Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần IV: Nhận định và Kết luận

03/05/201313:58(Xem: 776)
Phần IV: Nhận định và Kết luận

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam

TP Hồ Chí Minh

Khóa III (1993-1997)

Nhân sinh quan Phật giáo

(Luận văn tốt nghiệp)

---o0o---

GSHD:TT Thích Trí Quảng

Ni sinh:Thích nữ Như Ngọc

---o0o---

Phần III:

ỨNG DỤNG SỰ TU TẬP NGŨ UẨN TRONG ÐỜI SỐNG HIỆN TẠI

PHẦN IV : NHẬN ÐỊNH VÀ KẾT LUẬN

Phật giáo: cái nhìn trí huệ

Chân lý là những gì hết sức linh động và thực tại. Từ nhận định đó, đạo Phật đã thành lập dạo lý hướng dẫn con người hành động chứ không ngây thơ đặt những giáo điều, cứng nhắc mong áp dụng hoàn mỹ cho mọi căn cơ, thời đại. Vì vậy, đạo Phật với tinh thần khế lý khế cơ đã biểu hiện dưới nhiều hình thức uyển chuyển và ứng hợp phương châm ‘Phật pháp bất ly thế gian pháp’như các thiền sư Việt nam với vô lậu ngũ uẩn thân đã đi vào xã hội, tùy duyên làm lợi ích cho quần sanh. Thiền sư Tuệ Tĩnh Sư Tổ ngành Nam dược Việt Nam. Thiền sư Nguyễn Minh Không mở ra kỹ thuật đúc chuông đồng, mở mang nền công nghiệp đúc đồng thời Lý. Thiền sư Vạn Hạnh, nhà tâm lý xã hội và là nhà chính trị, đã thực hiện công cuộc cách mạng phế Lê lập Lý, một cuộc cách mạng từ bi đạo đức nhất trong lịch sử Việt nam và thế giới .. Các thiền sư bất động trên sàng tọa mà có hàng trăm hàng ngàn người đi hành đạo.

Công cuộc truyền bá Chánh pháp của những người theo chân đấng Giác ngộ viên mãn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, lấy con người làm đối tượng để phục vụ, lấy nhân tính làm nền tảng kiến thiết một xã hội công bình, hợp lý đồng thời thừa nhận giá trị khả năng sáng tạo của con người, sống và phục vụ con người, vì sự hòa hợp vào đại thể rộng lớn của vũ trụ. Bằng nhận thức ấy, đạo Phật nhìn vũ trụ và con ngườì như một chuỗi nhân quả nối tiếp, trùng trùng duyên khởi, liên hệ mật thiết bất khả phân . Trong khi đó, các nhà Triết học phương Tây lại có cái nhìn tách biệt con người khỏi thế giới. ‘Vì thế đạo Phật là một thực tại sinh động cần thể nhập, hiểu biết mà không phải của khái niệm hay luận lý. Nếu nhìn đạo Phật qua lăng kính phân biệt ta sẽ mất nó’[1]

Ðến đây, chúng ta có thể tóm kết lại rằng trong ngũ uẩn, tuy sắc thân là cơ sở của thọ, tưởng, hành, thức nhưng mọi diễn biến trong cuộc đời từ sự hình thành đến hủy diệt thế giới đều do tâm. Ðạo Phật đã khơi mở trí huệ con người bằng mọi cách từ sự giáo dục với cái nhìn về bản chất cuộc đời đến những phương pháp hành trì cho tâm thật phát triển tới trạng thái vô lậu. Cái nhìn trí huệ ấy sẽ được làm cho mạnh hơn và nguồn tâm sáng tạo sẽ được đánh thức dậy qua sự thực tập thiền định như là công phu chính, thực hiện con đường (magga) Phật giáo dẫn đến giải thoát. 

Trí tuệ tuyệt vời của Phật giáo đã mở cho con người thấy rõ mọi việc ‘Mầm mống phát sinh ngũ uẩn hay chấm dứt ngũ uẩn đều ở nơi ngũ uẩn’. Ðây là ý ngĩa chân thật của lời dạy danh tiếng của Ðức Phật: ‘Chính ngay trong thân này ta nói có thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới’[2]

Nhân sanh quan Phật giáo qua ngũ uẩn đã khẳng định vị trí của con người trong vũ trụ, xua tan mọi mặc cảm yếu hèn trước thiên nhiên và các thế lực huyền bí. Nó đã khẳng định con người làm chủ vận mệnh của mình, chịu trách nhiệm về chính mình. Vì con người và vũ trụ là một, nên Cổ Ðức nói: ‘Tâm bình thời thế giới bình, tâm tịnh thời Phật độ tịnh’.

Do đó, con người có thể chuyển đổi được Nghiệp của mình và có thể tự xây dựng cho mình một cuộc sống an vui và hạnh phúc.

Vai trò người tu sĩ trong hiện tại:

Là người con Phật, hàng ngày sống thực hành những lời Phật dạy; chúng ta không thể thờ ơ với cuộc sống, không đòi hỏi những hạnh phúc vật chất hay tham cầu bất chánh. Cái nhìn rõ ràng về ngũ uẩn sẽ tạo cho chúng ta có niềm tin tưởng nhau, tạo nên những ổn cố cần thiết cho xã hội: ‘Phân tích hay thực hiện cái nhìn trí huệ năm thủ uẩn, lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ mở ra con mắt huệ cứu khổ tự thân. Ðây là di chúc mà người xưa đã để lại trong Bát Nhã Tâm Kinh. Ở đây sẽ có duyên thấy đạo’. (TT Chơn Thiện)

Lý tưởng giải thoát chỉ được nuôi dưỡng bằng trí tuệ và lạc giải thoát của Thiền định qua nỗ lực thoát ly các nhân tố gây ra khổ đau từ thực tại khổ đau, như hoa sen tinh khiết vươn mình ra khỏi bùn từ thực tại bùn. Chúng ta cần thấy rõ thực trạng xã hội hiện nay. Con người đang rơi vào khủng hoảng, bị cuốn trong cơn lốc văn minh vật chất, văn hóa ngoại lai sôi động, đang cần có bàn tay chuyển hóa. Phải ý thức và thực nghiệm những khổ đau của cuộc đời, khi nào cuộc đời còn vấn đề phải giải quyết thì Ðạo Phật còn sứ mạng.

Chúng ta cũng không thể mong đạt đến chân lý tuyệt đối khi trí huệ còn mờ ám vô năng ‘Giai đoạn tu học trước mắt Tăng Ni sinh là giai đoạn nặng nề trách nhiệm đối với sự hưng suy của Phật pháp. Những trầm tư thao thức về Chánh Pháp sẽ làm trong sáng tư duy và tình cảm của người tu sĩ. Khác đi, là những gì u ám được đợi chờ.’ (TT Chơn Thiện)

Chúng ta cần tư duy quán sát nhiều hơn về Chánh pháp, nhìn thấy Chánh pháp qua cuộc đời, qua sự tác động giữa con người và xã hội, từng bước tu tập từ việc xây dựng một phần toàn thiện xã hội bằng tinh thần vô ngã vị tha, không lệ thuộc vào pháp, như ý nghĩa ‘Sở đắc là vô đắc, không nắm cũng không buông’[3]. Vì vậy, việc chấn chỉnh đường hướng giáo dục Tăng Ni là điều rất quan trọng và cần thiết. Nhờ vào nếp sống tu học tốt đẹp người tu sĩ mới có thể từng bước phát triển trí huệ vô lậu, đi vào xã hội để chuyển hóa khổ đau con người.

‘Hình bóng lý tưởng gần nhất của người tu sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, của một Huyền Trang, một Vạn Hạnh với đời sống đạm bạc gian khổ, nhưng ý chí thì vững chắc như kim cương; Ðức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục; Hạnh nguyện thì rộng lớn như biển cả. Người xuất gia cần có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói lòa nghị lực, cần có nụ cười bất diệt, xem nhẹ khổ đau để làm rõ chân tướng sáng rỡ của Ðạo Phật.’[4]

Từ chỗ hoàn thiện nhân cách, người tu sĩ với mắt tuệ và đầy tình thương nhìn cuộc đời, làm lợi ích cho nhân sanh, làm rất nhiều mà như không làm gì cả.

Con đường mà chư Phật đã mở, chư Tôn túc đã đi qua, bây giờ là lúc hàng Tăng Ni trẻ chúng ta bước vào, bước đi trên đó, sẽ đi những bước an tịnh, không vướng mắc vì an lạc, hạnh phúc của số đông.

‘Không sanh cũng không diệt.

Sanh tử là Niết bàn

Sở đắc là vô đắc

Không nắm cũng không buông’

SÁCH THAM KHẢO

  1. TƯƠNG ƯNG BỘ KINH 3, Ðại Tạng Việt Nam, HT Minh Châu dịch, 1993.
  2. TƯƠNG ƯNG BỘ KINH 5, Ðại Tạng Việt Nam, HT Minh Châu dịch, 1993.
  3. THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN, HT Minh Châu, Tu thư ÐHVN tái bản, 1971.
  4. CHÁNH PHÁP VÀ HẠNH PHÚC, HT Minh Châu, THPG TPHCM ấn hành, 1996.
  5. HÃY TỰ MÌNH THẮP ÐUỐC LÊN MÀ ÐI, HT Minh Châu, VN CPHVN, 1990
  6. ÐẠI CƯƠNG CÂU XÁ LUẬN, HT Thiện Siêu, Viện nghiên cứu PHVN, 1992.
  7. KING TĂNG NHẤT A-HÀM, HT Thanh Từ bản ronéo PHV Từ Nghiêm
  8. GIẢNG GIẢI BÁT NHÃ TÂM KINH, HT Thanh Từ, THPG TPHCM
  9. PHẬT GIÁO, HT Thiện Châu, THPG TPHCM ấn hành, 1996
  10. ÐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN, HT Quảng Ðộ, Tu thư ÐHVN, 1969
  11. TIỂU THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN, HT Quảng Ðộ, Tu thư ÐHVN, 1969
  12. TỪ ÐIỂN PHẬT HỌC HÁN VIỆT, Phân viện nghiên cứu Phật học VN, 1992.
  13. KINH LỜI VÀNG, HT. Trí Nghiêm, THPG TPHCM, 1992
  14. GIẢNG LUẬN DUY BIỂU HỌC, TT. Nhất Hạnh, Lá Bối, 1996
  15. LƯỢC GIẢI KINH PHÁP HOA, TT Tri Quảng, THPG TPHCM ấn hành, 1991
  16. LƯỢC GIẢI KINH DUY MA, TT Tri Quảng, THPG TPHCM ấn hành, 1991
  17. PHẬT HỌC KHÁI LUẬN, TT Chơn Thiện, GHPGVN, BGD Tăng Ni ấn hành 1993.
  18. LÝ THUYẾT NHÂN TÍNH QUA KINH TẠNG PÃLI. TT Chơn Thiện, 1996
  19. NGHIÊN CỨU KINH LĂNG GIÀ, TT. Chơn Thiện, CS Trần Tuấn Mẫn, GHPGVN, BGD Tăng Ni ấn hành, 1992
  20. CON ÐƯỜNG THOÁT KHỔ, TKN. Trí Hải, ÐHVH, 1966
  21. HIỆP KHÍ ÐẠO, Thượng Trí dịch, Hội Hiệp khí nhu đạo Việt nam, 1969

[1]Theo đạo Phật Ngày Nay, TT Nhất Hạnh, Lá Bối, 1965, tr. 42

[2]Con đường thoát khổ, sđd, tr. 68

[3]Giảng luận Duy biểu học, TT. Nhất Hạnh, Lá Bối, 1996, tr.361

[4]Theo Ðạo Phật Ngày Nay, TT Nhất Hạnh, Lá Bối, 19965.

Hết

---o0o---

Vi tính: Tâm Diệu

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 2240)
Rất hiếm các bản luận văn đề cập đến Đức Phật như là một nhà giáo dục lý tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến. Viết về đức Phật, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng giáo chủ, đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại; hoặc đề cập đến Ngài như là mộ nhà tư tưởng, một nhà tư tưởng cách mạng... Nhưng có rất hiếm các bản luận văn đề cập đến Ngài như là một nhà giáo dục lý tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]