THĂM LẠI NGÔI CHÙA NƠI THÂM SƠN CÙNG CỐC
Sáng thuận duyên, tôi chạy xe máy thẳng một lèo 70km không nghỉ từ Nha Trang vô đến Chùa Núi Thanh Sơn (ở Cam Thịnh Đông- Cam Ranh), với thời gian 1 tiếng 45 phút, để thăm lại ngôi chùa cổ từng trở thành phế tích hoang tàn, những năm qua đã được Thầy Thích Quảng Tâm đảm nhiệm trọng trách trùng hưng di sản của tiền nhân tiền bối để báo đền trọng ân Thầy Tổ...
Xin nhắc lại một số chi tiết mà tôi đã từng kể qua một bút ký:
Khoảng những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước, núi Dốc Lân còn là một vùng hoang dã ma thiêng nước độc, nhiều thú dữ, như câu truyền khẩu "Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận", lại là vùng bất ổn do thường xảy ra xung đột sắc tộc giữa ba dân tộc Kinh, Chàm và Thượng, nên chẳng ai dại dột dám nghĩ đến chuyện chọn "đất cắm dùi" mà sinh sống, lập nghiệp.
Thế nhưng, có một người đã đến với núi Dốc Lân, một trong bốn ngọn núi nhỏ được xếp vào hàng Tứ Linh (Long Lân Quy Phụng) thuộc địa phận Cam Ranh, vùng giáp ranh với Phan Rang - Ninh Thuận, rồi phát hoang, dựng am cốc để tịnh tu với đại nguyện sẽ tạo dựng một chốn già lam thánh chúng để truyền bá chánh pháp nhà Phật mãi về sau...
Đó chính là Sa môn Thích Nhơn Hưng, là đệ tử của Tổ Phước Tường, húy thượng Thanh hạ Chánh, tự Quảng Đạt, bậc danh tăng thạc đức ở Phú Yên, sau này là Viện chủ Tổ đình Thiên Bửu (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa)...
Chùa Núi Thanh Sơn xưa kia được Tổ Nhơn Hưng trồng rất nhiều cây cỏ để làm dược liệu, trong đó có ngãi cứu và ngũ trảo chuyên dùng chữa lành vết thương, cầm máu nhanh, trị đau nhức xương khớp… Nhưng, đặc biệt nhất là loài Sứ Hoa Trắng, được Sư trồng bao quanh núi, rất nhiều đến nỗi sau này được nhắc đến qua một bài vè truyền tụng trong giới Phật giáo Khánh Hòa nói chung, và trong tông môn nói riêng:
“Me - Thiên Bảo, Gạo - Khánh Long, Thông - Nhơn Thứ, Sứ -Nhơn Hưng, Vừng - Nhơn Nguyện, Kiến - Nhơn Hoằng, Găng – Nhơn Lý, Thị - Thiên Ân…”
Vậy mà, than ôi… thế sự đảo điên, vật đổi sao dời, núi Dốc Lân trở thành nơi chốn hoang lạnh, núi trọc chùa tan, hàng hậu duệ trở về chứng kiến mà ruột cắt khúc, lòng quặn đau…
Tuy nhiên, vẫn còn một điều để an ủi, đó là cội Bồ Đề cổ thụ gần 100 tuổi nằm trong khuôn viên, phía bên tay phải của chánh điện cũ, qua bao năm thắng trầm đến nay vẫn được người dân trong vùng tôn kính “bất khả xâm phạm”, với dáng đẹp uy nghiêm sum suê cành lá, ngày hôm nay đã là nơi thiết trí tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca thành đạo, một khu vườn Thiền thật tĩnh lặng uy nghiêm...
Riêng các tôn tượng Phật và Bồ tát, Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma... đều cũ kỹ hư hỏng, vách chánh điện đổ nát, kỳ đài phế tích của ngôi chùa Thầy Tổ còn lưu lại đã được Thầy trụ trì giữ nguyên hiện trạng, không tôn tạo tu sửa, để đại chúng chiêm bái mà tưởng niệm tri ân tiền nhân đã dầy công khó nhọc trải qua biết bao năm thăng trầm kiến lập nên một ngôi già lam thanh tịnh nơi thâm sơn cùng cốc...
Chùa vẫn còn nhiều công trình dang dở, đường đi vào chùa còn gồ ghề lởm chởm, đến mùa mưa rất gian khổ để vượt qua...
Quan trọng nhất là ngôi Chánh điện, hiện chỉ đang là nơi thờ phụng Ba Ngôi Báu tạm thời, bốn bề trống vách, lễ đường chật hẹp...
Ngôi chùa nơi hoang vắng đìu hiu này rất cần sự chung tay góp sức, phát tâm cúng dường của đại chúng, của những người con Phật và của những người tín Phật bốn phương để ngôi già lam toạ lạc dưới chân núi ngày càng được hoàn thiện trang nghiêm, trở thành nơi cho Phật tử vào lui tới bái Phật lễ Tăng và tu tập chánh pháp.
Trân trọng giới thiệu đến chư vị một số hình ảnh về cảnh sắc của Chùa Núi Thanh Sơn mới ghi nhận vào ngày 24/8/2022.