Phân Ưu - Tưởng Niệm - Cáo Phó
Tiểu Sử HT Thích Thiện Nhơn
Nguồn: www.quangduc.com
TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Thượng THIỆN Hạ NHƠN
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định
1. THÂN THẾ:
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và Thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, Ngài là người con thứ ba. Gia đình Ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam Bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là Thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí.
2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Từ nhỏ, Ngài đã sớm có duyên lành với đạo Phật, Ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Với bẩm chất thông minh, Ngài đã sớm đậu bằng Primaire.
Chủng tử Phật pháp trong Ngài sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), học đạo với thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với Ngài Quảng Đức tại chùa Tịnh An - Phù Cát.
Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh, là bậc Pháp sư lừng lẫy khắp miền Trung, uyên thâm kinh điển Đại Thừa, kế thừa Tổ Tâm Tịnh-Huệ Chiếu, trụ trì chùa Hưng Long – An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được phú Pháp danh là Quảng Phước.
Năm 1950, Ngài được Bổn sư và Hòa thượng Trí Nghiêm truyền trao giới pháp Sa Di tại chùa Hưng Long – An Nhơn, được ban Pháp tự là Thiện Nhơn.
3. HÀNH ĐẠO:
Từ năm 1948 - 1954, Ngài làm Thư ký Phật giáo Cứu Quốc Liên khu 5.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng Bổn sư, Ngài cùng đoàn Học Tăng từ Phật Học Đường Hưng Long, Bình Định, 12 vị, gồm quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh… đi bộ vào Khánh Hòa để cầu tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng Học Đường Nam Phần Trung Việt-Nha Trang (tiền thân của Phật Học Viện Trung phần-Nha Trang), do Hòa thượng Thích Huyền Quang làm giám đốc.
Năm 1957, cùng rất đông Pháp lữ đồng môn, Ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được Bổn sư ban Pháp hiệu là Quán Hạnh.
Năm 1958, Ngài tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng Phật học từ Phật Học Đường Trung phần, được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bổ nhiệm làm Giảng sư, giáo hóa khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên. Cũng trong giai đoạn này, Ngài được mời kiêm nhiệm Chánh Hội Trưởng Hội Phật học Quảng Ngãi trong 2 năm.
Năm 1964-1975, GHPGVNTN thỉnh cử Ngài làm Chánh Đại Diện Giáo hội tỉnh GiaLai – KonTum. Trong giai đoạn này, Ngài cũng thành lập và làm Giám đốc các trường Bồ Đề tại Pleiku.
Năm 1966-1967, Ngài gia nhập Nha Tuyên úy Phật giáo, và được bổ nhiệm làm Chánh Sở Tuyên Úy Phật Giáo QĐVNCH Vùng II Chiến Thuật, bao gồm các quân, binh chủng ở Cao Nguyên và Duyên hải Trung phần để hỗ trợ và hướng dẫn tâm linh cho quân nhân Phật tử và siêu độ cho binh sĩ tử trận.
Trong những năm 1964-1975, tuy rất bận rộn với bao công tác hoằng pháp và trọng trách hành chánh điều hành nhiều cấp GH, nhưng Ngài cũng thực thi tâm huyết phổ độ quần sanh, nên đã khai sơn, tạo dựng và đại trùng tu rất nhiều cơ sở tầm vóc cho Đạo pháp, như chùa Hồng Từ (Kontum), chùa Đạo Quang (Sài-gòn), chùa Pháp Hải (Quy Nhơn), chùa Hoa Nghiêm (Phù Cát), v.v..
Năm 1982, sau 6 năm chịu an trí, lao động, Ngài trở về phụ tá Hòa thượng Bổn sư Giác Tánh trong trách nhiệm dạy dỗ Kinh Luật cho Tăng chúng và quản trị mọi Phật sự tại Tổ đình Thiên Đức.
Năm 1987, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Ngài đã tiếp nhận Tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền Đăng Tục Diệm”, nhậm chức trú trì để làm quang huy rạng rỡ ngôi Tổ đình Thiên Đức, do Ngài Minh Giác Kỳ Phương, Tỵ Tổ của Tổ đình Thập Tháp đến Háo Lễ khai sơn từ đầu thế kỷ 18.
Bên cạnh đó, với đại hạnh đồng sự, cộng hành để chung tay xiển dương cơ đồ Đạo pháp đang cơn trầm nịch suốt thế kỷ qua, từ 1982 đến ngày viên tịch, hơn 30 năm, Ngài luôn luôn làm gương, cổ võ, dấn thân cùng chư tôn Giáo phẩm, chư Tôn đức trong bản tỉnh thực hiện hàng trăm Phật sự chung cho tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử…và thường xuyên đáp ứng thỉnh cầu mọi Phật sự, Pháp sự, Tăng sự từ khắp nơi trên toàn quốc, không bao giờ nề hà lao nhọc, cả đến khi tuổi đã quá cao, sức khỏe đã suy mòn.
Mặc dù Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng Ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi Phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, chỉ được Hòa Thượng Tôn Sư tái thiết lại một phần vào những năm 1973-1976.
Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), Ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Vào ngày 06 tháng 9 năm 2007, Ngài tổ chức Đại lễ Khánh thành ngôi Phạm vũ Tổ đình Thiên Đức, hàng chục ngàn Tăng Ni, Phật tử toàn quốc về tham dự.
Ngoài sự thành tựu của ngôi Phạm vũ, Ngài vẫn thường xuyên lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài, tiếp Tăng độ chúng. Tổ đình Thiên Đức, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Ngài, đệ tử xuất gia trước sau cả 100 vị, làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho Thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của Dân tộc mà ngàn năm tiền nhân đã vun đắp nuôi dưỡng.
* Phật sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN):
Năm 1991, Ngài cùng chư Tôn đức trong bản tỉnh đứng ra tích cực vận động thành lập Trường Cơ Bản Phật Học tại tu viện Nguyên Thiều, đến nay được 6 Khoá, đã và đang đào tạo trên một nghìn Tăng Ni trẻ toàn quốc về đây tham học. Đặc biệt, do Ban Trị Sự khéo léo vận động bảo trợ từ trong và ngoài nước, nên Trường TCPH Nguyên Thiều là một trong rất ít các cơ sở đào tạo Tăng Ni có điều kiện thuận duyên tu học, quy củ rất nghiêm minh.
Nhiệm kỳ 1992-1997, Ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Nhiệm kỳ 1997-2002, Ngài được suy cử vào Ủy viên HĐTS/ GHPGVN, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Bình Định, kiêm Chánh đại diện Phật giáo huyện Tuy Phước.
Năm 2002, Ngài được bầu làm Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2002-2007, Ngài được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2007-2012, Ngài tiếp tục được suy cử vào thành viên HĐCM, ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
Nhiệm kỳ 2012-2017, Ngài được suy cử vào Ủy viên Thường trực HĐCM, Ủy viên HĐTS/GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định.
* Chức sự trong các giới đàn:
Năm 1994, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê Đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn Chánh Nhơn, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2000, Ngài làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn Liễu Quán II, do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Phú Yên tổ chức.
Năm 2003, Ngài làm Yết-ma A-xà-lê tại giới đàn Ananda-Giác Tánh tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc.
Năm 2004, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết-ma A-xà-lê Đại giới đàn Huệ Chiếu do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2004, Ngài làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn Lâm Tế, Tu viện Lộc Uyển, Cali, Hoa Kỳ.
Năm 2009, Ngài làm Trưởng Ban Kiến Đàn và Yết Ma A-xà-lê Đại giới đàn Giác Tánh do Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn.
4. VIÊN TỊCH:
Mặc dù tuổi già sức yếu, nhưng Ngài không từ nan bất cứ Phật sự nào, bất cứ sự cần cầu nào, như lời Ngài thường dạy đồ chúng: “nơi nào cần thì ta đến, hết việc thì ta lại đi, không thời gian, không biên giới.” Trong chuyến đi chứng minh cho lễ Khai giảng khóa đầu tiên của trường Trung cấp Phật học tại Gia Lai ngày 30/10/2012, Ngài bị tai biến nhẹ. Giáo hội, môn đồ pháp quyến cùng các y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM tận tình chữa trị, sau đó Ngài đã bình phục gần như hoàn toàn. Nhưng vì nhân duyên hóa độ đã mãn, trọng trách kế thừa Tổ nghiệp đã thành, huyễn thân tứ đại giả tạm như cỗ xe trải qua thời gian cũng đến thời tan rã, với linh cảm nhiệm mầu, Ngài đã trở về chốn Tổ đình Thiên Đức, xả bỏ báo thân, an nhiên thị tịch vào lúc 06 giờ rưỡi sáng, ngày 20 tháng 4 năm 2013 (nhằm 11/3/Quý Tỵ).
Trụ thế 83 năm, 55 Tăng lạp.
Suốt cuộc đời Ngài từ lúc xuất gia cho đến ngày viên tịch, Ngài đã không ngừng phụng sự Đạo pháp, hóa độ chúng sanh. Với trách nhiệm “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, kế thừa Tổ nghiệp, Ngài khơi đèn tuệ giác cho hàng ngàn môn đồ tứ chúng; trong hàng đệ tử xuất gia, nhiều vị đã tốt nghiệp từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ Phật học, nhiều vị đã trụ trì, giữ nhiều trọng trách Phật sự trong và ngoài nước. Ngài cũng có công lớn trong việc khai sơn, tái thiết, trùng tu các ngôi chùa như: Hồng Từ, Đạo Quang, Pháp Hải, Hoa Nghiêm, Thiên Sanh, Thiên Bửu, Phước Điền…, đặc biệt là công trình đại trùng tu Tổ đình Thiên Đức.
Với cuộc đời thanh tu, nếp sống giản dị chan hòa, với tâm lượng bao dung hỷ xả,với trí tuệ mẫn tiệp sâu sắc, với giới hạnh trang nghiêm thanh tịnh, Ngài xứng đáng là bậc Tòng Lâm Thạch Trụ, là bậc cao Tăng thạc đức trong chốn rừng thiền.Với tầm nhìn thấu triệt trước sau, với hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng, với hùng tâm dũng lực, Ngài là nhà lãnh đạo sáng suốt, tài đức vẹn toàn, tự tại vô úy trước sự thăng trầm của cuộc đời. Tinh thần hy hiến, phụng sự của Ngài vẫn còn mãi mãi với Đạo pháp. Pháp âm của Ngài vẫn còn vang vọng, in đậm trong lòng Tứ chúng khắp nơi.
Ngài ra đi, môn đồ pháp quyến mất đi một vị Thầy tôn kính, Phật Giáo Việt Nam mất một bậc cao Tăng làm chỗ dựa cho bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử.
Dẫu biết rằng ‘vô thường thị thường’, ‘sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ’, bậc xuất trần đại sĩ đến đi vô ngại như gió thoảng mây bay, như cánh nhạn tầng không chẳng để lại dấu vết, nhưng trước cảnh sanh ly tử biệt, môn đồ tứ chúng, chư tôn Thiền đức Tăng Ni khắp nơi, Thiện tín Phật tử xa gần làm sao tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn với bậc Tôn sư khả kính.
NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, SẮC TỨ THIÊN ĐỨC ĐƯỜNG THƯỢNG, HÚY Thượng QUẢNG Hạ PHƯỚC, Hiệu QUÁN HẠNH, Tự THIỆN NHƠN, TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH GIÁC LINH, THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.
Môn đồ Pháp quyến cung soạn
CẢM NIỆM ÂN SƯ
Trời Úc châu mây sầu giăng lối
Đất phương Nam bóng hạc thiêng không
Vô thường từ cõi sắc không
Niết bàn là chốn chơn như quay về
Thế là hết kể từ đây, khi hay tin từ quê nhà báo rằng HT Bổn sư đã viên tịch. Lòng con trào dâng bao nỗi bàng hoàng niềm cảm xúc, như con thuyền bồng bềnh giữa trời đầy mây đen giông bão. Tạm gác lại mọi Phật sự nới xứ người vội vã về đây hầu Ngài lần sau cuối.
Nhớ năm xưa, con (Nhuận Chơn) và Nhuận Trí rời xa gia đình tìm nơi nương tựa tu học. Thời buổi khó khăn của thập niên 80, được sự hoan hỷ của HT Nguyên Phước nhận 2 đứa con làm đệ tử xuất gia nơi tổ đình Long Khánh, nhưng gặp chút nghịch duyên nên nguyện ấy không thành. Dù gặp chướng duyên nhưng chí cầu xuất gia tu học vẫn không thay đổi, nên chúng con tiếp tục tìm thầy học đạo. trên 2 chiếc xe đạp chúng con chạy qua chùa Phổ Quang, xã Phước Thuận rồi chùa Long Phước cũng không xong, tiếp đến chùa Sơn Long, sau cùng chùa Thiên Đức. Ở nơi đây đã hội đủ nhơn duyên nên được sự chấp thuận và lòng bao dung cùa Ngài chúng con được tắm mình trong biển Phật pháp kể từ đó.
Sau bao năm hành điệu nơi tổ Đình, chúng con chưa tròn nghĩa hầu Ngài. Chúng con còn nhớ: Lúc chùa còn hoang sơ nghèo khổ, chúng điệu lại đông
Thiếu trước hụt sau
Sớm chiều tương rau dưa muối
Thuở ấy chúng con phải tự túc canh tác để làm lương thực cho chùa, lại còn vất vả trồng bí, trồng rau, rồi đem ra chợ đổi lấy từng miếng đậu khuôn về thay bữa cho chúng tăng. Những hình ảnh Ngài tay cầm chiếc rựa đi dạo từ trước ra sau hướng dẫn chúng con tảo phát những bụi cây mọc mất trật tự, cũng như tảo phát phiền não trần lao của chúng đệ tử. Mười mấy huynh đệ lúc ấy tuy đời sống vật chất có vất vả nhưng luôn vui vẻ yêu thương nhau thắm thiết. Có hôm thầy trò đi cúng về, gia đình hậu tạ bánh Cấp, bánh Cúng (được làm bằng nếp và quấn bởi lá chuối) và đĩa bánh Ít. Ngài đem xuống và chia cho huynh đệ mỗi người một cái, chia hết cho huynh đệ đến phiên Ngài thì đĩa trống không. Có những đêm sau một người lao động vất vả, chúng con mệt lả cả hơi tai, nằm xuống là gởi hồn theo gió, chẳng biết gì đừng nói chi những chiếc trực thăng bay vèo vèo qua lại trên đỉnh đầu, Ngài đi công tác Phật sự đến nửa đêm mới trở về nhưng chưa ngủ vội, mang đèn pin đi vòng vòng xem thử đàn con thơ nghỉ ngơi thế nào. Khi thấy muỗi mòng cắn đốt, Ngài sợ chúng con bệnh, thế là Ngài đi giăng từng chiếc mùn để chúng con được yên giấc.
Thế rồi Phật học viện Nguyên Thiều khai mở, vì tương lai của chúng con, Ngài cho chúng con đi học trong khi nơi tổ đình thiếu hình bóng đệ huynh. Cũng từ đó chúng con dần xa Ngài, xa mãi. Học xong Nguyên Thiều sơ cấp chúng con tiếp bước vào đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, chừng ấy năm xa vắng Ngài, có chăng trong những kỳ lễ tết, thời gian ngắn ngủi để hầu cận chén trà, bát cơm.
Phương trời cao rộng con phải hành đạo nơi xứ người Úc châu, biết bao nhiêu càm bẫy đang chờ như thứ dữ đang chờ mồi. Tuy Ngài không ở gần chúng con nhưng hình bóng thanh cao, đạo phong ngời sang, lòng từ vô lượng như dòng suối mát nuôi lớn chí xuất trần trong những khi con gặp chướng duyên nghịch cảnh, là đề hồ kết tinh tình nghĩa thầy trò.
Trước tết, hay tin Ngài lâm bệnh con có dịp về hầu thăm Ngài vài hôm, rồi vội vàng ra đi như bao lần khác. Trước khi đi, Ngài cầm tay con và nói khẽ: “Chơn con, lần này Con đi rồi không biết đến bao giờ thầy trò mới gặp lại, có chăng Thầy mất rồi con mới về, nhưng Con cố gắng làm tròn bổn phận sứ giả Như Lai con nhé”. Nghe đến đó lòng Con rơi lệ cố nói thành lời: “Con sẽ về thăm, Ngài yên tâm tịnh dưỡng”.
Nào ngờ đó cũng là lời dạy cuối cùng, như Ngài biết trước sự thế vô thường nhưng con nào hay biết.
Đời Ngài là trang sử oai hùng cho bao thế hệ của hàng hậu học, là bài pháp vô ngôn đến với mọi người, mà chúng con chưa kịp học hết hạnh nguyện của Ngài, thì Ngài đã vội vã ra đi, để lại cho tứ chúng niềm tiếc thương vô hạn khi cảnh cũ vần còn đây mà bóng Thầy không còn nữa.
Tùng không vắng bóng hạc vàng
Khứ lai vô định chơn thường nhất như.
“Bạch Thầy” tiếng gọi nghe gần gũi làm sao, bản than Con từng ao ước được gọi một lần trong đời nhưng Con nào dám. Có chăng giữa lúc này đây con xin mạo muội gọi 2 tiếng “bạch Thầy” cũng là lúc Thầy nhất.
Phủ phục dưới giác linh đài thành tâm cung tiễn HT Bổn sư chứng vô sanh nhẫn. Chúng con nguyện sống đời lục hòa, cọng trụ làm rạng danh tổ đức đã dày công vung đắp.
Chúng con chắp tay, nhất tâm vĩnh biệt Thầy
Nam mô lâm tế chánh tông Tứ thập Ngũ thế, Thiên Đức đường thượng Hòa Thượng bổn sư liên tòa chứng giám.
Đệ tử Thích Nhuận Chơn.
(được tuyên đọc trong đêm thắp nến trước khi di kim quan nhập Bảo Tháp)
CẢM NIỆM ÂN SƯ
Nam Mô Bổn Sư Thich Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch giác linh thầy,
Như vậy hôm nay đã là tuần thất thứ bảy, chúng con phải vĩnh viễn bị xa cách, mất đi một vị đạo sư tài năng và đức độ hiếm có trong đời. Chúng con sẽ không còn cơ hội được gần gủi thầy bổn sư của mình trong cuộc đời này nữa!
Ôi! Xót xa cho kiếp phù sinh vì:
“Nhân sinh thiên địa chi giai, nhược bạch câu nhi quá khích, hốt nhiên nhi dĩ”
Đời người ngắn ngủi, cơ hồ như tia nắng xuyên qua khe hở, đột nhiên rồi kết thúc.
Chúng con hiểu thân mạng là vô thường. Vạn sự, vạn vật có rồi cũng phải mất theo quy luật thời gian và sự “Dị, Diệt”; Nhưng trong thâm tâm, chúng con vẫn không ngăn được nổi xót xa, nghẹn ngào vì sự mất mác quá lớn lao này!
Ôi! Đáng buồn! Đáng tiết!
Vì quê hương Bình Định từ nay bị mất đi một vị cao tăng thiền đức, một thạch trụ của Giáo Đoàn PG tỉnh nhà. Nhân gian bị mất đi một vị Bồ Tát hành trì miên mật pháp tu “Tận và Vô Tận”
Phật tử của Tổ đình chùa Thiên Đức và Tu viện Kim Cang chúng con từ nay không còn diểm phúc được tắm gội trong dòng suối mát, chứa chan đạo tình của người thầy uy nghiêm, từ hạnh nữa rồi!
Kính bạch thầy,
Hồi tưởng lại những tháng năm còn ở quê nhà mà lòng càng thương nhớ thầy!
Con xưa may mắn vì ngay từ nhỏ đã được gần gủi bên thầy. Với con, hình ảnh gắn bó của Tam Bảo, được kết nên từ những mẫu chuyện đạo, đến các bài kinh, câu kệ được thầy là người tô đậm, vẻ rõ thêm trong tâm thức của con.
Thầy đã làm cho tất cả những hình ảnh tôn quý của Đức Phật trở nên vô cùng sống động, đẹp đẻ trong trí óc con qua từng lời dạy và thân giáo của người.
Vâng! Chính vì thế mà trong con có được sự đồng nhất. Hình ảnh tôn kính của Đức Từ Phụ Bổn sư được nhìn qua lăng kính mẫu mực và kính yêu của thầy. Trong con thầy là bậc đạo sư, là hình ảnh tôn quý, là niềm tin yêu, là hình bóng của Phật tại thế!
Mới hôm Tết, những ngày thầy còn dưỡng bịnh tại Saigon; Chúng con còn được hầu chuyện với thầy, còn được nghe thầy dạy dổ và hân hoan được thầy hẹn, nay mai khỏe thầy sẽ đi sang đây, chúng con sẽ có dịp đón thầy.
Được gia đình cho biết sức khỏe của thầy có tiến triển tốt hơn trong lần tái khám vừa rồi, chúng con rất đổi vui mừng. Vậy mà nay người đã không còn nữa!
Thương thầy! Sau bao tháng năm dấn thân nhọc nhằn vì hoằng pháp lợi sinh trên khắp mọi miền của quê hương; Một buổi sáng bình yên tại ngay ngôi Tổ Đình Thiên Đức yêu dấu, thầy đã trút bỏ nhục thân; Vụt ra đi; Để lại vô vàn tiếc thương cho hàng Phật tử chúng con và cho Phật giáo tỉnh nhà.
Hôm nay quỳ trước hương án này, tưởng nhớ về người, chúng con xin đươc viết lên đây những ký ức và cảm niệm về thầy.
Xin cung kính lạy thầy, vị sứ giả như lai, cả đời tinh tấn “không bỏ hữu vi, không trụ vô vi,” miệt mài với hạnh nguyện độ sinh.
Tâm tư:
“Hoằng Pháp vi gia vụ; Độ sinh vi sự nghiệp”
Thầy đã lấy Phật sự hoằng hóa làm trọng trách và tâm nguyện phụng sự chúng sinh làm cuộc sống của mình.
Mãi đến những ngày sau cùng nhất của cuộc đời; Dù trên thân mình con bịnh vẫn còn, vừa từ Saigon xuất viện về là thầy đã trở lại, cùng chung vai, lo Phật sự cho giáo hội. Thầy đã hoan hỷ đến với quý thầy và rồi chứng minh cho đạo tràng lể Suy Tôn Giáo Phẩm tại Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn vào hồi tháng Tư năm nay (2013).
Cuộc đời thầy trãi dài với năm tháng chỉ vì sự trường tồn của Chánh Pháp!
Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng thầy không hề tỏ ra mỏi mệt và thối thất với công việc hành đạo. Công việc từ lớn đến nhỏ; Từ Phật sự Trung Uơng đến Tỉnh Hội địa phương; Từ việc tổ chức, dựng xây GH, đào tạo tăng tài, đến chuyện dự đám siêu độ vong linh; Thầy đều tận lực và chu đáo. Không kể xa gần đến tận miền Tây Nam Việt, đến các địa danh xa xôi, heo hút của miền Trung hay Cao Nguyên.
Tấm lòng đối với Phật tử,dù là người thân thiết hay kẻ chỉ mới gặp gở có lần đầu tiên; Dù Phật tử là người xuất thân trong hàng tướng lãnh, trưởng giả hay là kẻ nghèo khó, sống côi cút nơi thôn dã, biên địa Tây nguyên; Thầy đều hoan hỷ và dành cho họ sự chăm sóc ân cần. Công việc dù có bận rộn ra sao, cách trở thế nào thầy vẫn bố trí để thân hành đến với họ.
Câu chuyện đám tang bà lão tại huyện Bình khê, do vì con cháu quá nghèo khó nên không có khả năng mời Chư Tăng tiến cúng độ linh. Tình cờ trên đường đi lên Pleiku, chuyến xe thầy phải dừng lại. Nhìn thấy quan tài lạnh lẽo, nghèo khổ, thầy hỏi han. Sau khi nghe tang chủ trình bày hoàn cảnh. Nhân duyên tuy bất chợt, thầy vẫn hoan hỷ quyết định nán lại hành trình của mình lúc ấy và đích thân hành lể, tiễn đưa linh vị cho người quá cố đến nơi chôn cất cuối cùng.
Còn nhiều câu chuyện khác của các gia đình ở nông thôn, sống heo hút trong tận ruộng sâu xứ quê nghèo Bình Định; Gia đình người ta có đại tang, nên đến thỉnh với tâm đạo thiết tha nồng nàn.
Biết họ quê mùa nhưng thầy thương, vẫn nhận lời. Đường ruộng xa xôi, cuộc sống vất vã, cơ cực nhiều gia đình không có được một chiếc ghế đàng hoàng để mời thầy ngồi và không có được chiếc bàn để thờ cho tươm tất. Thầy phải tự tay giúp tang chủ lau dọn, chỉ họ thiết lễ bàn thờ và phải lặn lội tới lui nhiều lần để cầu nguyện cho họ. Từ trước đến nay thầy chưa từ lãng một đám thỉnh nào.
Từng công từng việc đối diện, thầy độ người trong nhân ái đạo tình đã là những hình ảnh quý giá in đậm trong trí nhớ của chúng con; Khiến chúng con vô cùng xúc động và tự cảm niệm được nguồn hạnh phúc vô lượng vì kiếp này được làm đệ tử của người.
Thương nhớ thầy, một đại lão hòa thượng tuổi đời trên bát tuần nhưng khi sanh tiền bước chân vẫn rắn chắc, dong ruổi ngược xuôi, nay đây, mai đó liên tục vì trách nhiệm Phật sự. Từ Saigon đến Quy Nhơn, từ vùng cao nguyên Trung phần, Kontum, Phú Bổn đến Quãng Ngãi, Nha Trang, Tuy Hòa, Tiền Giang khắp nẽo. Nơi nào có tiếng kêu cầu là nơi ấy có hình bóng của người đi đến. Nhưng dẫu tuổi cao, sức yếu, Phật sự đa đoan, hành trình vất vã và cuộc sống tu hành kham khổ thầy luôn vẫn hoan hỷ, hoạt bát và nhẹ nhàng.
Chúng con không làm sao quên được hình bóng thân thương, giản dị nhưng tuyệt đối uy nghiêm của thầy.
Đời sống của người đơn sơ nhưng cung cách lại ẩn một phong độ phi phàm; Thanh thoát nhưng oai nghiêm, quắt thước nhưng nhân từ. Thầy là vị thiện nhơn, biện tài nổi bật của Tăng già Phật Pháp mà muôn người biết đến.
Lưu loát, biện tài nhưng không vướng vào bát nạn. Lời thầy chỉ dạy luôn hàm súc nét từ hòa, trang nghiêm và chân chính. Chính vì thế mà Thầy được Tứ Chúng đồng khen ngợi người là Đệ Nhất “Ái ngữ” trong chư tăng của cả tỉnh.
Chúng con mãi mãi ghi nhớ hình bóng của thầy, thầy là biểu tượng đặc sắc thể hiện tinh thần pg hài hòa đi vào thế gian.
Quê hương VN là chuỗi dài của những biến động chính trị, và sinh hoạt của PG đã luôn gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc. Quê hương miền Trung vì cùng một nhịp thở với cả nước nên không có sự ngoại lệ khi quê nhà chiụ bao cảnh chiến tranh và đàn áp. Lòng tham và sự thù hận đã dìm con người vào cơ khổ. Đời sống sanh linh bị đọa đày và gián cấp xuống đến tận cùng.
Chính vì những lý do ấy mà ở thời điểm nào và trong bất kỳ thể chế chính trị nào thì thầy vẫn xác định cho mình, là người tu sĩ PG vẫn phải luôn dấn thân đi vào thế giới đổ nát ấy để làm dịu nổi khổ đau, xây dựng lại nhân phẩm và ra tay, tận sức ươm cấy, chăm sóc các hạt giống Bồ Đề cho nhân gian.
“Từ ái thị chúng sanh”
Dùng ánh mắt yêu thương để nhìn cuộc đời.
Chính vì triết lý của Phật giáo là không nhìn chúng sinh bằng ác kiến; Nên cuộc sống mà thầy biểu thị cũng không có sự đố kỵ nào đối với hoàn cảnh, con người và xã hội bao giờ.
Hành trạng của người trước là như vậy và sau cũng là như vậy! Chỉ hết lòng phục vụ Phật pháp và xã hội con người. Đối lại xã hội cũng luôn dành cho thầy sự tôn kính và đảnh lể trong mọi thời.
Điều này đã minh chứng tiềm năng vô song sức mạnh “Trí Tuệ” và “Lòng Từ Bi” của PG trên mọi quốc độ.
Bạch thầy, người là biểu tượng của lòng từ bi và vô úy.
Con vẫn còn nhớ như in hình ảnh thầy năm 1975 trên chiếc xe Jeep quân đội từ chùa Từ Vân, Cam Ranh, thầy đã đến chia tay chúng con để về lại Qui Nhơn. Chúng con lo cho sự an nguy của thầy vì giặc giả, chiến tranh lúc đó. Thầy về lại quê thì nhất định sẽ gặp nạn. Nhưng thầy dạy chúng con rằng, thầy phải về vì Phật tử một số đã trở về lại quê. Thầy tâm sự
“Chỉ cầu Phật gia hộ, sống chết có số; Người ta ở tù, thì mình ở tù;
Người ta chết, thì mình cùng chia xẻ với họ; Đồng bào Phật tử đang cần có thầy”.
Đã có ai đối diện với chuyện sống, chết, tù tội mà không sợ, Không muốn tránh?
Biến cố tháng 4 / 1975 vẫn còn là nổi kinh hoàng trong lòng nhiều người; Là thảm cảnh đau thương, tàn khốc và tang tóc nhất của cuộc chiến tại quê hương VN.
Trong hoàn cảnh, lúc mà mọi người cả nước hầu như đang bị hoảng hốt trong kinh sợ, chết chóc, lo cho an nguy bản thân. “Di Tản”,“Tỵ Nạn” hay “Tìm Đường ra đi” là những suy nghỉ tiên khởi nhất của đa số người ta ở giờ phút sống và chết trong máu lửa ấy, thì bằng tâm nguyện của Bồ Tát đi vào thế gian, thầy đã dấn thân, thầy dám đương đầu chấp nhận sự nguy hiểm và quyết định trở về quê với đồng bào Phật tử của mình.
Thời thế giặc giả, loạn lạc căng thẳng. Phật tử ai cũng âu lo cho thầy trong lúc chính quyền mới nghi ngờ rằng thầy là ngụy quyền Saigon, là CIA Mỹ nên sau khi thầy về lại Qui Nhơn ít lâu thì họ đã đến đọc lịnh, bắt thầy và niêm phong cả chùa Pháp Hải.
Dù sự nghi ngờ là đúng hay không đúng thầy đã phải chịu gian truân trên 6 năm tại trại cải tạo K18, một địa danh rùng rợn, rừng sâu nước độc của rừng Trường Sơn. Trại tù này là nơi chuyên để nhốt những người tù nguy hiểm của Bình Định và Quãng Ngãi lúc đó.
“Nhất nhật tại tù như thiên thu tại ngoại.”
Ai đã ở trong lao ngục thì chắc mới thấm thía với ý nghĩa này!
Nhưng thầy không khi nào phiền trách ai, cũng không khi nào dạy chúng con nhìn cuộc đời bằng sự than oán!
Có lẻ đối với thầy, cuộc sống ở bên trong trại tù hay bên ngoài cũng không khác là mấy? Thực tế cách sống đạo hạnh của người đã khiến cho nhiều tù nhân và thậm chí cả cán bộ quản giáo trại phải kính nể: Để rồi khi được trả lại tự do nhiều người trong họ, đã cùng cả gia đình đến xin qui y với thầy.
Lớn lên thì con mới hiểu sâu sắc hơn về đức độ cao cả của người.
Thật mầu nhiệm! Thầy đã sống với hạnh nguyện dấn thân vì đời, vì người.
Thầy đã tự mình bước sâu xuống một bậc tù, từ trong nhà tù Tam giới này; Đã tự mình xông vào cảnh giới của khổ nạn, nơi mà người thường, không có ai dám bước đến, chỉ vì tâm nguyện tiếp tục giữ vững ngọn đèn chánh pháp của đấng Từ Phụ Bổn Sư; Tình nguyện làm ngọn hải đăng trong biển đêm đang dông bão tăm tối, để soi rọi và cứu vớt tuệ mạng của đồng bào mình, khỏi bị trầm luân đọa lạc.
Thầy là người đã nhất tâm phụng hành trọn vẹn bản nguyện độ sinh của chư Phật, là:
“Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”
Để dù phải vương bao nhiêu kiếp nạn và dù là ở chốn khốn khó nào. Cảnh ngộ dù là phải vào trại cải tạo, cảnh giới địa ngục của kiếp người, thầy vẫn sẳn sàng đến và vẫn cố gắng thắp sáng niềm tin chánh pháp cho chúng sinh nơi ấy, khiến họ tìm gặp được Phật pháp.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Không cần an lạc cho riêng mình,”
“Chỉ nguyện cho chúng sinh được hết khổ.”
“Đây là tâm Đại Bi độ khắp tất cả chúng sanh của Bồ Tát.”
Kết quả là chính nhờ vào hình bóng của thầy mà đạo tâm của một số đồng bào Phật tử không bị thất tán do hoàn cảnh chiến cuộc, hay tranh chấp ý thức của xã hội đẩy đưa.
Nhờ một phần công sức của thầy mà Trường Phật Học Nguyên Thiều và Gia lai được thành lập. Nhờ ân đức của thầy mà hàng nghìn chư tăng ni sinh sau 1975 đã được xuất gia và đào tạo tại quê nhà. Giúp mạng mạch của chánh pháp Như Lai được duy trì. Chúng con thành tâm đê đầu xin đảnh lễ, tán dương công đức vô lượng của thầy.
Con xin được cung kính nhắc lại kỷ niệm về thầy qua cách sống giản dị nhưng sức chịu đựng rất cao.
Tết năm 1976, khi từ Saigon về lại Quy Nhơn con đã chứng kiến cảnh thị xã thay đổi rất nhiều. Dân chúng và thành phố xơ xác lắm. Nhưng dường như cảnh khổ không làm khó được thầy.
Tại chùa Pháp Hải chỉ còn lại có Thầy và chú Điệp (nay là thầy Nhuận Hương) cảnh vật trông buồn vắng, âm thầm. Thầy đang lo cuốc đất trồng rau. Nhiều ngày thầy phải cuốc và làm việc tới tối mới vô. Mỗi sáng còn phải kéo cộ để chở rau ra chợ đổi gạo. Con về thăm nhà nhưng suốt ngày ở trên chùa với thầy.
Con nhớ, mỗi chiều gần đến tối, ngưng tay cuốc thầy mới vô ăn cơm. Quê miền Trung, chùa ăn cơm toàn độn; Củ mì chiếm đầy nồi. Thầy ăn cơm ấy với cải muối trong chùa tự làm. Cơm khó ăn, con còn nhỏ, ăn không được, nhưng thấy thầy thì rất bình thường và ăn thật ngon lành.
Đôi khi thầy dùng lá cải mà chùa trồng, đem cuốn với cơm rồi chấm nước muối, nhưng thầy vẫn cười, vẫn ăn thong thả, tự nhiên như đang thưởng thức những món khoái khẩu vậy.
Phong độ của thầy qua chuyện lao tác, ăn, nghỉ đơn sơ luôn ghi khắc trong con những kỷ niệm thương nhớ khó quên về người.
Kỷ niệm khó quên về thầy, một hình ảnh trang nghiêm, uy thế nhưng cư xử giản dị, khoan dung.
Tuy tuổi người đã trọng nhưng tâm hồn vẫn rất nhẹ nhàng, giản dị; Thầy vẫn thích cho phép chúng con gọi người bằng “thầy”.
Gia đình của con, thế hệ ba má con mới là đệ tử của thầy, một lòng cung kính. Lũ chúng con là hàng con cháu, còn rất nhỏ nhưng người rất đặc biệt; Để gần gủi, thầy cho phép tất cả đều gọi người là thầy.
Kỷ niệm khó quên này đã xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán khoãng những năm 1970; Chúng con tập viết thiệp để chúc Tết thầy. Nhằm cho lời lẻ thêm trang trọng chúng con đã ghi là kính chúc Thượng Tọa Chánh Đại Diện…
Thầy đọc và đã dạy rằng: “Các con nên viết là kính chúc Thầy, chữ thầy là đủ trọn vẹn ý nghĩa rồi!” Từ ấy chúng con thấy càng thương và càng gần thầy hơn!
Kính bạch thầy! Một kỷ niệm nữa thật khó mờ phai trong con là ngày xưa lúc còn nhỏ do thường được ở bên thầy; Con còn nhớ thầy bảo con giải thích tại sao gọi, “Thầy là thầy tu mà không phải là thầy chùa?”
Câu hỏi vui cuả thầy tuy đơn giản ngày ấy nhưng đã dạy cho con hiểu được chí cả mà thầy mình đã hiến dâng với hết một cuộc đời.
Hôm nay ngày lễ chung thất của thầy; Chúng con xin thành kính tưởng nhớ Thầy.
“Vũ trụ chức phận nội, Đấng trượng phu một túi kinh luân”
Trọn cuộc đời của thầy là bậc thượng sĩ xuất trần, chí cả to rộng, nhập thế độ đời.
Thầy Không vì niềm hỷ lạc riêng tư để chỉ đề cao những chuyện hủ dưa, lọ tương quanh quẩn…
Người đã sống và thực sự sống vì chí nguyện,
“Thượng cầu Chư Phật, hạ độ chúng sanh”
Đã lưu lại một tấm gương tròn sáng, cao quý để cho hàng hậu học noi theo. Chúng con xin cung kính nguyện cố gắng noi gương thầy, chăm lo tu học chánh pháp, suốt đời kiên cố đạo tâm. Tùy hoàn cảnh, tích cực giúp đời, giúp người để Phật Pháp muôn thửa trường tồn, sanh linh hằng sa được triêm ân đức Phật.
Nguyện cầu Giác Linh thầy cao đăng Phật Quốc vì thương xót sanh linh cỏi thế gian này, xin thầy tiếp tục hạnh nguyện Bồ Tát tái nhập Ta Bà.
Chúng con nguyện cầu được gặp lại thầy trong kiếp vị lai và được thầy giáo hóa để tiến tu trên hành trình giải thoát.
Nam Mô Lâm Tế chánh tông Tứ Thập Ngũ thế, Sắc Tứ Tự Thiên Đức đường thượng, Hòa Thượng Bổn Sư thùy từ chứng giám.
Đệ tử chúng con đồng kính bái.
Nhựt Thuần – Nguyễn Đình Hậu