Luận văn tốt nghiệp |
TINH THẦN NHÂN BẢN QUA KINH "PHỔ THUYẾT TỨ SƠN" CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG
Thích Nguyên Nhẫn
1/ Giới thiệu tổng quát.
Trong thế giới chúng ta, con người không chỉ là vốn quý nhất của xã hội, mà còn là sản phẩm đẹp nhất của tự nhiên. Trong quá trình vận động phát triển, con người biết tạo ra văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần mang lại nét tươi sáng cho cuộc đời này.
Phật giáo từ khi du nhập, tồn tại và gắn liền với dân tộc Việt nam hơn 20 thế kỷ. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử nước nhà, Phật giáo với tinh thần từ bi, bình đẳng… đã ăn sâu vào trong nếp sống, lối tư duy của người dân trở thành những giá trị tinh thần vô giá, góp phần tạo nên nét đặc sắc của nền đạo đức dân tộc và văn hoá tâm linh con người Việt nam. Đặc biệt Phật giáo thời Lý-Trần, những bậc Thiền sư; Phật tử cư sĩ xuất hiện và không ngừng đóng góp cho kho tàng văn học nước nhà những áng văn thơ bất hủ, chứa chan hồn thiêng dân tộc, thấm đượm hương sắc thiền học tinh hoa trí tuệ, và hơn hết là đầy tính chất nhân bản.
Ngày nay lật lại trang lịch sử cũ, người ta chỉ biết nhắc nhở đến những chiến công oanh liệt của Đức Thánh Trần, ít có người tự hỏi vì đâu mà có những trang sử hào hùng, suối văn học vẻ vang đậm đà tinh thần nhân bản như vậy. Hẳn rằng không ai có thể phủ nhận công lao của chư vị Thiền sư thời đại Phật giáo Lý-Trần. Chúng ta chỉ cần lật đọc lại những trang lịch sử Phật giáo Việt nam và Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông thì liễu tri, tường tận những vấn đề sinh, già, bệnh, chết của kiếp người qua tác phẩm “Phổ Thuyết Tứ Sơn”. Tác phẩm là lời tâm sự thiết tha của Nhà vua Thiền sư về vấn đề sanh tử của kiếp người.
Chúng ta không còn khó hiểu về tinh thần nhân bản và bình đẳng của Phật giáo đã được một nhà vua vừa anh dũng, vừa nhân từ toát yếu trong lời văn. Đó là cả một đời sống thực tiễn tâm linh về tinh thần Phật giáo, không phải mỹ từ suông. Tinh thần Phật giáo sẳn có cả một sức mạnh tích cực, luôn luôn dung hoà; phối hợp trên phương diện quy luật vô thường đối với hiện thực thân thể của một con người. Trần Thái Tông đã thực hiện tinh thần ấy vào cuộc đời nhập thế và xuất thế. Ngài đi tìm ý nghĩa của sự sống, giải thoát quy luật sanh tử khổ đau của kiếp người.
2/ Lý do chọn đề tài.
Với một đề tài mang tính văn học Phật giáo thuần tuý, cả vấn đề sanh tử của con người, người viết mạo muội chọn lấy đề tài trên làm Luận văn tốt nghiệp cho mình. Đề tài tuy không đơn giản trong việc tham khảo và tìm tòi tư liệu, nhưng nó vẫn là một chủ đề ăn sâu trong tiềm thức con người, đặc biệt là những người ngưỡng mộ Phật giáo nói chung và Phật giáo Lý-Trần nói riêng. Kiến thức hiểu biết của người thực hiện còn hạn chế, nên không thể nào tránh những sai sót, nhầm lẫn trong khi viết dù hết sức cố gắng. Kính mong quý Ân sư niệm tình hoan hỷ chỉ giáo để người viết rút ra những sai sót và thừa hưởng bài học kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho bước đường sau này. Hy vọng chọn đề tài này là dịp tốt cho người viết trình bày những sở kiến của mình trước một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ.
3/ Phạm vi nghiên cứu và phương pháp thực hiện.
Thơ văn Lý Trần tập II là quyển sách tối quan trọng góp phần cho người trình bày thấu rõ được nguồn gốc âm, nghĩa, dịch thơ tác phẩm Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông. Đặc biệt bài thơ “Phổ thuyết tứ sơn” được trình bày và giải thích rất rõ ràng. Người trình bày chọn bản dịch của Học giả Nguyễn Đăng Thục làm dẫn chứng, ngoài ra còn tham khảo nhiều bản dịch và tài liệu có liên quan đến đề tài.
Để cho Tinh thần nhân bản qua “Phổ thuyết tứ sơn” được nổi bật, toát yếu được nội dung Phật giáo, phục vụ cho cuộc sôáng nhân sinh; người thực hiện sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích. Phương pháp này nhằm tạo sự hài hoà trong nhận định với khoa học và biện chứng. Bởi vì, tổng hợp là có cái nhìn chung về tác phẩm, tác giả hoặc nhiều tác giả; tác phẩm khác có liên quan đến đề tài. Phân tích là đi sâu vào chi tiết để tìm ra những tư tưởng, nghệ thuật thẩm mỹ qua một số đoạn văn; câu thơ. Trong lúc trình bày, người viết còn sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu, liên hệ giữa thơ văn và thực tiễn; giữa tư tưởng và nghệ thuật. Trong việc đánh giá tư tưởng chủ yếu lấy tư tưởng Phật giáo và tư tưởng dân tộc để làm tiêu chuẩn. Người viết liên hệ biện chứng giữa giá trị tinh thần nhân bản theo một cách nhìn kết hợp thiền và văn học.
CHƯƠNG 1: TÓM TẮT TIỂU SỬ TRẦN THÁI TÔNG
1. Thân Thế.
Vua Trần Thái Tông là một người đã khai sáng ra một triều đại oanh liệt của dân tộc, một vị vua anh minh, một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự thiên tài của đất nước, đã cùng với Trần Thủ Độ đặt nền móng cho sự ra đời của triều đại nhà Trần, mở đầu một giai đoạn lịch sử vẻ vang, với những chiến công hiển hách của dân tộc. Đồng thời cũng là một vị anh hùng dân tộc có công bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông. Mặt khác, vua Trần Thái Tông còn là một nhà văn; nhà thơ, có những đóng góp to lớn cho lịch sử tư tưởng và Văn Học Việt Nam nói chung, cho Phật giáo nói riêng.Thái Tông là một trong những tác giả đầu tiên của Văn Học Việt Nam trong triều đại nhà Trần và nhiều tác phẩm được bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Đó cũng là một tài sản vô giá cho những ai quan tâm nghiên cứu lịch sử dân tộc thời đại nhà Trần. Cuộc đời của Trần Thái Tông trãi qua mấy trăm năm được nhiều sử sách ghi lại, mà khởi đầu là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Trong phần Bản kỷ của ĐVSKTT 5 tờ 1a3-b4, đã viết thế này:
“Vua Trần Thái Tông họ Trần, tên Cảnh, tên cũ là Bồ, là chi đầu chính của triều Lý, nhận Chiêu Hoàng nhường ngôi, tại vị 33 năm, thoái vị 19 năm, thọ 60 tuổi, mất ở cung Vạn Thọ, chôn tại Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, nên có thể mở nghiệp truyền sau, đặt giường giăng mối cho chế độ nhà Trần vĩ đại. Song quy hoạch việc nước đều do Thủ Độ làm, chốn buồng the có nhiều điều hổ thẹn.
Xưa đời trước của vua là người Mân (có chổ nói là người Quế Lâm) có người tên Kinh đến ở hương tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, mẹ là họ Lê, sinh vào ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 (1218). Vua mũi cao, mặt rồng giống như Hán Cao Tổ. Lúc lên 8 tuổi làm Chi Hầu Chính Chi Ưùng Cục triều Lý, có chú họ là Trần Thủ Độ làm Tiền Chỉ Huy Sứ, Vua nhân thế được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy vua thì thích. Ngày 12 Mậu Dần tháng 12 mùa Đông năm Ất Dậu, nhận Chiêu Hoàng nhường vị, lên ngôi Hoàng Đế, cải nguyên là Kiến Trung”.
2. Sự Nghiệp.
Trần Thái Tông lên ngôi Hoàng Đế ngoài ý muốn của mình và dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ buộc vua phải cưới Chiêu Hoàng làm vợ. Từ đó, Triều đình do nhà Trần lãnh đạo, đứng đầu là Trần Thủ Độ vì vua còn rất trẻ mới 8 tuổi mà đã được Lý Chiêu Hoàng(cũng 8 tuổi) truyền ngôi. Cho nên, việc nước trong 10 năm đầu do bố là Trần Thừa cùng với chú là Trần Thủ Độ lãnh đạo và đưa ra quyết định. Năm Đinh Dậu Thiên Ứng Chính Bình thứ VI (1237), một sự kiện xảy ra tạo cơ hội cho vua Trần Thái Tông thể hiện tư cách lãnh đạo của mình qua việc tự quyết định mọi công viêc triều chính. Sự kiện năm Thái Tông lên 20 tuổi bị Trần Thủ Độ buộc phải bỏ Lý Chiêu Hoàng(Chiêu Thánh) lấy Công Chúa Thuận Thiên làm vợ. Đây là một cuộc hôn nhân chính trị nhằm chính thống hoá sự chuyển giao quyền hành từ nhà Lý sang nhà Trần. Bởi vì yêu cầu cấp thiết của đời sống chính trị thời ấy đòi hỏi vua Trần Thái Tông phải có con với một người đàn bà thuộc dòng tộc họ Lý, nhằm đảm bảo tính thống nhất của triều đại nhà Trần mới thành lập. Nói cách khác, dù được truyền ngôi nhưng chưa có con, thì việc truyền ngôi ấy vẫn chưa đảm bảo đủ tính chính thống cho triều đại mới. Vì vậy, sau hơn 10 năm sống với nhau hai người đều vượt qua tuổi vị thành niên mà vẫn chưa có con, thì đây là một điều đe dọa tính chính thống của người. Cho nên, ta thấy Thái Sư Trần Thủ Độ đã đưa ra một biện pháp hết sức quyết liệt. Đó là đem Công Chúa Thuận Thiên đang mang thai 3 tháng ra và buộc Trần Thái Tông phải lấy làm vợ. Tại sao lại có yêu cầu về sự chính thống hoá này? Đó là do tình hình quốc tế đang biến động thời bấy giờ, đòi hỏi chính quyền Đại Việt phải có những sách lược để đối phó với tình hình biến động ấy, đồng thời cũng để yên lòng dân và để đoàn kết toàn dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ.
Vua đã kế thừa tư tưởng Phật Giáo đưa vào thành nghệ thuật lãnh đạo chính trị, là phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Thì đó cũng là lần đầu tiên tư tưởng của Phật Giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo. Thực vậy, người lãnh đạo phải biết thủ tiêu ý muốn cá nhân của bản thân mới có thể lấy ý muốn của mọi người làm ý muốn của mình.
Vua Trần Thái Tông ý thức rất rõ ý muốn đó phải là ý muốn gì và tấm lòng đó phải là tấm lòng gì? “Năm Tân Hợi Thiên Ứng Chính Bình thứ XX(1251), tháng 2 mùa xuân cải nguyên là Nguyên Phong thứ I, vua tự thân viết bài minh cho các hoàng thái tử để dạy họ về trung hiếu, hòa tốn, ôn lương, cung kiệm.” [14, 687-688]
Tuy đây là một bài minh viết nhằm cho các hoàng tử, nhưng rõ ràng tấm lòng mà vua Trần Thái Tông muốn cho tất cả mọi người dân Đại Việt. Đó là tấm lòng trung hiếu, hoà tốn, ôn lương và cung kiệm. Ý muốn của thiên hạ là có một cuộc sống ấm no và bình an .Vì thế, từ năm 1236–1258 Thái Tông ngự trị trên ngai vàng mọi tâm lực; trí lực đều nhắm vào mục tiêu an dân.
Để thực hiện mục tiêu một cuộc sống bình an và ấm no cho người dân, vua Trần Thái Tông cùng triều đình đã tiến hành ba chính sách lớn:
Thứ 1: Là chính sách kiện toàn bộ máy nhà nước nhằm làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Thực hiện chính sách này, vua Trần Thái Tông tiếp tục kế thừa; phát huy sách lược dân sự hoá và trí thức hoá bộ máy nhà nước mà từ thời vua Lý Thánh Tông đã đưa vào, thông qua một số biện pháp. Biện pháp một là mở một loạt các khoa thi vào những năm 1227, 1232, 1236, 1239, 1247, 1256. Với mục đích tuyển chọn nhân tài phục vụ cho guồng máy hành chánh. Đồng thời, với việc mở khoa thi để trí thức hoá đội ngũ viên chức nhà nước, thì biện pháp thứ hai là ổn định đời sống nhân dân bằng luật pháp. Ngay khi mới lên cầm quyền, triều đình nhà Trần đã thấy yêu cầu phải đưa hoạt động nhà nước đi vào quy cũ bằng một hệ thống luật pháp. Vua Trần Thái Tông đã kế thừa công tác đưa hoạt động nhà nước theo hướng pháp trị bằng một loạt các sắc lệnh.
Thứ 2: Là thúc đẩy nền kinh tế cơ bản của đất nước phát triển, vào thời ấy là nông nghiệp. Bằng một loạt công trình xây dựng với đỉnh cao như đắp đê Đỉnh Nhĩ. Đây là kế thừa và phát huy chính sách bảo vệ phương tiện sản xuất của thời Lý, nhưng đẩy mạnh dưới thời Trần.
Thứ 3: Là cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Từ những năm đầu cầm quyền, vua Trần Thái Tông đã quan tâm đến vấn đề biên giới phía Bắc và phía Nam tổ quổc. Cùng với việc ổn định biên cương phía Bắc và Nam, vua Trần Thái Tông còn ráo riết tổ chức; tăng cường sức mạnh quân đội nhằm để chuẩn bị đối phó với tình hình chính trị quốc tế. Thời bây giờ chính trị diễn ra hết sức phức tạp, vua Trần Thái Tông đã tiến hành một loạt các biện pháp quân sự nhằm nâng cao khả năng chiến đấu chống quân Nguyên Mông.
Năm 1257 dười sự lãnh đạo tài ba của vua Trần Thái Tông, cùng với sự giúp sức của Thái Sư Trần Thủ Độ và tướng Lê Phụ Trần đã đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi đất nước về bên kia thế giới đem lại sự bình yên cho nhân dân và xã tắc. Nền độc lập của tổ quốc đã được giữ vững, hoà bình đã được tái lập trên đất nước, kéo dài gần 30 năm tạo điều kiện cho Đại Việt phát triển và tăng cường tiềm lực chiến đấu của mình. Đến tháng ba năm Mậu Ngọ(1258), Vua Trần Thái Tông đã truyền ngôi lại cho con mình là Trần Thánh Tông lên làm Thái thượng hoàng.
Nói tóm lại, Trần Thái Tông là một vị vua nhân hậu độ lượng, có thiên tài trong lĩnh vực chính trị, là người mở đầu cho triều đại hùng cường nhà Trần. Ngoài việc an dân trị quốc, Thái Tông còn là một triết gia Phật giáo cỡ lớn. Ngài không những học rộng hiểu nhiều mà có tu có chứng. Đối với xã hội Thái Tông là một người con chí hiếu, một người em thuận thảo, một vị anh hùng dân tộc. Đối với đạo Thái Tông dù đang ở trên ngôi báu, công việc triều chính bận rộn, nhưng lúc nào nhà vua cũng tinh cần; thao thức học hỏi để tìm cầu con đường giải thoát. Ngài thâm nhập lý vô thường của Phật giáo nên đã tự cảnh tỉnh mình, cảnh tỉnh mọi người. Dù đang ở trên địa vị cao nhất mà vẫn không đắm chìm trong thanh sắc, xem ngai vàng như chiếc giày rách muốn bỏ lúc nào cũng được. Thái Tông còn gặt hái được nhiều kết quả tu tập, lãnh đạo chính trị và sáng tác thơ văn. Những sáng tác của Ngài để lại đã đóng góp cho kho tàng văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo những tác phẩm có giá trị lớn, chuyên chở nghĩa lý sâu xa. Bằng những kinh nghiệm của bản thân nên trong tác phẩm của mình, Thái Tông đã dùng những từ ngữ, lời lẽ rất thống thiết, tựa hồ “máu chảy ở đầu bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”. Ngài thực sự là một người hoàn thành xuất sắc cả hai trách nhiệm Đạo lẫn Đời một cách viên dung ngay trong nhân thế.
Vua Trần Thái Tông cũng còn là nhà văn hoá, nhà thơ xuất sắc lẫy lừng trong lãnh vực hoạt động sáng tác, là người đã mở đầu một giai đoạn văn học mới của lịch sử văn học đời Trần. Những tác phẩm đó đã chuyển tải một nội dung tư tưởng với một vẻ đẹp riêng của nó, rất có giá trị cho những ai thích nghiên cứu về Phật giáo đời Trần, hay Phật giáo Việt nam nói chung.
CHƯƠNG 2: TINH THẦN NHÂN BẢN QUA “PHỔ THUYẾT TỨ SƠN”.
1/ Vài nét khái niệm về tinh thần nhân bản :
Tinh thần nhân bản còn có thể gọi là tinh thần nhân văn hay nhân đạo. Nhân bản, nhân văn hay nhân đạo đều lấy con người làm trung tâm. Khi tự ý thức, phản tỉnh về mình thì con người đã nhận rõ mình là một chủ thể có tư duy, tình cảm. Nghĩa là con người nhận ra mình là một chủ thể đang sống, đang hiện hữu giữa cuộc đời. Nhưng sống là sống chung, chung hoà cùng với những con người với thiên nhiên khác. Vậy con người là một chủ thể sống và sống cho xã hội. Trong ý nghĩa đó, con người được hiểu theo hai khía cạnh, con người bản thân và con người xã hội.
Tất cả những hoạt động bộc lộ tư duy tình cảm của con người như: từ những tư duy tình cảm cá nhân, đến những tư duy tình cảm lý tưởng, ước vọng của tập thể con người. Tất cả nhằm tôn trọng, tin tưởng, đề cao, bảo vệ, phát huy, phát triển… đều được xem là mang tính nhân bản. Qua đó, ta thấy trong triết học, kiến trúc thượng tầng, tôn giáo, văn học chính trị…có tính nhân bản. Dĩ nhiên, kiến trúc thượng tầng là phản ánh của một cơ sở hạ tầng, trong đó con người sống có những mối liên hệ trong sản xuất lấy kinh tế làm căn bản và từ đó nảy sinh tư duy, tình cảm và tổ chức xã hội.
Người ta thường nói “văn tức là người”. Câu nói ấy mặc nhiên phản ánh sự đồng ý Tinh thần nhân bản có hiện hữu trong văn học. Con người được hiểu theo khía cạnh bản thân, nên văn học có mang tính chất khía cạnh đó. Văn học phản ánh thái độ con người trước cuộc sống, đấy là những rung cảm, tư duy. Ở đây, ta thấy văn học bộc lộ thái độ của một cá nhân, như là lời thổ lộ tâm sự của một con người cá nhân về cuộc đời, về thiên nhiên, xã hội và về riêng mình. Một cách nào đó, văn học này mang tính tự do, phóng khoáng, sáng tạo theo tư duy nội tâm, sâu lắng của chủ thể sáng tạo. Và như thế, một số trường phái như văn học siêu thực cũng có thể được hiểu là có mang tính nhân bản.
Sự sống là cuộc sống của cả một cộng đồng con người với thiên nhiên. Sống là giao tiếp giữa người và người, nên ý nghĩa con người xã hội được nổi bậc. Văn học phản ánh con người xã hội và chịu ảnh hưởng của xã hội (định luật vô thường) nhưng rốt cuộc nó quay về phục vụ con người, hoàn thiện con người trong cuộc đời này.
Đó là quan niệm về tính nhân bản trong văn học nói chung. Thơ văn các Thiền sư Lý – Trần, và đặc biệt là tác phẩm của Trần Thái Tông cũng mang đầy đủ tinh thần đó nhưng chú trọng nhiều hơn về phía con người bản thân. Đồng thời, con người bản thân này cũng lắng đọng trong mình con người xã hội.
Con người là tối thượng, “tối linh” trong vạn loại. Từ xa xưa, các vị Giáo chủ khai sáng các tôn giáo, các nhà triết gia lớn trong xã hội phát triển của loài người… đều dựng lập những lý thuyết để bảo vệ sự hiện hữu cuộc sống của con người, tạo cho con người con đường đi chân chính.
Đức Phật Thích Ca, khi còn là Thái tử, Ngài đã từng ưu tư rất nhiều về con người. Một lần vua cha được tin từ các Quan thần trong triều tâu về chuyện Thái tử có ý muốn rời bỏ hoàng cung xuất gia tầm đạo. Vua cha liền gạn hỏi Thái tử nhằm có ý ngăn cản. Thái tử nhân đó bày tỏ nỗi ưu tư của mình về kiếp sống con người và có bốn điều ước nếu vua cha giải quyết được thì Thái tử từ bỏ ý xuất gia tầm đạo nữa. Bốn điều ước của Thái tử với vua cha rằng:
Làm sao cho con trẻ mãi không già
Làm sao cho con mạnh mãi không đau
Làm sao cho con sống hoài không chết
Làm sao cho mọi người hết khổ .
Dù rất thương con, nhưng vua cha không làm sao giải quyết được những yêu cầu vượt quá giới hạn đó. Thế là Thái tử rời bỏ hoàng cung, từ bỏ vợ đẹp con yêu đi sâu vào rừng thẳm sống đời khổ hạnh. Cuối cùng Ngài đã tìm được chân lý, quay về với chính mình, liễu ngộ cuộc đời, giải thoát mọi triền phược ràng buộc chung quanh, tự mình an trú, chứng ngộ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Người đời mãi tôn xưng Ngài là bậc Thế Tôn. Ngài cùng chư đệ tử Thánh quả A La Hán thấu suốt lìa xa các tướng sanh, già, bệnh, chết không còn khổ não trong cuộc sống. Nhưng xã hội loài người và vạn loại chúng sanh thì mãi trầm luân trong vòng sanh tử khổ đau.
Nhận thức được sanh, già, bệnh, chết trong kiếp sống của con người vốn là Vô thường, khổ não đã là khó. Tìm được con đường và phương pháp chấm dứt mọi khổ đau của nó lại càng khó hơn. Ý thức được tinh thần nhân bản, quay về với chính mình, biết trân trọng cuộc sống của mình và mọi người, biết giữ gìn mối quan hệ của mình với mọi người cùng vạn vật thiên nhiên, lúc nào cũng hoà điệu nhịp nhàng cũng không phải là điều đơn giản.
Trần Thái Tông đã thực sự đi theo con đường đức Phật đã chỉ dạy, biết quay về với chính mình, làm chủ được chính mình và biết hài hoà với cuộc sống chung quanh. Lịch sử thời đại và lịch sử Phật giáo đã chứng minh tinh thần nhân bản qua các mục sau :
• Nhận thức sự có mặt tất yếu của con người
• Cảm nhận về thân phận con người
• Tư tưởng Giác ngộ về sự sống chết của con người
2/ Nhận thức sự có mặt tất yếu của con người.
Một câu hỏi mọi người thường đặt ra: Con người ta từ đâu mà đến và sau khi chết thì đi về đâu( sanh hà xứ lai, từ hà xứ khứ ?). Dường như phần nhiều trong cuộc sống, con người mãi cứ thích đặt ra bao nhiêu câu hỏi vừa lạ vừa quen để xem khó có ngưới trả lời cho thoả đáng, cùng nhau thích thú hơn khi tìm ra được một lời giải đáp rốt ráo. Như ngày xưa, đức Phật lúc còn là Thái tử sau khi đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến bốn cảnh sanh, già, bệnh, chết. Ngài quán xét rộng về nỗi khổ của con người qua bốn tướng sanh, già, bệnh, chết để tìm ra con đường giải thoát hầu tiếp độ chúng sanh. Cho nên sau khi thành đạo, bài pháp đầu tiên toát ra từ kim khẩu của Ngài tại vườn Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như là bài pháp chỉ rõ bốn tướng: vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh trong đời. Đặc biệt là bốn chân lý Tứ Diệu Đế.
Mỗi con người hội đủ nhân duyên có mặt trong cuộc đời này đều phải trải qua bốn thời kì sanh, già, bệnh, chết như nhau, nhưng mọi người chỉ xem nó như là một sự tự nhiên, rất ít người để tâm suy xét mối liên hệ về bốn thời kì đó. Trần Thái Tông đã suy nghiệm ra sanh, già, bệnh, chết như bốn ngọn núi lớn. Xem ra những hình tượng đó vừa lạ mà vừa thực. Bởi lẽ lặp lại lời dạy của đức Phật về con người, nhưng cũng lại nêu lên được một hình thái riêng bằng sự giác ngộ của chính mình. Trước hết chúng ta hãy cùng suy nghĩ tại sao gọi là sanh, già, bệnh, chết là bốn ngọn núi lớn?
Một lời đáp đơn giản. Bởi vì, chúng luôn luôn đè nặng, cản trở bước đi của chúng sanh nói chung và con người nói riêng. Mỗi thời kì trải qua ở kiếp người như là một ngọn núi, thế mà lần lượt vượt qua bốn ngọn núi quả thật là lắm hiểm nguy gian nan. Mỗi người chúng ta hãy thử cùng nhà vua Thiền sư Trần Thái Tông lần lượt đi qua bốn ngọn núi xem sao.
Có những ngọn núi, chúng ta đã đi qua rồi mà thử hỏi tự mình có cảm nhận được gì không? Theo Thiền sư Trần Thái Tông bốn ngọn núi đó là sanh, già, bệnh, chết. Nguồn gốc nào sinh ra sanh, già, bệnh, chết. Đó chính là Tứ đại; Ngũ uẩn đều không. Do vọng mới có sanh có hoá hoặc sinh các bậc Thánh hiền, ngu trí; hoặc hoá mọi loài lông cánh vẫy sừng. Rồi tứ đó, chúng sanh chìm đắm trong bến mê, nổi trôi ở biển khổ, buông lòng thả ý, chẳng có ai chiụ dắt mũi kéo về. Thế nên mãi qua lại kiếp người, xuống lên bốn núi chập chùng gian khổ. Bài kệ bốn núi toát yếu rằng :
“Tứ sơn liễu bích vạn thanh trùng,
Bích liễu đô vô, vạn vật không.
Hỷ đắc lư nhi tam cước tại,
Mịch ký đả sấn thướng cao phong”.
Dịch thơ :
“Bốn núi vách đá thông xanh ngắt,
Tỉnh ra vạn vật thảy đều không.
May thay có lừa ba chân đó,
Cưỡi lên leo thẳng đỉnh non bồng” .
Thiền sư mượn cảnh bốn núi để cho thấy cảnh vách đá cheo leo và rừng cây ngàn vạn thứ. Nhân đó, Thiền sư nhắc nhở cho chúng ta là tất cả vạn vật trên bốn núi đó đều không có, hoặc giả chúng ta thấy có đi chăng nữa thì cũng chỉ là tạm có, nay vầy mai khác như người xưa thường nói: “vật đổi sao dời, tang thương dâu bể”.
Sự sanh, già, bệnh, chết của con người cũng vậy, chẳng khác nào bốn núi. Một khi con người có mặt ở đời thì bao nhiêu điều tình; tiền; danh; lợi; nhà cửa cao sang; khen chê vinh nhục; có–không; được mất, người tốt kẻ xấu, … xuất hiện dẫy đầy chung quanh ta, nhưng tất cả đều không. Đọc kinh Bát Nhã chúng ta thấy rõ Tứ đại không thật, Năm ấm cũng không thật. Nên nói Tứ đại vốn không, Ngũ ấm chẳng có. Một thực tế rất rõ: Hễ ta có sống thì có trẻ có già; có đẹp có xấu, có sống có chết. Một khi ta qua đời thì chẳng những sanh, già, bệnh, chết không còn mà tất cả mọi sự vật chung quanh ta cũng đều không.
Chính ngay chỗ này, Thiền sư khuyên chúng ta nên nhận chân sự thật sanh, già, bệnh, chết đều không. Hãy quay về tìm lại sự sống “tức tâm tức phật” của chính mình. Thuật ngữ nhà Phật gọi là Phật tánh. Đến khi biết nhận ra được Phật tánh của chính mình rồi thì cheo leo vách đá, rừng rậm thâm u, dù là những khó khăn của núi rừng hay của cuộc đời đều trở thành vô nghĩa, không có gì vướng bận. Dưới ánh mắt của Thiền sư vạn pháp giai không, Thiền sư đi vào đời như thỏng tay vào chợ, tự tại an nhiên. Nói theo đời thường, người giác ngộ luôn luôn biết làm chủ tâm thức cũng như cuộc sống của chính bản thân mình.
2.1/ Núi thứ nhất là tướng Sinh
“Một niệm đã lầm, nhiều mối hiện ra. Gởi hình hài ở tinh cha mẹ, mượn thai nghén của khí âm – dương. Bao trùm cả tam tài mà đứng ở giữa, trong hàng muôn vật thì ở địa vị linh hơn hết. Chẳng kể người thượng trí hay kẻ hạ – ngu, ai cũng thuộc vào ở trong bào thai cả. Trăm họ một người há chẳng trở về trong lò bễ của thợ trời. Hoặc là vầng thái-dương biểu hiện mà sinh làm bậc thánh chủ khác thường, hoặc là bậc văn chương lỗi lạc, ngọn bút quét nỗi ngàn quân hoặc là bậc vũ lược có công thắng trăm trận. Hoặc là trai tài ra đường quả ném đầy xe, hoặc là nữ sắc một nụ cười làm đổ thành đổ nước. Bao kẻ khoe danh hợm sắc, tranh lạ đua sang, nhìn lại cũng trong kiếp luân hồi, đáo để cũng khó thoát vòng sinh hoá. Tướng Sinh của người ta cũng ví như tiết mùa xuân của một năm. Vòng tam dương đương độ hanh thông, cảnh muôn vật đương tươi tốt. Một trời sáng đẹp, khắp xóm thôn hoa thắm liễu xanh, muôn dăm phong quang, nơi nơi oanh kêu bướm lượn”. Kệ rằng:
“Đúc nên muôn tượng bởi tay trời,
Bản lai mầm triệu há nẩy trồi.
Chỉ sai một niệm quên không niệm,
Nên phản không sinh chịu luân hồi.
Mũi sinh hương thơm, lưỡi thèm vị,
Mắt lòa mầu sắc, tai âm thanh.
Trôi nổi hoài hoài khách trần thế,
Cố hương ngày một mãi xa vời” .
Một nhà vua thời xưa bao nhiêu hoàng hậu, thứ phi mà không tìm được một thái tử nối ngôi thì danh phận mình làm sao có thể suy lường được? Thử hỏi nếu điều nào mình chưa thấu hiểu thì có nên đổ lỗi do trời hay không? Tại sao mình không dám tự nghĩ rằng mọi việc liên hệ đến cuộc sống của mình đều là nhân quả của chính mình.
Trần Thái Tông nhận dấu ấn ngai vàng từ tay Lý Chiêu Hoàng, và “cây đời lịch sử nhà Trần” đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc đúng với ý nghĩa câu thành ngữ “đất cũ đãi người mới” trong nhân gian. Cho nên, chúng ta có thể nói trong con người Trần Thái Tông là một sự tích lũy tinh hoa hai mặt Đạo – Đời của cả triều đại nhà Lý.
Trong con người Trần Thái Tông có cả tinh thần, tư tưởng của một vị Thiền sư. Phận sự trách nhiệm cao nhất của một nhà vua đối với dân, với nước. Ngài vẫn chu toàn trong thế vững mạnh và ngày càng đưa đất nước đi lên. Việc đạo, đời sống phạm hạnh và tư tưởng Phật lý ngày càng thêm hương sắc. Trong sáng tác văn học của Trần Thái Tông, ngay đầu núi thứ nhất là tướng Sinh cũng đã cho chúng ta thấy tính tích lũy. Tư tưởng Giáo lý Phật học kết hợp với Nho học, Đạo học đã nẩy mầm đâm chồi từ giữa đời Lý, thực sự hình thành tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” trong sáng tác thơ văn của Trần Thái Tông, dù nền tảng tư tưởng Phật lý của Ngài chính là Thiền học và Phật học.
Trần Thái Tông đã mượn hình tượng Núi Sinh để chỉ cho mọi người thấy ra nguyên nhân sự có mặt của mình trong cuộc đời này. Hơn thế nữa lúc gửi mình thụ thai vào bào thai mẹ đã có nguyên nhân “một niệm đã lầm, nhiều mối hiện ra”. Trước khi có bào thai trong lòng mẹ thì “tâm niệm” của mình đã có rồi, chứ không phải đợi đến lúc có bào thai mới phát sinh “tâm niệm”. Bào thai là hình thức gạch nối của một sự chuyển tiếp. Trang Tử-một hiền triết người Trung Hoa cũng có nói về vấn đề này:
Nhựt nhựt vô thường đáo
Phương tri mộng lý nhơn
Vạn ban tương bất khứ
Duy hữu nghiệp tuỳ thân.
Dịch thơ:
Một ngày vô thường đến
Mới biết người trong mơ
Mọi vật không đem được
Chỉ có nghiệp tùy thân.
Chính cái “nghiệp tùy thân” của Trang Tử đó là “niệm sai biệt” của Trần Thái Tông “sai một niệm tức là từ thể chân không dấy động; có niệm phát ra thì sanh muôn mối. Thế nên, chúng ta tu đến chỗ không còn một niệm mới là hết mầm sanh tử. Nếu còn một niệm là hiện đa đoan, tức là hiện đủ tất cả mọi việc” . Vì mỗi người sống trên đời tạo mỗi nghiệp khác nhau, nên khi chết đi thọ sinh cũng khác nhau. Đó là chỗ “hiện nhiều bề” của Trần Thái Tông.
Ýù nghĩa thứ hai ở Tướng Sinh là Trần Thái Tông đã đem ra đối chiếu để thức tỉnh người đời. Dù sang hèn trí ngu, dù vua quan dân dã hay tôi hiền tài đức, nam thanh nữ tú hay bần tiện xấu xa…, tất cả đều phải nương tựa “gởi hình hài ở tinh cha mẹ, mượn thai nghén của khí âm dương” hay “bào thai” đi ngang qua con đường sanh hoá. Mới nghe qua tưởng chừng như núi thứ nhất tướng Sinh như là con đường gian khổ. Nhưng chúng ta sẽ thấy điểm trái ngược lại là Trần Thái Tông rất lạc quan, vì Thiền sư cho rằng: “Tướng Sinh của người ta cũng ví như tiết mùa xuân của một năm. Vòng tam dương đương độ hanh thông, cảnh muôn vật đương tươi tốt. Một trời sáng đẹp, khắp xóm thôn hoa thắm liễu xanh, muôn dăm phong quang, nơi nơi oanh kêu bướm lượn”. Đối với Trần Thái Tông, sự sinh ra có mặt của con người trong đời là một bước khởi đầu rất tốt đẹp như mùa xuân. Có thể nói, đây là sự khẳng định tinh thần nhân bản sâu sắc trong tư tưởng văn học của Trần Thái Tông.
Con người là trên hết, hiện hữu giữa đời là một niềm vui lớn. Trời đất, núi sông, cỏ cây, hoa bướm, ngàn thú muôn chim… mọi vật đều tươi sáng, phong quang để chào đón con người. Trần Thái Tông đã thắp sáng ngọn đuốc mới trong văn học Phật Giáo và Văn học đời thường. Thiền sư không bước theo con đường sáo mòn để ràng buộc con người trong vị trí yếm thế bi quan, mà chúng ta thường gặp trong thế giới thi ca:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng gữa trời mà reo”.
(Nguyễn Công Trứ – Cây Thông).
Hay như Nguyễn Gia Thiều dù rất văn chương cũng không tránh khỏi sự bi quan trần thế:
“Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử sinh kinh cụ làm nhau mấy lần!”.
Hay đầy mâu thuẫn và băn khoăn như Nguyễn Công Trứ:
“Thoạt mới sinh ra thời đã khóc óe
Trần có vui sao chẳng chịu cười khì?”
Và rồi bài thơ diễn đạt về tướng Sinh của Trần Thái Tông lại càng cụ thể hoá hơn những nguyên nhân đưa đến sự khác biệt của con người khi phải thọ sinh:
“Đúc nên muôn tượng bởi tay trời,
Bản lai mầm triệu há nẩy trồi.
Chỉ sai một niệm quên vô niệm,
Nên phản không sinh chịu luân hồi”.
Trong cõi trời đất mênh mông bao la vô tận này, mọi sự vật có muôn vàn hình tượng khác nhau, không ai giống nhau hết. Mỗi loài, mỗi vật đều tự có nhân duyên sanh hoá khác nhau. Riêng con người, sở dĩ phải sanh ra có mặt trong đời vì có hai nguyên nhân sai trái: Thứ nhất là quên chơn tâm vô niệm; thứ hai là hướng đến các tướng có mà không biết tự giữ gìn cái tướng bình thản vô sinh của mình.
“Mũi sinh hương thơm, lưỡi thèm vị,
Mắt loà mầu sắc, tai âm thanh”.
Do đó bị khách trần sai sử, vì sự tham lam ngu muội của chính mình trong mỗi kiếp, nên luôn luôn làm khách phong trần lang thang khổ đau trong cuộc đời này. Chúng ta thử lắng nghe cũng bốn câu thơ này nhưng ở bản dịch khác:
“Mũi lưỡi tham hương say đắm vị,
Mắt tai ưa sắc chuộng âm thanh.
Phong trần khách nọ lang thang mãi,
Ngày vắng quê xa muôn dặm trình”
Muôn hình tượng trong thế gian do âm dương trời đất mà hiện, trước đó không có manh mối gì. Con người từ vô niệm dấy lên thành hữu niệm. Đó là sai lầm, vì vừa có niệm liền quên mất vô niệm. Vô niệm là không sanh, dấy thành hữu niệm nên nhận có sanh. Vì thế, khi chúng ta nhắm mắt có niệm giận khởi liền đi trên đường đau khổ của sân, có niệm tham thì đi trên đường khổ của tham, nếu có niệm tịnh thì được sanh về cõi tịnh. Trái lại, vô niệm thì hết sanh, tức vô sanh. Thật rõ ràng do mũi, lưỡi, mắt, tai bị các trần lôi kéo làm chúng ta say mê suốt cả cuộc đời. Vì say mê nên “trôi nỗi hoài hoài khách trần thế, cố hương ngày một mãi xa vời”. Buồn làm sao! Mãi làm khách phong trần lang thang trong vòng luân hồi sanh tử, càng đi càng xa quê hương. Đi một đời là xa một dặm, đi trăm ngàn muôn kiếp thì xa trăm ngàn muôn dặm. Nếu chúng ta chạy theo sáu trần là chấp nhận lang thang làm khách phong trần. Trái lại không dính mắc là kẻ Xuất Trần Thượng Sĩ.
Như vậy, trong cuộc luân hồi dài của cuộc đời, mỗi con người được sanh ra, mình cứ tưởng là mới sinh, nhưng thực ra là tái sinh. Mỗi con người thọ mỗi thân khác nhau. Thiền sư Trần Thái Tông đã nhận ra những liên hệ trong sinh hoạt đời thường của cuộc sống để con người có thể chủ định mọi hành động của mình được an lạc trong hiện tại và làm tiền đề tốt đẹp cho mọi hướng đi, sinh hoá nối tiếp trong tương lai.
2.2/ Núi Thứ Hai Là Tướng Già
“Hình dung đổi dần, khí huyết đã yếu, tuổi thì cao, vẻ thì khô, trước thì nghẹn, sau thì hóc, tóc xanh má đỏ biến thành tóc bạc da mồi, ngựa trúc áo mầu lại thêm gậy cừu xe cói. Dẫu có mắt sáng Ly Lâu nhận mầu khó mà rõ rệt, dẫu có tai thính Sư Khoáng nghe âm cũng chẳng biện biệt phân minh. Thân hình tiều tụy khác gì cành liễu mùa thu, nhan sắc điêu tàn giống hệt bông hoa lúc xuân hết. Bóng chiều xế sắp ngả non đoài, dòng nước xa nguồn đang tuôn ra Đông Hải. Đây là tướng già lão của người ta, ví như tiết hạ của hàng năm, trời nóng nực làm chảy đá mà muôn vật đều khô ánh nắng chẩy vàng mà trăm sông sắp cạn. Hoa tàn liễu úa, trong vườn bờ suối khó giữ lâu, bướm nhởn oanh bay, dưới lá đầu cành, già sắp tới”. Kệ rằng:
“Lênh đênh bọt nước kiếp người đời,
Thọ yểu khôn toan tránh mệnh trời.
Cảnh đã ngọn dâu còn nắng trái,
Thân như bồ liễu trải thu thời.
Tóc xanh ngày nọ chàng Phan đẹp,
Trắng toát năm nay Lã Vọng rồi.
Cuồn cuộn việc đời khôn nghoảnh lại
Trời chiều bóng xế, nước về suôi”.
Thông thường, trong cuộc sống trần gian này, khi con người đã vượt qua núi thứ nhất là tướng Sanh tức là có mặt ở trên đời rồi. Quy luật tất yếu trong vòng quay của không gian và thời gian là con người sẽ chuyển dịch đi dần về hướng trưởng thành, từng bước chúng ta đến ngọn núi thứ hai là tướng Già. Không riêng gì con người mà vạn vật hữu tình chung quanh ta cùng chung quy luật ấy.
Dưới con mắt của một nhà thơ, giai đoạn từ sanh đến già của một con người thường đi qua nhanh như một giấc mộng:
“Thoạt mới sinh ra là giấc mộng,
Như hơi sương, như chớp bóng có gì đâu?
Người mộng chóng, đó mộng lâu đều mộng cả,
Nào thử gẫm khắp trong thiên hạ.
Ai là người không thịt rã với xương tan,
Cụ Bành kia mộng tám trăm năm.
Chàng Thương nọ mộng năm ba cữ
Kẻ bần tiện ấy là mộng dữ
Người vinh hoa là mộng tốt lành
Tỉnh giấc rồi nghĩ lại giật mình
Thế mới biết phù sinh là mộng ảo.
Từ niên thiếu đến khi lão mạo
Tuy trăm năm nhưng ngắn chẳng tày gang!
Kìa vân cẩu nọ thương tang
Cuộc biến đổi vô thường nan lượng trắc
Cơ tạo hoá thực hư, hư thực
Mảnh hình hài không có, có không…”
Đối với Trần Thái Tông, bản thân cuộc đời Ngài và những liên hệ chung quanh cuộc sống đã là những bài học thực tiễn thấm thía làm sáng tỏ ý nghĩa pháp âm vi diệu của đạo mầu. Ngài đã suy tư và thực chứng ngọn núi thứ hai là tướng Già của cuộc đời một con người chúng ta: “Hình dung đổi dần, khí huyết đã yếu, tuổi thì cao, vẻ thì khô, trước thì nghẹn, sau thì hóc, tóc xanh má đỏ biến thành tóc bạc da mồi, ngựa trúc áo mầu lại thêm gậy cừu xe cói. Dẫu có mắt sáng Ly Lâu nhận mầu khó mà rõ rệt, dẫu có tai thính Sư Khoáng nghe âm cũng chẳng biện biệt phân minh. Thân hình tiều tụy khác gì cành liễu mùa thu, nhan sắc điêu tàn giống hệt bông hoa lúc xuân hết. Bóng chiều xế sắp ngả non đoài, dòng nước xa nguồn đang tuôn ra Đông Hải”.
Đọc đoạn văn trên, chúng ta biết Trần Thái Tông đang diễn tả sự chuyến biến và tướng trạng thời kì già của một con người. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng nghe như chất tâm tình sâu lắng của chính Ngài đang đọng lại. Trần Thái Tông tu tập và thân chứng pháp Phật, mượn giáo lý Đức Phật để luận giải về nỗi khổ lớn của một con người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rõ quan niệm: “thiên địa vạn vật đồng nhất thể ” của Khổng Tử cũng được Ngài kết hợp trình bày. Dưới cái nhìn của Trần Thái Tông, con người và không gian, thời gian, vạn vật đều có một mối tương quan rất mật thiết.
Cũng vậy, chúng ta lại thấy Ngài cho núi thứ nhất là tướng Sinh, thì điểm tương quan ngoại giới là cảnh vật mùa xuân. Thuở bắt đầu của một đời người, vạn vật thiên nhiên đều xinh đẹp; núi non, trời biển, cỏ cây, hoa bướm… đều tươi thắm như mùa xuân. Đến núi thứ hai là tướng Già thì điểm tương quan ngoại giới đương nhiên phải là cảnh vật mùa hạ. Thuở về chiều của một đời người, vạn vật thiên nhiên cũng oi bức, tàn úa dưới tiết trời mùa hạ: “Đây là tướng già lão của người ta, ví như tiết hạ của hàng năm, trời nóng nực làm chảy đá mà muôn vật đều khô ánh nắng chẩy vàng mà trăm sông sắp cạn. Hoa tàn liễu úa, trong vườn bờ suối khó giữ lâu, bướm nhởn oanh bay, dưới lá đầu cành, già sắp tới”.
Sự cảm nhận về hình ảnh suy tàn của một con người nơi tâm thức, dưới bút pháp tài hoa của Trần Thái Tông nhận định không phải nỗi ray rứt của riêng Ngài, mà là chung cho tất cả thế nhân. Trong cuộc sống thực tế, con người rất sợ hình ảnh sự già đưa đến. Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy về vấn đề này trong phẩm Thánh Hạnh kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN: “Này thiện nam tử! Như mùa thu ai cũng ưa ngắm hoa sen nở, đến khi hoa tàn héo, mọi người đều không thích. Cũng vậy, sự tráng kiện, sắc đẹp mọi người đều ưa thích, đến khi già suy ai cũng nhàm chán. Này thiện nam tử! Ví như cây mía, sau khi bị ép, bã xác không còn vị ngọt. Cũng vậy, tráng kiện, sắc đẹp đã bị già ép, thời không còn ba thứ vị: một là vị xuất gia; hai là vị đọc tụng; ba là vị tọa thiền” . Và Trần Thái Tông đã đúc kết nhận thức của Ngài về tướng Già bằng một bài kệ tám câu nhằm nhắc nhở người đời sau:
“Lênh đênh bọt bể, kiếp người đời,
Thọ yểu đừng cầu, tạo hoá thôi.
Bóng ngả nương dâu, chiều sắp muộn,
Thân như bồ liễu, thu đang trôi.
Phan Lang thuở nọ đầu xanh mướt,
Lã Vọng ngày nay tóc bạc phơ.
Cuồn cuộn sự đời, nào sá kể,
Non đoài ác lặn, nước trôi xuôi”
Mọi nhân duyên tụ tán của một con người trên cuộc đời thực ra như bọt nước trên biển khơi, không ai có thể khẳng định nó tồn tại bao lâu và trôi nổi bao xa. Nó có thể phiêu bạt vạn dặm trùng dương, mà cũng có khi nó tan biến trong chớp nhoáng.
Trần Thái Tông đã giác ngộ vấn đề này, Ngài còn mượn hình tượng bọt biển để khuyên nhủ người đời đừng tham đắm trong cuộc sống, mà hãy tự hiểu thân phận của một kiếp người chẳng khác nào bọt nước lênh đênh trên biển khơi. Suy nghĩ như vậy có một chút phần bi quan. Nhưng xét cho cùng, con người có sống được trăm năm đi chăng nữa thì dòng thời gian đó cũng chỉ là “bóng câu qua cửa sổ ”, nên Thiền sư nhắc nhở mình chớ mong cầu sự thọ yểu trên đời. Khi mình hiện hữu thì hãy sống cho đúng ý nghĩa của cuộc sống, đem an lạc đến cho mọi người. Thiện ác của một đời người do nhân quả; nghiệp báo định đoạt, con người không thể thoát ra khỏi định luật nhân quả. Trong những kiếp sống, chúng ta tự ý tạo tác bao nhiêu nghiệp. Bên kia dốc của cuộc đời thì khác nào liễu bên bờ sông, bóng ngả về chiều. Hai hình ảnh “tóc xanh Phan Lang” và “đầu bạc Lã Vọng” là một minh họa điển hình cho sự trôi nhanh của dòng thời gian bất tận. Tư tưởng này của Trần Thái Tông khiến ta nhớ lại hai câu thơ trong “cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư nói về sự trôi nhanh của dòng thời gian:
“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai…”
Dịch thơ:
“Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi.”
Và điều này cũng được Đức Phật dạy trong kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN: “Này thiện nam tử! Ví như quốc vương có một trí thần dùng binh giỏi. Có vua nước địch chống cự chẳng thuận hảo, quốc vương sai trí thần đem binh qua đánh, bắt vua nước địch về dâng cho quốc vương. Cũng vậy, tuổi già bắt tráng kiện và sắc đẹp về dâng cho tử vương”
Mong rằng ánh sáng trí tuệ của Trần Thái Tông sẽ soi sáng giúp cho mỗi người chúng ta sớm giác ngộ, vượt qua khỏi đỉnh núi thứ hai, không bao giờ bị tướng Già bắt đem nộp cho tử vương.
2.3/ Núi Thứ Ba Là Tướng Bệnh
“Tuổi cao già cỗi, bệnh đến cao hoang, chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông, đốt xương lỏng lẻo mà ấm lạnh dễ cảm. Nhưng tính chân thường đã mất, các nguồn điều xướng cũng sai, ngồi đứng khó khăn, duỗi co đau đớn, tính mệnh như ngọn đèn trước gió, thân hình như bọt nước tụ tan. Bóng ma vía quỷ chen chúc trong tim, đom đóm chuồn chuồn lập loè trước mắt, hình hàụi yếu ớt ai là Biển Thước cao tay, mặt mũi gầy mòn lương y mấy kẻ cứu chữa. Thân thích bạn bè thăm hỏi, anh em uổng sức nâng niu. Chứng liệt giường hàng tháng không lành, gục xuống gối hàng tuần chẳng khỏi. Tướng bệnh của người ta cũng ví như mùa thu trong một năm, sương lạnh dã rời, cỏ tươi phai úa. Cây cao rừng rậm gió thu một trận bỗng lơ thơ.Núi biếc non xanh giọt móc mới sa thêm phần trơ trụi”. Kệ rằng:
“Âm dương ngang trái vốn theo nhau
Để khách trần gian chịu đớn đau.
Đã chịu có thân thời mang bệnh
Ví bằng không bệnh biết thân đâu
Linh đan chớ cậy trường sinh phép
Thuốc thánh khó mong giữ được lâu
Cảnh giới ma vương mau xa lánh
Thiên chân cảnh ấy sớm hồi đầu”
Xác thân của con người là một khối tứ đại giả hợp, tụ tán mong manh theo chu kỳ quy luật sanh- diệt nhất định. Cho nên sau thời kì già của con người thì các căn trên cơ thể suy yếu, dễ phát sinh bệnh hoạn, đi đứng, ăn uống trở nên bất thường. Mọi người đều rất sợ bệnh, nhưng không thể nào tránh khỏi. Trong Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN Đức Phật dạy: “thân con người bệnh là do tứ đại không đều với nhau. Và bệnh cũng có hai thứ: Một là thân bệnh; hai là tâm bệnh. Thân bệnh là do năm nguyên nhân phát sinh: Một là nhân nơi nước; hai là nhân nơi gió; ba là nhân nơi nhiệt; bốn là tạp bệnh và năm là khách bệnh (do từ bên ngoài đưa đến). Tâm bệnh thì có bốn nguyên nhân: Một là hớn hở, hai là sợ sệt, ba là lo sầu, bốn là ngu si. Đồng thời, Đức Phật cũng nhấn mạnh sở dĩ thân bệnh và tâm bệnh là do ba điều căn bản: một là nghiệp báo; hai là xa lìa chẳng đặng ác đối và ba là thời tiết thay đổi. Do vậy, muốn trị bệnh có kết quả, ta phải tìm hiểu thật rõ về các bệnh trạng và nguyên nhân sanh bệnh. Có những bệnh trị bằng thuốc, có những bệnh trị bằng tâm, có những bệnh phải trị bằng cách phải trị bằng cách rữa sạch hoặc vui trả các nghiệp báo cũ. Một cách ngăn tránh bệnh hữu hiệu hơn hết là mình làm người. Mình thích được sống an lành không bệnh hoạn thì điều quan trọng là mình đừng gây đau khổ cho bất cứ chúng sinh nào chung quanh ta, dù người hay vật, dù thân hay tâm. Thứ nữa, thấy ai bệnh hoạn đau khổ từ thân hay từ tâm mà mình biết và có phương tiện thì mình nên phát tâm giúp đở cho người được qua cơn đau đớn, như chính trị bệnh cho mình”
Phần đầu chúng ta thấy Trần Thái Tông đã trình bày thực tướng của bệnh con người phải thọ nhận. Nhưng qua phần kế, chúng ta lại thấy Thiền sư chuyển tầm nhìn sang một cách nhẹ nhàng hơn khi đối chiếu với thời tiết thiên nhiên: “Tướng bệnh của người ta cũng ví như mùa thu trong một năm, sương lạnh dã rời, cỏ tươi phai úa. Cây cao rừng rậm gió thu một trận bỗng lơ thơ. Núi biếc non xanh giọt móc mới sa thêm phần trơ trụi”.
Trần Thái Tông so sánh tướng bệnh của một con người tương ứng với mùa thu. Hễ người bệnh thì cảnh vật cũng vàng úa, tiêu sơ. Tương tự như thi hào Nguyễn Du: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, và như để bày tỏ một cách tường tận hơn. Thiền sư đã rung động hồn thơ khuyến hoá người đời về tướng bệnh:
“Âm dương ngang trái vận theo nhau,
Để khách trần gian chịu thảm sầu.
Cũng bởi có thân thành có bệnh
Ví bằng không xác quyết không đau
Phép tiên chớ vội khoe không chết
Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu
Ai hỡi! Cõi ma nên khép lánh
Trông đường tu luyện sớm quay đầu!”
Lão Tử đã từng nói: “có thân là có khổ, không thân nào có khổ?”(hữu thân hữu khổ, vô thân khổ hà lao?) hay “ta có nạn lớn vì ta có thân này, nếu ta không có thân này thì làm gì có nạn lớn?” (ngô hữu đại hoạn vi ngô hữu thân, nhược vô thân hà hữu chi hoạn?). Đức Phật cũng có dạy: “thân là quả mà cũng là nguyên nhân nối tiếp sanh khởi của sinh, già, bệnh và chết”. Trần Thái Tông thì cho rằng thân là nguồn gốc của mọi sự bệnh. Chính nơi xác thân tứ đại của con người khi âm dương không hoà hợp, mất thăng bằng là lúc nó sanh bệnh làm cho mọi người đều bị hành xử khổ đau. Thiền sư nhắc nhở cảnh tỉnh người đời rằng: dù cho mình có được một lợi thế phước báo trong đời, thì đừng tự đắc ỷ lại mà rơi vào tự ngã. Nên nhớ một khi đã mang xác thân tứ đại giả hợp này như tất cả mọi người thì làm sao trốn thoát sự già và bệnh được. Chúng ta hãy sớm thức tỉnh, xa lánh cõi huyễn này, nỗ lực tinh tấn trên đường tu để thắng mọi đau đớn từ nghiệp bệnh phát sinh, cùng nhau nhanh đến bờ giác.
2.4/ Núi Thứ Tư Là Tướng Chết
“Bệnh não càng nặng, tính mệnh hầu tàn. Tuổi thọ kia luống hẹn trăm năm, thân thế bỗng thành một giấc mộng. Thông minh sáng suốt tránh sao được đại hạn tới ngày. Khỏe mạnh oai hùng chống sao nổi với vô thường thời tới. Vợ trinh thiếp thuận, trở nên những cảnh đau thương. Em kính anh hiền thôi cũng đôi đường cách biệt. Vật mình vỗ đất, đập đầu gào trời, tường hoa nhà rộng để làm chi? Chứa ngọc chất vàng làm gì được nữa. Đài điếm kín khép nhưng nghe gió bấc ào ào. Cửa suối nhặt cài chỉ thấy mây sầu thảm đạm. Cái tướng chết của người đời ví như mùa đông của một năm. Xoay đã hết vòng trời đất theo Thái Tuế. Nhật nguyệt hướng vào một chỗ gặp gỡ của sao Huyền hiếu. Sao âm cực thịnh một trời mưa tuyết lại tơi bời. Khi đang phai dần, ngầm tám suối nước đóng băng thêm giá lạnh”. Kệ rằng:
“Thổi đất mù trời trận cuồng phong,
Thuyền chành say tít nọ ngư ông.
Bốn bề mù mịt mây sầm sập,
Sóng động kêu vang khắp mặt ông.
Phất phất mưa cơn rơi từng trận,
Sét vang động địa nổ đùng đùng.
Giây lâu tan bụi trời quang tạnh,
Sông cả đêm thâu trăng chiếu lòng”
Cái chết, đối với Phật giáo là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của một cá nhân. Chết là sự diệt tắt của bốn yếu tố: sinh lực, đời sống tâm - vật lý, hơi nóng và thức. Nếu tướng Sinh là báo hiệu sự hiện hữu của một đời người, thì tướng Chết là báo hiệảu sự chấm dứt của một đời người. Tướng già, tướng bệnh chỉ là gạnh nối, là khoảng giữa biến dạng của một đời người. Cũng như mùa xuân là dấu hiệu bắt đầu năm mới, mùa đông là dấu hiệu cho sự kết thúc của một năm, mùa hạ và mùa thu là khoảng giữa; là sự chuyển tiếp trong năm. Thời gian là một vòng quay bất tận, con người không thoát khỏi quy luật chi phối của thời gian.
Trong kinh KIM CANG, Đức Phật có nói về định luật của các pháp Hữu vi, mà cũng là quy luật của các pháp trong đời: “thông thường hễ vật gì có hình tướng thì đều là hư ảo mộng huyễn”(phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng). Con người có hình tướng đầu mình tay chân… đều do tứ đại; ngũ uẩn giả hợp lại mà thành. Như vậy, con người chắc chắn không thể thoát khỏi quy luật này:
“Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết
Mạn, lừa đảo chất chứa”
Đức Phật lại hình tượng hoá những mối liên hệ về con người:
“Lúc trẻ, không phạm hạnh,
Không tìm kiếp bạc tiền.
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá”
Trong kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, Đức Phật có luận giải về sự chết một cách cụ thể hơn: “Tử là bỏ thân đã thọ. Bỏ thân cũng có hai: một là căn mạng hết chẳng phải phước hết, hai là phước hết chẳng phải mạng hết, ba là phước mạng đều hết. Duyên ngoài chết cũng có ba: Một là chẳng phải phần tự hại mà chết; hai là bị kẻ khác hại chết; ba là do mình và kẻ khác mà chết”.
“Luận về sự chết là chổ hiểm nạn, không gì giúp đở, đi đường xa xôi mà không bạn bè, ngày đêm đi luôn chẳng biết bờ mé, sâu thẳm tối tăm, không có đèn đuốc, nó vào không cửa nẻo mà có chỗ nơi, dầu không chỗ đau đớn nhưng chẳng thể chữa lành, nó qua không ai ngăn nỗi được, nó đến không thể thoát được, không phá phách gì mà thấy người sầu khổ, nó không phải màu sắc xấu xa mà làm cho người kinh sợ. Nó ở bên thân người mà chẳng ai hay biết được”
Có thể nói cái chết là nỗi kinh hãi đối với mọi người. Ngay cả những người hàng ngày trong cuộc sống gặp những điều không được như ý, có lúc mơ ước thèm một cái chết, nhưng khi thần chết đến thì tâm thức chắc chắn hiện lên nỗi hoảng loạn điên đảo.
Trần Thái Tông đã trầm tĩnh chủ động nhận diện diễn tiến về tướng chết: “Bệnh não càng nặng, tính mệnh hầu tàn. Tuổi thọ kia luống hẹn trăm năm, thân thế bỗng thành một giấc mộng. Thông minh sáng suốt tránh sao được đại hạn tới ngày. Khoẻ mạnh oai hùng chống sao nổi với vô thường thời tới. Vợ trinh thiếp thuận, trở nên những cảnh đau thương. Em kính anh hiền thôi cũng đôi đường cách biệt. Vật mình vỗ đất, đập đầu gào trời, tường hoa nhà rộng để làm chi? Chứa ngọc chất vàng làm gì được nữa. Đài điếm kín khép những nghe gió bấc ào ào. Cửa suối nhặt cài chỉ thấy mây sầu thảm đạm”.
Thế giới chúng ta đang sống và thế giới mênh mông vô tận này có bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại, không. Thời gian có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Con người có bốn giai đoạn: sanh, già, bệnh, chết… nhất định phải trãi qua, làm sao tránh được. Cho nên, Thiền sư muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết, khi sự chết đến thì dù cho tiền tài danh lợi, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan… hay bà con quyến thuộc, họ hàng thân thích đều không thể ngăn chặn, trốn tránh hay thay thế được. Một khi vô thường đến, một hơi thở ra không trở vào được thì dù chồng có yêu thương vợ, cha mẹ thương con, họ hàng luyến tiếc cũng không thể chết thay hay làm gì được, mà chính bản thân mình phải ghánh chịu.
Trần Thái Tông còn phân định rõ: “Cái tướng chết của người đời ví như mùa đông của một năm. Xoay đã hết vòng trời đất theo Thái Tuế. Nhật nguyệt hướng vào một chỗ gặp gỡ của sao Huyền hiếu. Sao âm cực thịnh một trời mưa tuyết lại tơi bời. Khi đang phai dần, ngầm tám suối nước đóng băng thêm giá lạnh”. Nói chung, hễ tướng chết hiện đến thì không còn một điều nào có thể tốt được, cho dù đó là trời đất trăng sao, khí âm khí dương, nắng mưa sương tuyết… tất cả đều như rũ một màu tang:
“Thổi đất mù trời trận cuồng phong,
Thuyền chành say tít nọ ngư ông.
Bốn bề mù mịt mây sầm sập,
Sóng động kêu vang khắp mặt ông.
Phất phất mưa cơn rơi từng trận,
Sét vang động địa nổ đùng đùng.
Giây lâu tan bụi trời quang tạnh,
Sông cả đêm thâu trăng chiếu lòng”.
Mọi hành vi con người đang cử động như đi, đứng, nằm, ngồi… bỗng dưng một hơi thở ra không trở vào được và tất cả đều dừng lại, bất động, im lặng thì quả thật còn hơn cả cuồng phong bão táp. Sự kiện này đối với con người còn hơn trời đất bị đảo lộn chuyển xoay. Và đúng là trong cõi mờ mờ, mịt mịt, hư hư, thực thực, con người rất khó mà nhận ra được mình đang ở đâu, làm gì, lúc nào?
Con người bình thường sống chưa định hướng, giờ sắp chết đã trở nên lạc lõng “tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng” với chính mình, muốn tìm ra một nơi nương tựa quả là rất khó. Khi con người quay trở về nơi chính mình thì cũng là lúc con người bị rơi vào lạc lõng hụt hẫng:
“Bụi trần tạm lắng bên trời tạnh
Trăng lặn, sông dài canh mấy đây?”
Trần Thái Tông mượn cảnh bốn núi để diễn tả những nỗi vui mừng và khổ luỵ của bốn tướng sanh, già, bệnh, chết nhằm giúp người đời chúng ta cùng nhau nhận thức rõ chân lý thật tướng của cuộc sống để có thể làm chủ được chính mình, không còn bị pháp trần dẫn dắt sai khiến đi lạc hướng nhận chịu khổ đau nữa.
Hình tượng bốn núi thật là đặc sắc. Bởi hễ đi dạo núi thì phải có leo lên đỉnh núi, đi dạo chung quanh núi và rồiụ xuống núi. Tất nhiên người đi phải trãi qua những khó khăn, cũng có lúc rất thảnh thơi thong dong như ở chốn thần tiên. Con người sanh ra ở trên đời có thể chết ở tuổi thiếu nhi, thanh niên, trung niên, nhưng có lẽ phần nhiều thác hóa ở độ tuổi bên kia dốc của cuộc đời. Khi con người đi qua mà có ý thức mỗi bước đi, quan sát kỷ cảnh trí mỗi nơi đã đi qua, không phải ai cũng có thể làm được.
Trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy rõ chư vị thánh nhân một khi đã nhận ra chân lý của một đời người, làm chủ được bản thân mình cùng với mọi mối quan hệ, thì chư vị rất bình thản sống qua cuộc đời. Ngoài ra, chư vị còn tận dụng mọi không gian, thời gian có thể làm được những việc góp công sức; trí tuệ cho nhân sinh. Họ đã trở thành những ngọn đuốc sáng cho mọi người nương tựa, khai đường cho những người thiện duyên chung quanh cùng cất bước.
Trần Thái Tông đã đi vào đời, Ngài đã nhận ra chân tướng cuộc đời của một con người phải trãi qua. Hình tướng bốn núi là kết quả tư duy, là tư tưởng Thiền học là Tinh thần nhân bản của một vị vua Phật tử. Chúng ta đã biết, Thái Tông từ lúc sinh ra cho đến lúc lên ngôi vua và nhường ngôi vua cho con ở độ tuổi 40, trãi qua một đời người trước lúc lìa cõi trần thế giả tạm này. Ngài làm việc rất trí tuệ, tư duy quán xét mảnh liệt. Ngài thoái vị rất sớm như vậy. Phải chăng đây là một sự tỉnh thức trước ảũo ảnh phù du của tài sắc danh lợi, nhận ra sự chớp nhoáng vô thường của đời người, như Nguyễn Gia Thiều về sau đã tô đậm sự ý thức này bằng những vần thơ rất tỉnh thức và văn chương:
“Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Sân đáo lý giâm hồng man mác
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
Cánh thuyền bể hoạn mênh mang
Cái phong ba khéo cợt phường danh lợi”
Nhờ lời căn dặn của Quốc sư: “song việc nghiên cứu nội điển thì xin Bệ hạ đừng phút nào quên” khiến Trần Thái Tông tự mình suốt 32 năm ngự trị trên ngai vàng mà không bị “mùi phú quý, bã vinh hoa” trêu nhử, lừa lọc; không bị “giấc Nam kha” làm giật mình hối tiếc bàng hoàng và cũng không bị cảnh “ bừng con mắt dậy thấy mình tay không” làm cho đau khổ. Trái lại, Ngài đã tự tỉnh ngộ nhận ra mình là người tay không trước, an nhiên ngồi trên ngai vàng với lời chỉ giáo của Quốc sư: “hãy lấy ý thiên hạ làm ý của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”. Nhờ vậy Ngài được thong dong rời ngôi báu trong lúc tuổi đời đang độ sung mãn. Cũng chính nhờ vậy, Ngài đã vượt thoát sự ru ngủ mê hoặc của “nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng” để khỏi phải bị rơi vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh “cánh thuyền bể hoạn mênh mông” và cũng không bị sự trêu cợt của “cái phong ba” trên đường danh lợi.
Giai đoạn từ 8 tuổi đến 40 tuổi của một đời, con người sống trên tuyệt đỉnh cao sang, quyền uy trọn vẹn thì rất dễ bị cuốn theo pháp trần hư ảo. Chúng ta thấy khi Trần Thái Tông vừa bước lên đỉnh núi sanh ở tuổi 20, thì gặp phải đoạn đường hiểm nguy là nghịch cảnh gia đình thử thách, Ngài đã bị chao đảo định từ bỏ ngôi vua. Nhưng cũng rất may là Ngài đã gặp được một cây gậy thần của Quốc sư giúp, nên vững tiến bước trên con đường đi dạo chung quanh núi Sanh một cách thảnh thơi. Ngài bước lên núi Già độ tuổi 41 trong trạng thái hoàn toàn thức tỉnh và sung mãn. Với tư tưởng giác ngộ, Ngài vừa làm cố vấn cho triều đình, vừa đi du ngoạn trong trạng thái một người hỷ lạc liễu ngộ Phật pháp. Những tác phẩm giáo lý Phật học và Thiền học là một bằng chứng đã đưa con người Trần Thái Tông đi vào cảnh giới Phật Pháp. Dù chưa xuất gia sống trong tổ chức tập đoàn Tăng, nhưng Ngài vẫn được người đương thời và hậu thế kính trọng bái phục, xem Ngài như là một bậc Thiền sư lỗi lạc trong thế hệ Phật giáo Việt nam dưới thời Trần. Sau đó, chúng ta lại thấy Trần Thái Tông đã vượt qua hai ngọn núi Bệnh và Chết như đi bằng thần thông trên hư không, tự tại không vướng bận một pháp gì của trần thế.
Bài học về bốn núi của Trần Thái Tông giúp chúng ta nhận ra sự sinh hoá đau khổ của cuộc đời và kiếp người. Nếu chúng ta sinh ra và sống trong đời mà không hay biết gì về trạng thái di dịch biến đổi của từng trạng thái sanh, già, bệnh, chết thì nhất định bị say mê trong vòng quay luân hồi:
“Sanh thân rồi lớn rồi già,
Rồi đau, rồi chết lìa qua một đời,
Rồi theo nghiệp luân hồi trở lại.
Cũng sanh thân cũng mãi tấn tuồng,
Bánh xe cứ mãi quay cuồng,
Sanh, già, bệnh, chết là đường thế gian”
Nhưng ngược lại, với bài học bốn núi Trần Thái tông giúp con người nhận ra sự có mặt của mình trên cuộc đời này như là một kết quả tất yếu. Nên mỗi người tạo ra và phải thọ nhận những hậu quả tốt xấu là sự kiện tất yếu. Chính các Thiền sư ÂÁn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam đều chứng ngộ điều này. Lời pháp của Thiền sư SUZUKI người Nhật Bản là một tiếng chuông cảnh tỉnh hàng ngày đối với chúng ta:
“Sanh như đắp chăn đông
Tử như cởi áo hạ”.
Khi chúng ta đạt được sự đồng cảm như các Thiền sư đã chứng ngộ cho dù đang ở trong bốn núi hay bất cứ ở chốn nào cũng có thể đi lên, đi xuống dạo quanh một cách tự tại thảnh thơi.
3/ Cảm Nhận Về Thân Phận Con Người.
Mọi người phải trãi qua giai đoạn sanh, già, bệnh và cuối cùng là chết. Không có ai tránh được bốn nguyên nhân ấy của sự đau khổ. Nên thân phận con người, mỗi người có một sự cảm nhận, quan điểm, luận thuyết riêng để làm nền tảng căn bản cho chủ thuyết của mình. Nhưng về mặt tổng quát, chúng ta thấy nền tảng tư tưởng chung nhất là đề cao giá trị hiện hữu của con người và tìm ra phương cách giải phóng những nỗi đau cho con người, đồng thời vạch ra một định hướng cho nhân loại.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã nhận thức rõ nỗi khổ của con người, và Ngài tìm đường giải thoát cho những kiếp người cùng vạn loại chúng sinh. Trong thời Ấn Độ cổ đại, con người giai cấp bần tiện phải ngày đêm lầm than phục vụ cho giai cấp quyền quý. Ngài đã quyết tâm xoá lấp những hố thẳm của sự ngăn cách giữa người với người “không có giai cấp trên dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Trên con đường tìm cầu chân lý, lối thoát cho quần sinh. Đức Phật đã phát huy tinh thần ấy sau nhiều năm tu tập thiền quán, thể nghiệm bản thân mình. Ngài đã liễu ngộ bốn chân lý Tứ diệu đế. Bốn chân lý này là nguyên nhân gây nên khổ đau và sự chấm dứt khổ đau của một con người.
Chân lý thứ nhất chỉ cho trạng thái khổ não bức bách thân tâm. Chúng ta nên nhận thức đúng thế gian không luận là hữu tình hay vô tình. Tất cả mọi sự vật giữa thế gian này đều là khổ, đều là giả hợp. Cũng vậy, mọi giá trị phán đoán do những hoàn cảnh chung quanh tạo ra trong cuộc sống của con người thuộc về thế tục, thì bản chất của chúng ta là khổ. Khổ đế là chân lý chỉ cho quan hệ sinh tử thật là khổ.
Sanh là khổ, kinh chép rằng: “mỗi mỗi loài chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sinh, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn gọi là sinh” . Với con người, sanh có nghĩa là từ khi kêát thai cho đến khi ra đời. Sự kết thai khởi đâàu đã khó khăn, phải có đủ ba điều kiện thai nhi mới hình thành: nghiệp thức, tinh khí của cha mẹ kết hợp. Chín tháng trong lòng mẹ với bao nhiêu hãi hùng nóng lạnh.
Già là khổ, kinh dạy rằng: “sự niên lão, sự hư hoại, trạng thái rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn biến hoại. Như vậy gọi là già”. Dù đang tuổi trẻ, ta cũng dễ cảm nhận ra già là khổ. Bởi vì, ở đời không ai muốn già mà chỉ muốn mình trẻ mãi. Càng mong trẻ thì lại càng thấy khổ vì già. Già là một sự kiện kinh hoàng! Nó như là hoàng hôn đến vùi dập bao nhiêu mộng ước của một đời người. Nếu trẻ là đẹp tràn đầy nhựa sống; dễ chịu bao nhiêu, thì già lại ngược hẳn bấy nhiêu như lưng còm, má hóp, da nhăn… già cướp đi sức khoẻ và mọi thứ hạnh phúc. Nó như con ngựa bất kham trên đường đời ngàn dặm. Ở già có mặt của nhiều đau nhức, mỏi mệt; ở đó cái chết đang gần ai ai cũng hãi sợ.
Bệnh là khổ là vì hầu hết mọi người có dịp nếm cái vị đắng của bệnh tật, nhưng thấy sâu xa cái khổ đau của bệnh thì chưa. Chỉ một chiếc răng đau đủ làm ta khổ sở lắm rồi. Một cơn gió độc làm say xẩm mặt mày, quay cuồng đầu óc chỉ trong một lát cũng đủ cho mình không làm chủ cái thân này. Mạng sống mỏng manh này có thể tắt ngấm bất kỳ lúc nào, cùng với sự nghiệp mà mình khổ công xây dựng ở đời bỗng nhiên tan biến tay trắng-trắng tay, sống lo âu thấm thỏm nghi ngờ nhau. Có biết bao nhiêu chứng bệnh khác có thể xâm nhập cơ thể con người bất cứ lúc nào. Cái ám ảnh của cơn vô thường bệnh hoạn cũng đủ làm cho mình khổ, con người hoàn toàn bị động trước thân tâm bệnh. Đây mới thực là nỗi đau lớn nhất.
Chết là khổ là vì con người dù chết sớm hay chết muộn, nhưng sự cảm nhận khổ đau về cái chết thì còn hơi mơ hồ. Khi ta có cảm nhận thì chưa chết, khi chết rồi thì ý thức cảm nhận đâu còn. Tuy nhiên, chúng ta có thể cảm nhận ra là khi có những người thân chết. Cảnh xúc động bi thương khổ đau hiện rõ ở người sống nhiều hơn. Người sắp chết mà biết mình sắp chết thì tâm lý cũng đầy dao động, quằn quại thương ai tương tự. Ta thấy chết thì không mấy khổ đau, nhưng nỗi ám ảnh của cái chêát gây nên nhiều khổ đau hơn. Càng muốn sống thì lại càng sợ chết, con người không biết những gì xãy ra đối với mình sau cái chết mà đâm ra lo sợ, sống vội sống vàng làm mất hết an tịnh và thanh thản của cuộc sống. Do đó, chết là cơn ác mộng của cuộc sống, là nỗi đau của kiếp nhân sinh.
Trần Thái Tông sau nhiều năm nghiền ngẫm suy tư nền tảng giáo lý Phật Đà. Cho nên khi trình bày về thân phận con người, chúng ta thấy Ngài đã cô đọng trong “Phổ Thuyết Sắc Thân” rất cụ thể: “hởi các người: thân là nguồn gốc của đau khổ, thể chất là nguyên nhân của nghiệp quả. Nếu tự cho đấy là chân thật bản ngã của mình, thì tức là đã nhận giặc làm con vậy”. Một sự cảnh tỉnh hết sức cần thiết, con người ai cũng có thân, nhưng lại bỏ quên không nhận ra được thân là nguồn gốc của khổ. Thiền sư đã khơi dậy trong tiềm thức con người một ánh sáng mãnh liệt để họ có thể tự nhận ra ở chính mình, hãy biết chắc rằng: “thân là gốc khổ, thể chất là nơi thân nghiệp”. Điều này rất quan trọng vì từ lâu con người lầm lẫn cái khổ thể chất của chính mình, họ cho rằng: thân tôi đẹp, xấu, gầy ốm, béo mập… bao nhiêu thứ, rồi từ đó mặc cảm hay tự phụ với bản thân mình. Thân tướng bên ngoài của con người chỉ là chiếc áo giả tạm để che đậy thân thể mà thôi.
Thiền sư còn chỉ bày cho ta rõ, nó là nhân nơi nghiệp, tức thân đời này có được là do nghiệp nhân đã từng gieo tạo ở nhiều đời nhiều kiếp trong qua khứ, thân hiện tại chỉ là sự tích tụ giả hợp tạm thời. Nó sẽ thay đổi tan biến theo dòng sinh diệt của thời gian, của các pháp. Khi tâm hồn ta buồn, thì vẻ mặt bên ngoài của ta cũng buồn theo. Cho nên nơi đây, Thiền sư đã nhấn mạnh và nhắc nhở con người “nếu tự cho nó là thật, cũng là nhận giặc làm con”. Sự thực khối thịt này là giả huyễn, nếu ta chấp vào nó có thật thì vui buồn theo hư huyễn, ảo ảnh. Con người ở đời thường ít khi chủ động trước cuộc sống, mà chịu sự chi phối của thiên nhiên và tạo hoá.
Trần Thái Tông rất thực tế khi đưa ta về với hiện tại: “Người nên nhận xét lại cho kỷ. Chỉ vì cái sắc thân này trước khi đầu thai ở trong bụng mẹ thì có thấy nó ở chỗ nào?. Chẳng qua ý niệm nổi lên gặp được duyên tốt, mà ngũ uẩn mới nổi lên. Rồi thì hình thể tướng mạo vọng sinh ra, hình dung cũng hiện ra giả dối. Như thế là quên mất cỗi gốc chân thật của mình, để hiện ra một cách huyễn ảo huyền xằng. Hoặc gái, hoặc trai, hoặc đẹp, hoặc xấu đều là phóng tâm đi mất, chẳng lui gót trở về. Rong ruỗi đầu đường sinh tử, bẫng quên diện mục bản lai của mình là Phật tánh Như lai”. Lời khuyên của Thiền sư rất chí lý. Bởi lẽ khi đang sống, con người đâu có tự hỏi: “trước khi chưa sinh ra đời, mình có biết được bộ mặt thật của mình ra sao không?”
Sở dĩ con người bị trôi lăn triền miên trong vòng sanh tử là vì mãi chạy theo huyễn cảnh chấp cái hình tướng giả có bên ngoài, quên mất chính mình thì làm sao gặp được Chân Tính. Thường không phải hầu hết nhưng có thể nói phần nhiều hơn là các vua chúa thời phong kiến dễ đi vào con đường trụy lạc tài sắc phong lưu mê đắm huyễn thân giả tạm này. Sử sách đã ghi chép Trung hoa có vua Trụ vua Kiệt, ở Việt nam có vua Lê Ngoạ Triều …
Trần Thái Tông đã chỉ cho người đời sau biết diễn tiến tư tưởng con người khi bắt đầu vào cuộc tái sinh, nối tiếp một cuộc đời mới, một giấc mộng mới “đến nơi trong mộng nói mộng”. Cho nên con người dễ rơi vào con đường lầm lỗi, chấp “lấy giả làm chân lăn xăn lộn xộn”. Nếu không có con mắt pháp thì thử hỏi tìm ra được lối đi chân chính không:
“Đầu sọ khô cài hoa dắt ngọc,
Túi da hôi ướp xạ xông hương.
Cắt lụa là che đậy máu hôi tanh,
Dồi son phấn át thùng phân thúi”.
Ngài còn khẳng định trang sức như thế trọn gốc nhớp, không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu. Trần Thái Tông sáng tác để bày tỏ nhận thức của mình cho mọi người cùng biết; cùng nghe, mà thực ra Ngài nói như tự nói với chính mình, tỉnh thức mình.
Trần Thái Tông đã diễn tả về cuộc sống của con người bằng kinh nghiệm thực chứng của bản thân. Hơn 32 năm ngự trị trên ngai vàng, Ngài đã thấy rõ mặt trái của mọi người cũng như chính bản thân mình. Cho nên những điều Thiền sư nói ra như là một cuốn phim quay chậm để mọi người cùng xem; cùng thấy; cùng nhận ra những bườc đi hư hảo phù du của chính mình chứ không phải ai khác. “hết thảy mọi người! Giống hệt con rồi, đều nhờ sợi tơ kéo rút, đùa đến đùa đi cùng sanh một thứ, sau khi buông đi thật là đáng chết. Tự khởi muôn việc tính toán, đều do lục tặc công phá. Chẳng lo già bệnh chết đến, chỉ thích sắc tài rượu thịt. Luống đem đầu lằn rừng ốc (cái lợi nhỏ nhoi), cam chịu lợi ràng danh buộc. Trọn ngày bỏ sạch mong cầu, tối lại trở thành mộng tưởng. Chất chứa nghiệp dơ như giấy, chẳng biết tóc bạc như sương. Một hôm bệnh nặng trầm kha, trăm năm trọn về mộng lớn. Tim gan đau đớn dường thể oán thù, thân thể ốm gầy giống như quỷ đói. Còn muốn cầu đảo sống dai, nào biết sát sinh hai mạng. Chỉ mong biết đời sống như tùng bá, đâu ngờ thân thể vì tựa nhà xiêu. Hồn phách tuy về cõi quỷ, thi hài vẫn còn ở nhân gian, tóc lông răng móng chưa kịp tiêu, đàm dãi máu me đều chảy trước. Rữa nát thì máu mủ chảy trào, hôi hám ắt xông trời xông đất, đen nám chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng tởm. Chẳng luận giàu nghèo đồng vào cõi chết, hoặc để trong nhà thì dòi đục tửa sanh, hoặc ném ra đường thì quạ ăn chó xé. Người đời đều bịt mũi đi qua, con hiếu thì lấy chiếu mền quấn giấu. Nhặt thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách phó cho đám lửa ma trơi nơi hoang dã, mả mồ giao cho muôn dặm núi sông” . Được sanh làm người trong đời ai cũng có thân, ai cũng có một thời gian sống và một thời khắc chết. Cuộc sống như một vòng quay; con người như là một con rối, không có một khoảnh khắc tự xét lại bản thân mình.
Khác hơn nhiều người, Trần Thái Tông đã quán xét thật kỹ mỗi giây phút sống của chính mình và chứng nhận chính xác mọi cuộc sống chết. Với bút pháp tả thực, Ngài rõ biết thế nào là sắp xếp lại tuần tự chuẩn mực từng giai đoạn, ghi đậm lại những vui buồn, những hiện thực của một kiếp sống, những biến tướng vô thường của vạn vật… để một nhân duyên, một phút giây hữu hạn nào đó. Con người có dịp đọc lại như xem gương thấy được chính mình.
“Thuở xưa tóc mượt má hồng, ngày nay tro tàn xương trắng, khi mưa thảm ánh mây ảm đạm, lúc gió sầu bóng nguyệt lờ mờ. Đêm tàn thì quỷ khóc thần sầu, năm chầy thì trâu quần ngựa xéo. Đom đóm lập loè trong cỏ rậm, tiếng trùng rên rỉ ngọn bạch dương. Bia đá văn ghi nữa phủ rêu, tiều phu mục đồng làm lối tắt. Dù người văn chương cái thế, hay kẻ tài sắc khuynh thành. Đến kỳ đâu có khác đường, rốt cuộc cùng chung một nẽo. Mắt bị sắc lôi về rừng kiếm, tai theo tiếng dẫn đến núi đao, chóp mũi ngửi hít khói hôi tanh, đầu lưỡi ngậm nuốt sắt nóng, thân sợ nước đồng sôi gội tắm, ý ghê vạc lửa nấu chua cay. Trăm cái xuân thu ở nhân gian, chỉ một đêm ngày trong địa ngục”
Giá trị văn chương; tinh thần sáng tác của Trần Thái Tông rất đặc sắc, không những cảm nhận thân phận con người khi đang sống, mà Ngài còn cảm nhận thân phận cái xác thân tứ đại vô thường sau khi qua đời và nấm mồ của con người trước dòng thời gian bất tận. “bia đá văn ghi nữa phủ rêu, tiều phu mục đồng làm lối tắt”. Chẳng những cảm nhận về một người mà cả nhiều người; chẳng những một hạng hay một giới người mà gồm cả nhiều giới, nhiều hạng người. “dù người văn chương cái thế, hay kẻ tài sắc khuynh thành, đến kỳ đâu có khác đường, rốt cuộc cùng chung một nẽo”. Nếu Trần Thái Tông không có con mắt pháp; con mắt huệ hay dấn thân vào tận đáy cuộc đời, thì làm thế nào nhà vua có thể cảm nhận đến tận kỳ cùng nẻo đường đi lối về của con người rốt ráo đến như vậy.
Chúng ta còn thấy, Trần Thái Tông đã vạch ra sẳn cho con người một hướng đi rất cụ thể, hầu có thể vượt qua khỏi lối mòn nhân thế: “Nếu ai đủ mắt tinh đời, phải kíp hồ tâm xem lại. Cất mình vượt qua bể tử sinh giang tay xé toạc lưới ái ân. Chẳng nề trai gái, ai cũng nên tu, chẳng cứ trí ngu đều có phận cả. Nếu chưa thấu tâm Phật, ý Tổ, trước hãy chăm trì giới niệm kinh. Kịp đến lúc Phật cũng không mà Tổ cũng không, thì còn có giới nào trì, kinh nào niệm. Trong ảo sắc cũng là chân sắc, chính phàm thân hoá thực pháp thân. Phá sáu giặc thành sáu thần thông biến tám khổ ra tám tự tại” . Ông cha ta thường nói: “đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Con đường tìm ra chân lý để thoát khỏi nỗi khổ đau của cuộc đời không xa chỉ cần ta vững lòng. Cũng vậy, Trần Thái Tông thấy rằng nếu người thông minh đủ trí nhận chân cuộc sống rồi thì tự mình phải quyết tâm lập nguyện lớn, tự mình thanh lọc chính mình, một khoảnh khắc chừng bằng khảy móng tay phải chấm dứt mọi chướng duyên để cầu đạo giải thoát.
Phương tiện có thể đưa con người đến chỗ thông đạt tâm Phật, ý Tổ chỉ có chúng ta tu tập để tâm ý thuần tịnh, nhận ra “sắc huyễn cũng chơn sắc, thân phàm cũng là thân Phật” thì khi đó chắc chắn chúng ta sẽ có đủ năng lực để chuyển hoá sáu thức, thành tựu thần thông, chứng đắc các pháp tự tại, tùy duyên ứng hoá hiện thân rộng độ chúng sanh trong cõi đời này.
Ở thế gian, mọi duyên nói nghe thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hành được hay không là việc khác. Trong giáo lý Phật Đà cũng vậy phần thực hành tu tập đạt kết quả rất khó. Cho nên, trong phần kết bài văn “nói rộng về sắc thân”, chúng ta thấy Trần Thái Tông đã suy nghiệm rất chí lý: “Tuy nói thế nhưng người ta đã chịu vào cõi sắc thân này, thoát ra khỏi cũng là khó lắm. Các người ơi! Chỉ cái sắc thân ấy, lại phải làm thế nào mà thoát ra được. Nếu chưa thoát được cần nghe lại đây:
“Vô vi chân nhân thịt đỏ lòm
Rõ ràng trắng đỏ hết đường nom
Ai hay mây cuốn trời quang tạnh
Xanh biếc bên trời sắc núi lam”
Dù phàm hay Thánh khi còn mang xác thân tứ đại này thì phải chịu quy luật của sanh tử. Do đó, chúng ta thấy, Trần Thái Tông muốn đánh thức; muốn khơi dậy bản năng ý thức tự thân của mỗi con người. Ngài tìm lại ý thức tự thân, phân định thật rõ tâm thức, xác thân tứ đại giả hợp của con người. Tâm thức là phần chủ thể, thân xác là phần khách thể. Giá trị của con người là sự kết hợp hài hoà của thân và tâm trong một định hướng sống mà tâm thức đóng vai trò chủ thể, còn xác thân là phần tạm mượn phải trả về với cát bụi.
Con người ở đời sẽ đạt được sự yên vui và hạnh phúc trong cuộc sống, khi con người thật sự giác ngộ được lẽ “không và có” của các pháp. Và khi đó giá trị tinh thần giải thoát không còn là điều hư ảo đối với con người.
4/ Tư Tưởng Giác Ngộ Về Sự Sống Và Chết.
Khoá Hư Lục là tác phẩm gồm có nhiều bài được Thái Tông viết trong nhiều thời gian khác nhau. Nội dung nói rõ cái khổ sanh, già, bệnh, chết của kiếp sống con người. Sách còn đả phá các thành kiến cố chấp của thế gian và có ý khuyên con người hãy tinh cần tu tập chuyển hoá cuộc sống, vượt thoát kiếp người bạc bẻo.
Chữ Khoá có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ Hư có nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khoá là sự siêng năng thực tập nhận thức sự vô thường sóng nắng của kiếp sống, đừng để thời gian luống qua một cách vô ích. Nhu yếu của Hư là thái độ phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của Đạo Phật nói chung và tư tưởng Trần Thái Tông nói riêng: thực hiện một cách tinh tiến đạo lý giác ngộ trong tinh thần phá chấp tự do, vô niệm, giác ngộ được sự có mặt tất yếu của con người, đồng thời cảm nhận thân phận con người. Điều này được thấy rõ trong đoạn văn: “Nếu chưa đạt được tâm Phật và ý Tổ thì trước hết hãy trì giới, niệm kinh. Đến khi đạt tới trình độ Phật cũng không mà Tổ cũng không thì còn giới nào cần trì, kinh nào cần niệm? Lúc đó thì dù cư trú trong thế giới sắc ảo mà thật ra đã là cư trú trong thế giới chân sắc, ở trong phàm thân mà kỳ thực đã ở trong pháp thân.”
Trong ý hướng dẫn, Đạo sư tu hành thực tiễn Trần Thái Tông vận dụng bao tư tưởng vào Khoá Hư Lục. “phổ thuyết tứ sơn” nhằm mục đích diễn tả tính chất vô thường, khổ và vô ngã của thực tại để gợi ý tỉnh thức.
4.1/ Vô Thường Và Chân Thường.
Nền tảng tư tưởng giáo lý Đạo Phật về căn bản sở dĩ có là nhằm phụng sự lợi ích nhân sinh. Cho nên ta cần xây dựng nền đạo đức cho xã hội, đem lại bình an và hạnh phúc cho con người. Phật giáo là một tôn giáo dạy tu trên nhân quả. Con đường chuyển hóa nội tâm, giáo lý Phật Đà tuyệt nhiên không hề có tư tưởng bi quan, yếm thế. Những ai có định kiến cho rằng Đạo Phật có tư tưởng bi quan, yếm thế vì người đó chưa thấu hiểu, chưa thông suốt tư tưởng Phật giáo.
Đạo Phật thường đề cập về giáo lý vô thường, vì cảnh vật chung quanh con người luôn vận hành biến đổi. Ngay chính xác thân con người cũng luôn vận hành biến đổi theo chuỗi thời gian. Con người luôn nhận thức rằng: mặc cho cuộc đời tới đâu hay đó, gặp vui thì hãy vui, gặp buồn thì hãy tìm ra phương cách để giảm đi sự đau khổ… mấy ai nghĩ đó là mấu chốt của sự luân hồi sinh tử. Trần Thái Tông luôn để tâm quan sát và hoá giải mọi biến dịch của sự vô thường:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thinh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
(Vạn Hạnh Thiền sư)
Dịch thơ:
“Thân như ánh chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu não nùng
Mọi việc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”
(Ngô Tất Tố dịch)
Mượn bài thi kệ Thị Tịch bốn câu của Thiền sư Vạn Hạnh trên để nói đến tư tưởng liễu ngộ sự vô thường của Trần Thái Tông. Bài thơ được khẳng định trước dòng thời gian, ẩn chứa sâu sắc tư tưởng của Phật giáo, không biểu lộ tính chất bi quan thông thường của con người trước sự biến hoại thay đổi của xác thân và cảnh trí liên hệ để diễn đạt tính vô thường của xác thân. Đời người ai cũng có một lần sanh và một lần tử. Cảnh vật và thời gian khi mùa xuân đến thì cây cỏ xanh tươi nẩy nở, mùa hạ về hoa trái trưởng thành, mùa thu héo úa, mùa đông tích chứa để lại sang mùa xuân nẩy nở. Con người hay cảnh vật về sự tướng thì khác nhau, nhưng trạng thái biến đổi vô thường lại giống nhau.
Thiền sư tổng hợp mọi việc liên hệ sinh hoạt trong cuộc sống đều không tách rời quy luật sanh hoá vô thường. Ngài đã nhận chân và rút ra một đáp án tỉnh táo giúp con người chủ định và bình tâm trước mọi diễn biến vô thường. Việc sanh tử là chuyện bình thường như cởi bỏ một chiếc áo, là định luật tất yếâu trong cuộc sống như nước dòng sông khi ra khi vào.
Sanh tử mong manh như giọt sương mai có mà không, không mà lại có và không bao giờ mất. Đó chính là tư tưởng chân thường của Đạo Phật nói chung và Trần Thái Tông nói riêng trước cảnh vô thường. Đồng thời sự hiện hữu của con người mong manh trước thời gian, đó lại là khẳng định giá trị tinh thần nhân bản của Thiền sư trước những đổi thay; suy thịnh đời thường. Sự sống chết của con người chẳng qua như cánh nhạn cùng bay theo trời thu, là cuộc trả vay đầy bi tráng. Thiền sư khuyên chúng ta đừng buồn khổ khi mất thân này. Thân này là tứ đại giả hợp được vay mượn từ đất, nước, lửa, gió thì đâu có dài lâu.
Trước cảnh vô thường sinh ly tử biệt là nỗi đau khổ của kiếp người. Điều khổ mà Thái Tông cảnh tỉnh chúng sanh đừng lưu luyến buồn khổ, vì Thiền sư đã thấy rõ sự trở lại của chính mình, thấy rõ tính chơn thường trong cõi vô thường của thân và tâm. Chúng ta lắng nghe và cảm nhận tính vô thường và chân thường qua cánh bướm mùa xuân của Giác Hải Thiền sư:
“Xuân lai hoa điệp thiện thi thì
Hoa điệp ưng tu công ứng kỳ
Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”.
Dịch thơ:
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng, hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo
Thấy hoa, mặc bướm để lòng chi”
(Ngô Tất Tố dịch)
Mùa xuân là thời gian, bướm hoa là cảnh vật. Mùa xuân về bướm liệng hoa cười là sự hiện tướng của sắc trần trong thế gian. Người đời thấy bướm lạ hoa tươi nhiều màu sắc xinh đẹp tưởng thật, chừng cầm nắm được trong tay mới hay là phù du, huyễn ảo. Thiền sư đã nhận rõ chân tướng biến đổi của các pháp, dùng lời thơ để cảnh tỉnh người đời nên làm chủ được tâm thức của mình trước cảnh biến đổi vô thường, an trụ vững vàng nơi vùng tâm thức. Đó là sự hiểu biết biểu thị tính chơn thường phá vở mọi lẽ vô thường.
Trong cuộc sống đời thường, những danh lợi tài sắc luôn diễn ra như những áng mây mù trước mặt ngăn chặn tâm thức nhìn xa hiểu rộng của con người. Kinh nghiệp ngàn đời của cuộc sống đã cho con người biết bao nhiêu là những bài học quý giá về sự tan biến phù du của những áng mây tài sắc, kiếp sống mong manh.
Con đường đến chân thường là phải soi sáng thấu đáo mọi lẽ vô thường, cùng lúc âáy, bước đầu người tu phải mượn huyễn pháp để quán vô thường, mượn huyễn tu để rèn luyện sách tấn thân phàm. Đến lúc thân và tâm đều trưởng thành, giác ngộ sự thực của kiếp người rồi thì tất cả đều là giả tướng không thật có. Giác ngộ các huyễn pháp cũng chính là giác ngộ mọi lẽ vô thường. Chính Chơn tâm, Phật tánh là tính Niết Bàn của người liễu ngộ Phật pháp. Đi tìm cái không xưa nay vô tướng của thân thì quả thật khó, nhưng ta chịu đi tìm cái “giả dối nên chia thành nhị kiến” của thân thì dễ. Điểm khác biệt là chúng sinh Tướng Tánh đều vô thường, Phật thì dù có lúc phương tiện thọ thân vô thường để độ sanh đi nữa, thì tâm tánh vẫn luôn luôn an trú cõi chân thường. Điều này được nổi bật khi Phật thị hiện với đầy đủ 32 tướng. Ngài xem sự hiện hữu tốt đẹp của thân như là một phương tiện hoằng độ chúng sanh.
4.2/ Khổ và Khổ lạc.
Tư tưởng giáo lý về khổ não và lạc của Phật Giáo vô cùng sâu sắc trong lẽ sống đạo. Thật ra nói khổ não nhưng không hề một chút gì khổ não mà là nhận thức chân tướng của các sự khổ não ở đời để đạt đức tánh lạc trong Tứ Đức Niết Bàn.
Bình thường trong đời ai cũng có thể hiểu phàm là con người có sanh ắt có tử. Nhưng khi đối diện trước thực tế thì: “sanh là người đời vui, chết là người đời buồn”. Tại sao vậy? Đơn giản, vì con người còn chấp có; chấp không. Sanh ra người đời thấy mình vui vì có thêm; chết đi người đời thấy buồn vì mình bị mất. Khi nào con người vượt lên trên sanh tử, không vướng vào mình những ràng buộc, không còn thấy mình được mất, thì khi đó khổ não không còn quấy nhiễu cuộc sống nữa, niềm an lạc hạnh phúc là của con người.
Thông thường ở đời con người vui mừng khi mới sanh ra, lo sầu khi biết già đến, buồn khổ khi gặp phải bệnh và sợ hãi hốt hoảng khi biết mình sắp chết. Phải đạt đến tâm thức vững vàng mới có thể bình đẳng trước các pháp sinh, già, bệnh, chết. Người ta cứ ngỡ tìm cách chạy trốn khỏi các pháp trên là thoát, không tự nghỉ chính sự đối mặt thấy rõ, thấu suốt lẽ vô thường của các pháp. Dưới ánh mắt trí tuệ của Trần Thái Tông, xác thân con người vốn có đầy đủ sáu trần. Chúng ta hãy sống tri túc với cái mình vốn có, không nên đi tìm mọi thứ rắc rối của các pháp trần bên ngoài. Thời gian không bao giờ ngừng trôi, vòng quay bánh xe luân hồi không cùng tận. Những khổ não hay an lạc của con người là do ý thức tạo ra. Pháp trần huyễn ảo là chuyện vĩnh hằng trong cuộc sống. Khi con người còn hướng vọng bên ngoài thì bị khổ não là điều tất yếu, con người cần phải dừng lại; thắng phục chính mình và làm chủ các pháp chung quanh thì hạnh phúc an định lạc trú nơi con người cũng là điều không thể khác.
Con người và cuộc đời, chính báo và y báo đều là khổ, vô thường, vô ngã và cần tỉnh thức. Trần Thái Tông đã trực nhận con người và cuộc đời không thoát khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết, khổ không, vô thường, vô ngã. Vì thế, con người cần tỉnh thức. Những tư tưởng đã được Trần Thái Tông phô diễn trong “phổ thuyết tứ sơn” hay các tác phẩm khác. Mới đọc qua tác phẩm, có người cho là nhân sinh quan của Trần Thái Tông có vẻ bi quan, yếm thế. Nhưng không, Trần Thái Tông muốn nhìn thẳng vào thực tại con người và cuộc đời, để tự phản tỉnh, bước nhanh trên con đường trở về nguồn cội quên hương cao đẹp.
Để diễn tả bốn núi, Trần Thái Tông phải giải thích qua bài núi thứ nhất là sinh, núi thứ hai là già, núi thứ ba là bệnh và núi thứ tư là chết. Đó là bốn hiện tượng chi phối cuộc sống con người. Thế nhưng, con người không nhận chân được, cứ mãi mê chấp ngã về tấm thân tứ đại, ngũ uẩn này. Con người chẳng biết “thân là gốc khổ, chêát là nghiệp nhân”. Nếu tựu coi thân đó là chân, tức đã nhận kẻ thù làm con. Bởi thế, Trần Thái Tông cho rằng nếu biết trong con người có Phật tính vắng lặng; rồi phá hết mây mù, phiền não, Phật tính đó sẽ hiển hiện.
Để phá tan mây mù, trở về được với núi ở chân trời xanh biếc, tức là Phật tính trong lặng. Trần Thái Tông khuyên rằng: “Hay đâu, bồ đề tính giác, ai nấy viên thành; sao biêát, bát nhã căn lành, người đầy đủ. Hỏi chi đại ẩn, tiểu ẩn, chẳng kể tại gia xuất gia. Không nề tăng tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không gái trai, chẳng nên trước tướng. Người chưa tường còn chia tam giáo, liễu được thấu đều ngộ nhất tâm. Nếu hay chiếu sáng rọi về, đều được thấy tánh thành Phật. Lại nữa, thân người dễ mất, phật pháp khó nghe. Muốn vượt sáu ngả mãi xoay tròn, chỉ có nhất thừa là đường tắt. Nên tìm chánh kiến, chớ tin tà sư: ngộ được chính là chổ vào, làm xong mới hay thoát tục. Bước bước khéo đạp thật địa, đầu đầu mang đội hư không. Khi dùng thời muôn cảnh đều phô, thu lại thời mảy may hết sạch. Vượt lên chỗ chẳng tương sinh tử, thấu tới cơ khó thấu hiểu quỷ thần. Là phàm là thánh, cùng vào một đường. Ngưng nói hướng thượng tam huyền, cần rõ một bước sau chót. Hay nói, tức là hiện nay gọi cái gì là một bước sau chót.
“Non xanh thoai thoải nhìn trời rộng,
Sen biếc ngạt ngào đượm nước hương”
Để thoát ly cuộc đời sinh, già, bệnh, chết, khổ, vô thường, vô ngã, con người hãy chuyên cần tu tập không để lục căn nương vào lục trần làm say đắm điên loạn, học tập pháp vô lậu, ý thức được cuộc đời là ảo ảnh mà xa lìa các tham dục. Ý thức chấp thân này của ta, pháp này của ta không còn nữa. Nhẹ nhàng thảnh thơi như người mắc nợ trả được món nợ. Người ấy đã đặt ghánh nặng trên vai xuống không vướng bận pháp thế gian này nữa, tới lui trong đời này thong dong tự tại. Như kinh Tương Ưng Đức Phật có dạy:
“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người,
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống
Tức là lạc không khổ,
Đặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát
Được giải thoát tịnh lạc.”
Tôn giáo là một lĩnh vực tinh thần, nó góp phần xây dựng nền đạo đức cho xã hội, đem lại sự bình an và hạnh phúc cho con người. Phật giáo là một tôn giáo dạy tu trên nhân quả. Con đường tu theo đạo Phật, là con đường chuyển hoá nội tâm, theo quy luật vận hành của vũ trụ và nhân sinh. Do đó người Phật tử đến với đạo Phật, không phải bằng niềm tin, mà đến để thấy, để sống, để khai mở tâm năng, từ đó nhận ra được những lẽ thật, những nguyên lý, những quy luật, đang tác động chi phối từng giây phút trong cuộc sống, đó là luật nhân quả, luật vô thường và lý duyên sinh.
Phật giáo Việt nam, đặc biệt là Phật giáo đời Trần đã đi đúng con đường này, nên đã cống hiến cho dân tộc những tư tưởng minh triết; góp phần xây dựng nền đạo đức cho đời. Giúp con người nhận thức cuộc sống không còn lầm chấp, không còn đắm nhiễm dục lạc của thế gian nữa, luôn hướng đến vô ngã, niết bàn giải thoát. Trần Thái Tông sau khi ngộ đạo, sống đời giải thoát, đem chỗ sở ngộ của mình giáo hoá chúng sinh. Ngài đã viết lên “Phổ thuyết tứ sơn” nhằm khuyên răn chúng sinh sớm nhận chân bản chất về con người của mình mà nhanh chóng tu tập tâm thức: “công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài, phú quý kinh người, khó tránh “vô thường” hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không; khoe giỏi khoe hay rốt cùng chẳng thực. Tứ đại rã rời thôi già trẻ, núi khe mòn mỏi hết anh hùng. Tóc xanh chưa mấy mà mầu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi mà người điếu đã tới…”
Thái Tông ngộ đạo với tinh thần hòa hợp dân tộc, tinh thần nhập thế tuỳ duyên không phân biệt dành riêng cho người xuất hay tại gia, mọi người đều có thể tu tập được. Tinh thần ấy được thể hiện qua bốn câu kệ:
“Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếp,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”.
Hay tinh thần đó được thể hiện rõ qua lời khuyên của Quốc sư Trúc Lâm “Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong bệ hạ đừng xao lãng”. Tinh thần nhân bản của Trần Thái Tông cũng như tinh thần nhân bản của Phật giáo cùng chung là: tất cả chúng sanh đều có Phật tính bình đẳng, không phân biệt xấu ác, sang hèn. Cùng xây dựng nền đạo đức, đem đến sự bình an hạnh phúc, và mở sáng trí tuệ giác ngộ, giải thoát cho mọi người.
Từ tác phẩm “phổ thuyết tứ sơn” chúng ta thấy rõ được tư tưởng của Trần Thái Tông. Thái Tông nhìn cuộc đời đều là khổ vô thường không một ai có thể thoát khỏi cảnh sinh, già, bệnh, chết. Ngài muốn nhìn thẳng vào thực tại con người và cuộc đời để phản tỉnh, tự mình cất bước lên đường trở về cội nguồn quê hương cao đẹp. Nếu con người không ý thức được cuộc đời là ảo ảnh, tất cả sẽ bị cuồng phong lôi cuốn biến tan, cuối cùng chỉ còn dòng sông và ánh trăng vàng.%
Nguồn: dentutraitim.com
---o0o---