Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm hiểu tác phẩm "tìm hiểu sự thanh tịnh nội tâm chính mình"

08/04/201318:29(Xem: 403)
Tìm hiểu tác phẩm "tìm hiểu sự thanh tịnh nội tâm chính mình"

Luận văn tốt nghiệp

TÌM HIỂU TÁC PHẨM "TÌM HIỂU SỰ THANH TỊNH NỘI TÂM CHÍNH MÌNH"

Thích Trung Hòa

DẪN NHẬP

1. Lý do chọn đề tài:

Nước ta hiện nay đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài. Hòa trong không khí ấy, Giáo hội phật giáo Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, từng bước phát triển trong lòng dân tộc và mở rộng quan hệ ngoại giao với Giáo hội Phật giáo các nước trên Thế giới. Ngoài việc giao lưu viếng thăm qua lại thường xuyên giữa các vị lãnh đạo trong Giáo hội ra còn có việc giao lưu văn hóa kính tặng kinh sách giữa nước ta và các nước trên Thế giới. Để hiểu kinh sách của các nước Phật giáo bạn và làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc Việt Nam, góp phần phục vụ nhu cầu học tập của đông đảo Phật giáo đồ, đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có tầng lớp trí thức tuyển dịch ngôn ngữ của các nước sang ngôn ngữ dân tộc Việt. Xuất phát từ nhận thức này, sau thời gian bốn năm học tập dưới mái Trường Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, con hiểu được một chút ít kiến thức căn bản về giáo lý Phật đà và một số từ vựng Hán ngữ hiện đại. Do đó, con quyết định chọn quyển: “Tìm về sự thanh tịnh nội tâm của chính mình”, do Pháp sư Huệỉ Lực viết, dịch sang Việt văn để làm cuốn luận văn tốt nghiệp ra trường dưới sự hướng dẫn tận tình của Giáo sư Lâm Hữu Tài. Con mong rằng qua bản luận văn này tạo nền tản căn bản cho con về sau này tiến sâu trên con đường dịch thuật.

2. Mục đích và ý nghĩa đề tài:

Sống trên cuộc đời này, ai cũng muốn vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Để đạt được mục đích lý tưởng này, chúng ta phải không ngừng học tập, không ngừng rèn luyện, quán chiếu tâm tánh của mình. Hơn nữa, chúng ta phải có thái độ sống đúng, sống đẹp trong các quan hệ, một lối sống vừa lợi ích cho thân và cho xã hội. Tác phẩm “Tìm về sự thanh tịnh nội tâm của chính mình” do Pháp sư Huệ Lực viết không nằm ngoài mục đích ý nghĩa cao đẹp này. Đây là một tác phẩm có nội dung phong phú, tư tưởng chủ yếu trong tác phẩm này là những lời dạy vừa chứa đựng triết lý cao siêu nhưng cũng rất thực tế trong cuộc sống đời thường: Chẳng hạn như thiện-ác, phải trái, tốt-xấu, được- mất, hơn- thua.v.v… Dựa vào những kiến thức hiểu biết dung thông giữa đạo-đời và kinh nghiệm tu tập của chính mình, tác giả đã phân tích những chủ đề rất rõ ràng dễ hiễu, có dẫn chứng minh họa giúp cho độc giả dễ tiếp thu và ứng dụng vào trong cuộc sống của mình. Đây là tác phẩm phù hợp với mọi người và mọi giới.

3. Phương pháp nghiên cứu:

Để dịch cuốn luận văn này, con chủ yếu dựa vào các quyển từ điển để tra cứu như: Hán Việt , Hán Hán, Phật Học. Sau phần dịch con cũng sử dụng những kiến thức hiểu biết bé mọn về Phật pháp của mình để bình giảng một số bài dịch trên. Trong quá trình dịch, con cố gắng trung thành với những ý tưởng trong nguyên tác nhưng vẫn hướng đến việc tạo nên một dịch phẩm dễ hiểu và hấp dẫn. Thông qua một số bài bình giảng này, con mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm phần nào trong bài dịch. Tuy nhiên, khi dịch và bình giảng, con vẫn cảm thấy có những đoạn chưa hài lòng lắm. Hơn nữa, vì đây là những bài dịch đầu tay của con, cho nên không sao tránh khỏi những điều sai sót, quan niệm thiển cận, con rất mong người đọc, các vị Giáo sư, các Bậc cao minh lượng thứ và rộng lượng chỉ giáo.

4. Giới hạn phạm vi đề tài:

Quyển “Tìm về sự thanh tịnh nội tâm của chính mình” là một tác phẩm gồm có 51 bài, mỗi bài trình bày về những lời dạy khác nhau. Vì bản luận văn có quy định giới hạn số trang nên con không thể chọn dịch hết toàn bộ 51 bài trong tác phẩm. Do đó, con chỉ chọn tiêu biểu 12 bài trong số 51 bài đó để dịch và bình giảng.

5. Giới thiệu khái quát nội dung 12 bài dịch trong bản luận văn này:

Nội dung của bản luận văn này gồm có 12 bài dịch. Sau mỗi bài dịch, có phần bình giảng kèm theo. Trong mỗi bài đều chứa đựng những lời dạy về sự tu hành và triết lý sống rất thực tế. Mục đích của tác giả- pháp sư Huệ Lực là làm sao để người đọc thấy được cái tâm thanh tịnh xưa nay của chính mình, phá bỏ tập khí chấp ngã và chấp pháp, góp phần vào việc tu hành và sống một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Chẳng hạn như, có bài nói về Đạo giác ngộ ở tại trong lòng của bạn, có bài khuyên chúng ta tập hạnh buông xả để chuyên tâm niệm Phật, có bài khuyên dạy chúng ta sống một cuộc đời biết đủ, có bài chỉ dạy phương cách áp dụng thiền quán ngay trong công việc hằng ngày của chính chúng ta.v.v…

NỘI DUNG

1.BÀI 1.

1.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

道﹐就在你心中

有一天﹐我心裡感到非常煩悶﹐就去見廣欽老和尚。頂禮過後﹐廣欽老和尚第一句就問說﹕

「你現在在做什麼﹖」

我就回答說﹕

「現在在研究戒律和替佛祖做一點事﹐講經說法。」

老和尚說﹕

「佛祖還要你幫他做事嗎﹖你現在是為你自己做﹐不是替佛祖做的﹗」

我當下頓悟。

六祖壇經上記載﹐有弟子問慧能大師說﹕「師父﹐什麼是道﹖」

六祖答﹕「道在汝心。」

道﹐就在你心中。你還在找什麼道﹖根本就是騎牛找牛﹐道在心。「心能做主就是道﹐心不能做主就叫外道。」

什麼叫做「外道」呢﹖

心外求法﹐就是外道。

他們不能體認出自性是什麼東西。別人如果向他們說兩三句好話﹐他整個人就像地球失去地心引力一樣﹐輕飄飄的﹐別人如果辱罵或批評他幾句﹐他就因受不了而感到痛苦。

一個明心見性的人﹐無論他遇到什麼逆境﹐都能歡喜承受。例如﹕有一個小孩端了一碗湯﹐一不小心跌倒把碗打破了﹐他的父母就一直打他。但碗已經破了﹐就算你再怎麼用力打這個小孩﹐「碗」──還是不能自動黏合的。所以﹐對於事實﹐我們就要有勇氣來承受它。

佛門強調自性的昇華﹐一切修行一定要從本性上去下功夫﹐這樣﹐碰到任何順逆自然能隨遇而安﹐他就能悟到自己了。

我們學佛如果不能運用在生活當中﹐那學佛就沒有什麼意義了.道,就在你心 中,就在日常運用中. 仁者﹐請善自體會吧 ﹗

1. 2. Dịch nghĩa:

Đạo Chính Ở Trong Tâm Bạn

Có một ngày, trong lòng tôi cảm thấy rất buồn phiền, liền đi đến gặp Hòa thượng Quảng Khâm. Sau khi đảnh lễ xong, câu đầu tiên mà Hòa thượng Quảng Khâm hỏi là: “Thầy dạo này làm gì vậy?”. Tôi liền trả lời: “Con dạo này nghiên cứu giới luật và làm chút ít phật sự cho Phật Tổ, giảng kinh thuyết pháp.” Hòa thượng nói: “Phật Tổ còn phải cần thầy giúp Ngài làm việc sao? Thầy bây giờ làm việc cho mình chứ không phải làm việc cho Phật!” Nghe xong, tôi liền tỏ ngộ. Trong Pháp Bảo Đàn kinh của Lục Tổ có ghi rằng, có người đệ tử hỏi Tổ Huệ Năng rằng: “ Bạch Thầy thế nào là Đạo?” Lục Tổ trả lời: “Đạo ở ngay trong lòng của ông”. Đạo chính là ở ngay trong lòng của bạn, thì bạn còn tìm Đạo nào nữa? Vốn đã cỡi Trâu mà lại đi tìm Trâu, Đạo tại tâm. “Tâm có thể làm chủ thì là Đạo, tâm không thể làm chủ thì là Ngoại đạo”. Thế nào gọi là Ngoại đạo? Cầu pháp ở ngoài tâm thì chính là Ngoại đạo. Bởi vì chúng ta không thể nhận ra được tự tánh của chính mình là thứ gì, cho nên, nếu có người nào đó nói với chúng ta hai ba câu khen thì giống như mất đi sức hút của trái đất nhẹ nhàng bay bổng. Trái lại, nếu có người nào đó nhục mạ hoặc phê bình ta mấy câu thì ta không thể chịu đựng nổi, do đó mà cảm thấy đau khổ. Nếu có người thấy rõ tâm tánh, bất luận họ gặp nghịch cảnh nào đi nữa cũng thấy vui vẻ và chấp nhận. Ví dụ như có một đứa bé bưng một tô canh, nhất thời không cẩn thận trượt té làm bể nát, ba mẹ của nó lập tức đánh nó. Nhưng tô canh đã bể rồi, cho dù có dùng hết sức đánh nó thế nào đi nữa thì tô bể vẫn không nguyên vẹn lại được. Cho nên, khi đối mặt với sự thật, chúng ta phải có một sức mạnh để chấp nhận nó. Trong nhà Phật, đề cao sự thăng hoa của tự tánh, tất cả pháp môn tu hành nhất định phải dựa theo bản tánh này để ra công tu tập. Như vậy, khi gặp bất cứ hoàn cảnh thuận hay nghịch nào đi nữa đều có thể an vui một cách tự nhiên, thì người ấy có thể hiểu được chính mình rồi.

Chúng ta học Phật pháp, nếu không thể ứng dụng vào trong cuộc sống, như thế thì học Phật chẳng có ý nghĩa gì. Đạo chính là ở trong lòng của bạn, cũng chính ngay trong cuộc sống đời thường. Bậc nhân đức, xin khéo léo mà tự nhận biết vậy!

1.3. Bình giảng:

Trong chốn trần gian đầy ảo vọng của muôn màu sắc thắm đã làm cho tâm trí của chúng ta bị lu mờ. Bởi thế, là một con người phàm tục, chúng ta không sao tránh khỏi tham đắm tài, sắc, danh, thực, thùy, lợi. Chính vì sự tham đắm này đã làm cho việc tu hành của chúng ta trở nên bị trì trệ. Nhưng may mắn và hạnh phúc thay! Trong kinh Pháp Hoa Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy: “tất cả chúng sanh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật”. Đức Phật nói câu này để chỉ cho chúng ta biết bỏ vọng tìm chơn. Nhưng khi ta đạt đến cứu cánh rốt ráo rồi, chúng ta xả bỏ luôn ý niệm vọng- chơn. Phật tính mà đức Phật nói ở trên đây cũng chính là “Đạo”. Đạo này không ngoài tâm của ta mà có. Tâm mà thanh tịnh, trong sáng, tĩnh giác đấy chính là Đạo. Sở dĩ chúng sanh không thấy được tâm này là vì bị vô minh che lấp. Từ đó sinh ra sự chấp ngã và chấp pháp. Mỗi khi 6 căn và 6 thức của chúng ta tiếp xúc với sáu trần thì sanh ra tâm tham đắm. Ta luôn cho rằng cái này là của ta, cái kia là của người khác để rồi tác nghiệp. Chính do nghiệp này dẫn dắt chúng ta đi vào luân hồi sanh tử. Vậy muốn thoát khỏi vòng luân hồi, chúng ta không chỉ tu tập trong sự tĩnh giác, biết rõ trong từng sát na vạn vật trên thế gian này là vô thường, vô ngã. Nếu chúng ta luôn ở trong sự tỉnh giác thì cũng có nghĩa là ta đã làm chủ được chính mình, đã trở về nương tựa nơi chính mình, đã tìm được Đạo ở ngay nơi chính mình, tất cả ngoại cảnh không còn chi phối được tâm ta nữa. Để diễn tả trạng thái tâm này, trong bài Cư trần lạc đạo phú, vua Trần Nhân Tông nói:

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền,

Trong nhà có báu, tìm đâu nữa,

Đối cảnh vô tâm , chớ hỏi thiền”. [ 25, 268 ]

Thật vậy, khi tâm ta đã được thanh tịnh, tỉnh giác thì mọi trần duyên, phong ba bão táp của cuộc đời như : vinh –nhục , hơn –thua, khen –chê.v.v… không còn chi phối tâm ta nữa, không làm cho ta bị khổ đau nữa. Lúc này, ta vẫn sống , vẫn làm việc, làm tất cả các thiện pháp, phát huy hết đạo lực của chính mình nhằm đem lại lợi cho đời, cho đạo, nhưng ta không thấy việc ta làm, không vướng mắc vào việc ta làm. Bởi vì sao như vậy? Bởi vì trong tâm của người làm luôn ở trong chánh niệm, tỉnh giác, không còn chấp trước vào người làm và việc được làm. Điều này cũng có nghĩa là ta đã giải thoát. Hòa thượng Thiền sư Minh Trực có làm bài kệ như sau :

“Ta nay ý tốt vẫn an nhiên,

Ai chửi mắng ta cũng chẳng phiền.

Phải quấy chẳng đàm, thường lẳng lặng,

Niết-bàn sanh tử, thấy đồng nguyên.

Biết thấu tâm mình cội rễ thật,

Chẳng xanh chẳng trắng vốn tự nhiên.

Các điều vọng tưởng, ưa phân biệt.

Biết rõ người đời chẳng dứt yên,

Nhắn nhủ phàm phu đời mạt kiếp,

Tận trừ tội lỗi ở tâm điền”. [22,72 ]

Tóm lại:

Để thấy được Đạo ở ngay nơi chính mình, đòi hỏi chúng ta phải hạ thủ công phu rất nhiều. Đây không phải là việc nói trên lý thuyết mà đòi hỏi phải thực hành. Nếu thực hành tốt, đúng chánh pháp, chúng ta sẽ thấy rõ được Đạo ở ngay nơi chính mình, cuộc sống ngày một thăng hoa, khổ đau phiền muộn không còn nữa. Đạo ở đây cũng chính là bản tính thanh tịnh trong sáng xưa nay của chính mình, là Như Lai tàng.

2. BÀI 2.

2.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

去貪則清涼

學佛﹐就是要超越自己。但要從何下手呢﹖第一要從去「貪」下手。

「貪」也可以解釋為「執著」﹐我們執著就會有痛苦。仔細想一想﹐我們那一種痛苦﹐不是由貪延伸而來的呢﹖

貪錢、貪色、貪吃……等等﹐一切都由貪而來。

我在讀大學時﹐有一次參加夏令營﹐曾向一位修禪的法師請益。

這位法師就問我們﹕「你們這些大學生是不是來求法的﹖」

我們回答﹕「是。」

這位法師接著說﹕「我送你們一句話﹐拿去貼在牆壁上每天看﹐一定會很受用的。」

於是法師揮毫寫了五個大字﹕「去貪則清涼」。這句話讓我受用至今﹐除去心中的貪念﹐ 就可以丟掉「我執」﹔沒有了「我執」﹐一切的痛苦也就不存在了。

有一位信徒告訴我﹕「師父﹐我發現自己現在不貪財了。」

我就說﹕「那是因為金錢的數目並不大。如果你能把十萬塊的現金﹐放在很多人進出的客廳裡﹐而你坐在這裡聽我演講兩個多小時﹐心裡完全不掛念那十萬塊﹐那我就真的佩服你了。」

要知道﹐人的習氣中﹐「貪」是最難去除的。所以﹐各位不妨也把這五個字「去貪則清涼」﹐寫在牆壁上。每天看、每天看﹐慢慢淡薄自己的貪念。久而久之﹐就比較不容易痛苦了。

2. 2. Dịch nghĩa:

Bỏ Tham Thì Được Trong Sạch

Người học Phật thì phải vượt qua chính mình, nhưng phải tu tập từ đâu đây? Trước tiên, chúng ta phải tu tập từ bỏ cái tham. Tham cũng được giải thích là “chấp trước”, nếu chúng ta còn chấp trước thì còn đau khổ. Đắn đo suy nghĩ thì nỗi khổ đó của chúng ta chẳng phải do tham lam tạo ra sao? Tham tiền, tham sắc, tham ăn, v.và tất cả đều do tham mà ra.

Lúc tôi đang học Đại học, có một lần tham gia trại hè, có đến thăm hỏi vị Pháp sư tu Thiền. Vị Pháp sư này liền hỏi chúng tôi: “ các bạn sinh viên chẳng phải là đến cầu pháp sao?” Chúng tôi liền trả lời: “Dạ, đúng vậy!” Vị Pháp sư này liền tiếp lời nói: “tôi sẽ tặng các bạn một câu, đem dán trên tường để xem mỗi ngày, nhất định sẽ rất có ích.” Thế là vị Pháp dùng viết lông viết năm chữ lớn: “Bỏ tham thì trong sạch”. Câu nói này giúp tôi thọ trì cho đến ngày hôm nay. Trừ bỏ đi niệm tham trong lòng thì mới có thể bỏ đi chấp ngã. Nếu không có ngã chấp thì tất cả những nỗi đau khổ trên thế gian này cũng sẽ không tồn tại. Có một tín đồ nói với tôi rằng: “Thưa thầy, con nhận thấy rằng, bây giờ mình không có tham tiền tài vật chất nữa”. Tôi liền nói: “Đó là bởi vì số tiền không nhiều lắm, nếu như con có thể đem một trăm nghìn đồng tiền mặt(tiền Đài Loan) để ở trong phòng khách có rất nhiều người ra vào, con có thể yên tâm ngồi ở đây nghe thầy giảng hơn hai tiếng đồng hồ mà trong lòng con hoàn toàn không nhớ nghĩ đến số tiền đó, làm được như vậy thì thầy hết lòng khâm phục con”. Nên biết rằng, trong cái tật của con người, tham là cái khó trừ bỏ nhất. Cho nên, các bạn sinh viên đừng có ngăn cản đem năm chữ này “Bỏ tham thì trong sạch” viết ở trên tường. Ngày nào cũng xem, từ từ niệm tham của mình được giảm dần. Lâu ngày thì nỗi đau khổ sẽ không còn nữa.

2.3.Bình giảng:

Ở đời sở dĩ con người dối gạt, hãm hại, đấu tranh, chà đạp lẫn nhau v. v… Tất cả đều do lòng tham dục, không biết đủ mà ra. Kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta là lòng tham dục. Đức Phật đã dạy rằng: “Lại nữa, do dục làm nhân, làm duyên, làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lợi tranh đoạt vơi Sát-đế-lợi. Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, ho ỉcông phá nhau bằng tay, bằng đá, bằng gậy, bằng kiếm, ở đây họ đi tới tử vong, đau khổ gần như tử vong. Như vậy, là sự nguy hiểm của dục. . .là nguyên nhân của dục”. [3, 193]

Dục ở đây cũng chính là tham dục. Tham dục được hiểu là sự luyến ái, bám chặt vào cái được gọi là “ta”, “ của ta”. Tất cả nghiệp dữ đều do lòng tham không đáy gây ra. Khi bị trở ngại, lòng tham tức giận thù hằng. Ta luôn lựa chọn hoặc vui thích với những gì vừa ý hoặc ghét bỏ những gì phật lòng. Nếu vừa ý thì sanh tâm luyến ái, bám víu. Trái ý thì bất mãn xua đuổi, sân hận, oán ghét. Lòng tham thường thúc giục ta bám víu vào dục lạc và tìm mọi cách để được thỏa mãn dục tính. lòng tham dục là một tập khí được huân tập rất nhiều đời trong mỗi chúng ta, nó rất khó đoạn trừ. Chẳng hạn như: khi thấy sắc đẹp, hình tướng mỹ lệ, nghe âm thanh thánh thoát, nếm hương vị ngon thì chúng ta tự nhiên mê đắm, tìm cách chiếm cho được. Vì nhất thời muốn hưởng thụ dục lạc, người ta dùng mọi thủ đoạn bất chính để tranh đoạt, dù biết rằng kết qủa của việc làm đó là xấu ác, sẽ bị ân hận suốt đời. Do sự mãnh liệt của lòng tham như vậy, trong kinh Pháp Cú Đức Phật có dạy:

“Lửa nào bằng lửa tham!

Ngục tù nào bằng sân hận!

Lưới nào bằng lưới si!

Sông nào bằng sông ái!”. [14, 251]

Đồng quan điểm đó, Cổ Đức có dạy rằng:

“Tham tâm hữu hư vô để khanh,

Điền chi nan mãn sân hận sanh,

Ngũ dục phân trần điên đảo tưởng,

Si nhân bất giác pháp khí băng”.

Dịch là:

“Lòng tham lam như hố sâu không đáy,

Không thỏa mãn được thì sanh sân hận,

Năm dục phừng phừng, suy nghĩ đảo điên,

Si mê chẳng biết, pháp khí tiêu tan”.

Quả thật, tham lam là thứ rất nguy hiểm với chúng ta. Một khi chúng ta còn có lòng tham thì vĩnh viễn không thể sống an lạc được. Do đó, chúng ta cần phải biết tu tập hạnh bố thí, phải thường xuyên quán chiếu trong sự tỉnh giác đoạn diệt lòng tham này. Cổ Đức dạy rằng:

“Tri túc thường lạc, năng nhẫn tự an”.

Nghĩa là:

“Biết đủ thì an vui, sung sướng

Biết nhường nhịn thì mình yên thân”.

Tóm lại:

Tâm tham là một trong ba tâm (tham, sân, si). Tâm tham đưa ta tới khổ đau luân hồi sanh tử. Vậy muốn chuyển từ khổ đau luân hồi sanh tử sang an vui giải thoát, ta phải tụ tập hạnh bố thí, diệt bỏ lòng tham. Khi lòng tham được diệt bỏ,điều này cũng có nghĩa là ta đã xóa bỏ luôn việc chấp cái ta và cái của ta. Khi đạt được trạng thái này, tự nhiên chúng ta sẽ xem thường dục lạc, lần hồi chấm dứt mọi hình thức luyến ái. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng:

“Vị ấy vui vắng lặng.

Mọi người không làm đặng.

Hạnh phúc thay! Vô dục.

Không mong cầu, ước vọng”.[14, 155]

3. BÀI 3

3.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

放下一切﹐專心念佛

想修持的人﹐就要先學習「放下」。

有信徒問我﹕「師父﹐要如何修持呢﹖」

我就回答說﹕「放下﹗放下﹗先放下﹗。將心事統統放下﹐錢財統統放下﹐一切都放下﹐這樣念佛才會踏實﹔如果著於我相在念佛﹐那就事虛假的」

有時信徒反問我﹕「在家要為生活奔波﹐怎麼可能像師父一樣什麼都放下呢﹖」

我就解釋給他聽﹕「放下﹐並不是出家人的專利﹐一切境界都可以當作修行。我們應當將一切境界﹐做為磨鍊心性的材料﹐不應隨著境界漂流、沉沒﹐也就是要把一切的環境都當作道場﹔要知道道場不祇是在寺廟﹐我們的心也是一個大道場」。

我們的眼睛﹐常看到的都是別人缺點﹐要知道﹐一個人常常看到別人缺點﹐他是活在他人行為的污點當中﹐因為﹐他沒有時間檢討自己。有些信徒到寺廟拜佛、念佛的時候﹐不好好的拜他的佛﹐念他的佛﹐卻一直在議論那一個師父行為不好﹐那一個居士家的媳婦如何不孝……﹐像這種行為﹐那裡是在拜佛﹐根本就是在拜「是非」。一個真心想修持的人﹐就要放不一切。不要懷念過去美好的回憶﹐因為過去已不可追﹔也不要盼望未來﹐因為未來尚不可知。人的心境﹐每一秒鐘都在改變﹐你所能把握的就是「現在」。照顧當下﹐放下一切﹐專心念佛﹐才是最重要的。

3.2. Dịch nghĩa.

Buông Xả Tất Cả, Chuyên Tâm Tâm Niệm Phật

Người muốn tu hành, trước tiên phải học tập lòng xả bỏ. Có tín đồ hỏi tôi: “Thưa thầy, phải tu hành như thế nào đây?” Tôi liền trả lời: “Buông xả! Buông xả!” Trước tiên là phải buông xả. Buông xả tất cả những việc trong lòng, buông xả tất cả tiền của, tất cả đều buông xả, niệm Phật với cái tâm buông xả như vậy mới là nhận thức đúng đắn. Còn nếu chấp vào ngã tướng mà niệm Phật, đó là việc làm giả dối. Có khi đệ tử hỏi ngược lại tôi: “Con ở nhà phải bôn ba vì cuộc sống gia đình, làm sao có thể giống như thầy cái gì cũng buông xả được?” Tôi liền giải thích cho họ nghe: “ Buông xả, không phải là lợi thế riêng của người xuất gia, trong mọi hoàn cảnh đều có thể dùng để tu hành. Chúng ta nên xem tất cả cảnh giới làm đối tượng để rèn luyện tâm tánh, không nên chìm đắm, trôi nổi trong cảnh giới, nên xem tất cả cảnh giới đều là đạo tràng, cần phải biết đạo tràng không phải là chỉ ở trong chùa mà trong tâm của chúng ta cũng là một đạo tràng lớn. Những điều mà mắt của chúng ta thường nhìn thấy chính là khuyết điểm của người khác. Cũng nên biết rằng, một người thường để ý khuyết điểm của người khác thì anh ta luôn sống trong sự ô nhiễm của hành vi người khác. Bởi vì, anh ta không có thời giờ để xem xét chính mình. Có một số tín đồ, khi đến chùa lạy Phật, niệm Phật không thích lạy ông Phật của mình, niệm ông Phật của mình, ngược lại cứ luôn luôn bàn luận đến việc làm không tốt của một thầy nào đó, hoặc giả bàn luận đến con dâu của một vị cư sĩ nào đó bất hiếu ra sao.v.v… Nếu lạy Phật bằng loại hành vi này, ở nơi đó tuy là đang lạy Phật nhưng vốn là đang lạy sự thị phi. Một người thật tâm muốn tu hành thì phải buông xả tất cả, không nên nhớ lại những kỷ niệm tốt đẹp đã qua, bởi vì quá khứ đã không thể truy tìm, cũng không nên ước vọng tương lai, bởi vì tương lai chưa đến, nên không thể biết. Tâm của con người từng phút, từng giây đều đang biến đổi, những điều mà bạn có thể nắm giữ được chính là hiện tại. Chú ý tập trung ngay nơi đây, xả bỏ tất cả, chuyên tâm niệm Phật mới là việc làm quan trọng.

3.3. Bình giảng:

Có thể nói rằng người xuất gia cũng như người tại gia, ai cũng muốn tâm của mình được an nhàn, tự tại, giải thoát. Muốn có được kết quả này, đòi hỏi chúng ta phải tập hạnh buông xả. Sở dĩ chúng ta tập hạnh buông xả là vì chúng ta là phàm phu, tâm luôn bị ngoại cảnh chi phối. Khi sáu căn và sáu thức tiếp xúc với 6 trần, chúng ta sanh ra tâm chấp trước, rồi chạy theo ngoại trần, tạo ra nghiệp khổ đau.

Tuệ Trung Thượng Sĩ có câu: “phản quang tự kỷ vi bổn phận”. Nghĩa là “Bổn phận duy nhất của người tu là sự trở về thấy được tâm mình, không chạy theo ngoại cảnh nữa”. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói như vậy là vì ông thấy rằng tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh ra nên vô thường, vô ngã, không thật có. Trái lại, chúng ta tưởng lầm vô thường là thường, vô ngã là ngã. Từ đây tiếp tục chấp có thật ngã và có thật pháp rồi chạy theo các pháp quên mất bản tâm mình. Ví dụ như chúng ta nghe tiếng khen là vui sướng, nghe tiếng chê là buồn, hoặc thấy cảnh đẹp là thích, thấy cảnh không tốt là buồn. Sự vui buồn sướng thích này chỉ là giả tạm do căn tiếp xúc với trần sanh ra, còn sự an vui nội tại mới là thật. Để thoát khỏi sự vui buồn theo thế gian thường tình, chúng ta phải tập hạnh buông xả. Buông xả ở đây không phải là chúng ta thấy mọi thứ vô thường huyễn hóa rồi buông xuôi tất cả. Đây là một quan niệm sai lầm. Buông xã là chúng ta phải biết nhìn sự vật như chúng đang là, không mong cầu tương lai không truy tìm quá khứ, an trú tâm ở trong hiện tại. Kinh Nhất Dạ Hiền Giả có bài kệ rằng:

“Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng;

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có phá hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây…”.[469, 5]

Một người tu tập tâm buông xả được thuần thục, dùng tâm này để niệm Phật thì rất dễ đưa đến nhiếp tâm bất loạn. Bởi lẽ, lúc niệm phật tâm không còn các tạp niệm chấp trước về ngã pháp xen vào. Khi người ấy đứng trước những ngang trái của cuộc đời, gặp cảnh đau buồn cùng cực xảy đến, họ vẫn là hòn đảo bình yên, không xao động hỗn loạn, bi ai thảm thiết như những người ngu muội. Lúc nào ta cũng thấy ở họ toát ra một uy lực nội tại thâm hậu, thuần khiết rất đáng khâm phục.

Hòa thượng Thiền sư Minh Trực, có kệ rằng:

“Mến tiếc làm chi tứ đại thân,

Mà sanh quyến luyến cuộc hồng trần,

Khá buôn xả hết điều nhục dục,

Thoát khoải lao lung, nẻo khổ tâm”. [11, 22 ]

Tóm lại: Các pháp thế gian đêu do nhân duyên giả hợp tạo thành nên chúng là vô thường, là vô ngã. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ, diệt như điện

Ưng tác như thị quán”.

Dịch nghĩa:

“Tất cả các pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương cũng như điện,

Nên khởi quán như vậy”.[ 247, 16 ]

Chính vì lẽ đó, chúng ta phải tỉnh giác, quán chiếu thấy cho được điểm quan trọngnày để làm nền tảng tu tập tâm buông xả. Buông xả ở đây bao gồm cả tà pháp và chánh pháp. Đức Phật dạy rằng: “Chánh pháp còn buông xả, huống chi là tà pháp”. Qua câu nói này cũng cho ta thấy rằng giáo pháp của Đức Phật nói ra như là một chiếc bè đưa người ta qua sông. Khi qua sông rồi phải bỏ bè, không được đội bè lên đầu mang đi. Nói một cách khác, tất cả kinh kệ bằng văn tự chi là phương tiện giúp chúng ta hiểu ý nghĩa đểụ tu tập. Chúng ta không nên vướng mắc vào văn tự, xem văn tự là cứu cánh.

4. BÀI 4

4.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

知足則幸福常存

每一個人都在追求幸褔﹗但什麼是真正的幸福呢﹖我覺得唯有「內心安適﹐俯仰無愧」的人才有真正的幸福。因為心如不安﹐幸褔要從何建立呢﹖

那麼要如何﹐心才會安呢﹖

古人說﹕「無所為而為﹐善而不居﹐能得心安。」這是教導我們行善時﹐不要想「我有在作善事」喔﹗我有在幫助人喔﹗真正的「純善」﹐是犧牲而不是獲得﹐是奉獻而不是﹑佔有。

由犧牲奉獻當中你才會懂得﹐幫助別人是真正的幸福之道。只有透過與別人的分享﹐你的成就才有意義﹐你的自私才得以融解﹐你才會知足、感恩﹐心也才會安啊﹗

心安的人﹐自然能控制自己的欲望﹐「欲望」可以推動你向上的一股力量﹐也可以是主宰你墮落的源頭。

人生的浮浮沉沉﹐欲望乃是最大的濫觴﹔因此﹐自我控制的層次﹐亦可視為個人修持成就之指標。不能控制六根欲望的人﹐當然就得不到安祥。

嘴巴喜歡說是非的人﹐朋友遠離﹐沒人尊重。欲望太高﹐喜歡涉足不正當場所的人﹐內心無法清淨﹐怎能安祥﹖耳朵整天只聽是非﹐不懂得聽聞佛法﹐那麼幸福又從何而來﹖心猿意馬的人﹐專心都談不上了﹐那談得上有什麼修行的成就﹖

所以﹐一定要「宰制官能﹐懲治我慾」。

人﹐就是欲望太多﹐才會生生世世在六道中輪迴。我們如果能在每一個剎那﹐自我觀照﹐自我控制﹐長養智慧與安祥。沒有憂慮、沒有恐懼、沒有攀緣﹐離開一切執著﹐則能擁有統一和諧的心靈﹐幸福也就掌握在你的手中。

4.2. Dịch nghĩa:

Biết Đủ Thì Luôn Được Hạnh Phúc

Mỗi người trong chúng ta đây chẳng phải đang đi tìm hạnh phúc đó sao! Nhưng hạnh phúc chân thật là thế nào đây? Tôi cảm thấy rằng, chỉ có người mà nội tâm được an vui, cúi xuống ngẩng lên không có hổ thẹn với trời đất mới đúng là người có hạnh phúc chân thật. Bởi vì trong tâm không bao giờ an vui thì hạnh phúc sẽ được xây dựng lên từ đâu? Thế thì phải làm như thế nào trong tâm mới có sự an vui hạnh phúc? Người xưa có nói: “làm mọi việc mà khong vướng mắc, giỏi ma không thấy mình giỏi”. Đây là dạy chúng ta khi làm việc thiện không nên nghĩ rằng ta đang làm việc thiện, tôi đang giúp đỡ người khác, sự thuần thiện chân chính là hy sinh mà chẳng cần đền đáp, phụng hiến mà không phải chiếm hữu. Chính ngay trong sự hy sinh, phụng hiến bạn mới có thể hiểu được việc giúp đỡ người khác là con đường đạt đến hạnh phúc chân chính. Chỉ có thể xuyên qua sự chia sẻ niềm vui với người khác thì sự thành công của bạn mới có ý nghĩa. Sự tự tư tự lợi của bạn mới được tan biến đi, bạn mới có thể biết đủ, cảm ơn, trong lòng mới có thể được an vui. Người mà trong lòng được an vui thì tự nhiên có thể làm chủ được lòng ham muốn của mình, lòng ham muốn nó cũng là một sức mạnh để thúc đẩy bạn đi lên, nhưng nó cũng có thể là cội nguồn tác động cho bạn bị đọa lạc khổ đau.

Sự chìm nổi của kiếp người, dục vọng chính là nguồn gốc lớn nhất; do vậy, tùy theo cấp độ phá trừ tự ngã mà có thể thấy được mức độ thành tựu về sự tu hành của người ấy. Người không khống chế được dục vọng của sáu căn đương nhiên sẽ không có được sự an vui hạnh phúc. Người thích nói chuyện thị phi, bạn bè sẽ rời xa, không có ai kính trọng. Lòng ham muốn quá nhiều, thích tham gia vào những điều không đúng trong lòng sẽ không được thanh tịnh, làm thế nào mà có được hạnh phúc? Lỗ tai suốt ngày chỉ thích nghe chuyện thị phi, không biết lắng nghe Phật pháp, như thế thì hạnh phúc do đâu mà có được? Người mà tâm viên ý mã thường xuyên bàn chuyện không ngớt, nói mãi thì có gì gọi là sự thành công của việc tu hành? Cho nên, nhất định phải làm chủ và chế ngự các căn, trừng trị lòng ham muốn. Con người chính vì dục vọng quá nhiều mới bị luân hồi trong lục đạo. Nếu chúng ta ở trong mỗi sát na biết quán chiếu đến tự ngã của mình, khống ch�� tự ngã, nuôi dưỡng trí tuệ và sự an vui hạnh phúc. Không có sự lo âu phiền muộn, không có sự sợ hãi, không có chạy theo các trần duyên, rời xa tất cả chấp trước thì có thể có một tâm linh thống nhất và hài hòa, hạnh phúc cũng có thể nắm chắc trong lòng bàn tay của bạn.

4.3. Bình giảng:

Có thể nói nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thế giới ngày càng tạo ra nhiều của cải vật chất. Đây là việc khiến cho chúng ta vừa mừng và vừa lo. Mừng là nhờ đó cuộc sống của chúng ta được phong phú, thoải mái và tiện lợi; Lo là vì con người không làm chủ được chính mình trước cảnh vật chất phồn hoa, dẫn đến bị đắm chìm trong đó, đánh mất bản tâm của chính mình. Mặt dù, họ đang sống trong hạnh phúc mà không có hưởng được hạnh phúc. Lý do đơn giản là vì họ quá tham lam, không biết bao nhiêu là đủ. Từ đó, họ bất chấp tất cả đạo đức miễn sao có được nhiều tiền của càng tốt. Nếu nhìn sơ qua, ta thấy họ vẫn có hạnh phúc nhưng đó chỉ là hạnh phúc tạm bợ, giả hợp do tâm vọng động và cảnh trần tiếp xúc với nhau mà có. Tâm vô thường, cảnh cũng vô thường nên hạnh phúc cũng là vô thường. Họ cứ tưởng rằng vô thường là thường, nên đằng sau cái hạnh phúc của thế gian thường tình là một chuỗi ngày dài đau khổ. Vua Trần Nhân Tông có bài kệ nói về những thủ đoạn do lòng tham gây ra như sau:

“Khoét vách đào tường chí những đâu,

Ngàn muôn trăm kế luống tham cầu,

Của người nay có đời này được,

Đời khác luôn luôn kiếp ngựa trâu”. [25,268]

Chúng ta thấy rằng đời xưa cũng như đời nay, lòng tham không đáy của con người không bao giờ đem lại hạnh phúc chân thật cả. Bởi lẽ, con người không bao giờ biết đủ, không bao giờ biết an trú vàonhững gì hiện tại mình đang có, cho nên cảm thấy bị nỗi khổ bức bách hoài. Dân gian việt nam có câu “Tham thì thâm”. Để có được một hạnh phúc chân thật đúng nghĩa không những đòi hỏi chúng ta phải biết tri túc mà còn phải biết phản quang tự kỷ. Nếu Làm được như vậy thì cho dù sống trong mọi hoàn cảnh, tâm của ta vẩn được an vui, thoát khỏi sự cám dỗ của dục vọng. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:

“Đại nhân tánh vô dục,

An trú nơi quang minh,

Dù gặp cảnh khổ vui,

An nhiên trí hiện tiền”.[14,148]

Tóm lại:

Tâm biết đủ là điều kiện tiên quyết để chúng ta có được hạnh phúc lâu dài, là nền tảng vững chắc tiến lên con đường giác ngộ giải thoát. Một người không biết đủ cho dù sống trong sự giàu có cũng luôn bị khổ đau; còn một người tâm biết đủ cho dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy vui. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy rằng: “Người biết đủ dù nằm trên đất nhưng cũng thấy an vui. Người không biết đủ dù sống trên thiên đường vẫn không vừa ý”.

[ 11, 29 ]

5.BÀI 5

5.1.Nguyên Văn Chữ Hán.

萬法唯心造

有一位在家居士去拜訪廣欽老和尚。老和尚問他說﹕「你有沒有在修行啊﹖」

居士回答﹕「有啊﹗我每天早上拜佛一個鐘頭﹐晚上也拜一個鍾頭, 每天要拜佛好幾百拜﹐念佛好幾百聲。」

廣欽老和尚為了破他的執著﹐就告訴他﹕「你在跟佛祖算賬啊﹗」

修行用功不只是一種形式﹐而是要以放下、不執著的角度來實行。

就像我們必須瞭解﹐吃素不代表修行﹐而只是修行的助緣而已。如果吃素是修行﹐牛也吃草﹐甚至牠吃得還比人類更清淨﹐那麼﹐牠也在修行嗎﹖

修行﹐是在修我們的心。但錯誤的方法﹐不當的精進﹐就不是在用功了﹐反而成了一種執著。我們任何一個人﹐要往生西方極樂淨土﹐也是這個心﹐要造業下地獄也是這個心﹐苦、樂、善、惡、主觀、客觀、煩惱、菩提、有為、無為皆是這個心。如果我們慈悲喜捨﹐就是佛菩薩﹔相反的﹐造業、執著﹐就成了畜牲種、地獄客。所以﹐學佛要進步﹐就必須從心地上下功夫。

心﹐也可以是個模糊、不確定的名詞。加一個善就是善心﹔加一個惡就是惡心﹔加上菩提就是菩提心﹔加上煩惱﹐又成了煩惱心。另外﹐在楞嚴經中﹐心所指的是如來藏﹔在唯識裡是八識﹔在我們世間是指靈魂﹔以心理學的看法即成潛意識。

心,加上不同的名詞,就成不同的心。

我們也常聽到人們如此說:「善、惡在一念間。」依佛法的究竟義來說,一切萬法唯心所造。因此,修行不在外表與事相上而已﹔一定要開發自己本性內在的般若智慧﹐遠離分別執著﹐也才談得上「修行」。

5.1.Dịch nghĩa:

Vạn Pháp Do Tâm Tạo

Có một vị cư sĩ tại gia đi thăm viếng Hòa thượng Quảng Khâm, Hòa thượng hỏi anh ta rằng: “Con có đang tu hành không vây?” Vị cư sĩ trả lời: “Dạ có ! Con mỗi ngày sáng sớm lạy Phật một tiếng đồng hồ, buổi tối con cũng lạy một tiếng đồng hồ, mỗi ngày con phải lạy Phật tới mấy trăm lạy, niệm Phật cũng mấy trăm tiếng”. Hòa thượng Quảng Khâm vì muốn phá sự vướng mắc này của anh ta, Ngài liền nóivới anh ta: “con đang tính toán với Phật Tổ à!”. Dụng công tu hành không chỉ là một loại hình thức mà là dù ở góc độ nào cũng phải lấy sự xả bỏ không chấp trước để thục hành. Chúng ta cần phải hiểu rằng ăn chay không phải thay thế được sự tu hành mà nó chỉ là sự trợ duyên cho việc tu hành mà thôi. Nếu nói ăn chay là tu hành thì con trâu cũng ăn cỏ, thậm chí nó ăn còn trong sạch hơn con người ăn nữa, như thế thì nó đang tu hành phải không? Tu hành, chính là tu sửa cái tâm của mình. Nhưng do phương pháp không đúng, sự tinh tấn cũng không đúng thì cho dù tốn hao công sức tu hành nhưng trái lại cũng trở thành một loại chấp trước. Bất cứ người nào trong chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc cũng là do tâm này, muốn tạo nghiệp xuống địa ngục cũng là tâm này, khổ vui, thiện ác, chủ quan khách quan, phiền não Bồ-đề, hữu vi hay vô vi đều là do tâm này. Nếu chúng ta từ bi hỷ xả ấy là Phật và Bồ-tát, còn ngược lại, chấp trước tạo nghiệp sẽ trở thành loài súc sanh, khách của địa ngục. Cho nên, học Phật muốn tiến bộ thì phải ra sức công phu theo tâm này. Tâm cũng có thể là một danh từ mơ hồ không xác định được. Thêm một chữ Thiện thì gọi là Tâm Thiện, thêm một chữ Ác thì gọi là Tâm ác, thêm vào chữ Bồ-đề thì gọi Là Tâm Bồ-đề, thêm vào chữ Phiền não lại trỏ thành Tâm phiền não. Ngoài ra, ở trong kinh Lăng Nghiêm gọi tâm là “Như Lai tàng”, ở trong Duy thức học gọi là “Bát thức tâm vương”, ở trong thế gian thì gọi là “Linh hồn”, theo cách nhìn của Tâm lý học thì cho rằng đó là “Tiềm ý thức”.

Nếu thêm vào chữ tâm những danh từ khác nhau thì trở thành tâm khác nhau. Chúng ta cũng thường nghe những người khác nói như thế này: “Thiện ác ở ngay trong một niệm”. Theo ý nghĩa rốt ráo của Phật pháp mà nói, tất cả vạn pháp là do tâm tạo ra. Do đó, tu hành không phải dựa vào sự tướng và hình thức bên ngoài mà nhất định phải khai mở được cái trí tuệ Bát nhã ở bên trong bản tánh của chính mình, xa rời các phân biệt chấp trước mới có thể nói được hai chữ “Tu hành”.

5.3. Bình giảng:

Giáo pháp của Đức Phật nói ra có vô lượng pháp môn, chẳng hạn như: ăn chay, niệm phật, ngồi thiền, trì chú. v. v… Các pháp môn này đều có chung mục đích chuyển mê thành ngộ. Nếu căn cơ của chúng sanh thích hợp với pháp môn nào thì tu theo pháp môn đó, miễn làm sao ta có thể khống chế được tâm vọng đôỉng chạy theo ngoại cảnh trở về tánh thanh tịnh trong sáng xưa nay. Cái bản tính thanh tịnh xưa nay này là chỗ phát sinh ra hết thảy vạn vật. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói rằng:

“Ai mà muốn biết phật ba đời,

Pháp giới tánh xem thấu mọi nơi.

Cả thảy duy tâm đều tạo hết,

Thánh phàm cầm thú tại tâm người”.

[ 24, 60 ]

Đồng quan điểm trên, trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật có dạy: “Này A Nan! tất cả sơn hà, đại địa, cỏ cây, hoa lá. v. v… đều là vật hiện lên trong thâm tâm của ông. Tất cả nhân quả thánh phàm, các pháp thế gian và xuất thế gian đều do tâm mà thành thể”. [ 10, 72 ]

Qua hai đoạn kinh trên, Đức Phật muốn nói đến sự diệu dụng của tâm. Đây hoàn toàn không phải là giáo lý duy tâm. Bởi lẽ, vật chất tồn tại khách quan, nó tồn tại như chính nó đang là. Nhưng khi tâm ta tiếp xúc với chúng liền khởi lên sự phân biệt giữa chủ thể nhận thức và khách thể được nhận thức. Sau đó, ta đặt cho chúng cái tên A hay B gì đó để phân biệt với nhau. Hơn nữa, khi tâm ta vui thì ta thấy cảnh vật vui; tâm ta buồn thấy cảnh vật buồn theo. Điều này cũng có nghĩa là ta đã làm mất đi sự hiện hữu bình thường của vạn vật. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có diễn tả ý này bằng hai câu thơ :

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”ụ. [ 26, 112 ]

Chữ tâm ở đây là đứng trên phương diện tục đế mà nói. Cho nên, ta mới nói có thánh – phàm, buồn – giận, thương – ghét, Phật – Chúng sinh, có – không .v.v... Do đó, cổ Đức nói rằng:

“Từ nay cõi Thánh bước lần,

Bồ đề thêm lớn muôn phần cao xa.

Được vào trong pháp vương gia,

Đủ duyên đủ phước nghe qua pháp mầu”.[ 12,16]

Nếu đứng trên phương diện chân đế mà nói, thế giới này là nhất chân, không có sự đối đãi phân biệt, vượt ra ngoài các ý niệm ngôn ngữ, không có pháp tu, pháp chứng, không có phiền não, không có Niết bàn.v.v... Tất cả mọi sự vật đều do duyên sinh mà có, nên chúng vô thường, vô ngã, vô tướng. Chính vì các pháp là duyên sinh- vô ngã- vô tướng nên ta không thể xác lập được một vật gì hết. Sở dĩ, ta xác lập nên danh tự của sự vật là vì thuận theo tục đế thế gian để hướng dẫn chúng sanh vào đạo.Sự thực, trong thâm tâm của ta biết rõ vạn pháp là không có đầu mối, cũng không có chung cuộc nên không thể xác lập nên danh tự. Do đó, không có thánh - phàm, sinh tử – Niết Bàn. Mọi sự vật tồn tại như chúng đang là ngoài ý thức của chúng ta.

Hòa thượng thiền sư Minh Trực có bài kệ nói về cái tâm chơn đế này:

“Tâm không một pháp chẳng gây ra,

Phật tánh an nhiên ngự bửu tòa.

Liễu ngộ vô sanh, thường tịch diệt,

Muôn điều suốt hết, thấy Di Đa”ụ. [ 22, 8 ]

Tóm lại:

Câu nói “Vạn pháp đều do tâm tạo ra”, là một triết lý rất sâu sắc vượt khỏi sự suy nghĩ logich bình thường của con người. Muốn hiểu cái tâm này đòi hỏi phải có sự tinh tấn tu hành, phải có sự quán chiếu tỉnh giác dung thông cả phương diện tục đế và chân đế. Chính vì các pháp là duyên sanh, vô nga,õ vô tướng nên ta không thể xác lập được một vật gì hết. Không ở đây chính là chơn không diệu hữu, là Bồ đề Niết-bàn. Hòa thượng Thiền sư Minh Trực có nói:

“Tu Phật là phải mở cõi lòng,

Mở cho trống rỗng như không,

Tham, sân, si, ái, thảy đồng tận không,

Không mà đủ thần thông trí huệ,

Không mà đầy tánh thể từ bi”.[ 24, 203 –204 ]

6. BÀI 6.

6.1.Nguyên Văn Chữ Hán.

心的真相

修行﹐並不只是讓環境更加舒適而已﹐一般人常會要求生活周遭的條件﹕房子寬敞、廁所乾淨、燈光明亮……。但卻往往本知道要裝飾自己的內在﹐點亮內心的智慧。

有一次孟子就譏笑眾生﹕如果家裡的羊走失了﹐人們會去找回來﹔但良心掉了﹐卻不知道有沒有人要去找。

一個人若沒有在修行﹐又不認識這個心﹐他的心就會走樣變形﹔就像一面乾淨的鏡子染上塵埃﹐又像太陽剛被烏雲遮蔽﹐無法看到事務真實的面貌。

人生、宇宙是我們當下所面臨的現實問題﹐但是很多人都茫然不解﹐所以﹐必須透過修行、修心來體證證真理。

我們要修那一個心呢﹖一般人可能會覺得這個心無法控制﹐有打坐經驗的人﹐更可以體會到這個心妄想紛飛﹐雜亂無章。佛經中提到心有八萬四千個﹐總結起來有善、惡、無記三種。

經中常提到「心是惡源﹐行為罪藪」﹐這是從執著、分別、無明的角度而言﹔所以心是罪惡的來源。沒有修行的凡夫﹐心是惡的﹔看到名、利、財、色就不斷追求﹐這是沒有經過訓練的緣故。但是另一方面﹐祖師大德也有「是心是佛」、「是心作佛」的說法﹐意思是成佛的也是這個心。我們的心﹐亦即我們的本性﹐本來就是光明、圓滿、具足大智慧的﹐所以佛教認為心、佛、眾生三無差別﹐人人皆可成佛。

所以﹐心又可分為佛心、罪惡的心兩種﹐簡言之就是善與惡、真與妄。我們的本性是真實的、永恆的﹐是慈悲喜捨的﹔而凡夫的心卻永遠在變化﹐虛安不實在的﹐因此﹐我們要從不斷地觀照中來修正我們的心﹐回復到我們生命本來的面目。

6.2. Dịch nghĩa:

Tướng Chân Thật Của Tâm

Tu hành cũng không chỉ là tạo cho hoàn cảnh được dễ chịu, thoải mái mà thôi, nói chung, người đời thường cũng biết yêu cầu những điều kiện của cuộc sống chung quanh như nhà cửa được rộng rãi, nhà vệ sinh được sạch sẽ, đèn phải sáng, v.v… Nhưng ngược lại, họ không biết tô điểm nội tâm bên trong của chính mình, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ ở bên trong. Có một lần Mạnh Tử châm biếm chúng sanh: Nếu con Dê ở trong nhà chạy đi mất thì mọi người biết đi tìm nó trở về, nhưng lương tâm đã đánh mất đi, ngược lại không ai biết đi tìm trở lại. Một người nếu mà không có sự tu hành, cũng không nhận thức được cái tâm này thì tâm của anh sẽ bỏ đi và thay hình đổi dạng, giống như cái gương trong suốt bị bụi bám vào, cũng giống như mặt trời bị mây đen che lấp không còn nhìn thấy được diện mạo chân thật của sự việc. Con người, vũ trụ là những vấn đề hiện thực ở ngay trước mặt của chúng ta, nhưng có rất nhiều người hoàn toàn mơ hồ không hiểu, cho nên, cần phải xuyên qua sự tu hành, tu tâm để thể chứng được chân lý. Chúng ta có cần phải tu cái tâm này không vậy? Người thông thường có thể biết, cảm nhận được cái tâm này nhưng không có thể kiềm chế được. Có người thông qua kinh nghiệm ngồi thiền của mình liền có thể hiểu được cái tâm vọng tưởng lăng xăng, rối ren, lộn xộn. Trong kinh Phật nói có đến tám vạn bốn ngàn cái tâm, tổng kết lại thì có ba loại tâm: Tâm thiện, Tâm ác và Tâm vô ký.

Trong kinh cũng thường nhắc đến “Tâm là nguồn ác, thân là rừng tội”. Đây là đứng theo góc độ chấp trước, phân biệt vô minh mà nói, do đó, tâm là nguồn gốc của tội ác. Những người phàm phu không có tu hành thì tâm ác, nhìn thấy danh lợi, tài sắc liền theo đuổi cho đến cùng, đây là vì chưa có trãi qua sự tu tập. Nhưng ở một phương diện khác, các vị Tổ Sư, Đại đức cũng từng nói: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật”. Ý nói là chúng ta thành Phật cũng chính là tâm này. Tâm cũng tức là bản tánh xưa nay của chúng ta là luôn luôn trong sáng, viên mãn, đầy đủ trí tuệ. Cho nên, Phật giáo cho rằng ba thứ chúng sanh, Phật, tâm là không có sai biệt, người người đều có thể thành Phật. Do đó, tâm cũng có thể chia ra làm hai loại, đó là Tâm tội ác và Tâm của Phật, nói giản đơn đó cũng chính là Tâm thiện và Tâm ác, Chơn tâm và Vọng tâm. Bản tánh của chúng ta từ xưa đến nay luôn luôn là chân thật, tồn tại mãi không mất, cũng là cái bản tánh từ bi hỷ xả, ngược lại tâm của phàm phu luôn luôn thay đổi, hư vọng không thật có, do đó, chúng ta phải luôn trong sự tỉnh giác quán chiếu tu sửa tâm của chính mình, quay trở về mặt thật xưa nay của chúng ta.

6.3. Bình giảng:

Sống trong xã hội, ai ai cũng muốn cuộc sống của mình được sung sướng dễ chịu, chẳng hạn như: muốn nhà được rộng rãi, có đầy đủ tiện nghi, có xe cộ để đi lại cho lẹ làng, v. v… Chính vì lòng ham muốn này đã tạo nên động lực giúp chúng ta phát huy hết khả năng sức lao động của chính mình để tạo ra nhiều tiền bạc, của cải vật chất. Đạo Phật rất quý trọng việc làm này. Nhưng chỉ có điều là chúng ta phải làm sao đừng để tiền bạc, vật chất cuốn hút, làm lu mờ cái bản tâm của chính mình. Chính vì sợ chúng ta bị tiền bạc, vật chất, ngoại cảnh cuốn hút, mất chơn tâm, ở bài này tác giả đã khéo léo chỉ dạy cho chúng ta thấy được cái chân tướng của tâm nhằm đưa chúng ta đến sự an vui hạnh phúc chân thật. Trong Bát Nhã tâm kinh, Đức Phật nói rằng: “chơn tâm của chúng ta từ xưa đến nay là thường trú, vắng lặng, không sanh, không diệt, không đến, không đi, không tăng, không giảm, không ô nhiễm”.

Đồng quan điểm với Đức Phật, Lục Tổ Huệ Năng nói rằng:

“Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhá trần ai”.

Dịch nghĩa:

“Bồ đề chẳng phải cây,

Gương sáng cũng không đài,

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào vướng bụi trần”.[ 21, 37 ]

Sở dĩ, chúng ta không thấy được chơn tâm này vì bị vô minh phiền não, tham, sân, si, che lấp. Điều này trong khế kinh thường ví chân tâm này là mặt trăng luôn luôn trong sáng từ xưa đến nay, nhưng vì mây đen (vô minh) che lấp nên mặt trăng không chiếu sáng. Thật vậy, từ xưa đến nay con người chúng ta luôn sống sống với cái tâm vọng động, chấp trước chạy theo ngoại cảnh bên ngoài. Do đó, tâm của chúng ta không yên ổn chút nào hết. Cái tâm như vậy trong kinh thường gọi là: “Tâm viên, ý mã”. Vậy, để làm cho tâm trụ lại một chỗ không chạy rong ruổi theo ngoại trần nữa. Đòi hỏi chúng ta phải luôn hồi quang phản chiếu nơi tự tâm của chính mình, phải luôn quán chiếu cảnh vật xung quanh ta tồn tại khách quan,như chúng ta đang là, không hề làm khổ đau hoặc che lấp chơn tâm của chúng ta. Sở dĩ, chúng ta bị khổ đau là do không thấy được chơn tâm này, luôn khởi tâm nhiễm ô phân biệt chấp trước đối với ngoại cảnh. Trái lại, nếu trong một niệm, chúng ta khởi lên tâm thanh tịnh, tỉnh giác trong sáng, không chấp trước, nhiễm ô thì đó mới là chơn tâm thường trú vắng lặng, là bản lai diện mục, là Như Lai tàng, là Phật.

Hòa thượng Thiền sư Minh Trực có kệ rằng:

“Trí tịnh thường tồn tánh bổn lai,

Nhất trần bất nhiễm thoát trần ai,

Hồi quang niệm niệm tâm trung chiếu,

Nội ngoại viên thông trí Phật đài…”.[ 23, 52]

Tóm lại:

Nói đến tu Phật là tu tâm. Tu tâm là tu sữa từ một tâm phàm phu vọng chấp, nhiễm ô trở thành cái tâm chân thật thanh tịnh trong sáng của các bậc thánh. Một khi ta đã chứng được tâm chân thật trong sáng thì ngọn đuốc trí tuệ sẽ được thấp sáng lên giữa cuộc đời này, xóa tan đi những mây mù vô minh từ vô thỉ đến nay. Cũng cần nói thêm rằng mỗi khi nghe nói đến tâm chân thật, chúng ta đừng chấp vào tâm này. Nếu chúng ta chấp vào tâm này thì chấp ngã và chấp pháp cũng đồng thời có mặt, khổ đau sẽ đến. Do vậy, chúng ta phải vượt qua ý niệm cho rằng có tâm chân thật. Một khi tâm chúng ta thanh tịnh trong sáng thì không cần mượn tên gọi là tâm chân thật, chính ngay trạng thái này là tâm chân thật rồi.

7. BÀI 7

7.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

律己與寬人

修行人要讓眾生有解釋的機會懺悔的餘地﹐不要咄咄逼人。

就像如果一位出家人犯了戒律﹐或在家居士過去曾造了很多殺業﹐甚至毀謗三寶﹐學佛的人都應以慈悲一關懷的心來原諒及開導他。

所有罪業中最嚴重的莫過於「毀謗三寶」﹐一般人不學佛、不相信佛法﹐因為因緣未至﹐當然無可厚非﹐但也請千萬不要破壞佛經、毀壞佛像。

有一次我到左營幫人助念﹐結果一接近死者﹐全身就起疙瘩﹔因為他的死相很難看。當我為他加持時﹐心裡面總是不太對勁﹐想其中必有緣故。一問才知道﹐原來他太太以前學佛﹐常到護國寺聽經﹐先生因不贊成她學佛﹐就將家中的經書燒毀﹐海青剪破。

我們無法與佛法結緣﹐不相信佛法﹐這倒還無所謂﹐但千千萬萬別燒佛像、毀經書啊﹗

世俗也常說﹕「做人不要做得太絕﹗要留後路給別人」。

人大都是嚴以律他、寬以待己﹐即使本身犯錯﹐也會想盡各種方法來寬恕自己的罪過﹐這恰與弘一大師「嚴以律己﹐寬以待人」的修持完全違背。

此外﹐切記勿在眾人面前公開談論他人的隱私﹐因為人人皆有自尊心﹐揭人之短、傳人是非﹐是很沒有道德的。

事實上﹐不造口業﹐自己才是最大的受惠者。

佛陀說﹕「要原諒別人的過失﹐因為我們是由業力而來的眾生。」嚴以律己﹐精進辦道﹐不談論他人的是、非、對、錯﹐這才是真正的修行之道。

7.2. Dịch nghĩa:

Nghiêm Khắc Với Chính Mình, Rộng Lượng Với Người Khác

Người tu hành phải để cho chúng sanh có cơ hội giải thích và có chỗ sám hối, không nên hùng hổ quát mắng người khác. Giả như có một người xuất gia đã phạm vào giới luật, hoặc người cư sĩ tại gia ở trong quá khứ tạo ra rất nhiều nghiệp sát sanh, thậm chí hủy báng chê bai Tam bảo, người học Phật đều phải lấy lòng từ bi quan tâm tha thứ và dẫn dắt họ. Tội nặng nhất trong tất cả các tội không gì bằng tội hủy báng Tam bảo, người thông thường không học Phật, không tin Phật pháp, bởi vì nhân duyên chưa đến, thì đương nhiên không thểquở trách nghiêm khắc, nhưng cũng xin nhất thiết không nên phá hoại kinh Phật, hủy hoại tượng Phật. Có một lần, tôi đến một nhà hàng xóm hộ niệm, kết quả là vừa đến gần người chết thì toàn thân nổi da gà, bởi vì cái tướng chết của người đó rất là đáng sợ. Ngay lúc tôi trì kinh cho anh ta, trong lòng của tôi luôn luôn bồn chồn lo lắng, nghĩ rằng trong đó ắt có duyên cớ gì đây. Tôi liền hỏi ra mới biết rằng, thì ra trước kia, vợ của anh ta học Phật pháp, thường xuyên đến chùa Hộ Quốc nghe giảng kinh, anh ta không bằng lòng. Ông liền đem tất cả kinh sách ở trong nhà đốt sạch hết. Chúng ta không chịu kết duyên với Phật pháp, không tin Phật pháp thì chẳng có sao hết, nhưng nhất thiết đừng có phá hủy tượng Phật, đừng có thiêu đốt kinh sách. Người trên đời cũng thường nói: “Làm người đừng quá dứt khoát, cần phải chừa cho người khác một lối thoát”. Phần lớn mọi người đều nghiêm khắc với người khác, nhưng lại khoan dung với chính mình, dù cho bản thân có phạm những tội lỗi cũng nghĩ ra mọi biện pháp để tha thứ tội lỗi của chính mình. Việc làm này hoàn toàn trái với lời dạy tu hành của Đại sư Hoằng Nhất: “Nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với người khác”.

Ngoài ra, tất cả chúng ta nên nhớ rằng đừng ở trước mặt mọi ngườiụ công khai bàn luận đến những chuyện đời tư của họ, bởi vì mọi người đều có lòng tự tôn. Vạch trần những khuyết điểm của người khác, truyền rao nói chuyện thị phi của người, đây là một việc làm hoàn toàn không có một chút đạo đức. Trên thực tế, không tạo khẩu nghiệp, chính mình mới là người thọ hưởng phúc huệ lớn nhất. Đức Phật nói: “Cần phải tha thứ tội lỗi của người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều là chúng sanh do bị nghiệp lực mà sinh ra”. Nghiêm khắc với chính mình, tinh tấn tu học, không bàn luận đến chuyện thị phi, đúng sai của người khác, đây mới là con đường tu hành chân chính.

7.3. Bình giảng:

Phàm là một con người ai cũng có một khuyết điểm lỗi lầm không ít thì nhiều. Đây là một sự thật, chúng ta phải thấy, phải đối diện, phải sống hằng ngày với chúng. Đức Khổng Tử có câu: “ Nhân vô thập toàn”. Việc lầm lỗi không ai tránh khỏi, nhưng chỉ có điều thái độ của mỗi người khi đối diện với chúng có quan niệm nhận xét như thế nào mà thôi. Có người chỉ thích nghiêm khắc, chỉ lỗi của người khác mà không suy xét đến lầm lỗi của mình; có người thường suy xét đến sự lầm lỗi của chính mình để sửa chữa, chớ không quan tâm chỉ lỗi nghiêm khắc đối với người khác. Nhà Nho có câu: “Tiên xử kỉ, hậu lại xử bỉ” nghĩa là “ muốn xét lỗi người thì trước tiên phải xét tội lỗi của mình đã”.Đồng quan điểm trên, trong bài Đạo Thầy Trò, Hoà thượng Thiền sư Minh Trực có nói rằng:

“Người có lỗi dung tha chớ chấp.

Mình lỗi lầm phải gấp trị ngay.

Gương từ, đuốc huệ Như lai,

Soi mình rồi lại soi ngay đến người”.[ 24,204 ]

Chính vì lẽ đó, mỗi người chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tinh tấn tỉnh giác, suy xét những lỗi lầm của chính mình, biết tôn trọng mọi người, giữ gìn tâm khiêm hạ tự xem mình như cát bụi cỏ rác, tu tập từ tâm trải lòng yêu thương đến muôn loài, tinh tấn thiền định nhiếp tâm v. v… Tự thân chúng ta không bao giờ lơ là với việc tu sửa chính mình. Đối với những lỗi lầm của người khác, chúng ta luôn rộng lượng tha thứ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta làm ngơ mặc kệ, dung túng bao che những lỗi lầm của họ. Trái lại, chúng ta phải biết tùy duyên, tùy hoàn cảnh tiếp cận, khuyên răn họ. Dẫu biết rằng đây là một việc không dễ làm, đòi hỏi chúng ta vừa tự rèn luyện tu sửa tâm của chính mình để làm gương trước, sau đó mới đến việc khuyên răn họ. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng:

“Tu trước phải sửa mình,

Sau mới độ chúng sanh,

Điều thân, thâm nhập tuệ,

Vượt hơn kẻ phàm tình”. [ 14,206-207 ]

Hơn nữa, trong quá trình khuyên răn người khác, chúng ta cần phải tránh không làm mất danh dự của người phạm lỗi và không được làm hòa khí giữa ta và họ mất đi. Trên thực tế, con người chúng ta luôn sống trong vô minh chấp ngã, cho nên mỗi khi thấy người khác phạm lỗi lầm gì đó, trong lòng chúng ta cảm thấy khó chịu, la ó quát mắng, chỉ trích đủ điều. Mục đích của chúng ta là muốn chứng tỏ cho người phạm biết rằng mình hơn họ, mình không có phạm lỗi như vậy. Nhưng sự thật chính bản thân chúng ta cũng không tốt đẹp gì, từng phạm những sai trái lỗi lầm. Có điều khi phạm những sai trái lỗi lầm, ta luôn tìm mọi cách che dấu rộng lượng bỏ qua. Quan niệm sống như vậy là không tốt, đạo đức của chúng ta dần dần sẽ bị suy đồi, lời nối của chúng ta mỗi khi nói ra không còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến người khác, tình cảm bạn bè, huynh đệ cũng ngày một xa cách, mất hòa khí. Hòa thượng Thiền sư Minh Trực có làm bài kệ cảnh tỉnh chúng ta rằng:

“Tâm đừng quá xét, xét lầm sai,

Gượng nhớ nghe nhiều, rối tợ gai.

Chuốc lấy thị phi, tránh biện luận,

Thêm điều lỗi quấy có chi hay?” [ 22, 8 ]

Tóm lại:

Nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng với người khác là một việc làm đòi hỏi chúng ta phải tinh tấn tu tập xóa bỏ đi bản ngã của mình, không nên nói năng tùy tiện, phải thận trọng tế nhị. Một khi chúng ta đã tu sữa được những lỗi lầm của tự thân rồi, sau đó mới nói tới việc suy xét đến lỗi lầm của người khác. Mỗi khi thấy những lỗi lầm sai phạm của người khác, chúng ta phải khởi lòng từ thương xót họ, cố gắng tìm mọi biện pháp tốt nhất, biết tùy duyên, tùy thời khuyên bảo họ, làm cho họ tâm phục, khẩu phục, ăn năn những tội lỗi đã tạo ra và ngăn chặn những lỗi lằm chưa xảy ra. Đó chính là tình thương vô ngã, vị tha mà đức Phật đã dạy. Cổ đức cũng có dạy rằng:

“Cho con biết im lặng

Không nói lỗi của người,

Chỉ lặng lẽ dùng lời

Cầu cho người hết lỗi”.

8. BÀI 8.

8.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

生活禪

學佛要能有正確的修行觀﹐才能開啟內在本有的智慧。

有的佛教徒在尚未學佛以前還算是很抉樂的﹐但是學佛以後﹐他自己覺得痛苦﹐旁人也跟著難過。

曾有一位女信徒的先生跑來找我﹐向我「討回」他的老婆。他抱怨﹕「從他太太學佛以後﹐每天都要花很長的時間來做修行的功課﹐家事不做﹐小孩子上、下課也不接送﹔而我下班回到家裡﹐肚子餓得不得了想吃飯﹐她卻叫我帶著小孩去館子吃。」如此﹐平日和諧的生活不再﹐增加的是每日固定的爭吵。

在家居士有心學佛是一件好事﹐但必須認清楚自己與出家的法師在修行上是有分別的﹔不論修行的基本態度或修行的方法都應該不相同。

出家人以修行為他一生的職志﹐每日必須花很多時間在念佛、拜佛或打坐等等﹐與修行相關的功課上。而在家居士就無法做到如此﹐因為如果你每天花十多個小時來做功課﹐結果往往是造成夫妻感情破裂、親子疏離﹐友情消失。因為你為了「修行」而忘了自己的本份﹐自然而然﹐學佛就變成了一種痛苦與負擔。

事實上﹐修行一定要落實在生活當中﹐絕不是有了師父不要老公﹐有了佛法就不用吃飯。

學佛了﹐更應先盡到自己為人婦、為人母的本份﹐將家庭料理照顧好之後﹐這樣﹐你用多餘的時間來念佛拜佛、親近三寶﹐不僅家庭和諧美滿﹐而自己也更能以觀照的工夫來突破貪欲與執著﹐巧少地思惟如何運用佛法待人處事﹐如此﹐智慧才能獲得提昇與開發。

六祖慧能大師曾說過﹕「佛法在世間﹐不離世間覺﹔離世覓菩提﹐恰如求兔角。」

學佛之人若無法將佛法落實在平常的生活上﹐不能從身、口、意三業之中徹底的反省與改變自己﹐以得到革新與超越﹐那麼﹐你對佛法的追求將也會是虛妄一場。

8.2. Dịch nghĩa:

Sống Thiền

Người học Phật phải có cách nhìn về sự tu hành cho đúng đắn mới có thể khai mở được trí tuệ vốn có ở bên trong của mình. Có một người Phật tử, trước đây chưa có tu học Phật pháp vẫn coi là rất vui vẻ. Nhưng sau khi học Phật pháp, chính anh ta cảm thấy đau khổ, người xung quanh cũng buồn theo. Lại có một người chồng của một Phật tử nữ đi đến tìm tôi, trách cứ (than phiền) với tôi về vợ của anh ta, anh ta buồn phiền, oán giận nói rằng: “Từ sau khi vợ của anh ta học Phật pháp, mỗi ngày đều phải tốn rất nhiều thời gian để thực tập những bài khóa tu hành, việc trong nhà buông bỏ không màn tới, con đi học hay tan học cũng không đưa đón. Có khi, tôi tan ca về nhà, trong bụng đói quá chừng muốn ăn cơm, nhưng vợ tôi ngược lại còn kêu tôi dắt con đi ra tiệm ăn cơm”. Như thế này mãi, cuộc sống êm ấm hạnh phúc không còn nữa, sự tranh cãi mỗi ngày mỗi lúc lại gay gắt. Là một cư sĩ Phật tử tại gia có tấm lòng học Phật pháp quả là một việc tốt, nhưng cần phải nhận biết cho rõ ràng việc tu hành của các thầy xuất gia và việc tu hành của chính mình có sự khác nhau, bất luận là thái độ căn bảụn tu hành và phương pháp tu hành cũng đều khác nhau. Người xuất gia lấy việc tu hành làm chí hướng cho cả đời mình, mỗi ngày cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian niệm Phật, lạy Phật hoặc ngồi Thiền , v.v… trong những bài khóa đều có liên quan với sự tu hành. Còn người cư sĩ tại gia không có làm được như vậy, bởi vì nếu bạn mỗi ngày bỏ ra hơn mười tiếng đồng hồ để tu tập công phu, kết quả dần dần gây ra sự tan vỡ tình cảm vợ chồng, con cái rời xa, tình cảm bạn bè cũng mất đi. Bởi bạn đã vì việc tu hành mà quên đi bổn phận của chính mình, nếu cứ tiếp tục như vậy thì việc học Phật pháp tu hành sẽ trở thành một thứ đau khổ và gánh nặng. Trên thực tế, người tu hành nhất định phải lo cho cuộc sống được vững vàng, hoàn toàn không phải đã có thầy rồi thì không màng đến chồng con, đã có Phật pháp thì không cần đến ăn cơm nữa. Học Phật rồi càng phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Sau khi chăm sóc, sắp xếp tốt việc của gia đình rồi thì bạn dùng thời gian dư ra để niệm Phật, lạy Phật, gần gũi Tam bảo. Bạn không những giữ sự hài hòa tốt đẹp của gia đình mà còn có thể công phu quán chiếu tu tập, phá bỏ tham dục và chấp trước. Suy nghĩ khéo léo làm thế nào vận dụng Phật pháp đối xử với người và giải quyết công việc, như vậy trí tuệ mới có thể đạt được sự thăng tiến và khai mở. Lục Tổ Huệ Năng cũng từng nói: “Phật pháp ở tại thế gian, không rời thế gian mà giác ngộ, nếu rời thế gian mà tìm đạo giác ngộ chẳng khác nào như đi tìm sừng thỏ”. Người học Phật pháp nếu không ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày thực tế của mình thì không thể nào phản tỉnh và sửa đổi tất cả ba nghiệp: Thân, khẩu, ý của chính mình. Cứ theo đuổi những điều mới mẻ và siêu việt ở bên ngoài, như thế đối với sự tìm cầu Phật pháp của bạn là một việc làm giả dối.

8.3. Bình giảng:

Hiện nay, có một số Phật tử rất có đạo tâm, muốn dồn hết sức lực vào công việc tu tập, bỏ tất cả những công việc trong gia đình và ngoài xã hội. Chính nguyên nhân này đã tạo ra sự mất hòa khí, phá tan hạnh phúc gia đình hiện có. Sở dĩ có nguyên nhân này là vì đa số các Phật tử không hiểu thấu được ý nghĩa của kinh văn mà chư Phật, chư Tổ đã dạy. Đức Lục tổ Huệ Năng dạy rằng:

“Phật pháp bất ly thế gian giác,

Ly thế mích Bồ đề,

Kháp như cầu thố giác”.

Nghĩa là: “Phật pháp không tách rời thế gian để giác ngộ, rời thế gian mà tìm giác ngộ giải thoát chẳng khác nào như tìm sừng thỏ”.[ 93, 21 ]

Qua ý nghĩa của câu kệ trên, chúng ta thấy rằng việc tu hành luôn gắn chặt với cuộc sống, luôn tích cực nhập thế. Không phải ở trước chánh điện hoặc ở trong phòng, chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật mới gọi là tu. Ở ngay trong công việc hàng ngày như: Rửa chén, nấu cơm, quét nhà, làm từ thiện…cũng là một cách tu hành. Có điều, Phật tử chúng ta phải có sự chánh niệm, tỉnh giác, như lý tác ý ở ngay nơi công việc hiện tại mình đang làm. Chẳng hạn như: khi rửa chén chúng ta không suy nghĩ những chuyện khác. Chúng ta phải tập trung hết tinh thần vào việc rửa chén. Chúng ta quán chiếu việc rửa chén bát giống như là đang rửa những cấu nhiễm của thân tâm mình. Nếu Phật tử rửa chén bát trong chánh niệm tỉnh giác như vậy, thì việc rửa chén bát trở thành một niềm vui, một pháp môn tu tập. Mặt khác, ở đây, tác giả còn chỉ rõ cho chúng ta thấy hoàn cảnh tu tập của tu sĩ và cư sĩ hoàn toàn khác nhau. tu sĩ không vướng bận vợ, chồng, con, không mong cầu danh lợi địa vị. Cuộc sống của họ rất đơn giản, ngày ba thời kinh, ba bữa cơm, thiểu dục tri túc. Họ xem việc tu tập là một đích rất quan trọng để thể nhập tâm linh, hướng đến giải thoát. Do đó, nếu người xuất gia bỏ phí thời gian trôi qua, không nỗ lực tu tập là không xứng đáng làm người xuất gia. Bởi vì người xuất gia luôn xem trọng việc thoát khỏi sanh tử luân hồi, rất quý thời gian tu tập. Trong khế kinh, Đức Phật dạy:

“Ngày nay qua khỏi một ngày,

Mạng căn suy tợ cá rày nước khô.

Vui chi nơi chốn khổ đồ,

Khuyên trong đại chúng gắn tu chuyên cần.

Khá mau tự cứu lấy thân.

Vô thường xảy đến muôn phần lao đao.

Tồn tâm niệm Phật chớ xao,

Giờ giờ thấy tánh cao sâu Di Đà”. [ 24, 80 ]

Còn người Phật tử tại gia có chồng, vợ, con cái nên phải bôn ba làm việc ngoài xã hội để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Nếu có tấm lòng học đạo thì phải biết sắp xếp thời gian cho hợp lý để vừa chăm lo cho cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, vừa có thời gian tu tập.

Tóm lại:

Thiền là một phương pháp học tập nhầm đưa ta đến sự tỉnh giác ngay trong đương niệm. Khi ta đi ta biết ta đang đi, khi ta làm ta biết ta đang làm v. v…Thiền sư Nhất Hạnh có hai câu thơ sau:

“Đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm,

Vào ra cười nói tướng đoan nghiêm”. [ 9, 250 ]

Người thực tập thiền, thực tập niệm hồng danh Phật phải cố gắng thực hành điều độ mỗi ngày, phải luôn giữ tâm ý trong sự chánh niệm tỉnh giác. Chính điều này sẽ làm cho nội tâm ta được thanh tịnh, trí tuệ hiện bày. Nhờ có trí tuệ hiện bày, chúng ta mới có thể làm chủ được chính mình, xóa tan đi màn vô minh, phiền não. Dù người xuất gia hay tại gia, chúng ta đều có thể tu học, giải thoát, thành Phật. Chỉ có điều khác nhau là điều kiện tu tập của người xuất gia được dễ dàng hơn người Phật tử tại gia. Bởi lẽ, người xuất gia không bị gia duyên ràng buộc, còn người Phật tử tại gia bị gia duyên ràng buộc. Dù gì đi nữa, người cư sĩ tại gia đã có tấm lòng học Phật là tốt, rất đáng khen, nhưng chúng ta cần phải biết cân bằng thời gian tu tập và làm việc lo cho gia đình được ấm no, hạnh phúc.

9. BÀI 9.

9.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

老實念佛制心一處

老實念佛是相當重要的。如果有人問我﹕「法師﹐我今年七十幾歲了﹐隨時可能會死﹐已經來不及參禪悟道﹐也沒有太多時間去參訪善知識﹐你可否告訴我有那一種最快、最直接的修行方法﹖」

我會告訴他﹕

其實﹐不只是瀕臨死亡的人可以念佛﹐任何人都可以修有此法門﹐念佛法門是老少咸宜的。只要專心持誦六字洪名──「南無阿彌陀佛」。

念佛﹐要念得清清楚楚、明明白白。不要為了趕速度、拼數目﹐佛號連成一起﹐字音無出分辨的一直念﹐這樣無法攝心﹐當然對修行毫無助益了﹐所以念佛要不急不徐、了了分明的念﹐才會有成就。

修行辦道無奇特之處﹐唯有細水長流﹐不夾雜、不間斷﹐驀直修去。如果以淨土法門為主﹐印光大師告訴我們每日的功課如下﹕早上誦普門品、持大悲咒二十一遍﹐晚上誦佛說阿彌陀經、南無阿彌陀佛六字佛號、觀世音菩薩聖號百千聲。

修行要專精、一門深入,不要今天修這個法門,明天又修別種法門,到最後那一種也學不好。有一位老居士﹐沒有學佛﹐也一直沒有因緣聽聞佛法﹐他可能只是聽說念佛的好處﹐於是他就自己這樣持誦﹕「南無阿彌陀佛觀世音菩薩」、「南無阿彌陀佛觀世音菩薩」。一天﹐到他臨命終時躺在床上﹐一時竟不知道是要念「阿彌陀佛」或是「觀世音菩薩」。

雖然憑著誠心與願力也是能往生西方淨土﹐但力量總不及專心持誦一佛聖號來得大。

所以平時學習訓練控制自己的心是非常重要的﹐佛遺教經上說﹕「制心一處﹐無事不辦。」以世間法來看﹐如果能將所有的精力、智慧、感情、理性投入來做某一件事﹐就自然容易成功﹐修行當然也是一樣﹐制心一處﹐就會激發出無量智慧。

所以念佛要念到一心不亂﹐這樣﹐命終時﹐自然就能往生西方極樂世界。

9.2. Dịch nghĩa:

Chân Thật Niệm Phật Chế Ngự Tâm lại Một Chỗ

Chân thật niệm Phật là một việc làm rất quan trọng. Nếu có người hỏi tôi rằng: “thưa thầy, con năm nay bảy mươi mấy tuổi rồi, có thể chết bất cứ lúc nào, đã không còn kịp tham thiền ngộ đạo, cũng không có nhiều thời gian nữa để tham hỏi các bậc Thiện tri thức, thầy có thể nào dạy con các phương pháp tu hành nhanh nhất không?” Tôi sẽ trả lời với họ rằng: “Không chỉ là người sắp lâm chung mới có thể niệm Phật mà bất cứ người nào cũng có thể tu hành theo pháp môn niệm Phật này. Pháp môn niệm Phật là một pháp môn điều có thể thích hợp cho người già, người trẻ tu hành. Chỉ cần bạn chuyên tâm trì tụng sáu chữ Hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Niệm Phật phải niệm cho được rõ ràng, minh bạch. Không nên niệm tốc độ nhanh, đếm số, cứ niệm danh hiệu Phật liên tục âm chữ không phân biệt rõ ràng; niệm như vậy không thể nào mà nhiếp tâm được, đương nhiên là đối với sự tu hành hoàn toàn không có ích lợi gì .Cho nên, niệm Phật không nhanh mà cũng không chậm, niệm niệm cho rõ ràng từng câu từng chữ, niệm như vậy mới đem đến thành công.Tu hành không có gì kỳ lạ, chỉ cần kiên trì đừng cho tạp niệm xen vào, không có gián đoạn, đừng có lúc niệm lúc không niệm. Nếu lấy pháp môn Tịnh Độ làm chính để tu hành, thì Tổ sư Ấn Quang có dạy chúng ta rằng những thời khóa tu tập mỗi ngày như sau: Buổi sáng tụng kinh Phổ Môn, trì chú Đại Bi hai mươi mốt biến. Buổi tối tụng kinh A Di Đà và niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ-tát mấy trăm tiếng. Tu hành phải tinh chuyên đào sâu vào một pháp môn, chớ không nên hôm nay lại chọn pháp môn này để tu, ngày mai lại chọn pháp môn khác để tu, cuối cùng rồi một pháp môn cũng học không xong. Có một vị cư sĩ già không có học Phật pháp, cũng không có nhân duyên để nghe Phật pháp, ông ta chỉ có thể nghe nói những điều tốt lành của việc niệm Phật. Thế là ông ta đã tự mình trì tụng như thế này: “Nam Mô A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát”, “Nam Mô A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát”. Một ngày nọ, đến lúc sắp lâm chung, ông ta nằm ở trên giường, nhất thời hoàn toàn không còn biết niệm: “ Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc “ Quán Thế Âm Bồ-tát”. Tuy nhiên, dựa vào sự thành tâm và nguyện lực cũng có thể vãng sanh Tây phương Tịnh Độ. Nhưng sức mạnh của việc niệm cả hai danh hiệu Phật và Bồ tát không bằng chuyên tâm trì niệm một danh hiệu Phật. Cho nên, thường ngày phải học tập, rèn luyện tâm của mình là rất quan trọng. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy rằng: “Kìm chế tâm lại một chỗ làm việc gì cũng xong”. Lấy cách nhìn của thế gian mà xem, nếu có thể dồn hết tâm ý, tình cảm, sức lực, trí tuệ vốn có của mình để làm một công việc nào đó thì tự nhiên dễ thành công. Việc tu hành đương nhiên cũng giống như vậy, khi kiềm chế tâm lại một chỗ được rồi thì sẽ phát sinh ra vô lượng trí tuệ. Cho nên, niệm Phật phải niệm cho đến nhất tâm bất loạn, niệm như vậy lúc lâm chung tự nhiên sẽ được vãng sanh về thế giới Cực lạc.

9.3. Bình giảng:

Giáo pháp của Đức Phật nói ra có vô lượng pháp môn tu nhằm thích ứng căn cơ trình độ của chúng sanh , làm cho chúng sanh thấy được tri kiến Phật của mình. Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Tịnh Độ không nằm ngoài mục đích ấy. Có thể nói rằng, pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ rất dễ tu. Chính vì thế nên được rất nhiều người từ lớn đến nhỏ đều phát nguyện thọ trì tu theo. Nếu nói về sự, pháp môn này chỉ dựa vào niệm danh hiệu Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ-tát, nhưng ý nghĩa diệu dụng hàm chứa bên trong rất sâu sắc, mầu nhiệm. Người muốn tu theo Tịnh Độ cần phải có đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện, Hạnh.

Tín: Là chúng ta phải tin vào công năng phi thường của Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ-tát tiếp độ vãng sanh.

Nguyện: Là phát nguyện một lòng cầu vãng sanh về thế giới Tinh Độ của Phật A Di Đà.

Hạnh: Là chúng ta phải tinh tấn công phu niệm danh hiệu Phật A Di Đà đều đặn mỗi ngày. Niệm phải cho rõ ràng từng câu từng chữ. Chúng ta không nên niệm qua loa, tốc độ, bởi vì niệm Phật như vậy là không có hiệu quả nhiều. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật có dạy rằng:

“Này Xá Lợi Phất!

Nếu có Tín nữ, Thiện nam,

Đã nghe nói Phật A Di Đà rồi.

Giữ danh hiệu niệm thời chẳng dứt,

Hoặc một, hai, ba, bốn, năm ngày.

Hoặc sáu, hoặc bảy niệm hoài,

Tâm không tán loạn, ngày ngày chẳng lơi.

Lúc lâm mạng chung thời tâm định,

A Di Đà, chúng Thánh hiện tiền.

Chung thời tâm chẳng đảo điên,

Liền sanh Cực Lạc Tây Thiên Di Đà”.[ 24,105 ]

Qua đó, cho ta thấy rằng, nếu ai đó trong chúng ta chỉ cần trong bảy ngày và niệm Phật đến độ nhất tâm bất loạn thì Ngài và Thánh chúng đến tiếp dẫn ta về Tịnh Độ. Đây quả là một sự mầu nhiệm, chúng ta phải tin tưởng, không dám bác bỏ. Nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn sẽ thấy rằng khi chúng ta niệm Phật đến một trạng thái “Nhất tâm bất loạn” thì được vãng sanh. Điều này cũng có nghĩa là Tịnh Độ ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta. Tâm chúng ta chính là Tịnh Độ. Nói cách khác, Khi tâm ta được bất loạn, thanh tịnh thì khắp mọi nơi trên thế gian này đều là Tịnh Độ. Tịnh Độ chính là do tâm biến hiện. Để diễn tả ý này, Hòa thượng Thiền sư Minh Trực có làm bài kệ như sau:

“Nhất tâm tận lực gắng công phu

Niệm niệm tịnh thiền mặc mặc tu

Soi thấu mười phương chư Phật độ

Liễu minh nhất thiết hiệp hư vô”â. [ 23, 8 ]

Bất cứ nơi nào có một chúng sanh niệm Phật A Di Đà, an trú trong chánh niệm và tỉnh thức thì nơi đó tính Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức sẽ hiển hiện ra trong tâm trí của chúng sanh đó. Một khi tâm trí của hiền giả an trụ trong thiền định niệm Phật thì việc đi, đứng, nằm, ngồi, việc làm, suy nghĩ đều tự tại vô ngại và thanh tịnh. Quả thật, đây chính là hành giả đã xây dựng được cõi Tịnh Độ trang nghiêm tại nhân gian này. Nói cách khác, khi đạt được cảnh giới an trụ trong thiền định niệm Phật, hành giả không cần hướng tâm để vãng sanh về Tây phương Tịnh Độ, mà ngay mỗi bước chân suy nghĩ, việc làm, v.v… hàng ngày đều không rời pháp thanh tịnh, đều hiển hiện Tịnh Độ. Nếu niệm Phật là niệm bằng tâm, tâm luôn luôn niệm Phật thì hành giả sẽ thâm nhập chánh trí giác ngộ. Việc vãng sanh Tịnh Độ lúc bấy giờ chính là ngay nơi cõi Ta Bà này. Nói cách khác, cõi Ta Bà này chính là Tịnh Độ.

Tóm lại :

Pháp môn niệm Phật là pháp môn rất thù thắng. Nếu hành giả nào muốn vãng sanh Tịnh Độ thì ngay từ bây giờ phải nỗ lực huân tập niệm danh hiệu Phật cho rõ ràng, nhuần nhuyễn. Khi tâm niệm đến trạng thái vô niệm bất loạn, điều đó cũng có nghĩa là ta đã được vãng sanh Tịnh Độ ngay trong đương niệm hiện tiền. Với ý nghĩa này, hành giả đã kiến lập nên cõi nhân gian Tịnh Độ, hành giả không cần cầu vãng sanh, nhưng chắc chắn rằng trong tương lai sẽ được vãng sanh một cách tự nhiên.

10. BÀI 10.

10.1. Nguyên Văn Chữ Hán.

嫉妒猜忌蒙蔽心性

人花在批評﹑譭謗﹑傷害他人的時間﹐勝過於冷靜思考了解自己。

在現今人除際關係日趨複雜的社會裡﹐人們常因狹隘的心態﹐引發利害衡突﹐產生種種煩惱﹐究其原因﹐不外乎是以自我為中心﹐由於處處為自己設想﹐產生分別與對立的心﹐更因個人的主觀﹐漠視客觀環境的存在﹐於是﹐障蔽了自己的心性﹐導致將心態陷於不平衡﹐而造成人我之間的不和諧﹐導致無謂的紛爭與憂擾。

像同事之間﹐雖共處同一辦公室﹐卻終日互相猜疑﹐於是﹐芝麻綠荳大的小事﹐也要斤斤計較﹐動輒相互向老闆告狀﹐說是自己受盡委屈﹐要求這要求那﹐時而滋生事端﹐破壞辦公室的氣氛﹔事關自己的利益﹐爭取也就算了﹐有時還要涉及無辜﹐令周遭的人也倍感壓力﹔此種行為﹐其實是一顆心被嫉妒及猜疑蒙蔽了﹐以致做出喪失理性的事情﹐真是愚痴啊﹗

例如有一次顏淵在為孔子煮稀飯時﹐天花板突然掉落了一樣髒東西﹐於是顏淵就用湯匙將他舀起﹐咬咬看他是什麼﹐碰巧孔子在他身後﹐見狀便不高興地說﹕「唉﹗這個顏淵怎麼這麼不懂敬師的禮節呢﹖」

孔子將此事告訴子路﹐子路脾氣很壞﹑個性衡動﹐馬上跑去找顏淵算帳﹔待顏淵講明原由﹐子路才心平氣和地向孔子說明。

孔子便集合弟子們說﹕「我孔丘身眼目睹顏淵偷吃稀飯尚不真確﹐更何況平常在大街小巷所聽到的是是非非﹐又怎麼會準確呢﹖」

人本來可以過著快樂的日子﹐但我們卻會為了一點小事﹐把自己搞得煩煩擾擾﹐無法寬恕﹑原諒他人﹐只想改變別人﹐而又不反省自己的人﹐將會抱憾終身而隨業力墮落。

10.2. Dịch nghĩa:

Ghen Ghét, Nghi Kỵ Che Đậy Tâm Tánh

Con người ta mất rất nhiều thời gian ở trong việc phê bình, chê bai gây tổn thương cho người khác, trái lại, không chịu b��nh tâm suy nghĩ tìm hiểu chính mình. Trong xã hội bây giờ, ngoài sự quan hệ giữa người với người càng trở nên phức tạp ra, chúng ta còn vì cái tâm hẹp hòi, ích kỷ mà gây ra sự xung đột rất mạnh mẽ, tạo ra nhiều phiền não. Xét về nguyên nhân không ngoài việc lấy tự ngã làm trung tâm. Do đó, lúc nào cũng suy nghĩ làm sao có lợi ích cho chính mình, sinh ra cái tâm phân biệt chấp ngã và chấp pháp. hơn nữa, vì sự chủ quan của cá nhân mà xem thường sự tồn tại của hoàn cảnh khác quan. Do đó che lấp tâm tánh của chính mình, dẫn đến tâm ý bị mất cân bằng, tạo ra sự mất hài hòa giữa mình và người khác; hơn nữa, cũng gây ra sự đấu tranh chia rẽ và những buồn phiền vô lý không đáng có. Giống như giữa các đồng nghiệp với nhau, tuy làm chung một công ty nhưng ngược lại suốt ngày nghi kỵ lẫn nhau. Thế là, việc nhỏ như hạt mè, hạt đậu cũng phải suy tính, so đo từng li từng tí. Hễ động một chút là đi báo cáo nói xấu lẫn nhau với ông chủ, nói là chính mình bị oan ức, yêu cầu này, yêu cầu nọ, lúc nào cũng bị phiền hà phá hoại hòa khí của công ty. nếu việc có liên quan đến lợi ích của chính mình thì luôn tranh giành cho đến được thì thôi, có lúc còn cố tình tạo ra sự vô cớ khiến cho mọi người xung quanh cũng chịu áp lực nặng nề. Loại hành vi này kỳ thực do cái tâm đã bị sự ghen ghét và nghi kỵ che lấp, dẫn đến tạo ra những sự việc mất đi lý tính, thật là ngu si quá!. Có một lần, Nhan Uyên đang nấu cháo cho Khổng Tử, nhền nhện trên trần nhà đột nhiên rơi xuống làm dơ nồi cháo. Thế là Nhan Uyên dùng cây muỗng canh múc nó ra nếm thử xem nó thế nào, nhưng không may đúng lúc đó Khổng Tử đang đứng sau lưng ông ta, nhìn thấy cách làm này liền nói một cách không vui: “Ai da, học trò Nhan Uyên này lẽ nào mà không hiểu được sự lễ nghĩa kính thầy hay sao?” Khổng Tử đem việc này nói với học trò Tử Lộ, Tử Lộ tánh khí nóng nảy rất xấu, lập tức chạy đi tìm Nhan Uyên hỏi cho ra lẽ. Đợi Nhan Uyên giải thích rõ ràng nguyên do thì tâm của Tử Lộ mới bình tĩnh trở lại, quay về nói rõ cho Khổng Tử nghe, Khổng Tử liền tập hợp các đệ tử lại và dạy rằng: “Khổng Khâu ta đây chính mắt nhìn thấy Nhan Uyên ăn vụn cháo còn không đúng, huống hồ chi ngày thường các đệ tử nghe được những chuyện bàn luận thị phi trên đường phố, làm sao mà có thể đúng được chớ?” Con người chúng ta đáng lẽ ra phải sống những tháng ngày vui vẻ, nhưng ngược lại chúng ta chỉ vì việc nhỏ nhặt tạo ra phiền muộn, buồn rầu cho chính mình, không có khoan dung tha thứ cho người khác, chỉ là muốn sửa đổi người khác mà lại không muốn phản tỉnh con người của chính mình. Do đó, sẽ ôm sự hối tiếc suốt cả cuộc đời, bị đọa lạc theo nghiệp lực.

10.3. Bình giảng:

Trong cuộc sống đời thường hằng ngày, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp ghen ghét, nghi kỵ với nhau. Tâm ghen ghét, nghi kỵ là một tâm xấu ác ở trong chúng ta. Sở dĩ có tâm này là do chúng ta chấp ngã, thêm vào đó là bệnh tự tôn. Chính vì chúng ta chấp ngã, tự tôn, luôn cho mình là trên hết, là tốt nhất, tuyệt hảo nhất; nếu như có ai hơn mình một chút thì trong lòng của mình hoàn toàn không bằng lòng một chút nào, luôn luôn tỏ ra thái độ ghen ghét, nghi kỵ. Sự ghen ghét, nghi kỵ này thông thường xảy ra trên các mặt như: Địa vi, quyền lực, học vấn, danh tiếng, tiền bạc, nhan sắc, tài năng, v.v… Khi chúng ta để tâm nghi kỵ, ghen ghét này làm chủ tâm mình, chúng ta sẽ luôn sống trong sự bất an, bực tức. Thiết nghĩ, trong cuộc sống, chúng ta chỉ vì lòng muốn hơn người khác mà bất chấp những thủ đoạn chỉ trích, phê bình, hạ uy tín, danh dự, gây ra sự mất hòa khí, chia lìa tình cảm tốt đẹp lẫn nhau. Trên thực tế, nếu xét về phước báo và tài năng, chúng ta lại thua kém xa người ta. Qua đây, phần nào cũng cho thấy được tâm ghen ghét, nghi kỵ rất nguy hiểm cho cuộc sống tu hành của chúng ta nói riêng và của mọi người trên thế gian nói chung. Nếu người nào không thoát khỏi được tâm ghen ghét, nghi kỵ này thì ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) sẽ mở ra, không biết ngày nào sẽ kéo mình đi xuống. Để chế ngự tâm đố kỵ, ghen ghét này, đòi hỏi chúng ta phải mỗi ngày tu tập chánh niệm, theo dõi, kiểm soát diễn biến nội tâm. Chúng ta đừng để tâm ghen ghét, nghi kỵ khởi phát trong một phạm vi gần hay là phạm vi xa. Chúng ta cố gắng huân tập như vậy cho tới khi nào chúng ta thấy sự thành công của người khác thì xem như đó là sự thành công của chính mình xem niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Để diễn tả ý này, trong bài Khấn nguyện, tác giả Chân Quang nói:

“… Xin cho con sung sướng,

Khi thấy người thành công,

Hoặc gây tạo phước lành,

Như chính con làm được …”.[ 15, 390 ]

Tóm lại :

Quả thật tâm ghen ghét, nghi kỵ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta phải một mặt thương yêu mọi người một cách chân thành, lúc nào cũng mong mọi người hơn mình. Mặt khác, chúng ta phải biết “Phản quan tự kỷ” để thấy được cái sai trái, lỗi lầm của chính mình để sửa chữa, khắc phục cho tốt lên. Nếu chúng ta kiểm soát, làm chủ được tâm ghen ghét, đố kỵ này, không những đạo đức của ta ngày một thêm lớn, cuộc sống được an vui hạnh phúc, mà còn tạo nền tảng vững chắc tiến lên con đường giải thoát.

11. BÀI 11.

11.1.Nguyên Văn Chữ Hán.

認識無常

認識生死輪迴的本質﹐是學佛非常根本且重要的體認 。

生死從何而來﹖由眾生的起心動念而來。我們起了一個念頭﹐內心就凝聚一股力量﹐讓人無時無刻不去想它﹔好比說一個人執著金錢﹐出門時﹐心底就惦記著它﹐整天擔心被偷﹑被搶﹐或者盤計著如何聚集更多才富。畏懼死亡也是一樣﹐走在路上﹐遠遠地就好像感覺前方擺了一副棺木﹐非得繞一大圈的路來閃躲它不可。

心中的執著斷不了﹐就無法明心見性﹐那面對生死﹑輪迴時﹐自然也將處於恐懼邊緣。

學佛的人﹐應學習以平常心來看待無常與輪迴。

永嘉玄覺禪師曾說﹕「生死事大﹐無常迅速。」無常有一天一定會到來﹐因為這是生命的實相﹗面對死亡﹐就要有我必會死的認知﹐佛說﹕「生者必滅﹐會者必離﹐盛者必衰。」如此觀想﹐早日採取解決死亡的決心﹐才能深入體悟佛法的真義﹐獲得解脫。

死亡者不是涅槃的等義詞﹐解脫是指當下無煩無惱﹐不是人死了雙眼一閉﹑雙腿一蹬﹐才叫做解脫。

一個人透過體驗無常和觀照緣起﹐自然了解人生的種種變化﹐事實上﹐只不過是一個過程的生住異滅﹐有時雖很美好但也是不能持久﹔有時雖然痛苦﹐但時間總是會過去的。所以﹐不要害怕無常到來﹐因為「無常」是人生最好的啟示﹐它讓我們在變化多端的環境中﹐能升起智慧的觀照。

因此﹐學佛不只是對死亡的寄託﹐也不僅是死了以後能夠往生西方極樂世界而已。聽聞佛法的目的﹐也包含開啟智慧﹐正確地去看待人生。

11.2. Dịch nghĩa:

Nhận Biết Sự Vô Thường

Nhận biết bản chất của sinh tử luân hồi là sự thể nhận rất căn bản và quan trọng của người học Phật. Sinh tử do đâu mà có?, do chúng sanh khởi tâm động niệm mà có. Chúng ta khởi lên một niệm, trong lòng sẽ tụ lại làm sức mạnh, làm cho chúng ta không có lúc nào không nghĩ đến nó, như nói, có một người tham chấp tiền bạc khi ra khỏi nhà, trong thâm tâm của người này sẽ nhớ nghĩ về nó, suốt ngày cứ lo lắng sợ bị ăn cắp, bị cướp lấy, hoặc giả tìm cách suy nghĩ tính toán làm thế nào đó để có được nhiều tiền của. Sự lo lắng này cũng giống như sợ cái chết vậy, khi đi ở trên đường, xa xa nhìn thấy phía trước đặt một cái quan tài, trong lòng liền nghĩ phải tìm con đường khác đi để tránh gặp quan tài này. Sự vướng mắc ở trong lòng của chúng ta một khi chưa trừ bỏ thì không thể nào minh tâm kiến tánh được. Khi đối diện với sự sinh tử luân hồi, ta vẫn luôn ở trong sự sợ hãi lo âu. Người học Phật nên học dùng cái tâm bình thường để nhìn sự luân hồi ,vô thường. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác đã từng nói: “Sinh tử là việc lớn, sự vô thường đến rất nhanh”. Có một ngày nào đó, vô thường nhất định sẽ đến với cuộc sống chúng ta, bởi vì nó là thực tướng của cuộc đời. Khi đối mặt với cái chết, ta phải có sự nhận thức rằng mình ắt phải chết. Đức Phật nói: “Có sinh ắt phải có tử, có hợp ắt phải có tan, có thạnh ắt phải có suy”. Nếu chúng ta biết quán chiếu theo lời dạy đó thì vấn đề sinh tử sớm muộn gì cũng được giải quyết, từ đó mới có thể thâm nhập và ngộ được ý nghĩa chân thật của Phật pháp, đạt được sự giải thoát. Cái chết không phải là nghĩa của Niết-bàn, giải thoát là để chỉ ngay tại đây không còn phiền não chứ không phải để chỉ người chết, hai mắt nhắm lại, hai chân buông xuôi thì gọi là giải thoát. Một người xuyên qua sự thể nghiệm vô thường và quán chiếu giáo lý duyên khởi, tự nhiên hiểu được sự thay đổi không ngừng của kiếp người. trên thực tế, đó chỉ là một quá trình sinh, trụ, dị, diệt. Có khi ta thấy có những cái tốt đẹp nhưng cũng không tồn tại lâu dài, có khi tuy bị khổ đau nhưng thời gian thế nào rồi cũng trôi qua. Cho nên, chúng ta không cần phải sợ hãi sự vô thường xảy đến, bởi vì, vô thường là sự khai thị tốt nhất của cuộc đời. Nhờ có vô thường mà làm cho hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta luôn luôn biến đổi, có thể giúp cho sự quán chiếu về trí tuệ dược thăng tiến. Do vậy, người học Phật pháp không phải là sự gởi gấm đối với cái chết, cũng không chỉ là sau khi chết vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc mà thôi .Trái lại, mục đích của việc lắng nghe Phật pháp là để khai mở trí tuệ, nhìn nhận, đối xử với cuộc đời cho chính xác.

11.3. Bình giảng:

Vô thường là một trong tam pháp ấn (Vô thường, Vô ngã, Niết-bàn) được chính kim khẩu của Đức Phật nói ra. Ở bài này, tác giả Huệ Lực chỉ trình bày về pháp ấn đầu tiên là Vô thường. Vô thường là một quy luật, một sự thật của cuộc đời. Nó có mặt ở trong tất cả mọi sự vật, hiện tượng (hữu vi, vô vi). Chúng sanh do không thấu triệt được quy luật vô thường này nên cho rằng vô thường là thường. Do nhận thức sai lầm này, chúng sanh phát khởi lên tâm chấp ngã, chấp pháp. Chẳng hạn như: mong muốn cho mình được trẻ mãi không già, không chết, mong muốn tất cả mọi thứ tốt đẹp tồn tại mãi ở bên mình. Nhưng sự mong muốn này không diễn ra theo ý muốn nên họ bị đau khổ triền miên. Trong lịch sử trên thế giới, chúng ta thấy có những vị vua chúa vì muốn sống mãi với triều đại, sự nghiệp của mình nên sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Cuối cùng, không có ai tìm được nên vua bị đau khổ cho đến chết, hoặc giả khi mọi người thấy mình già một chút cũng buồn, v.v… Ở trong bài này, tác giả đã dùng một ví dụ rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa để chỉ sự bất an lo sợ khi một người nhìn thấy xác chết của người khác. Đó là một người khi đi trên đường bỗng gặp một quan tài người chết, trong lòng của họ rất sợ, không dám đi thẳng trên con đường có quan tài. Trái lại, họ tìm con đường khác để đi tránh. Sở dĩ họ làm như vậy là sợ mình bị chết. Khi họ nhìn thấy cái chết giống như nhìn thấy một hung thần vậy. Sự thật cái chết là một quy luật của con người, ai cũng phải đi qua theo chu trình sinh, lão, bệnh, tử. Do chúng sanh không hiểu được quy luật này, hay nói cách khác, chúng sanh không hiểu được quy luật vô thường nên luôn bị lo âu, đau khổ sanh tử luân hồi mãi không dứt. Để dứt khỏi công lệ ấy, Tác giả đã dạy cho chúng ta cách nhận thức sự vô thường cho đúng quy luật. Theo tác giả, vô thường đó là một quy luật “Có sinh là có tử, có hợp phải có tan”. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

“Các hành điều vô thường,

Đó là pháp thịnh suy.

Đã sinh thì phải tử,

Tịch diệt là an vui”. [14, 2 –3 ]

Chính vì vậy, chúng ta phải dùng tâm bình thường để xem xét diễn tiến sự vật theo quy luật (sanh, trụ, dị, diệt) hoặc (thành, trụ, hoại, không). Một khi ta đã hiểu rõ về quy luật vô thường thì ta sẽ chuyển tâm từ khổ đau sang tâm an vui tự tại. Bởi lẽ, vô thường là đăc tính đích thực của các pháp, nếu không có vô thường thì không có sự sống. Ví dụ như: Nếu hạt lúa mà thường tại thì nó không bao giờ trở thành cây lúa được cả. Chính nhờ sự vật là vô thường nên ta có thể tu hành, chuyển đổi tâm tham, sân, si, phiền não sang tâm an vui, giải thoát, Niết-bàn, v.v… Nếu sự vật là thường thì sẽ không có sự sống, hạt lúa vẫn là hạt lúa không thể trở thành cây lúa, phiền não vẫn là phiền não không thể trở thành giải thoát Niết-bàn được.

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật dạy như sau:

“Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc

Dịch nghĩa:

“Các hiện tượng đều vô thường

Đều là pháp sanh diệt

Pháp sanh diệt mất đi rồi

Sự yên lặng là niềm vui chân thật”. [ 9,15 ]

Tóm lại :

Vô thường là một quy luật thực tại, dù muốn hay không, chúng ta vẫn sống theo quy luật ấy. Nhưng nhận thức được quy luật này không phải là một chuyện đơn giản. Bởi lẽ, vấn đề này nó đòi hỏi hành giả phải tinh tấn chánh niệm, quán chiếu sự vật trong từng sát na. Quán chiếu như vậy để chúng ta thấy được tính vô thường của sự vật. Khi thấy được rồi, không phải để chúng ta than thở rằng vạn vật là vô thường, không có gì đáng lưu tâm, thôi đừng làm gì nữa cho khỏe. Đó là nhận thức sai lầm rất lớn về vô thường. Sự thật, vô thường nó là một cơ hội cho sự sống và sự chuyển hóa, nhờ vô thường mà chúng ta có thể thực hiện được mọi tự do. Chúng ta có thể làm cho khổ trở thành vui và có thể thay đổi được tình trạng xã hội.

2.12. BÀI 12.

12.1.Nguyên Văn Chữ Hán.

安住心性

佛法最重視「悟」﹐不悟的人就像經典所講的「煮沙成飯」﹐那麼修行無量阿僧祇劫也不會成佛。

沒有悟的人﹐怎麼講都不對﹔悟的人﹐怎麼講都對﹐都能事理圓融。法的東西﹐就是如此﹐除非自己嘗到法的喜悅﹐悟到空性、無生的道理﹐否則﹐是無法徹底瞭解。如果﹐在每一個事相的動點上﹐都能與理體相應﹐那麼﹐一切都能化成自性清淨心。

簡單來講﹐悟道的人﹐在每一個動點上﹐都會覺得很有意義﹐不管洗廁所﹑撿菜﹐或者別人批評他、讚歎他。因為他用的是真心﹐不是生滅的意識心﹐所以﹐面對一切境界﹐都能如如不動﹐安住在無量的喜悅與安祥當中﹐對生命有了主宰﹐我們就成為最會享受生命的人。

「不懂生命的人﹐生命對他來說﹐是一種懲罰。」眾生就是這樣﹐因為無法透視世間無常﹐追求五欲峙﹐感覺很快樂﹔可是快樂一過﹐就是更大的空虛。不懂得無常﹐當然更不懂得空。整天顛顛倒倒﹑反反覆覆、煩煩惱惱﹐如果講他﹐他還會編織一大堆理由﹐所以佛說眾生是「可憐憫者」。

還有的人﹐認為「生命是無常﹐佛性是常」﹐這是很嚴重的錯誤﹔這是所謂的「自性見」。佛性是常﹐就成了一潭死水﹐沒辦法轉凡成聖、轉煩惱為菩提。佛性如果是無常﹐則又成了生滅的世間法﹐無法進入大般涅槃的境界。

安住心性﹐理體與事相必須配合﹐所以﹐佛門最重視「悟」的工作﹐不悟就會落入自性是「常」或「無常」的邏輯思辨之中﹐而成為知見﹐這些東西與是了不相干的﹐這是我們必須了解的。

12.2. Dịch nghĩa:

An Truỳ Tâm Tánh

Phật pháp xem trọng nhất là Ngộ. Trong kinh nói, người không ngộ giống như kẻ muốn “Nấu cát thành cơm”. Thế thì cho dù tu hành trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp cũng không thể thành Phật. Người chưa ngộ đạo nói thế nào cũng không đúng, còn người đã ngộ đạo dù nói thế nào đi nữa cũng đúng , sự lý được viên dung. Phật pháp chính là như vậy. Trừ khi tự mình cảm nhận được niềm vui của pháp, ngộ được đạo lý tánh không, vô sanh, nếu không thì không thể hiểu thấu. Nếu ở trên mỗi sự tướng đều có thể tương ưng với lý thể thì tất cả đều có thể biến thành tự tánh thanh tịnh trong sáng. Nói đơn giản là người ngộ đạo cho dù rửa nhà xí, hái rau hoặc giả bị người khác phê bình hay là khen ngợi, ở ngay nơi mỗi sự việc đều cảm thấy rất có ý nghĩa, Bởi vì cái tâm mà anh ta sử dụng là chân tâm chớ không phải là tâm ý thức sanh diệt. Cho nên, khi đối diện với tất cả những hoàn cảnh, tâm của anh ta như như bất động, đã an trụ trong niềm vui vô lượng và hạnh phúc. Khi làm chủ đối với cuộc sống thì chúng ta sẽ trở thành người hưởng niềm vui cuộc đời trọn vẹn nhất. Người mà không hiểu cuộc đời thì cuộc đời đối với anh ta mà nói là một sự trừng phạt. Chúng sanh là như vậy đó. Bởi vì họ không thấu hiểu được thế gian là vô thường, cho nên, khi tìm cầu ngũ dục, cảm thấy rất là vui, nhưng niềm vui vừa trôi qua thì sự trống vắng lại càng lớn. Vì không hiểu được vô thường, đương nhiên càng không hiểu được đạo lý tánh không. Suốt ngày bị điên đảo, dối trá, buồn phiền, nếu nói tới anh ta thì sẽ có một đống lý do. Cho nên, Đức Phật nói: “Chúng sanh là người đáng thương xót”. Còn có người cho rằng:”Cuộc đời là vô thường, Phật tánh là thường trú”, đây là sự sai lầm rất nghiêm trọng, đó là kiến chấp về tự tánh. Nếu như chấp Phật tánh là thường hằng thì sẽ trở thành ao nước chết, không cách nào chuyển phàm phu thành Thánh, chuyển phiền não trở thành Bồ-đề. Nếu chấp Phật tánh là vô thường thì sẽ trở thành pháp thế gian sinh diệt, không thể nào tiến vào cảnh giới Đại bát Niết-bàn. An trụ tâm tánh, lý thể và sự tướng cần phải phối hợp với nhau. Cho nên, nhà Phật xem trọng nhất là Ngộ đạo. Nếu người không ngộ đạo sẽ rơi vào trong kiến chấp của suy nghĩ logích tầm thường, cho rằng tự tánh là thường hoặc vô thường.Những lối kiến chấp ấy chẳng dính dáng gì ở đây. Đây là điều mà chúng ta cần phải hiểu rõ tự tánh vốn thanh tịnh.

12.3. Bình giảng:

Suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho chúng sanh giác ngộ, giải thoát. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: “ nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, do đó đều có thể giác ngộ thành Phật. Sở dĩ chúng sanh không giác ngộ được cái Phật tánh của mình là vì bị vô minh, phiền não trần lao che lấp, nên chúng sanh lầm tưởng vô thường là thường, rồi sinh tâm chấp ngã, chấp pháp, chạy theo ngoại trần như danh lợi, tình ái, ngũ dục, v.v… Rồi đến cuối cùng, thân hoại mạng chung bị chìm đắm trong vòng luân hồi sanh tử. Vậy để thấy được Phật tánh giác ngộ, thanh tịnh sẵn có xưa nay nơi chính mình, đòi hỏi tự thân của mỗi người chúng ta phải nỗ lực tinh tấn tu hành suốt cả một quá trình dài. Chúng ta tu cách nào cũng được trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, miễn sao chúng ta khắc phục được phiền não, xóa tan dần màn vô minh, an trụ nơi chính tự tâm của mình, làm chủ tâm tánh của mình. Có như vậy, cánh cửa trí tuệ giác ngộ dần dần mở ra. Đây quả là một thành quả đáng quý, rất trân trọng đối với những hành giả tu hành. Sở dĩ nói như vậy là trong mỗi người chúng ta đây, ai cũng có mục đích hướng đến là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Phật là gì? Phật là chỉ cho sự giác ngộ, trí tuệ viên mãn. Nếu ta chưa giác ngộ, chưa có trí tuệ, cho dù có giảng kinh, thuyết pháp giỏi thế nào đi nữa cũng chỉ là lý thuyết suông, đem lợi ích đến người nghe không nhiều. Hơn nữa, chúng ta vẫn còn các pháp thế gian như: Khen, chê, hơn, thua, v.v… chi phối, gây khổ đau. Ngược lại, nếu hành giả giác ngộ, trí tuệ viên mãn thì những lời của họ nói ra cho dù là những vấn đề không thuộc phạm vi của Phật pháp, như : nghề nghiệp, chính trị, kinh tế v.v… nhưng đều trở thành Phật pháp cả, đều đem lại lợi ích cho người nghe. Bởi vì họ đã vượt thoát khỏi tam giới khổ đau, tâm của họ đã trụ nơi tâm tánh, tâm như như bất động, không còn bị dao động chi phối bởi sự khen chê, thị phi của thế gian thường tình. Một khi ý thức đã giác ngộ rồi thì hành giả sẽ không còn rơi vào sự phân biệt nhị nguyên của ý thức thế gian về “Thường – vô thường”, Niết-bàn – khổ đau”, v.v… . Cái thấy của hành giả là cái thấy trên tự tánh thanh tịnh, cái thấy bằng trí tuệ .

Tóm lại :

An trụ nơi tâm tánh chính là chúng ta trở về nơi tánh giác ngộ, tánh Phật vốn có của chính mình. Tâm tánh này từ xưa đến nay, nó vẫn trong sạch thanh tịnh. Do chúng ta bị vô minh, phiền não che lấp mà không thấy được nó. Một khi đã thấy được tánh giác ngộ của mình rồi, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi tất cả các hý luận tục đế, chân đế, không còn chấp vào nghĩa có và nghĩa không, Niết-bàn và sinh tử. Nói theo kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Lúc này, tâm hành già hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh, tỉnh giác, không có một niệm phân biệt khởi lên.

KẾT LUẬN

Là một hành giả đang đi trên con đường tu học giải thoát, do đó chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tế tu tập. Qua mười hai bài trích dịch và bình giảng trên, ta thấy rằng Tác giả- Pháp sư Huệ Lực đã khéo léo kết hợp đầy đủ lý thuyết và thực tế để giảng giải, nhằm đưa học giả tu hành tiến lên bờ giải thoát, xóa tan đi những phiền não, vô minh chấp ngã, pháp pháp, làm thế nào để sống giữa cuộc đời phồn hoa đô hội mà vẫn không cấu nhiễm, tỏa ngát mùi thơm, an nhiên tự tại, đúng như bài kệ Pháp Cú sau đây ca ngợi:

“Hoa thơm hay cỏ lạ,

Không ngược gió xong hơi,

Người đức hạnh gần đạo,

Hương tỏa khắp muôn phương”. [ 14,124 –125 ]

Bản nguyên tác Hán ngữ “Tìm về sự thanh tịnh nội tâm của chính mình” được viết bằng giọng văn rất điêu luyện, với nhiều thành ngữ sâu sắc, cô đọng. Phong cách hành văn hiện đại, trong sáng và tinh tế, nghiêm trang nhưng vẫn đan xen đôi nét hóm hỉnh. Cách lập ngôn của tác giả có tính cách gợi ý và sinh động nhằm giúp độc giả tu hành phá bỏ những kiến chấp sai lầm, để thấy được tự tánh thanh tịnh không thay đổi xưa nay của chính mình. Hơn nữa, ưu điểm của quyển sách này là đã diễn tả được những ý tưởng cốt lõi của Đạo Phật về tâm thức và về đời sống hiện thực của con người, đồng thời nêu ra phương pháp vận dụng những ý tưởng đó vào việc tu tập bản thân và những mối quan hệ cụ thể trong xã hội, với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Như vậy, những vấn đề trong quyển sách này đề cập đến đều rất hiện thực. Mỗi người có thể tự mình chiêm nghiệm, tự mình nhận định, chọn lọc những bài pháp trong cuốn sách phù hợp với căn cơ và trình độ của mình để áp dụng vào đời sống và tu tập theo, gốp phần làm lợi lạc cho tự thân và cho xã hội.

Ngoài ra, trong tác phẩm này, tác giả đã trích dẫn nhiều câu nói của các đạo khác như: Nho giáo, Đạo giáo… có ý nghĩa tương đồng với giáo lý Phật. Mục đích của tác giả một mặt là để so sánh, nói lên sự gặp nhau giữa các tư tưởng lớn; mặt khác góp phần làm sáng tỏ vấn đề được trình bày, giúp người đọc dễ hiểu tư tưởng của đạo Phật hơn.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 490)
Việt nam là một đất nước thuộc vùng Đông Nam Á, vừa tiếp cận với lục địa Châu Á, vừa chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn nhất thế giới đó là Ấn Độ và Trung Hoa, đồng thời nước ta còn có nền văn minh bản địa thường được gọi là văn minh Lúa nước hoặc văn minh Sông Hồng. Sự giao thoa của hai nền văn minh trên cộng với nền văn minh bản địa đã tạo nên một sắc thái đặc biệt để cho ra đời một nền văn minh độc đáo và phong phú.
08/04/2013(Xem: 469)
Thế giới con người là một hỗn hộp của các bản chất không giống nhau có kẻ thích thụ hưởng, có kẻ đam mê vật chất tiền tài, danh lợi, nên có những hạnh nghiệp khác nhau tùy sở thích của mỗi chúng sanh, Đạo Phật gọi là Thiện – Ác.
08/04/2013(Xem: 532)
Trong đạo Phật, tu học là làm sao để cho bản thân chúng ta ngày mỗi trở nên an lạc hơn và thánh thiện hơn. Một ngày tu học đúng pháp sẽ giúp ta thấy rõ mình hơn, thấy rõ những người xung quanh hơn và làm cho đời sống của ta có ý nghĩa hơn. Một thi hào người Tây Phương có câu : “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” cái biết ấy nếu chúng ta đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày thì mọi việc sẽ trở nên thông suốt tốt đẹp “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.
08/04/2013(Xem: 2112)
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên dưới hai ngàn năm. Giáo lý đạo Phật đã ăn sâu, hội nhập vào các mặt sinh hoạt trong đời sống nhân dân từ tư tưởng văn hóa đến chính trị xã hội. Trải qua nhiều thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần Đạo Phật có lúc được xem là quốc giáo của dân tộc.
08/04/2013(Xem: 679)
Đời sống quốc gia với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu thiên nhiên đã tạo cho Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là một Ấn Độ có những rừng núi thâm u , tục gọi là Lục địa xanh (Pays blues) đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm nhất trong lịch sử nhân loại.
08/04/2013(Xem: 497)
Nhận được quyết định của Hội Đồng Điều Hành Học Viện, mỗi Tăng, Ni sinh phải trình bày một đề tài mà mình tâm đắc nhất trong suốt bốn năm chuyên tâm cầu học, từ những chư vị Giáo thọ sư nhiệt tình truyền dạy, sao lòng hân hoan và lo ngại quá. Hân hoan vì đây là điều kiện tốt nhất để đánh giá thành quả trong 4 năm chuyên tâm cầu học từ những
08/04/2013(Xem: 494)
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống Văn hoá- Lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua ngôn ngữ, con người đã thông tư tưởng với nhau, hiểu được các ý chỉ muốn trình bày.
08/04/2013(Xem: 538)
Chuyện kể rằng: Có một người phụ nữ ôm xác con đến tìm Phật, mong người cứu sống. Phật bảo: Bà hãy đi xin một hạt cải của nhà nào không có người chết đến đây ta sẽ giúp bà. (Điều dĩ nhiên mà ai cũng hiểu đã có sinh ắt có tử, thì gia đình nào mà không có người đã chết hoặc già, hoặc trẻ).
08/04/2013(Xem: 554)
Đạo Phật được truyền vàoViệt Nam từ thế kỷ đầu Kỷ nguyên Dương lịch, nhưng Phật Giáo thật sự hội nhập vào cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III. Trải qua thời gian hội nhập và ổn định, đến thế kỷ X-XIV Phật Giáo phát triển cực thịnh. Cùng với sự thăng tiến của đất nước qua các thành quả dựng nước và giữ nước, Phật Giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và đóng vai trò chủ đạo trong mọi sinh hoạt của Đại Việt lúc bấy giờ.
08/04/2013(Xem: 2010)
Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567