- Chùa Quốc Ân, Ngôi Tổ Đình Thiền Phái Lâm Tế ở Huế, Chùa Đại Trùng Tu
- Chùa Trúc Lâm (Huế) với hai vị Đanh Tăng Việt Nam thế kỷ 20: Hòa Thượng Giác Tiên & Hòa Thượng Mật Hiển
- Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự, Huế với Tăng Cang Hòa Thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh
- Chùa Thánh Duyên (Huế), Ngôi Quốc Tự trên Đất Thần Kinh
- Tổ Đình Thiền Tôn, Huế - Nơi xuất phát Pháp Pháp Liễu Quán của Phật Giáo Việt Nam
- Tổ Đình Từ Hiếu, Ngôi Danh Lam Cổ Tự Trên Đất Thần Kinh
- Chùa Phù Bài, Thừa Thiên Huế - Mái nhà tâm linh của người dân Thủy Phù, Hương Thủy.
- Chùa Cát Tường - Ngôi chùa tọa lạc bên trong kinh thành cố đô Huế.
NGÔI QUỐC TỰ TRÊN ĐẤT THẦN KINH.
Bài viết của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc
từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Chùa Thánh Duyên thường gọi là chùa Túy Vân, tọa lạc trên núi Thúy Vân, thuộc làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.Thúy Vân là ngọn núi nhỏ ở giữa đầm nước mặn Cầu Hai, gần cửa Tư Hiền. Ở đây, cảnh quan tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình!
Chùa là một trong ba ngôi quốc tự ở Thuận Hóa (Thiên Mụ, Thánh Duyên và Diệu Đế). Chùa cách kinh thành Huế khoảng 60 km đường bộ về phía đông nam.
Chùa được chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho xây dựng trên sườn núi làm nơi cầu phúc và ban tên núi là Thúy Am. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu ngôi chùa.
Trong sách Những ngôi chùa Huế, tác giả Hà Xuân Liêm đã dẫn một số tài liệu xưa viết về ngôi chùa và Quy Sơn (núi Rùa - phía đông của núi Thúy Vân) như sau:
“Lê Quý Đôn đã ghi trong sách Phủ Biên tạp lục: “Năm thứ tư, Bính Ngọ (1666), Phúc Tần đi chơi cửa biển Tư Dung, sửa chùa Hòa Vinh ở núi Quy Sơn rất là rộng đẹp”.
“Trong sáchPhủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết tại Triêu Dương Các trước kinh thành Phú Xuân vào năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), ông viết: “Núi Quy Sơn ở huyện Tư Vang gần xã Hoài Vang, biển cả bao phía đông, biển cạn ôm phía tây. Phía nam là cửa Tư Dung, trên núi có tháp cổ”.
“Trong đoạn “Lại kính xét”, sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Năm Đinh Mùi thứ 19, Thái Tông ngự giá ra chơi cửa biển Tư Dung (sau là Tư Hiền) thấy phong cảnh Quy Sơn (nay là núi Linh Thái) đẹp tốt, trên đỉnh núi có tháp cổ Chiêm Thành, thường tỏ linh thiêng, bèn sai Thủ Bạ Trần Đình Ân lấy đất dựng chùa Phật, gọi là chùa Vinh Hòa, sau trải loạn lạc, chùa bị bỏ, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) sai tu bổ lại cùng với chùa Thúy Vân”.
Tác giả Hà Xuân Liêm cho biết chùa Hòa Vinh (hay Vinh Hòa) được chúa xây dựng rộng đẹp thì chắc chúa phải mời một vị sư đến trú trì, phải chăng đó là Thiền sư Hương Hải?
Trang thuongchieu.net cho biết Sư Hương Hải thuở nhỏ đã thông minh tài giỏi, năm 18 tuổi thi đỗ Hương tiến (Cử nhân) được chọn vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn. Sau lại bổ Sư ra làm Tri phủ phủ Triệu Phong. Năm 25 tuổi, Sư tìm vào học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ, được Sư phụ đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau, Sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học. Hơn ba năm sau, Sư từ quan xin xuất gia rồi dong thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh ở tu.Sư chuyên tu ở đây hơn tám năm, nhân dân ngưỡng mộ. Đặc biệt, Sư trì chú, lập đàn và chữa bệnh cho nhiều người, trong đó có người vợ của Thuần quận công trấn thủ Quảng Nam, quan Tổng thái giám là Hoa Lễ Hầu ở Quảng Nam … nên Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần ngưỡng mộ, sai sứ thỉnh Sư về doanh phủ rồi lập Thiền Tĩnh Viện ở núi Quy Kính mời Sư trụ trì. Bà Quốc Thái phu nhân cùng ba công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều xin quy y; quan dân quân lính đều kính mộ, xin quy y có đến một ngàn ba trăm người.
Về sau, do có kẻ ganh ghét tâu với chúa Nguyễn là Sư có âm mưu định trốn về Bắc nên chúa lệnh cho Sư về Quảng Nam. Thấy không còn thuận lợi cho việc tu trì và hoằng pháp, Sư đã cùng năm mươi đồ đệ đóng thuyền vượt biển về Bắc vào năm 1682.Năm 1700, Sư cho xây dựng lại chùa Nguyệt Đường rộng rãi và đẹp đẽ, học trò theo hơn bảy mươi người đều tinh thông kinh luật. Chính nơi đây, Sư làm hưng thịnh lại thiền phái Trúc Lâm.
Đến thời Tây Sơn (1788-1801), Thiền Tĩnh Viện mất luôn dấu tích. Về sau, vua Minh Mạng cho dựng lại Trấn Hải Tự (chùa Hòa Vinh cũ) và Vọng Hải Lâu tại Quy Sơn cùng với chùa Thánh Duyên ở núi Thúy Vân.
Thúy Vân là hòn núi nhỏ thuộc một chi của Hải Vân Sơn khi ra gần đến biển, giữa đầm nước mặn Cầu Hai. Tác giả Hà Xuân Liêm cho biết, ngày xưa, khi cho mở rộng Thiền Tĩnh Viện ở núi Quy Cảnh, chúa Nguyễn Phúc Tần cũng đã làm một ngôi am nhỏ trên núi Thúy Vân, gọi là Mỹ Am, tên núi lúc đó được gọi là Mỹ Am Sơn.
Đến năm 1835, vua Minh Mạng tuần du về Mỹ Am Sơn, cho đổi tên là Thúy Hoa Sơn. Đến đời Thiệu Trị, vì kỵ húy tên mẹ là Hồ Thị Hoa, nhà vua đã hạ chỉ đổi tên Thúy Vân Sơn. Vào đời Tự Đức gọi là núi Thúy Anh, nhưng tên núi Thúy Vân vẫn được gọi thông dụng cho đến ngày nay.
Để trùng kiếnngôi chùa cổ từ các chúa Nguyễn, vào mùa thu năm 1836, vua Minh Mạng đã cho xây chùa trên nền móng chùa Mỹ Am cũ, đặt tên chùa Thánh Duyên với ý để giữ lại dấu vết của đức Hoàng Tổ.Tháng giêng năm 1837 thì chùa hoàn thành. Tháng ba năm 1837, vua và Hoàng thái hậu về thăm chùa, dự lễ kỷ niệm thất tuần đại khánh của Hoàng thái hậu (70 tuổi),vua ngự chế câu đối cho khắc treo ở chùa như sau:
聖即是佛佛即是聖有是聖方開佛法之崇深
緣本有因因本有緣有是緣乃廓善緣之廣被
Phiên âm:
Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm;
Duyên bản hữu nhân, nhân bản hữu duyên, hữu thị duyên nãi khoách thiện nhân chi quảng bị.
Dịch nghĩa:
Thánh tức là Phật, Phật tức là Thánh, có Thánh kia nên phép Phật mới mở mang rộng rãi;
Duyên vốn ở nhân, nhân vốn ở duyên, có duyên ấy thì nhân lành mới lan tỏa bao la.
(Trích: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142).2017)
Theo văn bia chùa Thánh Duyên do vua Minh Mạng ngự chế thì phía sau chùa Thánh Duyên, lên lưng chừng núi, vua cho xây Đại Từ Các; lên cao trên đỉnh núi có Điều Ngự Tháp3 tầng. Trong Điều Ngự Tháp, tầng trên thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật; tầng giữa thờ Nhân Gian Điều Ngự Phước Bị Quần SinhVạn Thiện Chí Tôn; tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diêm La Chủ Tể. Vua còn cho dựng đình Tiến Sảng, lầu Huân Phong và lập hành cung … làm Thúy HoaSơn trở thành một danh lam thắng cảnh!
Đến đời vua Thiệu Trị, vua đã đổi tên núi là Thúy Vân Sơn và liệt vào hàng thứ 9 trong 20 thắng cảnh xứ Thần Kinh. Vua cho làm bài thơ “Vân Sơn thắng tích” khắc vào bia đá dựng ở chùa.
Đến đời vua Tự Đức, các ngôi quốc tự trong đó có chùa Thánh Duyên đều đượcbổ nhiệm Tăng cang để thống suất tăng chúng, quản lý tự viện và hưởng chu cấp của triều đình. Chùa đã được cấp nhiều ruộng đất để làm ruộng hương đăng và đã được trùng tu nhiều lần.
Châu bản triều Nguyễn còn ghi lại khá đầy đủ về những lần hư hỏng và trùng tu đó. Cụ thể như: “Bản tấu ngày 13 tháng 6 năm Thành Thái thứ 9 (1897) của Bộ Công về việc chuẩn cho Chưởng vệ doanh Kỳ Vũ được thanh toán các khoản vật liệu, tiền công chi sửa chữa gác Đại Từ chùa Thánh Duyên; trận bão năm Duy Tân thứ nhất (1907) làm cho chùa Thánh Duyên bị hư hỏng nhiều chỗ, ngói lợp bị bay rơi không thể thờ cúng đã được quan Bộ Lễ là Lê Trinh báo cáo, Bộ Công đã phái thuộc viên đến chùa kiểm tra, xem xét hạng nào hư hỏng bao nhiêu đều ghi chép đầy đủ, dự trù nhân công, vật liệu tổng cộng chi khoảng 1170 đồng xin trích từ khoản tiền công tác năm tại Kinh chi làm (theo bản tấu ngày 21 tháng 5 năm Duy Tân thứ 2 (1908) của Bộ Công); năm Khải Định thứ 2 (1917), Bộ Công xin trích khoản tiền công tác năm tại Kinh là 100 đồng và chọn ra một số ngói tốt để tu sửa lại phần mái của chùa Thánh Duyên do ngói bị bay, mưa dột”.
Trang đầu bản tấu của Bộ Công ngày 13 tháng 6 năm Thành Thái 9 (1897)
về việc chuẩn cho Nguyên Chưởng vệ doanh Kỳ Vũ
được thanh toán các khoản chi sửa chữa gác Đại Từ ở chùa Thánh Duyên.
Nguồn: TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn.
Tháng 2 năm 1996, chùa đã được công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia.
Do thời gian và thiên tai làm chùa hư hỏng nặng nên từ năm 2001 đến năm 2005, Giáo hội kết hợp với Sở Văn hoá và Thông tin (đại diện là Bảo tàng Tổng hợp) lập dự án và thực hiện công việc Đại trùng tu như ngôi chùa hiện tại.
Các vị Tăng cang, trú trì tại chùa Thánh Duyên qua các đời theo thứ tự thời gian như sau: (ở đây chỉ tìm được những ngài có tư liệu)
Ngài Tánh Thông - Nhất Trí được cử trú trì cho đến năm Nhâm Tý (1852) được thăng chức Tăng cang chùa Thiên Mụ.
Đến thời Tự Đức, Bộ Lễ đã cử ngài Liễu Đạo - Chí Tân thế danh Ngô Văn Hạnh làm trú trì, đến năm Ất Sửu (1865) thì ngài thị tịch.
Sau đó, năm Tự Đức 20 (1867), ngày 21 tháng 8 năm Đinh Mão, Bộ Lễ cử ngài Hải Trân-Thuỵ Uyển, thế danh Phan Thuỵ Uyển trú trì Thánh Duyên.
Ngài Thanh Thái - Huệ Minh được cử trú trì năm Nhâm Dần (1902) đến năm Kỷ Tỵ (1929) Tăng cang chùa Thánh Duyên.
Ngài Trừng Thuỷ - Giác Nhiên được Bộ Lễ cử trú trì năm Kỷ Mùi (1919), đến thời Khải Định được thăng chức Tăng cang.
Ngài Tâm Hương - Mật Hiển được Bộ Lễ cử trú trì năm Kỷ Mão (1939).
Sau khi Hoà thượng Mật Hiển thị tịch, Giáo hội lập Ban Quản trị Thánh Duyên quốc tự và cử Thượng toạ Hải Ấn đảm nhiệm Trưởng ban (1996) và rồi bổ nhiệm trú trì năm 2003 cho đến nay. Hoà thượng Hải Ấn đã mời Thượng tọa Minh Chính làm giám tự để chăm sóc mọi chuyện trong ngôi quốc tự này.
Được sự chỉ đạo của Hòa thượng Hải Ấn và sự hướng dẫn trực tiếp của Thượng tọa Minh Chính, chùa Thánh Duyên ngày nay có Đạo tràng niệm Phật, Đạo tràng Pháp Hoa và Đạo tràng tu Bát quan trai giới sinh hoạt định kỳ, có chư Tăng về thuyết giảng Phật pháp và truyền giới. Chùa cũng là nơi tham quan, chiêm bái của các đoàn Phật tử hành hương và khách du khách muôn nơi.
Đến chùa Thánh Duyên, trước khi bước lên các bậc cấp để lên chùa, bên phảicó tấm bia khắc ba chữ Hán “Thúy Vân Sơn”. Đi một đoạn ngắn, có một nhà bia, trong có tấm bia “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị.
Cổng tam quan chùa có hai tầng mái. Trên cửa giữa có ba chữ Hán:“Thánh DuyênTự”, lạc khoản bên phải ghi: “Minh Mạng thập thất niên cát nhật tạo”, lạc khoản bên trái ghi: “Bảo Đại thập lục niên đại trùng tu”. Trên cửa hai bên có hai bức hoành chữ Hán: “Phật nhật tăng huy”, “Pháp luân thường chuyển”.
Mặt trước cổng có hai cặp câu đối chữ Hán khắcdọc theo bốn cột trụ như sau:
1. Cặp giữa:
一 切 種 智 光 從 如 實 道 來 成 正 覺
無 盡 功 德 藏 闡 徵 妙 法 拔 濟 沈 迷
Phiên âm:
Nhất thiết chủng trí quang, tùng như thật đạo lai thành chánh giác;
Vô tận công đức tạng, xiển trưng diệu pháp bạt tế trầm mê.
Tạm dịch:
Vầng sáng nhất thiết chủng trí, từ đạo chân thật chuyển thành bậc chánh giác,
Kho tàng công đức vô tận, rộng đem diệu pháp để cứu độ quần mê.
(Hòa thượng Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)
2. Cặp hai bên:
人人佛性人此界他方歸覺海
法法平等法岩花野草總真常
Phiên âm:
Nhân nhân Phật tánh nhân, thử giới tha phương quy giác hải;
Pháp pháp bình đẳng pháp, nham hoa dã thảo tổng chân thường.
Tạm dịch:
Người người đều là người có Phật tánh, cõi này phương khác đều quay về biển giác;
Pháp pháp đều là pháp tánh bình đẳng, hoa rừng cỏ nội tất cả là chân thường.
(Hòa thượng Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)
Ngôi chánh điện kiến trúc hai tầng mái theo kiểu trùng lương trùng thiềm. Trên nóc giữa có hai hình rồng quay đầu vào một mặt rồng ở giữa đám mây.Chánh điện có ba gian hai chái lợp ngói liệt. Tiền đường có năm cửa ra vào.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hương án giữa thờ tượng Tam Thế Phật. Phía trước tượng Tam Thế, chùa an vị các tượng: Bồ tát Chuẩn Đề, Quán Âm Tống Tử, đức Phật Thích Ca, Thập bát A La Hán (bằng tre) … Án thờ hai bên tôn trí các tượng: Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng, Thập bát A La Hán (bằng đồng), Thập điện Minh Vương, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma …
Chùa bảo tồn được nhiều pho tượng cổ bằng đồng, bằng gỗ của thế kỷ 19. Hai bộ tượng đặc sắc là: bộ tượng Thập bát A La Hán bằng đồng (mỗi tượng cao 0,55m, ngang gối 0,40m, đặt trên đế cao 0,13m) và bộ tượng Thập bát A La Hán bằng tre thếp vàng (mỗi tượng cao 0,18m, bề ngang 0,06m, đặt trên đế cao 0,04m), được chạm khắc tinh xảo.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam hai bộ tượng A La Hán vào ngày 05/5/2008: “Ngôi chùa có bộ tượng Thập bát A La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất” và “Ngôi chùa có bộ tượng Thập bát A La Hán bằng tre thếp vàng xưa nhất”.
Ngoài hệ thống tượng cổ và quý, chùa còn có đại hồng chung “Thánh Duyên tựchung” lạc khoản chú tạo năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Chuông cao 1,28m, đường kính 0,69m, nặng 460 cân ta.
Ở Phật điện, có hai bức hoành quý treo ở giữa là: “Ngự tạo phụng Thánh DuyênTự” năm Minh Mạng thứ 17 (1836),“Phật Nhật Trùng Quang” năm Thành Thái thứ 7 (1895); và hai cặp câu đối chữ Hán:
- Cặp ngoài: (như trên đã viết)
Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm;
Duyên bản hữu nhân, nhân bản hữu duyên, hữu thị duyên nãi khoách thiện nhân chi quảng bị.
2. Cặp trong:
佛 即 心 感 發 時 何 必 真 靈 山 鷲 嶺
空 亦 色 繁 華 處 豈 不 是 鹿 苑 祇 圓
Phiên âm: Phật tức tâm cảm phát thời hà tất chân Linh sơn Thứu lĩnh;
Không diệc sắc phồn hoa khởi bất thị Lộc Uyển Kỳ Viên.
Tạm dịch:
Phật tức là tâm, khi cảm phát thì đâu cầnđích thật Linh Sơn Thứu Lĩnh;
Không cũng là sắc, nơi phồn hoa đâu chẳng phải Lộc uyển Kỳ Viên. (Lộc uyển, Kỳ viên, Linh Sơn và Thứu Lĩnh đều là những nơi đức Phật thường thuyết pháp)
(Hòa thượng Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)
Từ ngôi chánh điện nhìn ra, bên phải có nhà bia và tấm bia “Ngự chế Thánh DuyênTự chiêm lễ bát vận”. Bia bằng đá thanh, cao 2,00m, rộng 1,20m, dày 0,30m. Đầu bia trang trí lưỡng long triều nguyệt, phía dưới chạm hình sen cánh phượng; chung quanh diềm bia chạm hoa văn dây lá, hoa cúc.
Nguyên văn: 御製聖緣寺瞻禮八韻
殘缺昔幾盡 莊嚴今一新
祥光凝寶相 慧日炫金身
背倚翠花嶠 面臨小海濱
松關花笑客 石徑鳥迎人
磬韻穿林響 經聲蹺樹頻
幽巖應勝畫 妙景可夷神
叩祝祈慈壽 禱求福子民
敢云能後述 但得闡前因
此山昔時寺宇甚多皆皇祖顯宗孝明皇帝所建後經西山賊殘毀幾盡去年曾經臨幸念名山勝蹟不可淪沒無傳况此處是我皇祖為臣民求福且開年為聖母皇太后七旬大慶爰廣推慈念充擴聖緣於是年秋吉時于舊址建寺名聖緣寺言皇祖留蹟也故予所製對聯云
聖即是佛佛即是聖有是聖方開佛法之崇深
緣本是因因本是緣有是緣乃擴善因之廣被
又於其後山腰建一閣名大慈閣後於山巔建一塔名調御塔本年正月告成敬奉諸天尊佛曩以春初來暇臨幸茲三春和暢萬機稍暇親掖安輿登斯名勝輝煌殿宇寶相莊嚴悅懌聖心康强步履顧諭予曰皇帝可謂善繼善述矣予小子謝不敢當但能上副皇祖之善心次悅皇母之慈念籲祈聖母遐齡上壽家國安寧下暨臣民咸蒙康泰年豐河順內靜外安寔予之素願者也
即河中海兒
Phiên âm: Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận
Tàn khuyết tích cơ tận,
Trang nghiêm kim nhất tân.
Tường quang ngưng bảo tướng,
Tuệ nhật huyễn kim thân.
Bối ỷ Thúy Hoa kiệu,
Diện lâm Tiểu Hải tân.
Tùng quan hoa tiếu khách,
Thạch kính điểu nghênh nhân.
Khánh vận xuyên lâm hưởng,
Kinh thanh nhiễu thụ tần.
U nham ưng thắng họa,
Diệu cảnh khả di thần.
Khấu chúc kỳ từ thọ,
Đảo cầu phúc tử dân.
Cảm vân năng hậu thuật,
Đãn đắc xiển tiền nhân.
Dịch nghĩa: Bài thơ tám vần vua làm: Đi xem lễ chùa Thánh Duyên
Dấu xưa tàn hỏng cả,
Chùa mới đã dựng xong.
Tượng báu mây lành phủ,
Thân vàng ánh tuệ phong.
Sau lưng sườn núi tựa,
Trước mặt bến đầm trông.
Đón khách, chim đường đá,
Đưa người, hoa cửa thông.
Khánh ngân vang núi thẳm,
Kinh đọc quyện cây đồng.
Non vắng xanh tươi vẻ,
Cảnh xinh khoan khoái lòng.
Mẹ già cầu thọ mãi,
Con đỏ hưởng ơn chung.
Dày dặn nhân xưa đó,
Thân này dám kể công!
(Trích: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142).2017)
Phía sau điện Phật là nhà Tổ thờ các ngài Tăng cang, trú trì đã viên tịch.
Ra cổng hậu đi lên lưng chừng núi có Đại Từ Các, bên trong có bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm. Từ đây, có đường dẫn lên đỉnh núi, nơi có Điều Ngự Tháp cao hơn 13m, xây trên nền đá. Tháp hình vuông, 3 tầng, dưới lớn trên nhỏ dần, mỗi tầng đều trổ 4 cửa tò vò. Ở đây có tấm bảng chạm khắc 3 chữ Hán: “Điều Ngự Tháp”. Ở chóp tháp có một cây trụ bằng đồng gắn pháp luân treo những quả chuông nhỏ gọi là “linh”.
Vua Minh Mạng đã có hai bài thơ về hai công trình này:
Nguyên văn: 大慈閣
高閣據山腰 俯觀景色饒
登臨逾百級 峻峙聳層霄
北列群峰拱 南來大海朝
幽林樹密密 曲徑路迢迢
花雨半空落 香風午日飄
真如居勝地 金榜大慈標
登調御塔
巍峨寶塔據山巔 十級而登豈倦焉
四面遐觀臨大地 三層敲矗立中天
永留調御千秋在 常轉法輪萬古傳
內典未諳通妙諦 善心充擴悟真詮
Phiên âm: Đại Từ Các
Cao các cứ sơn yêu,
Phủ quan cảnh sắc nhiêu.
Đăng lâm du bách cấp,
Tuấn trĩ tủng tằng tiêu.
Bắc liệt quần phong củng,
Nam lai đại hải triều.
U lâm thụ mật mật,
Khúc kính lộ thiều thiều.
Hoa vũ bán không lạc,
Hương phong ngọ nhật phiêu.
Chân như cư thắng địa,
Kim bảng Đại Từ tiêu.
Đăng Điều Ngự Tháp
Nguy nga bảo tháp cứ sơn điên,
Thập cấp nhi đăng khởi quyện yên.
Tứ diện hà quan lâm đại địa,
Tam tằng cao súc lập trung thiên.
Vĩnh lưu Điều Ngự thiên thu tại,
Thường chuyển pháp luân vạn cổ truyền.
Nội điển vị am thông diệu đế,
Thiện tâm sung khoách ngộ chân thuyên.
Dịch nghĩa: Gác Đại Từ
Tầng gác lưng chừng núi,
Cúi nhìn ánh nắng hây.
Cheo leo trăm bậc đá,
Chớn chở mấy tầng mây.
Cõi bắc triều che chắn,
Miền nam núi bủa vây.
Tít mù quanh lối ngõ,
Quạnh vắng rợp rừng cây.
Hoa tự lưng trời rụng,
Hương đang giữa ngọ bay.
Chân như nơi thắng địa,
Biển khắc Đại Từ đây.
Lên tháp Điều Ngự
Vòi vọi đầu non tháp báu phơi,
Trèo lên mười bậc khỏe như chơi.
Bốn bề trông rộng mênh mông đất,
Ba bậc vươn cao bát ngát trời.
Điều Ngự nghìn năm còn đứng mãi,
Pháp luân muôn thủa vẫn quay vời.
Xem kinh diệu đế dù chưa tỏ,
Lòng thiện tràn dâng đã rõ mười.
(Trích: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142).2017)
Vua Thiệu Trị đã cảm tác bài “Vân Sơn thắng tích” để nói lên cảnh đẹp núi Thúy Vân với ngôi phạm vũ Thánh Duyên quốc tự uy nghiêm, thanh tịnh.
Nguyên văn: 雲山勝蹟
翠雲山聳翠岑嶔嘘青紛郁外臨溟浡内瞰海兒淨土梵宫佛日增輝于四大摩空古塔法輪常轉于三天翠竹長松信是靈山鷲嶺黄花細草儼然香國祇園清幽之自在天極樂之慈悲境是爲神京之第九名勝也
樍翠巑岏不計春 蚪龍隐伏列嶙峋
惠風鐘度幽林響 空谷香羅法海津
樹戀慈雲浮碧落 徑穿僧屐雜紅塵
聖緣普濟咸歸善 佛蹟增光自有人
紹治三年閏七月吉日
恭鐫御製詩一首
Phiên âm: Vân Sơn thắng tích
Thúy Vân sơn tủng thúy sầm khâm hư thanh phân úc, ngoại lâm Minh bột, nội khám Hải nhi. Tịnh thổ phạm cung, Phật nhật tăng huy vu tứ đại; ma không cổ tháp, pháp luân thường chuyển vu tam thiên. Thúy trúc trường tùng, tín thị linh sơn Thứu Lĩnh; hoàng hoa tế thảo, nghiễm nhiên hương quốc Kỳ Viên. Thanh u chi tự tại thiên, cực lạc chi từ bi cảnh. Thị vi Thần kinh chi đệ cửu danh thắng dã.
Tích thúy toàn ngoan bất kế xuân,
Đẩu long ẩn phục liệt lân tuân.
Huệ phong chung độ u lâm hưởng,
Không cốc hương la pháp hải tân.
Thụ luyến từ vân phù bích lạc,
Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần.
Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện,
Phật tích tăng quang tự hữu nhân.
Thiệu Trị tam niên nhuận thất nguyệt cát nhật.
Cung thuyên ngự chế thi nhất thủ
Dịch nghĩa: Thắng tích núi Thúy Vân
Núi Thúy Vân sừng sững, xanh tốt rườm rà, ngoài ra biển cả, trong ngó đầm sâu. Cung phạm đất lành, ngày Phật sáng soi nơi tứ đại; ven trời tháp cổ, bánh xe quay mãi chốn tam thiên. Tre thắm thông cao, đấy hẳn non thiêng Thứu Lĩnh; hoa vàng cỏ mượt, rõ kia cõi bụt Kỳ Viên. Cảnh trời tự tại thanh u; vùng đất từ bi cực lạc. Ấy là danh thắng thứ chín ở chốn Thần kinh vậy.
Ba xuân sừng sững sắc xanh đông,
Ẩn náu quanh co những rắn rồng.
Rừng thẳm chuông ngân theo gió huệ,
Biển thiêng hương thoảng tự hang không.
Mây lành cây quyện lưng trời biếc,
Guốc sãi đường qua giữa bụi hồng.
Duyên thánh dắt người về nẻo thiện,
Chứng nhân, dấu Phật rõ ràng trông.
Ngày tốt tháng Bảy nhuận năm Thiệu Trị thứ 3 (1843)
Kính khắc một bài thơ vua làm.
(Trích: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142).2017)
Chùa Thánh Duyên, danh lam cổ tự xứ Huế, ngôi quốc tự trên đất Thần Kinh.
Võ Văn Tường
Tài liệu tham khảo:
Sách:
01. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
02. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
03. Võ Văn Tường (1992), Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp-Hoa, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
04. Võ Văn Tường, Lê Trần Trường An (2019), Chùa Việt Nam - Những kỷ lục vềDi sản văn hóa, ngôn ngữ: Việt - Anh, nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội.
Tạp chí:
01. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Thánh Duyên.
Website:
01. www.luutru.gov.vn Lê Thị Thông (2019), Thánh Duyên Tự qua tài liệu Châubản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
02. www.phatgiaohue.vnPhan Ngọc Thiện (2015), Quốc tự Thánh Duyên.
***