong hiện tại, hơi thở là sự duy trì để ta hiện hữu trên cuộc đời này, thật trân quý biết bao, hạnh phúc biết bao ta đã thở. Thiền là vậy, chỉ có vậy thôi bạn cũng đã thấy cuộc sống này hạnh phúc và thiêng liêng. Theo bài kinh Tứ Niệm Xứ thực tập thiền với bốn đề mục thân, thọ, tâm, pháp theo hơi thở, người viết muốn giới thiệu để thấy rõ sự đơn giản mà diệu dụng của thiền.

1. Quán thân trên thân:

Hơi thở vào dài, tôi biết hơi thở vào dài.

Hơi thở ra dài, tôi biết hơi thở ra dài.

Hơi thở vào ngắn, tôi biết hơi thở vào ngắn .

Hơi thở ra ngắn, tôi biết hơi thở ra ngắn.

Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở vô.

Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở ra.

An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô.

An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.

2. Quán thọ trên các cảm thọ :

cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô

cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.

Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô

Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.

Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô

Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.

An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô

An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.

3. Quán tâm trên tâm:

Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô

Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.

Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô

Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.

Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở vô

Với tâm tịnh chỉ, tôi sẽ thở ra.

Với tâm giải thoát , tôi sẽ thở vô

Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.

4. Quán pháp trên các pháp

Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở vô

Quán niệm vô thường, tôi sẽ thở ra.

Quán niệm tan rả, tôi sẽ thở vô

Quán niệm tan rả, tôi sẽ thở ra.

Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở vô

Quán niệm hoại diệt, tôi sẽ thở ra.

Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở vô

Quán niệm từ bỏ, tôi sẽ thở ra.

Theo dõi hơi thở và những gì xảy ra với thân, với cảm giác về thân, những gì xảy ra về cảm thọ, về tâm hành, về sự tịnh chỉ, về vô thường và hoại diệt, theo dõi những diễn biến về tâm lý, về cảm giác qua hơi thở để thấy mình hạnh phúc trong hiện tại này và đó cũng chính là hạnh phúc của thiền. Từ những hạnh phúc về thiền như vậy, với sự tỉnh giác, ham muốn dục lạc không thể còn cơ hội để khởi lên trong tâm. Những ham muốn thỏa mãn giác quan nhường chỗ cho sự nhẹ nhàng thanh thản của tâm linh. Bên cạnh đó, khi bạn đạt được sơ thiền một niềm vui khởi lên trong tâm thay thế cho niềm vui của sự ham muốn gọi là “hỷ lạc do ly dục sanh”, đó là lúc hành giả thật sự xóa bỏ lòng dục, xóa bỏ niềm ham muốn giác quan, có được niềm vui nhờ đã lìa ham muốn. Tuy nhiên, niềm vui từ sự ly dục sanh cũng giống như niềm vui của sự chiến thắng khi vừa ra khỏi chiến tranh, tuy đã ra khỏi chiến tranh nhưng niềm vui đó từ chiến tranh mà có, niềm vui do ly dục sanh tức nó vẫn còn liên hệ đến dục nên cần phải tu lên thiền nữa để có niềm vui duy trì sự sống là từ định sanh, xa hẳn dục, và cứ vậy đi lên dục không còn dấu vết nữa. Đó chính là lợi ích đích thực của thiền khi nói thiền có công năng đoạn trừ dục lạc, bởi lẽ những thiền lạc trên thù thắng, tích cực, vô hại, hơn dục lạc nhiều. Thiền là con đường đáng tin cậy nhất để dẹp trừ dục lạc bởi vì nó phù hợp với khoa học, đã được thực tập bởi Đức Thế Tôn. Ngài đã từng khẳng định tầm quan trọng của thiền trong việc loại bỏ sự chi phối của dục như sau: “Này Mahanama, thuở xưa khi còn là Bồ tát chưa chứng được Bồ đề, chưa thành chánh đẳng giác, ta khéo thấy với như thật chánh kiến: các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hại ở đây càng nhiều hơn. Dầu ta khéo thấy với như thật chánh kiến như vậy, nhưng ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy, Ta biết rằng Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này, Mahanama, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh kiến, các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều. Sự nguy hiểm ở đây lại càng nhiều hơn, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly bất tiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối.” [4-211]

Như vậy, dục lạc chỉ biến mất khi thiền giả có thiền lạc, có sự hỷ lạc ngoài dục. Thiền lạc thù thắng, vi tế và thánh thiện nên dục lạc thấp kém phàm phu phải đầu hàng.

Ham muốn dục lạc bắt nguồn từ tâm vọng tưởng như đã chứng minh ở mục 2.6, nên khi có mặt ánh sáng thiền định chánh niệm tỉnh giác, tâm vọng tưởng tiêu tan, những ham muốn về thỏa mãn giác quan phải nhường chỗ cho nhu cầu thánh thiện của tâm linh là điều tất yếu. Pháp Cú Kinh Phật dạy:

“ Như mưa xâm nhập vào cái nhà vụng lợp

Cũng vậy dục vọng xâm nhập tâm không tu tập”

“ Như mưa không xâm nhập ngôi nhà lá khéo lợp

Cũng vậy dục vọng sẽ không xâm nhập tâm khéo tu tập”[10-9]

Ở Trung Bộ I Phật dạy rằng: “ Này các Tỳ Kheo, những Sa môn, Bà la môn nào bị trói buộc, bị tham đắm say mê bởi năm dục trưởng dưỡng, không thấy sự nguy hại của chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: các ngươi đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai hoạ, đã bị ác ma sử dụng theo nó muốn. Này các Tỳ Kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần được hiểu là bị rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến, con nai ấy không thể bỏ đi như nó muốn. Này các Tỳ Kheo, những Sa môn hay Bà la môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị say mê bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai hoạ, nó không bị thợ săn sử dụng như nó muốn, khi người thợ săn đến con nai ấy có thể bỏ đi như nó muốn” [11-39]

Tiểu kết:

Người Phật tử không phải nô lệ vào ba tạng giáo điển, không phải chỉ nhắm mắt tin càn mà Đức Phật luôn dạy pháp của ngài là “đến để mà thấy” (a come and see thing) chứ không phải đến để mà tin, tin hay không là điều bạn tự quyết định sau khi đã thấy và lựa chọn. Đạo giải thoát chỉ đến với những ai thấy rõ và lựa chọn đúng con đường này. Đức Phật đã chỉ ra dục lạc với vị ngọt, sự nguy hiểm và sự tan rã, đó là thực tế của đời sống, chẳng có gì đáng ham mê với những thứ này. Hãy đi tìm một phương pháp, một phong cách sống mà ở đó bạn không thấy dục lạc tàn phá đời sống tâm linh bạn. Phương pháp hành thiền mà người viết nêu trên có thể được xem là một phương pháp giải trừ dục lạc phù hợp với khoa học, với sự thanh lọc cảm thọ để bạn có một đời sống tốt, lành mạnh, với sự thanh lọc tâm để có được một nền tâm linh trong sáng hướng thượng, để dần bước vào con đường thánh hạnh, hạnh phúc hoàn hảo.

CHƯƠNG 3 : NẾP SỐNG TRONG SÁNG, HƯỚNG THƯỢNG

3.1. THIỀN LÀM THĂNG HOA CUỘC SỐNG :

Đến với thiền là đến với định tĩnh và thuần tịnh của nội tâm, sự định tĩnh ấy hầu như mỗi con người đều có sẳn, thiền chỉ dắt bạn trở về để khơi dậy nó, nâng cao nó. Chẳng phải ngẩu nhiên mà trong một tựa đề của tác phẩm “Hành Thiền” của Hoà thượng Thích Minh Châu ghi rằng:“Một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng”, bởi thiền nâng cao giá trị con người, sống với thiền là sống với hòn đảo của chính mình, nương tựa vào chính mình, đối diện với đời bằng một phong thái chủ động, không bị cuộc đời lôi cuốn hay cám dỗ, nói khác hơn không bị các thứ vật chất danh lợi cuốn trôi đi, thiền làm quân bình đời sống con người, sống trong vật chất thiền làm con người đứng vững không bị chi phối, không bị cám dỗ bởi vật chất, bởi lẽ thiền đã lìa bỏ dục lạc, các tham vọng ở đời là những phạm vi đứng ngoài thiền, thiền là những bước đi vững chải, loại bỏ tham ưu, sầu não…, loại bỏ những ham muốn giác quan mà vị ngọt của chúng bắt con người phải chạy theo và nô lệ. Thoát khỏi sự nô lệ của ham muốn đó thiền đem con người hướng đến những gì trong sáng thánh thiện hơn về tâm linh, là chủ nhân tự do không vướng bận trói buộc thứ gì.

Để dẹp trừ tham ái, sân hận và ngu si, thiền hướng con người đến trí tuệ trong sáng, tâm thái thảnh thơi mà đối tượng không nhất thiết thuộc về tôn giáo nào. Gặp đối tượng vừa lòng liền khởi tham, gặp một đối tượng trái ý liền khởi sân, đó là biểu hiện của một tâm yếu đuối, thiền quán sẽ giúp bạn định tĩnh hơn để không lay động trước yêu ghét, thiền về lãnh vực này vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, và cũng không chen lấn với đời, lối đi của thiền là một lối đi riêng trong cuộc đời mà bất cứ tầng lớp , vị trí nào cũng có thể áp dụng được. Thiền như vậy là một tảng đá kiên cố trong cuộc đời, là phương pháp sống đẹp, sống mạnh mẽ, đó chính là lí do mà nói thiền làm thăng hoa cuộc sống, là phương pháp sống lành mạnh hướng thượng trong sáng.

3.2. NẾP SỐNG HIỆN TẠI LẠC TRÚ:

Thiền là nếp sống hiện tại vì chính đặc điểm của thiền như trên đã nói là sống chánh niệm trong hiện tại, hiện tại như thế nào thì cứ để nó y như vậy. “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Như vậy là đoạn tận khổ đau”. [9-398]

Sống hiện tại lạc trú như vậy là đoạn tận khổ đau, vì rằng khổ đau chỉ có mặt khi tâm thức của người còn phân biệt, so sánh với quá khứ, với tương lai. Hiện tại như thế nào thì cứ để nó y “như vậy”, nó như vậy là không có khổ đau. Bạn thấy một điều gì nghe một điều gì đó chướng mắt chướng tai là chỉ khi đó còn có sự phân biệt, so sánh. Pháp hiện tại lạc trú sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi khổ đó bằng cách nhìn trong hiện tại, thấy như vậy trong hiện tại là chỉ biết nó như vậy, đó là cách chấm dứt sự phiền toái, khổ đau.

Với một đặc tính chánh niệm tỉnh giác, thiền dĩ nhiên là sự sáng suốt thấy biết những gì đang diễn ra một cách thấu rõ. Vui với cái gì có trong hiện tại đó là đặc điểm của thiền, là ưu điểm để con người mỗi khi tìm đến thiền là đã có an lạc giải thoát.

Trở lại vấn đề dục lạc, ham muốn là hướng vọng về tương lai, tìm cầu một cái gì hiện tại chưa có. Sống hiện tại là an lạc, sống trong hiện tại là dẹp được sự ham muốn về dục lạc trong tương lai, đó chính là những gì đề tài này hướng tới. Thiền là nếp sống an lạc trong hiện tại, điều đó cũng có nghĩa rằng ham muốn dục lạc trong tương lai đã ra khỏi phạm vi của thiền, chánh niệm được như vậy là ý thức được hiện tại, tức ham muốn không sinh khởi, không vọng tưởng tương lai.

3.2.1. Đối với đời sống xã hội:

Cần phải hiểu rằng sống an lạc ngay trong hiện tại là lãnh vực trạng thái của thiền, là phương pháp để phòng hộ tâm không vượt rào vọng tưởng, là phương pháp an trú để tâm không bươn chải theo đuổi quá khứ và tương lai. Hiện tại lạc trú không đồng nghĩa với việc bằng lòng với hiện tại, bằng lòng với những gì đang có, sẵn có để gây ra sự hiểu lầm về thiền Phật giáo có thái độ thụ động, kiềm hãm sự phát triển. Hãy sống đầy đủ trọn vẹn và hết mình trong hiện tại là bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp trong tương lai, vọng tâm nghĩ về quá khứ hay tương lai sẽ là động lực chi phối khả năng trong hiện tại. Giả sử bạn đang vẽ một bức tranh với trạng thái chú tâm, những đường nét của cây cọ cũng chính là đường nét của tâm bạn. Ngay khi vẽ, quá khứ không có mặt, tương lai không có mặt, bạn không suy nghĩ gì ngoài tác phẩm, về những gì quá khứ đã qua, cũng không suy nghĩ đến tương lai như tác phẩm này sẽ trở thành gì chẳng hạn … mỗi đường nét là chính bạn, chỉ chú tâm vào cây cọ, vào đường vẽ. Hoàn tất bức tranh, bạn sẽ nhận ra như đó là một sự xuất thần, bức tranh sống động. Khi vẽ chỉ chú tâm mà bức tranh vẫn thể hiện đầy đủ cả ba thời. Sự xuất thần đó chính là năng lực của bạn đã được sự chú tâm gom lại đem đặt vào bức tranh, đó chính là phép mầu của hiện tại. Sự chú tâm ngay trong khi làm việc là cơ hội để bạn thể hiện tất cả khả năng của mình, nó không bị chi phối bởi thời gian và sự thất niệm, vọng tưởng một cái gì trong quá khứ hay mơ ước cái gì trong tương lai làm bạn xao lãng tâm trong việc làm hiện tại. Thiền như vậy là sự tập trung để khai thác tiềm năng của bạn, đó là nguồn lực cho sự sáng tạo và phát triển, cho nên nếp sống thiền luôn cần thiết cho sự phát triển xã hội hiện nay. Đó là lợi ích của pháp hiện tại lạc trú được áp dụng trong công việc để tách biệt với khái niệm thiền bằng lòng với hiện tại, thái độ thụ động sai lầm mà một số người đã hiểu nhầm về Phật giáo.

3.2.2. Đối với việc tu tập giải thoát:

Như đã trình bày ơ ũchương trước, thiền tứ niệm xứ với phương pháp sống hiện tại lạc trú đóng vai trò quan trọng trong quá trình tu tập giải thoát tâm linh. Phương pháp tứ niệm xứ theo đề tài quán hơi thở với 16 đề mục mà người viết đã trình bày sẽ giúp hành giả tu tập giải thoát, thấy rõ hơi thở vào hơi thở ra, thấy rõ sự chuyển biến của thân, sự thay đổi của cảm thọ vui buồn, với trạng thái tâm xảy ra hiện tại; trong khi thở đó là phương pháp sống trong hiện tại để đẩy lùi các tâm lý xấu, các buồn giận sầu bi… đã xảy ra trong quá khứ và cũng không vọng tưởng đến tương lai. Hiện tại tôi đang sống và đang thở đây tất cả là nhiệm mầu, tôi không còn bận tâm với những gì đã xảy ra, và những gì chưa xảy ra cũng chỉ là giả pháp, hiện tại tôi đang có mặt bây giờ và ở đây với sự thanh tịnh từ cõi lòng, sự lắng dịu từ tâm thức, tôi không còn bị trói buộc bởi những gì đã xảy ra, đó là an lạc trong hiện tại. Trú tâm liên tục như vậy là các ác pháp bị mòn dần, các tâm bất thiện, các phiền não buồn giận sầu bi không có cơ hội sinh ra, giả sử nó sanh ra, liền với chánh niệm trong hiện tại biết rõ mặt mũi của chúng tức thì dập tắt ngay bằng phương pháp niệm trong hiện tại này. Đức Phật dạy:“Này các Tỳ kheo, định niệm hơi thở vào, hơi thở ra này, được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác bất thiện pháp đã sanh hay chưa sanh, làm cho chúng biến mất, tịnh chỉ lập tức. Ví như này các Tỳ kheo, trong cuối tháng mùa hạ, bụi và nhớp bay lên gặp đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, tịnh chỉ. Cũng vậy này các Tỳ kheo, định niệm hơi thở vào, hơi thở ra, được tu tập được làm cho sung mãn là tịch tịnh thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức”. [7-324]

Với những hơi thở này tiến dần lên loại bỏ những tâm lý xấu, những triền cái trói buộc đời sống con người, chánh niệm an lạc trong hiện tại này hành giả sẽ bước lên được các tầng thiền, sau khi đã cởi bỏ được những triền cái thuộc tâm liền được sự giải thoát rốt ráo.

Như vậy, thiền đem lại nếp sống hiện tại lạc trú vừa lợi ích cho sự tu tập giải thoát, vừa là nguồn lực cho sự sáng tạo trong đời sống xã hội, chỉ cần pháp hiện tại này con người sẽ có thể hoàn thiện bản thân. Hiện tại là tất cả những gì cần có mà trong đó đã bao hàm cả quá khứ và tương lai, chỉ sống trong hiện tại và thấy được sự an lạc của pháp thiền này là bước đi của sự thành công cho hai hướng đi giải thoát và xây dựng cuộc đời, đó là lý do mà Đức Phật đã dạy:

“Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Không động, không rung chuyển,

Biết vậy nên tu tập.

Hôm nay nhiệt tâm làm,

Ai biết chết ngày mai?

Không ai điều đình được,

Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi

Xứng gọi nhất dạ hiền

Bậc an tịnh trầm lặng”. [6-442]

Chỉ sống hết mình xứng đáng cho hiện tại với sự tu tập như vậy đã là hiền nhân. Hiện tại là tất cả những gì định tĩnh “không động không rung chuyển”. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến, quá khứ và tương lai là hai phạm trù không có mặt trong lúc này, hiện tại là những gì cần thiết nhất cho sự bắt đầu và cho kết quả về sau; con đường tu tâp sẽ thành công hay thất bại là do giây phút hiện tại này. Chỉ cần “hôm nay nhiệt tâm làm”, làm với tất cả những gì có thể ngay trong hiện tại là đã có đủ tất cả.

3.3. NẾP SỐNG GIẢI THOÁT:

Trong rất nhiều bản kinh Nikaya cũng như Ahàm đều khẳng định rõ rằng : chính ta (con người) là nguyên nhân, là hình ảnh của khổ đau, mà ta cũng là nguyên nhân, là hình ảnh của giải thoát. Con người là chủ nhân ông của nghiệp của chính mỗi con người. Với tinh thần nhân bản này, Phật giáo đặt con người ở thế chủ động của đời mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì mình đã tạo ra chứ không phải một đấng quyền năng nào có thể can thiệp vào vấn đề này, giải thoát hay không là do chính mỗi con người. Ở phần này người viết xin trình bày vấn đề giải thoát mà tự thân mỗi người đều có khả năng đạt được.

3.3.1. Giải thoát hoàn cảnh bên ngoài:

Phần mà người viết nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong bài viết này là các thứ làm say đắm lòng người gồm sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu, những đối tượng bên ngoài của năm giác quan mắt tai mũi lưỡi thân, nó có vị ngọt làm thỏa mãn và làm khao khát các giác quan. Hành thiền với nếp sống ly dục và chánh niệm trong hiện tại, với sự tỉnh giác này, hành giả biết rõ nó có vị ngọt, sự nguy hiểm, và tính chất vô thường biến đổi, biết rõ như vậy để không tham mê, không theo đuổi và không bị nô lệ bởi năm thứ này. Trong lúc chú tâm vào thiền quán, vào hơi thở hành giả đã thoát khỏi những thứ này. Đó là sự cởi bỏ, sự xa lìa không còn gắn bó gần gũi với tham nữa gọi là giải thoát không chấp thủ đối với năm thứ này.

Con người sống trong hoàn cảnh thế giới hiện nay với môi trường có đầy đủ vật chất và tiện nghi, vấn đề được đặt ra là con người phải có thái độ như thế nào để không bị nô lệ bởi những thứ ấy. Vật chất tiện nghi là những thứ phục vụ đời sống con người, nhưng con người do vậy đôi khi lại quá phụ thuộc vào vật chất và đánh mất sự tự chủ của mình. Nếp sống có thiền giúp bạn định vị được chính mình, sống với vật chất nhưng không bị nô lệ vật chất, như vậy là tự tại, tự do, là tôn vinh giá trị con người lên hàng đầu, con người vẫn là chủ tất cả, chủ ở đây vẫn ở nghĩa tuyệt đối, nghĩa là không chạy theo vật chất mà vật chất phải theo con người, con người sử dụng vật chất chứ không phải lạm dụng nó.

3.3.2. Giải thoát tự nội:

Trong con người đều có những tính xấu, những tập khí căn bản, nói chung là ba nghiệp tham, sân, si, ba thứ này là những sợi dây vô hình cột chặt con người trong sự tăm tối. Nội tâm người có tham tức luôn dao động và tìm cầu, có sân làm con người luôn bức bách nóng nãy và mang nỗi hận thù, có si làm mê mờ tâm trí. Thiền định vốn có đặc tính làm lắng dịu tâm, khiến tâm thoát khỏi sự bức bách bởi ham muốn, đặc tính định tĩnh để tâm thoát khỏi sự bùng nổ, sự thiêu đốt của lửa sân, và đặc tính chánh niệm tỉnh giác để thay vào vị trí của si mê tà kiến. Thiền định như vậy đã có khả năng cởi bỏ được những đặc tính xấu, đấy là khả năng giải thoát tự nội, giải thoát cái ngã chấp đứng đằng sau lòng tham và sân, một cái ngã tinh tế ranh mãnh đầy xảo quyệt, phá bỏ lòng ham muốn là phá bỏ sự hậu thuẩn của ngã chấp; là phá bỏ ngã chấp và dọn đường cho sự giải thoát tối thượng.

3.3.3. Thiền – con đường đưa đến sự giải thoát tối thượng:

Giải thoát tối thượng là mục đích tối hậu của thiền, của Phật giáo, phương pháp hành thiền có khả năng đạt đến mục đích này, vì một bằng chứng rõ ràng mà đức Thế tôn đã minh chứng là ngài đã được giải thoát vô thượng Niết Bàn dưới cội Bồ đề nhờ thiền định. Với tâm định tĩnh ngài chứng lần lượt thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, sau đó hướng đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết rõ “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những điều cần làm đã làm, không còn trở lại trạng thái khổ đau nữa” và ngài đã chứng vô thượng Niết Bàn từ đây. Phần này người viết đã trình bày nguyên văn bản kinh Saccaka, Trung bộ I, ở chương 2.1.

Như vậy, thiền là phương pháp truyền thống cho lộ trình giải thoát của Phật giáo, bằng kinh nghiệm của mình đức Đạo sư đã chứng minh thiền là con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát, một con đường tiến hoá tâm linh rất khoa học, từ thô đến tế, từng bước đi lên của thiền là từng bước tiến tới an lạc giải thoát, cởi bỏ những gì đáng cởi bỏ và đích đến cuối cùng là sự thấu đạt về trí tuệ, là sự chứng đạt đến Niết bàn tối thượng.

Tiểu kết :

Chẳng phải người viết ca ngợi thiền, đưa thiền lên vị trí độc tôn, nhưng dù sao thiền cũng có một vị trí quan trọng trong hệ thống triết học giải thoát của Phật giáo nhằm giải quyết vấn đề hạnh phúc cho con người. Điều này đã bàng bạc trong các kinh điển mà người viết chỉ có công góp nhặt và đưa ra đây để trả lời cho vấn đề thúc bách của con người. Những công dụng trên đây của thiền chỉ mới phản ảnh được tầm nhìn hạn cuộc của người viết chứ chưa hề thể hiện hết tính sinh động và mầu nhiệm của thiền.

KẾT LUẬN

Tại Bàrànasi, Isibatana, chỗ vườn Nai, Đức thế Tôn đã bảo năm vị tỳ kheo đầu tiên rằng:

“Có hai cực đoan này, này các Tỳ kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

Một là say đắm trong các dục(kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỳ Kheo, là con đường Trung Đạo, do Như Lai Chánh Giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

…Con đường trung đạo đó là con đường Thánh Đạo Tám Ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định”. [7-611]

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, thời đức Thế Tôn tại thế, cùng thời với ngài có các giáo phái Sa môn, Bà la môn cũng vì mục đích giải thoát phạm hạnh, họ đã nhận ra rõ ràng sự ham muốn nhục dục là đưa đến khổ đau, hạ liệt, đê tiện, phàm phu…, họ từ bỏ gia đình sống không gia đình, xa lìa hẳn tất cả dục lạc. Tuy nhiên họ lại rơi vào cực đoan bởi vì đã ép xác khổ hạnh, chịu đựng nhiều thứ khổ não trong khi vẫn còn mang thân tứ đại, vẫn cần nhận sự thọ dụng tối thiểu để duy trì mạng sống. Sự ép xác như vậy đã không đưa đến lợi ích cho mục tiêu giải thoát, vì lẽ tất nhiên không thể có một tinh thần mẫn tiệp trong một thân thể yếu gầy và như vậy là họ đã rơi vào cực đoan, đã đi quá xa khỏi con đường dẫn tới trí tuệ giải thoát.

Bên cạnh đó, một số giáo phái chủ trương phủ nhận tất cả, họ sống cuộc sống hoan lạc, thọ dụng tất cả những gì có được, vì dục lạc có đặc tính làm say đắm lòng người. Trường phái này dĩ nhiên cũng rơi vào cực đoan say đắm dục lạc và tự mình không tìm được lối ra.

Chính Đức Thế Tôn dạy nên tránh xa hai cực đoan đó và dẫn dắt chúng ta đi trên con đường Trung Đạo. Phương pháp mà ngài chỉ dạy là Bát thánh đạo, một nếp sống trung dung sáng suốt, nhận thức rõ tính tương quan nhân duyên của cuộc sống để sống hài hoà giữa thân và tâm, giữa vật chất và tinh thần, dẹp trừ mọi vọng tưởng, mọi khao khát đam mê xuất phát từ vọng tưởng, một nếp sống an nhiên tự tại trước mọi biến chuyển của cuộc đời nhờ điều phục thân tâm và nhờ hiểu rõ cơ chế vận hành của các pháp đang là.

Đến với giáo pháp của đức Phật tức là đến với tự do, giải thoát, đến với thái độ tự chủ và tự trách nhiệm – người Phật tử nhận thức rõ rằng: giải thoát có sẵn trong tầm tay nhưng cũng rất dể vụt khỏi tầm tay, bởi giữa hai bờ mê ngộ cần có thái độ và hành động của con người, của chính chúng ta, những người biết rõ nguyên nhân và kết quả của những hạnh nghiệp mình làm.

Cuối cùng, xin khép lại tập tiểu luận này bằng những lời thơ của cụ Tố Như mang đậm màu sắc chân lý:

Đã mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

Người con Phật may mắn nhiều khi có được con đường chơn chánh, biết rõ chữ “tình” (dục lạc) nhưng cũng biết rõ cách ra khỏi nó, cho nên những chốn thong dong, những trạng thái tâm giải thoát là kết quả tất yếu cho những kẻ biết pháp này.

THƯ MỤC THAM KHẢO

[1]. Sayadaw U Kundalà Bhimvamsa, 9 yếu tố phát triển thiền quán, Tỳ kheo Thích Thiện Minh dịch, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 2000.

[2]. Bhadantacariya Bhuddhaghosa, Thanh tịnh đạo luận, Thích Nữ Trí Hải dịch, NXB Tôn giáo, 2001

[3]. Thích Minh Châu, Trường Bộ IV, kinh số 27, Ban tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1972

[4]. Thích Minh Châu, Trung bộI, VNCPHVN, 1992

[5]. Thích Minh Châu, Trung bộII, VNCPHVN, 2000

[6]. Thích Minh Châu, Trung bộIII, VNCPHVN, 2001

[7]. Thích Minh Châu, Tương ưngV, VNCPHVN, 1993

[8]. Thích Minh Châu, Tăng chiI, VNCPHVN, 1996

[9]. Thích Minh Châu, Tiểu bộI, VNCPHVN, 1982

[10]. Thích minh Châu, Kinh Pháp cú, NXB Tôn giáo, 2000

[11]. Thích Minh Châu, Hành thiền, NXB Tôn giáo- Hà Nội, 2002

[12]. Thích Minh Châu, Những lời Đức Phật dạy về hoà bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.

[13]. Thích Nữ Trí Hải, Tóm tắt kinh Trung bộ, NXB Tôn giáo- Hà Nội, 2002

[14]. Walpola Rahula, Đức Phật đã dạy những gì, TN. Trí Hải dịch, NXB Tôn giáo 2002

[15]. Tuệ Sỹ, Đạo Phật và tuổi trẻ, Tu thư Phật học Viện cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, PL 2545

[16]. Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999

[17]. Thích Chơn Thiện, Tìm vào thực tại, NXB TP. Hồ Chí Minh 2000

[18]. Thích chơn thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng pàli, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 963)
“Đoạn trường tân thanh” hay chúng ta quen gọi là truyện Kiều, là tác phẩm đã đưa tên tuổi Nguyễn Du lên hàng đại văn hào thế giới. Giá trị về tư tưởng, nghệ thuật của “Đoạn trường tân thanh” là điều khơng cĩ gì phải bàn cãi. Bao nhiêu những khảo luận, phê bình, nghiên cứu của rất nhiều học giả uyên bác, thuộc hàng đại thụ trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam suốt gần hai thế kỷ qua đã phần nào chứng minh điều đĩ.
08/04/2013(Xem: 881)
Chúng ta hãy ngược dòng thời gian nhìn lại những trang sử hào hùng của lịch sử dân tộc Đại Việt hay những triều Đại mà Phật giáo nước nhà phát triển mạnh, nhất là thời đại nhà Trần. Trong quá trình phát triển lịch sử Phật giáo Việt Nam, dưới triều Đại nhà Trần đã thể hiện rõ sức sống tự lực, tự cường với tinh thần độc lập của dân tộc, không giùn chân, không khiếp sợ trước uy quyền hay một thế lực ngoại ban nào cả, mà thể hiện rõ tính dân tộc của người Việt.
08/04/2013(Xem: 19331)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
08/04/2013(Xem: 5571)
Việt Nam, xứ sở của sự giao thoa các trào lưu tư tưởng nhưng vẫn khẳng định một nền văn minh mang tính đặc thù dân tộc. Đạo Phật Việt Nam chung hưởng hai suối nguồn Phật giáo lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Phật giáo đã tồn tại trong hai quốc gia chịu nhiều tang thương chinh chiến, chung chịu biết bao cảnh thăng trầm, vinh nhục.
08/04/2013(Xem: 714)
Hơn 2500 năm trước, một Vĩ nhân xuất hiện trên đời, trong bối cảnh Ấn Độ đang đắm chìm trong sáu mươi hai học thuyết ngoại đạo chấp thủ ngã và ngã sở, bị vây bủa bởi chiều dày lịch sử phân chia giai cấp, nhân loại khổ đau, nhưng không tìm ra lối thoát. Sự xuất hiện của Ngài như vầng dương toả rạng, phá tan mọi tối tăm của màng mây vô minh trong đêm dài bất tận.
08/04/2013(Xem: 909)
Đức Phật là vị giáo chủ đầy tính vị tha, Ngài đã khẳng định sự ra đời của Ngài là vì muốn đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Ngài xuất hiện trên đời này là vì hết thảy chúng sanh đang khổ đau. Bởi lầm chấp vọng tưởng đảo điên nhận huyễn làm chơn, bỏ hình theo bóng cho nên chúng sanh mới bị cuốn trôi theo dòng xoáy của luân hồi sinh diệt.
08/04/2013(Xem: 818)
Người đi qua cuộc đời với muôn ngàn lẽ sống, mỗi phương diện của cuộc đời người thể hiện bằng những hành động, cách sống và suy nghĩ khác nhau. Mỗi quốc độ, mỗi lãnh thổ, người hòa mình vào dòng trôi của lịch sử thế nhân, lần trôi trong luân chuyển của kiếp người. Cuộc sống luôn đầy đủ cả hạnh phúc và khổ đau.
08/04/2013(Xem: 1001)
Để việc tu hành đạt đến lợi lạc cao nhất, điều quan trọng nhất, hành giả phải học thông hiểu rành nội dung của bài kinh, và phải xem đây là một công thức tối cần không thể thiếu đối với việc hành thiền Phật giáo, vì tất cả những lời chỉ dẫn trực tiếp hay gián tiếp của Đức Thế Tôn về việc hành thiền quán đều được ghi lại một cách khúc chiết rõ ràng và giản dị, ai học rồi cũng có thể hiểu được và hành theo. Những gì là nội dung của kinh?
08/04/2013(Xem: 10685)
Bản dịch quyển "The Buddha and His Teachings -- Đức Phật và Phật Pháp" được tu chỉnh và bổ túc lần thứ ba theo bản Anh ngữ cuối cùng của Ngài Narada, xuất bản ...
08/04/2013(Xem: 14597)
Một Tôn Giáo Hiện Đại (nguyên tác Anh ngữ: "What is this Religion? - Tôn giáo này là gì ?", ấn hành tại Đài Loan vào năm 1992), là một trong mấy mươi tác phẩm...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]