Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý nghĩa đạo đức và lòng từ của Phật giáo trong đời sống hiện đại

08/04/201318:17(Xem: 817)
Ý nghĩa đạo đức và lòng từ của Phật giáo trong đời sống hiện đại

Luận văn tốt nghiệp

Ý NGHĨA ĐẠO ĐỨC VÀ LÒNG TỪ CỦA PHẬT GIÁO TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Thích Nhuận Đức

A. DẪN NHẬP

Người đi qua cuộc đời với muôn ngàn lẽ sống, mỗi phương diện của cuộc đời người thể hiện bằng những hành động, cách sống và suy nghĩ khác nhau. Mỗi quốc độ, mỗi lãnh thổ, người hòa mình vào dòng trôi của lịch sử thế nhân, lần trôi trong luân chuyển của kiếp người. Cuộc sống luôn đầy đủ cả hạnh phúc và khổ đau. Trước đó là tiếng cười nhưng sau lại là những giọt nước mắt đã ẩn dưới làn mi xanh. Người mơ ước lắm, mong mỏi lắm cái vĩnh hằng của hạnh phúc, những chốn bình ổn và người với người chung nhau trong tiếng cười đểụ cuộc sống như một khúc hoan ca. Người ta đến với cuộc đời, tuy mong mỏi như vậy nhưng nếu không có một sự nỗ lực trau dồi đạo đức và tạo lập tình thương mà dừng lại ở chỗ đó thì phi thựỉc tế và khổ đau còn đầy trong tâm khảm. Đêm qua, giây phút giao thoa của vũ trụ rền lên tiếng nổ của những cuộc bạo động gây nên thảm khốc bi thương. Tội nghiệp thay những ánh mắt trẻ thơ vô tư phủ mờ màn lệ bởi những người thân lìa trần. Ôi! Họ nào có tội tình chi và nỗi đau của cuộc đời cứ thế nhân lên và kéo dài đến vô tận và khát vọng chỉ vẫn còn ấp ủ của một kiếp người.

Trong thuở hồng hoang của nhân loại, Đạo Phật đã ra đời mang lại tiếng nói yêu thương và một chủ trương giáo lý diệt khổ. Với chủ trương ấy, hai mươi lăm thế kỷ tồn tại, Phật giáo mang đến cho nhân loại những sự thật của nhân bản. Đạo đức, lòng thương bao la và tiếng nói tĩnh thức nhân tâm mà con người thường lãng quên trong lợi danh của kiếp người. Có thể nói Phật giáo là một trường phái Triết Học, một Tôn Giáo Học, một Nghệ Thuật Học, một môn Nhân Bản Học… Vẫn không thiếu không thừa, Phật giáo đến với cuộc đời đầy đủ trong mọi phương diện phục vụ cho mọi đối tượng và đặc biệt là đưa con người vượt thoát khổ đau, tự mình hoàn thiện đạo đức cá nhân mà vẫn không tách rời khỏi cuộc sống hiện tại. Người viết cũng như mọi người cũng cộng sinh trong môi trường và sống chung cùng thời đại, dĩ nhiên những gì tiền nhân mong mỏi, đời hiện tại trông mong thì điều đó cũng tồn tại trong lòng của mỗi cá nhân. Hướng về cái đẹp, xây dựng cái đẹp hay nói cách khác là xây dựng Chân, Thiện, Mỹ, bất cứ quốc gia nào cũng muốn, lãnh thổ nào cũng tôn trọng bởi con người không ai muốn nhận mình là kẻ xấu xa, người hèn mọn. Xây dựng được những điều đó do đâu? Thưa chỉ có duy nhất là Từ Bi và Đạo Đức giáo lý của Phật giáo. Cho nên tự mình cũng muốn tìm hiểu, tự mình vốn mang trọng trách của Kẻ Sĩ Xuất Gia, người viết rất muốn thể hiện một khoảng rất nhỏ trong sâu thẳm nhiệm mầu của Giáo Lý và chuyển tải đến mọi người tiếng nói tri âm.

1. Lý Do Chọn Đề Tài Và Mục Đích Nghiên Cứu:

1.1. Lý do:

Đạo Đức và Lòng Từ Bi là hai lĩnh vực rất quan trọng. Muốn hoàn thiện bản thân, nếu không lấy Đạo Đức làm tiêu chuẩn, Từ Bi làm cách xử thế thì chỉ là đáy nước tìm trăng. Cổ nhân dạy rằng:

“Tôn mạc tôn hồ đạo, mỹ mạc mỹ hồà đức. Đạo đức chi sở tồn, tuy thất phu, phi cùng giả. Đạo đức chi sở bất tồn, tuy vương thiên hạ phi thông giả”.[15,159]

Tạm dịch:

“Tôn quý không gì hơn đạo, tốt đẹp không gì tốt đẹp hơn đạo đức. Đạo đức còn, dù kẻ thất phu chăng nữa cũng chẳng màng. Đạo đức chẳng còn, làm vua chúa cũng chẳng phải người thông”.

Chứng tỏ rằng cổ đức đã đánh giá rất cao về đạo đức, lấy đạo đức làm chuẩn mực cho cái đẹp của cuộc đời. Bên cạnh đó, đạo Phật đem lòng thương bao la đến cho vạn loại như một tôn chỉ truyền đạo, đây cũng là then chốt và điều tâm đắc của người viết trong quá trình học.

1.2. Mục đích:

Là Tu Sĩ, phạm trù Đạo Đức và Từ Bi sẽ được người viết dùng nhãn quan Phật học để quan sát. Căn cứ trên đời sống con người và thực trạng khổ đau mà kiếp nhân sinh đang lần trôi làm đối tượng để nghiên cứu.

Chân Thiện Mỹ ngàn năm vẫn tồn tại, tình thương vô biên từ xưa đến nay vẫn được tôn thờ, ca tụng. Nhưng xã hội ngày một biến đổi thì chúng ta phải biết ôn cố tri tân, dùng những cái mà người xưa để lại một cách uyển chuyển làm tinh thần giáo dục giải thoát tối hậu mà Chư Phật và Tổ Sư đã dày công truyền bá. Qua đó xây dựng một nhìn nhận xác thực hơn, sâu xa hơn về chính mình và mọi người để cùng nhau quay về với giải thoát cao đẹp.

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống an lạc, không đi đôi với khổ. Với ý nghĩa ấy, tập luận văn này sẽ khảo cứu nhằm làm rõ Đạo Đức của Phật giáo trong cuộc sống tu tập giải thoát. Bên cạnh đó triển khai những chức năng của đạo đức là “Xây dựng một nếp sống hài hòa với thiên nhiên và làm cho môi trường sống vừa lành vừa đẹp”. [2,19]

2. Phạm Vi Và Đối Tượng Nghiên Cứu:

2.1. Phạm vi nghiên cứu:

Đây chỉ là mộỉt Luận Văn Cấp Cử Nhân Phật Học, số lượng trang có giới hạn nên đối với một Đề Tài rộng lớn như Đạo Đức và Lòng Từ Bi của Phật giáo thì không thể khai triển hết được. Trong điều kiện cho phép, Luận Văn này chỉ trình bày khái quát ý nghĩa và nêu ra một số tính chất, ứng dụng cơ bản của Đạo Đức và Lòng từ trong đời sống nhân sinh, giữa con người với con người, giữa cá nhân và xã hội rộng lớn, giữa con người và vạn loại cỏ cây (môi sinh). Tuy người viết có nỗ lực trình bày với các chương mục như dàn bài đã nêu chắc cũng chỉ là những nét chấm phá nhỏ giữa bức tranh toàn cảnh to lớn của Tôn Giáo và Tam Tạng Thánh Điển của Phật giáo. Tuy nhiên, nhân nơi đây người viết cố gắng tìm kiếm những cái mới mẻ, bổ ích trong khi trình bày, nhân đó làm cơ sở để phát triển hướng nghiên cứu sau này.

2.2. Đối tượng nghiên cứu:

Tôn giáo có mặt để phục vụ cho lợi ích của con người. Bất kỳ tôn giáo hay trào lưu tư tưởng nào cũng lấy con người làm đối tượng truyền giáo. Đức Phật cũng đã khẳng định mục đích ra đời độ sanh của Ngài trong Kinh Pháp Hoa “Ta ra đời vì muốn khai ngộ cho chúng sanh cái thấy biết của chư Phật”. Tiền nhân đã vậy, người viết cũng học hỏi và làm theo.

Đối tượng nghiên cứu ở đây chính là Đạo Đức và Lòng Thương của con người đang sống trong xã hội ngày nay. Ở hai lĩnh vực Tôn Giáo và Xã Hội, điểm chính là tìm ra những ý nghĩa cần thiết nhằm giúp cho những đối tượng được đề cập tìm thấy sự quan trọng để phát huy hơn nữa cái cao quý vốn có của Đạo Đức và Lòng Từ Bi Phật giáo. Sự tương quan cuộc sống của con người có Đạo Đức với những người xung quanh và sự đóng góp của họ vào đời sống thế nhân và xã hội, đưa con người đến với những giá trị đích thực, bảo vệ quyền lợi sống và vun bồi môi trường sống. Nâng cao sự giáo dục cá nhân và đường hướng cho đời sống cộng đồng.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG 1 : Ý NGHĨA ĐẠO ĐỨC

1. Khái niệm về Đạo Đức:

1.1. Định nghĩa:

Đạo đức là một danh từ chỉ về nhân cách của con người. Rất thường gặp và dễ dàng hiểu tùy theo trình độ.

Đạo đức tiếng Anh gọi là Ethic có nghĩa:

Moral principles that control or influence a person ‘s behaviour

A system of moral principles or rules of behavioul. [24, 125]

“Những nguyên lý đạo đức chế ngự và ảnh hưởng đến hành vi của con người. Hệ thống những nguyên lý đạo đức hay nguyên tắc đạo đức của hành vi”.

Từ điển Đào Duy Anh giải thích: Nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào lòng người là đức. Cái pháp lý người ta nên noi theo. [1, 251]

Từ điển Thiều Chửu định nghĩa: Đạo Đức là cái đạo để lập thân .[10, 177]

Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích. [17, 5]

1.2. Thích nghĩa:

Đạo đức là một danh từ có nghĩa rất rộng. Ý nghĩa đặc biệt của danh từ này không đơn giản là ngữ nghĩa mà hàm nghĩa chỉ về một phạm trù mang đầy đủ tính cách, phẩm chất và cả đời sống của một con người. Nó vượt ra ngoài danh lợi, địa vị và giai cấp. Đạo đức được giải thích ngắn gọn ở phần trên, ở phần nội dung xin được tìm hiểu những khái niệm về Đạo Đức của các nền văn hóa Đông - Tây kim cổ.

1.3. Quan điểm Đạo Đức về triết học Đông - Tây:

1.3.1. Quan điểm đạo đức về triết học Phương Tây:

Đến khoảng thế kỷ 16-17, sau các cuộc cách mạng khoa học thì người Tây Phương cũng có những chuyển biến mạnh mẽ trong trào lưu tư tưởng. Khi vật chất đã đầy đủ, họ quay về với triết lý nhân sinh quan… Sự khai sinh ra xã hội học và các khoa học khác làm phong phú thêm đời sống nhân văn. Đạo đức Tây Phương quan niệm như một môn học và cũng có đối tượng nghiên cứu. Từ điển Gran Hill Book định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người, biểu hiện qua phần lời và ý và được thực hiện bởi ý chí, tình cảm và lý trí”.[25,145]

Đó là định nghĩa tiêu biểu mà ta thường thấy những học giả Tây Phương lấy làm chuẩn mực. Cơ sở lập luận chính ở đây chính là con người và những biểu hiện của con người trong cuộc sống cá nhân và đối với người xung quanh. Tuy có khác nhau về nền văn hóa, tập tục, mỗi một Tôn Giáo hay trường phái Triết Học có cách giải thích riêng. Thường những giải thích ấy phù hợp với thời đại họ đang sống và cũng lấy con người làm chuẩn mực để đánh giá và giải thích. Aristore là một tiêu biểu : “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển các đức tính thật tốt của một con người… Hạnh phúc ấy đồng nghĩa với đạo đức”[25,137]. Aristore là một triết gia nổi tiếng của Phương Tây. Quan điểm về đạo đức của ông được biểu hiện quá rõ ràng qua lời phát biểu đã nêu. Ở đó ta tìm thấy được giá trị đích thực và mục đích của cuộc sống. Con người phải hoàn thiện những đức tính tốt mới có được hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là đạo đức. Lúc đó họ cảm thấy mình hạnh phúc hơn và yêu cuộc sống này hơn. Socrates cũng cho ta thấy đạo đức là một trật tự ổn định của xã hội, không có màu sắc phân biệt, đố kỵ tín ngưỡng. Ông nhận định “Một nền đạo đức không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ. Chúng ta phải tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học hoàn toàn phù hợp với người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo thì xã hội mới ổn định”.[25,193]

Như vậy theo Socrates, một quy luật chung cho toàn xã hội và đạo đức đóng vai trò lành mạnh hóa xã hội. Liên hệ đến hiện tại, nếu ý kiến này của Soccrate được ứng dụng thì không có các cuộc chiến tranh sắc tộc và kỳ thị Tôn Giáo gây bao nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Tính cao quý của đạo đức đã được Soccrate đánh giá đúng bởi chỉ có nó con người mới có thể tiến đến xa hơn và không đè bẹp nhau bằng súng ống quân sự.

1.3.2. Quan điểm đạo đức về triết học Phương Đông:

Người Đông Phương lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm cách đối nhân xử thế. Bên cạnh những tập tục thuộc văn hóa vật chất, thuần phong mỹ tục, Đông Phương còn có một nền triết học mang đậm nét tâm linh. Nhưng tôn giáo vốn như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Lão giáo… là những nền triết học vừa mang tính cách xã hội , vừa mang đậm nét tâm linh. Đạo đức là một điểm rất được chú ý trong các nền triết học này nhưng chung quy là vẫn muốn hoàn thiện nhân cách con người, hướng họ về an ổn mà không phương hại đến đời sống cá nhân của họ. Từ điển Từụ Nguyên giải thích:

Đạo đức: Lễ Khúc Lễ viết: “Đạo đức nhân nghĩa phi lễ bất thành”, Sở Chú Châu Lễ: “Đạo đa tài nghệ, đức năng cung hành, kim vị đạo đức nhi ngôn chi, tắc bao la vạn sự liễu chi, ngôn tắc nhân chi tài nghệ, thiện hạnh vô nhân đại tiểu tu lễ hành chi. Thị lễ vi đạo đức chi cụ. Cố vân phi lễ bất thành, nhân chi tài nghệ thiện hạnh, đắc vi đạo đức dĩ thân hữu tài nghệ sự đắc khai thông. Thân hữu mỹ thiện, ư lý vi đắc cố xưng đạo đức dã”, Lão Tử: “Đạo sanh chi, đức xuất chi, thị dĩ vạn vật mạc bất tôn đạo nhi quý đức. Đạo chi tôn đức chi quý phù mạc chi mạng nhi thường tự nhiên vương”, Nặc Chú: “Đạo giả vật chi sở do, đức giả vật chi sở đắc giả, kim thân sinh chúng nhơn sở công tôn tuân chi lý pháp cập hành vi chi hiệp ư lý pháp giả, vi đạo đức”. [11,523]

Tạm dịch: Đạo đức: Lễ Khúc Lễ nói : “Đạo đức nhân nghĩa không lễ không thành” , Trịnh Chú Châu Lễ giải thích rằng: “Đạo nhiều tài nghệ, đức có thể vâng làm. Nay nói về đạo đức, nếu nói rộng thì bao trùm cả vạn sự, nếu nói tâm là tài nghệ và thiện hạnh của con người. Không luận rộng hay hẹp đều phải dùng lễ mà thực hành, lễ này là công cụ tạo nên đạo đức cho nên nói không lễ không thành tài nghệ thiện hạnh của con người. Người được coi có đạo đức là nhờ bản thân được khai thông. Bản thân có sự tốt đẹp với đạo lý cho nên gọi là đạo đức”, Lão Tử dạy rằng: “Đạo sanh vạn vật, đức nuôi lớn, vì vậy không có vật gì là không tôn đạo và quý đức. Sự tôn trọng đạo và quý đức không ai dạy mà có một cách tự nhiên”, Vương Nặc giải thích rằng : “Đạo là lý do của vật. Đức là chỗ dựa của vật, nay gọi chung là lý pháp mà mọi người đều phải tuân theo và lý pháp mà mọi người phải làm là đạo đức vậy”.

Giải thích như vậy quả là tiêu biểu cho một nền văn hóa và Triết Học của Trung Quốc. Cách quan niệm về đạo đức rõ ràng hai đức tính tân quý và quan trọng. Trong phần giải thích tổng quát này có sự đóng góp của Lão Tử, một triết gia lớn của Trung Hoa. Lão Tử nhấn mạnh sức sống của đạo đức trong đời thường và hiểu rộng là sự cấu sinh vạn vật. Bao quát và hơi trừu tượng song hành với triết lý của Lão Tử. Triết học Khổng Phi Tử hay còn gọi là Đạo Khổng cũng góp phần vào nền triết học Á Đông. Ở đây ta chỉ chú trọng tìm hiểu ở khía cạnh đạo đức để tìm ra sự phong phú của nó. Một học giả Việt Nam nhận xét về quan niệm đạo đức của Khổng Tử:

“Triết học nhân sinh của Khổng Tử còn một điểm cuối cùng nữa là không những chú trọng về động cơ mà còn chú trọng vào sự dưỡng thành phẩm hạnh đạo đức hơn. Khổng Tử luận về hành vi phân ra ba tầng, một là động cơ, hai là phương pháp, ba là phẩm hạnh. Động cơ với phẩm hạnh thuộc về nội dung của hành vi. Khi chúng ta luận về đạo đức thì đại khái có hai phương diện là nội dung và ngoại biểu. Chúng ta làm một việc gì hoặc sợ hình phạt hay ham lợi ích mà làm, đấy là đạo đức của ngoại biểu, nếu vì lương tâm của chúng ta thúc đẩy chúng ta làm thì đấy thuộc về nội dung của đạo đức”.[21, 248]

Nội dung của đạo đức lại chia ra làm hai dạng. Một trọng về động cơ về thiên lý, hay là mệnh lệnh của đạo đức, có một thế lực về hạnh phúc đẩy ta làm điều thiện, tránh điều ác. Một hạng lại chú trọng vào phẩm hạnh tập quán của đạo đức. Tập quán trở nên phẩm hạnh, có người vì tập quán đạo đức thấy điều thiện thì tự nhiên làm, thấy điều ác thì tự nhiên bỏ.

Triết học nhân sinh quan của Khổng Tư ũchú trọng về đạo đức tập quán, cho nên mới chủ trương “tính tương cận dã, tập tương viễn dã”, “tính người ta vốn gần vì tập quán mà xa mãi nhau”. Khổng Tử đã lợi dụng tập quán để gây nên phẩm hạnh đạo đức đến chỗ “Tòng tâm, sở dục bất dũ củ”. Theo cái gì mà lòng muốn của mình không vươn ra ngoài quy củ của trời đất. Đây là chỗ tuyệt điểm trong môn giáo hóa nhân cách của Khổng Tử vậy. [21, 249]

Qua sự nhận định về đạo đức, các triết gia tiêu biểu Đông Tây cho ta thấy được điểm tương đồng và dị biệt của hai nền văn hóa có chiều hướng phát triển khác nhau.

1.4. Quan điểm đạo đức của người Việt Nam:

Dân tộc Việt nam có một truyền thống đạo đức được xây dựng từ thời lập quốc cho đến bây giờ. Bao thăng trầm của lịch sử cũng chẳng làm phai mờ đi truyền thống đó. Đạo đức của người Việt rất đơn giản như câu nói miệng của nhân dân “Có Đức mặc sức mà ăn”. “Có Đức” tức là có đạo đức tạo cho con người có phẩm chất cao quý, “mặc sức mà ăn” nghĩa là người nhận được những hạnh phúc từ cội đức của mình mà có. Nếu trình bày về quan điểm đạo đức của người Việt Nam thôi thì khó mà phản ánh được văn hóa Việt. Văn hóa Việt Nam bao gồm cả thảy 54 nền văn hóa nhỏ hợp thành nên rất đa dạng và phong phú trong mọi khía cạnh. Người viết đành chọn một định nghĩa đạo đức được sách đánh giá khi nói về truyền thống đạo đức của cha ông:“Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hột thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội, nói tổng quát phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng đạo đức mà có” [16, 136] . Con người sống trong cuộc đời có rất nhiều sự tương quan với nhau nên tiêu chuẩn đạo đức phải đặt lên trên hết. Nguyễn Trải trong bài Bình Ngô Đại Cáo cũng có những lời lẽ mang tính đạo đức tiêu biểu, nói lên quan điểm của người Việt Nam, thậm chí đối với kẻ thù.

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước đại việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. [22, 268]

Cái văn: Nhân nghĩa chi cử, yêu tại an dân. Điếu phạt chi sử mạc tiên khử bạo.

Hay: Chí nhược thần vũ bất sát

Đại đức hiếu sinh

Niệm quốc gia trường cầu chi kế

Phóng thập vạn khắc hàn binh. [22, 312]

Dịch: Đến như: Thần võ chẳng giết

Đức lớn hiếu sinh

Nghĩ đến kế lâu dài đất nước

Thả cho về lo vạn hàng binh.

Hoặc dân gian lưu hành:

Một đường đạo đức gắng noi gương

Đường ấy từ bi với thiện lương

Bác ái tha nhân không biệt chủng

Thế gian đổi lại cõi thiên đường.

1.5. Quan điểm đạo đức của Phật Giáo:

Phật giáo là một Tôn Giáo xuất hiện sớm trong lịch sử của nhân loại. Một Tôn Giáo khai sáng bằng Tu Chứng và Trí Tuệ, có tôn chỉ mới mẻ với thời bây giờ, oằn mình trong nỗi đau phân biệt đẳng cấp, kì thị của con người phong kiến, họ giẫm lên nhau trong từng hoàn cảnh sống nên thế gian này đã khổ còn khổ hơn. Vì vậy khi tìm ra con đường giải thoát Đức Phật nói lên tiếng nói của giải thoát khổ đau. Trước hết “Chúng ta có thể nói những lời dạy của Đức Phật đều trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến vấn đề đạo đức và chúng ta cần phải định nghĩa đạo đức Phật giáo như thế nào? trước hết cho phù hợp với dụng ý thuyết pháp độ sinh của Ngài, sau đó ứng dụng nền đạo đức ấy vào thế giới loài người của chúng ta, đặc biệt là con người hiện đại của chúng ta”.[2,24] Toàn bộ hệ thống giáo lý mà Đức Phật giảng thuyết suốt 49 năm đều chung vào một mục đích nói khổ và con đường diệt khổ. Nhưng giáo lý ấy nếu ta cứ mãi nhìn bằng nhãn quan phán xét hay bình phẩm thì nó chỉ dừng lại ở góc độ bàng quan, nếu muốn hiểu và cảm nhận hết không gì hơn phải sống và hòa đồng trong giáo lý, thực thi giáo lý. Phật dạy: “Abtention from all evil, doing of good parification of one’s thought. This is the doctrine of Buddhas”. [23, 36]

Dịch: Không làm các điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm lý trong sạch

Chính lời chư Phật dạy. PC: 183

Điểm nổi bật của Đạo Đức Phật giáo là có một trong các lãnh vực của cuộc sống. Một nghĩa khác của đạo đức Phật giáo là lối sống trong sạch tránh xa những trú xứ phương hại đến bản thân.

“It is not right to serve friends. Who are evil, men who are base, but let a men serve friends who are right out, let him keep company with the best of men”[23,76].

Dịch:

Chớ thân với bạn ác

Chớ thân kẻ tiểu nhân

Hãy thân người bạn lành

Hãy thân bậc thiện nhân. PC: 78

Đạo đức Phật giáo đề cao một nếp sống giải thoát những bám víu của thế gian, hoàn thiện một nhân cách sống hoàn toàn mới mà vẫn không xa rời thực tế.

Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Kheo, những Sa Môn, Bà La Môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly và sự xuất ly như vậy. Những vị này sẽ như thật tuệ tri các dục của chúng. Chúng có thể đặt người khác trong địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy có thể xảy ra”. [4, I, 87C]

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống hài hòa với muôn loài, hữu tình hay vô tình chúng sanh, không tranh đấu tạo sự chia lìa hay ly gián mà gần gũi sẻ chia. Ngài nói: “Này các Tỳ Kheo, ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với ta. Này các Tỳ Kheo, người nói pháp không tranh chấp với bất cứ một ai ở đời”. [5,III, 165]

Phật giáo với quan niệm vạn vật đều không có một tự ngã vĩnh hằng, yếu tố duyên sinh là đặc tánh của vạn pháp. Sở dĩ có đau khổ là do ta không quán triệt được lý tánh uyên áo của giáo lý Phật đà nên ta luôn ở vào vị trí bị động trước sự vô thường của vạn pháp. Ta thường hỏi rằng, Ta là ai? Ta sẽ đi về đâu? Câu hỏi đó là một câu hỏi lớn mà ta thường mắc phải, càng cố công tìm kiếm câu trả lời càng đi vào vòng lẩn quẩn của luân lý đời thường. Phật dạy: “Ai khởi lên ý nghĩ cái gì chắc chắn của ta, cái gì chắc chắn đã là của ta, nay chắc chắn không còn là của ta, cái gì chắc chắn có thể là của ta, chắc chắn ta không được cái ấy, suy nghĩ như vậy, nó sầu muộn than van khóc lóc đập ngực đi đến bất tỉnh”. [5, I, 136A] . Nhân đó Ngài cũng khẳng định “Này các Tỳ Kheo, bất cứ sắc nào…cảm thọ nào…tưởng nào…hành nào…thức nào quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là cái này không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi”. [5,I,138A]

Cho nên:

Thắng trận sinh thù oán

Bại trận vẫn khổ đau

Ai không thấy kẻ bại

Tịch tịnh hưởng an lạc. [5,I,102]

Đạo đức Phật giáo là từ tâm xả bỏ vô biên, phải tiếp xúc với tất cả mọi người mình mới hiểu được đa dạng của cuộc sống. Tấm lòng mình rộng mở đón nhận tất cả vạn loài không oán thù, không ganh tỵ, hiềm khích thì mới thấy an lạc thật sự. Đây là một điểm đặc biệt của Phật giáo áp dụng được cho mọi thời đại. Nếu con người thương yêu nhau, xóa bỏ cho nhau những hiềm khích, đố kỵ, những tranh chấp không đáng có. Những tánh tham lam ích kỷ thì thế giới tiếng súng sẽ im và mọi người nhận ra nhau bằng tình thương chân thật. Phật dạy:

Với hận diệt hận thù

Đời này không có được

Không hận diệt hận thù

Là định luật thiên thu. PC: 5

Hay: “Vị ấy an trú biến mãn một phương với lòng từ…lòng bi… lòng hỉ…lòng xã cũng vậy, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cũng khắp thế giới trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân”.[4, I, 38]

Hoặc:

Bằng thắng hay thua ta

Như vậy đấu tranh khởi

Cả ba không dao động

Bằng thắng không khởi lên. [5, I, 15]

Đạo đức Phật giáo tức là tuân thủ những nguyên tắc sống (giới luật). Bằng những giới luật Phật chế, hành giả dù tại gia hay xuất gia đều được yên ổn trong đời sống hiện tại. Đạo đức bắt đầu từ sự chấm dứt các tà hạnh trong các dục mà “Giới” chính là năng lực tiêu biểu cho sự chấm dứt ấy. Khi tâm hành giả có thể chưa ở yên nhưng nhờ thân có giữ giới luật, tạm thời hành giả không vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà xã hội qui ước và đảm bảo được đời sống của chính mình trong cộng đồng Tăng. Có giới mới có đức, chấm dứt ác pháp thì thiện pháp tỏa sáng, nguyên lý này luôn có mặt và bổ trợ cho nhau, duyên với nhau. Phật luôn khiển trách những người phạm giới bởi đó chính tà hạnh không đạo đức, người ấy đã vi phạm những nguyên tắc tối thiểu của một thành viên dù trong bất cứ môi trường xã hội nào. Vì vậy mạng mạch của Tăng đoàn chính là sự giữ giới. Phật dạy: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp diệt”. Tuyên ngôn như vậy tức là nhấn mạnh đến đạo đức cá nhân của từng thành viên Tăng. Phật pháp được truyền bá trước phải có những con người đầy đủ đức tính này mới mang lại hiệu quả và xứng đáng với tầm vóc gọi là Thầy của Trời Người, còn ngược lại Phật Pháp băng hoại khi giới mất, tức tư cách đạo đức của thành viên Tăng bị hoen ố.

Đạo đức Phật giáo qua các lời dạy của Ngài tựu trung vẫn để khẳng định giá trị của một con người đặt con người vào đúng chổ. Nguyên lý này rất sống động và có mặt cùng khắp những khía cạnh của cuộc sống. Trên cơ sở đó đạo đức Phật giáo giúp con người phát huy hết những đặc tính ưu việt, giảm thiểu những điều đưa đến bất lợi cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Chỉ có giải thoát khổ đau mới chính là hạnh phúc chân thật, khích lệ tình thương, tha thứ và đề cao giá trị của từ bi. Đạo đức Phật giáo đã thực sự nở hoa trong mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội nếu biết tín nhiệm và làm theo. Cái hay cái đẹp không ở ngoài con người, cái xấu cố hữu cũng từ đó mà ra. Nỗ lực để hoàn thiện, tự mình đứng lên, không cầu cạnh hay chịu áp lực với bất cứ một thế lực nào khi bản thân mình là chủ nhân của chính mình một cách thực sự. Bởi đánh mất giá trị làm chủ bản thân nên con người dễ dàng bị cám dỗ trước những cạm bẫy của đạo đức bị suy thoái. Như vậy, công năng đạo đức nói chung là chữa lành được những bệnh khổ cho những tâm trạng đang mắc bệnh trầm kha, hơn nữa đạo đức luôn đem đến sự an lạc từ thể chất đến tinh thần cho mình và mọi người xung quanh.

CHƯƠNG 2 : LÒNG TỪ CỦA PHẬT GIÁO

2.1. ĐỊNH NGHĨA:

Lòng từ hay từ bi là một thuật ngữ rất thường được sử dụng trong giáo điển của Phật giáo.

Tiếng Pàli gọi là Mettà, tiếng Sankrit là Maitri.

Tâm từ hay lòng từ nghĩa là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng mong ước thành thật cho tất cả đều được sống an lành vui vẻ. [12, 595]

Tiếng Anh gọi là Boundless love (immeasurable, unlimitted, endless love) nghĩa là tình thương vô hạn lượng, từ tâm vô hạn lượng. [28, 46]

Thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ, đồng cảm nỗi khổ và làm cho chúng sanh bớt khổ là Bi. Vậy Từ Bi là tình thương rất chân thật không có hạn lượng, không phân biệt”. [12, 563]

2.2. GIẢI THÍCH Ý NGHĨA LÒNG TỪ:

Từ bi là tình thương vượt ra ngoài những diễn tả của ngôn ngữ, sức sống tiềm tàn mãnh liệt trong mỗi con người. Lòng từ có nghĩa như tình thương cha mẹ dành cho con cái, Phật dành cho chúng sanh. Ta không thể nào kể hết công ơn của cha mẹ, có chăng chỉ thể hiện bằng những giọt nước mắt ngậm ngùi khi chia ly. Phải giải bỏ hết những quan niệm thân sơ, đối đãi phân biệt ta mới có thể hiểu được phần nào đó ý nghĩa của lòng từ, nếu không như vậy ta chỉ dừng lại ở mức độ cảm thông, lắm khi còn toan tính vụ lợi.

Phật giáo có một chữ Từ Bi tuyệt vời. Lòng từ Phật giáo bao trùm cả vạn hữu. Không phải là sự luyến ái riêng tư giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với con vật cưng, càng không phải là tình đồng chí đồng hương hay đồng đạo mà vượt thoát tất cả. Lòng từ Phật giáo bắt nguồn từ sự cảm thông chân thật, tha thiết trước nỗi khổ của mọi người, ban phát đến tất cả vạn loài. Hay nói một cách khác, không những không làm hại mà còn nâng niu từng sự sống, chăm sóc từng nỗi đau, rộng rãi và bao la như ánh trăng tươi mát soi tận cùng những nẻo tối tăm đem lại cho nhân loại những điều ích lợi. Nếu muốn thấu hiểu lòng từ, cảm nhận lòng từ thì ta hãy bỏ qua chủng tộc, tính cách, lãnh thổ giai cấp mà chỉ có một tình thương duy nhất ban phát không mệt mỏi. Khi nào xóa sạch được nỗi đau, lòng từ không bác bỏ, chà đạp lên mà làm sống lại những tâm hồn vẩn đục, những bước chân lầm lỗi trở về với thực tại sự sống. Lòng từ không cho riêng bất kỳ ai mà cho cả thảy.

Kinh dạy:

Loài được thấy không thấy

Loài sống xa, không xa

Các loài hiện đang sống

Các loài sẽ được sanh

Mong mọi loài chúng sanh

Sống hạnh phúc an lạc. [7, I, 29-30]

2.3. TÍNH CHẤT CỦA LÒNG TỪ:

2.3.1. Lòng Từ Là Gốc Lành:

Lòng từ là một trong Bốn Vô Lượng Tâm, một công hạnh nhập thế của các vị Bồ tát và cũng là nơi trưởng dưỡng các pháp lành. Phật dạy: “Này Thiện Nam Tư,ũ tất cả Thanh Văn, Duyên giác, Bồ tát, Chư Phật, chỗ có căn lành, lòng từ là cội gốc. Nếu có người hỏi gì là căn bản của pháp lành nên đáp đó chính là tâm từ. Bởi tâm từ là đạo vô thượng, là cảnh giới vô song, chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Tâm từ là thường, lạc, ngã, tịnh, là Cam lồ, là Phật tánh, là Pháp, là Tăng. Tâm từ chính là Như Lai. Do vì nghĩa đó nên biết tâm từ là chân thật, chẳng phải hư vọng. Nếu Bồ Tát tu tập tâm từ có thể sanh vô lượng căn lành. Như vậy tâm từ là cội gốc”.[19, II, 159] Các thiện pháp đều thành tựu do tâm từ, là cảnh giới chư Phật và các đại Bồ Tát. Bởi chỉ có như vậy mới lắng yên một cách chân thật, nhận diện được sự quan yếu cho tính cách bình đẳng và không buông thả, đem lại lợi ích cho chính mình và giải thoát chúng sanh. Ta có thể thấy rằng toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật giáo xây dựng trên ý nghĩa không phân biệt mà cho tất cả vạn loài tu tập. Hiểu cách khác là một phương tiện cực kỳ thù thắng để cho các bậc thượng nhân nhập thế độ sanh. Tất cả nếu không có lòng từ thì mình không thể thương chính mình, không thể tự mình làm cho mình yên ổn thì làm sao cảm thông trước nỗi đau của người khác. Qua lời dạy của Đức Thế Tôn, ta thấy được tầm quan trọng của lòng từ. Nó làm nên hạnh nguyện của chư Phật, Bồ tát và diệu dụng chính là: “Thường, lạc, ngã, tịnh là Phật tánh, là Pháp, là Tăng”. Một khi người ta rời bỏ tâm từ thì chắc chắn sẽ mất hết cội rễ của căn lành. Một khi không có căn lành và từ tâm thì thay vào đó chắc chắn là bất thiện pháp. Bởi tính huân thâm và tập quán lâu ngày trong chủng tử của chúng sanh. Kinh Ưu Bà Tắc Giới Đức Phật dạy: “Từ tâm là nhân duyên của tất cả sự an vui, rời bỏ từ bi thôi chẳng còn pháp lành”. Đó chính là kinh nghiệm mà trải qua vô lượng kiếp Đức Phật đã nhập thế độ sanh và thành tựu viên mãn.

2.3.2. Lòng Từ Là Sự Có Mặt Của Trí Tuệ:

Lòng từ, tình thương rộng rãi bao dung, những tình thương ấy phải do trí tuệ rọi sáng và dưỡng nuôi mới thành tựu. Nếu tình thương còn trong vòng lẩn quẩn của ái dục và chấp thủ, thiếu hiểu biết thì chẳng khác nào ta đem thêm vật cho kẻ đã gánh nặng quằn vai. Nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ đó thì ta chưa thấm nhuần triết lý của lòng từ Phật giáo, cội rễ của thiện pháp. Nên các Thánh giả bước lên Thánh vị khi lòng từ thành tựu.

Phật dạy:

Ai dùng các hạnh lành

Làm xóa mờ nghiệp ác

Chói sáng rực đời này

Như trăng thoát mây che. PC: 173

Hạnh lành là từ bi, dùng tâm từ để chuyển đổi nghiệp thì chính tâm từ là trí tuệ. Chỉ có trí tuệ chiếu sáng mới thoát khỏi những sự u tối của vô minh. Người đời thường ăn thua đủ kiểu “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” để xử sự. Ởũ đây, tâm từ được thành tựu bởi trí tuệ chuyển đổi vô minh thoát ra khỏi ba cõi. Phật dạy:

Vi thiện xảo mục đích

Cần phải làm như sau

Con đường an tịnh ấy

Có khả năng thực tánh

Thực sự khéo chân thực

Để nói và nhu hòa

Không có gì cao mạn. [5, I, 264]

Con đường an tịnh là con đường của từ bi và trí tuệ vốn dĩ đã có sớm trong mỗi chúng sanh nhưng phải trưởng dưỡng mới thành tựu. Sử dụng tâm từ biến thành một phương tiện nhu nhuyến thiện xảo. Thông suốt một vấn đề duy chỉ có trí tuệ mà thôi. Ta thường nhìn vạn pháp bằng đôi mắt thiếu khách quan và cũng chủ quan đưa ra kết luận. Cái này phải như thế này, cái kia phải như thế kia. Bó buộc như vậy nên một khi có sự đổi thay sinh ra buồn khổ. Nhưng khi trí tuệ có mặt thì mọi dãy phân cách được tháo bỏ và lòng từ cũng thành tựu như vậy.

2.3.3. Lòng Từ Triết Lý Thực Dụng Cho Sự Sống:

Không thương nhau nên lường gạt nhau, giẫm lên nhau. Con người là tác giả của khổ đau và cũng chính là nạn nhân của khổ đau, nhưng họ chưa dừng lại khi tình thương không có mặt, đổi lại đó là thù ghét, ganh tỵ. Rồi một khi họ nhận lại món quà không như ý, họ tặng cho người khác lại trở thành oán than. Từ bi Phật giáo dạy con người ta tránh xa hai thái cực là con đường đi đến tạo nghiệp khổ, và mối an ổn. Phật dạy: “Mọi hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ, tâm ưu. Hành động như vậy gọi là bất thiện và chúng ta loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không hại cho cả hai, được người trí tán thán. Nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem đến tâm lạc, tâm hỷ, hành động như vậy gọi là thiện vô chí ta phải thực hành”.[4,II,256] Vì sao có những hành động bất thiện gây đau khổ cho mình và người? Đó chính là thiếu trí tuệ trong cuộc sống. Xét ở nỗi đau của mình thì hiểu hơn ai hết. Còn nếu ta không có lòng thương yêu chính bản thân mình, hằn học thói ganh ghét thì việc ta làm cho thân nhân chắc sẽ là khổ đau.

“Làm cho người hay vật khác đau khổ để bạn được hạnh phúc là chuyện không đúng. Mọi người hay vật đều muốn giữ mạng sống như bạn muốn. Do vậy nếu bạn cúng tế súc vật là ích kỷ. Như ta đã dạy ích kỷ không tìm được gì ngoài nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Một vị thần nào đói máu của một con thú trước khi giúp bạn thì đó không phải là một vị thần tốt, vị ấy không được ai tôn thờ. Nhưng nếu bạn hành động từ bi, nhân ái đối với mọi loài người hay vật cũng như nhau, thì chính thần linh cũng thờ bạn”.[26, 69]

Triết lý hành động là tu tập và thực hành lòng từ ngay trong góc độ của cuộc sống đời thường, tâm linh và tất cả. Ta không thể kêu gọi lòng thương bao la của kẻ khác khi mình chìm trong ích kỷ và những suy tính thiệt hơn, chấp nhận lối suy nghĩ nhỏ nhen chính là bạn đã bị vo tròn mình trong chiếc kén khổ đau. Còn hành động theo lòng từ thì chính bạn đã trải lòng mình ra và đón nhận mọi ý nghĩa của cuộc đời bằng chính một tâm hồn trong sáng rộng rãi và một cuộc sống thăng hoa.

2.4. TU TẬP LÒNG TỪ:

2.4.1. Nếp Sống Lòng Từ Đối Với Người Xuất Gia:

Thời Đức Phật còn tại thế. Ngài đã thân hành giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm. Đến đâu Ngài cũng đem giáo lý Từ Bi Bình Đẳng ban bố cho chúng sanh. Bước chân của Ngài đã cùng khắp Ấn Độ. Từ những thôn xóm hẻo lánh đến đô thị sầm uất. Ngài nói lên tiếng nói yêu thương, khuyến hóa chúng sanh. Phật dạy: “Chánh pháp của ta là chánh pháp tự lợi và lợi tha. Ai có khả năng tiếp nhận sự hóa độ thì ta cũng tạo yếu tố hóa độ cho họ”[5,III,273]. Nên Ngài không quên khuyếân hóa thánh chúng. Hãy vì tình thương chúng sanh mà du hành hóa độ. Đem ánh sáng từ bi, trí tuệ ban bố cho chúng sanh. “Hãy ra đi, các Tỳ Kheo đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hãy đem lại sự tốt đẹp lợi ích vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo. Hãy hoằng dương chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch. Có những chúng sanh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt nếu không nghe giáo pháp sẽ sa đọa. Cũng có những người am hiểu giáo pháp. Chính Như Lai cũng ra đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Sananigama để hoằng dương chánh pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy các con đã hoàn tất nhiệm vụ”[6, I, 126]. Lợi lạc chúng sanh ở quốc độ kham nhẫn này không gì hơn từ bi. Khổ đau đã có mặt khi chúng sanh tái sinh ở cõi ác nên bản tính thường can cường và ít cảm thông cho nhau. Vì thế, truyền bá giáo lý từ bi là sứ mạng của người xuất gia. Để thực hiện nhiệm vụ ấy Đức Thế Tôn dạy cho các Tỳ Kheo hộ trì và tu tập ngay bản thân mình, tìm một đường sống tốt đẹp, không gây đau khổ cho thế nhân. Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, người nói Pháp không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với ta. Này các Tỳ Kheo, người nói Pháp không tranh chấp với một ai ở đời”[5,III,165]. Hoàn cảnh sống không tranh chấp ấy, tâm hành giả sẽ được an tịnh, từ đó mới không phân biệt giáo hóa chúng sanh. Đời sống luôn là yếu tố chi phối rất nhiều đến con đường tu tập của hành giả. Đức Phật chỉ bày rất rõ ràng. Trong kinh thường đề cập đến trú xứ và thân cận xứ. Để thực tập tốt hơn tâm hạnh từ bi hành giả phải chọn một lối sống thích hợp. Phật dạy: “Sống giữa chúng sanh, hãy dẹp lại một bên gươm đao và các loại khí giới, không gây tổn thương cho bất luận ai, không làm cho ai phải xót đau vì một đứa con hay một người bạn, nhưng hãy mạnh dạn tiến bước như Chúa sơn lâm”[12, 606]. Tiến xa hơn một bước, người xuất gia chọn tâm từ như một phương pháp thực tập an trú trong tất cả mọi hoàn cảnh và tâm từ như một sức sống làm an tịnh tâm thức hành giả, từ đó hướng về chúng sanh, hướng về cuộc đời bằng tất cả diệu dụng từ bi.

Khi thức không lo âu

Khi ngủ chẳng sợ hãi

Ngày đêm không khởi lên

Phiền não bận lòng ta

Ta không thấy tai hại

Một khổ não trên đời

Do vậy ta nằm ngủ

Tâm từ thương chúng sanh.[5, I, 136]

Tâm từ của người xuất gia phải rộng rãi, đương nhiên sống trong xã hội thì áp dụng cho loài người. Nhưng từ bi của Phật giáo không có giới hạn, trùm khắp cả vạn loài. Vẫn biết thân người là tối thắng nhưng vạn loại hữu tình đều có tánh giác. Nên người xuất gia phải trải tâm từ đến khắp chúng sanh, dù đó là một loài nhỏ bé hiền lành hay một con mãnh thú hung tợn cũng đem tâm từ ra mà thuần chúng. Cho nên khi độc cư trong rừng rậm đức Phật vẫn an ổn vì muôn thú luôn xem Ngài là bạn thân. Phật dạy: “Ta sống trên một ngọn núi, giữa đám sài lang hổ báo và để tự bảo vệ không gì khác hơn tâm từ của ta. Chung quanh ta là sư tử, cọp, beo, nai, hươu, các thư,ù ngoài ra là rừng rậm cỏ hoang. Không con vật nào sợ ta và ta cũng không sợ con vật nào, chính oai lực của tâm từ nâng đỡ, bảo vệ và giúp ta sống yên ổn”[12, 605]. Được như vậy hành giả mới tự tại trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời và qua đó ta thấy rằng. Chỉ có an trú trong từ tâm mới chuyển hóa được vạn loại. Nếp sống của người xuất gia thường là nơi vắng vẻ độc cư, không bị ràng buộc với các đòi hỏi hẹp hòi, nên tâm từ phải luôn luôn an trú và chứng đắc.

Trong tất cả thế giới

Hãy tu tập tâm ý

Không hạn lượng rộng lớn

Khi đi hay khi đứng

Khi ngồi hay khi nằm

Lâu cho đến khi nào

Khi đang còn tỉnh thức

Hãy an trú niệm này

Nếp sống này như vậy

Được đời đề cập đến

Là nếp sống tối thượng. [4,II,213]

Và khi hành giả thực hành lòng từ và tu tập lòng từ thành thục đạt đến cảnh giới tối cao. Không chỉ làm phương tiện cứu giúp cho đời cho sự nghiệp hoằng pháp mà có giải thoát tối hậu.

Đi tu tập từ tâm

Vô lượng thường ức niệm

Các kiết sử yếu dần

Thấy được sanh y diệt

Với tâm không ác độc

Từ mẫn gọi chúng sanh

Do vậy vị ấy thành

Bậc thuần nhất chí thiện

Với tâm ý từ mẫn

Đối với mọi chúng sanh

Bậc thánh khéo thực hiện

Nhiều công đức tốt lành. [8, I, 143]

Như vậy tâm từ đối với người xuất gia vừa là phương tiện lãnh đạo. Sự bảo vệ thâm tâm, con đường chính đạo và rốt ráo công đức. Phật khẳng định: “Với tâm từ giải thoát, này các Tỳ Kheo được sử dụng, được tu tập, được làm sung mãn, được làm như cổ xe, được làm như căn cứ địa, được thường trú, được tích tập, được khéo tác thành, sự chờ đợi là 8 lợi ích”. Thế nào là 8 lợi ích?

1. Người tu tập lòng từ ngủ trong an lạc, thức trong an lạc.

2. Không chim bao, ác mộng.

3. Được người khác yêu mến.

4. Được phi nhân và chư thiên hộ trì.

5. Lửa, khí giới và chất độc không làm hại được.

6. Tâm dễ an tịnh, nét mặt thanh thoát.

7. Khi chết tâm không rối loạn

8. Nếu không được chứng thánh quả thì ít nhất cũng tái sinh về cảnh giới phạm thiên. [8, I, 236]

2.4.2. NẾP SỐNG LÒNG TỪ ĐỐI VỚI CƯ SĨ:

2.4.2.1. Ý Thức Về Lòng Từ:

Lòng từ Phậât dạy được tu tập trong mọi lĩnh vực không phân biệt đối đãi. Sở dĩ nói có xuất gia tại gia là do hoàn cảnh sống mà nói. Người tại gia quanh năm tảo tần với cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội. Bản chất cuộc đời thì tranh đua danh lợi, địa vị xã hội nên lòng từ ít có cơ hội thực tập hơn người xuất gia. Với tính chất như vậy, đời sống Phật tử tại gia nếu lòng từ có mặt sẽ tạo lập được một cuộc sống an ổn và hạnh phúc trước mọi biến động của cuộc đời. Người cư sĩ học giáo lý Phật và lòng thương sẵn có nên phát huy hết khả năng làm cho lòng từ ngày càng trở nên lớn hơn. Trước hết, lòng từ thể hiện qua cách sống của hàng Bạch Y trong tình thương yêu và giúp đỡ đồng loại.

Đó là cách thể hiện lòng từ đối với người có địa vị thấp hơn mình. Cuộc sống của chúng ta luôn có những bất đồng trên nghiệp lực và thọ báo, với người nhân duyên thù thắng được gieo từ quá khứ đến đời này hưởng quả và cũng có những kẻ nghiệp cũ sâu dày nên kiếp này chịu thấp kém. Người có từ tâm không những không ghét họ mà còn tạo cơ hội giúp đỡ cho họ có những nhân duyên tốt trong cuộc sống.

2.4.2.2. Tôn Trọng Mọi Loài:

Chúng sinh có quyền bình đẳng để sống. Cách thể hiện là luôn tôn trọng chứ không lấy mạnh thắng yếu mà phải bảo bọc bao dung. Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh”. Đó là một sự thật mà Ngài muốn dạy cho chúng ta, ta phải biết tôn trọng giác tính cũng như mạng sống của chúng sanh. Ngài dạy: “All tremble before the rod, to all life is clear; putting oneself in the place of another, one should neither spike not slay”. [23, 37]

Mọi người sợ hình phạt

Mọi người sợ tử vong

Lấy mình làm thí dụ

Không giết, không bảo giết. PC: 129

Đặt mình trong nỗi khổ mới thấu hiểu nỗi khổ, từ đó thương tất cả mới tránh những nỗi khổ cho họ. Mình tham sống, tất cả chúng sanh cũng vậy.

Tâm ta đi khắp cùng

Tất cả mọi phương trời

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã

Tự ngã đối mọi người

Quá thân ái như vậy

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người. [5, I, 174-175]

Hiểu được như vậy người luôn tôn trọng nhau trên mọi bình diện của cuộc sống. Đó là cách duy nhất người ta đến với nhau mà không làm tổn thương nhau. Nhưng hiển nhiên trong cuộc sống ta thấy ít có ai làm, bởi sự ích kỷ người ta quên đi người bên cạnh.

2.4.2.3. Luôn Hoan Hỷ Và Tha Thứ:

Tâm chúng sinh luôn tranh đua và ganh tỵ thắng được thì vui mừng, thua thì thù oán. Đó là lý do mà người ta có thể thành thù oán bất hòa. Đôi khi dù đó là người thân của mình. Để tránh những thảm cảnh như vậy ta nên tha thứ và hoan hỉ theo lòng từ. Trước mắt chúng ta còn lắm những câu nói khó nghe và những hành động ngang trái nhưng phải lấy lòng từ mà cư xử. Đặt dịu dàng trên bao nhiêu hờn ghét, tất cả đi vào an lạc tươi vui. Phật dạy: “Let a man guard himself the horshness of the mind let him be well. Controlled in mind (and) having renounced the evils of the mind, let him the dwell inpurity there in”[23,75]

Lấy không giận thắng giận

Lấy thiện thắng không thiện

Lấy trí thắng gian tham

Lấy chân thắng hư ngụy. PC: 223

Sự tranh chấp và giận dữ luôn mang lại những kết quả không tốt, tạo sự nhẫn nhịn để cùng vui. Khỏi hại mình hại người đó là cách sẻ chia hay nhất trong cuộc sống.

2.4.2.4. Tạo Lập Nếp Sống Trong Sạch:

Kinh Trường A Hàm Phật dạy: “Có bốn hạng người đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn hạng người? Một là ngăn làm việc quấy, hai là thương yêu, ba là giúùp đỡ, bốn là đồng sự, đó là bốn hạng người đáng thân cận”.

Thân cận xứ và quyến thuộc là những người có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống chúng ta. Họ chính là môi trường nên trong cách cư xử, đối đãi ta phải có sự gần gũi bằng tình cảm tôn trọng và chân thật. Không phải ở xa ta mới thực tập. Khi ta không lừa dối ai điều gì mà luôn ban bố những điều thánh thiện, đó cũng là một cách thực hiện nếp sống lòng từ. Bên cạnh đó mỗi cá nhân cũng phải tạo dựng cho mình một lối sống thật thà trong nghề nghiệp. Phật dạy: “Trước hết phải học nghề nghiệp để gom góp của cải, sau khi có nên chia làm bốn phần, một phần tiêu dùng, hai phần để làm ăn, một phần cất đi để giúp đỡ mình và người khi nghèo thiếu”[5,II,211]. Đó là phương cách sống đúng cho chính mình và giúp đỡ mọi người. Bên cạnh đó phải luôn luôn gần gũi các bậc Thiện Tri Thức để hiểu thêm về đạo lý và tu tập hoàn thiện chính mình.

2.4.2.5. Luôn Giúp Đỡ Mọi Người:

Phật tán thán công đức bố thí rất lớn. Bởi bố thí dù Tài thí, Pháp thí hay Vô úy thí đều là cách phát triển từ tâm nhanh nhất và hành giả sớm thành tựu được công đức. Bố thí là hiện thân của lòng từ, không gì thiết thực hơn khi gặp người đói cho ăn, gặp người nghèo giúp đỡ, nhất là trong thời đại mà cả thế giới đang đối đầu với thiên tai dịch bệnh như ngày nay. Người con Phật có lòng từ thực hành trong mọi lĩnh vực nhằm ban vui cứu khổ cho chúng sanh với tấm lòng chân thật. Kinh ghi: “Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị quốc vương, hàng Tể phụ quan chức lớn, hàng Đại Trưởng Giả, hàng Đại Sát Đế Lợi, hàng Đại Bà La Môn v.v…Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế. Lúc các vị quốc vương đó v.v…muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời dịu dàng an ủi. Các vị Quốc vương, Đại thần đó v.v… đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”[18,136-137]. Công đức bố thí lớn như vậy, hay nói rõ hơn là diệu dụng của phát khởi tâm từ được khai mở và trở thành phương tiện, điều cần làm và rất nên làm. Ta thật sự hạnh phúc khi sống trong cộng đồng mà ông cha ta ngày xưa đã truyền lại những bài học về lòng từ thể hiện qua các câu ca dao, dân ca mộc mạc, ví dụ như: “Thương người như thể thương thân”. Phải chăng sức sống của lòng từ Phật giáo từ khi du nhập đã cộng hưởng với tư tưởng thương yêu vốn có của con nguời Việt Nam, làm thành những mỹ tục rất nhân bản trong:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Tình thân không phân biệỉt trong cách đối xử với nhau. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi tính cách nhưng gắn kết trong tương thân, tương ái. Với tư tưởng này ta thấy tính từ bi của Phật giáo và tình thương yêu lẫn nhau của dân tộc Việt Nam càng thêm gắn bó keo sơn.

Không thể dùng một ý tưởng, một lời văn mà diễn tả hết được nền văn hóa của một dân tộc, đặc biệt dân tộc ấy văn hóa đã đượm chất từ bi. Vì thế Từ bi vẫn là nguồn sống cho mọi người dù ở hiện tại hay trong tương lai xa hơn.

CHƯƠNG 3 : TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

3.1. Đôi Nét Khái Quát Về Xã Hội Hiện Đại:

Sau cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu thế kỷ 19 đã đưa nhân loại tiến xa hơn một bậc về phương tiện vật chất cũng như kỹ thuật công nghệ. Ngày nay thế giới đã trở nên gần gũi với chúng ta, chỉ cần cái gõ lên bàn phím và cái nhấp chuột, thế giới sẽ hiện ra trước mắt. Người thời nay đã qua rồi những run sợ trước các thế lực thiên nhiên, mà họ đã trở lại chiếm hữu và ngự trị trái đất. Nói chung con người đã chinh phục thế giới bằng những phát minh khoa học và đi sâu quan sát thế giới cũng bằng những thành tựu này. Nhìn lại lịch sử quả là con người đã viết thêm một trang hoàn toàn mới. Kỹ thuật công nghệ là tiền đề cho các ngành khoa học lịch sử đạt đến đỉnh điểm, các nhà nghiên cứu ghi nhận: “Lịch sử của nhân loại bắt đầu từ thời săn bắn tiến đến thời đại tân tiến ngày nay, với biết bao nỗ lực của các nhà kĩ sư chuyên nghiệp và các khoa học gia đã góp phần nâng cao mức sống con người kể từ hơn 150 năm qua. Những phát minh khoa học cũng đồng thời nâng cao kĩ thuật quân sự vì mọi quốc gia đã không ngừng tân tiến hóa mọi loại vũ khí quốc phòng của họ và do vậy, nhân loại đang đối diện với nhiều nguy cơ khốc liệt.

Các phát minh khoa học cũng đồng lúc ấy mang đến rất nhiều ô nhiễm và đang tàn phá môi sinh. Sự tàn phá môi sinh như vậy đã thực sự gây nguy hại cho sức khỏe của hàng triệu người và đã đưa đến sự tranh đua dữ dội để sinh tồn, đủ khiến cho xã hội văn minh ngày nay đã mắc phải rất nhiều căn bệnh tâm lý. Những vấn nạn như vậy nếu không sớm được giải quyết sẽ gia tăng con số trên bảng tử vong, gióng chuông cáo phó cho toàn thể nhân loại và để lại cho con cháu chúng ta không gì khác hơn là những cơ ngơi hoang tàn, hư hại”. [13,92]

Nhận định như vậy không phải bi quan trước tiến triển của nhân loại. Đó là cái nhìn thực và khách quan đối với thực trạng xã hội ngày nay. Chúng ta đang sống trong xã hội được coi là hiện đại. Máy móc, phương tiện và cả khối lượng vật chất khổng lồ đang ngự trị, nhưng không vì vậy mà ta cho là hạnh phúc, mà quả thực dù trong hòa bình nhưng ta cũng phập phồng lo âu, bởi vì:

3.1.1. Nạn Khủng Bố:

Tòa tháp đôi của Hoa Kỳ đổ xuống lấy đi hàng ngàn sinh mạng và vô số của cải vật chất, cảnh báo rằng nhân loại đang đối mặt với môỉt sự bất an và thảm cảnh ấy có thể xảy ra cho bất kì quốc gia nào. Sự kiện ấy để lại trong lịch sử nhân loại con số 11-09-2001, biểu tượng cho một sự kiện đau thương. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nay chổ này đánh bom liều chết, mai chổ kia dùng súng bắn vào đám đông, còn tệ hại hơn nữa là họ đánh bom ngay những nơi được xem như là cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia hay một nơi tôn thờ của một Tôn giáo để thách thức và hiềm khích lẫn nhau, đáng buồn hơn là họ đánh bom vào những trường học làm biết bao học sinh vô tội phải gánh chịu. Chưa dừng lại ở đó con người đối xử với nhau bằng bom nguyên tử, nói chung bom vẫn nổ, đạn vẫn bay trong lúc thế giới đang kêu gọi hòa bình. Ta vẫn chứng kiến những người vô tội bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu tranh vì quyền lợi phe phái, lãnh thổ, tôn giáo,… mặc cho các tổ chức hòa bình của Liên Hiệp Quốc và tiếng kêu gọi yên ổn của toàn nhân loại luôn vang lên.

3.1.2. Vấn Đề Môi Sinh:

Chúng ta đang hủy hoại chính mình, có hay không khi hàng ngày chúng ta góp phần làm cho trái đất nóng lên và nguyên nhân này kích hoạt cho các trận động đất, núi lửa… Thảm họa động đất sóng thần ở các nước Nam Á và Đông Nam Á ngày 26-12-2004 là tiếng chuông cảnh báo cho toàn nhân loại biết rằng trái đất đã quá tải do sự tác động của con người. Trong nỗi đau cùng cực đó con người đành thúc thủ chịu thua mặc dù các thiết bị tối tân hiện đại không thiếu. Tầng Ozone ngày càng bị thủng to hơn, nên nhiệt độ trái đất tăng dần lên, những tản băng ở Bắc cực tan nhanh gây ra những trận lũ lụt thật đáng sợ, điều nguy hiểm là những tia cực tím tác động trực tiếp lên trái đất đã gây nên bệnh ung thư da ở con người, và vì nhiệt độ trái đất quá nóng nên xãy ra những trận cháy rừng không kiểm soát được, loài vật cũng không chịu nổi sự nóng bức nên có những loài đã bị biến mất, tuyết rơi dầy đặc hay những trận bão tuyết cũng thường xãy ra làm thiệt hại về người và vật chất rất nhiều, hiệu ứng nhà kính sinh ra những trận bão tử kinh hoàng, và thời tiết diễn biến rất phức tạp gây ra những thiên tai mà con người không lường trước được.

3.1.3. Những Tệ Nạn Thời Đại:

Khoa học đem lại một đời sống vật chất sung túc nhưng mặt trái của nó bị các phần tử xấu lợi dụng làm nên nỗi kinh hoàng cho nhân loại. Chúng ta đang phải đối diện với những khó khăn rất lớn, các tệ nạn xã hội như một thứ đại dịch đang lây lan làm băng hoại cuộc sống tốt đẹp của bao người. Ngày nay không riêng gì Việt Nam mà các nước trên thế giới đều lên tiếng báo động về tệ nạn bạo hành ở trẻ em, nghiện hút Heroin, chích Ma túy, Mại dâm, làm băng hoại nhiều thế hệ nhất là giới trẻ ngày nay nhiễm phải căn bệnh thế kỷ (HIV). Đó chính là hậu quả của một sự hưởng thụ thiếu giáo dục và buông mình theo những sự vui thích thiếu lành mạnh. Đôi khi để thỏa mãn những nhu cầu ấy con người trở nên hung hăng bạo tàn, mất hết nhân tính và chính họ trở thành những ung nhọt của xã hội. “ Ở trong hoàn cảnh tranh đua kinh tế, rất nhiều người vì theo đuổi theo tài sắc danh lợi mà lạc mất chính mình. Tương lai rất có thể càng có nhiều người cho rằng chỉ cần có tiền thì mọi vấn đề có thể giải quyết, nguyện vọng nào cũng đều đạt thành. Thế là quan niệm sai lầm.“ Kim tiền vạn năng và cấp công cộng lợi” sẽ càng in sâu vào trí não mà tạo nên càng nhiều vấn nạn xã hội. Đối với sự tham đắm vào chủ nghĩa hiện thực khiến con người lạc mất ý nghĩa nhân sinh”. [13,121]

Viện dẫn như vậy không phải ta kết tội cho khoa học, lên án khoa học mà chỉ bàn luận đến những giải pháp cho việc sử dụng những thành tựu khoa học. Khoa học là một sản phẩm mang đẳng cấp cao của nhân loại, bản thân nó cũng do con người tạo ra, con người có đủ khả năng để kiểm soát chúng. Nhìn lại khi khoa học mang đến một sức sống mới thì mọi vấn đề xã hội được khai mở. Tiếc thay, con người đã lạm dụng nó quá nhiều cho nên nó có dịp phát huy hết cái tốt lẫn cái xấu. Sự lạm dụng này đã đưa đến những chứng bệnh nan y mà chính tầng lớp kế thừa chúng ta lãnh chịu.

3.2. Đạo Đức Phật Giáo Với Các Vấn Đề Cá Nhân Và Xã Hội:

3.2.1. Con Người Phật Giáo:

3.2.1.1. Sự Cấu Thành:

Dưới cái nhìn duyên khởi, con người cũng là một tập hợp duyên được cấu thành gồm có năm yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức được hiểu là: “Sắc uẩn được hiểu là cá thể vật lý của một người, cơ thể của những người khác và thế giới vật lý. Thọ uẩn gồm có cảm thọ khổ, cảm thọ hạnh phúc và cảm thọ không khổ đau, không hạnh phúc. Đây là cảm thọ khởi lên từ sự tiếp xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và của ý. Tưởng uẩn gồm có tưởng về sắc, về thanh, về hương, về vị, về xúc và về pháp (hay về thế giới hiện tượng). Hành uẩn là tất cả những hành động về thân, về lời và về ý; nó cũng được hiểu là các hành động có tác ý do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp gây ra. Thức uẩn bao gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Con người là thế! Là do các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý này mà sinh. bao giờ tự nó có thể hiện hữu, do đó con người là vô ngã vô thường”.[20,113]

3.2.1.2. Nguyên Nhân Cấu Thành:

Nguyên nhân chính là sự tác hợp của duyên, song duyên ấy phải cần có những năng lực cần thiết để tạo thành hiện tượng. Dù liệt hay thắng, thô hay tế, các duyên đều phải có sự tương tác mới thành được. Năng lực ấy chính là khát ái và nghiệp lực. Phật dạy: “Ta là kết quả của nghiệp, ta là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nền tảng, bất cứ nghiệp nào ta làm, thiện hay ác ta sẽ là kẻ nhận chịu kết quả. Điều này các Thiện nam Tín nữ, các gia chủ cần phải suy ngẫm”. [4, III, 474]

3.2.1.3. Năng Lực Con Người:

Phật giáo không chấp nhận con người ở trong một trạng thái thụ động, bị sai sử trong mọi vấn đề mà khẳng định rằng con người có một vị trí vô cùng quan trọng và làm chủ được mình. Biết rõ tính chất và nguyên nhân cấu thành của một vật chắc chắn là người có tầm nhìn chính xác. Phật giáo khẳng định vị trí có thể quyết định mọi chi phối cho đời sống vật chất và tinh thần trong cuộc sống chính mình mà không phải lệ thuộc bởi bất kì một thế lực nào. Phật khẳng định: “Self is the Lord of self. What higher lord could there be? When a man subdues well his self, he would have found a Lord very difficult to find” [23,75]

Tự mình làm chủ tể của mình, không ai khác có thể làm chủ tể? Với sự tự điều phục, con người tìm thấy đấng chủ tể khó có. PC: 160

Không lệ thuộc, không bị bắt buộc, vị trí con người được khẳng định. Nhờ vậy con người có đầy đủ những năng lực, chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng như tự mình làm chủ được mình, giải thoát hay khổ đau tự mình quyết định, không ai quyết định thế mình được.

3.3. Đạo Đức Phật Giáo Với Giáo Dục Cá Nhân:

3.3.1. Hoàn Thiện Tự Thân:

Con người có vị trí tối thắng trong tất cả các loài hữu tình chúng sanh. Đạo Phật đánh giá rất cao vị trí con người trong vấn đề đảm nhận và thực hành giáo lý. Xây dựng một con người có nhân cách hoàn hảo, biết sống vì mọi người, trở thành một thành viên tốt cho gia đình và xã hội là một điều hết sức cần thiết.

3.3.2. Xây Dựng Một Nhân Cách Trong Sáng:

Con người là thừa tự của nghiệp, khi sanh ra đời đã có sẳn mầm mống của nghiệp trong tâm thức. Hiểu như vậy, ta luôn ở thế chủ động để phòng bị các phát tác ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện nhân cách. Con người hiện đại cần yếu tố này hơn hết bởi trong bối cảnh chúng ta đang sống có rất nhiều sự khắc nghiệt, nếu lỡ sa vào thì rất nguy hiểm. Để có đời sống trong sáng con người cần có:

3.3.2.1. Tinh Thần Tự Tin:

Lòng tin vào cuộc sống, vào chính mình là một thứ không thể dùng bạc tiền hay địa vị xã hội để đánh đổi, là một thứ tinh hoa cho cuộc sống hạnh phúc. Mất lòng tin, con người xã hội như một ảo ảnh bàng quang, cá nhân ấy đắm chìm trong lo âu và xét nét thậm chí cả người thân của mình. Họ không tin ngay cả bản thân, đặt mình trong trạng thái suy nhược cả tinh thần lẫn thể xác. Thấy rõ điểu này, Đức Phật khuyến giáo cho các đệ tử: “Này Kàlàmas, đừng để bị dẫn dắt sai lạc bởi báo cáo hay tryền thống, hay nghe người ta nói, đừng để bị dẫn dắt sai lạc bởi sự truyền tụng trong Kinh tạng, cũng đừng bị dẫn dắt sai lạc bởi thấy hợp lý, cũng đừng bị dẫn dắt sai lạc sau khi tư duy và chấp nhận lý thuyết, cũng đừng để bị dẫn dắt sai lạc do vì hợp với định kiến, cũng đừng bị dẫn dắt sai lạc do vì sự kính trọng vị Sa Môn. Nhưng, này các Kàlàmas, khi các người tự mình biết rằng: các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực thi, thực hiện thì sẽ dẫn đến thiệt hại và khổ đau, này các Kàlàmas, quả thực các người bấy giờ hãy từ bỏ chúng”. [20,159]

Vậy dựng được tầm nhìn và mục tiêu như vậy, cá nhân ấy đã đặt mình vào trong một nền tảng tốt để phát triển, không vay mượn bất cứ gì của ai mà tự mình tư duy bằng bản thân mình theo giáo lý.

3.3.2.2. Tinh Thần Tự Tri:

Tự tri chính là tĩnh giác. Căn cứ trên tự tính của con người ghi nhận mọi nhân tố xung quanh có mặt mà không tham đắm hay đặt mình trong sự vận hành của nó. Đây chính là xây dựng một cái nhìn trí tuệ. Khi có mặt của trí tuệ, mọi vấn đề của cuộc đời sẽ được sáng tỏ. Phật dạy:

“The disciples of Gotama are ever well-enlighted and wide awake, (as) their mind constand by day and night seck pleasure in non-violence (ahimsa)”. [23, 91]

Dịch: Đệ tử Gotama, luôn tỉnh giác ngày và đêm, luôn vui thích từ ái. Quan sát như vậy, hành giả tự mình vượt thoát được khổ ải với tâm hồn bao dung, cởi mở trước mọi vấn đề. PC: 300

3.3.2.3. Biết Chấp Nhận Mình:

Người sống trong đời luôn mong ước được hoàn thiện trên mọi phương diện tinh thần, vật chất, giai cấp, địa vị … nên khi không đạt được những thứ ấy, họ có thái độ quay mặt với cuộc đời hoặc họ chấp nhận mình trong tinh thần bất mãn, hoặc họ đánh mất mình trong sự tìm kiếm một đời sống bất chấp mọi thủ đoạn. Cả hai thái cực này đều trở nên nguy hại khi không biết mình còn làm gì, mình cần làm gì và sống như thế nào?

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, tám nhân duyên trần thế này ám ảnh cuộc sống, cuộc sống xoay chuyển theo tám nhân duyên này. Thế nào là tám nhân duyên ấy? được và mất, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và khen ngợi, hạnh phúc và khổ đau. Này các Tỳ kheo, tám nhân duyên trần thế này ám ảnh cuộc sống”[5,II,215. Những điều làm cho cuộc sống trở nên rối ren thì có vô số nhưng tám nhân duyên ấy là tám thứ biểu trưng và nó sẵn có trong bất kỳ môi trường sống nào. Nếu người một đời tìm kiếm trong chơi vơi, khi thất bại người ta thấy chơi vơi. Song bước chân lãng du họ cứ đi tìm, phiêu du mãi giữa sa mạc cuộc đời, khao khát bóng mát và một lối về yên ổn mà chẳng biết dừng ở đâu. Nên chấp nhận mình, biết mình ở đâu để vượt khỏi vòng lẩn quẩn đó là điều Phật muốn nhắn nhủ. Phật chỉ ra cái khổ, nguyên nhân của cái khổ để thức tỉnh thân phận con người, cho họ một lối về và lối về ấy là trở lại thực tại bản thân.

3.3.2.4. Tinh Thần Biết Chấp Nhận Thực Tế:

Ta thường không bằng lòng với chính ta nên mãi hoài đi tìm những ảo ảnh, khi ở hiện tại mơ về tương lai hay nhớ về những quá khứ đã xa, không thể nắm bắt trong hiện tại. Hai đối tượng ấy cứ theo người đi mãi và cứ vậy mình lạc hướng mất mình và cứ mãi đi tìm chân trời hạnh phúc . Vì vậy Phật dạy chúng ta phải tôn trọng mình và đặt mình trong thực tế, chắc chắn sẽ có được những điều cần có cho cuộc sống, hạnh phúc và rất thiết thực. Phật dạy:

Quá khứ không truy tìm

Tương lai không ước hẹn

Quá khứ đã qua rồi

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có pháp hiện tại

Lạc trú chính ở đây

Không động không thoái chuyển. [4, III, 442]

Thực tế là thực tế, dầu quá khứ đẹp đẽ biết bao thì quá khứ đã qua không trởũ lại, tương lai có đẹp đến chừng nào thì tương lai vẫn là ảo ảnh hay trù liệu đơn phương. Chấp nhận là thái độ cần thiết nhất cho bất kỳ cá nhân nào.

3.3.2.5. Tinh Thần Sáng Tạo:

Sáng tạo là yếu tố cần thiết cho cuộc sống, sáng tạo có mặt, trí tuệ làm cho hành giả có cách nhìn mới mẻ về cuộc đời. Khi có sáng tạo, người ta luôn tự tin và cảm thấy yêu cuộc sống hơn. Nó có ích cho cuộc sống và chính mình. Nhà tâm lý học Charles E.Skinner trong tác phẩm tâm lý giáo dục viết: “Tư duy sáng tạo có nghĩa là sự dự đoán hay suy diễn, đối với cá nhân (người tư duy sáng tạo) là mới mẻ, tân kỳ, độc đáo và khác thường. Người tư duy sáng tạo là người khám phá ra các lãnh vực mới mẻ và có sựỉ quan sát mới mẻ, các dự đoán mới mẻ, các suy diễn mới mẻ…” [20,171-172]

Khi ta biết mình là ai, chấp nhận thực tại của cuộc sống, ta có những đường hướng giải quyết thỏa đáng cho cuộc sống và tất cả những yếu tố đã giới thiệu. Con người phải được đặt trong một đường hướng đúng đắn mới phát huy được hoàn mỹ.

3.3.2.6. Tinh Thần Giữ Giới Và Tôn Trọng Giới:

Cuộc sống có đạo đức luôn là cuộc sống hạnh phúc. Cuộc sống ấy được bảo vệ trong sự an tịnh của giáo dục. Phật chế giới cho xuất gia và tại gia đều đặt nền tảng trên căn bản đạo đức con người mà quy định. Giữ giới là hoàn thiện đạo đức nhanh nhất và đúng nghĩa nhất vì: Thứ nhất là giới học, tức là biết sống hổ thẹn, biết sợ hãi những điều ác mình làm, sống như thế nào không để cho sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu chi phối được mình. Sống phải như thế nào để cho thân hành, khẩu hành, ý hành. Mạng sống thâm tịnh để trợ duyên cho hành giả sống đời sống thanh tịnh trong sáng. Tiếp đến vị Tỳ Kheo tiết độ trong ăn uống “Như lý giác sát thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức mà chỉ cốt để duy trì phẩm hạnh, diệt trừ cảm thọ củ, không cho khởi lên các cảm thọ mới và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được yên ổn”. [4, III, 251]

Cũng những yếu tố như vậy làm cho con người trở thành hoàn thiện, không băng hoại mình trong bất thiện. Ta tu luyện bản thân đầy đủ để gom lại một năng lực cuối cùng là đây. Khi giữ giới và tôn trọng giới cá nhân có một đời sống an vui mà không phương hại người khác. Ở đây ta nhấn mạnh các vị Phật tử, họ là những con người của xã hội, tạo dựng xã hội, trong các mối quan hệ xã hội mà họ làm tốt. Khi đạo đức xã hội được duy trì nên Phật tử tại gia giữ đúng 5 giớùi thôi đã là chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Năm giới đó là : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói đối và không uống rượu.

“Kinh Đại Bát Niết Bàn số 16 Trường Bộ nói lên 5 điều nguy hiểm của người gia chủ nếu phạm giới, sống trái giới luật. Một là sẽ bị tiêu hao tiền bạc rất nhiều vì phóng dật, hai là bị tiếng dữ đồn xa. Đi vào với hội chúng nào, đi vào với tâm bối rối. Bốn là khi mạng chung sẽ chết với tinh thần rối loạn. Năm là sau khi mạng chung sẽ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. Trái lại, người có giữ giới có được năm sự lợi ích, một là sự có tiền của dồi dào vì không phóng dật, hai là tiếng tốt đồn xa, ba là đi vào hội chúng nào tâm thần không có sợ hãi, không có bối rối, bốn là khi mạng chung chết với tâm không rối loạn, năm là sau khi mạng chung sẽ sanh vào thiện thú thiên giới cõi đời này”. [3, 67]

Vì sao Phật dạy như vậy? Chỉ cần chúng ta có một cái nhìn khách quan là sẽ thấy tất cả. Nếu tất cả mọi người sống đúng với đạo đức của người Phật tử là giữ hết 5 giới cấm thì cả thế giới này không có tiếng súng, trộm cắp, giết người hay các tệ nạn do rượu. Sự có mặt của giới chính là đạo đức, bởi có giới mới sanh an ổn, định tĩnh, có định tĩnh mới có được trí tuệ. Trí tuệ thành tựu, từ bi sẽ được trưởng dưỡng, đúng nghĩa là lợi lạc vốn cho chính bản thân mình và cho xã hội. Đó là những gì mà con người và xã hội mong muốn.

3.4. Đạo Đức Phật Giáo Đối Với Tha Nhân (Xã Hội):

Ở góc độ này người viết xin trình bày đến một khía cạnh rộng hơn của đạo đức Phật giáo. Cuộc sống không đơn thuần ở mỗi cá nhân mà phải nhân rộâng ra khi lan tỏa trong gia đình và xã hội. Đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc, người biết nuôi dưỡng tinh thần này là nắm bắt được hạnh phúc. “Đạo đức còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tự thân cũng như đối với gia đình và xã hội. Vì lẽ đạo đức là hạnh phúc và việc xây dựng hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội là trách nhiệm của mỗi người. Sống nếp sống đạo đức tức là người có trách nhiệm cao trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Thiếu một tinh thần trách nhiệm này nghĩa là nếp sống thiếu đạo đức, thì chẳng những tự thân người đó chịu bất hạnh mà ngay cả gia đình và xã hội người ấy đang sống cũng chịu thiệt thòi, chịu bất hạnh do cuộc sống của vị ấy gây ra ”[2,98] . Đó là những tác động của đạo đức cá nhân đối với cộng đồng xung quanh nên khi muốn đạo đức được phổ biến cho toàn thể cộng đồng, Đức Phật dạy mỗi người ngoài việc hoàn thiện mình ra còn phải sống đúng với bổn phận của mình, hoàn thành trách nhiệm đó chứng tỏ là đạo đức của mình.

3.4.1. Về quan hệ Cha Mẹ và Con Cái:

Con cái đối với cha mẹ có năm bổn phận cần phải được thực hiện như phụng dưỡng cha mẹ, lo làm các bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và lo tang lễ cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời.

Đáp lại cha mẹ có 5 trách nhiệm đối với con cái, ngăn chặn con khi con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy nghề nghiệp cho con, lo việc cưới gả cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con.

3.4.2. Về quan hệ Thầy và Trò:

Người học trò có năm bổn phận đối với thầy gồm: Lễ phép đối với thầy, chăm lo hầu hạ thầy, nỗ lực học tập, lo việc phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.

Đáp lại vị thầy có năm trách nhiệm đối với học trò của mình như: Huấn luyện cho học trò những gì mình đã thành thạo, dạy học trò cách bảo trì những gì cần được bảo trì, dạy cho học trò mình thuần thục các nghề nghiệp, khen thưởng học trò và bảo đảm nghề nghiệp cho học trò.

3.4.3. Về quan hệ Vợ Chồng:

Người chồng có năm bổn phận đối với vợ: Trân trọng vợ, không thất kính với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ và thỉnh thoảng sắm đồ trang sức cho vợ.

Đáp lại người vợ phải thi hành tốt đẹp các bổn phận làm vợ: Khéo đón tiếp các bà con của chồng, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khôn khéo và nhanh nhẹn trong mọi công việc.

3.4.4. Về quan hệ Bạn Bè với nhau:

Trong mối quan hệ bạn bè, vị ấy cần sống một nếp sống bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lừa gạt.

Đáp lại vị ấy được bạn bè quí mến, che chở trong lúc vô ý phóng dật, được bảo vệ tài sản, được bạn bè giúp đỡ khi gặp nguy hiểm, được giúp đỡ khi khó khăn và được bạn bè kính trọng về phương diện gia thế.

3.4.5. Quan hệ giữa Chủ với Người Làm Công:

Người chủ cần có trách nhiệm với người làm công của mình như giao những công việc vừa sức, lo việc ăn uống và lương bổng, lo viêỉc điều trị khi đau ốm, chia sẻ các món ăn ngon và thỉnh thoảng cho nghỉ phép.

Đáp lại người làm công phải hoàn thành bổn phận của mình như thức dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với lương bổng và tiền thưởng, khéo làm các công việc và biết đem tiếng tốt về cho chủ.

3.4.6. Quan hệ giữa các Hiền Nhân và Đệ Tử:

Người đệ tử phải có lòng từ về thân, về lời, về ý đối với các vị hiền nhân, tiếp đón trân trọng và cúng dường các vật dụng cần thiết cho các vị hiền nhân.

Đáp lại các vị hiền nhân có những trách nhiệm đối với người đệ tử như ngăn ngừa làm các điều ác, khuyến khích làm các điều thiện, thương xót đệ tử đối với lòng từ, dạy cho đệ tử những điều chưa được nghe khiến cho thanh tịnh điều đã nghe và dạy bảo con đường hướng thiện cho đệ tử. [2, 111-113]

Đó là những mối quan hệ mà đạo đức Phật giáo dạy cho con người khi tham gia vào các mối quan hệ ấy. Các mối quan hệ của con người nói chung đều có tính tương quan với nhau. Khi con người ở trong bất kì mối quan hệ nào phải làm tròn mối quan hệ ấy bằng trách nhiệm của cá nhân theo tiêu chuẩn đạo đức như Phật đã dạy thì đó là hạnh phúc đạt được trong hiện tại.

3.5. Đạo Đức Phật Giáo Với Vấn Đề Bảo Vệ Môi Sinh:

Đức Phật là vị giáo chủ có hành trạng rất đặc biệt, sinh ra giữa thiên nhiên, tu tập giữa bao la của trời đất và nhập Niết Bàn trong u hiển của rừng già. Trong 49 năm thuyết giáo Đức Phật sử dụng những hình ảnh của thiên nhiên như cây rừng, biển cả, núi non, và cả những loài vật để làm ẩn dụ. Dù trong thời Phật tại thế chưa có văn kiện hay luật bảo vệ môi trường nhưng Ngài đã xây dựng cho Ngài và chư Thánh Đệ Tử một đời sống hòa mình trong thiên nhiên. Ngài thường dùng tính chất tối ưu như vị mặn của biển, sự vững chãi của núi non để muốn đề cập đến những điều sâu xa ngài muốn truyền trao cho đệ tử. Cho nên ngài thiết lập một đời sống gần gũi thiên nhiên để tạo sự cảm thông với con người. “ Kinh Thừa Tự Trung Bộ I số 3, Đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết côn trùng. Trong những tháng mùa mưa An Cư Kiết Hạ,ỉ Phật khuyên các Tỳ Kheo không nên ra ngoài vì sợ dẫm đạp trên cỏ cây hoặc côn trùng trong mùa sanh nở trong không khí ẩm ướt. Chính vì lẽ đó Phật cấm đệ tử của Ngài không sát sanh để cân bằng sinh thái, không tàn phá chiếm đoạt mà phải thiểu dục tri túc. Ngày nay, ta ích kỉ giành lấy những quý báu của thiên nhiên làm của riêng mình mặc dù chỉ là thỏa mãn những nhu cầu nhỏ bé. Chúng ta tự hào chinh phục thiên nhiên nhưng thực chất ta đang tàn phá thiên nhiên và hủy hoại đời sống môi sinh gây ra những thảm cảnh tàn khốc. Bây giờ ta nhìn vào đời sống của các Ngôi Chùa thì ta sẽ có được khái niệm yêu thiên nhiên của Phật giáo. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa làm cạn kiệt tài nguyên xanh của trái đất nhưng khi đến với Ngôi Chùa dù hẻo lánh hay thành thị thì môi trường xanh và sạch còn nguyên vẹn, mái Chùa luôn cổ kính nép mình dưới rừng cây, đặc biệt hơn giữa phố phường náo nhiệt vẫn còn nghe được tiếng chim ca trên những vòm cây trong sân Chùa.

“Ngày nay, thiên tai thường xuyên xãy ra đe dọa cuộc sống của con người trên khắp thế giới. Nguyên nhân chính là do thái độ sống của con người. Chúng ta đã có những sai lầm, ích kỷ, sống ngược với thiên nhiên, phản thiên nhiên. Vì vậy, thiên nhiên đã “trả thù” chúng ta. Đó là phản ứng tất nhiên, là quả báo chúng ta phải chịu. Điều quan trọng là con người phải tự thấy nghiệp quả của chính mình và bắt đầu bằng việc sửa chữa lối sống sai lầm cũ.

Nếu chỉ một vài người có ý thức sửa chữa, điều chỉnh thái độ sống thì không đủ thay đổi tình hình thế giới bây giờ. Chúng ta phải giúp nhiều người cùng hiểu. Nghĩa là chúng ta biết luật nhân quả thì phải làm sao cho tất cả những người khác cũng biết. Nếu chúng ta biết sống đời vị tha, biết yêu quý thiên nhiên thì phải làm sao cho người khác biết sống như mình. Khi thế giới có nhiều người sống đúng, nhiều người tin nhân quả, nghiệp báo, sống vị tha yêu quý thiên nhiên, trái đất này dần dần bớt đi thiên tai. Bởi vậy, việc giáo dục để mọi người biết yêu quý thiên nhiên là một điều rất quan trọng. Trách nhiệm của Tăng Ni hiện nay là phải giáo dục Phật tử sống cho phù hợp với thiên nhiên và đạo đức để bảo vệ thế giới. Vì chúng ta là những người đã nhận được thông điệp yêu quý thiên nhiên, yêu quý rừng cây từ Đức Phật. Chúng ta phải góp sức bảo vệ trái đất yêu quý này. Chúng ta hãy làm việc của một người thông minh có ý thức, có trách nhiệm đối với thế giới. Hãy yêu quý thiên nhiên, cứu lấy thiên nhiên, bảo vệ rừng cây! Đó là lời kêu gọi khẩn thiết nhất mà chúng ta tha thiết gửi đến tất cả mọi người”. [17, 660-661]

CHƯƠNG 4 : ĐƯỜNG HƯỚNG XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC TƯƠNG LAI

4.1. Phát Huy Truyền Thống Đạo Đức Dân Tộc:

Người Việt vốn rất hiền, hiền từ bản chất hiếu thiên, yêu chuộng hòa bình, truyền thống này có từ ngàn xưa. Chúng ta hàng hậu bối phải có trách nhiệm kế thừa và phát triển. Quá trình cùng sống chung của 54 dân tộc anh em là một bằng chứng. Chúng ta dù sống trong bất kỳ dân tộc nào, hoàn cảnh nào cũng phải bảo tồn và phát huy tư tưởng thương yêu lẫn nhau:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Luôn giúp đỡ nhau trong khó khăn:

“Lá lành đùm lá rách”.

Hay:

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Sống thiện và tu thiện:

“Người trồng cây hạnh người chơi.

Ta trồng cây đức để đời mai sau”.

Tri ân và Báo ân:

“Đội ơn chín chữ cù lao

Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Hay:

“Trọng thầy mới được làm thầy

Những phường bội bạc sau này ra chi”.

Đó là những truyền thống tiêu biểu của đạo đức dân tộc. Phát huy những truyền thống ấy, xây dựng đạo đức trên nền tảng ấy chắc chắn sẽ có một xã hội giàu mạnh, chính truyền thống này đã đẩy lùi bao khó khăn trong công cuộc dựng nước nhà làm nên những chiến công hiển hách cũng từ yêu nước thương nòi. Phát huy đường hướng này chính là chúng ta đã kế thừa mà cha ông ngày xưa đã chọn. Từng thời đại có thể thấy cái nhìn thoáng hơn, mới hơn, nhưng bản chất đạo đức vẫn đẹp và cao quý. Những năm tháng gần đây thiên nhiên luôn gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho nhân loại, phát triển truyền thống đạo đức dân tộc, không chỉ trong phạm vi đồng bào mình, đất nước mình, mà phải trải rộng sự chia sẻ đến toàn nhân loại.

4.2. Thực Hiện Phương Châm Tốt Đạo Đẹp Đời:

Nhà thơ Hồ Dzếnh có viết:

“Trang sử việt đồng thời trang sử Phật

Qua bao độ hưng suy có nguy mà chẳng mất…”

Thật vậy, Phật giáo và dân tộc Việt Nam tuy hai mà một. Từ khi hội nhập vào văn hóa Việt Nam, giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần làm tăng thêm cây ngọt trái xanh, sách sử là minh chứng cụ thể, và các nhà trí thức cũng phát biểu: “Đối với những người dân Việt Nam bình thường thì sự tiếp nhận Phật giáo rất dễ dàng, có thể nói tự nhiên như hít thở khí trời. Bởi vì họ tiếp nhận bằng tâm chứ không phải bắng trí vì sự tác dụng của Phật giáo bằng thực tiễn chứ không phải bằng lý sự: Đạo Phật dạy người ta điều thiện tránh điều ác; Đạo Phật nói với người ta nhân quả, luân hồi v.v… tin là có và nghe theo, làm theo thì cuộc sống trong xã hội, quan hệ giữa người với người chỉ tốt đẹp thôi có thiệt hại gì đâu”[14, 86]. Được như vậy rồi thì cần có những phương châm phát triển phù hợp với mức độ tiến bộ của xã hội. Trách nhiệm của chúng ta là Hoằng Pháp Lợi Sanh, thì bây giờ và mãi sau này phải cố gắng hoàn thành. Đạo và Đời tuy hai mà một, quan trọng hơn hết là làm sao chúng ta dùng tinh hoa của giáo lý Phật vào đời sống của người dân giúp họ có cuộc sống hạnh phúc và trở thành những công dân tốt cho xã hội. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là hình ảnh và sự ảnh hưởng của Ngôi Chùa trong văn hóa Việt Nam rất lớn và có mặt khắp lãnh thổ nước ta, nhưng những cơ sở đó cần có người gìn giữ và dạy giáo lý tạo nền tảng đạo đức vốn có vững mạnh hơn. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác xã hội để dân chúng không ngại khi tiếp xúc với hàng ngũ xuất gia, nhân đó giáo hóa họ. Nếp sống người Việt Nam có câu:

“Rủ nhau xuống biển mò cua

Lên non hái nhãn, vô Chùa nghe kinh”.

Trở thành một thói quen như vậy chứng tỏ ngày trước tầng lớp tiền bối đã dày công, trách nhiệm còn lại là của chúng ta.

“Dạ thưa mẹ dặn con nghe

Hàng cau, củ sắn, nước chè vò xanh

Dòng sông, chùa , chợ quê mình

Không phai trong cõi ân tình đời con”.

Muốn cho đạo đức thấm nhuần đến tất cả mọi người, chúng ta phải biết phát huy Tâm từ sẵn có trong mỗi người con Phật và còn phải biết khai thác yếu tố giáo dục Đạo đức nữa. Nhưng muốn làm được điều đó thì chúng ta phải tinh tấn tu tập, biết thương yêu tất cả chúng sanh, không phân biệt người hay vật, luôn là một bậc mô phạm giữa thế gian. Nếu chúng ta thờ ơ với đạo đức của người xuất gia thì chắc chắn Phật tử cũng sẽ xao lãng không tin tưởng. Hay chúng ta xem đạo đức là không quan trọng bằng những công phu tu tập tâm linh cao siêu khác, nên không chịu tu dưỡng đạo đức, cuối cùng làm Phật tử hụt hẫng không nơi nương tựa. Đạo đức là nền tảng quan trọng cho quá trình tu tập giải thoát và độ sanh, mà cũng là biểu tượng của hạnh phúc để chúng sanh quy hướng. Vì thế chúng ta phải tích cực phát huy đạo đức, lấy đạo đức làm hành trang vào đời độ sanh, làm sao cho mọi người thấm nhuần đạo đức, sống cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Bởi vì: “Nơi nào có đạo đức nơi đó có hạnh phúc. Nơi nào có hạnh phúc nơi đó có đạo đức”.

C. KẾT LUẬNg

Đạo đức và Lòng Từ là hai lãnh vực không thể thiếu trong cuộc sống. Bất kỳ xã hội nào con người không có tư cách đạo đức và lòng thương yêu lẫn nhau thì không có hạnh phúc trong đời sống dễ xảy ra xung đột. Tuy được nâng lên thành tư tưởng, tôn chỉ…..v..v…nhưng thực chất của hai phạm trù này hiện hữu trong một điểm duy nhất, đó chính là con người. Kinh Hoa Nghiêm Phật nói:

“Nhược nhân dục liễu tri

Tam thế nhất thiết Phật

Ứng quán pháp giới tánh

Nhất thiết duy tâm tạo”.

Phật dạy như vậy là chỉ cho chúng sanh thấy tâm làm chủ được tất cả mọi yếu tố tư tưởng hành động. Đạo đức và lòng từ được xây dựng trong tư tưởng nhưng phải hành động bằng cách thể hiện trong cuộc sống để tạo nên một sự an lạc cho hạnh phúc. Tính chất của đạo đức và từ bi có sự quan hệ mật thiết. Đạo đức thể hiện cho khuôn mẫu chuẩn mực đảm bảo một cuộc sống an lạc tự thân. Còn từ bi là trang trải tình thương hay những gì mình có được cho xã hội. Khai triển triệt để hai tư tưởng triết lý hành động này con người sẽ gặt hái được những kết quả hết sức tốt đẹp.

Hiện tại ta sống trong một xã hội có đủ vật chất và phương tiện nhưng không khỏi xót thương trước những thảm cảnh đang xảy ra. Con người trở thành kẻ thù của nhau và đang gieo rắc biết bao nỗi kinh hoàng cho nhau. Vậy hơn lúc nào hết ta cần phải thể hiện tính từ bi trong ta và dùng tư cách đạo đức của chính mình, khuyến khích mọi người biết nhìn vào những thảm trạng ấy mà ban bố những gì cần ban bố góp một chút công sức vào trong công cuộc xây dựng thế giới hòa bình xã hội công bằng văn minh. Chúng ta thật hạnh phúc, được sống trong một dân tộc đã có sẵn những nền tảng ấy nhưng không vì thế mà không kiện toàn, phát huy để đưa đất nước Việt Nam trở nên giàu đẹp. Sản phẩm của Đạo Đức và Từ Bi chính là những cây ngọt trái lành, những nụ cười sau những tháng ngày lo âu khổ sở trầm kha. Đó là con đường đi đến Phật quả của các bậc tu hành nếu không nhân nơi đạo đức giải thoát và từ bi làm cội gốc thì khó thành tựu. Vì tầm quan trọng của Đạo Đức và Từ Bi như vậy nên ta tu tập mãi không ngừng. Lý thuyết và suy tư chỉ dừng lại ở lãnh vực tư tưởng hay luận điểm ngôn từ, cái cần thiết nhất là hành động, đặt mục tiêu hướng tới mục đích rõ ràng thì chắc chắn sẽ thành tựu. Nhìn lại quá trình du nhập và hội nhập của Phật giáo với dân tộc Việt Nam ta thấy được sức mạnh to lớn khi đạo đức giải thoát và từ bi đã góp vào nền văn hóa Việt Nam những điểm son sáng chói. Đạo đức Phật giáo đã xây dựng nên một ông vua tinh thần giải thoát siêu xuất, một tổ sư khai sáng ra một dòng thiền mang đặc tính rất riêng của Việt Nam và lòng từ bi của thiền sư nay đã đem đến cho dân chúng một cuộc sống hướng thiện. Đời Trần cực thịnh vì từ Vua chí Quan cho đến Dân Chúng đều biết xây dựng cuộc sống của mình bằng tư tưởng đạo đức và từ bi với văn hóa Việt Nam, kết tinh thành những triết lý hành động mà cuộc sống dân tộc đang cần. Trong khi ẩn tu Hòa thượng Thiện Tâm có bài kệ sau:

“Ẩn tu nào phải cố xa đời

Mượn cảnh du nhàn học đạo thôi

Những thẹn riêng mình nhiều nghiệp chướng

Bốn ân còn nặng nghĩa đền bồi”.

Đạo Đức để tu thân, Từ Bi làm phương tiện vào đời hóa độ chúng sanh. Đó là con đường tuyệt vời cho tất cả mọi hành giả. Không phân biệt là Tăng hay Tục tùy theo sức lực mà tu tập, biết chọn cho mình một đường hướng đúng thì chắc chắn sẽ thành công. Phật giáo có một nền giáo lý nhập thế tích cực, hiện tại ta đang thừa hưởng, trách nhiệm ta là phải vun bồi, phát triển để Phật giáo không còn xa lạ với cộng đồng. Người Phật tử tại gia cũng nương nơi Đạo Đức và Từ Bi để xây dựng nếp sống văn hóa gia đình chính là góp phần xây dựng xã hội. Tăng sĩ đem hoa ngọt trái lành ấy làm nên những món quà vô giá ban bố cho người đời thì quả thật là một Tịnh Độ ở nhân gian. Luận văn trong hạn lượng cho phép nên người viết cũng xin khái quát đề tài như đã thể hiện, không khỏi những khiếm khuyết. Phật pháp bao la đời còn nhiều nỗi khổ, nhưng hằng mong con thuyền từ bi và trí tuệ của Phật giáo hằng mãi chở những tinh hoa cho cuộc đời.

“Điều cuối cùng chúng ta muốn nói ở đây là không bao giờ được tự mãn với những đạo đức có được. Vì mỗi đức hạnh có nhiều mức độ sâu cạn khác nhau. Ngày hôm nay chúng ta hiểu được mức độ này nhưng không có nghĩa là đã đạt được trọn vẹn hết đức hạnh đó. Chúng ta phải hiểu rằng, từ đạo đức đi đến hoàn thiện, đến mục đích giải thoát là một con đường còn rất xa, không phải ai cũng đạt được. Vì vậy chúng ta không được tự mãn.

Ngược lại, chúng ta phải biết noi theo đời sống của các bậc Thánh để học hỏi, bắt chước. Ngày nay Đức Phật đã cách xa chúng ta, nhưng qua những bài kinh, những truyện cổ, truyện tích về những tế hạnh của Ngài, chúng ta phải nghiền ngẫm, phải suy tư để những điều hay lẽ phải, những oai nghi tế hạnh đạo đức ấy dần dần thấm vào tâm hồn chúng ta”. [17, 879]

THƯ MỤC THAM KHẢO

[1]. Đào Duy Anh, Từ Điển Hán Việt, NXB -Khoa Học Xã Hội – 1998.

[2]. Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người,

NXB -Tôn Giáo – 2002.

[3]. Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, NXB -Tôn Giáo-2001.

[4]. Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh Tập I,II,III, VNCPHVN – 1996.

[5]. Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ Kinh Tập I,II,III, VNCPHVN – 1996.

[6]. Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh Tập I,II, VNCPHVN – 1996.

[7]. Thích Minh Châu, Tiểu Bộ Kinh Tập I,II, VNCPHVN – 1996.

[8]. Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh Tập I, VNCPHVN – 1996.

[9]. Thích Minh Châu, Pháp Cú Kinh, NXB Tôn Giáo – 2000.

[10]. Thiều Chửu, Hán Việt Từ Điển, NXB Văn Hóa Thông Tin – 1999.

[11]. Bửu Kế, Từ Nguyên Từ Điển, NXB Thuận Hóa – 2000.

[12]. Phạm Kim Khánh, Đức Phật Và Phật Pháp, NXB Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh – 1991.

[13]. Thích Viên Lý, Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21, NXB Viện Triết Lý Việt Nam Và Triết Học Thế Giới – 2001.

[14]. Nhiều Tác Giả, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Hiện Đại, NXB TP. Hồ Chí Minh – 2001.

[15]. Thiện Nhơn, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Thích Hành Trụ dịch, NXB TP. Hồ Chí Minh – 1997.

[16]. Hoàng Phê, Từ Điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẳng – 1997.

[17]. Thích Chơn Quang, Tâm Lý Đạo Đức, NXB Tôn Giáo – 2004.

[18]. Thích Trí Tịnh, Kinh Địa Tạng, NXB Tôn Giáo – 2001.

[19]. Thích Trí Tịnh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB TP. Hồ Chí Minh – 2000.

[20]. Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính Qua Kinh Tạng Pàli NXB TP. Hồ Chí Minh – 2004.

[21]. Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Phuơng Đông Tập 1 NXB TP. Hồ Chí Minh – 2001.

[22]. Nguyễn Trải Toàn Tập Tân Biên, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, NXB Văn Học – 2001.

[23]. Professor N.K. Bhagwat, M.A. The Dhammapada donated by the corporate body of The Buddha educational foundation, Taipei Taiwan R.O.C.

[24]. Oxford University Press, Oxford Advanced Learner’s Dictionary Of Current English – 2000.

[25]. Will Durant, Trí Hải, Câu Chuyện Triết Học, Nha Tu Thư Và Sưu Khảo Viện Đại Học Vạn Hạnh ấn hành – 1971.

[26]. TT. W. Piyanada. Love In Buddha, Trần Phương Lan dịch, NXB TP. Hồ Chí Minh - 1995.

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/04/2013(Xem: 1026)
Ấn độ là một nước có nền văn hoá truyền thống lâu đời thuộc bậc nhất thế giới, với những trường phái triết học lỗi lạc. Nhưng không sao thoả mãn cái nhu cầu giải thoát con người ra khỏi xiềng xích nô lệ bởi xã hội thống trị phân chia giai cấp và không thể giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi vật chất hay cố chấp của tinh thần.
08/04/2013(Xem: 824)
Hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng của người tu sĩ Phật giáo. Chư Phật cũng như chư Bồ tát đều có những hạnh nguyện cao cả như thế. Ngày xưa Tổ Bồ Đề Đạt Ma vượt ngàn dặm xa xôi từ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo. Trong lịch sử đã có biết bao vị Tổ đã không quản gian lao khó nhọc để đến với những đất nước xa xôi như Tây Tạng cao ngất hay nước Nga giá rét…
08/04/2013(Xem: 886)
Từ Bi, khi nghe nói về hai tiếng Từ Bi, ôi! Sao mà ngọt ngào, sao mà dịu mát. Hai tiếng “Từ Bi” lần đầu tiên đi vào trong tâm khảm con thuở vừa mới lên mười.
08/04/2013(Xem: 884)
Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, nhưng trong đó có bao vấn đề gay go, rắc rối, hiểm nguy đang âm ỉ hoặc đã bộc phát ra (đói rét, bịnh tật, âu lo, nghi nan, tị hiềm, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh…). Con người vẫn đang sống với nhau nhưng trong đó luôn hục hặc, xung đột và chưa bao giờ là thực lòng với nhau, cho đến muốn trấn áp, thủ tiêu lẫn nhau.
08/04/2013(Xem: 883)
Ngày xưa, do chịu ảnh hưởng nền giáo dục của Nho giáo nên người Việt Nam ta rất coi trọng tư tưởng tôn Sư trọng đạo, cho dù vị Thầy ấy là thầy dạy nghề hay là thầy dạy chữ thì vị trí của người Thầy cũng rất được tôn kính chỉ đứng thứ hai sau nhà Vua, trên cả Cha Mẹ theo tinh thần Quân-Sư-Phụ.
08/04/2013(Xem: 930)
Để đi vào nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ của một dân tộc nào đó, nhất là để chuyển ngữ từ ngôn ngữ của dân tộc này sang ngôn ngữ của một dân tộc khác thì nhất thiết không thể thiếu được văn phạm, hoặc ngữ pháp. Bởi lẽ, nó là công cụ sử dụng, là cốt yếu để nối kết, kết cấu tạo thành câu cú, ngữ nghĩa trong ngôn ngữ cũng như trong văn chương.
08/04/2013(Xem: 964)
Sau lễ Tốt nghiệp, những “cánh y vàng” của Tăng Ni sinh khóa III -những người nhân danh “Như Lai sứ giả” lần lượt sẽ tung bay trên khắp mọi miền đất nước (cũng có thể là ở ngoài nước). Dĩ nhiên, tuỳ theo nhân duyên và hạnh nguyện, sẽ có những người ở những vai trò, vị trí khác nhau.
08/04/2013(Xem: 1292)
Lịch sử loài người là một quá trình chuyển hoá liên tục, không ngừng nghỉ. Sự chuyển hoá xảy ra trên nhiều bình diện của cuộc sống và nó gắn liền với môi trường xung quanh tạo thành một hợp thể tác động hai chiều thúc đẩy loài người cứ thế phát triển mãi không ngừng.
08/04/2013(Xem: 1261)
Con người là gì? Ðó là câu hỏi không đơn giản mà bao đời nay các nhà triết học và khoa học khác nhau ra công tìm lời giải đáp và đã gây ra không ít sự tranh cãi vì bất đồng quan điểm. Sách triết học Mác-Lê nin có ghi:’Câu trả lời chỉ là chơn thật khi con người có khả năng bước ra khỏi bản thân mình với tư cách là hệ thống trong quá trình vận động sanh thành’
08/04/2013(Xem: 825)
Từ thuở xa xưa cho đến bây giờ khi trí thức của con người đã được nẩy nở, đứng trước vũ trụ bao la, người ta bắt đầu bàng hoàng đánh dấu hỏi: Vũ trụ là gì ? Nhân sinh do đâu mà có ? Và chung kết của nhân sinh như thế nào ? Đó là những vấn đề đã làm cho tất cả các tôn giáo, các thánh nhân, hiền triết từ xưa đến nay, phải dùng hết tâm tư để tìm tòi nghiên cứu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]